Tin Việt Nam – 14/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 14/09/2018

Khởi tố ông Huỳnh Trương Ca

tội phát tán tài liệu chống phá Nhà nước

Công an tỉnh Đồng Tháp ngày 14 tháng 9 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Huỳnh Trương Ca, trú tại huyện Hồng Ngự, với cáo buộc tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước VN”.

Theo Công an Đồng Tháp, ông Huỳnh Trương Ca đã tăng tải những video lên mạng xã hội có nội dung bịa đặt, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, chính sách pháp luật và tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam. Ngoài ra ông Ca còn được nói là kêu gọi, kích động người dân biểu tình chống chế độ.

Cũng theo cơ quan công an, ông Ca là thành viên của một nhóm tự xưng “Hiến pháp”.

Ông Huỳnh Trương Ca bị bắt vào ngày 4 tháng 9 khi được nói đang trên đường từ Tiền Giang lên TP.HCM để kêu gọi biểu tình nhân dịp Quốc khánh 2/9.

Trước và sau ngày lễ 2-9, có ít nhất 4 người bị bắt về các cáo buộc có liên quan đến an ninh quốc gia và hàng loạt các Facebooker khác được bạn bè thông báo là bị mất tích không rõ nguyên nhân.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-prosecuted-for-storing-and-delivering-subversion-materials-09142018084542.html

 

Ông Nguyễn Văn Túc:

xin phúc thẩm nhưng không mong giảm án

Ông Nguyễn Văn Túc, thành viên Hội Anh em Dân chủ, bị tuyên y án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế trong phiên phúc thẩm tại Tòa án tỉnh Thái Bình hôm 14/9.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông Túc, đồng thời giữ nguyên bản án và cáo buộc ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo Khoản 1, Điều 79, Bộ luật Hình sự 1999 tại phiên sơ thẩm đối với ông này.

Phiên xử phúc thẩm ông Nguyễn Văn Túc được truyền thông trong nước nói là diễn ra đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Bà Bùi Thị Rề, vợ của ông Túc, có mặt tại phiên xử phúc thẩm hôm 14/9. Bà nói với chúng tôi điều mà chồng bà khẳng định tại phiên tòa khi bị Hội đồng xét xử chất vấn liên quan đến Hội Anh em Dân chủ.

“Tôi có vào hội dân chủ, nhưng tôi vào hội này là để đòi đa nguyên đa đảng, đòi công bằng lẽ phải cho dân, cho đất nước chứ tôi không lật đổ chính quyền.”

Bà Bùi Thị Rề cho biết chồng bà làm đơn xin phúc thẩm nhưng không mong giảm án.

Họ nói nhiều lắm nhưng chồng tôi Nguyễn Văn Túc thì vững vàng lắm. Ông ấy hiên ngang lắm. Hiện nay thì huyết áp ông ổn định, còn có bệnh nhưng hôm nay là ông nói hết. Ông nói là tôi làm đơn xin phúc thẩm nhưng không mong các ông giảm án cho tôi. Thế nhưng tôi mong là ở phiên phúc thẩm này tôi nói ra nhiều cái tôi chưa nói được. Nhiều cái oan cho tôi vì không có mà lại nói cho tôi.

Ông Nguyễn Văn Túc dẫn chứng rằng các cáo buộc của Hội đồng xét xử nói tài khoản ngân hàng của ông này có hàng trăm triệu là không đúng sự thật. Ngoài ra, trong quá trình khám xét tư gia, cơ quan chức năng tịch thu cả những phong bì đám ma mẹ vợ của ông Túc.

Thông tấn xã Việt Nam hôm 14/9 đăng tin về phiên phúc thẩm ông Túc, cho rằng ông này bắt đầu tham gia khiếu kiện ‘mang tính cố chấp’ tại địa phương từ năm 1997. Từ năm 2006, ông này bị cáo buộc tham gia các tổ chức như Đảng Dân chủ 21, Hội Dân oan, Nhóm Dân chủ, Khối 8406…

Sau khi mãn hạn tù 4 năm và quản chế 3 năm tại gia với cáo buộc ‘Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ vào năm 2014, ông Túc tham gia Hội Anh em Dân Chủ từ tháng 2/2014. Ông được nói giữ chức Phó Ban đại diện miền Bắc nhiệm kỳ 2017-2019 và Chủ tịch thứ nhất của hội này.

Theo chính phủ Hà Nội, Hội Anh em Dân Chủ bị cáo buộc là tổ chức phản động, hoạt động trái pháp luật, nhằm âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chính quyền nhân dân, thay đổi thể chế chính trị.

Nhiều thành viên của hội này hiện đang bị giam cầm với các án tù nặng nề. Mới hôm 12/9, ông Nguyễn Trung Trực, cựu Phát ngôn nhân của Hội Anh em Dân chủ, bị Tòa án tỉnh Quảng Bình tuyên 12 năm tù giam và 5 năm quản chế.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/appeal-trial-upholds-sentences-to-nguyen-van-tuc-member-of-the-brotherhood-for-democracy-association-09142018082627.html

 

HRW kêu gọi Việt Nam hủy bỏ án tù nặng nề

đối với nhà hoạt động

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) hôm 12/9 kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hủy bản án đối với nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Túc và lập tức phóng thích ông vô điều kiện.

Human Rights Watch cho rằng bản án dành cho ông Túc mang động cơ chính trị. Tòa phúc thẩm sẽ mở phiên xét xử nhà hoạt động này tại tỉnh Thái Bình vào ngày 14/9.

