Tin Việt Nam – 13/10/2017
Sinh viên Phan Kim Khánh sắp bị xét xử
Sinh viên Phan Kim Khánh, người bị bắt với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, sẽ ra tòa vào ngày 25 tháng 10 tới đây.
Luật sư Hà Huy Sơn, người nhận bào chữa cho sinh viên Phan Kim Khánh, đưa lên mạng xã hội Quyết định của Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên về thông tin phiên tòa như vừa nêu.
Vào tối ngày 13 tháng 10, luật sư Hà Huy Sơn, xác nhận với Đài Á Châu Tự Do về tin sẽ đưa thân chủ Phan Kim Khánh ra xét xử cũng như tình hình của người này:
“Hôm nay tôi đã nhận được quyết định đưa ra xét xử sáng ngày 25 tháng 10, tôi có gặp Khánh rồi, Khánh tinh thần tốt nhưng sức khỏe thì yếu”
Vẫn theo LS Hà Huy Sơn thì gia đình vẫn chưa được gặp sinh viên Phan Kim Khánh và cũng không biết thông tin gì hơn ngoại trừ những thông tin được LS Hà Huy Sơn có được.
Sinh viên Phan Kim Khánh sinh năm 1993 và cư ngụ tại tổ 4, Phương Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Anh này bị bắt vào ngày 21 tháng 3 vừa qua. Lúc đó anh là sinh viên năm cuối Khoa Quốc Tế, Đại học Thái Nguyên.
Từ năm 2015, sinh viên Phan Kim Khánh lập và điều hành hai blog có tên vietnamweek.net và baothamnhung.com. Trên hai blog đó có những bài viết chống tham nhũng trong giới lãnh đạo đảng và chính quyền Việt Nam.
Sinh viên Phan Kim Khánh còn lập 3 tài khoản Facebook có tên ‘Báo Tham Nhũng’, ‘Tuần Việt Nam’ và ‘Dân chủ TV’. Bên cạnh đó là hai kênh Youtube ‘Việt Báo TV’ và ‘Vietnam Online’. Những nội dung được đăng tải bàn về thực trạng hiện nay tại Việt Nam.
Sau khi tiến hành bắt khẩn cấp và khám xét nơi cư trú của sinh viên Phan Kim Khánh, lực lượng chức năng đưa anh này về giam giữ tati Trại giam Cẩm Sơn 1, tỉnh Thái Nguyên.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/young-activist-to-be-put-on-trial-10132017104152.html
VN tăng cứu trợ sau mưa lụt chết 54 người
Tính đến ngày 12/10 có 54 người chết vì mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc của Việt Nam, trong đó Thanh Hóa là nhiều nhất (17 người), trong khi mưa to có sấm chớp tại TPHCM cũng gây kẹt xe nghiêm trọng hôm 13/10.
Chính quyền đã và đang nỗ lực hộ đê và cấp cứu, gồm cả việc có kế hoạch dùng mìn phá phần đất lở ở Hòa Bình để tìm người bị mất tích.
Cũng có tin một số chuyến bay Hà Nội – Sài Gòn bị hủy vì thời tiết.
Lũ lụt: Thủ tướng VN thăm Ninh Bình
Thanh Hóa: Bí thư phường nói về ảnh đi bè
Thiệt hại về người
Theo số liệu của Ban chỉ đạo Trung ương Việt Nam về phòng chống thiên tai, tính đến cuối hôm thứ Năm, thiệt hại về người do trận mưa lũ vừa qua ở Bắc Trung bộ và các tỉnh phía Bắc là:
Người chết: 54 người (Sơn La: 6 người, Yên Bái: 6 người, Hòa Bình: 17 người, Thanh Hóa: 14 người, Nghệ An: 9 người, Hà Nội 2 người).
Người mất tích: 39 người (Sơn La: 2 người, Yên Bái: 16 người, Hòa Bình: 15 người, Thanh Hóa: 5 người, Quảng Trị: 1 người).
Người bị thương: 31 người (Sơn La: 3 người, Yên Bái: 7 người, Thái Bình: 6 người, Hòa Bình: 9 người, Thanh Hóa: 5 người, Hà Tĩnh: 1 người).
Theo trang Dân Trí hôm 13/10 đưa tin đã tìm được thi thể nạn nhân thứ 10 trong 18 người bị vùi lấp trong vụ sạt lở ở xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
Công tác này được chính quyền địa phương tiến hành từ 2 giờ sáng hôm 12/10, đến 10 giờ đêm thì tạm dừng vì trời tối, các phương tiện đào bới khó hoạt động, theo tờ báo.
Theo Thanh Niên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương xác định những ngày qua trên một số sông đã có lũ lớn, và xảy ra trên 60 sự cố trên các tuyến đê.
