Tin Việt Nam – 13/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 13/03/2018

Tướng công an bị ông Trọng cho vào “lò”

Vì sao là ngành công an?

Kể từ đầu năm 2018 thì ông Hóa là nhân vật thứ hai trong ngành công an bị nhắm đến. Trước ông Hóa là ông Phan Văn Anh Vũ, một sĩ quan tình báo cho Bộ Công an, bị bắt vì tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.

Ông Nguyễn Thanh Hóa là nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát Công nghệ cao (C50) thuộc Bộ Công an. Ông Hóa bị cho đã tham gia bảo kê cho một đường dây đánh bạc qua mạng xuyên biên giới với quy mô rất lớn.

Hiện đã có khoảng 80 người bị khởi tố và 38 người bị bắt giữ liên quan đến đường dây này.

Việc ông Hóa bị bắt đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận bởi vì lâu nay hiếm có một nhân vật trong ngành công an, một ngành được cho là lá chắn bảo vệ chế độ, bị đem ra xử.

Nhà quan sát chính trị Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, ở Sài Gòn, nói với RFA rằng việc tướng Hóa bị bắt mang ba ý nghĩa quan trọng. Ông phân tích:

Đó là chỉ dấu cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng đã giáng một đòn thẳng cánh vào ngành công an. Có khả năng đây là đòn phục vụ cho kế hoạch cải tổ ngành công an của ông Nguyễn Phú Trọng trong năm 2018, đi liền với đề án mà có thể được trình ra Bộ Chính trị vào Hội nghị Trung ương 7. Năm 2018 sẽ sắp xếp lại ngành công an, trong đó sẽ bỏ các tổng cục làm cấp trung gian.

Ông Phạm Chí Dũng cho rằng Tổng Bí thư ông Nguyễn Phú Trọng đang phát huy tác dụng trong Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.

Qua việc bắt Nguyễn Thanh Hóa, có vẻ như ông Nguyễn Phú Trọng phát ra một thông điệp đó là ông ấy không chỉ chống tham nhũng một bên, khiên cưỡng như người ta nói

– TS Phạm Chí Dũng

Ý nghĩa thứ hai, theo ông Dũng, ông Nguyễn Phú Trọng đang chuẩn bị khá kỹ cho một chiến dịch tổng công kích vào các đối tượng tham nhũng cũng như đối thủ chính trị của ông ấy. Điều này được thể hiện qua những cuộc tấn công vào Bộ Công an, vụ Ban Bí thư yêu cầu xử lý việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG và vụ việc ông Trần Quốc Vượng được giao hai chức Thường trực Ban Bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vị trí quyền lực thứ 2 chỉ sau ông Trọng.

Từ đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng dự đoán năm 2018 sẽ là một năm máu lửa với nhiều xáo trộn lớn, càn quét nhiều vụ tham nhũng lớn nữa.

Ý nghĩa thứ ba, ông nhận định:

Qua việc bắt Nguyễn Thanh Hóa, có vẻ như ông Nguyễn Phú Trọng phát ra một thông điệp đó là ông ấy không chỉ chống tham nhũng một bên, khiên cưỡng như người ta nói mà ông ấy đang chống tham nhũng một cách công bằng. Nghĩa là, ông chỉ chống tham nhũng phe đối phương mà còn chống tham nhũng cả phe ta nữa.

Cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng bấy lâu nay được nhận thấy khá quyết liệt. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng đây thực chất là một thanh trừng phe phái, trong đó phe mà ông Trọng muốn nhắm đến chính là phe cánh của ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Cũng đồng tình với quan điểm này của tiến sĩ Phạm Chí Dũng, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng việc ông Hóa bị bắt cho thấy quyết tâm diệt tham nhũng không vùng cấm của ông Tổng Bí thư:

Đối tượng kỳ này bị tấn công cũng chính là đối tượng từng là công cụ chống tham nhũng nhưng lại thực hiện tham nhũng. Điều này cho thấy cuộc chống tham nhũng này đã đi đến điểm mấu chốt, những điểm thắt rất quan trọng. Chỉ khi phá được những điểm thắt này thì cuộc đấu tranh mới có hi vọng mở lớn ra. Nhân đây cũng củng cố lại tổ chức để có những con người đàng hoàng hơn.

Cùng ngày ông Hóa bị bắt, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Phú Trọng. Tai đây, ông Trọng đã đề cập đến vấn đề suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống trong lực lượng công an.

Nói với RFA từ Hà Nội, cựu đại tá Công An Nguyễn Đăng Quang nhận xét dù ông Hóa là thiếu tướng nhưng suy cho cùng cũng chỉ là một con người, mà đã là con người thì “nhân vô thập toàn”.  Nói đến vấn đề lực lượng công an suy thoái đạo đức như lời ông Tổng Bí thư, cựu đại tá Quang nhận xét:

Đấy là nhấn mạnh trong ngành công an thôi, chứ tôi cho rằng trong mọi lĩnh vực, mọi ngành, bao giờ cũng không thể tranh khỏi tha hóa, xuống cấp về đạo đức. Nghị quyết của Đảng Cộng sản VN đã nhấn mạnh rồi, một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên, trong đó có những cán bộ lãnh đạo cao cấp bị biến hóa, biến chất.

Nhắm đến ai?

Về trường hợp của ông Hóa, báo chí trong nước nói rằng việc điều tra chưa dừng lại ở truy trách nhiệm cá nhân ông Nguyễn Thanh Hóa, mà có thể còn một số cán bộ từng giữ chức vụ cao hơn.

