Tin Việt Nam – 13/07/2018
Khi sự nhảm nhí soán ngôi tử tế
Viết từ Sài Gòn
Điều đáng sợ nhất của một quốc gia, một dân tộc là sự nhảm nhí, tính xảo trá, lộng ngôn phát triển và soán ngôi của sự nghiêm túc. Mức độ “mẫu mực” và lan rộng, phổ biến của sự nhảm nhí nhanh đến độ nó trở thành một kiểu ứng xử mới để đi đến chính thống và người ta dùng nó như một thước đo văn hóa hay quyền lực. Điều đó đã xảy ra tại Việt Nam, lúc này.
Một bà Chủ tịch Quốc hội nói một cách không cần suy nghĩ về việc “bỏ một đồng vào đặc khu thì thu về một trăm đồng thậm chí nhiều hơn…”.
Một ông Thủ tướng nói không biết ngại miệng về các đầu tàu kinh tế, cứ đi đến đâu ông cũng phán rằng chỗ đó ngang với Hồng Kông, Singapore, Dubai, Paris… Trong khi cái nơi ông nói chỉ cần một trận mưa nhỏ thì ngập tới lưng quần.
Một ông Bộ trưởng Bộ Công thương nói rằng do thiếu công cụ kiểm tra chuyên nghiệp nên việc kiểm định chất lượng phân ở một số nơi, cán bộ phải dùng miệng để thử.
Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật thì cho rằng mức độ độc tố vượt quá mức qui định từ 2 đến 3 lần trong rau củ quả vẫn an toàn và thực tế cho thấy nhiều người dùng nó rồi vẫn không sao.
Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật thì cho rằng mức độ độc tố vượt quá mức qui định từ 2 đến 3 lần trong rau củ quả vẫn an toàn và thực tế cho thấy nhiều người dùng nó rồi vẫn không sao.
Cục trưởng Cục đường sắt thì trả lời bâng quơ (như trẻ nít) về việc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông bị đội vốn lên gần 340 triệu Mỹ Kim rằng “chỉ làm sai có chút xíu mà cứ la lối ỏm tỏi trong khi ông làm được nhiều việc mà chẳng có ai khen…
Nói về trẻ em thiệt mạng do tiêm vacine, bà Bộ trưởng bộ y tế cho rằng có nhiều nguyên nhân chưa rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em tử vong sau khi tiêm vacine.
Nguyễn Phú Trọng thì khen trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam và Trung Quốc là người bạn láng giềng ăn đời ở kiếp bởi có ai chọn được láng giềng đâu…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì cho rằng “nếu chúng ta không giáo dục cho con cháu chúng ta rưng rưng khi hát quốc ca thì đất nước không thể giàu mạnh được…”.
Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông phát biểu về tình trạng cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh “Nguyên nhân cá chết còn liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó…”.
Đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước cho rằng “biểu tình là ô danh, đất nước chưa đủ giàu mạnh để chi tiền cho việc ô danh đó”.
Cao Đức Phát, Ủy viên ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam thì cho rằng ngộ độc thực phẩm phải lăn ra chết kia mới xử lý được…
Có hàng ngàn câu phát biểu không đụng hàng của giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Và gần đây nhất là câu phát biểu của Đào Minh Tú, Phó Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam “Nợ công tăng vì giá lợn rớt”.
Đến nước này thì không có cửa ngõ nào để bình luận về độ thông thái và uyên bác của các bác lãnh đạo nữa! Vấn đề người ta muốn bàn tới ở đây là tại sao những con người nhìn mặt mày cũng không đến nỗi u thộn kia lại có thể nói ra được những lời kia?!
Và những câu nói trên phản ánh thái độ, trách nhiệm của người nói nó ra như thế nào? Nó vừa có vẻ bỡn cợt, xem thường người nghe, vừa có chút gì đó dưới mức trí tuệ bình thường… Nhưng đó là phát biểu của giới lãnh đạo.
Điều này chứng tỏ rằng sự tử tế cũng như tính nghiêm túc đã mất hẳn trong giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, và thay vào đó là những lời phát biểu gàn dỡ, nhảm nhí. Hay nói cách khác, dường như sự nhảm nhí đã soán ngôi của sự nghiêm túc từ bao giờ không rõ.
Ông bà thường dùng câu “ăn no rửng mỡ” ám chỉ những kẻ ăn không ngồi rồi, nhàn rỗi, không biết làm gì, lại nghĩ ra đủ trò để hưởng thụ, phá phách và đương nhiên không ngoại trừ kiểu nói năng lăng nhăng, nhảm nhí càng ngày càng trở nên trầm trọng ở những kẻ này.
Ông bà thường dùng câu “ăn no rửng mỡ” ám chỉ những kẻ ăn không ngồi rồi, nhàn rỗi, không biết làm gì, lại nghĩ ra đủ trò để hưởng thụ, phá phách và đương nhiên không ngoại trừ kiểu nói năng lăng nhăng, nhảm nhí càng ngày càng trở nên trầm trọng ở những kẻ này.
Nhưng ở đây, kẻ nói năng nhảm nhí lại là những người lãnh đạo đất nước hoặc chí ít cũng là người đứng đầu ngành, chịu trách nhiệm về sự tồn tại, phát triển của một nhóm ngành nghề, một lĩnh vực, thậm chí một quốc gia.
Người ta nói rằng khi ăn quá no, con người sẽ trở nên mụ mị và buồn ngủ, đầu óc lười suy nghĩ và tính ích kỉ phát triển. Một khi tính ích kỉ phát triển thì người ta sẽ hành xử dựa trên căn bản lười suy nghĩ cũng như bảo thủ, triệt tiêu mọi hướng nghĩ tốt hơn, tích cực hơn suy tính của mình để đạt cho được mục đích.
Và cái thứ mục đích đầy tính ích kỉ và ngụy biện kia luôn gắn với những thứ xảo ngôn, gắn với diễn ngôn đầy tính nhảm nhí và tráo trở nhằm miễn sao phá tan mọi lý lẽ trái chiều cho dù các lý lẽ đó có là chân lý. Bởi càng xảo ngôn, càng nói càng nói quấy, càng nói nhảm nhí, người ta càng dễ đạt được mục đích đẩy mọi thứ vào chỗ rối mù.
Và thử hình dung, trong một quốc gia, một dân tộc mà ở đó các nhà lãnh đạo trở thành những nhà xảo ngôn, mọi thứ nói xuôi cũng được nói ngược cũng xong trong một sinh quyển mờ mờ ảo ảo và nhảm nhí.. Liệu đất nước đó có phát triển nổi hay không?
Điều đáng sợ nhất cũng đã đến, đó là sự nhảm nhí được chính qui hóa, nó trở thành diễn ngôn thường ngày của những nhà lãnh đạo. Và hệ quả của việc này là không nhỏ một chút nào, những vấn đề nghiêm túc của quốc gia, dân tộc bị hô biến thành chuyện chơi đùa, giễu nhại của cả người nói và người nghe. Đến một mức độ nào đó, thì sự việc tiến đến chỗ “lộng giả thành chân”. Nghĩa là cái dối, cái nhảm cứ nói đi nói lại, lặp đi lặp lại sẽ thành điển cổ, thành chuẩn mực của xã hội.
