Tin Việt Nam – 14/12/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 14/12/2019

Dân biểu Hoa Kỳ sẵn sàng bảo trợ

cho tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa

Thanh Trúc

Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal hôm 12/12 cho Đài Á Châu Tự Do biết ông rất sẵn lòng bảo trợ cho tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, người đang phải thụ án tù 7 năm với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Trước đó, vào ngày 10/12, thân nhân của anh Nguyễn Văn Hóa cho biết gia đình đã gửi thư cho dân biểu Lowenthal, đề nghị ông bảo trợ cho Hóa. Nhân dịp này, Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn với Dân biểu Alan Lowenthal về đề nghị của gia đình Hóa và tình hình nhân quyền tại Việt Nam, cũng như những dự định mà ông định làm để gây sức ép lên Việt Nam nhằm cải thiện tình trạng nhân quyền. Trước hết, nói về TNLT Nguyễn Văn Hóa, Dân biểu Alan Lowenthal cho biết:

Dân biểu Alan Lowenthal: Hồi tháng 6 năm nay tôi và Thượng Nghị sĩ Ed Markey đã viết một bức thư, tức là một bức thư thuộc hai Viện (Thượng Viện và Hạ Viện) gửi cho Ngoại trưởng Pompeo để cảnh báo về tình hình tự do báo chí (ở Việt Nam) và Hóa cũng là một trong những trường hợp được đề cập. Tôi đã nói rất nhiều về việc Hóa đã bị bắt như thế nào và bị kết án tù 7 năm ra sao, chính phủ Việt Nam đã sử dụng điều 88 Bộ luật Hình sự (cũ) cáo buộc Hóa tuyên truyền chống nhà nước. Tôi biết khá nhiều về Hóa, tôi biết Hóa là một nhà báo và Hóa đã đưa thông tin về ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra. Tôi cũng biết là Hóa phản đối việc thắt chặt kiểm soát tự do trên internet. Hóa chỉ làm công việc của một nhà báo, một nhà báo tự do và anh ấy bị bắt giữ và không may bị kết án.

Thanh Trúc: Mới đây người chị của Nguyễn Văn Hóa cho Đài Á Châu Tự Do biết là Nguyễn Văn Hóa mong muốn được một vị dân biểu Hoa Kỳ bảo trợ mà qua đó tên ông được nhắc đến. Ông nghĩ sao khi nghe về đề nghị này?

DB A. Lowenthal: Tôi rất vui nhận việc này. Tôi đã nghe về Hóa, về việc anh ấy bị bỏ tù bất công. Tôi đã bảo trợ một số tù nhân lương tâm. Tôi nằm trong Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos. Những người được tôi bảo trợ đã được trả tự do và những người khác đều qua Ủy ban này. Tôi sẵn sàng nhận bảo trợ cho anh ấy và tôi sẽ thu xếp. Tôi nghĩ là chị gái của Hóa nên liên hệ với văn phòng của chúng tôi để bắt đầu quá trình này. Tôi cần một giấy tờ hoặc nói chuyện chính thức với chị gái Hóa để bắt đầu quá trình bảo trợ.

Thanh Trúc: Trước đây một trong những tù nhân chính trị ở Việt Nam, tên là Nguyễn Tiến Trung, từng được ông bảo trợ. Xin cho biết ông đã làm gì để giúp đỡ Nguyễn Tiến Trung? Tính đến lúc này ông có nghe tin tức gì về người này không?

DB A. Lowenthal: Tôi có nhận được tin tức về Trung. Tôi đã lên tiếng cho Trung với các đồng nghiệp của mình, với Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam là đại sứ Kritenbrink. Tôi đã nói về Trung công khai và trước Quốc hội. Tôi rất vui là Trung đã được tự do. Chúng tôi có liên hệ với Trung hồi năm ngoái khi Trung xin vào học ở trường đại học Oregon để lấy bằng thạc sĩ. Tôi đã viết thư giới thiệu cho Trung và anh ấy đã bắt đầu vào học từ tháng 9. Anh ấy có nói với chúng tôi là anh sẽ xin học lên Tiến sĩ.

Thanh Trúc: Thưa ông ngoài trường hợp Nguyễn Văn Hóa thì hiện tại hơn 100 tù chính trị hãy còn bị giam giữ ở Việt Nam. Ông và những người đồng nhiệm trong quốc hội đã làm gì để gây sức ép lên chính quyền Việt Nam, đòi trả tự do cho họ. Mặt khác, trong khi họ vẫn đang bị cầm tù thì ông có yêu cầu gì hầu giúp đỡ họ không?

DB A. Lowenthal: Cả Caucus về Việt Nam ở Hạ Viện và Ủy ban quan hệ đối ngoại, cùng Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos đã thực hiện nhiều buổi điều trần về vấn đề này. Bất cứ khi nào tôi gặp các quan chức Việt Nam hay Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao, tôi đều kêu gọi chú ý vào các trường hợp tù nhân lương tâm. Tôi đề cập vấn đề này với Đại sứ Mỹ. Trong lần gặp đầu tiên của tôi với Đại sứ  Dan Kritenbrink, các đồng nghiệp của tôi trong Caucus về Việt Nam đã trao cho ông ấy một danh sách các tù nhân lương tâm mà chúng tôi muốn ông ấy quan tâm cùng làm việc với chúng tôi. Tôi sẽ tiếp tục làm việc này. Tôi đã viết thư cho Ngoại trưởng Pompeo. Khi chúng tôi quay lại làm việc vào tháng tới, chúng tôi sẽ liên hệ với Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, yêu cầu trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc này và chúng tôi cũng đã có những thành công trong việc đòi trả tự do cho một số tù nhân lương tâm. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục bắt giữ thêm tù nhân lương tâm nên đây công việc liên tục.

Thứ nhất là đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Thứ hai là đạo luật Nhân quyền Việt Nam mà tôi đồng ủng hộ cùng Dân biểu Chris Smith. Sau đó chúng ta có thể áp dụng Đạo luật Magnitsky. – Dân biểu Alan Lowenthal

Thanh Trúc: Hồ sơ nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ  những năm qua, theo ông tại sao tình hình  tiếp tục xấu đi như vậy, chính phủ Mỹ có phần nào trách nhiệm trong chuyện tiêu cực này không?