Trung tâm cảnh báo trong 12 giờ tới, sạt lở đất có thể xảy ra tại Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Hòa Bình và ngập lụt tiếp tục diễn ra ở Nình Bình.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41607971
Cạnh tranh hay ‘chơi xấu’ VINA
Hàng loạt những chiếc taxi Vinasun vào ngày 8 tháng 10 chạy trên đường phố Sài Gòn với decal nền đỏ chữ vàng kêu gọi chấm dứt hoạt động của Grab và Uber. Sự việc thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng. Phóng viên RFA ghi nhận ý kiến của người dân tại Sài Gòn về vụ việc này.
Phản đối Uber và Grab – Lệnh từ cấp trên hay tự phát?
“Đề nghị dừng thí điểm Uber, Grab vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”, “Yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam” là nội dung của những decal dán trên xe taxi Vinasun.
Trả lời báo chí, ông Tạ Long Hỷ Phó Tổng Giám đốc Vinasun cho rằng đó là việc làm bộc phát từ các tài xế chứ không phải chủ trương của công ty. Ông còn nói, “Thậm chí, tài xế Uber, Grab cài vào công ty thiếu gì.”
Thế nhưng, khi chúng tôi tiếp xúc với một số tài xế taxi Vinasun tại trung tâm quận 1, Tp HCM, họ khẳng định đó là chính sách của hãng. Hôm đó khi họ nhận xe là decal đã được dán sẵn. Họ giải thích thêm, làm tài xế taxi cho hãng, không ai được thay đổi nhận dạng của xe, lấy đâu ra chuyện tự dán decal. Hơn nữa việc các tài xế tự phát dán decal giống nhau về hình dáng, nội dung và kích thước trên diện rộng như thế là chuyện không hợp lý.
Có gần 10 năm gắn bó với Vinasun trong vai trò tài xế, anh Nguyễn Ngọc Thành, hiện đang là đối tác taxi của Grab cảm thấy sự việc giải quyết theo hướng dán decal khẩu hiệu như vậy chưa thực sự hay.
“Nói chung là cạnh tranh trong vấn đề kinh doanh vận tải thì khá là nhạy cảm, nhưng cách này nói chung là cũng không hay lắm. Đại khái thì có nhiều cách khác hay hơn. Nhưng mà mình nêu đích danh tên doanh nghiệp người ta thì về mặt nào đó thì anh cho là nó không hay, vậy thôi”.
Theo nhận định của anh, có nhiều hướng đi tốt hơn để cạnh tranh trong kinh doanh. Trong mảng vận tải, cần nhất vẫn là thuận tiện cho khách hàng và thái độ phục vụ của tài xế.
“Nếu mà muốn cạnh tranh lành mạnh thì phía taxi truyền thống thì thứ nhất là phải về vấn đề giá cả, thứ hai là phương tiện. Cái quan trọng nhất là thái độ phục vụ của anh em lái xe đối với hành khách, đó là điều quan trọng nhất. Tại vì khi mà phương tiện em có tốt, giá cả em có tốt, mà cái người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng là lái xe, mà thái độ em hoặc là cái gì đó không tốt thì đương nhiên khách hàng người ta sẽ không chọn dịch vụ đó. Tại nhu cầu của khách hàng bây giờ cao lắm. Người ta bỏ tiền ra, người ta muốn sử dụng dịch vụ tốt, chứ không ai người ta bỏ tiền ra mà sử dụng dịch vụ không như ý mình”.
Ông Lewis A. Hassell, một tình nguyện viên người nước ngoài sống tại Việt Nam hơn hai năm cho biết ông thường ưu tiên sử dụng Grab và Uber do có thể biết chính xác giá cước và địa chỉ đến, giảm thiểu tối đa rắc rối do khó khăn về ngôn ngữ.
“Tôi chọn đi Uber đơn giản vì tôi có thể biết được chính xác địa điểm và có thể giao dịch dễ dàng thông qua thẻ tín dụng credit card. Rất đơn giản. Nên tôi nghĩ là nó khá thuận tiện, ngoài ra thì tôi cũng có trải nghiệm rất tốt khi sử dụng dịch vụ với họ. Xe tốt, gặp được các tài xế thú vị nữa”.
Nếu mà muốn cạnh tranh lành mạnh thì thứ nhất là phải về vấn đề giá cả, thứ hai là phương tiện. quan trọng nhất là thái độ phục vụ của anh em lái xe đối với hành khách
– Nguyễn Ngọc Thành
Liêm, một bạn trẻ chạy Grab Bike chia sẻ về vấn đề nhận định, đây là hành động không hợp lý vì liên quan đến vấn đề cạnh tranh thì phải tùy thuộc vào độ thuận tiện, nhanh chóng của dịch vụ chứ không nên hành động như Vinasun.
“Nó không hợp lý ở chỗ giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ thì ở đâu người ta cần đến nhanh hay đến chậm thôi. Mà taxi truyền thống thì nhiều khi đến chậm hơn taxi thời buổi công nghệ, người ta cần thì có liền”.
Ý kiến của tài xế và người dân về vấn đề này
Anh Đặng Đông Khâm, một người lái xe riêng, cho rằng cách phản ứng của Vinasun có thể chịu nhiều tác động ngược.
