Tin Việt Nam – 14/07/2018
Bổ nhiệm hàng loạt trước khi về hưu
“Tư duy nhiệm kỳ”
Gần đây thông tin về việc một lãnh đạo doanh nghiệp vốn nhà nước bổ nhiệm một lúc hơn 70 cán bộ khi sắp về hưu, lại khiến dư luận nóng lên đối với tình trạng “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ mong “vơ vét trước” trước khi về hưu.
Tuần qua báo chí loan tin ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV (thuộc Bộ Giao thông Vận tải), đã ký quyết định bổ nhiệm 76 cán bộ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc trong cùng 1 ngày 19 tháng 6 năm 2018, chỉ trước khi ông Hùng về hưu khoảng một tháng.
Nhận xét về việc này, Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho Đài Á Châu Tự Do biết:
Tôi thấy trường hợp này đáng phải xem xét và làm rõ nguyên nhân trách nhiệm và xử lý một cách nghiêm túc, để ngăn chặn ‘tư duy nhiệm kỳ’ hay là ‘chuyến tàu vét’ mà dư luận lâu nay rất là phản ứng.
-Lê Văn Cuông
“Tôi thấy trường hợp của ông Hùng này cũng nằm trong tình trạng tranh thủ lúc ra về để bổ nhiệm những đối tượng thuộc dạng chạy chọt, hoặc trả ơn, hoặc tạo mối quan hệ. Như vậy đây là vấn đề trục lợi và vi phạm các quy định của nhà nước về vấn đề bổ nhiệm cán bộ. Cho nên tôi thấy trường hợp này đáng phải xem xét và làm rõ nguyên nhân trách nhiệm và xử lý một cách nghiêm túc, để ngăn chặn ‘tư duy nhiệm kỳ’ hay là ‘chuyến tàu vét’ mà dư luận lâu nay rất là phản ứng.”
Ông Lê Văn Cuông cho rằng, việc ông Lê Mạnh Hùng trước khi về hưu mà bổ nhiệm hàng loạt cán bộ cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, để làm rõ và xử lý một cách nghiêm túc, đảm bảo quy định của pháp luật được nghiêm minh.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Nhà nghiên cứu cao cấp về lợi ích chiến lược và chiến lược quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore đưa ra lời giải thích của mình:
“Họ có giải trình là việc bổ nhiệm này họ có từ năm 2016. Nhưng năm đó không làm được vì Chủ tịch Hội đồng quản trị khi đó là ông Nguyễn Nguyên Hùng nghỉ hưu. Sau đó đến tháng 4 năm 2017 thì người ta bổ nhiệm ông Lại Xuân Thanh nguyên Cục trưởng Hàng không Việt Nam sang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tổng công ty này là từ một doanh nghiệp nhà nước chuyển thành một doanh nghiệp cổ phần, cho nên nó cần lộ trình thanh đổi về nhân sự. Từ tháng 7 năm 2017 đến bây giờ người ta mới làm được việc bổ nhiệm.
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Tổng công ty Hàng không Việt Nam bây giờ là công ty cổ phần và cách bổ nhiệm người khó hơn là cách bổ nhiệm nhân sự của doanh nghiệp nhà nước, ông nói tiếp:
“Việc cụ thể của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, cách bổ nhiệm phải được thông qua hội đồng quản trị một cách chắc chắn. Khi người ta đã làm như vậy, thì khó có thể nói là có một cái gì đó sai.”
Không biết do chủ ý hay vì trong cùng một ngày phải ký quá nhiều quyết định bổ nhiệm cán bộ, mà qua hình ảnh giấy bổ nhiệm lan truyền trên mạng xã hội, chúng tôi thấy có quyết định ông Lê Mạnh Hùng ký mà không ghi ngày ra quyết định như quyết định bổ nhiệm Phó trưởng phòng Đào tạo – Huấn luyện thuộc Ban Tổ chức – Nhân sự.
Ngoài ra, trong các quyết định bổ nhiệm cán bộ của ông Hùng, có một số phòng được ký bổ nhiệm cùng lúc 3 lãnh đạo gồm trưởng phòng và 2 phó phòng. Thậm chí, có phòng chỉ làm nhiệm vụ văn thư cũng có đến 2 cán bộ lãnh đạo.
Ông Lê Văn Cuông cho biết thêm:
“Trước đây cũng có vụ nguyên Tổng thanh tra chính phủ bổ nhiệm vụ trưởng, vụ phó của Tổng thanh tra chính phủ, nhưng mà nói về con số cụ thể thì trường hợp cùng một lúc bổ nhiệm một loạt 76 cán bộ như thế này đối với cơ quan trung ương có thể nói là chưa từng có.”
Cần kiểm soát chặt chẽ
Sau khi thông tin liên quan chuyện bổ nhiệm tại ACV được báo chí loan tải, vào ngày 9 tháng 7 năm 2018, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã chỉ đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam báo cáo, đồng thời giao Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra.
Cho đến ngày 13 tháng 7, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức công bố Quyết định số 1500/QĐ về việc thanh tra trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty ACV và về công tác bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý. Thời kỳ thanh tra từ đầu năm 2016 đến nay và các thời kỳ khác có liên quan đến nội dung thanh tra, trong đó có đợt bổ nhiệm mà báo chí đã nêu vừa qua.
Đài Á Châu Tự Do liên lạc qua điện thoại với Cơ quan Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải trụ sở tại số 80 đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, vào ngày 11 tháng 7 năm 2018 để hỏi về tiến trình xử lý vụ việc và được người đại diện cho biết như sau:
“Tiến trình thanh tra thì theo thông tin của tôi biết là Bộ trưởng chỉ đạo như thế nhưng cũng đang triển khai quy trình. Bao giờ có kết quả thì sẽ thông tin cụ thể, vì thanh tra phải theo luật. Luật thì theo tôi nghiên cứu luật thanh tra là đối với cấp bộ thì đoàn thanh tra sẽ không kéo dài quá 45 ngày làm việc.”
Nhiều trường hợp trước khi về hưu bổ nhiệm một loạt cán bộ, gây ra dư luận không tốt, để lại hậu quả cho người kế thừa trong việc quản lý cán bộ. Nhất là tình hình hiện nay vấn đề chạy chức, chạy quyền, chạy việc xảy ra, cho nên dư luận rất nghi ngờ sự tiêu cực phía sau việc bổ nhiệm đó.
