Tin Việt Nam – 14/06/2018
Nhiều tàu cá Quảng Ngãi
bị tàu Trung Quốc tấn công tại Hoàng Sa
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vừa ra báo cáo hôm 14 tháng 6 cho biết 20 tàu cá của tỉnh này bị tàu Trung Quốc tấn công ở Hoàng Sa trong vòng 6 tháng đầu năm 2018.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, 20 tàu cá với 138 ngư dân của tỉnh bị tàu Trung Quốc ngăn cản, không chế cướp tài sản khi đang khai thác thủy sản tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, vốn là ngư trường truyền thống của ngư dân tỉnh.
Truyền thông trong nước loan tin vào hôm 25 tháng 5 cho biết, tàu cá của ngư dân Lê Hơn tại đảo Lý Sơn, bị tàu cảnh sát biển của Trung Quốc số hiệu 31102 đâm chìm khi đang khai thác rong biển tại khu vực đảo Bạch Quy.
Quần đảo Hoàng Sa là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc, hiện do Trung Quốc kiểm soát. Những năm qua, nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam ra đánh bắt cá tại vùng biển này đã bị các tàu chấp pháp và tàu cá của Trung Quốc tấn công, có ngư dân bị Trung Quốc bắt, đánh đập và đòi tiền chuộc.
Cũng liên quan đến tình hình Biển Đông, Bộ ngoại giao Việt Nam vào hôm 14 tháng 6 lên tiếng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ ngoại giao Việt Nam, phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bà Hằng nói thêm việc Trung Quốc triển khai tên lửa ở đảo Phú lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Làm gia tăng căng thẳng, đe dọa an ninh và ổn định trong khu vực.
Trước đó, theo phân tích được tổ chức ImageSat International (ISI) công bố hôm 11 tháng 6, các tên lửa của Trung Quốc tại đảo Phú Lâm đã xuất hiện trở lại sau khi biến mất một cách bí ẩn. Theo ISI, có thể hệ thống tên này được triển khai sang các đảo khác hoặc có khả năng các tên lửa này được chuyển về đất liền để bảo dưỡng định kỳ.
Luật Biểu tình tiếp tục bị ‘treo’
Sau đợt biểu tình rầm rộ chống dự thảo Luật Đặc Khu và An Ninh Mạng vừa qua; nhiều người lại nhắc đến Luật Biểu Tình và cho thấy đó là một nhu cầu bức thiết không thể trì hoãn được thêm nữa.
Cần thiết có Luật Biểu tình
Cứ sau mỗi dịp bùng nổ những cuộc biểu tình lớn có đông người tham gia thì cơ quan chức năng Việt Nam lại lên tiếng qui kết đó là hoạt động tập trung gây mất trật tự công cộng, bị thế lực xấu lợi dụng, kích động…
Thậm chí sau đợt biểu tình phản đối hai dự luật các khu hành chính đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc mà nhiều người gọi tắt là dự Luật Đặc Khu, cùng dự luật An Ninh Mạng; một số quan chức hàng đầu trong chính phủ Việt Nam cho rằng lòng yêu nước của người dân bị lợi dụng và dân chúng phải biết yêu nước đúng cách.
Quốc hội và các cơ quan soạn thảo luật trình qua và bàn thảo, thông qua ngay vào kỳ họp tới là điều tốt nhất cho quản lý xã hội. Nhất là về hành vi biểu tình đã nợ nhân dân đến nay là 70 năm rồi.
– Lê Văn Luân
Dù truyền thông chính thống của Nhà nước không loan tin; thế nhưng những người tham gia biểu tình trong ngày 10 tháng 6 vừa qua cho biết chính bản thân hay người khác bị buộc về trụ sở công an làm việc, bị hành hung, đánh đập… Nhiều người khác bị ngăn chặn không được ra khỏi nhà trước khi biểu tình nổ ra.
Khi xảy ra biểu tình, cơ quan chức năng phát loa yêu cầu người dân giải tán, không tập trung đông người gây mất trật tự và sẽ bị xử lý…
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Lê Văn Luân cho rằng việc xử lý việc “tụ tập đông người” sẽ khác đi nếu Việt Nam có Luật Biểu tình:
“Khi đã có Luật Biểu tình rồi nó sẽ loại trừ đi cái gọi là hành vi khách thể đối tượng khác nhau. Trường hợp gây rối là mục đích khác, còn biểu tình là hành vi pháp lý được hiến định bởi quyền hiến định, tức quyền bày tỏ chính kiến cũng bằng đông người, tuy nhiên nó gọi là hành thị hay khách thể hoàn toàn khác nhau.”
Trên facebook, bạn trẻ Lâm Vy chia sẻ bài viết của một người Việt sống tại Anh giải thích về Luật biểu tình của nước này. Cụ thể cần phải đóng lệ phí, làm giấy xin phép sẽ biểu tình vào ngày mấy, trong khoảng thời gian nào, vì sao biểu tình, cầm theo những băng rôn gì, hô hào khẩu hiệu với âm lượng bao nhiêu… Sau khi được cấp phép thì được quyền biểu tình đúng như trong giấy tờ đăng ký, hết thời gian biểu tình bắt buộc phải giải tán. Ngoài ra nếu có bạo động, an ninh có quyền đánh dẹp.
Quy định như thế được xem là bình thường tại những quốc gia dân chủ.
Dời luật biểu tình đến khi nào?
Ở Việt Nam, dự luật Biểu tình từng được nói đến từ năm 2011 sau khi xảy ra những cuộc biểu tình liên tiếp vào những chủ nhật mùa hè năm đó tại Hà Nội nhằm phản đối Trung Quốc gây hấn với Việt Nam.
Chính ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên thủ tướng Việt Nam, đưa ra đề nghị xây dựng luật biểu tình. Và có yêu cầu Bộ Công An soạn thảo dự luật này.
Tại buổi thảo luận quốc hội vào ngày 17 tháng 11 năm 2011, các đại biểu quốc hội đã tranh luận gay gắt xung quanh việc nên hay không nên đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật.
Đến ngày 26 tháng 11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết đưa dự luật biểu tình vào chương trình chuẩn bị xây dựng luật và pháp lệnh khóa 13. Tuy nhiên từ đó đến nay, dự luật này vẫn chưa được hình thành.
Giải thích về nguyên nhân vì sao chậm trễ như vậy, ông Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc hội khóa 11, 12 của đoàn Thanh Hóa cho rằng:
“Những năm qua Quốc hội Việt Nam có đặt vấn đề về Luật Biểu tình, nhưng do quá trình của các cơ quan chưa đảm bảo chất lượng, chưa được trình ra Quốc hội. Vấn đề này do cơ quan soạn thảo chưa tích cực xúc tiến việc này, do Quốc hội chưa cương quyết nên Luật biểu tình chậm ra đời.”
Là người duy nhất ủng hộ dự án Luật Biểu tình trong phiên thảo luận quốc hội ngày 17 tháng 11 bảy năm trước, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc gần đây nói với truyền thông trong nước rằng sau sự việc người dân cả nước đồng lòng xuống đường phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng, ông nghĩ đây là lúc cần có Luật biểu tình. Từ đó, người dân có thể bày tỏ ý kiến theo quy định, đồng thời có thể điều chỉnh được những người quá khích.