DB A. Lowenthal: Tôi không muốn dùng cơ hội này để đổ lỗi lên chính quyền Mỹ. Điều tôi muốn nói là chính quyền Mỹ bây giờ có những ưu tiên khác hơn so với chính quyền trước. Thời của chính quyền Mỹ trước khi tôi được bầu vào Quốc hội, trong quan hệ song phương với Việt Nam, chúng ta nói về vấn đề này khi Việt Nam muốn gia nhập Hiệp định đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương rằng nhân quyền là quan ngại chính. Nếu họ muốn làm việc với Mỹ thì họ phải có cải thiện trong hồ sơ nhân quyền. Cho nên nhân quyền nằm ở trong danh sách ưu tiên rất cao. Bây giờ, chính quyền mới vẫn coi nhân quyền là vấn đề quan trọng nhưng Hoa Kỳ giờ quan ngại nhiều hơn về vấn đề an ninh hàng hải, thương mại, và không gây sức ép mạnh về vấn đề nhân quyền. Không phải họ không làm mà chúng ta không thấy là vấn đề nhân quyền được đặt ưu tiên cao. Ở Hạ viện, tôi tin là vấn đề nhân quyền và vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam cũng quan trọng. Bất cứ ai (ở Việt Nam) lên tiếng về tự do tôn giáo, tự do bày tỏ ý kiến, các blogger, những người hoạt động báo chí đều là những người mà chính quyền Việt Nam đang đàn áp. Đó là điều mà tôi cho rằng quan trọng nhất. Tôi vẫn luôn đưa vấn đề này ra và tôi hy vọng là Đại sứ Kritenbrink hiểu được tại sao tôi làm điều này. Tôi nói chuyện với Đại sứ Kritenbrink mỗi tuần hoặc 2 tuần một lần về việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Gần đây chúng tôi đang nói về trường hợp của ông Michael Nguyen, người vừa bị kết án tù 12 năm. Ông ấy là cư dân ở Orange County, là công dân Mỹ. Trước đó tôi có làm việc cho trường hợp của anh Will Nguyen, cố gắng để anh ấy được trả tự do. Anh ấy bị kết án nhưng rất may là anh được trả về Mỹ ngay. Đây là công việc liên tục. Tôi thường xuyên thách thức chính phủ Việt Nam, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã rất nhiệt tình hợp tác giúp đỡ chúng tôi qua ngài đại sứ. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thực sự thành công nhiều. Chúng tôi hy vọng chính quyền Mỹ và Tổng thống Mỹ (chúng tôi thường xuyên viết thư cho Tổng thống) sẽ coi vấn đề nhân quyền là ưu tiên số 1.

Thanh Trúc: Thưa ông Luật Magnitsky Toàn Cầu xem chừng chưa tác động gì tới những người vi phạm quyền con người ở Việt Nam. Theo ông thì Hoa Kỳ cần làm gì để có thể áp dụng Đạo luật này với Việt Nam?

DB A. Lowenthal: Theo tôi, điều mà chúng ta cần làm trước tiên là xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC), và sau đó áp dụng Đạo luật Magnitsky. Việt Nam đã từng trong CPC nhưng sau đó chúng ta nói rằng họ đã có tiến bộ. Khoảng 10 hay 15 năm về trước họ được rút khỏi danh sách này. Vì tình trạng vi phạm nhân quyền vô cùng tồi tệ ở Việt Nam. Chúng tôi gần đây cũng có đưa ra Đạo luật Nhân quyền cho Campuchia, đạo luật đó đã được Hạ viện thông qua và chính phủ Mỹ đã xác định 2 người ở Campuchia theo đạo luật Magnitsky. Tôi muốn thấy Đạo luật Magnitsky được áp dụng ở Việt Nam và những người tham gia vi phạm nhân quyền sẽ bị đưa vào danh sách này. Nhưng để làm được này chúng ta cần làm hai việc. Thứ nhất là đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Thứ hai là đạo luật Nhân quyền Việt Nam mà tôi đồng ủng hộ cùng Dân biểu Chris Smith. Sau đó chúng ta có thể áp dụng Đạo luật Magnitsky.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn Dân biểu Alan Lowenthal về bài phỏng vấn này.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/us-congressman-willing-to-sponsor-nguyen-van-hoa-12132019121150.html

 

Hà Nội ô nhiễm không khí trầm trọng,

Bộ Tài nguyên Môi trường khuyến cáo hạn chế ra đường

 Reuters

Không khí tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vào ngày 14/12 tiếp tục ô nhiễm nghiêm trọng tho các chỉ số quan trắc được công bố.

Hệ thống quan trắc PAMAir ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vào sáng ngày 14/12 ghi nhận mức độ ô nhiễm ở màu tím, tức cực kỳ nghiêm trọng. Một số nơi mức ô nhiễm là nâu, đa số các địa điểm khác là mức đỏ và tím.

Công bố của Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố vào sáng ngày 14/12 cho thấy ô nhiễm không khí ở Hà Nội tỏng cả tuần qua, từ ngày 7 – 12 đến 13 -12 có xu hướng tăng lên so với tuần trước đó.

Theo chỉ số được công bố, trong các ngày 10 – 12 đến ngày 13 -12, chỉ số chấ lượng không khí (AIQ) ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu.

Tổng cục Môi trường cho biết giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM 2.5 tại ác thành phố từ đầu tháng 12 tới nay nhìn chung có xu hướng tăng. Trong các ngày từ 7 – 12 đến 12 -12, tại Hà Nội, Việt Trì, thành phố Hồ Chí Minh, giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép. Thậm chí, tại Hà Nội, có lúc giá trị này vượt quá từ 2 đến 3 lần mức cho phép.

Theo các chuyên gia y tế, bụi mịn PM2.5 có thể đi thẳng vào mô, phế nang phổi, đường hô hấp trên, gây nên bệnh hô hấp. Về lâu dài, chúng có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm phổi, viêm phế quản mạn tính.

Mặc dù công bố các chỉ số về ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhưng Tổng cục Môi trường không thông báo nguyên nhân tại sao Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc bị như vậy.

Tổng cục Môi trường khuyến cáo “Mọi người, kể cả học sinh, nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM 2.5 khi đi ra đường”.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hanoi-6-days-serious-polluted-12142019085533.html

 

Người dân tự bảo vệ mình

trước tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Truyền thông trong nước loan tin hôm 13/12 trích lời một chuyên gia môi trường nhận định đợt ô nhiễm trong tháng 12 này tại thủ đô là đợt ô nhiễm không khí ‘khủng khiếp’ nhất từ trước đến nay và đã bước sang ngày thứ năm liên tiếp.