Và hình như cái thứ chuẩn mực nhảm nhí đó đang được phổ biến một cách sâu rộng và toàn triệt ở Việt Nam lúc này. Dường như đi bất kì đâu, từ dinh ông Tổng cho đến phủ ông Thủ cho đến cơ quan bà chủ tịch rồi cả ở chợ, ở những phòng karaoke, những tiệm massage gội đầu hay quán bia ôm… Đi đâu cũng gặp những kiểu lộng ngôn na ná nhau và sự nhảm nhí trở nên kinh điển và chính thống hơn bao giờ hết!
* Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/when-nonsense-prevails-07132018082202.html
Vợ và luật sư của Đặng Văn Hiến nói về án tử hình
Ông Đặng Văn Hiến bị y án tử hình theo phán quyết của HĐXX TAND TP HCM hôm 12/7, trong khi tất cả các bị cáo khác được giảm án.
Bà Mai Thị Khuyên, vợ ông Hiến cho biết tại phiên tòa chỉ có một số người dân được phép vào tham dự phiên tòa, trong khi hàng chục người dân khác phải tập trung ngoài sân, nghe ngóng thông tin mặc cho trời mưa, và nhiều ghế trống trong phiên tòa.
Sau khi nghe tòa tuyên y án tử hình cho chồng, bà Khuyên nói bà rất đau đớn, và rất yếu vì bị nhiều bệnh trong người.
Bắn chết ba người vì đất đai: Đặng Văn Hiến bị y án tử hình
‘Đừng để vấn đề đất đai làm tổn hại phát triển đất nước’
Bắn ba người vì đất đai: ‘Con đường nguy hiểm’
Bà nói phiên tòa “không công bằng, bỏ lọt tội phạm”, chỉ tập trung vào vụ việc hôm 23/10/2016 mà không hề xém xét những tình tiết xảy ra suốt 8 năm trước đó, vốn là nguyên căn dẫn đến đỉnh điểm của vụ việc.
“Người dân rất là bức xúc. Tòa mà xử không công minh thế này thì dân không tin tưởng vào pháp luật, vào Đảng và nhà nước nữa,” bà Khuyên nói.
Tòa còn bỏ xót nhiều chi tiết
Luật sư Nguyễn Văn Quynh, một trong 6 sáu luật sư bào chữa cho các bị cáo Đặng Văn Hiến, cho biết đang xem xét trình tự giám đốc thẩm.
Kết quả phiên tòa phúc thẩm hôm 12/7:
Đặng Văn Hiến y án tử hình
Ninh Viết Bình, giảm từ 20 xuống 18 năm
Hà Văn Trường, giảm từ 12 xuống 9 năm
Đoàn Văn Diện 9 tháng án treo
Nghiêm Thiên Xuân Xửu, từ 6 xuống 4 năm tù
Phạm Công Thiện, từ 4 xuống 2 năm tù
“Có nghĩa là chúng tôi đang xem xét để khiếu nại bản án của TAND cấp cao hôm qua, vì vụ án chưa xem xét toàn diện hành vi chủ quan của Đặng Văn Hiến.”
Ông Quynh cho rằng biên bản thực nghiệm hiện trường được thực hiện khi không có sự có mặt của luật sư, dù các luật sư đã đăng ký từ đầu, và điều này trái với trình tự tố tụng.
Ông cũng cho rằng bị cáo Hà Văn Trường cũng bị oan, vì lúc đó chỉ bế đứa con 3 tuổi của Hiến và đưa đạn trên bàn thờ cho Hiến.
“Thời điểm đó Hiến cũng không bắn trúng người nào cả, mà quy kết Trường tội giết người là không đúng với hành vi. Cho nên Trường chỉ nên bị buộc tội Cố ý gây thương tích chứ không phải tội Giết người.”
Ông Quynh cũng đồng tình với bà Khuyên rằng có nhiều nguyên nhân khách quan, sâu xa về những bức xúc lâu năm, tồn đọng của người dân đã không được xem xét, giải quyết.
“Bản thân quyết định của UBND tỉnh giao đất cho công ty Long Sơn là quyết định giao đất có điều kiện, buộc công ty Long Sơn phải thỏa thuận với người dân đã xâm canh. Những hộ đã sản xuất trước 2006 thì phải thương lượng bồi thường. Vợ chồng anh Hiến đã thuê đất và mua lại của chủ cũ từ 2005, cây điều nhà anh Hiến đã trên 10 tuổi rồi theo giám định.”
Theo hồ sơ, ông Quynh cho biết công ty Long Sơn chỉ bồi thường cho 1-2 hộ, còn lại thì không thỏa thuận nào mà chỉ cưỡng chế.
Thêm vào đó, hồi 2015, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi gần 500ha của công ty Long Sơn để thực hiện việc mở rộng xã.
Nhưng khi ông Quynh hỏi ông Nghiêm Thiên Xuân Sửu, nguyên phó giám đốc công ty Long Sơn, thì ông Sửu nói có nhận được quyết định nhưng thực tế chưa có cơ quan chức năng nào đến đo đạc vị trí thu hồi, khiến người dân không biết chỗ nào thu hồi để tái định canh định cư, chỗ nào cho doanh nghiệp.
“Nguồn cơn là do các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý dẫn đến tranh chấp giải quyết không được triệt để, xảy ra vụ việc này và gây ra hậu quả lớn là 3 người chết và 13 người bị thương mà nguyên nhân cũng là do công ty Long Sơn gây ra trong một thời gian dài.”
Ông Quynh cho biết với tư cách luật sư bào chữa, ông đã đề nghị truy cứu trách nhiệm các cơ quan chức năng liên quan trong phiên tòa.
Nhưng ông cho biết việc phát hiện tội phạm là của cơ quan điều tra, nhiệm vụ cáo trạng truy tố là của tòa án, nếu để lọt người lọt tội thì các cơ quan đó sẽ phải chịu trách nhiệm.
‘Bị đẩy vào đường cùng’
Bà Mai Thị Khuyên, vợ ông Hiến kể lại ngọn ngành cho BBC biết rằng gia đình ông Đặng Văn Hiến và nhiều người dân cũng tiểu khu đã đến định cư và làm ruộng rẫy ở khu đất tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông từ 2005.
Nhưng đến 2008, Công ty TNHH thương mại và đầu tư Long Sơn cho xe vào san ủi đất vườn điều nhà ông Hiến và người dân khác, lấy lý do rằng chính quyền đã giao đất cho công ty này và người dân đã lấn chiếm.
Người dân cũng cho rằng công ty Long Sơn cũng chưa bao giờ đứng ra trao đổi rõ ràng với người dân về việc bồi thường đất đai.
Bà Khuyên cho biết: “Người dân chưa bao giờ nhận được buổi họp mặt thoả thuận bồi thường cây hoa màu hay thu hồi đất nào. Người dân lúc nào cũng tự bảo vệ lấy mình, cũng kêu gào thưa kiện mà không lần nào giải quyết cho người dân,”
Đến tháng 7/2016, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã về làm việc với lãnh đạo của tỉnh Đắk Nông về vụ tranh chấp đất đai tại tiểu khu 1535, và chỉ đạo tạm thời không cấp thêm dự án mới và đặt sự ổn định của nhân dân lên trên hết, theo báo Pháp Luật Thành phố.