“Nguyễn Văn Túc là một nạn nhân của chính sách gia tăng đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam nhắm vào các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói trong một thông cáo của HRW ra hôm 12/9. “Án tù nặng nề mà Nguyễn Văn Túc và các bạn của ông trong Hội Anh em Dân chủ phải đối mặt, chỉ có mục đích đe dọa các nhà hoạt động khác đừng đi theo bước chân của những người này.”

Vợ ông Túc, bà Bùi Thị Rề, đã thông báo về tình trạng sức khỏe tồi tệ của chồng bà, nói rằng ông mắc phải nhiều chứng bệnh kể cả tim mạch, viêm giác mạc, theo tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York.

Ông Túc bị bắt vào tháng 9/2017 vì tham gia Hội Anh em Dân chủ, một nhóm tranh đấu để cổ vũ cho dân chủ, ông bị cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của bộ luật hình sự 1999. Tháng Tư năm nay, trong một phiên xử chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình kết luận ông có tội và áp mức án 13 năm tù giam cộng với năm năm quản chế.

Báo Nhân dân lúc đó tố cáo ông tham gia một “tổ chức phản động, hoạt động trái pháp luật, nhằm âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chính quyền nhân dân, thay đổi thể chế chính trị.”

Theo HRW, ông Túc bắt đầu vận động chống tham nhũng và trưng thu đất đai từ đầu thập niên 2000 ở quê ông, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Sau đó ông gia nhập Khối 8406, một nhóm vận động cho hệ thống chính trị đa nguyên, cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, được thành lập vào ngày mồng 8/4/2006. Ông đăng nhiều bài viết tố cáo chính quyền các cấp là tham nhũng và vi phạm nhân quyền.

HRW trích một đoạn ông Túc viết: “Tôi một dân oan vốn ít được học chữ, nhưng tấm lòng thương đồng loại, đau trên nỗi đau của dân tộc buộc tôi phải dũng cảm lên tiếng đấu tranh chống lại những bất công của xã hội. Dù có phải hy sinh để đồng loại sống hạnh phúc, đất nước có tự do dân chủ, xã hội tốt đẹp hơn tôi cũng xin làm, không hề ân hận hối tiếc điều gì.”

Nhà hoạt động 54 tuổi từng bị công an bắt vào năm 2008 và sau đó bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật hình sự. Tháng 10/2009, ông bị kết án bốn năm tù giam.

Sau khi ra tù vào tháng 9/2012, ông Túc lập tức nối lại việc vận động cho nhân quyền và dân chủ. Theo HRW, ông Túc tham gia Hội Anh em Dân chủ, do nhà vận động nhân quyền Nguyễn Văn Đài và các nhà hoạt động bạn bè của ông thành lập từ tháng 4/2013, nhằm “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận” và “vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.”

Báo An ninh Thủ Đô gọi “Hội anh em dân chủ” là hội hoạt động trái pháp luật có mục đích xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thay đổi thể chế chính trị xã hội hiện tại của Việt Nam bằng thể chế chính trị xã hội khác, “đe dọa sự tồn vong của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự tồn tại vững mạnh của chính quyền nhân dân”.

Việt Nam mới kết án nhà hoạt động vì môi trường Lê Đình Lượng 20 năm tù vào tháng Tám vừa qua và Mục sư Đinh Diêm 16 năm tù hồi tháng Bảy. Ngày 12/9, nhà hoạt động vì quyền con người Nguyễn Trung Trực bị kết án 12 năm tù giam.

“Chính quyền Việt Nam cần lắng nghe người dân thay vì nạt nộ và dập tắt tiếng nói của họ,” ông Robertson nói. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần chấm dứt thái độ phớt lờ tình trạng vi phạm nhân quyền có hệ thống của Việt Nam, và đưa nhân quyền trở thành một phần hữu cơ trong mọi cuộc đối thoại và giao dịch với chính quyền hà khắc này.”

https://www.voatiengviet.com/a/hrw-keu-goi-viet-nam-huy-bo-an-tu-nang-ne-doi-voi-nha-hoat-dong/4570312.html

 

Trần Huỳnh Duy Thức,

người tự đốt mình thay vì đốt đền

Mặc LâmGửi tới BBC Tiếng Việt từ Oregon, Hoa Kỳ

Hơn 10 ngày nay, đầu óc lúc nào cũng ám ảnh bởi một khuôn mặt chưa bao giờ gặp nhưng những đường nét khá đậm trên những bức ảnh của anh đã đi sâu vào trí nhớ tôi: Trần Huỳnh Duy Thức.

Như hàng trăm tù nhân lương tâm khác, Trần Huỳnh Duy Thức lâu lâu lại được người từng biết anh nhắc tới trên mạng xã hội. Nhắc tính cách, tài năng và ngay cả những thành công của anh trước khi bị bắt vì bị cáo buộc tội “Lật đổ chính quyền” với bản án 16 năm tù, mặc dù anh nhiều lần công khai nói rằng đây là một bản án vô căn cứ và áp đặt. Trần Huỳnh Duy Thức là một công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam như mọi công dân khác, vì vậy anh mặc nhiên được chia đều sự bất công của tòa án như bất cứ công dân nào dám bày tỏ chính kiến và phản biện những chính sách sai trái của nhà cầm quyền.

