Tin Việt Nam – 12/11/2018
Huỳnh Thục Vy – chuyện từ buôn làng
Ben NgôBBC Tiếng Việt
Blogger, nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy tâm tình với BBC về cuộc sống và công việc buôn bán cà phê ở Buôn Hồ trước ngày ra tòa hôm 22/11.
Tòa án Nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk dự kiến xử sơ thẩm bà Thục Vy về cáo buộc tội “Xúc phạm quốc kỳ” theo Điều 276 Bộ luật Hình sự 1999.
Bà Thục Vy được biết đến như người sáng lập tổ chức Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, với mục tiêu cổ vũ các giá trị của nhân quyền và ủng hộ các nhà bảo vệ nhân quyền là nữ giới.
Thông cáo do tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty) phát đi hồi tháng 8/2018 viết: “Thông qua hoạt động và viết blog ủng hộ quyền của phụ nữ, dân tộc thiểu số và nhân quyền nói chung, bà Huỳnh Thúc Vy đã làm việc không mệt mỏi để vạch trần các hành vi vi phạm. Vì điều này, bà và gia đình đã phải hứng chịu sự giám sát, đe dọa và quấy rối không ngừng.”
Bà thường xuyên viết blog về các vụ đàn áp nhân quyền bao gồm cả những vụ đàn áp nhắm tới các sắc dân thiểu số ở Việt Nam.
Bà hiện đang sinh sống cùng chồng và con gái 25 tháng tuổi tại làng Hà Lan A ở Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
Blogger Huỳnh Thục Vy bị khởi tố
Blogger Huỳnh Thục Vy bị bắt và khám nhà
Đinh Nguyên Kha – ‘mặt thư sinh, tính mạnh mẽ’
Thịnh Nguyễn và ‘hành trình làm điều khác biệt’
Hôm 12/11, bà Thục Vy nói với BBC: “Từ khi có con nhỏ, tôi dành nhiều thời gian chăm sóc con nên công việc chung có xao nhãng đôi phần, việc viết lách không còn đều đặn như trước.”
“Tuy vậy, trong lòng tôi, khao khát được sống có ích càng cháy bỏng hơn. Vì giờ mình đã có con, những việc mình làm không chỉ cho chính bản thân mình, bạn bè và cộng đồng nữa, mà còn cho một con người bé bỏng mang huyết thống của mình.”
“Tôi nhận thấy công việc và cuộc sống của mình không những mang lại lợi-hại cho con mà còn là tấm gương cho con trưởng thành.”
“Có nuôi một đứa trẻ từ lúc sinh ra đến khi hai, ba tuổi, tôi mới thấu hiểu rằng để một con người được sinh ra và lớn lên tốn rất nhiều tâm huyết và công lao của cha mẹ, bà con và xã hội.”
“Bởi vậy, nếu một người lớn lên không làm được điều gì to lớn hơn bản thân mình thì thật bội ơn những gì mình được nhận hưởng.”
“Lý tưởng về nhà nước pháp trị, xã hội tự do dân chủ của tôi cũng chỉ bắt nguồn từ nhận thức: Muốn sống có ích, muốn mang lại lợi ích cho cộng đồng, thứ lợi ích thiết thực nhưng lâu bền và mang tính gốc rễ chứ không chỉ có lợi ích vật chất.”
BBC:Trải nghiệm đặc biệtcủa một người vốn quen với cuộc sống ở thành phố nay sống ở buôn làng là gì?
Huỳnh Thục Vy: Làng Hà Lan A ở Buôn Hồ trong mắt những người chưa từng đặt chân đến là một làng quê vùng rừng núi. Nhưng không phải, theo hiểu biết của tôi, đây là một giáo xứ Công giáo do ông Ngô Đình Diệm khai mở từ 1954, một vùng đất đai trù phú.
Hiện tại, tôi có cảm nhận, mức sống và trình độ dân trí của người dân trong làng Hà Lan A này cao hơn hẳn mức trung bình trong cả nước. Theo tôi, đó là nhờ: Ông bà tổ tiên người Công giáo tỵ nạn Cộng sản; cuộc sống của người dân chỉ phụ thuộc vào việc sản xuất cây công nghiệp (hồ tiêu, cà phê) nên họ khá độc lập về kinh tế, không quá sợ hãi chính quyền; con cái họ sinh ra, lớn lên coi trọng việc buôn bán và nông nghiệp, không trông mong vào làm công chức trong hệ thống chính quyền.
Có lẽ nhờ những yếu tố đó nên nhận thức của họ độc lập hơn và phi Cộng sản. Đa phần người trong làng có smartphone để truy cập Internet.