Điều này cho thấy cuộc chống tham nhũng này đã đi đến điểm mấu chốt, những điểm thắt rất quan trọng.
– LS Trần Quốc Thuận

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho biết, nhân vật “cao hơn” này được đồn đoán là Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng Cục trưởng Cục Cảnh sát:

Ngay trước mắt người ta đồn đoán rất nhiều về ông Phan Văn Vĩnh. Không biết ông Vĩnh liên đới như thế nào nhưng có vẻ đây là trường hợp được đồn đoán rõ nhất. Trên ông Vĩnh nữa thì chưa biết ai, nhưng chắc chắn về mặt quản lý trách nhiệm, quản lý ngành và cán bộ thì từ Bộ trưởng cho tới dàn Thứ trưởng đều phải chịu trách nhiệm hết.

Ông Phan Văn Vĩnh từng có thời có tin đồn bị bắt cũng do dính líu đến đánh bạc trên mạng. Tin đồn lan rộng tới mức đích thân Bộ Công an phải đứng ra giải thích, bác bỏ lời đồn bắt ông Vĩnh. Ông Phan Văn Vĩnh được cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Tổng cục Cảnh sát.

Luật sư Trần Quốc Thuận nói rằng việc diệt trừ tham những trong ngành công an là đặc biệt quan trọng, bởi vì lực lượng công an là thanh bảo kiếm và là chỗ dựa của Đảng, Đảng còn công an còn. Theo ông, nếu ngành công an không trong sạch thì sinh mạng của Đảng sẽ chông chênh.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-is-targeted-after-a-senior-police-official-arrested-03122018141006.html

 

Luật sư Phạm Công Út bị kỷ luật, xóa tên

Ngày 12/3, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh ra quyết định kỷ luật luật sư Phạm Công Út với hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư.

Nguyên nhân được nêu trong quyết định kỷ luật là do ông Út, thuộc Công ty TNHH MTV Phạm Nghiêm, ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng nhận ngay một tỉ đồng và sẽ nhận 30% giá trị tài sản thu hồi được nhưng không có khả năng thực hiện hợp đồng, không hoàn trả tiền cho khách hàng.

Khách hàng yêu cầu thanh lý hợp đồng, ông Út chỉ chuyển trả 200 triệu đồng. Đến khi khách hàng khiếu nại, ông Út lại cho rằng số tiền 200 triệu đồng là cho khách hàng mượn sẽ đòi lại và yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Ba người, một tổ chức nhận giải nhân quyền

Hơn 100 luật sư cùng ủng hộ Võ An Đôn

Việc xử lý LS Đôn ‘tạo tiền lệ rất xấu’

LS Võ An Đôn chỉ còn ‘làm nông để mưu sinh’

Luật sư bảo vệ Mẹ Nấm sẽ bị xử nặng?

Trong quá trình hòa giải, ông Út không thừa nhận sai phạm, chỉ trả thêm 300 triệu đồng và đặt điều kiện là khách hàng phải rút đơn khiếu nại, nếu không ông sẽ kiện đòi lại tiền. Tuy nhiên khách hàng không đồng ý, tiếp tục yêu cầu ông Út trả phần còn lại.

Luật sư Nguyễn Văn Trung – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM – xác nhận với báo Người Lao Động thông tin này ngày 13/2.

Ông Phạm Công Út đang bào chữa miễn phí cho 8 bị cáo trong phiên tòa Lê Quang Trí (cựu Tổng giám đốc Navibank) và đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Với quyết định kỷ luật của Liên đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, ông Út sẽ không được quyền tiếp tục bào chữa tại phiên tòa.

‘Chọn đường nào?’

Ông Út nói với báo VietnamNet ngày 12/2 rằng ông mới được biết thông tin qua báo chí chứ chưa nhận được quyết định của Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh.

Ông cũng nói ‘không muốn khiếu nại gì’ nhưng “anh em luật sư chưa chắc gì họ đồng tình với cách hành xử dễ chấp nhận như vậy, vì hôm nay là tôi thì ngày mai sẽ là những người khác, những người trong Hội đồng bào chữa sẽ bị tan tác hết”.

Chia sẻ trên Facebook cá nhân, luật sư Út nói: “Có lẽ tôi là người có nhiều kẻ thù, vì tôi mở ra một nhóm mang tên “Hội đồng bào chữa” hay cái nhóm gì đó mà trở thành cái gai trong mắt của những người cầm quyền hay cầm tiền.”

“Vợ tôi thì nói, anh về với em và con đi. Tôi phân vân mãi, vì còn bao nhiêu phận số con người.”

“Bạn bè đồng nghiệp thì nói, anh phải ở lại.”

“Trước ngã ba đường xâu xé, tôi biết chọn đường nào?”

Ông Phạm Công Út được Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề ngày 21-1-2009 và được Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp thẻ luật sư vào ngày 21-7-2017.

Ông từng tham gia bào chữa vụ án quan trọng, trong đó có vụ tù oan Huỳnh Văn Nén.

Ý kiến trái chiều

Liên quan đến quyết định kỷ luật ông Phạm Công Út, có những ý kiến trái nhiều.

Một số bày tỏ sự ủng hộ ông Út trên mạng xã hội.

Facebooker Phan Xuân Lương viết: “Có rất nhiều thằng hả hê khi thấy luật sư Phạm Công Út bị xóa tên khỏi danh sách liên đoàn Luật sư TP HCM. Dù gì và bất cứ lý do gì đi nữa thì anh Phạm Công Út vẫn là luật sư trong lòng người dân chúng tôi.”

“Người tốt trong cái xã hội này thường bị hãm hại.”

Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng ông Út thực sự vi phạm Luật Luật sư.

Một luật sư muốn ẩn danh từ TP Hồ Chí Minh cho BBC biết ngày 13/3:

“Nếu nội dung trong quyết định Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh là đúng, với tiến độ thanh toán phí như thế thì tôi cho rằng có sự hứa hẹn, hoặc cam kết kết quả giữa luật sư và thân chủ, Chỉ có điều luật sư Út không đưa điều này vào hợp đồng. Có sự không rõ ràng giữa luật sư và khách hàng.”