-Lê Văn Cuông
Như vừa nêu, đây không phải là lần đầu tiên việc một lãnh đạo trước khi về hưu bổ nhiệm hàng loạt cán bộ. Thời gian gần đây, nhiều vụ việc được cho có tính “chuyến tàu vét” trước khi nghỉ hưu, nhằm kiếm lợi lộc từ những người mình bổ nhiệm, thăng thưởng, liên tục xảy ra.
Trong tháng 7 năm 2018 báo chí cũng rộ lên tin tức liên quan ông Lê Như Tuấn, cựu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm nhân sự trước khi về hưu. Sau đó, đã có 4 quyết định đã bị bãi bỏ, Riêng ông Tuấn chỉ bị đề nghị xem xét kỷ luật.
Ngoài ra vài năm trước, cũng xảy ra một vụ tai tiếng tương tự khi Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền, trước khi về hưu đã ký bổ nhiệm hàng loạt nhân sự không đủ tiêu chuẩn vào các vị trí “nhiều người mơ ước” ở các phòng ban thuộc thẩm quyền. Vụ việc chỉ bị phát hiện khi ông đã nghỉ hưu và hình thức kỷ luật dành cho ông Truyền cũng chỉ là khiến trách.
Nổi trội nhất là chuyện ông Vũ Huy Hoàng, khi gần hết nhiệm kỳ Bộ trưởng tại Bộ Công Thương, ông cũng bổ nhiệm một loạt nhân sự cấp cao, những nhân sự do ông “nâng đỡ” như Trịnh Xuân Thanh thì bị kết án, Vũ Đình Duy thì đang bị truy nã. Sau đó ông Vũ Huy Hoàng cũng bị mất tư cách là nguyên bộ trưởng.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Cuông đưa ra nhận định:
“Lâu nay cũng đã có nhiều trường hợp trước khi về hưu bổ nhiệm một loạt cán bộ, gây ra dư luận không tốt, để lại hậu quả cho người kế thừa trong việc quản lý cán bộ. Nhất là tình hình hiện nay vấn đề chạy chức, chạy quyền, chạy việc xảy ra, cho nên dư luận rất nghi ngờ sự tiêu cực phía sau việc bổ nhiệm đó.”
Theo Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, việc các quan chức trước khi về hưu bổ nhiệm, phong chức tùy tiện là do họ được sử dụng quyền lực nhưng không chịu sự kiểm soát chặt chẽ nào cả. Ông cho rằng, nhà nước cần giám sát, kiểm tra về mặt thực thi các quyết định và giám sát quyền lực của tất cả các cá nhân trong hệ thống hành chính nhà nước, thì mới mong bỏ được vấn nạn “tư duy nhiệm kỳ”.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/mass-promotion-prior-to-retirement-07122018150702.html
Hai tướng CSVN tranh cãi trên mạng xã hội
về sách Gạc Ma
Hai tướng quân đội CSVN đang tranh cãi trên mạng xã hội về cuốn sách “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” nói về sự kiện hải quân Trung Cộng xả súng thảm sát 64 binh sĩ Việt Nam trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988.
Cuốn sách được phát hành hồi cuối tháng 6 và bán hết 10,000 cuốn trong hơn một tuần. Ấn bản thứ hai của cuốn sách được phát hành hôm 10 tháng 7 với số lượng tin 20,000 cuốn.
Hai tướng quân đội CSVN tranh cãi về cuốn sách là thiếu tướng Hoàng Kiền, 68 tuổi, nguyên tư lệnh Công Binh, và thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên giám đốc Bảo Tàng Quân Đội, cũng là chủ biên của cuốn sách. Nội dung tranh cãi liên quan tới vấn đề có một mệnh lệnh từ cấp cao nhất trong quân đội CSVN liên quan tới việc nổ súng khi bị lực lượng Trung Cộng tấn công. Trong cuốn sách, nhân chứng trong cuộc thảm sát nay là Trung Tá Nguyễn Văn Lanh kể rằng có lệnh “không được nổ súng” khi binh sĩ Trung Cộng tiến vào bãi đá. Tướng Kiền cho rằng chi tiết đó cùng nhiều chi tiết khác khiến cho cuốn sách có “sai trái nghiêm trọng”. Theo Tướng Kiền, không có lệnh “không được nổ súng” mà chỉ có lệnh “không được nổ súng trước”.
Tướng Lương chỉ trích Tướng Kiền là chưa đọc cuốn sách mà đã phê bình, đồng thời còn lôi kéo hàng ngàn dư luận viên lên mạng chửi bới.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/hai-tuong-csvn-tranh-cai-tren-mang-xa-hoi-ve-sach-gac-ma/
Trùm đường dây đánh bạc khai nhận
hối lộ tướng công an tiền và trang sức
Trùm đường dây đánh bạc trên mạng Nguyễn Văn Dương khai nhận với công an là đã dùng tiền và trang sức để hối lộ 2 tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hoá. Truyền thông trong nước trích nguồn tin từ cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết như vậy hôm 14/7.
Tuy nhiên, cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và cựu thiếu tưởng Nguyễn Thanh Hoá, nguyên cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao đã bác bỏ việc nhận hối lộ này.
Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam là hai người được xác định có vai trò cầm đầu đường dây đánh bạc trên mạng lên đến hàng ngàn tỷ đồng với hai cổng game điện tử có tên là Rikvip và Tip.clup. Hai người này bị khởi tố và bắt tạm giam vào tháng 10 năm ngoái.
Sau đó, hai tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hoá cũng bị khởi tố và bắt tạm giam. Ông Vĩnh bị điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông Hoá bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi tổ chức đánh bạc.
Báo Tuổi Trẻ ngày 14/7 trích nguồn tin tu cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ cho biết Cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh này vừa quyết định khởi tố bị can Nguyễn Văn Dương thêm tội danh đưa hối lộ. Quyết định đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Báo Tuổi Trẻ cho biết đến nay cơ quan điều tra đã có đủ chứng cứ về hành vi đưa hối lộ của bị can.
