Tin Việt Nam – 15/03/2017
Xe hết đát sẽ bị thu hồi, có khả thi?
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, xe mô tô, gắn máy và ô tô các loại hết niên hạn sử dụng sẽ bị thu hồi. Đây là nội dung được đề cập tại Quyết định số 16 của Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 22 tháng 5 năm 2015. Quyết định chung chung này của Thủ tướng khiến nhiều người đang sử dụng các loại xe cũ từ thế kỷ trước lo lắng.
Ông Đặng Vĩnh Phát, người từng chạy xe lôi máy, nói rằng nhà nước cần chiếu cố những trường hợp người nghèo đang mưu sinh bằng chính chiếc xe cũ kỹ đó:
“Bây giờ đối với cái đời sống xã hội của nhân dân Việt Nam hiện nay, cái này cũng phải tùy trường hợp… Ví dụ người ta quá khổ, quá nghèo, người ta có một chiếc xe để làm phương tiện sinh sống hằng ngày… Thì thí dụ giờ có dẹp đi, địa phương cũng như là bằng cách cho vay tín dụng ở một mức độ là thấp nhất để người ta dễ dàng hơn khi chấp nhận nghị quyết, để người ta thay đổi cái chiếc xe mà lưu hành tại địa phương hay là trên các tuyến đường”.
Ông Phát nhìn nhận đúng là những chiếc xe cũ khi lưu thông trên đường cũng gây ra nhiều rủi ro, như thiếu an toàn, khói ô nhiễm, thế nhưng, chủ của những chiếc xe cũ này lại là người nghèo:
“Thông tư của Nhà Nước có hai hướng. Một hướng tích cực là đã nghiên cứu và thực hiện cái nghị quyết đó là hoàn toàn đúng. Bởi vì hiện nay trên tuyến đường giao thông của Việt Nam, có một số xe quá cũ, không có đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ra ngoài đường cũng có những tiếng bô nổ đến mức độ không chịu nỗi. Nhưng cái hướng thứ hai thì cũng tội nghiệp cho những người mà hiện nay hoàn cảnh đời sống hơi thấp. Người ta dùng cái đó để làm cái phương tiện, để chở lúa chở khoai, mà nếu nhà nước quy định gắt gao vậy cũng tội nghiệp cho những người đó”.
Những chiếc xe cub ở Việt Nam vào thập niên 70, 80 ở thế kỷ trước từng là một gia tài của cả gia đình khá giả. Muốn sở hữu nó, người ta phải đổi bằng cả cây vàng. Những chiếc xe cả cây vàng ngày nào, giờ đây còn vài triệu đồng, phù hợp túi tiền người nghèo đô thị. Của bền tại người. Những chiếc xe từng được gọi là xe nghĩa địa này, cho đến nay, vẫn chạy tốt trên đường phố Sài Gòn, như lời ông Nguyễn Đức Tiện, một cư dân Sài Gòn:
“Xe của người ta là xe Nhật chất lượng còn tốt thì đâu thể nào mà nói là dẹp bỏ đi được. Chỉ có thể là xét xe, kiểm tra mặt kỹ thuật, nó tệ quá thì mới áp dụng cái đó được. Còn xe còn tốt thì cũng phải cho phép”.
Thật sự thì đến nay phía nhà chức trách vẫn chưa đưa ra quy định nào về hạn sử dụng cho xe hai bánh.
Như lời ông Phát, những chiếc xe Vespa, Honda có từ thập niên 50, 60, 70 ở thế kỷ trước tại miền Nam Việt Nam, cho đến nay vẫn được người ta gìn giữ, chăm sóc rất kỹ lưỡng, giá trị nhiều chiếc còn mắc hơn cả xe mới. Chuyện lưu thông trên đường với những chiếc xe được gọi là cổ đó, nếu có hạn chế, thì chỉ là chuyện tốc độ khi so bì những xe phân khối lớn hiện nay.