Ô nhiễm không khí cao nhất thế giới

Kết quả quan trắc PAM Air ghi nhận được cho thấy chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nhiều điểm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đều vượt mức 200, tức rất nguy hại cho sức khỏe. Trong khi đó, ứng dụng AirVisual hôm 13/12 cũng xếp Hà Nội bị ô nhiễm không khí nhất thế giới với điểm AQI 316. Chất lượng không khí tại Tây Hồ bị xác nhận ô nhiễm nhất với điểm số cao đặc biệt 405.

Báo Tuổi Trẻ trích lời Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nhận định đây là đợt ô nhiễm không khí ‘khủng khiếp’ ở một số tỉnh phía Bắc và Hà Nội.

Nhận xét về tình trạng ô nhiễm không khí này, dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn thành viên nhóm Green Tree từ Hà Nội cho biết:

“Tôi là một trong số những người quan tâm về các vấn đề môi trường nên khi có chỉ dấu Hà Nội bị ô nhiễm thì tôi cũng có quan sát và cùng với vợ con với những người bạn cũng đều cảm nhận rõ mức độ ô nhiễm mà vào những ngày có chỉ số ô nhiễm không khí cao. Nó không đơn thuần chỉ là hiển thị trên các thông số qua app PAM Air hay Air Visual mà rõ ràng mức độ ô nhiễm được cảm nhận rất rõ và có thể nhìn thấy luôn mức độ bụi đậm đặc đến mức khiến mọi thứ trở nên mờ ảo và đương nhiên tầm nhìn xa bị giảm, nó thể hiện rõ lắm cả ban ngày lẫn ban đêm.”

Một người dân khác cũng từ Hà Nội là anh Nguyễn Lân Thắng cũng chia sẻ rằng, tình trạng gây ra ô nhiễm nặng như hiện nay tại Hà Nội là do nhiều nguyên nhân:

“Một trong các nguyên nhân đó là Hà Nội đang có các kế hoạch làm những con đường trên cao, những con đường vành đai, bóc vỉa hè lát vỉa hè khắp mọi nơi, và hơn nữa là thời gian thời tiết tầm này có hiện tượng nghịch nhiệt nên nó tạo ra một lớp màng nên khói bụi ở tầng thấp của không khí không thể nào bóc lên được nên quanh quẩn khắp thành phố, chỗ nào cũng thấy bụi cũng ô nhiễm.”

Cùng nhận định này, phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, giám đốc trung tâm công nghệ môi trường chia sẻ thêm nguyên nhân từ xa.

“…ngoài ra ô nhiễm cũng có thể tác động từ xa như nguyên nhân cháy rừng nên nhiều nguyên nhân lắm, VN hiện nay chưa có điều kiện để đánh giá được nguồn nào đóng góp bao nhiêu, mà qua các chỉ số tự động thì nó rất là cao và mình cũng xác định được là do nguyên nhân nào.”

Mặc dù tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tệ hơn nhưng hơn 1 tuần qua các cơ quan chức năng có thẩm quyền vẫn chưa có một khuyến cáo chính thức nào về đợt ô nhiễm không khí được xem là khủng khiếp này. Trong khi đó, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội chỉ có thêm khuyến cáo với thông tin vắn tắt “AQI 256 – mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn”.

Im lặng làm ngơ

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, ông ghi nhận báo chí Việt Nam có thông tin rất nhiều về tình trạng ô nhiễm nhưng nó cũng chỉ dừng lại ở mức đưa ra thông báo mức độ ô nhiễm nguy hại cho sức khỏe chứ không hề có một khuyến cáo chính thức nào từ cơ quan chức năng.

“Hành động tính đến thời điểm này mà thôi ghi nhận được là các cấp chính quyền của nhà nước Việt Nam có xây lắp và đặt các trụ quan trắc và các trạm này chúng ta có thể nhìn nó thông qua các ứng dụng như App PAM air hay Air Visual. Tuy nhiên nó cũng chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Khi mà chưa có khuyến cáo chính thức nào từ cơ quan chức năng thì hiện nay tôi đang cảm nhận rõ nguy cơ đại đa số người dân đang tích lũy bụi mịn trong cơ thể và đương nhiên sự tích lũy này sẽ gây nguy hại cho sức khỏe về lâu về dài.”

Theo ý kiến chuyên gia y tế, không khí ô nhiễm có nhiều hạt bụi nhỏ, hạt càng nhỏ sẽ càng vào sâu. Những hạt bụi có kích thước nhỏ, đặc biệt PM2.5 có thể đi thẳng vào mô, phế nang phổi, đường hô hấp trên, gây nên bệnh hô hấp. Về lâu dài, chúng có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm phổi, viêm phế quản mạn tính

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết các trường học hiện cũng không chú ý lắm đến việc trang bị bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ trong tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội:

“…hay nhiều phụ huynh phản ánh khi họ thấy bụi ghê gớm quá, họ có ý kiến với nha trường nơi con em họ theo học. Phản ứng của nhà trường là chúng tôi thấy học sinh chủ yếu ở trong lớp ít khi ra ngoài nên việc trang bị những hệ thống lọc không khí trong các lớp là không cần thiết. Thậm chí có phụ huynh xin phép hiệu trưởng cho lắp đặt máy lọc không khí trong lớp thì hiệu trưởng còn khó chịu lo ngại rằng nếu lớp đó có máy lọc thì các lớp khác bắt chước làm theo, rồi nào nguy cơ tăng tiêu thụ điện của nhà trường lên rồi còn ngụ ý với phụ huynh là nên chấp nhận nếu không thì cho con đi học trường khác.”

Nhiều biện pháp nhưng không thể thực hiện?

Vào tháng 10 cũng xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí ở mức được cho là đáng báo động, nhiều chuyên gia môi trường cùng các cơ quan chức năng đưa ra nhiều biện pháp đối phó với tình trạng ô nhiễm không

khí bằng việc nghiên cứu cấm xe máy tại một số khu vực, kêu gọi người dân nên đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài… và nhiều biện pháp khác.

