Tin Việt Nam – 14/08/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 14/08/2019

Tàu cá Việt Nam lại bị tàu Trung Quốc truy đuổi

Một tàu cá của ngư dân Bình Định số hiệu BĐ 96813 TS bị tàu Trung Quốc số hiệu 46301 truy đuổi khi táu cá Việt Nam đang hoạt động đánh bắt tại khu vực quần đảo Trường Sa.

Mạng báo Thanh Niên trong nước loan tin dẫn nguồn từ Ban Chỉ Huy Phòng chống Thiên Tai & Tìm kiếm, Cứu Nạn tỉnh Bình Định. Theo đó thì vào trưa ngày 13 tháng 8, tàu cá BĐ 96813TS do ông Dương Ngọc Dõi, chủ tàu kiêm thuyền trưởng, khi đang đánh bắt tại khu vực quần đảo Trường Sa thì bị tàu Trung Quốc số hiệu 46301 truy đuổi.

Bản tin không cho biết thông tin gì thêm.

Tình trạng ngư dân Việt Nam đi đánh bắt hải sản tại các ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa và Trường Sa trong những năm qua bị các tàu cá cũng như tàu chấp pháp của Trung Quốc sách nhiễu, truy đuổi, đâm va, tịch thu hải sản, ngư cụ… Trước đây từng có những vụ bắt ngư dân Việt rồi đòi tiền chuộc và những vụ ngư dân Việt bị phía Trung Quốc bắn chết.

Cũng trong ngày 14 tháng 8, VOV loan tin về tình trạng được mô tả là đìu hiu tại các làng chài, cảng cả ở tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó thì do ngư trường cạn kiệt, tàu cá nằm bờ khiến ngư dân lâm vào cảnh nợ nần.

VOV dẫn phát biểu của nhiều ngư dân do năm nay biển mất mùa cộng với việc ồ ạt đóng mới tàu thuyền và khai thác hải sản theo kiểu tận diệt khiến dẫn đến khó khăn cho ngư dân Việt Nam như hiện nay.

Theo thống kê của Tổng Cục Thủy Sản Việt Nam được VOV trích lại thì trữ lượng hải sản của Việt Nam chỉ cho phép khai thác 1 triệu 700 ngàn tấn một năm; thế nhưng hiện nay tổng số đánh bắt ghi nhận được là hơn 2 triệu 500 ngàn tấn.

Trong khi đó khi ngư dân tại một số tỉnh đi đánh bắt xa bờ còn bị các nước khác bắt giữ với lý do xâm phạm vùng biển của họ.

Gần nhất vào ngày 12 tháng 8, Cảnh sát Biển Malaysia cho biết họ bắt giữ một tàu cá Việt Nam hai ngày trước đó với lý do xâm phạm vùng biển của Malaysia.

Vị trí bắt giữ tàu cá Việt Nam được phía Malaysia nêu ra là 15 hải lý ngoài khơi Tanjung Kubong.

Trên chiếc tàu cá có 5 ngư dân độ tuổi từ 27 đến 41 nhưng không có giấy tờ tùy thân gì. Tàu cá và ngư dân bị đưa về trụ sở của cơ quan chức năng trên đất liền để tiếp tục điều tra.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-fis-ves-chase-by-cn-08142019092014.html

 

Nhiều trạm thu phí BOT

giảm thời hạn thu phí sau quyết toán

Hầu hết các dự án BOT đều có giá trị quyết toán nhỏ hơn giá trị tổng mức đầu tư ban đầu, do đó thời hạn thu phí hoàn vốn sẽ giảm xuống, đó là thông tin từ báo cáo của Chính phủ vừa gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu hôm 14/8.

Theo báo cáo, có 64/68 dự án BOT, BT được quyết toán, Bộ Giao Thông-Vận Tải đã ban hành quyết định giao Nhà đầu tư và Ban Quản lý dự án lập, trình quyết toán đối với 4 dự án còn lại.

Ngoài ra, báo cáo cho biết, mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng vẫn chưa giải quyết được một số tồn tại của các dự án BOT đã đầu tư trong giai đoạn 2011 – 2015 dẫn đến dư luận tiếp tục bức xúc về mức phí, vị trí trạm thu phí, thông tin dự án…

Bên cạnh đó, một số trạm BOT chưa đảm bảo đủ điều kiện để tiến hành thu phí tự động không dừng từ năm 2019 đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước.

Đối với việc rà soát tổng thể vị trí đặt trạm, Bộ GT-VT đã giải quyết một số bất cập tại các trạm thu phí như: dừng thu phí tại 2 trạm Đèo Ngang và tránh Hà Tĩnh do hết thời gian Hợp đồng; không thành lập trạm Nam Hải Vân, sử dụng Trạm Bắc Hải Vân để cùng hoàn vốn cho 2 dự án; chuyển Trạm Tân Đệ về tuyến tránh Đông Hưng.

Cũng trong ngày 14/8, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề tồn tại liên quan BOT, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ năm 2018 đến nay, không có dự án BOT giao thông mới được triển khai.

Về quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Chí Dũng cũng nói rõ, Bộ GT-VT đang triển khai xây dựng các Đề án tăng cường kết nối giao thông trong một số khu vực trọng điểm, lập danh mục các dự án giao thông theo thứ tự ưu tiên đầu tư.

Ngoài ra, ông Dũng cũng cho biết, đối với các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã dừng 14 dự án BOT trên đường hiện hữu. Trong đó có 4 dự án BOT đã ký hợp đồng và đang triển khai; dừng 10 dự án đã phê duyệt đề xuất dự án hoặc đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Liên quan đến các dự án BOT, trước đây, nhiều tài xế và người dân đã phản ứng mạnh mẽ về việc thu phí và sự nhập nhằng trong việc đặt trạm thu phí. Và, không ít trong số họ đã từng bị lãnh án tù với cáo buộc “cố ý hủy hoại tài sản”, “Gây rối trật tự công cộng” như Văn Ngọc Hoàng phản đối trạm thu phí An Sương; Hà Văn Nam, 30 tháng tù giam…

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/many-bot-toll-booths-reduce-the-fee-collection-time-after-finalization-08142019093111.html

 

Vinalines lỗ hơn 600 tỷ đồng sau 6 tháng hoạt động

Sau khi đi vào hoạt động được gần 8 tháng của năm 2019, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã báo cáo thua lỗ hơn 630 tỉ đồng, trong đó chỉ riêng quý II là 495,5 tỷ đồng.

Báo trong nước loan tin ngày 14/8, trích báo cáo tài chính quý II năm 2019 của Vinalines.

Theo báo cáo, từ tháng 4 đến tháng 6, Vinalines đã tạo ra doanh thu hơn 5.500 tỷ đồng, nhưng thua lỗ gần 500 tỷ đồng.

Nguyên nhân lợi nhuận bị xói mòn được Vinalines nhận xét là do khoảng cách giữa doanh thu và giá vốn quá gần vì phải bán các tàu và tài sản hoạt động không hiệu quả theo kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Ngày 29/5 vừa qua, Vinalines phải chi hơn 415 tỷ đồng để tiếp quản trở lại 75,01% Cảng Quy Nhơn sau khi chuyển nhượng sai quy định cho Công ty Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành 5 năm trước.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vinalines-lost-more-than-600-bln-vnd-after-6-months-of-operation-08142019091903.html

 

CSVN tiếp tục sách nhiễu

thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà

Tin từ Sài Gòn, ngày 14/8/2019: Nhà cầm quyền ở Sài Gòn tiếp tục sách nhiễu thương phế binh của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Nạn nhân mới nhất là ông Lê Thanh Dương trú tại phường 12, quận Bình Thạnh.

Ông Dương bị công an phường yêu cầu lên đồn ngày 14/8 để “Làm rõ một số vấn đề” theo như giấy mời đề ngày 08/8. Không rõ ông bị sách nhiễu vì nguyên nhân gì.

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc 44 năm. Tuy nhiên, chế độ cộng sản vẫn thực hiện chính sách kỳ thị đối với những người từng phục vụ cho chính thể Việt Nam Cộng Hoà, kể cả những người bị tàn tật. Hàng chục thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà không có gia đình. Họ ở trọ trong những căn phòng rẻ tiền ở khu vườn rau Lộc Hưng ở Sài Gòn để ngả lưng qua đêm sau một ngày lê lết đi bán vé số. Đầu năm nay, khi nhà cầm quyền tấn công, đập phá, xóa bỏ khu vườn rau này, họ đã bị ném bỏ đồ đạc chăn mùng ra khỏi phòng trọ. Vào cuối tháng 4 công an tiếp tục đe dọa trấn áp những con người tàn phế này, ép chủ nhà phải đuổi họ ra khỏi phòng trọ.

