Tin Việt Nam – 13/11/2020
Công an CSVN tăng cường hợp tác với an ninh Trung Cộng
Tin từ Hà Nội: Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin công an cộng sản Việt Nam và công an Trung Cộng cam kết sẽ tiếp tục thắt chặt quan hệ song phương để bảo đảm trật tự xã hội và sự cầm quyền của hai đảng cộng sản ở hai quốc gia láng giềng.
Trong buổi tiếp tân trưởng đại diện của bộ công an Trung Cộng tại Việt Nam Vương Bôn, thứ trưởng công an cộng sản Việt Nam thiếu tướng Lê Tấn Tới đề nghị lực lượng công an của hai nước chủ động chia sẻ thông tin về an ninh quốc gia và các loại tội phạm, hỗ trợ đào tạo sỹ quan công an, tài trợ phương tiện và thiết bị, và bảo đảm an toàn các chuyến thăm của viên chức cao cấp hai nước…
Ông Bôn nói trong nhiều năm qua, lực lượng công an cộng sản Việt Nam và Trung Cộng đã hợp tác và phối hợp rất hiệu quả, góp phần bảo vệ chế độ và trật tự xã hội ở mỗi nước. Cộng sản Việt Nam và Trung Cộng cùng chia sẻ ý thức hệ và công an của mỗi nước được coi là thanh bảo kiếm của chế độ. Hàng nghìn công an trung cao cấp của cộng sản Việt Nam được đưa đi đào tạo bên Trung Cộng mỗi năm.
Năm 2017, tướng công an Trương Giang Long công khai nói có rất nhiều viên chức cao cấp, kể cả sỹ quan công an cộng sản Việt Nam làm gián điệp cho Trung Cộng. Việt Nam và Trung Cộng có đường biên giới chung dài hàng nghìn kilomet và Việt Nam là mảnh đất màu mỡ của tội phạm người Hoa Lục trong các hoạt động mại dâm, đánh bạc trực tuyến, ma tuý… Tuy nhiên, hầu hết những kẻ tội phạm này khi bị công an cộng sản Việt Nam bắt không bị truy tố mà chỉ bị trục xuất về Trung Cộng.
https://www.sbtn.tv/cong-an-csvn-tang-cuong-hop-tac-voi-an-ninh-trung-cong/
Công tác cứu trợ: những scandals
và chuyện ăn chặn không dứt
Nữ ca sĩ Phương Thanh vào ngày 12/11 đã có buổi làm việc với Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi liên quan phát ngôn của cô trên tài khoản Facebook bị cho là xúc phạm người dân Quảng Ngãi khi nữ ca sĩ này đi làm từ thiện tại các tỉnh miền Trung.
Theo tin được truyền thông Nhà nước Việt Nam đăng tải, tại buổi gặp gỡ, ca sĩ Phương Thanh không nói rõ phát ngôn trên tài khoản cá nhân Facebook là đúng hay sai mà cho rằng chỉ phản ánh thực trạng “mặt trái của từ thiện” và không có mục đích xúc phạm người dân Quảng Ngãi hay Quảng Nam.
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua điều tra, ca sĩ Phương Thanh chưa hề đến Quảng Ngãi làm từ thiện, nhưng lại có nội dung phản ánh phát ngôn trên trang Facebook cá nhân được cho đã xúc phạm, gây mất uy tín người dân Quảng Ngãi và đã vi phạm pháp luật theo Nghị định 15 của Chính phủ.
Nữ ca sĩ Thủy Tiên cũng vướng nhiều ồn ào liên quan tới công tác cứu trợ miền Trung của cô năm nay. Nhiều ý kiến cho rằng nữ ca sĩ có thể vi phạm luật pháp Việt Nam theo Nghị định 64/2008, khi làm từ thiện không thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam…
Tuy nhiên, các quan chức lãnh đạo Việt Nam sau đó khi trả lời báo chí chính thống đều cho biết hành động của ca sĩ Thủy Tiên không vi phạm pháp luật, có chăng cô ca sĩ nên bàn giao cho một tổ chức thực hiện sẽ tốt hơn vì số tiền huy động được quá lớn.
Theo thông tin được nữ ca sĩ Thủy Tiên chia sẻ, chỉ trong 2 tuần kêu gọi, đã có 150 tỷ đồng được gửi đến tài khoản của cô để đi cứu trợ đồng bào miền Trung.
Trao đổi với RFA tối 12/11, Nhà hoạt động xã hội, blogger Nguyễn Lân Thắng, từng tham gia cứu trợ người dân tại vũng lũ Quảng Bình cuối tháng 10 vừa qua lý giải vì sao người dân lại tin tưởng gửi tiền đến nữ ca sĩ Thủy Tiên:
“Từ trước đến giờ thường công tác cứu trợ do Hội chữ thập đỏ hoặc do ban ngành, đoàn thể thuộc Mặt trận Tổ quốc phát động, nhưng trong rất nhiều năm người dân cũng biết, cũng chứng kiến nhiều lần cái trách nhiệm cũng như công tác cứu trợ phía Mặt trận, Hội Chữ thập đỏ rất kém. Có những năm chính những cán bộ phụ trách trong Mặt trận Tổ quốc hay bên Chữ thập đỏ dính vào chuyện tham ô, tham nhũng. Chính vì thế, trong những năm gần đây, khi những hoạt động thiện nguyện do các cá nhân hoặc các tổ chức tôn giáo phát động thường được người dân quan tâm, ủng hộ hơn.”
Vẫn theo blogger Nguyễn Lân Thắng, chính vì khối dư luận quần chúng chuyển hướng sang các hoạt động của các hội nhóm phi nhà nước, nên phía nhà nước mới có phát biểu, cũng như chỉ đạo sao cho việc cứu trợ có thể tập trung vào các ban ngành, đoàn thể thuộc phía nhà nước.
Đồng quan điểm nêu trên, cô Nguyễn Thị Hòa, ở quận Phú Nhuận, cũng gửi tiền cứu trợ đến tài khoản nữ ca sĩ Thủy Tiên trình bày, xin trích nguyên văn:“Ca sĩ, nghệ sĩ mà có tâm, có trách nhiệm, không cắt
xén bớt tiền người khác đóng góp là được rồi. Cỡ hai chục năm trước cô cùng bạn bè cũng từng đem mì và tiền đi cứu trợ người dân bị lũ. Tới nơi thì ủy ban phường đó kêu mọi người ngồi chờ để kêu dân tới. Phát một hồi toàn thấy những người quần áo thẳng thớn đã nhận trước đó đang vòng lại nhận tiếp, nên nhóm cô quyết định dừng phát, nói muốn đi thẳng tới nhà dân phát. Lúc này người bên phường mới nói phải đưa tiền mướn xuồng để chở đi. Tới từng nhà thì thấy ai cũng đang co ro ngồi trên tủ. Từ lần đó cô và bạn cô có kinh nghiệm. Như ca sĩ Thủy Tiên cô thấy trên Facebook tới tận nhà dân nên cô ủng hộ, còn đưa tiền cho mấy ông phường, xã, nhà nước chắc khó tới tay dân.”
Tệ nạn tại các cấp chính quyền trong việc cứu trợ như cô Hòa nêu ra thực tế đến nay vẫn còn.
Cụ thể, Ban cán sự thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã đến thu lại toàn bộ 414 triệu đồng của 69 hộ nhận được cứu trợ từ ca sĩ Thủy Tiên vào ngày 28/10. Nguyên nhân được nói là để chia đều cho 170 hộ của thôn.
Tuy nhiên, dưới sức ép của dư luận, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cán bộ thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa trả lại tiền cho người dân.
Do đó, với góc nhìn của một người dân, cô Nguyễn Thị Hòa đưa ra đề xuất, cũng xin trích nguyên văn: “Năm nào báo chí cũng có tin ông này, ông kia ăn chặn, hoặc như kinh nghiệm của cô đó. Nên nhà nước mình phải quản lý, ra luật chặt chẽ hơn, còn những người ăn chặn như vậy khi phát hiện phải xử mạnh tay để nêu gương. Còn nhà nước vẫn phải hỗ trợ là chuyện đương nhiên, nhưng mà nhiều tầng lớp bộ máy, xuống tới nơi sợ cũng trễ, nên cứ để người dân giúp đỡ lẫn nhau bằng cách thức của họ nếu không phạm pháp, đừng gây khó dễ cho người ta. Đối với mấy người mất nhà, mất cửa tại thiên tai thì mình có cho bao nhiêu cũng không đủ với họ đâu.”
Chị Nguyễn Thị Bích ở thôn 1 Trà Mé, xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, người nhận được 40 triệu từ cô ca sĩ Thủy Tiên cho biết:
“Ca sĩ Thủy Tiên, vài đoàn đến cho nước sạch, gạo, mì tôm, có đoàn tới cho chút tiền hoặc 300 (ngàn đồng) mỗi phong bì, cho lương khô, đồ, các thứ khác, cả chăn cho những người già. Nói chung em thì hoàn cảnh cũng cực khổ mà nhà tan nát hết rồi. Em ở giữa làng mà các đoàn không biết nên mỗi lần đoàn nào về thì em chạy theo cầu cứu, kêu van để cho em một chút tiền để em sửa lại căn nhà để ở.”