Chín năm sau ngày thụ án trong trại giam, ngày 14 tháng 8 năm 2018 Trần Huỳnh Duy Thức bắt đầu tuyệt thực để yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho anh vô điều kiện, căn cứ theo Bộ luật Hình sự mới 2015/2017, cho phép anh miễn trách nhiệm thi hành án tù 7 năm còn lại. Yêu cầu của Trần Huỳnh Duy Thức dựa trên cơ sở luật pháp của Việt Nam, nhưng tiếc thay người cầm cán cân luật pháp ấy đang phải chờ sự quyết định của cấp trên, tức những người cao hơn luật pháp một bậc.

Họ chờ nhưng anh không chờ, 32 ngày liên tục nhịn đói trong nhà giam dưới hoàn cảnh khắc nghiệt mà không cần phải ở trong ấy mới biết. Trần Huỳnh Duy Thức như một con sư tử đá, im lặng nhưng mạnh mẽ đến đau lòng, anh chứng tỏ cho chế độ biết rằng không gì khuất phục được một người yêu nước như anh, mặc dù bị trói tay nhưng họ không thể trói ý chí và lòng ham muốn phục vụ đất nước của anh. Sự im lặng đầy tính cách ấy mặc dù không thấy chế độ phản ứng nhưng bên ngoài chấn song sắt giam cầm anh, người dân đã phản ứng.

Lo lắng về ông Trần Huỳnh Duy Thức ‘tuyệt thực trong tù’

Trần Huỳnh Duy Thức và thư viết từ nhà tù

‘Hi vọng Trần Huỳnh Duy Thức sẽ được ân xá’

HRW: VN ‘leo thang bạo lực với giới hoạt động’

Thêm rất nhiều bạn trẻ biết tới cái tên Trần Huỳnh Duy Thức với đầy đủ tiểu sử hoạt động của anh. Hàng ngàn người thay Avatar trên Facebook của họ bằng khuôn mặt của anh để nói lên sự lo lắng, thương yêu lẫn tin cậy. Hàng ngàn status đủ dạng từ ngắn tới dài, cùng chia sẻ sự cảm phục, yêu mến, chờ đợi và nhất là hồi hộp theo dõi kết quả sau cùng mà không ai muốn nhắc tới dù chỉ một lần: Cái chết.

Câu thường thấy nhất trên những status ấy cuối cùng rất giống nhau: Anh không thể chết.

Nhưng tính cách Trần Huỳnh Duy Thức có lẽ không ai thay đổi được ngoại trừ thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam. Anh không chờ đợi ở họ sự nhượng bộ vì dưới mắt họ anh chỉ là một công dân phản động, và phản động là một thuật ngữ đóng lại mọi cánh cửa văn minh nhất trong đó có dân chủ nhân quyền, điều mà anh bỏ cả mạng sống ra để tranh đấu. Cuộc cờ không thể xoay chuyển khiến nhiều người bi quan hơn, trong đó có gia đình anh, những người chung vai vác thập giá với anh trong gần mười năm nay. Rất đau lòng, nhưng anh nói với những người thân yêu của mình “Con yêu gia đình lắm nhưng con yêu đất nước Việt Nam hơn”.

Một câu nói có vẻ cường điệu đối với ai không tin vào bản lãnh của Trần Huỳnh Duy Thức nhưng 32 ngày trôi qua trong chốn âm u lạnh lẽo đầy chết chóc ấy anh đã chứng tỏ cho mọi người thấy hàm ý của mình.

Ở tuổi 52, tuổi của chín muồi mọi khát vọng, anh đánh đổi sự khao khát cháy bỏng của mình đối với đất nước bằng cái chết để chứng tỏ cho thế giới thấy, một lần nữa, chế độ này hoàn toàn không phải là một chế độ pháp trị và sự cô lập đến chết một con người yêu nước là chính sách nhất quán bảo vệ chế độ của họ.

Trần Huỳnh Duy Thức thừa khôn ngoan để biết rằng khó lòng họ nhượng bộ trước yêu sách hợp lý của mình, nhưng anh vẫn chấp nhận dấn thêm bước nữa như một phép thử trước những tội trạng mà chế độ áp đặt lên anh. Có lẽ thẳm sâu trong lòng anh vẫn tin rằng đây là lối thoát anh mở ra cho chế độ có cơ hội sửa sai để từ đó xóa bỏ dần những sai phạm mà họ đã gây ra trong hơn 70 năm qua. Nhưng cũng có lẽ, anh đánh giá sai sự kiêu ngạo cộng sản của họ, những người không bao giờ nhận sai lầm trong bất cứ hành động nào.

Viết đên đây tôi tự thấy lòng trống trải lạ thường. Tôi thấy anh trầm tư trong trại giam, thân thể gầy còm suy sụp. Tôi thấy anh đăm đắm nhìn ra ngoài song sắt như để nhắn đến những người biết anh: hãy vững tin vì không có gì cưỡng lại được bánh xe lịch sử.

Vâng, nhưng thưa anh, bánh xe lịch sử không phải khi nào cũng đúng lúc, nhất là lúc này, lúc mà hàng trăm tù nhân lương tâm không được ai cứu vớt, bảo vệ. Một Trần Huỳnh Duy Thức với hai bàn tay trắng khó lòng gây phản ứng nơi nhà cầm quyền. Họ còn đang bận rộn với những mục tiêu khác, những dự án khác, và nhất là những cách tránh né dư luận quần chúng khác.

Hà Nội vừa ra văn bản chính thức mong muốn người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, góp phần đem lại hình ảnh văn minh cho thủ đô. Nhưng Hà Nội lại không ra văn bản để đem lại bộ mặt văn minh của đất nước thông qua sự tôn trọng quyền biểu đạt cũng như dân chủ nhân quyền của người dân mà cả thế giới đồng lòng theo đuổi.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng và văn phong củaMặc Lâm, nguyên Tổng biên tập ban Tiếng Việt của Đài Á Châu Tự Do, hiện sống ở Oregon, Hoa Kỳ.