“Việc này là vi phạm nghiêm trọng pháp luật và đạo đức nghề luật sư.”

“Trong trường hợp này đoàn luật sư quyết định xử lý là đúng.”

‘Nên để tòa án giải quyết’

Trả lời BBC qua điện thoại ngày 13/3, luật sư Đặng Đình Mạnh từ TP Hồ Chí Minh cho hay:

“Sự việc của luật sư Phạm Công Út là một tranh chấp giữa thân chủ và luật sư. Và tranh chấp này nên để tòa án giải quyết hơn là để đoàn luật sư giải quyết.”

“Bởi vì việc này chưa biết lỗi của ai, và chưa biết luật sư Út có vi phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư hay không.”

“Cho nên việc đoàn luật sư tham gia giải quyết việc này, đồng thời gần như án định luôn lỗi như thế nào, bàn cả về tư cách đạo đức hành nghề của luật sư thì tôi cho rằng không nên, tạo tiền lệ xấu, đe dọa gần như tất cả các luật sư còn lại.”

“Nếu ai đó muốn phá luật sư thì họ chỉ cần làm việc tương tự giữa khách hàng với luật sư Út đã làm thì rất dễ đưa các luật sư đến tình trạng bị khai trừ khỏi đoàn luật sư.”

“Các luật sư hiện đang trao đổi với nhau, chưa có gì rõ ràng, nhưng sẽ có phản ứng đối với đoàn luật sư để tránh xảy ra tình trạng tương tự. Cái thứ hai là cũng là tiếng nói chung với nhau để bảo vệ luật sư Út và bảo vệ chính mình trong các vụ việc trong tương lai.”

Năm 2017, luật sư Võ An Đôn, người từng bào chữa cho Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và bào chữa miễn phí nhiều vụ án oan sai khác, bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư Phú Yên.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43382376

 

Mobifone huỷ hợp đồng với AVG trong vụ “nhạy cảm”

Tổng công ty viễn thông Mobifone chính thức huỷ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần đã ký kết hồi 2015 với Công ty cổ phần AVG.

Sự việc này diễn ra trong bối cảnh Ban Bí thư yêu cầu Thanh tra Chính Phủ sớm công bố kết luận thanh tra về việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.

Hôm 3/8, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nói vụ việc này “rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm”.

4 ngày sau đó, hôm 12/3, đại diện của Bộ Thông tin Truyền thông, Tổng công ty Viễn thông Di động Mobifone và Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã có một cuộc họp về vụ việc.

AVG: ‘Phạm Nhật Vũ không phải đối tượng thanh tra’

Hủy thỏa thuận MobiFone – AVG: Bình luận trên Facebook

Theo báo VnExpress, trong cuộc họp này Mobifone và AVG thống nhất huỷ việc chuyển nhượng 344,66 triệu cổ phần, với gía trị gần 8.900 tỷ đồng mà hai bên đã ký kết đầu khoảng cuối 2015, đầu 2016.

Câu hỏi cho Hội nghị Trung ương 7?

Việt Nam thay chủ tịch MobiFone

Tổng thanh tra Chính phủ có tân lãnh đạo

Lý do huỷ hợp đồng – lỗi tại Mobifone?

Các báo Việt Nam đưa thông tin khác nhau về lý do hủy hợp đồng giữa Mobifone và AVG.

Theo báo VnExpress, có ba lý do để AVG hủy hợp đồng với Mobifone.

Thứ nhất là vì Mobifone không “vận hành, phát triển đúng như kế hoạch và để lỡ nhiều cơ hội, tiềm năng của AVG”.

Thứ hai, đã quá hạn thanh toán hợp đồng, nhưng Mobifone mới chỉ chi trả 95% giá trị hợp đồng cho AVG.

Thứ ba, “quá trình vận hành thương hiệu AVG phát sinh nhiều vấn đề gây tổn hại uy tín cho các bên liên quan,” nhưng không nói rõ “các vấn đề đó” là gì.

Báo này cho biết, ông Vũ nói thêm rằng AVG là một “tài sản có giá trị” và trước khi bán cho MobiFone, ông từng có ý định bán cho các đối tác Nga và Hàn Quốc với mức giá cao hơn.

Còn theo báo Pháp luật, ông Phạm Nhật Vũ Tổng giám đốc AVG nói lý do đồng ý hủy thỏa thuận “là do nay đã đủ nguồn lực để triển khai các hoạt động ấp ủ từ lâu của mình, nên sẵn sàng nhận lại số cổ phần đã bán.”

Các báo đều đưa tin ông Phạm Nhật Vũ “đồng ý không yêu cầu phạt và đòi bồi thường khi huỷ giao dịch”.

Báo Pháp luật TP HCM còn ghi nhận rằng “có những ý kiến, đơn từ phản ánh, cho rằng có khoảng cách lớn giữa giá trị thật của AVG với số tiền mà MobiFone chi trả”, nhưng không viết rõ các ý kiến phản ánh này là gì.

Thanh lý hợp đồng như thế nào?

Sau khi ký kết thoả thuận huỷ hợp đồng, AVG nói sẽ hoàn trả 30% giá trị hợp đồng cho MobiFone trong 10 ngày và sẽ hoàn trả toàn bộ trong 30 ngày.

AVG cũng sẽ trả lại số tiền lãi cho số tiền Mobifone đã thanh toán, cùng với các chi phí MobiFone thuê tư vấn cho hợp đồng này.

Còn MobiFone sẽ trả lại AVG số cổ phần và các tài sản đã nhận chuyển nhượng.

“Hai bên sẽ cố gắng để cả hai không chịu thiệt hại từ việc này,” báo VnExpress viết.

