Tin Việt Nam – 14/01/2019
Chính quyền gây khó khi đại diện các tôn giáo
đến thăm vườn rau Lộc Hưng
Vào sáng và chiều ngày 14/1, đại diện một số tôn giáo đã đến thăm vườn rau Lộc Hưng vừa bị chính quyền quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cưỡng chế hôm 4 và 8/1 vừa qua.
Theo bản tin của Hội đồng Liên tôn Việt Nam, đại diện Hội đồng bao gồm đại diện Phật giáo, Cao Đài, Tin Lành, Hòa Hảo và các linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu Thế đã đến thăm vườn rau Lộc Hưng ở phường 6, quận Tân Bình để trình bày quan điểm và chia sẻ nỗi đau đối với các giáo dân tại vườn rau Lộc Hưng.
Hòa thượng Thích Không Tánh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất nói với Đài Á Châu Tự Do về chuyến thăm vào tối ngày 14/1: “Trước thân phận của bà con của vườn rau Lộc Hưng, các chức sắc chúng tôi có gửi lời chia sẻ và cầu nguyện tới quý bà con.”
Vào chiều ngày 14/1, Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục giáo phận Hà Tĩnh, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình – trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đến thăm và chia sẻ với người dân vườn rau Lộc Hưng. Phát biểu trước người dân Lộc Hưng, Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp nói: “vui mừng và hy vọng của thế giới, của bà con Lộc Hưng là vui mừng và hy vọng của Giáo Hội”.
Giám mục nói tiếp trong khi tiếng loa do địa phương phát công suất lớn đang át đi tiếng nói của ông: “chúng tôi biết anh chị em tuân thủ pháp luật, nhưng vì những bức xúc do chính quyền gây ra những ngày giáp tết đoàn viên này”.
Hòa thượng Thích Không Tánh cho biết chuyến thăm vào buổi sáng của Hội đồng Liên tôn Việt Nam cũng gặp tình trạng công an được huy động với số lượng lớn để bao vây và chính quyền phát loa công suất lớn để át tiếng phát biểu.
“Lúc mà các chức sắc đứng cầu nguyện và gửi lời chia sẻ với quý bà con dân oan ở vườn rau, coi như công an đứng dày đặc hết. Họ bao vây từ bên ngoài….. Nhưng cuối cùng họ cũng để quý chức sắc vào thăm hỏi bà con… Khi tôi gửi lời cầu nguyện và chi sẻ với bà con giáo dân bị mất nhà mất cửa thì họ cho một cái xe tới với loa phóng thanh họ phát rất lớn để coi như tiếng nói của mình không đến được với bà con đồng bằng. Rõ ràng đó là một thái độ rất nhỏ mọn và không đúng tư cách của một người cầm quyền, lãnh đạo.”
Khu đất vườn rau Lộc Hưng rộng khoảng 5 ha được người dân cho biết thuộc Hội thừa sai Paris cho người dân sử dụng để sinh sống và trồng rau từ thời Pháp thuộc. Phần đông người dân ở đây là dân di cư từ miền Bắc vào khoảng năm 1954 và là người Công giáo.
Tuy nhiên chính quyền quận Tân Bình khẳng định khu đất này là khu đất công và đã được quy hoạch để xây dựng trường học. Hai cuộc cưỡng chế vào ngày 4 và 8/1 tại đây được chính quyền địa phương cho biết là áp dụng đối với 112 hộ xây dựng trái phép. Theo quận Tân Bình, chỉ có 134 hộ dân đã đăng ký sử dụng đất với chính quyền.
Hôm 13/1, truyền thông trong nước cho biết chính quyền quận Tân Bình có thông báo hỗ trợ 7.055.000 đồng/m2 đất đối với các trường hợp sử dụng đất tại khu vực vườn rau, đồng thời hỗ trợ chi phí từ 4 đến 6 triệu đồng/ tháng trong 3 tháng cho các hộ trồng rau ở dây bị ảnh hưởng do giải tỏa.
Ông Cao Hà Trực, đại diện người dân ở vườn rau cho RFA biết chính quyền vẫn đang vận động bà con chấp nhận đề nghị đền bù này:
“Chính quyền hiện nay đang vận động những người nhẹ dạ, họ kêu lên nhận tiền không thì mất, đặc biệt là vận động những người trồng rau lên nhận tiền hoa màu, hỗ trợ 3 tháng mỗi tháng 4 triệu. Sau khi dụ người ta nhận xong, sau đó họ đi bước thứ hai là dụ họ ký đồng ý nhận bồi thường của nhà nước là khoảng 7 triệu đồng/m2. Họ dùng loa phóng thanh một ngày rất nhiều lần để kêu gọi. Điều lạ là nhận tiền lại nhận ở công an, trong khi công an là cơ quan an ninh chứ không phải cơ quan hành chính.”
Ông Trực cho biết hiện nay, đa phần người dân ở đây vẫn không chấp nhận đề nghị đền bù của chính quyền, và mới chỉ có 1 hộ nhận đền bù hoa màu là 12 triệu đồng.
Vườn rau Lộc Hưng:
Sự tàn nhẫn không còn giới hạn
Ba ngày sau khi Luật An Ninh Mạng có hiệu lực, chính quyền Quận Tân Bình tung quân tiến chiếm Vườn rau Lộc Hưng và kết quả như mong muốn của những vị chỉ huy cao cấp nhất của thành phố: quân ta hoàn toàn chiến thắng và những kẻ sống nhờ vào mảnh đất này đã thành dân oan, biến mất khỏi nơi mà họ “tạm chiếm” từ năm 1954, khi đoàn quân di cư ồ ạt tiến vào Sài gòn cùng với những linh mục chủ chăn của họ.
Vườn rau Lộc Hưng không phải bây giờ mới bị chính quyền dòm ngó mà từ nhiều năm về trước nó đã thành cái gai phải nhổ trong mọi cuộc bàn thảo về đất đai tại UBND thành phố. Năm 2010, tôi nhận được tin nhắn của người dân Lộc Hưng nói về sự lo sợ bị cướp đất của họ, cảm nhận được vấn đề này tôi đã phỏng vấn nhiều người tại Vườn rau lúc ấy chưa ai để ý tới, mọi sự sau đó im ắng và người dân lại tiếp tục sinh sống trên phần đất được chính phủ VNCH cấp phát cho họ khi di cư vào Nam.
Thế nhưng nếu hỏi giấy tờ được chính phủ cấp phát ấy bây giờ ở đâu thì không ai có, kể cả những người sinh sống lâu đời nhất tại đây. Hỏi ra mới biết họ theo dòng người di cư và riêng Vườn rau Lộc Hưng thì giống như nhiều họ đạo khắp miền Nam khác, họ theo vị linh mục chủ chăn sống nương tựa vào nhau kể từ ngày di cư vào Nam tới giờ.
Chính quyền UBND Tân Bình đòi hỏi người dân trưng ra giấy tờ hợp pháp nhà đất và vịn vào cớ này để đuổi họ ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Từ sau năm 75 tới nay con số người về đây tăng lên nhưng nhìn chung họ là những con chiên ghẻ của xã hội. Đó là những thương phế binh VNCH, tàn tật và nghèo nàn đến mức họ chỉ có một nghề duy nhất là bán vé số để kiếm sống qua ngày. Đó là những người từ quê lên thành bán dạo, lấy Vườn rau làm nơi tá túc về đêm sau một ngày vất vả mưu sinh. Đó là những em sinh viên nghèo từ quê lên thành phố ăn học, thuê phòng trọ ở Vườn rau để được giá rẻ mặc dù đường tới trường có thể xa hơn nhiều lần.
Cư dân Vườn rau Lộc Hưng nhìn chung là đùm túm, nương tựa nhau mà sống cho tới ngày 4 tháng 1 năm 2019 thì họ bị tấn công một cách tàn nhẫn. Bằng xe xúc, bằng các loại máy đục bê tông, bằng cảnh sát cơ động, dân phòng cùng nhiều hội nhóm khác của chính quyền UBND quận Tân Bình. Sau hai lần càn quét, mọi căn nhà đều bị phá hủy, mọi vật dụng của đồng bào thi nhau …biến mất, và mọi hy vọng nhen nhúm trước ngày Tết Nguyên đán sụp đổ theo bước chân rầm rập của đoàn quân chiến thắng.
122 gia đình bây giờ trở thành tứ cố vô thân, tiếp sau hai đợt tấn công ngày 4/1 và 8/1 theo dòng người dài ngoằng của Tiên Lãng, Dương Nội, Cồn Dầu, Đồng Tâm, Long An, và bây giờ là Thủ Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng. Bên cạnh tang tóc của họ là những mâm tiệc chúc mừng sự thành công của lực lượng cưỡng chế. Có một viên chức cho rằng cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng là việc làm đúng đắn vì lấy đất nơi này không phải cho doanh nghiệp hay bất cứ một mục đích kinh doanh nào khác mà vì tương lai của học sinh trong quận. Đây là dự án xây dựng cụm 3 trường học công lập đạt chuẩn quốc gia”, gồm Trường Trung học cơ sở, Tiểu Học, Mầm Non và khu công viên cây xanh. Vì dùng cho tiện ích của người dân nên không cần bồi thường giải tỏa hay cung cấp nơi định cư mới.
Vườn rau Lộc Hưng rõ ràng là bị… kỳ thị vì nó là khu đất của người dân Công giáo. Mà dân Công giáo thì thường dựa vào nhà thờ và nhà thờ là nơi chính quyền các cấp đều cho là … nhạy cảm. Những thông tin về Vườn Rau sẽ bị dẹp bỏ đã được người dân biết trước nhưng họ không có cách nào chống lại bởi sức mạnh của người cầm quyền hôm nay không coi người dân là thành phần mà từ đó họ sống và làm việc. Với cái nhìn hằn học và đầy định kiến, người cầm quyền khó mà nghĩ cho suôn sẻ về sự lộng hành của họ sẽ dẫn đất nước về đâu khi mà lòng dân không còn ta thán nữa mà đổi thành căm thù trước các hành vi bạo ngược của cái được gọi là chính quyền. Căn nhà họ bị đập xuống đẩy mọi thành viên của gia đình không nơi nương tựa có phải là hình ảnh của bọn cướp đất ngày xưa hay không? Có thể là không, vì lịch sử Việt Nam trong cả hai thời kỳ Pháp và Mỹ chưa thấy ghi nhận việc cả làng bị đập nhà tan nát và buộc người dân phải mình trần thân trụi ra khỏi căn nhà yêu thương gắn bó của họ với lý do xây trường học.
