Tin Việt Nam – 14/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 14/07/2017

Kiến nghị ngưng xả thải xuống biển Bình Thuận

13 tổ chức dân sự chịu sự chi phối của nhà nước Việt Nam ký kiến nghị yêu cầu dừng việc đổ chất thải xuống vùng biển Bình Thuận.

Trong các tổ chức này có những tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường như Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, Liên minh Năng lượng bền vững, Trung tâm bảo tồn sinh vật biển,…

Kiến nghị được gửi cho 11 quan chức cao cấp Việt Nam, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà.

Kiến nghị nói rằng quyết định đổ gần 1 triệu mét khối bùn nạo vét của nhà máy điện Vĩnh Tân, và sắp tới đây là 2 triệu 400 ngàn mét khối của công ty điện lực Genco 3, không được sự đồng thuận của công luận và các nhà khoa học. Một trong những nguyên nhân gây nên sự không đồng thuận đó là sự không minh bạch khi thực hiện đánh giá tác động môi trường, tức là đánh giá tác hại của việc đổ bùn nạo vét vào khu vực gần vùng bảo tồn biển Hòn Cau.

Ngoài ra kiến nghị còn liệt kê những sự cố ô nhiễm môi trường do các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than Vĩnh Tân gây ra, và cho rằng việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân là đi ngược với xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo của thế giới.

Về phía người ra quyết định đổ chất thải là Bộ tài nguyên môi trường, thì chiều hôm qua, 13 tháng 7, 2017, ông Phạm Ngọc Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo thay mặt bộ này nói rằng các chất thải nạo vét ở cảng không phải bị xả xuống biển, mà là được nhấn chìm, và có thể kiểm soát được.

Ông Sơn nói rằng các chất này cũng ở dưới biển, nay chỉ mang đi sang chổ khác mà thôi.

Ông Sơn cũng cho biết là trong khối bùn này chỉ có đất sét, cát, mà không có những chất gây ô nhiễm môi trường, và đáy biển chổ nhận chìm thấp hơn vùng bảo tồn biển Hòn Cau nên sẽ không ảnh hưởng đến khu vực này.

Về mặt luật pháp, ông Sơn cho rằng quyết định của Bộ Tài nguyên- Môi trường là đúng luật, dựa trên đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hồi năm 2014.

Ông Sơn không nói về sự minh bạch của đánh giá tác động môi trường này, nhưng nói ông hoan nghênh sự phản biện của công luận và các nhà khoa học. Ông nói rằng sẽ có 13 điểm quan sát việc nhận chìm bùn, và nếu thấy có sự ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ dừng lại ngay. Còn việc Công ty điện lực Genco 3 xin đổ thêm 2 triệu 400 ngàn tấn thì đang xem xét, chưa quyết định là cho tiếp tục hay không.

Cũng liên quan đến Bộ Tài nguyên- Môi trường, trong cuộc họp Tổng kết sáu tháng đầu năm mà bộ này tổ chức vào sáng 14 tháng 7, báo chí không được phép tham dự.

Lý do được đưa ra là đây là cuộc họp nội bộ.

Báo Tuổi trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh trích lời các phóng viên nói rằng đáng ra đây là cơ hội của các vị lãnh đạo Bộ Tài nguyên- Môi trường giải đáp những thắc mắc về môi trường, nhất là chuyện cho phép đổ gần 1 triệu tấn chất thải bùn nạo vét xuống vùng biển Bình Thuận.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/petition-stop-dumping-into-binh-thuan-sea-07142017111054.html

 

Mưa lũ lớn ở miền bắc VN, 14 người thiệt mạng

Ít nhất 14 người thiệt mạng do mưa lũ tại các tỉnh phía bắc trong tuần qua, trong đó có một gia đình gồm bốn người.

Dự kiến sẽ tiếp tục có thêm mưa rào và dông trong những ngày tới, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.

