Tin Việt Nam – 14/05/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 14/05/2019

Tù chính trị Nguyễn Văn Hóa

lại bị hành hung trong tù

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa bị hành hung tại Trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam khi đang thụ án 7 năm với tội danh bị áp là “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.

Tin vừa nêu được tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình hiện cũng đang bị giam ở Trại An Điềm nói với gia đình khi anh gọi điện về nhà hôm 13/5/2019. Anh Hoàng Đức Bình cũng đang thụ án tù 14 năm tại trại giam An Điềm do các hoạt động về công đoàn và môi trường.

Anh Hoàng Nguyên, anh trai Hoàng Đức Bình cho RFA biết vào tối 14/5/2019:

“Hôm qua anh Bình có điện về nhà 5 phút. Anh Bình có nói là Hóa bị kẹp cổ và bị đánh trong trại giam rất nhiều rồi nhắn với chị gái của Hóa vào xem như thế nào. Tôi đã báo với chị gái của Hóa thì sáng nay chị vào thăm nhưng chị cho biết không gặp được Hóa vì Hóa đang bị kỷ luật biệt giam 10 ngày tính từ ngày hôm qua.”

Đài Á Châu Tự Do có liên lạc với chị Nguyễn Thị Huệ, chị gái của tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hóa, nhưng chưa liên lạc được.

Anh Nguyễn Văn Hóa, sinh năm 1995, bị bắt từ hôm 11/1/2017. Trước đó anh này tham gia loan tin thảm họa môi trường do Nhà máy Thép Formosa gây nên.

Đến ngày 27/11/2017, anh Nguyễn Văn Hóa bị đưa ra xử kín tại tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và bị kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế.

Vào tháng 10/2018, trong một bức thư gửi về cho gia đình mình, anh Nguyễn Văn Hóa cho biết anh đã bị đánh đập, bức cung.

Tháng 11/2018, tổ chức Freedom Now và hãng luật Dechert LLP đã nộp đơn lên Ủy ban Chống bắt người tùy tiện của Liên Hiệp Quốc về trường hợp của Nguyễn Văn Hóa.

Anh Nguyễn Văn Hóa là một trong 128 tù nhân lương tâm mà Ân xá Quốc tế đã liệt kê trong năm 2019.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/political-nguyen-van-hoa-was-beaten-again-in-prison-05142019091502.html

 

Phó phòng khảo thí tỉnh Hòa Bình bị bắt

vì liên quan gian lận thi

Cơ quan chức năng bắt thêm một viên chức dính líu đến vụ nâng khống điểm thi Tốt nghiệp Phổ Thông Trung Học năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình. Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu cùng ngày.

Người bị bắt mới nhất là Bà Diệp Thị Hồng Liên, Phó Trưởng phòng khảo thí và Quản lý chất lượng. Bà này bị bắt ngày 14/5 và bị khởi tố với cáo buộc liên quan vụ gian lận điểm thi Trung học Phổ thông tại tỉnh Hòa Bình.

Bà Diệp Thị Hồng Liên cũng đồng thời là Phó Trưởng Ban chấm thi, phụ trách chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn trong kỳ thi thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình. Bà bị Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và làm việc vì phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự.

Đây là diễn biến mới trong việc mở rộng điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Hòa Bình, bà Liên đã chỉ đạo các Tổ trưởng chấm thi tự luận môn Ngữ văn nâng điểm thi của các thí sinh.

Trước đó, vào ngày 23/4, đã có 3 giáo viên bị Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công An khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan vụ án gian lận điểm trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018 tại Hòa Bình.

Gian lận điểm thi trong kỳ thi trung học Phổ thông 2018 bị phanh phui được cho là rất nghiêm trọng và phức tạp. Kết luận điều tra xác định có 114 thí sinh ở Hà Giang, 64 thí sinh ở Hòa Bình và 44 thí sinh tại Sơn La có gian lận điểm thi. Ngoài ra, rất nhiều thí sinh trong số này đã bắt đầu nhập học tại các trường công an, quân đội và y khoa. Trong số này, nhiều sinh viên đã bị buộc thôi học và trả về địa phương.

Bộ Công an Việt Nam cho biết, hơn 20 cán bộ liên quan đến vịệc nâng điểm tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình đã bị khởi tố và bắt tạm giam

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/update-fraud-exam-scores-in-hoa-binh-05142019084219.html

 

Ông Nguyễn Bá Cảnh

bị cách tất cả các chức vụ trong đảng

Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng của ông Nguyễn Bá Cảnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành uỷ Đà Nẵng.

Ông Cảnh là con trai cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh (1953-2015), từng được xem là nổi tiếng nhất và quyền uy nhất của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn sau Đổi mới 1986.

Trước đó, Thành ủy Đà Nẵng, với đa số phiếu, đề nghị cách tất cả các chức vụ trong đảng với ông Cảnh.

Hôm 14/5, Ban Bí thư của Đảng nói trong thời gian giữ các cương vị Thành uỷ viên, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Thành uỷ Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Cảnh “đã sống chung với người khác như vợ chồng và có con riêng khi đang có vợ trong thời gian hôn nhân hợp pháp, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống”.

“Việc làm trên của ông Cảnh vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm, Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư và Quy định số 5946-QĐ/TU, ngày 13/9/2012 của Thành uỷ Đà Nẵng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp,” thông cáo nói.

Kết quả là ông Cảnh bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng, đồng nghĩa con đường sự nghiệp của ông trong đảng đã chấm dứt.

Đà Nẵng: Hạt giống ‘chưa đủ đỏ’ nên bị loại?

Con trai ông Lê Thanh Hải bị khiển trách

Bắt cựu phó Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Tài

Ngày 12/4, với 35/43 phiếu đồng ý, Thành ủy Đà Nẵng thống nhất đề nghị cách tất cả các chức vụ trong đảng đối với ông Nguyễn Bá Cảnh, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng.

Sinh năm 1983 ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, ông Bá Cảnh công tác ở Thành đoàn Đà Nẵng, trở thành Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng năm 2013.

Ông bắt đầu giữ chức Phó Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng tháng 8/2017.

Theo tiểu sử, ông từng du học ở Anh lấy bằng thạc sĩ công trước khi về làm việc ở Đà Nẵng.

Các lãnh đạo cao nhất của Đà Nẵng hiện nay gồm Ủy viên Trương ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48254750

 

Bình luận vụ TP Hồ Chí Minh

lắp camera nhận diện mặt người

Một luật sư nói với BBC rằng việc chính quyền TP Hồ Chí Minh lắp đặt CCTV để trợ giúp việc bảo đảm an toàn, trật tự trị an cho người dân “là điều nên làm”.

Hôm 13/5, mạng xã hội xôn xao trước tin Trung tâm Điều hành Đô thị Thông minh TP Hồ Chí Minh đã tích hợp hơn 1.000 camera ở các sở ngành, trong đó có nhiều camera có thể phân tích hình ảnh, nhận dạng khuôn mặt.

Việt Nam ‘mất tự do’ trong kỷ nguyên số hóa?

TPHCM: Lắp camera nhận dạng mặt người

Công an Trung Quốc đeo kính giám sát

Kiểm soát mạng: VN học Trung Quốc được không?

Phó giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Lê Quốc Cường được dẫn lời trên báo Thanh Niên:

“Khi muốn giám sát một người, sau khi hệ thống camera được thiết lập, chỉ cần người đó xuất hiện ở một hệ thống camera nào đó thì hệ thống tự nhận diện và báo về trung tâm điều hành. Các tính năng phát hiện đám đông, tụ tập, nhận dạng phương tiện, hành vi bạo lực, an ninh trật tự… cũng được thiết lập như vậy. Có nghĩa là sau khi được “huấn luyện”, mỗi khi ghi nhận hình ảnh trùng khớp với “huấn luyện”, camera sẽ tự động chuyển hướng để ghi nhận và gửi thông tin cho trung tâm.”

‘Điều nên làm’

Cộng đồng mạng dấy lên quan ngại việc chính quyền lắp camera nhận diện mặt người có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dân.

Hôm 13/5, luật sư Hồ Hữu Hoành nói với BBC: “Nếu đặt ra lằn ranh về quyền riêng tư là rất khó. Việc triển khai hệ thống CCTV của chính quyền, chủ yếu là nơi công cộng, trên đường, các công sở, hoặc các đơn vị cũng cấp dịch vụ công ích.”

“Chính quyền có cơ sở để thực hiện việc này. Nó được xem là xâm phạm quyền riêng tư, nếu như các camera đó chỉa thẳng vào nhà dân, hoặc người dân buộc phải gắn trong nhà. Do đó, nếu đặt ra rằng việc chính quyền gắn CCTV là xâm phạm đến quyền riêng tư của người dân thì e rằng ko có cơ sở.”

“TP Hồ Chí Minh, với nạn cướp giựt xảy ra thường xuyên, thì việc gắn camera là điều hữu ích cho chính quyền lẫn người dân.”

“Hệ thống CCTV không phải là điều mới mẻ trên thế giới. Nên Việt Nam, cụ thể là TP Hồ Chí Minh nếu thực hiện, thì không phải là ngoại lệ. Cần hiểu rằng, CCTV cũng là phương tiện hữu hiệu để hỗ trợ việc đảm bảo an ninh xã hội dưới cái nhìn của người dân và chính quyền. Và chúng ta, chỉ đặt ra vấn đề, nếu như chính quyền áp dụng để chấm điểm tín nhiệm công dân giống Trung Quốc.”

“Nếu muốn thực hiện điều đó thì chính quyền cần phải có luật. Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay của xã hội, đời sống tại TP Hồ Chí Minh, cá nhân tôi nghĩ việc chính quyền lắp đặt CCTV để hỗ trợ việc bảo đảm an toàn, trật tự trị an cho người dân là điều nên làm.”

‘Quyền riêng tư của công dân’

Hôm 14/5, Facebooker Ann Đỗ nói với BBC: “Theo như tôi hiểu, thứ nhất là việc theo dõi công dân qua camera đã được triển khai giai đoạn một mà không thông qua ý kiến của người dân TP.Hồ Chí Minh. Người dân có quyền đồng ý hay không đồng ý nếu ai đó, dù là chính quyền, được quyền chụp hình/ảnh, quay video, lưu giữ và sử dụng hình ảnh đó của mình, tức việc sử dụng đó phải được chính công dân cấp phép, chiểu theo quyền riêng tư của công dân.”

“Chính quyền là bên lập pháp nhưng rõ ràng đã phạm pháp, vi phạm quyền riêng tư của công dân.”

“Thứ hai, việc lưu giữ nhận dạng hình ảnh công dân mà chính quyền không thích để ngăn chặn họ tiếp cận những dịch vụ như mua sắm, đi máy bay… nếu bị nhận diện, giống như những gì chính quyền Trung Quốc đã làm thì chứng tỏ chính quyền đang tìm cách cô lập những công dân có thái độ phản kháng hay không hài lòng với chính quyền.”

“Điều này cũng vi phạm nghiêm trọng quyền cơ bản của công dân.”

Truyền thông Việt Nam không đề cập nguồn gốc các camera nhận diện mặt người đã được lắp đặt ở TP Hồ Chí Minh.

Hồi tháng 11/2018, ông Nguyễn Sĩ Quang, Trưởng ban Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh xác nhận với BBC về việc tiến hành lắp đặt hệ thống này.

Nhưng khi được hỏi thêm chi tiết về hệ thống camera này, ông nói: “Có nhiều thông tin không thể cung cấp qua điện thoại.”

