Tin Việt Nam – 12/12/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 12/12/2014

Học viên Pháp Luân Công ‘chết trong tù’

Học viên Pháp Luân Công Vũ Hồng Tố đã qua đời khi thực hiện án tù 5 năm vì tội ‘Gây rối trật tự công cộng’, theo gia đình ông.

Thân nhân ông Tố xác nhận với BBC ông qua đời hôm 15 Âm lịch, tức thứ Bảy tuần trước, và gia đình đã tổ chức tang lễ cho ông.

Ông Tố, cựu giáo viên, cùng ba người nhận theo Pháp Luân Công khác, đã bị bắt hồi tháng Hai năm nay khi mang búa ra lăng Hồ Chí Minh ở Hà Nội với ý định đập phá.

Họ cũng có kế hoạch phá hoại một số địa chỉ nổi tiếng ở Hà Nội.

Người bị cho là cầm đầu, ông Nguyễn Doãn Kiên, đã bị tòa án Hà Nội tuyên án sáu năm tù vì tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ theo Điều 245 Bộ Luật Hình sự.

Bị tuyên án vì cùng tội danh với ông Kiên trong phiên sơ thẩm ngày 27/3, các ông Vũ Hồng Tố nhận 5 năm tù, Nguyễn Văn Kiểm 4 năm tù và Trịnh Kim Khánh 4 năm tù.

Cả bốn tự nhận là học viên Pháp Luân Công, nhưng một số tổ chức không chính thức của Pháp Luân Công tại Việt Nam lên tiếng bác bỏ điều này.

Trước đó, hôm 4/1, nhóm ông Kiên cũng đã dùng dây cáp nhằm kéo đổ tượng Lenin ở vườn hoa trên đường Điện Biên Phủ, Hà Nội, nhưng không thành.

Kế hoạch kéo đổ tượng Lenin và đập phá lăng Hồ Chí Minh đều được nhóm của ông Kiên công bố công khai trên mạng xã hội trước khi tiến hành.

‘Không rõ nguyên nhân’
Bạn cùng tu tập với ông Vũ Hồng Tố, bà Nguyễn Thúy Liễu, cho BBC hay ông Tố từng tuyệt thực trong tù.

Tuy nhiên không rõ ông chết vì tuyệt thực hay vì lý do gì khác.

“Trước khi vào tù, anh Tố là người khỏe mạnh,” theo bà Liễu.

Pháp Luân Công chưa được hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và nhiều buổi tụ tập của các học viên Pháp Luân Công tại đây những năm qua đều bị giải tán.

Hồi tháng 9 năm ngoái, sáu học viên Pháp Luân Công từ Việt Nam sang Trung Cộng bị chính quyền nước này bắt giữ nhiều ngày trước khi được trả về nước. – Theo BBC

Biển Đông: CSVN chính thức nhờ Trọng tài quốc tế bảo vệ quyền lợi – Gs Thayer: CSVN đã lách vào vụ kiện TC bằng “cửa sau” – Gs Ngô Vĩnh Long: CSVN để mở cơ hội kiện TC về Biển Đông – Học giả viện Lowy: TC ‘khó lường’ ở Biển Đông

Trong một tuyên bố ngắn gọn vào hôm qua, 11/12/2014, CSVN xác nhận là đã yêu cầu Tòa án trọng tài quốc tế chú ý đến “quyền và lợi ích” pháp lý của CSVN ở Biển Đông.

Tuy không hẳn là một quyết định kiện các yêu sách chủ quyền của Trung Cộng (TC) như Philippines đã làm, nhưng quyết định của CSVN gián tiếp bác bỏ các luận điểm của Bắc Kinh về Biển Đông.

Trả lời báo chí vào hôm qua về lập trường của CSVN liên quan đến diễn biến mới trong vụ Philippines kiện đường lưỡi bò TC tại Biển Đông trước Tòa án Trong tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CSVN Lê Hải Bình xác nhận rằng CSVN đã chính thức bày tỏ quan điểm của mình, đồng thời yêu cầu Tòa Trọng tài quan tâm đến quyền lợi của CSVN tại Biển Đông:

“Để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện Trọng tài Biển Đông, Việt Nam đã bày tỏ với Tòa trọng tài lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam”.

