Tin Việt Nam – 14/05/2017
Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Scott Busby phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền cho Việt Nam 11/05/2017.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây áp lực với Việt Nam về nhân quyền
Nhân ngày Nhân quyền cho Việt Nam 11 tháng 5, giới chức ngoại giao và các đại diện lập pháp Hoa Kỳ lên tiếng thúc giục chính quyền Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền trong nước và trả tự do cho các tù nhân lương tâm.
Tiếp tục vi phạm nhân quyền
“Hạn chế các quyền tự do của người dân, sách nhiễu những người bất đồng chính kiến”, là những bước lùi trong năm qua về tình hình nhân quyền ở Việt Nam theo phát biểu của ông Scott Busby, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền cho Việt Nam lần thứ 23 được tổ chức tại Thượng viện Hoa Kỳ ở thủ đô Washington DC hôm 11/5/2017.
Trong bài phát biểu trước đông đảo cử toạ là những đại diện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đại diện Quốc hội Hoa Kỳ và các hội đoàn người Việt tại Mỹ, ông Busby cũng lên tiếng chỉ trích tình hình đàn áp tôn giáo tại Việt Nam:
Chính phủ Việt Nam vẫn phân biệt đối xử đối với một số nhóm tôn giáo. Chúng tôi vẫn thấy những báo cáo về các vụ bắt giữ, giam cầm.
Ô. Scott Busby, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ
“Chính phủ Việt Nam vẫn phân biệt đối xử đối với một số nhóm tôn giáo.
Các hạn chế còn tồn tại đặc biệt nghiêm trọng trong các trường hợp tôn giáo của người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc và Tây Nguyên và một phần vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chúng tôi vẫn thấy những báo cáo về các vụ những người theo các đạo giáo này bị bắt giữ, giam cầm”.
Có cải thiện, nhưng rất ít
Người đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thừa nhận Việt Nam đã có những cải thiện trong vấn đề tự do tôn giáo trong năm qua nhưng không đáng kể:
“Chúng tôi cũng thấy một chút tiến bộ trong vấn đề tự do tôn giáo. Việt Nam đã ra luật tôn giáo tín ngưỡng mới thả lỏng hơn quá trình đăng ký, phê duyệt và giảm thời gian chờ đợi trong quá trình công nhận một tôn giáo mới.
Tuy nhiên một số nhóm tôn giáo chẳng hạn như Cao Đài, Hòa Hảo và một số nhóm Phật giáo vẫn bị chính quyền can thiệp vào quyền được thực thi tôn giáo của họ.”
Quốc hội Việt Nam thông qua đạo luật về Tín ngưỡng và Tôn giáo hồi tháng 11/2016, tuy nhiên nhiều tôn giáo đồng phản đối đạo luật mới ban hành vi phạm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của người dân.
Ông Busby cũng nói rằng trong một vài năm qua không thể phủ nhận rằng Việt Nam đã có một số tiến bộ về nhân quyền nhưng tất cả còn rất hạn chế. Ông cho biết những tiến bộ này thể hiện qua số tù nhân chính trị trước đây khoảng 160 người, nhưng giờ đã giảm xuống chỉ còn khoảng 90.
Chúng tôi cũng thấy một chút tiến bộ trong vấn đề tự do tôn giáo. Tuy nhiên một số nhóm tôn giáo vẫn bị chính quyền can thiệp vào quyền được thực thi tôn giáo của họ.
Ô. Scott Busby, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ
Đàn áp các nhà hoạt động
Ông Scott Busby cũng nêu ra những vấn đề còn rất quan ngại liên quan đến việc đánh đập, xách nhiễu, bắt giữ những blogger, nhà hoạt động, những người tham gia lên tiếng phản đối thảm họa môi trường do Formosa gây ra hồi năm ngoái ở các tỉnh miền Trung:
“Năm ngoái chúng tôi đã chứng kiến Việt Nam bắt giữ ít nhất 6 nhà hoạt động dân chủ bao gồm các blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay còn gọi là Mẹ Nấm.
Cô bị bắt tháng 10 năm ngoái sau khi viết những bài phản ánh quan ngại của cô về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, nạn tham nhũng và ô nhiễm môi trường và hiện tại vẫn chưa được tòa xét xử.”
