Tin Việt Nam – 13/11/2018
Nhà báo tự do Thư Lê bị bắt và bị công an đánh đập
Ngày 09/11/2018, trong khi phỏng vấn một số gia đình tù nhân lương tâm ở thành phố Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai), nhà báo tự do Thư Lê đã bị cảnh sát bắt và đánh chảy máu mũi, theo chia sẻ của cô trên trang Facebook cá nhân Thư Lê.
Vào buổi sảng ngày Thứ Sáu (9 tháng 11), khi toà án tỉnh Đồng Nai tiến hành phiên phúc thẩm xét xử vụ án “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của bộ luật hình sự 2015 mà 15 bị cáo là những người tham gia biểu tình ôn hoà tại thành phố Biên Hoà vào ngày 10/6, nhà báo tự do Thư Lê đã phỏng vấn thân nhân của một số bị can trong một quán cafe gần khu vực toà án. Giữa buổi phỏng vấn, cảnh sát địa phương xông vào quán cafe và bắt giữ nhà báo tự do. Cô bị cảnh sát tống lên một chiếc xe và chạy về đồn cảnh sát của công an thành phố, nơi cô bị tịch thu điện thoại và bị một sỹ quan công an tên Tuấn, là đội phó đội an ninh của công an thành phố Biên Hoà đánh đập đến chảy máu mũi.
Trong trang Fabook cá nhân tên Thu Le, nhà báo Thư Lê có đăng tải hình cô bị chảy máu ở mũi và cho biết đó là do bị Tuấn hành hung. Cô viết trên Facebook rằng: “Tuấn 67 vuốt sau gáy vài cái, giật tóc, đập đầu, bóp cổ, cụng đầu hắn vào trán tôi.” Cô cũng nói sỹ quan công an Tuấn lấy điện thoại của cô và ngâm nước trước khi mang trả lại cho cô. Cô được trả tự do sau nhiều tiếng trong đồn công an.
Thư Lê từng làm cho một tờ báo nhà nước. Tuy nhiên, cô bỏ ra ngoài làm nhà báo tự do vì chế độ kiểm duyệt và bao che sai phạm cho nhiều quan chức và những công ty hoặc cá nhân được quan chức bảo kê. Cô quan tâm đến những người dân bị chính quyền tịch thu đất đai và bồi thường với giá rẻ mạt, nạn nhân của bất công và những người bị tù đày chỉ vì thực hiện quyền cơ bản là biểu tình và biểu đạt trong dịp tuần hành giữa tháng Sáu để phản đối hai dự luật đặc khu kinh tế và an ninh mạng.
15 người bị toà phúc thẩm y án hôm 09/11 là một nhóm nhỏ trong số hàng trăm người bị đánh đập, bắt giữ và kết án vì tham gia biểu tình trong tháng 6.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/nha-bao-tu-do-thu-le-bi-bat-va-bi-cong-an-danh-dap/
Công an Cần Thơ bác bỏ cáo buộc
đánh đập đạo diễn Đặng Quốc Việt
Công an Cần Thơ vào ngày 13 tháng 11 lên tiếng với báo giới trong nước về đơn cầu cứu của Đạo diễn Đặng Quốc Việt công khai trên mạng xã hội Facebook về việc mà ông này cho là bị công an Cần Thơ bắt và đánh đập.
Mạng xã hội Facebook vào hôm 12/11 lan truyền nội dung đơn cầu cứu của Đạo diễn Đặng Quốc Việt, giảng viên Đại học Sân khấu- Điện ảnh về vụ việc như vừa nêu khi ông này đang đi tìm bối cảnh để quay phim ở Cần Thơ.
Truyền thông trong nước vào ngày 13 tháng 11 loan tin cho biết, người bị công an Cần Thơ bắt giữ là ông Đ. Q. V sinh năm 1972 là đạo diễn vừa là giảng viên của trường Sân khấu Điện Ảnh. Ông Việt vừa có đơn cầu cứu và đăng tải trên trang cá nhân trình bày về việc ông bị Công an Cần Thơ bắt giữ và đánh đập vì nghi ngờ ông liên quan đến một vụ mua bán ma túy, và ông đã bỏ chạy khi lực lượng chức năng khám xét.
