Tin Việt Nam – 14/10/2019
Tỉnh Tiền Giang sẽ xây thêm
trạm BOT trên tuyến tránh Cai Lậy
Tỉnh Tiền Giang đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và thống nhất phương án xây dựng thêm một trạm thu phí (BOT) trên tuyến tránh BOT Cai Lậy và sẽ thu phí đồng thời cả hai trạm BOT này.
Đó là thông tin được ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết hôm 14/10. Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang nói phương án xây trạm BOT mới ở tuyến tránh sẽ giúp phân luồng giao thông cho xe lớn di chuyển trên tuyến tránh nhằm tránh nạn kẹt xe và gây ô nhiễm môi trường Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy.
Ông Trần Văn Bon khẳng định việc phân luồng giao thông được Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng cục Đường bộ và địa phương tổ chức.
Người đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang nói tỉnh đang chờ Tổng cục Đường bộ và nhà đầu tư thống nhất vị trí đặt trạm, sau đó sẽ giải phóng mặt bằng để tiến hành xây dựng trạm BOT trên tuyến tránh.
Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng để quyết định phương án thu phí trở lại với dự án BOT Cai Lậy. Tuy nhiên đại diện Sở GTVT Tiền Giang cho rằng Thủ tướng đã giao cho Bộ GTVT quyết định nên đang chờ ý kiến của Bộ.
Trước đó, ông thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng vào tháng 9 và đã giao Vụ đối tác công tư, Vụ tài chính, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các nhà đầu tư dự án tiến hành triển khai thu phí theo phương án xây trạm BOT mới trên tuyến tránh.
Dự án xây trạm BOT mới trên tuyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1, đoạn từ km 1987+560 đến km 2014+000 sẽ do liên doanh Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái và Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 làm chủ đầu tư.
Tổng chi phí đầu tư dự án được kiểm toán cập nhật cho biết khoảng 1380 tỷ đồng, với chi phí xây dựng tuyến tránh hơn 680 tỷ đồng, chi phí tăng cường mặt đường hơn 379 tỷ đồng, chi phí xây trạm thu phí khoảng 100 tỷ đồng, và chi phí giải phóng mặt bằng hơn 219 tỷ đồng.
Dự án BOT Cai Lậy được khởi công vào năm 2014, hoàn thành năm 2017 và bắt đầu thu phí từ ngày 14/8/2017.
Ngay sau đó, BOT Cai Lậy gặp phải sự phản đối gay gắt từ giới tài xế và người dân địa phương vì lý do trạm đặt ở tuyến tránh chứ không phải Quốc lộ 1. Những người phản đối đã sử dụng tiền lẻ để thanh toán khi qua trạm dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông và buộc phải xả trạm.
Chỉ hai tuần sau khi bắt đầu hoạt động, BOT Cai Lậy buộc bị dừng thu phí và đích thân ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào cuối năm 2017 đã lên tiếng yêu cầu giải quyết vụ việc.
Nhiều phương án giải quyết đã được đề xuất nhưng vụ việc BOT Cai Lậy liên tiếp bị trễ hẹn. Nhà đầu tư dự án này nhiều lần lên tiếng rằng đang lâm vào khó khăn, rủi ro về việc thu hồi vốn của ngân hàng BIDV vì dự án đã ngừng thu phí gần hai năm qua.
Khởi sự phiên tòa xử vụ gian lận
thi tốt nghiệp THPT 2018 ở Hà Giang
Tại phiên tòa, Phó phòng khảo thí Hà Giang, ông Vũ Trọng Lương, khai trước tòa rằng việc ông nâng điểm thi tốt nghiệp THPT cho hơn 100 thí sinh theo yêu cầu của Trưởng phòng Nguyễn Thanh Hoài hồi năm 2018 là tự nguyện, không có quyền lợi gì.
Theo lời khai của ông Vũ Trọng Lương thì ngoài 93 thí sinh trong danh sách do ông Nguyễn Thanh Hoài đưa, còn 14 thí sinh được bạn bè, người thân nhờ nâng điểm trong đó có con của Bí thư tỉnh ủy Hà Giang lúc bấy giờ là Triệu Tài Vinh.
Ông Lương phân bua là những người nhờ nâng điểm cho con, cháu của họ, không có thỏa thuận gì, cũng không hứa hẹn nâng đỡ cho ông Lương trong công tác. Ông Lương sau đó nói “cảm thấy ân hận và ăn năn hối cải” về những việc mình đã làm.
Ông Nguyễn Thanh Hoài, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng giáo dục cũng khai trước tòa việc nâng điểm cho các thí sinh bị phát hiện là không vì vụ lợi, tất cả vì tình cảm, quan hệ cuộc sống. Bản thân ông Hoài cũng không đưa ra bất cứ hứa hẹn gì với ông Vũ Trọng Lượng.
Nhân vật được mệnh danh ‘lão phật gia’ trong vụ việc được ông Nguyễn Thanh Hoài cho biết là bà Tống Thị Bê, Chủ tịch Công đoàn Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên bà này nhờ hồi thi tuyển sinh vào lớp 10 trước đây chứ không phải trong vụ năm 2018. Bà này về hưu vào năm 2012.
Trong số những người liên quan bị triệu tập đến dự tòa, vợ và em gái nguyên bí thư tỉnh Hà Giang, Ông Triệu Tài Vinh, không có mặt. Vợ ông Triệu Tài Vinh là bà Phạm Thị Hà, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn tỉnh Hà Giang. Bà Triệu Thị Giang, em gái ông Vinh là phó trưởng phòng Kinh tế Đối ngoại, Sở Kế hoạch- Đầu Tư tỉnh Hà Giang.
