Tin Việt Nam – 13/01/2017
Cha bị triệu tập vì một bài báo của con trên VOA?
Ông Phạm Văn Hùng, 86 tuổi, thân phụ của nhà báo độc Phạm Chí Dũng đã bị “triệu” đến Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh để “làm việc” vào ngày 10/1.
Nhà báo Phạm Chí Dũng xem đây là một hành vi bất nhã và thiếu lễ độ. Ông nói với VOA như sau:
“Gia đình tôi đánh giá cách mời của họ là một sự trịch thượng và vô lễ vì họ chỉ cho người thông báo qua điện thoại.”
Nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết có rất nhiều cơ quan của thành ủy có mặt trong buổi triệu tập này và họ đưa ra nhiều lời đe dọa, trong đó có đe dọa khởi tố Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam do ông làm chủ tịch:
“Trong buổi làm việc đó có cả quan chức của Đảng như Ban Nội chính Thành Uỷ, Ban Tuyên giáo Thành Uỷ, và Văn phòng Thành Uỷ. Họ có ý kiến mà tôi nghe ba tôi thuật lại rằng họ nói tôi viết bài xuyên tạc, viết bài sai sự thật. Thậm chí có ý kiến cho rằng đã đủ yếu tố để khởi tố tôi về vụ thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.”
Ông Dũng tin rằng Thành ủy cảm thấy những bài báo của ông đã đụng chạm đến sân sau của Thành ủy, trong đó có một bài viết trên VOA đề cập đến ông cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải.
Bài viết trên của ông Dũng cho VOA vào tháng 12, 2016 có đoạn: “Có dư luận cho biết công an đã nắm rõ được hành vi gây thất thoát của ông Trần Phương Bình tại DongA Bank, nhưng không dám bắt vào năm 2015 là vì DongA Bank là một ngân hàng của Thành ủy TP HCM được bí thư thành ủy khi đó là ông Lê Thanh Hải che chắn. Luồng dư luận này cũng cho rằng việc ông Trần Phương Bình bị bắt vào thời điểm cuối năm 2016, khi ông Lê Thanh Hải đã nghỉ, là một đòn đánh vào ông Hải và khối tài sản khổng lồ tích góp qua nhiều năm của ông này”.
Ngoài ra, theo theo ông Dũng, chính quyền muốn chặn những bài viết tiếp theo của ông về Tp. Hồ Chí Minh hay cụ thể hơn là các bài liên quan đến ông Lê Thanh Hải.
“Ngay trong một bài báo mà họ đặc biệt nhấn mạnh, bài liên quan đến ông Trần Phương Bình, cựu chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á ở Tp. HCM bị bắt. Trong bài đó trong dẫn nguồn dư luận đánh giá rằng ông Trần Phương Bình có mối quan hệ có lẽ được che chắn bởi ông Lê Thanh Hải thành thử không bị bắt vào năm 2015.”
Ông Dũng cũng tin rằng cuộc triệu tập này do ông Lê Thanh Hải đứng phía sau, thông qua Phó Bí thư thường trực Tất Thành Cang:
“Cũng không loại trừ khả năng là ông Lê Thanh Hải có nhờ riêng ông Tất Thành Cang để ông Tất Thành Cang tổ chức một cuộc họp như vừa rồi, lấy danh nghĩa của thành ủy để đặt ra những vấn đề liên quan đến ông Lê Thanh Hải.”
Cũng theo nhà báo độc lập, những bài viết của ông liên quan đến chế độ hiện hành, quốc nạn tham nhũng, thực chất nền kinh tế, và các quyền tự do căn bản của người dân bị đàn đáp. Trong khi đó chính quyền từ trung ương đến địa phương lại bưng bít các thông tin này.
Trong thư ngỏ cho thành ủy ngay trong ngày 10/1, ông Dũng đề nghị đối thoại với ông Tất Thành Cang để cùng tìm ra sự thật. Tuy nhiên, ông Dũng tin rằng thư ngỏ của ông sẽ không được phản hồi.
http://www.voatiengviet.com/a/cha-bi-trieu-tap-vi-mot-bai-bao-cua-con-tren-voa/3673715.html
60 người liên quan đến tham nhũng, 20 người ‘bị xử lý’
Báo chí Việt Nam đưa tin cho hay tại một hội nghị hôm 11/1, Thanh Tra Chính phủ thông báo trong năm 2016 cơ quan thanh tra các cấp phát hiện 60 người “có hành vi liên quan đến tham nhũng”, và có 20 người đứng đầu “bị xử lý” vì “thiếu trách nhiệm, để xảy ra hành vi tham nhũng”.