Thị trường vẫn buôn bán những loại xe cũ nhưng rất bền bỉ này. Do đó, xem ra chuyện định nghĩa thế nào là chiếc xe cũ để thu hồi, là điều không mấy dễ dàng.
http://www.voatiengviet.com/a/xe-het-dat-se-bi-thu-hoi-co-kha-thi/3766450.html
Thêm 6 người Thượng xin tị nạn bị trả về Việt Nam
6 người Thượng ở Tây Nguyên xin tị nạn với lý do bị đàn áp chính trị và tôn giáo vừa bị trả về Việt Nam hôm thứ Ba, sau khi Campuchia bác đơn xin tị nạn của họ.
Cambodia Daily cho hay trong 6 người, có một bé gái dưới 10 tuổi. Nhóm người này đã được các giới chức Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) hộ tống qua biên giới để trở về Việt Nam, theo lời ông Sok Sam An, Phó chỉ huy trạm kiểm soát biên giới O’yadaw ở tỉnh Ratanakkiri, Campuchia.
Ông này cho biết 6 người đã được nhà chức trách Việt Nam đến đón vào khoảng 9 giờ sáng.
Một nhân viên báo chí khu vực của UNHCR cũng xác nhận với Cambodia Daily về việc tổ chức này đã hộ tống nhóm người Thượng qua biên giới.
Tờ Khmer Times dẫn lời ông Am Sam Ath, một điều phối viên cao cấp của nhóm Licadho, nói ông lo lắng về sự an toàn của 6 người trong cuộc, vì người Thượng đang bị bức hại tại Việt Nam. Ông Aam Sam Ath nói các vụ bức hại đã khiến nhiều người Thượng phải chạy trốn và xin tị nạn ở Campuchia. “Cao ủy Tị nạn LHQ cần theo dõi tình hình của họ một cách thường xuyên hơn”, ông Am Sam Ath nói thêm.
Trong khi đó, Cambodia Daily dẫn lời người đứng đầu Dịch vụ Tị nạn Jesuit, tổ chức hỗ trợ người Thượng ở Phnom Penh, cho biết hiện vẫn còn 143 người đang chờ quyết định về số phận của họ.
Làn sóng người Thượng mới nhất vượt biên sang tỉnh Ratanakkiri bắt đầu vào cuối năm 2014. Nhưng làn sóng này đã chậm lại sau một năm, khi xảy ra hàng chục vụ trục xuất trở về Việt Nam.
Cho tới nay, chỉ có 13 người Thượng được cấp quy chế tị nạn và tới Philippines vào tháng 5, trong khi hàng chục người khác bị trả về Việt Nam.
http://www.voatiengviet.com/a/them-6-nguoi-thuong-xin-ti-nan-bi-tra-ve-viet-nam/3767330.html
Từ Formosa đến nạn ấu dâm,
mạng xã hội đang ép chính quyền hành động
Công luận ở Việt Nam đang bức xúc với những vụ việc mới được phanh phui trên mạng xã hội về những trẻ em bị lạm dụng tình dục buộc chính quyền phải hành động.
Một trong những vụ việc được mạng xã hội và báo chí trong nước đưa tin là một bé gái 8 tuổi ở Hà Nội bị hàng xóm xâm hại tình dục. Công an thành phố Hà Nội quyết định khởi tố hình sự vụ việc này sau 2 tháng điều tra. Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Hà Nội hôm 14/3, phó giám đốc công an thành phố Đinh Văn Toản nói sức ép từ mạng xã hội và truyền thông đã buộc chính quyền hành động.
Trước đó, 1 vụ xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu cũng được phanh phui trên Facebook. Theo TTXVN, chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm 12/3 đã yêu cầu bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp làm rõ vụ án dâm ô trẻ em này và sớm đưa ra kết luận.