Trước đó Lê Hải Bình đã lên tiếng cực lực phản đối việc Bắc Kinh mới đây đã tái khẳng định chủ quyền của họ trên hầu như toàn bộ Biển Đông trong bản Tuyên bố lập trường của TC về vụ kiện của Philippines:

“Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận cũng như yêu sách “các quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển bên trong “đường đứt đoạn” do Trung Quốc đơn phương đưa ra”.

Bắc Kinh đòi Hà Nội “thiết thực” tôn trọng chủ quyền TC ở Biển Đông

Đúng với dự đoán, ngay sau các tuyên bố từ phía Hà Nội, Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC Hồng Lỗi đã bác bỏ các tuyên bố của CSVN và yêu cầu Hà Nội thiết thực tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi trên biển của TC.

Theo Tân Hoa Xã, Hồng Lỗi còn nhắc lại yêu cầu CSVN cùng với TC giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương “trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và Luật quốc tế”.

Điểm cần ghi nhận trong tuyên bố này là Bộ Ngoại giao TC nói đến đàm phán về Nam Sa (tức (Trường Sa) chứ không nói gì đến đàm phán về Tây Sa (tức Hoàng Sa), mà TC đã mặc nhiên coi là lãnh thổ của họ, không phải là đối tượng đàm phán.

Theo các chuyên gia phân tích, dù việc CSVN quyết định cầu viện đến Tòa án Trong tài Liên Hiệp Quốc trên hồ sơ Biển Đông không hẳn là một đơn kiện TC như Philippines đã làm, nhưng động thái này là một động thái theo chiều hướng vận động công luận quốc tế chống lại yêu sách chủ quyền quá trớn của TC tại Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn của RFI, chuyên gia Carlyle Thayer tại Học viện Quốc phòng Úc phân tích về chiến lược ngoại giao mới này của CSVN.

Về ý nghĩa của văn kiện có thể gọi là Tuyên bố lập trường của CSVN trên vấn đề Biển Đông, lại được gởi đến Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Giáo sư Thayer nêu bật sự kiện là tuyên bố của CSVN không phải là đơn kiện TC, nhưng đã phản bác toàn bộ luận điểm của TC dù không gọi đích danh.

Thayer: CSVN đã chuyển đến Toà án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration – PCA) một tuyên bố chính thức về các quyền của mình (ở Biển Đông). Đây không phải là một “đơn kiện” (statement of claim) như Philippines đã đưa ra hồi tháng Giêng 2013, mà chỉ là một tuyên bố về các quyền của CSVN trong vụ kiện tụng giữa TC và Philippines tại Tòa án Trọng tài.

Trong tuyên bố này, CSVN thừa nhận Toà án Trọng tài Thường trực – PCA có quyền tài phán đối với trường hợp của Philippines. Hà Nội đề nghị Tòa án ‘quan tâm đúng đắn’ tới các quyền và lợi ích của CSVN. Và CSVN bác bỏ Đường 9 đoạn của TC (tại Biển Đông), xem đấy là điều không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào.

Tất cả ba điểm trong tuyên bố đều phản bác lại nội dung Văn kiện về Lập trường mà TC vừa mới công bố.

Ý nghĩa quan trọng trong bản tuyên bố của CSVN, theo giáo sư Thayer là việc mặc nhiên giành quyền tham gia vụ kiện TC một cách gián tiếp:

Thayer: Khi bày tỏ mối quan tâm của mình trong trường hợp này, CSVN không tham gia cùng Philippines vào vụ kiện TC. Tuy nhiên, bản tuyên bố của CSVN sẽ được các thẩm phán của Toà án ghi nhận trong vụ xét xử kiện tụng giữa TC và Philippines. Điều này sẽ có tác dụng nâng cao – tuy chỉ là một chút – tầm quan trọng của vụ kiện.

Nói một cách khác, cho dù vụ kiện chỉ là một vấn đề song phương giữa TC và Philippines, nhưng việc phân xử của các thẩm phán sẽ phải tính tới các lợi ích của các bên khác có thể bị phán quyết ảnh hưởng.