Ủi Phẳng Mộ Vợ Vua Tự Đức:
1 Năm Sau, Quan Tỉnh Xin Lỗi
SAIGON — Một năm sau khi ủi san bằng mộ một vị vua triều Nguyễn, ông Tỉnh Trưởng mới thú nhận là sai trái, và đã xin lỗi các vị hoàng tộc.
Báo Dân Việt kể rằng Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ trao đổi với đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc về vấn đề di dời lăng mộ vợ vua Tự Đức bị san ủi cách đây hơn 1 năm.
Liên quan đến vụ lăng mộ vợ vua Tự Đức bị san ủi, trưa Thứ Sáu (13.7), ông Tôn Thất Giáp- đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc cho biết, vào sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ đã mời ông đến gặp để trao đổi. Có mặt tại buổi trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh, ngoài ông Giáp còn có đại diện của các cơ quan như Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Huế.
Theo ông Giáp, tại buổi trao đổi, ông Phan Ngọc Thọ đã chủ động nhận lỗi trước những sai sót trong vụ lăng mộ vợ vua Tự Đức bị san ủi. Ông Phan Ngọc Thọ đề nghị nên hòa giải giữa các bên và có kế hoạch để di dời lăng mộ đến địa điểm mới.
Ông Giáp cho hay, trước lời đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh, ông trả lời rằng hiện bản thân ông cũng như Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc không quyết định được việc di dời lăng mộ vợ vua.
“Tôi thấy rằng các cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp khi tìm thấy mộ vợ vua Tự Đức đã cố tình lấp liếm không cắm thẻ di dời và không hề thông báo cho Nguyễn Phước tộc. Tôi có nói với Chủ tịch UBND tỉnh là bây giờ việc không thuộc quyền quyết định của Hội đồng mà tùy vào toàn thể con cháu Nguyễn Phước tộc trong nước và ở hải ngoại”- ông Giáp cho biết.
Vào tháng 2.2018, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Huế và các cơ quan liên quan cũng đã có buổi làm việc với đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc về việc di dời lăng mộ vợ vua Tự Đức để thực hiện dự án bãi đỗ xe. Tại buổi làm việc này, đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã không đồng ý việc di dời lăng mộ vợ vua.
Báo Dân Việt nhắc rằng trước đó, vào ngày 20.6.2017, người dân ở tổ 11, khu vực 3, phường Thủy Xuân (TP.Huế) và Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã phản ánh đến báo Dân Việt vụ việc đơn vị thực hiện dự án Bãi đỗ xe tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh đã san ủi lăng mộ của một bà vợ vua Tự Đức.
Theo mô tả của người dân, trước khi bị san ủi, lăng mộ này tọa lạc trên diện tích đất khoảng 40m2, có cổng hình vòm, phần tường xây khá cao. Tại lăng có một tấm bia khắc chữ Hán bằng đá xanh nguyên khối.
Sau khi Dân Việt phản ánh thông tin, các lực lượng liên quan đã vào cuộc tìm kiếm và tìm thấy tấm bia của lăng cách vị trí huyệt mộ khoảng 100m. Bia này có khắc dòng chữ Hán “Tiền triều tài nhân cửu giai Lê Thị Thụy Thục Thuận chi mộ”. Theo đó, lăng mộ này là của bà tài nhân họ Lê, đứng hàng thứ 9 trong Cửu giai phi, là vợ vua Tự Đức.
Sau sự việc này, đơn vị chủ đầu tư dự án bãi đỗ xe là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Chuỗi Giá Trị đã lên tiếng nhận lỗi và xin khắc phục sai phạm bằng cách xây dựng lại lăng mộ vợ vua Tự Đức đã bị san ủi.
Khi huyệt mộ được tìm thấy, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc mong được khôi phục lại lăng mộ ngay tại vị trí cũ nhưng chính quyền TP.Huế và tỉnh Thừa Thiên – Huế chủ trương di dời để lấy đất cho dự án bãi đỗ xe.
https://vietbao.com/p124a283245/ui-phang-mo-vo-vua-tu-duc-1-nam-sau-quan-tinh-xin-loi
‘Cảnh cáo Trương Minh Tuấn’
hay thâm ý Nguyễn Phú Trọng?
Cái cách ‘cảnh cáo Trương Minh Tuấn’ – mà vai trò ‘tổng đạo diễn’ hiển nhiên thuộc về Tổng bí thư Trọng – có khiến người ta dễ hình dung hơn về một chủ ý, hay sâu xa hơn nữa là một thâm ý của ông Trọng trong sách lược phân biệt đối xử giữa ‘củi nhà’ và ‘củi rừng’ cùng tương lai chiến dịch ‘chống tham nhũng’ của ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’?
‘Ăn thì cá nhân, hậu quả tập thể’
Sau một thời gian dài tưởng như bị chìm xuồng, vào tháng Bảy năm 2018, vụ ‘MobiFone mua AVG’ cùng trách nhiệm của hai ‘con chuột’ Nguyễn Bắc Son – cựu Bộ trưởng thông tin và truyền thông và Trương Minh Tuấn – Bộ trưởng thông tin và truyền thông đã được hâm nóng lại trước sứ ép của dư luận xã hội và có cả sức ép từ ngay trong nội bộ đảng.
Ngày 13/7/2018, Bộ Chính trị của Nguyễn Phú Trọng đã ‘kiến tạo’ một hình thức kỷ luật mới đối với Nguyễn Bắc Son – cựu Bộ trưởng thông tin và truyền thông: ‘kỷ luật nghiêm minh’. Còn Trương Minh Tuấn – bộ trưởng thông tin và truyền thông đương nhiệm bị cho thôi giữ chức, mà thực chất là bị cách chức bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin truyền thông nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Trước đó vài ngày, Ban bí thư đảng cầm quyền ở Việt Nam đã chỉ “thi hành kỷ luật Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin truyền thông nhiệm kỳ 2011 – 2016 bằng hình thức cảnh cáo”.
“Kỷ luật Ban cán sự Đảng’ vào tháng Bảy năm 2018 là một khái niệm lập lờ không kém thua việc Uỷ ban Kiểm tra trung ương ‘đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật’ trước đó một tháng đối với Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vào thời ‘ăn đậm ăn dày’ vụ MobiFone mua AVG.