Những người dân và chuyên gia môi trường mà chúng tôi trao đổi đều cho rằng, đó cũng chỉ là những giải pháp trước mắt tạm thời để ứng phó ô nhiễm nhưng điều mà người dân quan tâm là chính phủ cần sớm đưa ra những giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Anh Nguyễn Lân Thắng cho rằng “Các quan chức chính phủ họ đang ở trong tình trạng là bất lực, họ biết những vấn đề đang có chuyện như vậy nhưng họ không nghĩ ra được giải pháp nào hay cách nào để chống chọi lại chuyện này. Họ chỉ loanh oanh đưa ra các giải pháp tạm thời, chóng cháy, khỏa lấp đi sự việc.”

Còn đối với Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, nếu môi trường ngoài không có biện pháp phòng vệ thì người dân phải tự bảo vệ chính bản thân mình trước:

“Tại Việt Nam các phương án lâu dài đều có hết rồi, từng nguồn, các biện pháp phòng ngừa đến vẫn còn tồn tại. Cái này phải từng bước một vì muốn giải quyết triệt đề thì nó rất là tốn kém mà Việt Nam không đủ nguồn kinh phí làm việc đó nên từ từ họ sẽ giải quyết”.

Tiến sĩ Phùng Chí Sĩ cho rằng trong khi chờ các giải quyết của chính quyền, thì “trước mắt chưa có biện pháp cụ thể thì người dân phải tự bảo vệ mình.”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/severe-air-pollution-when-to-reduce-12132019150836.html

 

‘Câu chuyện về nhiều vận động viên nữ VN

làm tôi đau lòng’

‘Tôi đau lòng khi nghĩ về thể thao nữ Việt Nam’

Việt Nam vẫn còn ‘phân biệt đối xử, trọng nam khinh nữ’ trong thể thao và xã hội, ‘thật đau lòng’ khi nghe nhiều vận động viên nữ ở Việt Nam nói về khó khăn trong cuộc sống và tập luyện của họ, một nhà báo và nhà bình luận chia sẻ với BBC News Tiếng Việt ngay sau bế mạc SEA Games 30 năm 2019.

“Chúng ta vẫn còn phân biệt đối xử, trọng nam khinh nữ trong xã hội và trong đó là thể hiện trong thể thao. Chúng ta biết rằng đội nữ chúng ta đã 6 lần vô địch SEA Games, nhưng chưa lần nào đón tiếp một cách trọng thể, không được đánh giá đúng đắn công sức của các bạn ấy,” nhà bình luận trước hết nói về bóng đá nữ,” từ Hà Nội hôm 11/12/2019, bình luận gia Trần Tiến Đức nói với BBC.

“Đứng trên bản đồ của bóng đá thế giới, thì thứ hạng của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cao hơn nhiều so với đội bóng đá nam, nhưng mà đãi ngộ, thu nhập cũng như là vấn đề dinh dưỡng của các cầu thủ nữ Việt Nam theo tôi còn thua xa so với những yêu cầu, những tiêu chuẩn để đạt được, để có thể duy trì được trạng thái thể lực cũng như là có thể nâng cao được hơn nữa khả năng về mặt kỹ thuật về mặt chiến thuật.

Tôi nghe thấy như vậy rất là đau lòng! Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo của quốc gia này, trong đó có những người lãnh đạo về thể thao phải thấy xấu hổ khi nghe những lời thú nhận như vậy!Bình luận gia Trần Tiến Đức

Đá bóng giỏi bây giờ sướng thật!

U22 Việt Nam: Huy chương vàng ‘nhưng vẫn có điểm yếu’

Tuyết Dung: ‘Tôi đem phần thưởng về cho mẹ’

U22 Indonesia đã phá sản thế nào trước tuyển Việt Nam

Bàn tròn của BBC về thành tích của bóng đá VN tại SEA Games 30

U22 Việt Nam: ‘Sức mạnh không thể ngăn cản’

“Có một điều là các tuyển thủ nữ của chúng ta được thi đấu rất ít, chúng ta chỉ có một giải ở trong nước đá hai lượt – lượt đi, lượt về và chỉ có 6 đội tham gia, thì như vậy là quá ít, không đủ để các cầu thủ có thể tích lũy được kinh nghiệm.

“Thứ hai là việc đào tạo các cầu thủ nữ trẻ cũng chưa được chú ý thích đáng. Bây giờ chúng ta thấy bóng đá nam có rất nhiều học viện, những trung tâm đào tạo, thí dụ như chỗ VinGroup đã đầu tư vào trung tâm đào tạo của PVF, chỗ Hoàng Anh Gia Lai cũng đã đào tạo bóng đá trẻ tốt, rồi Hà Nội cũng có trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tốt và một số nơi khác nữa.

“Nhưng mà nữ chưa có trung tâm đào tạo bóng đá trẻ và nếu không có chú trọng đến đào tạo lớp trẻ thì đến khi các em lên thi đấu thì phải bập ngay vào giải hạng nhất của bóng đá nữ, thì sẽ rất là bỡ ngỡ và rất là khó phát triển.”

‘Nghe rất là đau lòng’

Về các bộ môn thể thao khác của Việt Nam có tham gia của nữ vận động viên, nhà báo Trần Tiến Đức nói:

“Đối với các vận động viên khác, tôi cho rằng cũng thế, vừa rồi chính các em đã tự nhủ, có em là đi tập rồi, nhưng một ngày phải dành hai tiếng để đi chạy Grab, mà tôi chắc đấy là Grab-bike, tức là Grab bằng mô-tô, chứ không phải là Grab ô-tô, để mà có thêm đủ tiền để mà sinh hoạt.

“Hay là như là Nguyễn Thị Huyền, là một vận động viên chạy rất tốt về 400 mét, mà em phải nói là được huy chương này thì sẽ có thêm tiền để mua sữa cho con.

“Tôi nghe thấy như vậy rất là đau lòng! Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo của quốc gia này, trong đó có những người lãnh đạo về thể thao phải thấy xấu hổ khi nghe những lời thú nhận như vậy!

“Và tôi nghĩ rằng phải đầu tư nhiều hơn nữa cho việc xây dựng lực lượng nữ vận động viên, cũng như là phải tôn trọng và đãi ngộ họ tốt hơn nữa.

“Nếu mà xem bảng thành tích của Việt Nam trong 98 huy chương vàng ở giải SEA Games lần này, thì tôi nghĩ rằng các vận động viên nữ là chiếm một tỷ lệ rất lớn, theo tôi còn là trên một nửa, tôi chưa thống kê được hết.