Nhà cầm quyền cộng sản đã gây khó cho thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà qua việc phá rối nhiều chương trình tri ân thực hiện bởi Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng ở Sài Gòn.

CSVN luôn rêu rao chính sách hoà giải dân tộc và đoàn kết. Nhưng họ lại công khai triệt hạ giới bất đồng chính kiến, và âm thầm sách nhiễu cuộc sống của những người từng phục vụ cho chính thể Việt Nam Cộng Hoà.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/csvn-tiep-tuc-sach-nhieu-thuong-phe-binh-viet-nam-cong-hoa/

 

Tại sao Bộ Công an

công bố danh sách ‘khủng bố’ vào lúc này?

Hai tổ chức chính trị của người gốc Việt có trụ sở ở Mỹ, là Việt Tân và Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời, nằm trong danh sách mà Việt Nam “chỉ định” là “khủng bố, tài trợ khủng bố” trong lúc căng thẳng với Trung Quốc đang gia tăng ở Bãi Tư Chính.

Việt Nam đưa ra “chỉ định” này cùng thời điểm Bộ Công An bổ sung thêm danh sách liên quan đến khủng bố do Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chỉ định.

Danh sách của LHQ, được cập nhật ngày 21/5/2019 và có đường dẫn tới bản tin của Bộ Công an ra hôm 9/8, có tên 260 thành viên và 84 tổ chức, nhưng không có tên của Việt Tân và Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời.

Tổng bí thư Đảng Việt Tân Lý Thái Hùng cho rằng chính phủ Việt Nam đã gây “hiểu lầm” khi Bộ Công an công bố danh sách do Hội đồng Bảo an LHQ chỉ định cùng với danh sách do Việt Nam chỉ định vào cùng một sự kiện.

“Danh sách mà Liên Hợp quốc đưa ra toàn là những người bị các tổ chức quốc tế cũng như LHQ gán ghép, mà đa số là những người nằm trong lực lượng khủng bố hồi giáo, ông Hùng nói. “Cho nên Cộng sản Việt Nam lập lờ đánh lận con đen – họ công bố danh sách của LHQ rồi nhân đó đề cập đến Việt Tân hay Chính phủ quốc gia lâm thời và tạo một sự hiểu lầm.”

Theo Việt Tân, động thái này của Bộ Công an “làm cho người dân nghĩ rằng Việt Tân đã bị các định chế quốc tế cho vào danh sách khủng bố.”

Cả Việt Tân và Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, cùng có trụ sở ở California, đều bị chính phủ Việt Nam coi là các tổ chức “khủng bố.”

Tháng 10/2016, Bộ Công an Việt Nam gắn mác “tổ chức khủng bố” cho Việt Tân khi cáo buộc tổ chức này “tuyển mộ và huấn luyện cho thành viên cách thức sử dụng vũ khí” và “tiến hành các hoạt động khủng bố.”

Theo ông Hùng, Việt Nam đưa Việt Tân vào mục “khủng bố” trên trang web của Bộ Công an sau khi đảng này và một số nhà đấu tranh trong nước hoạt động chống lại dàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc tiến vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam.

“Mục tiêu của họ là muốn cô lập tổ chức Việt Tân cũng như ngăn chặn những ai đến hỗ trợ và tiếp xúc với Việt Tân,” ông Hùng, người cũng có tên trong danh sách “đen” của Bộ Công an, cho biết.

Gần 1 năm sau đó, Bộ Công an liệt Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời vào “tổ chức khủng bố” hồi cuối tháng 1/2018, không lâu sau khi Bộ này kết án 15 người thực hiện vụ đặt bom tại nhà xe và cổng ga đến quốc tế ở sân bay Tân Sơn Nhất ở TP HCM vào dịp 30/4 mà theo Hà Nội là dưới sự chỉ đạo của nhóm này.

Sau khi bị cáo buộc là tổ chức khủng bố hồi tháng 1/2018, chủ tịch Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời Đào Minh Quân nói với VOA rằng những cáo buộc mà Việt Nam đưa ra là “nói láo” và “không có bằng chứng.” Người đứng đầu tổ chức này nói rằng nhóm của ông có “bằng chứng (chính phủ Hà Nội) đã hành hạ, khủng bố người dân Việt Nam, và chúng tôi có nộp hồ sơ kiện họ tại Tòa án Hình sự Quốc tế.”

Bộ Công an cho biết họ đưa ra danh sách, gồm 2 tổ chức trên cùng 30 thành viên của 2 nhóm trên, dựa trên cơ sở khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố và đề nghị của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Tuy nhiên, Bộ này không nói rõ những khuyến nghị mà FATF và ADB đưa ra là gì.

Theo danh sách mà Bộ Công an công bố trên trang web của họ và được truyền thông trong nước đăng tải lại, tổ chức Việt Tân có 5 người trong đó có ông Đỗ Hoàng Điềm, hiện là chủ tịch Việt Tân.

Trong danh sách của bộ này về Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời có ông Đào Minh Quân, hiện là chủ tịch của nhóm. Ngoài ra Bộ Công an còn đưa ra tên và lý lịch của 6 người khác của nhóm này đang sống ở Mỹ và Canada cũng như 15 thành viên của tổ chức này hiện đang ở Việt Nam.

VOA không thể liên lạc được với ông Quân để yêu cầu bình luận về sự kiện này.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không coi Việt Tân là “khủng bố” và một người phát ngôn của Cao Ủy LHQ về người tị nạn hồi tháng 1/2013 nói rằng “mặc dù Việt Tân là một tổ chức hòa bình truyền bá cho cải cách nhân quyền thì chính phủ (Việt Nam) lại coi họ là một ‘tổ chức phản động.’”

Theo ông Hùng, ngoài việc Việc Nam phải công bố danh sách khủng bố Hồi giáo của LHQ vì Việt Nam là một quốc gia thành viên của Interpol, thì việc Dàn khoan Hải Dương 8 đang ở vùng biển đặc quyền của Việt Nam là một lý do khác cho việc Bộ Công an đưa ra danh sách “khủng bố” Việt Tân và Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời.

“(Sự kiện Bãi Tư Chính) không chỉ gây căm phẫn cho người dân mà cho cả những đảng viên trong nước khi họ lo sợ những cuộc biểu tình rộng lớn bùng nổ và (do đó) họ muốn ngăn ngừa Việt Tân và một số lực lượng khác (bằng cách) đưa ra (danh sách) khủng bố để răn đe.”

Sự kiện tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đang gây ra những phản đối trong nhân dân khi nhiều người kêu gọi chính phủ kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế.

Cùng với việc công bố các danh sách trên, Bộ Công an “yêu cầu” các tổ chức, cá nhân cũng như các cơ quan liên quan “có trách nhiệm không trì hoãn việc phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan tới các tổ chức, cá nhân khủng bố, tài trợ khủng bố do Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc chỉ định hoặc do Việt Nam chỉ định.

Việt Tân hôm 14/8 cho VOA biết rằng cho đến giờ này họ “không hề bị ảnh hưởng gì trong lĩnh vực tài chính hay ngoại giao với các quốc gia trên thế giới.”

https://www.voatiengviet.com/a/tai-sao-bo-cong-an-cong-bo-danh-sach-khung-bo-vao-luc-nay/5041984.html

 

Hàng ngàn video quảng cáo

phụ nữ Việt như một món hàng

Tin Vietnam.-  Báo Tuổi trẻ ngày 14 tháng 8 năm 2019 loan tin, phụ nữ Việt Nam đang được các công ty môi giới Nam Hàn quảng cáo như một món hàng trên mạng xã hội.

Vào ngày 10 tháng 8, một đoạn phóng sự trên đài IMBC của Nam Hàn cho biết, nhiều phụ nữ trẻ Việt đã xuất hiện trên mạng xã hội để kiếm chồng Hàn với đầy đủ hình ảnh bản thân, cùng các thông tin cá nhân được công bố rất rõ ràng. Ngay đến chuyện tế nhị nhất như cô gái đó còn trinh, hay mất trinh, hoặc tính cách như thế nào cũng được mang ra để bàn luận như một món hàng.