Đề cập đến Đối thoại Nhân quyền Việt Mỹ lần thứ 21 diễn ra vào cuối tháng này, ông Scott Busby cho biết Hoa Kỳ sẽ yêu cầu Hà Nội phải trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân lương tâm, xóa bỏ các điều luật mù mờ vẫn dùng để kết án những người bất đồng chính kiến và cho phép các nhóm tôn giáo được hoạt động bao gồm cả các nhóm chưa được đăng ký.
Hoa Kỳ sẽ không xem nhẹ nhân quyền
Đại diện lập pháp Hoa Kỳ, Dân biểu Chris Smith phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền Việt Nam, khẳng định đòi hỏi Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền để có quan hệ đối tác tốt hơn với Mỹ.
Ông cũng nói Hoa Kỳ sẽ không vì quyền lợi của mình mà đặt nhẹ nhân quyền với Việt Nam:
“Hoa Kỳ cần phải đảm bảo là Việt Nam hiểu được rằng mối quan hệ hữu nghị Việt – Mỹ về thương mại, an ninh…phụ thuộc vào những tiến bộ của Việt Nam về vấn đề nhân quyền, tự do và dân chủ.”
Hoa Kỳ cần phải đảm bảo là Việt Nam hiểu được rằng mối quan hệ về thương mại, an ninh…phụ thuộc vào những tiến bộ của Việt Nam về vấn đề nhân quyền, tự do và dân chủ.
Dân biểu Chris Smith
Dân biểu Chris Smith cho biết ông dự định sẽ giới thiệu một dự luật mới ra Hạ Viện trong hai tuần tới. Nếu được thành luật, Hoa Kỳ sẽ ngưng viện trợ không liên quan đến nhân đạo đối với Việt Nam, nếu chính quyền không cải thiện trong việc đối xử với tù nhân tôn giáo và chính trị.
Tham dự ngày Nhân quyền cho Việt Nam, luật sư Dina Nguyễn, Giám đốc Thủy cục quận Orange, bang California cho biết cô quan tâm đến vấn đề nhân quyền Việt Nam. Cô mong muốn rằng người dân Việt Nam hãy đồng lòng lên tiếng kêu gọi sự can thiệp của quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ:
“Quốc hội Mỹ là một chính quyền rất mạnh trên thế giới và có thể ảnh hưởng đến tình hình chính trị ở Việt Nam để họ có sự thay đổi và không còn tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam.
Đây không phải là điều sẽ đạt được qua đêm, nhưng với sự đóng góp của những người quan tâm tại Hoa Kỳ thì một ngày nào đó chắc chắn chúng ta sẽ có tự do, nhân quyền cho người dân Việt Nam.”
Cuối tháng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ sang thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng Thống Donald Trump. Những người quan tâm đến tình hình Việt Nam hy vọng vấn đề nhân quyền sẽ được chính phủ Mỹ chú trọng trong các đàm phán sắp tới với Việt Nam.
www.rfa.org/vietnamese/in…/vietnam-humanrightsday2017-lh-05122017081359.htm.
VN có thể tham gia ‘Vành đai, Con đường’ như thế nào?
Việt Nam có thể tham gia sáng kiến ‘Một Vành đai, Một Con đường’ của Trung Quốc bằng cách đề nghị với đối tác để một cảng biển của mình hợp tác vào dự án, theo ý kiến một nhà bình luận và quan sát chia sẻ với BBC hôm 14/5/2017.
Trao đổi trong Tọa đàm cuối tuần hôm Chủ Nhật, từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas – thuộc Singapore) nói:
Bàn tròn: ‘Một vành đai, một con đường’ và thế ứng xử của VN
TQ đầu tư 124 tỷ USD vào dự án ‘Vành đai, Con đường’
“Nếu Trung Quốc đặt vấn đề Việt Nam tham gia, thì [Việt Nam] vẫn có thể tham gia.
“Tham gia thì đơn giản thôi, vì mô hình này không phải là những gì là phát kiến vĩ đại cả của bất kỳ ai cả.
“Tham gia thì chỉ cho họ một cảng, như cảng Hải Phòng, hay cảng Cái Lân, hoặc ở trong Nam có cảng Vân Phong chẳng hạn.
VN ở đâu trong ‘Vành đai và Con đường’ của TQ?