Các bên cũng sẽ thành lập một nhóm làm việc để thống nhất chi tiết việc triển khai hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

Diễn biến vụ việc Mobifone mua cổ phần AVG

Vào tháng 1/2016, Mobifone thông báo hoàn thành việc mua 95% cổ phần của AVG với tổng giá trị chuyển nhượng gần 8.900 tỷ đồng.

Khi đó ông Lê Nam Trà, tổng giám đốc Mobifone đã ký kết mua cổ phần từ công ty truyền thông AVG của ông Phạm Nhật Vũ.

Thương hiệu truyền hình An Viên của AVG sau đó đổi tên thành MobiTV.

Mobifone khi đó nói việc mua AVG là “để đa dạng dịch vụ cung cấp cho khách hàng, bước chân vào mảng truyền hình trả tiền”.

Mobifone cũng tuyên bố việc mua AVG sẽ nâng giá trị thương hiệu của họ khi cổ phần hóa.

Việc mua AVG diễn ra sau khi Thủ tướng nhiệm kỳ trước Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận về chủ trương cho phép Mobifone tham gia đầu tư cung cấp dịch vụ truyền hình.

Từ giữa 2016, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản chỉ đạo chính phủ thanh tra toàn diện việc MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.

Đến cuối tháng 4/2017, Thanh tra chính phủ nói kết thúc thanh tra MobiFone nhưng chưa ban hành kết luận vì “có những nội dung cần làm việc nhiều lần với đối tượng được thanh tra để làm rõ, bảo đảm khách quan”.

Tháng 7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo kiểm tra, kết luận rõ đúng sai vụ Mobifone mua AVG.

Tháng 11/2017, trả lời tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn cho hay khi đó Bộ này vẫn chưa nhận được dự thảo kết luận thanh tra để tiếp thu, giải trình theo quy định.

Nhưng đến đầu tháng 3/2018, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nói việc MobiFone mua 95% cổ phần của AVG là vụ việc “rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43382166

 

Hủy thỏa thuận MobiFone – AVG:

Bình luận trên Facebook

Tin thời sự Việt Nam được quan tâm nhiều ngày 13/3 là việc Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ về thông tin hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần giữa Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

AVG: ‘Phạm Nhật Vũ không phải đối tượng thanh tra’

Mobifone huỷ hợp đồng với AVG trong vụ “nhạy cảm”

Câu hỏi cho Hội nghị Trung ương 7?

MobiFone nói họ và nhóm cổ đông AVG đang xúc tiến việc huỷ bỏ hợp đồng thỏa thuận mua bán cổ phần theo các quy định pháp luật.

Thông cáo của MobiFone nói hai bên “sẽ khẩn trương xem xét và thực hiện những công việc cần thiết trên tinh thần thiện chí, đảm bảo không thiệt hại cũng như không ảnh hưởng tới nguồn vốn và lợi ích của Nhà nước”.

Câu chuyện thu hút nhiều bình luận trên Facebook.

Từ Việt Nam, nhà báo Nguyễn Huy Toàn gọi đây là “trò hề”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43386187

 

Phạm Nhật Vũ

muốn giao dịch AVG ‘chấm dứt nhanh’

Luật sư Trần Vũ Hải nói có một số thông tin “không đúng” về doanh nhân Phạm Nhật Vũ, cổ đông chính của AVG, liên quan thương vụ MobiFone mua AVG.

Hủy thỏa thuận MobiFone – AVG: Bình luận trên Facebook

Mobifone huỷ hợp đồng với AVG trong vụ “nhạy cảm”

Câu hỏi cho Hội nghị Trung ương 7?

Là “luật sư lâu năm của ông Vũ”, ông Hải cho biết ông được ông Vũ mời đến làm nhân chứng trong cuộc họp hôm 12/3 giữa các lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền Thông, đại diện của Tổng công ty Viễn thông MobiFone và một số cổ đông của Công ty AVG.

“Chúng tôi có quan hệ hàng chục năm trước đây. Vụ việc này tôi đến theo lời mời của ông Phạm Nhật Vũ, đến để chứng kiến thỏa thuận này.”

Tại cuộc họp, AVG và MobiFone thống nhất hủy bỏ Hợp đồng mua cổ phần của Mobifone với AVG.

Phía AVG nhận lại cổ phần công ty và hoàn trả các khoản tiền đã nhận từ MobiFone, trong khi phía MobiFone làm các thủ tục hủy bỏ Hợp đồng. Nhưng thỏa thuận này còn phải được báo cáo lên Ban Bí thư Đảng Cộng sản.

Hôm 13/3, luật sư Trần Vũ Hải chia sẻ với BBC về những nội dung đã được trao đổi tại cuộc họp và những thông tin ông nắm về vụ việc.

Ông Vũ thiện chí trả phí?

Ông Hải xác nhận thông tin truyền thông Việt Nam đưa tin rằng, MobiFone còn thanh toán thiếu khoảng 5% giá trị hợp đồng cho AVG.

“Nhưng việc không thanh toán đấy thì được coi là không đúng quy định của thoả thuận. Trong thoả thuận cũng cũng đưa ra khả năng nếu vi phạm thoả thuận, một cách kéo dài, thì bên kia có quyền huỷ hợp đồng và biện pháp phạt, và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

“Tuy nhiên ông Vũ đồng ý rằng việc thoả thuận này diễn ra một cách tốt đẹp đúng như các bên đã ký.”

“Ông Vũ cũng đồng ý thanh toán một số khoản phát sinh cho Mobifone liên quan đến chuyển nhượng này, và tính thêm một số phí khác coi như một sự thiện chí của ông để chấm dứt thoả thuận.”

“Ông Vũ cũng muốn chấm dứt thông tin gọi là không hay liên quan đến việc này.”