Có lẽ chính quyền vững tin vào Luật An Ninh Mạng sẽ ngăn cản thông tin trên mạng xã hội nên ba ngày sau khi luật chính thức áp dụng họ mới lao vào trận địa, nhưng họ không ngờ rằng những người hiền nhất trên mạng trước đây cũng lên tiếng một cách mạnh mẽ nhất huống hồ những người từng nổi tiếng phản biện và chống đối. Một tính toán ngu muội vì tin tưởng tuyệt đối vào chiếc dùi cui họ đang đeo bên hông cùng đám lâu la theo đóm ăn tàn của một chính quyền nay đã vĩnh viễn không còn người dân công chính nào tin tưởng nữa.
Bất kể sự câm lặng của báo chí, mạng xã hội tung lên tin tức hàng giờ. Những bức ảnh làm ngấn lệ con người không thể ngăn đừng chảy, những đống gạch vụn tan nát trong lòng người Việt Nam, những đôi chân giả nằm lăn lốc cùng với gạch vụn mà không biết giờ đây chủ nhân của chúng đang về đâu?
122 gia đình bị vùi dập không thương tiếc vì tương lai con em chúng ta ư?
Trường học nào dạy học sinh giỏi căn cứ trên nước mắt dưới cái nền nhà mà học sinh ê a hàng ngày? Trường học nào nổi tiếng cho bằng sự nổi tiếng đập nhà dân, khiến hàng trăm em bơ vơ không còn nơi để nương tựa? Trường học nào tồn tại nổi trong cái khung văn hóa căm thù và chống đối? Trường học nào dạy con em chúng ta bài học một thời của Chị Dậu tốt bằng nơi mà nó được dựng lên bằng tiếng kêu khóc của những Chị Dậu ngày nay?
Đảng Cộng sản Việt Nam hình thành từ bất công xã hội của một thời nay đã chính thức bước chân vào sự tàn nhẫn, hà khắc mà lịch sử chưa bao giờ trải qua trước đó cho thấy một thời kỳ mới đang thay da đổi thịt, và sự thay da đổi thịt nào mà không đau đớn và nhiều lúc cả sỉ nhục nữa?
https://www.voatiengviet.com/a/vuon-rau-loc-hung-an-ninh-mang-cong-giao/4741027.html
‘Hỗ trợ 7 triệu đồng/m2’
cho dân Lộc Hưng là bất nhất?
Ben NgôBBC Tiếng Việt
Một luật sư phân tích với BBC về điều ông cho là “sự bất nhất” của chính quyền khi công bố mức “hỗ trợ 7 triệu đồng/m2″cho người dân Vườn rau Lộc Hưng trong lúc nhà hoạt động nói người dân sẽ “không chấp nhận” mức này.
Theo truyền thông Việt Nam, Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh vừa thông báo chính sách hỗ trợ người dân ở Vườn rau Lộc Hưng. Cụ thể là “sẽ áp dụng đơn giá 7.055.000 đồng/m2 để tính hỗ trợ đối với các trường hợp sử dụng đất tại khu đất công trình công cộng ở phường 6.”
Động thái này được đưa ra sau khi chính quyền thông báo đã hoàn thành việc cưỡng chế 112 căn nhà “xây trái phép” ở khu vực này hôm 8/1.
Ý kiến một luật sư về vụ Vườn rau Lộc Hưng
Hành trình ‘ngược’ của Phạm Thanh Nghiên
“Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình cam kết tạo mọi điều kiện để người dân được chăm lo tết đầy đủ, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, thăm viếng khi ốm đau. Đối với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở và đủ điều kiện theo quy định, sẽ rà soát và đối chiếu các quy định về tiêu chuẩn mua nhà xã hội, từ đó sẽ báo cáo đề xuất Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể,” theo báo Thanh Niên.
‘Ở nhờ trên chính đất của mình’
Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở TP Hồ Chí Minh, nói với BBC hôm 14/1:
“Để nói chuyện hôm nay thì phải nhìn lại chuyện cũ. Theo tìm hiểu của tôi, đất Vườn rau Lộc Hưng có diện tích khoảng gần 5 hecta, nhưng sau này vườn rau bị thu hẹp và thành một khu dân cư với nhiều nhà mới, nhà xây dạng nhiều phòng trọ, được sang tay đổi chủ nhiều lần. Nhưng cũng còn những cư dân sinh sống cố cựu từ năm 1955 đến nay.”
“Sau ngày 30/4/1975, người dân ở đây cũng nộp thuế trồng rau. Thuế được chia làm hai mùa, sáu tháng mùa nắng và sáu tháng mùa mưa. Trong đó sáu tháng nắng thì họ phải nộp thuế gấp đôi sáu tháng mưa.”
Người dân Lộc Hưng không có đối tượng để khởi kiện vụ án hành chính trong lúc nhà cửa của họ thì bị san phẳng, không còn có thể nhìn lại vị trí nhà của mình nằm ở đâu nữa chỉ sau vài ngày.”luật sư Phạm Công Út
“Người dân đã ba lần đăng ký kê khai việc sử dụng đất qua các thời kỳ, nhưng chỉ nhận được sự im lặng của cơ quan hữu quan. Vậy là họ trở thành người ở nhờ trên chính đất của họ vì không được cấp sổ đỏ, cũng như không được chuyển nhượng, thừa kế. Tất nhiên, họ cũng không được cấp phép xây dựng.”
“Phía nhà nước thì cho là đất của mình, phía người dân thì cho là đất của họ, hai bên đã bất hợp tác như thế kéo dài hơn 40 năm nay.”
“Ngày 4 và ngày 8/1/2019, lực lượng cưỡng chế của quận bất ngờ đến cưỡng chế tháo dỡ hơn 100 căn nhà xây cất không phép của người dân mà không bằng quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường giải phóng mặt bằng, không bằng các biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính trong việc xây dựng và cũng không bằng “quyết định cưỡng chế”, mà chỉ với “thông báo cưỡng chế” trong thời gian 90 ngày. Thông báo cưỡng chế lại chỉ do chủ tịch phường ký tên…”
“Tất cả những điều đó khiến người dân ở đây không có đối tượng để khởi kiện vụ án hành chính trong lúc nhà cửa của họ thì bị san phẳng, không còn có thể nhìn lại vị trí nhà của mình nằm ở đâu nữa chỉ sau vài ngày.”
“Đến khi dư luận phản ứng dữ dội, Ủy ban Nhân dân phường lại ra thông báo “hỗ trợ” cho người dân trực tiếp canh tác trồng rau 7.055.000 đồng/m2, nghĩa là những người sang nhượng đất và cất nhà sau này mặc nhiên bị loại khỏi danh sách “hỗ trợ”.
“Thông báo về việc “hỗ trợ” ghi “người canh tác từ trước đến ngày 3/1/2019” nghĩa là đất canh tác đã biến thành đất nhà ở thì không được “hỗ trợ”. Nghĩa là phần đất đó có thể xem như người dân bị mất trắng.”
“Theo các văn tự mà người dân ở đây có được, nguồn gốc đất ở đây thuộc sở hữu của Hội Truyền giáo, sau này là của Toà Tổng giám mục.”
“Năm 1955, người dân di cư từ miền Bắc vào đã được Toà tổng Giám mục cho họ thuê để trồng rau, có trả tiền thuê hàng năm. Sau tháng 4/1975, phía Giáo hội không đòi lại đất thuê và cũng không tranh chấp với người thuê.”
“Như vậy, khu đất này thuộc quyền sử dụng đất của người dân ở đây một cách lâu dài, trước khi có luật Đất đai, và cũng không thuộc trường hợp nhà nước trưng thu, trưng mua. Mà có sự hiểu lầm là đất của đài Phát tín thuộc chế độ cũ nên mới xem đất đó thuộc quyền sử dụng của Nhà nước và tự đưa ra dự án xây nhà cho cán bộ nhân viên ngành bưu điện, sau đó là dự án nhà cao tầng giữa ngành bưu điện với công ty tư nhân, và nay là cụm trường học…”
“Và bây giờ, chính quyền ra thông báo mà không cần biết người sử dụng đất ở đây có chấp nhận “bồi thường” hay không, chưa nói đến việc chỉ là “hỗ trợ”, Luật sư Phạm Công Út nói với BBC.
‘Sẽ không chấp nhận’
Hôm 14/1, nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành, người lui tới Vườn rau Lộc Hưng từ 5 năm qua, nói với BBC:
“Theo tôi, với thông báo “hỗ trợ”, chính quyền vẫn cố tình làm ngơ và đánh lạc hướng đòi hỏi thực sự của bà con Lộc Hưng hơn 10 năm nay.”
“Từ khi bà con bắt đầu phản đối và khiếu kiện quy hoạch có từ năm 2002. Yêu cầu duy nhất mà đến nay bà con vẫn nhất quán là “công nhận quyền sở hữu” của bà con ở khu đất này dựa theo giấy tờ gốc và luật Đất đai 1993. Những năm trước Nhà nước đã liên tục đưa người xuống ra giá đền bù, 8 năm trước là mức 3 triệu đồng/m2 nhưng bà con không đồng ý.”
“Người dân khu vực này lập luận rằng Nhà nước phải công nhận tính hợp pháp của họ trước. Còn mức đền bù như thế nào thì bàn sau.”
“Nhưng trong đợt này, chính quyền lấy lý do cưỡng chế xây trái phép, sau đó cưỡng ép người dân phải chấp nhận mức giá mà họ đưa ra. Dường như trong vụ này, Nhà nước vẫn cố tình đánh tráo vấn đề công nhận. Do vậy họ không dùng từ “đền bù” mà dùng từ “hỗ trợ”.
“Theo như tôi hiểu, đa phần người dân ở đây sẽ không chấp nhận mức “hỗ trợ” như họ đã từng không chấp nhận mức đền bù 8 năm trước.”