Đây cũng là mong muốn của Luật sư Lê Văn Luân:
“Đấy là nhu cầu thực tế cần thiết phải đặt ra cho Quốc hội và các cơ quan soạn thảo luật trình qua và bàn thảo, thông qua ngay vào kỳ họp tới là điều tốt nhất cho quản lý xã hội. Nhất là về hành vi biểu tình đã nợ nhân dân đến nay là 70 năm rồi.”
Ông Lê Văn Cuông cũng đồng ý với quan điểm này. Ông cho rằng những cuộc biểu tình vừa qua gây ảnh hưởng rất lớn về mặt kinh tế cũng như dư luận xã hội:
Vấn đề này do cơ quan soạn thảo chưa tích cực xúc tiến việc này, do Quốc hội chưa cương quyết nên Luật biểu tình chậm ra đời.
– Lê Văn Cuông
“Tôi nghĩ rằng sắp tới, qua vụ này, Quốc hội sẽ yêu cầu cơ quan soạn thảo Luật Biểu tình khẩn trương xúc tiến để nhanh chóng đưa ra Quốc hội xem xét và thông qua. Làm thế nào để có căn cứ pháp lý cho người dân được thể hiện chính kiến, nguyện vọng của mình đúng quy định pháp luật.”
Sự lúng túng của chính quyền
Nhiều ý kiến cho rằng chính việc chậm thông qua Luật Biểu tình đã góp phần tạo ra sự lúng túng trong cách ứng xử của chính quyền, và cả trong các đánh giá trái chiều trong dư luận về mỗi cuộc biểu tình.
Điều này được minh chứng rõ ràng trong những ngày vừa qua, ngay sau khi những hình ảnh, video về cuộc biểu tình tại các tỉnh thành được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Facebook, hai luồng ý kiến tranh cãi gay gắt đã xuất hiện.
Tuy nhiên, báo chí chính thống của Việt Nam đã im lặng, kể cả Đài truyền hình quốc gia Việt Nam VTV cũng không hề đưa tin trong phần thời sự. Mãi đến một ngày sau, các báo mới đồng loạt đưa tin về những cuộc biểu tình. Tuy nhiên lại cho rằng bị thế lực phản động dụ dỗ để kích động biểu tình. Việc này được các nhà quan sát nhận xét là chính phủ Hà Nội đã lúng túng do không lường trước được sức mạnh đoàn kết của nhân dân nên đã không có chỉ đạo thông tin kịp thời.
Trong những năm gần đây, nhờ vào sự phát triển mạng xã hội, người dân biết được nhiều hơn về tình hình chính trị – xã hội. Từ đó bày tỏ ý kiến và đòi hòi hỏi quyền lợi nhiều hơn. Điển hình như các cuộc biểu tình phản đối các nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm, phản đối Formosa hay gần đây nhất là phản đối dự luật đặc khu và dự luật An ninh mạng.
Thêm bắt giữ sau đợt biểu tình
chống dự luật đặc khu và an ninh mạng
Công an thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai hôm 14-6 cho biết đã tạm giữ 18 người bị cho là cầm đầu, kích động người dân gây rối gây mất trật tự an ninh vào ngày 10-6 vừa qua.
Truyền thông trong nước trích thông tin từ Công an Thành phố Biên Hòa cho biết 18 người này được xác định là đã được lực lượng chức năng “sàng lọc” trong 52 đối tượng bị bắt giữ sau khi xảy ra vụ biểu tình phản đối dự luật về đặc khu ở Đồng Nai. Số còn lại được tại ngoại phục vụ điều tra.
Theo truyền thông trong nước, vào ngày 10-6, hàng trăm người dân đã xuống đường tuần hành trên đường Nguyễn Ái Quốc, quốc lộ 1 đi qua địa bàn Đồng Nai để phản đối dự luật đặc khu. Đa số người dân biểu tình ôn hòa, nhưng một số người bị cho đã lợi dụng nhằm kích động, lôi kéo hò hét, chặn các phương tiện giao thông gây mất trật tự.
Trong ngày 10 /6, người dân ở nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đã đổ ra đường phố phản đối hai dự luật trình quốc hội là luật đặc khu và an ninh mạng. Nhiều người dân lo ngại dự luật đặc khu cho phép nhà đầu tư nước ngoài thuê đất đến 99 năm sẽ tạo cơ hội cho người Trung Quốc vào chiếm đất. Các cuộc biểu tình đã biến thành bạo động tại tỉnh Bình Thuận kéo dài đến hết ngày 11/6.
Bộ Công An lập hồ sơ xử lý
phần tử quá khích trong các cuộc biều tình
Bộ Trưởng Bộ Công An yêu cầu công an địa phương khẩn trương lập hồ sơ và xử lý nghiêm những phần tử quá khích trong các cuộc biểu tình vừa qua ở Việt Nam.
Truyền thông trong nước dẫn lời của Bộ trưởng Tô Lâm như vừa nêu, tại cuộc họp của ngành công an vào chiều ngày 13 tháng 6, ở thành phố Hồ Chí Minh.
Trong cuộc họp này, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh mặc dù Dự luật Đặc khu được lùi thời gian thông qua sang kỳ họp tới của Quốc Hội, nhưng các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ ý định chống phá bằng việc kích động, gây rối biểu tình.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại cuộc họp rằng Bộ Công An tiếp tục hỗ trợ công an các địa phương tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, cũng như trong công tác truy bắt những đối tượng chủ mưu, quá khích trong các cuộc biểu tình để sớm đưa ra truy tố, xét xử và nỗ lực ngăn chặn tụ tập đông người phá hoại tài sản, nhất là trên quốc lộ 1A.
Trong cùng diễn tiến, vào chiều ngày 14 tháng 6, Công an thành phố Cần Thơ ra thông báo phát hiện một số trường hợp đăng tải thông tin trên mạng xã hội để kích động dân chúng biểu tình; đồng thời công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân tố giác những ai kích động đình công, biểu tình.
Trong thông báo của Công an thành phố Cần Thơ ghi rõ những người tố giác sẽ được bảo vệ và khen thưởng.
Truyền thông quốc nội còn cho biết từ ngày 1 tháng 7, công an cấp huyện trở lên có thể được xem xét trang bị vũ khí quân dụng, bao gồm súng các loại, tên lửa chống tăng cá nhân và cả trực thăng vũ trang.
Công an thuộc các đơn vị xã, phường, thị trấn cũng được xem xét trang bị dùi cui điện, bình xịt hơi cay và súng các loại…
Người Mỹ gốc Việt bị bắt giữ khi biểu tình ở TPHCM
Một người Mỹ gốc Việt bị bắt giữ khi tham gia biểu tình hôm 10/6 ở TP HCM và hiện vẫn chưa có thêm tin tức gì về anh.
Gia đình của Will Nguyễn đang làm việc với Đại sứ quán Mỹ và kêu gọi các dân biểu Hoa Kỳ lên tiếng kêu chính quyền Việt Nam phóng thích anh.