BBC Tiếng Việt luôn hoan nghênh ý kiến tranh luận về những vấn đề thời sự. Hãy gửi bài về cho chúng tôi theo địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45510773

 

Dân biểu Úc gửi thư cho Đại sứ Úc tại Việt Nam

yêu cầu quan tâm Trần Huỳnh Duy Thức

Ba dân biểu Liên Bang Úc vào ngày 13 tháng 9 đã gửi thư cho Đại sứ Úc tại Việt Nam, ông Craig Chittick, yêu cầu quan tâm đến trường hợp Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức, người đang phải tuyệt thực trong nhà tù.

Trong thư, dân biểu Chris Hayes cho biết đã cùng hai dân biểu Julian Hill và Clare O’Neill gặp phái đoàn người Việt của Đài Việt Nam – Sydney ngay trước Trụ sở Quốc Hội Úc. Phái đoàn Việt Nam tiến hành tuyệt thực 12 tiếng để phản đối cách đối xử của nhà cầm quyền Việt Nam với ông Thức, người hiện đang bị giam tại nhà tù số 6, tỉnh Nghệ An.

Dân biểu Chris Hayes cũng nhắc đến những bài viết về vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế Việt Nam của ông Trần Huỳnh Duy Thức nhằm đóng góp xây dựng một đất nước dân chủ. Đồng thời khẳng định rằng bản án 16 năm tù mà ông Thức phải chịu là một trong những bản án dài nhất từ trước đến giờ cho một người bất đồng chính kiến tại VN.

Từ ngày 14/8, ông Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực để phản kháng việc đối xử dành cho các tù nhân tại VN, điều kiện trong trại giam số 6, tỉnh Nghệ An, đồng thời chống đối việc nhà cầm quyền VN cưỡng ép ông chấp nhận đi lưu vong để được thả sớm.

Tuy nhiên, ông Thức từ chối bị đầy đi lưu vong khỏi VN. Đây không phải lần đầu tiên ông Thức phải tuyệt thực, ông từng sử dụng biện pháp này trong tù để ủng hộ người dân đi tìm công lý trong thảm họa môi trường gây ra bởi nhà máy thép Formosa năm 2016.

Qua thư, các dân biểu kêu gọi Đại sứ Úc tại Việt Nam quan tâm và theo dõi tình trạng sức khỏe của ông Thức, vì tội của ông Thức chỉ là cố gắng bênh vực cải cách tiến bộ về công lý và cải thiện nhân quyền ở VN.

Tính từ ngày 14 tháng 8 đến ngày 14 tháng 9, tù chính trị Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực đến ngày thứ 32 trong nhà tù.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/letter-to-australian-ambassador-in-vn-ab-tran-huynh-duy-thuc-09142018084004.html

 

Cựu tù chính trị Trương Văn Kim

lại bị hành hung đến thương tích

Cựu tù chính trị Trương Văn Kim ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng được cho biết vào ngày 9 tháng 9 vừa qua đã bị hành hung đến thương tích gãy tay phải đưa đến bệnh viện chữa trị; nhưng vẫn gặp trở ngại với chỉ đạo mà y tá nói từ phía công an.

Vào ngày 13 tháng 9, một thân hữu của cựu tù chính trị Trương Văn Kim là Mục sư Khải Thành cho Đài Á Châu Tự Do biết tình hình của ông này như sau:

“Vào ngày 9 tháng 9 khi ông Kim đi rẫy về một mình, có người xin ông sầu riêng thì ông xuống xe lấy sầu riêng để cho. Thế nhưng có hai người nấp sau đống cát ném vào mặt ông rồi lấy gậy đánh ông đến gãy xương tay.

Ông được đưa xuống Bệnh Viện Chấn Thương Chỉnh Hình ở Sài Gòn. Ban đầu có chỉ thị không chữa cho ông; nhưng rồi lại có chỉ thị chữa và nay lại buộc trả ông về mà ông đang trong tình trạng nguy hiểm.”

Cựu tù chính trị Trương Văn Kim, 70 tuổi, bị tuyên án tù 3 năm và 3 năm quản chế vào ngày 26 tháng 8 năm 2009, với cáo buộc ‘trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân’. Tuy nhiên, ông Kim cho biết bản thân là một võ sư và đất đai bị cưỡng chế nên ông trở thành một người phải khiếu kiện vì oan ức.

Đến ngày 26 tháng 8 năm 2015 ông hết hạn quản chế và chỉ lo làm ăn tại quê nhà. Thế nhưng nhiều lần công an địa phương đến nhà khiêu khích, gây khó khăn cho bản thân ông.

Vào tháng sáu vừa qua, hai trường hợp bị lực lượng an ninh, công an địa phương tại tỉnh Lâm Đồng tấn công bằng gạch đá, hành hung, xúc phạm đáng chú ý là đối với Chánh trị sự Hứa Phi thuộc Đạo Cao Đài không theo phái Nhà nước dựng lên; và nhà hoạt động công đoàn độc lập Đỗ Thị Minh Hạnh.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-political-prisoner-truong-van-kim-severely-beaten-09132018112140.html

 

Vũ Nhôm, AVG: Tiếp tục kỷ luật, khai trừ Đảng

Dư chấn từ các cuộc điều tra liên quan hai vụ án Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ Nhôm) và vụ Mobifone mua cổ phần AVG vẫn tiếp tục.