Một người mất tích tại tỉnh Thái Nguyên, và gần 500 ngôi nhà cùng hơn 1.400 hecta hoa màu bị phá hủy tại chín tỉnh thành, hãng tin Reuters dẫn nguồn một cáo của Ủy ban Phòng chống Lụt bão Trung ương.

Nguy cơ tiếp tục lũ tại Hà Tĩnh, Quảng Bình

Có yếu tố nhân tai trong lũ lụt miền Trung?

Lũ lụt – xã hội dân sự vào cuộc

Các địa phương bị ảnh hưởng do mưa lũ trong tuần qua gồm Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Hòa Bình.

Tình trạng sạt lở, các hệ thống cầu cống bị phá hủy khiến tổng thiệt hại ước tính lên tới hơn 40 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,76 triệu đô la, ủy ban nói.

Truyền hình nhà nước nói một gia đình bốn người thiệt mạng khi chiếc xe hơi họ đang đi qua cầu ở Thái Nguyên thì bị nước cuốn trôi.

Đất lở cũng vùi lấp một tiệm cà phê internet, làm chết hai trẻ em, và gây gián đoạn giao thông tại tỉnh Hà Giang.

Cho đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu phải chủ động đối phó với thời tiết mưa lũ ở miền bắc.

Tin tức nói Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được giao trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ đập thủy lợi đê điều, Bộ Công Thương phải đảm nhận việc theo dõi vận hành an toàn cho các hồ đập thủy điện và hệ thống điện, Bộ Giao thông Vận tải lo theo dõi, khắc phục sự cố tại các trục giao thông, còn Bộ Tài nguyên Môi trường phải theo dõi tình hình thời tiết và thông báo kịp thời cho các cơ quan hữu quan.

Trong một phúc trình do Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) và Viện Nghiên cứu Tác động của Thay đổi Khí hậu Potsdam (PIK) công bố, các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang quá chậm trễ trong việc hạn chế việc thay đổi khí hậu.

Bản phúc trình nói rằng với tốc độ gây tổn hại tới môi trường như hiện nay, thì trong thời gian từ 2005 đến 2050, sẽ có 13 thành phố tại châu Á, thuộc các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Nhật Bản, nằm trong số 20 thành phố bị mức thiệt hại do ngập lụt hàng năm tăng cao nhất thế giới.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40608143

 

Việt Nam: Thượng Đế nơi đây rất dễ tính?

Nguyễn Hà HùngGửi tới BBC từ Hà Nội

Hiểu được mong muốn và đáp ứng đúng kỳ vọng của khách hàng luôn chiếm hết nguồn lực, tâm trí doanh nhân. Không ai thích trả tiền mua sự miễn cưỡng. Chỉ số hài lòng của khách hàng luôn là thông tin quan trọng nhất quyết định tương lai một doanh nghiệp.

Thế mới có quan niệm Khách hàng là Trung tâm (Customer Oriented). Chiều lòng Thượng Đế, hàng hóa của doanh nghiệp phải tốt hơn và/hoặc rẻ hơn, nếu không phải là tốt nhất và/hoặc rẻ nhất. Lý thuyết quản trị kinh doanh của các chiến lược gia hàng đầu thế giới đều thống nhất điều này.

Tiếc rằng, đó chỉ là cách làm trong một nền kinh tế thị trường (tầm thường). Kinh doanh trong nền ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ siêu hình hơn.

VN cần cải tổ doanh nghiệp bằng cách nào?

Kinh tế Venezuela và duyên nợ Việt Nam

Doanh nghiệp Nhật cần VN có luật pháp rõ ràng

Đến nay, Uber và Grab Taxi ở Hà Nội được thừa nhận vượt trội đối thủ vì dịch vụ hơn hẳn, thỏa mãn khách hàng trước, trong và sau hành trình.

