Tin Việt Nam – 14/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 14/10/2018

Một phụ nữ chết ở đồn công an

do ‘tự đâm vào cổ’

Một phụ nữ đã tử vong tại trụ sở công an thị xã Ninh Hoà tỉnh Khánh Hoà vào tối ngày 13/10 vừa qua khi công an đang lấy lời khai về việc kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Báo Người Lao Động và facebook người thân của người phụ nữ đưa tin này hôm 14/10.

Cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ, Hoàng Khươngk viết trên trang Facebook cá nhân của mình rằng em họ của anh là cô Huỳnh Thị Nhung, 45 tuổi, ngụ tại Dục Mỹ, Ninh Sim, Ninh Hoà, Khánh Hoà, đã bị đưa về đồn công an thị xã lấy lời khai vào chiều 13/10 về việc kinh doanh nhà trọ có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đến 8 giờ sáng ngày 14/10, gia đình nhận được điện thoại từ Chủ tịch xã Ninh Sim cho biết chị Nhung đã chết tại cơ quan điều tra. Công an cho gia đình biết chị Nhung đã dùng kéo để sẵn trên bàn tự đâm nhiều nhát vào cổ và ngực của mình vào lúc 22 giờ đêm ngày 13/10.

Báo Người Lao Động trích lời của một lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân thị xã Ninh Hoà giấu tên xác nhận việc chị Nhung (báo không nói tên cụ thể, chỉ viết là HTN) đã tử vong khi công an mời về trụ sở làm việc vì có liên quan đến vấn đề kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Nguyên văn của vị lãnh đạo này được trích như sau: “Công an thị xã đã báo cáo sự việc vào tối 13/10. Sau khi phá án thì có mời bà chủ nhà về đồn công an thị xã Ninh Hoà để làm việc thì người này lấy kéo đâm vào cổ. Họ đưa ra bệnh viện nhưng máu ra nhiều quá nên tử vong. Huyện đã báo công an tỉnh hồi tối. Sáng nay đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và mời gia đình đến. Gia đình cũng đang chờ giám giám định kết quả’.

Tuy nhiên, trên trang Facebook của phóng viên Hoàng Khương, chi tiết khám nghiệm tử thi có phần khác. Theo phóng viên Hoàng Khương, Chinh, chồng chị Nhung cho biết khi có mặt làm thủ tục kết thúc khám nghiệm tử thi, một vài vị công an ‘khuyên’ nên ký vào biên bản và sớm đưa xác về lo hậu sự, họ sẽ tha tội cho…

Báo Người Lao Động trích lời vị lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hoà cho biết chính quyền thị xã đã yêu cầu UBND xã Ninh Sim vận động gia đình bình tĩnh, có hướng xử lý phù hợp. Công an tỉnh đang điều tra, lỗi phải như thế nào thì đã có pháp luật.

Những trường hợp công dân chết trong đồn công an tại Việt Nam khá phổ biến những năm gần đây và gây bức xúc trong dư luận. Nhiều trường hợp được công an xác định là do tự sát nhưng người dân nghi ngờ điều này. Có những trường hợp công an đánh dân đến chết ở đồn công an đã bị đưa ra xét xử.

Trường hợp xét xử gần đây nhất là vụ xử 5 công an thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận bị cáo buộc đánh chết một công dân tại nhà giam giữ vào tháng 9 năm ngoái. Phiên toà hôm 13/9 vừa qua đã tuyên án 5 bị cáo này từ 3 đến 7 năm tù về tội dùng nhục hình.

Không có những thống kê chính xác gần đây về số người đã chết trong đồn công an ở Việt Nam. Một thống kê được Bộ Công An đưa ra trước đây cho biết từ năm 2011 đến 2014 đã có 226 người chết một cách bất minh ở nơi giam giữ. Truyền thông trong nước cho biết từ năm 2011 đến 2015, toà án ở Việt Nam đã xét xử sơ thẩm 10 vụ án dùng nhục hình.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-person-died-in-police-custody-10142018093642.html

 

Nhiều công ty Trung Cộng, Đài Loan,

Hong Kong dời cơ sở từ Hoa Lục sang Việt Nam

Công ty GoerTek của Trung Cộng vừa trở thành nhà cung cấp thiết bị đầu tiên của Apple xác nhận kế hoạch dời cơ sở sản xuất ra khỏi Hoa Lục để tránh bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại leo thang giữa Washington và Bắc Kinh.

Tạp chí Nikkei Asian Review mới đây cho biết, hàng loạt công ty Trung Cộng, Đài Loan và Hong Kong đang toan tính mở cơ sở tại Đài Loan hoặc Việt Nam. Riêng GoerTek, công ty lắp ráp AirPods, đã thông báo cho các nhà cung cấp rằng họ sẽ chuyển cơ sở sản xuất tai nghe không dây sang Việt Nam. Cùng lúc đó, hai nhà cung cấp thiết bị cho điện thoại thông minh khác là Pegatron và Cheng Uei của Đài Loan cũng đang tìm cách mở thêm cơ sở bên ngoài Hoa Lục vì cùng lý do. Theo Nikkei, GoerTek đã yêu cầu tất cả các nhà cung cấp thiết bị liên quan đến sản phẩm AirPods xác nhận vào cuối tuần này, liệu họ có thể chuyên chở tất cả vật liệu và bộ phận trực tiếp sang Việt Nam được hay không.