BBC:Có phải một trong những thử thách đáng kể nhất với nhà hoạt động ở Việt Nam là việc mưu sinh khi mà công chuyện làm ăn, kiếm tiền của họ thường bị làm khó dễ? Bà vượt qua thử thách này thế nào?
Huỳnh Thục Vy: Đúng vậy, đó là thử thách khá lớn. Việc tôi mở kho chứa hàng và trưng bảng hiệu của công ty cà phê AmaRin Coffee của mình ở Sài Gòn từng bị công an gây khó dễ. Họ bắt tôi phải dỡ bảng hiệu công ty xuống. Việc thuê nhà ở của vợ chồng tôi và các em tôi ở Sài Gòn nhiều lần không ổn vì công an gây áp lực cho các chủ nhà trọ.
Họ canh giữ chặt chẽ vào các cuối tuần không cho em trai tôi đi giao hàng cho khách, thậm chí còn nhiều lần đến đập phá chỗ trọ của em tôi. Những sách nhiễu trong cuộc sống hằng ngày và thử thách trong việc mưu sinh đã buộc em trai tôi phải sang Thái Lan xin tỵ nạn. Còn vợ chồng tôi về quê chồng (Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) sinh sống và thay vì bán hàng cà phê sạch có mặt bằng trưng bày thì tôi bán hàng qua mạng. Cuộc sống của vợ chồng tôi đến nay tạm ổn trong sự ủng hộ và bao bọc của bà con giáo xứ Vinh Đức, làng Hà Lan A. Nhưng dường như chính quyền lại muốn bứng tôi ra khỏi mảnh đất lành này, khỏi Tây nguyên, nơi có những người giáo dân ủng hộ tôi và có các anh chị em người Thượng cần Thục Vy làm tiếng nói cho họ.
Huỳnh Thục Vy nói về biểu tình và tự do
Nghệ sĩ Kim Chi làm phim về nhân quyền
Đặng Xuân Diệu phát biểu về nhân quyền ở Geneva
Đặng Xuân Diệu ‘ra tù trước hạn’
Mẹ Nấm: ‘Tôi phải ra đi vì hai con nhỏ’
VN: ‘Không đặc xá’ tội Lật đổ chính quyền nhân dân
BBC:Bà trù liệu khả năng phiên tòa ngày 22/11 sẽ kết thúc thế nào và nếu đó là một bản án tù giam thì sao?
Huỳnh Thục Vy: Tôi tin rằng mục đích của chính quyền và công an Đăk Lăk là dùng thủ tục tố tụng và phán quyết của vụ án này để: Đe dọa người dân nơi tôi đang sinh sống. Người dân ở đây yêu mến và ủng hộ tôi. Họ nhìn thấy người dân bảo vệ tôi trong buổi biểu tình chống luật Đặc khu ngày 10/6/2018 nên họ lo sợ đó sẽ là tiền lệ bất lợi cho họ trong thời gian tới; kiềm chân tôi để ngắt các liên kết của tôi với bạn bè người sắc tộc Tây nguyên bằng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; dùng bản án để áp lực tinh thần gia đình tôi nhằm thúc giục tôi đưa ra lựa chọn rời khỏi Việt Nam.
Chắc họ nghĩ rằng một bản án tù giam 3 năm là vừa đủ để các mục đích trên của họ được thành đạt. Bản án giam tối đa 3 năm đủ nhẹ để không gây tiếng tăm trong cộng đồng quốc tế, họ không thích có một trường hợp Mẹ Nấm thứ hai nữa. Và bản án giam cũng đủ nặng để áp lực tôi bỏ nước ra đi trong thời gian việc thi hành án bị tạm hoãn vì tôi có con nhỏ dưới 3 tuổi. Họ nghĩ rằng thời gian một năm sắp tới bị kiềm chân ở nhà bằng lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú, và chờ con nhỏ đủ 3 tuổi để bị tống giam, tôi sẽ tìm cách bỏ trốn khỏi Việt Nam.
Người bào chữa cho tôi trong phiên tòa sắp tới, Luật sư Đặng Đình Mạnh, cho tôi nhiều sự ủng hộ về tinh thần hơn là lời khuyên pháp lý cụ thể vì tôi đã có những chủ kiến riêng của mình trong vụ án này.
BBC:Được biết bà từng viết trên trang cá nhân: “Nếu mình có thể nhắn với anh Trần Huỳnh Duy Thức lúc này, mình sẽ nói: Anh ơi, đồng ý ra đi đi…” Bà có bình luận gì về lựa chọn đi hay ở lại của người tù là nhà hoạt động/giới bất đồng?