Will Nguyễn, 32 tuổi, người Mỹ gốc Việt ở Houston bang Texas, tốt nghiệp đại học Yale và vừa hoàn thành chương trình cao học Chính sách Công ở Singapore, gia đình và bạn bè cho biết.
Trong lúc chờ đợi tốt nghiệp, Will trở về Việt Nam và muốn “dạy học hay làm gì đó cho người Việt,” bà Vân, mẹ Will nói với một đài truyền hình địa phương ở Hoa Kỳ.
Suy ngẫm về biểu tình ở Việt Nam: Đâu là gốc?
Quốc Hội VN lùi đặc khu, kêu gọi dân ‘bình tĩnh’
Một người bạn của Will cho BBC biết hôm 14/6 rằng anh đã có dự định về Việt Nam từ vài tháng trước, và anh vô tình đặt vé về TP HCM hôm 9/6.
“Là một người quan tâm đến chính trị và Việt Nam, nên anh Will nói anh sẽ tham gia cuộc biểu tình xem thế nào, sau khi thấy các lời kêu gọi biểu tình hôm 9/6,” người bạn xin giấu tên này cho biết.
Trên Facebook lan truyền nhiều video quay cảnh một số người biểu tình bị một nhóm người đấm, đá và lôi “xềnh xệch” trên đường trước khi bị tống vào một chiếc xe.
Một trong số đó có Will Nguyễn, được trông thấy bị kéo lê trên với máu chảy ở mặt.
Nhóm bạn của anh cho biết anh bị đem về đồn công an Phường 13, Quận 3, nhưng hôm 11/6, sau khi nhóm đóng tiền phạt hành chính bảo lãnh 750.000 đồng, Will vẫn không được thả và bị đưa đến một nơi khác, người bạn của Will cho biết.
Will Nguyễn đã làm gì ở buổi biểu tình?
Một người biểu tình gặp Will tại buổi biểu tình hôm 10/6 cho BBC biết, anh gặp Will khi đi cùng đoàn ở công viên Hoàng Văn Thụ.
“Will đi chỉ mục đích quan sát, chụp hình và chỉ cầm theo hai chai nước, chứ không cầm theo biểu ngữ gì, cũng không hô hào gì.”
“Có một số cảnh sát, công an để xe máy, xe ô tô chặn đường thì anh Will có giúp bà già, trẻ con qua để họ không bị kẹt,” người này cho biết.
“Anh Will chỉ dọn dẹp xe, che chắn giúp người dân mà bị mấy người thanh niên họ kéo lê, vừa đánh vừa đạp vào mặt. Tôi có la lên là ‘không được bắt người nước ngoài, anh ta không có làm gì sai hết’ nhưng công an chặn tôi lại,” người này nói thêm.
Gia đình của Will Nguyễn đang liên hệ với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và một số dân biểu để vận động trả tự do cho anh.
Bạn bè của Will cũng cho BBC biết, công an hôm thứ Ba đã đến nhà trọ Airbnb mà Will đang cư trú, đọc lệnh khám nhà và tịch thu, laptop, hộ chiếu và một số tài sản cá nhân.
Theo bài viết cá nhân đăng nhân dịp 30/4 trên trang New Naratif, Will cho biết gia đình anh sang Hoa Kỳ tỵ nạn sau chiến tranh Việt Nam.
Một đoạn trong bài nói trên của Will viết:”…Cần phải công nhận rằng cuộc chiến là một bản tuyên ngôn của cả miền Bắc và miền Nam đều mong muốn điều tốt đẹp nhất cho người dân Việt, mặc dù mỗi bên chọn một con đường hoàn toàn khác nhau. Sẽ là hoài nghi đến mức không thể tha thứ được nếu tin vào điều ngược lại rằng cả hai chính quyền đều không phải là chủ thể nguyên vẹn do các cá thể người Việt yêu nước tạo thành”.
“Cội rễ của sự tranh chấp bắt nguồn ở sự cạnh tranh của cả hai bên để trở thành phe duy nhất đúng. Cả hai miền Bắc và Nam đều có lý do để tin mình là chính đáng – một thực tế mà người Việt cả trong nước và hải ngoại vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận…”
Trong bài viết, Will cũng nói rằng “anh vẫn đang tìm hiểu [cuộc chiến Việt Nam], và có một cách tiếp cận ít phân cực hơn, nhiều sắc thái hơn về cuộc chiến, các hệ tư tưởng đối kháng nhau”.
Phát ngôn viên của Đại sứ quan Hoa Kỳ tại Hà Nội cho BBC biết hôm 14/6:
“Chúng tôi biết từ các báo cáo truyền thông rằng một công dân Hoa Kỳ đã bị bắt tại Việt Nam. Khi một công dân Hoa Kỳ bị giam giữ ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ làm việc để cung cấp tất cả sự hỗ trợ lãnh sự thích hợp. Do có những cân nhắc về quyền riêng tư, chúng tôi không có bình luận gì thêm.”
Phóng viên BBC ở Bangkok đã liên hệ với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm trật tự xã hội TPHCM và công an Phường 13, Quận 3, nhưng được cho biết là họ “không có thông tin gì và không biết gì về Will Nguyễn”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44481540
Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng
về trường hợp Will Nguyễn
Trả lời câu hỏi về trường hợp công dân Mỹ Will Nguyễn bị bắt khi tham gia biểu tình ở Sài Gòn hôm 10/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 14/6 cho biết ông Will Nguyễn bị giam giữ vì gây mất trật tự công cộng.
Will Nguyễn, 32 tuổi, một thanh niên người Mỹ gốc Việt đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ khi tham gia biểu tình ở Sài Gòn phản đối hai Dự luật An ninh mạng và Đặc khu
Theo AP, gia đình và bạn bè của Will Nguyễn lên tiếng trong một thông cáo đưa ra hôm thứ Năm 14 tháng 6, rằng ông Will Nguyễn bị đánh và kéo lê vào một xe cảnh sát trong cuộc biểu tình hôm Chủ nhật vừa qua.
Bản thông cáo cho biết thêm ông Will Nguyễn bị bắt vào đồn cảnh sát và hiện tại chưa biết tình trạng sức khoẻ của ông như thế nào.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 14/6, nói rằng không có việc sử dụng vũ lực và cuộc thăm lãnh sự giữa đại sứ quán Mỹ với ông Will Nguyễn đã được sắp xếp.
Tờ New York Times hôm 14 tháng 6 dẫn lời cô Victoria Nguyễn, em gái của ông Will trả lời qua email cho biết: “Anh ấy tự hào là một người Mỹ gốc Việt tự hào, đam mê nghiên cứu, đặc biệt là các nghiên cứu Đông Nam Á, là chuyên ngành của anh ấy.”
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết Đại sứ quán đã biết về chuyện này qua truyền thông và khẳng định rằng khi một công dân Hoa Kỳ bị giam giữ ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ những vấn đề cần thiết. Tuy nhiên sứ quán Hoa Kỳ không đưa thêm bất cứ một bình luận gì vì lý do quan ngại quyền riêng tư.