Không có thông tin cụ thể về danh tính và chức vụ của những “người đứng đầu” đó. Tin cho hay trong số 20 người, có 1 người đứng đầu đã bị xử lý hình sự, nhưng không rõ mức độ hình phạt; 10 người khác bị xử lý “kỷ luật hành chính” bằng các hình thức như cảnh cáo, khiển trách.
Các quan chức đã “bị xử lý” là những người làm việc ở Bạc Liêu, Hậu Giang, Hòa Bình, Kiên Giang, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Vĩnh Long, Bình Thuận và Cần Thơ. Riêng 3 tỉnh cuối có từ 3 tới 4 quan chức “bị xử lý”.
Tường thuật của báo chí cho biết thêm rằng riêng Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 55 cuộc thanh tra, tập trung vào sự vận hành của các bộ, vấn đề đất đai ở các địa phương, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như phòng, chống tham nhũng.
Trong số đó, 21 cuộc thanh tra đã có kết luận xác định rằng có những vi phạm với tổng số tiền là gần 11,1 nghìn tỉ đồng, cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi hơn 5 nghìn tỉ đồng.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói với VOA rằng các nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam không mang lại những tín hiệu tích cực:
“Cụ thể những vụ chống tham nhũng như vụ Trần Xuân Thanh, vụ Vũ Huy Hoàng, người ta cho rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng này lập cập không đi tới đâu. Chỉ có vụ đó mà làm chưa ra ngô ra khoai. Còn bao nhiêu vụ, vụ Núi Pháo, vụ AVG, rồi người ta nhắc lại vụ Vinashin, Vinalines nữa. Còn bao nhiêu doanh nghiệp thế này thế kia. Rõ ràng cách làm việc nặng về lượng, nhưng mà hiệu quả công việc rất thấp. Cho nên lòng dân người ta rất buồn, người ta mong muốn rằng cái nhà nước này phải hứa với người dân, phải tin người dân”.
Đầu năm 2016, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng, xếp hạng 168 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công.
Điểm số của Việt Nam là 31/100 điểm, đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu, tức là thuộc nhóm các nước có nhiều tham nhũng.
Khi đó, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, nói với báo chí các tiêu chí của Tổ chức Minh bạch Quốc tế rất khác với cách đánh giá của Việt Nam. Ông nói cách đánh giá đó “không phản ánh một cách toàn diện được tình hình tham nhũng tại Việt Nam”.
Ông Đạt cho rằng trong vài năm trở lại đây công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã “có những bước tiến mới, có nhiều giải pháp đột phá mang lại nhiều hiệu quả, song các tổ chức nước ngoài không ghi nhận”.
http://www.voatiengviet.com/a/sau-muoi-nguoi-lien-quan-den-tham-nhung-20-bi-xu-ly/3673691.html
Ngoại trưởng Mỹ Kerry gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry đang đi thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần cuối cùng trên cương vị ngoại trưởng. Ông đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội hôm thứ Sáu 13/1.
Trong cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và quyền Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, ông Kerry nói:
“Tôi rất vui mừng được trở lại Việt Nam, nơi chúng ta cùng phát triển mối quan hệ thêm khắng khít.”
Khi được hỏi về thành tích nhân quyền còn yếu kém của Việt Nam, ông Kerry nói:
“Đã có rất nhiều bước cải thiện, nhưng vẫn còn một số thách thức.”
Ông dự kiến sẽ đến thăm đồng bằng sông Cửu Long, nơi ông đã tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Sau chuyến công du đến Việt Nam, ông Kerry sẽ đi đến Paris để dự một hội nghị hòa bình về Trung Đông và đến London để gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson.
Trong chặng cuối cùng của chuyến công du, Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm John Kerry sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.
http://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-kerry-gap-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc/3675012.html
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được thông tin cho công chúng
Lần đầu tiên người dân thủ đô của Việt Nam được biết chất lượng không khí hàng ngày ở Hà Nội, nơi trong nhiều năm qua được coi là có mức độ ô nhiễm cao nhất nhì thế giới.
Trang web hanoi.gov.vn/quantracmoitruong cho phép người dân theo dõi được mức độ ô nhiễm không khí bằng các dữ liệu thu thập tại thời điểm thực từ các trạm quan trắc môi trường bắt đầu từ 1/1 năm nay.