Ông James Wei, một nhà phân tích làm việc cho công ty cố vấn đầu tư Yuanta, cho rằng Apple là mục tiêu rõ rệt nhất nếu Trung Cộng muốn trả đũa các công ty Mỹ. AirPod, cùng với Apple Watch và loa thông minh HomePos, ban đầu nằm trong danh sách 200 tỉ Mỹ kim hàng hóa Trung Cộng bị Hoa kỳ đánh thuế nhập cảng 10% bắt đầu từ ngày 24 tháng 9. Tuy nhiên, các sản phẩm này được miễn trừ vào phút chót. Mặc dầu vậy, các nhà cung cấp ở Trung Cộng vẫn lo ngại rằng họ có thể lại bị nhắm tới, sau khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đe dọa sẽ áp đặt thêm thuế nhập cảng lên số hàng nhập cảng còn lại trị giá 267 tỉ Mỹ kim của Trung Cộng trong tương lai gần.

Vẫn theo Nikkei, công ty Cheng Uei, nhà cung cấp máy sạc và dây nối cho điện thoại thông minh iPhone và Andrioid, cho biết họ đang cân nhắc việc đưa một số cơ sở sản xuất trở về Đài Loan và sang Đông Nam Á, trước khi bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/nhieu-cong-ty-trung-cong-dai-loan-hong-kong-doi-co-so-tu-hoa-luc-sang-viet-nam/

 

Vingroup bị hạ triển vọng tín nhiệm

sau khi vay hàng tỉ USD cho Vinfast

Tập đoàn Vingroup vừa bị công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch hạ triển vọng từ ổn định xuống tiêu cực, trong bối cảnh tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam vừa thiết lập một số đường dây tín dụng và khoản vay lên tới nhiều tỉ Mỹ kim cho dự án công ty xe hơi VinFast.

Ông Nguyễn Việt Quang, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc Vingroup, xác nhận với báo chí trong nước hôm Thứ Sáu 12/10 rằng, hãng Fitch từ ngày 10 tháng 10 đã hạ triển vọng của Vingroup nhưng vẫn giữ nguyên thứ hạng là B+. Ông Quang cũng nhìn nhận rằng theo Fitch, rủi ro đòn bẩy tài chính của Vingroup đã tăng lên, khi tập đoàn vay vốn để tài trợ cho dự án VinFast. Ông Quang cho biết, tổng số vốn đầu tư cho dự án VinFast dự trù lên tới 4.2 tỷ Mỹ kim, một phần từ nguồn tự có của Vingroup và huy động từ công ty thành viên, nhưng một phần lớn sẽ đến từ việc huy động bên ngoài, tức là đi vay.

Truyền thông Việt Nam và quốc tế hôm 9 tháng 10 đưa tin, VinFast đã được cơ quan tín dụng Euler Hermes của Đức bảo lãnh đường dây tín dụng 950 triệu Mỹ kim để nhập cảng máy móc và thiết bị từ các nhà cung cấp Đức. Trước đó, vào tháng 7, VinFast cũng thiết lập được một khoản vay thương mại 400 triệu Mỹ kim.

Ông Quang nói trong tương lai, chắc chắn Vingroup sẽ phải huy động thêm vốn cho VinFast. Ông cũng nhìn nhận rằng, nếu không muốn bị hạ bậc tín nhiệm thì chỉ có cách duy nhất là không thực hiện dự án sản xuất xe hơi.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/vingroup-bi-ha-trien-vong-tin-nhiem-sau-khi-vay-hang-ti-usd-cho-vinfast/

 

Từ Silicon Valley nghĩ về

dự thảo nghị định thực thi Luật ANM

Kỹ sư Dương TháiGửi cho BBC từ Silicon Valley

BBC xin giới thiệu phần một (trong hai phần) bài viết của kỹ sư Dương Thái, một chuyên gia bảo mật thông tin đang làm việc ở Silicon Valley, về dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng ngày 3/10/2018.

Sau khi tốn bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và nước miếng viết hai lá tâm thư mà Quốc hội vẫn thông qua Luật An ninh mạng, tôi muốn đưa ra một đánh giá toàn diện về bộ luật này, ở góc độ kỹ nghệ và pháp lý, nên đã dành ra bảy bảy bốn chín ngày tìm hiểu luật pháp an ninh mạng quốc tế. Những gì tôi đọc được thật thú vị. Hóa ra công việc của luật sư không khác lắm công việc của hacker, thay vì tấn công và phòng thủ bằng code họ chơi bằng từ ngữ.

Tôi tính sẽ viết một loạt bài về đề tài này, nhưng rồi giữa tháng 8 năm nay bạn tôi rủ tham gia nhóm 100 “nhân tài” về Việt Nam gặp gỡ lãnh đạo Việt Nam với kỳ vọng tôi sẽ có cơ hội được chụp hình chung với thủ tướng, tay bắt mặt mừng rồi nếu còn thời gian thì phân tích cho ngài thủ tướng nghe lợi và hại của Luật An ninh mạng. Nhưng rốt cuộc, vì mải chụp hình, tôi không có cơ hội chia sẻ ý kiến.

Luật An ninh mạng: Vì sao và sẽ ra sao?

‘Luật An ninh mạng, bước lùi lớn cho VN’

‘VN sao chép cách kiểm soát thông tin của TQ’

Với những thay đổi về nhân sự trong nhóm những người làm ra Luật An ninh mạng và quan sát quyết tâm phát triển kinh tế công nghệ của chính phủ, tôi đã từng hi vọng các ý kiến của tôi không còn cần thiết nữa, rằng khi soạn thảo nghị định hướng dẫn thực hiện luật, vì phát triển kinh tế, vì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, vì riêng tư cho người dân và an ninh quốc gia, chính phủ sẽ giữ cho người dân Việt Nam một Internet mở, tự do và an toàn.