Liên quan đến vụ nâng điểm cho 107 thí sinh thi tốt nghiệp THPT ở Hà Giang năm 2018, chính quyền Hà Giang công bố có 151 trường hợp cán bộ, đảng viên có liên quan đến vụ nâng điểm trong đó phải kỷ luật 46 trường hợp; kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm 29 trường hợp; không có khuyết điểm, vi phạm 1 trường hợp.
7 người Việt bị cảnh sát Nhật bắt vì ăn cắp
Tin Vietnam.- Báo Trithucvn ngày 14 tháng 10 năm 2019 dẫn lại tin của trang Japan Today cho biết, vào ngày 12 tháng 10, cảnh sát tỉnh Nara của Nhật Bản đã bắt 7 công dân Việt Nam vì hành vi ăn cắp mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Theo cảnh sát, một người đàn ông 37 tuổi là người cầm đầu cả nhóm. Từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 2 năm 2019, 7 người này đã đến các cửa hàng trên 18 tỉnh của Nhật giả vờ mua sắm để ăn cắp hàng hoá, với số lần thực hiện thành công là 247 lần. Ước tính giá trị số sản phẩm bị đánh cắp là 24,5 triệu yên, tương đương 5,2 tỷ đồng. Sau khi ăp cắp thành công, các nghi phạm đã gửi những sản phẩm về Việt Nam để bán.
Cảnh sát tỉnh Nara cho biết, 7 nghi phạm trên đến Nhật Bản theo diện sinh viên trao đổi và chương trình đào tạo cho lao động người ngoại quốc. Hiện tại, cảnh sát Nhật đang điều tra phương thức mà các nghi phạm ăn cắp hàng hoá và gửi về bán lại ở Việt Nam như thế nào. Trước đó, vào năm 2017, 7 du học sinh Việt Nam cũng đã bị cảnh sát Osaka của Nhật bắt vì hành vi trộm cắp mỹ phẩm gửi về nước bán.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/7-nguoi-viet-bi-canh-sat-nhat-bat-vi-an-cap/
Đại diện ngoại giao Việt Nam ở Nam Mỹ thờ ơ
với công dân Việt bị mất sổ thông hành
Tin từ Nam Mỹ, ngày 14/10/2019: Một cô gái Việt Nam đi du lịch ở Nam Mỹ đã cáo buộc đại diện ngoại giao của nhà nước cộng sản Việt Nam ở khu vực này tỏ ra thờ ơ trong việc trợ giúp cô khi cô bị mất sổ thông hành.
Theo bản tin trên trang mạng Tiếng Dân, cô gái tên Trang Anh đi du lịch tại Peru, và không may bị mất sổ thông hành Việt Nam. Cô đã có giấy xác nhận của cảnh sát Peru về việc mất sổ thông hành, và cố gắng liên lạc với đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Nam Mỹ để xin cấp lại.
Cô cho biết khi gọi điện tới Tổng đài bảo hộ công dân thì nhận được những câu trả lời rất hời hợt. Người trực tổng đài trả lời rằng Toà đại sứ Việt Nam tại Chile sẽ kiêm nhiệm khu vực Peru, và cho số điện thoại và email của cơ quan này tại Chile.
Khi cô liên lạc tới Toà đại sứ Việt Nam tại Chile, thì được khuyên nên liên hệ với Toà đại sứ Việt Nam tại Brazil. Cô Trang không thể liên lạc với Toà đại sứ Việt Nam tại Brazil bằng email hoặc điện thoại trong hai ngày làm việc liên tiếp.
Cô Trang Anh có đến Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Peru và Sở Di trú tại thủ đô Lima để xin được giúp đỡ. Họ nói có thể xuất cho cô giấy thông hành cùng xác nhận của Interpol để tới quốc gia gần nhất có toà đại sứ quán Việt Nam là Chile. Nhưng khi cô gọi điện tới Toà đại sứ Việt Nam ở đây thì nhận được câu trả lời rằng họ không thể cấp được chiếu khán ngay cho cô, vì không có máy in. Và cô sẽ phải đợi 2 tuần đến 1 tháng mới có chiếu khán mới, vì sẽ phải gửi hồ sơ qua Brazil.
Sự việc của cô Trang Anh là một trong những rắc rối mà công dân Việt Nam thường hay gặp khi cần trợ giúp của đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Một số toà đại sứ của Việt Nam bị cáo buộc lạm thu từ dịch vụ lãnh sự, hay bị nước sở tại tố cáo buôn lậu sừng tê giác và vây cá mập.
Quốc Tuấn
Tòa cấm chụp hồ sơ vụ thầy dạy nhạc
bị cáo buộc “phỉ báng chính quyền”
Cán bộ tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An hôm 11 tháng 10 năm 2019 đã từ chối cho hai luật sư của thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh sao chụp hồ sơ vụ án để làm căn cứ bào chữa, mặc dù chỉ 6 ngày sau ông Tĩnh sẽ bị xét xử vì bị cáo buộc tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng hôm 14/10 xác nhận qua điện thoại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do thông tin vừa nêu và cho biết từ xưa đến giờ chỉ có tòa án Nghệ An cấm chụp lại hồ sơ vụ án:
“Thông thường theo luật quy định luật sư được sao chép hồ sơ để làm tài liệu bào chữa cho bị cáo, tuy nhiên riêng tòa Nghệ An không cho các luật sư sao chụp hồ sơ.
Ngay cả cáo trạng là một điều tối quan trọng trong vụ án, phải có cáo trạng để biết Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội gì, và các hành vi mà cáo trạng cho là có tội như thế nào nhưng vẫn không được tòa cung cấp.”
Trong bài viết về vụ án trên Facebook cá nhân, ông Nguyễn Văn Miếng cũng cho biết, Thẩm phán Nguyễn Đăng Phồn là người cho rằng hồ sơ vụ án của ông Tĩnh là “hồ sơ mật về an ninh quốc gia nên không thể sao chụp.”