Trên trang Zing cho biết, một số đoạn video có nội dung miêu tả như, “cô gái Việt Nam này mặt mũi có vẻ trẻ trung. Sinh năm …, chỉ nhỏ hơn cô ở video trước một tuổi…”. Tất cả mọi vấn đề liên quan đến các cô gái đều được trưng ra một cách tỷ mỷ để những người đàn ông lựa chọn, mua về làm vợ cho mình.

Tổ chức Liên Minh Công Dân Vì Truyền Thông Dân Chủ tại Nam Hànđã thực hiện khảo sát 25 kênh của các công ty môi giới hôn nhân trên Youtube. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, các kênh này đã đăng tải 4,515 video. 518 video cho thấy việc chọn vợ đã thể hiện rõ sự coi thường phụ nữ, và trái với luật môi giới hôn nhân nước sở tại.

Bà Lê Thị Anh Thư, giám đốc trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Nam Hàn cho biết, những kiểu môi giới trên đã có ở Nam Hàn từ nhiều năm trước, và bây giờ đã giảm rất nhiều. Việc đăng hình ảnh, và thông tin cá nhân như trên có thể đã được sự đồng ý của những người phụ nữ , nên không phạm luật ở Nam Hàn.

Trong lịch sử của người Việt, chưa bao giờ nhân phẩm người phụ nữ Việt Nam lại bị xem rẻ như lúc này, do sự lãnh đạo “đỉnh cao trí tuệ’ của đảng CSVN.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/hang-ngan-video-quang-cao-phu-nu-viet-nhu-mot-mon-hang/

 

Bamboo Airways lỗ hơn 300 tỷ đồng

sau 3 tháng hoạt động

Theo văn bản của Bộ Tài Chính, sau hơn 3 tháng bay, hãng hàng không Bamboo Airways đã lỗ hơn 300 tỷ đồng, do đó UBND tỉnh Bình Định cần góp ý, xem xét kỹ phương án mua thêm máy bay của hãng này.

Báo trong nước loan tin này vào ngày 14/8.

Dù mới chính thức cất cánh vào ngày 16/1/2019 nhưng Bamboo Airways thuộc tập đoàn FLC đã xin tăng số lượng máy bay từ mức phê duyệt là 10 chiếc đến năm 2023 lên 22 máy bay ngay trong năm 2019 và 30 chiếc vào năm 2023. Tổng mức đầu tư cũng tăng lên 8.300 tỉ đồng.

Vào ngày 21/6, Bộ Giao thông Vận tải sau khi họp với Cục Hàng không và các ban ngành liên quan đã thống nhất cho Bamboo Airways tăng quy mô từ 10 máy bay như hiện nay lên 30 máy bay vào năm 2023 và báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Đến ngày 14/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký phê duyệt chủ trương mua thêm 20 máy bay của Bamboo Airways.

Tuy nhiên trong cùng ngày, Bộ Tài chính đã gửi văn bản đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đề nghị lãnh đạo tỉnh cần rà soát kỹ vì hãng này chưa thuyết minh được tính hiệu quả.

Trong văn bản của Bộ Tài chính chỉ ra chỉ sau 3 tháng cất cánh, Bamboo Airways đã lỗ 329 tỷ đồng. Trong khi đó, FLC – công ty mẹ của Bamboo Airways trong báo cáo tài chính năm 2018 đã nợ hơn 13.000 tỷ đồng, chiếm 59% tổng tài sản công ty.

Trong văn bản, Bộ Tài chính kết luận, hoạt động của FLC phụ thuộc vào hình thức huy động vốn bằng vay nợ, do đó, nếu FLC cam kết bảo lãnh mọi nghĩa vụ của Bamboo Airways phát sinh từ hợp đồng thuê, mua máy bay thì FLC và Bamboo Airways cần giải trình khả năng tài chính để thực hiện quyền bảo lãnh, nghĩa vụ liên quan…

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/bamboo-airways-lost-more-than-300-bln-vnd-after-3-months-of-operation-08142019092200.html

 

Tăng giá dịch vụ y tế để phục vụ người có tiền?

Thanh Trúc

Tăng giá dịch vụ y tế để người dân không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh, là lời vụ trưởng Vụ Kế Hoạch Tài Chính Bộ Y Tế Nguyễn Nam Liên, được báo trong nước trích dẫn hôm 12/8 vừa qua.

Tăng giá hay tăng chất lượng chữa bệnh?

Ông vụ trưởng Vụ Kế Hoạch Tài Chính của Bộ Y Tế giải thích như vậy khi đề cập đến việc ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng giá đich vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bênh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập.

Vẫn theo giải thích của ông Nguyễn Nam Liên, được báo chí tường thuật lại, thì việc tăng giá dịch vụ y tế nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng mở và đóng ngoặc kép là “có điều kiện”, rằng nếu các bệnh viện trong nước không đáp ứng được nhu cầu của nhóm bệnh nhân “có điều kiện này” thì đa số họ sẽ ra nước ngoài để khám chữa bệnh.

Đây là những đối tượng khác với những người được hưởng bảo hiểm y tế, ông Nguyễn Nam Liên giải thích tiếp, có nghĩa họ là những người mong muốn được sử dụng dịch vụ cao hơn tại các bệnh viện như chỗ ăn, chỗ tiếp khách, hộ lý trực 24/24.

Người giàu có điều kiện đi nước ngoài chứ người nghèo làm sao đi được. Nếu tăng giá dịch vụ y tế thì người nghèo tiền đâu mà chịu nổi.

-Người dân

Chính vì thế, ông Nguyễn Nam Liên nói, thông tư mà Bộ Y Tế sắp ban hành sẽ là cơ sở để các bệnh viện đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng người bệnh này. Ông còn khẳng định nguyên văn rằng “Đây là tâm tư tình cảm của người Việt”.

Dư luận nói sao về thông tin tăng giá dịch vụ y tế để người dân không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh mà quan chức Bộ Y Tế giải thích như vừa nêu?

Từ Sài Gòn, ông Duy, có người nhà đang chữa trị trong bệnh viện Thống Nhất, cho biết đúng là nhu cầu khám chữa bệnh của người dân rất lớn nhưng không thể vin vào cớ đó để tăng giá dịch vụ y tế trong lúc hãy còn quá nhiều thiếu thốn, tiêu cực và khó khăn tại khắp các bệnh viện công trên cả nước:

Nói tăng giá dịch vụ y tế để người bệnh khỏi đi nước ngoài như thế là không đúng đâu. Người giàu có điều kiện đi nước ngoài chứ người nghèo làm sao đi được. Nếu tăng giá dịch vụ y tế thì người nghèo tiền đâu mà chịu nổi.

Bà Hạnh, một cư dân Hà Nội cho rằng, tăng giá dịch vụ y tế để đáp ứng như cầu của người bệnh có điều kiện là một ý tưởng ngớ ngẩn, không thực tế nếu không muốn nói là quan liêu, và ai dám bảo đảm là bệnh viện chỉ áp dụng thang giá dịch vụ cao này cho người có tiền không thôi. Lại nữa, không lẽ chỉ người giàu mới có quyền yêu cầu dịch vụ khám chữa bệnh cao cấp còn người ít tiền thì không có quyền đó:

Thay vì nói tăng chất lượng để người dân không phải ra nước ngoài thì ông ấy lại nói là tăng giá. Nếu đúng tăng giá thì người dân chỉ có chết ở nhà thôi. Có lẽ một vạn người mắc bệnh may ra mới có một người ra nước ngoài. Đấy là những người giàu có hoặc những quan chức, mà quan chức hay người giàu có ở Việt Nam đếm được trên đầu ngón tay, dân thường mà bệnh thì cứ tiếp tục bị bóc lột.

Nên nâng cấp BHYT cho dân

Theo như ông Nguyễn Nam Liên cho biết thì mỗi năm Việt Nam có từ 50.000 đến 100.000 người ra nước ngoài chữa bệnh với chi phí 2 tỷ USD, vì thế nếu có cơ chế để giữ lại một nữa những bệnh nhân này thì mỗi năm ngành y tế có thể thu được hai ba chục ngàn tỷ đồng.

Thông Tư Hướng Dẫn cho thấy giá dịch vụ giường nằm nội trú tại bệnh viện theo yêu cầu là một phòng đặc biệt với một giường giá tối đa 4 triệu VND một ngày.