Tuy vậy, Reuters thời điểm đó dẫn một báo cáo của Freedom House (Ngôi nhà Tự do, tổ chức phi chính phủ theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu) cho biết Trung Quốc xuất khẩu chính sách hạn chế Internet và các công cụ giám sát kỹ thuật số sang hàng chục quốc gia.

Báo cáo của tổ chức nêu trên cũng tiết lộ Trung Quốc đã tổ chức các cuộc hội thảo về quản lý không gian mạng từ đầu năm 2017 với đại diện từ 36 quốc gia ở Trung Đông và Đông Nam Á.

Theo sau các cuộc hội thảo với các giới chức Trung Quốc là các biện pháp an ninh mạng mới được triển khai ở Việt Nam, Uganda và Tanzania trong năm qua, Freedom House cho biết.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48242688

 

Mỹ phá đường dây kết hôn giả

lấy thẻ xanh do người Việt cầm đầu

Sở di trú Mỹ loan báo vừa phá vỡ một đường dây lớn làm kết hôn giả ở Houston, Texas, do người Việt cầm đầu để đưa người từ Việt Nam sang Mỹ và làm thẻ xanh cho họ.

Theo thông báo của Cơ quan Hải quan và Di trú, gọi tắt là ICE, đưa ra chiều 13/5, một đại bồi thẩm đoàn liên bang đã kết án 96 người tham gia vào các hoạt động của đường dây này ở Houston và Việt Nam.

Người chủ mưu của đường dây này là Ashley Yen Nguyen, còn được biết là Duyen – 53 tuổi, sống ở Houston, theo thông cáo của ICE.

Các công tố viên cho biết bà Yen Nguyen điều hành tổ chức có trụ sở ở Houston từ căn nhà của bà ở High Star Drive và có những người cộng sự giúp điều hành hoạt động này trên khắp bang Texas và ở Việt Nam.

Đường dây này dựng ra các vụ kết hôn giả để giúp những người muốn vào Mỹ xin giấy thường trú nhân bằng các chứng từ giả mạo đó, theo các công tố viên.

“Vụ bắt giữ này đánh dấu đỉnh điểm của một cuộc điều tra kéo dài cả năm trời của các cơ quan thực thi pháp luật về một trong những âm mưu lừa đảo hôn nhân lớn nhất từng được ghi nhận ở khu vực Houston,” theo đặc vụ tham gia cuộc điều tra Mark Dawson của HIS Houston. “Bằng cách cùng phối hợp với các đối tác từ nhiều cơ quan thực thi pháp luật, chúng tôi đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng chúng tôi kết hợp chặt chẽ với nhau trong các nỗ lực triệt phá các tổ chức tội phạm tìm cách lách luật của Hoa Kỳ bằng cách lừa đảo.”

Theo Luật sư di trú Khanh Phạm, hiện làm việc ở Texas và biết rõ về vụ việc, nghi phạm chủ mưu Yen Nguyen đã “lôi kéo những người Mexico và Mỹ da trắng làm đám cưới với những người Việt Nam.”

Trang tin tức Khou 11 của Houston cho biết khoảng một nửa trong số 96 người bị kết án là những người nhập cư Việt Nam không có giấy tờ trước khi tham gia đường dây này để làm kết hôn giả. Một nửa còn lại là những người có quốc tịch Mỹ được tuyển dụng để kết hôn với những người Việt.

Cho tới ngày 13/5, có tất cả 50 người đã bị bắt giữ và khởi tố với 206 tội danh. Hồ sơ truy tố hiện vẫn còn giữ kín đối với những người bị truy nã nhưng chưa bị bắt.

Bà Yen Nguyen, cùng chồng và hàng chục bị cáo khác, đã có mặt tại tòa hôm 13/5, theo ABC.

“Kết hôn giả là một tội nghiêm trọng,” theo ông Tony Bryson, giới chức của cơ quan Quốc tịch và Di trú Mỹ (USCIS).

Thông báo của ICE nói rằng những cá nhân làm kết hôn giả nhằm mục đích lách luật di trú của Mỹ, họ không sống với nhau, và điều đó trái với những gì họ khai trong các giấy tờ chính thức nộp cho USCIS.

Theo bản cáo trạng, mỗi người tham gia kết hôn giả ký một thỏa thuận với bà Yen Nguyen, và họ phải trả từ 50.000 USD đến 70.000 USD để trở thành thường trú nhân ở Mỹ.

“Những người Việt tham gia kết hôn giả gồm những người đã qua (Mỹ) đang muốn xin thẻ xanh, những người làm đám cưới ở Việt Nam để được đưa qua (Mỹ), và làm fiance visa (thị thực theo diện hôn phu) ở Việt Nam để qua Mỹ,” theo LS Khanh, người cho biết đây là 3 con đường qua Mỹ được thực hiện trong vụ lừa đảo này.

Hồ sơ truy tố cũng nói rằng đường dây này giả mạo hồ sơ thuế, điện nước và hồ sơ làm việc để chắc chắn rằng USCIS sẽ chấp thuận hồ sơ giả mạo xin làm thường trú nhân.

Một luật sư người Việt bị bắt trong vụ này có tên Trang Le Nguyen, còn được biết với tên Le Thien Trang, sống ở Pearland, Texas. Luật sư 45 tuổi này bị kết tội cản trở quá trình thực thi pháp luật, tác động đến nhân chứng, nạn nhân hoặc người mật báo. Mức án tối đa cho mỗi tội danh này là 10 năm tù.

Các tội liên quan đến làm hồ sơ giả, ảnh hưởng đến các nhân chứng, nạn nhân và người mật báo có thể nhận bản án lên đến 20 năm tù theo luật liên bang Mỹ.

“Những người đã có thẻ xanh qua hệ thống này rồi thì trong tương lai sẽ bị Bộ Tư pháp và Sở Di trú trả lại hồ sơ và nếu họ không chứng minh được rằng cuộc hôn nhân của họ là thật thì họ sẽ bị thu hồi thẻ xanh và bị trục xuất ra khỏi Mỹ,” LS Khanh cho VOA biết.

Ông Khanh lo ngại rằng vụ việc này sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của những người gốc Việt hành nghề luật ở Houston và Texas nói chung.

“Cộng đồng luật sư người Việt (ở Houston) làm việc cực khổ mới có được tiếng tăm và tạm ổn. Nay tự nhiên có một người làm như vậy thì người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ mình làm ăn không đúng đắn. Có rất nhiều luật sư nên này lo lắng về vấn đề đó,” theo LS Khanh.

Vị luật sư này cũng cho rằng điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng người Việt khi “sở di trú có thể sẽ làm khó dễ hơn cho người Việt trong lúc làm giấy tờ.”

https://www.voatiengviet.com/a/my-pha-duong-day-ket-hon-gia-lay-the-xanh-do-nguoi-viet-cam-dau/4916821.html

 

Công an ‘like’, ‘share’ ý kiến phản biện sẽ bị kỷ luật

Nội dung bản dự thảo lần hai được truyền thông trong nước loan tải với quy định rằng cán bộ, chiến sĩ thuộc ngành công an nếu bấm nút “like” hoặc chia sẻ những bài viết, hình ảnh, lời nói, bình luận nào bị cho đi ngược lại chủ trương, đường lối chính sách của Đảng trên mạng xã hội có thể sẽ phải chịu hình thức kỷ luật.

Cũng theo ản dự thảo thì quy định này không áp dụng cho toàn bộ ngành công an; tức những bộ phận được giao nhiệm vụ ‘phản bác’ thông tin chỉ trích chính phủ, đảng do những thế lực thù địch bên ngoài.

Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng trao đổi với chúng tôi rằng vì công an và quân đội được ví như là ‘thanh kiếm, lá chắn’ bảo vệ chế độ nêu trong thời đại công nghệ tin học lâu nay họ phải quan sát mạng xã hội để theo dõi, truy tìm những người sử dụng công cụ mạng Internet để bày tỏ chính kiến khác biệt của họ đối những chính sách, đường lối của Đảng và chính phủ Việt Nam.

Nay đưa ra qui định xử phạt những người trong ngành công an khi có quan điểm đối với những ý kiến bất đồng như thế thể hiện sự lúng túng về mặt quản lý của nhà nước

“Những luật như thế nó rất là buồn cười, từ những việc đơn giản con người ai cũng có nhận xét và ý kiến riêng của mình nên đưa việc xử lý đó vào luật thì nó phản ánh một tâm trạng của Đảng hiện nay, một nỗi lo sợ không đáng lo trước tình hình đất nước cần phải đổi mới mà hệ thống chính trị không nghĩ được việc đó và chỉ luôn luôn ám ảnh một nỗi lo sợ, sự đối lập trong nước hoặc những cái họ gọi là lật đổ từ nước ngoài thì theo tôi nó cũng chẳng có tác dụng gì mà chỉ thể hiện sự lúng túng của họ mà thôi.”

Nhà báo Ngô Nhật Đăng còn trình bày rằng kết quả hỏi ý kiến công chúng đối với Thông tư qui định xử phạt vừa nêu chắc chắn sẽ hơn 90% đồng ý; thế nhưng tính khả thi của thông tư sẽ là một vấn đề lớn. Trong thời đại hiện nay với hằng chục triệu tài khoản người sử dụng mạng xã hội Facebook ở Việt Nam thì quy định này cũng vô ích.

Luật sự Đặng Đình Mạnh cho rằng văn bản quy định như thế vi phạm Hiến pháp Việt Nam. Ông giải thích:

“Tôi cho rằng trước khi trở thành cán bộ công an thì họ cũng là công dân và công dân thì họ cũng có quyền do Hiến Pháp quy định, trong đó có quyền biểu đạt tất cả mọi vấn đề. Thì việc cơ quan cấm họ biểu đạt các vấn đề của đất nước thì tôi cho rằng văn bản đó đã vi phạm Hiến Pháp, xâm phạm đến quyền của công dân.”

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng thành viên của nhóm No-U từ Hà Nội đưa ra nhận định về thông tư qui định xử phạt người trong ngành công an khi ‘like’, ‘share’ những bình luận trên Facebook bị cho là ‘chống đối đảng, nhà nước’:

“Đầu tiên về mặt luật pháp thì điều này là vi hiến, vi hiến quyền con người, vi hiến quyền tự do ngôn luận của người ta, chẳng lẽ người ta đồng ý điều gì hoặc thích suy nghĩ như thế nào mà không được phép nói lên. Điều thứ hai nếu như điều luật đó được thực thi thì tính khả thi của điều luật này hoàn toàn không có và không thể kiểm soát được. Vì công an từ trước đến nay là ngành rất là đặc thù và bị sự chỉ trích rất là lớn từ dư luận. Mỗi khi có sự việc nào đó xảy ra bên ngoài mà bị dư luận phản đối lên án điều gì đó thì họ rất là sợ là nếu như ai đó tìm được Facebook, Zalo hay về thông tin cá nhân sẽ bị mạng xã hội khai thác nhanh chóng thế nên thường các chiến sĩ họ lên FB hay Zalo họ thường không sử dụng chính danh của họ.”

Tại điều 4 văn bản dự thảo có quy định về quyết định kỷ luật, nếu cán bộ vi phạm bị bắt tang và có đầy đủ bằng chứng vi phạm sẽ bị khới tố và bị kỷ luật bằng cách tước danh hiệu công an nhân dân.

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng khẳng định nếu họ sử dụng không đúng chính danh như vậy thì về mặt quản lý nhà nước không thể nào kiểm soát được.