Nhưng tôi đã lầm. Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng đề ngày 03/10/2018 [1] còn nặng nề tăm tối hơn cả luật. Cái giá của tự do quả là một sự cảnh giác vĩnh cửu, hở ra một chút là mất.

Vì dự thảo chỉ tiếp nhận ý kiến đóng góp trong vòng 20 ngày, thay vì 6 tháng như thường lệ, tôi viết vội bài này, thôi thì không nói được với thủ tướng thì chia sẻ với quốc dân đồng bào tại sao tôi nghĩ dự thảo nghị định 03/10/2018 sẽ không giúp ích được gì trong việc phòng chống tội phạm, mà còn tạo ra những nguy cơ không thể xem thường về kinh tế và an ninh quốc gia.

Ý kiến của tôi giải thích thì dài nhưng mục tiêu rất ngắn gọn: bỏ chương 5 của dự thảo 03/10/2018.

Tóm tắt

Dự thảo có năm chương, ngoại trừ chương 5, phần lớn nội dung tập trung vào vấn đề bảo vệ an toàn thông tin cho các hệ thống trọng yếu quốc gia. Mặc dù có những quy định khá ngớ ngẩn như bắt buộc đổi mật khẩu mỗi tháng một lần, chúng ta phải ghi nhận nỗ lực của nhóm soạn dự thảo và thành công phần nào của họ khi đưa ra được một chính sách an toàn thông tin chung cho các hệ thống trọng yếu.

Tôi sẽ có ý kiến riêng về nội dung an toàn thông tin của dự thảo, ở đây tôi tập trung vào chương 5. Chỉ trong vòng vài trang giấy, dự thảo nghị định do Bộ Công an soạn thảo đã trao cho Cục An ninh mạng, Bộ Công an những quyền sau đây:

Điểm b, khoản 1, điều 57: bất kỳ công ty trong và ngoài nước cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên Internet tại Việt Nam phải có sự đồng ý của Cục An ninh mạng.

Điều 54, 55, 56, 57: bất kỳ công ty trong và ngoài nước cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên Internet tại Việt Nam phải lưu trữ tất cả dữ liệu ở Việt Nam và phải cung cấp tất cả dữ liệu khi nhận được yêu cầu của Cục An ninh mạng.

Khoản 5, điều 58: Bất kỳ công ty trong và ngoài nước cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên Internet tại Việt Nam phải lưu trữ và chuyển giao cho Cục An ninh mạng “nhật ký truy cập, thông tin thanh toán dịch vụ, địa chỉ IP truy cập dịch vụ, thói quen tìm kiếm, log chat, thời gian giao dịch” sau 36 tháng kể từ lúc dữ liệu được thu thập. Nếu công ty đóng cửa hoạt động hoặc ngừng cung cấp dịch vụ, phải chuyển giao tất cả thông tin người dùng cho Cục An ninh mạng.

Khi tôi viết tất cả, ý của tôi là tất cả. Tất cả những gì bạn gõ vào Facebook hay Zalo. Tất cả hình bạn đã chụp và chia sẻ. Tất cả những email bạn đã gửi. Tất cả những gì bạn đã tìm kiếm. Tất cả website bạn đã vào. Tất cả những thông tin tế nhị, nhạy cảm, sâu thẳm nhất.

Giới trẻ TQ chơi chữ hiểm hóc chống kiểm duyệt

TQ tính kiểm soát cuộc sống người dân?

Trong các phần tiếp theo tôi sẽ giải thích tại sao dự thảo này không đem lại lợi ích gì mà còn tạo ra nhiều nguy cơ kinh tế và an ninh. Tôi giải thích chi tiết nên hơi dài, ở đây tôi tóm tắt các ý chính:

1. Dự thảo bắt buộc các công ty Internet quốc tế phải lưu trữ dữ liệu cá nhân của người Việt Nam tại Việt Nam, nhưng bất kể các công ty tuân thủ, chính phủ cũng không thể tự ý truy cập vào nguồn dữ liệu này. Về mặt kỹ thuật, dữ liệu các công ty đặt trên các máy chủ sẽ luôn luôn ở dạng mã hoá và chỉ có thông qua công ty sở hữu dữ liệu mới có chìa khoá để mở nhưng luật của Mỹ là không được cung cấp khoá, nếu chưa có sự đồng ý của Bộ Tư Pháp hoặc Nhà Trắng. Do đó, có đem dữ liệu về Việt Nam, chính phủ Việt Nam vẫn không thể tự do truy cập dữ liệu.

2. Bắt buộc các công ty mở văn phòng ở Việt Nam không phải là một yêu cầu quá đáng, nhưng chính phủ cần phải hiểu được tại sao người ta không muốn mở. Singapore đâu cần ra luật gì, các công ty vẫn đua nhau mở trụ sở. Bắt buộc người ta vào, người ta sẽ vào cho có lệ, rốt cuộc Việt Nam sẽ không nhận được vốn hay công nghệ gì cả, mà lại còn tạo tiền lệ xấu. Việt Nam không thể tự lực tự cường thành cường quốc công nghệ, mà chúng ta cần vốn, công nghệ và tri thức của phương Tây. Chọn thế đối đầu với các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới, chúng ta chỉ từ chết đến bị thương, không được gì cả.