‘Có thông tin không đúng ảnh hưởng ông Vũ’

Phóng viên của BBC hỏi tiếp về “các thông tin không đúng gây ảnh hưởng đến ông Vũ”, thì ông Hải trả lời:

“Theo tôi trong mỗi một sự việc những người chưa nắm đủ thông tin luôn có có chiều hướng dựa thông tin theo chủ quan của mình.”

“Ông Vũ cho rằng thông tin đến những giờ phút này, đối với cá nhân ông và nhóm cổ đông, ông cho rằng là không đúng.”

“Tôi tin chắc rằng là nếu ai gặp hoàn cảnh của ông Vũ cũng không ai có thể thoải mái được vì những thông tin lan truyền.”

Vậy thông tin dư luận cho rằng giá trị của AVG bị ‘nâng khống’ thì sao, phóng viên BBC hỏi ông Hải.

“Đó là một dư luận không hay, việc đánh giá cao thấp, là do các công ty MobiFone thuê một cách độc lập để đánh giá. Đây là câu chuyện của các nhà kinh doanh. Họ thuận mua vừa bán.”

“Hiện nay ông Vũ chỉ quan tâm là giao dịch cần chấm dứt nhanh chóng phù hợp với thoả thuận các bên, và không thiệt hại cho bên nào. Cố gắng là như vậy,” ông Hải nói thêm.

Khi được hỏi về việc Thanh tra Chính Phủ chưa công bố kết luận về việc MobiFone ký hợp đồng mua 95% cổ phần của AVG, ông Hải nói:

“Nên nhớ ông Vũ không phải phải đối tượng thanh tra.”

“Mặc dù ông có thể bị ảnh hưởng dư luận, ông Vũ là nhà kinh doanh, nhà đầu tư tư nhân, bán rẻ hay bán đắt bất cứ sản phẩm nào, miễn là có người mua, nếu một giao dịch nào đó không thanh toán trọn vẹn mà gây ảnh hưởng đến mình, ông sẽ tìm cách hủy bỏ giao dịch đó.”

“Ông có thể để đầu tư kinh doanh vào việc khác hoặc nhận lại tài sản của mình trong trường hợp này, như trong trường hợp này nhận lại cổ phần AVG.”

Ông Hải nhấn mạnh ông tham dự cuộc họp với tư cách nhân chứng, chứ không phải luật sư đại diện cho thân chủ trong vụ việc với MobiFone.

Năm 2016, MobiFone công bố thông tin đã hoàn tất đàm phán mua 95% cố phần AVG với giá trị thương vụ là 8.889 tỷ đồng.

Nhưng hôm 8/3, Ban Bí thư Đảng Cộng sản nói đây là một vụ việc “rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43382169

 

Hoa Kỳ sắp thanh tra chương trình kiểm tra cá da trơn

từ Việt Nam

Cơ quan Thanh tra An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) sẽ tiến hành thanh tra thực tế chương trình kiểm soát cá da trơn của Việt Nam trong vài tháng tới.

Thông tin này được Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cho biết và được truyền thông loan đi hôm 13 tháng 3.

Theo Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đã nhận được công thư từ phía Mỹ vào ngày 28/2, thông báo về việc hoàn tất quá trình xem xét trả lời các câu hỏi đánh giá và đồng thời khẳng định về mặt hồ sơ, hệ thống kiểm soát cá da trơn của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ.

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản, trước đó, phía Việt Nam đã cung cấp trên 2.000 trang thông tin, hồ sơ trả lời các câu hỏi đánh giá do Hoa Kỳ yêu cầu.

Mỹ hiện là thị trường hàng đầu của mặt hàng cá tra của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, việc Mỹ thực hiện chương trình giám sát cá da trơn của Việt Nam từ tháng 8 năm ngoái đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của Việt Nam. 6 tháng đầu năm ngoái, xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Mỹ đạt hơn 176 triệu đô la, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-to-inspect-catfish-in-vietnam-03132018095646.html

 

Ai ra lệnh không được nổ súng trong trận Gạc Ma?

Mặc Lâm, Biên tập viên RFA

Mỗi năm vào ngày 14 tháng Ba, hình ảnh cuộc tàn sát 64 bộ đội công binh và hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam lại ám ảnh gia đình họ và người có quan tâm. Những cái chết này là một sự kiện lịch sử cần phải làm rõ ai là thủ phạm trực tiếp, trói tay bộ đội bằng chính sách kềm chế trước đội quân hung hãn Trung Quốc.

Lệnh không được nổ súng

Từ đầu năm 1988 Trung Quốc đã có những hành động lấn chiếm các đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa bằng cách đưa hai chiến hạm thị uy chung quanh khu vực. Trước hành động khiêu khích công khai ấy Việt Nam đã khởi động chiến dịch có tên Chủ quyền 88 viết tắt là CQ-88 bằng cách gửi bộ đội công binh mang vật liệu xây dựng tới nhóm đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma để xây dựng các cơ sở tại đây nhằm khẳng định sự có mặt của Việt Nam trên nhóm đảo quan trọng này.

Tuy biết trước sự hiếu chiến và quyết tâm chiếm đảo của Trung Quốc nhưng bộ đội công binh Việt Nam lại không được trang bị vũ khí và quan trọng hơn nữa họ được lệnh không được bắn trả lính Trung Quốc. Chỉ một vài bộ đội trên tàu mang vũ khí cá nhân và nhóm bộ đội tiến vào cắm cờ trên đảo Gạc Ma đã tay không đối diện với giặc. Anh Nguyễn Văn Thống một người sống sót trong khi tiến vào Gạc Ma xác nhận với Đài Á Châu Tự Do lệnh không được nổ súng này

“Bên mình lúc ra đi là quán triệt không được nổ súng bất kỳ giá nào cũng không được nổ súng.”