Còn theo anh Phan Quốc Vũ ở thôn Trương Xá, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, chỉ cần được hỗ trợ thì từ nhà nước hay tư nhân đều đáng quý:
“Họ cho được từng nào thì người dân hưởng chứ bên chỗ mạnh thường quân, cá nhân, tập thể hoặc bên chỗ Ủy ban Mặt trận tổ quốc ủng hộ thì em không biết. Người dân đen họ không biết, cho họ là họ chỉ biết mừng thôi, cho họ ăn uống, cái này cái nọ, ủng hộ của cải vật chất thì họ không ý kiến.”
Từ Hà Nội, blogger Nguyễn Lân thắng cho rằng tâm lý chung việc quản lý xã hội của chính phủ Hà Nội từ trước đến nay là nhà nước ôm đồm quá nhiều việc trong sự quản lý của họ, không riêng từ thiện mà rất còn nhiều việc khác. Ông Thắng cho rằng với tư duy đó thì chính phủ đang bóp siết hoạt động dân sự rất bình thường của người dân:
“Tôi đã chứng kiến, tôi đã trực tiếp đi cũng có rất nhiều lần thiện nguyện bị ngăn trở, bị hạch sách, nói chung rất nhiều. Những kinh nghiệm đó cho tôi thấy nếu như nhà nước không thay đổi thì những tồn tại trong công tác thiện nguyện vẫn còn và đến một lúc nào đó thì người dân cũng thấy bức xúc và những bất đồng xã hội sẽ làm cho hố sâu ngăn cách giữa nhà nước và công dân ngày càng tăng lên. Chắc chắn điều đó sẽ gây ra bất ổn chính trị, xã hội lớn hơn nữa.”
Người dân Việt với truyền thống tương thân tương ái, luôn hướng về miền Trung mỗi khi eo đất nối dọc 2 miền Nam – Bắc phải hứng chịu nhiều thiệt hại về cả người và của do bão lũ đổ về hàng năm.
Tuy nhiên, những bất cập xung quanh chuyện cứu trợ vẫn luôn là đề tài tranh cãi từ trước đến nay và được nhận định sẽ còn tiếp diễn nếu chính phủ Hà Nội không nghiên cứu cẩn thận và có biện pháp cứng rắn trong chuyện này.
VN: Bão số 13 sắp đổ bộ,
miền Trung sơ tán 135.000 hộ dân
Trước dự báo về bão số 13, các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã lên kế hoạch di dời 135.000 hộ dân trước khi bão đổ bộ
Bão số 13 đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410km về phía Đông Đông Nam, cách đất liền 880km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/h), giật cấp 15.
Theo đó, do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía đông khu vực bắc và giữa Biển Đông có mưa, gió mạnh cấp 8 – cấp 10, sóng biển cao 4 – 6 m; vùng gần tâm bão cấp 11 – cấp 12, giật cấp 15, sóng biển cao 8 – 10 m, biển động dữ dội.
Ông Trần Quang Hoài, tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, nhấn mạnh cơn bão này quét dọc tuyến biển từ Quảng Ngãi đến Thanh Hóa, trọng tâm là Hà Tĩnh đến Quảng Nam với sức tàn phá rất lớn trên biển.
Thủy triều tại khu vực Cửa Ranh, cao nhất 1,9m, sóng có thể đến 10m. Đề nghị các địa phương bảo đảm an toàn. Lũ trên toàn tuyến sông từ Bình Định đến Thừa Thiên Huế hầu hết ở mức báo động 3 nên cần đặc biệt lưu ý.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, ngày mai 14/11, bão chủ yếu theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15-20 km/h. Hoàn lưu bão rộng sẽ gây mưa giông, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng ven biển có nơi cấp 9, giật cấp 11. Các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ xuất hiện đợt mưa lớn.
Đến ngày 15/11, bão theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15 km/h, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới; sau đó, bão tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Bão Vamco mạnh lên, giật cấp 14 trước khi vào Biển Đông
Bão số 12 đổ bộ Khánh Hòa – Phú Yên
Các đài quốc tế đều dự báo bão khi đến gần đất liền sẽ không đi thẳng mà lướt dọc các tỉnh từ Quảng Nam ra Hà Tĩnh; ngày 15/11 tâm bão đổ bộ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thay vì Hà Tĩnh, Quảng Nam như dự báo trước đó.
Đến 4 giờ ngày 16/11, trung tâm vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào, sức gió mạnh nhất giảm xuống dưới cấp 6 (40 km/h).
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên, chính quyền địa phương đã kêu gọi tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; sơ tán dân trên các lồng bè, chòi canh ven biển trước khi bão đổ bộ.
Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình được chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, chủ động kiểm soát chặt chẽ phương tiện trên biển, đặc biệt khu vực ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão để kêu gọi tránh trú, thoát ra ngoài vùng biển nguy hiểm trong cơn bão số 13.
Về công tác sơ tán dân, Quảng Nam dự kiến tuyến biển sơ tán 116.000 hộ dân theo kịch bản cấp độ bão đổ bộ. Khu vực miền núi, sơ tán 10.000 hộ dân ở gần 93 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Khu vực ven sông Vu Gia – Thu Bồn sơ tán 45.000 hộ dân.
Dự kiến tỉnh Thừa thiên Huế sẽ di dời 19.000 hộ dân.
Hôm 10/1, bão Etau – bão số 12 đổ bộ vào Phú Yên – Khánh Hòa gây gió cấp 7 làm chết hai người. Đây là cơn bão thứ hai kể từ đầu tháng 11 đi vào Việt Nam.
Trước đó trong tháng 10, miền Trung hứng chịu 4 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới. Ba đợt lũ cùng 13 vụ lở núi trong tháng qua làm tổng thiệt hại về người là 159 người chết, 71 người vẫn đang mất tích
Quảng Trị: Tìm thấy tất cả thi thể vụ núi lở
.Thêm một vụ lở đất ở Quảng Nam, 11 người bị vùi lấp
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, nhấn mạnh bão số 13 vào thẳng khu vực miền Trung, là nơi trong 1 tháng rưỡi qua liên tiếp đón 8 cơn bão, 2 áp thấp và áp thấp nhiệt đới, chịu tổn thương nhất từ đầu năm nay nên công tác ứng phó phải sẵn sàng cho tình huống rất đặc biệt này.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54927482
Thừa Thiên – Huế: 4 người tử vong do mưa lũ
4 người tử vong trong 2 ngày 12 và 13 tháng 11 ở miền Trung do hậu quả của mưa lũ. Truyền thông Nhà nước loan tin này hôm 13/11.
Cụ thể, báo Thanh Niên trích thông tin từ Uỷ ban Nhân dân Thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế, cho biết một phụ nữ có tên là Hoàng Thị Thảo – 47 tuổi đã chết hôm 12/11 do bị một bức tường sập đè lên người khi người này cố tìm cách cứu đàn gà của gia đình khỏi bị nước lũ cuốn trôi.
Cũng trong ngày 12/11, hai người dân khác ở huyện Phong Điền đã tử vong vì bị lật ghe. Hai nạn nhân là anh Hoàng Văn Quý – 32 tuổi và cháu của anh Quý là Hoàng Thanh Bình – 11 tuổi. Cả hai trú tại thôn Hiền An, Xã Phong Sơn, huyện Phong Điền.
Vào ngày 13/11, một người tại huyện Quảng Điền đã tử vong do lũ. Theo báo Thanh Niên, nạn nhân là chị Trần Thị Ngọc Huyền, sinh viên năm 2 ngành du lịch. Chị được bố là ông Trần Quang Hùng dùng xe công nông chở đi vượt lũ để lên thành phố Huế học. Chiếc xe khi đến đoạn đường liên thôn thuộc thôn Mỹ Xá, xã Quảng An, đã bị lật rơi xuống ruộng giữa dòng lũ khiến chị Huyền tử nạn, một người con trai của ông Hùng đi theo xe bị gãy chân.
Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, do ảnh hưởng của bão số 12 từ ngày 10 đến 12/11, trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn, lũ trên các sông đạt trên báo động 2, có sông ở mức báo động 3. Nhiều đường liên thôn, liên xóm, tỉnh lộ đến sáng ngày 13/11 vẫn còn bị chia cắt.
Hồ thủy lợi, thủy điện xả nước,
Huế ngập nặng dù trời không mưa
Hiểu Minh
Nhiều vùng hạ du, tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập lụt nặng do các hồ chứa nước, hồ thủy điện điều tiết xả lũ sau các đợt mưa lớn ở thượng nguồn.
