Tin Việt Nam – 15/03/2018
Một nhà hoạt động xã hội
bị đánh trong ngày kỷ niệm Gạc Ma
Một người hoạt động dân sự tại Hà Nội là ông Trương Văn Dũng bị công an đánh đập gây thương tích vào tối ngày 14/3.
Thông tin này được giới hoạt động bất đồng chí kiến loan báo trên mạng xã hội liên tục từ tối ngày 14 đến tối ngày 15 tháng 3.
Theo bà Nguyễn Thúy Hạnh, một nhà hoạt động bị công an câu lưu vài giờ đồng hồ tại cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an, ông Dũng bị đánh khi cùng một số người bạn đến cơ quan này đòi trả tự do cho bà Hạnh.
Tối 15 tháng 3, bà Hạnh cho chúng tôi biết những gì bà chứng kiến vào đêm 14 tháng 3:
“Anh Trương Dũng đang ngồi ở ngoài đường thì họ ra họ lôi vào, họ định cướp cái điện thoại iphone của anh Trương Dũng thì anh đập nó ra. Họ lao vào đánh anh ấy dã man, anh ấy bị đánh gãy hai răng cửa, họ đánh trong đồn công an thậm tệ, khi anh Dũng ngất đi thì họ thuê taxi chở anh Dũng đi rồi vất anh ấy bên lề đường gầ nhà anh ấy. Bây giờ thì anh ấy còn rất mệt.”
Chúng tôi không liên lạc được với ông Trương Văn Dũng và gia đình vì điện thoại của ông đã bị hỏng.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh bị công an câu lưu khi tham gia tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh khi bảo vệ đảo đá Gạc Ma hồi năm 1988 hôm 14/3 tại tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội. Bà Hạnh được trả tự do sau vài giờ bị công an thẩm vấn:
“Họ hỏi tôi hai vấn đề, thứ nhất là họ hỏi chuyện tôi quyên góp để thuê luật sư cho các tù nhân lương tâm sắp ra tòa. Thứ hai là chuyện tôi kêu gọi tham gia các cuộc tưởng niệm ngày 19/1, 17/2, 14/3.”
Ngày 19/1/1974 là ngày Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ngày 17/2/1979 là ngày Trung quốc phát động cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam. Ngày 14/3/1988 là ngày Trung Quốc đánh chiếm bãi đá Gạc Ma giết chết 64 thủy thủ Việt Nam.
Vào ngày 14 tháng 3 năm nay giới hoạt động cũng tổ chức dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma. Tại Sài Gòn không xảy ra đàn áp, tại Hà Nội đã xảy ra những vụ bắt bớ đánh đập như nêu trên, mặc dù phía cơ quan chính quyền Việt Nam năm nay cũng có tổ chức lễ tưởng niệm Gạc Ma.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/activist-beaten-police-hanoi-03152018111427.html
Đánh anh Trương Văn Dũng đến chết ngất,
Công an còn gây thù chuốc oán đến bao giờ?
Nguyễn Tường Thụy
Mãi 10 giờ đêm ngày 14/3/2018, khi nhận được thông tin từ chị Hợp, vợ anh Trương Dũng, chúng tôi đưa tin ngay lên facebook, mọi người mới biết anh Dũng bị đánh đến ngất. Ban đầu chị Hợp nghĩ anh bị côn đồ đỏ đánh ngoài đường vì anh Dũng ngất không hỏi được gì. Đến khi anh Dũng nói thều thào được 1 câu ngắn, mọi người mới biết là anh bị đánh ở chính cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an số 3 Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội.
Sau khi đánh anh ngất, chúng không đưa anh đi cấp cứu mà nhẫn tâm thuê taxi chở anh đến đầu ngõ nhà anh rồi vứt xuống, sau khi đã lột sạch gần 4 triệu đồng của anh. Điện thoại anh chủ động đập vỡ để không lọt vào tay bọn chúng. Cho tới 10 giờ đêm mới có người hàng xóm nhận ra anh, đưa về nhà giúp. Như vậy từ lúc anh bị đánh cho đến khi được đưa về là 4 tiếng, trong đó, chưa rõ thời gian anh nằm ở đầu ngõ là bao nhiêu.
Anh Huỳnh Ngọc Chênh kể lại: Lúc hơn 6 giờ chiều anh chạy đến cơ quan an ninh điều tra của Bộ công an số 3 Nguyễn Gia Thiều để hỏi về Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt vào đấy sau khi thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma thì đã thấy anh Dũng ngồi chờ sẵn trước cổng để ngóng tin chị Hạnh. Anh Chênh vào trước còn anh Dũng bị những kẻ mặc thường phục bắt vào sau. Khi bị bắt vào phòng hỏi cung, anh Chênh đang to tiếng với một tay an ninh rất mất dạy thì nghe tiếng la hét ở phòng bên. Có lẽ Trương Dũng bị đánh vào lúc đó.
Sau đó, nhân lúc không có ai trong phòng, anh Chênh mở cửa phòng la to về phía phòng hỏi cung bên cạnh, nhưng không có tiếng trả lời.
Một lát sau lại nghe tiếng la hét, anh lại xông ra gọi Trương Dũng, nhưng cũng không nghe tiếng la hét nữa và ngay lập tức anh bị kéo vào phòng khóa chặt.
Lời kể của anh Huỳnh Ngọc Chênh cho thấy ban đầu còn nghe tiếng la hét rất to, nhưng sau anh gọi thì thấy im lặng, chứng tỏ lúc ấy anh Trương Dũng đã bị đánh ngất.
Sau khi nhận được thông tin, anh em hoạt động XHDS đã đến ngay để đưa anh đi bệnh viện cấp cứu. Anh bị nhiều vết thâm tím vùng mặt, ngực và bụng, răng cửa bị gẫy…
Không kể những lần bị đánh ngoài đường, anh Trương Dũng từng bị đánh trong đồn công an rất nhiều lần và lần nào cũng đau. Tôi nhớ được những lần sau:
– Ngày 2/6/2013 anh đi biểu tình rồi bị bắt vào trại Lộc Hà. Tại đây anh bị đánh máu me đầm đìa ở đầu. Chúng đem vứt ngay trước cổng đồn, chúng tôi phải đưa anh đi bệnh viện.