“Với số lượng khổng lồ người dùng Internet mà hầu hết các cán bộ công an hiếm ai sử dụng tên thật trên mạng xã hội, thì làm sao có thể xác định được IP, cái số IMEI của thiết bị điện thoại di động đăng nhập vào nick đó nên khó lòng có thể kiểm soát, nếu như người ta muốn biết một trường hợp nào cụ thể thì có thể làm được nhưng mà chắc chắn người ta không thể đủ phương tiện để kiếm soát hết được.”

Đồng ý với điều này, nhà báo Ngô Nhật Đăng dẫn một ví dụ:

“Bởi vì để kiểm soát chặt chẻ như Trung Quốc thì họ phải bỏ ra một ngân sách và nhân sự khổng lồ, thời gian để kiếm soát mà còn không kiểm soát nổi thì sao Việt Nam có một cơ chế, kỹ thuật để có thể theo dõi các cán bộ chiến sĩ nào vi phạm hay không, tôi cho rằng bất khả thi.”

Ông Nguyễn Tử Quảng Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV Việt Nam khẳng định với chúng tôi rằng, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có một phần mềm nào có thể kiểm soát được điều này; tuy nhiên ông trình bày:

“Tôi nghĩ rằng bất kỳ luật nào đưa ra thì cũng chưa hẳn có luôn các giải pháp kỹ thuật ngay và cần phải đầu tư tốn kém, điều chỉnh nó. Đôi khi luật là để điều chỉnh hành vi của con người trước rồi sau đó các sự việc cụ thể thì họ sẽ sử dụng luật đó và dùng kỹ thuật để sát minh xem có vi phạm hay không. Tôi nghĩ nguyên tắc của các luật là như thế.”

Các chuyên gia mà chúng tôi có dịp trao đổi đều khẳng định rằng họ không hiểu được ý đồ đằng sau văn bản quy định này nhưng chắc chắn là có mục đích nào đó. Hãy chờ xem trong thời gian tới có cán bộ nào thuộc Bộ Công an sẽ bị kỷ luật, ra khỏi ngành vì những quy định như thế này hay không.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/click-like-the-review-article-the-police-officer-will-be-disciplined-05132019143114.html

 

Bộ Tài Nguyên- Môi trường bác bỏ

thông tin báo chí loan về chất thải độc hại của Formosa

Đại diện Bộ Tài nguyên- Môi trường Việt Nam vào ngày 14 tháng 5 lên tiếng cho rằng thông tin báo chí trong thời gian qua phản ánh về công tác giám sát, quản lý chất thải tại Nhà máy Gang Thép Formosa ở Hà Tĩnh là thiếu căn cứ, không phản ánh đúng bản chất sự việc.

Mạng báo Pháp Luật Việt Nam dẫn phát biểu của Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục Trưởng, Tổng Cục Môi trườn thuộc Bộ Tài nguyên- Môi trường Việt Nam như vừa nêu.

Ông Hoàng Văn Thức giải thích rằng chất thải rắn của Formosa Hà Tĩnh được phân thành 14 loại với 64 danh mục chính chứ không phải hằng nghìn loại như báo chí Nhà nước Việt Nam nêu ra. Những loại chất thải rắn này được quản lý theo 3 nhóm.

Nhóm chất thải phải chuyển giao cho các đơn vị chức năng xử lý được Formosa Hà Tĩnh lưu giữ an toàn trong khu liên hợp trước khi chuyển giao cho các đơn vị chức năng thuộc tỉnh này xử lý theo qui định.

Đại diện của Tổng cục Môi trường còn cho rằng việc so sánh phế liệu gang xỉ đang được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, không thải ra môi trường với Qui chuẩn Việt Nam 07-2009 là không phù hợp dễ dẫn đến hiểu lầm.

Chất thải từ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh hiện là vấn đề khiến người dân sống gần khu công nghiệp Vũng Áng lo ngại. Vừa qua chính Công an Hà Tĩnh ra văn bản cho rằng họ không thể làm gì với lượng chất thải mà nhà máy này thải ra.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mi-in-formosa-05142019111239.html

 

Formosa, bứu ung thư ác tính trên cơ thể Việt Nam

Mặc Lâm

Ngày 6 tháng 4 năm 2019 Giám đốc Công an Hà Tĩnh gửi UBND Hà Tĩnh công văn số 495/CAT-CSMT được nhiều tờ báo trong nước đăng lại với cái tựa: “Công an Hà Tĩnh bó tay với Formosa” có nội dung Formosa Hà Tĩnh đang thải ra 14 nhóm chất thải với 64 danh mục của hàng nghìn chất thải khác nhau tất cả đều rất độc hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên Formosa Hà Tĩnh không hợp tác với cơ quan chức năng để theo dõi xử lý mặc dù cảnh sát điều tra môi trường đã gửi văn bản yêu cầu Formosa nhiều lần phải báo cáo các chất thải gây nguy hại.

Sau ba ngày bài báo này đã bị gỡ tuy nhiên trên nhiều cơ quan truyền thông hải ngoại lẫn mạng xã hội đều lan truyền thông tin này như một bằng chứng cụ thể do công an xác định về hành vi xả chất thải công nghiệp gây tác hại trực tiếp cho môi trường mà người dân sống gần là những nạn nhân đầu tiên.

Hầu hết người Việt tuy vẫn bị mang tiếng là bàng quan trước mọi diễn biến chính trị nhưng khi nghe nói đến chữ “Formosa” thì phản ứng của mọi người đa số là giống nhau: Giận dữ và đau lòng. Giận dữ vì từng có một thời gian dài sau khi Formosa bị phát hiện là nguyên nhân gây cho cá chết hàng loạt tại nhiều tỉnh duyên hải miền Trung thì bàn ăn của đồng bào cả nước vắng bóng các loại cá như thường nhật. Họ đau lòng vì biết cả triệu người miền Trung bị ảnh hưởng tới công ăn việc làm và cái đói nghèo vốn đã đè nặng lên gia đình họ nay viễn ảnh rách rưới lại càng rõ rệt hơn sau khi nhà máy Formosa chính thức hoạt động.

Người dân cà nước còn nhớ vụ hàng ngàn người dân Thị xã Kỳ Anh tập trung đông chưa từng có trước cổng chính của tập đoàn Formosa vào sáng ngày 2 tháng10 năm 2016 yêu cầu trả lại biển sạch cho họ sau khi phát hiện Formosa đã thải hàng tấn hóa chất độc công nghiệp gây ra cái chết hàng loạt cho cá ven biển trải dài hơn ba cây số. Tiếp theo sau đó là hàng loạt vụ biểu tình đòi bồi thường thiệt hai cho dân chúng cũng như đòi chính quyền phải đóng cửa nhà máy này vì hóa chất cũng như khí thải của nó gây bệnh tật cho người dân địa phương và vùng phụ cận. Trước sức ép của dư luận và các cuộc biểu tình không ngưng nghỉ, Công ty Formosa Hà Tĩnh thừa nhận gây ra vụ cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam và đồng ý bồi thường 500 triệu đôla cho chính phủ Việt Nam.

Mức bồi thường 500 triệu đô la dành cho 3 vấn đề: thiệt hại của người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và bồi thường phục hồi môi trường biển cho 4 tỉnh bị ảnh hưởng chính là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên−Huế là gần 4 triệu người. Số tiền nhỏ nhoi ấy cũng không được tới tay nạn nhân mà hầu như có khiếu kiện mới được lãnh tiền. Cách giải quyết quan liêu này một lần nữa gây bức xúc cho dân chúng khiến hàng chục cuộc biểu tình đòi công bằng lại nổ ra giữa lúc biển tiếp tục chết, bầu trời Kỳ Anh Hà Tĩnh tiếp tục nhận luồng khói của nhà máy thép Formosa gây không biết bao nhiêu di hại cho sức khỏe người dân.

Formosa có Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300ha, bao gồm diện tích đất liền hơn 2.025ha và diện tích mặt nước hơn 1.293ha (cảng Sơn Dương). Thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian thuê. Không cần phải là một kỹ sư hay tiến sĩ, người dân cũng thấy rõ, mức giá này quá rẻ, gần như cho không.

Không phải chính phủ Việt Nam không biết thành tích của Formosa đối với gây nguy hại môi trường biển. Gần nhất là bài học của Campuchia, năm 1998, Formosa đã thải 3.000 tấn chất thải hóa học ra vịnh Thái Lan, gần cửa biển Sihaoukville và bị buộc phải bồi thường 13 triệu đô la. Năm 2009, tập đoàn này đã “vinh hạnh” nhận giải “Hành tinh đen” do Ethecon, tổ chức bảo vệ môi trường của Đức dành cho những cá nhân/tổ chức “đóng góp” vào việc phá hủy môi trường “trao tặng. Tại Đài Loan nơi mà Formosa được sinh ra không ít lần nó bị đồng hương biểu tình đòi giải thể vì cách làm ăn thiếu lương thiện của nó. Tại Mỹ, nơi môi trường được giữ kín kẽ nhất thế giới đã cho Formosa rất nhiều bài học khi tập đoàn này có hành vi khuất tất trong việc gây nguy hiểm môi sinh.

Một năm sau khi sự cố Formosa xảy ra, ngày 25 tháng 07 năm 2017, Báo Tiền Phong có đăng bài viết: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Formosa: Nếu lại vi phạm, nhất quyết đóng cửa.” Cụ thể, Thủ tướng đã nhấn mạnh rằng: “Tinh thần lớn là nếu không an toàn thì không sản xuất” và “Nếu vi phạm trở lại thì phải đóng cửa nhà máy này”.

Và hai năm sau, lời của Thủ tướng đương nhiệm có vẻ bị Formosa thách thức thông qua công văn của Công an tỉnh Hà Tĩnh “kêu cứu” chính phủ vì cung cách bất tuân pháp luật mà tập đoàn này đang hành xử.

Nếu công an Hà Tĩnh bức xúc một thì dân chúng tại khu vực bị ảnh hưởng có lẽ bức xúc đến mười. Sức khỏe gia đình họ bị đe dọa nghiêm trọng, công ăn việc làm của họ kể như trở về con số không và tương lai cuộc sống của gần hai triệu con người trực tiếp bị ảnh hưởng sẽ ra sao nếu hàng ngàn tấn hóa chất len lỏi vào nguồn nước biển?

Ai là người trách nhiệm khi vận động chính phủ cung cấp giấy phép cho tập đoàn Formosa vào Việt Nam để lại di chứng khó xóa sạch trên bản đồ môi sinh của thế giới?

Chính là ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13, khóa 14 người chính thức đặt bút ký đầu tiên khi đề nghị chính phủ Nguyễn Tấn Dũng duyệt xét. Người trách nhiệm thứ hai là Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà, đáng ra phải cho khảo sát dự án lại nhanh chóng cho phép Formosa được sinh ra. Đứa con thiếu tháng ấy bây giờ đã trở thành một bứu độc ung thư gây lo sợ cho hàng triệu người Việt Nam không những chung quanh nó mà có lẽ sẽ di căn trên khắp nước.

Ông Võ Kim Cự thì bặt vô âm tín, nhưng ông Trần Hồng Hà vẫn còn đó trên chiếc ghế Bộ trường Bộ Tài nguyên Môi trường và sáng ngày 5 tháng 6 năm 2018, trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, ông Trần Hồng Hà khẳng định về việc xả thải của nhà máy Formosa “đảm bảo an toàn về môi trường”.