Huỳnh Thục Vy: Tôi tin rằng, một người tài giỏi như Trần Huỳnh Duy Thức nếu chọn ra khỏi Việt Nam thì ông sẽ vẫn có những vận động hữu ích cho đất nước. Nhưng tôi cũng vô cùng trân quý nhiệt huyết của ông muốn làm ngọn đuốc giữ ấm mãi tinh thần người đấu tranh trong nước và rọi sáng góc tối tăm Việt Nam cho cộng đồng quốc tế thấy rõ.
Bằng tình cảm chân thật bình thường, tôi ủng hộ ông ấy ra đi, bằng lý trí xét đoán lợi hại trong công cuộc chung, tôi muốn ông ở lại Việt Nam.
BBC:Theo bà dự đoán, tình hình của giới hoạt động tại Việt Nam sẽ thế nào sau ngày 1/1/2019, khi luật An ninh mạng có hiệu lực?
Huỳnh Thục Vy: Theo tìm hiểu của tôi, từ nửa năm nay, dù luật An ninh chưa có hiệu lực, nhiều facebooker đã bị vô hiệu hóa tài khoản hoặc bị gỡ post Facebook.
Tuy không là người bi quan nhưng tôi tin rằng tình trạng bóp nghẹn tự do ngôn luật sẽ còn tồi tệ hơn trong vài tháng tới. Một loạt các nhà bất đồng chính kiến đã bị tống giam sau 2/9/2018 vì bị nghi ngờ tổ chức biểu tình chống Nhà nước. Đến giờ, thân nhân của họ và công luận vẫn chưa biết an nguy của họ giờ ra sao. Tình hình nhân quyền ở Việt Nam có thể sẽ ngày càng tệ hơn nên giới hoạt động buộc phải có những giai đoạn “nín thở qua sông” để bảo toàn lực lượng.
BBC:Trong hành trình vận động cho quyền con người tại Việt Nam 10 năm qua, bà tự hào mình đã làm được những gì và còn tiếc vì điều gì chưa làm được?
Huỳnh Thục Vy: Tôi nghĩ rằng, so với nhiều nhân vật trong giới đấu tranh khác, những việc tôi làm được không bằng một nửa. Nhưng tôi có may mắn được nhiều anh chị em tiếp sức, trợ giúp nên công việc khá trôi chảy. Tôi tiếc là mình chưa có đủ sức khỏe và sự trưởng thành về tinh thần đủ để hoạt động năng nổ hơn và liên kết với những anh chị em trong nước nhiều hơn nữa trong các hoạt động chung.
—
Câu chuyện về Huỳnh Thục Vy nằm trong loạt bài Global Vietnamese – Người Việt Nam Toàn Cầu của BBC Tiếng Việt.
Độc giả muốn chia sẻ những nét đặc thù, hay những nhân vật nổi trội của cộng đồng mình, xin liên lạc với BBC: vietnamese@bbc.co.uk hay với tác giả: ben.ngo@bbc.co.uk
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46168289
Dân Bình Định phản đối dự án điện mặt trời
vì nghi phá rừng
Hàng chục người dân ở 4 thôn của xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định trong các ngày 10 và 11/11 đã chặn xe khảo sát, chuẩn bị rà phá bom mìn để phản đối dự án mà chính quyền địa phương cho biết là dự án điện năng lượng mặt trời. Người dân yêu cầu lãnh đạo xã phải cam kết không được triển khai dự án tại địa bàn xã. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 11/11.
Theo báo Người Lao Động, vào sáng ngày 12/11, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Phù Mỹ đã tổ chức họp báo khẩn về sự việc này để bàn việc tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ dự án.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phù Mỹ cho biết, thời gian qua chính quyền đã nhiều lần vận động người dân về hiệu quả của dự án nhưng vẫn có khoảng 15 đến 20 phụ nữ không ủng hộ dự án và phao tin đồn tuyên truyền không đúng về dự án.
Trước đó, vào ngày 27/9 chính quyền một xã lân cận là xã Mỹ An đã họp với dân chúng để thuyết phục họ rằng điện mặt trời là năng lượng tái tạo, không gây ô nhiễm môi trường, không nên chống đối.
Tuy nhiên dân chúng cho rằng những dự án điện mặt trời, điện gió được công ty thực hiện dự án dùng làm bình phong để khai thác titan trên bờ biển gây ô nhiễm sạt lở, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Vào ngày 21/4/2018 dân chúng cũng đã biểu tình tại hai xã Mỹ An và Mỹ Thọ, Huyện Phù Mỹ phản đối việc xây dựng một trạm quan trắc gió vì nghi ngờ việc này bị lợi dụng để khai thác titan.