“Nhưng mà thành tích của thể thao Việt Nam lâu nay cũng dựa vào thành tích của nữ. Trong điền kinh, trong bơi lội cũng vậy thôi, thì cái đó, tôi nghĩ buộc chúng ta phải suy nghĩ kỹ.

Với những đóng góp mang lại vinh quan và tự hào của họ thời thanh xuân cho đất nước và được ghi nhận thì làm sao khi họ nghỉ thi đấu thì họ phải có được cơ hội để ổn định cuộc sốngHuyền trang, cổ động viên

“Và chúng tôi cũng nghĩ rằng xã hội cũng phải có thay đổi trong suy nghĩ. Chúng ta phải thấy rằng các nữ vận động viên, thực ra là những người đã mang lại vinh quang cho thể thao Việt Nam và đồng thời họ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong việc tập luyện cũng như thi đấu,” nhà bình luận Trần Tiến Đức nói với BBC từ Hà Nội.

‘Còn nhiều việc hơn nữa cần làm’

Tham gia chương trình hội luận Bàn tròn thứ Năm của BBC hôm 12/12, Nguyễn Huyền Trang, một người hâm mộ thể thao từ TP HCM cho rằng việc khen thưởng là cần thiết nhưng còn có nhiều việc hơn nữa cần làm.

“Tôi nghĩ không chỉ bóng đá mà còn các bộ môn thể thao khác nữa cũng cần có sự quan tâm đúng mực.

“Chẳng hạn vận động viên điền kinh của chúng ta giành huy chương vàng rồi mà về nhà vẫn phải kiếm thêm thu nhập bằng việc bán đồ thể thao trên mạng là điều không xa lạ.

Xã hội còn chưa công bằng với thể thao nữ VN

“Với bóng đá nói riêng và thể thao nói chung thì tôi thấy rằng cần có những chính sách ưu tiên nào đó cho họ.

“Với những đóng góp mang lại vinh quan và tự hào của họ thời thanh xuân cho đất nước và được ghi nhận thì làm sao khi họ nghỉ thi đấu thì họ phải có được cơ hội để ổn định cuộc sống.

“Và điều này cần thực hiện cho tất cả các môn thể thao chứ không chỉ có bóng đá mà thôi,” Huyền Trang nói.

Còn từ Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), hôm 11/12, Tiến sỹ Viện trưởng Khuất Thu Hồng nói với BBC:

Nếu mà mạng xã hội không lên tiếng, sự bất bình đẳng, bất công bình như vậy trong thái độ của xã hội cũng như là của các Mạnh Thường Quân đối với đội bóng đã nữ, thì có lẽ năm nay họ cũng sẽ ra về không kèn, không trốngTiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện ISDS

“Câu chuyện thể thao là một ví dụ rất rõ rệt. Chúng ta nhìn thấy bằng mắt rằng là sự nồng nhiệt, sự tán dương, sự tung hô, sự ủng hộ với bóng đá nam nó khác hẳn với sự tri ân, sự tưởng thưởng cũng khác.

“Cho đến năm nay, nếu mà mạng xã hội không lên tiếng, sự bất bình đẳng, bất công bình như vậy trong thái độ của xã hội cũng như là của các Mạnh Thường Quân đối với đội bóng đã nữ, thì có lẽ năm nay họ cũng sẽ ra về không kèn, không trống.

“Và những phần thưởng mang tính chất là tượng trưng thôi, chẳng hạn nó không thể nào so sánh được với cái mà những đội bóng đá nam được hưởng.

“Thì những thí dụ như vậy cho thấy rằng bình đẳng thực chất ở Việt Nam vẫn còn nằm ở trong tương lai,” nhà nghiên cứu về xã hội học và bình đẳng giới nói với BBC News Tiếng Việt.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một hội luận Bàn tròn thứ Năm về kỳ tích của bóng đá Việt Nam tại SEA Games 30 năm 2019.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50796071

 

The Economist: Một câu lạc bộ bóng đá Việt Nam

thách thức Trung Quốc

Trọng Nghĩa

Trong mục châu Á, tuần báo Anh The Economist số ra ngày 13/12/2019 đã có một bài viết lý thú về một câu lạc bộ bóng đá ở Việt Nam, mang một cái tên kỳ lạ bằng tiếng Anh: “No U FC”. Đối với The Economist, đây là một “câu lạc bộ bóng đá Việt Nam đang thách thức Trung Quốc”.

Mở đầu bài viết mang tựa đề đơn giản “Thẻ đỏ”, gởi đi từ Hà Nội, phóng viên của The Economist đã tả lại một buổi tập luyện của thành viên câu lạc bộ bóng đá này, mà ngay tên gọi đã được nhà báo Anh cho là một “tiếng kêu xuất phát từ trái tim”, dùng nguyên văn từ ngữ tiếng Pháp “cri de coeur”, một cái tên biểu thị rõ ý muốn bác bỏ yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh đối với Biển Đông

Về cái tên câu lạc bộ bóng đá “No U FC”, bài báo đã giải thích rõ rằng chữ U trong tên đội bóng chỉ “đường chín đoạn” hình chữ U mà Trung Quốc dùng để yêu sách chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông, ăn vào cả một khu vực rộng lớn mà luật pháp quốc tế công nhận là thuộc về Việt Nam.

Điểm lý thú được The Economist ghi nhận là trong tên gọi của câu lạc bộ đó, chữ tắt FC có thể hiểu theo hai cách, cách thông thường là “Football Club” – Câu Lạc Bộ Bóng Đá – nhưng cũng có người giải thích một cách nôm na hơn là “Fuck China”, tức là “đ… m… Trung Quốc”.

Đối với phóng viên của The Economist, câu lạc bộ No-U FC được thành lập vào năm 2011 để phản đối các hành động xâm lược của Trung Quốc tại Biển Đông, chiếm cứ các đảo và rạn san hô mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, đặt các nơi này vào một khu hành chính mới của Trung Quốc, trong lúc tàu Trung Quốc thì tấn công và giết chết ngư dân Việt Nam trên vùng biển bị Bắc Kinh tranh chấp.

Theo The Economist, chính vì cho rằng Trung Quốc đang xâm lấn vùng biển Việt Nam mà các nhóm xã hội dân sự non trẻ tại Việt Nam đã tổ chức một số cuộc biểu tình. Chuyên gia Vũ Tường thuộc Đại Học Mỹ Oregon cho biết là vào năm 2018 chẳng hạn, hàng ngàn người đã biểu tình phản đối một dự luật về các đặc khu kinh tế bị cho là có hệ quả là bán rẻ đất nước cho Trung Quốc.