Là một Bộ trưởng phụ trách môi trường, tức là lá phổi của toàn dân Việt Nam nhưng cung cách mà ông Hà nói trước Quốc hội khiến người ta khó thể tin nổi vào lúc ấy cho đến gần một năm sau thì Công an tỉnh Hà Tĩnh xác nhận những khẳng định của ông Bộ trường là hoàn toàn dối trá.

Trên lá phổi của Việt Nam đã đóng dấu ấn có hình dạng Formosa và di chứng của nó liệu kéo dài tới bao lâu sau khi ông Trần Hồng Hà lại hạ cánh an toàn như Võ Kim Cự?

https://www.voatiengviet.com/a/formosa-vo-kim-cu-tran-hong-ha-ha-tinh/4916832.html

 

Ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã xuất hiện trở lại, khiến dư luận Việt Nam xôn xao tối ngày 14/5.

Thay đổi trong chiến dịch chỉnh Đảng của ông Trọng?

VN xác nhận ông Nguyễn Phú Trọng ‘đang không khỏe’

Bí ẩn về sức khoẻ của ông Nguyễn Phú Trọng

Hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng được truyền đi rộng rãi, khi ông chủ trì cuộc họp với một số lãnh đạo cao cấp của Đảng.

BBC cũng được cho hay Hội nghị Trung ương của Đảng Cộng sản sẽ khai mạc ngày 16/5, kéo dài ba ngày.

Dư luận đang trông đợi ông Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu khai mạc hội nghị.

Buổi họp ngày 14/5 còn có các ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, ông Nguyễn Văn Nên – bí thư trung ương Đảng, chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Thời gian qua, tình hình sức khỏe của ông Trọng là chủ đề đồn đoán, với nhiều tin tức thất thiệt tung lên mạng.

Nguyễn Phú Trọng: ‘Người đốt lò vĩ đại’

GS Nguyễn Phú Trọng là ‘tấm gương sáng của Đảng’

‘Chống tham nhũng chịu sức ép từ nhiều phía’

TBT Trọng: ‘Tham nhũng giảm ở Việt Nam’

Tin đồn bắt đầu từ hôm 14/4, nói ông Nguyễn Phú Trọng nhập viện sáng 14/4 trong lúc đang thăm tỉnh Kiên Giang.

Ông Trọng có hai ngày thăm Kiên Giang từ 13 đến 14/4, đúng dịp sinh nhật ông (14/4/1944).

Cùng ngày 14/4, bắt đầu xuất hiện tin đồn nói ông Trọng không khỏe, được đưa vào viện.

Truyền thông nhà nước không đề cập, nhưng tin đồn nhanh chóng loan ra trên Facebook, với tìm kiếm tăng mạnh trên Google.

Trong cử chỉ dường như muốn chứng tỏ chính phủ Việt Nam cởi mở và minh bạch, Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 25/4 đã trả lời câu hỏi về tình hình sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Theo báo chí Việt Nam, hãng tin AFP hỏi “một số nguồn tin cho biết Tổng bí thư bị đột quỵ trong chuyến công tác tại Kiên Giang vừa qua, tình trạng hiện nay và đang được điều trị ở đâu”.

Người phát ngôn của Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng, trả lời: “Cường độ làm việc cao đã ảnh hưởng tới sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.”

“Tổng bí thư, Chủ tịch nước sẽ sớm trở lại làm việc bình thường”, bà Thu Hằng nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48254751

 

Ông Nguyễn Phú Trọng

 muốn loại bỏ công ty ‘kém, tham ô’?

Một ý kiến bình luận nói Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nay muốn chiến dịch chỉnh Đảng nhắm vào các công ty nhà nước làm ăn thua lỗ.

Ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại

Bài nhận định của nhà báo David Hutt hôm 14/05 với tựa ‘Những l‎ý do thật sự của làn sóng chống tham nhũng tại Việt Nam’ mở đầu bằng việc nhắc lại câu “đánh chuột không để vỡ bình” của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.

Điều ông Trọng muốn nói đó là chiến dịch sẽ không để gây hại cho chính Đảng Cộng sản.

“Thế nhưng chiến dịch chống tham nhũng từ năm 2016 đã xử l‎ý nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cũng như các quan chức hoặc chính khách có nhiều quan hệ.

“Phải kể đến là cựu Chủ tịch Ocean Bank là Hà Văn Thắm và cựu Bí thư thành ủy Tp HCM Đinh La Thăng.

“Petrovietnam hiện cũng đang bị soi đèn trong vai trò đầu tư và mất hơn nửa tỉ đô la vào các dự án tại Venezuela”.

Theo tác giả, đã có một số l‎ý do mà giới quan sát lâu nay vẫn gán cho cho cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng, ví dụ:

Thứ nhất, từ 2016 tới 2017, chiến dịch muốn loại bỏ các lãnh đạo doanh nghiệp và chính khách gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thứ hai, chiến dịch mang tính chất “đạo đức”, nhằm loại bỏ những đảng viên bị cho là không trung thành, hoặc không còn đủ lý tưởng chính trị.

Lý do mới?

Nhưng bây giờ, tác giả David Hutt cho rằng có thể chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng được hướng tới một mục tiêu mới. Lần này, là để cải thiện kinh tế Việt Nam, bớt đi mục tiêu chính trị.

“Điều mà Đảng Cộng sản đối diện là hệ thống kinh tế có quá nhiều công ty nhà nước (12.000 vào năm 1996 và còn khoảng 500 vào năm ngoái mặc dù chính phủ muốn giảm xuống còn 103 vào năm 2020).

“Hệ thống các doanh nghiệp nhà nước này ngốn nhiều tiền, ít khi mang lại lãi và có cơ chế quản lý yếu kém. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi tài chính nhà nước trong tình trạng mong manh, nợ công tăng và thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây”.

Trước thách thức về doanh nghiệp nhà nước, David Hutt nhận xét Việt Nam có ba lựa chọn giải quyết.

Thứ nhất là tăng cường rà soát và tăng chi cho các doanh nghiệp nhà nước, là cách mà có thể không thấy lợi tức đầu tư tốt trong tương lai nhưng sẽ đảm bảo sự hỗ trợ cho Đảng về ngắn hạn từ giới giám đốc điều hành các công ty nhà nước và nhân viên.

Sự lựa chọn này giúp tránh để khu vực tư nhân lấn át toàn bộ nền kinh tế vốn do Đảng định hướng.

Giải pháp thứ hai là thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp quốc doanh và bán tất cả các doanh nghiệp nhà nước và huy động hàng tỷ đô la trong quá trình này (chẳng hạn như thương vụ bán Sabeco với giá 4,8 tỷ USD vào năm 2017) và sau đó tập trung vào quản lý kinh tế từ xa.

Giải pháp thứ ba, theo tác giả là thoái vốn từ càng nhiều công ty nhà nước càng tốt và chỉ giữ lại các công ty làm ăn tốt. Hướng đi này thực ra là có sự can thiệp của Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước, hay còn được gọi là “siêu ủy ban”, nắm 19 tập đoàn lớn với tổng trị giá tài sản khoảng 99 tỉ USD. Theo tác giả, rõ ràng là Đảng muốn có sự giám sát nhiều hơn về các doanh nghiệp nhà nước lớn nhất – và có lẽ nắm được rõ ràng hơn về năng lực của các doanh nghiệp này.

David Hutt cho rằng, từ góc nhìn của Đảng Cộng sản, có lẽ lựa chọn thứ ba là ưa thích nhất.

Tuy nhiên vấn đề ở đây là giới đầu tư tư nhân thấy có quá nhiều rủi ro, chẳng hạn như việc Vinalines phát hành IPO với việc bán 1% cổ phần của hãng.

Nói cách khác đi là chỉ có công ty nhà nước nào làm ăn có lãi, tức là chính các doanh nghiệp mà nhà nước muốn giữ lại, thì tư nhân cảm thấy hấp dẫn bỏ tiền vào để đầu tư.

Vì vậy, tác giả cho rằng có vẻ như điều mà Việt Nam đang làm bây giờ, đó là tìm ra các công ty nhà nước làm ăn tốt nhất, và loại bỏ các công ty kém cỏi, tham ô.

David Hutt là một nhà báo chính trị đóng tại Campuchia và đóng góp bài vở cho tờ Diplomat và các ấn phẩm quốc tế khác.

Bài bình luận của ông David Hutt tình cờ lên mạng Asia Times hôm 14/5, đúng ngày ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại trên truyền hình nhà nước, sau 1 tháng nghỉ ốm.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48273060

 

Dân mạng lo ngại Việt Nam trở thành

‘thiên đường của kẻ ấu dâm’

Khánh An-VOA

Công luận Việt Nam đang bày tỏ quan ngại sau khi tin tức về một tội phạm ấu dâm “nguy cơ cao” người Anh đang có mặt, làm việc, thậm chí chụp ảnh chung với nhiều trẻ em ở Việt Nam, sau khi cộng đồng mạng lan truyền thông tin về hoạt động của người này “tại quê hương mới” được báo chí Anh nhắc đến vào cuối tuần qua.

Theo truyền thông Anh, Christopher Trinnaman, 41 tuổi, một tội phạm tình dục bị kết án và mãn hạn tù ở Anh vào năm 2015, hiện đang làm việc trong một dàn nhạc giao hưởng hàng đầu ở Việt Nam với vị trí nhạc công chơi kèn trombone.

Christopher Trinnaman được mô tả là “có nguy cơ cao” và bị hạn chế tiếp xúc với trẻ em cũng như sử dụng mạng Internet theo Lệnh Phòng ngừa xâm hại tình dục của Anh.

Các nạn nhân trước đây từng bị Christopher dụ dỗ khi mới 13, 14 tuổi, đã lên tiếng cảnh báo và bày tỏ quan ngại sau khi bắt gặp trên trang Facebook hình ảnh kẻ tấn công họ chụp cùng với nhiều bé gái ở Việt Nam, “quê hương mới” mà nhạc công này đến sinh sống sau khi mãn hạn tù.

“Thật kinh khủng khi hắn ta được tự do xuất ngoại mà không bị giám sát gì. Rõ ràng hắn đang ở Việt Nam cùng với trẻ em. Hắn ta phải bị ngăn chặn không được làm điều này nữa với bất kỳ ai”, tờ Mirror dẫn lời một nạn nhân nói.

So với thế giới, nhìn chung, Việt Nam coi chuyện này không quá nghiêm trọng. Chính vì thế, có thể như một số người lo ngại, Việt Nam sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm ấu dâm từ nước ngoài du nhập vào.

Nhà báo Võ Văn Tạo

Thông tin này ngay sau đó đã được doanh nhân Lê Hoài Anh và nhiều người trong cộng đồng mạng xã hội Việt Nam lan truyền để cảnh báo người dân “lưu tâm” và “cảnh giác”, giữa bối cảnh nhiều vụ tấn công tình dục trẻ em và người lớn bị phanh phui gần đây nhưng chưa được xử lý thỏa đáng.

“Cảnh báo của chị Lê Hoài Anh là hoàn toàn cần thiết”, nhà văn Đoàn Bảo Châu từ Hà Nội nói với VOA, bày tỏ sự đồng tình của ông với hoạt động này. Vì theo ông, “người Việt Nam mình có một đặc tính là sính ngoại, nên nếu không biết về quá khứ của ông ta thì rất dễ để cho con cái mình gần gũi với ông ta”.

Dù báo chí đưa tin rằng kể từ khi chuyển đến Việt Nam sinh sống, không có dấu hiệu gì cho thấy nhạc công người Anh này đã từng vi phạm luật pháp, nhiều người dân vẫn lo ngại về khả năng “tái phạm” của Christopher, nhất là trong điều kiện thiếu giám sát.