Tuy nhiên ba tháng sau, hôm 23/10/2016, công ty Long Sơn cử hơn 30 nhân viên đem theo máy móc, xe ủi vào phá hủy vườn điều, cà phê của ông Hiến và hai hộ dân khác.
“Chúng tôi bức xúc từ 2008 nhưng anh Hiến nói vẫn tin tưởng vào pháp luật giải quyết, nhưng hôm đó họ dồn người dân đến bước đường cùng.”
Bà Khuyên nhớ lại ngày hôm đó, tầm 4 giờ sáng, khi gia đình còn đang ngủ thì bỗng nghe thấy tiếng máy ủi.
“Anh ấy bật dậy chạy ra bãi rộng thì thấy một nhóm công nhân 20 chục người bao vây. Tôi cũng dậy và đi luôn không trần chừ. Tôi chạy ra bãi sau nhà thì cũng thấy khoảng vài chục người của Long Sơn.
Ông Hiến dùng súng hoa cải bắn chỉ thiên để nhóm người công ty Long Sơn ngừng ném đá. Tuy nhiên, nhân viên Long Sơn vẫn không ngừng lại, ông Hiến chạy vào nhà cố thủ và bắn vào nhóm người.
Trong khi đó bà Khuyên ở phía sau nhà, đôi co với một nhóm nhân viên các của công ty Long Sơn.
“Tôi ngăn cản, van xin họ mà cũng không được. Họ còn nói ‘Chị mà cản là chúng tôi cho máy cán chết chị.”
Ông Hà Văn Trường là một người làm cho gia đình ông Hiến, đang bế con trai nhỏ 3 tuổi của ông Hiến trên gác và tiếp đạn cho ông Hiến. Còn ông Ninh Viết Bình nghe tin người của công ty Long Sơn cướp đất và phá tài sản nên cầm súng chạy sang nhà ông Hiến hỗ trợ.
Kết quả là ba người của công ty Long Sơn thiệt mạng và 13 người bị thương.
Sau đó ông Hiến và Trường chạy xuống Bình Phước và nhờ ông Đoàn Văn Diện dùng điện thoại đánh lạc hướng cơ quan chức năng, vì vậy ông Diện bị phạm tội che giấu tội phạm.
Và vài ngày sau, dưới sự động viên của các nhà báo ở báo Nông Thôn Ngày nay và Dân Việt, ông Hiến và ông Trường ra đầu thú.
Cảnh ông Hiến ra đầu thú hôm 29/10 được báo Pháp luật Thành phố mô tả là “rất đông người dân đã đến không phải vì hiếu kỳ mà để ôm chia tay Đặng Văn Hiến, một trong những bị can gây ra vụ nổ súng. Hiến khóc, những người dân Đắk Nông cũng khóc.”
Tranh chấp đất đai đã tạm ổn
Ông Quynh cho biết sau phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 1/2018, UBND tỉnh Đắk Nông đã thành lập đoàn thanh tra để thanh tra về tình trạng đất đai trên toàn tỉnh.
Ông cho biết các xã đã được tách rời, địa giới hành chính đã tạm ổn, tuy nhiên vẫn chưa rõ kết luận thanh tra về vụ việc công ty Long Sơn.
Cụ thể là liệu khoản diện tích 500ha UBND tỉnh thu hồi có phải nằm trong khu đất công ty Long Sơn tranh chấp với người dân hay không.
Hôm 12/7, sau chủ tọa thẩm phán Lưu Văn Ba cũng liên tục nhắc ông Đặng Văn Hiến có bảy ngày để xin chủ tịch nước ân xá.
Về khả năng được ân xá, ông Quynh cho biết, vụ việc của ông Đặng Văn Hiến đã thu hút dư luận hơn một năm qua.
Với “tinh thần hiểu được nguồn cơn sự việc, bối cảnh, điều kiện hành vi”, ông Quynh hi vọng “chủ tịch nước sẽ chấp nhận đơn xin ân giảm” của ông Hiến.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44818238
Mục sư Tin lành Đinh Diêm bị xử 16 năm tù
Mục sư Tin lành Đinh Diêm thuộc Hội Thánh Lutheran Việt Nam – Hoa Kỳ ở Quảng Ngãi, bị tuyên án 16 năm tù với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ hôm 12/7.
Truyền thông trong nước trích cáo trạng cho rằng ông Đinh Diêm là mục sư tự phong của Hội thánh Tin Lành Lutheran Việt Nam – Hoa Kỳ, một hội thánh không được công nhận tại Việt Nam, đã tham gia tổ chức ‘Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời’ tại Mỹ do ông Đào Minh Quân đứng đầu.
Cơ quan điều tra cho rằng ông Đinh Diêm đã được ông Đào Minh Quân bổ nhiệm chức vụ ‘Chủ tịch lâm thời Hội đồng liên tôn tại Việt Nam’ và sau đó đã vận động, kêu gọi một số chức sắc tôn giáo tham gia vào tổ chức ‘Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời’ với mục đích được cho là “nhằm phát triển lực lượng và tiến hành hoạt động lật đổ chế độ.”
Từ Trà Vinh, mục sư Nguyễn Hòang Hoa, Tổng thư ký Hội Thánh Tin Lành Lutheran Việt Nam – Hoa Kỳ, người từng có thời gian sinh hoạt tôn giáo chung với mục sư Diêm, cho VOA biết nhận định của ông về bản án 16 năm tù:
“Tôi không biết rõ các hoạt động của mục sư Diêm có đúng như nhà cầm quyền cáo buộc hay không. Gần đây tôi nhận thấy các ý kiến trái chiều, hay các hoạt động nghịch lại sự quản lý hay đường hướng của nhà cầm quyền thì họ kêu mức án rất nặng. Bản án này cũng hết sức nặng đối mục sư Diêm.”
Mục sư Đinh Diêm bị Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt giam và khởi tố vào ngày 5/1/2018, theo VietnamNet.
Linh mục Đinh Hữu Thoại, thuộc giáo xứ Tiên Phước, Quảng Nam, một thành viên của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, hôm 13/7 viết trên Facebook: “Mục sư Đinh Diêm nguyên là thành viên của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam. Suốt trong nhiều năm Mục sư thường bị công an Quảng Ngãi sách nhiễu, ép làm việc và nhà của Mục sư luôn bị công an bao vây canh gác, ngăn cản không cho mục sư đi lại truyền đạo.”
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cho VOA biết ông Đinh Diêm trước đó từng bị chính quyền địa phương gây áp lực không cho gia nhập Hội đồng Liên tôn Việt Nam, một tổ chức bị Hà Nội cho là ‘phản động.’
“Có một thời gian Mục sư Diêm bị ngăn trong cho sinh hoạt trong Hội đồng Liên Tôn nên ông phải rút tên ra. Mục sư Diêm nói bị an ninh ra áp lực quá nên đã rút tên.”
VTV loan tin rằng trước khi bị bắt ông Đinh Diêm đã ra sức vận động, kêu gọi một số chức sắc tôn giáo tham gia vào Hội đồng Liên tôn.
