Tin Việt Nam – 13/11/2015
Việt Nam nới lỏng quy định cấp visa cho người Trung Quốc
Việt Nam đã nới lỏng các quy định về thủ tục xin cấp thị thực cho người Trung Quốc, nhằm thu hút thêm nhiều khách du lịch từ quốc gia láng giềng.
Bộ Tài chính Việt Nam đã công bố việc giảm mức phí xin cấp thị thực cho du khách Trung Quốc để phát triển ngành du lịch.
Bắt đầu từ ngày 23 tháng 11, mức phí xin cấp thị thực cho du khách Trung Quốc sẽ được điều chỉnh từ 45 đôla xuống còn 25 đôla cho một lần nhập cảnh và từ 95 đôla xuống còn 50 đôla cho nhiều lần nhập cảnh trong vòng 3 tháng.
Những chuyến bay thẳng giữa hai nước cũng sẽ được thiết lập. Trong đó, tuyến bay thẳng từ Thượng Hải đến Nha Trang, một điểm du lịch nổi tiếng, đã được lên kế hoạch khởi động vào đầu năm 2016 và sẽ chỉ mất 4 giờ cho mỗi chuyến bay.
Những tuyến bay từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu đến Đà Nẵng đã đi vào hoạt động.
Theo thông tin chính thức của Việt Nam, hơn 800.000 khách du lịch Trung Quốc đã đến Việt Nam trong nửa đầu năm 2015, chiếm hơn 20% tổng lượng khách du lịch.
Trước đó, Việt Nam đã miễn thị thực đơn phương cho 7 nước là Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga, và miễn thị thực trên cơ sở có đi có lại với 9 nước ASEAN.
Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nghị định về việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân nước Cộng hòa Belarus. – VOA
Cô dâu Việt được rao bán trên mạng của TQ với giá 1.500 USD
Các cô dâu Việt Nam đã được rao bán với giá 9.998 tệ/người (khoảng 1.500 USD) trên trang Taobao, một trang mạng mua bán trực tuyến được xem như ‘eBay’ của Trung Quốc, vào lễ hội mua sắm trong ngày Độc thân hôm thứ Tư.
“Cô dâu Việt trong ngày mua sắm Song thập nhất (ngày 11/11)”, SCMP trích một đăng tải vào lúc 4 giờ chiều hôm thứ Tư, tức ngày Độc thân – một ngày mua sắm trực tuyến cực lớn vào mỗi 11/11 hằng năm, được công ty e-commerce khổng lồ Alibaba đưa ra từ 7 năm trước.
“Chỉ với 9.998 tệ, có thể mang một người vợ xinh đẹp về nhà”.
Kèm với lời quảng cáo trên là bức ảnh nữ diễn viên Trung Quốc nổi tiếng Chương Tử Di và khoản ‘hàng dự trữ’ là 98 người sẵn sàng được gửi đi từ tỉnh Vân Nam đến bất cứ nơi đâu ở Trung Quốc.
Theo hồ sơ về người bán trên trang Taobao cho biết người bán là Cửa hàng Quà tặng Wang Xiao Xi, hiện đã bán được 2.568 món hàng trong vòng 30 ngày qua, chủ yếu là tất với giá 1,6 tệ/đôi.
SCMP cho biết đoạn đăng bán cô dâu Việt đã không còn truy cập được vào lúc 4:30 cùng ngày.
Đây không phải là lần đầu tiên cô dâu Việt bị rao báo trên mạng. Trước đây đã từng xuất hiện các trang web rao bán cô dâu Việt ở Trung Quốc dẫn đến vụ phát hiện đường dây buôn người liên quan đến hàng trăm cô gái Việt, trong đó có 28 cô được giải cứu hồi cuối năm ngoái.
Chính sách một con ở Trung Quốc trong một thời gian dài đã làm mất cân bằng giới tính ở nước này, khiến nhiều người đàn ông Trung Quốc không có cơ hội lấy vợ trong nước mà phải sang các nước láng giềng để ‘mua’ vợ. Việt Nam trở thành một trong những thị trường cung cấp cô dâu qua các đường dây môi giới hôn nhân, buôn lậu người.
Số liệu của Bộ Công an Việt Nam cho biết đã có gần 6.000 phụ nữ Việt bị bán ra nước ngoài trong những năm gần đây, phần lớn là bán sang Trung Quốc. – VOA
Nhạc sỹ Anh Bằng qua đời
Nhạc sĩ Anh Bằng đã qua đời tối ngày 12/11 tại nhà riêng ở Nam California, Hoa Kỳ.
Sinh năm 1926 ở Thanh Hóa, ông di cư vào Sài Gòn năm 1954.
Từ đó cho đến 1975, ông viết nhiều ca khúc quen thuộc với thính giả miền Nam như Nỗi Lòng Người Đi, Chuyện Tình Lan Và Điệp…
Theo đài SBTN ở Mỹ, ông đã từng gia nhập quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1957 trong binh chủng Công Binh, sau đó chuyển sang Nha Tâm Lý Chiến.
Sau biến cố 1975, ông cùng gia đình di tản sang bang California, Hoa Kỳ.
Từ đó, ông vẫn viết thêm nhiều ca khúc mới như Anh Còn Nợ Em, Khúc Thụy Du.
Đến nay, chỉ vài ca khúc trong số này được cấp phép phổ biến tại Việt Nam.
Năm 1975, ông cùng gia đình di tản sang Mỹ và vẫn tiếp tục hoạt động âm nhạc với Trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc cassette Dạ Lan (1981-1990).
Ông còn là người sáng lập Trung tâm Asia, một trong hai trung tâm sản xuất âm nhạc lớn nhất của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, năm 1981. – BBC