Khách hàng biết trước thông tin về lái xe, không bị phân biệt đối xử dù chỉ đi một quãng đường ngắn. Với khách hàng nhỏ tuổi, cha mẹ chúng sẽ yên tâm hơn khi biết tên của lái xe, chủng loại và biển số xe.

Họ còn dễ dàng theo dõi tuyến đường, thời gian đưa đón, không bị lái xe lòng vòng mất tiền. Bạn có thể làm gì khi bị chặt chém, khi xấu hổ với khách quốc tế vì hình ảnh quốc gia kém cỏi do lái xe taxi truyền thống thiếu trung thực?

Dịch vụ của Uber cho phép khách hàng hạn chế, thậm chí loại bỏ những lái xe kém chất lượng bằng cách đánh giá sau mỗi chuyến đi.

Tuy nhiên, ở Việt Nam chừng đó chẳng là gì, ngôn ngữ đường phố gọi nó là “muỗi đốt inox”.

Các hãng taxi truyền thống, đối thủ của họ, đang kiến nghị lên… trên, thay vì cạnh tranh bằng cách cải tiến dịch vụ, giảm chi phí.

Từ đầu tháng Sáu 2017, báo chí cách mạng đăng tải dồn dập bài vở, với các tựa như Bộ Giao thông vận tải ‘phanh’ taxi công nghệ; Đưa ‘taxi công nghệ’ vào diện quản lý; Dừng cấp phép thí điểm mới taxi công nghệ; Không quản được taxi công nghệ, sao quản nổi giao thông quốc gia?; Bộ Giao thông ‘quản’ taxi công nghệ thế nào?…

Hầu hết nội dung đề cập rất sơ sài đến lợi ích của người dân. Đại biểu quốc hội thì kiến nghị đưa Uber và Grab vào khuôn khổ vì, “đã tới ngưỡng của sự cần thiết phải giới hạn về số lượng tương quan với nhu cầu và hạ tầng giao thông”, “tàng hình khó biết con số cụ thể nhưng chắc chắn sẽ nhiều hơn cả xe taxi truyền thống đang hoạt động”. Phải chăng, không bao lâu nữa, Công nghệ sẽ giống Truyền Thống, từ việc có “mào” (biển hiệu, logo nóc xe) cho đến mức giá?

Nếu đúng vậy, đây sẽ là một kết thúc vừa hài hước, vừa không có hậu. Hài hước vì nghịch cảnh, Thượng Đế bị chèn ép và lép vế. Không có hậu vì người dân chịu thiệt, ví tiền thêm teo tóp.

Thêm ý kiến về ‘Quân đội VN làm kinh tế’

Hiếm có nước nào quân đội làm kinh tế

Trong nền kinh tế thị trường, khách hàng luôn tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tẩy chay hàng hóa kém chất lượng, giá đắt.

Nhưng trong nền ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’, khách hàng có vẻ thiên về tư duy hơn hành động. Họ đã được trải nghiệm, đã biết ai mang đến hàng hóa chất lượng tốt hơn và rẻ hơn, nhưng chắc sẽ không níu giữ. Họ thường nói, có thì tốt, không có cũng chẳng chết. Có phải phẩm tính kỳ diệu của người dân nơi đây là niềm lạc quan vô tận? Vì sao? Ai biết?

Có lẽ, Thượng Đế ở đây dễ tính!

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả từ Hà Nội.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-40605403

 

Việt Nam sẽ xử lý nghiêm báo chí vòi vĩnh, đánh hội đồng

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017, diễn ra vào sáng ngày 14 tháng 7.

Người đứng đầu ngành Thông tin -Truyền thông trong nước cũng chỉ ra một số hạn chế khác như tình trạng báo chí bị thương mại hóa với việc đăng tải thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu văn hóa, và không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Ông Tuấn đã giao cho Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử xử lý tình trạng này.

Bên cạnh đó, ông Trương Minh Tuấn cũng đề nghị ngành truyền thông Việt Nam thực hiện kế hoạch Kinh Tế-Xã Hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, kế hoạch đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch.