3. Bắt buộc các công ty lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam sẽ khiến họ chỉ có hai lựa chọn: rút khỏi thị trường Việt Nam hoặc sao chép dữ liệu thô từ trung tâm dữ liệu của họ sang các máy chủ thuê mướn ở Việt Nam. Rất nhiều công ty nước ngoài phản đối Luật An ninh mạng vì việc sao chép dữ liệu thô làm gia tăng rủi ro dữ liệu bị xâm phạm, nếu xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động kinh doanh của họ, vốn dựa rất lớn vào niềm tin của khách hàng. Và đương nhiên họ phải tốn thêm chi phí thiết kế lại hệ thống, thuê mướn thêm thiết bị lưu trữ, chi phí này sẽ do chính người dân Việt Nam phải chi trả, khi các công ty phải tăng giá thành dịch vụ, sản phẩm đối với thị trường Việt Nam.

Bắt buộc các công ty lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam sẽ khiến họ chỉ có hai lựa chọn: rút khỏi thị trường Việt Nam hoặc sao chép dữ liệu thô từ trung tâm dữ liệu của họ sang các máy chủ thuê mướn ở Việt Nam.Kỹ sư Dương Thái

Bộ Công an còn yêu cầu các công ty phải bàn giao dữ liệu hàng loạt. Ưu tiên hàng đầu của các công ty quốc tế là đảm bảo an toàn dữ liệu và riêng tư cho khách hàng, trừ khi có lệnh của tòa án và luật sư của họ đồng ý, họ không thể nào đơn phương tùy tiện chuyển giao dữ liệu cho bên thứ ba. Nếu có chuyển họ cũng chuyển từng trường hợp cụ thể, chứ không thể nào chuyển tất cả. Họ làm sao biết được Bộ Công an sẽ quản lý dữ liệu, sử dụng và chia sẻ dữ liệu của họ như thế nào. Nhưng nếu vì bất kỳ lý do gì dữ liệu bị lộ ra ngoài, họ sẽ hứng đủ. Vả lại, dữ liệu là tài sản của công ty, yêu cầu họ chuyển sang cho chính phủ Việt Nam chẳng khác nào quốc hữu hóa. Còn ai muốn làm ăn ở Việt Nam?

Một khi rủi ro, áp lực chính trị, và chi phí hoạt động quá cao, các công ty sẽ phải tính đến phương án rút khỏi Việt Nam. Đã có rất nhiều tiền lệ các công ty rút khỏi thị trường khi không thể chịu đựng được luật pháp sở tại. Mới đây thôi, khi Châu Âu chính thức đưa vào thực thi General Data Protection Regulation, rất nhiều trang web ở Mỹ đã ngưng phục vụ khách hàng Châu Âu. Nếu các công ty rút khỏi Việt Nam, chúng ta sẽ lấy gì thay thế, Baidu và Weibo chăng?

4. Chuyển dữ liệu từ Singapore hay Đài Loan về Việt Nam sẽ không khiến dữ liệu được an toàn hơn. Internet không có biên giới, chuyển địa điểm lưu trữ không làm cho dữ liệu an toàn hơn, trái lại là đằng khác. Thay vì sử dụng dịch vụ Cloud Computing của những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất thế giới, các công ty trong và ngoài nước sẽ phải sử dụng dịch vụ của các công ty nội địa, vốn có rất ít kinh nghiệm trong việc chống tội phạm chuyên nghiệp hoặc lực lượng tình báo mạng của các quốc gia. Thay vì chỉ phải tập trung bảo vệ dữ liệu ở một nơi, các công ty phải phân tán nguồn lực để bảo vệ nhiều nơi khác nhau. Các công ty công nghệ lớn còn có đủ tài chính và nhân lực để thiết kế các giải pháp đảm bảo an ninh, còn các công ty nhỏ hơn, đặc biệt là những công ty đang sử dụng dịch vụ Cloud Computing ở nước ngoài, sẽ chọn những giải pháp nội địa đơn giản, rẻ tiền nhưng cũng kém an toàn nhất.

5. Bộ Công an tuyên bố sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu để tiếp nhận dữ liệu mà họ yêu cầu các công ty cung cấp. Nghĩa là toàn bộ dữ liệu của người Việt Nam sẽ được lưu ở một chỗ duy nhất, tạo thành một mục tiêu béo bở cho giới tội phạm chuyên nghiệp hoặc lực lượng tình báo mạng của các quốc gia.

6. Toàn bộ dữ liệu không chỉ của người dân, mà cả lãnh đạo cấp cao và toàn bộ hệ thống chính trị nằm trong tầm kiểm soát của Cục An ninh mạng, Bộ Công an. Với viễn cảnh u tối như Đông Đức năm 1984, ai còn muốn đến Việt Nam sống và làm việc? Nếu không thu hút được tài năng, làm sao Việt Nam có đủ nhân lực để làm cách mạng công nghệ?

7. Sau 30 năm nhận vốn và công nghệ thế giới, Trung Quốc đang giàu lên rất nhanh và đe dọa cả thế giới. Phương Tây đang rất lo ngại và muốn tìm đối tác đầu tư thay thế. Đây là cơ hội của Việt Nam, nhưng dự thảo 03/10/2018 chẳng khác nào một lời tuyên bố rằng Việt Nam không muốn đi cùng với thế giới. Nguy hiểm hơn hết, khi Việt Nam cản trở các công ty công nghệ phương Tây, các tập đoàn công nghệ rất giàu mạnh của Trung Quốc sẽ thao túng thị trường và dữ liệu của người Việt Nam, tạo ra những hiểm họa khôn lường.

Vì những lý do kể trên, tôi đề nghị chính phủ loại bỏ chương 5 của dự thảo 03/10/2018 và giới hạn phạm vi của dự thảo vào nội dung bảo vệ an toàn thông tin cho các hệ thống trọng yếu quốc gia. Yêu cầu lưu trữ dữ liệu nội địa cần được tách ra và hướng dẫn thực hiện bằng một dự thảo khác.