Hôm 14/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam công bố đề xuất khai trừ Đảng với ông Trần Văn Minh, vì sai phạm trong lúc làm Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Ông Minh đã từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trước khi nghỉ hưu rồi bị bắt ngày 17/4/2018.

Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói vi phạm của ông Minh “rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền thành phố Đà Nẵng, gây bức xúc trong xã hội”.

Ông Minh bị Ủy ban này kết luận đã:

vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí;

vi phạm các quy định về quản lý đất đai, về quản lý, sử dụng tài sản công, gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước.

Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương sẽ xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Văn Minh.

Vụ Mobifone mua AVG

Cơ quan kỷ luật của Đảng cũng công bố thêm thông tin kỷ luật liên quan Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG).

Thông báo cho hay Ủy ban đã xem xét kết quả kiểm điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và UBND tỉnh Bình Dương về trách nhiệm liên quan.

Các cơ quan đảng tại đây được yêu cầu “xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân liên quan”.

Với những cán bộ cấp cao tại các cơ quan này, Ban Bí thư sẽ chỉ đạo xử lý.

Trước đó Đảng Cộng sản đã chính thức kết luận có vi phạm “rất nghiêm trọng” về Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG.

Do kết luận này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã mất chức, được thay bằng ông Nguyễn Mạnh Hùng.

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bị Bộ Chính trị kết luận vi phạm “rất nghiêm trọng”. Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét thi hành kỷ luật “nghiêm minh” đối với ông Nguyễn Bắc Son.

Đà Nẵng

Nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2006-2011) Trần Văn Minh bị khởi tố, bắt tạm giam về các hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai”.

Ông Minh liên quan vụ án về doanh nhân Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ Nhôm.

Ông Anh Vũ ban đầu bị khởi tố về “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước” và “trốn thuế” xảy ra ở Đà Nẵng.

Sau đó ông bỏ trốn sang Singapore, nhưng bị trục xuất.

Đến ngày 7/2, ông Anh Vũ bị khởi tố thêm tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hôm 30/7, ông Phan Văn Anh Vũ bị tòa ở Hà Nội xử 9 năm tù trong vụ “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45512093

 

Kỷ luật cảnh cáo trung tướng công an Bùi Xuân Sơn

Cũng tại kỳ họp vừa nêu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Trung tướng công an Bùi Xuân Sơn, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an.

Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục IV nhiệm kỳ 2015-2020.

Cụ thể, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục IV đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý đất an ninh và quản lý tài sản công…

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trung tướng Bùi Xuân Sơn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy về những vi phạm vừa nêu.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/police-general-bui-xuan-son-punished-09142018090733.html

 

Trưởng phòng khảo thí tỉnh Hòa Bình bị bắt

Giám đốc Trung tâm khảo thí tỉnh Hòa Bình Nguyễn Quang Vinh bị Bộ Công An bắt vào ngày 14 tháng 9 để điều tra.

Báo chí trong nước trích dẫn tin từ Bộ Công an cho biết như vậy.

Ông Nguyễn Quang Vinh năm nay 52 tuổi là Trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục của Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Hòa Bình. Ông bị bắt vì phải chịu trách nhiệm trong việc gian lận điểm thi tại tỉnh này trong kỳ thi Tốt nghiệp Phổ Thông Trung Học vừa qua.

Cùng với ông còn có hai người khác cũng làm việc trong ngành giáo dục của tỉnh này cũng bị bắt để điều tra. Họ sẽ đối mặt với tội danh lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi thi hành công vụ của hình luật Việt Nam.

Trong kỳ thi trung học phổ thông tại Việt Nam vừa qua đã có nhiều vụ bê bối sửa điểm thi cho một số học sinh bằng cách nâng điểm lên để những học sinh đó đủ điểm để vào các trường đại học ‘thời thượng’, trong đó trường được mong muốn nhất là Đại học An ninh.

Ngoài tỉnh Hòa Bình, vụ sửa điểm gây ồn ào nhất là tại tỉnh Hà Giang, ngoài ra còn một số tỉnh thành nữa trên cả nước cũng xảy ra những vụ bê bối như vậy.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/chief-exam-hoabinh-arrested-09142018081632.html

 

Kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm:

 ‘Lập lờ đánh lận con đen’

Kết luận ‘nước đôi’

Ngày 15/5 vừa qua, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Thanh tra Chính phủ làm rõ khiếu nại của người dân Thủ Thiêm về việc bị thu hồi đất không đúng qui định. Tuy nhiên lời kêu cứu của họ suốt gần 20 năm không được cơ quan chức năng nào giải quyết.

Đến ngày 7 tháng 9, kết luật của Thanh tra Chính phủ về vụ việc Thủ Thiêm mới được công bố. Theo đó việc thu hồi đất đối với phần diện tích 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 ở Thủ Thiêm để thực hiện một số dự án khu đô thị là chưa đủ cơ sở pháp lý, không đúng với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Tuy nhiên những người dân trong cuộc vẫn cho rằng kết luận của Thanh Tra Chính Phủ vẫn chưa bóc tách đến nơi đến chốn mọi sai phạm. Mạng VNExpress ngày 10 tháng 9 trích lời ông Hoàng Thăng Long thuộc khu phố 5, phường An Khánh nêu rõ: “Kết luận này chưa rõ ràng. Cái cốt lõi thì lại không đi vào mà cứ nói về 4,3ha. Chỉ có 9 hộ bị ảnh hưởng trong diện tích đó, còn thực tế hơn 100 hộ dân chúng tôi thuộc 5 khu phố, 3 phường đều nằm ngoài ranh quy hoạch, mới vác đơn đi tố cáo.”