Những chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong những ngày đầu tiên của năm 2017, theo VNExpress, cho thấy mức độ ô nhiễm không khí của thủ đô luôn ở các mức kém và nguy hại trong nhiều ngày liên tiếp. Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ trên trang web này, chỉ số AQI ghi nhận trong ngày 12/1 cho thấy chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức “Tốt.”
Theo chuyên gia Lê Xuân Lan của Đại học Tài Nguyên Môi Trường, việc cung cấp thông tin về mức độ ô nhiễm không khí là một việc tất yếu với xu thế hội nhập quốc tế. Nhưng theo bà Lan người dân ở Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều từ những thông tin như vậy.
“Những cơ quan chịu trách nhiệm phải thêm nhiều bản thông báo bằng đèn LED ở trên các tuyến đường chính để thông báo – (ví dụ) sáng hôm nay mức độ ô nhiễm như thế nào, hoặc là những ngày cao điểm, giờ cao điểm thì ra làm sao.”
Theo bà Lan, việc cung cấp chỉ số đơn thuần như thế chưa thể giúp ích nhiều cho người dân vì sự tuyên truyền này chỉ mang tính chất “đối phó.”
“Bây giờ người ta phải biết mức độ ô nhiễm như vậy thì ảnh hưởng đến cái gì – đến phổi đến mắt đến da hay gì đó – rồi bảo vệ như thế nào. Mình vẫn chưa làm tốt được cái này. Mặc dù báo chí đưa [tin] nhiều nhưng mang tính đối phó là chính hoặc qua một chiến dịch như vậy. Còn phải đưa vào một nhu cầu cấp thiết của đời sống thì nó mới tốt.”
Hà Nội là một trong 19 thành phố nằm trong chương trình của bộ Tài Nguyên Môi Trường nhằm cung cấp thông tin về chất lượng không khí trên khắp cả nước bắt đầu từ năm nay.
Theo các chuyên gia về môi trường, mức ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã tăng cao và đến mức báo động trong những năm gần đây. Họ đã cảnh báo rằng Hà Nội đang phải đối mặt với trực trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Theo báo Tài Nguyên Môi Trường, kết quả đo được từ Cơ quan bảo vệ Môi trường Mỹ tại các thành phố lớn ở các quốc gia trong năm 2016, thành phố Hà Nội đã có lúc có chỉ số ô nhiễm cao thứ nhì thế giới, chỉ sau Ardhali Bazar của Ấn Độ.
Chuyên gia môi trường Lê Xuân Lan cho VOA biết mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội còn cao hơn cả Thành phố Hồ Chí Minh nơi có số dân cao gấp hơn 2 lần với gần 13 triệu người.
“[Ở] Hà Nội mức độ ô nhiễm về không khí còn khủng khiếp hơn ở miền nam. Tại vì sao? Vì bây giờ công trình ngổn ngang, và thêm nữa là mật độ dân cư và lượng xe hơi. Chính vì vậy mức độ ô nhiễm của Hà Nội ở mức báo động rất cao.”
Các hoạt động về công nghiệp và sự quá tải về lưu lượng xe tham gia giao thông là nguyên nhân chính của vấn nạn ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Báo Tài Nguyên Môi Trường trích lời Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Ngô Thái Nam nói nguồn cơn ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu do bụi và các khí ô nhiễm phát sinh từ hoạt động giao thông. Hiện Hà Nội có 5.5 triệu phương tiện giao thông cá nhân trong đó gần 5 triệu xe máy, tương đương với mật độ của hơn 70 ô tô và 700 xe máy trên 1km đường.
Theo báo cáo môi trường quốc gia mới nhất của bộ Tài Nguyên và Môi Trường giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp nằm trong các nguồn chính gây ô nhiễm không khí ở Việt Nam.
http://www.voatiengviet.com/a/o-nhiem-khong-khi-o-ha-noi-duoc-thong-tin-cho-cong-chung/3673762.html
TQ ‘kiên trì phát triển quan hệ’ với VN
Trung Quốc ‘trước sau như một’ kiên trì phát triển quan hệ với Việt Nam, Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường khẳng định với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại cuộc gặp giữa các lãnh đạo Việt – Trung trong ngày thứ hai chuyến thăm của ông Trọng tới Bắc Kinh.