Rất có thể là với việc gửi bản tuyên bố về các quyền tới Tòa án Trọng tài, CSVN sẽ được mời đến trình bày các quyền và lợi ích của mình. Có thể nói, CSVN tiến hành kiện tụng “qua cửa hậu”.

Mới chỉ là điều tối thiểu trong hàng loạt hành động có thể làm.

Tuy nhiên, theo nhận xét của chuyên gia Thayer, CSVN mới chỉ làm điều tối thiểu trong một loạt các thủ tục pháp lý có trong tay để chống lại các yêu sách chủ quyền quá đáng của TC tại Biển Đông.

Thayer: Có những thông tin trái ngược nhau về khả năng CSVN kiện TC. CSVN đã gửi tuyên bố về các quyền của mình tới Tòa vào ngày 05/12 (trùng với ngày Bộ Ngọai giao Mỹ công bố bản báo cáo về Các Ranh giới trên Biển).

Có những tin đồn trong giới ngoại giao là CSVN đã chuẩn bị một biện pháp pháp lý mạnh mẽ hơn và đã tham vấn các nước bạn. Nếu tin đồn này là đúng, thì vào phút chót, CSVN đã chọn một giải pháp tối thiểu. Hai ngày sau, hôm 07/12/2014, TC đã công bố Văn kiện về Lập trường.

Đối với giáo sư Thayer, không phải là ngẫu nhiên mà chính phủ CSVN đã quyết định chính thức gởi đến Tòa án Trọng tài Thường trực tuyên bố lập trường về vụ kiện TC của Philippines. Sự kiện này có liên quan đến Hội nghị Toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 của đảng Cộng sản Việt Nam, dự trù mở ra ngày 20/12 tới đây, và sự kiện Hoa Kỳ chính thức công bố tài liệu nghiên cứu đả phá yêu sách chủ quyền của TC tại Biển Đông.

Thayer: Các hành động của CSVN được tiến hành vào lúc trước khi có Hội nghị Toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 của đảng Cộng sản Việt Nam. Các hành động pháp lý của CSVN sẽ nhằm xoa dịu những người chỉ trích ở trong nước. Họ có thể không hoàn toàn thỏa mãn nhưng sẽ được ấm lòng hơn với việc chính quyền gửi tuyên bố tới Toà án Trọng tài.

Bất luận thế nào, Ban Chấp hành Trung ương cũng phải đáp ứng tâm tư của các ủy viên liên quan đến việc kiện TC. Họ sẽ phải chấp nhận và ủng hộ quyết định của chính phủ.

Thời điểm CSVN gửi tuyên bố tới Toà án, trùng với ngày Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tài liệu về Các Ranh giới trên Biển, và 2 ngày trước khi TC công bố Văn kiện về Lập trường, quả là rất phù hợp. Các sự kiện này, khi xem xét trong tổng thể, làm nổi bật lên vai trò của luật pháp quốc tế như là một công cụ để xử lý các tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông.

TC sẽ không hài lòng bởi vì họ đã cố sức làm sao cho Tòa án Trọng tài không thụ lý vụ kiện của Philippines.

Theo nhận định của Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông tại trường Đại học Maine (Hoa Kỳ), có thể xem đây là một động thái cần thiết của CSVN nhằm tạo cơ sở cho việc kiện TC trong tương lai.

Trả lời câu hỏi của RFI qua thư điện tử, Giáo sư Ngô Vĩnh Long phân tích:

“Câu trả lời của ông Lê Hải Bình về vụ kiện Trọng tài Biển Đông của Philippines cho thấy có lẽ Việt Nam đã nộp cái gọi là đề xuất của phía “bạn của tòa” (amicus curiae submission). Việc nầy rất cần thiết để phát biểu lập trường và quan điểm của Việt Nam trong việc ủng hộ vụ kiện cũng như bảo vệ “các quyền và lợi ích pháp lý” của Việt Nam như đã tuyên bố.