Theo báo trong nước, ông Đinh Diêm trước đây từng tham gia tổ chức Fulro ở Tây Nguyên và đã bị đưa đi cải tạo.
Một thành viên khác của Hội Thánh Tin lành Lutheran Việt Nam – Hoa Kỳ là mục sư Nguyễn Công Chính, tù nhân lương tâm Tôn giáo & Chính trị, vừa thoát khỏi nhà tù Việt Nam và đến Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 2017.
https://www.voatiengviet.com/a/muc-su-tin-lanh-dim-diem-bi-xu-16-nam-tu/4481275.html
Đánh đạo diễn ‘Kong’: Công an từng điều tra nghi can?
Một báo Việt Nam nói công an TPHCM từng tìm ra danh tính hai người đàn ông Canada gốc Việt tấn công đạo diễn Jordan Vogt-Roberts, nhưng “gặp khó khăn trong việc truy bắt”.
Đạo diễn phim Kong kể chuyện tự tìm ra kẻ đánh mình
Síu Phạm và phim ‘Con đường trên núi’
‘Cô Ba Sài Gòn’ và nạn vi phạm bản quyền ở VN
Thông tin này từ công an Việt Nam với báo chí trong nước xuất hiện sau khi Jordan Vogt-Roberts tiết lộ trên tạp chí GQ ngày 9/7 về hành trình ‘tự điều tra’ kẻ hành hung mình ‘gần chết’ ở Sài Gòn.
Một nguồn tin từ công an TPHCM nói với VnExpress hôm 12/7 rằng ngay sau khi vụ việc xảy ra, cảnh sát đã xác định những kẻ tấn công đạo diễn phim ‘Kong: Đảo đầu lâu’ là một nhóm các băng đảng người Canada gốc Việt.
Theo báo VnExpress, cơ quan điều tra lúc đó xác định nhóm Việt kiều Canada là nghi can, do Kenny Cuong và Billy Trần cầm đầu.
“Theo hồ sơ cảnh sát nắm được, hai người này liên quan nhiều đến hoạt động tội phạm ma tuý ở nước ngoài,” VnExpress viết.
Báo này dẫn lời nguồn tin: “Nhóm này bỏ trốn khỏi hiện trường sau khi ẩu đả với nạn nhân. Cảnh sát nỗ lực truy bắt nhưng phần lớn nghi can đã lấy danh tính khác, xuất cảnh sang Canada. Canada không nằm trong những nước ký hiệp ước dẫn độ với Việt Nam.”
Nguồn tin công an nói với VnExpress: “Jordan Vogt-Roberts không trình báo cảnh sát ngay mà gửi thư cho Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.”
“Đến chiều hôm sau Công an quận 1 mới biết sự việc do Sở Du lịch TP HCM gửi thông báo. Khi Công an TP HCM vào cuộc điều tra thì các nghi can đều đã bỏ trốn.”
Trong khi đó, trên báo GQ, Vogt-Roberts cho hay công an Việt Nam gần như không cho anh biết thông tin gì về tiến trình điều tra, rằng họ có thể bắt được thủ phạm hay không.
Anh cũng nói sau khi lần ra Kenny Cuong và Billy Tran, anh đã gửi toàn bộ thông tin cho công an Sài Gòn, nhưng mấy tháng sau cũng không có tên nào bị bắt.
BBC đã liên hệ với một diễn viên nổi tiếng tại Việt Nam được cho là bạn thân của Vogt-Roberts để tìm hiểu về tình hình hiện nay của ông, nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Vogt-Roberts cũng chưa hồi âm đề nghị phỏng vấn của BBC.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44816709
Việt Nam xác nhận sẽ xét xử
công dân Mỹ gốc Việt tham gia biểu tình vào tuần tới
Anh William Nguyễn, một công dân Mỹ gốc Việt bị bắt giam khi tham gia biểu tình phản đối Luật Đặc khu tại Sài Gòn, sẽ bị đưa ra tòa xét xử vào ngày thứ sáu tuần sau, 20 tháng 7.
Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin này vào ngày 13 tháng 7, cho biết anh Will Nguyễn có thể bị lãnh mức án lên đến bảy năm tù nếu bị kết tội.
Tuy nhiên, Báo Tuổi trẻ có trích lời phía Viện Kiểm sát nói rằng án có thể giảm nếu anh Will Nguyễn tỏ ra ăn năn hối hận.
Hãng tin AP cho biết có liên lạc tòa án và Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam để hỏi về vụ việc nhưng không nhận được trả lời.
Tin cho biết thêm anh Will nói với các điều tra viên rằng anh không biết tham gia vào các cuộc biểu tình là bất hợp pháp ở Việt Nam, đồng thời anh chưa nghiên cứu về các dự luật đặc khu kinh tế và an ninh mạng, nhưng anh vẫn đến Việt Nam để tham gia cuộc biểu tình vào ngày 10 tháng 6.
Các cuộc biểu tình chống lại hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng đã diễn ra trên khắp Việt Nam vào hai ngày cuối tuần 10-11/6.
Vào ngày 12 tháng 7, sáu người đã bị Tòa án Nhân dân Thành phố Phan Thiết tuyên án từ 18 tháng tù treo đến hơn 2 năm tù giam về tội gây rối trật tự khi tham gia biểu tình vào tối ngày 11/6 tại Bình Thuận.
Những người biểu tình lo sợ ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, sẽ bị chi phối bởi các nhà đầu tư Trung Quốc nếu chính phủ Hà Nội đồng ý cho thuê đất lên đến 99 năm. Các nhà lập pháp đã trì hoãn việc thông qua luật cho đến phiên họp tiếp theo vào tháng 10.
Bình Dương truy tố
hai người liên quan biểu tình chống dự luật đặc khu
Công an tỉnh Bình Dương vào ngày 13 tháng 7 ra quyết định khởi tố hai người bị cho là rải truyền đơn trái phép, nhằm kích động biểu tình phản đối dự luật đặc khu tại Khu công nghiệp Sóng Thần ở thị xã Dĩ An.
Hai người bị khởi tố là anh Trần Minh Huệ 37 tuổi và anh Nguyễn Đình Thành 27 tuổi, trước đó đã bị Công an tỉnh Bình Dương bắt tạm giam vào ngày 10 tháng 6.
Truyền thông trong nước dẫn lời Cơ quan Điều tra của Công an nói rằng anh Huệ và anh Thành đã thực hiện theo lời các tổ chức phản động để phát tán những truyền đơn kêu gọi người dân tham gia biểu tình gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên không báo nào nêu tên cụ thể của tổ chức phản động đã dụ dỗ hai người này.
Công an tỉnh Bình Dương cho biết anh Huệ bị bắt khi đang phát tán những tờ truyền đơn cho công nhân với nội dung “Kêu gọi người dân tham gia biểu tình phản đối việc xem xét cho thuê đất tại đặc khu kinh tế”.
Truyền thông trong nước cho biết anh Thành bị bắt tại nơi cư trú lúc đang sao chép những tờ rơi có nội dung kích động biểu tình với số lượng lên đến 3.300 tờ.