Bắt buộc lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam không đem lại ích lợi gì

Chính phủ muốn yêu cầu các công ty nước ngoài lưu trữ dữ liệu và mở văn phòng ở Việt Nam là để nắm chủ quyền trên dữ liệu của người Việt Nam và có quyền tài phán đối với các công ty này. Đây không phải là một yêu cầu vô lý, vì suy cho cùng chính phủ phải có trách nhiệm và can dự vào việc bảo vệ dữ liệu của người dân. Tuy vậy có một lỗ hổng pháp lý lớn và vài vấn đề kỹ thuật mà Luật An ninh mạng và dự thảo 03/10/2018 đã bỏ qua.

Đa số các công ty Internet quốc tế phổ biến ở Việt Nam đến từ Mỹ, nên trong phần này tôi tập trung vào luật của Mỹ. Về mặt kỹ thuật, để an toàn, dữ liệu các công ty đặt trên các máy chủ sẽ luôn luôn ở dạng mã hoá và chỉ có thông qua công ty sở hữu dữ liệu mới có chìa khoá để mở nhưng luật của Mỹ là không được cung cấp khoá. Do đó, có đem dữ liệu về Việt Nam, chính phủ Việt Nam vẫn không thể tự do truy cập dữ liệu.

Từ năm 1986, Đạo luật Riêng Tư Trong Liên Lạc Điện Tử (Electronic Communications Privacy Act, ECPA [2]) của Mỹ nghiêm cấm các công ty nước này cung cấp dữ liệu cho bất kỳ chính phủ nào khác, mà không có sự đồng ý của Bộ Tư pháp. Đây là lý do mà trong những lần điều trần trước Ủy ban Việt Nam của Quốc hội Mỹ, đại diện Facebook đã nhiều lần khẳng định họ sẽ không bao giờ chia sẻ dữ liệu với chính phủ Việt Nam, vì chia sẻ như thế là trái luật.

Về mặt kỹ thuật, để an toàn, dữ liệu các công ty đặt trên các máy chủ sẽ luôn luôn ở dạng mã hoá và chỉ có thông qua công ty sở hữu dữ liệu mới có chìa khoá để mở nhưng luật của Mỹ là không được cung cấp khoá. Do đó, có đem dữ liệu về Việt Nam, chính phủ Việt Nam vẫn không thể tự do truy cập dữ liệu.Kỹ sư Dương Thái

Hồi tháng 3 năm nay, Đạo luật ECPA đã được bổ sung bởi Đạo luật Đám Mây (Clarifying Lawful Overseas Use of Data Act – CLOUD Act [3]). Đạo luật Đám Mây quy định các công ty chỉ được phép cung cấp dữ liệu cho các chính phủ đã được Nhà Trắng phê duyệt. Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu có thể là hai chính thể được phê duyệt đầu tiên. Nếu muốn truy cập dữ liệu để phục vụ cho việc phòng chống tội phạm, chính phủ Việt Nam nên gấp rút nghiên cứu Đạo luật Đám Mây, đàm phán với chính phủ Mỹ. Một khi đã được chính phủ Mỹ phê duyệt, chính phủ Việt Nam có thể đường hoàng yêu cầu các công ty Mỹ cung cấp thông tin và các công ty phải nhanh chóng đáp ứng như thể đó là yêu cầu từ chính phủ Mỹ.

Cần phải nhấn mạnh rằng việc Việt Nam phải được Mỹ phê duyệt không phải là chuyện nước lớn ép nước nhỏ, nhắc lại ngay cả Anh và Châu Âu vẫn phải đàm phán với Mỹ, mà chỉ đơn giản vì người Việt Nam sử dụng dịch vụ của các công ty Mỹ. Nếu như người Mỹ sử dụng Zalo của Việt Nam, chính phủ Mỹ muốn truy cập dữ liệu này họ vẫn phải thông qua chính phủ Việt Nam. Đây là cách thế giới vận hành, muốn hay không muốn chúng ta vẫn phải tuân theo. Tạo ra một bộ luật nội địa không làm thay đổi luật chơi quốc tế.

Vừa rồi Apple đã nhún nhường Trung Quốc, chuyển dữ liệu iCloud của người Trung Quốc về giao lại cho một công ty Trung Quốc. Đây là một cách lách luật và Apple đã phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích [24]. Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có đủ tài lực để ép Apple như Trung Quốc đã làm? Nếu có đủ đi chăng nữa, liệu Việt Nam có nên làm như vậy? Tôi sẽ phân tích những điểm này trong phần cuối khi nói về Trung Quốc.

Facebook lên kế hoạch mở văn phòng ở TQ

Dữ liệu iCloud của TQ đã về tay Bắc Kinh

Phải thừa nhận rằng lưu trữ dữ liệu nội địa là một vấn đề đang gây nhiều tranh cãi. Kể từ sau sự kiện Snowden năm 2013, một số quốc gia đã đưa ra luật nội địa hóa dữ liệu lên bàn nghị sự. Nhưng thông tin “đã có 18 nước quy định phải lưu trữ dữ liệu trong nước” dễ gây lầm tưởng rằng tất cả các quốc gia đều yêu cầu lưu tất cả dữ liệu cá nhân hay cho phép một đơn vị như Cục An ninh mạng được phép tự ý truy xuất các dữ liệu đó. Sự thật không phải như vậy. Cùng với Việt Nam, chỉ có Trung Quốc, Nga, Indonesia là bắt buộc lưu trữ tất cả dữ liệu cá nhân. Đa số các quốc gia như Mỹ, Anh, Bỉ, Phần Lan, Thụy Điển, New Zealand, Hà Lan, Venezuela, v.v. chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu thuế, kế toán, tài chính, hoặc dữ liệu của các tổ chức đại chúng [21].