“Họ chỉ yêu cầu nhất quán một điều là Nhà nước phải làm đúng luật trước khi đưa ra những mức thỏa thuận. Đó là điều Nhà nước đang cố tình làm ngơ.”
“Theo tôi, để xử lý vụ này, chính quyền hãy sòng phẳng và công khai đối thoại với người dân. Nếu chỉ biết dùng bạo quyền để cưỡng hành thì chỉ gieo thêm mầm móng cho sự rối loạn xã hội.”
Vườn rau Lộc Hưng ‘tan hoang sau cưỡng chế’
Câu chuyện cô gái vụ ném giày ở Thủ Thiêm
Dân Thủ Thiêm đòi cụ thể nhưng chính quyền đưa phương án ‘mơ hồ’
‘Quốc hữu hóa đất đai’
Trước đó, hôm 6/1, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, TP HCM bình luận với BBC:
“Theo tôi, nguồn gốc sâu xa của mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền trong công tác thu hồi đất và đền bù giải tỏa trong thời gian qua xuất phát từ việc nhà nước “xác lập sở hữu toàn dân đối với đất đai, do nhà nước thống nhất quản lý”. Bởi về bản chất, đây là chính sách nhằm dọn đường cho việc chính quyền “quốc hữu hóa” đất đai của người dân một cách hợp pháp với giá rất rẻ.”
“Đối với người dân thì họ suy nghĩ rất đơn giản và rất chính đáng rằng đất của họ khai hoang, nhận chuyển nhượng từ người khác thì Nhà nước phải thừa nhận đó là tài sản của họ. Nhà nước chỉ thực hiện công việc quản lý hành chính nhà nước về đất đai chứ không được thực hiện với tư cách là chủ sở hữu đối với đất đai.”
“Nghĩa là Nhà nước không có quyền thu hồi của người này để giao cho tổ chức, cá nhân khác. Bất kể đất thu hồi đó được sử dụng vào mục đích công cộng hay kinh doanh thương mại. Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh, nhà nước buộc phải trưng dụng, trưng thu, trưng mua thì phải giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho người dân.”
“Đất nước này là của chung nên nhà nước không thể buộc những người có đất bị thu hồi phải hy sinh cho lợi ích quốc gia bằng cách buộc họ nhận tiền đền bù với giá thấp hơn giá thị trường gấp nhiều lần trong khi những người khác thì không.”
‘Vụ Thủ Thiêm không thể dàn xếp được nữa’
Đoàn Văn Vươn: ‘Đặng Văn Hiến sẽ thoát án tử’
Giải tỏa Quận 1: ‘Cần làm đúng pháp luật’
Vì sao cần tìm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm?
Trong một diễn biến khác, báo Pháp Luật Việt Nam của Bộ Tư pháp hôm 13/1 đăng ý kiến bạn đọc: “Cưỡng chế vào dịp cận kề Tết là điều không nên chút nào. Một gia đình xây dựng nhà trên đất công, họ sinh sống ở đó khá lâu, cuộc sống cũng khốn khó, giờ cận kề Tết huy động lực lượng đến đập phá tan tành quả là điều không hay ho gì. Người thi hành công vụ họ cũng không muốn làm, còn gia đình bị cưỡng chế thì mất nơi an ấm để ăn Tết.”
“Dù có thể là họ sai, nhưng khi cơ quan công quyền làm đúng thì người dân bị hụt hẫng đến nhường nào. Đó là khi ngày cận Tết họ mất đi mái nhà, mất đi nơi thờ cúng, mất đi sự đoàn viên.”
Khu vườn rau Lộc Hưng nằm trong khu vực có dự án xây trường công lập do Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình làm chủ đầu tư.
“Tình trạng xây dựng không phép tại khu vực này vẫn diễn ra, nhất là trong khoảng thời gian từ cuối năm 2016 đến nay,” theo website của Ủy ban Nhân dân phường 6, quận Tân Bình hồi tháng 8/2018.
Người dân Lộc Hưng nói suốt 20 năm qua, họ đã xin kê khai và làm giấy tờ thủ tục xin sử dụng đất nhưng không được giải quyết dù đã hai lần có văn bản từ văn phòng thủ tướng chính phủ.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46859775
Hơn 260 phụ nữ Nghệ An ‘vắng mặt lâu ngày’,
nghi rơi vào đường dây buôn bào thai sang TQ
Tình trạng buôn bán bào thai đang rộ lên ở Nghệ An gần đây trong lúc chính quyền lúng túng về cách đối phó với loại tội phạm mới này vì chưa có quy định cụ thể về pháp lý.
Theo báo cáo vừa được UBND tỉnh Nghệ An, hiện toàn tỉnh có 263 phụ nữ, trẻ em “vắng mặt lâu ngày” ở địa phương. Giới hữu trách nghi có thể họ đã rơi vào đường dây buôn bán người và bào thai sang Trung Quốc.
Tình trạng buôn người đã nghiêm trọng đến mức UBND tỉnh Nghệ An phải ban hành “văn bản tăng cường công tác phòng, chống mua bán người, mua bán bào thai trên địa bàn” hôm 9/1, theo trang tin chính thức của tỉnh.
Theo đó, “thủ đoạn mới” của tội phạm buôn người là tìm đến những gia đình ở vùng núi có phụ nữ mang thai sắp sinh (khoảng 6-8 tháng) và dụ dỗ đưa sang Trung Quốc sinh rồi bán con lại cho người Trung Quốc.
Báo cáo cho biết tính đến tháng 11/2018, tại huyện Kỳ Sơn đã có 25 trường hợp phụ nữ mang thai người dân tộc thiểu số sang Trung Quốc đẻ. Trong đó, công an xác minh được 6 trường hợp đã bán con ở Trung Quốc sau khi sinh con ra và mỗi trường hợp được nhận từ 80 triệu đến 140 triệu đồng. Nhiều trường hợp “vắng mặt lâu ngày” khác vẫn chưa xác minh được.
Trước tình trạng buôn bào thai ngày càng trở nên phổ biến, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, cho biết trên báo Nghệ An hôm 12/12 rằng tỉnh này đã phải gửi văn bản lên trung ương để “xin ý kiến” xử lý vì hiện pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.
Theo nguồn tin này, Bộ Luật Hình sự Việt Nam hiện nay có đến 5 tội danh liên quan đến hành vi mua bán người nhưng lại không hề đề cập đến việc mua bán bào thai.
“Trong các vụ án này không có bị hại nên không thể xử lý được. Bị hại ở đây chính là những bào thai”, báo Nghệ An dẫn lời người đứng đầu công an tỉnh nói.
Các huyện được xem là trọng điểm của nạn buôn bán người bao gồm Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.
Vụ xử BS Hoàng Công Lương:
Tòa phá sóng phiên phúc thẩm
Phòng xử được gắn thiết bị phá sóng và vẫn cho xét xử dù thiếu nhiều nhân vật quan trọng là ghi nhận của luật sư và truyền thông Việt Nam hôm 14/1.
Phòng xử bị gắn thiết bị phá sóng
Báo chí Việt Nam cho hay phòng xử bác sỹ Hoàng Công Lương được gắn thiết bị phát sóng di động của Bộ Công An nên phóng viên dự phiên tòa không thể đưa tin bài về diễn biến phiên xét xử nếu không chạy ra ngoài.
Trên Facebook cá nhân, luật sư Nguyễn Văn Quynh, người bào chữa cho bác sỹ Hoàng Công Lương cũng cho hay hệ thống phá sóng này khiến máy móc thiết bị của luật sư bị phá sóng hoàn toàn, không kết nói được tài liệu, văn bản lưu trữ trực tuyến trên mạng internet.
“Với 13.000 hồ sơ bút lục, các quy định văn bản pháp luật chúng tôi không thể mang hết theo vào toà án đối với công nghệ thông tin hiện nay. Việc các cơ quan chức năng ngắt sóng không cho kết nối đã hạn chết quyền bào chữa của luật sư và quyền nhờ người bào chữa của bị cáo. Ngoài ra còn thể hiện phiên toà không khách quan so với phiên toà sơ thẩm lần đầu vào tháng 05/2018,” luật sư Quynh viết.
BS Hoàng Công Lương ‘mệt mỏi’ trước phiên tòa
Vụ BS Hoàng Công Lương: Tòa trả hồ sơ, điều tra lại
Ý kiến về vụ BS Hoàng Công Lương
“Đối với xét xử công khai của toà án nhưng lại hạn chế luật sư, báo chí kết nối trực tuyến cho thấy mục đích của phiên toà xét xử như quy định của bộ luật hình sự là chưa đạt được việc xét xử công khai, chưa được du luận theo dõi vụ án đồng tình ủng hộ. Do đó mục đích của tuyên truyên phổ biến giáo dục pháp luật là chưa đạt được.”
“Đây là vụ án hình sự bình thường không phải vụ án an ninh quốc gia, hoặc liên quan bí mật nhà nước mà xét xử kín. Việc ngắt sóng vô hình chung cho dư luận thấy sự thiếu công khai minh bạch của cơ quan toà án tỉnh Hoà Bình.”
Trong ‘Thư ngỏ gửi Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng’ đăng trên trang cá nhân, luật sư Quynh cho rằng việc truy tố bác sĩ Lương tội Vô ý làm chết người “tạo một tiền lệ nguy hiểm cho giới y học cả nước”.
Phiên xử thiếu nhiều nhân vật quan trọng như nhân chứng, người có nghĩa vụ liên quan. Do đó, luật sư Trần Thu Nam cho hay ông đã đề nghị hoãn phiên tòa nhưng thẩm phán chủ tọa không chấp thuận.
“Luật sư Nguyễn Văn Chiến, người bào chữa cho BS Hoàng Công Lương liên tục bị ngắt lời. Nhận thấy, Chủ toạ ko khách quan nên tôi đã đề nghị thay đổi Thẩm phán Chủ toạ phiên toà nhưng không được chấp thuận. Một phiên toà có dấu hiệu không bình thường, có nhiều bất lợi cho các bị cáo,” ông Nam viết trên trang cá nhân.
Trong khi đó, truyền thông Việt Nam cho hay Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử vì đã có đầy đủ lời khai trong hồ sơ nên những sự vắng mặt trên không làm ảnh hưởng.