Bộ trưởng công an CSVN
vào Bình Thuận giải quyết hậu quả biểu tình
Bộ trưởng công an CSVN Tô Lâm hôm Thứ Tư 13/06 dẫn đầu một phái đoàn đến tỉnh Bình Thuận, để trực tiếp điều khiển cuộc điều tra và giải quyết hậu quả của những cuộc biểu tình bạo động diễn ra trong mấy ngày trước.
Theo VietNamNet, ông Tô Lâm đã làm việc với các quan chức tỉnh Bình Thuận, xác định việc người biểu tình bạo động, phá hoại tài sản nhà nước, tấn công lực lượng công quyền trong những ngày qua là hết sức nghiêm trọng. Trước đó, ông Tô Lâm đã đến bệnh viện ở thành phố Phan Thiết để thăm những viên chức cảnh sát cơ động bị thương khi trấn áp người biểu tình. Sau khi làm việc với công an tỉnh vào sáng Thứ Tư, ông Tô Lâm lên đường đến huyện Tuy Phong, nơi xảy ra cuộc biểu tình lớn chống dự luật đặc khu trên quốc lộ 1A.
Người biểu tình giận dữ vì bị cảnh sát cơ động dùng vòi rồng trấn áp, đã phóng hỏa đốt trụ sở đội cứu hỏa cùng tám xe cảnh sát. Theo hãng tin Reuters, khoảng 100 người biểu tình đã bị bắt giữ trong buổi tối Thứ Hai. Vào đêm Chủ Nhật cũng có 102 người khác bị bắt.
Theo báo mạng VietNamNet, công an Bình Thuận đã thả hầu hết những người bị bắt trong đêm Chủ Nhật, hiện chỉ tạm giữ 8 người và có dấu hiệu sẽ truy tố hình sự những người này. Trong cuộc biểu tình hôm Thứ Ba, đài truyền hình VTV loan tin có thêm 80 người biểu tình bị bắt giữ.
Nhà cầm quyền CSVN đang kết luận vu vơ rằng những vụ bạo loạn là do “các nhóm phản động lên kế hoạch từ trước”.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/bo-truong-cong-an-csvn-vao-binh-thuan-giai-quyet-hau-qua-bieu-tinh/
Dân Việt Nam biểu tình,
Trung Quốc kêu gọi công dân cảnh giác
Bắc Kinh kêu gọi công dân Trung Quốc tại Việt Nam đề cao cảnh giác sau một loạt những vụ biểu tình hôm 10/06/2018 tại nhiều thành phố ở Việt Nam, nhằm chống lại kế hoạch thông qua luật đặc khu kinh tế, bị nhiều người cho là tạo điều kiện cho Trung Quốc chiếm đất của Việt Nam.
Theo hãng tin Anh Reuters ngày 11/06, trong một thông báo đăng trên trang web, đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội gọi các cuộc biểu tình là những « cuộc tụ tập bất hợp pháp », đã bao gồm một số « nội dung chống Trung Quốc ».
Trên cơ sở đó, sứ quán Trung Quốc cho biết đang chú ý theo dõi tình hình và nhắc nhở công dân Trung Quốc là « phải chú ý đến vấn đề an ninh khi đi lại ».
Ngày 10/06, biểu tình đã bùng lên ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam, từ Hà Nội, đến thành phố Hồ Chí Minh cũng như một số thành phố ở miền Trung.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, sự cố nghiêm trọng nhất xẩy ra tại Bình Thuận. Truyền thông Việt Nam cho biết là đám đông biểu tình ném chai xăng và gạch đá vào lực lượng an ninh, làm hư hại nhiều cơ sở và xe cộ của chính quyền. Công An đã bắt giữ 102 người biểu tình, và đã có hàng chục cảnh sát đã bị thương trong vụ việc.
Còn tại thủ đô Hà Nội, công an cũng bắt giữ hơn một chục người biểu tình tuần hành ở một khu phố đông người, nhiều người mang biểu ngữ chống Trung Quốc, trong đó có một tấm ghi là « Không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ trong một ngày ».
Giới đấu tranh tại Việt Nam cho biết nhiều người biểu tình cũng đã bị bắt giữ tại thành phố Hồ Chí Minh.
Các cuộc biểu tình nổ ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, nơi mà Trung Quốc càng lúc càng có thêm những hành động hung hăng nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ, và sẵn sàng dùng sức mạnh đối với những nước cũng có tuyên bố chủ quyền, như trong trường hợp của Việt Nam.
Vào năm 2014, khi Trung Quốc cho kéo giàn khoan HD-981 vào cắm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nổ ra khắp nơi tại Việt Nam vào khi ấy.
Thoạt đầu, chính quyền Việt Nam đã để yên cho những cuộc biểu tình ôn hòa, nhưng sau đó đã phải trấn áp khi nhiều cuộc xuống đường biến thành những vụ bạo động, vuột khỏi tầm kiểm soát, với hơn 200 cơ sở mà chủ nhân là người Trung Quốc hay người nước ngoài bị tấn công hoặc phóng hỏa.
Kịch bản năm 2014 được cho là nguyên nhân khiến Trung Quốc sớm đưa ra lời cảnh báo công dân của họ tại Việt Nam.
Việt Nam tuyên bố sẽ trừng phạt các phần tử “cực đoan”
Theo hãng Reuters, chính quyền Việt Nam ngày 12/06/2018 cho biết là Công An đang điều tra các vụ bạo động tại Bình Thuận, với người biểu tình xô xát dữ dội với lực lượng an ninh. Sau 102 người bị bắt giữ hôm trước, tối thứ Hai 11/06, Công An đã bắt thêm 100 người khác. Trong số này, chưa rõ là đã có bao nhiêu người được thả.
Một bản tin tối thứ Ba, 12/06 của đài truyền hình VTV nói đến 80 người bị giam giữ.
Theo hãng tin Anh, chính quyền đã đổ lỗi cho các nhóm “cực đoan” là đã gây ra những vụ bạo động như tấn công lực lượng an ninh, phá hủy cơ sở nhà nước và đốt xe cảnh sát.
Reuters nhận định: Cho dù chính quyền Việt Nam thường nhẹ tay đối với các cuộc biểu tình chống lại hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông, nhưng những vụ xuống đường luôn luôn là một thách thức đối với chính phủ. Kế hoạch lập các đăc khu kinh tế không nêu rõ tên Trung Quốc, nhưng khả năng các công ty Trung Quốc lao vào thâu tóm các nơi này đã khiến người dân lo ngại.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180614-dan-viet-nam-bieu-tinh-trung-quoc-keu-goi-cong-dan-canh-giac
Đình chỉ điều tra Vũ Đình Duy tới khi bắt được
Cơ quan điều tra Bộ Công An Việt Nam hôm 14/6 ra quyết định tạm đình chỉ điều tra ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTEX), hiện đang bỏ trốn, chờ đến khi bắt được.
Ông Vũ Đình Duy trước đó bị khởi tố về 2 tội danh Cố ý làm trái và Nhận hối lộ.
Hôm 31/5 Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với ông Vũ Đình Duy.