Theo luật sư Nguyễn Thế Thuận, “các cơ quan tố tụng, tòa án và công an điều tra đều có những vụ án và những con số thống kê cụ thể rất nhiều” nhưng việc tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, nhất là qua mạng xã hội, đã làm cho mọi người ý thức và biết nhiều hơn về vấn nạn ấu dâm cũng như thúc đẩy chính quyền vào cuộc sớm hơn.
“…2/3 vai trò của truyền thông, những chức năng của truyền thông hiện nay là mạng xã hội đang làm. Những chức năng ví dụ như giám sát chính quyền hay là gây sức ép buộc chính quyền phải thay đổi, buộc cơ quan hành pháp phải hành động. Mạng xã hội làm được điều đó tốt hơn và gần như là thay thế báo chí chính thống trong những việc đó.
Phạm Đoan Trang, nhà báo độc lập.
Thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết: “Khi mà dư luận xã hội những ngày này đang nóng lên về vụ này thì đầu tiên là phải kể đến phương thức giao tiếp của con người trong xã hội Việt Nam hiện tại đang thay đổi rất nhiều. Khi thông tin được tiếp nhận một cách đơn giản và dễ dàn hơn thì mọi người sẽ có nhiều phương án để ứng xử trong những mối quan hệ mà mình có thể gặp phải. Khi có sự thúc đẩy của dư luận xã hội, của chính cái thực tế, bây giờ ở Việt Nam tình trạng để xảy ra án oan là khả năng xảy ra rủi ro kép cho chính những cán bộ này là rất lớn. Cho nên đấy cũng là một câu chuyện mà bản thân các cơ quan nhà nước trong lúc này họ đang phải căng mình ra – như bị thúc đẩy để làm mọi thứ tốt hơn, đỡ bị chây ỳ hơn, đỡ bị sao nhãng hơn, bắt buộc phải chuyên tâm vào công việc.”
Theo những số liệu mà mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới GBVNet đưa ra, trung bình có hơn 1.000 trẻ em trên khắp đất nước Việt Nam bị lạm dụng tình dục hàng ngày.
Nhiều nghệ sĩ và người nổi tiếng đã lên Facebook chia sẻ những câu chuyện họ đã từng bị lạm dụng tình dục khi còn bé và nhiều tổ chức phi chính phủ cũng như những tổ chức xã hội kêu gọi hành động. Một số tổ chức xã hội đã phát động các chiến dịch và thỉnh nguyện thư trên mạng xã hội để kêu gọi chính phủ hành động chống lại nạn xâm hại tình dục ở trẻ em. Mạng xã hội cũng là nơi người dân tổ chức các cuộc biểu tình đòi chính phủ vào cuộc để giải quyết vụ khủng hoảng môi trường ở biển miền Trung vào giữa năm ngoái.
Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang nhận xét với VOA Việt Ngữ về vai trò của mạng xã hội ở Việt Nam trong việc giúp phanh phui những việc làm sai trái và gây sức ép dư luận tới những người lãnh đạo. ”Các cuộc biểu tình từ năm 2007 đến nay hầu như xuất phát từ mạng xã hội, đầu tiên là những lời kêu gọi trên mạng xã hội. Tôi tin là mạng xã hội đóng 1 vai trò rất quan trọng trong truyền thông. 2/3 vai trò của truyền thông, những chức năng của truyền thông hiện nay là mạng xã hội đang làm. Những chức năng ví dụ như giám sát chính quyền hay là gây sức ép buộc chính quyền phải thay đổi, buộc cơ quan hành pháp phải hành động. Mạng xã hội làm được điều đó tốt hơn và gần như là thay thế báo chí chính thống trong những việc đó.”
Formosa được biết tới như một sự kiện làm bùng nổ việc trao đổi, thảo luận thông tin và những bức xúc của người dân trên mạng xã hội. Một giám đốc dự án của tổ chức môi trường CHANGE Vietnam, Hồ Như, nói với Bloomberg rằng “sau Formosa, người Việt Nam dường như bàn luận và nói về các vấn đề môi trường nhiều hơn,” và nhờ có internet và mạng xã hội người dân được chia sẻ những mối lo ngại và nâng cao được nhận thức về nhiều vấn đề trong xã hội hơn.