Báo Người lao động dẫn thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết tổng lượng mưa từ 19 giờ ngày 9/11 đến 7 giờ ngày 12/11 ở vùng núi phổ biến 350-640mm, vùng đồng bằng phổ biến 200-250mm. Dự báo ngày hôm nay 12/11, tại Thừa Thiên – Huế có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 50mm. Trưa chiều nay mưa giảm.
Hồ thủy lợi Tả Trạch và hồ thủy điện Bình Điền nằm ở thượng nguồn sông Hương sau một thời gian cắt lũ thì từ chiều qua, 11/11, đến nay đã xả về hạ du lượng nước tương đương về hồ. Trong đó, Tả Trạch xả 662m3/s, Bình Điền là 1.062m3/s.
Tương tự, thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ cũng xả về hạ du lưu lượng 2.275 m3/s, sau khi đạt mực nước dâng bình thường là +58m.
Ghi nhận trong sáng 12/11, tại nhiều khu vực hạ du ở Thừa Thiên – Huế đang ngập nặng dù trời không mưa.
Trên báo CAND, theo thống kê, toàn tỉnh có 6.547 nhà dân bị ngập; trong đó huyện Quảng Điền có 4.334 nhà ngập từ 0,5 đến 1m; huyện Phong Điền 1.173 nhà ngập từ 1 đến 1,5m; thị xã Hương Thủy 500 nhà ngập từ 0,4 đến 0,7m. Tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai sơ tán, di dời 2.140 hộ dân, 6.401 khẩu đến nơi an toàn tránh lũ lụt.
Tại TP. Huế, hơn 30% tuyến đường của 27 phường bị ngập. Các tuyến đường Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan, Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Tôn Đức Thắng ngập từ 0,2-0,3m.
Tại phố cổ Bao Vinh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà), người dân phải dùng ghe, đò để đi lại khi các tuyến đường ở khu vực này bị ngập hơn 0,5m. Cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn do ngập lụt. “Suốt một tháng qua, tôi không nhớ đây là trận lụt thứ mấy vì cứ trời mưa lớn thì thủy điện xả lũ khiến khu phố cổ này và nhiều vùng thấp trũng khác bị ngập lụt. Từ chiều hôm qua đến giờ, vợ chồng tôi phải kê dọn hàng hóa tại chợ Bao Vinh do nước lên nhanh, giờ chờ nước xuống để quét dọn, buôn bán trở lại”, bà Nguyễn Thị Hồng, một tiểu thương ở phố cổ Bao Vinh cho hay.
https://www.dkn.tv/thoi-su/ho-thuy-loi-thuy-dien-xa-nuoc-hue-ngap-nang-du-troi-khong-mua.html
Bão Vamco đang hướng về miền Trung
từ Quảng Bình đến Quảng Ngải
Bão số 13, tên quốc tế Vamco, đang tiến nhanh về vùng biển miền Trung Việt Nam từ Quảng Bình xuống đến Quảng Ngãi.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam ngày 13 tháng 11 dẫn thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy Văn Quốc gia Việt Nam, cho biết đến 13 giờ chiều ngày 14 tháng 11, tâm bão số 13 với cường độ cấp 11, giật cấp 14 ở ngay trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi.
Dự báo từ sáng ngày 14 tháng 11, trên đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6-7; sau đó tăng lên cấp 8. Tại vùng ven biển gió có nơi lên cấp 9, giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai được cảnh báo ở cấp 3.
Để phòng tránh bão số 13, cơ quan chức năng tại hai tỉnh Thừa Thiên- Huế và Đã Nẵng lên kế hoạch sơ tán chừng 135 ngàn dân ra khỏi những nơi có khả năng xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá.
Thành phố Đà Nẵng có yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà kể từ 12 giờ trưa ngày 14 tháng 11. Tỉnh Quảng Trị cũng có yêu cầu tương tự.
Tỉnh Thừa Thiên- Huế vào chiều ngày 13 tháng 11 ra công điện hỏa tốc ứng phó với bão số 13. Tỉnh yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà từ 18 giờ ngày 14 tháng 11. Ngoài ra lực lượng cứu hộ ngưng công tác tìm kiếm 12 công nhân còn mất tích trong vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 hồi rạng sáng ngày 12 tháng 10 vừa qua.
Bão Vamco khi thổi qua Philippines từ khuya ngày 11 sang sáng ngày 12 tháng 11 đã khiến ít nhất 42 người thiệt mạng tính đến ngày 13 tháng 11. Đây là cơn bão thứ 21 và gây chết chóc nhất quét qua Philippines trong năm nay.
Nguy cơ từ suy thoái rừng nguyên sinh
Giang Nguyễn
Tại Hội nghị về công tác quản lý rừng được tổ chức vào ngày 11 và 12 tháng 11 tại Đà Lạt, truyền thông trong nước trích dẫn tuyên bố của ông Oemar Idoe, đại diện tổ chức Hợp tác Phát triển (GIZ) của Đức hoạt động tại Việt Nam rằng, “Năm 201, Việt Nam đã đạt 14,6 triệu héc-ta đất có rừng với độ che phủ ước đạt gần 42%. Song trên toàn lãnh thổ quốc gia, những khu rừng nguyên sinh còn nguyên chỉ (còn) 0,25%” độ che phủ.
Bản tin nói tiếp, ông Idoe nhấn mạnh việc quản lý rừng bền vững và bảo tồn tài sản đa dạng sinh học và hệ sinh thái cần chính quyền từ Trung ương đến địa phương đẩy mạnh hơn nữa.
Tổng cục Lâm nghiệp cho biết theo điều tra của năm 2016, diện tích rừng phòng hộ chỉ khoảng 1 triệu héc-ta, đồng thời mục tiêu năm 2020 đặt 2,4 triệu héc-ta rừng đặc dụng nhưng sau 6 năm chỉ đạt hơn 2,3 triệu héc-ta.
Nhận định về nguy cơ phá rừng và nỗ lực bảo vệ rừng qua hệ thống rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng, ông Phạm Văn Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Bảo tồn Động thực vật Hoang dã, khẳng định:
“Ví dụ như ở Cúc Phương nói là rừng đặc dụng, vườn quốc gia đầu tiên. Mặc dù là rừng của vườn quốc gia, nhưng người dân ở trong đó họ chặt rất là nhiều. Từ khi tôi đi học đã vậy, bây giờ thì họ có bảo vệ tốt hơn. Bây giờ có thể nói rừng Cúc Phương, và một số rừng như vườn quốc gia Cát Tiên được bảo vệ tốt. Tất cả rừng đặc dụng còn lại của Việt Nam không được bảo vệ tốt. Tôi nghĩ rằng, 0,25% là con số hợp lý. Và đối với tôi, con số đó là chính xác và tương đối đáng lo ngại cho rừng của Việt Nam”.
Theo ông Huỳnh Văn Thượng, Điều phối viên quốc gia cho dự án chi trả dịch vụ môi trường của Cục Lâm Nghiệp Mỹ tại Việt Nam, từ Đà Nẵng cho biết, con số 0,25 % rừng nguyên sinh còn tồn tại mà tổ chức Hợp tác Phát triển GIZ đưa ra, khó có thể xác nhận vì Bộ Nông nghiệp không có những con số về rừng nguyên sinh. Tuy nhiên ông đánh giá con số này khá chính xác và cần quan tâm vì tầm quan trọng của rừng nguyên sinh đối với nền đa dạng sinh học:
“Con số này quá thấp, bởi vì rừng nguyên sinh là nơi mà hệ động thực vật nó còn nguyên bản như từ xưa đến giờ. Nếu rừng nguyên sinh mà thấp đến độ như vậy thì công tác bảo tồn các loài vật mà nó sống ở trong đó thì tương đối là khó vì vùng sinh cảnh để nó sinh sống hẹp, nên việc này đáng lo ngại, và công tác bảo tồn tất cả loài sinh vật trong đó tương đối khó”.
Theo thống kê của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, từ năm 2002 đến 2019, tỷ lệ rừng nguyên sinh tại Việt Nam giám gần 10%. Ông Thượng nhận định rừng nguyên sinh một khi đã phá rồi thì khó có thể phục hồi được. Kèm theo đó là nhu cầu của người dân sống quanh rừng. Các chuyên gia lâm nghiệp và môi trường cho rằng nguyên nhân phá rừng một phần đến từ dân số tăng. Để ứng phó, các nỗ lực bảo vệ rừng cần có mô hình tạo sinh kế cho người dân sống quanh rừng.
Ông Thượng nói tiếp: “Thêm nữa liên quan đến sinh kế người dân, là áp lực về mặt dân số. Đây là một bài toán rất khó cân đối hài hòa giữa việc bảo vệ rừng và áp lựng tăng dân số cần sinh kế, tức người ta càng dựa vào rừng. Cho nên tôi nghĩ thời gian tới về tương lai lâu dài vẫn (phải lo về) mặt kinh tế. Vì khi người dân sống ở quanh rừng mà người ta có thu nhập cao hơn thì áp lực lên rừng sẽ giảm rất nhiều.”