“Đó không phải là đối sách. Mà anh thấy làm như vậy chắc là marketing cho Grab với lại Uber thêm. Chớ nhiều người, anh ví dụ như chú bảo vệ ở đây chú không biết Grab, Uber là cái gì đi, giờ chú đọc được cái dòng chữ của Vinasun dán như vậy, thì nếu vậy chú thắc mắc, chú đi hỏi người ta. Hỏi anh đi, thì anh nói ờ, Grab với Uber rẻ hơn. Thì chú đó phải dùng Grab với Uber chứ. Đâu có dùng Vinasun nữa, đúng không? Còn những người lớn tuổi hoặc những người ở vùng sâu vùng xa đi chăng nữa người ta đâu biết đến Grab và Uber, làm như vậy chẳng khác nào giới thiệu giùm người ta, marketing cho người ta”.
Hồng Thanh, hiện là sinh viên, tuy ít sử dụng các dịch vụ taxi vẫn cảm thấy việc làm của Vinasun khá phản cảm và cho rằng, bản thân Vinasun cần có những bước tiến về dịch vụ tốt hơn thay vì đi chỉ trích đối thủ.
“Theo mình thấy thì việc taxi Vinasun làm như vậy thì họ cũng vì lợi ích lợi nhuận của họ, nhưng mà dùng cái phương pháp đấu tranh như vậy thì cũng hơi phản cảm bởi vì là Uber hay Grab thì họ cũng kinh doanh như Vinasun nhưng phương thức của họ nó hay hơn, tốt hơn thì được nhiều người đón nhận hơn”.
Trong vai trò là một người gắn bó nhiều năm với Vinasun trước khi chuyển qua làm đối tác của Grab vì một số lí do về khung thời gian, bản thân anh Thành rất hài lòng với chính sách của Vinasun suốt gần 10 năm trời, và vẫn đang giữ thiện cảm về hãng. Anh Thành mong mỏi giữa taxi truyền thống, taxi công nghệ lẫn xe ôm và Grab Bike có thể hài hòa được giữa hai phía để mọi người có thể thoải mái làm việc lo cho cuộc sống gia đình.
“Tâm nguyện của anh là làm sao, bằng cách nào những người có trình độ, những người lãnh đạo hài hòa được anh em, taxi truyền thống và công nghệ. Không riêng gì taxi Grab Car đâu, Grab Bike với xe ôm truyền thống cũng vậy. Có cách nào đó để dung hòa giữa hai anh em hai bên để làm chi? Để người ta thoải mái làm việc, không căng thẳng trong công việc, kiếm tiền về lo cho gia đình, cho vợ con thôi, vậy là tốt rồi”.
Sáng ngày 10-10, các decal trên taxi Vinasun đã được gỡ bỏ theo chỉ thị của lãnh đạo hãng.
Cạnh tranh bình đẳng là điều mà những người tham gia kinh doanh lương thiện mong mỏi. Cơ quan chức năng có thể giúp họ thông qua hệ thống luật pháp cũng như giám sát, xử lý minh bạch…
http://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/vinasun_competitive_or_foul_play-10132017111621.html
VN và Trung Quốc chuyển tiền qua biên giới
Trung Quốc và Việt Nam vào ngày 12/10 lần đầu tiên thực hiện việc chuyển tiền qua biên giới.
Tân Hoa Xã cho biết một chiếc xe ô tô chở 5 tỷ đồng Việt Nam đã đi vào cửa khẩu Đông Hưng, thuộc Quảng Tây, Trung Quốc.
Trước đó kế hoạch này đã được Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia và Tổng cục Hải Quan Trung Quốc chấp thuận. Việc thực hiện kế hoạch vừa nêu được nói là sự kiện đánh dấu một bước cải cách tài chính dọc biên giới giữa hai quốc gia.
Mức nhập siêu từ Trung Quốc sang Việt Nam cao và tiếp tục tăng. Vào tháng 5 vừa qua, ông Đỗ Kim Lang, phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương Mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam thừa nhận Hà Nội cố gắng thu hẹp khoảng cách nhưng xu hướng nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn tăng cao.
Năm ngoái kim ngạch thương mại song phương Việt- Trung đạt 72 tỷ đô la Mỹ; trong đó Việt Nam xuất sang Trung Quốc 22 tỷ đô la Mỹ và nhập 50 tỷ đô la Mỹ.
12 người gốc Việt bị bắt
vì trồng cần sa tại bang Georgia và Texas
Cảnh sát bang Georgia và Texas của Mỹ vừa bắt giữ 12 người gốc Việt trong 2 vụ trồng cần sa tinh vi và qui mô lớn tại nhà.
Cảnh sát địa phương cùng với FBI và Lực lượng Bài trừ Ma túy của Vệ binh Quốc gia bang Georgia đã bắt giữ 9 người gốc Việt và truy nã 3 người khác liên quan đến một đường dây ma túy lớn và rất “tinh vi,” theo kênh truyền hình Fox News hôm 12/10.