Con đường Tơ lụa không của riêng ai
Hào quang một thời Con đường Tơ lụa
“Cam Ranh chẳng dùng gì được vào việc này vì Cam Ranh là cảng không mang tính thương mại nhiều lắm.
“Nhà báo Đỗ Thông Minh (khách mời khác tại Tọa đàm) có nhắc đến một chuyện vô cùng quan trọng là có khả năng Trung Quốc sẽ giúp Thái Lan để đào kênh đào Kra với chi phí khoảng hơn 100 tỷ đô la Mỹ.
“Nếu Trung Quốc làm việc ấy với Thái Lan thì tôi có thể nói nó sẽ làm đảo lộn toàn bộ hệ thống thương mại và kể cả địa chiến lược của Đông Nam Á,” Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói.
‘TQ cần khéo léo hơn’
Từ Tokyo, Nhật Bản, nhà báo Đỗ Thông Minh đưa ra quan điểm của mình, không chỉ hạn chế ở sáng kiến ‘Một Vành đai, Một Con đường’ mà còn về cả sách lược chung về đối ngoại mà Trung Quốc cần lưu tâm.
Ông nói:
“Trung Quốc có lẽ cũng cần khéo léo hơn về vấn đề ngoại giao, vì ngày nay họ đang có tiền. Giống những nước thực dân trước đây phát triển bằng bạo lực hoặc bằng những yếu tố mềm đi chăng nữa, thì nó cũng bắt đầu dấy lên những sự phản đối ở một vài địa phương.
“Bây giờ chúng ta giả thiết cả một chuỗi dài, đặc biệt là trên biển, thí dụ có một hai quốc gia một ngày nào đó trở thành bất đồng với những kế hoạch của Trung Quốc, thì như thế nào?
“Chắc chắn Trung Quốc không thể ở yên. Tức là thông qua tòa đại sứ, thông qua viện trợ, họ sẽ bắt đầu áp lực với chính phủ đó, có thể đi tới mức khuynh đảo chính phủ đó. Nó không gọi là hình thức đem quân tới nữa, nhưng mà phải khuynh đảo để làm sao có lợi cho mình.
“Bởi vì tất cả những dự án lớn này ở tầm vĩ mô và liên quan tới chính phủ các nước. Thành ra một chính phủ thuận hay không thuận thì nó sẽ ảnh hưởng, mà chắc chắn Trung Quốc ngược lại sẽ dùng ảnh hưởng của mình để tác động lên.
“Chúng ta thấy trong chiến tranh Việt Nam, nhà cầm quyền Việt Nam đã hỗ trợ Lào và Campuchia, nhưng bây giờ các nước này có thể đã rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng mà tới một ngày nào đó thì nó lại thay đổi.
“Hoặc các nước ở ven đường ‘Nhất lộ’ mà trên biển đi qua rất nhiều quốc gia, thì tới một lúc nào đó gặp trục trặc, Trung Quốc sẽ không thể ngồi yên.
“Chúng tôi nghĩ điều này giống như lúc chúng ta phóng đi trên một xa lộ, mới nhìn thì thấy là tốt lắm. Nhưng mà rồi nó hủy hoại môi sinh, hoặc là nó tác động lên môi trường hoặc các đập ở trên sông Mê-kông thì chúng ta thấy cái lợi cũng có, nhưng không thể không tính tới cái hại…
“Thành ra Trung Quốc rất kỳ vọng cái này, nhưng nó cũng hàm chứa một số nguy cơ,” nhà báo Đỗ Thông Minh nói với BBC tiếng Việt.
Được biết, chính phủ Trung Quốc sẽ đầu tư hàng chục tỷ đô la như một phần trong kế hoạch kinh tế đầy tham vọng để xây dựng lại các cảng, đường sá và mạng lưới đường sắt.
Hôm 14/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi phát biểu khai mạc Diễn đàn ‘Một Vành đai, Một Con đường’ ở Bắc Kinh, đã cam kết sẽ chi 124 tỷ đô la cho đại dự án được cho là đầy tham vọng này.
www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39916415
Việt Nam, Trung Quốc sẽ ‘củng cố tình đồng chí
Lãnh đạo và các quan chức cao cấp của Trung Quốc hai ngày qua đã gặp riêng rẽ với Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, cam kết củng cố “mối quan hệ đồng chí và anh em”, theo Tân Hoa Xã.