Theo Công an Cần Thơ thì nội dung đăng tải trên mạng xã hội Facebook là không đúng sự thật và phía công an chưa nhận được đơn gì từ ông V., chỉ mới biết sự việc qua mạng xã hội và báo chí.
Cơ quan điều tra Cần Thơ trả lời với báo chí trong nước rằng, phía công an đang tuần tra theo dõi một đối tượng được cho là liên quan đến buôn bán ma túy trái phép. Sau khi yêu cầu dừng xe, công an Cần Thơ đã tiến hành bắt giữ đối tượng chính là người lái xe ôm đã chở ông V.
Công an Cần Thơ cho rằng, vì ông V. bất ngờ bỏ chạy và trên tay có cầm côn ba khúc nên lực lượng đã tiến hành đuổi theo và bắt giữ đưa về trụ sở.
Cũng theo Công an Cần Thơ, trong thời gian làm việc, ông Việt có khai bị tim và sức khỏe không được tốt nên được đưa vào bệnh viên đa khoa Cần Thơ khám. Sau khi xét nghiệm, kết quả cho thấy ông bị viêm phổi do vi khuẩn và sức khỏe bình thường. Ngoài ra, ông Việt còn dương tính với chất cần sa.
Công an Cần Thơ nói không có việc còng tay và đánh đập được ông Việt như được nêu trong nội dung cầu cứu. Ngoài ra, việc ông Việt báo mất tài sản với số tiền lên tới hơn 100 triệu là không có cơ sở để xem xét.
Cơ quan điều tra công an Cần Thơ cho rằng mức độ vi phạm của ông Việt không nghiêm trọng nên đã đưa ông Việt về trụ sở lập biên bản về hành vi sử dụng côn ba khúc và sử dụng ma túy trái phép.
Đài RFA liên lạc với đạo diễn Đặng Quốc Việt vào chiều ngày 13 tháng 11 và được ông trình bày:
“Tụi nó đánh tui chứ sao tôi tự chạy được. Nó dí súng vào đầu tôi mà, lúc đó nó không có nói gì hết. Tôi vừa đứng trên cầu thì 8 thằng nó đến, nó rút súng ra nó dí vào đầu tôi nên tôi sợ quá tôi bỏ chạy.Tôi sợ tụi nó thanh toán nhau nên tôi cúi đầu chạy qua bên kia cầu rồi nó dí theo nó đánh tôi và nó còng tay lại. Nó nói an ninh đây. Cái thằng chở tôi đi nó hút cần sa tôi ngồi phía sau tôi bị thụ hưởng cái mùi đó, xét nghiệm thì nó có dương tính thôi chứ có gì đâu chứ. Tôi có hút thuốc đâu.”
Việt Nam điều trần
trước Ủy ban chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc
Theo lịch đã được công bố, tại phiên họp định kỳ lần thứ 65 của Ủy ban Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc khai mạc hôm 12/11/2018 tại Thụy Sĩ, Việt Nam sẽ có một phiên báo cáo việc thực hiện Công ước Chống tra tấn vào ngày 14/11, và ngày 15/11 Việt Nam sẽ có một phiên trả lời các câu hỏi chất vấn của Ủy Ban.
Phiên điều trần này sẽ được phát trực tiếp trên Web TV của Liên Hiệp Quốc.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an dẫn đầu phái đoàn Việt Nam gồm 30 người tham dự phiên điều trần lần này.
Để chuẩn bị, hôm 12/10/2018, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về Hồ sơ bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn.
Phát biểu tại Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cho biết sau nhiều nỗ lực của Ban soạn thảo và các cơ quan, đơn vị có liên quan, ngày 28/4/2017, Báo cáo quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi đệ trình lên Ủy ban chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc.
Vài tháng sau khi phiên điều trần năm 2018 kết thúc, Ủy ban Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc sẽ ban hành một văn bản “Quan sát Kết Luận” về Việt Nam để đánh giá việc thực hiện Công ước chống tra tấn của Việt Nam và nêu ra các vấn đề mà Ủy ban thấy quan ngại, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để Việt Nam thực hiện.
Theo quy định của Công ước thì cứ mỗi 4 năm, Việt Nam phải báo cáo việc thực hiện công ước này trong tư cách là một thành viên của Ủy Ban.