Ngoài những mặt hạn chế trên, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông cũng khen ngợi truyền thông Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đã làm tốt việc tuyên truyền đầy đủ, chính xác quan điểm và đường lối của Đảng và Nhà nước.

Xin thưa thêm là tính đến tháng 6.2017, số lượng cơ quan báo, tạp chí in đã được cấp phép tại Việt Nam là 982 cơ quan. Số lượng cơ quan báo điện tử đã được cấp phép là 150 cơ quan, và có 17.297 nhà báo được cấp thẻ nhà báo.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-seriously-deal-with-fraud-in-state-media-07142017114538.html

 

Tướng Chung-Người bội ước

trở thành Quan tòa trong vụ Đồng Tâm

Hòa Ái, phóng viên RFA

Bản Dự thảo Kết luận Thanh tra về đất đai ở Đồng Tâm được công bố vào ngày 7/7/2017, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung. Nội dung của bản dự thảo không những mang lại nỗi thất vọng cho người dân Đồng Tâm mà bài phát biểu của ông Chung hôm đó còn khiến cho những người quan tâm đến vụ Đồng Tâm bất bình tột độ.

Khủng hoảng ở Đồng Tâm

Một tuần lễ đã trôi qua kể từ khi Dự thảo Kết luận Thanh tra về đất đai ở Đồng Tâm được công bố công khai, nhưng Đài Á Châu Tự Do ghi nhận dư luận trong và ngoài nước vẫn sôi nổi thảo luận liên quan đến bài phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vào hôm 07/07/2017.

Hầu hết những người quan tâm đến vụ việc tranh chấp đất đai giữa chính quyền địa phương với dân chúng ở thôn Hoành, gọi ông Nguyễn Đức Chung, là “người bội ước” vì Công an Hà Nội vào ngày 13 tháng Sáu ra quyết định “khởi tố vụ án hình sự đối với vụ bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản ở xã Đồng Tâm”, không đúng theo cam kết mà ông Chung đã hứa hồi đầu tháng Tư rằng không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân ở đây, khi họ buộc phải bắt giữ 38 cán bộ, công an và cảnh sát cơ động để được yêu cầu đối thoại cùng chính quyền thành phố.

Mặc cho một trong ba điều cam kết của ông Nguyễn Đức Chung không được thực hiện, cụ Lê Đình Kình, người đại diện của dân chúng xã Đồng Tâm, khẳng định vẫn tin tưởng vào chính quyền Hà Nội, với hy vọng vụ tranh chấp đất đồng Sênh sẽ được giải quyết trước khi tiến hành khởi tố điều tra người dân xã Đồng Tâm. Dân chúng nơi đây vẫn mong mỏi và trông cậy vào kết luận thanh tra sẽ được công tâm đúng theo luật pháp.

Qua bài phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung tại buổi công bố Dự thảo Kết luận Thanh tra về đất đai ở Đồng Tâm, ông Chung dùng từ “khủng hỏang”, mà trước đó cụ Lê Đình Kình đã buột miệng than rằng “Đồng Tâm lại rơi vào khủng hoảng nữa rồi!”, lúc cụ nghe tin Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự đối với người dân giữ đất ở thôn Hoành.

Nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho là Chính quyền thành phố Hà Nội có đồng quan điểm với dân chúng xã Đồng Tâm khi đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu lên nhận định của ông:

Trong bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Hà Nội Nguyễn Đức Chung dùng từ ‘khủng hoảng’ để nói về Đồng Tâm. Điều đó cho thấy trong tâm thức, trong não trạng, trong cách hành văn, cách nói của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư trong nội bộ Đảng đã phổ biến từ ‘khủng hoảng’…Điều này cho thấy vụ Đồng Tâm rất lớn và ở tầm cỡ là ‘an ninh quốc gia’-TS.Phạm Chí Dũng