Thủ tướng Lý Khắc Cường được hãng tin nhà nước nói rằng Trung Quốc sẵn lòng duy trì mối quan hệ song phương đi theo đường hướng đúng đắn, cũng như thúc đẩy hợp tác cả trên bộ lẫn trên biển với Việt Nam.
Ông Quang được Tân Hoa Xã nói rằng Hà Nội sẵn sàng “củng cố mối quan hệ hữu nghị anh em và đồng chí Việt – Trung để đảm bảo mối quan hệ song phương lâu bền, ổn định và lành mạnh”.
Theo báo Nhân Dân, trong cuộc gặp này, Chủ tịch Việt Nam bày tỏ “mong muốn các bộ, ngành và địa phương Trung Quốc sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường đối với sữa và các sản phẩm từ sữa, hoa quả, thủy hải sản, thịt lợn của Việt Nam”.
Cuộc khủng hoảng thịt lợn ở Việt Nam hiện nay được cho là xuất phát từ việc “phía Trung Quốc vẫn chưa đồng ý mở cửa thị trường chính thức với thịt lợn nhập khẩu từ Việt Nam”.
Trước cuộc gặp với ông Lý, theo VnExpress, “Trung Quốc bắn 21 phát đại bác chào đón” ông Quang trong lễ đón với sự tham dự của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hà Nội cũng từng bắn đại bác chào đón ông Tập tới Việt Nam năm 2015.
Ông Quang thăm Trung Quốc từ ngày 11 tới 15/5 để dự hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường, được coi là sự kiện ngoại giao lớn nhất của Bắc Kinh trong năm 2017.
Ngoài thảo luận với quan chức nước chủ nhà, theo VPG News, ông Quang hôm 14/5 còn gặp “Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif và Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt Toshihiro Nakai”.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-trung-quoc-cam…tinh…chi/3851080
Nhật, Việt, Philippines thao dượt chung vào tháng 6
Nhật Bản sẽ thao dượt chung với Việt Nam và Philippines vào tháng 6 tới. Đây là một biện pháp để Nhật tăng cường nỗ lực trợ giúp các nước đang đối mặt với các bước tiến hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cuộc thao dượt sẽ diễn ra ngày 3/6 ở Davao, miền nam Philippines. Năm 2016, Nhật Bản cung cấp một tàu nhỏ dài khoảng 40 mét cho lực lượng tuần duyên Philippines. Tàu này sẽ được sử dụng trong cuộc thao dượt về cách chống hải tặc. Tuần duyên Philippines cũng sẽ được hướng dẫn cách vận hành các xuồng cao su cao tốc mà tàu mang theo.
Tàu Echigo 3.100 tấn có khả năng mang theo trực thăng của Nhật Bản sẽ tham gia thao dượt.
Sau đó, ngày 16/6, tàu Echigo và các nhân viên tuần duyên Nhật sẽ đến Đà Nẵng để thao dượt chung. Một tàu nhỏ do Nhật cung cấp cho cảnh sát biển Việt Nam năm 2015 sẽ cùng thao dượt với tàu Echigo. Trong khuôn khổ chương trình, cảnh sát biển Việt Nam sẽ được huấn luyện cách xử lý các tàu cá hoạt động bất hợp pháp.
Việt Nam và Philippines đều có tranh chấp chủ quyền biển với Trung Quốc ở Biển Đông trong khi Nhật có tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông.
Hồi mùa xuân năm nay, lực lượng tuần duyên Nhật đã lập một chức vụ mới là trưởng ban hợp tác quốc tế về tuần duyên, chuyên trách cung cấp trợ giúp cho các nước Đông Nam Á.
Cuộc thao dượt chung với Philippines là lần đầu tiên quan chức này nắm trách nhiệm phụ trách một cuộc huấn luyện.
Trước đây, đã có các cuộc thao dượt chung với Việt Nam và Philippines, sử dụng những tàu nhỏ hơn, liên quan đến tìm kiếm, cứu nạn. Đây là lần đầu 3 nước dùng các tàu lớn hơn để chống các hoạt động bất hợp pháp.
Trung Quốc đã triển khai nhiều tàu tuần duyên ở Biển Đông kèm theo việc xây các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo.
Dùng các tàu hải quân để ngăn chặn có thể dẫn đên xung đột quân sự, vì vậy Việt Nam và Philippines tìm cách hợp tác với tuần duyên Nhật vốn có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với các hành vi xâm nhập lãnh hải.