“Bởi vì theo như các bác sĩ trả lời phỏng vấn về vấn đề tấn công tình dục trẻ em, thì những kẻ đã bị kết án sau đó có đến 90% có khả năng lặp lại tội phạm này”, nhà văn Đoàn Bảo Châu nói thêm.

Phân tích về khía cạnh pháp lý, Luật sư Trần Thu Nam từ Hà Nội nói rằng việc hạn chế nhập cảnh hay giám sát tội phạm nước ngoài đã mãn hạn tù đến Việt Nam sinh sống là “rất khó”.

“Nếu người ta đã chấp hành xong án, hay được xóa án tích rồi chẳng hạn, thì với quyền tự do đi lại, nếu cấm thì rất khó”, LS. Trần Thu Nam nói với VOA.

“Theo luật Việt Nam, người ta chỉ giám sát đối với những người đang chấp hành án, hoặc đang có tiền án tiền sự mà chưa được xóa án, hoặc đang trong thời gian quản chế ở địa phương… Còn với những người đã chấp hành án xong rồi thì không có hình thức nào giám sát cả”, LS. Nam giải thích thêm.

Người Việt Nam mình có một đặc tính là sính ngoại, nên nếu không biết về quá khứ của ông ta thì rất dễ để cho con cái mình gần gũi với ông ta.

Nhà văn Đoàn Bảo Châu

Ngoài ra, theo ông, khả năng hạn chế của Việt Nam cũng không cho phép để có các biện pháp nghiệp vụ tiên tiến nhằm phòng ngừa tái phạm, chẳng hạn như đeo vòng có gắn chip theo dõi đối với một số loại tội phạm, giống như ở một số quốc gia trên thế giới.

Với thực tế nhiều tội phạm nước ngoài được “thả lỏng” tại Việt Nam, một số người lo ngại Việt Nam sẽ trở thành “điểm đến” của những tội phạm “không còn đất sống” ở quê hương.

“Có vẻ VN là thiên đường của bọn ấu dâm đây. 200k thôi mà”, một Facebooker có tên Ti Gon nói, không quên đề cập đến việc chính quyền chỉ phạt hành chính 200.000 đồng đối với thủ phạm một vụ quấy rối trong thang máy gần đây.

“Việc xử lý không thỏa đáng, còn nhẹ lắm”, nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét với VOA.

“So với thế giới, nhìn chung, Việt Nam coi chuyện này không quá nghiêm trọng. Chính vì thế, có thể như một số người lo ngại, Việt Nam sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm ấu dâm từ nước ngoài du nhập vào”, nhà báo ở Nha Trang nhận định thêm.

Trả lời trên báo Tuổi Trẻ ngày 13/5, Cục trưởng Cục Trẻ em, thuộc Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, ông Đặng Hoa Nam, cũng khẳng định luật pháp Việt Nam “không có những chế tài hay hạn chế quyền tự do đối với những đối tượng xâm hại tình dục trẻ em sau khi đã chấp hành xong các hình phạt của pháp luật”.

“Thậm chí việc anh ta có chụp ảnh với trẻ em cũng không bị cấm”, ông Nam được báo Tuổi Trẻ dẫn lời nói. Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng những người như Trinnaman sẽ bị đưa vào diện “có nguy cơ cao” để theo dõi, giám sát.

https://www.voatiengviet.com/a/dan-mang-lo-ngai-vn-tro-thanh-thien-duong-cua-ke-au-dam/4915319.html

 

Việt Nam cáo buộc Facebook vi phạm luật

Bộ Thông tin- Truyền Thông Việt Nam cho rằng Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở ba lĩnh vực lớn gồm quản lý nội dung thông tin, quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và trách nhiệm thuế đối với Việt Nam’.

Mạng báo Sài Gòn Giải Phóng loan tin ngày 14 tháng 5 dẫn báo cáo của chính phủ Hà Nội. Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết về hoạt động chất vấn để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp khai mạc vào ngày 20 tháng 5 tới đây.

Theo báo cáo vừa nêu của chính phủ Việt Nam thì có khá nhiều các nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới vào Việt Nam như Facebook, Google… Chính phủ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp đấu tranh về an ninh chính trị, kinh tế, kỹ thuật nhằm yêu cầu Facebook và Google phải tuân thủ các qui định của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Bộ Thông tin- Truyền Thông Việt Nam thì Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam trong ba lĩnh vực như vừa nêu. Bộ Thông tin- Truyền thông Việt Nam đã có văn bản gửi Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đề nghị cùng phối hợp rà soát và có biện pháp ngăn chặn các hoạt động thanh toán cho những sản phẩm dịch vụ mà Việt Nam cho là bất hợp pháp.

Tin nói thêm các cơ quan quản lý Việt Nam tiếp tục thu thập bằng chứng bị cho là vi phạm và đấu tranh yêu cầu Facebook tuân phủ pháp luật Việt Nam.

Phía Việt Nam cho biết có yêu cầu Facebook gở bỏ hơn 200 tài khoản giả mạo, hơn 2400 link rao bán, quảng cáo những sản phẩm, dịch vụ bị cho là bất hợp pháp, hơn 200 link, bài viết có nội dung bị cho là chống phá đảng cộng sản, chính phủ Việt Nam; gở bỏ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc.

Việt Nam cũng yêu cầu Google chặn hơn 7 ngàn video clip, gở 19 kênh có nội dung mà Hà Nội cho là độc hại trên YouTube; gỡ gần 60 trò chơi bị kết luận vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/facebook-violate-05142019110817.html

 

Đại lễ Vesak 2019: Những vết đen điếm nhục

của Phật giáo Quốc Doanh

Blogger Gió Bấc

Đại lễ Vesak 2019 tại Việt Nam lẽ ra là niềm vui hạnh phúc của cộng đồng Phật giáo và niềm vui chung của dân tộc là cơ hội để mỗi con người gội rửa thân tâm hướng đến thảnh thơi an lạc và ứng xử với nhau bằng hạnh hỷ xả. Việt Nam cũng chia sẻ với thế giới những giá trị trí tuệ của tinh hoa Phật học.

Rất tiếc, những đồng chí được đảng nhà nước phân công vào vai hòa thượng, thượng tọa Phật giáo quốc doanh đã quá trâng tráo, hành xử ngông nghênh vô học, báng bổ phật pháp, tạo ra những vết đen nghiệp chướng muôn đời không tẩy xóa

Báng bổ đạo pháp

Ngay trước đại hội, báo chí quốc doanh đồng loạt đưa tin về bức tranh Đạo Pháp và dân tộc. Tối 10/5/2019, tại Học viện Phật Giáo Việt Nam, tọa lạc tại Sóc Sơn, Hà Nội, hòa thượng, tiến sĩ Thích Thanh Đạt, Ủy viên thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thượng tọa, tiến sĩ Thích Thanh Quyết- Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các vị cán bộ lão thành các cấp cùng hàng trăm tăng ni phật tử tham dự, thượng tọa Thích Thanh Quyết công bố ra mắt bức tranh sơn ta “Đạo pháp và dân tộc”  Thượng tọa Thích Thanh Quyết đã cùng Nhà đầu tư Hà Huy Thanh, cháu của cố Tổng bí thư Hà Huy Tập, làm lễ kéo khăn nhiễu công bố bức tranh trước tiếng vỗ tay không ngừng của các tăng ni, phật tử.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết đã đặt những nét vẽ đầu tiên để “khai bút” vẽ một bên là Phật Thích Ca Mâu Ni, một bên là Hồ Chí Minh, và ở giữa là bánh xe chuyển pháp luân. “Đạo pháp và dân tộc” là tác phẩm được xây dựng dựa trên sáng kiến của ông Hà Huy Thanh, sự ủng hộ và hưởng ứng nhiệt tình của thượng tọa, TS Thích Thanh Quyết cùng đông đảo cán bộ và tăng ni sinh của học viện Phật Giáo Việt Nam.

Thích Thanh Quyết còn dám đại xảo ngôn cho rằng, bức tranh có bố cục trọng tâm là bánh xe chuyển pháp luân nói lên sự vận động của quy luật nhân quả, sinh diệt mà chúng sinh giác ngộ được Phật Pháp. Đây là bức tranh đặc biệt có ý nghĩa, đức Phật tổ Thích Ca và Bác Hồ đều là những vị cứu tinh của nhân loại, càng có ý nghĩa hơn khi đúng với tinh thần của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam là “Đạo pháp và dân tộc”, Đức Phật biểu trưng cho Đạo pháp, Bác Hồ tượng trưng cho tinh thần dân tộc. {1}

Bức tranh đã tạo ra cơn địa chấn phẫn nộ trong cộng đồng phật tử Việt Nam vốn dĩ hiền hòa đôn hậu. Nội dung hình ảnh trong bức tranh và lời lẽ xảo ngôn của Thích Thanh Quyết đã chạm vào những giá tri thiêng liêng của Phật pháp. Sự sắp đặt đức Thích Ca Mâu Ni ngang hàng với Hồ Chính Minh xem Hồ Chí Minh là đại diện tiêu biếu cho Dân Tộc là xúc xiểm không chỉ cộng đồng Phật giáo mà đến cả dân tộc Việt Nam trong ngoài nước.

Không cứ phải là Phật tử, một người khách quan, tác giả Bên Thắng Cuộc, nhà báo Huy Đức nhìn hiện tượng này với vẻ diễu cợt đau xót “Suốt hơn hai nghìn năm qua, giới tăng lữ luôn được đặt ở đẳng cấp cao nhất trong xã hội. Chỉ trong thời mạt pháp, các chức sắc của một tôn giáo có đông tín đồ nhất mới tụt xuống hàng cuối cùng cả về văn hoá và tư cách như thế:

PS: Chân tướng cái gọi là “Nhà đầu tư Hà Huy Thanh, cháu của cố Tổng bí thư Hà Huy Tập” đang chuẩn bị được làm rõ; rồi chúng ta sẽ biết bản chất bọn buôn thần bán thánh ra sao”.{2}

Xảo ngôn, ninh hót

Cư sĩ, nhà văn, Tiến sĩ Trần Kiêm Đoàn đang giảng dạy đai học ờ Mỹ, có bài viết trên Fb “ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC…CẦN ĐƯỢC XÂY DỰNG TRÊN CĂN BẢN NHÂN VĂN VÀ TRUNG THỰC”.

Ông Đoàn viết, Trong khi VESAK – Lễ hội Phật Đản Thế giới – đang diễn ra ở Hà Nam thì “hậu trường sân khấu” lại có những màn trình diễn vớ vẩn như bức tranh này. Đây là một hình thức báng bổ Phật giáo cũng như hạ thấp tinh thần dân tộc và lịch sử Việt Nam xuống ngang tầm với trò quảng cáo lãnh tụ và tuyên truyền chính trị!

Nhiều Phật tử và Thân hữu đã bày tỏ tâm đắc với lời nhận định của ông NT về bức tranh sơn mài “Mừng Phật Đản 2019” nầy, khi ông viết:

“ Đây là biểu tượng cho một thứ văn hoá nô bộc và tôn sùng lãnh tụ theo tâm lý bầy đàn thời Trung Cổ.”

Đức Phật là Đức Phật;

Cụ Hồ Chí Minh là cụ Hồ Chí Minh.

Đức Phật là biểu tượng truyền thống cho tôn giáo Phật giáo. Quả nhiên đây là điều không thể hiểu mập mờ hay phủ nhận được.