Thêm vào đó nó cũng giúp cho Việt Nam để mở cơ hội kiện Trung Quốc trong tương lai. Nếu Việt Nam đã không làm như thế thì sau này Việt Nam khó có thể vận động sự ủng hộ của thế giới khi đi đến quyết định kiện Trung Quốc.”

Theo Giáo sư Long, CSVN đã lên tiếng kịp lúc để duy trì khả năng bảo vệ quyền lợi của mình trong tư cách là nước bị đường lưỡi bò TC tác hại nặng nhất:

“Có lẽ là để gián tiếp ủng hộ vụ kiện của Philippines, ngày 05/12/2014, Bộ Ngoại Giao Mỹ đã chính thức công bố một nghiên cứu của Bureau Oceans and International Environmental and Scientific Affairs trong đó phân tích rõ ràng các đòi hỏi của TC ở Biển Đông là phi lý và phi pháp.

Hai ngày sau (ngày 07/12), chính phủ TC đã đưa ra một công bố chính thức về vụ kiện của Philippines và bác bỏ một cách rất ương ngạnh vụ kiện ấy.

CSVN là nước bị thiệt hại nhất vì “đường lưỡi bò” (mà vụ kiện của Philippines chủ yếu là về đòi hỏi phi lý và phi pháp này của TC) cũng như những hành động xâm chiếm khác của TC.

Do đó, nếu CSVN đã không lên tiếng khẳng định quyền lợi của mình khi TC đưa ra công bố chính thức về vụ kiện của Philippines, cũng như trước thời hạn hết được nộp ý kiến, thì CSVN đã bỏ đi một cơ hội rất lớn để bảo vệ quyền lợi của chính mình”.

Một nhà nghiên cứu tại Australia cho rằng thái độ ‘khó lường’ của chính quyền Bắc Kinh về vấn đề biển Đông đã gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á, trong khi TC vừa phản bác việc Hà Nội bày tỏ quan điểm với tòa trọng tài quốc tế.

Bà Linda Jakobson, một nhà nghiên cứu độc lập và là một học giả tại Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Sydney, cho rằng các chính sách không đồng nhất của TC về vấn đề biển Đông, dưới tác động của nhiều yếu tố, đã làm các quốc gia láng giềng, trong đó có CSVN, lo ngại.

Tác giả của nghiên cứu dài hơn 50 trang về chính sách an ninh hàng hải của TC nói với VOA Việt Ngữ.

“Tôi nghĩ một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là nhiều quốc gia thấy sự khó lường của Bắc Kinh và tự hỏi Trung Quốc sẽ làm gì với sức mạnh ngày càng lớn của mình. Điều này đã dẫn tới lo ngại, và các quốc gia trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc đang chi nhiều tiền hơn để vũ trang so với nếu họ không cảm thấy bất an vì Trung Quốc”.

Các dự án lấp biển, các cuộc đối đầu với tàu bè nước ngoài và các hoạt động thăm dò dầu khí đã khiến các quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền ở biển Đông lên tiếng phản đối.

Theo bà Jakobson, các tác nhân khác nhau ở TC như các nhóm lợi ích, quân đội giải phóng nhân dân, các chính quyền địa phương, các cơ quan thực thi pháp luật, các công ty khai thác tài nguyên cũng như các ngư dân đều tìm cách đẩy mạnh các quyền lợi của mình thông qua việc thúc đẩy chính phủ có các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

“Họ nắm mọi cơ hội để thuyết phục chính phủ thông qua các dự án lấn biển, trang bị các tàu tuần tra lớn, cũng như các công cụ pháp lý để củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”, bà Jakobson viết trong bản nghiên cứu của mình.

Trong khi tinh thần dân tộc chủ nghĩa dâng cao, theo nhà nghiên cứu độc lập, Chủ tịch TC Tập Cận Bình “không thể bác bỏ các hành động nhân danh bảo vệ chủ quyền của TC”.

Bà Jakobson nói:

“Hiện nay, tại Trung Quốc, có rất nhiều nhóm có đặc quyền muốn thấy chính phủ nước này mạnh mẽ trước các quốc gia khác. Nhìn chung, hiện ở Trung Quốc người ta muốn thấy nước này tỏ ra ít phục tùng hơn trước Mỹ, Nhật Bản hay bất kỳ nước nào khác. Tôi cho rằng xu hướng dân tộc chủ nghĩa này đã dẫn tới thái độ khó đoán định của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh hàng hải”.