Nhà chức trách đã thu giữ một khối lượng cần sa khổng lồ trị giá gần 7.2 triệu đôla, sau khi phát hiện một cơ sở trồng hơn 500 cây cần sa dưới tầng hầm trong một ngôi nhà ở thành phố Gainesville và hơn 1.500 cây cần sa tại 5 căn nhà khác.
Chín người gốc Việt đã bị bắt liên quan đến đường dây trồng cần sa này bị buộc tội sản xuất, vận chuyển và tàng trữ cần sa.
Năm nghi can bị cảnh sát Quận Hall bắt hôm 18/9 gồm Minh Luong 53 tuổi, Phi Ngoc Luong 25 tuổi, Henry Nguyen 48 tuổi, Hang Nguyen 53 tuổi, và Phuong Thao Nguyen 26 tuổi.
Sau đó vài ngày, 4 nghi can khác bị bắt gồm Trung Bui 47 tuổi, Nam Van Dao 46 tuổi, Thu Thai Phan 50 tuổi, và Binh Van Hoang 52 tuổi.
Cảnh sát ở tiểu bang Georgia cho biết họ cũng đang truy lùng 3 người Việt khác là Vinh To 63 tuổi, Sen Thi Do 46 tuổi, và Dung Nguyen 47 tuổi, những nghi can này sống tại thành phố Flowery Branch, Quận Hall.
Cũng liên quan đến ma túy, có 6 người đàn ông khác, trong đó có 3 người gốc Việt, đã bị bắt vì trồng cần sa ở nhà tại thành phố Houston, bang Texas, đài truyền hình ABC loan tin hôm 12/10.
Sau nhiều tháng điều tra, Lực lượng Bài trừ Ma túy Quận Fort Bend (FBCSO), đã bắt giữ 3 người đàn ông gốc Việt là Trong Vo 35 tuổi, James Lai Nguyen 27 tuổi và James Huy Nguyen 37 tuổi. Mỗi nghi phạm sẽ đối mặt với một vài tội danh, trong đó tàng trữ ma túy.
Tờ Fort Ben Herald dẫn lời FBCSO cho biết họ phát hiện ra bốn căn nhà trồng cần sa tọa lạc tại Quận Fort Bend và Quận Harris, thuộc thành phố Houston.
Cơ quan chức năng đã thực hiện các vụ khám xét và thu giữ tang vật vào ngày 28/9, thông cáo báo chỉ của FBCSO cho biết: “Nhân viên điều tra khám phá các vụ trồng cần sa trong những căn nhà phức tạp, cùng một số vũ khí, tiền mặt, và cần sa đã được chế biến tại bốn địa điểm.”
Nhân viên điều tra cũng phát hiện tổng cộng 778 cây cần sa được trồng trong nhà, dưới các bóng đèn điện, có cả cân, bơm nước, quạt, cầu dao đổi điện, và các dụng cụ dùng để chế biến, đóng gói, và bán cần sa.
Cảnh sát nói số lượng cần sa bị tịch thu có giá thị trường khoảng 2.3 triệu đôla.
Ngoài ba người gốc Việt này, cảnh sát còn bắt thêm 3 người khác với tội chuyển giao và tàng trữ cần sa ở Quận Harris.
Mưa lũ tại các tỉnh miền Bắc, ít nhất 60 người chết
Đến cuối ngày 13/10, Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn Trung ương thống kê 60 người chết và 36 người mất tích do mưa lũ tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam, giữa lúc chính quyền Hà Nội cho rằng việc vỡ đê là có kế hoạch.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời văn phòng này cho biết có 60 người chết trong cơn bão số 11, trong đó tỉnh Hoà Bình có 22 người chết, Thanh Hóa 15 người, Nghệ An 9 người, Sơn La 6 người, Yên Bái 6 người, Quảng Trị 1 người, và Bắc Cạn 1 người.
36 người mất tích thuộc các tỉnh Yên Bái, Hoà Bình, Thanh Hoá, Sơn La, Nghệ An, và Hà Nam.
Hãng tin Reuters nói chỉ riêng tại tỉnh Hòa Bình có 19 người trong 4 gia đình bị chôn vùi do lỡ đất tại xã Phú Cường, huyện Tân Lạc rạng sáng ngày 12/10.
Trang Accuweather nói bão Khanun, Việt Nam gọi là bão số 11, với gió mạnh và mưa to đang hướng vào khu vực các tỉnh phía Bắc của Việt Nam từ ngày 15/10 đến ngày 17/10.
Báo Zing.vn nói thiệt hại về người trong đợt mưa lũ trung tuần tháng 10 gấp hàng chục lần so với cơn bão vào tháng 9 khi ấy có 4 người tử vong cũng tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Vào chiều 13/10, báo Tiền Phong cho biết tại cuộc họp thông tin về đợt mưa lũ vừa qua của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội phát biểu rằng, việc đê Hữu Bùi tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ vỡ là “vỡ trong kế hoạch.”
Đêm 11/10, rạng sáng ngày 12/10, một đoạn đê Hữu Bùi đã tràn gần 10 km.