Tính chất lập lờ của hình thức kỷ luật trên đối với vụ ‘MobiFone mua AVG’ là không khác gì một đúc rút chính trị đương đại ở Việt Nam: ‘Khi ăn thì cá nhân, còn hậu quả đổ cho tập thể’.
Cái cách kỷ luật trên có vẻ giống như một kiểu ‘đánh bùn sang ao’ để cứu vớt Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn khỏi phải theo chân cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng vào ‘lò’.
Kết quả kỷ luật trên cũng xác nghiệm mối lo ngại của dư luận ngay trước đó về việc Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã ‘chạy án’ và thoát tội là có cơ sở.
‘Chạy án’ thắng lợi?
Những đồn đoán ngay sau khi Uỷ ban Kiểm tra trung ương ‘đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật’ đối với Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vào tháng Sáu năm 2018 là rất có thể sẽ xảy ra kịch bản Son sẽ bị ‘cách tất cả các chức vụ thời trước’, còn Tuấn sẽ bị cảnh cáo đảng nhưng vẫn được cho ngồi tiếp cái ghế bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông, tức vẫn ‘nắm đầu’ hơn 800 tờ báo nhà nước để vẫn tiếp tục kiên định ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ và ‘làm trong sạch đội ngũ báo chí’.
Trương Minh Tuấn là nhân vật được một số dư luận xem là ‘sát thủ báo chí’, nắm giữ quyền sinh quyền sát đối với gần hết khối báo chí nhà nước, cũng là người đặc biệt tỏ ra ‘cực đỏ’ và ‘kiên định chủ nghĩa xã hội’ từ năm 2016 khi chính thức nhậm chức bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông.
Trương Minh Tuấn cũng được xem là ‘phe ta’, tức người của phe Tổng bí thư Trọng, trái ngược với ‘phe củi Nguyễn Tấn Dũng’.
Không chỉ cần thiết cho Nguyễn Phú Trọng trong chủ trương kiên định ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’, Trương Minh Tuấn còn có thể trở thành nhân vật khó có thể thay thế vào lúc này khi luật An ninh mạng đã được một quốc hội ‘nghị gật’ cắm đầu bấm nút thông qua và một tổng bí thư muốn ‘vận dụng’ luật này để ‘bảo vệ chế độ’ và áp chế mọi tiếng nói khác biệt chính kiến. Trương Minh Tuấn chính là công cụ đắc lực để một đảng toàn trị và độc đoán được bảo vệ và kéo dài hơi thở phập phù ngày nào hay ngày nấy.
Nhưng Trương Minh Tuấn cũng bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi nhân vật này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son, để Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG.
Vào thời gian khoảng vài tuần trước ngày 23/4/2018 là thời điểm bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra chính phủ và C46, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’ – nhưng lại bị dư luận xem là một cách chạy án quá lộ liễu và trắng trợn.
Khi đó, đã phát ra nhiều đồn đoán rằng viên bộ trưởng đậm chất cộng sản này đã tự nguyện hoàn trả một căn hộ triệu đô – vốn được Phạm Nhật Vũ là em trai của Phạm Nhật Vượng Tập đoàn Vingroup tặng – như một cách ‘khắc phục hậu quả’.
Vì sao ‘bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’?
Đến lúc này, người ta có thể hiểu ra một thâm ý của ông Trọng khi phát ra chỉ đạo ‘Bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ vào cuối tháng Tư năm 2018.
Nguyễn Phú Trọng lại chính là trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng. Theo nguyên tắc bất thành văn trong đảng cầm quyền, những vụ án tham nhũng đã bị trực tiếp tổng bí thư xem xét chỉ đạo thì đương nhiên bị xếp vào loại trọng án.
Tuy nhiên, nguyên tắc trên cũng có thể bị đảo lộn theo cách nếu vụ AVG không được xếp vào diện ‘theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’, cơ quan điều tra của Bộ Công an không cần phải ‘xin ý kiến Bộ Chính trị và Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’, tức không cần phải xin ý kiến của Tổng bí thư Trọng trong việc quyết định có khởi tố hay không vụ AVG, và nếu có thì sẽ khởi tố và bắt giam những quan chức nào, còn những quan chức nào sẽ được cho ‘chìm xuồng’. Trong trường hợp Bộ Công an muốn thi hành lệnh bắt đối với Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn để công cuộc ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng được xem là ‘công bằng’ mà không phải chỉ ‘chống tham nhũng một bên’ hay ‘chống tham nhũng thời kỳ trước’, ông Trọng sẽ khó lòng can thiệp vào việc cứu vớt ‘chuột nhà’ nếu không yêu cầu Bộ Công an phải xin ý kiến Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trước khi hành sự.
Tức quy trình khởi tố và bắt bớ vụ AVG còn phải chờ ‘quyết định của Bộ Chính trị’ trong cuộc họp ngày 10/7/2018.
Thâm ý trên của Nguyễn Phú Trọng cũng có thể là nguồn cơn chính yếu của việc vì sao vào đầu tháng Sáu năm 2018, Ủy ban Kiểm tra trung ương lại ‘đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật’ đối với Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, trong khi ‘đồng chí Lê Nam Trà’ chỉ là cấp dưới của Son và Tuấn nhưng lại bị Ủy ban Kiểm tra trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cao nhất là khai trừ đảng.
Hoàn toàn không nêu về hình thức kỷ luật đảng đối với hai ông Son và Tuấn, cũng không giải thích về ‘cấp có thẩm quyền’ là ai, đề nghị trên của Ủy ban Kiểm tra trung ương giống như một sự đánh đố hỏa mù và cũng là thách thức dư luận.
Chi tiết đáng mổ xẻ là vào những ngày này, cùng lúc với việc Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn có thể thở phào vì không bị ‘cẩu đầu trảm’, cựu chủ tịch hội đồng thành viên Công ty MobiFone Lê Nam Trà và cựu vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Thông tin truyền thông Phạm Đình Trọng lại bị khởi tố và bắt giam, dẫn đến một sự bất công ghê gớm bởi hai nhân vật này chỉ là kẻ thừa hành, trong khi Nguyễn Bắc Son mới là kẻ chủ mưu, cùng một kẻ chủ mưu khác và thừa hành đắc lực là Trương Minh Tuấn thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, cho dù cả Son và Tuấn đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm là ‘rất nghiêm trọng’.