Chính mạng xã hội và truyền thông đã thúc đẩy chính quyền giải quyết với nhà máy gây ra thảm họa cá chết trên vùng biển của 4 tỉnh miền Trung phải bồi thường. Nhiều cuộc biểu tình đang tiếp tục được tổ chức thông qua mạng xã hội vì người dân không hài lòng về số tiền bồi thường 500 triệu đô la. Họ đòi đóng cửa nhà máy Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng của đại học Tổng hợp Hà Nội cũng cho rằng mạng xã hội góp phần đưa tiếng nói người dân đến chính quyền. ”Mạng xã hội chưa bao giờ phát triển rầm rộ như hiện nay cho nên rất thuận lợi cho việc lắng nghe ý kiến của mọi người. Đây là thời đại bùng nổ thông tin cho nên mạng xã hội không phải chỉ góp phần chuyện này mà góp phần mọi chuyện để làm thế nào cho xã hội thành xã hội công dân, để tiếng nói của công dân được đến tai những người có trách nhiệm. Cho nên mạng xã hội rất quan trọng.”
Vai trò của mạng xã hội trong phong trào phản đối việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên cũng được biết tới khi nhiều người tham gia loan tải và ký thỉnh nguyện thư để kiện thủ tướng Việt Nam.
Theo báo cáo nhân quyền của Freedom House, Việt Nam vẫn tiếp tục là 1 trong những nước trên thế giới nơi mà truyền thông bị nhà nước kiểm duyệt gắt gao nhất. Nhiều chuyên gia đánh giá rằng với tình trạng bị kiểm duyệt như vậy, mạng xã hội sẽ tiếp tục đóng một vai trò lớn trong việc giám sát chính quyền ở Việt Nam. Hiện có khoảng 30 triệu người dùng Facebook ở Việt Nam, tăng gần gấp 3 lần so với 5 năm trước đây.
Người Việt ở Đài Loan
biểu tình đòi quyền lợi cho nạn nhân Formosa
Giới trẻ và một số tổ chức phi chính phủ đã tổ chức họp báo, và biểu tình tại Đài Bắc hôm 15/3 để đòi quyền lợi cho các nạn nhân của thảm họa môi trường do tập đoàn Đài Loan Formosa gây ra tại Việt Nam.
Tin cho hay cuộc biểu tình diễn ra ngay trước Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam ở Đài Bắc. Hình ảnh và video quay trực tiếp cho thấy những người biểu tình cầm biểu ngữ ghi những hàng chữ “Chúng tôi cần cá”, “Formosa cút khỏi Việt Nam”, “Hãy để chúng tôi thực hiện quyền công dân”… được viết bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung.
Ngoài những hình ảnh thực tế từ Việt Nam, những người biểu tình còn soạn một vở kịch dựng lại quá trình Formosa gây thảm họa môi trường và người dân đi khiếu kiện bị đánh đập, gây thương tích ra sao.
Theo Focus Taiwan, người biểu tình yêu cầu chính phủ Việt Nam phải giải quyết khoản bồi thường 500 triệu đôla đã nhận từ công ty Formosa Hà Tĩnh, một đơn vị của tập đoàn Formosa của Đài Loan.
Thảm họa là do hành vi phi đạo đức của công ty Đài Loan, cũng như do sự bất cẩn của chính quyền Việt Nam.
Ông Trương Dụ Doãn.
Ông Trương Dụ Doãn, Chủ tịch Hiệp hội Luật gia Môi trường, được Focus Taiwan dẫn lời nói thảm họa là do hành vi phi đạo đức của công ty Đài Loan, cũng như do sự bất cẩn của chính quyền Việt Nam. Ông chỉ trích Đài Loan xuất khẩu các ngành công nghiệp ô nhiễm cao sang Việt Nam và nói rằng những ngành công nghiệp này đã làm cho Việt Nam trở thành một nơi khó sống hơn.