Truyền thông trong nước trích lời ông Thịnh nói: “Đây là vùng chúng ta chủ động đã đưa nước vào bờ lũ sông Bùi để đảm bảo an toàn đê Tả Bùi. Nhìn vào thì dân tưởng là vỡ nhưng thực tế là tràn đê.”
ông Thịnh cho biết thêm: “Người dân nhìn vào đó nói vỡ, có thể nói vỡ nhưng là vỡ trong kế hoạch, chứ không phải chúng ta bất ngờ trong việc ứng phó.”
Không rõ việc vỡ đê có là nguyên nhân làm số người chết trong cơn bão này gia tăng hay không.
Ngày 12/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hủy các cuộc họp tại thành phố Hải Phòng để về Ninh Bình thị sát đập tràn Lạc Khoái tại xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn để chỉ đạo ứng phó với ngập lụt, và bảo vệ an toàn đê điều.
https://www.voatiengviet.com/a/mua-lu-tai-cac-tinh-mien-bac-it-nhat-60-nguoi-chet/4069233.html
Dân biểu Canada gốc Việt:
‘Dự luật Magnitsky giúp cải thiện nhân quyền tại VN’
Nữ dân biểu liên bang Canada gốc Việt Anne Minh–Thu Quach nói rằng Dự luật Magnitsky sẽ giúp cải thiện tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn VOA Việt ngữ, nữ dân biểu gốc Việt 35 tuổi nói rằng quốc hội Canada vừa thông qua Dự luật S-226, Công lý cho Nạn nhân của các Viên chức tham nhũng Ngoại quốc, nếu được chính phủ Canada ký thành luật sẽ trở thành một công cụ hữu hiệu cho phong trào tranh đấu cho nhân quyền và chống tham nhũng trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam.
Dân biểu Anne Minh–Thu Quach, người thường được cộng đồng người Việt tại Canada gọi với tên tiếng Việt là Quách Minh Thư, nói:
“Dự luật S-226 sẽ giúp Canada đóng băng tài sản của bất cứ viên chức nào vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và nghiêm cấm những viên chức này nhập cảnh vào Canada. Khi ký thành luật, Dự luật này sẽ gây áp lực lên chính phủ Việt Nam và đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi sẽ áp đặt chế tài đối với những viên chức không tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam.”
Bà Minh Thư cho biết Hạ viện Canada vừa thông qua dự luật Magnitsky vào ngày 4/10 với tất cả 277 phiếu thuận. Trước đó dự luật đã được Thượng viện thông qua vào ngày 11/4.
Các dân biểu thuộc cả ba đảng gồm Đảng Tự do, Đảng Bảo thủ đương quyền và Đảng Tân Dân chủ (NDP) mà bà Minh Thư là thành viên, đều ủng hộ dự luật này.
Cũng tương tự như Luật Magnistsky của Hoa Kỳ do cựu Tổng thống Obama ký ban hành tháng 12/2016, dự luật S-226 của Canada cho phép chính phủ Canada tịch thu hoặc đóng băng tài sản của những người ngoại quốc vi phạm nhân quyền.
Bà Minh Thư nói cộng đồng người Việt tại Canada rất ủng hộ dự luật quan trọng này.
Các cộng đồng gốc Việt xem đây là một thắng lợi lớn cho phong trào tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới.
Ngoài ra, bà Minh Thư nói rằng bà rất ủng hộ các giới tranh đấu vì dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam:
“Tôi tiếp xúc với nhiều nhóm tranh đấu cho nhân quyền cho Việt Nam tại Canada. Như vừa rồi tôi gặp gỡ nhóm thanh niên ở thành phố Montreal có tên là ‘Viet Nam to Fight,’ nhóm này đã tổ chức một cuộc biểu tình vào tháng 8 lên tiếng về các vụ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong các vụ biểu tình chống nhà máy Formosa và các vụ bắt bớ sau đó. Chúng tôi cũng lên tiếng cho các nhà tranh đấu hiện đang bị giam cầm tại Việt Nam.”
Vào đầu năm nay, trong thư ngỏ gửi ban tổ chức một cuộc biểu tình trước Viện lập pháp tỉnh Ontario, Dân biểu liên bang Quách Minh Thư viết: “Phúc trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết có 112 bloggers, các nhà tranh đấu dân chủ bị giam giữ trong các nhà tù vì đã thực hiện các quyền căn bản của công dân. Đề nghị chính phủ Canada không nên làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền liên tục tái diễn ở Việt Nam.”
Dân biểu Quách Minh Thư cũng nhắc lại bà đã nhiều lần viết thư cho Tòa đại sứ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Canada yêu cầu trả tự do cho các tù nhân lương tâm như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Văn Oai, Trần Thị Nga, và Trần Thị Thúy.
“Hàng trăm người Việt ở đây đã có cuộc gặp với các thành viên Hạ viện lên tiếng yêu cầu Bộ Ngoại giao Canada gây áp lực chính phủ Việt Nam phải tôn trọng và cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.”