Mất ghế bộ trưởng, thoát án tù và sẽ trả thù?
Trong chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng, vụ ‘Mobifone mua AVG’ và cá nhân Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt chú tâm. Giờ đây khi tất cả mọi người chứng kiến ông Trọng xử vụ Trương Minh Tuấn quá nhẹ nhàng theo cách ‘đập chuột sợ vỡ bình’, điều được ông Trọng tuyên xưng là ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ sẽ hoàn toàn vô giá trị trong con mắt thế thái nhân tình, còn tất cả những tụng danh dành cho ông Trọng như ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và gần đây nhất là ‘Người đốt lò vĩ đại’ sẽ chỉ còn gió thoảng mây bay và chẳng còn nghĩa lý gì nữa.
Thực ra, không bao lâu sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra như một cách điểm mặt chỉ tên Trương Minh Tuấn, nhân vật này bỗng dưng ‘tái xuất’ trên cương vị bộ trưởng thông tin và truyền thông để điều hành một số cuộc họp. Khi đó, không thể nghĩ khác là nếu so sánh với trường hợp Đinh La Thăng sau khi mất chức ủy viên bộ chính trị đã ‘chìm’ hẳn vào hậu trường chính trị tại ‘cái lồng nhốt quyền lực’ là Ban Kinh tế trung ương đảng, số phận của Trương Minh Tuấn có lẽ đã được tổng bí thư ưu ái hơn nhiều. Chỉ là khi đó Nguyễn Phú Trọng chưa công khai một quyết định ‘tha bổng’ nào mà có thể khiến dư luận xã hội phản ứng mạnh mẽ.
Nhưng với cái cách Bộ Chính trị và Ban bí thư chỉ áp dụng mức kỷ luật cảnh cáo đối với Trương Minh Tuấn, dường như Nguyễn Phú Trọng đã từ những ẩn khuất trong thái độ che chắn cho thủ hạ thân tín tiến ra công khai bằng hành động công nhiên bảo vệ ‘chuột nhà’, trong khi vẫn không ngừng gia tăng chiến dịch ‘đốt lò’ để giết ‘chuột đồng’.
Tức Trương Minh Tuấn dù có thể sẽ mất ghế bộ trưởng nhưng lại thoát án tù.
Còn trong thời gian vẫn ngồi ghế bộ trưởng thông tin và truyền thông, không có gì bảo đảm là Trương Minh Tuấn sẽ không ngoái cổ nhìn lại những kẻ đã dám mạo phạm mình.
Không biết vô tình hay hữu ý, ngay tại thời điểm Bộ Chính trị họp và kết luận chỉ cảnh cáo Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin truyền thông nhiệm kỳ 2011 – 2016, đã có tin ngoài lề về việc báo Tuổi Trẻ đang bị xem xét kỷ luật, thậm chí có thể bị đình bản trong vài ba tháng.
Tuổi Trẻ lại là tờ báo nhà nước đầu tiên dám quay ngược mũi giáo công kích ‘sát thủ báo chí’ Trương Minh Tuấn ngay sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ AVG với trách nhiệm liên quan trực tiếp đến Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Liệu vào những ngày tới đây, Trương Minh Tuấn có xuống tay trả thù những tờ báo đã dám vạch trần chân tướng và hạ nhục ông ta trên mặt công luận?
Nếu vụ ‘hồi tố’ trên xảy ra, người ta sẽ hình dung rõ hơn hẳn về việc là ‘củi nhà’ có ý nghĩa lợi hại như thế nào so với ‘củi rừng’, để từ đó nhìn lại chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Tọng đã chỉ chủ yếu tấn công vào ‘thời kỳ trước’, tức giai đoạn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, còn tương lai ‘chống tham nhũng’ của ông Trọng là quá thiên vị, mờ mịt và bế tắc.
https://www.voatiengviet.com/a/truong-minh-tuan-avg-mobifone-nguyen-phu-trong/4481385.html
Luật sư Lê Công Định: William Nguyễn
có thể kiện Công an Việt Nam theo luật của Hoa Kỳ
Hòa Ái, phóng viên RFA
Truyền thông Hoa Kỳ và quốc nội đều loan tin Tòa án Việt Nam, vào ngày 20 tháng 7, sẽ mở phiên tòa xét xử sinh viên Mỹ gốc Việt-William Nguyễn, người tham gia biểu tình ở Sài Gòn ngày 10 tháng 6 vừa qua.
Luật sư Lê Công Định đưa ra nhận định trên mạng xã hội Facebook rằng “Nếu vụ án của William Nguyễn được đưa ra xét xử vào ngày 20/7/2018 như truyền thông quốc tế đưa tin, thì đó là bước lùi đầy xấu hổ của nhà cầm quyền Việt Nam”, vì:
Hoa Kỳ gây áp lực
Luật sư Lê Công Định: Chúng ta biết trong tất cả những vụ án chính trị ở Việt Nam thì nhà cầm quyền đều giam giữ rất lâu các bị can, trước khi đưa họ ra xét xử với mức trung bình ít nhất cũng phải là 4 tháng. Tuy nhiên, trong vụ án của anh William Nguyễn, nếu thật sự Tòa án Việt Nam có kế hoạch xét xử vào ngày 20 tháng 7 này, thì chúng ta thấy rõ ràng chỉ mới có 1 tháng 10 ngày là họ đã đưa anh William ra xét xử.
Tất nhiên là một tiền lệ về xử nhanh như vậy cũng đã có, nhưng đếm trên đầu ngón tay. Và tiền lệ nhanh nhất mà mọi người đều biết là vụ xử ông Đinh La Thăng, vừa bắt ông hơn 1 tháng là đem ra xét xử. Đó là một vụ án mà ai cũng biết có sự dàn dựng và chuẩn bị từ trước rồi và việc xét xử chỉ là hình thức.