Nga mới bàn giao chiếc tàu ngầm thứ ba mang tên Hải Phòng cho CSVN, sau hai chiếc mang tên Hà Nội và TP HCM. Hợp đồng trị giá hơn 2 tỷ đôla giữa Nga và CSVN được ký hồi năm 2009.

Trong khi đó, người đứng đầu lực lượng vũ trang Philippines, đang vận động chính quyền ở Manila thông qua ngân khoản 10 tỷ đôla để mua các chiến đấu cơ và chiến hạm để đưa quân đội nước này lên “đẳng cấp quốc tế” vào năm 2028. – Theo RFI, VOA

Bà Bùi Thị Minh Hằng ‘đả đảo’ phiên tòa bất công — Tòa phúc thẩm y án bà Hằng

Tòa án tỉnh Đồng Tháp vừa y án sơ thẩm đối với bà Bùi Thị Minh Hằng và hai nhà hoạt động khác, luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho bà Hằng, nói với BBC.

“Tòa đã quyết định y án Bà Hằng 3 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Minh y án 2 năm rưỡi và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh y án 2 năm,” ông Miếng cho biết.

Hồi tháng Tám, cả ba người đã bị tòa sơ thẩm ở Đồng Tháp kết án tù vì tội ‘Gây rối trật tự cộng cộng’, theo Điều 245, Bộ Luật hình sự.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) trong thông cáo ngày 12/12 đã gọi phiên tòa là “chiến thuật của chính phủ nhằm trấn áp các nhà hoạt động nhân quyền.”

“Câu nói cuối cùng tại tòa của bà Hằng là ‘đả đảo phiên tòa bất công của chính quyền cộng sản’,” luật sư Miếng nói.

“Bà Hằng vẫn quyết tâm không nhận tội”.

Luật sư của bà Hằng cho biết ông đã hy vọng cả ba người có thể được giảm án.

“Trước khi tòa tuyên án, tôi vẫn còn tin vào hệ thống tư pháp của Việt Nam,” ông nói.

Trả lời BBC trong chiều cùng ngày, bà Đặng Thị Quỳnh Anh, con gái bà Hằng, cho biết gia đình đã bị lực lượng an ninh ngăn chặn không cho dự phiên tòa.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đâm đơn ở trong nước và các cơ quan tối cao để kêu oan cho mẹ,” bà nói.

“Sau khoảng 20 ngày nữa tôi sẽ đi thăm nuôi mẹ và sẽ tùy tình hình sức khỏe của mẹ để quyết định bước tiến tiếp theo”.

Bà Quỳnh Anh cũng cho biết sẽ tăng cường vận động tại các tổ chức quốc tế để kêu gọi trả tự do cho bà Hằng.

HRW lên tiếng

Trong thông cáo gửi đến BBC ngày 12/12, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á của HRW, đã lên án phiên tòa tại Đồng Tháp.

“Bà Bùi Thị Minh Hằng đã từ lâu là một cái gai trong mắt chính quyền Việt Nam, vì vậy Hà Nội đã sáng chế ra những cáo buộc với động cơ chính trị như “Gây rối trật tự công cộng” nhằm bịt miệng bà cùng hai blogger khác,” ông Robertson nói.

“Đây chỉ là một phần chiến thuật của chính phủ nhằm trấn áp các nhà hoạt động nhân quyền, với những cáo buộc về gây rối trật tự công cộng thay vì hình sự hóa việc thực thi quyền con người”.

“Thế nhưng mục đích của chúng là hoàn toàn giống nhau – ném người dân vào ngục tù chỉ vì dám đòi hỏi sự minh bạch, một chính quyền dân chủ và tôn trọng nhân quyền”.

“Trong những vụ án chính trị như vậy, tòa án không có một chút độc lập nào trước Đảng Cộng Sản. Tất cả những gì xảy ra đã được dàn xếp trước”.