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gọi điện thoại cho Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An theo số điện thoại ghi trên trang web, người bắt máy xác nhận là tòa án Nghệ An, nhưng khi chúng tôi hỏi về vụ việc ông Nguyễn Năng Tĩnh và lý do vì sao không cho sao chụp hồ sơ vụ án thì phía bên kia đột nhiên ngắt máy. Các cuộc gọi sau đó cũng không có người nhấc máy.
Theo văn bản Quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Năng Tĩnh sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 17/10 tới đây.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng và Đặng Đình Mạnh hôm 11/10 đã nộp đơn đề nghị hoãn phiên tòa do không được sao chụp hồ sơ vụ án nhưng chưa biết có được chấp thuận hay không.
Trong cuộc gặp sau đó của các luật sư với ông Tĩnh trong trại tạm giam công an tỉnh Nghệ An, ông Tĩnh cũng cho biết sẽ đề nghị dừng phiên tòa nếu các luật sư không được sao chép hồ sơ vụ án.
Ông Nguyễn Năng Tĩnh, sinh năm 1976, giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An được nhiều người biết đến với đoạn clip dạy các em nhỏ cùng hát bài “Trả lại cho dân” với những câu như là “Trả lại đây cho nhân dân tôi, quyền tự do, quyền con người, quyền được nhìn được nghe, được nói…”.
Ông bị cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh bắt giam vào ngày 27 tháng 5 vì hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Theo báo Công an Nghệ An, trên facebook cá nhân, ông Tĩnh đã “xuyên tạc bản chất của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc; bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động người dân biểu tình, chống chính quyền; các nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, gây mất đại đoàn kết dân tộc.”
Tờ báo là tiếng nói của đảng bộ Công an Nghệ An cũng cáo buộc ông Nguyễn Năng Tĩnh đã chia sẻ các bài viết của trang Fanpage Việt Tân như ‘Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” hay cung cấp nhiều thông tin sai lệch về chính sách pháp luật của Nhà nước, về Luật An ninh mạng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/no-photo-doc-music-tea-10142019090025.html
Người lao động đình công: Lỗi do đâu?
Sáng 14/10, sau hơn 5 ngày nhận được giấy chấm dứt hợp đồng lao động từ ban lãnh đạo công ty VMEP thuộc tập đoàn SYM, hàng trăm công nhân (trong đó có 150 công nhân bị sa thải) đã giăng khẩu hiệu “Phản đối công ty sa thải người lao động trái pháp luật” và đình công trước cổng công ty.
Lý do sa thải không thuyết phục
Đa số người lao động tại công ty VMPE cho rằng, lý do công ty sa thải 150 người lao động là do công ty phải thay đổi công nghệ sản xuất nên cần cắt giảm lao động từ 145-160 công nhân, là không thuyết phục.
Trong những năm gần đây, đa phần những người bị chấm dứt hợp đồng như vậy là những người đã có thâm niên trong công ty đó bởi vì họ muốn cắt giảm tiền chẳng hạn như tiền bảo hiểm, tiền trợ cấp, tiền thâm niên của công nhân nên thường xảy ra việc cắt hợp đồng. – Đoàn Huy Chương
Trong một đoạn video được chia sẻ trên Facebook Nguyễn Thị Tâm đăng tải sáng ngày 14/10, một công nhân tham gia đình công cho biết tình trạng công nhân đình công xảy ra từ ngày 12/10, sau khi người lao động bị cho thôi việc mà không có lý do chính đáng:
“Trước đó ngày 3/10 có họp với các ban ngành, các lãnh đạo ở quận. Trong cuộc họp có Liên đoàn Lao động quận, UBND quận, Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội quận, lý do của công ty là thay đổi cơ cấu công nghệ nhưng mà Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội đưa ra là thay đổi cơ cấu gì, công ty mua máy móc, thiết bị gì, công ty không giải thích được.”
Cũng theo giải thích của người công nhân này, trong buổi làm việc, phía công ty có cam kết đảm bảo người lao động nhận được đầy đủ quyền lợi theo quy định pháp luật. Nhưng, đến sáng ngày 9/10, công ty lại ra một thông báo, chấm dứt hợp đồng với 149 công nhân.
Điều này tuy khiến nhiều người lao động khá ngỡ ngàng, nhưng họ vẫn làm theo trình tự, như lời anh công nhân VMEP:
“Hôm mùng 10 người lao động có đưa ý kiến lên công đoàn hỏi ý kiến lãnh đạo công ty nhưng lãnh đạo công ty không nói được rõ nguồn gốc chấm dứt 150 người lao động đấy nên người lao động bức xúc yêu cầu phía công ty trả lời thích đáng.”
Đến sáng ngày 12/10, sau khi lãnh đạo công ty VMEP tiếp tục im lặng trước yêu cầu giải thích lý do tại sao cắt giảm lao động từ phía công nhân, gần 150 công nhân bị cho nghỉ việc cùng với những công nhân đang còn hợp đồng đã tiến hành đình công đòi quyền lợi. Họ còn lý giải việc đình công phản đối công ty cũng là do trong số 150 công nhân bị sa thải, có nhiều người đã gắn bó với công ty từ 10 đến 25 năm, họ đã qua tuổi lao động để có thể đi tìm việc làm khác, vì vậy, nếu không được tiếp tục làm việc, cuộc sống của họ sẽ bị xáo trộn vì sự sa thải “vô cớ” này…
Từ Thái Lan, ông Đoàn Huy Chương, một người thường xuyên đấu tranh cho quyền lợi công nhân trong nước nhận định:
“Ở đây có sự sai trái là theo Luật Lao động thì những người bị thôi việc hoặc chuyển đổi công tác phải được báo trước hoặc phải được bồi thường một cách thỏa đáng giữa Luật Lao động hoặc theo sự thỏa thuận giữa chủ lao động và công nhân.”