Đối với vụ của anh William Nguyễn lần này cũng vậy, nghĩa là trước áp lực về ngoại giao của phía Hoa Kỳ thì buộc lòng nhà cầm quyền Việt Nam phải đem ra xét xử, và như thế mới có cớ để trả tự do cho anh William Nguyễn. Bởi vì một khi đã bắt giam người ta và đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì không có lý do gì mà không xét xử; trừ phi phải đình chỉ vụ án. Trong trường hợp nếu đình chỉ vụ án thì nhà cầm quyền Việt Nam còn gì là mặt mũi nữa. Cho nên, họ buộc lòng phải xét xử và phải mở phiên tòa.
Hòa Ái: Theo như Đài ABC, vào ngày 12 tháng 7 dẫn lời của em gái anh William Nguyễn, cô Victoria Nguyễn cho biết gia đình rất thất vọng vì Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã không thực sự hối thúc vụ việc anh trai của cô với Chính quyền Việt Nam, qua lời nói của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong chuyến viếng thăm Việt Nam mới đây, rằng kêu gọi Việt Nam “có giải pháp nhanh chóng” đối với trường hợp của William Nguyễn, thay vì phải yêu cầu “trả tự do ngay lập tức” cho anh William.
Trước áp lực về ngoại giao của phía Hoa Kỳ thì buộc lòng nhà cầm quyền Việt Nam phải đem ra xét xử, và như thế mới có cớ để trả tự do cho anh William Nguyễn. Bởi vì một khi đã bắt giam người ta và đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì không có lý do gì mà không xét xử; trừ phi phải đình chỉ vụ án. Trong trường hợp nếu đình chỉ vụ án thì nhà cầm quyền Việt Nam còn gì là mặt mũi nữa. Cho nên, họ buộc lòng phải xét xử và phải mở phiên tòa
-LS. Lê Công Định
Ý kiến của Luật sư như thế nào qua chia sẻ vừa rồi của gia đình anh William Nguyễn?
Luật sư Lê Công Định: Tôi nghĩ chắc chắn do áp lực của phía Hoa Kỳ, đặc biệt là trong chuyến thăm Việt Nam gần đây của ông Ngoại trưởng Mỹ Pompeo. Lời yêu cầu của ông Ngoại trưởng Hoa Kỳ, rõ ràng là phía Việt Nam đã phải cân nhắc và lưu tâm. Bởi vì họ không làm như vậy thì họ có thể nhận những hậu quả về phương diện ngoại giao và kinh tế. Cho nên, họ phải buộc lòng mở phiên tòa sớm, xét xử rồi trả tự do cho anh William Nguyễn.
Chúng ta biết trong quan hệ giữa hai quốc gia độc lập, có quan hệ bình đẳng với nhau thì làm sao Hoa Kỳ có thể ra lệnh cho Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức là họ làm ngay được. Không phải! Thủ tục phải trải qua một tiến trình pháp lý theo luật của Việt Nam, để qua đó Chính quyền Việt Nam giữ thể diện của mình, cũng muốn chứng minh rằng Việt Nam là một quốc gia có luật pháp, chứ đâu phải Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc ra lệnh thì họ phải làm ngay đâu.
Cho nên sự nôn nóng và thất vọng của gia đình anh William Nguyễn là có thể hiểu. Tuy nhiên, chúng ta là người ngoài cuộc, nhìn vào diễn biến của sự việc thì chúng ta thấy rõ ràng vụ án này đang được giải quyết một cách nhanh chóng. Với kinh nghiệm của tôi quan sát qua những vụ án chính trị trong quá khứ, chưa bao giờ có vụ án nào xét xử trong vòng 4 tháng hết. Chưa bao giờ. Và như tôi nói, gần đây chỉ có vài vụ án như vậy mà thôi.
Hòa Ái: Truyền thông trong nước, vào ngày 13 tháng 7, trong bản tin về phiên tòa xét xử anh William Nguyễn sắp sửa diễn ra, cho biết anh William Nguyễn có thể bị lãnh mức án lên đến bảy năm tù nếu bị kết tội.
Theo Luật sư, anh William sẽ bị tuyên án đến mức tối đa như thế không?
Luật sư Lê Công Định: Chúng ta thấy hành vi của anh William Nguyễn trong ngày biểu tình 10/6 là anh chỉ xuống đường và cùng mọi người lên tiếng phản đối Dự luật Đặc khu và An ninh mạng.
Còn những cáo buộc mà truyền thông nhà nước nói rằng anh mang 1 triệu 700 ngàn đô la Mỹ về Việt Nam để tài trợ cho người dân đi biểu tình, kích động biểu tình thì đó là những lời cáo buộc không có chứng cứ. Muốn mang một lượng ngoại tệ lớn như vậy vào Việt Nam không phải là chuyện đơn giản, trừ khi có sự tiếp tay của chính quyền này. Chắc chắn điều đó không bao giờ có. Cho nên, ai cũng biết đó là chuyện dàn dựng. Do đó, tình tiết vụ án của anh William Nguyễn trên phương diện pháp lý, theo tôi nghĩ là rất đơn giản nên việc xét xử anh cũng không có gì hết.
Tôi cho rằng có hai kịch bản. Một là họ sẽ tuyên bằng đúng thời gian họ đã giam anh, khỏang 40 ngày thôi. Hoặc họ sẽ tuyên dài hơn, anh ở thêm vài tháng và cuối cùng sẽ được trả tự do.
Kiện Công an Việt Nam
Hòa Ái: Đài RFA ghi nhận 8 ngày sau khi bị bắt, anh William Nguyễn xuất hiện trên kênh truyền hình HTV, thuộc Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh nói rằng lấy làm tiếc về việc làm của anh đã gây tắt nghẽn giao thông và cam kết không tham gia biểu tình hay có bất cứ hành động nào chống phá Nhà nước Việt Nam trong tương lai.
Là người đã từng có hình ảnh xuất hiện trên truyền hình nói lời nhận tội và qua những gì đã trải nghiệm, Luật sư có thể cho biết khi những người bị bắt và xuất hiện trước truyền thông, họ có bị áp lực nào để buộc phải nói những điều như vậy?
Luật sư Lê Công Định: Việc cho những bị can xuất hiện trên truyền hình, đó là thông lệ gần như vụ án chính trị nổi cộm nào thì nhà cầm quyền Việt Nam cũng dùng biện pháp đó hết. Đây là điều chúng ta không ngạc nhiên.