– Ngày 2/4/2013 anh đi phiên tòa sơ thẩm Đoàn Văn Vươn, bị bắt vào đồn công an quận Hải An, Tp Hải Phòng. Khi đã đánh anh thỏa thuê, chúng mang lên xe chở đến Quán Toan rồi vứt ở đấy sau khi đã tước điện thoại của anh.
– Ngày 25/10/2013 anh đến đồn công an Thụy Khuê đòi đồ của dân oan bị tịch thu. Anh bị công an ở đây đánh gãy 3 xương sườn và bị cùm chân.
– Ngày 21/1/2015 anh cùng 11 người khác đến thăm ông Trần Anh Kim. Tất cả bị bắt vào đồn công an phường Trần Hưng Đạo Tp Thái Bình tỉnh Thái Bình và bị đánh hết sức tàn nhẫn, trong đó anh Dũng và JB Nguyễn Hữu Vinh bị đánh rất đau.
– Gần đây nhất là vụ Trương Dũng, Trịnh Đình Hòa, Mai Phương Thảo bị đánh tàn bạo khi bị bắt về đồn công an phường Minh Khai, Tp Phủ Lý tỉnh Hà Nam trong phiên tòa phúc thẩm Trần Thị Nga ngày 22/12/2017.
Như vậy, ít nhất, lần này là lần thứ 6 anh Dũng bị đánh trong đồn công an. Tôi nhớ được vì đa số những lần anh bị đánh có mặt tôi cùng tham gia sự kiện. Những lần anh bị đánh ngoài đường không kể.
Việc đánh người hoạt động đến ngất, cướp tiền và đồ ngay tại cơ quan Bộ công an là một hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng. Đặc biệt, lần này chúng đánh anh Trương Dũng sau khi anh thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, như thể để báo công với nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc. Mức độ tàn bạo, ngang ngược, trắng trợn, vô nhân tính của ngành công an đã leo lên một nấc thang mới. Công an Việt Nam còn gây thù chuốc oán với nhân dân đến bao giờ. Công luận trong và ngoài nước, các tổ chức nhân quyền quốc tế cần mạnh mẽ lên án hành động này.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Bộ TTTT: Thanh tra CP
‘sai kiến thức chuyên môn, áp đặt, suy diễn’
Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) hôm 15/3 mạnh mẽ phản bác kết luận của Thanh tra Chính phủ về thương vụ Mobifone mua AVG, nói rằng cơ quan này đã đưa ra các nhận định “không có căn cứ pháp lý”, “sai về chuyên môn”, “sai về thẩm quyền”, “suy diễn”, “có tính dẫn dắt để hiểu sai mục đích”. Tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ đăng tin về báo cáo phản bác này, các trang tin trong nước đã đồng loạt gỡ bài.
“Giãy chết”
Trước những phản ứng qua lại “gay cấn” xung quanh thương vụ liên quan đến cơ quan quản lý truyền thông, báo chí khiến một số nhà quan sát thời sự cho đây là phản ứng “giãy chết” và “không còn đường lùi” của một số quan chức liên quan.
Kết luận thanh tra kỳ này có cơ sở, có vẻ thuyết phục và khó phản bác, nếu không muốn nói là vẫn còn hơn nhẹ, ví dụ như phần nhận xét về trách nhiệm của Bộ TTTT hay Bộ Công an, đặc biệt là không nêu tên một quan chức nào cả.
TS. Phạm Chí Dũng.
Từ Việt Nam, nhà báo Võ Văn Tạo nhận định với VOA:
“Tôi cho đây là một trong những nỗ lực cuối cùng, vớt vát được gì thì vớt vát. Hình dung nôm na giống như con gà bị cắt tiết, nó giãy rất mạnh trước khi chết. Nhưng tôi chắc chắn rằng công chúng Việt Nam, những người có hiểu biết về luật pháp, sẽ không ai công nhận điều đó cả”.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà kinh tế và nhà báo độc lập ở Việt Nam, kết luận của Thanh tra Chính phủ lần này “thuyết phục” và “khó phản bác”. Ông nói:
“Tôi cho rằng kết luận thanh tra kỳ này có cơ sở, có vẻ thuyết phục và khó phản bác, nếu không muốn nói là vẫn còn hơn nhẹ, ví dụ như phần nhận xét về trách nhiệm của Bộ TTTT hay Bộ Công an, đặc biệt là không nêu tên một quan chức nào cả”.
TS. Phạm Chí Dũng cho rằng phản bác của Bộ TTTT là một phản ứng “không còn đường lùi”.
“Được ăn cả, ngã về không. Bây giờ không còn là 5 ăn, 5 thua nữa mà gần như thua rồi nên họ chỉ còn cách phản ứng mạnh, không còn đường lùi. Trước đây cũng có những vụ mà phía bị tố cáo phản ứng mạnh mẽ nhưng cuối cùng vẫn thua vì bên nguyên đưa ra những chứng cứ không thể phủ nhận”.
Theo chuyên gia kinh tế này, con số hơn 7.000 tỷ đồng thất thoát trong thương vụ này là khá rõ ràng.
Thương vụ “nghìn tỷ”
Thương vụ mua AVG của MobiFone bị dư luận chú ý sau khi doanh nghiệp nhà nước này bất ngờ công bố đã hoàn tất mua lại 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) vào tháng 1/2016, nhưng lại không tiết lộ giá trị hợp đồng mua bán. Con số 8.898,3 tỷ đồng (gần 400 triệu USD) mua AVG chỉ được tiết lộ vào tháng 11/2016, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng về việc thanh tra toàn diện thương vụ.
Vụ MobiFone mua AVG: ‘Nhả ra hết’ có thoát?