Ông Phạm Lê Vương Các, một người quan tâm vấn đề, viết trên tài khoản Facebook của bản thân rằng “Dù Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Chống tra tấn nhưng luật hình sự Việt Nam không có quy định về tội danh tra tấn theo định nghĩa của Công ước, nên không một viên chức chính quyền Việt Nam bị truy tố về tội tra tấn dù tình trạng này diễn ra rất phổ biến. Điều này cho thấy chính quyền Việt Nam chỉ giỏi đối phó hơn là thực thi các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế”.
Công khai hay không bản án
đối với cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh?
Tiếp tục có tranh cãi xung quanh việc công khai bản án của cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh trong vụ đường dây đánh bạc ngàn tỷ trên mạng.
Việc cựu trung tướng công an Phan Văn Vĩnh có yêu cầu từ chối đăng bản án lên mạng là quyền của ông, có trong quy định của pháp luật. Đó là khẳng định của Chủ tọa phiên xử Nguyễn Thị Thùy Hương khi trả lời báo chí hôm 13/11.
Vào ngày 12/11, tại phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ ở tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ, sau khi cựu tướng Phan Văn Vĩnh từ chối công bố bản án của mình trên mạng, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Thùy Hương đã khẳng định chỉ cần một bị can từ chối thì sẽ không công bố bản án.
Theo bà Hương, nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định bị cáo được quyền từ chối đăng tải bản án vì lý do cá nhân. Bà cũng cho biết là bản án đã có hiệu lực thì tòa án mới được đăng công khai lên mạng.
Trước đó, khi có thông tin tòa án đồng ý không công khai bản án của ông Vĩnh lên mạng, một số luật sư đã cho rằng đây là một quyết định sai luật vì những lý do của ông Vĩnh không nằm trong các điều kiện được quy định trong luật.
Báo Pháp Luật trích lời ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự Tòa án nhân dân Tối cao, nhận định việc không cho công khai bản án theo yêu cầu của bị cáo Phan Văn Vĩnh là trái luật.
Ông Quế cho rằng việc đưa bản án lên mạng là theo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, để mọi người đều biết anh là ai, phạm tội gì, hình phạt mà tòa án tuyên đối với anh là bao nhiêu năm tù.
Khi trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội hôm 13/11, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng cho rằng việc bị cáo nói là quyền của bị cáo, còn trách nhiệm của toà án là tuân thủ pháp luật, không có ngoại lệ.
Giới luật sư: Bản án của tướng Vĩnh
sẽ vẫn được công khai
Tại phiên xét xử 92 bị cáo vụ án đánh bạc ngàn tỷ qua mạng diễn ra vào sáng ngày 12/11 tại tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ, khi chủ tọa công bố quyền và nghĩa vụ của các bị cáo, cựu trung tướng công an Phan Văn Vĩnh đã đề nghị tòa không công khai bản án đối với ông và được chủ tọa đã lập tức chấp thuận đề nghị này.
Theo chủ tọa cho báo chí biết, chỉ cần một người trong vụ án không đồng ý thì bán án vụ việc sẽ không được công bố trên mạng.
Giới luật sư trong nước ngay lập tức lên tiếng về quyết định này của chủ tọa.
Luật sư Trần Vũ Hải đoàn luật sư Hà Nội khẳng định với báo Dân Trí rằng, quy định hiện hành không có căn cứ nào để hội đồng xét xử chấp thuận đề nghị này. Bởi vì theo luật sư nếu chấp thuận đề nghị của ông Phan Văn Vĩnh thì bản án đối với 91 bị cáo còn lại sẽ công bố như thế nào?
Không công khai ở đây là không công khai trên trang điện tử của tòa án thôi, còn báo chí hoặc những người khác tham dự phiên tòa vẫn có quyền công khai bản án.
– LS. Hà Huy Sơn
Luật sư Đặng Đình Mạnh trao đổi với chúng tôi rằng, pháp luật Việt Nam có quy định đăng bản án phải hỏi ý kiến của bị cáo và ghi vào trong biên bản và khi có bản án phải coi lại biên bản bị cáo có đồng ý cho đăng hay không rồi mới tiến hành xem xét thực hiện.
Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử này chỉ có riêng bị cáo Phan Văn Vĩnh là có ý kiến đề nghị không công khai mà tòa đã đồng ý chấp thuận ngay là trái với quy định pháp luật.
Vị luật sư cho biết thêm: “Ngay lúc đó đúng ra chủ tọa phải hội ý lại với hội đồng xét xử và xin ý kiến lại để tham khảo lại về pháp luật, còn ở đây chủ tọa lại nhanh nhảu phán luôn, nếu đơn sự không đồng ý thì bản án sẽ không được đăng như vậy đối với các bị cáo kia không có ý kiến thì họ mặc nhiên chấp nhận điều đó hay sao. Đây là sự thiếu xót của pháp luật không dự liệu được trường hợp này.”
Ngoài ra, luật sư Mạnh cho hay việc chủ tọa phiên tòa thông báo bản án sẽ được đưa lên cổng thông tin điện tử của tòa án là đúng. Ông Vĩnh có quyền phản đối, nhưng việc đăng bản án không lệ thuộc vào ý kiến của các bị cáo.
Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng dù luật pháp có quy định việc không công khai bản án vì lý do đời tư nhưng điều này có nghĩa là bản án hoàn toàn bí mật, không ai có thể tìm hiểu. Ông cho biết:
“Không công khai ở đây là không công khai trên trang điện tử của tòa án thôi, còn báo chí hoặc những người khác tham dự phiên tòa vẫn có quyền công khai bản án”
Với luật sư Trịnh Vĩnh Phúc từ Sài Gòn, tuy bản án không công khai nhưng để tìm kiếm thông tin về bản án thì không phải khó. Bởi vì:
“Bản án không công bố trên cổng thông tin điện tử nhưng bản án vẫn là bản án công khai gửi đến bị cáo bị hại hoặc là người liên quan rồi các cơ quan chức năng, nên việc truy cập tìm kiếm bản án cũng không phải là khó vì không phải là vấn đề bí mật. Nó chỉ không đưa lên cổng thông tin điện tử thôi nhưng nếu có đưa lên người ta cũng mã hóa các tên của nhân vật mà xét thấy nếu cần thiết, để ai muốn quan tâm nghiên cứu hay tìm hiểu.”
Điều 4, nghị quyết 3 của hội đồng thẩm phán có quy định các trường hợp không công bố bản án là phiên tòa xử kín hoặc bản án thuộc phiên tòa xét xử công khai nhưng có chứa các thông tin bí mật nhà nước, kinh doanh, gia đình và phiên tòa có người dưới 18 tuổi…
Luật sư Võ An Đôn từ Phú Yên giải thích thêm về quy định này và đề nghị của tướng Vĩnh.
“Trong luật VN tất cả bản án đều công khai hết nhưng những vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc thuần phong mỹ tục của VN thì có thể không công khai theo yêu cầu nhưng trong trường hợp này thì không có nằm trong các trường hợp đó.”
Cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh là cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Ông bị truy tố với cáo buộc “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 356 Bộ Luật Hình sự 2015. Nếu bị kết án, ông Phan Văn Vĩnh có thể đối mặt hình phạt tối đa lên đến 10 năm tù.
Mỏ Cá Tầm bắt đầu khai thác
vào giữa tháng Giêng năm 2019
Tập đoàn dầu khí Vietsovpetro, liên doanh giữa Nga và Việt Nam, sẽ bắt đầu sản xuất dầu thô tại mỏ Cá Tầm ngoài khơi vùng biển phía Nam Việt Nam từ ngày 15 tháng 1 năm 2019.
Reuters cho biết tin vừa nêu từ 3 nguồn tin độc lập hôm 13/11.
Theo Reuters, dự báo sản lượng dầu thô được khai thác từ mỏ này sẽ ở mức 20 ngàn đến 25 ngàn thùng/ngày.
Petro Vietnam, hồi tháng 10, cho biết dự án này sẽ mang lại lợi ích cho các công ty tham gia khai thác cũng như sẽ tạo công ăn việc làm cho những công ty khác hoạt động trong lãnh vực dầu khí ở quốc nội, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn.