Hồi năm 2013, chính phủ Nhật thông báo họ sẽ cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tra mới dài 40 mét. Kể từ đó, Nhật đã công bố kế hoạch cung cấp cho Philippines 2 tàu tuần tra lớn mới dài 90 mét, cho Malaysia 2 tàu tuần tra lớn đã sử dụng dài 90 mét, và cho Việt Nam 6 tàu mới.
(theo Japan News, Ashahi Shimbun)
https://www.voatiengviet.com/a/…viet-philippines-thao…chung-thang-6/3850973.htm…
Ông Đinh La Thăng còn bị ‘xử’ tiếp?
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 13/5 tuyên bố rằng ông Đinh La Thăng mới chỉ bị xử lý “về mặt đảng”, ít ngày sau khi quan chức từng có nhiều tuyên bố thẳng thừng bị kỷ luật và thuyên chuyển công tác.
Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời người đứng đầu đảng cầm quyền nói với cử tri ở Hà Nội rằng “còn về mặt chính quyền đang tiếp tục xử lý” và rằng “các cơ quan có trách nhiệm vẫn đang tiếp tục thực hiện”.
… lần đầu tiên chúng ta xử lý một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị liên quan đến quản lý kinh tế. Đây là kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng, còn về mặt chính quyền đang tiếp tục xử lý, các cơ quan có trách nhiệm vẫn đang tiếp tục thực hiện.Ông Nguyễn Phú Trọng nói.
Ông Trọng được dẫn lời nói rằng đây là “lần đầu tiên chúng ta xử lý một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị liên quan đến quản lý kinh tế”, nhưng không nói rõ việc “xử lý về mặt chính quyền” đối với ông Thăng sẽ được thực hiện như thế nào.
Trong cuộc họp với các cử tri, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được VGP News trích lời nói phải “xử lý nghiêm tham nhũng, đúng người đúng tội”.
Ông Trọng cho biết rằng từ đầu năm 2016 đến nay, “đã chỉ đạo khởi tố 9 vụ án với 64 bị can, tiếp tục điều tra bổ sung 11 vụ với 169 bị can, xét xử sơ thẩm 9 vụ với 125 bị cáo, tuyên phạt 2 án tử hình, 4 án chung thân, 5 bị cáo 30 năm tù và 99 bị cáo dưới 30 năm tù; xét xử phúc thẩm 8 vụ án với 79 bị cáo, tuyên án tử hình 2 bị cáo, chung thân 4 bị cáo, 30 năm tù 2 bị cáo”.
Vụ ông Đinh La Thăng: ‘Đả hổ diệt ruồi’?
Ông Nguyễn Thiện Nhân trước ‘nhiệm vụ to lớn’
Ông Đinh La Thăng ‘chưa phải là mục tiêu cuối cùng’?
Ông Đinh La Thăng đã bị loại khỏi Bộ Chính trị, đồng nghĩa với việc “mất ghế” Bí thư Thành ủy Sài Gòn, vì những sai phạm về chính sách khi lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhưng sau đó lại được bổ nhiệm vào cơ quan tham mưu kinh tế cho Đảng.
Trong một tin loan hôm 12/5 mà các nhà phân tích cho là có liên quan, “đoàn công tác của Bộ Chính trị vừa công bố kế hoạch kiểm tra công tác cán bộ tại Bộ Giao thông Vận tải”, nơi ông Thăng từng làm lãnh đạo.
Hôm 10/5, lên tiếng lần đầu tiên sau khi bị loại khỏi Bộ Chính trị, ông Thăng được báo chí trong nước trích lời nói đã “nhận thức sâu sắc” các sai phạm, đồng thời “xin lỗi” đảng và nhân dân.
Giới quan sát cho rằng vụ kỷ luật cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải này là một sự khởi đầu của chiến dịch chống tham nhũng kiểu “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở chiến dịch chống tham này năm 2012, và tin cho hay, cho tới nay, hơn 120 quan chức cấp cao “đã sa lưới”, và hàng nghìn người bị truy tố.
https://www.voatiengviet.com/a/ong-dinh-la-thang-con-bi-xu-tiep/3850649.html
Mã độc tống tiền lan tới Việt Nam
Một tập đoàn cung cấp phần mềm chống virus của Việt Nam hôm 13/5 thông báo đã ghi nhận “các trường hợp lây nhiễm” mã độc đòi tiền chuộc có tên Wanna Crypt0r hay còn được nhiều người biết tới với tên gọi WannaCry (muốn khóc).