Ông Phạm Văn Tùng, với gần 20 năm kinh nghiệm bảo vệ môi trường nói cần có các dự án từ phía chính quyền, và các tổ chức quốc tế.
“Có rất nhiều biện pháp để bảo vệ tốt tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên rừng. Thứ nhất là chính sách tốt để khuyến khích người dân trồng rừng, bảo vệ rừng, thứ hai là nâng cao sinh kế của người dân, thứ ba, quan trọng số một, là nâng cao nhận thức của người dân.
Thời gian qua cũng có nhiều dự án, của GIZ, của chính phủ Đức, hoặc World Bank hoặc EU. Đặc biệt World Bank vừa mới cho được gói tài trợ 55 triệu đô, cũng là hỗ trợ trên 6 tỉnh, có phần nào hỗ trợ cho bà con nâng cao sinh kế, xây dựng mô hình kinh tế tốt để người dân giảm áp lực về rừng”.
Ngày 22 tháng 10 vừa qua, Ngân hàng thế Giới công bố mở khoản tài chính 51,5 triệu đô la nhằm giúp Việt Nam giảm lượng khí thải carbon do mất rừng và suy thoái rừng. Chương trình đồng thời cũng hỗ trợ việc phục hồi rừng ở 6 tỉnh của vùng Bắc Trung Bộ, nơi có hơn 3 triệu héc-ta rừng và gần 1/3 dân số sống dưới mức nghèo đói của cả nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/risks-from-primary-forest-deforestation-11122020162648.html
Dư 80,000 tỷ tiền bảo hiểm thất nghiệp
nhưng nhà cầm quyền chỉ chi nhỏ giọt
cho người thất nghiệp
Tin Vietnam.- Báo Lao động ngày 11 tháng 11 năm 2020 loan tin, hiện tại quỹ bảo hiểm thất nghiệp mà nhà cầm quyền Cộng sản đang giữ của người lao động và chủ công ty là 84,000 tỷ đồng, trong đó số dư là 80,000 tỷ nhưng không ai biết được số tiền này giờ đang ở đâu.
Theo báo Lao động, năm 2017, nhà cầm quyền công bố đã thu được 58,000 tỷ đồng, đến năm 2019 thì số tiền này tăng lên 80,000 tỷ, và tính đến hiện tại của năm 2020 là 84,000 tỷ đồng. Tiền thu vào thì nhiều, nhưng nhà cầm quyền lại chi ra một cách nhỏ giọt, theo kiểu bố thí cho người thất nghiệp với số chi là 4,000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Văn hoá thể thao và Du lịch Cộng sản công bố, dịch coronavirus 19 trong thời gian vừa qua đã làm cho ngành du lịch bị thất thu 23 tỷ Mỹ kim, kéo theo đó là 870,000 lao động của ngành bị thất nghiệp, và 3 triệu người bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Tổng cơ quan Thống kê Cộng sản cũng từng công bố có 31.8 triệu người dân Việt Nam bị ảnh hưởng việc làm do dịch. Vậy nhưng, theo quyết định 77 của nhà cầm quyền thì mỗi một lao động thất nghiệp chỉ được hỗ trợ 6 tháng học nghề, và mỗi tháng không quá 1 triệu đồng.
Với mức hỗ trợ này, báo Lao động cho rằng người dân có thể học được nghề bán trà đá hoặc chạy xe ôm, trong khi đó về mặt lý thuyết tiền bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn dư đến 80,000 tỷ đồng. Báo Lao động gọi đây là số tiền còn thừa, nhưng họ đặt câu hỏi số tiền này đang ở đâu? và nếu không chịu chi cho người cần được hưởng thì để đó làm gì?
Nhà cầm quyền Cộng sản sẽ cấp sổ đỏ
đất phi trường vân đồn cho SunGroup
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 11 tháng 11 năm 2020 loan tin, ông Võ Huy Cường, phó cơ quan hàng không Cộng sản Việt Nam thông báo, nhà cầm quyền sẽ cấp sổ đỏ đất cảng hàng không Vân Đồn, ở tỉnh Quảng Ninh cho SunGroup.
Đây cũng là phi trường đầu tiên được nhà cầm quyền cấp sổ đỏ giao cho tư nhân cai quản, vì Sungroup đã đầu tư toàn bộ phi trường Vân Đồn, nơi mà nhà cầm quyền thành lập Đặc khu kinh tế để Trung Cộng thuê mướn.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông vận tải Cộng sản nói rằng, cơ quan ông đang tập trung cấp sổ đỏ cho các cảng hàng không. Ngoài ra, cơ quan này còn xem xét việc cho các nhà đầu tư tư nhân xây dựng nhà ga. Ngoài cảng hàng không Vân Đồn, bộ Giao thông vận tải Cộng sản cũng sẽ cho xây dựng cảng hàng không Lào Cai.
Đánh giá về cảng hàng không Vân Đồn, ông Võ Huy Cường cho rằng đây là một dự án đặc biệt của ngành hàng không Cộng sản Việt Nam, vì nó được thực hiện hoàn toàn bằng vốn của tư nhân với số tiền 7,500 tỷ đồng. Hành động này của nhà cầm quyền đã khiến cho dư luận cho rằng, đây là cách chuyển giao quyền sở hữu đất của nhà cầm quyền cho tay sai của Trung Cộng. Vì đất phi trường là đất nhà
nước, đất bộ Quốc phòng Cộng sản, nên phải có lý do gì đó nên nhà cầm quyền mới giao trọn cho Sungroup.
Trong khi Sungroup là tập đoàn khá “bí ẩn” ở Việt Nam, được dư luận cho là sân sau của Trung Cộng nên được nhà cầm quyền ưu ái, giao tất cả những khu vực có vị trí chiến lược quốc phòng ở Việt Nam cho Sungroup đầu tư, xây dựng. Ngoài ra, những khu vực được xem là nơi tâm linh, phong thuỷ ở Việt Nam cũng có bàn tay của Sungroup nhúng vào để làm dự án, thay đổi hiện trạng tự nhiên.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-cong-san-se-cap-so-do-dat-phi-truong-van-don-cho-sungroup/
Bộ Giáo dục- Đào tạo Việt Nam rút lại đề nghị tăng học phí
Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa xin ý kiến Chính phủ về đề xuất giữ nguyên mức học phí hiện hành cho tất cả cấp học trong năm học 2020-2021.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 13/11, dẫn lời của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết như vừa nêu.
Một ngày trước, báo chí Nhà nước Việt Nam cũng loan tin Bộ GD-ĐT đưa ra đề xuất tăng học phí từ bậc mầm non cho đến bậc đại học, ở mức từ 7,5% lên đến 12,5%, bắt đầu từ năm học tới.
Tuy nhiên, đề xuất tăng học phí của Bộ GD-ĐT vấp phải sự phản đối của dư luận xã hội, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và lũ lụt nghiêm trọng ở khu vực miền Trung.
Lý giải về quyết định thay đổi nhanh chóng liên quan việc giữ nguyên học phí trong năm học 2020-2021, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói với báo giới rằng do Nghị định số 86 chỉ có thời hạn hiệu lực đến hết năm học 2020 – 2021, nên để có căn cứ pháp lý cho các cơ sở GD-ĐT thực hiện từ năm học 2021-2022 và các năm tiếp theo thì cần phải xây dựng nghị định thay thế.
Ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết thêm rằng trước sự phản ánh của dư luận, Bộ GD-ĐT đã gửi văn bản báo cáo đến Chính phủ về đề xuất giữ nguyên mức học phí trong năm học 2021-2022. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng xin phép được lùi thời gian trình ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 86 sang năm 2021, thay vì theo đúng thời hạn vào tháng 12/2020. Việc đề nghị lùi thời hạn nhằm mục đích có điều kiện tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội và tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết thêm rằng nếu đề xuất của Bộ GD-ĐT về việc lùi thời gian trình ban hành nghị định mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì đến năm học 2022-2023 mới áp dụng tăng học phí và lộ trình tăng thêm hàng năm chỉ khoảng 2,5%/năm so với mức tăng hàng năm của Nghị định số 86 đã ban hành.
Dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định số 86 được cho biết hiện tại được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để xin ý kiến nhân dân.
Có dấu hiệu lừa đảo trong việc bán vé
cho khách Việt về nước mùa đại dịch
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá có các dấu hiệu lừa đảo để trục lợi từ hành khách đi tàu bay trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin hôm 13 tháng 11 cho biết, Cục Hàng không Việt Nam chính thức phát đi văn bản thông báo liên quan đến việc đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Văn bản nêu rõ, thời gian gần đây, Cục Hàng không Việt Nam đã nhận được một số phản ánh của hành khách về việc một số Hãng hàng không nước ngoài quảng cáo bán vé thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Từ những phản ánh đó, Cục Hàng không Việt Nam đã liên lạc ngay với các hãng hàng không nước ngoài để xác minh.