Trong số ra ngày 11/9/2018, Báo Người Lao động cho biết là sau năm năm khai thác titan tại vùng ven biển Huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, vùng quê này trở nên hoang tàn, và có đến 10 người thiệt mạng do hoạt động khai thác titan.
Chánh trị sự Hứa Phi: “Chúng tôi cầu nguyện
cho những kẻ đã bách hại mình”
Tuấn Khanh
Chánh trị sự Hứa Phi, sinh năm 1950, nay đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy. Ông sống ở một vùng heo hút tại Lâm Đồng để giữ lòng với đạo Cao Đài chân truyền và giữ đời với tinh thần của con dân nước Việt. Thế nhưng, những điều đơn giản ấy có vẻ như vẫn không thể đơn giản được trong thời buổi hôm nay. Rất nhiều lần ông bị côn đồ thường phục xông vào nhà đập phá. Bản thân ông nhiều lần bị đánh gãy tay, hôn mê… đến mức phải đi cấp cứu. Công an địa phương thì luôn là người quan sát và im lặng khi sự việc xảy ra.
Mới đây, sau cuộc gặp mặt với Đoàn công tác của Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế, thuộc Cục Dân chủ – Nhân quyền – Lao động, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trở về nhà, Chánh trị sự Hứa Phi ngỡ ngàng nhìn thấy nhà cửa, tài sản của mình bị phóng hỏa, tan hoang. Chuyện tưởng chừng như chỉ có ở một vùng đất man rợ nào đó, ngoài nền văn minh của loài người.
Ông đã dành ít thời gian để nói về sự kiện này.
——————-
Tuấn Khanh: Được biết nhà ông ở Lâm Đồng bất ngờ bị khủng bố, phóng hỏa, nhiều tài sản bị thiêu rụi trong ngày qua sau khi ông đi gặp phái đoàn về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ trở về, xin ông cho biết thêm về tình hình này.
Hứa Phi: Kính thưa quý vị, tôi là Chánh trị sự Hứa Phi, trưởng ban đại diện khối Nhơn Sanh tức bên đấu tranh cho đạo Cao Đài, cũng là đồng chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn Quốc Nội gồm 5 tôn giáo chính thống tại Việt Nam. Mục đích của chúng tôi là đấu tranh cho dân chủ nhân quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tự do tôn giáo.
Thường thì chúng tôi vẫn được các cơ quan quốc tế mời thay mặt cho giới tôn giáo nói chung để họ tìm hiểu về tình hình tự do tôn giáo, sinh hoạt của chúng tôi tại Việt Nam như thế nào. Và lúc nào chúng tôi đi gặp những cơ quan này, cũng gặp sự ngăn cản của công an CSVN. Đơn cử là vào tháng 1/2018, khi đi gặp phái đoàn về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, tôi cũng bị ngăn cản. Tháng 4/2018, khi Tổng lãnh sự quán của Úc mời gặp thì tôi cũng bị công an chặn đường, đánh tôi trực tiếp ngay tại ngôi nhà mà hôm nay bị cháy.
Sau đó, tôi bị đánh tiếp một lần nữa khi tiếp xúc với phái đoàn của Liên Hiệp Châu Âu, gồm Anh, Ý, Đức, Hà Lan, Pháp ở chùa Giác Hoa, Quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Khi quay về tôi bị đánh thừa chết thiếu sống.
Hôm 5/11/2018, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách về tự do tôn giáo, nhân quyền, lao động đến gặp Hội đồng Liên Tôn tại Sài Gòn. Khi được lời mời, tôi đã đi trước từ mùng 2, vì tôi biết lúc nào tôi cũng bị ngăn cản. Ngày 8/11, tôi quay lại nhà, vào thăm vườn cà phê của mình, thì thấy căn nhà trong vườn dành cho công nhân, chứa các máy móc nông cụ đều tan hoang hết. Mọi phòng và vật dụng đều bị cháy hết. May thay, bồn nước ở trên cao bị cháy ống dẫn nên xả nước xuống, vì vậy mà vài thứ vẫn còn lại. Nếu không có bồn nước đó, mọi thứ đã thành tro.
Xin nói thêm là tôi vẫn phải làm việc hàng ngày để duy trì cuộc sống của mình và gia đình cũng phục vụ cho việc sinh hoạt đạo, vì các cơ sở phúc lợi của Cao Đài, chính quyền Cộng sản đã lấy hết rồi.
Tuấn Khanh: Nhưng kẻ thủ ác có thể là ai? Ông có thể xác định được không?