Hầu hết các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nhanh chóng bị nhà chức trách Việt Nam giải tán, nhưng trước đó một nhóm các nhà hoạt động đã nghĩ ra cách để nói lên quan điểm của mình mà không bị bắt giữ. Và thế là No-U FC ra đời.

Công an Việt Nam tuy nhiên không bị lừa lâu, các trận đấu của Câu lạc bộ đã bị đình chỉ, các nhà quản lý sân bóng được khuyến cáo là không được cho câu lạc bộ này vào chơi bóng, và nhiều thành viên Câu lạc bộ thì bị đánh đập và bỏ tù. Cho dù vậy, đội No U FC vẫn không nản lòng và tiếp tục chơi bóng mỗi Chủ Nhật.

Việc chính quyền đối xử khắc nghiệt với câu lạc bộ No-U FC quả là đáng ngạc nhiên vì Câu lạc bộ này được thành lập chỉ để thể hiện tình cảm ủng hộ Việt Nam. Nhưng theo The Economist, có hai lý do giải thích phản ứng đó.

Trước hết, câu lạc bộ này có thể là đã quá yêu nước so với khẩu vị của chế độ. Mặc dù chính quyền Việt Nam phản đối các yêu sách và hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng trong thực tế, phản ứng của Việt Nam thường rất nhẹ nhàng. Nhà nghiên cứu Vũ Tường cho rằng trong Đảng Cộng Sản cầm quyền có một phe bảo thủ không muốn xúc phạm đối tác Trung Quốc.

Lý do thứ hai là có một kết nối đang phát triển giữa câu lạc bộ và các hoạt động dân chủ. Vì thái độ thận trọng của chính phủ trong vùng biển tranh chấp, nhiều nhà hoạt động cho rằng Đảng còn yếu đuối trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Trong bài biên khảo về hoạt động chính trị ở Việt Nam mang tựa “Nói thẳng tại Việt Nam – Speaking Out in Vietnam”, nhà nghiên cứu Ben Kerkvliet cho rằng một số người đã “kết luận rằng, để cứu đất nước Việt Nam, hệ thống chính trị phải được thay thế bằng một nền dân chủ mạnh mẽ”.

http://vi.rfi.fr/vi%E1%BB%87t-nam/20191214-the-economist-m%E1%BB%99t-c%C3%A2u-l%E1%BA%A1c-b%E1%BB%99-b%C3%B3ng-%C4%91%C3%A1-vi%E1%BB%87t-nam-th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-trung-qu%E1%BB%91c

 

Thu hút người nước ngoài về Việt Nam chữa bệnh

có khả thi?

Diễm Thi, RFA

Bộ Y tế đưa ra dự thảo đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030”.

Dự thảo đề án của Bộ Y tế nêu ra một thực tế là các kỹ thuật nha khoa, thẩm mỹ hoặc phẫu thuật nội soi, ung bướu, thụ tinh ống nghiệm, ghép tạng… có giá cả thấp hơn nhiều so với nước ngoài với kỹ thuật tương tự.

Phát biểu tại buổi góp ý về đề án này sáng ngày 13 tháng 12 tại TP.HCM, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh cho rằng, TP.HCM có tiềm năng rất lớn bởi các bệnh viện đã quan tâm đầu tư và đào tạo một đội ngũ cán bộ trình độ tay nghề cao.

Như vậy ngoài lợi thế về chi phí, các yếu tố khác như thiết bị y tế, tay nghề của y, bác sĩ có thể thu hút bệnh nhân nước ngoài cũng như người dân có thu nhập cao ở lại chữa bệnh trong nước hay không?

Tiến sĩ – Bác sĩ Đinh Đức Long từ Việt Nam nhận định:

“Khả thi và tiềm năng rất lớn lại không cạnh tranh dưới góc độ thị trường. Ngay các bác sĩ thiện nguyện ở Mỹ về cũng phải có chúng tôi đi cùng chứ họ không thể tự làm một mình được. Ngoài dịch vụ chữa bệnh, hiện nay họ xây dựng những khu an dưỡng cho người lớn tuổi sang nghỉ dưỡng, kết hợp chữa bệnh.”

Theo Bác sĩ Long, chi phí rẻ hơn ở nước ngoài với cùng một dịch vụ là chuyện quá rõ ràng. Còn chuyện tay nghề thì tùy vào từng người, nhưng ở những bệnh viện lớn, trung tâm lớn thì tay nghề bác sĩ không hề kém. Ông nêu một trường hợp cụ thể về mặt chi phí mà ông có kinh nghiệm thực tế rằng, cách đây mười mấy năm, có một Việt kiều ở Mỹ về làm nội soi dạ dày với chi phí chỉ có 100.000 đồng Việt Nam, trong khi ở Mỹ phải trả đến 1.000 đô la, theo lời bệnh nhân này nói.

Nhưng tôi nghĩ cho tới giờ này cũng khó mà Việt Nam có lợi thế nếu đặt lên bàn cân, kể cả về cơ sở vật chất cũng như trình độ chuyên môn. – TS – BS. Nguyễn Tịnh Hiền

Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, nguyên Phó Giám Đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM thì có cái nhìn thận trọng hơn với nhận định:

“Bây giờ nếu xây dựng đề án thu hút người nước ngoài chữa bệnh thì chi phí phải rẻ hơn và chữa tốt hơn nước họ thì họ mới đến. Nhưng tôi nghĩ cho tới giờ này cũng khó mà Việt Nam có lợi thế nếu đặt lên bàn cân, kể cả về cơ sở vật chất cũng như trình độ chuyên môn.”

Tại Việt Nam, tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn ở thành phố mà báo chí trong nước thường xuyên loan tải ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.

Tiến sĩ-Bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) từng đưa ra nhận định với RFA về tình trạng bệnh viện công bị quá tải:

“Tôi nhìn thấy tình trạng quá tải ở bệnh viện công hiện nay, nguồn gốc sâu xa là đã để cho tình trạng chăm sóc sức khỏe ban đầu bị bỏ bê. Hay nói khác là chất lượng chăm sóc y tế của tuyến dưới đã không đáp ứng được nhu cầu của người dân”.

