Tin Việt Nam – 13/7/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 13/7/2015

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam: Tự do cho người Việt là khả thi

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã tới thăm thủ đô của người Việt tỵ nạn Little Saigon hôm Chủ nhật 12/7. Ông nói Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP là nhân tố có thể tăng cường quan hệ hợp tác an ninh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chống lại Trung Quốc, và có thể buộc Hà Nội phải cải thiện nhân quyền.

Báo Orange Register tường thuật rằng trong một cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Việt, Đại sứ Ted Osius nói mặc dù con đường còn khá dài trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam cải thiện nhân quyền, cho phép tự do tôn giáo và ngưng trấn áp giới bất đồng chính kiến trong nước, ông vẫn lạc quan rằng Hoa Kỳ có thể để giúp “mang lại những thay đổi” tại Việt Nam.

Đại sứ Osius nói “toàn bộ tiến trình đã được đẩy nhanh trong nhiều năm qua. Năm nay có thể là một năm vô cùng quan trọng”.

Ông Osius nói Hoa Kỳ có thể dùng sức bật ngoại giao để tăng sức ép với Việt Nam trong hai lĩnh vực chủ yếu, để khuyến khích Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền, mà theo Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, “vẫn vô cùng tệ hại trong tất cả các mặt chủ yếu.”

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói “Nếu Việt Nam muốn gia nhập Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP và hưởng lợi từ hiệp định này, thì Việt Nam cần phải thoả mãn các tiêu chuẩn cao về tự do”.

Đây là chuyến đi thăm đầu tiên của đại sứ Mỹ tại Việt Nam tới Little Saigon, thủ đô của người tỵ nạn Việt Nam ở California, để lắng nghe những quan tâm của cộng đồng, và giải thích chiến lược của chính phủ Tổng Thống Obama nhằm cải thiện các quyền tự do tại Việt Nam.

Báo Los Angeles Times hôm nay đăng bài viết nói rằng cộng đồng người Việt tỵ nạn đang theo sát những diễn biến mới trong quan hệ Mỹ-Việt với ánh mắt nghi kỵ.

Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Thống Obama tại Tòa Bạch ốc có mục đích tăng cường quan hệ thương mại song phương, đã làm dấy lên quan ngại trong các cộng đồng người Việt không những ở Little Saigon mà còn ở nhiều nơi khác, vốn vẫn nghi kỵ chính phủ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Các cộng đồng người Việt tự do trên khắp Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hành động vi phạm nhân quyền vẫn tiếp diễn tại Việt Nam.

Tờ báo tường thuật rằng trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với hơn 350 người thuộc cộng đồng người Việt ở Little Saigon hôm Chủ nhật từ khi ông lên nhậm chức vào cuối năm ngoái, ông Ted Osius nói:

“Việt Nam cần hai điều từ Hoa Kỳ, thịnh vượng và an ninh.” Ông nói vì hai lý do đó, Hoa Kỳ đang nắm cơ hội vô cùng thuận lợi này để tăng sức ép với Việt Nam.

Tháp tùng Đại sứ Osius tới Little Saigon, có nhiều vị dân biểu trong đó có dân biểu đảng Cộng hòa Ed Royce, dân biểu Loretta Sanchez thuộc đảng Dân chủ, và ông Dana Rohrabacher thuộc đảng Cộng hòa.

Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, nói “chính quyền Việt Nam đối xử với một số người như “thú vật”, họ bị nhốt chung với các tội nhân hình sự nguy hiểm, và khuyến khích những tù nhân này đánh đập những người bât đồng chính kiến với nhà nước.” – VOA

Phó Thủ tướng TQ Truơng Cao Lệ sẽ thăm VN — Đoàn quân sự cấp cao Campuchia sang Trung Quốc tìm hậu thuẫn — Biển Đông: Philippines bắt đầu cuộc điều trần thứ nhì trước Tòa án trọng tài LHQ

Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trương Cao Lệ sẽ thăm chính thức Việt Nam vào trung tuần tháng 7.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ông Trương đến Việt Nam theo lời mời của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Chuyến thăm sẽ diễn ra từ ngày 16-18/7/2015.
Trước đó, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chuyến thăm được xem là lịch sử đến Hoa Kỳ, gặp Tổng thống Barack Obama.

***
Một phái đoàn gồm 23 quan chức quân sự và an ninh cấp cao do Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh dẫn đầu khởi sự chuyến đi 5 ngày tới Bắc Kinh hôm 8 tháng 7, theo một tạp chí thời sự trên mạng có trụ sở ở Tokyo.