Nhưng cụ Hồ Chí Minh không phải là biểu tượng truyền thống cho dân tộc Việt Nam nói chung. Cụ là một nhà lãnh đạo của phong trào Cộng Sản thời 1930. Người cộng sản Việt Nam có quyền tôn sùng Cụ Hồ như là biểu tượng cho một dân tộc Việt Nam theo chủ nghĩa Xã Hội hay Cộng Sản mà thôi. Nhưng không ai có quyền áp đặt Cụ Hồ trở thành biểu tượng chung cho toàn thể dân tộc Việt Nam cả. Sự nịnh hót lộ liễu và trắng trợn luôn luôn đồng nghĩa với sự hủy hoại thanh danh và nhân cách của cả hai đối tượng NỊNH HÓT và BỊ NỊNH HÓT!” {3}

Thích Thanh Quyết đã hết sức xảo ngôn khi đánh đồng Đức Phật với Hồ Chí Minh là cúu tinh của nhân loại. Đức Phật thật sự là vị cứu tinh khi tìm ra chân lý Tứ diệu đế, Bát chánh đạo để con người thoát khỏi sự vô minh hướng đến tuệ giác, an lạc. Còn Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân loại di sản gì? Có lẽ với lòng hỷ xả của Phật tử, Tiến sĩ Trần Kiêm Đoàn chỉ không chấp nhận Hồ Chí Minh là đại diện của dân tộc Việt Nam mà không nhắc đến những tội ác của họ Hồ đã gây ra với dân tộc. Hồ Chí Minh đã đem về cái chủ nghĩa Mác Lê thống trị dân tộc Việt hơn nửa thê kỷ. Cuộc cải cách ruộng đất bắt đầu từ bài viết “Địa chủ ác ghê!” của Hồ đã giết oan hàng vạn người ở Miền Bắc. Cái ý chí hiếu chiến hiếu thắng “thà đốt cháy cả dãi Trường Sơn cũng quyết thắng giặc Mỹ” đã thúc đẩy cuộc nội chiến 20 năm giết chết hàng triệu người Việt và gây ra hiềm khích, ngăn cách trong lòng dân tộc không biết đến bao giờ có thể hàn gắn. Riêng bài thơ Mừng xuân 68 phát trên đài Hà Nội lúc giao thừa là mật lệnh mở màn cho cuộc chiến Mậu Thân làm chết oan hàng vạn thường dân đã đủ truy cứu Hồ Chí Minh như tội phạm diệt chủng.

Đánh đồng đức từ bi vô lượng với kẻ hiếu sát, Thích Thanh Quyết đã tự lột áo nhà tu lộ nguyên hình là tên cán bộ cộng sản nói dối không biết ngượng mồm.

Văn nghệ sex phục vụ chư tăng!

Không chỉ sốc với bức tranh của ma tăng Thích Thanh Quyết, dư luận còn sốc hơn khi xem đài truyền hình Việt Nam tường thuật diễn biến dại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 trong đó có chương trình văn nghệ với điệu múa sexy của các nữ diễn viên với trang phục mỏng tang, được pha đèn ngược sáng lộ rỏ đường cong cơ thể và cả sắc màu da thịt,

Fb Võ Khánh Tuyển đăng bài viết NGHĨ GÌ ??? và một chùm ảnh các điệu múa này đã nhận được 393 like, 158 bình luận và 98 lượt chia sẻ.

Võ Khánh Tuyến nêu vấn đề “… Nếu là chương trình biểu diễn bình thường, thì có sexy và khêu gợi hơn nữa cũng chẳng có gì đáng nói .

… Nhưng đây lại là Chương trình hoạt động của Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức. Đài Truyền hình Quốc Gia Việt Nam VTV trực tiếp truyền hình .

Không biết các vị Chức sắc tu hành của Phật Giáo, đại biểu Phật Giáo của bao nhiêu nước tham dự… sẽ có suy nghĩ gì khi được Giáo hội Phật Giáo Việt Nam ” chiêu đãi” như thế này ?” {4}

Fb Chu Hồng Quỳ đã chỉ ra điều cốt tử là “CẤM NGHE, XEM CÁC HÌNH THỨC BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT là 1 trong 28 giới cấm của giới Bồ-tát tại gia, cũng là 1 trong 48 giới cấm của giới Bồ-tát xuất gia, 1 trong 250 giới cấm của giới Tỳ-kheo, cũng như 1 trong 384 giới cấm của giới Tỳ-kheo ni. Thậm chí trong 8 giới cấm ở ngày thọ giới Bát quan trai của Phật tử tại gia cũng có giới cấm nghe xem này.

Vậy mà các người ngửa cổ, vểnh tai xem người ta hát hò múa may ở Đại lễ Phật đản Thế giới Vesak 2019.

Hỡi các tăng, ni phá giới, hỡi các bồ-tát xú uế, bồ-tát chi-đà-na! Các vị tu cả đời cũng không bù lại một giờ phá giới. Các người đang hủy hoại chánh pháp và phỉ báng Đức Thế tôn Như-Lai vào đúng dịp kỷ niệm ngày đãn sinh của Ngài”. {5}

Cũng cùng quan điểm này, Fb của Nguyễn Đình Bổn có bài “Đi ngược với Giới, Luật của Thích Ca!”

Nguyễn Đình Bổn lý giải “Trong nhiều kinh và luật của Phật giáo dạy rằng các vị tu sĩ xuất gia và các vị cư sĩ tại gia tự nguyện tập sự xuất gia qua việc thọ Bát Quan Trai giới cần tránh xa việc xem nghe ca hát và tự mình ca hát vì mục đích của người tu hành là giải thoát mọi sự khổ đau của cuộc đời.

Trong Tạng luật, Tiểu phẩm chương “Các Tiểu Sự” ghi lại lời Đức Phật đã dạy: “Này các tỳ khưu, không nên đi xem vũ, ca, hoặc tấu nhạc; vị nào đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác- nghĩa là không tốt, không thiện, làm chuyện xấu).

Ngay cả khi giảng pháp, Đức Phật cũng không cho phép ngâm nga theo âm điệu trầm bổng, Đức Phật dạy về 5 điều sai trái khi ngâm nga như sau: “Này các tỳ khưu, đây là năm điều bất lợi khi ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài: Bản thân vị ấy bị say đắm trong âm điệu, luôn cả những kẻ khác cũng bị say đắm trong âm điệu, hàng tại gia phàn nàn, trong khi ra sức thể hiện âm điệu thiền định bị phân tán, điều cuối cùng là dân chúng thực hành theo đường lối sai trái”. Và trong “Pháp hội Vườn xoài”, được ghi trong Kinh Trường Bộ – Sa Môn Quả, [Điều thứ 45] Đức Phật nhân giảng cho vua nước Magadha về Tỳ-kheo giới hạnh cụ túc, Ngài nói: “Phải từ bỏ đi xem múa, hát nhạc, diễn kịch”.

Giáo hội Phật giáo VN ngày nay đã suy đồi cùng cực và bày ra nhiều trò dị hợm đi ngược với Giới, Luật của Thích Ca!” {6}

Quảng bá kinh doanh du lịch tâm linh

Nguyên Giảng viên đại học, Nhà báo Nguyễn Thông cũng ngậm ngùi viết trên Fb “Hỏng cả sinh nhật Đức Phật

Thú thực, xem các cảnh trên tivi, tôi có cảm giác đại lễ Vesak Phật đản 2019 mà xứ ta đăng cai tổ chức không khác gì một chương trình nghệ thuật tổng hợp ca nhạc-tạp kỹ-thời trang và kết hợp khoe mẽ chính thể, quảng bá du lịch, chứ chả có gì của Phật, của tôn giáo từ bi bác ái. Rồi không hiểu những ngày tiếp theo họ còn làm cái gì để rồi sẽ “thành công tốt đẹp” {7}

Những giòng ngắn ngủi của Nhà báo Nguyễn Thông đã bật ra một vấn đề quan trọng. Ngoài việc làm bức tranh, làm hoạt cảnh tự do tôn giáo che đậy cho sự đàn áp dã man những bậc tu hành chân chính, đại lễ Vesak do giáo hôi Phật giáo quốc doanh Việt Nam tổ chức còn là cơ hội quảng cáo cho mô hình du lịch tâm linh của các nhóm lợi ích đang khuynh đảo quốc gia.

Báo Dân Việt có bài viết nhận xét “Những năm gần đây, một khái niệm mới trong nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành du lịch Việt Nam nói riêng ra đời, đó là “du lịch tâm linh”. Đây là loại hình vừa đáp ứng nhu cầu thờ tự, tín ngưỡng lại vừa giúp mọi người có cơ hội đi thưởng ngoạn, ngắm cảnh.”

Thử dùng từ khóa “Du lịch tâm linh Việt Nam” trên công cụ tìm kiếm của Google, chúng ta sẽ có 14.200.000 kết quả. Điều đó cho thấy sức quảng bá cho mô hình này kinh khủng đến mức nào. Càng kinh khủng hơn là việc các nhóm lợi ích đã chia chác tài nguyên đất đai núi rừng, thắng cảnh thiên nhiên di tích lịch sử trục lợi qua danh nghĩa mỹ miều “du lịch tâm linh”.

Báo Dân Việt đã giới thiệu khái quát về một trong những mô hình này “Đáng chú ý, cái tên Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (có trụ sở ở Ninh Bình) của tỷ phú Xuân Trường đang là tâm điểm du luận sau hàng loạt dự án tâm linh có số vốn đầu tư “khủng” dao động từ 10.000 – 15.000 tỷ đồng, với diện tích đất mỗi dự án hàng nghìn ha. Dư luận xã hội đặc biệt quan tâm ở cả khía cạnh kinh tế và văn hóa, tâm linh khi phát triển dự án tâm linh này.

Đầu tiên phải kể đến dự án quần thể tâm linh chùa Bái Đính tại Ninh Bình. Quần thể chùa này có diện tích 1.700ha bao gồm khu chùa Bái Đính cổ, khu chùa Bái Đính mới và các khu vực như: công viên văn hoá và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đỗ xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh…

Sau khi tạo được tiếng vang lớn từ dự án chùa Bái Đính, doanh nghiệp Xuân Trường “bắt tay” xin đầu tư, kinh doanh những dự án tâm linh khác với quy mô càng ngày càng “khủng”. Trong đó, xôn xao dư luận gần đây là dự án chùa Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam). Theo giới thiệu của doanh nghiệp Xuân Trường, khu dự án tâm linh này có tổng diện tích lên tới 5.100ha (bằng kích thước gần 300 sân vận động quốc gia Mỹ Đình cộng lại)….” {8}

Xin đừng tiếp tay cho cái ác!

Đại lễ năm nay được đăng cai tổ chức tại Tam Chúc thực chất chỉ là tấn tuồng quảng bá cho dự án kinh doanh mua thần bán thánh này, Nếu soi từ triết lý sống thiểu dục của Đức Phật “Tài sản của mỗi người chỉ là mấy bộ cà sa và y bát. Tất cả cũng chỉ là để hành đạo” thì việc xây chùa to, phật lớn đã là đi ngược đạo pháp.

Những vết nhơ về nội dung tổ chức đại lễ cho thấy thực tâm của nhà nước và giáo hội quốc doanh. Đại lễ Vesak 2014 tổ chức tại Bái Đính và lần này tại Tam Chúc đều là cơ hội và mục tiêu quảng bá cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch tâm linh Xuân Trường. Trong các dịch vụ kinh doanh ấy có cả casino. Trong khi đó chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, chùa An Cư ở Đà Năng bị chính quyền đập phá cũng để phục vụ cho các dự án kinh doanh địa ốc. Một dự án Bản Hoa Anh Đào ở Bảo Lộc chuyên điều tri bệnh nhân trầm cảm của Đại đức Thích Minh Niệm, tác giả quyền sách nổi tiếng Hiểu về trái tim cũng buộc phải đóng cửa không có lý do. Đai đức Minh Niệm phải “tu dạo” nhờ các chùa khác và thuyết pháp online.