Việc sản xuất dầu ở mỏ Cá Tầm được cho là có vai trò quan trọng trong bối cảnh những mỏ dầu chính của Việt Nam đang gặp khó khăn để duy trì sản lượng dầu khí.
Chuyên gia dầu khí Readul Islam, thuộc Tập đoàn Rystad Energy ở Singapore được Reuters trích lời cho biết dự đoán sản lượng dầu thô được khai thác từ mỏ Cá Tầm sẽ đạt mức tối đa trong những tháng đầu trước khi bình ổn ở mức khoảng 15 ngàn đến 20 ngàn thùng/ngày cho đến năm 2020. Vì là mỏ dầu nhỏ nên mỏ Cá Tầm có thể bị giảm sản lượng khai thác vào năm 2021.
Petro Vietnam hồi tháng 10 cho biết sản lượng dầu thô của Việt Nam được dự báo giảm 10% một năm từ nay cho đến năm 2025. Chính phủ Việt Nam cho biết vào tháng 3 rằng sản lượng dầu thô trong năm 2018 được dự báo giảm 11,3 triệu tấn, tức khoảng 14,7%
Việt Nam Campuchia thảo luận
về việc di dời người Việt ở Biển Hồ
Tình hình người gốc Việt sinh sống ở Biển Hồ, Campuchia được đại diện hai chính phủ Việt Nam và Campuchia nêu ra bên lề Hội nghị Cấp Cao ASEAN 33 và các hội nghị liên quan tại Singapore hôm thứ Ba, 13 tháng 11.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn khẳng định với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh rằng Campuchia sẽ nỗ lực hỗ trợ cuộc sống của bà con gốc Việt tái định cư ở khu vự Biển Hồ của nước này.
Truyền thông trong nước dẫn lại lời ông Prak Sokhonn mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ 2 nước và sẽ tạo điều kiện cho người dân gốc Việt ở Biển Hồ ổn định cuộc sống.
Về phía Việt Nam, ông Phạm Bình Minh nhắc lại đề nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu với Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hunsen nhân dịp tham dự Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN và Hội nghị Thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (IMF – WB) tại Bali, Indonesia, đó là việc Campuchia thực hiện di dời theo lộ trình từng bước, hỗ trợ người gốc Việt di dời khỏi Biển Hồ có cuộc sống ổn định.
Hồi đầu tháng 10 vừa qua chính quyền tỉnh Kamphong Chhnang của Campuchia cho biết kế hoạch di dời khoảng 2000 gia đình sống trên các con thuyền trên dòng sông Tonle Sap thuộc địa phận tỉnh này, trong đó có khoảng 115 gia đình là người Việt và Hồi Giáo Khmer. Mục đích di dời được cho biết là để khôi phục chất lượng nước dòng sông.
Tuy nhiên một số người Việt ở địa phương cho Đài Á Châu Tự Do biết những điều kiện về nguồn nước khi di dời mà chính quyền địa phương hứa không đảm bảo.
Hôm 9 tháng 11, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Campuchia, bà Rhona Smith kêu gọi Chính phủ Phnom Penh hãy công bằng và minh bạch trong vấn đề giải quyết cưỡng chế những gia đình Việt Nam ở Biển Hồ, tại tỉnh Kampong Chhnang.
Công ty cho thuê tài chính
của ngân hàng Agribank xin phá sản.
Công ty Cho thuê Tài chính II, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã chính thức đệ đơn lên toà án xin phá sản. Công ty này đang nợ hơn 10,000 tỷ đồng và 8.5 triệu USD (chưa tính lãi); trong đó nợ Bảo hiểm xã hội gốc và lãi lên tới 850 tỷ đồng. Trong khi đó, có 15,000 tỷ công nợ chưa được thu hồi.
Liên quan đến thông tin này, báo Lao Động ngày 11 tháng 12 năm 2018 loan tin, lãnh đạo ngân hàng Agribank khẳng định ngân hàng này vẫn làm ăn có lợi nhuận. Tuy nhiên, về việc có đứng ra nhận trách nhiệm trả nợ thay cho Công ty cho thuê Tài chính II hay không thì phía ngân hàng Agribank vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát. Liên quan đến sự việc trên, nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là ông Lê Bạch Hồng đã bị công an bắt giữ.