Là thành viên đảng Tân Dân Chủ (NDP), bà Minh Thư, đại diện dân cử vùng Beauharnois-Salaberry phía Nam thành phố Montreal và đắc cử vào quốc hội Canada vào tháng Năm 2011.
Trước đó bà giáo viên dạy tiếng Pháp và có chân trong ban quản trị trường học ở gần thành phố Montreal.
Sinh năm 1982, bà là cư dân ở tỉnh Québec. Song thân của bà là người tỵ nạn Việt Nam, định cự tại Canada sau biến cố năm 1975.
Hàng chục trẻ em Việt biến mất
sau khi được giải cứu từ tay buôn người ở Anh
Hơn 150 trẻ vị thành niên Việt Nam đã biến mất khỏi các trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ ở Anh kể từ năm 2015, gây ra lo ngại rằng các em có thể đã rơi trở lại vào tay các chủ nô lệ trẻ em.
Theo Times, chỉ riêng trong mùa hè này, có ít nhất 21 em đã biến mất, trong đó có 12 em ở Rochdale. Trong số này, có một nhóm thiếu niên được cảnh sát giải cứu từ một xe tải buôn người đã biến mất trong vòng 48 giờ sau khi được giao cho trung tâm Rochdale.
Cảnh sát Greater Manchester đã kêu gọi cộng đồng giúp tìm kiếm nhóm trẻ, nhưng cuộc điều tra đã bị xếp lại sau ba tháng. Trung tâm Rochdale cũng chối bỏ trách nhiệm, nói rằng họ chỉ chăm sóc nhóm trẻ em này chưa tới hai ngày và việc xác minh nhóm này có phải là trẻ vị thành niên hay không vẫn chưa hoàn tất.
Số liệu do Times thu thập từ 351 trung tâm cho thấy có 152 trẻ em Việt Nam đã biến mất vĩnh viễn khỏi các trung tâm này kể từ năm 2015.
Mùa hè vừa qua, có hai bé gái, 14 tuổi và 15 tuổi, đã mất tích ở York được tìm thấy một tuần sau tại Bedfordshire và Thames Valley, cách đó hàng trăm dặm.
Times dẫn lời Trung tâm Wolverhampton cho biết, năm ngoái, có 3 trẻ em Việt Nam đã biến mất ngay trong đêm đầu tiên sau khi cảnh sát bố ráp một nhà xưởng và đưa họ vào trung tâm.
Vài năm gần đây, nhiều trẻ em Việt Nam đã bị cảnh sát phát hiện trong các cuộc bố ráp vào các trại trồng cần sa, nơi các em nhập cư và lao động bất hợp pháp.
Tình trạng trồng cần sa lậu ngày càng nhiều ở Anh đã làm gia tăng tệ nạn buôn người từ Việt Nam sang Anh. Các tổ chức tội phạm phát hiện ra rằng trồng cần sa tại chỗ dễ dàng hơn nhập khẩu, nên đã dụ dỗ những người trẻ vào làm vườn và trong các tiệm làm móng tay rửa tiền.
Vẫn theo Times, trẻ em xin tị nạn không có người lớn đi kèm và nạn nhân nô lệ và buôn người thường có nguy cơ mất tích rất cao. Nhiều người trong số này không nói được tiếng Anh, rời gia đình ở quê hương và bị bắt cóc hoặc tìm cách nhập lậu vào Anh để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Khi đến nơi, nếu bị phát hiện, họ sẽ theo lời khuyên của những kẻ buôn người, khai mình dưới 18 tuổi để được đưa vào các trung tâm chăm sóc chứ không phải nơi giam giữ người nhập cư bất hợp pháp.
Ngay cả khi được đưa vào các trung tâm chăm sóc, nhiều trẻ em vẫn chịu ảnh hưởng và áp lực từ những kẻ buôn người để tìm cách quay về với họ. Do đó, nhiều em đã biến mất trong vòng 48 giờ và việc tìm lại chúng rất khó khăn.
Việc hàng loạt trẻ em Việt Nam mất tích khỏi các trung tâm chăm sóc ở Anh đã gây ra những nghi ngờ về cách bảo vệ trẻ em của chính quyền địa phương.
Baroness Butler-Sloss, Chủ tịch nhóm Quốc hội phụ trách về buôn bán người và nô lệ hiện đại, nói những con số này “rất đáng lo ngại”. Bà cho rằng Văn phòng Nội vụ Anh cần phải xác định xem có vấn đề gì cụ thể, đặc biệt khiến trẻ em Việt Nam nhanh chóng biến mất sau khi được đưa vào các trung tâm chăm sóc xã hội và “cần phải có một sự sắp xếp đặc biệt” cho các trẻ em này.
Bộ Nội vụ Anh nói họ nhận thức được vấn đề và đang phát triển một hệ thống độc lập để giúp các trung tâm giải quyết nhu cầu của trẻ em là nạn nhân buôn người.