Tạp chí mạng Diplomat hôm nay đăng bài viết của ông Prashanth Parameswaran, một chủ biên của tạp chí, tường thuật rằng Trung Quốc không nói gì nhiều về tin này trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh nói rằng chuyến thăm nằm trong khuôn khổ một cuộc ‘trao đổi thường niên’.

Tác giả bài viết lưu ý rằng tham gia chuyến đi có các Tư Lệnh của cả 3 quân chủng thuộc Quân đội Hoàng gia Campuchia, và Tư Lệnh Quân Cảnh Quốc gia. Nhà báo này nói sự hiện diện của các quan chức quân sự cấp cao nhất của Campuchia nói lên tầm quan trọng của chuyến đi, bất chấp lời phát biểu của ông Tea Banh, cố làm giảm tầm quan trọng của chuyến đi.

Chuyến đi cũng diễn ra chỉ vài ngày sau các cuộc xung đột biên giới giữa Campuchia và Việt Nam vào cuối tháng 6.

Hôm 28/6 đã xảy ra một vụ xô xát giữa hàng trăm Campuchia và Việt Nam tại vùng biên giới giáp ranh tỉnh Svay Rieng của Campuchia và tỉnh Long An của Việt Nam, có sự tham gia của hàng trăm binh sĩ hai nước. Tuy không ai thiệt mạng, nhưng cuộc xung đột đã làm nhiều người bị thương, trong đó có 7 người Việt Nam.

200 người Campuchia, trong đó có một số nhà lập pháp và nhà sư, đã kéo tới vùng biên giới để phản đối, nói rằng Việt Nam lấn chiếm đất của nước họ.

Thủ Tướng Campuchia Hun Sen bị phe đối lập chỉ trích là đã dựa vào các bản đồ của Việt Nam để phân định biên giới. Ông Hun Sen sau đó đã viết thư cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon để yêu cầu LHQ cung cấp tấm bản đồ do Pháp vẽ thời 3 nước Đông Dương còn là thuộc địa của Pháp, để dùng trong việc phân định biên giới.

Một cuộc họp quy tụ các giới chức Việt Nam và Campuchia tại Pnom Penh đã được tổ chức trong tuần rồi để thảo luận vấn đề biên giới, nhưng hai bên không đạt được giải pháp chung cuộc, và nay Campuchia đang xoay sang Trung Quốc để yêu cầu được hậu thuẫn quân sự.

Việt Nam đã từng xua quân sang và chiếm đóng Campuchia từ năm 1979 tới năm 1991. Trong thời gian này, Trung Quốc là một trong các đồng minh quan trọng nhất của Campuchia chống lại Hà Nội.

Trung Quốc đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn trong lĩnh vực kinh tế của Campuchia và Bắc Kinh hiện là nước cung cấp vũ khí chủ yếu của Campuchia.

Campuchia và Trung Quốc nâng cấp quan hệ song phương thành Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 12 năm 2010. – VOA

***
Từ 10 giờ sáng ngày 13/07/2015 phải đoàn Philippines bắt đầu điều trần trong đợt thứ nhì trước Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại La Haye – Hà Lan.

Theo lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose, được báo Sunstar ấn bản trên mạng trích dẫn, việc phái đoàn của Manila được điều trần lần thứ nhì là một tín hiệu “tích cực”.

Phái đoàn của Philippines gồm bộ trưởng Ngoại giao Albert del Rosario, Chánh văn phòng phủ Tổng thống Paquio Ochoa Jr., bộ trưởng Tư pháp Leila de Lima, cố vấn pháp luật của Philippines Florin Hilbay …

Chính quyền Manila kỳ vọng Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải ở vùng Biển Đông trước khi Tổng thống Benigno Aquino mãn nhiệm kỳ vào tháng 5/2016.

Một cách chính xác hơn, Tòa sẽ xác định xem phía Trung Quốc hay Philippines có quyền sở hữu đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, ở Biển Đông, nơi có những tuyến vận tải đường biển quan trọng đối với thương mại thế giới.

Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông, trong đó gồm cả vùng biển mà Philippines khẳng định thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình. Phía Manila khẳng định đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc thông qua bản đồ 9 đoạn là vô giá trị, chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Ngay từ đầu, Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện cùng Philippines và khẳng định Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền xem xét hồ sơ này. – RFI