Cái kết luận này của Thanh tra Chính phủ chơi nước đôi thôi. Hài lòng thì không hài lòng, nhưng có 1 vấn đề thấy cũng được chút xíu, đó là những người còn lại nằm ngoài ranh thì được tái định cư trong hai phường, là Bình An và Bình Khánh. Còn nằm ngoài ranh thì đang đề nghị để thu hồi luôn. Cái này thì mình thấy không được. – Bà Hương, người dân Thủ Thiêm

RFA liên lạc với bà Hương, một “nạn nhân” của khu quy hoạch đô thị Thủ Thiêm và được bà cho biết ý kiến về kết luận của Thanh tra Chính phủ:

“Cái kết luận này của Thanh tra Chính phủ chơi nước đôi thôi. Hài lòng thì không hài lòng, nhưng có 1 vấn đề thấy cũng được chút xíu, đó là những người còn lại nằm ngoài ranh thì được tái định cư trong hai phường, là Bình An và Bình Khánh. Còn nằm ngoài ranh thì đang đề nghị để thu hồi luôn. Cái này thì mình thấy không được.”

Bà Hương cho biết người dân không bằng lòng với kết luận thanh tra này, với lý do đưa ra là “trước sau gì họ cũng bênh nhau”.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho RFA biết suy nghĩ của ông đối với kết luận này:

“Những sai phạm nghiêm trọng trong vấn đề đền bù giải toả ở khu đô thị mới Thủ Thiêm thì quan điểm của tôi là phải chỉ ra đúng người đúng tội phải chịu trách nhiệm. Người chịu trách nhiệm phải là người cao nhất của Tp HCM qua các thời kỳ. Phải kỷ luật vì đây là 1 việc rất quan trọng đẩy hàng chục ngàn người phải sống vất vưởng trong vòng 20 năm chứ không phải sai sót hành chính, rõ ràng có ý đồ, có nhóm lợi ích chi phối cố tình làm sai. Không thể nào khoả lấp được mà phải làm đến nơi đến chốn.”

“Nếu không trị được tham nhũng, không trị được việc làm trái trong vấn đề khu đô thị mới Thủ Thiêm thì đừng hô hào chống tham nhũng.”

Theo ông Đinh Kim Phúc, trước áp lực của dư luận và quần chúng, những người mất đất khiếu kiện gần 20 năm qua, thì đây chỉ là một động thái nhằm làm yên dư luận chứ không mang tính giải quyết nghiêm túc, trên nền tảng của pháp luật.

Về ranh giới quy hoạch, Thanh tra Chính phủ cũng kết luận việc UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 năm 1998 bao gồm điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền. Diện tích này bị giảm 23,3 ha so với quyết định 367 của Thủ tướng phê duyệt và “thừa” 4,3 ha ở Khu phố 1, phường Bình An.

Cũng từ 1 bài viết của báo mạng Vnexpress ngày 9 tháng 9 trích lời Nguyên kiến trúc sư trưởng Tp HCM ông Lê Văn Năm cho biết trước khi ký quy hoạch tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Thủ Thiêm, ông có trình lên lãnh đạo thành phố. Sau đó, lãnh đạo giao lại cho ông ký . Đó là thời điểm năm 1998.

Phải truy từ nhiều đời Chủ tịch Thành phố

Cộng đồng mạng xã hội những ngày qua có nhắc đến 1 nhân vật có tên gọi “Hai Nhựt” và cho rằng nếu không xét xử, truy tố người này đối với vụ án Thủ Thiêm thì chiến dịch chống tham nhũng là vô nghĩa.

Nhân vật này được ông Đinh Kim Phúc cho biết:

“Là ông Lê Thanh Hải, nguyên Chủ tịch TP HCM, nguyên Bí thư Thành uỷ Bộ Chính trị. Quy trách nhiệm cho vấn đề cố tình sai phạm hay tham ô hay nhóm lợi ích thì chúng ta phải truy từ các đời của chủ tịch ở TP HCM, từ Võ Viết Thanh, cho đến Lê Thanh Hải cho đến Lê Hoàng Quân. Vấn đề là phải làm rõ trách nhiệm coi là thuộc thời kỳ nào? Thuộc người nào chứ không thể nói chung chung là văn phòng Kiến trúc sư trưởng, rồi xuống UBND Quận 2, rồi Ban đền bù, giải toả…Các cấp đó là cấp thừa hành. Còn đây là chủ trương, là lệnh của cấp trên. Người nào ra lệnh, người nào làm trái thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ý kiến của tôi là phải truy tố.”

Đó là ý kiến của người “đứng ngoài khu ranh giới”, còn với người dân mất đất mang đơn khiếu hàng chục năm ròng rã như bà Hương, cho biết:

“Mình mong mỏi từ bên phía nhà nước phải xử những người làm sai, coi pháp luật không ra gì hết, muốn đập nhà ai thì đập, thích thì đập, buồn thì đập, vui cũng đập, coi tính mạng và tài sản của người ta như đồ chơi đồ bỏ. Nói chung giống như là ăn cướp vậy. Người ta đau khổ bao nhiêu năm trời.

Tui nói làm gì làm cũng phải xử ông Can, Vũ Hoài Phương, Đặng Trung Kiên. 4 người đó tội lỗi nhất trước mắt dân. Vì những người kia ký, mình biết sai, mình ở dưới mình còn làm ác hơn thì phải xử thôi, phải moi ra đến cùng cực thôi.”