Đối với các loại phòng có từ 2 đến 4 giường thì mức gía lên xuống từ 1 triệu 300 ngàn đồng đến 2 triệu 500 ngàn đồng một ngày.

Tại sao mình không tính đến việc hỗ trợ cho người nghèo để họ có được bảo hiểm y tế tốt hơn mà lại tính việc tăng phí dịch vụ để đảm bảo cho người có tiền có dịch vụ tốt hơn. Điều đó không nhân văn một tí nào cả.

-Ông Đặng Ngọc Sơn

Nguyên nhân của mọi phản ứng hay suy nghĩ của dư luận  đều bắt nguồn từ chữ dịch vụ mà viên chức Bộ Y Tế Nguyễn Nam Liên sử dụng trong trường hợp này, là ý kiến của ông Đăng, nhân viên y tế kỳ cựu tại một bệnh viện lớn ở Sài Gòn.

Theo ông Đăng thì trước giờ người Việt Nam, không cứ ngành y tế mà tất cả những lãnh vực khác, vẫn thường nghĩ nói tới dịch vụ là nói tới những chi phí bắt buộc thêm thắt vào nếu không muốn công việc bị đình trệ. Trong trường hợp này, ông phân tích:

Ngày xưa, buổi ban đầu của chương trình này người ta gọi là khám ngoài giờ, tức là Nhà Nước cho phép nệnh viện được mở ra dịch vụ khám ngoài giờ. Sau giờ làm việc có những người có nhu cầu khám bệnh thì các bệnh viện được quyền mở ra giống như một phòng khám tư nhân. Người bệnh sẽ được khám ở khu ngoài giờ mà theo tôi người ta dùng là dịch vụ.

Còn cái dịch vụ bây giờ là trong giờ chứ không phải ngoài giờ, thí dụ bệnh viện công như Thông Tư vừa rồi là người ta phân biệt người yêu cầu được nằm giường cao cấp, ăn uống cao cấp, phòng sạch, toa lét sạch… thì nhà thương sẽ sắp xếp để người này được nằm ở nơi mà bệnh viện đó ráng làm đẹp làm sạch như ở nước ngoài.

Đó là vì làm việc trong ngành y tế nên ông Đăng biết rõ, ông nói tiếp, nhưng lời giải thích rất chung chung, không rõ ràng của ông Nguyễn Nam Liên rất dễ làm bệnh nhân hiểu lầm:

Cái giá đó mà người nghèo không biết là giá dịch vụ, tức là cứ ấm ớ đi vô và không có ai giải thích cho rõ mà gật đầu một cái là chết tiền. Cần một sự giải thích rõ ràng có thật sự là anh chị muốn được phục vụ theo kiểu dịch vụ không. Phải cho rõ ràng không thì nhiều người dở khóc dở cười.

Về lời tuyên bố tăng giá dịch vụ y tế để người dân không phải đi nước ngoài khám chữa bệnh là “tâm tư tình cảm của người Việt” được vụ trưởng Vụ Kế Hoạch Tài Chính, Bộ Y Tế, ông Nguyễn Nam Liên đưa ra với báo chí, nhà hoạt động xã hội Đặng Ngọc Sơn ở Hà Nội phát biểu:

Nhu cầu của người dân Việt Nam là muốn được hưởng một chế đô y tế tốt hơn. Nếu được hưởng một chế độ y tế tốt hơn kể cả tăng giá dịch vụ thì cũng không sao, nhưng nói đó là tâm tư tình cảm của người dân Việt Nam là nói không hết vế.

Đa phần người Việt Nam trung bình và lợi tức thấp vẫn phụ thuộc vào bảo hiểm y tế, làm sao họ có thể tìm được đến những dịch vụ công tốt hơn. Có rất nhiều người nghèo cần được sự hỗ trợ hơn thì bản thân Bộ Y Tế không làm được điều đó. Tại sao mình không tính đến việc hỗ trợ cho người nghèo để họ có được bảo hiểm y tế tốt hơn mà lại tính việc tăng phí dịch vụ để đảm bảo cho người có tiền có dịch vụ tốt hơn. Điều đó không nhân văn một tí nào cả.

Được biết Thông Tư Hướng Dẫn giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp sẽ được áp dụng trên toàn quốc từ ngày 1/10/ 2019.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/increasing-health-service-fee-08132019142007.html

 

Tp HCM công bố những nội dung sai phạm

 trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh vào chiều ngày 14 tháng 8 tiến hành họp báo công bố 13 nội dung liên quan 22 đầu việc, nhiệm vụ của từng sở, ngành để khắc phục những sai phạm trong dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm.

Truyền thông trong nước loan tin về cuộc họp báo được tiến hành theo như kế hoạch công bố từ tuần trước.

Ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch phụ trách đô thị của UBND Tp HCM, cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan đồng chủ trì cuộc họp báo. Cuộc họp báo được cho biết nhằm công bố 13 nội dung liên quan đến 22 đầu việc mà UBNDTpHCM triển khai sau hai Kết luận 1483 ngày 4/9 năm ngoái và 1037 ngày 26/6 năm nay của Thanh Tra Chính Phủ; ranh qui hoạch liên quan khu vực 4,3 hecta đã được Thanh Tra Chính Phủ xác định không nằm trong qui hoạch dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm; kế hoạch giải quyết bồi thường và hướng xử lý cán bộ vị phạm…

Tin cho biết cuộc họp báo diễn ra tại Trung tâm Bồi Dưỡng Chính Trị Quận Hai vào lúc 4 giờ chiều. Tuy nhiên trước đó hai tiếng đồng hồ nhiều người dân bị ảnh hưởng đã có mặt.

Nhiều người yêu cầu được vào dự cuộc họp báo với lý do liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ, thế nhưng không được chấp nhận.

Ông Cao Thăng Ca, một người dân sống tại Thủ Thiêm và là đại diện cho 71 hộ dân khiếu kiện cho biết về điều này:

“Người dân đến rất sớm, 1-2g họ đã tới trong khi 4g mới họp báo, nhân dân tập trung tại cổng chính thì họ làm các trạm gác, chính quyền họp báo mà không dám công khai đi vào cửa trước mà đi lòn cửa hậu thì còn gì là chính đáng chính danh nữa, làm đúng thì cứ hiên ngang nói với dân, còn sợ như vậy chính là gian dối.”

Vào chiều mai ngày 15 tháng 8, đại diện UBNDTp HCM có kế hoạch gặp mặt một số hộ dân bị tác động bởi dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm để trao đổi vấn đề liên quan.

Ông Cao Thăng Ca cho rằng dù có buổi gặp mặt người dân vào ngày 15/8 thì đó cũng chỉ là buổi tiếp dân chứ không phải là buổi đối thoại với người dân theo chỉ đạo của Chính phủ.

“Nhưng cái này cũng chỉ là buổi tiếp dân thôi chứ không phải buổi đối thoại để giải quyết, người ta muốn nói gì nói, anh nào nghe sao nghe, mình hỏi con gà họ trả lời con vịt rồi xong tan hàng, không hề có tranh luận nào, nói gì họ cũng ghi chép cẩn thận lắm, ghi nhận sau đó không có ý kiến gì hết. Chính phủ yêu cầu thành phố tổ chức đối thoại nhưng thành phố không bao giờ dám đối thoại vì đối thoại là có người hỏi, người trả lời và có kết luận và biên bản còn tiếp dân thì không bao giờ có biên bản cả.”

Trước đó, thanh tra chính phủ cũng đã yêu cầu thành phố HCM thu hồi hơn 26.000 tỷ đồng và phải có giải pháp huy động vốn trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm hơn 4.200 tỷ đồng và hoàn thành trước ngày 30/9 báo cáo Thủ tướng.

Ngoài ra, thành tra chính phủ đề nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng người dân đến nay vẫn chưa đồng tình vì cho rằng các kết luận chưa chỉ rõ cá nhân sai phạm và chưa làm rõ các khiếu nại của họ hơn 20 năm qua.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hcmc-announces-thu-thiem-urban-project-wrong-doings-to-deal-with-08142019100007.html

 

Lãnh đạo TP Hải Phòng cam kết đảm bảo quyền lợi

cho 2.500 công nhân sau khi chủ Đài Loan bỏ trốn

Hai ngày sau khi ông chủ và chuyên gia người Đài Loan tại Công ty TNHH Kai Yang Việt Nam biến mất không rõ lý do, khiến 2.500 công nhân lo mất việc, ngày 14/8 lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng đã chính thức vào cuộc.