Thượng tá Hoàng Hoan, Chỉ huy phó Chính trị trung đoàn công binh 83 kể lại với báo chí cái chết của trung úy Trần Văn Phương người đầu tiên ôm cờ chịu bị lính Trung Quốc bắn chết trước mặt đồng đội. Thượng tá Hoan xác nhận đây là hành động kềm chế trước sự hung hãn của lính Trung Quốc:

Bên mình lúc ra đi là quán triệt không được nổ súng bất kỳ giá nào cũng không được nổ súng. – Nguyễn Văn Thống

-Sau một thời gian giằng co nhau quyết liệt và xảy ra việc Phương bị thương và sau chết tại đảo và Lanh thì bị thương nằm gục xuống rồi thì anh em cùng với nhau đối với bọn Trung Quốc đó cuối cùng thì bọn nó nhanh chóng rút lui ra. Nhưng mà nó có cái chuyện, tức là nó nổ súng trước còn ta thì có thái độ kềm chế chủ yếu là mềm dẻo để giải quyết đúng đắn khẳng định rõ chủ quyền Việt Nam, tôi đã ở đây rồi! Thế nhưng phía Trung Quốc vẫn cứ nổ súng vào cán bộ chiến sĩ của xây dựng và đi giữ đảo.

Câu chuyện của 27 năm về trước vẫn nằm im trong những trang sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Lời kể của những bộ đội công binh không đủ sức thuyết phục dư luận cho đến khi chính một vị tướng chính thức lên tiếng về việc này. Ông là thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, từng giữ chức Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nói trước cuộc tọa đàm kỷ niệm cuộc chiến Gạc Ma do Trung tâm Minh triết tổ chức vào năm ngoái, Tướng Lê Mã Lương cho biết:

-Nó có một câu chuyện như thế này: Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh bộ đội ta không được nổ súng nếu như đánh chiếm cái đảo Gạc Ma hay bất kỳ đảo nào ở Trường Sa. Không được nổ súng! Và sau này nó có một câu chuyện và nó đã được ghi vào tài liệu mà ta đã rõ rồi là khi trong một cuộc họp của Bộ Chính Trị, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đập bàn và nói là ai ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng?

Những người lính hy sinh đầu tiên ấy cộng thêm con số bộ đội bị quân Trung Quốc sát hại nâng lên 64 người là một vết thương lớn cho người lính bất cứ quân đội nào khi họ không được cầm súng chống lại quân thù, tướng Lê Mã Lương chia sẻ:

Ngài Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hồi bấy giờ là ngài Lê Đức Anh đã ra cái lệnh như vậy mà anh Lê Mã Lương đã tường thuật trong hội thảo tưởng niệm Gạc Ma của chính Trung tâm Minh Triết tổ chức ở Khách sạn Công đoàn năm ngoái, thì bây giờ ta phải công khai cái này. – Nguyễn Khắc Mai

-Trong lịch sử của Hải quân Nhân dân Việt Nam chưa có trận nào mà hải quân ta chỉ có mấy phút thôi chúng ta chết đến hơn nửa đại đội. Không có chuyện lịch sử Hải quân, lịch sử của các đơn vị chiến đấu bộ binh chỉ trong mấy phút mà tiêu như thế, trừ bom, nó bỏ trúng đội hình đang hành quân hoặc là nó thả trúng đội hình đang đóng quân còn trong đánh nhau ta cũng trong thế chủ động thì không có chuyện đó. Cho nên đó là cái nỗi đau mà nỗi đau này nó âm ỉ và nó sẽ đi với người lính cho tới khi kết thúc sứ mệnh trên cái đất này.

TS Nguyễn Văn Khải người tham dự buổi hội thảo cho biết nhận xét của ông về việc tướng Lương công khai điều mà Bộ quốc phòng Quân đội Nhân dân Việt Nam giấu kín sau sự cố Gạc Ma:

-Câu đó của Lê Mã Lương là hoàn toàn đúng bởi vì những năm 80 tôi là TS Thiếu tá và có anh họ là Lê Ngọc Hiền là Thứ trưởng Quốc phòng, Lê Trọng Tấn là Tổng Tham mưu trưởng quân đội cho nên những chuyện này chúng tôi biết cả.

Vai trò của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh

Ông Nguyễn Khắc Mai giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Minh Triết cho biết vai trò của ông Lê Đức Anh lúc ấy là Bộ trưởng Quốc phòng, người được xem là đã ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng:

-Ngài Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hồi bấy giờ là ngài Lê Đức Anh đã ra cái lệnh như vậy mà anh Lê Mã Lương đã tường thuật trong hội thảo tưởng niệm Gạc Ma của chính Trung tâm Minh Triết tổ chức ở Khách sạn Công đoàn năm ngoái, thì bây giờ ta phải công khai cái này.

Một Bộ trưởng Quốc Phòng thấy giặc nó xâm lấn bờ cõi của mình mà ra lệnh không được chống lại, đứng im như thế cuốn cờ lên người mình để cho nó nã súng nó bắn!

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một nhà ngoại giao kỳ cựu, am hiểu sâu sắc vấn đề Trung Quốc đánh giá quyết định không nổ súng của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh:

-Tôi cho rằng lúc bấy giờ ông Lê Đức Anh được đưa lên làm Bộ trưởng Quốc phòng mà làm cái việc như thế là một việc phản quốc. Ra lệnh không được bắn lại để cho Trung Quốc nó giết chiến sĩ của mình như là bia sống thì tôi cho đó là một hành động phản động, phản quốc.

Ông Lê Đức Anh là cai đồn điền cao su của một người tình báo của Pháp chứ ông ta không phải tham gia cách mạng lâu dài gì đâu. Chẳng qua ông ấy khai man lý lịch rồi thì được lòng ông Lê Đức Thọ, ông Lê Đức Thọ cứ đưa ông ấy lên vù vù trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, sau này thành chủ tịch nước. Cái điều đó những người biết chuyện như tôi lấy làm đau lòng lắm và cho là một nỗi nhục của đất nước.