Ngoài lưu trữ dữ liệu nội địa, dự thảo còn bắt buộc các công ty phải mở văn phòng ở Việt Nam. Đây không phải là một yêu cầu quá đáng, nhưng câu hỏi mà chính phủ cần đặt ra là tại sao chúng ta phải ép bằng luật. Singapore đâu cần ép gì đâu, các công ty vẫn đua nhau mở trụ sở. Thậm chí nhiều công ty khởi nghiệp Việt Nam cũng đều đăng ký ở Singapore. Không chỉ Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Myanmar đều có các công ty Internet lớn của thế giới đặt trụ sở. Rõ ràng mở văn phòng ở đâu là quyết định của doanh nghiệp, chính phủ không nên can thiệp mà chỉ có thể khuyến khích. Chính sách thuận lợi, không cản trở kinh doanh, luật pháp minh bạch, văn minh, không cần ra luật người ta cũng tự tìm đến.

Chính phủ nói rất nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0. Các quan chức đã nhiều lần tuyên bố muốn biến Sài Gòn, Hòa Lạc hay Bình Dương thành Silicon Valley. Đây là một giấc mơ lớn, đáng trân trọng, muốn thực hiện trước nhất phải thu hút được đầu tư của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, mà quan trọng nhất là Mỹ và Châu Âu. Nhưng chính sách và luật pháp của Việt Nam ra sao để rồi bây giờ chỉ yêu cầu mở văn phòng thôi, chứ chưa nói đầu tư hay chuyển giao công nghệ gì, mà người ta vẫn không muốn vào? Đây là một câu hỏi lớn, nhưng Luật An ninh mạng và dự thảo nghị định 03/10/2018 không phải là câu trả lời.

* Bài viết thể hiện thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một chuyên gia về bảo mật thông tin đang làm việc tại Silicon Valley, Mỹ.

BBC sẽ đăng tiếp phần hai về những điều tác giả cho là nguy cơ về kinh tế và an ninh cho Việt Nam mà Luật An ninh mạng có thể đem lại.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45855187

 

Có EVFTA sẽ có nhân quyền?

Nguyễn Tường Thuỵ

Những năm gần đây, kể từ khi xã hội dân sự (XHDS) ở Việt Nam (VN) phát triển mạnh, có một thông lệ, mỗi khi chuẩn bị ký kết hiệp định thương mại với VN, các khối quốc gia thành viên thường tổ chức tham khảo ý kiến của các tổ chức XHDS ở VN.

Động thái này vừa tạo điều kiện cho những người hoạt động cất lên được tiếng nói của mình ra quốc tế, vừa khẳng định vị thế của họ trong xã hội hiện đại.

Xin nhắc lại một số buổi gặp mà tôi được mời, lấy chuyện hôm qua để nói chuyện hôm nay:

Ngày 6/5/2015, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp giữa đoàn đối thoại nhân quyền Mỹ với các tổ chức XHDS VN. Có 14 đại diện các tổ chức XHDS đã đến tham dự: Ls Nguyễn Văn Đài, Trương Minh Tam, Ls Lê Thị Công Nhân, Ts Nguyễn Quang A, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hà Thị Vân, Ngô Duy Quyền, Nguyễn Lê Hùng, Bùi Quang Viễn, Trần Thị Nga, Nguyễn Đình Hà, Võ Trường Thiện, Lê Công Vĩnh và tôi, Nguyễn Tường Thuỵ. Con số được mời nhiều hơn nhưng một số đã bị chặn không đến được cuộc họp.

Cuộc gặp mặt này diễn ra trước cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ với Bộ Công an vào hôm sau, 7/5/2015.

Ông Tom Malinowski trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ, người chủ trì cuộc họp đặt ra câu hỏi tham khảo: Tới đây, 435 dân biểu Mỹ sẽ biểu quyết về việc có ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam hay không trong tình trạng nhân quyền hiện nay ở Việt Nam. Chúng tôi muốn tham khảo ý kiến quí vị, quý vị hãy trả lời ngắn gọn Yes hay No. Kết quả có 5 ý kiến trả lời Yes và 9 trả lời No. Như vậy, có thể thấy xu hướng của XHDS là nói không với TPP cho Việt Nam.

Với Liên minh Châu Âu (EU) cũng có những động thái tương tự. Trước khi phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU – VN (EVFTA), ngày 23/2/2017, Phái đoàn Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu tổ chức gặp một số nhân vật hoạt động xã hội dân sự. Buổi gặp mặt này nhằm tìm hiểu thực trạng nhân quyền ở Việt Nam, thăm dò thái độ của XHDS để dẫn đến có thể phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam hay không.

Quyền con người căn bản vẫn tiếp tục bị vi phạm tràn lan ở Việt Nam, đi kèm với bạo lực được bảo kê và trấn áp chính trị. Tất yếu điều này làm suy giảm sự thịnh vượng của người dân Việt Nam và về dài hạn, ngăn cản sự phát triển bền vững của đất nước

Tham dự buổi gặp mặt này có Lê Công Định, Vũ Quốc Ngữ, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Tường Thụy.

Đại diện các tổ chức XHDS thảo luật hết sức sôi nổi thậm chí rất gay gắt trước tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Sau buổi gặp này, các tổ chức xã hội ra một tuyên bố chung gửi EU. Tuyên bố vạch rõ: “Quyền con người căn bản vẫn tiếp tục bị vi phạm tràn lan ở Việt Nam, đi kèm với bạo lực được bảo kê và trấn áp chính trị. Tất yếu điều này làm suy giảm sự thịnh vượng của người dân Việt Nam và về dài hạn, ngăn cản sự phát triển bền vững của đất nước”.