“Chúng ta thấy vừa rồi trong bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Hà Nội Nguyễn Đức Chung có một từ rất đáng chú ý là ông Chung dùng từ ‘khủng hoảng’ để nói về Đồng Tâm. Điều đó cho thấy trong tâm thức, trong não trạng, trong cách hành văn, cách nói của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư trong nội bộ Đảng đã phổ biến từ ‘khủng hoảng’; có nghĩa người ta đã đánh giá vụ Đồng Tâm là ‘một vụ khủng hoảng’ chứ không đơn thuần ở cấp độ như “điểm nóng xã hội’, ‘khiếu kiện đông người’, ‘gây rối trật tự công cộng’, hay thậm chí là ‘điểm nóng chính trị’ mà nó trở thành một vụ khủng hoảng lớn. Điều này cho thấy vụ Đồng Tâm rất lớn và ở tầm cỡ là ‘an ninh quốc gia’.”

Ông Nguyễn Đức Chung khẳng định đây là một vụ khủng hoảng nên bản thân ông với trách nhiệm là Chủ tịch đã chỉ đạo cũng như đôn đốc cán bộ trong suốt quá trình thanh tra và cần công khai, minh bạch kết luận thanh tra, đúng như tinh thần cam kết của ông hồi hạ tuần tháng Tư, tại Ủy Ban nhân dân xã Đồng Tâm. Tuy nhiên, Luật sư Lê Công Định lại cho rằng việc công bố Dự thảo Kết luận Thanh tra này không đúng về mặt pháp lý. Luật sư Lê Công Định lập luận:

“Việc ông Chung, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, công bố một dự thảo thanh tra, xét về phương diện thủ tục thì sai về mặt pháp lý. Lý do là việc thanh tra bao giờ cũng được tiến hành độc lập với các cơ quan hành pháp. Bởi vì việc thanh tra ở đây là thanh tra những hoạt động, những công việc, những hành vi mà nhân viên công vụ và Cơ quan Hành pháp thực hiện. Cho nên, tại sao một bản Dự thảo Thanh tra chưa hoàn tất lại có thể công bố ngay cho Cơ quan hành pháp do ông Nguyễn Đức Chung đại diện. Điều đó đối với tôi, hoạt động thanh tra mất đi tính cách độc lập mà theo quy định của Pháp luật Việt Nam hiện hành thì hoạt động thanh tra hoàn toàn độc lập.”

Lời phát biểu thay cáo trạng

Người dân Đồng Tâm hy vọng bao nhiêu vào ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, khi ông tuyên bố trong bài phát biểu rằng “vụ Đồng Tâm phải lấy pháp luật làm trọng”, thì niềm hy vọng đó vụt tắt ngấm với kết quả thanh tra được công bố là khu đất đồng Sênh thuộc Quốc phòng. Và tuyệt vọng hơn cho dân chúng xã Đồng Tâm qua lời lẽ khẳng khái của ông Chung, mà dư luận gọi là chẳng khác nào một vị thẩm phán.

Ông Chung nói rằng nếu như người dân còn khúc mắc thì đoàn thanh tra sẽ mời lên và sẵn sàng đối thoại; đồng thời ông Chung cũng nhấn mạnh “mọi người có quyền được kiến nghị, nhưng phát biểu phải có giới hạn”. Ông Chung cũng nêu đích danh Luật sư Trần Vũ Hải cùng nhóm luật sư đại diện cho bà con xã Đồng Tâm cần có trách nhiệm tuyên truyền pháp luật cho người dân, với lời khẳng định Quân đội không bắt buộc phải chứng minh cho dân chúng việc sử dụng khu vực đất đai phục vụ quốc phòng như thế nào. Chúng tôi xin được trích nguyên văn lời ông Nguyễn Đức Chung nói “Các anh không có quyền hỏi, bởi đó là an ninh quốc gia”.