Vụ phá sản là có thật, tiền của người dân có thể mất khi ngân hàng Agribank chưa lên tiếng chấp nhận sẽ trả nợ, khiến nhiều người dân hoang mang, đặc biệt là những công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp. Thế nhưng, sự lo lắng chính đáng của người dân lại bị truyền thông nhà nước cũng như phía nhà cầm quyền cho rằng: đã có nhiều kẻ xấu tung tin đồn thất thiệt, đặc biệt là tại các khu công nghiệp nhằm lôi kéo, kích động công nhân nghỉ việc để đến ngân hàng rút tiền. (An Nhiên)
https://www.sbtn.tv/cong-ty-cho-thue-tai-chinh-cua-ngan-hang-agribank-xin-pha-san/
Đại biểu QH đề xuất ‘tù tại gia’,
nhiều người lo lắng về bất công
Một đại biểu quốc hội Việt Nam mới đây đề xuất việc xem xét áp dụng hình thức “tù tại gia”, một ý tưởng được một số người ủng hộ song cũng có nhiều người khác lo lắng rằng cách thi hành án này có thể bị lợi dụng, tạo ra những bất công.
Theo các báo trong nước, ông Hồ Đức Phớc nêu ra ý tưởng hôm 12/11 trong một phiên thảo luận về Dự luật Thi hành án. Vị đại biểu của tỉnh Nghệ An được các báo như Giao Thông và Vietnam Finance trích lời nói rằng ông đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để “giảm bớt áp lực quá tải trại giam” cũng như “giảm áp lực chi tiêu của ngân sách nhà nước”.
Ông Phớc, người cũng giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước, phát biểu rằng cách làm này có thể áp dụng đối với những trường hợp “phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội”, các bản tin cho hay.
Ngược lại, ông Phớc nhấn mạnh rằng tội phạm về ma tuý, tham nhũng, giết người, hay tội phạm an ninh quốc gia vẫn “phải cách ly với xã hội”, theo các bản tin.
Về quản lý tù nhân tại gia, ông Phớc gợi ý việc giam giữ trong “khung nhà sắt” rồi giao cho gia đình chăm sóc, còn giám thị có thể “định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra”, nếu để tù nhân trốn mất, gia đình người đó sẽ phải chịu trách nhiệm, một bản tin của báo Giao Thông cho hay.
Bên cạnh đó, bài báo cũng tường thuật rằng ông Phớc còn gợi ý một cách làm khác là gắn chip điện tử để theo dõi đối tượng “tù tại gia” giống một số nước khác đã làm. Tù nhân loại này sẽ “chỉ được đi loanh quanh trong một khu vực nhất định”, ông nói.
Điều được vị đại biểu của Nghệ An cho là “vấn đề quan trọng nhất” trong đề xuất của ông là phải có quy trình và quy định về loại tội nào, mức án nào mới được hưởng “tù tại gia”.
Các báo trong nước cho hay ý tưởng của ông Phớc nhận được sự đồng tình của Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga. Trong khi đó, khi được hỏi về vấn đề này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm chỉ phát biểu ngắn gọn với báo chí rằng “Đây là vấn đề mới, chúng tôi ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội và sẽ nghiên cứu”.
Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Như Phong, người từng giữ cấp bậc đại tá trong ngành công an, chia sẻ với VOA về nhận định của ông:
“Bộ trưởng rất thận trọng bởi vấn đề quá mới. Thứ hai là nó còn liên quan đến văn hóa của từng nước, từng dân tộc. Từ xưa đến nay, với tội phạm các thứ người ta cứ muốn tống vào tù, nhốt thật chặt. Cái đấy bây giờ cũng cần thay đổi tư duy đi”.
Qua nhiều năm làm báo cho ngành công an và hiểu biết khá rõ về các trại giam, ông Phong nói với VOA rằng ở những nơi đó “có nhiều cái phức tạp” nhưng ông không đi vào chi tiết, mà ông nói thêm rằng “nếu để cho một số người được cải tạo tại nhà, đó cũng là một hình thức rất hay, rất nhân đạo”.
