Tin Việt Nam – 12/6/2015
‘Người VN tin blog hơn kênh nhà nước’
Đa số người dân Việt Nam tin tưởng các trang blog cá nhân hơn truyền hình nhà nước, theo kết quả thăm dò do hãng khảo sát quốc tế Gallup phối hợp thực hiện với cơ quan Quản trị Phát Thanh (BBG) trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.
Cuộc khảo sát được thực hiện trên 3.000 người Việt Nam độ tuổi từ 15 trở lên, trong khoảng thời gian từ ngày 20/1 đến 13/3 năm nay.
88% số người được khảo sát nói họ xem tin tức mỗi ngày, trong khi 96,8% nói họ theo dõi tin tức ít nhất một tuần.
Tuy nhiên, 58,2% người dân Việt Nam từ các độ tuổi cho rằng blog cá nhân “đáng tin” hơn truyền thông nhà nước.
“Điều này cho thấy sự thiếu tin tưởng vào truyền thông nhà nước, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi được giáo dục tốt hơn”, báo cáo nhận định.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ 48,6% người Việt độ tuổi 15-34 xem các kênh truyền hình nhà nước như VTV, trong khi tỷ lệ này là 74,1% ở những người độ tuổi trên 35.
Điện thoại di động đang trở thành công cụ tiếp cận internet chính tại Việt Nam, báo cáo cho biết.
Theo đó, hơn 80% cư dân mạng nói họ sử dụng điện thoại để truy cập mạng trong một tuần qua.
Chỉ 45,5% nói họ lên mạng bằng máy tính bàn và 26,5% nói họ dùng máy tính xách tay.
Các dịch vụ mạng xã hội cũng đứng đầu trong số những dịch vụ thịnh hành nhất trên máy tính lẫn thiết bị di động.
72,8% người Việt Nam độ tuổi 15-24 nói họ truy cập Facebook trong một tuần qua. Theo sau đó là YouTube, với tỷ lệ 59,7% và Google, 71,3%.
Quan tâm tình hình Biển Đông
Biển Đông hiện là vấn đề được giới trẻ trong nước quan tâm nhất, kết quả khảo sát cho thấy.
Cụ thể, 17,3% người Việt Nam độ tuổi từ 15-24 cho rằng Biển Đông là vấn đề nghiêm trọng nhất Việt Nam đang đối mặt hiện nay. Tỷ lệ này là 19,4% ở độ tuổi từ 25-34.
Đáng chú ý là hơn 60% số người dưới 35 tuổi cho rằng phương Tây nên giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.
32,9% trong nhóm tuổi này cũng cho rằng sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc là không tốt cho các quốc gia châu Á.
9,6% trong nhóm tuổi này cho rằng vấn đề môi trường là vấn đề nghiêm trọng nhất.
Các vấn đề như tội phạm, chất lượng giáo dục và thất nghiệp cũng được quan tâm, với tỷ lệ lần lượt là 9,6%, 9,2% và 8,1%.
Chỉ 1,1% người Việt từ 24 tuổi trở xuống quan tâm đến vấn đề tham nhũng, bằng 1/3 so với độ tuổi từ 35 trở lên.
Hơn 72% giới trẻ dưới 35 tuổi cho rằng truyền thông Việt Nam nên nói về Việt Nam cũng như người Việt Nam một cách tích cực.
37,7% giới trẻ trong độ tuổi từ 15-24 cho rằng truyền thông nước ngoài không thể đưa tin về tình hình tại Việt Nam một cách chính xác. Tỷ lệ này là 45,1% ở độ tuổi từ 24-25 tuổi. – BBC
GS Huệ Chi nhận lại hộ chiếu – Tường trình về nhân quyền Việt Nam tại Quốc hội Mỹ
Một nhà nghiên cứu, bị công an Hà Nội thu hộ chiếu khi ra sân bay, cho biết ông đã nhận lại giấy tờ.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người khởi xướng trang web Bauxite Việt Nam, nói ông được công an trả lại hộ chiếu.