Dựa theo luật để khiếu kiện
Chúng tôi cũng đã trao đổi thêm với Luật sư Nguyễn Văn Hậu để tìm hiểu rõ hơn về Luật Lao động của Việt Nam hiện nay. Ngày 14/10, luật sư Hậu cho biết lý do phía VMEP đưa ra và cách làm của công ty quả thật không đúng với Luật lao động của Việt Nam. Ông phân tích:
“Khi mà chấm dứt một hợp đồng đối với người lao động thì tôi cho rằng Luật Lao động Việt Nam quy định rất rõ: trường hợp người lao động không hoàn thành nhiệm vụ; bị xử lý kỷ luật; nghỉ không có lý do. Trong trường hợp đình công mà hợp pháp, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm người sử dụng lao động không được sa thải người tham gia đình công. Trong quy định của luật cũng nói rất rõ.”
Theo tin từ các báo, ông Lý Đức Chung – Chủ tịch Công đoàn Công ty VMEP cho biết phần đông các công nhân đều là những người đã gắn bó với công ty khá lâu, có người làm gần 20 năm. Trong đó, hơn 2/3 số 150 người đã quá tuổi lao động, do đó rất khó để xin việc làm khác, ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Người lao động có thể kiện ra tòa để quyết định sa thải như vậy là bất hợp pháp, buộc họ phải nhận người lao động vào làm việc và phải trả lương ngày người đó không được làm việc. – LS. Nguyễn Văn Hậu
Với kinh nghiệm nhiều năm đấu tranh cho quyền lợi người lao động, ông Đoàn Huy Chương cho rằng:
“Trong những năm gần đây, đa phần những người bị chấm dứt hợp đồng như vậy là những người đã có thâm niên trong công ty đó bởi vì họ muốn cắt giảm tiền chẳng hạn như tiền bảo hiểm, tiền trợ cấp, tiền thâm niên của công nhân nên thường xảy ra việc cắt hợp đồng.”
Ngoài ra, ông Chương cũng cho rằng những lời ông Lý Đức Chung nói với truyền thông trong nước chỉ là hành động để công đoàn trấn an người lao động. Ông lập luận:
“Lên tiếng không phải vì muốn bảo vệ quyền lợi người lao động mà muốn người lao động lắng dịu xuống, đừng mất an ninh trật tự. Như chúng ta thấy cuộc đình công của hơn 150 người ở công ty VMEP đã có lực lượng công an và công đoàn xuống nhưng cũng không đưa ra một cái cụ thể nào để giải quyết cho công nhân.”
Được biết, sau khi nhận được đơn khiếu nại của công nhân VMEP, trong ngày 12/10, đại diện Công đoàn và các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo công ty VMEP và họ hứa sẽ giải quyết quyền lợi của công nhân theo đúng pháp luật.
Tuy nhiên, hôm 14/10, nhiều công nhân cho biết, họ vẫn hoang mang khi đến nay cả phía công ty hay cơ quan chính quyền vẫn chưa có phương án rõ ràng để giúp đỡ họ.
Trước sự việc này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, theo kinh nghiệm của mình ông cho rằng cần dựa theo luật định để khiếu kiện tiếp:
“Ở Việt Nam có Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội cần có kiểm tra để xử lý coi họ có sử dụng lao động đúng với Luật Lao động 2012 hay không, có báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền khi họ có phương án vì thay đổi công nghệ nên sắp xếp lại lao động. Trong trường hợp xử lý không được, người lao động có thể kiện ra tòa để quyết định sa thải như vậy là bất hợp pháp, buộc họ phải nhận người lao động vào làm việc và phải trả lương ngày người đó không được làm việc.”
Bên cạnh đó, Luật sư Hậu cũng cho rằng công ty VMEP cần phải đối thoại với công nhân. Trước nhiều ý kiến còn cho rằng lý do sa thải công nhân là do công ty có kế hoạch di dời nhà máy để xây chung cư, hoặc công ty đang gặp khó khăn khi phải thay đổi công nghệ thì phải có phương án và phải đối thoại với người lao động. Từ đó mới có những bước giải quyết tiếp theo:
“Cơ quan lao động địa phương sẽ mời doanh nghiệp này lên, anh không thể đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không phù hợp với luật Việt Nam. Đặc biệt đối với những nhà đầu tư của người Đài Loan này, với số lượng lao động Việt Nam này thì theo luật họ phải tiếp nhận và phải có phương án để xử lý.”
Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội gửi Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 67 cuộc đình công diễn ra. Trong đó 82% vụ đình công xảy ra tại các doanh nghiệp FDI. Số vụ đình công xảy ra nhiều nhất ở các doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc. Bộ cũng thừa nhận trong báo cáo rằng, một trong những nguyên nhân khiến đình công xảy ra là do việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động còn hạn chế, thiếu thực chất và nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/strike-workers-whose-fault-10142019142344.html
Bất cập về đề án cải tiến tổ chức đám tang
cho người dân tộc H’Mông
Theo Báo Hà Giang, quan điểm của lãnh đạo huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang là tang lễ của người H’ Mông có những hạn chế như: Tổ chức ăn uống dài ngày, quy định số trâu, bò phải mổ rất tốn kém, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Một số nơi vẫn còn tập quán lạc hậu như đốt nhiều vàng mã, rắc rải vàng mã trên đường đưa tang, để thi hài quá lâu…
Vì vậy, đề án “Cải tiến đám tang văn minh” này có mục đích “tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tạo nhận thức cho người dân về việc thay đổi, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong tang lễ, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; củng cố đoàn kết giữa các dân tộc, ổn định an ninh trật tự, tăng thêm niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước; từ đó tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản các xã thị trấn thực hiện đúng quy định theo các văn bản của cấp trên về thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ…”
Không thực tế
Sau khi đề án này được thông tin trên các phương tiện truyền thông trong nước, ngày 9/10/2019, một tổ chức Xã hội dân sự ở Việt Nam là Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam vì tiếng nói người dân tộc thiểu số đã gởi thư ngỏ đến Đảng uỷ và lãnh đạo tỉnh Hà Giang để nêu ra một số điều còn bất cập.