Bác sỹ Hoàng Công Lương có mặt tại tòa án nhân dân TP Hòa Bình sáng 14/1 xét xử vụ chạy thận làm chết chín người năm 2017 sau thời gian phải nằm viện do trầm cảm.
Bác sỹ Lương bị truy tố tội danh Vô ý làm chết người với khung hình phạt từ 3 – 10 năm tù.
Đề nghị giám định tâm thần
Ông Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết sức khỏe của bác sỹ Lương đã khá hơn.
Trả lời báo chí Việt Nam trước phiên tòa, bác sỹ Lương cũng cho biết anh đang uống thuốc theo đơn của của Viện tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sỹ Lương nói anh còn mệt nhưng do không muốn làm ảnh hưởng đến Hội đồng xét xử và những người liên quan nên đã cố gắng tham gia phiên tòa hôm 14/1.
Theo truyền thông trong nước, nguyên nhân khiến bác sỹ Lương bị trầm cảm, mất ngủ dài ngày là do sốc tâm lý vì bị đổi tội danh từ vô tội thành ‘giết người không chủ ý’ trong vụ án kèo dài gần hai năm.
Báo Việt Nam tường thuật rằng các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử trưng cầu giám định tâm thần đối với bác sỹ Hoàng Công Lương tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
Cùng được đưa ra xét xử với bác sỹ Hoàng Công Lương còn có ông Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty Trâm Anh). Cả hai có chung tội danh ‘vô ý gây chết người’.
Ngoài ra còn có Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế của bệnh viện), Trần Văn Thắng (Trưởng Phòng Vật tư, trang thiết bị y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình), Hoàng Đình Khiếu (Phó Giám đốc, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) bị truy tố với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc công ty Thiên Sơn) và Trương Quý Dương (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Vì sao bác sỹ Hoàng Công Lương phải ra tòa?
Sự việc chín bệnh nhân chạy thận tử vong gây chấn động dư luận xảy ra năm 2017.
Thời điểm đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thuê công ty bên ngoài sửa chữa hệ thống lọc nước RO.
Sau khi công việc hoàn thành, các cán bộ bệnh viện, trong đó có bác sỹ Hoàng Công Lương, đã không kiểm tra chất lượng nước cũng không báo cáo cấp trên về kết quả sửa chữa mà vẫn cho hệ thống hoạt động để lọc thận cho 18 bệnh nhân, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát.
Kết quả làm chín người chết cho tồn dư axit trong nước cao gấp 260 lần mức cho phép.
Hồi tháng 5/2018, bác sĩ Lương từng gửi tâm thư đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong được ‘xem xét lại bản chất cảu vụ án…’ để ‘không làm oan người vô tội’.
Thời điểm đó cũng có một chiến dịch kêu gọi ủng hộ bác sĩ Hoàng Công Lương thu hút hơn 10.000 chữ ký từ đồng nghiệp, người dân.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46859954
Vụ án Hồ Duy Hải:
biểu tượng của công lý bị hiến tế
Tuấn Khanh
Vụ án của Hồ Duy Hải đủ sức là một trong những hồ sơ về nhân quyền lớn nhất của Việt Nam, thông qua câu chuyện anh thanh niên bị vu cho tội giết người. Dù các chứng cứ dàn dựng ngu ngốc đều bị lật tẩy, các lời khai không khớp và quy trình tố tụng sai phạm toàn phần, nhưng Hải vẫn bị kêu án tử, rồi sống lay lất hoãn thi hành án trong nhà giam 11 năm nay, sau khi áp lực của công luận áp đảo.
Có quá nhiều tin tức được viết xuống, nói với nhau trong dân chúng, là Hải phải chết thay cho con cháu của một quan chức cấp cao, kẻ phạm án vẫn được sống ung dung, trong khi gia đình thì tán gia bại sản kêu oan, không ai còn có được cuộc sống bình thường. Và Hải thì luôn thức dậy mỗi sáng với bàn chân luôn phải đứng giữa lằn ranh sống và chết.
Hồ sơ về nhân quyền tại Việt Nam và quyền được sống với công lý của loài người, cũng cần có một chương về Hồ Duy Hải, để gửi lên Liên Hợp Quốc và tất cả những quốc gia trên thế giới, những nơi khinh bỉ và ghê tởm chuyện công lý bị chà đạp hay sự thật bị bóp méo.
Trong câu chuyện đầu năm với Hồ Thị Thuy Thủy (1991), em gái của Hồ Duy Hải, nghe kể mới thấy rợn người vì sự đốn mạt của ngành công an tỉnh Long An. Suốt trong nhiều năm, công an ở đó không ngừng đến gia đình để khuyên nhủ Thủy và mẹ của cô đừng kêu oan cho Hải nữa, đừng nghe lời xúi giục mà đau thương cho người thân của mình. Thủy tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng, hành nghề kế toán, sau đó làm việc ở bệnh viện Thủ Thừa, Long An. Rồi cùng mẹ vác đơn đi kêu oan cho Hải nên bị CA là áp lực với chỗ làm khiến cô phải thôi việc vào đầu năm 2015.
Tuấn Khanh: Suốt trong năm vừa rồi, gia đình Thủy đã làm thêm được những gì cho Hải?
Thu Thuỷ: Dạ, gia đình em chỉ nghe ngóng tin tức xem ở Hà Nội có hội họp hay đợt xét nào đó là chạy ra ngoài đó để nộp đơn, xin cứu xét trường hợp anh Hải. Mẹ em ngồi ở nhà cũng không yên vì không biết là đơn từ của mình gửi có đến tay người ta hay không nên gom được chút tiền nào là đi giờ đó liền.
Tuấn Khanh: Lần thăm gặp gần đây nhất thì gia đình thấy Hải ra sao? Việc thăm gặp có dễ dàng không?
Thu Thuỷ: Lần thăm gặp gần đây nhất là 14 tháng 12 năm 2018. Mỗi lần đi theo mẹ vào thăm anh Hải thì em phải đều phải làm đơn, rồi làm bản cam kết. Em phải ghi là chấp nhận không được đưa thông tin gì bên ngoài cho anh Hải. Chỉ được hỏi về sức khỏe và chuyện trong nhà thôi. Thông tin bên ngoài là tiến triển vụ án ra sao, luật sư đang làm gì hay mẹ ra ngoài Hà Nội nộp đơn, kêu oan như thế nào thì không được kể cho anh Hải biết.
Tuấn Khanh: Tại sao? Đó là quyền và việc của Hải thì tại sao Hải lại không được biết?
Thu Thuỷ: Dạ, họ o ép gia đình, và họ cũng muốn bưng bít thông tin bên ngoài để anh Hải không được biết gì hết. Nhưng thỉnh thoảng có lúc cần quá thì ở nhà cũng tìm cách nói. Dĩ nhiên mỗi lần nhắc vậy thì đều bị cán bộ đứng gác nhắc nhở và hăm là nếu nói nữa thì chuyến sau sẽ không được gặp mặt Hải nữa. Còn nếu không, gia đình đã nói ra rồi thì khi trở vào trại, anh Hải sẽ bị làm khó làm dễ.
Tuấn Khanh: Nhưng tinh thần của Hải thì sao?
Anh Hải sức khỏe thì có nhưng tiều tụy. Nhìn mặt thì biết là tinh thần luôn bị áp lực. Anh Hải thì không dám nói ra nhưng mình nhìn thì mình biết. Khi gia đình hỏi thăm thì anh Hải gật, nói có hết nhưng nhìn vẻ mặt thì mình biết là không phải vậy. – Thu Thuỷ
Thu Thuỷ: Anh Hải sức khỏe thì có nhưng tiều tụy. Nhìn mặt thì biết là tinh thần luôn bị áp lực. Anh Hải thì không dám nói ra nhưng mình nhìn thì mình biết. Khi gia đình hỏi thăm thì anh Hải gật, nói có hết nhưng nhìn vẻ mặt thì mình biết là không phải vậy. Có cán bộ ở đó thì ảnh không dám nói gì hết. Hiện mỗi tháng được gửi đồ thăm nuôi 1 lần và một lần mang đồ thăm nuôi vào gặp mặt.
Tuấn Khanh: Hiện luật sư đang lo vụ án của Hồ Duy Hải là ai?
Thu Thuỷ: Luật sư Trần Hồng Phong là người lo mọi thứ về pháp lý. Nhưng ông không nhận tiền thù lao. Khi ký hợp đồng ban đầu xong thì ông coi gia đình như người thân và giúp mọi thứ. Ông có nói thấy gia đình khó khăn quá nên quyết định hỗ trợ miễn phí cho gia đình. Ông nhiệt tình lắm, nhờ đủ các nơi thăm hỏi tình hình của anh Hải và tự mình viết bài. Cứ có chút gì là ông gọi báo cho gia đình biết để mình đừng tuyệt vọng.
Tuấn Khanh: Từ lúc khi báo chí cũng như giới luật sư đã phản bác quy trình tố tụng và bản án, dẫn đến việc quốc hội phải lên tiếng khiến Hải được hoãn thi hành án tới nay, thì mọi thứ đã có biến chuyển gì mới không?
Thu Thuỷ: Dạ phía công an vẫn im lặng anh à. Gần nhất chỉ có một chuyện bất thường – mà em cũng gọi cho luật sư để nói cho ông biết – là có một phái đoàn thi hành án từ Hà Nội vào (29/3/2108) và yêu cầu đóng án phí và kiểm tra xem Hồ Huy Hải có tài sản gì không. Gia đình em ngạc nhiên và hỏi đi tìm điều này để làm gì nhưng họ không giải thích và nói là chỉ thi hành lệnh của cấp trên mà thôi.
Gia đình bàn bạc với nhau, và cảm thấy chuyện này không bình thường. Dì Rưỡi của em nói nếu đóng án phí, tức chấp nhận bản án tử hình đã kêu của Hải, nên gia đình bác bỏ chuyện này dù mức đóng án phí chỉ hơn triệu đồng. Nhưng không hiểu sao họ đi từ ngoài Hà Nội vào để nài nỉ mình đóng mức án phí nhỏ như vậy, rồi còn nói rằng gia đình đừng lo, nếu mai mốt không có tội thì sẽ được trả tiền án phí lại.