Qua đó, có thể thấy xu hướng của các tổ chức XHDS là không ủng hộ VN vào các tổ chức thương mại quốc tế khi tình hình vi phạm nhân quyền không những không được được cải thiện mà có xu hướng ngày càng xấu đi trầm trọng. Chỉ khi VN tự điều chỉnh cho phù hợp với các tiêu chuẩn chung của quốc tế thì hãy nói đến việc ký kết hay không.

*

Còn chuyện hôm nay: Mới đây, ngày 10/10/2018, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện châu Âu tổ chức buổi điều trần mở về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và Hiệp định Bảo vệ Đầu tư (IPA) giữa EU và VN tại Brussells (Bỉ). Việc mời Tiến sĩ Nguyễn Quang A tham dự, được coi là chuyên gia nhân quyền, đại diện cho tác tổ chức XHDS ở VN nằm trong thông lệ nói trên.

Tại buổi điều trần, Ts Nguyễn Quang A xác nhận tình hình nhân quyền mấy năm gần đây xấu đi nhưng ông lại ủng hộ VN vào FTA: “Chính kiến của tôi là phải ký, phải thông qua thì lúc đó mới có một cơ chế để mà tiến hành những cái đòi hỏi về cải thiện nhân quyền”. Phát biểu của ông đã bao hàm lời giải thích nhưng làm nhiều người hoạt động XHDS ngỡ ngàng và lên tiếng phản đối, thậm chí nghi ngờ.

Ông giải thích rõ hơn: “Nếu EVFTA (Hiệp định thương mại tự do VN – EU – ghi chú của tác giả) được thông qua, EU sẽ có thêm đòn bẩy để gây sức ép với Việt Nam trong các cuộc đàm phán tương lai …”.

Mong muốn của các tổ chức XHDS là nhân quyền. Tuy nhiên, để có nhân quyền, tư duy của mỗi người có khác nhau.

Không riêng Ts Nguyễn Quang A mà còn một số người cùng cho rằng có EVFTA sẽ có nhân quyền. Ký được EVFTA, VN buộc phải cải thiện nhân quyền bởi các cam kết trong hiệp định. Ý kiến ngược lại là VN phải cải thiện nhân quyền rồi hãy tính đến EVFTA. Luồng ý kiến thứ hai xuất phát từ việc không có lòng tin vào nhà cầm quyền cộng sản.

Đã có quá nhiều kinh nghiệm về những cam kết của Việt Nam để đạt được một thỏa thuận nào đó. Họ có thể thả một vài tù nhân lương tâm, ngưng đàn áp một thời gian gọi đó là cải thiện nhân quyền nhưng nhiều người có vẻ không hiểu được rằng “kho” tù nhân lương tâm của VN là vô tận. Không phải thả ra vài người mà “kho” hụt đi. Họ thả một người nhưng có thể bắt một loạt 5,7 thậm chí hàng chục người. Sự đổi chác có thể là vài người được trả tự do nhưng sẽ mất đi tự do của những người khác, như một kiểu “đánh bùn sang ao”. Thực tế cho thấy, sau khi vào WTO hay trong quá trình thương thảo TPP, EVFTA, tình hình nhân quyền ở VN vẫn tiếp tục xấu đi, đặc biệt là từ cuối năm 2016 trở lại đây.

Tròn một con Giáp sau sự tráo trở trên, kịch bản “vào trước, bắt sau” hầu như đang tái hiện ở Việt Nam. Lần này là Hiệp Định EVFTA

Vậy làm sao có thể tin có EVFTA rồi, nhân quyền VN sẽ được cải thiện. Nhà báo Phạm Chí Dũng cay đắng cảnh báo

“Hãy đừng bao giờ quên bài học 2006.

Vào năm 2006, chính thể Việt Nam đã nhún mình giảm đàn áp giới nhân quyền và bất đồng chính kiến để tiếp đón Tổng Thống Mỹ George Bush tại Hà Nội, và sang năm 2007 Việt Nam được Mỹ nhấc khỏi CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo), tức được giảm cấm vận kinh tế, đồng thời. Nhưng chỉ một năm sau đó, từ năm 2008 trở đi, công an Việt Nam liên tiếp gia tăng tống giam người bất đồng như một kiểu ‘bắt bù’.

Tròn một con Giáp sau sự tráo trở trên, kịch bản “vào trước, bắt sau” hầu như đang tái hiện ở Việt Nam. Lần này là Hiệp Định EVFTA”.

Nói thế là với giả thiết VN có những cam kết với FTA về nhân quyền để mà cảnh giác. Nhân quyền, các quyền của người lao động và bảo vệ môi trường là 3 mối quan tâm của EU. Tuy nhiên đây là các vấn đề còn đang gặp trở ngại. Về nhân quyền, tại buổi điều trần này, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Công thương nói trong quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, VN “đã không bao giờ cam kết điều gì về nhân quyền, vì WTO không tập trung vào nhân quyền”. Qua đó có thể thấy ông ta ngỏ ý, với EVFTA cũng là như vậy. Rõ ràng, tại diễn đàn này, phía VN né tránh vấn đề nhân quyền trong khi thương thảo EVFTA.