Công ty thép Formosa ở Hà Tĩnh bị quy trách nhiệm đã gây ra vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung hồi năm ngoái. Đây được xem là thảm họa môi trường lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. Sau khi nhận lỗi, Formosa đã đồng ý với chính quyền Việt Nam bồi thường 500 triệu đôla để khắc phục thiệt hại. Nhưng các nạn nhân và công chúng Việt Nam nói khoản bồi thường trên là quá ít ỏi so với những thiệt hại trực tiếp và lâu dài, cần phải mất hàng chục năm mới khôi phục được.
Ngoài ra, quy định bồi thường của chính quyền Việt Nam cũng bị nhiều người phản đối. Theo quy định, chỉ những người dân ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế mới được xem là nạn nhân trực tiếp và nhận được bồi thường. Trong khi đó, nhiều ngư dân ở Nghệ An cho biết họ cũng đã mất nguồn sinh kế vì vụ Formosa. Nhiều gia đình phải bán cả tàu thuyền để trang trải cuộc sống. Ngày 14/2, hàng trăm nạn nhân của Formosa ở Nghệ An đã tổ chức đi khởi kiện Formosa, nhưng nhiều người đã bị đánh đập, gây thương tích nghiêm trọng khi đang trên đường đi bộ tới Hà Tĩnh, nơi Formosa trú đóng. Linh mục Nguyễn Đình Thục là một trong số đó. Ông nói với VOA rằng những hoạt động của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, như cuộc biểu tình tại Đài Loan ngày 15/3, có tác dụng rất lớn đối với người dân trong nước.
Nếu không có cộng đồng quốc tế, không có thế giới, không có tiếng nói của mọi người thì chúng tôi cũng giống như tiếng kêu trong sa mạc. Họ chẳng lắng nghe chúng tôi đâu.
Linh mục Nguyễn Đình Thục.
“Nó có tác dụng rất lớn. Trước hết là đối với chúng tôi, những người đấu tranh trực tiếp ở trong nước, chúng tôi nhận được sức mạnh và niềm hy vọng rất lớn vì chúng tôi biết chúng tôi không lẻ loi, đơn độc, một mình đấu tranh, mà có biết bao nhiêu người trên thế giới đang hiệp thông, hiệp sức và giúp đỡ chúng tôi. Đối với chính quyền, mọi người đều biết chính quyền Cộng sản họ chẳng coi dân ra gì. Nếu không có cộng đồng quốc tế, không có thế giới, không có tiếng nói của mọi người thì chúng tôi cũng giống như những tiếng kêu trong sa mạc. Họ chẳng lắng nghe chúng tôi đâu”.
Sau khi xảy ra vụ đánh đập người dân Nghệ An đi khởi kiện Formosa, Giáo phận Vinh đã có hai văn thư gửi đến chính quyền Việt Nam, tố cáo việc cho phép xảy ra bạo lực, gây thương tích cho người dân thực hiện quyền khởi kiện cơ bản của mình. Đồng thời, văn thư của giáo phận Vinh cũng tố cáo truyền thông nhà nước vu khống Linh mục Nguyễn Đình Thục, là đã kích động giáo dân tấn công lực lượng an ninh và tổ chức bạo loạn. Thông cáo của Giáo phận Vinh nói đây là một “hành động vu khống trơ trẽn, vi phạm đến quyền con người và quyền công dân Việt Nam”.
Dưới áp lực nhiều doanh nghiệp dừng quảng cáo trên YouTube
Một số doanh nghiệp đã tạm ngừng quảng cáo trên YouTube sau khi chính phủ Việt Nam gây áp lực nhằm ngăn chặn các clip “có nội dung xấu” trên kênh này.
Hãng tin Anh Reuters nói từ tháng trước, Việt Nam thực hiện chiến lược mới để gây sức ép với các doanh nghiệp hoạt động trong nước, đồng thời với hãng Google Inc., chủ sở hữu của YouTube, để họ phải gỡ bỏ những clip có nội dung chỉ trích chính phủ.