Hứa Phi: Tôi khẳng định rằng, việc này do công an CSVN làm. Vì người nhà của tôi kể lại rằng vào sáng ngày 4/11 vào lúc 10g sáng, có hai anh công an của Lâm Đồng, tên là Thịnh và Minh vào nhà tìm tôi, xem đang ở đâu. Những người này không thấy nên đi ra, 10 phút sau thì họ cho đóng một cái chốt ngay trước của nhà, canh gác 24/24. Họ canh gác một ngày một đêm nhưng không ngăn được tôi, nên họ tức giận và đốt căn nhà trong vườn cà phê của tôi.
Tôi khẳng định rằng tất cả những chuyện này đều do công an CSVN cho người trá hình, gọi là côn đồ đến phá hoại nhà tôi. – Chánh trị sự Hứa Phi
Vào năm 2017, khi tôi đi gặp Đại sứ Lưu động Tự do Tôn giáo của Hoa Kỳ, ở nhà cũng đã bị đập phá mọi thứ từ đường dây, ống nước, cơ sở sản xuất, nhà cửa… Năm nay thì họ đốt nhà.
Tôi khẳng định rằng tất cả những chuyện này đều do công an CSVN cho người trá hình, gọi là côn đồ đến phá hoại nhà tôi.
Tuấn Khanh: Thưa ông, nếu có lời bàn rằng chuyện khủng bố như vậy, là tư thù cá nhân, chứ không phải là chuyện tự do tín ngưỡng hay riêng đạo Cao Đài, thì ông nghĩ sao?
Hứa Phi: Tôi bị nhà cầm quyền CSVN ghép vào thành phần gọi là bất đồng chính kiến. Vì tôi là người quyết tranh đấu cho tự do tôn giáo, và điều phải luôn đi kèm theo là dân chủ và nhân quyền, và toàn vẹn lãnh thổ. Hội Đồng Liên Tôn hình thành cũng vì mục đích đó. Vì vậy, mọi thành viên của Hội Đồng Liên Tôn đều nằm trong tầm ngắm của chế độ này. Riêng cá nhân tôi, là người đại diện khối Nhơn Sanh Cao Đài, đối lập với Hội đồng Chưởng quản Cao Đài Quốc doanh, mà tôi thường gọi là Cao Đài Việt Cộng. Tôi là người lên tiếng đòi chính quyền CSVN phải trả lời về việc đã lấy hơn 200 thánh thất và đền thờ Phật Mẫu của chúng tôi. Nói cụ thể, tôi là người đấu tranh cho đạo và cho đời mà chính quyền không thích.
Tuấn Khanh: Ông nhận định thế nào về việc hai khối tín ngưỡng tự do là Cao Đài và Hòa Hảo luôn gặp khó khăn gay gắt trong sinh hoạt, từ tập thể đến cá nhân?
Hứa Phi: Nói chung 5 tôn giáo ở Việt Nam, với các phía giữ quyền tự do tín ngưỡng của mình thì đều bị bách hại hết. Nếu có tôn giáo nào giữ được chân trong Mặt trận Tổ quốc thì người có dè dặt một chút, do nằm trong sự kiểm soát của họ. Riêng Cao Đài và Hòa Hảo là hai tôn giáo hình thành cách đây gần 100 năm thôi, mà hết 70 năm là phải sống dưới chế độ cộng sản rồi, do vậy không thể phát dương rộng rãi. Phật giáo và Công giáo thì lâu đời và có nhiều cơ sở ở nước ngoài, luôn theo dõi và hiệp thông lên tiếng. Đó là tôi nói về phía nhánh gìn giữ quyền tự do tín ngưỡng của mình, và họ luôn bị đàn áp cách này hay cách khác. Nhưng Cao Đài, Hòa Hảo và Tin Lành độc lập thì yếu thế hơn nên bị đàn áp nhiều hơn.
Tuấn Khanh: Thưa ông, với những gì đã xảy ra, ông có muốn gửi một lời nhắn nào đó đến những người đang quan tâm đến tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, và cả với những người đã sách nhiễu ông không?
Hứa Phi: Chúng tôi luôn đem tình thương là giải pháp hàng đầu. Mong những tin tức này loan đi, tất cả chúng ta với tình thần đạo đức, tinh thần nhơn loại xin hãy cùng nhau vận động cho một nền tự do tôn giáo thật sự, chứ không phải là trá hình hiện nay.
Còn với những kẻ đã bách hại chúng tôi, là người có tín ngưỡng, chúng tôi cầu nguyện cho quyền năng thiêng liêng, xoay chuyển cho những người đã nhúng tay vào điều ác được thức tỉnh.
Trong cuộc đấu tranh cho đời, cho dân chủ nhân quyền, chúng tôi cũng cầu nguyện quyền năng thiêng liêng, mong những người lãnh đạo sáng suốt quay về với dân tộc, để đất nước dân tộc thoát khỏi cảnh chủ nghĩa cộng sản cai trị.