Luật sư Lê Công Định nói với RFA rất bất ngờ về những lời tuyên bố này của ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vì ông Chung đã đánh tráo khái niệm quy định đất được sử dụng cho mục đích quốc phòng theo Luật Đất đai của Việt Nam hiện hành, là chỉ dành để phòng thủ và bảo vệ đất nước, chứ không phải dành cho một doanh nghiệp thuộc quản lý của các Lực lượng Vũ trang dùng vào mục đích kinh tế. Luật sư Lê Công Định diễn giải:

“Khi chính quyền dùng cho mục đích hoạt động kinh tế sinh lợi nhuận mà lại ảnh hưởng đến lợi ích của những người dân đang sử dụng đất thì người dân hoàn toàn có quyền đặt vấn đề rằng việc thu hồi đất đó có hợp pháp hay không, vấn đề thanh tra và thu hồi đất được tiến hành có đúng theo thủ tục luật định hay không? Người dân có quyền thắc mắc, đặt câu hỏi và yêu cầu chính quyền giải quyết, chứ không phải ông Chủ tịch Ủy ban với một thái độ rất kể cả, coi thường dân mà bảo rằng người dân chẳng có quyền gì để đặt câu hỏi.”

Việc ông Chung, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, công bố một dự thảo thanh tra, xét về phương diện thủ tục thì sai về mặt pháp lý. Lý do là việc thanh tra bao giờ cũng được tiến hành độc lập với các cơ quan hành phá-LS.Lê Công Định

Trong khi những ai am hiểu Luật pháp Việt Nam, giống như Luật sư Lê Công Định, tỏ ra bất ngờ trước luận điệu của ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung rằng có một nhóm người cố tình gian dối để kích động lòng tham trong khu đất đồng Sênh, thuộc Quốc phòng thì nhiều người Mỹ gốc Việt, là những người theo dõi sát sao vụ Đồng Tâm, khá ngỡ ngàng khi nghe ông Chung nêu dẫn chứng Việt Nam sử dụng đất dành cho mục đích quốc phòng giống như tất cả các quốc gia khác trên thế giới. Từ Bang Florida, Hoa Kỳ, ông Sáu Nguyễn nêu lên thắc mắc không rõ ông Nguyễn Đức Chung có hiểu được những gì ông nói?

“Ông Chủ tịch Chung đã phát biểu để chứng tỏ rằng việc trưng dụng đất cho nhu cầu quốc phòng giống như các nước tiên tiến trên thế giới, thành ra ông có nói câu ‘Ở Mỹ, người ta đã bỏ trống một bang dành cho nhu cầu quốc phòng’. Sẵn đây tôi hỏi ông Chung cho tôi biết đó là bang nào? Thú thật tôi ở đây trên 30 năm mà tôi chưa thấy bang nào bỏ trống hết. Và một điều nữa ông Chung có biết rằng ở Mỹ, khi cần nhu cầu sử dụng đất thì Chính phủ phải trả cho người chủ miếng đất đó số tiền rất nhiều hay không?”

Bài phát biểu của ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung được báo giới trong nước đăng tải dài hơn 5 trang giấy A4 và cộng đồng cư dân mạng bình luận đây là một màn “tấu hài đỏ”, mà qua đó nhiều người trông ngóng bà con Đồng Tâm trong những ngày tới ra sao trước quyết định khởi tố vụ án hình sự treo lơ lửng trên đầu họ.

Đài RFA còn ghi nhận không mấy ai tiên đoán được Tập đoàn Viễn thông Quân Đội (VIETTEL) sẽ làm gì đối với khu đất nông nghiệp đồng Sênh được chuyển giao cho Tổng Công ty này, nhưng đa số những người quan tâm vụ việc mà chúng tôi tiếp xúc đều quả quyết không bao lâu nữa trong Tự điển tiếng Việt sẽ có thêm từ “Dân oan Đồng Tâm”.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/general-chung-the-renegade-becomes-a-judge-in-dong-tam-case-ha-07142017080555.html