Sau khi bị khởi tố, vào tháng 10 năm ngoái, ông Vũ Đình Duy đã bỏ trốn. Đến ngày 7 Tháng Năm vừa qua, ông Vũ Đình Duy lại có mặt tại tòa thượng thẩm tại thủ đô Berlin, làm nhân chứng trong vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức dầu khí.
Một số nguồn tin từ phiên tòa xử ông Thanh bên Đức cho biết ông Vũ Đình Duy khai rằng ông có tiếp xúc với tòa đại sứ Việt Nam tại châu Âu, nhưng không nói rõ nước nào, ngoài ra ông Duy còn nói vẫn đi lại thoải mái với những người bên Ba Lan, bên Praha, Séc.
Ngoài ông Duy, trong vụ án này còn có 4 nhân vật khác bị khởi tố, bao gồm ông Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVTEX , Vũ Phương Nam, kế toán trưởng PVTEX, Đào Ngọ Hoàng, nguyên Trưởng phòng thương mại PVTEX và Đỗ Văn Hồng, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc.
Cũng liên quan cán bộ sai phạm, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) ngày 14 tháng 6 đã quyết định kỷ luật nhiều cán bộ liên quan tới Dự án Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè.
Những người bị kỷ luật khiển trách gồm ông Trần Tấn Hải, Phó Tổng giám đốc; ông Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng phòng Kinh tế- Tổng hợp; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Kế toán trưởng công ty Tân Thuận. Một người bị kỷ luật cảnh cáo là ông Nguyễn Hoàng Việt, kiểm soát viên công ty Tân Thuận.
Trước đó, liên quan vụ án này, ông Tất Thành Cang, phó Bí thư Thành ủy đã bị đề xuất kỷ luật vì những sai phạm trong dự án này. Còn ông Trần Công Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận bị cách hết các chức vụ trong Đảng.
Vào ngày 5 tháng 6 năm ngoái, ông Cang cho phép Công ty Tân Thuận chuyển nhượng hơn 320.000 m2 đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Đây là khu đất được nói có vị trí đẹp nhưng giá bán lại rẻ, chỉ có 1,29 triệu đồng/m2, thu về 419 tỷ đồng cho ngân sách. Trong khi đó khu đất này được ước tính có giá khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.
Sau đó, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đã đánh giá lại khu đất và cho biết giá trị là hơn 574 tỷ đồng, tức Công ty Tân Thuận đã gây thất thoát 150 tỷ đồng.
10/6: những bài học tuyệt vời
Vũ Thạch
Sau vài ngày lấy lại sức và kiểm lại hàng ngũ, có lẽ đây là thời điểm tốt để rút tỉa kinh nghiệm từ cuộc xuống đường đầu tiên của Mùa Hạ 2018.
Trước hết, phải nói ngay mức ứng dụng nhuần nhuyễn các kỹ thuật biểu tình bất bạo động của bà con biểu tình vào ngày 9 và 10 tháng 6 vừa qua là một ngạc nhiên lớn. Vì bẵng đi từ lần biểu tình Vì Môi Trường vào tháng 5/2016 đến nay, hầu như chúng ta không có cuộc xuống đường nào đáng kể. Hai năm thao dợt, dù chỉ trong tư tưởng, đã dẫn đến những biểu hiện tuyệt vời.
(Trường hợp Bình Thuận có nhiều lý cớ đặc biệt phía sau nên cần phân tích trong một bài riêng).
A. Những điều tuyệt vời.
Sau đây là một số điểm đặc sắc nhất trong một danh sách rất dài về 2 ngày biểu tình vừa qua:
Ngay từ phút đầu, đã có sáng kiến không cần “dương đông kích tây” mà “dương cả đông và tây rồi tùy tình hình mà kích”; nghĩa là có mặt nhưng phân tán mỏng tại vài địa điểm. Nếu thấy số công an tại nơi nào ít thì tụ lại tại đó và thông báo cho các nơi khác kéo đến. Công an không dám bỏ trống các nơi kia, chuyển quân chậm hơn dân vì phải chờ lệnh trên,và khi tới nơi thì đã quá trễ.
Kế đến, sáng kiến dùng cả 2 phương tiện đi bộ và đi xe 2 bánh thật đặc sắc. Các anh chị em chạy xe có thể đóng góp trong nhiều chức năng đặc biệt: dò đường phía trước xem có bao nhiêu công an đang chận để cố vấn cho đại đoàn đi bộ nên theo lộ trình nào; hoặc chuyển đến cho đoàn đi bộ khi đã đủ đông những vật liệu cần thiết để tránh bị an ninh giật từ sớm; hoặc chở những người cầm loa xướng các khẩu hiệu để khó cho an ninh cướp giật hơn; hay ngay cả làm trạm cứu thương lưu động, làm xe tải thương.
So với các lần trước, lần này có sự tham gia đa dạng nhất, bao gồm đủ loại thành phần bà con và đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến cụ già. Đây là một thành công lớn vì chính sự đa dạng này làm gạch nối đến rất nhiều gia đình, mở rộng vòng đai ủng hộ và từ đó gia tăng số người biểu tình trong các lần tới. Để tiếp tục duy trì lợi điểm quan trọng này, chúng ta cần quan tâm làm thêm một số việc như đề nghị trong phần B bên dưới.
Lần này chúng ta cũng đã có một số biểu ngữ tiếng Anh viết rất gọn ghẽ và đúng cả văn phạm lẫn cách dùng chữ. Số biểu ngữ này không cần nhiều, nhưng cần đủ chuyên môn để thu hút phóng viên nước ngoài và đủ nói lên mục đích của cuộc biểu tình khi tin tức lên đến các đài truyền hình nước ngoài.
Sáng kiến dùng nhiều băng rôn ngắn cũng là đối sách rất hay. Trong 1 cuộc biểu tình lớn, băng rôn thật dài đi đầu có nhiều công dụng đặc biệt. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay chúng ta KHÔNG thể dùng cách này vì tốn kém, rất khó giấu và khi bị giật băng rôn dài là mất hết. Thay vào đó, các băng rôn chỉ dài tối đa khoảng 2,5 mét, rất dễ giấu, chỉ cần 2 người cũng giăng ra được, và khi cần thì các băng rôn nhỏ đứng sát lại với nhau để tương đương với 1 băng rôn lớn.
Kỹ thuật hô khẩu hiệu lần này đã hoàn chỉnh. Người xướng hô dài nhưng tập thể chỉ cần hô đáp lại mỗi lần bằng 2 đến 4 chữ mà thôi. Nhờ đó rất đồng bộ và khí thế. Đặc biệt có loại đối đáp ngắn như “Việt Nam – Việt Nam”, “Yêu nước – Xuống đường”, …
Thể loại cũng rất đa dạng. Các câu hô với nội dung phản đối được xen kẽ bằng các bản nhạc ngắn quen thuộc, trộn với những lời hô ca ngợi đất nước, xiển dương tình đoàn kết. Đặc biệt các câu hô vui càng giúp không khí biểu tình thêm lạc quan, hấp dẫn, như lời hô đối đáp “Chỉ cho nước – Không bán nước”.