Cả ba người bị bắt vào ngày 11/2/2014, khi đang trên đường thăm gia đình vợ chồng cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

“Lúc đi cùng với mẹ tôi còn có 20 người khác … trên đường đi thì bị một lực lượng lớn công an huyện Lấp Vò chặn lại và dùng dùi cui đánh đập cả đoàn, cướp giật tài sản, máy móc rồi dẫn cả đoàn về giam tại công an huyện Lấp Vò,” anh Trần Bùi Trung, con trai bà Hằng, nói với BBC hồi tháng Hai.

Đại sứ quán Hoa Kỳ hồi tháng Tám đã ra thông cáo kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động, sau khi tòa sơ thẩm ở Đồng Tháp tuyên án tù cả ba người.

“Việc các cơ quan chức năng Việt Nam sử dụng các điều luật về trật tự công cộng để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một các ôn hoà là điều đáng báo động”, thông cáo viết.

“Việc kết án này dường như không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.”

Phiên tòa nhiều thiếu xót?

Phiên sơ thẩm ngày 26 tháng 8 năm 2014 đã kết án bà Bùi Thị Minh Hằng như một bị cáo chính với 3 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Minh với 2 năm 6 tháng tù giam và cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh với 2 năm tù giam.

Bản án này được dư luận xem là quá nặng nề khi cả ba người không có hành vi nào có thể được xem là gây rối trật tự công cộng.

Theo luật sự Trần Thu Nam thì phiên tòa sơ thẩm có nhiều thiếu xót trong quá trình điều tra, thủ tục tố tụng, lấy lời khai của các nhân chứng, đối chất lời khai của các nhân chứng, thu thập những lời khai của các nhân chứng có liên quan.

Luật sư Trần Thu Nam cho biết quá trình xét xử trong phiên tòa sơ thẩm mang tính chất hình thức, tòa án không tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, nhân chứng không thể đến tham dự phiên tòa do bị cản trở, bao vây và vì vậy không thể cung cấp các lời khai nhằm làm sáng tỏ vụ án. Phiên tòa sơ thẩm và bản án có dấu hiệu oan sai và đó là lý do cả ba bị cáo đều chống án và được sự đồng tình của dư luận.

Phiên tòa Phúc thẩm không cấp giấy cho con ruột bà Bùi Thị Minh Hằng là chị Quỳnh Anh tham gia phiên xử. Vào lúc 8 giờ sáng hôm nay 12/12 chị Quỳnh Anh cho biết tình trạng cụ thể như sau:

“Sáng nay con cùng với đoàn luật sư đi cùng tới cổng tòa trong nhóm của con có chú Huỳnh Công Thuận, chú có điện thoại chú rút ra thì rất đông người xông vào đánh chú rồi đưa về phường bây giờ cũng chưa rõ. Còn lại bọn con ở đây còn 4 người, có con, vợ chồng luật sư Hiến cùng chị Minh Tú là em gái chị Tạ Phong Tần và một anh tên là Giang ở miền Tây lên, ảnh bảo muốn tham dự phiên tòa nhưng không được vào. Bọn con không được tiếp cận đến cổng phiên tòa mà chỉ được ngồi cách phiên tòa rất xa.”

Việc cấm các nhân chứng tới tòa sơ thẩm được lập lại trong phiên Phúc thẩm khi từ tờ mờ sáng công an và an ninh các loại được tung ra nhằm cản trở không cho người muốn tham dự phiên tòa trong đó có vợ của ông Nguyễn Văn Minh là bà Bùi Thị Diễm Thúy mặc dù bà Thúy có giấy triệu tập tham dự phiên tòa này.