Các hãng hàng không nước ngoài trong trả lời Cục Hàng không Việt Nam khẳng định không hề thực hiện các chuyến bay đưa người Việt về nước như vậy. Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị Cục A04, Bộ Công an điều tra và có biện pháp để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật có thể gây tổn thất cho những hành khách có nhu cầu về nước cũng như hình ảnh của hãng hàng không.
Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo những người Việt hiện ở nước ngoài có nhu cầu về nước cần truy cập vào trang chủ của Cục Lãnh sự Bộ Ngọai giao Việt Nam; trang chủ Bộ Giao thông- Vận tải
Việt Nam; trang chủ Cục Hàng không Việt Nam, cũng như trang chủ của các hãng hàng không để cập nhật thông tin về các chuyến bay hỗ trợ đưa người về Việt Nam trong thời gian dịch COVID-19.
Hôm 7 tháng 10, thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết hoạt động bay thương mại quốc tế chở khách về Việt Nam đang phải tạm dừng để chờ đợi hướng dẫn quy trình cách ly hành khách từ Bộ Y tế.
Lãnh đạo TP Cần Thơ duyệt 43 tỷ đồng để làm 1km đường
Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 1km đường tỉnh 920 với kinh phí 43 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
Thông tin trên do truyền thông Nhà nước Việt Nam loan vào ngày 13 tháng 11. Theo đó, ông Dương Tấn Hiển-Phó Chủ tịch TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh 920 đoạn qua nhà máy nhiệt điện Ô Môn, có chiều dài khoảng 1 km.
Được biết, tổng mức đầu tư của dự án được duyệt gần 43 tỉ. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 23 tỉ đồng, chi phí xây dựng là 11,6 tỉ đồng; dự kiến khởi công trong năm 2020 và đến 2023 sẽ hoàn thành.
Trước đó, vào ngày 12/10/2020, lãnh đạo thành phố Cần Thơ cũng đã phê duyệt dự án đầu tư đường tỉnh 918, có tổng chiều dài 3,1 km với kinh phí đầu tư lên đến 208 tỷ đồng. Trong đó, riêng chi phí xây dựng là trên 101 tỉ đồng.
Vào tháng 9 vừa qua, truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin tại thủ đô Hà Nội có 5 tuyến đường với kinh phí xây dựng và bồi thường đắt nhất thế giới, có nơi lên đến 3,1 tỷ đồng/m2. Trong đó có dự án tuyến đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu- Voi Phục chiều dài 2,2 km với tổng kinh phí hơn 7200 tỷ đồng.
Bốn tuyến đường khác gồm đường Ô Đông Mác- Nguyễn Khoái, cầu vượt nút giáo thông giữa đường Hoàng Quốc Việt và đường Nguyễn Văn Huyên ở Cầu Giấy, đường Ô Chợ Dừa, và đường Xã Đàn- Kim Liên ở Đống Đa.
Việt Nam năm 2026 sẽ có 1,4 triệu nam nhiều hơn số nữ
Việt Nam sẽ mất cân bằng giới tính nặng nề khi đến năm 2026 trong nước sẽ có 1,38 triệu nam nhiều hơn số nữ.
Đó là dự báo của Tổng cục Dân số được đưa ra tại tọa đàm về mất cân bằng giới tính tổ chức ngày 13/11. Báo chí Nhà nước Việt Nam vào cùng ngày trích dẫn lời bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Giáo Dục, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình của Bộ Y Tế rằng xu hướng tỷ số giới tính khi sinh thiếu cân bằng sẽ tiếp tục tăng cao vì ở Việt Nam vẫn còn tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ và chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo nên cha mẹ tận dụng khoa học công nghệ để chọn giới tính trước khi sinh hoặc chọn phá thai.
Để khắc phục thực trạng này, theo bác sĩ Phương đề nghị, các ban, ngành y tế, xã hội, chính quyền cần tuyên truyền tốt hơn về khuynh hướng thiên vị chọn con trai hơn con gái. Hệ lụy về lâu về dài là tình trạng bất bình đẳng về giới, kể cả bạo lực giới.
Luật Cư trú được Quốc hội thông qua:
Sổ hộ khẩu chỉ được dùng đến hết năm 2022
Quốc hội hôm 13/11 vừa thông qua Luật Cư trú, theo đó quy định Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết 31/12/2022. Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin cùng ngày.
Luật cư trú gồm 7 chương, 38 điều quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam.
Việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng Sổ hộ khẩu sang quản lý bằng số hóa, thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân cũng được quan tâm.
Các đại biểu cho rằng quy định vừa nêu là phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo thuận lợi cho công dân và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với việc cho phép tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh nơi cư trú.
Kết quả lấy phiếu cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội đồng ý phương án cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022.
Tin cho biết, Luật cư trú cũng giao Chính phủ, rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật cư trú mới.
Đại hội 13: Tại sao “kinh tế thị trường
định hướng XHCN” là “điểm mới”?
TS. Phạm Quý Thọ
Trong hội nghị lấy ý kiến các ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các thời kỳ vào dự thảo văn kiện Đại hội 13 vào sáng 5/11 tại Hà Nội, ông Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương giải thích khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam” là “điểm mới” với bản chất là lấy “người dân làm trung tâm” và khẳng định đó là mô hình tổng quát của phát triển nền kinh tế.
Việc tiếp tục “làm mới” khái niệm gây nhiều tranh cãi lâu nay phản ánh một giai đoạn cải cách thể chế còn nhiều thách thức bởi các mâu thuẫn của quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Kinh tế thị trường từng là cứu cánh để duy trì chế độ đảng toàn trị, nhưng liệu nó trở thành mô hình phát triển để hướng tới mục tiêu XHCN như thế nào vẫn sẽ là câu hỏi lớn cả về lý luận và thực tiễn.
XHCN là mục tiêu xa vời có ý nghĩa tuyên truyền hơn là thực tế. Trước mắt, hậu quả của quá trình chuyển đổi bị níu kéo bởi ý thức hệ giáo điều sẽ là một xã hội “tư bản thân hữu” đang được cảnh báo với sự tha hoá quyền lực, sự suy thoái của hệ thống chính trị thay vì một chế độ dân chủ.
Nguỵ biện
Mô hình chuyển đổi dưới sự lãnh đạo chế độ đảng cộng sản toàn trị từ kinh tế XHCN tập trung, chỉ huy sang kinh tế thị trường là chưa có tiền lệ trong lịch sử phát triển nhân loại, và vì vậy, chưa có cơ sở lý luận định hướng cho quá trình này. Vì vậy, giới lãnh đạo đang tiến hành cải cách thể chế theo cách “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” hay “dò đá qua sông”. Văn kiện của mỗi đại hội đảng là tài liệu thể hiện quan điểm, chính sách cải cách cho nhiệm kỳ 5 năm, trong đó các khái niệm phải được giải thích lại cho phù hợp với diễn biến tình hình. ‘Làm mới’ khái niệm “định hướng XHCN”này bằng cách giải thích có chủ ý để che đậy bản chất chế độ dưới hình thức ngôn từ bề ngoài thực ra đó là nguỵ biện.
Khái niệm “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” tại Đại hội lần thứ 9 của Đảng cộng sản, năm 2001, được hiểu là “cơ chế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước”. Đến các đại hội sau đó khái niệm này đã luôn được yêu cầu cần làm rõ nội hàm để có thể thể chế hoá bằng các chính sách và luật lệ. Đại hội 12 năm 2016 đã nhấn mạnh thị trường là cơ chế để huy động, phân bổ hiệu quả mọi nguồn lực. Như vậy cơ chế thị trường đã chi phối kế hoạch của nhà nước và kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu khiến thị trường trong nước dần trở thành một phần của thị trường thế giới, và việc cải cách thể chế buộc phải tuân theo các chuẩn mực và luật chơi chung. Chiếc áo “thể chế đảng toàn trị” đã trở nên chật chội, kìm hãm “thể chế kinh tế thị trường” đang kìm hãm cải cách, trong đó vấn đề sở hữu đang ngày càng trở nên bức xúc.
Lần này, trong dự thảo văn kiện Đại hội 13 khái niệm trên được ông Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương giải thích, rằng “định hướng XHCN” là ở mục tiêu, chứ không ở khâu phân phối và nhấn mạnh “Mục tiêu lấy con người là trung tâm, thành quả của sự phát triển là của đại đa số nhân dân, của mọi người dân. Cho nên lấy nhân dân làm trung tâm là bản chất của kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam”. Được biết, quan điểm phát triển lấy người dân làm trung tâm, họ vừa là động lực vừa là mục tiêu của phát triển được diễn ngôn ở nhiều diễn đàn, chẳng hạn của Liên Hiệp Quốc, nhưng thường kèm theo sau đó là lời kêu gọi các quốc gia thể chế hoá theo các chuẩn mực giá trị phổ quát.