Trong trường hợp của anh William Nguyễn thì tôi không rõ như thế nào. Nhưng trong trường hợp của tôi, rõ ràng đó là một sự cắt ghép những lời tôi nói, và họ cố tình bóp méo những điều tôi đã phát biểu để nhằm mục đích bôi nhọ hình ảnh, đồng thời để chứng minh rằng việc bắt giam tôi cũng như anh William Nguyễn là hoàn toàn có cơ sở; bởi vì các đối tượng đều đã nhận tội. Nghe thì rất buồn cười và chúng ta phải chờ anh William Nguyễn ra ngoài và anh sẽ kể lại cho truyền thông Hoa Kỳ biết là anh trong thời gian đó đã bị như thế nào, mà anh có những hình ảnh trên truyền hình như vậy.
Tôi biết có một đạo luật rất hay, tên là “Alien Tort Claims Act, tức là đạo luật cho phép kiện một chính quyền nước ngoài tại Hoa Kỳ…Và đạo luật này cho phép anh William Nguyễn sẽ tiến hành kiện bất kỳ những người có trách nhiệm nào trong bộ máy Công an của Việt Nam liên quan đến hành động hành hung, tấn công anh như vậy
-LS. Lê Công Định
Hòa Ái: Một khi anh William Nguyễn được trả tự do và trở về Mỹ, anh William có thể kiện công an, an ninh tại Việt Nam hay không qua hành động đã hành hung anh gây đổ máu và dùng vũ lực để bắt giữ, áp tải anh về đôn công an?
Luật sư Lê Công Định: Hoàn toàn được theo luật của Mỹ. Tôi biết có một đạo luật rất hay, tên là “Alien Tort Claims Act” (ATAC) hoặc “The Alien Tort Statute (ATS), tức là đạo luật cho phép kiện một chính quyền nước ngoài tại Hoa Kỳ, khi người khởi kiện biết và có cơ sở chắc chắn là có một nhân viên trong bộ máy nhà nước đã ra lệnh đánh đập, hành hung người đi kiện đó. Và đạo luật này cho phép anh William Nguyễn sẽ tiến hành kiện bất kỳ những người có trách nhiệm nào trong bộ máy Công an của Việt Nam liên quan đến hành động hành hung, tấn công anh như vậy.
Khi vụ kiện này được đặt ra và nếu tòa thụ lý, thì anh William Nguyễn hoàn toàn có thể yêu cầu tòa kê biên, phong tỏa toàn bộ tài sản của người đó và nếu người đó xuất hiện tại Hoa Kỳ hoặc bất kỳ lãnh thổ nào thì có khả năng sẽ bị các cơ quan chấp pháp của Hoa Kỳ hoặc các quốc gia có quan hệ về tư pháp với Hoa Kỳ bắt giam người đó.
Và, tôi nghĩ rằng các luật sư của anh William Nguyễn chắc chắn sẽ sử dụng đạo luật này để khởi kiện.
Hòa Ái: Cảm ơn Luật sư Lê Công Định dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này với RFA.
Thượng nghị sĩ gốc Việt ở Úc kêu gọi Facebook,
Google bất tuân luật an ninh mạng
Một thượng nghị sĩ gốc Việt của bang Nam Úc vừa lên tiếng kêu gọi các công ty công nghệ như Facebook và Google từ chối tuân thủ luật an ninh mạng, vừa được quốc hội bù nhìn của CSVN thông qua hồi tháng trước.
Đài VOA hôm Thứ Sáu 13/07 dẫn lời Thượng nghị sĩ Tùng Ngô nhận định rằng, luật an ninh mạng sẽ được sử dụng để “che đậy các vi phạm nhân quyền và tham nhũng của chính phủ tại Việt Nam”. Trong một phát biểu trước Nghị Viện Nam Úc hôm 6 tháng 7, ông Tùng, người Úc sinh ra ở Việt Nam đầu tiên làm thượng nghị sĩ của bang này, nhận định rằng luật an ninh mạng cho phép nhà cầm quyền CSVN “quyền lựa chọn và định đoạt những sự biểu lộ tư tưởng nào qua kiểm duyệt bị cho là bất hợp pháp”. Ông cho rằng bộ luật mới do bộ công an soạn thảo “giúp chính phủ dễ dàng nhận ra và truy tố người dân với các hoạt động ôn hòa trực tuyến của họ”.
Trong phát biểu trước Nghị Viện Nam Úc, ông Tùng kêu gọi các công ty công nghệ hãy “dùng sức mạnh của mình” để chống lại nhà cầm quyền CSVN bằng cách bất tuân luật an ninh mạng.
Luật an ninh mạng cùng với luật đặc khu đã bị người dân trong nước Việt Nam phản đối mạnh mẽ bằng các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Tuy nhiên, ông Tùng Ngô, người từng là một thuyền nhân trước khi tới Úc vào đầu thập niên 1980, lo ngại rằng luật an ninh mạng không được chú ý đầy đủ. Theo ông, luật này sẽ gây ra “những hậu quả nghiêm trọng” tới mọi người Việt cả ở trong lẫn ngoài nước, những người đã lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền cộng sản về các vấn đề như nhân quyền và tham nhũng. Ông Tùng tin rằng điều quan trọng là ông dùng tư cách thành viên Nghị Viện Nam Úc của mình để đánh thức mọi người và làm cho họ ý thức về tác động của luật an ninh mạng lên người dân Việt Nam và người Việt hải ngoại – những người đang vận động để làm cho Việt Nam tốt hơn.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/thuong-nghi-si-goc-viet-o-uc-keu-goi-facebook-google-bat-tuan-luat-an-ninh-mang/
Thư Saigon
Chung Cư, Cháy Xưởng, iPhone 7, Cá Chết…
Xuân Niệm
Chung cư hạ nhiệt rồi… bất động sản có vẻ như có vấn đề… Tương lai hẳn sẽ giảm giá chăng?