Hôm 13/01/2017, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô của Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường tiếp kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Trung Quốc trước sau như một kiên trì phát triển quan hệ với Việt Nam theo phương châm thân thiện với láng giềng,” Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) dẫn lời Thủ tướng TQ.
Đồng thời Bắc Kinh cũng “thúc đẩy hợp tác trên biển, trên bộ và tài chính thu được nhiều thành quả hơn” bên cạnh các hoạt động hợp tác khác “để nhân dân hai nước được hưởng lợi nhiều hơn”, ông Lý Khắc Cường nói.
Không chỉ giới hạn trong quan hệ song phương, Thủ tướng Trung Quốc nói với ông Nguyễn Phú Trọng rằng Bắc Kinh “coi trọng phát triển quan hệ với Asean” và cam kết hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau với khối này, trong đó có kinh tế, thương mại, gìn giữ hòa bình, ổn định cho khu vực, và về vấn đề hợp tác tiểu vùng sông Me Kong.
Nhất trí thúc đẩy hợp tác
Được biết trong cuộc trao đổi, hai nhà lãnh đạo đã ‘nhất trí phát huy hơn nữa’ trong các vấn đề hợp tác thương mại, cải thiện tình trạng mất cân bằng thương mại song phương và thúc đẩy mở cửa thị trường Trung Quốc cho hàng nông lâm thủy sản Việt Nam.
Hai bên cũng đề cập tới việc thành lập các văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, khởi đầu với văn phòng tại tỉnh Chiết Giang.
Phía Việt Nam “hoan nghênh các dự án của Trung Quốc áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường”, Thông tấn xã Việt Nam tường thuật, và “sẵn sàng cùng với Trung Quốc thực hiện tốt các nhận thức chung đã đạt được, tăng cường giao lưu cấp cao và tin cậy chính trị, sâu sắc phát triển kết nối chiến lược, mở rộng thương mại và đầu tư hai chiều, triển khai hợp tác cùng có lợi”.
Vấn đề hợp tác trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, sử dụng các khoản tín dụng và cấp viện của Trung Quốc cho Việt Nam cũng được đề cập đến.
Tiếp xúc doanh nghiệp TQ
Cũng hôm thứ Sáu, truyền thông Việt Nam cho biết thêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cuộc tiếp xúc riêng rẽ với lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và nhiều doanh nghiệp Trung Quốc.
“Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức TQ, sáng nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) Kim Lập Quần,” VietnamNet dẫn nguồn từ Thông tấn xã Việt Nam, và gặp gỡ ông Jonathan Choi, Chủ tịch tập đoàn Sunwah, một tập đoàn Trung Quốc có nhiều năm hợp tác đầu tư tại Việt Nam.
Tổng bí thư đề xuất AIIB hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, điều vốn được coi là một trong ba trụ cột tạo đột phá chiến lược, và nhận được cam kết hợp tác từ phía ông Kim Lập Quần ‘vì sự phát triển kinh tế của Việt Nam’.
Ông chủ tịch AIIB cũng tỏ ý quan tâm tới việc phát triển hạ tầng tại Việt Nam qua các dự án đường sắt, đường bộ, tàu điện ngầm, và cảng biển, hướng tới việc tăng khả năng kết nối giữa các quốc gia thành viên ASEAN.
Trước đó, trong ngày đầu tiên tới Bắc Kinh, hôm thứ Năm, ông Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội đàm và dự tiệc trà với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong chuyến thăm kéo dài bốn ngày, từ 12-15/1/2017, ông Nguyễn Phú Trọng cũng tiếp xúc, gặp gỡ với giới nhân sỹ, trí thức và lãnh đạo hội hữu nghị Trung-Việt.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38610932
‘Không được đón Đặng Xuân Diệu’ ở sân bay Pháp?
Luật sư Trịnh Hội trả lời BBC về trường hợp Nguyễn Văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức… nhân trường hợp tù nhân Đặng Xuân Diệu, một trong những ‘thanh niên Công giáo’, được đi Pháp ‘chữa bệnh’ hôm 12/1 nhưng một nhóm nhà hoạt động đã không được vào đón.
Hôm 13/1, một số người ra đón Đặng Xuân Diệu tại sân bay Charles de Gaulle, Paris, Pháp nhưng không gặp được ông.