Kiến nghị khởi tố vụ Mobifone mua AVG
Trước áp lực từ dư luận cho rằng mức giá chuyển nhượng trên đã bị đội lên gấp nhiều lần so với giá trị thực của thương vụ để “ăn chia”, “lại quả”, tháng 7 năm ngoái, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng phải “khẩn trương” thanh tra vụ việc và ra hạn 50 ngày để báo cáo kết quả. Tuy nhiên, thời hạn này đã bị kéo dài cho tới hôm 8/3 vừa qua, khi ông Trọng một lần nữa lặp lại và nhấn mạnh đến mức độ “nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm” của vụ việc.
4 ngày sau, Bộ TTTT ra thông báo Mobifone và AVG đồng ý hủy bỏ hợp đồng mua bán. Nhưng động thái bất ngờ này tiếp tục bị công luận phản ứng mạnh và yêu cầu phải truy rõ trách nhiệm của các quan chức liên quan đến thương vụ nghìn tỷ này.
Ngày 14/3, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra và đề nghị khởi tố sau khi chỉ ra nhiều sai phạm “đặc biệt nghiêm trọng” của thương vụ Mobifone mua cổ phần AVG và đề nghị khởi tố điều tra.
Theo kết luận này, có rất nhiều khuyết điểm, vi phạm xảy ra ngay từ việc đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG, trong lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá trị, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; việc lập dự án đầu tư, trình Bộ TTTT phê duyệt; trong ký kết thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và trong việc thanh toán chi phí dự án.
Kết luận cho biết tình trạng tài chính của AVG rất xấu tại thời điểm Mobifone mua 95% cổ phần, nhưng công ty viễn thông lớn thứ hai của Việt Nam đã không những không nêu lên tình trạng này trong báo cáo để được phê duyệt đầu tư, mà còn “đánh giá khả quan” về tình hình tài chính, kinh doanh của công ty này.
Kết luận thanh tra nói vi phạm của Mobifone đã gây “nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước” khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó có khoản thiệt hại do mua lại nợ của AVG là 1.134 tỷ đồng.
“Sai chuyên môn, phỏng đoán, suy diễn”
Phản bác nhận định trên, Bộ TTTT nói “cho tới nay, chưa có bất cứ căn cứ nào cho thấy Dự án gây thiệt hại về kinh tế đối với Mobifone và với Nhà nước”. Trong văn bản công bố ngày 15/3, Bộ này nói “Thanh tra là một việc làm đòi hỏi tính chính xác, cụ thể, có căn cứ rõ ràng. Do đó, việc sử dụng khái niệm ‘nguy cơ’, một khái niệm mang tính chất phỏng đoán, diễn tả một sự việc chưa chắc đã xảy ra là không phù hợp”.
Văn bản của Bộ TTTT cho rằng phương pháp xác định thiệt hại vốn Nhà nước mà Thanh tra Chính phủ thực hiện bằng cách sử dụng giá mua cổ phần trừ đi giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm 31/3/2015 là “sai kiến thức chuyên môn”.
Tôi cho đây là một trong những nỗ lực cuối cùng, vớt vát được gì thì vớt vát. Hình dung nôm na giống như con gà bị cắt tiết, nó giãy rất mạnh trước khi chết. Nhưng tôi chắc chắn rằng công chúng Việt Nam, những người có hiểu biết về luật pháp, sẽ không ai công nhận điều đó cả.
Nhà báo Võ Văn Tạo.
Tương tự, với việc Mobifone mua số nợ phải trả của AVG, Bộ TTTT nói “Pháp luật về tài chính không quy định khi mua cổ phần của doanh nghiệp thì phải loại trừ (không thừa nhận) các khoản nợ phải trả. Cơ quan này còn đưa ra các ví dụ của Vietcombank, Vietttinbank, là những ngân hàng có số nợ phải trả cao hơn nhiều lần so với vốn chủ sở hữu, và nói rằng “nếu theo cách hiểu của Thông báo Kết luận thanh tra là phải loại trừ các khoản nợ phải trả thì giá mua cổ phần các ngân hàng này là dưới 0 đồng”.
Đối với việc thẩm định giá mua cổ phần AVG, phản bác lại kết quả thanh tra cho rằng Bộ TTTT đã “thiếu trách nhiệm” khi sử dụng mức định giá mà AVG báo cáo lên mà không có tài liệu chứng minh tính chính xác, trung thực của báo cáo này, Bộ TTTT nói “việc xác minh thông tin AVG đưa ra là không cần thiết” vì theo Bộ này, mức giá 8.898,3 tỷ đồng Mobifone đề xuất thấp hơn khoảng 7.000 tỷ đồng so với mức giá thấp nhất mà các tổ chức thẩm định giá đưa ra là 16.565 tỷ đồng (AMAX). Từ đó, Bộ TTTT cho rằng kết luận của Thanh tra Chính phủ “không đầy đủ, có tính chất dẫn dắt để hiểu sai mục đích”.
Riêng về kết luận Bộ TTTT đã không đưa ra quyết định phê duyệt dự án khi chưa được Thủ tướng phê duyệt, Bộ này nói viện dẫn Luật Đầu tư nói Luật này “không quy định Bộ TTTT phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hay chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án. Mặc dù vậy, Bộ TTTT vẫn thận trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Mobifone đầu tư mua cổ phần AVG”.
Ngoài ra, văn bản của Bộ TTTT còn cho rằng việc Thanh tra Chính phủ nói Bộ này “thể hiện cố ý làm trái” khi có các khoản đầu tư bên ngoài truyền hình trong cổ phần mua lại của AVG là một sự “suy diễn tho hướng có lỗi”, vì việc mua lại doanh nghiệp “không có khái niệm mua cổ phần ‘một bộ phận’ của doanh nghiệp.
Động thái phản bác của Bộ TTTT sau khi được một vài tờ báo đăng tin đã đồng loạt bị gỡ xuống chỉ trong chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Các nhà quan sát cho rằng đây là một hành động “can thiệp” rõ ràng ở cấp cao hơn cả Bộ TTTT, cơ quan quản lý báo chí của Nhà nước.