Báo Người Lao Động kể: Thị trường Bất Động Ssản Hà nội và TP SG đang được ghi nhận là sức mua căn hộ giảm rõ nét, đất nền hạ nhiệt, nhà đầu tư nghe ngóng, chờ đợi…
Hầu hết các báo cáo quý 2-2018 của các đơn vị nghiên cứu thị trường, cho thấy thị trường chung cư và đất nền tại 2 TP lớn đang hạ nhiệt.
Theo CBRE Việt Nam, trong 3 tháng qua, lượng căn hộ chào bán tại TP SG đạt hơn 6.000 căn, giảm 36% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn cung phân khúc cao cấp giảm nhiệt rõ nét theo quý. Số lượng căn hộ giao dịch trong quý II/2018 cũng giảm tốc mạnh. Cụ thể, về doanh số bán hàng, 5.900 căn được ghi nhận bán được trong quý 2-2018, giảm 22% so vớ cùng kỳ năm ngoái.
An Ninh Thủ Đô kể chuyện Hà Nội: Khu xưởng gỗ bốc cháy dữ dội.
Khoảng 16h ngày 12-7, tại một nhà xưởng sản xuất đồ gỗ ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội đã xảy ra cháy.
Vào thời điểm này, lửa bốc lên từ phía trong nhà xưởng, khói đen bốc cao nghi ngút. Nhiều công nhân từ phía bên trong chạy tán loạn ra ngoài để thoát thân.
Diễn Đàn Doanh Nghiệp nhận định: Kẹt xe kéo lùi phát triển kinh tế của TP SG.
Tình trạng kẹt xe ở TP SG chưa bao giờ thôi nhức nhối, kẹt xe ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân và kéo lùi sự phát triển kinh tế của thành phố.
Thời gian qua, doanh nghiệp trên địa bàn TP. SG đang phải gánh khoản phí phát sinh về xăng dầu, rủi ro về hàng hóa giao đến trễ giờ do tình trạng kẹt xe gây ra.
Kênh 14 kể chuyện Tp.SG: Thanh niên vào mua trà sữa tiện tay cuỗm luôn iPhone 7 của một cô gái rồi lỉnh mất.
Sự việc xảy ra tại một quán trà sữa trên địa bàn thành phố SG. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi nam thanh niên này đã kịp thời lấy đi chiếc điện thoại IPhone 7 của cô gái ngồi cạnh.
Báo Sao Star kể chuyện cá chết: Báo cáo UBND thành phố Hà Nội về tình trạng cá chết tại Hồ Tây trong những ngày vừa qua, Sở Xây dựng cho rằng nguyên nhân ban đầu của hiện tượng cá chết hàng loạt hai ngày 8 và 9/7 là nắng nóng trên địa bàn lên đỉnh điểm, có ngày hơn 40 độ C. Đến 7/7, mưa giông xuất hiện giữa trưa làm nhiệt độ thay đổi đột ngột.
Theo nhà chức trách, lượng cá chết chủ yếu là loại cá nhỏ bề mặt như cá mương (thầu dầu) đang vào mùa sinh sản, có mật độ cao và sức chịu đựng yếu.
AFamily kể chuyện Sài Gòn: Thông tin từ Chi cục Hải quan Sài Gòn khu vực 3, 149 container chứa 322 xe BMW tồn tại Cảng VICT 2 năm nay đã được hoàn tất các thủ tục để tái xuất sang Đức.
Số xe này nằm trong loạt xe sang hơn 600 chiếc bao gồm BMW và Mini trong vụ án gian lận thương mại của nhà phân phối Công ty cổ phần Euro Auto trước đây, nhập chủ yếu về hai cảng VICT và cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu). Trước đó, BMW châu Á đã nhận được chấp thuận từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, cho phép tái xuất 470 xe BMW, 106 xe Mini và 55 mô tô BMW tại 2 cảng này quay ngược trở lại Đức.
VnExpress kể: Quán bún ‘chửi khách như hát’ vẫn đông đúc ở Hà Nội.
Quán bún ngan hơn chục năm thường xuyên có cảnh tượng khách xếp hàng dài chờ đến lượt dù chủ hay lớn tiếng.
Trước đây, quán bún ngan Nhàn nằm gần hồ Gươm, sau mới chuyển vào ngõ Trung Yên như bây giờ. Sau khi một số video quay cảnh chủ “chửi khách như hát” được lan truyền trên mạng vào năm ngoái, quán càng nhận được nhiều sự chú ý.
VTV kể chuyện ngập nước và sạt lở Sài Gòn: SG đang bước vào cao điểm của mùa mưa. Biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa đã khiến sạt lở, triều cường và ngập nước ngày càng diễn biến phức tạp.
Thời gian qua, hàng chục ngôi nhà, đường sá, công trình đã bị cuốn xuống sông, người dân thấp thỏm sống trong sợ hãi. Đây là tình cảnh chung ở hàng loạt những điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại TP.SG.
Theo thống kê vừa được công bố vào tháng 6/2018 của Sở Giao thông Vận tải TP.SG, toàn thành phố hiện đang có 35 điểm sạt lở. Trong đó đáng chú ý, có tới 20 điểm được liệt vào mức độ cực kỳ nguy hiểm.
Tiền Phong kể: Ngày 12/7, theo thông tin từ Cảnh sát PCCC Tp.SG, tình hình cháy nổ nhà ở trên địa bàn Tp.SG diễn biến phức tạp, hiện có hơn 97.000 căn nhà có nguy hiểm về cháy, nổ.
Trong đó có hơn 57.000 căn nhà có nguy hiểm về cháy, nổ được xây từ vật liệu dễ cháy, hệ thống điện không đảm bảo an toàn. Đặc biệt còn gần 40.000 căn nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất có nguy hiểm về cháy, nổ.
Báo Dân Trí kể chuyện Hà Nội: Xe tải “gác” lên dải phân cách đường trên cao.
Theo tài xế, do tránh một chiếc ô tô đi cùng chiều, chiếc xe tải do anh điều khiển đã đâm trực diện vào dải phân cách đường vành đai 3 trên cao.
Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 21h ngày 11/7 tại đường trên cao vành đai 3 Hà Nội, đoạn xuống nút giao Big C- Đại lộ Thăng Long (địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội).
https://vietbao.com/p121a283238/chung-cu-chay-xuong-iphone-7-ca-chet-