Mọi người trong gia đình ai cũng thấy chuyện này có gì mờ ám, và chất vấn họ ngược lại. Nhưng xông xáo khuyên gia đình đóng tiền án phí như thế nào thì họ cũng lãng tránh và đổ mọi thứ về phía trung ương nhanh không khác gì. Rõ ràng họ muốn mớm gia đình làm những điều họ muốn, cho một mục đích nào đó, hơn là quan tâm đến vấn đề công bằng, công lý của anh Hải.
Tuấn Khanh: Phía công an địa phương còn làm khó dễ gia đình như lúc trước không?
Dạ vào thời điểm cấm thăm gặp (2015) thì công an họ làm ghê lắm. Nhưng sau này, nhờ có công luận nên họ bớt lại. Phần lớn là họ tìm gặp gia đình khuyên răn là đừng nghe lời xúi giục mà đi kêu oan, đừng phản đối… giờ thì không đến thường xuyên như trước nữa. Nhưng phía hàng xóm láng giềng, người quen biết thì họ hiểu và thương gia đình, thương anh Hải nhưng cũng rất ngại công an đến làm phiền. Còn những nhân chứng quan trọng, có lợi cho anh Hải, thì công an đến cấm không được nói chuyện vụ án với ai, không được cung cấp thông tin, không được trả lời báo chí, kể cả luật sư của anh Hải. Ngay lúc này anh có gọi điện thoại cho họ, thì họ cũng sẽ không dám nói gì và sẽ nói thẳng là công an cấm không cho nói gì hết.
Tuấn Khanh: Vậy thì trường hợp anh Hải, chỉ có thể là gửi đơn kêu oan, chờ đợi chứ không thể làm gì khác?
Thu Thuỷ: Dạ, công việc bao năm qua chỉ chủ yếu là gửi đơn. Mỗi tháng gia đình đều gửi, có tin gì thì gửi thêm. Mẹ ra Hà Nội thì cầm đơn ra gửi tận nơi thêm vô nữa. Không một lần nào gia đình bỏ lỡ, kể cả được phép thăm anh Hải thì khó khăn thế nào gia đình cũng đi, không bao giờ em và mẹ hết hy vọng về việc kêu oan cho anh Hải.
———————-
Tham Khảo Thêm:
———————-
Nhật ký thăm nuôi tử tù Hồ Duy Hải
NỘI QUY THĂM GẶP: Trước khi kể lại chi tiết, Tôi xin nói sơ qua Nội quy Thăm gặp của Trại tạm giam Tỉnh Long An. Một tháng thân nhân được gửi quà 2 lần vào Ngày 15 và 30. Gặp mặt 1 lần vào ngày 15. Tôi nói vậy để mọi người dễ hiểu, nếu trùng vào ngày Thứ 7 và Chủ nhật thì dời lại vào ngày Thứ 6. ( Nội quy chung) Còn riêng đối với tử tù, Ngày gặp mặt thì lại dời trước 1 ngày thăm nuôi ( tức là vào Ngày 14). Tuỳ gia đình mỗi người sắp xếp đi thăm gặp vào Buổi sáng hoặc Buổi chiều.
Tôi thắc mắc hỏi và được giải thích như sau:” chia ra như vậy cho đỡ đông người và gia đình không phải chờ lâu.” ( Sau ngày hoãn thi hành án đến nay) Đối với gia đình Tôi thì đúng 8h sáng sẽ có mặt tại Trại tạm giam để vào làm thủ tục thăm gặp. Vào Cổng phải trình Chứng minh nhân dân, tiếp đến vào phòng tiếp dân duyệt giấy tờ thăm gặp Gồm: 1. Đơn xin thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam 2. Phiếu gửi quà 3. Bảng cam kết ( Chỉ riêng gia đình Hồ Duy Hải mới làm giấy này)
BẢNG CAM KẾT: Bảng cam kết là do gia đình viết theo yêu cầu từ phía Trại giam. Nội dung: “Tôi sẽ thực hiện đúng Nội quy Trại tạm giam quy định” Tức là hai bên chỉ được hỏi thăm sức khoẻ của nhau và gia đình. Ngoài ra, không được nói gì liên quan đến vụ án và những việc xảy ra bên ngoài. Nếu vi phạm sẽ không được thăm gặp nữa! III. CHI TIẾT CUỘC GẶP MẶT: Bây giờ, Tôi xin được kể chi tiết vụ việc từ khoảng thời gian 2 năm trở lại đây. Thời gian và địa điểm Tôi đã nêu ở phần trên. Sau khi, Giám thị trại giam kiểm tra giấy tờ đầy đủ và đúng quy định thân nhân sẽ được vào gặp.
Ở đây Tôi xin nói rõ luôn là Tôi: HỒ THỊ THU THUỶ và Mẹ của Tôi là Bà: NGUYỄN THỊ LOAN ( Em gái ruột và Mẹ ruột của HỒ DUY HẢI). Tất cả các thiết bị như: Điện thoại, máy quay phim, máy ghi âm,… đều phải bỏ vào tủ gửi đồ bên ngoài, rồi mới được đi vào Khu thăm gặp tử tù ( KHU VỰC HỎI CUNG). Phòng thăm gặp chia ra làm hai: từ cửa bước vào là bàn dài và ghế cho thân nhân ngồi. Còn phía sau là ghế hàn bằng sắt cho tử tù ngồi. Được ngăn ra bởi 1 xông sắt chỉ được nhìn nhau và nói chuyện. Họ sắp xếp chỗ ngồi cho Tôi và Mẹ Tôi ổn định sau đó mới dẫn Hồ Duy Hải ra.
Chúng Tôi có được hơn 30’ để nói chuyện với nhau. Từ xa tiến đến phòng thăm gặp Anh Hải nhìn thấy Tôi và Mẹ thì rất vui. Những lần Mẹ Tôi đi Hà Nội kêu oan thì lại khác, Anh Hải rất buồn vì không được gặp Mẹ. ( Thông thường những lúc vắng Mẹ tôi là bên ngoài gặp những tin xấu nhất, Mẹ Tôi phải gấp rút phản bác lại ) Hai chân của Anh bị cùm lại nhìn rất xót xa nhưng Tôi và Mẹ phải cố giấu đi cảm xúc vì sợ Anh Hải buồn. (Xin nói thêm những năm đầu bị giam giữ, họ cồng luôn hai tay của Anh Hải). Về sức khoẻ của Anh Hải thì Tôi tạm cho là khoẻ, người Anh gầy gò và xanh xao.
Chúng Tôi bắt đầu cuộc trò chuyện với sự giám sát của 4-5 người. Phía sau Tôi và Mẹ 3 người, phía sau Anh Hải 2 người. Họ chăm chú lắng nghe rất kỹ nếu có nói gì đến việc “ KÊU OAN” thì họ nhắc nhở ngay. Nếu nói thêm nữa có thể cuộc trò chuyện sẽ bị chấm dứt ngay và bị đuổi ra ngoài. Chúng Tôi cố gắng đưa thông tin vào cho Anh Hải vững tin vì trong đó họ bưng bít mọi thông tin. Anh Hải muốn nói gì cũng phải nhìn sắc mặt của cán bộ trại giam rồi mới dám nói. Những phút đầu Chúng Tôi hỏi thăm về sức khoẻ, công việc của nhau. Anh Hải thì hỏi thăm và gửi lời thăm từng người trong gia đình và họ hàng.
Đặc biệt, những Ngày Tết thì Anh Hải gửi lời Chúc Tết đến Quý Luật sư đã luôn giúp đỡ Anh về mặt pháp lý. Tiếp đến, Tôi và Mẹ động viên Anh Hải cố gắng giữ gìn sức khoẻ và ăn uống đừng lo nghĩ gì nhiều vì bên ngoài đã có Tôi và Mẹ lo cho Anh! Vụ việc của Con giờ không chỉ trong nước mà lan rộng ra đến Quốc tế đều biết! Muốn Anh Hải lạc quan và yên tâm hơn tránh bị tác động tâm lý xấu! Việc quan trọng nhất mà Mẹ Tôi luôn đề cập đến là việc “KÊU OAN” cho Anh Hải. Lần nào vào Mẹ Tôi cũng nói mặc dù đã bị họ nhắc nhở lớn tiếng. “Anh Hải nói Mẹ ráng kêu oan cho Con nhanh nhanh nha Mẹ để Con còn về nhà nữa, Sau lâu quá vậy.” Mẹ Tôi chỉ đáp lại một câu: “ Ráng nha con Chủ Tịch Nước bận nhiều việc từ từ họ sẽ giải quyết cho Con mau về!” “Anh Hải nói tiếp sao không đến nhà riêng của Ông cho nhanh!” (Chúng Tôi chỉ biết lặng im trong lúc này…không lẽ nói thẳng ra là họ VÔ CẢM. Hàng ngàn lá đơn, thư và sự kêu gào đến thảm khóc của Mẹ Tôi mà họ có thèm đoái hoài gì đến đâu.)
Quay lại một chút những lúc Tôi một mình vào thăm gặp Anh. Tôi nói Mẹ ra Hà Nội kêu oan cho Anh rồi. Trong này họ có bắt Anh ký giấy tờ gì không? Rồi có ai vào gặp Anh nữa không? Có ăn gì nhớ ngửi trước nếu có mùi lạ thì đừng ăn sợ bị đầu độc? Có gì không biết thì Anh phải nói gia đình hỏi ý kiến Luật sư nha, đừng để bị họ gạt?
Cứ thế thời gian trôi qua hết giờ thăm gặp, Tôi và Mẹ Tôi bịn rịn xin được ôm Anh họ không cho. Chỉ cho nắm và hôn lén lên bàn tay Anh. Chúng Tôi ra về còn Anh ở lại, Tôi luôn mong ước Anh được về cùng Tôi và Mẹ. Bước ra và ngoái đầu lại Anh Tôi cũng khóc vì sợ Tôi và Mẹ buồn Anh cũng cố che đi những cảm xúc của mình!