“Nếu quả thực báo chí phải gỡ bài vì chuyện này thì chắc chắn là có ý kiến chỉ đạo ít nhất là từ Ban Tuyên giáo Trung ương, nếu không muốn nói là từ Ban Bí thư”, TS. Phạm Chí Dũng nói.
Theo nhận định của nhà quan sát này, phản ứng mạnh của Bộ TTTT còn cho thấy việc “dàn xếp” hủy bỏ hợp đồng theo kiểu “nhả ra để thoát tội” không phải là “kịch bản được đạo diễn bởi Ban Bí thư”.
Ngoài ra, theo TS. Phạm Chí Dũng, phản bác theo kiểu tập thể của Bộ TTTT là không hợp lý, vì không phải quan chức nào trong Bộ TTTT cũng bị quy trách nhiệm trong vụ này.
Xác minh trách nhiệm của trung tướng Phan Văn Vĩnh
trong đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ
Liên quan đến công tác điều tra đường dây đánh bạc xuyên quốc gia với quy mô hàng nghìn tỷ đồng, từ ngày 14/3, cơ quan điều tra công an tỉnh Phú Thọ đã mời Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) lên làm việc. Mạng báo Vietnamnet loan tin này hôm 15/3.
Trước đó, cơ quan điều tra cũng đã về thành phố Nam Định để làm việc tại nhà riêng của tướng Vĩnh nhằm làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước khi ông còn làm Tổng cục trưởng. Hiện cơ quan điều tra vẫn đang khai thác thông tin và cho biết, không cứ gì ông Vĩnh mà bất cứ công dân nào có liên quan cũng đều phải trải qua quy trình tương tự.
Ông Phan Văn Vĩnh là nhân vật cao cấp thứ hai trong ngành công an được cơ quan điều tra mời lên làm việc, sau khi điều tra và khởi tố bắt giam nguyên Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hoá, nguyên Cục trưởng Cục Cánh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao về tội “Tổ chức đánh bạc”. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa bị công an tỉnh Phú Thọ khởi tố và bắt tạm giam hôm 11/3 để điều tra liên quan đến việc tổ chức đánh bạc trên mạng lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Ông Vĩnh từng là giám đốc Công an tỉnh Nam Định, và sau đó ghi dấu ấn trong vai trò làm lãnh đạo ở Tổng cục cảnh sát với việc chỉ đạo phá án thành công các chuyên án lớn như vụ án Lê Văn Luyện, thảm án ở Bình Dương hay bắt bầu Kiên… Tháng 04/2017 ông Phan Văn Vĩnh thôi giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát để nghỉ chế độ.
Thu hồi tiền vụ Mobifone-AVG ‘phải qua tòa án’
Một luật sư ở TP Hồ Chí Minh nói rằng kết luận thanh tra vụ Mobifone – AVG cần dự trên pháp luật và các luận cứ kinh tế, chứ “không thể duy ý chí”.
Hôm 15/3, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế giới Luật pháp, nói với Ben Ngô của BBC Tiếng Việt:
“Trừ khi có sự thỏa thuận giữa các bên, việc thu hồi tiền từ các cá nhân, tổ chức liên quan đến thương vụ này chỉ có thể được thực hiện theo phán quyết của tòa án có thẩm quyền.
Việc này không thể thực hiện được bằng một kết luận thanh tra hay quyết định hành chính.”
MobiFone mua AVG: Thu hồi tiền, xem xét khởi tố
Câu hỏi cho Hội nghị Trung ương 7?
Tổng thanh tra Chính phủ có tân lãnh đạo
Hủy thỏa thuận MobiFone – AVG: Bình luận trên Facebook
Không thể tự nhiên coi ‘hợp đồng vô hiệu’
“Nếu các công ty, cá nhân liên quan không tự nguyện trả lại tiền thì cách duy nhất mà Mobifone có thể lấy lại tiền là khởi kiện những công ty, cá nhân tham gia giao dịch với Mobifone ra tòa án có thẩm quyền để tuyên hủy hợp đồng đã ký.”
“Mà muốn hủy hợp đồng thì phải căn cứ vào quy định pháp luật, bên có lỗi thì phải bồi thường thiệt hại. Nếu không chứng minh được giao dịch đó bị lừa dối, đe dọa, ép buộc; đối tượng giao dịch, mục đích giao dịch trái pháp luật, trái đạo đức; giao dịch giả tạo; người ký hợp đồng không có thẩm quyền hoặc chưa được người có thẩm quyền chấp thuận thì không thể tuyên hợp đồng vô hiệu.”
Và ngay cả khi hợp đồng bị vô hiệu thì vấn đề bồi thường thiệt hại vẫn phải đặt ra.LS Phùng Thanh Sơn
“Và ngay cả khi hợp đồng bị vô hiệu thì vấn đề bồi thường thiệt hại vẫn phải đặt ra. Bên nào có lỗi dẫn đến việc hợp đồng bị vô hiệu thì có trách nhiệm bồi thường.
Nếu cả hai bên đều có lỗi thì việc bồi thường sẽ được xem xét trên cơ sở mức độ lỗi.”
Luật sư Sơn phân tích thêm:
“Vấn đề giá cao hay thấp không phải là yếu tố để hủy bỏ hợp đồng, đòi tiền lại. Mặc dù Mobifone là doanh nghiệp nhà nước nhưng trong quan hệ kinh tế với các tổ chức, cá nhân khác thì hoàn toàn bình đẳng.”
“Về nguyên tắc, thuận mua vừa bán nên không thể xử lý trách nhiệm của bên bán, trừ khi chứng minh được có sự móc nối giữa bên mua và bên bán để nâng khống giá trị giao dịch để rút tiền của nhà nước.”
“Riêng các cá nhân liên quan của bên mua, như lãnh đạo Mobifone, Bộ Thông tin-Truyền thông, các bộ ngành liên quan…nếu không làm hết các trách nhiệm luật định dẫn đến mua hớ cổ phần AVG thì có thể đối diện với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”
Hôm 13/03, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, nói với BBC:
“Có thể AVG nghĩ việc hoàn trả lại số tiền đã bán cổ phần thì nó sẽ trở thành một giao dịch bình thường, không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản nhà nước.”