Cho đến hôm nay 64 người anh hùng liệt sĩ ở Gạc Ma đấy nhiều người xác vẫn còn nằm dưới biển và cái ông Nông Đức Mạnh nguyên Tổng bí thư lại trả lời rằng thôi cứ để yên như thế! – Nguyễn Khắc Mai

Sau khi bị tàn sát, thi thể những người lính tay không súng ống ấy không phải đều được về nhà mà một số rất lớn đã trôi dạt khắp vùng biển quê hương bởi Bộ Quốc phòng Việt Nam không có một một cố gắng nào mang họ về đất liền như tất cả mọi quân đội khác trên thế giới phải làm. Ông Nguyễn Khắc Mai nhận xét:

-Cho đến hôm nay 64 người anh hùng liệt sĩ ở Gạc Ma đấy nhiều người xác vẫn còn nằm dưới biển và cái ông Nông Đức Mạnh nguyên Tổng bí thư lại trả lời rằng thôi cứ để yên như thế! Đáng lẽ anh phải can thiệp với Chữ thập đỏ quốc tế để tìm cách vớt và đưa thân xác của các liệt sĩ ấy về quê mẹ thì anh lại để im, bởi vì anh sợ Tàu mà. Động chạm đến Tàu thì anh run lên vì anh bị cầm tù rồi.

Tại sao cứ im lặng? chỉ cho mấy cái anh cấp người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói tới nói lui một điệp khúc nhàm chán vô cùng và bọn Trung Quốc nó không thèm đếm xỉa gì tới, nó coi đấy là cái chuyện tào lao thì đấy là cái đau, đấy là cái nhục về Gạc Ma.

Ngày 14 tháng Ba mỗi năm không những là ngày giỗ chung của 64 gia đình liệt sĩ nhưng còn là ngày mà lịch sử Việt Nam sẽ phải làm rõ ai là thủ phạm chính trong cuộc tàn sát này. Mặc dù nó được phóng lớn lên thành cuộc chiến Gạc Ma nhưng người trong cuộc biết rõ đó là một cuộc chiến mà bên bị hại không được nổ súng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/people_stories/who-order-no-fire-at-jonhson-reef-03132018094556.html

 

Sai phạm nhãn tiền và sự chối bỏ trách nhiệm

của giới chức nhà nước

Hòa Ái, phóng viên RFA

Một số công trình xây dựng lớn bị cho là vi phạm nhưng cơ quan chức năng tại những nơi có tình trạng sai trái xảy ra chối bỏ trách nhiệm. Dư luận một lần nữa lên tiếng thắc mắc vì sao công tác quản lý nhà nước kém hiệu quả như thế diễn ra khắp nơi buộc chính phủ phải giải quyết hậu quả của những vụ việc đó?

Không biết hay Không muốn biết?

Những ngày vừa qua, trên các trang fanpage của báo giới quốc nội và trên các trang mạng xã hội, dư luận nhắc đến cụm từ “chuyện thật như đùa” để đưa ra ý kiến bình luận xoay quanh thông tin về cây cầu dài hơn 1000 mét bắc lên đỉnh núi Cái Hạ, trong khu di sản Tràng An được xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động đón du khách đến tham quan, mà giới chức Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình nói rằng công trình xây dựng trái phép và do ở sâu trong vùng lõi nên khó phát hiện.

Khu du lịch Tràng An là di sản UNESCO thế giới đầu tiên của Việt Nam đạt được hai tiêu chí về thiên nhiên và văn hóa. Dư luận cho rằng thật là phi lý khi Phó Chủ tịch Ủy ban tỉnh Ninh Bình, ông Đinh Chung Phụng, vào ngày 7 tháng Ba khẳng định công trình xây cầu xuyên rừng đặc dụng và xuyên qua di sản Tràng An có dấu hiệu sai phạm, mặc dù Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An thi công từ tháng 8 năm ngoái mà không bị các cơ quan chức năng địa phương phát hiện cho đến lúc được dư luận và truyền thông phanh phui.

Không chỉ riêng vụ việc vừa nêu, mà dư luận còn lên tiếng phản đối các cơ quan quản lý nhà nước trả lời báo giới rằng chưa xác định rõ chủ đầu tư của 57 căn biệt thự kiên cố xây dựng trái phép nhiều năm qua tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội hay thông tin liên quan Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù có đến 213 container bị mất tích trong thời gian hai năm 2015 và 2016.

Trên trang fanpage của Báo mạng Zing.vn, qua cả trăm ý kiến được đăng tải, nhiều độc giả lên tiếng rằng người dân đổ một chiếc xe cát để sửa sang nhà cửa hay làm một cái chuồng vịt trong sân nhà nếu không thông báo với chính quyền địa phương thì ngay tức khắc nhân viên đến kiểm tra, thanh tra. Đài RFA có thể nêu trường hợp điển hình của ông Nguyễn Văn Bỉ, ở huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh cất chuồng nuôi vịt trong miếng đất của gia đình đã bị chính quyền phạt hành chính 6, 5 triệu đồng do xây dựng không phép và sau đó còn bị khởi tố vì ông Bỉ dựng lại cái chòi cây cũng để nuôi vịt.