(Thu Thuỷ ghi)
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Thủ đô VN ngập rác
vì dân đòi tái định cư khỏi bãi rác Nam Sơn
Tính đến chiều 14/1, rác thải đã chất đống khắp nơi trong thành phố Hà Nội gần 4 ngày, một số nơi rác cao ngập đầu, vì người dân 3 xã quanh một khu xử lý rác thải chính của thủ đô Việt Nam chặn đường xe chở rác để đòi được tái định cư nhanh hơn.
Một số người dân xác nhận với VOA rằng Hà Nội “mấy hôm nay ứ đọng đầy rác, không mang đi chôn lấp được”. Một phụ nữ tên Khanh cho biết thêm là ở các phố ven trung tâm “rác ngập phố rồi, mấy chục mét lại một đống rác”. Chị Khanh đưa ra ý kiến rằng “Lẽ ra chính quyền nên thông báo tạm thời chưa xử lý nơi đổ được, người dân nên hạn chế xả rác”.
Một phụ nữ đã về hưu tên là Thủy mô tả với VOA rằng rác ứ đọng “trong khí hậu ẩm ướt mùa xuân” nên dường như vì vậy mà “nhiều người bị ho”. Bà Thủy nói một cách cảm thán: “Khổ cho những người đi xe máy chìm ngập trong không khí ô nhiễm”.
Thông tin do báo chí Việt Nam tường thuật, được VOA kiểm chứng, cho hay tình trạng này đã khiến cho thủ đô có khoảng 8 triệu dân trở nên nhếch nhác dịp sát Tết.
Nhiều bức ảnh của những trang tin lớn như Zing.vn, VNExpress, hay BizLive cho thấy “khối lượng rác khổng lồ” vứt tràn lan trên vỉa hè, lòng đường, và “bốc mùi hôi thối nồng nặc”.
Tin cho hay, các công nhân vệ sinh môi trường cố gắng hạn chế hậu quả của nạn dồn ứ rác bằng cách che bạt lên “các đống rác cao ngất” và rắc vôi bột xung quanh. Mặc dù vậy, từ các đống rác, vẫn có nước “đen sì, đặc sệt, bốc mùi” rỉ ra, tiềm ẩn nhiều “nguy cơ dịch bệnh”, theo Zing.vn.
Các báo cho hay nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do nhiều người dân chặn xe chở rác đi vào bãi rác Nam Sơn, một khu liên hợp xử lý chất thải rắn lớn cách trung tâm Hà Nội hơn 40 kilomet về hướng bắc.
Những người dân thuộc 3 xã sinh sống quanh bãi rác đòi chính quyền “phải đẩy nhanh tiến độ di dời, và định cư” cho các hộ dân sinh sống trong bán kính 500 mét quanh bãi rác.
Ông Lê Văn Hồ, một người dân địa phương, được trang tin 24h.com trích lời nói rằng người dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ của huyện Sóc Sơn “mong muốn nhà nước quan tâm, đưa người dân trong vùng ảnh hưởng ra ngoài càng sớm càng tốt”.
Tường thuật của báo chí cho biết trong một động thái để đáp lại yêu cầu từ người dân, ngày 13/1, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng gửi “công văn hỏa tốc” tới một số cơ quan cấp dưới và UBND huyện Sóc Sơn, thúc giục họ thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó đáng chú ý là các mục tiêu gồm “tổ chức triển khai cắm mốc giới thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trước ngày 15/2” và “đảm bảo tiến độ chi trả tiền bồi thường cho các hộ từ quý II/2019”. Phó Chủ tịch Hùng cũng đã gặp gỡ người dân trong ngày 13/1 để đối thoại, theo các bản tin.
Thông tin cập nhật nhất mà VOA có được từ một số phóng viên ở Hà Nội cho hay vào chiều 14/1, người dân trong vùng bị ảnh hưởng từ bãi rác Nam Sơn đã nhận được phương án đền bù để di dời, tái định cư. Từ 4h chiều cùng ngày, các xe rác đã có thể đi vào bãi rác, các nguồn tin cho hay.
Một số người dân cũng xác nhận với VOA rằng vào hồi gần 8h tối ngày 14/1, họ thấy “các núi rác bắt đầu được dọn”.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm
nhận quyết định về hưu
Vào sáng ngày 14/1, Thành ủy TP.HCM tổ chức công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc nghỉ hưu của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Phó Bí thư Thành ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM.
Theo quyết định này, bà Tâm nghỉ hưu từ ngày 1/1/2019, tuy nhiên bà vẫn còn giữ chức Đại biểu Quốc hội TPHCM.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm là người có những phát biểu gây chú ý đặc biệt trong xã hội.
Mạng báo Tuổi trẻ online dẫn chia sẻ của bà Tâm cho hay, cha mẹ bà đi làm cách mạng, nên bà xa gia đình từ sớm và sống với các cơ sở cách mạng.
Bà Tâm cũng nói thêm, mỗi khi được giao nhiệm vụ mới, bà đều thấy “được”, nhưng xen lẫn vào đó là cả cảm giác “bị” nữa. Bởi mỗi khi được phân công việc gì, bà rất lo lắng không biết mình có thể làm tốt được hay không.
Trả lời báo Thanh Niên sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, bà Tâm cho biết bà còn trăn trở vì bà thấy có lỗi của mình trong một số tồn tại và hạn chế của thành phố thời gian qua. Tuy nhiên bà nói bà không thấy ân hận, hay hối tiếc vì bà đã cố gắng hết sức mình.
Năm 2015, bài trả lời phỏng vấn của bà với báo Vietnamnet nhận nhiều chỉ trích của dư luận khi bà nói đại ý là con cán bộ làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc.
“Nếu như con em cán bộ lãnh đạo có sự trưởng thành và được các đại hội Đảng tín nhiệm, được tổ chức tín nhiệm giao những trọng trách thì đó là điều hạnh phúc của dân tộc, của Đảng,” bà Quyết Tâm khẳng định.
Liên quan đến những bức xúc của người dân Thủ Thiêm trong những sai sót của thành phố khi thực hiện quy hoạch Thủ Thiêm kéo dài đến 20 năm, bà Quyết Tâm vào năm ngoái từng nói “người dân hỏi chứng tôi có day dứt vụ Thủ Thiêm không thì tôi thưa rất day dứt, nghe thấy xót lắm”.
Vào ngày 20/10 năm ngoái, trong buổi tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm, một người dân đã ném một chiếc giày lên sân khấu nhằm vào bà Quyết Tâm nhưng không trúng ai.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm sinh năm 1958 ở tỉnh Tây Ninh. Trình độ học vấn cao nhất của bà được các báo trích đăng là học Phổ thông nội trú Hoàng Lê Kha, Tây Ninh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nguyen-thi-quyet-tam-retired-01142019102853.html
Đình chỉ chức vụ bí thư đảng ủy
đối với ông Hoàng Như Cương
Báo Tuổi Trẻ online ngày 14/1 trích nguồn tin riêng cho biết Đảng ủy khối dân – chính – đảng thành phố Hồ Chí Minh đã đình chỉ chức vụ bí thư đảng ủy Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh đối với ông Hoàng Như Cương, người đã đi Mỹ từ khoảng giữa tháng 12 năm ngoái và chưa về.
Ngoài chức vụ là Bí thư đảng ủy, ông Hoàng Như Cương trước khi đi Mỹ còn giữ chức Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh (MAUR).
Theo truyền thông trong nước vào khoảng giữa tháng 12, ông Cương đột ngột đi Mỹ vì việc riêng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Đến ngày 9/12/2018, ông Cương có đơn xin nghỉ việc gửi trưởng MAUR, và cho biết lý do đi nước ngoài là vì các con ông đang sinh sống và làm việc tại Mỹ đang có sự cố xảy ra. Theo Tuổi Trẻ, trong đơn xin nghỉ việc của mình, ông Cương nói đã nhiều lần xin nghỉ việc và lần cuối là đơn xin đơn phương nghỉ việc từ ngày 16/11/2018.
Trong khi đó, vào ngày 25/12, Kiểm toán nhà nước công bố kiểm toán dự án Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, chỉ rõ ông Hoàng Như Cương đã có sai phạm khi phê duyệt điều chỉnh dự án trái thẩm quyền. Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính số tiền lên đến gần 2.900 tỷ đồng.
MAUR được coi là một “siêu ban” khi được giao quản lý, đầu tư 8 tuyến đường sắt đô thị của thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng. Chỉ riêng tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên đã có vốn đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng
Phó Bí thư tỉnh ủy An Giang thừa nhận
con tổ chức đánh bạc, công an bác tin
Ngày 14/1, một số báo trong nước đưa tin ông Võ Quang Trường, con trai Phó bí thư Tỉnh ủy An Giang – ông Võ anh Kiệt, cầm đầu tổ chức các hoạt động đá gà, lắc tài xỉu từ năm 2017 đến nay nhiều lần bị công an bắt quả tang nhưng chưa bị xử lý hành chính.
Báo Tuổi Trẻ Onlin cho biết vào ngày 5/1, Công an huyện Phú Tân bắt quả tang vụ đá gà ăn tiên và lắc tài xỉu tại xã Phú Hiệp, tạm giữ 34 người. Tuy nhiên ông Võ Quang Trường được cho là người tổ chức trường gà này đã kịp tẩu thoát.
Báo Tiền Phong dẫn nguồn tin từ Công an huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho hay, Võ Quang Trường vốn nghiện ma túy tổ chức đá gà ăn tiền và lắc tài xỉu từ tháng 5/2017 với quy mô lớn, mỗi lần bình quân từ 50 đến 70 người, có lúc lên đến hơn 100 người.
Theo Tiền Phong, các tụ điểm này tổ chức đá gà ăn tiền mỗi độ từ 2 đến 10 triệu đồng, lắc tài xỉu mỗi ván từ 5 đến 20 triệu đồng; Trường thường lấy tiền xâu 15%. Lắc tài xỉu nếu thắng lớn, Trường lấy đến 50% và có khi Trường trực tiếp lắc để ăn thua.
Tuổi Trẻ cho biết ông Võ Anh Kiệt đã xác nhận con trai nghiện ma túy và tổ chức đá gà, nhiều lần ông đã trực tiếp đề nghị công an huyện, công an tỉnh đi bắt nhưng Trường đã tẩu thoát trước đó. Ông Kiệt cũng cho biết ông đã báo cáo với Ban Tổ chức và Ủy ban Kiểm tra trung ương về tình trạng của con trai.