Theo số liệu thống kê không chính thức của Bộ Y tế tính đến năm 2018, Việt Nam với hơn 1000 bệnh viện công có 345 ngàn nhân viên y tế, trong đó số lượng bác sĩ trên 55 ngàn người, tương ứng tỷ lệ 7,2 bác sĩ/một vạn dân. Bộ Y tế cho biết tỷ lệ nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân ở Việt Nam tuy thấp hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á, nhưng vẫn thuộc nhóm có tỷ lệ cao trên thế giới.

Theo bác sĩ Trần Tịnh Hiền, khi xây dựng một dự án, đề án phải nhìn vào kinh nghiệm thực tế. Hiện nay, theo ông, đúng là có một số người bệnh ở nước ngoài muốn đến Việt Nam điều trị, đặc biệt là những quốc gia gần như Lào hoặc Campuchia. Tuy nhiên nhiều người Việt Nam tương đối giàu có hoặc những viên chức Nhà nước thì lại ra nước ngoài chữa bệnh, ví dụ như Singapore hoặc Trung Quốc.

Người bệnh nước ngoài nghĩ gì?

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến công bố: “Mỗi năm người Việt chi khoảng 2 tỉ USD ra nước ngoài khám chữa bệnh”.

Ở chiều ngược lại, kết quả khảo sát nhanh do Cục Quản lý Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế thực hiện tháng 8 năm 2019 cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, người nước ngoài vào Việt Nam khám chữa bệnh gần 89.000 lượt và hơn 10.000 người nước ngoài điều trị nội trú tại bệnh viện các tuyến.

Ông Nguyễn Kỳ, một người sống ở Hoa Kỳ trên 30 năm về Việt Nam du lịch chẳng may bị té phải vào bệnh viện nói với RFA:

“Tôi vô nhà thương Pháp-Việt. Trước hết là nó hỏi chú có tiền bạc không. Cái đó thì cũng được nhưng mà tự nhiên chú không thấy tin tưởng. Tôi sợ cả kỹ thuật lẫn trách nhiệm của bác sĩ. Họ khác bên này nhiều lắm. Rủi bị cái gì là thôi luôn chứ không như bên này. Đồng ý là trước khi mổ mình cũng phải ký giấy chấp nhận rủi ro, nhưng trách nhiệm cá nhân, lương tâm, kỹ thuật và khả năng của bác sĩ không thể bằng Mỹ được. Tôi chỉ vô chữa sơ sơ chứ về Mỹ được là tôi về ngay chứ ở đó họ chữa gì cho mình!”

Tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, có một số bệnh viện được có trang bị hiện đại nhưng chi phí điều trị khá cao, thường được cho là chỉ thích hợp với người có tiền hay người nước ngoài. Ví dụ như Bệnh viện Pháp – Việt là một bệnh viện quốc tế mà những người có tiền mới có thể vô điều trị vì chi phí khá cao so với các bệnh viện khác. Ngoài ra còn một số bệnh viện quốc tế khác nhận chữa trị cho người nước ngoài như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park; Bệnh viện quốc tế City; Bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn…

Gần đây nhiều người Việt ở Mỹ cũng hay nói đến việc về Việt Nam làm phẫu thuật thẩm mỹ nhỏ và làm răng giá rẻ hơn, nhưng cũng có trường hợp thiệt mạng.

Tôi không hiểu sao người nhà tôi, bị ung thư ruột, phải mổ đến ba lần. Mổ lần đầu xong vài tháng thì bác sĩ nói phải mổ lại để sắp xếp lại ruột. Vài tháng sau lại phải nổ để sắp xếp lại ruột lần nữa. – Bà Dina Nguyễn

Giữa tháng 10 vừa qua, một Việt kiều Mỹ về nước căng da mặt tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam, Q.3 (TP.HCM), đã tử vong khi chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng mất hết phản xạ.

Bà Dina Nguyễn, một y tá ở Hoa Kỳ về Việt Nam thăm người nhà bị ung thư cho hay, bà không bao giờ về Việt Nam chữa bệnh cho dù chi phí thấp hơn ở Mỹ. Bà nói:

“Tôi thấy ở Việt Nam, những bệnh viện bình thường, những y tá, bác sĩ đối xử với bệnh nhân không công bằng. Nếu không đưa tiền riêng cho họ thì họ sẽ không chăm sóc cho bệnh nhân. Về kỹ thuật thì rất là tệ. Tôi không hiểu sao người nhà tôi, bị ung thư ruột, phải mổ đến ba lần. Mổ lần đầu xong vài tháng thì bác sĩ nói phải mổ lại để sắp xếp lại ruột. Vài tháng sau lại phải nổ để sắp xếp lại ruột lần nữa. Tôi không hiểu kỹ thuật chuyên môn của bác sĩ như thế nào mà cứ phải mổ đi mổ lại để sắp lại ruột, theo lời bác sĩ nói.”

Theo chỉ tiêu của đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030”, đến năm 2030, tỷ lệ bệnh viện xây dựng đề án khám, chữa bệnh chất lượng cao, kỹ thuật cao tại tuyến trung ương là 100%, tuyến tỉnh 20%, tư nhân 15%. Tỷ lệ bệnh viện tuyến trung ương được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 95%. Tỷ lệ tỉnh/thành phố có bệnh viện được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 80% và tỷ lệ người nước ngoài khám, chữa bệnh tại Việt Nam tăng trưởng hàng năm từ 1% trở lên.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/foreigners-come-to-vietnam-for-medical-treatment-dt-12132019140215.html

 

Hạn mặn nghiêm trọng đe dọa ĐBSCL

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang hôm 11/12/2019, hạn mặn diễn biến phức tạp, xâm nhập sớm, sâu vào nội đồng ở thượng lưu sông Tiền, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Không chỉ riêng Tiền Giang gặp hạn, tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong về khu vực ĐBSCL thiếu hụt so với mức trung bình nhiều năm và thấp hơn rất nhiều so với năm 2015 nên tình trạng khô, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở nhiều nơi trong mùa khô 2019-2020 sẽ rất cao và nghiêm trọng.

Viện Khoa học thủy lợi miền nam cũng đưa ra cảnh báo, từ giữa tháng 12, có khả năng, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 35 đến 45 km tính từ cửa sông. Đến tháng 1 và tháng 2 năm 2020, ranh mặn 4 gam/lít có thể xâm nhập sâu vào nội đồng lên đến 55 đến 110 km.

Tôi không cho rằng đây là sự đột biến, tại vì mùa mưa vừa rồi, lượng mưa rất ít, và lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về đồng bằng cũng rất là thấp.