Sau đó, Đảng Việt Tân đưa cáo buộc “chính quyền Pháp thông báo phía Việt Nam không muốn có bất cứ cuộc đón tiếp của người Việt nào ở đây với tù nhân Đặng Xuân Diệu vừa được phóng thích, nếu có đến thì cũng không được tụ tập chào đón, quay phim”.
Đặng Xuân Diệu là một trong 14 bị cáo bị Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An kết án 13 năm tù giam hồi 1/2013 với tội danh Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Hôm 13/1, trả lời BBC, Luật sư Trịnh Hội, giám đốc điều hành tổ chức VOICE, cho hay:
“Cách đây khoảng vài tuần, bên EU có chủ động liên lạc với chi nhánh của chúng tôi ở châu Âu để nhờ đứng ra làm giấy tờ bảo trợ cho Đặng Xuân Diệu qua Pháp định cư.”
Chọn lựa đi hay ở của tù nhân lương tâm là phải để chính họ trả lời. Chúng ta không có quyền phán xét.Luật sư Trịnh Hội
“Chúng tôi đã vui vẻ nhận lời. Mục tiêu hoạt động của chúng tôi rất đơn giản: thúc đẩy việc bảo vệ nhân quyền và xây dựng xã hội dân sự Việt Nam.”
“Khi bên EU liên lạc với chúng tôi về việc bảo trợ cho Đặng Xuân Diệu thì điều mà chúng tôi quan tâm đến nhất là tình trạng sức khỏe của ông ấy cũng như việc ông liên tục bị ngược đãi trong tù.”
“Việc ông Diệu hoặc một tù nhân lương tâm khác có thuộc tổ chức hay đảng phái nào không thành vấn đề.”
“Miễn là các hoạt động của họ đang thúc đẩy cho một Việt Nam tốt đẹp hơn.”
“Cũng cần nói ngay VOICE là một tổ chức nhỏ, phi chính phủ, phi lợi nhuận đang cùng các tổ chức khác tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ và nhân bản hơn.”
“Trong đó bao gồm việc kêu gọi trả tự do cho hơn 100 tù nhân lương tâm hiện đang bị cầm tù.”
Đặng Xuân Diệu ‘ra tù trước hạn’
Lời kêu gọi thả luật sư Nguyễn Văn Đài
Luật sư cũng cho biết thêm: “Hiện tại, chúng tôi tiếp tục vận động các nước Mỹ, Úc, Canada, và EU để những tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức, Đinh Nguyên Kha… sớm được tự do.”
“Trường hợp của luật sư Nguyễn Văn Đài cũng tương tự như ông Trần Huỳnh Duy Thức. Cả hai chỉ muốn được thả vô điều kiện chứ không phải đi tỵ nạn ở một nước thứ ba.”
“Lúc tôi đi vận động ở Mỹ và châu Âu với bố của ông Duy Thức hay với vợ của luật sư Đài thì cả hai cũng đều nói vậy.”
“Họ chỉ mong là các nước sẽ làm áp lực để người thân của họ được thả ra.”
‘Tôn trọng lựa chọn cá nhân’
Trả lời câu hỏi của BBC, “Ông nghĩ sao về chọn lựa ở lại hay đi khỏi Việt Nam của tù nhân lương tâm?” ông Trịnh Hội đáp: “Tôi nghĩ đây là câu hỏi mà trước tiên và quan trọng nhất là phải để chính người tù nhân lương tâm đó trả lời.”
“Và chúng ta phải thật sự tôn trọng quyết định của họ. Là những người ở bên ngoài, chúng ta không hiểu hoàn cảnh của họ ra sao và càng không có quyền phán xét.”
“Đi khỏi Việt Nam hay ở lại tùy vào hoàn cảnh của mỗi người và nếu cho mình là những người hoạt động thì bất kỳ ở nơi nào, họ vẫn có thể tiếp tục hoạt động.”
“Ông Điếu Cày và bà Tạ Phong Tần là những thí dụ điển hình.”
“Nếu chỉ nói riêng về hành động thả tù nhân lương tâm của nhà cầm quyền, ý kiến của tôi là càng có nhiều người được thả càng tốt.”
“Tự điều ấy sẽ nói lên những điều khoản lố bịch trong Bộ luật Hình sự Việt Nam cũng như cả hệ thống tư pháp.”
“Phiên này thì xử 7 năm, phiên khác 10 năm, 13 năm. Vài năm sau họ lại buộc phải thả tù nhân vì bị áp lực của cộng đồng quốc tế.”