Tuy nhiên, theo VTC, vào chiều 14/1, Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang khẳng định thông tin con trai Phó Bí thư tỉnh tổ chức đánh bạc là không đúng và sẽ xử lý cá nhân nào cung cấp thông tin sai cho báo chí.
Tướng Bùi Bé Tư cho VTC biết năm 2018, Công an huyện Phú Tân bắt 15 vụ đá gà và đánh bạc. Từ ngày 4/1 đến nay, công an đã bắt 34 người đá gà, đánh bạc. Tất cả các vụ đều không có liên quan đến Võ Quang Trường.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tội tổ chức đánh bạc, gá bạc trái phép theo điều 322 BLHS năm 2015 có thể bị xử lý hành chính lên đến 300 triệu đồng, phạt tù đến 10 năm nếu số tiền ăn thua lớn, chuyên nghiệp và tái phạm nguy hiểm.
Bộ Y tế nói gì sau khi 3 trẻ tử vong
sau tiêm vắc xin mới?
Bộ Y tế vừa có công văn gửi các sở y tế tỉnh thành, thành phố Trung ương về tăng cường công tác tiêm chủng an toàn và hiệu quả sau khi có tin 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin mới ComBe Five 5 trong 1 do Ấn Độ sản xuất, thay thế vắc xin Quinvaxem vốn được dùng phổ biến ở Việt Nam trước kia.
Công văn của Bộ Y tế cho biết từ khi triển khai tiêm vắc xin mới trên toàn quốc, tính đến ngày 9/1, đã có 131.171 trẻ được tiêm vắc xin mới. Bộ Y tế cho biết ngoài những phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ chỗ tiêm, khó chịu, quấy khóc, đã phát hiện những trường hợp sốt cao, co giật quấy khóc kéo dài với tỷ lệ 0,05%. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được án bộ y tế theo dõi điều trị.
Bộ Y tế cũng yêu cầu tổ chức tập huấn ngay cho cán bộ y tế của các cơ sở tiêm chủng, đặc biệt xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng.
Hôm 12/1 vừa qua, truyền thông trong nước cho biết hôm 9/1, một em bé 2 tháng tuổi ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội được tiêm vắc xin mới. Tuy nhiên, em bé đã tử vong vào ngày 10/1 với các dấu hiệu sốt, quấy khóc trước đó. Sở Y tế Hà Nội hôm 12/1 cho biết chưa phát hiện sai sót gì trong quá trình tiêm chủng.
Trước đó, chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam sử dụng vắc xin Quinvaxem. Đây là loại vắc xin đã được WHO xác định là an toàn. Tuy nhiên khi sử dụng ở Việt Nam, đã có nhiều trường hợp trẻ bị tử vong sau tiêm gây lo lắng trong người dân và nghi ngờ về chất lượng của loại vắc xin này.
Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương hồi sinh
Nguyễn Xuân Nghĩa
Ngày 14 Tháng Giêng, 2019, Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP với hai đặc tính mới là Toàn Diện và Tiến Bộ đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Đây là quốc gia thứ bảy sẽ thực thi Hiệp định, sau các nước Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Úc. Diễn đàn Kinh tế sẽ phân tích biến cố đặc biệt này….
CPTPP: hiện tại và dự báo tương lai
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, từ Thứ Hai 14 Tháng Giêng năm nay, Việt Nam sẽ cùng nhiều quốc gia khác thực thi Hiệp định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương, được gọi tắt là CPTPP. Kể từ nay, 11 nước sẽ thành lập khu vực kinh tế tự do rộng lớn và còn có một lộ trình cải cách sâu xa về thể chế có lợi cho gần 500 triệu dân. Nhưng người ta vẫn thấy thiếu Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp định này từ đầu năm 2017. Ông nghĩ sao về những sự kiện đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Như mọi khi, tôi xin khởi sự bằng bối cảnh sâu xa thì chúng ta dễ hiểu ra hiện tại và dự báo về tương lai.
Theo dõi cách Hoa Kỳ thương thuyết lại Hiệp định NAFTA với Canada và Mexico, họ thấy ra mục đích của Mỹ là loại bỏ thế cạnh tranh bất chính của Trung Quốc. Còn lại, chúng ta có thể chờ đợi một đợt thương thuyết mới với Hoa Kỳ sau khi cái xe Xuyên Thái Bình Dương đã lăn bánh.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
– Từ 70 năm qua, Hoa Kỳ là cường quốc kinh tế đã thúc đẩy và phát huy một khuôn khổ tự do mậu dịch giữa các nước; trước tiên là với Hiệp Ước Chung về Quan Thuế và Mậu Dịch, gọi tắt theo Anh ngữ là GATT, vào đầu năm 1948, rồi với Tổ Chức Thương Mại Thế Giới là WTO ngày nay. Khuôn khổ luật lệ quốc tế này được lập ra để tránh mâu thuẫn và biện pháp trả đũa về mậu dịch giữa các nước như đã xảy ra trong nửa đầu của Thế kỷ 20. Là cường quốc kinh tế ít bị thiệt hại trong hai trận Thế Chiến, Hoa Kỳ phát huy khuôn khổ hợp tác tự do đó để vừa bán sản phẩm công nghiệp của mình, vừa xây dựng liên minh hầu các nước khỏi gây ra chiến tranh, đồng thời phát triển nhanh hơn khối cộng sản. Nhờ đó, thuế biểu xuất nhập nội đã giảm tới 80% và lượng hàng ngoại thương tăng gấp đôi so với sản lượng kinh tế toàn cầu. Kết cuộc thì kinh tế Liên bang Xô viết sụp đổ và Liên Xô tan rã như ta đã thấy. Nhưng thành công đó cũng có mặt trái.
Nguyên Lam: Thưa ông, mặt trái đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi xin tạm phân biệt hai khối kinh tế, một là khối công nghiệp hóa và hai là khối đang phát triển. Đang phát triển thời đó tại Á Châu Thái Bình Dương như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, có thành quả kinh tế vượt bực làm đảo lộn chuỗi cung ứng trên vành cung Thái Bình Dương với các nước như Malaysia, Singapore cho tới Mexico. Họ đều có khả năng xuất khẩu loại hàng rẻ làm khu vực chế biến thâm dụng nhân công của khối công nghiệp hóa mất sức cạnh tranh, các doanh nghiệp phải đóng cửa, công nhân mất việc. Hoa Kỳ bị thiệt nhất trong khối công nghiệp hóa và bài toán kinh tế ấy ảnh hưởng tới chính trị vì nhiều người cho rằng tự do mậu dịch là mậu dịch bất công.
Nguyên Lam: Nhưng chính Hoa Kỳ cũng thúc đẩy việc thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO để có khuôn khổ giải quyết bất đồng về mậu dịch giữa các nước với nhau. Vì sao cơ chế này lại không làm được việc đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Đấy là vấn đề thứ hai. Gồm có 164 thành viên, tổ chức này trở thành bộ máy thư lại khổng lồ, từ gần 25 năm nay chưa cải tiến luật lệ tranh tụng vì mâu thuẫn giữa khối công nghiệp hóa và các nền kinh tế đang phát triển. Trong các nền kinh tế tạm gọi là mới nổi đó lại có Trung Quốc kể từ năm 2001, chưa nói tới vai trò của Ấn Độ. Kinh tế Mỹ không thể cạnh tranh với các nền kinh tế mới nổi, đông dân với lương rẻ, nhất là nếu nền kinh tế này lại không theo quy luật thị trường, là hiện tượng điển hình của Trung Quốc.
Nguyên Lam: Phải chăng vì vậy mà Hoa Kỳ tham gia rồi thúc đẩy sự ra đời của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương như một lực đối trọng với kinh tế Trung Quốc? Nhưng thưa ông, vì sao ông Trump lại rút khỏi Hiệp định này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chúng ta không quên rằng Chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã phát huy trước tiên sáng kiến của bốn nước đi đầu, nhưng Chính quyền của Tổng thống Barack Obama do dự mất một năm rồi mới tham dự đàm phán TPP. Thế rồi khi Hiệp định này thành hình năm 2015 thì đa số trong Quốc hội Mỹ lại chống nên ông Obama không dám đưa qua Quốc hội phê chuẩn.
– Trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2016, hai ứng cử viên Dân Chủ là Nghị sĩ Bernie Sanders hay bà Hillary Clinton lẫn ông Trump bên Cộng Hòa cũng chống. Lý do là Hiệp định đòi hỏi quá nhiều thay đổi chi ly mà người ta chỉ biết về sau. Ông Trump giữ lời hứa khi tranh cử là vừa nhậm chức thì rút khỏi Hiệp định.
Nguyên Lam: Ban đầu, Hiệp định này có 12 quốc gia thành viên, sau khi Hoa Kỳ triệt thoái, 11 nước còn lại vẫn xúc tiến. Thưa ông, tại sao lại như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Có ba lý do, kinh tế, chính trị và chiến lược. Lý do kinh tế là lợi ích về ngoại thương và đầu tư khi gần 500 triệu dân buôn bán với 98% thuế biểu sẽ hạ, lẫn trở ngại đầu tư sẽ giảm dần. Tính theo số liệu năm 2017 thì khối kinh tế này sản xuất ra 14 ngàn tỷ đô la một năm, tương đương với 18% sản lượng toàn cầu chứ không ít. Chưa kể là nhiều xứ khác cũng muốn gia nhập như Indonesia, Thái Lan hay Vương quốc Anh Thống nhất. – Lý do chính trị là họ không muốn Bắc Kinh giữ vai trò trọng yếu trong luồng giao dịch của khu vực khi Trung Quốc không có thực tâm tôn trọng quy luật thị trường. Lý do thứ ba là 11 quốc gia này vẫn muốn kéo Hoa Kỳ trở lại chứ không hoàn toàn đóng cửa vì sức nặng của kinh tế Mỹ, với sản lượng gần 18 ngàn tỷ đô la và có thị trường tiêu thụ lớn nhất, lẫn sức mạnh quân sự đáng kể nhất trong khu vực Đông Á.