Biểu tượng
Chủ nghĩa Mác – Lenin kinh điển, nguyên thuỷ không lường trước và không hướng đến những thay đổi như vũ bão mọi lĩnh vực của cuộc sống ngày nay trên thế giới, không chỉ khoa học kỹ thuật mà cả trật tự thế giới, trong đó có sự thăng trầm quyền lực của các thể chế quốc gia. Sự sụp đổ của hệ thống XHCN trong thế kỷ 20 là sự kiện lịch sử nhân loại, nhưng lập luận của Francis Fukuyama trong “Sự cáo chung của lịch sử”, rằng dân chủ tự do không còn phải đối mặt với bất kỳ thách thức nghiêm trọng về tư tưởng và do đó đã chứng tỏ mình là hình thức chính phủ duy nhất bền vững và thành công, cũng chưa thể đứng vững.
Quá trình chuyển đổi dân chủ ở Trung Quốc đang được theo dõi và nghiên cứu. Trong thời kỳ gần nửa thế kỷ, tính từ khi “cải cách và mở cửa” dưới sự lãnh đạo của độc đảng cộng sản, thiếu tính chính danh, Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm 2011 với quy mô GDP trên 11 nghìn USD. Mặc dù tốc độ tăng GDP đang suy giảm từ khi Tập Cận Bình nắm quyền, và những vấn đề dân chủ, dân tộc, tôn giáo và nhân quyền bị lên án, nhưng “sự dẻo dai” của chế độ vẫn được nhận định trong một số công trình, điển hình như “Authoritarian Resilience” (sự dẻo dai của chế độ chuyên chế) của Andrew J. Nathan, giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ.
Mô hình Trung Quốc từng là biểu tượng cho nhiều quốc gia đang phát triển. Đối với Việt Nam còn hơn thế khi hai nước có chế độ chính trị tương đồng, và thực tế quá trình chuyển đổi của Trung Quốc là kinh nghiệm đối với Việt Nam. Xã hội chủ nghĩa mang “bản sắc” Trung Quốc có cùng bản chất “định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam. Tuy nhiên, các chính sách “hấp thụ” làn sóng đầu tư từ các nước tư bản để tạo ra động lực thị trường mạnh mẽ ở Việt Nam, và nhiều cơ hội thoát “tụt hậu” kinh tế so với các nước trong khu vực đã bị bỏ lỡ. Dù muộn màng so với bài học từ Trung Quốc, chính sách thực dụng với “Chính phủ kiến tạo” hiện nay đang phát huy tác dụng trong bối cảnh tập trung quyền lực đảng đang diễn ra trước thềm Đại hội 13, bởi vậy quá trình cải cách thể chế dựa trên kinh nghiệm tương đồng chế độ nên được nhìn nhận, đánh giá trong các văn kiện.
Tư bản thân hữu
Sự kiên định chủ nghĩa Mác – Lenin, duy trì chế độ đảng cộng sản toàn trị chắc chắn sẽ chi phối việc thể chế hoá khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Bản chất và mục tiêu của mô hình tổng quát của phát triển nền kinh tế Việt Nam không chỉ được dự đoán bởi các chỉ tiêu GDP cho từng giai đoạn, mà còn cần được hiện thực hoá bởi cơ chế dân chủ cho người dân.
XHCN có nguồn gốc từ lý thuyết về xã hội không tưởng từ thế kỷ 18 của nhà tư tưởng Saint Simon (1760-1825) nhưng cho đến ngày nay vẫn tạo được cảm hứng về một xã hội tốt đẹp. Albert Einstein (1879-1955) đã từng lo lắng về đạo đức có thể bị suy thoái bởi thị trường và ông đặt “niềm tin” vào XHCN có thể là “cứu cánh”. Tuy nhiên, trong bài viết “Tại sao chủ nghĩa xã hội?” năm 1949 ông băn khoăn: “Chủ nghĩa xã hội mang trong nó một vấn đề xã hội – chính trị không dễ giải quyết: Làm sao, trong một sự tập trung sâu rộng quyền lực chính trị và kinh tế, bộ máy hành chính không trở thành quá toàn năng, không quá phình lên, để cá nhân khỏi bị teo lại về mặt chính trị, và cùng với cá nhân, đối trọng dân chủ trước quyền lực của bộ máy hành chính cũng không bị teo lại?”
Thay cho lời kết, những “băn khoăn” của nhà khoa học nổi tiếng, chủ nhân giải Nobel vật lý đang ngày càng lớn và được cảnh báo về một nhà nước “tư bản thân hữu” được sản sinh bởi sự kết hợp giữa chế độ độc đảng cộng sản và kinh tế thị trường. Minxin Pei, GS của Đại học Claremont McKenna, Hoa Kỳ, đã phân tích sâu sắc kiểu xã hội trên trong tác phẩm “Tư bản thân hữu Trung Quốc”, được xuất bản ở Việt Nam năm 2017. Ngay trong phần Giới thiệu, tác giả đã trích dẫn sự thừa nhận của Tập Cận Bình ngày 16/10/2014 về thực trạng tham nhũng trong chế độ đảng trị: “Tham nhũng ở các địa phương và các ngành đan xen nhau; các vụ tham nhũng thông qua cấu kết ngày càng tăng; lạm dụng chức chồng chéo lạm dụng quyền; tràn lan đổi quyền lấy quyền, đổi quyền lấy tiền, và đổi quyền lấy tình dục; cấu kết giữa quan chức với doanh nhân xen kẽ cấu kết giữa cấp trên với cấp dưới; cách thức chuyển lợi cho nhau được che đậy và biến hoá.”
Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Việt Nam sẽ bị uy hiếp nếu
Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở Campuchia
Lê Mạnh Tiến
Trung Quốc đang thiết lập căn cứ quân sự ở Campuchia?
Kể từ năm 2019, các quan chức Mỹ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng hai dự án do Trung Quốc tài trợ ở Campuchia được thiết kế nhằm mang lại một chỗ đứng vững chắc cho quân đội Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trung Quốc và Campuchia có thể thu được gì từ một thỏa thuận như vậy?
Hai căn cứ tạo ra mối lo ngại đều nằm dọc theo bờ biển phía Tây Nam của Campuchia. Đầu tiên là căn cứ Hải quân Ream ở tỉnh Preah Sihanouk, hiện là nơi đóng quân của một số tàu tuần tra cỡ nhỏ thuộc Hải quân Hoàng gia Campuchia. Căn cứ này đang được tu sửa lớn với nguồn kinh phí do Trung Quốc chi trả. Cơ sở hạ tầng bao gồm nhiều tòa nhà nhỏ, một trong số đó được Mỹ tài trợ xây dựng từ năm 2012 và là trung tâm an ninh hàng hải. Hồi tháng 1/2020, Campuchia đã hỏi Mỹ liệu họ có trả tiền để nâng cấp tòa nhà hay không. Mỹ đã đồng ý, nhưng chỉ trong vài tháng, Campuchia đã thay đổi quyết định và nói rằng họ không cần sự giúp đỡ của Mỹ nữa. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ chi trả tiền nâng cấp. Đến tháng 9/2020, trung tâm an ninh hàng hải đã được di dời và tòa nhà bị phá bỏ.
Địa điểm thứ hai nằm xa hơn, trên bờ biển tại Dara Sakor thuộc tỉnh Koh Kong. Năm 2008, một nhóm các công ty xây dựng Trung Quốc do Tập đoàn Phát triển Liên minh (UDG) đứng đầu đã đàm phán hợp đồng 99 năm với Chính phủ Campuchia thuê 36.000 hectares (360 triệu m2) bất động sản đắc địa bên bờ biển tại Dara Sakor. Khu vực này chiếm 20% đường bờ biển của Campuchia. Dự án khu công nghiệp, nhà ở và du lịch trị giá 3,8 tỷ USD bao gồm một cảng nước sâu và một đường băng sân bay dài 3,2 km có thể chứa hầu hết các loại máy bay quân sự. Kể từ đó, dự án này đã trở thành một trong những dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Theo Chính phủ Mỹ, Căn cứ Hải quân Ream và khu nghỉ dưỡng tại Dara Sakor có thể được Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sử dụng làm cơ sở hậu cần quân sự. Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cảnh báo rằng nếu đúng như vậy thì điều này sẽ “đe dọa sự ổn định của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Tháng 9/2020, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với UDG, cáo buộc doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc này đã trục xuất trái phép người Campuchia khỏi vùng đất của họ và gây ra thiệt hại về môi trường trong công viên quốc gia.
