Tin Việt Nam – 14/8/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 14/8/2015

Thượng nghị sĩ đối lập Campuchia bị bắt vì tội ‘phản quốc’

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ra lệnh bắt giữ một Thượng nghị sĩ phe đối lập vì tội “phản quốc” sau khi cáo buộc ông đăng tải một tài liệu giả mạo về đường biên giới với Việt Nam trên mạng xã hội.

Lệnh bắt giữ Thượng nghị sĩ Hong Sok Hour, thuộc phe đối lập Sam Rainsy (SRP), được đưa ra giữa lúc phe đối lập Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) gia tăng các chiến dịch nhằm ngăn chặn việc xâm lấn mà họ cho là Việt Nam đang thực hiện.

SRP là một trong số ít các đảng phái không có đại diện trong Hạ viện Campuchia, cơ quan đã hậu thuẫn đảng CNRP trong các cuộc phản đối chống lại việc cắm mốc 1.270 km đường biên giới với Việt Nam.

Thủ tướng Hun Sen cho biết ông đã yêu cầu cảnh sát bắt giam ông thượng nghị sĩ sau khi ông Hong Sok Hour đăng một tài liệu giả mạo và đã bị chỉnh sửa của một hiệp ước cũ về đường biên giới lên trang Facebook của mình.

Thủ tướng Campuchia nói: “Hành động phản bội này không thể tha thứ”

Lệnh bắt giữ được ông Hun Sen công bố giữa bài phát biểu tại một lễ tốt nghiệp ở Phnom Penh.

Tước quyền miễn tố

Ông nói thêm rằng Thượng nghị sĩ Hong Sok Hour, người mang quốc tịch Campuchia và Pháp, sẽ bị tước quyền miễn tố của quốc hội và cảnh báo các đại sứ quán nước ngoài không cho ông tỵ nạn.

Ông Teav Vannol, Thượng nghị sĩ thuộc đảng Sam Rainsy, nói với báo chí rằng việc ông Hong Sok Hour bị giam giữ tại trụ sở Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia là không đúng sự thật.

Ông nói: “Tôi không chắc chắn về vị trí, nhưng tôi biết ông ấy chưa bị bắt … trong thời điểm này, ông ấy vẫn ở một nơi an toàn”.

Đảng đối lập của Campuchia từ lâu đã chỉ trích mối quan hệ nồng ấm giữa Phnom Penh với Hà Nội và thường xuyên cáo buộc Việt Nam xâm phạm lãnh thổ Campuchia và Chính phủ đã dùng một bản đồ giả mạo để phân định đường biên giới.

Ông Hong Sok Hour, Chủ tịch Ủy ban chống Tham nhũng của Thượng viện, đã đóng một vai trò quan trọng trong các chiến dịch của CNRP những năm gần đây.

Đảng SRP đã lên tiếng phủ nhận tội phản quốc của Thượng nghị sĩ Hong Sok Hour và cho biết ông sẽ công khai điều chỉnh nếu ý kiến của mình không chính xác. – VOA

Hạ giá tiền Việt theo TC có tác dụng hai mặt

Ngay sau khi TC phá giá Nhân Dân Tệ tổng cộng gần 4% trong hai ngày liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 12/8/2015 cũng quyết định hạ giá tiền Đồng bằng cách tăng gấp đôi biên độ tỷ giá USD/VNĐ từ 1% lên 2%. Điều này đồng nghĩa với việc giá mua bán USD của các ngân hàng có thể đưa lên mức cao nhất là 22.106 đồng/ một USD. Trong nửa đầu năm 2015, Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá hai lần vào tháng 1 và tháng 5 tổng cộng 2%.

Nam Nguyên phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội về cuộc chiến tranh tiền tệ mà Việt Nam đang đối mặt. Từ Hà Nội, trước hết TS Lê Đăng Doanh đưa ra nhận định:

TS Lê Đăng Doanh: Ngân hàng Nhà nước đã nới biên độ của tỷ giá thêm 1% nữa và đó là biện pháp kịp thời năng động của Ngân hàng Nhà nước trước việc Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ 1,9% và sáng nay (12/8) họ lại phá giá tiếp 1,6% nữa.

Biện pháp đó của Việt Nam là biện pháp cần thiết vì Việt Nam xuất và nhập khẩu đối với thị trường Trung Quốc rất là lớn đặc biệt là nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cho nên chắc chắn việc phá giá đồng bạc Trung Quốc sẽ tác động khá mạnh đến cán cân thương mại của Việt Nam. Việc xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc sẽ trở nên khó khăn hơn, bởi vì hàng hóa của Việt Nam sẽ đắt lên 4% và điều này sẽ có tác động đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam phải giảm giá thành mới có thể xuất khẩu được, bởi vì phía nhập khẩu Trung Quốc sẽ không sẵn sàng để nâng giá bán lên theo mức độ như vậy. Còn về hàng nhập khẩu thì Việt Nam phải tăng cường chống buôn lậu mới có thể đối phó với làn sóng hàng hóa rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam.

Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, mỗi khi Việt Nam điều chỉnh tỷ giá điều chỉnh biên độ thì ở nước ngoài gọi là phá giá, hạ giá. Như vậy từ đầu năm đến nay Việt Nam coi như đã phá giá tiền đồng 4%. Thưa hiểu như vậy có đúng không?

TS Lê Đăng Doanh: Không, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ có điều chỉnh tỷ giá 2%, còn bây giờ thì nới cái biên độ ra và tùy theo các ngân hàng thương mại họ muốn nới lên hay muốn giữ thì tùy họ. Chứ không phải là chính thức phá giá, một biện pháp để mở rộng biên độ trao đổi tiền tệ và cho phép các ngân hàng thương mại có thể phản ứng một cách linh hoạt hơn.

Về mặt thực tế thì nó cũng tương đương như việc phá giá đồng bạc thêm 1% nữa, nhưng mà đấy là biện pháp có tính chất linh hoạt và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước Việt nam.

Tôi cũng xin lưu ý rằng biện pháp này chắc chắn sẽ làm cho tăng thêm chi phí để trả nợ công vì nợ công của Việt Nam được trả bằng đồng Đô La và nếu như điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ như thế này thì nợ công sẽ tăng thêm nữa.

Nam Nguyên: Như Tiến sĩ vừa nói thì Việt Nam có biện pháp điều chỉnh tỷ giá, nới biên độ để đối phó với việc Trung Quốc phá giá tiền. Kinh tế Việt lệ thuộc lớn vào kinh tế Trung Quốc, Trung Quốc là bạn hàng rất lớn của Việt Nam. Vậy thì ngoài việc điều chỉnh tỷ giá nới biên độ, chống buôn lậu thì Việt Nam còn có thể làm gì khác hơn nữa?

TS Lê Đăng Doanh: Sẽ phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 của Chính phủ ngày 12/3/2015 để nâng cao năng lực cạnh tranh; các cơ quan nhà nước phải giảm các thủ tục phiền hà, giảm chi phí về thời gian và tiền bạc, để cho các doanh nghiệp có thể giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tôi nghĩ đây là một cuộc chiến sống còn và đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cơ quan nhà nước, của mỗi một viên chức cũng như là của tất cả các doanh nghiệp.

Nam Nguyên: Thông tin cũng nói là chuyện Trung Quốc phá giá tiền sẽ gây ra một vòng luẩn quẩn, nhiều nước trong đó có Việt Nam cũng đều hạ giá đồng tiền của mình để đối phó. Thưa Tiến sĩ nhận định gì về chuyện này?

TS Lê Đăng Doanh: Rõ ràng là Trung Quốc đã bắt đầu khởi động một cuộc chiến tarnh tiền tệ và tôi nghĩ rằng đây là bắt đầu của vòng xoáy, còn vòng xoáy ấy sẽ đi đến đâu và Trung Quốc sẽ được gì, sẽ mất gì thì điều đó còn phải có thời gian để tính toán xem xét.

Tôi thấy rằng, chắc chắn thị trường tài chính thế giới sẽ có biến động và sẽ có phản ứng trước tình hình mà mọi người không lường trước được là trong hai ngày liên tiếp Trung Quốc đã phá giá đồng bạc hai lần.

Nam Nguyên: Thưa. Về ý kiến cho rằng Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát vào Hoa Kỳ và các nước khác. Tiến sĩ nhận định gì?

TS Lê Đăng Doanh: Về việc Trung Quốc xuất khẩu lạm phát thì đấy là một cách nói. Bởi vì Trung Quốc phá giá đồng bạc thì các đồng tiền khác cũng phải có điều chỉnh theo, chứ nếu không thì họ bị thiệt quá.

Còn về thực chất thì Trung Quốc 6 tháng vừa qua đã có giảm lượng xuất khẩu tới 8,3%, cho nên Trung Quốc phải có biện pháp để duy trì xuất khẩu nếu không thì họ sẽ mất công ăn việc làm và nếu không có thì sản xuất trong nước của họ sẽ bị ngưng trệ và đấy là điều mà Trung Quốc đang muốn tránh.

Nam Nguyên: Xin phép được hỏi câu chót, thưa bản thân Tiến sĩ có ngạc nhiên với những quyết định mau lẹ dồn dập của Trung Quốc hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Tôi thực tình lấy làm bất ngờ, phản ứng ngày đầu tiên thì tôi không bất ngờ lắm và tôi nghĩ họ sẽ làm sau khi xuất khẩu của họ bị giảm như vậy. Nhưng mà họ làm đến ngày thứ hai liên tiếp thì tôi thấy hơi ngạc nhiên.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Lê Đăng Doanh đã trả lời Đài RFA.

RFA