“Nếu bạn là tôi thì bạn nghĩ sao?”, ông Trịnh Hội hỏi lại.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38582729
Năm người chết dưới hầm nước mắm Phú Yên
Bốn người Việt Nam và một người Thái Lan tử vong dưới hầm làm nước mắm của Công ty Cổ phần Foodtech chi nhánh Phú Yên hôm thứ Năm, 12/1.
Nguyên nhân tử vong hiện đang được các cơ quan điều tra đang làm rõ.
Báo Mới dẫn lời ông Lê Văn Thành – Giám đốc Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho biết, theo báo cáo ban đầu, “nghi là do bị ngạt khí độc trong hầm làm nước mắm”.
Báo Lao Động lại dẫn lời ông Võ Ngọc Hòa, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, nói có thể các nạn nhân tử vong do bị điện giật.
Cũng theo lời ông Hòa, vào khoảng 11h trưa ngày 12/1, một công nhân xuống hầm nước mắm làm việc, khoảng 10 phút sau không thấy lên. Một công nhân khác cắt cầu dao điện rồi xuống kiểm tra và lần lượt ba người khác cũng xuống, nhưng tất cả đều tử vong, báo Lao Động đưa tin.
Một nguồn tin giấu tên nói với hãng AFP: “Chúng tôi tin rằng họ tử vong do ngạt khí độc trong hầm chứa đầy cá muối để làm nước mắm”.
Ông không nói rõ những nguyên liệu gì được sử dụng trong quá trình làm nước mắm ở doanh nghiệp này.
Được biết ba nạn nhân thiệt mạng tại chỗ, còn hai người chết trên đường đi cấp cứu.
Các nạn nhân tử vong được xác định là Huỳnh Văn Nê (22 tuổi, ở thị trấn Hòa Hiệp Trung), Nguyễn Văn Vinh (50 tuổi, ở thị trấn Hòa Vinh), Hồ Viết Nguyên (35 tuổi, ở xã Hòa Thành), Lê Thành (30 tuổi, ở xã Hòa Hiệp Bắc), và chuyên gia người Thái Siriphong Phiuphu Khieo (47 tuổi).
Công ty Cổ phần Foodtech là doanh nghiệp có 100% vốn Thái Lan, bắt đầu hoạt động từ năm 2008 trong lĩnh vực chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản, có chi nhánh đặt tại huyện Đông Hòa, Phú Yên với gần 400 nhân công, chủ yếu là người địa phương.
Các vụ tai nạn trong nhà máy công nghiệp là khá phổ biến ở Việt Nam, nơi các quy định an toàn lao động và luật lao động không được tuân thủ nghiêm ngặt.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38609402
Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên bị cấm xuất cảnh
Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên bị cấm xuất cảnh tại cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh vào chiều tối ngày 13/1/2017 khi đưa người thân ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do khi còn bị giữ tại Cửa khẩu Mộc bài, bà Phạm Thanh Nghiên cho biết:
Tôi đang ở cửa khẩu Mộc Bài, tôi đưa ba tôi sang Bangkok để chữa bệnh, đồng thời đi thăm em trai và em gái đằng chồng nhà tôi. Nhưng mà tự nhiên họ nói với tôi là tôi thuộc diện cấm xuất cảnh. Tôi hỏi lý do thì họ không nói được. Bây giờ tôi đang ngồi chờ, họ thì đang làm việc với nhau, không biết thế nào. Tôi đã hết quản chế từ hơn 1 năm trước, từ ngày 19/8/2015, hôm nay là ngày đầu tiên tôi xuất cảnh thì họ nói với tôi là tôi không được xuất cảnh.
Bà Phạm Thanh Nghiên, 38 tuổi là cựu tù nhân lương tâm. Bà bị bắt vào tháng 8 năm 2009; đến tháng giêng năm 2010 bị đưa ra xét xử với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước và bị tuyên án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Bà từng lên tiếng về việc Trung Quốc giết hại ngư dân Việt trong vùng biển Vịnh Bắc bộ và Biển Đông. Để phản đối thái độ gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam, bà là người đầu tiên thực hiện tọa kháng chống Tàu ngay ở nhà mình. Sau khi mãn hạn tù, bà vẫn tiếp tục nhiều hoạt động như tham gia chiến dịch Nhân quyền 2015, các nhóm Công dân tự do, Cà phê nhân quyền… Trong thời gian quản chế bà bị cơ quan chức năng triệu tập khoảng 40 lần và gây nhiều khó khăn cho gia đình, người thân của bà.