Người tự thiêu phản đối án tù đã chết
Ông Bùi Hữu Tuân, một người dân đi khiếu kiện tự thiêu trước cổng trụ sở Ban Tiếp Công dân Trung Ương ở Hà Nội vào sáng hôm 2 tháng 7 đã chết hôm 12/7. Ông Bùi Hữu Lê, con trai ông Tuân xác nhận thông tin này với Đài Á Châu Tự Do vào chiều cùng ngày. Anh Lê cho biết ông Tuân mất lúc 5 giờ chiều ngày 12/7.
DPA dẫn lời ông Trần Đình Trinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hợp Đồng cho biết tro cốt của ông Tuân sẽ được chôn cất tại khu mộ gia đình của ông.
Ông Bùi Hữu Tuân, 68 tuổi, cựu lãnh đạo làng Đào Ngạn, thuộc huyện Chương Mỹ của Hà Nội, gần đây đã bị kết án 5 năm vì lạm dụng chức vụ.
Hôm 2 tháng 7, ông Tuân cùng cùng ông Lương Công Tính (sinh năm 1951, ở xã Hợp Đồng) đến Trụ sở tiếp công dân Trung ương, để gửi đơn khiếu nại và yêu cầu Giám đốc thẩm một Bản án hình sự phúc thẩm do Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hà Nội xét xử.
Ông Tuân và ông Tính được nói đã được cán bộ tiếp và ra về vào lúc 9 giờ 15 phút. Tuy nhiên, khoảng 11 giờ 25 phút cùng ngày, ông Tuân quay trở lại trước cổng trụ sở, dùng một chai nhựa đựng xăng rưới lên người rồi tự thiêu.
DPA dẫn thông tin từ báo VNExpress cho biết ông Tuân bị phỏng trên 77% cơ thể, bao gồm phỏng sâu vào cơ bắp và xương của ông.
Truyền thông trong nước hôm 3/7 loan tin cho biết ông Tuân vào năm 2012 đã thay mặt 23 hộ dân trong thôn Đạo Ngạn mở cuộc họp và gửi đơn lên Ủy Ban Nhân Dân (UBND) xã Hợp Đồng để đề nghị xin đất làm lăng mộ cho bà con.
Tuy nhiên, UBND xã Hợp Đồng khẳng định ông Tuân cùng với hai Phó thôn là ông Nguyễn Đình Hoàn và ông Lương Kông Tính đã tự ý thu tiền và giao đất cho 20/23 hộ dân với tổng diện tích gần 1700 m2 khi chưa có giấy phép đồng ý của UBND.
Tòa Án Nhân Dân huyện Chương Mỹ trong phiên xử sơ thẩm tuyên ông Tuân 5 năm tù; ông Hoàn 30 tháng tù và ông Tính 12 tháng tù với cáo buộc ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.’
Ông Bùi Hữu Tuân luôn khẳng định mình bị oan trong vụ án này.
Một số trường hợp người dân đi khiếu nại về những vụ việc mà họ cho là bất công, oan ức đối với bản thân và gia đình họ nhưng không hề được giải quyết thỏa đáng đã phải dùng đến biện pháp tự thiêu hay dùng súng bắn cán bộ và tự tử. Có người chết vì tự thiêu như trường hợp một người dân ở Đà Lạt; có trường hợp bị thương tật vĩnh viễn như chị Nguyễn Minh Tân ở Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam…
Sử gia Trần Gia Phụng: Môn lịch sử
dưới mái trường XHCN không hấp dẫn học sinh
Diễm Thi, RFA
Điểm thi môn Lịch Sử của học sinh trong kỳ thi Phổ thông Trung học vừa qua thấp kỷ lục. RFA phỏng vấn Giáo sư Trần Gia Phụng, Nhà nghiên cứu sử học tốt nghiệp Ban Sử Điạ Đại Học Sư Phạm Huế năm 1965, Cử nhân Giáo khoa Sử học Đại Học Văn Khoa Huế năm 1965, hiện sinh sống tại Canada, về vấn đề này.
Diễm Thi: Thưa giáo sư, truyền thông trong nước thừa nhận điểm thi môn lịch sử kỳ thi Phổ thông Trung học (PTTH) năm 2018 thấp kỷ lục. Giáo sư nhận định như thế nào về thừa nhận này ạ?
GS. Trần Gia Phụng: Truyền thông trong nước, dù tất cả đều là báo chí lề phải của nhà nước, cũng phải thừa nhận một sự thật hiển nhiên không thể chối cãi là kết quả môn thi lịch sử kỳ thi PTTH năm nay là rất thấp. Không phải năm nay, mà hầu như trong nhiều năm gần đây, kết quả môn thi lịch sử trong các kỳ thi THPT đều rất thấp. Chính giáo sư Phan Huy Lê trước đây cũng đã than phiền về việc này. Vì vậy, tôi không lấy làm lạ về kết quả này.
Diễm Thi: Theo giáo sư thì nguyên nhân vì sao mà điểm thi môn lịch sử thấp như thế trên cả nước?
GS. Trần Gia Phụng: Theo tôi, có thể tôi chủ quan và nếu chưa đúng thì xin bổ túc, điểm thi môn sử năm nay thấp như thế chỉ vì một lý do đơn giản, là học sinh không muốn học môn lịch sử. Còn vì sao học sinh không muốc học môn lịch sử, có thể có hai lý do:
Thứ nhứt, nhà cầm quyền cộng sản (CS) dùng môn lịch sử ở trường học để tuyên truyền, nhồi sọ học sinh về chủ nghĩa CS, về duy vật sử quan, về phong trào CS thế giới và phong trào CSVN, và CS đả kích, chê bai các chế độ quân chủ, tư bản để tự nâng cao giá trị chế độ CS.
Thứ hai, nhà cầm quyền CS xem nhẹ hay cố ý giảm nhẹ giá trị môn lịch sử. Mục đích quan trọng của môn lịch sử là giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Đây là điều trái ngược với chủ nghĩa CS, chỉ muốn dạy cho học sinh trở thành những người CS cuồng tín, “yêu tổ quốc là yêu chủ nghĩa xã hội”. Ví dụ CS muốn bỏ cả những bài học chống những cuộc xâm lăng của Bắc phương vì đụng chạm đến Trung cộng.
Vì vậy, môn lịch sử dưới mái trường XHCN không hấp dẫn học sinh, nên học sinh không thích học, không muốn học. Vì vậy điểm thi môn lịch sử không thể cao được. – GS. Trần Gia Phụng
Trong khi đó, ngày nay, chủ nghĩa CS không còn hợp thời, đã bị đào thải, thậm chí bị lên án như quyết định 1481 do quốc hội Âu Châu đưa ra ngày 21-1-2006, gọi phong trào CS chống nhân loại. Còn các chính thể tư bản tự do càng ngày càng phát triển, tôn trọng dân chủ, dân quyền và nhân quyền. Ví dụ dân chúng trong nước, kể cả cán bộ CS, ai cũng kiếm cách gởi con qua Mỹ chứ có ai ưa gởi con qua Tàu đâu.
Vì vậy, môn lịch sử dưới mái trường XHCN không hấp dẫn học sinh, nên học sinh không thích học, không muốn học. Vì vậy điểm thi môn lịch sử không thể cao được.