Cụ thể, theo Báo Chính Phủ loan tin cùng ngày, Chủ tịch thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã trực tiếp chỉ đạo các ban, ngành và địa phương nhanh chóng bảo đảm quyền lợi cho công nhân lao động tại Công ty Kai Yang. Ông Tùng tuyên bố, nếu xảy ra nợ xấu, thành phố sẽ có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng cho người lao động. Ông Tùng cũng giao Sở Lao động thương binh xã hội phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội rà soát giải quyết các chế độ thai sản, ốm đau cho công nhân công ty Kai Yang.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hải Phòng, Công ty TNHH Kai Yang Việt Nam có địa chỉ tại 196 đường Hoàng Quốc Việt, quận Kiến An) là doanh nghiệp 100 vốn đầu tư của Đài Loan, do ông Huang Shang Che làm tổng giám đốc. Kai Yang chuyên sản xuất các loại giày da xuất khẩu và có gần 2.500 công nhân, nhân viên đang làm việc tại công ty.

Công ty bắt đầu hoạt động từ năm 2005 và được báo cáo là kinh doanh khá ổn định hơn 10 năm qua.

Sau khi ông chủ Đài Loan và chuyên gia bỏ trốn không rõ lý do vào sáng 12/8, toàn bộ nhà máy bị ngân hàng niêm phong do nợ tiền ngân hàng. Ngoài ra, theo báo cáo của thành phố Hải Phòng, tính đến thời điểm này, công ty Kai Yang đang nợ tiền bảo hiểm, tiền lương tháng 7 của gần 2.500 công nhân, nhân viên, nợ tiền công đoàn và nợ ngân hàng cùng các đối tác làm ăn khác.

Bà Chu Thị Kim Oanh, Chủ tịch Công đoàn của công ty Kai Yang cho biết, trước mắt công nhân tạm nghỉ việc một thời gian. Bà Oanh cũng xác nhận, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty đã đồng ý bay sang Việt Nam để thống nhất cách trả lương tháng 7 cho công nhân và cố gắng duy trì công việc cho 2.500 công nhân.

Nôn nóng muốn biết “số phận” của mình như thế nào, hàng trăm công nhân đã tập trung tại công ty Kai Yang vào sáng 14/8 để mong gặp ông Chủ tịch như lời bà Oanh thông báo, nhưng đến cuối ngày họ được cho biết ông Chủ tịch chưa thể có mặt…

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/haiphong-city-leader-pledges-to-solve-rights-for-2500-workers-at-kaiyang-08142019090304.html

 

Bộ Tài Nguyên đề nghị xử lý

nhiều dự án xâm phạm vịnh Hạ Long

Bộ TN&MT đã có văn bản đề nghị tỉnh Quảng Ninh, rà soát lại các quy hoạch, kiên quyết xử lý các dự án đang triển khai để tránh xảy ra sai phạm trước việc nhiều dự án xâm phạm vịnh Hạ Long. Báo chí trong nước đăng thông tin này hôm 14/8/2019.

Theo tin, tỉnh Quảng Ninh phải rà soát lại các quy hoạch, kế hoạch, các dự án đầu tư mới cũng như các dự án đang được triển khai liên quan, đồng thời thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý bảo vệ môi trường khu vực Vịnh Hạ Long và báo cáo về Bộ trước ngày 25/8/2019, để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tin cũng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra một số dự án sai phạm điển hình gồm: Dự án Khu du lịch Tuần Châu, thành phố Hạ Long (thi công ngoài ranh giới được giao), Dự án “Cải tạo, nâng cấp bến cập tàu động Mê Cung” và Dự án “Cải tạo, nâng cấp bến cập tàu động hang Tiên Ông” (thi công xây dựng khi báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).

Hồi tháng 5/2019, lãnh đạo bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch cũng đã  yêu cầu Thanh tra bộ chủ động kiểm tra, xử lý vi phạm vùng lõi di sản vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) bị bê tông hóa. Bộ trưởng bộ này là ông Nguyễn Ngọc Thiện giao cục Di sản Văn hóa chủ trì, phối hợp với Thanh tra bộ làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan về vấn đề quản lý vịnh Hạ Long, đề xuất phương án bảo vệ di sản.

Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí về vẻ đẹp cảnh quan vào ngày 17/12/1994. Sau đó, nơi đây lần thứ hai được vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí về giá trị địa chất.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-ministry-of-natural-resources-proposes-to-handle-many-violations-concerning-to-halong-bay-08142019084503.html

 

Facebook phải định danh

tài khỏan người dùng tại Việt Nam

Facebook phải tiến hành định danh tài khoản người dùng ở Việt Nam, và bắt đầu áp dụng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Truyền thông trong nước, vào ngày 14 tháng 8 cho biết Bộ Thông tin-Truyền thông đang làm việc với Facebook liên quan yêu cầu vừa nêu. Theo đó, Facebook được yêu cầu phải thực hiện định danh tài khoản của người dùng và chỉ có các tài khoản định danh mới được phép phát sóng trực tiếp (live stream); đồng thời Facebook cũng cần phải có chính sách kiểm tra trước và gỡ quảng cáo chính trị phát tán tin giả khi Chính phủ Việt Nam yêu cầu.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan xử lý vấn đề phát tán thông tin sai sự thật và hạn chế tình trạng giả mạo fanpage. Một số trang fanpage chính thức của các cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước chỉ được phép lập khi có sự đồng ý của Bộ Thông tin-Truyền thông hoặc xác nhận của chính cơ quan đó.

Các bộ, ngành còn được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thiết lập phương án để chặn dòng tiền giao dịch vi phạm pháp luật giữa người dùng Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook và Google, mà trong đó không ít nguồn tiền từ Việt Nam chi trả cho việc quảng cáo thương hiệu Việt Nam trên các video xấu, độc hoặc video quảng cáo có nội dung vi phạm, phản cảm.

Truyền thông quốc nội cho biết nguyên nhân Bộ Thông tin-Truyền thông yêu cầu Facebook phải định danh tài khoản người dùng tại Việt Nam là do Facebook không đồng ý gỡ các bài viết, nội dung theo yêu cầu của phía Việt Nam vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng của Facebook.

Theo số liệu ghi nhận của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, tính đến thời điểm hiện tại, Google đã chặn hơn 7.000 video clip, gỡ 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng. Facebook đã gỡ 208/211 tài khoản giả mạo, 2.444 links rao bán và hơn 200 links bài viết bị nói có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam cho rằng do cơ chế quản lý còn nhiều bất cập nên việc ngăn chặn, gỡ bỏ này không đạt kết quả triệt để, vẫn còn tồn tại tới 55 ngàn video độc hại trên kênh Youtube.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/facebook-must-identify-users-accounts-in-vn-08142019091327.html

 

KHI DÂN TỘC TRƯỞNG THÀNH

Nguyễn Lân Thắng

Đây là hình ảnh tôi chụp cách đây 8 năm ở Hà Nội vào ngày 14/8/2011. Đó là một cuộc biểu tình chống Trung Quốc rất đẹp, không có đàn áp, không có bắt bớ, không có trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà. Nhưng đó đã là kỷ niệm. Giờ đây khi Trung Quốc liên tục gây hấn tại bãi Tư Chính của Việt Nam mà chưa có cuộc biểu tình phản kháng lớn nào nổ ra, đấy là điều những ai còn coi mình là người Việt Nam luôn day dứt.

Nhưng hoạt động biểu tình luôn đòi hỏi một số đông tham gia. Một người hay một vài người không thể làm nên một cuộc biểu tình đúng nghĩa. Vì thế để lý giải việc tại sao bây giờ tình hình nguy cấp hơn những năm 2011 – 2014 rất nhiều, nhưng biểu tình chống Trung Quốc vẫn không nổ ra ở Việt Nam, tôi cho rằng không nên chỉ nhìn vào tình cảnh của giới đấu tranh, hay nhìn vào sự đàn áp của nhà cầm quyền. Hãy nhìn vào thực trạng tâm lý, tình cảm, suy nghĩ của những người dân Việt Nam bình thường khác mới có thể hiểu rõ được điều này.