Cho đến nay, ngoài thông tin về kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố là “có nhiều sai phạm” thì hoàn toàn chưa có một biện pháp hay hình thức kỷ luật nào được đề nghị từ phía lãnh đạo nhà nước.

Chưa thể biết được khi nào người dân Thủ Thiêm mới được nhìn thấy một bản án công bằng cho những mất mát của họ, nhưng với bà Hương, thì mỗi ngày, bà chứng kiến rất nhiều những người dân mất đất Thủ Thiêm điên điên dại dại, lang thang vất vưởng ở những khu đất bị san bằng như sau một trận càn bằng bom mìn thời chiến tranh.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Ambiguous-conclusion-in-thu-thiem-case-09132018135002.html

 

Chủ tịch Quốc hội: Dư luận nói

cho sử dụng tiền Trung Quốc ở biên giới là vi hiến

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rằng chính phủ đang xem lại thông tư cho sử dụng nhân dân tệ ở biên giới trong lúc có những dư luận trái chiều về quyết định của Ngân hàng Nhà nước cho phép thanh toán đồng tiền Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam.

Người đứng đầu cơ quan lập pháp của Việt Nam hôm 13/9 nói trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng có dư luận nói quy định mới này là vi hiến, vi phạm pháp luật nên cần phải xem lại, theo quochoi.org, cổng thông tin điện tử chính thức của Quốc hội Việt Nam.

Thông tư 19/2018 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 28/8 cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong hoạt động thương mại tại khu vực biên giới hai nước Việt-Trung. Theo quyết định này, việc thanh toán bằng đồng tiền của Trung Quốc ở các tỉnh biên giới phía bắc sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 12/10.

Theo bà Ngân có nhiều dư luận trong và ngoài nước liên quan đến thông tư.

“Có người nói vi hiến. Liệu có vi hiến, vi phạm pháp luật không, vì trên một đất nước sử dụng hai đồng tiền?,” Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nói tại một phiên họp của Ủy ban TVQH ở Hà Nội hôm 13/9.

Bà Ngân nói cần “phải trả lời câu hỏi này” và yêu cầu Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phải trực tiếp chỉ đạo việc này.

Mặc dù quy định này chỉ được áp dụng cho khu vực thương mại ở biên giới nhưng bà Ngân nói vẫn cần phải xem lại.

Tuyên bố của Chủ tịch Quốc hội được đưa ra không lâu sau khi hàng trăm trí thức Việt Nam đồng loạt ký tên vào một tuyên bố phản đối quyết định của NHNN vì họ cho là vi hiến và ảnh hưởng đến an ninh kinh tế.

Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Quang A nhận định với VOA hôm 6/9 rằng thông tư mới của NHNN còn nhiều điều quá mập mờ có thể ảnh hưởng tới chủ quyền tiền tệ của Việt Nam cũng như tạo tiền lệ nguy hiểm về sự tồn tại mặc nhiên hai đơn vị tiền tệ song hành trên lãnh thổ quốc gia.

Một người ký tên vào bản tuyên bố, bác sỹ Đinh Đức Long ở TP HCM, nói với VOA rằng đây là một việc chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Ông cho rằng “ngoại tệ mà được sử dụng chính thức trên lãnh thổ Việt Nam là vi phạm pháp luật, vi phạm hiến pháp Việt Nam” và sẽ “ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, an ninh kinh tế.”

Theo hãng tin nhà nước Trung Quốc Xinhua, thông tư này củng cố thêm nghị định của chính phủ Việt Nam về thanh toán ở khu vực biên giới có hiệu lực vào tháng 1 năm nay và thay thế một quy định khác của NHNN được đưa ra năm 2004 về thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á khi kim ngạch thương mại trung bình hàng tháng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua con số 10 tỷ USD trong năm nay, theo thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đưa ra hôm 26/7.

Việt Nam cho rằng việc cho phép sử dụng tiền Trung Quốc trong giao thương tại khu vực biên giới như nêu trong Thông tư 19/2018 là “góp phần hoàn thiện chính sách thanh toán biên mậu, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt – Trung ngày càng phát triển.”

Tuy nhiên tâm lý bài Trung Quốc tiếp tục tăng cao ở Việt Nam khi người dân lo ngại về các dự án đầu tư của Trung Quốc nhằm khai thác tài nguyên của Việt Nam, trong đó nổi nhất là dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, và gần đây là dự luật đặc khu kinh tế trong đó cho các nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm. Trong tháng Sáu, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở khắp Việt Nam và trên thế giới nơi có nhiều người Việt sinh sống để phản đối dự luật này khi công chúng cho rằng sẽ có nhà đầu tư Trung Quốc đứng đằng sau các dự án ở các đặc khu kinh tế.

Việt Nam có bảy tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc, bao gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng và Điện Biên.

https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-quoc-hoi-du-luan-noi-cho-su-dung-tien-trung-quoc-o-bien-gioi-la-vi-hien/4571740.html

 

Việt Nam yêu cầu Facebook

‘hợp tác chặt chẽ’ với chính quyền

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Facebook hợp tác chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), gỡ bỏ các thông tin “xấu độc”, ảnh hưởng đến quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phải “có trách nhiệm” với hơn 60 triệu tài khoản tại Việt Nam.

Đề nghị của Thủ tướng Việt Nam được đưa ra trong cuộc họp với ông Simon Milner, Phó Chủ tịch về Chính sách công tại châu Á-Thái Bình Dương của Facebook, bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN vào chiều 13/9.