Trên Facebook cá nhân, vị cựu đại tá công an viết cụ thể hơn rằng “Nói một cách phũ phàng, trần trụi, thì nhà tù là nơi ‘rèn’ cho người phạm tội thêm ý chí, thêm thủ đoạn để đối phó với pháp luật”. Ông cũng đưa ra quan sát cá nhân rằng đối với một số người, “những năm tháng tù đã giúp cho họ ‘ngộ’ ra cái giá của sự tự do… Nhưng thực sự, số này không phải là nhiều”.
Sau khi báo chí đưa tin về ý tưởng “tù tại gia” của đại biểu Hồ Đức Phớc, những người sử dụng mạng xã hội đã có nhiều thảo luận về đề tài này.
Quản chế tại gia khác với tù tại gia. Bởi vì tù có nghĩa là anh sẽ làm một cái nhà tù ngay trong nhà của anh thì không nên.
Nhà báo Nguyễn Như Phong
Một số người cho rằng đại biểu Phớc dường như đã nhầm giữa hình thức quản chế và hình phạt tù. Cựu đại tá Nguyễn Như Phong có cùng quan điểm. Ông nói với VOA:
“Có thể là nhầm lẫn đấy. Quản chế tại gia khác với tù tại gia. Bởi vì tù có nghĩa là anh sẽ làm một cái nhà tù ngay trong nhà của anh thì không nên. Nhưng mà anh đeo một cái còng hay khóa ở cổ chân và quy định rằng anh chỉ được phép đi ra, lấy cái tâm nhà ra ngoài được 30 m hay 20 m. Còn anh đi quá là anh đã phạm tội, thì tôi nghĩ bây giờ công nghệ có thể hoàn toàn làm được việc đó”.
Gác vấn đề khái niệm nào là đúng sang một bên, trên Facebook, các cuộc thảo luận trong diễn đàn “Góc nhìn Báo chí – Công dân” hay trên các trang cá nhân của luật sư Lê Luân, các nhà báo Hoàng Linh, Nguyễn Như Phong, nhà văn Trần Quốc Quân, là các Facebooker có số lượng theo dõi đông đảo, cho thấy nhiều người lo ngại về các lỗ hổng sẽ bị lợi dụng, nếu “tù tại gia” được thi hành.
Mối lo được nhiều người đề cập nhất trong số hàng trăm lời bình luận là những kẻ tội phạm có nhiều tiền, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, có thể “chạy án” làm “biến tướng” việc thi hành án, chưa kể bên cạnh đó là những điều còn chưa được làm rõ về trách nhiệm của giám thị và quyền được giám sát của công dân đối với vấn đề này.
Tội phạm tham nhũng ở Việt Nam vẫn có thể phải nhận án tù nặng nề theo luật hiện hành
Khi người ta đã tham nhũng để bằng mọi cách người ta có tiền, thì đối với loại tội đấy cứ phạt tiền thật nặng. Nó còn ác hơn là đi tù.
Nhà báo Nguyễn Như Phong
Nhà báo Nguyễn Như Phong có cách nhìn riêng về việc trừng trị tội phạm tham nhũng. Ông nói với VOA:
“Với tội tham nhũng nên có cách phạt hay nhất là phạt tiền. Khi người ta đã tham nhũng để bằng mọi cách người ta có tiền, thì đối với loại tội đấy cứ phạt tiền thật nặng. Nó còn ác hơn là đi tù. Còn nói thật là đi tù với loại tội đấy chả giải quyết gì đâu”.
Theo luật hình sự hiện hành của Việt Nam, tội tham ô và nhận hối lộ có thể nhận án tù thấp nhất là 2 năm, cao nhất là tử hình, tùy theo mức độ vi phạm.
Đề xuất về “tù tại gia” của đại biểu quốc hội Hồ Đức Phớc được đưa ra trong bối cảnh mà bản thân ông mô tả với báo chí là “các cơ sở giam giữ đang quá tải, tất cả các tội phạm nhẹ hay nặng đều được đưa vào các cơ sở giam giữ, và ngân sách nhà nước phải chi một khoản không nhỏ cho việc này”.
Không có các con số chính thức được Việt Nam công bố về tổng chi phí cho việc giam giữ các tù nhân. Các nguồn khác nhau ước tính không chính thức rằng đến năm 2016, Việt Nam có xấp xỉ 200.000 tù thường phạm hoặc hình sự.