Chúng tôi sẳn lòng tha thứ cho những kẻ đã và đang bách hại chúng tôi, kêu gọi họ hãy sớm thức tỉnh về với dân tộc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/we-pray-for-people-who-hurt-us-11112018141558.html
Vụ cá chết hàng loạt ở Đà Nẵng,
chính quyền nói mẫu nước “đạt chuẩn”
Cơ quan chức năng Đà Nẵng hôm 12/11 cho biết bước đầu xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt dạt lên bờ biển những ngày qua là do việc đánh mìn ngoài khơi của ngư dân.
Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng cho biết, kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước ven bờ đạt chuẩn và khẳng định không phát hiện nguồn xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Trước đó, vào khoảng 2 giờ chiều ngày 10/11, người dân phát hiện cá chết dạt vào khoảng 2 km bờ biển. Ước tính khối lượng cá chết dạt vào bờ là khoảng 2 tấn.
Báo trong nước loan tin hôm thứ Hai 12 tháng 11 và cho biết thêm là không còn tình trạng cá chết dạt vào bờ biển từ cửa xả Phú Lộc lên bãi tắm Xuân Thiều.
Hình ảnh cá chết hàng loạt dọc bờ biển Đà Nẵng những ngày qua đã được lan truyền rộng trên mạng làm dấy lên những lo ngại về tình trạng ô nhiễm biển vì cách đây không lâu các tỉnh miền trung Việt Nam cũng phải đối mặt với tình trạng này khi nhà máy gang thép Formosa của Đài Loan xả thải độc ra môi trường biển hồi năm 2016 khiến cá chết hàng loạt. Sau khi vụ việc được phát hiện, Formosa đã lên tiếng xin lỗi và cam kết bồi thường 500 triệu đô la tiền khắc phục hậu quả.
Đánh giá của nhiều chuyên gia về môi trường cho thấy tác hại của của vụ xả thải từ Formosa có thể kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng ngàn người dân sống dọc vùng biển này.
Nguyên Phó Chủ tịch TPHCM bị khởi tố
vì cho thuê đất 50 năm
Ngày 10/11, ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM trong 2 nhiệm kỳ bị khởi tố lần 2 với cáo buộc “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” khi chấp thuận cho thuê khu đất “vàng’ ở trung tâm Quận 1 trong 50 năm.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, cơ quan này đã khởi tố bị can và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 5 người từng là lãnh đạo các ban ngành TPCHM gồm: ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND), ông Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường), ông Lê Văn Thanh (Phó Chánh Văn phòng UBND), ông Nguyễn Thanh Chương (Trưởng Phòng Đô thị, Văn phòng UBND) và ông Trương Văn Út (Phó Phòng Quản lý đất đai Sở Tài nguyên – Môi trường).
Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được Bộ Tài chính cho phép sử dụng khu đất số 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, quận 1 TP HCM để xây dựng trụ sở văn phòng Sabeco và Trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất công.
Tuy nhiên theo mạng báo Người Lao Động, dựa trên tờ trình của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Đào Anh Kiệt, vào tháng 6-2015, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín ký quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl thuê khu đất với thời gian 50 năm để xây dựng Dự án khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê.
Quyết định này trái với phương án xử lý nhà, đất của Bộ Tài chính đối với khu đất này.
Hồi tháng 9, cả 4 cựu lãnh đạo TPHCM này (trừ ông Trương Văn Út) đều bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú vì liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm.
Công ty Việt cấp chứng chỉ tiếng Nhật giả
cho sinh viên du học
Nhật Bản đã đưa vào danh sách đen 12 công ty tư vấn du học của Việt Nam vì đã cấp chứng chỉ tiếng Nhật giả cho các hồ sơ xin visa của sinh viên du học.
Báo trong nước loan tin hôm 12/11 trích tờ Mainichi của Nhật cho biết Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã có lệnh kể từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, đại sứ quán nước này tại Việt Nam sẽ từ chối đơn xin thị thực từ các công ty được nêu tên, vì nghi ngờ các công ty này đã cấp chứng chỉ tiếng Nhật giả trong một thời gian dài.
Chính phủ Nhật Bản đã phát hiện 10% trong số 6 ngàn công dân Việt Nam phỏng vấn xin thị thực du học từ tháng 3/2017 đến tháng 9/2018 không đáp ứng được trình độ thông thạo tiếng Nhật.
Các quan chức Nhật tiến hành các cuộc phỏng vấn trực tiếp với các ứng viên từ Việt Nam và nhận ra cứ 10 ứng viên thì có ít nhất 1 người không hiểu tiếng Nhật tốt để xin thị thực visa. Tỷ lệ này được nói lên tới 30% trong số các ứng viên được 12 công ty Việt trong danh sách đen làm hồ sơ. Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói đã thông báo với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về 12 công ty tư vấn du học này.