Ông Nguyễn Bắc Truyển hiện đang bị bao vây tại nhà riêng từ hai ngày qua với mục đích không cho ông về Đồng Tháp tham dự phiên phúc thẩm cho biết:

“Sáng nay vào khoảng 5 giờ sáng thì Bùi Thị Diễm Thúy có gọi điện cho tôi bào rằng đang đi từ nhà đến phiên tòa ở thành phố Cao Lãnh. Trên đường đi tới bến đò Chợ Cũ thuộc huyện Thanh Bình tỉnh Đồng Tháp thì có rất đông mật vụ bám theo và mật vụ đã ra lệnh cho chủ đò là không đưa nhóm người của Thúy khoảng 7 – 8 người qua sông để đi về hướng Cao Lãnh. Trong lúc dằn co hai bên thì tôi không biết có việc tấn công của công an hay không, không nghe Thúy nói nhưng mà Thúy buộc phải ở lại bên này đò khoảng 1 tiếng đồng hồ sau thì công an mới ra lệnh cho người đưa đò chở Thúy qua sông tới phiên tòa.”

Theo một người thân của chị Diễm Thúy cho biết thì sáu người đã bị bắt và giam giữ tại công an thành phố tình Đồng Tháp như sau:

“Sáu người đi uống cà phê và bị lôi kéo rồi bắt về đồn là Bùi Thị Bích Tuyền, Phan Văn Thành, Bùi Minh Luân. Lê Diệu Hiền, Lê Hồng Hạnh tất cả đều là tín đồ Hòa Hảo.”

Cùng ngày một nhóm Blogger từ Sài Gòn và các tỉnh xuống Đồng Tháp tham dự phiên tòa như blogger Huỳnh Ngọc Chênh, Bùi Hoàng, Nguyễn Công Thủ, Lã Việt Dũng, Nguyễn Ngọc Lụa, Trần Bang, Trương Minh Tam, Châu Đức Vỹ, vợ chồng bà Trần Thị Hài, Huỳnh Công Thuận và vài tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã bị công an an ninh CSVN bao vây tấn công và bắt giữ.

Đàn áp phật giáo Hòa Hảo?

Vụ án này phát xuất từ việc đàn áp tín đồ phật giáo Hòa Hảo tại Cao Lãnh mà cụ thể là từ đám cưới của nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Bắc Truyển và vợ ông là bà Bùi Thị Kim Phượng. Ông Truyển thuật lại diễn tiến ngày xảy ra vụ công an đàn áp và bắt giữ ba bị can Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh như sau:

“Sự việc xảy ra liên quan đến chị Bùi Thị Minh Hằng là như thế này: Vào ngày 9 tháng 2 năm 2014 cách ngày đám cưới của tôi và bà xã tôi 9 ngày, dự kiến tổ chức vào ngày 18 tháng 2 thì hàng trăm công an mật vụ tỉnh Đồng Tháp và huyện Lấp Vò Đồng Tháp đã xông vào nhà vợ tôi và bắt tôi ngay tại nhà vợ tôi sau đó họ áp giải tôi về Sài Gòn và không cho tôi quay lại nhà vợ tôi để tổ chức đám cưới.

Khi hay tin tôi bị bắt thì chị Hằng cùng với 20 người trong đó có tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở miền Tây, các nhà hoạt động nhân quyền và xã hội tại Việt Nam đã đi từ Sài Gòn đến chùa Quang Minh Tự huyện Chợ Mới tỉnh An Giang và sau đó đi tới nhà tôi để an ủi và động viên vợ tôi. Trên đường đi tới xã Mỹ An Hưng B huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp thì hàng trăm công an mật vụ đã phục kích vào ngày 11 tháng 2 năm 2014, đánh đập 21 người đi trên 11 chiếc xe gắn máy và cướp giật tài sản cá nhân của 21 người này và đồng thời câu lưu họ trên 24 tiếng.

Tối ngày 12 thì họ thả 18 người và tiếp tục giữ ba người là Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh để khởi tố họ về tội danh “gây rối trật tự công cộng, cản trở lưu thông. Riêng Nguyễn Văn Minh còn bị truy tố tội danh chống người thi hành công vụ. Tất cả những việc này là chứng cớ của sự dàn dựng.”

Phiên tòa phúc thẩm hôm nay có sự bào chữa của LS Trần Thu Nam, LS Hà Huy Sơn, LS Đoàn Thái Duyên Hải và LS Nguyễn Văn Miếng. Vào lúc 2 giờ 30 chiều Tòa Phúc thẩm đã tuyên y án cho cả ba người Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh. – Theo RFA