Ví dụ như đề án này đang muốn hạn chế tính cộng đồng, muốn nhúng sâu vào chuyện riêng của gia đình dòng tộc.
Thêm nữa, họ cũng không cho rằng việc tổ chức đám tang dẫn đến sự nghèo nàn, tụt hậu như nội dung đề án.
Vì vậy, Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam kiến nghị đến chính quyền huyện Mèo Vạc “cần tôn trọng sự đa dạng về văn hóa, tôn trọng tín ngưỡng của người H’Mông nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung dựa theo chính sách của Đảng và Nhà nước. Không nên áp đặt “văn minh” của dân tộc này vào dân tộc khác. Vì nó có thể phá vỡ tính đa sắc cũng như nhân sinh quan của từng dân tộc. Điều đó có thể dẫn đến sự chia rẽ và mất đoàn kết trong cộng đồng, ngoài ra mất đi sự gần gũi giữa dân với chính quyền.”
Ông Hoàng Đức Tiến, hiện là Trưởng Ban dân Tộc tỉnh Hà Giang nói với RFA rằng cái đề án này là do huyện Mèo Vạc xây dựng, tỉnh không nắm được tình hình. Ông Tiến cũng không có bình luận gì thêm về đề án này.
Chúng tôi tiếp tục liên lạc với UBND huyện Mèo Vạc nhưng không có ai nghe máy.
Ông Má Pho, một thành viên của Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam, đồng thời cũng là một người dân tộc H’Mông nói với RFA rằng những lý lẽ mà đề án này đưa ra không đúng với thực tế:
“Mổ trâu, mổ lợn họ cho rằng tốn kém, mắc nợ và trở nên đói nghèo thì đó là một điều rất là không đúng với thực tế. Mổ lợn là do cộng đồng người ta đến góp giúp gia đình, do người viếng người ta mang đến chứ không phải do gia đình đi mua ở chợ.
Về việc rút ngắn thời gian thì cũng phải phụ thuộc vào người dân địa phương quyết định. Trong đề án ghi đám tang không được quá 48 tiếng, nhưng nếu đám tang của người H’Mông không đủ 36 tiếng thì họ không thể nào làm đủ hết được nghi lễ, tối thiểu phải mất 3 ngày.”
Mục sư Hoà, cũng là một người H’Mông phản biện lại lí do rằng việc đám tang kéo dài lâu ngày sẽ tạo nên sự tụ tập đông người, làm mất ổn định an ninh trật tự:
“Đám tang thì đương nhiên phải là đông người. Nếu mà họ nói đám tang làm mất trật tự an ninh xã hội thì tôi khẳng định đó là sai vì gia đình đó đã mất một người thì đương nhiên họ cần phải tập trung đông người để giúp đỡ. Như vậy là sự đoàn kết cái đó không thể nào nói là mất trật tự”
Tuy nhiên, mục sư Hoà đồng tình với ý kiến rằng không nên treo cơ thể người đã chết quá lâu trước khi mai táng:
“Đám tang đó treo xác như vậy vài ba ngày thì cái xác đó phải từ từ thay đổi và có mùi, thì tôi nghĩ là nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của một số người. Ví dụ người chết bị bệnh tật gì đó mình sợ nó sẽ lây lan cho những người khác.”
Theo tập tục của người dân tộc H’Mông, trong đám tang, người chết sẽ được đặt trong “ki” (thường được đan bằng tre hoặc gỗ, có hình giống như cái cáng) treo trong nhà nhiều ngày và được gia đình canh giữ, làm đầy đủ nghi lễ trước khi mang đi chôn cất.
Xâm phạm quyền thực hành văn hoá tín ngưỡng
Ông Má Pho còn lo ngại về quyền thực hành văn hoá sẽ bị xâm phạm nếu dự án này được đưa vào thực hiện quyết liệt thì người H’Mông sẽ không còn được thực hiện nghi lễ của dân tộc mình một cách đầy đủ nhất.
“Một điều nữa liên quan đến quyền thực hành văn hóa. Bây giờ chính quyền rất là hiểu rõ về quyền thực hành văn hóa nhưng lại đưa ra các đề án như vậy thì nó làm mất đi quyền thực hành văn hóa của người dân tộc thiểu số.
Một cái nữa tôi thấy là ở mỗi dân tộc đều có có nghi thức nghi lễ văn hóa riêng biệt của mình chứ không chỉ người H’Mông có đám tang theo nghi thức của mình, nên là mình cũng không nên quá sa đà vào vấn đề về thực hành văn hóa của những người dân tộc thiểu số.
Tôi nghĩ là nên xem xét lại đề án phải chỉnh sửa như thế nào cho nó phù hợp nhất chứ còn áp đặt một cái quy luật gì đấy mà không hề có quyền gì tự chủ cả, nên xem xét lại cái gì nên thay đổi và cái gì không nên thay đổi để lưu giữ.”
Còn mục sư Hoà nhận định rằng có thể chính quyền Hà Giang đưa ra đề án này nhằm hạn chế người dân thực hành theo nghi lễ đám tang của đạo Dương Văn Mình:
“Có thể đề án đó được đưa ra để hạn chế đám tang theo bên đạo Dương Văn Mình.
Trước đây theo tôi biết thì ở tỉnh Hà Giang có một số nhà đám tang của đạo Dương Văn Mình thì chính quyền địa phương đến phá.