Vào năm 2017, khoảng 26 ngàn công dân Việt được cấp visa du học để theo học các trường dạy tiếng Nhật, theo Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản cho biết.
Số liệu của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho biết năm 2017, cộng đồng người Việt đã vượt qua Trung Quốc, trở thành nhóm nghi phạm nước ngoài đông nhất tại Nhật Bản, chiếm 30,2% tổng số tội phạm của công dân nước ngoài. Trong số các tội phạm Việt Nam tại Nhật, có khoảng 40% đã đến bằng visa du học và cư trú bất hợp pháp tại đây.
Số người Việt tại Nhật đã tăng bốn lần từ 2012 đến năm 2017 với hơn 232 ngàn người. Bộ Tư pháp Nhật Bản báo cáo trong năm ngoái, người mang quốc tịch Việt Nam chiếm một nửa trong tổng số các công dân nước ngoài bị thu hồi quyền cư trú tại Nhật.
Giám đốc Hàn Quốc nợ lương công nhân
và trốn khỏi Việt Nam
Một ông chủ Hàn Quốc mới đây đã bỏ trốn khỏi Việt Nam trong khi vẫn còn nợ lương của khoảng 40 công nhân địa phương.
VNexpress đưa tin vào hôm 12/11 cho biết, người bỏ trốn là ông Kim Dae Gun, Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Cho Won, có trụ sở tại Đồng Nai. Ông này đã đi công tác từ ngày 22/10 nhưng đến nay vẫn chưa trở lại Việt Nam.
Các công nhân và nhân viên tại công ty đã tìm cách liên lạc với vị giám đốc này nhưng đều không thể được. Do đó, các công nhân chính thức nộp đơn khiếu nại.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đồng Nai xác nhận với truyền thông trong nước rằng, công ty này đang mắc một khoảng nợ 120 triệu đồng gồm các khoản bảo hiểm xã hội cũng như nợ các ngân hàng địa phương với số tiền lên tới 23 tỷ đồng. Ngoài ra, phía công ty đã không thanh toán tiền lương cho công nhân hai tháng qua.
Công ty Cho Won không phải là công ty đầu tiên xảy ra vụ việc như vừa nêu tại Việt Nam.
Vào hồi tháng 2/2018, gần 2000 công nhân bị thất nghiệp khi giám đốc và quản lý của công ty Texwell Vina bỏ trốn khỏi Việt Nam trong thời gian các công nhân đang trong dịp nghỉ tết. Công ty này nợ lương công nhân và nhiều khoản nợ khác với số tiền 31 tỷ đồng.
Đại úy Cảnh sát Giao thông bị cho xuất ngũ
vì cầm cố thẻ đảng
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Đại úy Cảnh sát Giao thông tỉnh Tiền Giang vừa bị khai trừ Đảng và buộc xuất ngũ vì cầm cố thẻ đảng viên để vay nợ hơn 3 tỷ đồng.
Báo mạng VTC loan tin này vào ngày 11 tháng 11, cho biết thêm Công an tỉnh Tiền Giang quyết định khai trừ đảng ông Nguyễn Thanh Liêm do vi phạm nghiêm trọng điều lệ đảng viên. Đồng thời cho thu hồi toàn bộ quân trang mà Đại Úy Liêm được cấp trước đó.
Tin cho biết, bà H.T.L.T., một trong những chủ nợ của ông Nguyễn Thanh Liêm do không nhận được đúng hẹn số tiền 90 triệu đồng mà bà cho mượn nên đã gửi đơn trình bày vụ việc lên Phòng Cảnh sát Giao Thông tỉnh Tiền Giang vào hồi tháng 8 vừa qua.
Trong đơn, bà T. cho biết là ông Nguyễn Thanh Liêm đã đưa thẻ đảng viên để thế chấp khi mượn tiền. Nhưng sau đó ông Liêm mược lại thẻ đảng viên với lý do nộp cho chỉ huy và hứa đưa lại thẻ cho bà T. sau 10 ngày. Tuy nhiên ông Liêm không thực hiện lời hứa này nên bà T. đã gửi đơn tố cáo sự việc.
Sau khi nhận được đơn bà T., Phòng Cảnh sát Giao thông đã điều tra và xác định Đại úy Nguyễn Thanh Liêm không chỉ cầm cố thẻ đảng viên để mượn tiền với mỗi bà T. mà còn với nhiều người khác. Tổng số tiền được nói là hơn 3 tỷ đồng, nhưng ông Liêm vẫn chưa hoàn trả cho bất kỳ ai.