Đà Nẵng nôn nóng “phát triển”, báu vật Sơn Trà bị đe dọa
Bán đảo Sơn Trà, miền trung Việt Nam, được coi là một thắng cảnh quốc gia, đang trở thành điểm nóng tại Việt Nam trong những tháng gần đây, với việc giới bảo vệ môi trường lên tiếng đòi hỏi chính quyền ngừng đánh đổi vùng sinh thái độc nhất vô nhị này lấy lợi nhuận ngắn hạn. RFI phỏng vấn ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Đà Nẵng.
Bán đảo Sơn Trà, với chiều dài khoảng 13 cây số, diện tích rừng khoảng 4.500 hecta, là một khu rừng tự nhiên hiếm hoi ở Việt Nam nằm ngay sát một vùng đô thị sầm uất. Nhiều nhà khoa học cho rằng đây là hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền với biển duy nhất còn sót lại ở Việt Nam. Báu vật trời cho – « vương quốc » của loài voọc chà vá chân nâu, còn được mệnh danh là « nữ hoàng linh trưởng » – đang bị đe dọa.
Ông Huỳnh Tấn Vinh – người nhiều năm nay kiên trì đấu tranh bảo vệ thiên nhiên Sơn Trà – lưu ý việc xây cất các công trình du lịch trong khu vực này sẽ gây ra những tổn hại không thể vãn hồi, chỉ « du lịch sinh thái » mới có thể cứu được Sơn Trà.
Phỏng vấn ông Huỳnh Tấn Vinh (Đà Nẵng)12/10/2017Nghe
Trong cuộc hội thảo « Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên Bán đảo Sơn Trà », với sự tham gia của 180 nhà khoa học, đại diện chính quyền Đà Nẵng, tổ chức giữa tháng 7/2017, tại Đà Nẵng, nhiều người đã đề xuất thành lập khu sinh quyển thế giới Sơn Trà-Nam Hải Vân (1).
Trong những ngày gần đây, một chiến dịch lấy chữ kí mang tên « Giải cứu Sơn Trà » (wakeitup.net/save-son-tra), do nhóm Tôi Yêu Đà Nẵng khởi xướng, đã thu hút được hơn 13.000 chữ ký.
RFI : Xin ông cho biết về giá trị của địa điểm này ?
Ông Huỳnh Tấn Vinh : Bán đảo Sơn Trà được người Việt Nam gọi là « báu vật », có giá trị rất lớn về đa dạng sinh học. Chỉ cần 15 phút đi bộ từ trung tâm thành phố là có thể đến được Sơn Trà. Và người dân thành phố Đà Nẵng mở cửa ra là thấy Bán đảo Sơn Trà của mình. Ở đó, đa dạng sinh học rất phong phú. Người ta nói rằng đó là « lá phổi » cung cấp oxy cho thành phố Đà Nẵng. Các nhà khoa học cho rằng mỗi ngày oxy tái tạo mà rừng Sơn Trà sinh ra có thể cung cấp cho 4,5 triệu người.
Tại Bán đảo Sơn Trà có đến 370 loài động vật, trong đó có loại thú quý hiếm được ghi trong sách Đỏ (tức động vật có nguy cơ bị diệt vong), loài voọc chà vá chân nâu (hay ngũ sắc). Ngoài ra có cả ngàn loại thực vật, có những cây cổ thụ cả ngàn năm mới có được. Dưới chân của Bán đảo Sơn Trà là một vỉa san hô hết sức phong phú, được xem là một trong những điểm lặn biển nổi tiếng nhất Việt Nam.
Ngoài ra, vì độ cao của Bán đảo Sơn Trà đến 700 mét, với quy mô khoảng 4.500 hecta, cho nên khu vực này có một vị trí hết sức quan trọng về an ninh quốc phòng. Toàn bộ điều này cho thấy Bán đảo Sơn Trà là một viên ngọc, một báu vật của Đà Nẵng, của nhân dân Việt Nam.
RFI : Vì sao công luận hiện nay lo ngại về số phận khu vực này ?
Ông Huỳnh Tấn Vinh : Từ mấy năm gần đây, vì xu thế phát triển du lịch khai phá Bán đảo Sơn Trà. Dự kiến sẽ có 2.000 villa trên đó, với quy mô có trên 6.000 phòng. Có rất nhiều dự án. Những dự án này xâm phạm vào đất rừng, xâm phạm vào các luật về bảo vệ tự nhiên đa dạng sinh học, cũng như ảnh hưởng đến an ninh và quốc phòng. Vì thế nó nổi lên như là một điểm nóng.
Theo tôi, một trong các nguyên nhân là lãnh đạo các cấp nôn nóng, họ cấp các giấy phép đầu tư, phá hủy những khu rừng cũ để xây khách sạn. Mười năm trước đây, lãnh đạo thành phố muốn đẩy nhanh sự phát triển của Đà Nẵng, với kỳ vọng thành phố này trở thành Hồng Kông hay Singapore, hay một số nơi khác. Vì thế yếu tố môi trường, bảo vệ tự nhiên, bị xem nhẹ hơn là phát triển kinh tế.