Điều làm nhiều người cảm động là một số chị vừa tình nguyện đi đầu vừa giải thích cho người chung quanh: “Tụi nó hổng dám đánh tụi tui đâu”. Thật vậy, không phải vì phái nam nhút nhát nhưng rất nhiều cuộc biểu tình bất bạo động trên thế giới đã biết tận dụng lợi thế này. Đó là hình ảnh một chính quyền bạo hành các phụ nữ biểu tình ôn hòa có tác động rất lớn đối với công luận cả trong và ngoài nước, vừa vạch trần bản chất thô bạo của kẻ cầm quyền vừa là dòng điện giật cả dân tộc đứng lên.
Kỹ thuật biểu tình bất bạo động cũng đã thấm vào bà con một cách rất tự nhiên. Hầu như mọi người đều ý thức được tầm quan trọng của việc duy trì mật độ đông đảo và đồng đều trong toàn đoàn biểu tình, không để khúc nào thưa thớt vì dễ trở thành cơ hội cho công an cắt lìa. Ngay khi có khúc nào hơi thưa thớt, bà con kêu ngay nhóm đi trước chậm lại hay dừng hẳn để chờ nhóm sau có giờ đi tới.
Khi có vụ an ninh bắt lẻ nào, bà con dừng ngay lại, hô lớn để nhiều người tới giải cứu. Khi thấy số người biểu tình đông áp đảo, đám an ninh thường thụt lùi. Đặc biệt các anh chị em chụp hình cần lưu ý điều này. Nhiều khi vì quá mải mê tác nghiệp hoặc muốn lấy cảnh rộng của cả đoàn người đi, các bạn này có lúc đứng cách quá xa đoàn biểu tình và trở thành “mồi ngon” cho an ninh. Nếu muốn chụp từ xa, người chụp hình nên có thêm 1 đồng đội làm nhiệm vụ nhìn ngang ngó dọc để nhanh chóng trở vào đoàn biểu tình khi thấy an ninh xấn tới.
Có lẽ đặc sắc nhất trong cuộc biểu tình lần này là sự ứng biến tại chỗ về đường đi. Lộ trình đã không được thông báo trước và không cố định nên đã tránh được nhiều chốt chận. Khi thấy công an dàn ngang phía trước, đoàn biểu tình rất bình tĩnh lượng giá. Khi thấy số công an ít, bà con cứ từ từ tiến tới. Khi công an chận 1 người thì 5, 7 người chung quanh vượt qua lằn ranh. Khi số người vượt qua đã quá đông, công an đành chịu thua. Nhưng khi thấy số công an đông đảo, đoàn biểu tình rẽ sang đường khác, không cần đối đầu nếu không cần thiết.
Điều cần lưu ý là có lúc chính các công an đang chận đường chỉ hướng cho đoàn biểu tình rẽ đi lối khác. Chúng ta không nên tin vào hướng của họ vì hướng đó có thể là cái bẫy chờ sẵn của CSCĐ hoặc ngõ cụt. Đoàn biểu tình cứ lượng giá tình hình theo tương quan lực lượng và các dữ kiện trinh sát từ các anh chị em chạy xe 2 bánh cho biết, rồi quyết định hướng đi theo ý mình.
Và còn nhiều điều tuyệt vời nữa …
Ngay cả những nơi không thành tựu được cuộc biểu tình cũng đã góp phần không nhỏ vào nỗ lực chung trên cả nước. Rõ ràng vì các cố gắng biểu tình của các anh chị em tại Hà Nội, dù không thành, mà số lượng CSCĐ bị cầm chân tại đó, giảm bớt sức ép cho bà con Bình Thuận và có thể cả Sài Gòn và các nơi khác. Cũng vậy, mỗi nhà hoạt động bị canh giữ tại nhà đã gỡ được cho bà con biểu tình từ 4 đến 10 tên công an – an ninh. Ta cứ nhân lên sẽ thấy tổng số và hệ quả.
B. Những điều chưa tới mức tuyệt vời.
Sau đây là một vài điều chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa trong tương lai:
Một điểm tuy nhỏ nhưng đáng lưu ý. Đó là có nên cầm cờ nước ngoài trong cuộc biểu tình của ta không? Cho mục đích gì? Có lẽ chỉ nên có 2 trường hợp ngoại lệ sau đây: (1) cầm cờ của các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc trong những dịp đặc biệt như ngày Quốc Tế Nhân Quyền, v.v… để thu hút sự quan tâm của thế giới; (2) có người ngoại quốc tham gia đoàn biểu tình và muốn cầm cờ nước họ để bày tỏ lòng ủng hộ từ nhân dân nước đó.
Khi số người biểu tình đã lên đến số ngàn, chúng ta nên tận dụng số đông bao vây các xe buýt đang chở người bị bắt. Cần bao xe buýt cả 4 phía với độ dày từ 5 vòng người trở lên, vừa hô hoán, vừa chụp hình tài xế và các công an chìm nổi trên xe, vừa vỗ, vừa lắc xe, … cho đến khi chúng phải thả tất cả người bị bắt ra.
Thỉnh thoảng nên đề nghị tất cả bà con ngồi xuống nghỉ chân từ 3 đến 5 phút (đừng ngồi quá lâu có thể làm giảm khí thế) rồi đứng lên đi tiếp. Việc xen kẽ những lúc nghỉ ngơi ngắn này rất cần thiết để giữ các em nhỏ, các vị lớn tuổi, tức duy trì sự đa dạng, trong hàng ngũ biểu tình. Hơn thế nữa, đây cũng là một cách để thể hiện sức mạnh của số đông. Bên cạnh các thông điệp mạnh mẽ là sự đồng bộ, ngàn người như một trong đoàn biểu tình, bảo nhau đi là cùng đi, đứng là cùng đứng, ngồi là cùng ngồi.
Một bài học chúng ta đã rút được từ nhiều lần trước. Đó là: Đừng biểu tình tới giọt xăng cuối cùng. Nếu kéo dài quá 3 tiếng, đặc biệt khi trời nắng, sẽ có hiện tượng bà con đuối sức, lác đác bỏ về dần. Do đó, cho mỗi lần biểu tình rất cần chính thức giải tán khi đạt tới một cao điểm thành công nào đó. Các anh chị em hoạt động cần hội ý trước một số tình huống được xem là thành công và lấy quyết định Tuyên bố thành công tại hiện trường trước khi giải tán.
Và nhìn rộng rơn, giải pháp cho đất nước là một tiến trình của nhiều nỗ lực. Mỗi nỗ lực cần được đánh dấu bằng một thành công để tạo động lượng cho nỗ lực kế tiếp. Và quan trọng không kém là khoảng thời gian dưỡng sức, rút kinh nghiệm, và chuẩn bị giữa 2 nỗ lực.
Trên căn bản đó, chúng ta cần đối diện với câu hỏi: có nên biểu tình liên tục mỗi ngày hay mỗi tuần không?
Trước hết, dù có biểu tình hay không ta vẫn phải rục rịch làm như sắp có biểu tình để duy trì mức căng thẳng và sự mệt mỏi của lực lượng trấn áp. Việc cầm chân lực lượng trấn áp tại những nơi không có biểu tình càng lúc càng hệ trọng vì nay không chỉ Sài Gòn và Hà Nội có khả năng biểu tình. Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Nghệ An, Tây Nguyên … cũng đã bắt đầu xuống đường.