Hơn một trăm năm trước, Paul Giran là một quan chức thuộc địa đã từng có một tác phẩm rất thú vị là cuốn Tâm Lý Người An Nam. Đây là một tác phẩm khoa học nghiên cứu rất sâu về những yếu tố văn hoá, lịch sử, chủng tộc, địa lý, tập quán… để hình thành nên tính cách người Việt. Paul Giran đã viết trong đó thế này:

<<<…Ở An Nam, tình huynh đệ, bừng nở dưới ảnh hưởng xã hội của thị tộc, hiếm khi mở rộng tới một vòng tròn rộng lớn hơn, đó là quy mô xã thôn; người An Nam, nói cho đúng, không có ý niệm về tổ quốc, vốn là thứ cảm thức về trách nhiệm với quốc gia.

Trên hết, họ giữ mối hằn thù thâm sâu đối với kẻ ngoại bang nào có thể tới để đánh bật họ ra khỏi tín ngưỡng, tập tục, và định chế của họ. Dù cho người Trung Hoa hay người châu Âu đến xâm lăng xứ sở của họ, sai khiến họ nhân danh một người chủ này hay người chủ nọ, điều đó chẳng mấy quan trọng đối với họ, chừng nào người ta còn tôn trọng tôn giáo, các luật lệ và các tập quán của họ.

Là dân tộc làm nghề nông, họ dành tất cả thời gian cho đất đai; là dân tộc nghèo khó, công việc nhọc nhằn chiếm trọn cơ thể và tâm hồn; bởi thế họ không quan tâm đến những công việc của Nhà nước chừng nào nó còn cho phép họ kiếm kế sinh nhai, thờ kính tổ tiên, chút an bình để cử hành những lễ hội tôn giáo của họ.

Những rối ren nội bộ mà bấy lâu khiến vương quốc này điêu đứng, song không hoàn toàn kiệt quệ, gợi cho người ta có thể đoán biết được sự dửng dưng vô cảm của dân tộc này, lạnh lùng chứng kiến những cuộc tranh giành mà chỉ có các quan lại tham gia.

Những rối ren đó cũng cho thấy rõ cái cảm nghĩ ích kỷ tạo nên chính nền tảng của tính cách An Nam. Sự đồng tâm hiệp lực chỉ được thực hiện trong một khoảnh khắc để đánh đuổi ngoại bang, rồi mau chóng đứt đoạn ngay sau chiến thắng, mỗi một thủ lĩnh đều âm thầm nuôi dưỡng ý tưởng tư lợi từ công cuộc chung...>>>

Bằng mấy dòng tóm lược thôi mà Paul Giran đã tài tình khắc hoạ rất chính xác tâm tính, thái độ của người Việt chúng ta. Một trăm năm đã trôi qua. Biết bao nhiêu cuộc chiến tranh, biết bao nhiêu cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật, về văn hoá đã tác động làm tâm tính người Việt Nam ngày nay thay đổi. Nhưng những dấu vết dân tộc tính mà Paul Giran khắc hoạ vẫn tiềm ẩn đâu đó trong từng con người chúng ta, ảnh hưởng đến quyết định hàng ngày của chúng ta.

Chính vì thế, tôi muốn nói với những người đang mong chờ một cuộc biểu tình phản kháng rầm rộ rằng, nó sẽ chỉ xảy ra khi có một trong hai điều này. Một là, Trung Quốc không chỉ gây hấn trên biển Đông, mà chính thức xâm lược Việt Nam, áp đặt những thứ ảnh hưởng đến đời sống của từng người dân. Hai là, chính bản thân người Việt Nam thay đổi, không còn như mô tả của Paul Giran nữa.

Trung Quốc bây giờ rất khôn khéo, họ không bao giờ đem quân ồ ạt xâm chiếm Việt Nam theo hình thức cũ nữa, mà tìm cách thôn tính bằng quyền lực mềm, bằng kinh tế – văn hoá, bằng chính những tên thái thú có dòng máu Việt Nam. Chính vì thế chỉ còn cách là người Việt Nam chúng ta, mỗi người bằng cách này hay cách khác, hãy nuôi dưỡng lòng yêu nước, hãy khai mở dân trí, hãy đấu tranh từng bước nhỏ… để dẫn dắt dân tộc trưởng thành. Biểu tình lớn sẽ tự khắc nổ ra khi có hiệu lệnh phát đi từ trong trái tim mỗi con người Việt Nam.

Yêu thương tất cả

* Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vn-cn-08142019095931.html

 

Hôm nay núi rác Đà Lạt đổ xuống đồng hoa của dân,

ngày mai sẽ sập thẳng xuống phòng ngủ chúng ta

Tre
Mấy ngày vừa qua, mưa to và kéo dài ở Đà Lạt đã kéo hàng ngàn tấn rác từ đỉnh đồi Cam Ly cao 60 m đổ xuống vùng trồng hoa màu của dân, ảnh hưởng đến hàng chục ha hoa màu. Nước rỉ rác đen ngòm chảy ra suối Cam Ly (còn gì cái tên thơ mộng ngày xưa).  Báo Tuổi trẻ ngày 13/8/2019 dẫn lời vợ chồng bà Lê Thị Hồi và ông Vũ Duy Thoan cho hay hơn 2.000 m2 hoa cẩm tú cầu của họ đã bị rác vùi lấp toàn bộ. Vườn hoa này họ vừa bỏ ra 200 triệu đồng làm ống tưới, mua giống và trồng xuống đầu năm nay, mới chỉ thu hoạch bói được 2 lần. Nay thì mất trắng.

Sự kiện kể trên quả thật hy hữu, cho nên nó được bình phẩm và quan tâm khá nhiều trên dư luận Việt Nam sáng hôm qua. Thế nhưng bản chất sự việc đó lại chẳng hiếm có một tí nào, vì bao lâu nay các núi rác tương tự vẫn chung sống với người dân. Thậm chí ngay dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội), là vùng trung tâm nhưng vẫn sừng sững một núi rác lâu năm.

Núi rác đổ ra cánh đồng hoa và suối Cam Ly rồi sẽ được người dân dọn dẹp để còn lấy lại mảnh đất tiếp tục trồng trọt mưu sinh. Nhưng trong hiện tại và tương lai, những núi rác Cam Ly, Long Biên khác vẫn sẽ tiếp tục mọc lên và tiếp tục đổ sập.

Vì sao?

Đó chính là câu chuyện tôi muốn nói.

Vì sao lắm rác?

Quý vị thấy gì không? Gọi là rác, nhưng chủ yếu là nilon, của các túi nilon siêu mỏng dùng một lần.

Dân Việt Nam bây giờ gần như không thể sống thiếu túi nilon loại này. Ngày trước mẹ tôi đi chợ luôn xách theo cái giỏ nhựa để đựng thực phẩm. Rau bó bằng sợi lạt. Thịt cá gói trong túi giấy hoặc miếng lá chuối, lá sen. Muốn ăn đậu phụ hay bún thì mang theo rá, hay hộp đựng.

Thế rồi từ độ hai chục năm nay hình ảnh người phụ nữ xách giỏ đi chợ thưa dần rồi gần như không còn. Sáng ra người nội trợ chỉ việc hai tay không đi lơn tơn ra chợ. Giỏ làm gì nữa, vì mua bất cứ cái gì, rau quả cá thịt, thậm chí một vốc ớt thì người bán cũng rút xoẹt một cái túi nilon siêu mỏng nhét vào. Nếu mua cá tươi thì ngoài cái túi đựng cá lại bọc thêm một cái túi nữa, cho sạch tay. Cho nên mua xong một buổi chợ thì trên tay lỉnh kỉnh phải hàng chục cái túi.

Từ chợ về đến nhà, cởi ra cái xoẹt, hàng chục túi nilon sống ngắn ngủi chỉ khoảng một tiếng đồng hồ là cùng, lại vứt toẹt vào thùng rác.

Với những món thức ăn giao đến tận nơi, rác nhựa còn nhiềuhơn. Món phở giao đến cho một người ăn thường phải có đến 9 cái túi. Gồm một túi đựng bánh phở, một túi đựng nước dùng, một túi đựng rau giá, một túi đựng chanh ớt, một túi đựng tương đen, một túi đựng tương đỏ, một túi đựng nước mắm, một túi đựng đôi đũa dùng một lần, một cái thìa nhựa và một cái túi to nhất đựng tất cả các túi ấy.