Phản ứng từ Campuchia và Trung Quốc
Campuchia kiên quyết phủ nhận việc Trung Quốc sắp thiết lập sự hiện diện quân sự ở nước này. Thủ tướng Hun Sen đã bác bỏ thông tin trên các phương tiện truyền thông phương Tây, coi đó là “tin giả” khi cáo buộc rằng Trung Quốc và Campuchia đã ký một thỏa thuận bí mật cho phép PLA tiếp cận Ream trong 30 năm. Ông Hun Sen viện dẫn Hiến pháp Campuchia năm 1993, trong đó quy định rằng Campuchia “sẽ không cho phép bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ của mình”, và nói rằng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc sẽ vi phạm tính trung lập của đất nước vốn cũng được ghi trong Hiến pháp. Ông Hun Sen cam kết rằng một khi căn cứ Hải quân Ream được nâng cấp, Campuchia sẽ hoan nghênh tất cả hải quân nước ngoài sử dụng căn cứ này và Trung Quốc sẽ không được độc quyền tiếp cận.
Trung Quốc cũng mạnh mẽ phủ nhận cáo buộc rằng họ muốn PLA đóng quân ở Campuchia. Tranh cãi này cũng đã từng có tiền lệ. Trong những năm 1990, báo chí cho rằng các cơ sở quân sự do Trung Quốc xây dựng ở Myanmar, bao gồm các căn cứ hải quân và các trạm thu tin tức tình báo, đều do quân nhân Trung Quốc điều khiển. Tuy nhiên, không có bất kỳ bằng chứng nào để hỗ trợ những thông tin này. Tất nhiên, lần này tình hình hoàn toàn khác. Trung Quốc ngày nay có lợi ích toàn cầu, và theo một báo cáo của Lầu Năm Góc được công bố hồi tháng 9, Bắc Kinh đang “tìm cách thiết lập một cơ sở hạ tầng hậu cần và cơ sở ở nước ngoài để cho phép PLA triển khai và duy trì sức mạnh quân sự ở tầm xa hơn”. Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti từ năm 2017.
Báo cáo của Lầu Năm Góc tiếp tục mô tả cách PLA có thể sử dụng các cơ sở quân sự của Trung Quốc ở nước ngoài để hỗ trợ các hoạt động quân sự trong xung đột vũ trang, cung cấp thông tin tình báo tín hiệu chiến lược, tiến hành huấn luyện và tập trận với các nước khác và giám sát lực lượng Mỹ. Có ý kiến cho rằng PLA đã “xem xét” các địa điểm đặt các cơ sở hậu cần quân sự ở Indonesia, Myanmar, Singapore và Thái Lan, đặc biệt là tại Campuchia. Nếu lo ngại của Mỹ là đúng và Trung Quốc muốn triển khai PLA tới Campuchia thì đây sẽ là một điều nguy hiểm với an ninh khu vực.
Việt Nam bị uy hiếp
Ream và Dara Sakor đều hướng ra Vịnh Thái Lan, và các tàu chiến của Trung Quốc được triển khai ở đây sẽ chỉ mất một ngày để tới eo biển Malacca có tầm quan trọng chiến lược mà phần lớn năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc đi qua. Các nhà phân tích Trung Quốc từ lâu đã coi eo biển Malacca là nơi
dễ tổn thương chiến lược. Sự hiện diện của tàu chiến gần đó để bảo vệ các tàu hàng Trung Quốc có thể giúp giảm bớt tình trạng mất an ninh năng lượng của Bắc Kinh.
Mặc dù sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia sẽ không có giá trị gì trong việc thúc đẩy các yêu sách bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông do nước này đã xây dựng các căn cứ quân sự lớn trên 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa. Nhưng nó sẽ gây ra áp lực đối với Việt Nam. Trong một cuộc khủng hoảng Trung-Việt về các đảo đang tranh chấp, Bắc Kinh có thể gửi đi một thông điệp chiến lược bằng cách gửi tàu chiến và máy bay quân sự đến Campuchia như một lời cảnh báo đối với Hà Nội.
Có lẽ lợi thế chủ yếu cho Chính phủ Hun Sen sẽ là tiền, dưới dạng phí trả cho quyền cập bến và hạ cánh hoặc hỗ trợ tài chính. Chính quyền Campuchia đang cần tiền để phát triển kinh tế khi mà nền kinh tế đang gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19 và sự cấm vận từ phương Tây. Nhưng ông Hun Sen cũng cần phải cân nhắc những rủi ro tiềm ẩn. Sự hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài luôn gây ra một sự tranh cãi trong nước và sự hiện diện của PLA ở Campuchia gần như chắc chắn sẽ trở thành “cột thu lôi” cho những “sấm sét chỉ trích” nhằm vào ông Hun Sen. Ngày 23/10, cảnh sát đã phải giải tán một cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Phnom Penh phản đối việc Trung Quốc có kế hoạch đóng quân ở Campuchia.
Sự hiện diện của PLA tại Campuchia cũng sẽ giáng một đòn mạnh vào quan hệ song phương với Việt Nam. Mặc dù ông Hun Sen có quan hệ thân thiết với Trung Quốc nhưng ông luôn thận trọng vun đắp mối quan hệ chính trị thân tình với Hà Nội. Và khi sự cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ leo thang ở Đông Nam Á, một số thành viên ASEAN bè bạn của Campuchia cũng sẽ ngờ vực về khả năng có một cơ sở quân sự của Trung Quốc ở Campuchia.
Hiện tại, kế hoạch của Trung Quốc đối với căn cứ Hải quân Ream và Dara Sakor vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều khả năng các dự án quân sự này sẽ trở thành hiện thực. Và khi đó, Việt Nam là quốc gia phải dè chừng hậu quả nhiều nhất.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Điểm tin trong nước sáng 13/11:
Đề xuất tăng học phí tất cả các cấp; Nhiều vật thể
in chữ Trung Quốc dạt vào bờ biển Quảng Ngãi
Mạnh Đức
Mục lục bài viết
Thanh tra Sở GTVT Hà Nội: Đường Trường Chinh tắc là do đẹp
Bộ GD-ĐT đề xuất tăng học phí tất cả các cấp
Nhiều vật thể in chữ Trung Quốc dạt vào bờ biển Quảng Ngãi
Tai nạn kinh hoàng 6 người tử vong ở Đắk Nông: Tài xế chủ động tông xe
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ sáu (ngày 13/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Thanh tra Sở GTVT Hà Nội: Đường Trường Chinh tắc là do đẹp
Sáng 9/11, đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở chính thức được thông xe nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc trên đường Trường Chinh. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, tình trạng ùn tắc lại càng trở lên nghiêm trọng hơn, vào giờ cao điểm, lượng phương tiện ùn ứ kéo dài.
Trả lời VTC, ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc sau khi thông xe đường Vành đai 2 trên cao là do “đường Trường Chinh đẹp, lượng phương tiện và người tham gia giao thông vào giờ cao điểm rất lớn.
Trước nhiều ý kiến cho rằng đường tắc hơn khi thông xe cầu vượt Vành đai 2, ông Hiệp nói “chỉ là số ít”. Ông nói thêm “do người dân chưa quen cách tổ chức giao thông mới”.
Bộ GD-ĐT đề xuất tăng học phí tất cả các cấp
Bộ GD-ĐT đề xuất tăng học phí tất cả các cấp trong năm tới. Theo Tuổi trẻ, đề xuất này được đưa ra trong dự thảo lần thứ 2 nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đề xuất mức tăng học phí năm học 2021-2022 là 12,5% ở bậc đại học so với năm học 2020-2021.
Với bậc mầm non và phổ thông, từ năm học 2021-2022, khung, học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ tăng tối đa 7,5%/năm.
Nhiều vật thể in chữ Trung Quốc dạt vào bờ biển Quảng Ngãi
Nhà chức trách Quảng Ngãi ngày 12/11 xác nhận với báo chí trong nước cho biết đã phát hiện nhiều vật thể (như bồn kim loại, phao, thiết bị báo cháy) in chữ Trung Quốc trôi dạt vào bờ biển một số vùng ở tỉnh này.
Bên trong vật thể bồn chứa in chữ Trung Quốc, nghi là chất dễ cháy. Bên ngoài bồn chứa này có khung sắt, van niêm phong kẹp chì và dòng chữ ghi ngoài thân bồn chưa rõ nghĩa, nghi là khí dầu mỏ hóa lỏng.
Hiện giới chức đang xác minh nguồn gốc, xử lý số vật thể trên.
Tai nạn kinh hoàng 6 người tử vong ở Đắk Nông: Tài xế chủ động tông xe
Công an huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đề nghị truy tố Ngô Văn Bền, 27 tuổi, ở tỉnh Cà Mau về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Theo Công an huyện Đắk Mil, ông Bền là người đã điều khiển ôtô tải chở hàng quá trọng tải quy định dẫn đến mất an toàn kỹ thuật và gây ra vụ tai nạn giao thông khiến 10 người thương vong tại Đắk Nông vào ngày 13/6 vừa qua.