Hôm 24/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) theo đó “các nội dung xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các clip đăng tải trên trang YouTube như phản ánh cần được Bộ Thông tin và Truyền thông ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời.”
Tuy nhiên, nhiều video trên YouTube được đưa lên ở nước ngoài, ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Việt Nam.
Trong tháng Hai, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện 17 video YouTube có nội dung mà bộ này nói là “xuyên tạc lịch sử, gây thù hận dân tộc hay khiêu dâm” do đó bất hợp pháp ở Việt Nam.
Tuần trước, cũng bộ này nói sẽ xử phạt các công ty có quảng cáo xuất hiện trên những video YouTube có nội dung “không phù hợp”.
Đến nay YouTube đã gỡ bỏ 16 video theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam, hãng Reuters cho hay.
Một thông cáo của YouTube viết: “Chúng tôi có những chính sách rõ ràng đối với yêu cầu gỡ bỏ video của các chính phủ trên toàn thế giới. Chúng tôi dựa vào các chính phủ để thông báo cho chúng tôi những nội dung mà họ cho là bất hợp pháp bằng thủ tục chính thức. Nếu thấy hợp lý, chúng tôi sẽ hạn chế những nội dung này sau khi xem xét kỹ càng.”
Các thương hiệu lớn có liên lụy
Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam đang chạy quảng cáo trên những video “có nội dung phản cảm bạo lực, tuyên truyền thông tin lệch lạc trên YouTube”, báo Tri thức trẻ đưa tin.
Nhiều thương hiệu quốc tế có liên lụy như Unilever, Samsung, Procter & Gamble và Yamaha Motor.
Một số doanh nghiệp Việt Nam lớn như Vietnam Airlines và Vinamilk quyết định sẽ tạm đình chỉ hợp đồng quảng cáo với YouTube, được thực hiện qua các cơ quan truyền thông trung gian, báo chí Việt Nam đưa tin.
Trong một văn bản gửi gửi Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 1/3, Vinamilk nói công ty này sẽ tạm đình chỉ các kế hoạch quảng cáo trên YouTube cho đến khi đối tác truyền thông và YouTube đảm bảo “tuân thủ hoàn toàn pháp luật Việt Nam”.
Các quảng cáo trên YouTube được một hệ thống máy tính chọn để hướng vào nhóm khán giả mục tiêu. Các công ty đăng quảng cáo thường không biết hoặc không có kiểm soát trực tiếp về những video clip mà các quảng cáo xuất hiện kèm.
Facebook nói gì về vụ VN ‘chặn thông tin xấu’?
Thiệt hại cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, Giám đốc Điều hành của hãng marketing Isobar ở Việt Nam trao đổi với BBC: “Về mặt thương hiệu mà nói, các thương hiệu cũng không muốn xuất hiện trước những nội dung mang tính tiêu cực.”
“Có những mẹo trong quảng cáo để mình hoàn toàn có thể target [nhắm vào] các chuyên mục giáo dục hay giải trí không có liên quan đến chính trị. “
Tuy nhiên, ông Thành cho biết việc quảng cáo trên YouTube cũng có rủi ro vì những người upload video có thể chọn một chuyên mục không đúng với nội dung của clip đó.
“Ở Việt Nam, Google với Facebook chiếm hơn 70% thị phần. Số lượng người dùng hai kênh này là rất lớn. Nếu không chạy được quảng cáo trên một hoặc hai kênh này, thì doanh nghiệp sẽ mất đi một kênh rất là hiệu quả.”
Ngoài ra, theo ông Thành, hình thức quảng cáo trên YouTube hay Facebook không có giới hạn chi phí tối thiểu ban đầu. Vì vậy đây là những kênh quảng cáo rất phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ hay doanh nghiệp kinh doanh hộ cá thể.