“Tôi nghĩ cơ quan điều tra vẫn nên điều tra, thoả thuận thì thoả thuận, nếu có dấu hiệu gian dối, lừa đảo thì vẫn nên xử lý.”
Phạm Nhật Vũ muốn giao dịch AVG ‘chấm dứt nhanh’
Hủy thỏa thuận MobiFone – AVG: Bình luận trên Facebook
Mobifone huỷ hợp đồng với AVG trong vụ “nhạy cảm”
Còn luật sư Phùng Thanh Sơn thì cho rằng về mặt thủ tục, cần xem rõ có cá nhân nào cần bị xử lý theo luật hình sự hay là không:
“Trong trường hợp biết rõ việc mua cổ phần AVG phải trải qua các trình tự thủ tục nhất định nhưng không thực hiện thì những các cá nhân liên quan sẽ không bị xử lý hình sự, vì theo Bộ luật Hình sự 2015 thì tội danh cố ý làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng không còn áp dụng nữa”
“Nếu cơ quan điều tra chứng minh được có sự móc nối, thông đồng giữa các cá nhân bên bán và bên mua để nâng khống giá trị giao dịch nhằm rút tiền của nhà nước thì vụ việc có dấu hiệu của tội tham ô tài sản.”
Giá mua và tài sản
Dư luận vẫn đang quan tâm đến ‘giá mua bán’ từ mấy năm trước của hợp đồng Mobifone – AVG, nhưng theo ông Phùng Thanh Sơn, cần có cái nhìn khác:
“Trong hoạt động M&A thì việc quyết định mua lại một công ty nào đó (thông qua việc mua bán cổ phần, phần vốn góp), nhà đầu tư không chỉ dựa vào tình hình tài chính hiện tại mà còn dựa vào tiềm năng tương lai của công ty mục tiêu.
“Mà tiềm năng của công ty mục tiêu thì không phải ai cũng có thể nhận ra. Đối với nhà đầu tư này thì nó không tiềm năng nhưng đối với nhà đầu tư khác thì nó lại là tiềm năng.
việc mua bán cổ phần của AVG giá cao hay giá thấp không phải là vấn đề quan trọng. Quan trọng là cơ quan điều tra phải chứng minh được có sự móc nối giữa các cá nhân liên quan để rút tiền của nhà nước hay không.LS Phùng Thanh Sơn
“Do đó, việc mua bán cổ phần của AVG giá cao hay giá thấp không phải là vấn đề quan trọng. Quan trọng là cơ quan điều tra phải chứng minh được có sự móc nối giữa các cá nhân liên quan để rút tiền của nhà nước hay không.
“Nếu chỉ căn cứ vào giá trị giao dịch cao hơn giá trị tài sản của công ty mục tiêu (AVG) gấp nhiều lần hay tình hình kinh doanh của công ty mục tiêu không sáng sủa để cho rằng giao dịch đó vi phạm pháp luật là không có cơ sở pháp lý.”
Theo LS Sơn, cần phân biệt pháp nhân AVG khỏi tài sản của doanh nghiệp này:
“Trong thương vụ này, Mobifone mua lại pháp nhân AVG chứ không phải mua lại tài sản của AVG nên không thể tránh khỏi việc một số ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của AVG vượt ra khỏi ngành nghề mà Mobifone hướng đến.
“Tôi nghĩ điều này cũng là bình thường. Mobifone hoàn toàn có quyền chấm dứt lĩnh vực ngành nghề kinh doanh đó sau khi thâu tóm được AVG.
“Do đó, việc Mobifone mua AVG với một số lĩnh vực kinh doanh không phù hợp với chiến lược của Mobifone là điều hết sức bình thường trong M&A.
“Còn việc một lãnh đạo công ty là cổ đông, thành viên góp vốn của công ty khác nhưng chính công ty này tiến hành giao dịch với công ty mà các cổ đông, thành viên góp vốn đang quản lý thì cũng là điều bình thường trên thực tế và luật cũng đã chấp nhận những giao dịch giữa các công ty liên kết như thế này.
“Tuy nhiên, những giao dịch này cần phải trải qua trình tự thủ tục đặc biệt hơn như là phải niêm yết, thông báo công khai nội dung giao dịch; phải lấy ý kiến của Hội đồng Quản trị, Hội đồng Thành viên, Đại hội cổ đông và khi đó những cá nhân có liên quan không được biểu quyết thông qua các giao dịch đó.
“Do đó, nếu những giao dịch giữa các công ty liên kết trong thương vụ thâu tóm AVG đã tuân thủ đúng các trình tự thủ tục luật định thì nó đương nhiên có giá trị pháp lý, dù giá cả giao dịch như thế nào đi chăng nữa.”
Bộ Thông tin -Truyền thông và Mobifone
Việc Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG đã gây ra nhiều tranh cãi và đồn đoán từ mấy năm qua.
Cuối năm 2015, MobiFone công bố việc mua lại AVG nhưng giá trị của thương vụ này không được tiết lộ.
Tháng 11/2016, lần đầu tiên MobiFone công bố giá trị thương vụ này là 8.889 tỷ đồng.
Việc thanh tra toàn diện việc MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã bắt đầu từ tháng 9/2016.
Tháng 7/2017, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đặt vụ Mobifone- AVG vào nhóm các vụ cần “khẩn trương thanh tra”.
Nhưng tiến trình được đẩy tới bước ngoặt sau khi Ban Bí thư Đảng Cộng sản, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tuyên bố hôm 8/03″ đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm”.
Sáng hôm 13/3 Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ về thông tin hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần giữa Tổng Công ty Viễn thông MobiFone thuộc Bộ Thông tin – Truyền thông và Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Dư luận cũng đặt câu hỏi về vai trò của Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông, Trương Minh Tuấn, trong việc giám sát thương vụ này.
Hồi tháng 11/2017, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã bị một đại biểu Quốc hội chất vấn về thương vụ Mobifone mua AVG.
Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân, ông Trương Minh cho biết đến thời điểm đó, ông “chưa nhận được kết luận từ Thanh tra Chính phủ”, dù công tác thanh tra đã tiến hành xong 15 tháng trước, theo báo Tuổi Trẻ.
Trước đó, vào tháng 6/2017, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty MobiFone Lê Nam Trà được chuyển về Bộ Thông tin – Truyền thông, còn Thứ trưởng Phạm Hồng Hải được cử sang tạm thời điều hành MobiFone.
Sáng tháng 8, ông Hải trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Thắng làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone.
Đến tháng 12/2017, ông Cao Duy Hải, Tổng Giám đốc MobiFone đã được lãnh đạo Bộ Thông tin – Truyền thông “cho phép nghỉ ốm để chữa bệnh”.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-43419393
VN thu về 1.160 tỷ đồng từ thương vụ Vinafood II
Chính phủ Việt Nam đã thu về 1.160 tỷ đồng từ việc bán đấu giá công khai 23% cổ phần Vinafood II, theo Reuters hôm 15/03.
Tổng công ty Lương thực miền Nam – Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vinafood II đã chào bán đấu giá công khai toàn bộ 114.83 triệu cổ phần trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh hôm 14 tháng 3.
Giá đấu cao nhất là 12.000 đồng/cổ phần, thấp nhất 10.100 đồng/cổ phần. Sau đấu giá, tổng giá trị thu về là 1.160 tỷ đồng.
Cũng theo Reuters , việc thực hiện IPO với Vinafood II là một phần quan trọng trong chương trình tư nhân hoá rộng rãi của Việt Nam nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp do nhà nước quản lý.
VN thay đổi quy định về xuất khẩu gạo VN muốn tăng tốc cổ phần hóa DNNN
VN muốn tăng tốc cổ phần hóa DNNN
Bitcoin: ‘Người Việt nên tìm hiểu trước khi tham gia’
Theo quy định của Việt Nam, bất kỳ công ty nhà nước nào cũng phải liệt kê cổ phần trong vòng một năm sau khi thực hiện IPO.
Trong kế hoạch cổ phần hóa, 5.000 tỷ đồng là số vốn điều lệ của Vinafood II.
Nhà nước sẽ nắm 51% tổng vốn điều lệ, 23% vốn được đấu giá công khai, 25% vốn chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, số còn lại được bán cho người lao động và công đoàn
Theo tờ Deal Street Asia, theo phương án cổ phần hóa, Vinafood II quyết định chào bán 25% vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược.
Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển hiện là đơn vị duy nhất nộp đầy đủ hồ sơ tham gia trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinafood II, theo trang Deal Street Asia.
Với giá chào bán khởi điểm cho nhà đầu tư chiến lược là 10.100 đồng/cổ phần, bằng với giá thấp nhất cho chào bán công khai, theo ước tính, ông ‘Bầu Hiển’ có thể chi gần 1.300 tỷ đồng (tương đương 25% vốn) để trở thành cổ đông chiến lược của Vinafood II.
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới.
Việt Nam xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng 12 phần trăm so với năm ngoái.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43416887
Chuyện Uber và Grab:
quản không được lại muốn cấm
Vào sáng ngày 8 tháng 3 năm 2018, trong phiên họp Dự thảo Nghị định Quản lý về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nói rằng nếu Uber, Grab không đáp ứng được yêu cầu pháp luật, trách nhiệm các bên, bảo vệ người sử dụng, nộp thuế đầy đủ… thì phải rời khỏi Việt Nam.
Nếu hai hãng này phải rời Việt Nam thì người sử dụng dịch vụ và giới Grab, Uber hẳn là những đối tượng chịu tác động trực tiếp.
Sức ép từ Bộ GTVT
Theo nguyên cố vấn văn phòng thủ tướng, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tuyên bố của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra là để gây sức ép, buộc Grab và Uber phải chấp nhận một số điều kiện do Bộ Giao thông đưa ra:
Trước đây trong 2 năm thí điểm thì chưa đưa ra bất cứ điều gì. Bây giờ hết hai năm thí điểm lại đưa ra theo kiểu ép buộc, nhận thì nhận không nhận thì thôi.
– Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
“Nhà nước yêu cầu nộp thuế thì nên nói rõ yêu cầu thuế thế nào và phải tuân thủ những điều kiện nào? Nếu họ thấy thỏa thuận chấp nhận được, họ sẽ tham gia, đóng góp như vậy.
Trước đây trong 2 năm thí điểm thì chưa đưa ra bất cứ điều gì. Bây giờ hết hai năm thí điểm lại đưa ra theo kiểu ép buộc, nhận thì nhận không nhận thì thôi. Vậy làm sao người ta có thể tán thành đề xuất của Bộ Giao thông.”
Cũng trong buổi họp Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có tuyên bố rằng “Hoạt động của Uber, Grab bản chất là vận tải taxi, chỉ áp dụng công nghệ để kết nối hành khách với phương tiện. Thậm chí Grab cũng gọi mình là Grab taxi, vậy tại sao lại không phải là taxi.”
Trả lời truyền thông trong nước, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam nói rằng Grab là một công ty công nghệ, được sử dụng để hỗ trợ kết nối xe taxi, xe máy và ôtô gần nhất với khách hàng một cách hiệu quả, chứ không phải sở hữu xe hay bất cứ tài xế nào.
Ông Jerry Lim khẳng định: “Định danh Grab là công ty taxi không chỉ phủ nhận nỗ lực của chính phủ, nỗ lực của Grab trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam, mà còn là một bước lùi của Việt Nam trong quá trình kiến tạo, xây dựng một quốc gia khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0.”
Đồng tình với quan điểm này, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc nếu cấm Uber và Grab làm chậm đi tiến trình phát triển kinh tế Việt Nam đang hướng tới:
“Việt Nam đang háo hức muốn tham gia vào cách mạng công nghiệp 4.0, tận dụng đội ngũ trẻ giởi công nghệ thông tin để phát huy xã hội. Tại sao lại ngăn cản những hình thức hoạt động mang tính chất sáng tạo như thế này?”