Bà được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch trao giải Hellman-Hammett năm 2009.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/phamthanhnghien-not-allow-abroad-01132017091411.html
Bộ Công an: Hơn 800 tài liệu bí mật nhà nước bị lộ
Bộ Tình trạng bí mật nhà nước bị lộ ngày càng nhiều nên cần phải xây dựng dự án luật về vấn đề này.
Đây là lý giải của Bộ Công An Việt Nam khi vừa cho công bố dự thảo luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Tin ghi nhận được cho biết dự kiến Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước do Bộ Công an đưa ra sẽ thay thế Pháp lệnh được thông qua hồi năm 2000.
Thống kê của Bộ Công an Việt Nam cho thấy từ năm 2001 đến nay có gần 850 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước, trong đó có những tài liệu được đóng dấu tuyệt mật.
Cũng tin liên quan, phó cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông, thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, hôm nay thừa nhận tình trạng nhiều người dân bàng quang trước tình trạng cảnh sát giao thông bị đánh.
Thừa nhận của thiếu tướng công an Nguyễn Hữu Dánh được đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 của Phòng Cảnh sát Giao thông thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Hữu Dánh kêu gọi cảnh sát giao thông cần xây dựng hình ảnh vì theo ông Dánh đây là lực lượng ‘mặt tiền của mặt tiền’, phải tăng cường chấn chỉnh tác phong, xây dựng hình ảnh cảnh sát giao thông thân thiện và nhân văn trong lòng người dân.
Các nhà bất đồng chính kiến
không thể gặp ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Sáng hôm nay, 13 tháng 1, Ngoại trưởng John Kerry đã ghé thành phố Hồ Chí Minh sau khi đến Hà Nội vào ngày hôm qua trong chuyến công du châu Á cuối cùng của ông.
Giống như lệ thường, công an thường phục tiếp tục canh giữ hoặc gây khó khăn cho một số người bất đồng chính kiến. Nhà văn Nguyễn Viện là một trong số người bị để mắt tới cho chúng tôi biết trường hợp của ông:
Hôm nay riêng cá nhân tôi ngay từ sáng sớm đã được an ninh mời đi uống café, ăn sáng. Tôi đoán ngay là lý do ông John Kerry đến Sài Gòn. Đây không phải là lần đầu mới xảy ra với cá nhân tôi mà thường mỗi khi có gì nhạy cảm hay quan chức nào của Mỹ tới Sài Gòn hoặc một ngày lễ nào đó mà có dấu hiệu anh em tụ tập đâu đó. Lúc trước tôi bị canh cổng luôn nhưng sau này ít hơn và để cho thoải mái cả hai bên thì thường họ mời tôi đi uống café ăn sáng.
“Sẽ có biện pháp nếu vẫn muốn đi”
Luật sư Lê Công Định tuy được Tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn mời gặp Ngoại trưởng John Kerry nhưng bị an ninh công khai cản trở. Luật sư Định kể lại:
Bắt đầu tối hôm qua tôi phát hiện rất nhiều an ninh chìm có mặt ngay tòa nhà tôi đang ở. Sáng nay khi vừa bước chân ra khỏi nhà thì họ nắm tay kéo tôi lại đề nghị tôi ở trong nhà không được đi đâu hết, tôi hỏi lý do thì họ không nói. Đến gần trưa tôi đi ra một lần nữa thì họ nói thẳng với tôi là họ không muốn tôi gặp ông John Kerry bởi vì họ biết bên sứ quán Mỹ có mời tôi gặp ông John Kerry lúc 3 giờ chiều. Tôi không đồng ý chuyện đó thì họ nói họ sẽ có biện pháp nếu tôi vẫn muốn đi.
4 giờ tôi ra khỏi nhà tôi đi đến một nơi hẹn khác và gặp một nhà ngoại giao khác vì không thể gặp ông John Kerry được nữa bởi vì cuộc hẹn đó coi như bị hủy, tuy nhiên cuộc hẹn với một nhà ngoại giao khác nói thật rất là lý thú đối với tôi ngày hôm nay.
Cũng như mọi lần trước số người bị canh giữ không cho ra khỏi nhà rất đông mặc dù không có biểu hiện nào cho thấy họ muốn gặp Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến đi cuối cùng của ông.