Nguyên Lam: Căn cứ vào đâu mà ông suy đoán như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Sau khi đàm phán lại Hiệp định TPP, 11 quốc gia chỉ tạm hoãn áp dụng 22 điều khoản mà Hoa Kỳ đòi hỏi trước đó. Tạm hoãn chứ không hủy bỏ, tức là họ vẫn để cửa ngỏ vì siêu cường này có sức mạnh kinh tế lẫn quân sự có thể ngăn ngừa được sự bành trướng của Trung Quốc.
– Tôi nghĩ rằng Nhật Bản, Canada, Úc, Mexico và New Zealand có thể nhắm vào mục tiêu xin tạm gọi là “Đợi Mỹ”, nhất là trong bối cảnh của trận thương chiến Mỹ-Hoa hiện nay, vì họ muốn có một cơ chế tự do mậu dịch rộng lớn, sau khi Hoa Kỳ đã cải thiện Hiệp định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ với Canada và Mexico và các nước đang xúc tiến một hiệp định tự do thương mại với Liên hiệp Âu châu. Có lẽ chúng ta thấy hình thành một trật tự kinh tế mới sau khi trật tự cũ với Tổ chức WTO bị tê liệt, mà nằm bên ngoài trật tự đó chính là Trung Quốc.
Nguyên Lam: Ông thường hay nói rằng lãnh đạo Hoa Kỳ cứ hay đổi ý, liệu nước Mỹ có quay trở lại với Hiệp định TPP hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chưa ai biết được, nhưng có lẽ 11 nước còn lại đã chuẩn bị cho kịch bản đó. Trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, một số tiểu bang sống nhờ canh nông có thể bị thiệt; các tiểu bang đó theo dõi triển vọng buôn bán nông sản và lương thực của Úc, New Zealand hay Canada vào thị trường khép kín của Nhật Bản. Họ sẽ tác động vào Chính quyền Trump và chính trường Mỹ. Chuyện thứ hai, các nước trong khu vực cũng muốn Hoa Kỳ phải gắn bó hơn với an ninh của khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương, mà sự gắn bó kinh tế là chuyện thiết thực nhất của dân Mỹ. Thứ ba, đã theo dõi cách Hoa Kỳ thương thuyết lại Hiệp định NAFTA với Canada và Mexico, họ thấy ra mục đích của Mỹ là loại bỏ thế cạnh tranh bất chính của Trung Quốc, đấy cũng là mục tiêu của họ. Còn lại, chúng ta có thể chờ đợi một đợt thương thuyết mới với Hoa Kỳ sau khi cái xe Xuyên Thái Bình Dương đã lăn bánh….
Việt Nam và CPTPP
Nguyên Lam: Câu hỏi cuối, thưa ông, là chuyện Việt Nam. Lãnh đạo xứ này nên làm gì khi Hiệp định TPP vừa hồi sinh với một tên mới là Toàn diện và Tiến bộ?
Trong các nước đang phát triển, Việt Nam có lợi nhất khi bước vào một sân chơi lớn của các nước tiên tiến. Nhưng mối lợi có tính chất chiến lược là thời cơ ra khỏi sức hút của Trung Quốc. Dù có Mỹ hay không, Việt Nam nên khai thác cơ hội để tiến hành một đợt đổi mới hơn xưa và nghiệp vụ đầu tiên là cải sửa lại luật lệ cho phù hợp với quy định đã cam kết.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Cái tên thì cũng tựa vỏ chai, quan trọng là nội dung bên trong. Khi cam kết thực thi, Việt Nam phải có thực tâm cải cách toàn diện. Ví dụ bề mặt là cắt giảm gần 100% dòng thuế, là việc có thể làm ngay.
– Nhưng bề sâu là thực hiện cam kết về cung ứng cho khu vực công; là giảm thiểu vai trò của các doanh nghiệp nhà nước; là cho phép người lao động tổ chức nghiệp đoàn hay công đoàn độc lập chứ không còn trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; là cải thiện môi trường sinh sống theo tiêu chuẩn hiện đại và nhất là phải minh bạch hóa việc quản lý kinh tế.
– Trong các nước đang phát triển, Việt Nam có lợi nhất khi bước vào một sân chơi lớn của các nước tiên tiến, có lẽ còn lợi nhiều hơn Malaysia. Nhưng mối lợi có tính chất chiến lược là thời cơ ra khỏi sức hút của Trung Quốc. Dù có Mỹ hay không, Việt Nam nên khai thác cơ hội để tiến hành một đợt đổi mới hơn xưa và nghiệp vụ đầu tiên là cải sửa lại luật lệ cho phù hợp với quy định đã cam kết.
– Bước kế tiếp là lập ra kế hoạch hỗ trợ tư doanh để sẽ trám vào khoảng trống của khu vực quốc doanh. Nhưng lâu dài hơn cả là cải cách hệ thống giáo dục đào tạo cho lực lượng lao động Việt Nam có trình độ sản xuất cao và đóng góp nhiều hơn vào trị giá gia tăng của hàng hóa và dịch vụ.
– Nói chung thì cơ hội cạnh tranh rộng mở hơn trước thể nào cũng gây rủi ro nhưng nếu sợ rủi ro và thách thức mà không dám thi hành những gì đã cam kết với thiên hạ thì đấy là tụt hậu!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về kết luận này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/the-revival-of-tpp-01142019091637.html
Tô Lâm và một thoáng… thật thà!
Tờ Thanh Niên đã sửa tựa bài tường thuật buổi góp ý cho Dự luật Thi hành án hình sự từ: “Bộ trưởng Công an: Chế độ phạm nhân cao, có người sẽ tìm cách để đi tù” thành… “Bộ trưởng Công an: Quyền của phạm nhân phải phù hợp khả năng đáp ứng của nhà nước” (1).
Cho dù tựa bài tường thuật vừa kể đã được sửa nhưng ý kiến ông Tô Lâm đóng góp cho Dự luật Thi hành án hình sự vẫn thế: Ông Tô Lâm không tán thành việc sửa luật thi hành án hình sự theo hướng minh định các quyền của phạm nhân.
Dự luật Thi hành án hình sự nhằm sửa Luật Thi hành án hình sự được ban hành năm 2010 nhằm chứng tỏ Việt Nam có nỗ lực thăng tiến nhân quyền đúng như đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Theo dự luật, tuy bị tước bỏ tự do nhưng phạm nhân có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, bảo đảm điều kiện ăn, ở, gặp gỡ thân nhân,… sao cho ra hồn người. Cũng theo hướng đó, họ còn có quyền lao động, học hành, học nghề…
Tháng 11 năm ngoái, Dự luật Thi hành án hình sự được trình cho Quốc hội để nghe các đại biểu góp ý. Một số tán thành, một số phản bác kịch liệt. Giờ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lấy thêm ý kiến.
Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, một trong những đại biểu đại diện cho nhóm phản bác nói thẳng, dẫu dự luật minh định nhiều quyền dành cho phạm nhân giống như thiên hạ nhưng ở Việt Nam không phù hợp, không khả thi.
Bộ trưởng Công an nhấn mạnh, chuyện ấn định mỗi phạm nhân được 17 ký gạo, 15 ký rau, bao nhiêm gram thịt, bao nhiêu gram đường trong một tháng, rồi quần áo thế nào,… là quá cao. Ông Lâm dùng chính thực tế để nhắc nhở, ở Việt Nam, nhiều công dân lương thiện dẫu cần cù vẫn không đạt được mức đó! Cũng vì vậy, ông cảnh cáo, không loại bỏ tiêu chuẩn này, sẽ có nhiều người cố tình phạm tội để được vào tù. Tình huống đó sẽ gây khó khăn cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền.
***
Thiên hạ vẫn bảo giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam giảo hoạt song ít nhất là lần này, khi góp ý cho Dự luật Thi hành án hình sự, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại biểu Quốc hội, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an Tô Lâm tỏ ra rất thẳng thắn.
Cải thiện môi trường giam giữ ở Việt Nam – dẫu là một trong những cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, rõ ràng không phải là đã hứa thì sẽ làm. Ông Tô Lâm – nhân vật đặc trách giáo dục, cải tạo phạm nhân – không giấu diếm chuyện ông thay mặt toàn ngành không… ưng xóa bỏ tình trạng phạm nhân bị đối xử như những con vật.
Ông Tô Lâm còn hết sức thật thà khi so sánh tiêu chuẩn mà bộ phận soạn thảo Dự luật Thi hành án hình sự dự tính dành cho phạm nhân, với chuyện nhiều công dân lương thiện của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuy rất cần cù vẫn không thể đạt được mức dinh dưỡng tối thiểu là 17 ký gạo và 15 ký rau/tháng/người,…
Viễn cảnh mà ông Tô Lâm phác ra: Nếu cải thiện chế độ lao tù, cho phạm nhân được ăn no, mặc ấm, chỗ ở đạt các tiêu chuẩn tối thiểu dành cho một con người, sẽ khiến nhiều người lương thiện tìm cách này hay cách khác để được vào tù – chính là lời thú nhận chân thành về hiện trạng kinh tế – xã hội Việt Nam.
Hóa ra ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN nói… thật, khi nêu câu hỏi thay cho câu trả lời về hiện trạng kinh tế – xã hội Việt Nam: Đất nước đã bao giờ được như thế này chưa? Đã có rất nhiều người chế giễu ông Trọng vì hiểu “được” thuần túy là… được, trong khi “được” có thể hiểu theo nghĩa ngược lại.
Vâng, đúng là đất nước chưa bao giờ “được” như thế này! Sau bảy thập niên kiên định xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của đảng, 17 ký gạo và 15 ký rau/tháng/người,… vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người. Ăn ở, mặc,… ở mức tối thiểu vẫn là giấc mơ chẳng biết khi nào mới có thể trở thành sự thật.
Thực tế ấy và con số đang phải sống dưới mức tối thiểu mà một phạm nhân nên được hưởng khiến Bộ trưởng Công an phát hoảng, phải huỵch toẹt, rằng cải thiện chế độ lao tù sẽ khiến người ta lũ lượt xin vào tù, nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa kham không nổi.
Thảm thay!
Chú thích
https://www.voatiengviet.com/a/to-lam-cai-thien-che-do-lao-tu/4742151.html