Taxi truyền thống đối lại Grab/ Uber
Trước khi Grab và Uber xuất hiện tại Việt Nam, taxi là phương tiện chủ yếu nếu người tiêu dùng cần vận chuyển bằng xe ô tô. Nhưng khi Grab và Uber được phép thí điểm, lượng khách sử dụng taxi giảm đi rõ rệt. Một tài xế hãng taxi Vinasun tại Sài Gòn cho biết:
“Người ta đi Grab nhiều thì tụi tui mất khách. Ngày xưa những tụ điểm tui hay chạy, ví dụ 100 cuốc thì bây giờ mất đi gần một nửa. Chỉ chạy được giờ cao điểm thôi.”
Uber và Grab tiện hơn vì book tại nhà được, định vị dễ hơn và biết được giá cước.
– Người tiêu dùng
Giải thích vì sao Grab và Uber được sử dụng nhiều hơn, một người tiêu dùng tại Sài Gòn nghĩ rằng:
“Uber và Grab tiện hơn vì book tại nhà được, định vị dễ hơn và biết được giá cước.”
Sau tuyên bố của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, gần đây, truyền thông trong nước, kể cả Đài truyền hình Việt Nam đã có những bài viết, phóng sự nêu ra những bất cập khi sử dụng Grab và Uber đơn cử như tin nói tài xế không hoàn trả lại đồ người dùng để quên trên xe…
Vấn đề được nhiều người nêu ra là liệu việc này có từng xảy ra trước đây chưa, hay chỉ khi Grab và Uber xuất hiện mới có? Một tài xế Uber tại Sài Gòn nói với RFA:
“Bên taxi khách nói rớt đồ, người ta gọi điện thoại lại hỏi thì tài xế nói là không nhận.”
Trả lời về việc này, một người tiêu dùng tại Sài Gòn lại cho rằng không thể đổ lỗi cho tất cả tài xế Grab và Uber:
“Tùy tâm tính mỗi người chứ không gộp chung được.”
Một tài xế Uber khác nghĩ rằng Uber có biện pháp giúp ngăn chặn tình trạng tài xế làm mất lòng khách hay không trung thực:
“Có ảnh hưởng gì tới tài sản hay tính mạng thì dễ tìm ra được tài xế đó.”
Hướng giải quyết
Việc cấm Uber và Grab hoạt động bị cho sẽ gây ra một số hệ lụy trước hết về mặt kinh tế. Lý do vì không chỉ công ty Grab và Uber chịu tổn thất, tài xế hai công ty này bị mất đi nguồn thu nhập chính; mà điều đáng nói là có nhiều tài xế phải vay mượn để mua xe, nay không sử dụng được nên nợ chồng thêm nợ.
Có ảnh hưởng gì tới tài sản hay tính mạng thì dễ tìm ra được tài xế đó.
– Tài xế Uber
Trong việc ban hành những quy định mới, nhà nước cần tham vấn ý kiến người liên quan, đặc biệt là những người trực tiếp bị ảnh hưởng bới quyết định đó. Cụ thể trong trường hợp cấm Grab và Uber hoạt động, ngoài ý kiến của những tài xế Grab – Uber, Bộ GTVT nên tham vấn người tiêu dùng trong nước vì họ là ngưởi sử dụng và chi trả cho dịch vụ vận chuyển. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định:
“Có lần góp ý cho một nghị định của Bộ Giao thông đưa ra để quản lý ô tô, tôi đã nói là quên hoàn toàn đối tượng người tiêu dùng. Là khách hàng của các dịch vụ đó thì phải được quyền có ý kiến, lên tiếng bảo vệ lợi ích cho mình.”
Mô hình Grab và Uber lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, nhưng đã có mặt ở nhiều nước khác trên thế giới từ trước. Do đó, Việt Nam có thể học theo cách giải quyết của các nước này. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết:
“Hiệp hội taxi các nước cũng có những tiếng nói phản ứng, không đồng tình với Uber, Grab vì cho rằng Uber, Grab có những lợi thế cạnh tranh để cạnh tranh không lành mạnh. Thế thì nên học theo các nước xem người ta có cách thức nào để quản lý. Chứ không phải không quản lý được thì cấm.”
Một người tiêu dùng tại Việt Nam cũng có ý kiến trách nhiệm của chính quyền là tìm ra hướng hài hòa quyền lợi của các bên. Khi đó tất cả đều có lợi và đó là trách nhiệm của những người điều hành xã hội.
Ai ‘mua sạch’ bật lửa Zippo
khi tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam?
Một sĩ quan hải quân Hoa Kỳ mới xác nhận chuyện “cháy hàng” bật lửa hiệu Zippo bán trên USS Carl Vinson, khi hàng không mẫu hạm này thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam tuần trước.
“Chúng tôi có sẵn khoảng 1.500 bật lửa Zippo được thiết kế riêng, và những người tới thăm đã mua sạch”, Thiếu tá Tim Hawkins, quân nhân phụ trách truyền thông trên tàu USS Carl Vinson, nói với VOA Việt Ngữ.
Chúng tôi có sẵn khoảng 1.500 bật lửa Zippo được thiết kế riêng, và những người tới thăm đã mua sạch.
Thiếu tá Tim Hawkins nói.
Thông tin trên các trang “lề trái” không thuộc quản lý của chính quyền Việt Nam viết rằng “tướng lĩnh Việt Nam tranh nhau hốt sạch hộp quẹt Zippo” hay “các ‘đại biểu’ phía Việt Nam lên thăm và mua sạch rồi bán lại kiếm lời”.
Về người mua, ông Hawkins nói rằng phía Mỹ “đã đón hơn 1.300 khách lên thăm tàu” và họ gồm nhiều thành phần khác nhau như “quan chức tỉnh thành, quân nhân, lực lượng thực thi pháp luật và các công chức.”
Ông nói thêm: “Dù biết trước rằng bật lửa Zippo sẽ hút khách, nhưng chúng tôi vẫn thấy thích thú vì phản ứng của mọi người”.