Hôm 18/5, khi đang làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất để đi Hoa Kỳ thăm gia đình, ông Huệ Chi được an ninh thông báo ông không được xuất cảnh và bị thu hộ chiếu.
Trong bài viết hôm 12/6 trên trang Bauxite Việt Nam, ông thông báo đã có buổi gặp công an sau đó.
Tại buổi gặp ở Hà Nội hôm 7/6, Thiếu tá công an Nguyễn Trường Giang nói ông Huệ Chi nay “có quyền xuất cảnh đến bất cứ nước nào”, theo lời kể của ông Huệ Chi.
Vị thiếu tá hẹn ông một buổi khác để nhận lại hộ chiếu.
Hôm 9/6, ông Huệ Chi quay lại và gặp ba sĩ quan công an.
Thượng tá Nguyễn Thế Cường nói với ông Huệ Chi: “Có những kẻ nào đấy muốn lợi dụng uy tín của bác nhằm lôi kéo bác vào những việc không hay thì xin bác hãy tỉnh táo.”
Ông này đề cập một số bài viết trên trang Bauxite mà theo ông “có những bài có ích, rất đáng để Đảng xem xét lại những chủ trương cụ thể, nhưng cũng có những bài không phải không có vấn đề”.
Giáo sư Huệ Chi nói phía công an “đều có thái độ niềm nở ân cần, cư xử rất đúng mực”.
Dù vậy, ông nói ông vẫn chưa hiểu vì sao ông bị cấm xuất cảnh và vì sao lại được trả lại hộ chiếu nhanh chóng.
Trước đó, 155 người đã ký tên vào một tuyên bố kêu gọi chính phủ Việt Nam “phải chính thức giải trình” về vụ việc. – BBC
***
Các nhân chứng đến từ Việt Nam và một học giả luật quốc tế hôm nay trình bày trước các nhà lập pháp Hoa Kỳ về tình trạng tù nhân lương tâm tại Việt Nam, kêu gọi quốc tế quan tâm hơn nữa và thúc đẩy Hà Nội chấm dứt vi phạm nhân quyền.
Buổi tường trình tại trụ sở Quốc hội Mỹ diễn ra từ 3-4 giờ chiều ngày 11/6 (giờ thủ đô Washington) do các đồng chủ tịch trong Nhóm làm việc về Việt Nam tại Hạ viện Mỹ (Vietnam Caucus) chủ trì.
Đây là cơ hội để các nhà lập pháp Hoa Kỳ trao đổi và lắng nghe giới hoạt động Việt Nam chia sẻ những gì đang diễn ra và những gì cần làm để giúp cải thiện bộ mặt nhân quyền của Hà Nội trong lúc nhân quyền vẫn là trở ngại chính cho các mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai nước Việt-Mỹ.
Phái đoàn từ Việt Nam gồm có ông Nguyễn Văn Lợi, thân phụ nhà hoạt động Nguyễn Đặng Minh Mẫn đang thọ án 8 năm tù về tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’; mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, thành viên Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam; và nhà hoạt động Trương Minh Tam, thành viên Phong Trào Con Đường Việt Nam. Ngoài ra còn có phần trình bày của Giáo sư Giáo sư Allen Weiner, Giám đốc Chương trình Luật Quốc tế và Đối chiếu của Đại Học Luật Stanford (Hoa Kỳ), người từng nộp thỉnh nguyện thư lên Ủy ban Liên hiệp quốc Điều tra về Bắt giữ Tùy tiện nhờ can thiệp các bản án Hà Nội dành cho các hoạt động thực thi quyền con người và cổ xúy dân chủ.