Dân ta còn mua các thức uống dọc đường đi làm, đi chơi. Một ly cà phê nhựa gồm một cái ly, một cái nắp, một ống hút nhựa và một quai xách bằng nhựa nốt. Một người làm văn phòng, ăn bữa trưa ở nơi làm việc, uống hai ly cà phê thì một ngày sẽ thải ra khoảng 20 món đồ bằng nhựa, chủ yếu là túi nilon siêu mỏng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam thống kê mỗi gia đình Việt Nam dùng khoảng 5-7 cái túi nilon một ngày. Riêng TP HCM và Hà Nội thải ra môi trường mỗi ngày khoảng 80 tấn rác nhựa và túi nilon.

Việc lạm dụng rác nhựa túi nilon cũng đáng nói. Nhưng đáng nói hơn là quá trình diễn ra sau khi cởi cái túi ấy.

Ba giây sau khi cởi, cái túi lao vào thùng rác

Nhưng Việt Nam lại không phân loại rác. Dù được kêu gọi, phát thùng phân loại và mưc độ phân loại mới chỉ dừng ở mức tối thiểu là để riêng chất thải hữu cơ và “chất thải còn lại” (bao gồm tất tật nilon, giấy, thủy tinh, gỗ, vải, sắt vụn loại nhỏ… v.v), thì dân ta vẫn chưa thèm phân loại. Hoặc cực cực cực ít, như muối bỏ biển.

Là vì, phân loại để làm gì? Phân cho lắm thì đến chiều công nhân vệ sinh cũng trút xoẹt hai thùng rác vào nhau, đổ lên xe chở đi. Tốn công tốn sức, vô ích.

Rồi, ngay cả những người thường xuyên phân loại rác cũng không làm đúng cách thức. Như cái túi đựng phở bò nhé, dính đầy dầu mỡ và cặn vụn của thức ăn. Lẽ ra phải rửa sạch túi trước khi vứt vào thùng phân loại, thì chả ai làm chuyện ấy. Mỡ bò khó rửa bỏ xừ, lại còn đông quánh lại, rửa bao nhiêu lần mới gọi là tạm sạch? Thôi vứt quách cho khỏe.

Thế là thành ông chẳng bà chuộc, làm mãi vẫn chẳng đạt được kết quả nào. Vì mục đích của việc phân loại rác thải đâu có phải chỉ là bảo vệ môi trường.

Ai nghiên cứu đôi chút về rác nhựa đều biết câu slogan thần chú của những ngành nghề liên quan đến rác: “Rác không phải đồ bỏ. RÁC LÀ TIỀN”. Rác hữu cơ là nguồn cung cấp nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ. Rác nhựa là nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành tái chế. Vỏ hộp sữa giấy tái chế thành tấm lợp sinh thái, nhôm, giấy… Thế nhưng muốn rác thành tiền thì trước đó chúng phải được làm sạch tương đối, không dính dầu mỡ và các chất hữu cơ để máy móc có thể tiếp tục rửa sạch và tái chế. Rác hữu cơ cũng phải không lẫn nhựa vào thì mới xay, ủ, lên men… thành phân compost đi bón cây được chứ.

Cơ mà phân loại rác theo cái kiểu dân Việt Nam nội địa chúng mình như vừa kể ở trên thì nhà máy tái chế khóc thét. Vứt luôn cho xong, chứ tiền đâu thuê người lọc ra hàng tỷ cái túi nilon hay mảnh nhựa lẫn trong hàng núi xương cá, đầu gà, rau úa, cả cứt chó cứt mèo, tã lót đầy phân trẻ con… đang rữa nát? Thôi thôi mặc kệ bọn keo kiệt thế giới tìm cách vắt tiền từ rác, với Việt Nam rừng vàng biển bạc nhà mình, rác chỉ là rác thôi. Là đồ bỏ!

Tái chế không được. Đốt cũng chẳng xong vì tỷ lệ hỗn tạp và độ ẩm đều cao (theo tiến sĩ Lê Hoàng Lan, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam). Thế thì chỉ còn mỗi cách chôn lấp.

80% số bãi chôn lộ thiên, không xử lý nước rỉ, không phun khử mùi

Tỷ lệ chôn lấp rác thải ở Việt Nam là 85% tổng lượng rác.

Theo con số được Bộ Tài nguyên va Môi trường đưa ra vào cuối tháng 7/2019, ngoài các cơ sở xử lý rác tập trung, Việt Nam đang có 660 bãi chôn lấp rác sinh hoạt quy mô trên 1 ha. Mỗi ngày các bãi này tiếp nhận gần 53.000 tấn rác. Nhưng có đến 80% số bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, tức chôn lộ thiên, không có máy đầm nén, thu gom khí, xử lý nước rỉ rác, không phun hóa chất khử mùi, không có hệ thống quan trắc môi trường và kém cả về quản lý.

Tổng diện tích các bãi chôn lấp rác sinh hoạt của cả nước (chưa kể các bãi chôn lấp nhỏ rải rác ở các xã) chiếm diện tích khoảng 5.000 ha, tức 50 km2, rộng hơn toàn bộ các quận 1, 3, 5, 10, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh cộng lại.

Và đấy là vấn đề. Mặc kệ các đoàn công tác của chính phủ đi học giải pháp xử lý rác hết nước nọ đến nước kia, mặc kệ các nhà khoa học vỡ đầu nghĩ ra hết biện pháp xử lý rác mang tính công nghệ cao nọ công nghệ cao kia, mặc kệ các chính sách hò hét kêu gào từ trung ương đến địa phương, thì cái lỗ chân trâu khiến con voi chết đuối lại đang nằm ở cái khâu nhỏ nhặt đầu tiên là phân loại rác.

Với lượng rác thải ra ngày càng lớn và vẫn tiếp tục không được phân loại thì các bãi chôn lấp vẫn sẽ tiếp tục mọc lên. Cùng với mức độ gia tăng dân cư và để giảm chi phí vận chuyển, các bãi chôn lấp rác sẽ ngày càng gần khu dân cư, rồi sẽ tiến đến sát sàn sạt ngay cạnh nách.

Cứ nhìn bãi Đa Phước ở TP HCM thì biết. Bãi Đa Phước có công suất thiết kế xử lý 10.000 tấn rác/ngày (tức toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt của TP HCM), nằm cách khu đô thị Phú Mỹ Hưng khoảng 15 km đường chim chạy. Đường chim bay thì chỉ năm bảy km.

Thế cho nên đừng ngạc nhiên ba cái vụ tai họa như núi rác Cam Ly trào xuống cánh đồng của người dân Đà Lạt làm gì. Nay mai thôi rác sẽ sập luôn xuống phòng ngủ của chúng ta ấy mà.

Con số được ngành chức năng đưa ra vào tháng 6/2019 cho biết hàng ngày TP HCM thải ra 9.000 tấn rác thải sinh hoạt, tuyệt đại đa số là rác hỗn hợp. Trong đó rác thải nhựa chiếm 20% (1.800 tấn). Chỉ 11% lượng rác thải nhựa được thu hồi, tái chế (200 tấn). Tính chung trên tổng lượng rác thải sinh hoạt thì chỉ có 2% được tái chế.

Con số này, ở các nước đứng đầu về tái chế rác như sau: Bỉ tái chế trên 80%,  Thụy Điển tái chế 99% toàn bộ lượng rác thải; Na Uy tái chế trên 97% lượng chai nhựa; Đức đặt kế hoạch đến 2020 (sang năm) xóa bỏ toàn bộ 300 bãi chôn lấp rác hiện có, đồng thời tái chế toàn bộ lượng rác thải và biến rác thải thành năng lượng (nguồn: Moitruong.com.vn).

*Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/cam-ly-rac-08132019132235.html

 

Chuyện nữ giáo viên quỳ trong sân UBND Đắk Lắk

Trân Văn

Hệ thống truyền thông chính thức vừa cung cấp thêm hàng loạt thông tin liên quan đến sự kiện một nữ giáo viên quỳ trong sân UBND tỉnh Đắk Lắk để dâng đơn khiếu nại hồi đầu tuần trước!

Theo đó, cô Nguyễn Thị Hoa Anh, giáo viên trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (tọa lạc tại xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã kêu oan suốt một năm vì bị điều chuyển vô lý từ trường Tiểu học Võ Thị Sáu đến trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh.