-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Trả lời RFA hôm 13/12 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia môi trường và tài nguyên, đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu của Đại học Cần Thơ, nhận định:

“Tôi không cho rằng đây là sự đột biến, tại vì mùa mưa vừa rồi, lượng mưa rất ít, và lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về đồng bằng cũng rất là thấp. Mùa mưa vừa rồi bị tác động bởi hiện tượng El Nino xảy ra theo chu kỳ của nó, nhưng lần này có vẻ gay gắt, có khả năng lập lại tình trạng khô hạn của năm 2016. Ngoài ra cũng có một số tác động như các đập thủy điện đang tìm cách khống chế các dòng chảy trên sông Mekong; hay do vùng đồng bằng có nguy cơ ngày càng lún dần, trong khi nước biển dâng cao, nên mặn có khuynh hướng lấn sâu vào đất liền, đặc biệt là những năm khô hạn nhiều.”

Trước tình hình xâm nhập mặn đe dọa trên 80.000 ha cây ăn trái ở Tiền Giang, vào ngày 11/12/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức cuộc họp khẩn bàn giải pháp ứng phó với tình hình hạn mặn diễn biến sớm này.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các địa phương quan tâm đặc biệt công tác bảo vệ vườn cây ăn trái, trong đó quan tâm mua máy đo độ mặn và thường xuyên đo độ mặn từng vùng, kịp thời cảnh báo liên tục tình hình xâm nhập mặn đến với người dân.

Để tìm hiểu thêm tình hình thực tế, hôm 12/13, RFA liên lạc Anh Năm Tân, một người trồng sầu riêng ở Cai Lậy, Tiền Giang, và được anh cho biết về tình hình thực tế tại địa phương của anh:

“Ở đây có cống có đập hết, có người canh nên mặn không vô được đâu. Hầu như có cống từ xưa đến giờ, mình đã có biện pháp phòng hờ rồi, nguyên khu vực này cũng có đê bao, bài báo nói vậy thôi… chứ chưa tới đây đâu… nếu có mặn cũng không vô tới vườn cây đâu. Tôi nghĩ chắc một hai tháng nữa mới thấy, chứ giờ thấy cũng vậy à… tới giờ nước mặn cũng chưa nhiễm… mới cảnh báo thôi.”

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, nguyên nhân một phần  là do hạn hán trên các nước thượng nguồn như Campuchia, Thái Lan, Myanmar… Lượng nước giảm cũng có thể là do lượng mưa giảm, nhưng cũng có thể là do điều tiết nước ở các đập thượng nguồn.

Mạng báo Asia Times vào trung tuần tháng 12 đăng bài cảnh báo “Sông Mê Kông chết một cách chậm chạp”. Theo tác giả Simon Roughneen, các đập thủy điện mới xây khổng lồ ở thượng nguồn sông Mekong đang làm cạn mực nước ở hạ nguồn xuống mức thấp nhất trong 60 năm.

Liệu Việt Nam có thể làm gì để chống lại tình trạng này? Ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Stimson ở Washington DC, khi trả lời RFA trước đây liên quan việc này, cho biết:

“Cơ hội để Việt Nam tự mình có thể làm gì xem ra không có mấy. Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực sản xuất nông nghiệp trọng yếu của Việt Nam. Cách để giảm thiểu tác động từ thượng nguồn là trữ nước trong mùa mưa cho mùa khô. Cứ nhìn những con đập đồ sộ của Trung Quốc, nhìn khoảng 300 con đập đã và đang sắp xây ở Lào trong tương lai.

Việt Nam cần làm việc với cả Lào, Campuchia, Trung Quốc trong hợp tác xúc tiến phương cách thay thế có thể chuyển đổi tương lai sản xuất thủy điện sang các nguồn điện khác; cũng như bàn bạc với các quốc gia thượng nguồn về những vấn đề như đòi hỏi các quốc gia thượng nguồn đừng tích nước mà phải xả nước xuống hạ nguồn trong thời gian khô hạn để lưu lượng dòng chảy được tự nhiên như bình thường. Đó là thông điệp duy nhất mà Việt Nam và những quốc gia hạ nguồn cần nói với nước thượng nguồn dù đó là nước nào.”

Việt Nam cần làm việc với cả Lào, Campuchia, Trung Quốc trong hợp tác xúc tiến phương cách thay thế có thể chuyển đổi tương lai sản xuất thủy điện sang các nguồn điện khác; cũng như bàn bạc với các quốc gia thượng nguồn.

-Brian Eyler

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng, ngay lúc này, chính quyền cần kêu gọi người dân trữ nước trong mùa mưa còn lại một cách tối đa, càng nhiều càng tốt, trữ trong các kênh. Ông cũng đã khuyến cáo mặn xâm nhập nhiều thì không nên canh tác lúa trong vụ đông xuân sắp tới, vì lúa là cây tiêu thụ nước nhiều. Phải chấp nhận giảm bớt diện tích canh tác lúa, chọn các loại cây ít sử dụng nước hơn. Đây là điều phải chấp nhận trong lúc khó khăn này.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho biết thêm:

“Chính phủ cách đây vài năm đã ra nghị quyết 120, phát triển ĐBSCL vững bềnh, trong mọi tình huống, nhất là biến đổi khí hậu, trong đó có các giải pháp về công trình như xây dựng cơ bản, về các chính sách thay đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi cây trồng, thay đổi công thức luân canh, các giải pháp kỹ thuật như nghiên cứu các giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn…”

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, việc chuyển đổi này chỉ thành công khi đối tượng cuối cùng là người nông dân, vì họ là người được hưởng lợi và chính họ là người thực hiện chuyển đổi. Ông cho rằng, để chuyển đổi thì vốn nhà nước là không thể đủ, và không thể mang tính quyết định, nhưng những chính sách cho phép nông dân giảm đất lúa, hay xây dựng các công trình thủy lợi để chuyển từ tưới lúa sang tưới cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản là rất quan trọng. Quá trình chuyển đổi này không phải một sớm một chiều, mà là câu chuyện hàng chục năm, vì vậy theo ông, chính sách làm thế nào để tạo điều kiện cho người dân có vốn, có thị trường, có công nghệ… là trọng trách rất lớn mà Việt Nam phải tiếp tục làm trong thời gian tới.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/drought-and-saltwater-threaten-mekong-delta-12132019133645.html