Quyết định có biểu tình hay không nên là ý chung và được lấy vào giờ chót, trong khoảng 12 tiếng trước giờ biểu tình. Xin đừng tiếc công chuẩn bị vì không tuần này thì có thể tuần sau.
Và quyết định biểu tình hay không nên dựa trên ít là 3 yếu tố sau đây để gia tăng xác suất thành công:
Mức uất hận và mức mệt mỏi của bà con trong vùng. Đây là 2 điều khác biệt và cả 2 cần được lượng giá.
Mức sẵn sàng của giới hoạt động, bao gồm từ sự đồng thuận và các chuẩn bị công việc.
Mức phân tâm của giới cầm quyền, từ các bận rộn cho một sự kiện ngoại giao lớn đến tình hình đấu đá nội bộ đến cảnh đối phó với nhiều đám cháy cùng lúc, …
—
Có nhiều điều đáng nhớ, đáng quí, đáng mừng trong 2 ngày 9 và 10 tháng 6 năm nay, nhưng có lẽ mừng nhất là LÒNG YÊU NƯỚC TUYỆT VỜI CỦA DÂN TỘC CHÚNG TA vẫn còn đó, vẫn sôi sục dù cả nhà cầm quyền VN lẫn TQ đã cố gắng xóa nhòa suốt mấy thập niên qua.
https://vietbao.com/p122a282142/10-6-nhung-bai-hoc-tuyet-voi
Việt Nam tham gia
tập trận hải quân lớn nhất thế giới tại Hoa Kỳ
Việt Nam sẽ tham gia tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) tại Hawaii và Nam California, bắt đầu vào cuối tháng 6 này.
Hôm 14/6, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Dan Kritenbrink ra thông báo trên Facebook: “Tôi rất vui khi Việt Nam lần đầu tiên sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới trong năm nay – một chỉ dấu quan trọng khác nữa về vai trò của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế.”
Hải quân Mỹ hôm 30/5 công bố danh sách 26 quốc gia tham dự cuộc tập trận hải quân RIMPAC, diễn ra từ ngày 27/6 đến 2/8. Việt Nam, Sri Lanka, Brazil và Israel là 4 nước lần đầu tiên tham dự cuộc tập trận RIMPAC, theo trang mạng Stars & Strips dẫn thông báo của Hải quân Mỹ cho biết.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu Biển Đông, nói với VOA rằng ông rất vui mừng trước tin này:
“Đó là một tin vui cho Việt Nam. Một cuộc tận trận với hai mươi mấy quốc gia thì mang tính đa phương rất lớn. Điều này rất thuận lợi cho Việt Nam. Như tôi đã từng nói: Việt Nam không cô đơn và không dễ gì bị bắt nạt.”
VOA cố gắng liên lạc với Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Việt Nam để xác nhận tin này nhưng chưa được phản hồi.
VnExpress trích lời Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề quân sự – chính trị Tina Kaidanow nói: “Tập trận RIMPAC là cơ hội tuyệt vời và rất quan trọng đối với quan hệ song phương Việt – Mỹ. Đây chỉ là một trong những sự kiện đầu tiên giữa hai nước trong thời gian gần đây, sau chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay USS Carl Vinson và việc Tuần duyên Mỹ chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton cho Cảnh sát biển Việt Nam.”
Việc Mỹ lần đầu tiên mời Việt Nam tham gia RIMPAC đánh dấu một bước tiến lớn trong quan hệ hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ, Stars & Stripes nhận định.
Về mục đích cuộc tập trận, Hải quân Mỹ tuyên bố RIMPAC 2018 nhằm đến việc nâng cao độ linh hoạt của lực lượng quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức quân sự ở một điểm nóng có quy mô toàn cầu, cũng như tăng cường năng lực tác chiến hàng hải nói chung.
RIMPAC 2018 sẽ có sự tham gia của 47 tàu mặt nước, 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 người. Theo trang PACOM.mil., các lực lượng đến từ 18 nước sẽ tham gia các hoạt động diễn tập trên bộ.
Trước đó, vào ngày 23/5, Ngũ Giác Đài hủy lời mời Trung Quốc tham gia tập trận, nói rằng việc Bắc Kinh tiếp tục các động thái quân sự hóa ở Biển Đông “không phù hợp với các nguyên tắc và mục đích cuộc tập trận”. Người phát ngôn của Ngũ Giác Đài nói những hành vi gây bất ổn của Bắc Kinh ở Biển Đông không phù hợp với các tiêu chí của cuộc diễn tập do Mỹ dẫn đầu.
Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận RIMPAC năm 2014 và 2016, sự kiện được tổ chức hai năm một lần tại Hawaii.
Nhận định về việc Việt Nam tham gia sự kiện tập trận RIMPAC năm nay, tiến sĩ Nguyễn Nhã nói:
“Khi bị các nước lớn như Trung Quốc bắt nạt thì tôi nghĩ rằng mọi người sẽ không chấp nhận khi Việt Nam bị bắt nạt, vì vậy khi Việt Nam được mời để tham gia tập trận thì tôi rất mừng cho Việt Nam.”
Việt Nam từng được mời làm quan sát viên tại RIMPAC 2012. Bên cạnh Việt Nam, 6 đại diện còn lại của khu vực Đông Nam Á tham gia RIMPAC 2018 gồm có Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Báo An ninh Thủ đô nói các quốc gia được mời sẽ đưa những chiến hạm tối tân nhất của mình sang tham gia RIMPAC, và Việt Nam có thể cử tàu hộ vệ tên lửa 2.000 tấn lớp Gepard 3.9 mua từ Nga, được coi là “ứng viên sáng giá nhất, hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam vào thời điểm hiện tại.”
FIFA lên tiếng trước cảnh báo của VTV
về trình chiếu World Cup nơi công cộng
Trong khi dân hâm mộ bóng đá Việt Nam đang háo hứng chờ đón xem trận khai mạc vòng chung kết World Cup sẽ mở màn hôm nay tại Nga thì Đài truyền hình Việt Nam thông báo các quán cà phê và nhà hàng chiếu bóng đá World Cup phải xin phép FIFA.
Theo bản tin thời sự VTV tối ngày 13/6 được truyền thông trong nước trích dẫn, “việc tổ chức các buổi chiếu công cộng các trận đấu World Cup 2018, thu tiền hoặc không thu tiền mà không được sự đồng ý của VTV là một hành vi vi phạm bản quyền.”
Điều này dẫn đến quan ngại rằng các địa điểm như quán cà phê hay địa điểm công cộng trình chiếu World Cup bằng việc xem trực tiếp qua các kênh sóng có bản quyền của VTV cũng có nguy cơ vi phạm.
Một quan chức cấp cao của VTV được Tuổi Trẻ trích lời nói “VTV không mua bản quyền phát sóng các trận đấu của World Cup ở các nơi công cộng.”
Ông Nguyễn Hà Nam cho biết chủ các quán cà phê và nhà hàng trên khắp Việt Nam phải xin giấy phép của Liên đoàn Bóng đá Thế giới( FIFA) trước khi trình chiếu cho khách hàng xem các trận đấu của World Cup 2018.