Trước đó, các chuyên gia của công ty thiết kế phần mềm bảo mật Avast của Cộng hòa Séc được các hãng truyền thông quốc tế dẫn lời nói rằng họ đã phát hiện hơn 120 nghìn trường hợp bị lây nhiễm mã độc ở hơn 100 nước, trong đó có Việt Nam.
Con số này có thể tiếp tục tăng vì hôm nay vẫn đang là ngày nghỉ, nhiều máy tính không bật. Virus có thể bùng phát vào đầu tuần tới, khi mọi người đi làm trở lại.Thông cáo của Bkav có đoạn.
Thông cáo đăng trên trang web của Bkav có đoạn: “Ngay trong sáng thứ 7 (13/5), Hệ thống giám sát virus của Bkav bước đầu ghi nhận, đã có những trường hợp lây nhiễm mã độc này tại Việt Nam. Con số này có thể tiếp tục tăng vì hôm nay vẫn đang là ngày nghỉ, nhiều máy tính không bật. Virus có thể bùng phát vào đầu tuần tới, khi mọi người đi làm trở lại”.
Theo tập đoàn chuyên về các sản phẩm bảo mật của Việt Nam, “Wanna Crypt0r tấn công vào máy nạn nhận qua file đính kèm email hoặc link độc hại” cũng như “có thể lây lan vào các máy có lỗ hổng mà không cần người dùng phải thao tác trực tiếp với file đính kèm hay link độc hại”.
Mã độc đòi tiền chuộc mã khóa các dữ liệu trên máy tính của nạn nhân rồi đòi tiền chuộc từ 300 tới 600 đôla tiền điện tử bitcoin để khôi phục lại quyền tiếp cận dữ liệu này.
Sau 3 ngày, mức tiền chuộc sẽ tăng lên gấp đôi và hết thời hạn 7 ngày nhưng chưa thanh toán thì dữ liệu của người dùng sẽ bị mất.
Mã độc “muốn khóc” ghi đầy đủ thông tin thanh toán, đếm lùi thời gian và được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt.
Màn hình máy tính bị nhiễm mã độc trong hệ thống bệnh viện của Anh.
Hãng Reuters đưa rằng các nhà nghiên cứu đang chạy đua với thời gian để mã khóa các máy tính bị nhiễm mã độc và khôi phục các file của nạn nhân trước khi hết hạn đòi tiền chuộc của mã độc.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc của Bkav nói trong thông cáo: “Kiểu lây nhiễm của mã độc Wanna Cprypt0r tuy không mới, nhưng cho thấy xu hướng tận dụng các lỗ hổng mới để tấn công, kiếm tiền sẽ còn được hacker sử dụng nhiều trong thời gian tới, đặc biệt là các lỗ hổng của hệ điều hành”.
… xu hướng tận dụng các lỗ hổng mới để tấn công, kiếm tiền sẽ còn được hacker sử dụng nhiều trong thời gian tới, đặc biệt là các lỗ hổng của hệ điều hành.Chuyên gia chống mã độc của Bkav nói.
Tập đoàn này khuyến cáo người sử dụng “cần cập nhật bản vá càng sớm càng tốt”, “cần khẩn trương backup các dữ liệu quan trọng trên máy tính” và “nên mở các file văn bản nhận từ Internet trong môi trường cách ly Safe Run và cài phần mềm diệt virus thường trực trên máy tính để được bảo vệ tự động”.
Một loạt các tổ chức và tập đoàn trên thế giới đã bị tấn công, trong đó có Bộ Nội vụ Nga, các bệnh viện ở Anh, Indonesia, các trường học ở Philippines và Trung Quốc hay hãng chuyển phát nhanh FedEx của Mỹ, theo Reuters.
Tin cho hay, các tay tin tặc, hiện chưa rõ là ai và từ nước nào, đã “tận dụng các thiết bị do thám được cho là phát triển bởi Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ”.
Theo Reuters, 60% các máy bị nhiễm là ở Nga, và tiếp theo là Ukraina và Đài Loan.
www.voatiengviet.com/a/ma-doc-tong-tien-lan-toi-viet-nam/3850588.html