Tin Việt Nam – 13/6/2015
TC đẩy mạnh cải tạo đảo bất chấp bị phản đối – TC đưa tàu sân bay ra biển tập trận — Tướng Phạm Trường Long, con chủ bài của Tập Cận Bình trong quan hệ Mỹ-Trung
Một tờ báo của Australia cho biết hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy TC đáp lại sự phản đối của quốc tế về hoạt động của nước này ở Biển Đông bằng việc tăng tốc hoạt động bồi đắp cải tạo những đảo nhân tạo.
Báo The Sydney Morning Herald dẫn lời những nguồn tin của chính phủ, phi chính phủ và quân sự của Australia cho biết những hình ảnh theo dõi từ vệ tinh, được chụp tới thời điểm gần nhất là ngày 10 tháng 6, cho thấy một hạm đội tàu nạo vét của TC đã chuyển trọng tâm công tác cải tạo từ vành ngoài của những bãi đá hình vòng vào những “lỗ” bên trong.
Tờ báo dẫn lời một nguồn tin cho biết có bằng chứng rõ ràng cho thấy phần bên trong của bãi Đá Subi, một rạn san hô vòng ở quần đảo Trường Sa, đang được lấp kín.
Theo tờ báo, những nhà hoạch định chiến lược quân sự của Mỹ không cho rằng những đảo này sẽ đề ra một mối đe dọa nghiêm trọng cho sức mạnh của Mỹ trong trường hợp xảy ra bất kỳ xung đột nghiêm trọng nào.
Tuần này một cuộc họp của các nhà lãnh đạo khối G7 đã có một động thái bất thường là phản đối hoạt động đơn phương xây dựng đảo, dù không nêu đích danh TC.
TC đáp lại bằng cách nói rằng tuyên bố của G7 là “vô trách nhiệm” và “xa rời sự thật.” – Theo VOA
***
Hải quân TC cho biết hàng không mẫu hạm duy nhất của họ đã tiến hành tập trận vào ngày thứ Sáu nhưng không cho biết cụ thể vị trí tập trận, trong bối cảnh đang có tranh chấp lãnh hải căng thẳng với các nước láng giềng.
Tàu sân bay Liêu Ninh đã diễn tập và thử nghiệm ở nơi mà Hải quân TC nói là “vùng biển liên quan,” cùng với những máy bay chiến đấu trên tàu sân bay sau khi khởi hành từ thành phố Thanh Đảo.
Tân Hoa Xã dẫn thông cáo của hải quân nói rằng nhiệm vụ của chiếc tàu sẽ là đánh giá kết quả của những cuộc thử nghiệm trên tàu trong hơn ba năm qua.
Được biết tàu Liêu Ninh đã thực hiện hơn 100 cuộc thử nghiệm nghiên cứu khoa học cũng như diễn tập cất cánh và hạ cánh những chiến đấu cơ J-15 trên tàu cùng những loại máy bay trực thăng khác.
TC muốn phát triển một lực lượng hải quân vươn xa ra ngoài đại dương có khả năng bảo vệ những lợi ích đang lớn dần của họ, trong khi thể hiện lập trường quyết đoán hơn trong những tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Liêu Ninh, con tàu thời Soviet mà TC mua lại từ Ukraine vào năm 1998 và được TC tân trang lại, là biểu tượng cho sự lớn mạnh của hải quân của TC. – Theo VOA
***
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và TC đã trở nên căng thẳng do vấn đề Biển Đông và một phần do vụ tin tặc TC đánh cắp dữ liệu an ninh của Mỹ. Để tìm cách hóa giải căng thẳng này, Tập Cận Bình đã gởi sang Hoa Kỳ cánh tay mặt rất tin cẩn, đó là tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Báo chí Nhà nước TC hôm qua cho biết lời mời viếng thăm Hoa Kỳ là do Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đưa ra. Theo các nhà phân tích lẽ ra người đồng nhiệm của ông Carter là Bộ trưởng Quốc phòng TC Thường Vạn Toàn. Việc Bắc Kinh quyết định cử tướng Phạm Trường Long đi thay là rất đáng chú ý.
Tướng Phạm Trường Long đã được thăng chức Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương vào cuối năm 2012 sau khi Tập Cận Bình lên làm Chủ tịch cơ chế có thế lực rất mạnh này. Là nhân vật lãnh đạo số 2 của quân đội TC, tướng Phạm Trường Long đã nhiều lần công khai bày tỏ sự trung thành với Chủ tịch họ Tập và đã lôi kéo nhiều quan chức cao cấp khác tuyên thệ phục tùng Tập Cận Bình.
Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn một sĩ quan cấp tá về hưu của TC nói rằng: “Ông Thường Vạn Toàn chỉ là gương mặt có tính chất biểu tượng để lo về các vấn đề ngoại giao quân sự, còn tướng Phạm Trường Long mới thật sự là người đề ra các chiến lược cho quân đội, quyết định về việc chế tạo vũ khí và các vấn đề quân sự thiết yếu khác”.
Cũng theo viên sĩ quan này, là lãnh đạo cao cấp nhất của quân đội, tướng Phạm Trường Long là nhân vật có hiệu quả nhất để giúp Tập Cận Bình hóa giải những căng thẳng hiện nay giữa Washington với Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, nhằm tránh mọi nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa quân đội hai nước.
Trên vấn đề Biển Đông, hiện giờ hai bên vẫn giữ nguyên lập trường. Khi tiếp Phạm Trường Long ngày 11/06, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã kêu gọi TC ngưng xây đảo nhân tạo ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông và quân sự hóa khu vực này, đồng thời tìm một giải pháp hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế.
Đáp lại lời kêu gọi đó, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương TC nói rằng các công trình xây dựng đảo trên Biển Đông chỉ là nhằm cải thiện điều kiện sống để bảo vệ chủ quyền biển đảo tốt hơn. Long cũng khẳng định rằng Bắc Kinh có quyền xây dựng trên lãnh thổ của mình và triển khai quân tại đó. Nhân vật lãnh đạo số hai của quân độì TrC yêu cầu ngược lại là quân đội Hoa Kỳ nên giảm bớt các hoạt động trên không và trên biển ở Biển Đông.
Theo tờ South China Morning Post, trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ lần này, coi như Long thay mặt cho Tập để bàn về việc tạo dựng một cơ chế kiểm soát khủng hoảng hiệu quả hơn giữa quân đội Mỹ và TC nhằm tránh mọi nguy cơ xung đột quân sự trên vùng Biển Đông.
Theo lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng TC, chuyến đi của Long cũng chính là nhằm tạo một “bầu không khí tích cực” cho chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Tập Cận Bình dự trù vào tháng 9 tới. Chuyến đi của lãnh đạo TC sẽ là nhằm “thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau, tăng cường hợp tác và tìm thêm đồng thuận”. Ông Ashton Carter cũng đã được mời sang thăm TC lần đầu tiên kể từ khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Tóm lại, dù đang căng thẳng với Washington trên vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh có vẻ như đang cố tránh cho căng thẳng này ảnh ưởng đến quan hệ Mỹ-Trung. Đó là thông điệp chính mà Long đã mang đến Hoa Kỳ lần này. – Theo RFI
Campuchia phản đối CSVN xâm phạm lãnh thổ
Campuchia phản đối việc Việt Nam đào 5 ao hồ bên trong lãnh thổ vùng Đông Bắc Campuchia ở tỉnh Ratanakiri.
Tân Hoa xã hôm 12/6 dẫn công hàm của Bộ Ngoại giao Campuchia gửi cho đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh cùng ngày cho hay theo báo cáo của Bộ Nội vụ và Ủy ban Biên giới Campuchia, chính quyền tỉnh Ratanakiri phát hiện 5 ao hồ có diện tích 5mx13m do giới hữu trách Việt Nam đào ở làng Pak Nhay, huyện O Yadav, tại khu vực chưa cắm mốc biên giới.
Công hàm nói các ao hồ này nằm sau bên trong lãnh thổ Campuchia, cách đường biên giới từ 380 đến 545 mét.
Bộ Ngoại giao Campuchia yêu cầu Việt Nam tôn trọng đường biên giới của bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 và điều 8 trong Thông cáo chung hai nước ký ngày 17/1/1995.
Khoản này quy định rằng trong lúc chờ giải pháp cho vấn đề biên giới, hai nước nhất trí duy trì cách xử lý hiện thời, không thay đổi hay di dời các dấu mốc biên giới, giáo dục dân chúng không tiến hành canh tác hay định cư vượt qua đường biên giới, cũng như hợp tác duy trì an ninh-trật tự biên giới.
Chưa có phản hồi chính thức từ chính phủ Việt Nam về việc này.
Đường biên giới giữa hai nước Việt Nam và Campuchia kéo dài 1270 cây số. Tính tới nay, khoảng 80% công tác cắm cột mốc biên giới giữa hai nước đã hoàn tất. – VOA