Bật lửa Zippo mang tới Việt Nam in chữ USS Carl Vinson CVN 70 và “Gold Eagle” (Đại bàng Vàng) kèm theo hình ảnh con chim được chọn làm biểu tượng của tàu sân bay này.
Tâm sự quân nhân Mỹ gốc Việt trên tàu sân bay USS Carl Vinson
Sau Mỹ, tàu sân bay Trung Quốc thăm Việt Nam?
Tàu sân bay Mỹ tới Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm ‘lịch sử’
Ông McCain nhắc tới TQ trong tuyên bố về USS Carl Vinson
Khi được hỏi tiền thu được từ việc bán bật lửa Zippo (12 đôla mỗi chiếc) cũng như áo phông, mũ hay khăn quàng cổ sẽ được dùng vào việc gì, sĩ quan phụ trách truyền thông của tàu có biệt danh “thành phố nổi” với hơn 5 nghìn quân nhân sinh sống và làm việc nói:
“Khoản thu được từ việc bán đồ lưu niệm trên tàu sẽ được sử dụng cho một chương trình hỗ trợ thủy thủ đoàn. Ví dụ, tiền thu được sẽ giúp các thủy thủ đi thăm quan mỗi khi cập bến cảng nước ngoài với mức giá giảm hơn bình thường để nhiều thủy thủ hơn có thể tham gia”.
Bật lửa Zippo từng được binh sĩ Hoa Kỳ sử dụng nhiều trong thời Chiến tranh Việt Nam, và theo lời kể của nhiều binh sĩ Mỹ, “biệt đội Zippo” gắn liền với nhiệm vụ đốt các làng mạc.
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam kể từ những năm 70 trong bốn ngày, từ 5 – 9/3.
Ông Hawkins cho biết rằng các quân nhân trên tàu cảm thấy “ấm lòng” vì sự tiếp đón “tuyệt vời”, đồng thời ngỏ lời cám ơn người dân Việt Nam.
Các thủy thủ nói với tôi rằng họ đã có khoảng thời gian tuyệt vời cùng các đối tác phía Việt Nam có các hoạt động tích cực cả về trao đổi chuyên môn lẫn các sự kiện vì cộng đồng.
Ông Hawkins nói.
Ông nhận xét thêm rằng “sự hỗ trợ xuất sắc ở địa phương đã giúp chuyến thăm lịch sử của chúng tôi thành công tốt đẹp”.
Trong lần cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, đoàn thủy thủ của USS Carl Vinson đã tham gia nhiều hoạt động “ngoại giao nhân dân” như biểu diễn văn nghệ, thăm các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các nạn nhân nhiễm chất da cam hay giao hữu thể thao.
“Các thủy thủ nói với tôi rằng họ đã có khoảng thời gian tuyệt vời cùng các đối tác phía Việt Nam thực hiện các hoạt động có tác động tích cực, cả về trao đổi chuyên môn lẫn các sự kiện vì cộng đồng”, ông Hawkins nói.
Việt Nam và Úc nâng cấp quan hệ
lên hàng đối tác chiến lược
Nhân dịp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc công du Úc và tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Úc, vào hôm nay, 15/03/2018, tại Canberra, lãnh đạo hai nước đã chính thức ký kết bản tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ song phương lên hàng đối tác chiến lược.
Theo hãng tin Úc AAP, đến Canberra từ hôm qua 14/03, thủ tướng Việt Nam đã được tiếp đón long trọng vào sáng hôm nay tại thủ đô nước Úc, trước khi có cuộc hội đàm song phương với đồng nhiệm Úc Malcolm Turnbull. Với thỏa thuận thành lập quan hệ đối tác chiến lược được hai bên ký sau đó, Việt Nam và Úc sẽ tăng cường các mối quan hệ quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, phát triển và du lịch.
Phát biểu với báo giới, thủ tướng Úc Turnbull cho rằng việc nâng cấp quan hệ là « một cách thích hợp để đánh dấu 45 năm quan hệ ngoại giao ». Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược là một bước tiến đáng kể tính từ năm 2009, khi hai nước bắt đầu thiết lập Quan Hệ Đối Tác Toàn Diện.
Điều được giới quan sát chú ý là bản tuyên bố chung về Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược Việt-Úc có đoạn nói rõ mối quan tâm của cả hai nước về vấn đề Biển Đông :
« Hai bên tái khẳng định cam kết thúc đẩy an ninh và an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, bao gồm tuân thủ và thực thi nghiêm túc các nghĩa vụ pháp lý quốc tế; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và thông qua các cơ chế thích hợp do ASEAN dẫn dắt. Theo đó, hai bên tiếp tục quan ngại về tình hình Biển Đông và khẳng định tiếp tục phối hợp tích cực nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả và ràng buộc giữa ASEAN và Trung Quốc, phù hợp với luật pháp quốc tế. »
Trong một bài nhận định hôm 13/03/2018 về chuyến công du New Zealand và Úc của Thủ tướng Việt Nam, giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc cho rằng sau khi thỏa thuận Đối Tác Chiến Lược được ký kết, hai bên cần nhanh chóng đưa ra kế hoạch hành động cho những năm tới, và nên tăng cường hợp tác về quốc phòng và an ninh.
Ông giải thích :
« Việt Nam đã được Úc chọn là một đối tác chiến lược quan trọng để đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN. Hợp tác quốc phòng và an ninh sẽ đứng thứ hai sau hợp tác kinh tế trong quan hệ đối tác chiến lược.
Úc sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Rất có thể các bộ trưởng quốc phòng từ hai phía sẽ gặp nhau thường xuyên hơn. Úc sẽ tiếp tục gửi các tàu hải quân tới Việt Nam trong những chuyến thăm hữu nghị.
Điều quan trọng hơn là Úc sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam để đạt được kết quả thực tế tại các diễn đàn khu vực đa phương, như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Diễn đàn Khu vực ASEAN. »
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180315-viet-nam-va-uc-nang-cap-quan-he-len-hang-doi-tac-chien-luoc