Viết những giòng chữ này, chúng tôi muốn gởi đến quý cao tăng, quý nguyên thủ quốc gia đã nhọc công tham dự Vesak 2019 xin hãy phát tâm lắng nghe tiếng nói đau khổ của chư tăng ni phật tử Việt Nam và có thái độ đúng đắn trong ứng xử với Giáo hội Phật giáo quốc doanh hiện nay. Đây thực chất không phải là giáo hội Phật giáo mà chỉ là một tổ chức ngoại vi trá hình của đảng cộng san. Họ đang kinh doanh mua thần bán thánh gieo rắc mê tín di đoan như cúng sao giải hạn, giải oan trái chủ, kích hoạt lòng tham mê muội của con ngượi Hệ thống công an tôn giáo, Ban Tôn Giáo chính phủ kiểm soát về nhân sự toàn bộ hệ thống giáo hội này.

Những nhà tu chân chính như Thích Quảng Độ và Giáo hội phật giáo VN thống nhất, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thuần túy đang bị đàn áp, bức hại khốc liêt.

Hy vọng rằng quý vị đừng vì ngộ nhận mà vô tình trở thành kẻ tiếp tay, trở thành những diễn viên cho các tấn tuồng dối trá, làm bình phong cho chế độ độc tài khống chế người dân, biến nền đạo pháp trí tuệ từ bi thành phương tiện chiếm đoạt tài nguyên đất nước để kinh doanh trục lợi.

https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/ra-mat-buc-tranh-dao-phap-va-dan-toc-nhan-le-phat-dan-va-sinh-nhat-bac-530658.html?fbclid=IwAR384xg4aA_YYMx0wVgSjw1uEEv-C-4S73QoZE7peokvC3bfQbDWhW1Mje8

https://www.facebook.com/Osinhuyduc

https://www.facebook.com/TranKiemDoan?__tn__=%2CdC-R-R&eid=ARCVYYxmUSf9L…

4- https://www.facebook.com/vktuyen?__tn__=%2CdlCH-R-R&eid=ARDOT6zfIuYpCcT5zWv6W89JcpASonTMy9stR6g0sZg038M7NwKXOgx0bNij4ZluurAsLHNutfb2Ic7-&hc_ref=ARTcG6RDGqqo5_9q5JElUvXdWAKQ5QcbV1XQB0XVy2DEttBR7rX4C71ALVKQKBrjsis

5-https://www.facebook.com/ChuHongQuy?fref=gs&__tn__=%2CdC-R-R&eid=ARAwdqL…https://www.facebook.com/dinhbon.nguyendinhbon?__tn__=%2CdCH-R-R&eid=ARBd3Pn7IhTStbjQi3iYus2yhPLm7Am2Lm93TfHfMZeA1shF4_NPO0WbFo-O7FdQuWXJ-br8-vkWj-tS&hc_ref=ARS8shqGR3uJ2xUTB2b-zR_B5YjvwPo4oQ1xFATVpkphmIDPYtLSbkg3joDUyhhJocY&fref=nf

6- https://www.facebook.com/profile.php?id=100024722048900&__tn__=%2CdC-R-R&eid=ARCrGbTcG-19dgE3qdsArXeM5vK7BrNfnLP7wBkDfZGIxGn6AVkVD_xblk2V7Y24BTqumHjR98J-eDWG&hc_ref=ARSqaL9albkY91j059z-SjNcXfoC5MtJtTxindHZGIRXKQ0IGkClXJ1pSrxqZldF7V8&fref=nf

7-http://danviet.vn/kinh-te/kinh-doanh-tam-linh-khu-chua-nghin-ha-day-song-du-luan-956978.html

Bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vesak-19-05142019104106.html

 

Thánh sâu gươm quan gừng tam cò…

Đồng Phụng Việt

Cho dù nhiều thế hệ đương đại không còn được học Hán Nôm nhưng phàm đã là người Việt, ít ai không biết câu đối là gì.

Chẳng riêng người Việt, người Trung Quốc mà người Nhật, người Triều Tiên cũng xem câu đối là một phần trong nền văn học thuộc về tiền nhân của họ.

Không phải tự nhiên mà cổ nhân xem thơ phú là tinh hoa của chữ nghĩa và câu đối là tinh hoa của tinh hoa. Soạn một câu đối không dễ: Hai vế của một câu đối phải đạt được sự tương phản cả về ý, về chữ. Chữ phải đối nhau về thanh (vế này thanh bằng thì vế kia phải là thanh trắc), về loại (thực tự, hư tự)… Tuy nhiên khi gộp lại, hai vế vốn tương phản từ ý đến chữ này lại chỉ biểu đạt một nghĩa, thể hiện cái tài của người soạn.

Trong vô số những giai thoại về câu đối, kẻ viết bài này nhớ hoài một giai thoại: Sau khi giới thiệu hàng loạt những nguyên tắc trong việc soạn câu đối, đặc biệt là phải bảo đảm sự đăng đối ở cả hai vế, thầy mới cho vế đầu để trò làm vế sau: Thần Nông giáo dân nghệ ngũ cốc (ông thần coi sóc nghề nông dạy cho dân trồng ngũ cốc)… Trò không thèm đắn đo, đối lại lập tức: Thánh sâu gươm quan gừng tam cò…

“Thánh sâu gươm quan gừng tam cò” vô nghĩa và tất nhiên làm người nghe chưng hửng. Vế đối mà trò ứng khẩu chỉ bảo đảm sự… đăng đối: Thánh đối với Thần, sâu đối với nông, gươm đối với giáo, quan đối với dân, gừng đối với nghệ, tam đối với ngũ, cò đối với cốc và… chỉ thế mà thôi! Đó cũng là lý do giai thoại làm người ta bật cười vì tư duy và cách vận dụng nguyên tắc làm câu đối của trò!

Tuần rồi, có một chuyện làm “Thánh sâu gươm quan gừng tam cò” đột nhiên bật dậy trong đầu kẻ viết bài này…

***

Ngày 9 tháng 5, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đồng loạt loan báo, ông Lê Hữu Thuận, Trưởng Khoa Lý luận Mác Lênin – Tư tưởng Hồ Chí Minh của Trường Chính trị Trần Phú, tỉnh Hà Tĩnh, vừa bị “đình chỉ tất cả các chức vụ” vì đã “xuyên tạc, bịa đặt” về “sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước” trên facebook.

Tuy hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam không cho biết ông Thuận đã “xuyên tạc, bịa đặt” về “sức khỏe lãnh đạo cấp cao” nào của đảng và nhà nước” và “xuyên tạc, bịa đặt” ra sao nhưng người sử dụng mạng xã hội tiếng Việt dễ dàng tìm ra trang facebook có nickname “Út Hữu” của ông Thuận.

Trước đó, “Út Hữu” từng nhận định thế này: Mọi người cứ thắc mắc sao ông Nguyễn Phú Trọng không có mặt ở lễ tang ông Lê Đức Anh? Ơ hay, ông ấy đã ngỏm rồi, lấy mô mà ra nữa?.. Cho dù trang “Út Hữu” trên facebook đã bị đóng  nhưng một “Thông báo về Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Chính trị Trần Phú”, ký ngày 6 tháng 5, cho biết thêm, qua “Út Hữu”, ông Thuận còn có những “bình luận xuyên tạc sự thật với những từ ngữ thiếu văn hóa, xúc phạm” khác.

Khi trò chuyện với báo giới, một viên chức là lãnh đạo Trường Chính trị Trần Phú, nhận định, qua “Út Hữu”, những bình phẩm của ông Thuận về “lãnh đạo cấp cao của đảng và nhà nước” đã “ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự bản thân, uy tín của tổ chức đảng và nhà trường, gây bức xúc đảng viên và dư luận xã hội”. Xét về bản chất, nhận định ấy chẳng khác gì vế đối: “Thánh sâu gươm quan gừng tam cò”!

***

Hệ thống Trường Chính trị tại Việt Nam hiện nay là hậu thân của hệ thống Trường Đảng và Trường Hành chính. Hệ thống Trường Chính trị ra đời sau khi Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN ra lệnh sáp nhập hai hệ thống trường đảng và trường hành chính làm một hồi 1995.

Cho dù cách gọi tên đã khác trước nhưng mục tiêu, hoạt động của hệ thống Trường Chính trị vẫn thế: Vẫn là thay đảng đào tạo tư tưởng, nhận thức cho cán bộ thuộc phạm vi trách nhiệm của các tỉnh và thành phố. Cấp phát văn bằng Trung cấp Lý luận Chính trị – Hành chính, một loại vé vào cửa để được bổ nhiệm vào một số vị trí thuộc cấp tỉnh – thành phố và tất cả các vị trí lãnh đạo thuộc cấp quận – huyện, phường xã. Không có Trung cấp Lý luận Chính trị – Hành chính, đừng mơ được quy hoạch, đề bạt.

Do bản chất của hệ thống Trường Chính trị là như thế, cả trong mắt đảng lẫn trong mắt thiên hạ, ông Thuận tất nhiên là một nhân vật vững vàng về tư tưởng, kiên định về lập trường. Chẳng phải dân không dè mà đảng cũng không dè Trưởng Khoa Lý luận Mác Lênin – Tư tưởng Hồ Chí Minh của một Trường Chính trị lại có những phát biểu như… “Út Hữu”!

Khoan bàn đúng – sai, khôn – dại, chỉ xét riêng yếu tố ông Thuận chọn xuất hiện như “Út Hữu” trên mạng xã hội, đó hẳn là vì ông có nhu cầu nói thật điều ông nghĩ, nói đúng tâm tư, tình cảm của ông. Đảng không cho ông Thuận nói như ông Thuận nghĩ ở những chỗ chỉ toàn đồng chí với nhau thì ông Thuận nói qua… “Út Hữu”.

Khi Trưởng Khoa Lý luận Mác Lênin – Tư tưởng Hồ Chí Minh của một Trường Chính trị mà còn hành xử như ông Thuận thì còn bao nhiêu cán bộ, đảng viên đã, đang và sẽ tiếp tục “bình luận xuyên tạc sự thật với những từ ngữ thiếu văn hóa, xúc phạm” hết đảng, nhà nước, tới lãnh đạo cấp cao của đảng, nhà nước? Chắc là không ít.

Đảng biết không? Biết! Biết nên mới lo. Lo nên mới cấm, mới ban hành “19 điều đảng viên không được làm”, mới nhận diện “27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa”, Tổng Bí thư mới than thở về tình trạng “nhạt đảng, khô đoàn, xa rời chính trị (không phấn đấu vào đoàn, vào đảng)”.

Không may cho đảng là càng nỗ lực chống “suy thoái”, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì tiến trình này càng sâu và rộng. Ông Thuận – một trong những cốt cán về tư tưởng, nhận thức, lập trường – chính là ví dụ mới nhất. Nếu tâm và trí ở mức bình thường, làm sao tư tưởng không lung lay, lập trường không chao đảo trước thực trạng xã hội như hiện nay?