Có thể là bây giờ chính quyền địa phương phải có một quyết định như vậy để cho người dân làm theo một hướng. Đó là cái dự đoán của tôi thôi.”
Đạo Dương Văn Mình là một đạo mới, cho rằng việc treo thi thể người chết trong nhà trong nhiều ngày có thể lan truyền bệnh tật, mất vệ sinh… nên chủ trương xây nhà tang chung để đưa quan tài vào đó cho thân nhân đến thăm viếng trong vòng 24 tiếng rồi đem chôn.
Chính quyền địa phương đã nhiều lần đến phá nhà đám tang người H’Mông, đánh đập, thậm chí bắt bỏ tù nhiều người theo đạo này.
Điển hình, vào tháng 12/2013, công an chỉ huy một lực lượng dân quân hùng hậu tấn công phá nát các nhà tang lễ của người H’Mong ở Cao Bằng. Trong vụ này, có 3 người đã bị bắt và kết án vì tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ theo điều 258 (cũ) Bộ Luật hình sự Việt Nam.
Hãy để người H’Mông tự quyết
Ông Má Pho cho rằng đề án này mang tính chất áp đặt và chính quyền nên tìm hiểu kỹ thực tế và ý kiến của cộng đồng người H’Mông trước khi ban hành đề án như vậy:
“Tôi nghĩ đề án đưa vào không nên áp đặt quá đối với người H’Mông, phải do người dân địa phương đấy tự quyết chứ còn áp đặt xuống thì nó thành mâu thuẫn.”
Ông Má Pho còn cho rằng chính vì sự áp đặt của chính quyền khiến người H’Mông không được thực hiện đầy đủ nghi lễ của mình nên ngày càng nhiều người theo đạo Tin Lành.
“Họ không được thực hiện nghi lễ theo ý muốn của họ nên đã phải đi theo một tôn giáo khác. Cho nên những đề án này phải nghiên cứu thật kỹ ở cộng đồng đấy chứ không phải đứng ở một góc khác nhìn, đánh giá xong rồi viết ra một đề án rồi bắt người dân phải theo ý kiến của mình.”
Một người H’Mông khác muốn được giấu tên cho rằng tuỳ thuộc vào từng vấn đề mà chính quyền có nên can thiệp vào các tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số hay không.
“Đối với những tập tục lạc hậu thì nên can thiệp nhưng đối với những những phong tục tốt đẹp như Tết cổ truyền của người H’Mông thì không nên can thiệp, phải động viên người dân phát huy.”
Theo nhận định của Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam thể hiện trong thư ngỏ thì “Chủ nhân của nền văn hóa mới là người quyết định sự thay đổi, thay đổi đến mức nào, tốc độ ra sao, vì văn hóa của họ chính là cuộc sống của họ”.
Ông Vũ Đức Đam kiêm công việc ở Bộ Y Tế
Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam được Bộ Chính trị phân công kiêm giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiêm chức mới
Ông Nguyễn Phú Trọng ‘đi lại bình thường, họp kỷ luật đảng’
Quyết định được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo hôm 14/10 tại buổi làm việc với tập thể Ban Cán sự đảng Bộ Y tế.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sinh ngày 1/8/1959, đã đến tuổi nghỉ hưu vào năm nay, 2019, theo quy định của Việt Nam.
Tuy vậy, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vẫn chưa quyết định ai sẽ là người thay bà Kim Tiến.
Một điểm nữa liên quan là Đại hội Đảng Cộng sản sắp diễn ra vào tháng 1/2021.
Vì thế, tạm thời Bộ Chính trị phân công ông Vũ Đức Đam “lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của Bộ Y tế”, theo thông báo đăng trên trang web chính phủ hôm nay.
Bản tin chính thức nói ưu tiên của ông Đam là: “Trước hết tập trung vào công tác cán bộ, bảo đảm sự đoàn kết trong toàn ngành để phát triển toàn diện các mặt công tác, đồng thời làm tốt công tác xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng, lãng phí.”
Trong cương vị phó thủ tướng, ông Vũ Đức Đam lâu nay vẫn phụ trách các lĩnh vực như Văn hóa và Y tế.
Hồi tháng 7, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến đã được Bộ Chính trị bổ nhiệm để kiêm chức Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương.
Sinh năm 1959, Bà Nguyễn Thị Kim Tiến trở thành bộ trưởng y tế từ năm 2011, cũng là ủy viên Trung ương Đảng từ 2011 đến 2016.
Bà không trúng cử ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 tại Đại hội Đảng năm 2016.
Thông thường, để làm bộ trưởng ở Việt Nam, người giữ chức phải ở trong Trung ương Đảng.
Nhưng trong chỉ dấu bà Kim Tiến được Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tin tưởng, bà vẫn được tái bổ nhiệm chức bộ trưởng y tế năm 2016.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49999718
Tàu tuần duyên bắt đầu tuần tra,
CSVN chuẩn bị cho thách thức lớn ở Biển Đông
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang củng cố lập trường trong tranh chấp với Trung Cộng về lãnh thổ và tài nguyên ở Biển Đông. Tuy nhiên các chuyên gia phân tích nhận định hiện vẫn chưa thể xảy ra các cuộc đối đầu trực tiếp.