Để giảm tốc độ xe, ông Bền quyết định tông vào sau xe ô tô đầu kéo nhưng chỉ va chạm vào bên hông trái xe đầu kéo.
Sau đó, ông Bền tông vào sau xe tải cùng chiều, khiến xe này mất lái văng vào lề đường bên phải đè xe máy do bà Lê Thị Thoan, 44 tuổi, trú xã Đắk Rla điều khiển đi cùng chiều sát mép đường, 8 xe máy dựng ở lề đường bên phải và những người đi bộ mua bán thực phẩm bên lề đường.
Có 6 người tử vong và 4 người bị thương nặng trong vụ tai nạn này.
Xe do ông Bền lái tiếp tục đâm vào sau xe tải cùng chiều, khiến xe này mất lái văng vào lề đường bên phải đè 5 xe máy dựng bên lề đường.
Ông Bền tiếp tục lái xe về hướng Đắk Lắk rồi bị lật nghiêng bên đường, cách hiện trường khoảng 1 km.
Điểm tin trong nước tối 13/11: Hiệu trưởng
Bớt xén bữa ăn học sinh bị yêu cầu kiểm điểm;
Vụ nhiều tiếng nổ trên núi ở Quảng Trị:
Lãnh đạo xã nói gì sau khi vào kiểm tra?
Hiểu Minh
Mục lục bài viết
• Vụ nhiều tiếng nổ trên núi ở Quảng Trị: Lãnh đạo xã nói gì sau khi vào kiểm tra?
• Bớt xén bữa ăn học sinh: Hiệu trưởng bị yêu cầu kiểm điểm
• ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: “Tôi không ngại rủi ro, va chạm”!
• Đại tướng Tô Lâm: Người nghiện ma túy rất đa dạng “Trí thức có, cán bộ có, trong nhân dân rất nhiều
• Việt Nam có 1.253 ca viêm phổi Vũ Hán
Mục Điểm tin trong nước tối thứ sáu (ngày 13/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Vụ nhiều tiếng nổ trên núi ở Quảng Trị: Lãnh đạo xã nói gì sau khi vào kiểm tra?
Chiều 13/11, ông Lê Trọng Tường – Chủ tịch xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho báo Người lao động biết, vừa trực tiếp vào kiểm tra tại thôn Hồ sau khi người dân phản ánh việc xuất hiện nhiều tiếng nổ lớn từ các ngọn núi trên địa bàn.
Báo lao động cho hay, cụ thể, trong sáng cùng ngày, đoàn kiểm tra của UBND xã Hướng Sơn do ông Lê Trọng Tường dẫn đầu đã vượt qua nhiều điểm sạt lở, chia cắt để tiếp cận thôn Hồ. Đoàn đi bộ và thời gian di chuyển gần 1 giờ. Tại địa bàn thôn này có 85 hộ dân với hơn 300 người dân đồng bào Vân Kiều sinh sống.
Theo lãnh đạo xã Hướng Sơn, căn cứ theo mô tả của người dân thì khu vực xuất hiện tiếng nổ ở rất xa, nằm phía sau dãy đồi núi của thôn Hồ. Chính vì vậy, việc quan sát, tiếp cận vị trí này rất khó khăn.
Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra thì xung quanh thôn Hồ có khoảng 8 điểm đồi núi bị sạt trượt do các đợt mưa lũ vừa qua. Vị trí các điểm sạt trượt này đều nằm xa khu dân cư sinh sống. Trước mắt, UBND
xã Hướng Sơn đã yêu cầu chính quyền thôn và người dân tiếp tục theo dõi và sẵn sàng di tản đến khu vực an toàn khi thấy các dấu hiệu bất thường.
Bớt xén bữa ăn học sinh: Hiệu trưởng bị yêu cầu kiểm điểm
Theo báo Người lao động, UBND TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vừa yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo TP này tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Hiệu trưởng, Hiệu phó và các cá nhân có liên quan việc để xảy ra sai phạm trong quản lý hoạt động bán trú tại Trường Tiểu học Phước Long 1.
Bên cạnh đó, chấm dứt hợp đồng việc nấu ăn tại bếp ăn của Trường Tiểu học Phước Long 1 đối với hộ kinh doanh Nguyễn Đức Toàn vì không có Giấy phép kinh doanh và Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại địa chỉ 03 Bửu Đóa, Phước Long (Trường Tiểu học Phước Long 1).
UBND TP. Nha Trang yêu cầu khẩn trương có biện pháp khắc phục các tồn tại, sai phạm đã nêu, nhanh chóng tổ chức việc ăn bán trú cho học sinh đảm bảo chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng, an toàn và hiệu quả để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: “Tôi không ngại rủi ro, va chạm”!
ĐBQH tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng, người được biết đến với những tranh luận thẳng thắn và gai góc, hôm 13/11 chia sẻ với báo Giao thông rằng ông chấp nhận rủi ro khi đề cập đến những vấn đề nóng trong xã hội.
Ông nói: “Tôi đã từng nói là mình lường trước được có nhiều rủi ro, nhưng tôi chấp nhận sự rủi ro đó. Những phát biểu tại nghị trường của tôi đều mang tính xây dựng, không có gì mang tính chất cá nhân nên tôi không sợ phiền phức”.
Ông Nhưỡng còn cho biết, hiện nay có những đại biểu đóng hai vai, vừa là ĐBQH nhưng cũng đồng thời là người của cơ quan hành pháp. Điều này có thể sẽ dẫn đến việc những vị đại biểu đó bị cấp trên ‘nhắc nhở’ nếu như đại diện cho cử tri phát biểu những vấn đề gai góc hay động chạm.
Đại tướng Tô Lâm: Người nghiện ma túy rất đa dạng “Trí thức có, cán bộ có, trong nhân dân rất nhiều
Về ý kiến đại biểu cho rằng, dù tên luật là “phòng, chống ma túy”, nhưng nội dung phòng quá ít, ông Tô Lâm khẳng định sẽ tiếp thu, nghiên cứu. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, khi xây dựng luật này quan điểm chung của ban soạn thảo là đưa nội dung về “phòng” rất lớn.
“Các điều khoản chi tiết đều bao quát việc đó. Ngay cả việc đấu tranh với tội phạm cũng tính đến phòng ngừa mới là chính. Không chỉ là bắt giữ tội phạm mà ngăn chặn, giảm nguồn cung”, ông Tô Lâm nói trên báo Thanh Niên.
Nội dung nhiều người quan tâm là người nghiện ma túy và người sử dụng ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, dự án luật đã đặt ra từng bước xử lý khác nhau.
“Người sử dụng trái phép chất ma túy chưa xử lý hành chính, chủ yếu là vận động, giáo dục, mức độ quản lý nhẹ nhất. Người nghiện ma túy thì bắt đầu có các biện pháp, chế tài xử lý hành chính. Còn tội phạm thì rõ ràng xử lý hình sự theo pháp luật”, Bộ trưởng thông tin.
Ông Tô Lâm cho hay, hiện nay, thái độ với người nghiện ma túy và người sử dụng ma túy trái phép cũng rất khác nhau vì đối tượng này rất đa dạng.
“Trí thức có, cán bộ có, trong nhân dân rất nhiều, thanh niên có, thậm chí trẻ em cũng có. Mình đối xử thế nào”, ông Lâm nêu và cho biết, nhiều người cho rằng đây là những người rất đáng thương, cần phải có các biện pháp xã hội, song cũng có ý kiến cho rằng, phần lớn đây là những người có nhân thân xấu, tiền án tiền sự, vi phạm pháp luật khác.
“Người ta gọi đây là con nghiện, con bệnh, tức là coi ở mức độ thấp hơn người khác. Thậm chí, trong gia đình và xã hội cũng xa lánh. Các đại biểu cũng nói là trong nhà mà có vài ba người nghiện thì rất gay go”, ông Tô Lâm nói và khẳng định, thái độ với đối tượng người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy phải rất rõ ràng trong luật này.
Nêu lại ý kiến đại biểu nêu vấn đề giao Bộ Công an quản lý luôn cơ sở cai nghiện, ông Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an không ngại vấn đề này. “Nếu luật cho phép, chúng tôi rất sẵn sàng làm việc này. Đây là một biện pháp để ngăn ngừa tội phạm. Nếu thấy hiệu quả, Bộ Công an không ngại quản lý vấn đề này”, ông Lâm khẳng định.
Việt Nam có 1.253 ca viêm phổi Vũ Hán
Chiều 12/11, cơ quan chức năng Việt Nam thông báo có thêm 1 ca dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán mới được phát hiện qua đường nhập cảnh.
Bệnh nhân là nữ chuyên gia 28 tuổi người Hungary. Hiện người này đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Tính đến ngày 13/11, Việt Nam có tổng cộng 1.253 ca viêm phổi Vũ Hán, trong đó 1.093 ca đã chữa khỏi. Việt Nam cũng trải qua 72 ngày không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.