Trận khai mạc chung kết World Cup sẽ diễn ra vào tối ngày 14/6 (giờ Nga – tối khuya giờ Việt Nam) nhưng bản tin của VTV khuyến cáo về việc phải xin giấy phép của FIFA chỉ được phát ra công chúng trước đó 1 ngày.
Tuy nhiên, vài giờ trước khi trái bóng của trận mở màn World Cup bắt đầu lăn trên sân, FIFA đã lên tiếng về việc chiếu World Cup ở các quán cà phê, nhà hàng.
Đại diện VTV, được báo Lao Động trích lời nói sau khi trao đổi với FIFA: “việc phát sóng tín hiệu truyền hình miễn phí chương trình World Cup 2018 trên các kênh của VTV -không nhằm mục đích quảng bá, quảng cáo- trên các màn hình TV đặt ở các nơi công cộng như quán bar, khách sạn, tòa nhà văn phòng….và những nơi khác không phải là nhà riêng trên lãnh thổ Việt Nam, không bị coi là vi phạm.”
Theo chủ nhân một quán cà phê bóng đá ở Hà Nội không muốn nêu danh tính, VTV cảnh báo về việc chia sẻ bản quyền của Đài truyền hình Việt Nam vì sợ “FIFA sẽ cắt sóng của ĐTHVN nếu bị lọt sóng ra ngoài.”
“Nếu trên 5.000 người thì phải xin phép, mà không được tuyên truyền, không được quảng bá và phải chính thống kênh VTV.”
Người chủ quán cà phê bóng đá cho biết VTV lo sợ việc chia sẻ sóng đến những người không thuê bao và rằng anh là người mua sóng của VTV nên không chịu trách nhiệm với FIFA.
Việc tụ tập xem bóng đá ở các giải bóng đá lớn như World Cup hay Vòng chung kết Cúp bóng đá châu Âu rất phổ biến ở Việt Nam và trước ngày khai mạc, các quán cà phê và nhà hàng chuẩn bị đón nhiều khách hơn thường lệ, theo chủ quán cà phê nói chuyện với VOA-Việt ngữ.
Chỉ 1 tuần trước khi vòng chung kết World Cup khai mạc tại Moscow, VTV mới đạt được thỏa thuận mua bản quyền toàn bộ các trận đấu tại World Cup 2018 sau nhiều ngày làm các fan hâm mộ ở Việt Nam lo lắng vì sợ không được xem giải bóng đá lớn nhất thế giới qua truyền hình.
Vừa rời khỏi VN, luật sư bất đồng chính kiến
nhận giải thưởng nhân quyền ở Đức
Luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà hoạt động bị Việt Nam kết án tù 15 năm với cáo buộc “lật đổ chính quyền”, vừa chính thức nhận giải thưởng nhân quyền của Liên đoàn Thẩm phán Đức vào ngày 13/6, sau khi ông được phóng thích sớm và đưa sang nước này vài ngày trước đó.
Luật sư Nguyễn Văn Đài được Liên đoàn Thẩm phán Đức trao giải thưởng nhân quyền vào tháng 4 năm ngoái, trong lúc đang bị cầm tù tại Việt Nam. Vợ ông, bà Vũ Minh Khánh, đã không thể thay chồng nhận giải thưởng vào thời điểm đó vì bị công an chặn lại tại sân bay.
Giải thưởng nhân quyền của Liên đoàn Thẩm phán Đức tôn vinh những nhân vật nổi bật trong lĩnh vực nhân quyền và luật pháp trên toàn thế giới, với mục tiêu bảo vệ và cổ võ cho các quyền phổ quát, tự do cơ bản của con người trên toàn cầu. LS. Nguyễn Văn Đài là người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng này.
Trong buổi trực tiếp nhận giải, dưới sự chứng kiến của Dân biểu Gyle Jensen, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Liên bang Đức, LS. Nguyễn Văn Đài cho biết ông đến nước Đức “không phải để mưu cầu cuộc sống của mình”, mà để “tìm kiếm cơ hội tiếp tục đấu tranh cho tự do của những người bạn cùng bị kết án với tôi và rất nhiều những người khác còn đang bị cầm tù cũng như một số người khác đang chạy trốn trên đất nước của tôi”.
Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16/12/2015 tại Hà Nội và bị giam giữ từ đó cho đến thời điểm bị kết án và được phóng thích để đưa sang Đức vào tối 7/6.
Ông Đài bị bắt sau khi thuyết trình về hiến pháp và các quyền con người cơ bản trước một cử tọa khoảng 70 người tại nhà riêng của một cựu tù nhân chính trị ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Phát biểu sau khi nhận giải ngày 13/6, LS. Nguyễn Văn Đài cho biết ông từng đến Đông Đức làm việc 29 năm trước và có cơ hội ở lại để trở thành công dân nước này. Nhưng ông đã quyết định trở về Việt Nam. Lý do là vì 11 tháng sống tại đây, ông đã “tìm thấy những ý tưởng về tự do, dân chủ, những giá trị cao đẹp của một đất nước thống nhất”.
Sau khi trở về Việt Nam, ông theo học ngành Luật và trở thành luật sư, từ đó bắt đầu con đường “dấn thân đấu tranh cho tự do và những giá trị nhân quyền, những gì mà tôi đã học được từ nước Đức”.
Ông cám ơn nước Đức đã “cưu mang” mình và mong muốn những “giá trị nhân quyền cao quý đó không chỉ được thực hiện ở nước Đức mà còn được thực hiện ở đất nước quê hương yêu dấu của tôi”.
LS. Nguyễn Văn Đài được xem là một trong những nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất Việt Nam. Ông từng viết nhiều bài nghiên cứu luật học về các quyền tự do chính trị ở Việt Nam và khẳng định rằng Hiến pháp Việt Nam tuy thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhưng lại không cấm thành lập các chính đảng mới. Vì vậy, công dân Việt Nam có quyền thành lập đảng chính trị mà không cần phải xin phép nhà nước.
Trong thời gian hành nghề luật sư, ông Đài từng nhận bảo vệ nhiều vụ án về tôn giáo và nhân quyền, soạn thảo các văn kiện, nội dung pháp lý và đóng góp vào việc thành lập các tổ chức đấu tranh dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.
Ngoài giải thưởng của Đức, LS. Nguyễn Văn Đài còn nhận được giải thưởng Hellman-Hemmet của tổ chức Theo dõi Nhân quyền và giải nhân quyền Việt Nam 2007 của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam.
Cùng bị kết án gần đây nhất với ông Đài là 5 thành viên khác của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức mà ông Đài là một trong những sáng lập viên, bao gồm: cộng sự Lê Thu Hà, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ký giả Trương Minh Đức, kỹ sư Phạm Văn Trội và nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển.
Tổng cộng bản án của 6 người lên đến 66 năm tù giam cho tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Ông Đài nhận bản án cao nhất vì bị xem là “đối tượng cầm đầu”, “có vai trò chủ mưu”, và “trực tiếp xây dựng cương lĩnh hoạt động của ‘Hội anh em dân chủ’”.