Cho rằng sự kiện ông Thuận là Út Hữu “ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự bản thân, uy tín của tổ chức đảng và nhà trường, gây bức xúc đảng viên và dư luận xã hội” là nói lấy được. Hành động đó làm sao ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức đảng, gây bức xúc đảng viên và dư luận xã hội bằng sự kiện người lớn tiếng nhất trong cảnh báo “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, viết cả sách bàn và dạy “chống suy thoái” như ông Trương Minh Tuấn, mới bị truy tố thêm tội… nhận hối lộ?

Có nhiều ông Trương Minh Tuấn thì ắt sẽ có những ông Thuận mà trong hộp sọ còn não, trong lồng ngực còn tim, sẽ tìm cách trở thành những… “Út Hữu”. Đã không cho người ta cười khi nghe “Thánh sâu gươm quan gừng tam cò”, lại còn tiến thêm một bước, bắt người ta khen đó là… tuyệt phẩm, là “tinh hoa của tinh hoa”  thì… vậy thôi, làm sao khác được?

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/another-way-to-express-your-opinion-05132019130719.html

 

‘Đầy tớ’ may mắn

Trân Văn

Năm 2011 đầy tớ vay 553 triệu Mỹ kim để xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông. Nhà thầu cam kết sẽ hoàn tất tuyến metro có chiều dài 13 cây số này vào năm 2013.

Đến 2014, nhà thầu thề sẽ hoàn tất công trình vào tháng 6 năm 2015. Quan hệ giữa chủ đầu tư với nhà thầu vốn bị chi phối bởi hợp đồng nhưng chủ đầu tư không cậy tới tòa.

Tháng 6 năm 2015, thời điểm khánh thành metro Cát Linh – Hà Đông được dời lại tới cuối năm 2015.

Cuối năm 2015, đầy tớ long trọng thông báo, phải đến hết quí 1 năm 2016, công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông mới hoàn tất và có thể chạy thử.

Trong năm 2016, sự kiện duy nhất liên quan tới tuyến metro Cát Linh – Hà Đông là đầy tớ vay thêm 250 triệu Mỹ kim để nhà thầu tiếp tục xây dựng metro Cát Linh – Hà Đông.

Trung Quốc là phía cho vay, nhà thầu cũng của Trung Quốc. Nhà thầu thực hiện công trình như “mèo mửa” nhưng nửa chừng không thèm “mửa” nữa để đòi thêm tiền.

Thật ra nhà thầu đòi tới 339 triệu Mỹ kim. Thương lượng tới lui, khoản phải đưa thêm cho nhà thầu “mửa” tiếp giảm xuống còn 250 triệu Mỹ kim.

Tuyến đường sắt nội đô chỉ 13 cây số nhưng đầy tớ tạo ra cho chủ khoản nợ lên tới hơn 800 triệu Mỹ kim.

Có lần, vui miệng, đầy tớ tiết lộ, chỉ riêng khoản 250 triệu mới vay thêm hồi 2016, từ 2018, mỗi năm chủ phải trả 650 tỉ cả vốn lẫn lãi (1).

Giả sử mức độ… “ưu đãi” mà Trung Quốc dành cho cả hai khối nợ (553 triệu Mỹ kim và 250 triệu Mỹ kim) giống nhau, mỗi năm, chủ phải trả chừng… 2.000 tỉ đồng.

Đầy tớ đã cắt giảm phúc lợi, rồi qua thuế, phí, chủ còn góp thêm mồ hôi, nước mắt để trả cả vốn lẫn lãi nhưng metro Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa vận hành.

Lời hứa hoàn tất công trình vào cuối năm 2016 được sửa lại thành giữa năm 2017, sau đó được đổi thành cuối quý 1 năm 2018, rồi đổi nữa thành cuối tháng 4 năm nay…

***

Năm ngoái, sau khi được nhà thầu Trung Quốc tạo điều kiện để “kiểm tra và đi thử” trên tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, ông Nguyễn Văn Thể – đầy tớ được các đầy tớ khác tín nhiệm, cắt cử “đứng mũi chịu sào” đối với công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, khen rằng “êm hơn tuyến đường sắt quốc gia”.

Chỉ sau một chuyến “kiểm tra và đi thử”, đầy tớ Thể quên hết những cay đắng mà cả giới đầy tớ lẫn chủ của họ ở Việt Nam từng phải nuốt khi vay tiền Trung Quốc, phải dùng nhà thầu Trung Quốc để thực hiện tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, cho nên mới hồn nhiên khẳng định: “Tuyến metro Cát Linh – Hà Đông không chỉ mang lại ý nghĩa về giao thông mà còn tạo đột phá về kinh tế xã hội, đặc biệt thắt chặt tình nghĩa giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Cũng vì vậy, các đầy tớ: Đã yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp những thiết bị tốt nhất để có sự cạnh tranh với những nhà đầu tư khác, tạo dựng niềm tin để còn thực hiện những dự án đường sắt đô thị khác (2)!

Vào thời điểm đó (tháng 5 năm 2018), đầy tớ Thể cao hứng nhắn nhủ dân chúng Hà Nội rằng họ… sắp có “một tuyến đường sắt rất tốt và hiện đại” sẽ vận hành vào cuối năm.

Cuối năm rồi, may là tuyến metro Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa thể khai thác thương mại nên các ông chủ, bà chủ không phải nghe đầy tớ Thể nói thêm gì nữa.

***

Dân chúng Việt Nam chỉ ồ lên vì thất vọng, một số chỉ rủa vài câu trước sự kiện tuyến metro

Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa thể vận hành thương mại vào cuối tháng 4 như đã cam kết rồi… thôi!

Giới đầy tớ ở Việt Nam quả là may mắn. Có được những ông chủ, bà chủ bao dung, nhẫn nại, chịu thương, chịu khó như thế thì dại gì không vay, không tiêu, không “giật” phúc lợi “vá” cho các chủ trương, dự án!

Chú thích

(1) https://nld.com.vn/kinh-te/duong-sat-cat-linh-ha-dong-tau-chua-chay-da-tra-no-trung-quoc-650-ti-dong-nam-2018012310121303.htm

(2) https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-truong-giao-thong-duong-sat-cat-linh-ha-dong-em-hon-duong-sat-quoc-gia-3748682.html

https://www.voatiengviet.com/a/duong-sat-cat-linh-ha-dong-trung-quoc-ha-noi/4916706.html

 

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Scott Busby

gặp gỡ giới tranh đấu VN

Hôm 13/5 và 14/5, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Scott Busby đã gặp gỡ các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền, và các chức sắc tôn giáo độc lập trong nước trước thềm Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ thường niên dự kiến diễn ra vào ngày 15/5.

Hòa Thượng Thích Không Tánh, Đồng Chủ tịch Hội đồng Liên tôn Việt Nam, hôm 14/5, cho VOA biết về cuộc gặp với nhà ngoại giao Hoa Kỳ.

“Ông Scott Busby, cố vấn cao cấp của Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (DRL) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng với các vị khác có tới thăm chùa Giác Hoa và gặp gỡ các thành viên của Hội đồng Liên tôn Việt Nam. Ông có nói lý do là sắp có cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam và mong được chia sẻ về tình hình, thực trạng tự do tôn giáo để Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nắm.”

Ông có nói lý do là sắp có cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam và mong được chia sẻ về tình hình, thực trạng tự do tôn giáo để Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nắm.

Hòa thượng Thích Không Tánh.

Thông cáo của Hồi đồng Liên tôn hôm 13/5 cho biết: “Hoà Thượng Thích Không Tánh đại diện Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam (HĐLTVN) tường trình chung của HĐLTVN và kiến nghị gởi đến phái đoàn, tiếp theo Linh Mục Nguyễn Duy Tân nói rằng những ai nói Việt Nam có tự do tôn giáo là không đúng sự thật, Linh Mục Lê Xuân Lộc nói có vài linh mục vì lên tiếng về quyền con người và tự do tôn giáo thì không được nhà cầm quyền cấp passport.

“Chánh Trị Sự Nguyễn Kim Lân cho rằng vụ đàn áp Chánh trị Sự Hứa Phi, ngăn cản không cho vô Sài Gòn tham dự cuộc gặp hôm nay là một bằng chứng hùng hồn về VN không có tự do tôn giáo, Mục Sư Nguyễn Hoàng Hoa đề nghị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ quan tâm về nhân quyền khi bang giao với chánh phủ VN, Đạo huynh Lê Văn Sóc nói tại VN không có tự do, dân chủ và nhân quyền.”

Theo ca sĩ bất đồng chính kiến Đỗ Nguyễn Mai Khôi, phái đoàn của ông Busby cũng có cuộc gặp với cô hôm 14/5 để tìm hiểu về tự do biểu đạt ở Việt Nam chuẩn bị cho đối thoại nhân quyền tại Hà Nội vào ngày 15/5.

Nữ ca sĩ viết trên Facebook hôm 14/5: “Nhà nước Mỹ luôn luôn coi trọng và lắng nghe ý kiến của các đại diện xã hội dân sự và các nhà hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau trước các cuộc đàm phán Mỹ-Việt để đưa ra các chính sách đối ngoại giữa hai nước.”

Hôm 13/5, Trợ lý Ngoại trưởng Busby và Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Mary Tarnowka có cuộc gặp với nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Đan Quế và nhà báo tự do Phạm Chí Dũng.

Facebook của ông Phạm Chí Dũng viết: “Cả hai nhà hoạt động nhân quyền gặp được phái đoàn Hoa Kỳ là Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và nhà báo Phạm Chí Dũng – Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam – đều có chung ý kiến ‘không thể tin và chẳng có cơ sở nào để tin những lời hứa hẹn hay cam kết của chính quyền Việt Nam về cải thiện nhân quyền’.

“Bằng chứng quá rõ ràng là sau hàng chục kỳ đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt, điều được xem là ‘thành tích cải thiện nhân quyền’ của chính quyền Việt Nam không những không khá hơn mà còn tồi tệ hơn hẳn,” ông Dũng nhận định.

Ông Dũng cũng cho biết rằng Luật sư Nguyễn Công Định và nhà hoạt động Phạm Bá Hải bị chính quyền ngăn chặn hôm 13/5 nên không thể có mặt trong cuộc gặp với phái đoàn ngoại giao Mỹ.

Ông Dũng viết thêm: “Các nhà hoạt động nhân quyền đã đề nghị kết quả của Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt cần được chi tiết hóa bằng biên bản, trong đó nhấn mạnh những nội dung mà phía Việt Nam cam kết sẽ cải thiện nhân quyền nhưng với mốc thời gian cụ thể để tránh tình trạng ‘lưỡi không xương nhiều đường lắt léo’. Hơn nữa, biên bản này cần được ký xác nhận bởi một quan chức Việt Nam với chức vụ bộ trưởng.”

Chúng tôi nêu kiến nghị rằng chính phủ và BNG Hoa Kỳ nên thường xuyên theo dõi tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam vì nhà nước do Đảng cộng sản lãnh đạo cai trị bằng bạo lực, đàn áp và lừa dối.

Hòa thượng Thích Không Tánh

Hòa thượng Thích Không Tánh đưa ra kiến nghị với phái đoàn ngoại giao Mỹ:

“Chúng tôi nêu kiến nghị rằng chính phủ và BNG Hoa Kỳ nên thường xuyên theo dõi tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam vì nhà nước do Đảng cộng sản lãnh đạo cai trị bằng bạo lực, đàn áp và lừa dối; phải có biện pháp chế tài, đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cầm theo dõi đặc biệt – CPC, áp dụng Đạo luật Toàn cầu Magnitsky và thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam.”

https://www.voatiengviet.com/a/pho-tro-ly-ngoai-truong-my-scott-busby-gap-go-gioi-tranh-dau-vn/4916770.html