Trả lời tờ Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch thành phố Buôn Ma Thuột, khẳng định, các quyết định điều chuyển mà ông đã ký là “đúng quy định, đúng thẩm quyền và sẽ không thay đổi” (1).

Ông Hưng nêu ra hai lý do có tính quyết định trong việc điều chuyển cô Anh: Chính quyền có quyền điều động giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu. Mặt khác việc điều chuyển này còn nhằm răn đe những giáo viên vi phạm quy định cấm dạy thêm.

Cô Anh nói khác. Cô bảo rằng, do cô bị chuyển khỏi trường Võ Thị Sáu, hiệu phó của trường này đã phải thay cô đứng lớp trong suốt một năm. Nói cách khác, trường Võ Thị Sáu không thừa giáo viên. Còn trường Đinh Bộ Lĩnh lúc đó không những không thiếu mà sau khi đã chuyển đi hai giáo viên thì vẫn còn… thừa một!

Trong hai người, ông Vũ Văn Hưng và cô Nguyễn Thị Hoa Anh có một người nói dối. Nên tin ông Hưng hay tin cô Anh? Không may cho cô Anh rằng ông Hưng, người ký các quyết định mà cô khiếu nại cũng sẽ là người có thẩm quyền xác định đúng – sai!

Chuyện cô Anh vi phạm quy định cấm dạy thêm còn ly kỳ hơn. Tháng 6 năm 2017, khi cô Anh đang kèm hơn một chục đứa trẻ tại nhà thì đột nhiên có một nhóm người lạ mặt xông vào, tra hỏi cả cô lẫn những đứa trẻ rồi lập biên bản “tổ chức dạy thêm trái phép”.

Trong đám trẻ đó có vài đứa là cháu ruột cô Anh về Buôn Ma Thuôt chơi và được dì kèm, 15 đứa trẻ khác thì khẳng định cô Anh kèm chúng nhưng không lấy tiền. Tuy nhiên những kẻ lạ mặt, tự xưng là thành viên Đoàn Kiểm tra Dạy thêm không chấp nhận.

Có một điểm cần lưu ý, phụ huynh của 15 đứa trẻ ấy đã cùng ký vào một tờ giấy, xác nhận họ là hàng xóm, là người quen của cô Anh. Vì lũ trẻ được nghỉ hè, không có người trông coi, họ gửi chúng cho cô Anh, cô vừa giữ hộ, vừa kèm chúng. Họ nhấn mạnh, chuyện dạy thêm của cô Anh là hoạt động có tính chất từ thiện.

Tờ Giáo Dục Việt Nam đã gặp các phụ huynh để thẩm tra, thêm một lần nữa, tất cả khẳng định, cô Anh trông trẻ giúp, dạy thêm và không thu học phí. Họ trả ơn cho cô bằng bơ, tiêu, cà phê, gà vịt mà họ trồng hay nuôi được (2).

Tuy nhiên chẳng có gì lay chuyển được Đoàn Kiểm tra Dạy thêm và sau đó là UBND thành phố Buôn Ma Thuột. May cho cô Anh, dạy thêm không phải là tội hình sự nên cô không bị… tống giam. Song đã có qui định cấm dạy thêm thì phải có hoạt động… phòng – chống, phải tỏ ra… nghiêm minh và đã… bắt quả tang thì phải có xử lý.

Cô Anh có chồng bệnh tật, mất sức lao động lại có con nhỏ nên UBND thành phố Buôn Ma Thuột không thể xử lý ngay, cô chỉ bị đình chỉ nâng lương trước thời hạn (một đề nghị đã được chấp nhận vì các thành tích cô đạt được trong hoạt động giáo dục). Đến năm 2018, khi con cô lớn hơn một chút, cô mới bị điều đến vùng sâu, vùng xa…

***

Cô Nguyễn Thị Hoa Anh bảo với báo giới, cô kêu oan suốt ba năm vì không muốn mang vết nhơ: Bị kỷ luật do “dạy thêm” – và giống như nhiều công dân khác ở Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị hàm oan, cô kêu oan ròng rã ba năm mà chẳng ai đoái hoài.

Sáng sớm 6 tháng 8, cô Anh đến trụ sở UBND tỉnh Đắk Lắk xin gặp lãnh đạo tỉnh. Giống như các tỉnh, thành phố khác, Đắk Lắk cũng có “Phòng tiếp dân” nhưng phòng này không có người làm việc sớm, lúc có người thì không nhận đơn, không chấp nhận cho cô gặp lãnh đạo tỉnh, đã vậy, cán bộ lo chuyện tiếp dân còn bảo Bảo vệ đuổi cô về…

Lần quần ở trụ sở UBND tỉnh Đắk Lắk cho đến cuối buổi sáng, cô Anh sụp xuống quỳ ngay trong sân, đội đơn lên đầu… Đến lúc đó cán bộ phụ trách tiếp dân mới cho người chạy ra sân nhận đơn, tránh to chuyện (3)…

Video ghi cảnh cô Anh quỳ – đội đơn lan rộng trên mạng xã hội. Nhiều người thấy tội nghiệp nhưng cũng có nhiều người không hài lòng, họ bảo hành động của cô Anh làm suy giảm phẩm giá của nhà giáo!

Chuyện cô Anh giờ đã rõ. Nếu tại Việt Nam, “phẩm giá” nhà giáo nói riêng, “phẩm giá” công dân nói chung thật sự có giá trị, làm gì có chuyện một đám lạ mặt dám xông vào tư gia của cô Anh kiểm tra, hạch hỏi cả cô lẫn lũ trẻ đang được cô kèm?

Làm gì có chuyện hàng chục phụ huynh khẳng định cô Anh chỉ giúp trông coi, dạy thêm cho con họ trong dịp hè mà không hề thu đồng phí nào nhưng không có viên chức hữu trách nào thèm tin? Làm gì có chuyện phải quỳ – đội đơn mới được “đèn giời soi xét”?

Cũng làm gì có chuyện UBND tỉnh Đắk Lắk lờ đi, không xử lý cán bộ tiếp dân không muốn nhìn mặt công dân, không thèm nhận đơn, đẩy công dân tới chỗ phải quỳ đội đơn? Sau đó UBND tỉnh Đắk Lắk thực thi chức trách bằng cách… “yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lại vụ việc, sớm tổ chức đối thoại lần nữa để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đương sự”. Đâu phải tự nhiên mà Phó Chủ tịch thành phố Buôn Ma Thuột tỏ ra hết sức tự tin, khẳng định không sai nên sẽ không sửa gì hết!

***

Nếu trong nhận thức của các viên chức thuộc hệ thống công quyền Việt Nam, “phẩm giá” công dân thật sự là điều đáng phải bận tâm, chuyện lãnh đạo các tỉnh không thèm tiếp dân đã không hâm nóng Quốc hội nhiều lần đến thế.

Cuối năm ngoái, thêm một lần nữa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải đề nghị chính phủ chỉ đạo những cá nhân đứng đầu cơ quan hành chính các cấp phải “nghiêm túc thực hiện việc tiếp dân”, xem tiếp dân – giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của thanh tra (4).

Nhiều người từng bảo họ thấy “mát ruột, mát gan” khi ông Vũ Trọng Kim, một đại biểu Quốc hội, tuyên bố: Chủ tịch tỉnh nào không thực hiện được nhiệm vụ tiếp dân thì rời ghế đi (5)! Bao nhiêu chủ tịch tỉnh đã rời… ghế vì khinh dân, kể cả khi dấu hiệu khinh dân như trường hợp của cô Nguyễn Thị Hoa Anh ở Đắk Lắk đã rõ mười mươi?

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/co-giao-quy-o-ubnd-tinh-toi-bi-xuc-pham-va-oan-uc-20190807163107534.htm

(2) https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/cuoc-kiem-tra-o-nha-co-hoa-anh-day-tre-mien-phi-co-la-day-them-khong-post201289.gd

(3) https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/co-giao-quy-goi-trong-uy-ban-de-dang-don-cho-lanh-dao-tinh-post201241.gd

(4) https://dantri.com.vn/chinh-tri/diem-danh-nhung-chu-tich-tinh-noi-khong-voi-viec-tiep-dan-20181114115352274.htm

(5) https://dantri.com.vn/chinh-tri/chu-tich-tinh-khong-chiu-tiep-dan-thi-roi-ghe-di-20181114114425707.htm

https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-thi-hoa-anh-quy-o-dak-lak/5040489.html