Tờ Tin Hoa Nam Buổi Sáng cho biết căng thẳng giữa hai nước láng giềng không có dấu hiệu suy giảm trong tuần này, khi ông Nguyễn Phú Trọng, với vai trò là tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, kêu gọi chuẩn bị cho những cơ hội và thách thức ở vùng biển tranh chấp. Hôm thứ Hai (07/10/2019), ông Trọng nói với 200 thành viên của ủy ban trung ương đảng rằng họ phải hành động, sau ba tháng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội về bãi Tư Chính giàu tài nguyên thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Vào tháng 7, tàu khảo sát địa chất Trung Cộng Hải Dương 8 và các tàu hộ tống bờ biển được trang bị vũ khí hạng nặng đi qua một giàn khoan dầu do công ty năng lượng Nga Rosneft, công ty hợp tác thăm dò của Hà Nội điều hành. CSVN cáo buộc Trung Cộng vi phạm lãnh thổ, trong khi Bắc Kinh nói hoạt
động khảo sát địa chất của tàu Hải Dương là hợp pháp và hợp lý, hoạt động khai thác dầu khí của công ty nước ngoài ở bãi đã vi phạm lợi ích của Trung Cộng.
Tuần này tại Saigon, Thiếu Tướng CSVN Nguyễn Minh Hoàng và là đại biểu Quốc hội, đã đưa ra thông tin chi tiết về cuộc họp kéo dài nhiều tháng trong một cuộc họp cộng đồng. Trả lời câu hỏi về bãi Tư Chính, thiếu tướng Hoàng cho biết giàn khoan Rosneft vẫn hoạt động bình thường, mặc dù có hơn 40 tàu Trung Cộng và 50 tàu Việt Nam trong khu vực. Trong khi tìm giải pháp ngoại giao là ưu tiên hàng đầu của cộng sản Việt Nam, thiếu tướng Hoàng không loại trừ vấn đề ở bãi Tư Chính và các tranh chấp khác sẽ được CSVN trình lên Liên Hiệp Quốc hoặc tòa án quốc tế. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tau-tuan-duyen-bat-dau-tuan-tra-csvn-chuan-bi-cho-thach-thuc-lon-o-bien-dong/
Bộ TNMT giải thích nguyên nhân
ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TPHCM
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân ô nhiễm không khí ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là do mưa ít, hiện tượng nghịch nhiệt và chưa quản lý tốt các nguồn ô nhiễm.
Báo trong nước loan tin này ngày 14/10, trích nội dung họp báo thường kỳ của Bộ TNMT diễn ra trong cùng ngày.
Tại buổi họp báo, ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết ngoài những nguyên nhân kể trên, tại Hà Nội, một phần nữa là do người dân đốt rơm rạ và vẫn không thể kiểm soát được những phác thải từ giao thông, xây dựng… cộng với thói quen sinh hoạt của người dân cũng ảnh hưởng xấu đến môi trường không khí.
Ngoài ra, lượng khí thải từ các phương tiện giao thông lạc hậu cũng xả ra khiến không khí kém chất lượng. Vấn đề này đang được đề nghị với các ngành và các địa phương để cùng giải quyết.
Số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn Hà Nội cho thấy nồng độ bụi PM2.5 từ ngày 12-29/9 có xu hướng tăng.
Còn tại TPHCM, do tháng 9 là thời điểm giao mùa nên chất lượng không khí cũng theo chiều hướng xấu. Theo kết quả tổng hợp từ Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM, nồng độ bụi PM2.5 trong không khí cũng đã gia tăng mạnh mẽ.
Trong kết quả so sánh của Bộ Tài nguyên Môi trường với một số thành phố trong khu vực Châu Á dựa theo số liệu của 15 trạm quan trắc tự động do Đại Sứ quán Mỹ lắp đặt tại các thành phố một số nước Châu Á giai đoạn 2016-2018, Hà Nội đứng vị trí 10/15 thành phố vào 2 năm 2016-2017, còn năm 2018 đứng thứ 11/15 thành phố có chất lượng không khí kém.
Cũng trong buổi họp báo, ông Hoàng Văn Thức trả lời truyền thông trong nước về đánh giá tác động của dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II – Bến Tắm – Thác 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo ở tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết Bộ TNMT đã thẩm định chặt chẽ và thận trọng. Trong đó hội đồng thẩm định gồm có Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng Vườn Quốc gia Tam Đảo, sở TNMT tỉnh Vĩnh Phúc… đồng thời có phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước để đánh giá tính đa dạng sinh học của khu vực mà chủ đầu tư triển khai dự án.
Dựa theo kết quả đó, Bộ TNMT đã có văn bản đề nghị Chủ đầu tư phải có các công trình kiến trúc phù hợp với du lịch sinh thái, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, tuân thủ pháp luật về bảo vệ rừng…
Tuy nhiên, khi trả lời về việc dự án có ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Tam Đảo hay không, ông Thức cho biết “Đây là câu hỏi khó. Chúng ta phải đứng trên quan điểm phát triển nhưng phải bảo tồn”.
Liệu còn tia sáng nào cuối đường hầm?
Blogger Chiến Sỹ
Vậy là Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đã không có bất cứ Nghị quyết nào về Biển Đông. Giờ đây, những ai quan tâm đến các động thái của Việt Nam chống lại sự lộng hành của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính, chỉ còn lại một niềm tin phập phù như ngọn nến trước gió. Lấy đâu ra “khí thế mới”, “xung lực mới” như lời hiệu triệu của Tổng chủ khi những khó khăn, thách thức từ nay chính ông cũng thừa nhận, sẽ khác xa so với trước đây, nhưng các biện pháp đối phó thì lại y hệt như cũ.
Lại vẫn “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế”như lời phát biểu của Tổng chủ khi kết thúc Hội nghị chiều 12/10/2019. Theo ông Nguyễn Phú Trọng, cuộc đấu tranh ấy gắn với sự “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”. Nếu ông Trọng còn sống thêm được mươi, mười lăm năm nữa, ông ấy vẫn có thể cho đưa quyết sách này vào các văn kiện của Trung ương hay Đại hội, đố có sai! Tình hình khu vực và thế giới biến động từng ngày, thậm chí từng giờ, trong khi đường lối chủ trương của đảng ông hầu như lấy từ các bia đá đang “ngẩn ngơ” trước các dòng thác lịch sử chưa biết đổ về đâu.