Những gì đã và đang diễn ra cho thấy nhà cầm quyền VN coi áp lực quốc tế về nhân quyền chỉ như ngứa ghẻ. Một quốc gia dám cử những nhân vật cộm cán nhất của Bộ Công an ngang nhiên bắt cóc người ở một quốc gia lớn nhất Châu Âu là một minh chứng hùng hồn nhất cho điều này.

Có thể vào một thời điểm nào đó, nhà cầm quyền VN giảm đàn áp do sách lược của họ nhưng tin vào lời cam kết nhân quyền ở chế độ độc đảng cộng sản ở VN là một niềm tin ngây thơ.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/does-evtfa-brings-human-rights-10132018212844.html

 

Vốn TQ thâu tóm BĐS Việt:

Chọn lọc để kiểm soát

Theo chuyên gia, Việt Nam phải làm tốt hơn khâu lựa chọn, chọn lọc dự án, không phải tiếp nhận tất cả các dự án một cách vô điều kiện.

Những năm gần đây, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trên thị trường bất động sản chứng kiến sự đổ bộ của các công ty, tập đoàn đến từ Trung Quốc khi các công ty này chi hàng trăm triệu USD mua đứt, hoặc góp vốn để chen chân vào các dự án bất động sản tại Việt Nam.

Hàng loạt dự án ở TP.HCM, Long An, Đồng Nai… đã được các chủ đầu tư chuyển nhượng hoặc có liên quan tới các nhà đầu tư Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, không chỉ có các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đổ vốn vào bất động sản Việt Nam mà các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Mỹ… cũng coi Việt Nam là điểm đến lý tưởng.

TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho biết, sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam là rất lớn.

Nó bao gồm sức hấp dẫn về cơ chế, sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước; sự lên giá của thị trường bất động sản trong 2 năm gần đây và cả sự lên giá của các cổ phiếu bất động sản.

Thu nhập của người dân cũng tăng lên theo thời gian, đi kèm theo đó là “văn hóa” thường lựa chọn kênh bất động sản để đầu tư như một tài sản để dành. Tất cả tạo ra một thị trường rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Cùng chia sẻ quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho biết, các nhà đầu tư đổ vốn vào bất động sản Việt Nam là do kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trường tốt trong năm nay và một vài năm tới.

Trong bối cảnh đó, kinh tế vĩ mô vẫn được kiểm soát ổn định, môi trường đầu tư có nhiều cải thiện và được các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng ghi nhận.

Thị trường bất động sản thời gian qua tiếp tục đà phục hồi và phát triển có độ lành mạnh hơn. Các nhà đầu tư cũng thấy được tiềm năng của thị trường tiêu dùng Việt Nam, tiềm năng về du lịch cũng như những phân khúc khác trong thị trường bất động sản như bất động sản nghỉ dưỡng…

Quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam cũng được thúc đẩy, trong đó có một số dự án bất động sản là tài sản đảm bảo cho các khoản nợ vay đã được bán theo giá thị trường.

Cuối cùng, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang diễn biến ngày càng căng thẳng và khó lường. Vì lẽ đó, một số nhà đầu tư nước ngoài đã và đang chuyển dịch cơ sở sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư (một phần hoặc cả dự án) sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Các vị chuyên gia đều khẳng định, việc các nhà đầu tư ngoại, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, đổ vốn vào bất động sản Việt Nam có tác dụng kích thích thị trường này, tuy nhiên đây là con dao hai lưỡi nên Việt Nam phải có sự kiểm soát chặt chẽ.

“Nguồn vốn ngoại đổ vào bất động sản sẽ giúp thị trường này có được nguồn vốn trung và dài hạn. Gần đây, chủ đầu tư các dự án rất cần nguồn vốn này trong khi nguồn vốn ngân hàng ngày càng bị siết chặt, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư vào những dự án nhiều rủi ro, dự án bị đóng băng hay có rủi ro về pháp lý.

Nhà đầu tư ngoại nhảy vào mua lại dự án với giá rẻ bởi nhiều khi các dự án đó rất cần tiền.

Dù vậy, với các nhà đầu tư Trung Quốc, trước nay Việt Nam đều phải rất cảnh giác vì việc đầu tư của họ đâu đó mang tính đầu cơ, chiếm dụng đất, đặc biệt là các khu đất dọc bờ biển.

Vì lẽ đó, nếu nhà đầu tư Trung Quốc mua các dự án để có quyền sử dụng lâu năm ở các vị trí đắc địa thì cơ quan nhà nước Việt Nam phải hết sức lưu ý và có sự đánh giá toàn diện bởi đây không chỉ là nguồn vốn đầu tư bất động sản mà còn liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng”, TS Bùi Quang Tín lưu ý.

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng, một mặt Việt Nam phải tiếp tục nhất quán chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tiếp tục lành mạnh hóa thị trường bất động sản, mặt khác cũng có sự chọn lọc dự án kỹ càng.

“Đối với các dự án chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, vào Việt Nam, chúng ta phải làm tốt hơn khâu lựa chọn, chọn lọc dự án, không phải tiếp nhận tất cả các dự án một cách vô điều kiện.

Các dự án phải đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện về môi trường, kết nối với các doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, đảm bảo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết khi nhà đầu tư ký hợp đồng mua cổ phần hay đầu tư chiến lược vào Việt Nam.

Đặc biệt, đối với những dự án liên quan đến an ninh, trọng điểm quốc gia phải hết sức thận trọng”, ông Lực nói.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 9 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,37 tỷ USD, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 11,3 tỷ USD, chiếm 44,6 tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,8 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư đăng ký.

http://biendong.net/the-gioi-dai-duong/24107-von-tq-thau-tom-bds-viet-chon-loc-de-kiem-soat.html