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cho VOA Việt ngữ biết thông điệp ông mang theo trong chuyến quốc tế vận này:
“Tôi muốn làm một nhân chứng để trình bày cho các vị dân biểu Mỹ, chính phủ Mỹ, và toàn thế giới biết rằng ở Việt Nam không có tự do tôn giáo. Những bề nổi bên ngoài mà mọi người nhìn thấy là sự trá hình mà thôi. Họ chỉ dành một phần quyền tự do cho một số tín đồ, giáo hội phục tùng họ. Ngoài ra, tôi cũng muốn nói về tình trạng họ đánh đập dã man, cầm tù các đồng đạo của tôi. Thông qua buổi tường trình này, tôi kêu gọi chính giới, Quốc hội Hoa Kỳ, cùng các tổ chức đấu tranh nhân quyền hãy lên tiếng. Đặc biệt là chính phủ Mỹ trong các quan hệ ngoại giao, kinh tế, mậu dịch như TPP với Việt Nam và trong chuyến thăm sắp tới của ông Nguyễn Phú Trọng, hãy gây áp lực buộc Việt Nam có bước cải thiện rõ rệt về tự do tôn giáo và nhân quyền, trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm.”
Thân phụ nhà hoạt động Minh Mẫn nói cuộc điều trần hôm nay sẽ vạch rõ những vi phạm nhân quyền của Hà Nội bao gồm việc ngược đãi, giam cầm phi pháp những nhà bất đồng chính kiến tham gia các hoạt động chính trị-xã hội ôn hòa tại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Lợi nói:
“Tôi muốn chính giới Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền có tiếng nói mạnh mẽ hơn để Việt Nam tuân thủ rõ ràng. Tôi hy vọng rất nhiều vì không phải riêng mình tôi mà nhiều người, kể cả các tổ chức nhân quyền quốc tế, cũng đã lên tiếng như vậy. Tôi hy vọng sẽ có kết quả.”
Chuyến đi của các nhà hoạt động Việt Nam lần này dự kiến kéo dài hơn 1 tháng. Trước cuộc điều trần ở Quốc hội Mỹ hôm nay, phái đoàn đã có buổi điều trần tại Quốc hội Canada để chuyển tải tới cộng đồng quốc tế cùng một thông điệp: Hãy lên tiếng cho nhân quyền Việt Nam.
Hoa Kỳ xem vấn đề nhân quyền Việt Nam là cầu nối đưa tới mối quan hệ Việt-Mỹ tốt đẹp, gần gũi hơn, nhưng để tiến tới đích đến đó còn là một thử thách lớn giữa bối cảnh Hà Nội liên tiếp bị liệt kê vào danh sách những chính phủ vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất trên thế giới, theo đánh giá của các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế.
Chính phủ Việt Nam bác bỏ các chỉ trích về vi phạm nhân quyền và nói rằng có những khác biệt quan điểm về vấn đề này cần phải được thu hẹp. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế khẳng định các giá trị nhân quyền tại mỗi quốc gia đều phải như nhau vì quyền con người mang tính căn bản, phổ quát toàn cầu.
Nhân quyền Việt Nam được xem là ‘khúc xương khó nuốt trong mâm cổ TPP’ giữa lúc Hà Nội đang nỗ lực gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Chủ tọa buổi điều trần tại Quốc hội Mỹ hôm nay, dân biểu Loretta Sanchez, Zoe Lofgren, và Chris Smith từng tuyên bố không thể chấp nhận TPP cho Việt Nam cho tới chừng nào chính phủ Hà Nội chứng minh những cải thiện rõ rệt, đáng kể về nhân quyền.
Điều này cũng được giới chức cấp cao trong hành pháp Mỹ khẳng định trong cuộc phỏng vấn với VOA Việt ngữ gần đây. Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ-Nhân quyền-Lao động Tom Malinowski nói phải có một số bước cải thiện nhân quyền trước từ phía chính phủ Việt Nam mới nói đến chuyện Hà Nội có thể gia nhập TPP.
Ông Malinowski nhấn mạnh Washington đang chờ đợi những tiến bộ nhân quyền cụ thể từ Hà Nội ngay trong vài tuần sắp tới, chứ không phải là vài tháng hay vài năm, giữa lúc giới lập pháp Hoa Kỳ đang thúc đẩy TPP đảm bảo các điều kiện về nhân quyền.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói ‘chìa khóa chính bây giờ là tiến bộ nhân quyền từ phía Việt Nam.’ – VOA