Diễm Thi: Thưa giáo sư, với kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu về lịch sử từ trước 1975 cho đến sau 1975, giáo sư thấy sách giáo khoa và cách dạy sử trước và sau 1975 khác nhau như thế nào?
GS. Trần Gia Phụng: Trước hết, xin chú ý, trước năm 1975, chính sách giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa là nhân bản, dân tộc và khai phóng; sau năm 1975, chính sách giáo dục của CS là giáo dục phục vụ chính trị, phục vụ đảng CS. Vì vậy trước và sau năm 1975, việc giáo dục hoàn toàn khác nhau.
Về sách giáo khoa: Trước năm 1975, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chỉ đưa ra chương trình lịch sử, không ban hành sách giáo khoa. Mỗi giáo sư tự soạn giáo khoa giảng dạy cho học sinh, hoặc dùng một sách giáo khoa do tư nhân soạn mà giáo sư ưng ý.
Sau năm 1975, vì chủ trương giáo dục phục vụ chính trị, nên nhà cầm quyền cộng sản kiểm soát gắt gao sách giáo khoa. Sách giáo khoa phải viết theo đúng đường lối chính sách của đảng CS. Đôi khi sách giáo khoa CS bóp méo sự thật, hoặc bịa đặt, lừa dối. Ban soạn sách phải do đảng CS chỉ định. Giáo khoa là pháp lệnh, không ai được giảng dạy bất cứ điều gì ngoài sách giáo khoa, dù sách giáo khoa không đúng với sự thật lịch sử. Học sinh không được hỏi những vấn đề ngoài sách giáo khoa, không được thắc mắc những câu chuyện trong sách giáo khoa.
Theo tôi, chỉ khi nào CS hết cầm quyền ở Việt Nam thì mới có sự thay đổi thật sự về việc dạy sử. – GS. Trần Gia Phụng
Trước năm 1975, trong xã hội CS bưng bít ở ngoài Bắc, CS muốn viết gì thì viết, muốn nói gì thì nói. Sau 1975, nhờ tiếp xúc với miền Nam Việt Nam, nhờ sự liên lạc với nước ngoài, nhờ sự phát triển của Internet, người Việt trong nước càng ngày càng mở rộng hiểu biết, nên thấy rõ sách giáo khoa lịch sử CS chỉ là những sách tuyên truyền.
Về cách dạy sử trước năm 1975, vì tính cách khai phóng, giáo sư ở miền Nam Việt Nam được quyền tự do dạy những gì mình suy nghĩ, kể cả những suy nghĩ đó không theo đường lối của chính phủ. Trước năm 1975, ở Nam Việt Nam, có nhiều giáo sư thiên cộng vẫn được đi dạy, chỉ trừ những người hoạt động lộ liễu, có hại cho an ninh quốc gia. Còn học sinh miền Nam Việt Nam được quyền tự do hỏi những vấn đề mình thắc mắc, kể cả những vấn đề chính trị tế nhị. Vì vậy, việc dạy và việc học lịch sử trước năm 1975 ở Nam Việt Nam linh động, mở rộng hiểu biết của học sinh, còn việc dạy và học lịch sử sau năm 1975 thụ động theo sách giáo khoa, mà lại sách giáo khoa sai sự thật. Ví dụ bây giờ giảng dạy chuyện đuốc sống Lê Văn Tám thì học sinh làm sao tin được?
Diễm Thi: Lịch sử là phải chính xác nhưng sách sử trong nước hiện nay thì yếu tố chính trị nhiều quá. Cũng đã có những đề nghị thay đổi từ trong nước. Theo giáo sư thì những đề nghị này có được lắng nghe không, và phải làm sao để có thể một sự thay đổi thực sự?
GS. Trần Gia Phụng: Nói cho đúng, sách giáo khoa (sử) dưới mái trường XHCN đều là sách tuyên truyền chủ nghĩa CS, dưới hình thức này hay hình thức khác. Hiện nay, có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều giáo sư trong nước đã thấy vấn đề nầy, thấy nhiều sai sót về nhận định cũng như về sự kiện, và đề nghị sửa đổi. Giới lãnh đạo CS biết việc nầy, nhưng họ chỉ cho sửa đổi những gì không có hại cho chế độ CS, còn nếu sách giáo khoa mà sửa đổi, viết lịch sử đúng với sự thật quá khứ, thì còn gì là chế độ CS nữa, nên CS chẳng bao giờ sửa đổi và đừng mong CS sửa đổi.
Theo tôi, chỉ khi nào CS hết cầm quyền ở Việt Nam thì mới có sự thay đổi thật sự về việc dạy sử trong nước. Điều đó ra ngoài chủ đề hôm nay của chúng ta.
Diễm Thi: Xin cảm ơn Giáo sư Trần Gia Phụng đã dành thời gian cho RFA. Chúc ông sức khỏe.
GS. Trần Gia Phụng: Xin cám ơn chị Diễm Thi đã phỏng vấn và kính chào quý khán thính giả RFA.
Kêu gọi Việt Nam ngưng đàn áp,
cam kết cải cách trước kỳ kiểm định của LHQ
Các nước thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) phải gây áp lực lên chính phủ Việt Nam nhằm chấm dứt những đàn áp nghiêm trọng đối với giới bất đồng chính kiến và cam kết cải cách trước kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát toàn cầu (UPR) sắp đến.
Đó là kêu gọi của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) đưa ra hôm 12 tháng 7.
FIDH và VCHR đưa ra kêu gọi vừa nêu nhân dịp công bố bản đệ trình chung về vấn đề Việt Nam lần thứ 3 trước kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát toàn cầu, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 1 năm 2019 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Bà Debbie Stothard, Tổng thư ký FIDH kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ phải sử dụng UPR để bày tỏ mối lo ngại của họ về việc sử dụng các luật đàn áp, hành động giam giữ tùy tiện, các phiên tòa bất công và nhiều vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác tại Việt Nam. Bà này nói thêm cộng đồng quốc tế cũng phải đẩy mạnh những kêu gọi nhằm giải phóng tất cả các tù nhân chính trị tại Việt Nam.
Đệ trình nêu rõ sự thất bại của chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện nhiều khuyến nghị chính trong UPR trước đó vào tháng 2 năm 2014 và hành động tiếp tục đàn áp các quyền cơ bản của con người trong bốn năm qua, bao gồm việc bỏ tù các nhà hoạt động ôn hòa và các nhà bảo vệ nhân quyền.
Từ tháng 2 năm 2014 đến tháng 7 năm 2018, FIDH và VCHR đã ghi nhận 160 trường hợp bỏ tù người bất đồng chính kiến. Các án tù này được ước tính lên tới 15 năm trong những phiên tòa không đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch VCHR, nói các khuyến nghị mang tính nguyên tắc của các quốc gia thành viên LHQ về các vấn đề nhân quyền sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Hà Nội, rằng những hành vi lạm quyền sẽ bị chú ý và cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục yêu cầu thực hiện cải cách thể chế và lập pháp.
FIDH và VCHR nhấn mạnh thêm so với kỳ UPR 4 năm trước thì tình hình nhân quyền ở Việt Nam lại đang giảm sút.