Trong kinh nghiệm làm báo của tôi là họ bảo kê cho những việc đó. Họ bảo kê hết. Họ biết quá đi chứ, nhưng họ có quyền lợi trong đó. Hầu hết các trường hợp như thế đều đút lót hết, chứ không thể nào không biết. Nhưng khi bị truyền thông phát hiện và đăng tải, phóng viên hỏi những người có trách nhiệm thì họ trả lời qua quýt cho xong chuyện; tức là họ không biết, họ đi họp hay đi vắng nên chưa nắm được…
-Nhà báo Võ Văn Tạo

Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do trước thắc mắc của dư luận vì sao những vụ việc vi phạm nghêm trọng như thế, mà cơ quan chức năng không hay biết hay cho rằng khó phát hiện và chưa phát hiện, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo lý giải rằng:

“Thực chất là thế này, trong kinh nghiệm làm báo của tôi là họ bảo kê cho những việc đó. Họ bảo kê hết. Họ biết quá đi chứ, nhưng họ có quyền lợi trong đó. Hầu hết các trường hợp như thế đều đút lót hết, chứ không thể nào không biết. Nói thẳng vấn đề là như thế. Nhưng khi bị truyền thông phát hiện và đăng tải, phóng viên hỏi những người có trách nhiệm thì họ trả lời qua quýt cho xong chuyện; tức là họ không biết, họ đi họp hay đi vắng nên chưa nắm được…Những chuyện này thì bọn tôi gặp hoài, gặp nhiều lắm.”

Hẳn nhiều người còn nhớ đến một trong những vụ việc nổi cộm được dư luận đặc biệt quan tâm trong năm 2017, liên quan đến 3 ngọn núi ở Vịnh Hạ Long bị tàn phá do khai thác đá, nhưng giới chức quản lý của doanh nghiệp và chính quyền tỉnh Quảng Ninh vẫn để tình trạng này diễn ra trong nhiều năm, thậm chí còn nói rằng không biết việc phá núi nằm trong vùng đệm. Bí thư tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc, tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh lần thứ 5, phát biểu rằng sai phạm trong vụ khai thác đá tại các núi ở Vịnh Hạ Long thuộc về Lữ đoàn 170 đã lợi dụng công trường trong ranh giới quốc phòng để đưa tư nhân vào khai thác đá và đây là một bài học trong việc quản lý tại địa phương.

Giải quyết hậu quả thế nào?

Liên quan đến vụ việc về cây cầu xây dựng ở khu di sản Tràng An, Bộ Văn Hóa-Thông Tin Việt Nam khẳng định nguyên nhân là do chính địa phương đã sơ sót và buông lỏng trong quản lý; đồng thời yêu cầu chính quyền tỉnh Ninh Bình phải xử nghiêm và dứt điểm. Tuy nhiên, không ít người cho rằng biện pháp “xử lý dứt điểm” mà Bộ Văn Hóa-Thông Tin yêu cầu chính quyền địa phương phải thi hành là gì, hay rồi cũng là “rút kinh nghiệm” mà thôi? Còn bao giờ Chính quyền Hà Nội sẽ tìm ra chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng xây dựng trái phép ở Ba Vì là ai và rồi liệu rằng chủ đầu tư sẽ đập bỏ 57 căn biệt thự đã xây hay sẽ xin được cấp phép để tiếp tục xây dựng, tương tự như vụ việc các căn biệt thự bị phát hiện xây dựng trái phép ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng?

Những câu hỏi vừa rồi được dư luận nêu ra cũng có cái lý của nó. Bởi vì vụ việc mới nhất liên quan đến 213 container, bị biến mất một cách bí ẩn ở cảng Cát Lái, đã được Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh xử lý bằng cách chuyển công tác một cán bộ và hạ bậc thi đua, mà không có một ai bị khởi tố, bất chấp Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trước đó đã ký công văn yêu cầu xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm. Truyền thông trong nước nêu lên với biện pháp kỷ luật này như một trò đùa với dư luận và cả pháp luật. Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo nhấn mạnh với RFA:

“Các hiện tượng tiêu cực ở đất nước Việt Nam thì quá nhiều, bởi vì bao nhiêu năm như thế rồi. Cho nên nếu gọi là xử lý hết được theo mong muốn của công chúng thì khách quan mà nói là không xuể đâu.”

Tham nhũng từ trên xuống dưới. Càng lên cao thì càng tham nhũng lớn. Trên chóp bu tham nhũng thì cấp dưới tội gì không tham nhũng và cứ thế tham nhũng xuống tận cơ sở. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn
-Giáo sư Tương Lai

Chúng tôi cũng liên lạc với một vài nhà quan sát tình hình Việt Nam ở trong nước và được họ cho biết tiêu cực tràn lan trong mọi lãnh vực không phải vì công tác quản lý nhà nước yếu kém mà là do chính hệ thống tạo ra những tiêu cực đó. Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam nói rằng:

“Tham nhũng từ trên xuống dưới. Càng lên cao thì càng tham nhũng lớn. Trên chóp bu tham nhũng thì cấp dưới tội gì không tham nhũng và cứ thế tham nhũng xuống tận cơ sở. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn.”

Đài RFA ghi nhận trên các trang fanpage của báo mạng chính thống Việt Nam xuất hiện một số ý kiến bày tỏ sự hy vọng những vụ việc tiêu cực nêu trên sẽ được giải quyết triệt để, vì theo họ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đóng vai trò trưởng ban chống tham nhũng, vào cuối năm ngoái đã tuyên bố rằng việc chỉnh đốn Đảng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội, nhiều cư dân mạng chia sẻ tình trạng đất nước Việt Nam giống như vô chủ qua những lời biện bạch vô trách nhiệm của giới chức các cơ quan chức năng trước rất nhiều vụ việc tiêu cực và một ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản lãnh đạo cũng không thể nào thay đổi được tình hình, như lời của nhà báo Võ Văn Tạo “Tôi nghĩ có đến 10 hay 100 ông Nguyễn Phú Trọng làm đến 10, 20 năm nữa cũng không giải quyết được 70-80% các tiêu cực”.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/conspicuous-violations-without-responsible-authorities-03122018153734.html