Khu bảo tồn tự nhiên lúc đó là khoảng 4.500 hecta, tuy nhiên, sau khi chính quyền thành phố quy hoạch lại theo « ba loại rừng », thì sau đó rút xuống chỉ còn khoảng 2.800 hecta, mất đi khoảng chừng 40%. Chúng tôi đã nêu vấn đề này trên Facebook cá nhân của mình, và cũng có cuộc trả lời Đài truyền hình Việt Nam (được lưu lại trên clip), nói cụ thể là (chính quyền và một số cơ sở – người phỏng vấn bổ sung) đã vi phạm những điều luật nào, trong bộ luật nào.
RFI : Cho đến nay, trước phản ứng từ các nhà khoa học, giới bảo vệ môi trường, cũng như công chúng tại Việt Nam, chính quyền có phản ứng ra sao ?
Ông Huỳnh Tấn Vinh : Đến ngày 15/12/2016, chính phủ giao cho phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký một quy hoạch tổng thể quốc gia Bán đảo Sơn Trà, trong quy hoạch đó, số lượng villa và số phòng có kế hoạch xây dựng trên đó, chiếm khoảng chừng trên 1.000 hecta. Đây là một diện tích khá lớn. Điều này tạo một dư luận không tốt.
Cho đến nay, một mặt, chính phủ yêu cầu không tiếp tục xây dựng dự án, mặt khác cho một cơ quan thanh tra rà soát toàn bộ Bán đảo Sơn Trà. Chỗ nào vi phạm luật quản lý rừng, chỗ nào vi phạm đa dạng sinh học… Và hạn đến tháng 3/2018 sẽ phải làm rõ.
Tôi nghĩ rằng đó là một tín hiệu tốt, khi chính phủ đã lắng nghe được công luận. Mặt khác, công luận đã tạo được một tiếng vang rất quan trọng, để chính phủ phải cân nhắc trước khi có quyết định về quy hoạch Bán đảo Sơn Trà.
RFI : Theo ông, chính phủ nên hành động theo hướng nào ?
Ông Huỳnh Tấn Vinh : Để có một quyết định đúng đắn cho Sơn Trà, cần căn cứ vào ba điều. Thứ nhất là phải lấy việc bảo tồn đa dạng sinh học tự nhiên của Bán đảo Sơn Trà là điều quan trọng nhất. Bởi vì, nếu không bảo vệ được điều này, thì tương lai của thế hệ tiếp theo sẽ không còn giữ được.
Thứ hai là không thể vì lợi ích kinh tế trước mắt mà quên vấn đề môi trường, như phương châm của thủ tướng chính phủ đã đề ra.
Thứ ba là công luận, các phản biện, các tổ chức xã hội được tham gia vào quá trình đó. Ba nguyên tắc này được tôn trọng thì tôi nghĩ rằng Bán đảo Sơn Trà sẽ giữ được mầu xanh, và tài nguyên thiên nhiên này sẽ được giữ cho thế hệ mai sau.
RFI : Còn quan điểm của ông, với tư cách một người làm du lịch và bảo vệ môi trường ?
Ông Huỳnh Tấn Vinh : Tôi nghĩ rằng, nếu chính phủ chọn ưu tiên cho bảo vệ đa dạng sinh học, cho bảo tồn tự nhiên Bán đảo Sơn Trà, thì kể từ bây giờ sẽ không có thêm các công trình xây dựng nào tại đây. Và có thể ưu tiên cho việc khai thác địa điểm này bằng du lịch sinh thái. Du khách có thể từ Đà Nẵng đến thăm Bán đảo Sơn Trà (chứ không lưu trú lại đây). Tôi hy vọng là chính phủ sẽ quyết theo hướng đó.
Du lịch sinh thái, nếu biết cách vận động một cách thông minh, sẽ tôn trọng được tự nhiên tại Bán đảo Sơn Trà, hạn chế đến mức thấp nhất các tổn hại. Đó là mô hình chúng tôi có thể hướng đến.
Chúng tôi đang có ý tưởng là biến Bán đảo Sơn Trà thành một khu dự trữ sinh quyển của UNESCO. Điều có nghĩa là mọi quản lý, mọi hoạt động, mọi khai thác, phải có mục tiêu bảo tồn. Nếu làm được điều đó, Sơn Trà bảo đảm sẽ được khai thác tốt nhất, theo hướng tôn trọng môi trường.
RFI xin cảm ơn ông Huỳnh Tấn Vinh.
—-
(1) Giống như mô hình 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới được công nhận tại Việt Nam, bao gồm rừng ngập mặn Cần Giờ, sinh quyển Đồng Nai [vườn quốc gia Cát Tiên], vùng ven biển và biển đảo Kiên Giang, Mũi Cà Mau ở miền nam ; đảo Cát Bà, vùng đất ngập nước ven biển thuộc 3 tỉnh châu thổ sông Hồng Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình, ở miền bắc ; và các vùng Cù Lao Chàm, rừng quốc gia Pù Mát – tây Nghệ An và cao nguyên Liangbang ở miền trung.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20171012-da-nang-non-nong-phat-trien-son-tra-bi-de-doa