Từ nhiều năm nay, ông Trọng hầu như không đề cập gì đến hai từ “Biển Đông”. Danh từ ấy như một huý kỵ đối với ông và các đồng chí tâm phúc trong bộ chính trị hoặc ban chấp hành trung ương. Sau ba tháng trời tàu các loại của Trung Quốc “đan lưới” trong vùng EEZ của Việt Nam từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, mà ông chỉ cho phép Bộ Ngoại giao duy trì mức phản ứng ở cấp độ tuyên bố của người phát ngôn. Cho nên hôm khai mạc Hội nghị trước đấy một tuần lễ, lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng “bật đèn xanh” cho việc “phân tích, dự báo bla… bla…, nhất là tình hình Biển Đông” thì dư luận xã hội Việt Nam “cựa quậy” được một chút từ giấc ngủ bao lâu nay, rằng “chuyện Biển Đông đã có đảng và nhà nước lo”. Với các biện pháp ông Trọng vừa công bố như là kết quả 6 ngày làm việc khẩn trương của hơn 200 đồng chí trung ương, chẳng khác nào ông đã dội một gáo nước lạnh vào cái “bếp hồng” đang âm ỉ một thứ chủ nghĩa yêu nước luôn phải trốn tránh sự đàn áp vừa khốc liệt vừa hiểm độc của đảng ông đối với trí thức và người dân nào nào còn le lói niềm hy vọng đấu tranh chống lại chính sách Hán hoá dân tộc này.
Với đà hiện nay thì những kỹ sư tin học Trần Huỳnh Duy Thức sẽ còn bị đày ải chưa biết đến tận bao giờ, những kỹ sư nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh sẽ còn bị đánh đến liệt cả hai chân, không còn lấy chân lành nào để lết ra gặp người thân như tuần qua nữa đâu. Tính mạng của hơn 200 tù nhân lương tâm trong ngục tối của chế độ “ưu việt gấp vạn lần nên nền chủ Tây phương” quả thực đang bị đe doạ từng ngày một. Câu chuyện của các nhà đấu tranh dân chủ từ nhà tù nhỏ trở về với nhà tù lớn (sau khi kết thúc thi hành án) là những giấc mơ ám ảnh về các cuộc theo dõi, o ép kinh hoàng đến nỗi anh Huỳnh Anh Trí (nay đã qua đời) từng nói: Có lẽ sẽ phải đi tù trở lại thôi. Ở ngoài này khắc nghiệt quá. Trong tù chỉ phải chiến đấu với một đối tượng là quản giáo. Ở ngoài, vừa phải kiếm ăn lại vừa phải đối phó với không biết bao rình rập khác. Tội ác của ĐCSVN hiển hiện từng ngày từng giờ như thế, bất chấp luật pháp quốc nội cũng quốc tế. Từ sự toa rập của chính quyền Hà Nội đối với quan thầy Bắc Kinh, những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam chẳng khác nào “chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao”.
Từ chủ trương của chế độ đối với các giải pháp trên biển đảo, có thể “đọc vị” những thoả hiệp, thậm chí là sự thần phục của ĐCSVN đối với ĐCSTQ. Cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thông qua Đại sứ quán của họ tại Hà Nội đã đưa ra gợi ý, do sự quần thảo ở cường độ cao của các tàu Trung Quốc, đề nghị chính phủ Việt Nam có một Tuyên bố của Bộ Ngoại giao để cho khu vực và thế giới biết rõ hơn về tầm mức nguy cấp của tình hình xung quanh Bãi Tư Chính. Washington hứa sẽ ra tuyên bố hưởng ứng ngay lập tức! Nhưng lời đề nghị ấy đã bị Bộ Ngoại giao Hà Nội lịch sự khước từ, xin lùi lại một thời gian nữa (Chắc mấy ông tính chờ Tàu cắm xong giàn khoan HD-982 thì mới ra Tuyên bố). Chính phủ Mỹ tỏ ra lúng túng, vì Hoa Kỳ vẫn chưa hiểu được, cuối cùng thì chính phủ Việt Nam muốn gì ở Mỹ trong giai đoạn tới đây.
Tóm lại, đánh giá chung đối với cuộc họp trung ương vừa qua là thất vọng “toàn tập”. Có nhà phân tích nói Trung ương Đảng (vừa họp xong) hay Quốc hội (sắp họp) sở dĩ đã và sẽ không ra Nghị quyết nào riêng về Biển Đông là vì sợ lộ bí mật các bước đi trong tương lai. Điều này thật mỉa mai, bởi vì với chính sách đối nội và đối ngoại như Tổng chủ vừa trình bày trong phát biểu hôm qua hay trong Nghị quyết sẽ công bố nay mai thì chẳng có gì là bí mật cả. Về nội trị, Nguyễn Phú Trọng vẫn chủ trương tìm kiếm cái mới trong những thứ đã bị thế giới loại bỏ, đó là tìm kiếm những giá trị của thời kỳ quá độ – khái niệm cũ rích và không tồn tại trên thực tế. Về ngoại giao vẫn kiểu đi hàng hai, đu dây như bao năm nay. Trung Quốc chẳng bao giờ tin tưởng vào Việt Nam đã đành mà Hoa Kỳ cũng chẳng biết sẽ phải hợp tác với Việt Nam theo phương hướng nào. Còn thuyền thúng Hà Nội xoay tròn giữa các dòng xoáy của bao sự kiện đến bao giờ? Điều này thì đến Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng và cả 200 uỷ viên trung ương đảng theo ông và đang chống lại ông cũng chẳng có câu trả lời rành mạch./.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/light-end-tunnel-10132019181014.html