FIDH và VCHR nêu ra việc sửa đổi Bộ luật hình sự, có hiệu lực vào tháng 1/2018 đã không xóa các điều khoản ‘an ninh quốc gia’ mơ hồ. Luật sửa đổi đã thêm hình phạt tử hình dành cho tội phạm ‘khủng bố chống lại nhà nước’ ở điều 113 . Ngoài ra, Việt Nam bị nói không có tiến bộ nào trong việc giới hạn án tử hình dành cho các tội phạm nghiêm trọng nhất. Các vụ tử hình tiếp tục xảy ra trong những năm gần đây, và chính quyền vẫn phân loại thống kê án tử hình như “bí mật nhà nước”.
Xét về mặt tự do ý kiến và biểu đạt, chính phủ Việt Nam được nói đã tăng cường đàn áp các nhà báo, cư dân mạng và các blogger. Trái ngược với các khuyến nghị được thực hiện trong UPR trước đó, luật báo chí sửa đổi bị cho rằng vẫn không có các điều khoản cho phép làm báo độc lập. Báo chí trong nước bị cấm phổ biến những thông tin mang tính chỉ trích chính phủ.
Chính phủ Hà Nội cũng bị nói là đã thất bại trong việc thực hiện các khuyến nghị kêu gọi xóa bỏ tình trạng quan liêu và cản trở hành chính đối với quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Một số đạo luật mới nhằm củng cố sự quản lý nhà nước về các tôn giáo và hợp pháp hóa sự can thiệp của chính quyền vào các vấn đề tôn giáo.
Việc tự do hội họp và biểu tình ôn hòa được nói vẫn bị nhà nước kiểm soát. Các cuộc biểu tình ôn hòa bị đàn áp nặng nề và chính quyền tiếp tục sử dụng Điều 245 Bộ luật hình sự (nay là Điều 318 – ‘gây rối trật tự công cộng’) để bắt giữ, truy tố và bỏ tù các nhà hoạt động.
Thanh tra toàn bộ các dự án liên quan đến Út “trọc”
Ban Nội chính Trung ương vào ngày 13 tháng 7 tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm cho biết, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc thanh tra làm rõ các dự án liên quan đến ông Đinh Ngọc Hệ hay còn gọi là Út “trọc” và hơn 6000 tỉ đồng đầu tư vào Tập đoàn Công Nghiệp Tàu Thủy Việt Nam-Vinashin.
Theo thông tin của Ban Nội chính Trung ương thì trong 6 tháng đầu năm 2018 Ban Nội chính đã thực hiện xử lý các vụ án, xét xử sơ thẩm 21 vụ án liên quan tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng được dư luận quan tâm.
Theo Ban Nội chính các vụ việc lớn như Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỉ đồng vào Oceanbank, vụ án Phạm Công Danh, Đinh Ngọc Hệ, các vụ án liên quan Phan Văn Anh Vũ hay gọi là Vũ “Nhôm”, đường dây tổ chức đánh bạc trên mạng xảy ra tại Phú Thọ và việc tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.
Ngoài ra, trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp với Thanh tra Chính phủ, kiểm toán nhà nước để theo dõi, kiểm toán và xử lý những cá nhân, tổ chức sai phạm gây thất thoát, thua lỗ trong việc sử dụng hơn 2.200 tỉ đồng của PVN trả nợ cho Vinashin và số tiền hơn 4000 tỉ mà Chính phủ tạm ứng cho Vinashin tái cơ cấu và thanh tra các dự án liên quan đến Út “trọc”.
Trưởng ban Nội chính Trung ương ông Phan Đình Trạc yêu cầu các cơ quan chức năng chuẩn bị nội dung cho phiên họp lần thứ 14 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 tại Hà Nội.
Nông dân chuyển đổi sang trồng Thanh Long
cũng gặp khó
Trong một chương trình trước, chúng tôi gửi đến quí vị phóng sự nhiều nông dân tỉnh Bình Thuận không thể tiếp tục sống với cây lúa phải chuyển đổi sang trồng thanh long. Trái thanh long lâu nay trở thành đặc sản của tỉnh này và được xuất đi Nhật, Úc… Tuy nhiên gần đây, nông dân trồng thanh long cũng gặp khó khăn tương tự như những người canh tác các loại trái cây khác ở Việt Nam. Mời quí vị theo dõi phóng sự sau đây.
Hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc là nơi trồng nhiều thanh long nhất tỉnh Bình Thuận. Vào thời điểm thịnh nhất, diện tích thanh long tại tỉnh này lên đến 22 héc ta.
Năm nay năng suất thanh long có nơi không được như mong muốn bởi ảnh hưởng thời tiết.
Mọi năm chạy điện nó ngon hơn, năm nay chạy điện nó không có trái. Nói chung thanh long năm nay bết lắm. Khổ, mà không có trái, không có được năng suất cao. Giá thì có giá cao mà trái thì không có trái.
Khoảng 3 tháng gần đây, giá thanh long giảm sâu nên nhiều nhà vườn có nguy cơ lỗ vốn. Giá thanh long bấp bênh không chỉ riêng năm nay mà nhiều năm qua, vì phụ thuộc vào các điểm thu mua thanh long đưa ra giá cả.
-Cỡ 15 đổ lên là nó có lãi cho nhà nông rồi, còn nó nằm cỡ 7-8 ngàn, 10 ngàn đổ lại là lỗ rồi đó.
-Thanh long Bình Thuận mình làm đôi khi giá nó cũng bấp bênh lắm. Có lúc thì 19-20 cũng có mà lúc thì 5-6 ngàn cũng có, dân lỗ nhiều lắm. Hàng tốt tốt mà xuất có 7-8 ngàn dân đâu đủ ăn đâu.
– Thanh long giá này rất bấp bênh, có thể nhà vườn buông tay luôn chứ không có tiền đầu tư nổi.
– Giá bữa nay 8 ngàn 9 ngàn, nói chung tùy theo, đẹp thì đẹp xấu thì giá xấu.
Mùa thanh long tự nhiên là từ tháng 4 tới tháng 9; tuy nhiên người trồng áp dụng biện pháp gọi là ‘chạy điện’ để cây cho trái ‘nghịch vụ’.
-Một năm người ta đốt đèn hai lần, có người thì ba, có người thì hai, tùy thuộc. Ví dụ như hai thì năng suất nó cao hơn một chút, còn ba thì nó giảm năng suất lại.
Chúng tôi được dẫn ra một vườn để biết thêm về trái thanh long như thế nào thì bị coi là kém chất lượng và sao là ‘trái đẹp’.
– Phải mình đỏ tai xanh, còn không hoặc là lem hoặc là tai vàng tai úa tai ngắn là nó xấu.
– Nó như vầy là xấu, tai nó không xanh, bị đỏ. Tai nó quéo, tại nó ngược ra sau vầy là nó xấu.
Tất nhiên, giá thu mua đối với loại trái bị cho là xấu sẽ thấp hơn giá chung của thị trường.
– Xấu như thế này bán vẫn được chứ không phải là không nhưng mà ví dụ bây giờ giá thị trường là 10 ngàn đi, cái này bán có 7 ngàn hoặc 8 ngàn thôi.
Khó khăn của những nhà đầu tư cho hàng chạy điện nhưng trái không được chất lượng, phải giá rẻ như hàng mùa, hàng xấu.