Ngoài yêu cầu kiểm soát tài khoản người dùng, các lãnh đạo của Việt Nam còn đốc thúc công ty công nghệ toàn cầu này mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, gia tăng áp lực buộc Facebook phải tuân theo Luật An ninh mạng đầy tranh cãi mà Việt Nam mới thông qua hồi tháng 6, theo Reuters.

“Quyền Bộ trưởng (Bộ TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị Facebook trên cơ sở kinh doanh thành công tai Việt Nam, thì cũng nên dành một tỷ lệ doanh thu để tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, và sớm mở văn phòng đại diện tại Việt Nam”, truyền thông Việt Nam đồng loạt cho hay.

Một phát ngôn nhân của Facebook nói với Reuters rằng cô không bình luận gì về thông tin này.

Theo nhận định của hãng thông tấn có trụ sở ở Anh, mặc dù Việt Nam có những cải cách kinh tế sâu rộng và mở cửa cho những thay đổi xã hội, nhưng Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn không chấp nhận sự bất đồng và kiểm soát chặt chẽ truyền thông trong nước.

Các công ty công nghệ hàng đầu như Google, Facebook, YouTube… mặc dù chống lại các điều khoản của Luật An ninh mạng yêu cầu phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại địa phương, nhưng vẫn chưa đưa ra quan điểm cứng rắn đối với các điều khoản nhằm gia tăng đàn áp các hoạt động chính trị trên mạng.

Tuy vậy, cá nhân các quan chức của công ty lại bày tỏ quan ngại rằng các trung tâm dữ liệu và văn phòng tại địa phương có thể giúp cho chính quyền dễ dàng nắm bắt dữ liệu người dùng hơn và đặt nhân viên địa phương trước nguy cơ bị bắt giữ.

Hồi tháng 7, 17 nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi các các lãnh đạo công ty Facebook và Google chống lại Luật an ninh mạng, vốn bị các nhà phê bình cho rằng đã trao thêm quyền lực cho nhà nước để đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến.

Luật an ninh mạng, bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm tới, quy định rằng Facebook, Google và các công ty công nghệ toàn cầu phải lưu trữ dữ liệu cá nhân người dùng tại Việt Nam và mở văn phòng ở trên lãnh thổ Việt Nam.

Một số tổ chức quốc tế cũng đã lên tiếng yêu cầu Việt Nam thu hồi luật này và cho rằng đây là bản sao của Luật An ninh mạng của Trung Quốc.

Đáp lại yêu cầu của lãnh đạo Việt Nam, đại diện Facebook nói “sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam về những vấn đề mà nhiều quốc gia đang gặp phải, nhất là an ninh mạng để hai bên cùng thảo luận, định hình những biện pháp khắc phục, xử lý sao cho phù hợp với mỗi quốc gia”, theo Zing.

Tuần trước, quyền Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng lên tiếng trên truyền thông trong nước, nói rằng Việt Nam cần xây dựng mạng xã hội “made in Vietnam” thay vì để thị phần rơi vào tay Facebook, Google, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ đạt bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam, chiếm 60 – 70% thị phần.

https://www.voatiengviet.com/a/vn-yeu-cau-facebook-hop-tac-chat-che-voi-chinh-quyen/4571703.html

 

Siêu bão Mangkhut cấp 17 đang tiến vào Biển Đông

Siêu bão Mangkhut cấp 17 đang tiến vào Biển Đông.

Siêu bão có đường kính rộng tới 900km, tốc độ gió trên 225km/h.

Mắt bão được nhìn thấy rõ trên các mô phòng và ảnh vệ tinh.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, khả năng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam ngày 17-18/9. Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 17-19/9.

Trước khi vào Biển Đông, bão sẽ đi qua Philipinnes.

Tổ chức Chữ Thập Đỏ nước này ước tính có ba triệu người sống ở khu vực bão đi qua, và bảy triệu người khác sẽ bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Cũng lúc này, phía bên kia Trái Đất, siêu bão Florence mạnh nhất Bờ Đông nước Mỹ trong vòng 64 năm cũng chuẩn bị đổ bộ đất liền.

Hơn một triệu người đã được lệnh phải sơ tán khỏi nhà.

Bão Florence cũng có tốc độ gió trên 200km/h, với đường kính 450km, nhỏ hơn bão Mangkhut.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45507912

 

Việt Nam điều động 400.000 binh lính

để ứng phó bão

Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ điều động hơn 44 tàu, 8 máy bay, 3000 phương tiện- thiết bị và 400 ngàn binh lính để ứng phó với siêu bão Mangkhut.

Vào chiều ngày 14 tháng 9, ông phó Thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp khẩn trực tuyến với 27 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía bắc Việt Nam được dự báo nằm trong phạm vi ảnh hưởng của siêu bão Mangkhut.

Theo Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia Việt Nam thì siêu bão Mangkhut có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ và đất liền từ khoảng ngày 16 đến 18 tháng 9.

Ban Chỉ Đạo Trung ương về Phòng Chống Thiên Tai của Việt Nam yêu cầu các tuyến biển, đảo kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh bão; đồng thời hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu để bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó là yêu cầu sơ tán người dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng trũng thấp ven sông, ven biển đến nơi an toàn. Hoạt động sơ tán dân phải hoàn thành trước 5 giờ chiều ngày 16 tháng 9.

Hiện trên thế giới đang xảy ra 9 cơn bão, trong đó bão Mangkhut được cho là mạnh nhất. Sức gió hiện nay của bão Mangkhut đạt cấp 5, mạnh hơn bão Harvy cấp 4 đổ vào nước Mỹ năm ngoái.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-prepares-for-storm-mangkhut-09142018093608.html