– Là hàng điện luôn á mà bán có giá 7 đến 8 ngàn thôi chớ, 10 ngàn thôi chớ lấy đâu mà vô lãi. Lỗ luôn mà buộc người dân làm lỡ ra rồi đâu có để lại được đâu, cũng phải buộc bán.
Đó là nói riêng về loại thanh long trái mùa giăng điện nhưng không đạt chất lượng phải bán rẻ. Khi vào vụ, giá thanh long còn giảm hơn nữa vì lượng cung ồ ạt.
– Mùa mưa mình đỡ không có được, tại vì mùa mưa là thanh long Bình Thuận này ai cũng có hết, ai cũng đều như nhau hết là xuống giá à.
Giá thanh long Bình Thuận phụ thuộc vào các yếu tố như những gì mà các chủ vườn vừa cho biết. Nhưng giá cả còn phụ thuộc vào vựa thu mua và các thương lái nữa. Các chủ vườn cho biết thanh long chủ yếu bán sang TQ, cho nên mức giá cũng như chuyện thu mua hầu như do chủ vựa là người TQ quyết định. Theo số liệu thống kê từ báo chí trong nước, khoảng 80% thanh long ở đây là xuất khẩu sang TQ. Cho nên nếu TQ ngưng thu mua hoặc ép giá thì nhà vườn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
– Ví dụ như thấy những vựa lớn đó vậy nhưng mà hầu như lúc nào cũng có TQ ở trong đó, rồi nó phát giá ra cho chủ vựa, rồi chủ vựa cho những thương lái đi mua tại vườn.
– Ở đây cũng phải lệ thuộc qua TQ rồi, tại vì qua nó tiếp cận ở tại vựa rồi.
– Đợt vừa rồi bị gì đó, biểu tình đó, hàng hóa nay nó rẻ lắm.
– Hàng thì có mà các vựa nghỉ hết trơn rồi, đâu có bán được. Đây thanh long chỉ bán cho vựa đóng cho TQ thôi.
Vấn nạn trái thanh long của Bình Thuận bán chủ yếu cho Trung Quốc cũng tương tự nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam. Cứ mỗi khi được mùa thì giá cả rớt mạnh khiến người trồng điêu đứng, phải bán đổ, bán tháo với mong mỏi vớt vát lại chút vốn liếng… Nhiều kế hoạch từng được vạch ra; tuy nhiên cho đến nay tất cả dường như vẫn chưa thể giải quyết được những bế tắc cho nông dân.
Thượng nghị sỹ Úc kêu gọi Facebook, Google
bất tuân luật An ninh mạng Việt Nam
Một thượng nghị sỹ Úc gốc Việt kêu gọi các công ty công nghệ như Facebook và Google chống lại chính phủ Việt Nam bằng cách từ chối tuân thủ luật An ninh mạng mới được Quốc hội ở Hà Nội thông qua tháng trước.
Thượng nghị sỹ Tùng Ngô của Nghị viện tiểu bang Nam Úc (South Australia) nhận định với VOA rằng bộ luật An ninh mạng sẽ được sử dụng để “che đậy các vi phạm nhân quyền và tham nhũng của chính phủ tại Việt Nam.”
Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua hôm 12/6 với tuyệt đại đa số phiếu thuận.
Các chính phủ Mỹ, Canada và các tổ chức nhân quyền quốc tế đồng loạt lên tiếng lo ngại rằng bộ luật này sẽ giúp chính quyền bóp nghẹt tự do ngôn luận cũng như được dùng để trấn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến trên mạng.
Việt Nam nói bộ luật này nhằm để bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia trên mạng. Nhưng ông Nguyễn Trí Tuyến, một nhà hoạt động dân chủ trong nước, vạch ra rằng “thực sự họ nhằm vào tiếng nói của người dân hơn là tăng cường bảo vệ an ninh mạng. Họ mượn chuyện an ninh quốc gia để tròng vào cổ người dân.”
Luật an ninh mạng sẽ siết chặt tự do ngôn luận?
Trong một phát biểu trước Nghị viện Nam Úc hôm 6/7, ông Tùng, người Úc sinh ra ở Việt Nam đầu tiên làm thượng nghị sỹ của Hội đồng Lập pháp của tiểu ban này, nhận định rằng luật An ninh mạng cho phép chính quyền cộng sản “quyền lựa chọn và định đoạt những sự biểu lộ tư tưởng nào qua kiểm duyệt bị cho là ‘bất hợp pháp’” và rằng bộ luật mới, do Bộ Công an soạn thảo, “giúp chính phủ dễ dàng nhận ra và truy tố người dân với các hoạt động ôn hòa trực tuyến của họ.”
Một điều khoản trong dự luật này yêu cầu “cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.” Quy định này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là đáp ứng được yêu cầu “bảo vệ chủ quyền quốc gia” và “trật tự xã hội.”
Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Facebook và Google ngăn chặn những thông tin “độc hại.” Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Google và Facebook đã ngăn chặn và gỡ bỏ hàng nghìn video ‘xấu độc’ và thông tin ‘bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.”
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã viết một bức thư ngỏ gửi tới những người lãnh đạo của các công ty Apple, Google, Facebook, Mocrosoft và Samsung trong đó nêu ra những lo ngại của họ và thúc giục các công ty này gây áp lực lên chính phủ Việt Nam.
Trong phát biểu tới chủ tịch Nghị viện Nam Úc, ông Tùng “tha thiết kêu gọi” các công ty này “dùng sức mạnh của họ” để chống lại chính phủ Việt Nam bằng cách bất tuân Luật An ninh mạng.
Ngay sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký ban hành Luật An ninh mạng hôm 28/6, các nhà tranh đấu trong nước đã khởi xướng phong trào bất tuân bộ luật gây tranh cãi này.
Dự luật này, cùng với đề xuất thành lập các đặc khu kinh tế ở Việt Nam, đã vấp phải phản đối từ người dân, làm bùng nổ các cuộc biểu tình trên toàn quốc.
Tuy nhiên, ông Tùng – người từng là một thuyền nhân trước khi tới Úc vào đầu thập niên 1980, nói với VOA rằng ông lo ngại luật An ninh mạng không được chú ý đầy đủ và rằng tác động của bộ luật mới sẽ gây ra “những hậu quả nghiêm trọng” tới người Việt Nam và người Việt ở nước ngoài, những người đã lên tiếng chỉ trích chính phủ về các vấn đề như nhân quyền và tham nhũng.
“Điều quan trọng là tôi dùng vị trí của mình với tư cách một ủy viên Nghị viện Nam Úc để đánh thức mọi người và làm cho họ ý thức về tác động của luật An ninh mạng lên người dân Việt Nam và người Việt ở nước ngoài – những người đang vận động để làm cho Việt Nam tốt hơn,” ông Tùng nói.
Thượng nghị sỹ Úc cho biết cộng đồng người Việt ở Úc và ở nước ngoài đã vận động cho một Việt Nam tốt hơn kể từ những năm 1980 bằng cách tố cáo những vi phạm nhân quyền và nạn tham nhũng ở Việt Nam.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch cho biết Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 100 nhà báo, blogger và các nhà hoạt động dân chủ từng ‘chỉ trích’ chính phủ.