Một lần bất tín, vạn sự bất tin
Nguyễn Lân Thắng
Khi đánh giá một con người, người ta vẫn hay nói: sông có khúc, người có lúc. Nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng điều này thực ra chỉ đúng trong một khoảng thời gian đủ dài, và người nào đó chúng ta đang nói đến gặp một biến cố đủ lớn để thay đổi hẳn tâm tính. Một ông thầy từng dạy tôi điều này:
“Bạn chơi như thế nào, thì bạn sẽ làm việc đúng như thế”
Đây là một câu nói rất ngắn gọn, nhưng hàm chứa một ý tưởng rất tuyệt vời, để giúp chúng ta nhanh chóng đánh giá chính xác một ai đó. Bạn hãy thử quan sát một người xung quanh ngay bây giờ mà xem. Dù là bạn đang trong quán cafe, trong quán ăn, hay đang đi ngoài phố. Cách thức một người đi đứng, uống cafe, hay nói chuyện với bạn bè xung quanh bộc lộ khá nhiều về tính cách của họ. Tính cách, phong thái, tâm trạng của con người ảnh hưởng rất nhiều đến hành động của họ, dù họ có chuyển sang môi trường khác. Một người trông cáu kỉnh, làu nhàu với cô phục vụ trong quán cafe thì đừng mong họ có thái độ vui vẻ, hoà nhã với đồng nghiệp nơi làm việc. Một cô gái hấp tấp đi trên đường phố thì không thể điềm tĩnh, cẩn trọng trong công việc. Hãy thử một lần quan sát kỹ đi, không phải tự dưng xưa nay các cụ vẫn có câu: Trông mặt mà bắt hình dong, hay Con lợn có béo thì lòng mới ngon…
Tự dưng tôi nhớ đến điều này bởi mấy hôm trước, tại thành phố Quy Nhơn – Bình Định có một video quay lại cảnh một thanh niên đang cự cãi với cảnh sát giao thông thì đột nhiên một cảnh sát bám vào tay người đó rồi lăn quay ra đường. Tất nhiên là sau đó, như mọi khi, đám cảnh sát xung quanh lao vào khống chế bắt người thanh niên, khống chế anh này như tội phạm. Tôi nói “như mọi khi” bởi tôi đã từng xem ít nhất 3 video trên mạng xã hội về hành vi ăn vạ của cảnh sát giao thông, nhằm quy chụp những người tham gia giao thông vào tội chống người thi hành công vụ, để có cớ trấn áp họ khi cảnh sát đuối lý.
Trong vụ việc kể trên, dù có video rõ ràng, có đến cả triệu người được xem, Thượng tá Huỳnh Dư Phi Long, Trưởng Công an TP Quy Nhơn ngang nhiên phát biểu với báo chí: “Trong lúc hai bên giằng co, Phạm Thanh Qua đã thúc cùi chỏ vào người Thiếu úy Hoàng Linh, khiến anh này né tránh và té ngã ra sau. Đối tượng này sau đó bị Công an phường Ngô Mây khống chế, đưa về cơ quan xử lý theo pháp luật. Làm việc với công an, Qua và Tuyển đã nhận sai trái của mình. Bây giờ, hướng xử lý tiếp theo của chúng tôi ở mức độ giáo dục để 2 thanh niên này nhận ra hành vi sai trái của mình cũng như để dư luận hiểu rõ được bản chất của vấn đề”.
Về người đã quay và tung clip sự việc trên lên mạng, theo Thượng tá Long còn đe doạ: “Clip đăng lên theo kiểu thông tin một phía, khiến dư luận suy nghĩ trái chiều. Chúng tôi sẽ mời người này lên làm việc để có cơ sở xử lý. Việc này cơ bản đã rõ rồi”.
Cho đến giờ này clip gốc mà tôi từng được xem trên Facebook đã bị gỡ. Tôi biết với quyền lực của mình, công an Bình Định hoàn toàn có thể gây sức ép với các thanh niên trong vụ việc trên để họ phủ nhận toàn bộ sự việc. Tuy nhiên tất cả những gì mà người dân được thấy qua khoảng khắc ngắn ngủi trong video clip đó đã đủ để thấy bản chất của công an Bình Định. Ngành công an hàng năm cũng bỏ ra khá nhiều chi phí để quay phim chụp ảnh nhằm đề cao hình ảnh người chiến sỹ công an vì nhân dân. Nào thì nhặt cam giúp bà già ngã xe, nào thì dắt người già qua đường, nào thì mặc nguyên trang phục với đầy đủ quân hàm lội xuống ruộng gặt lúa cho dân. Nhưng tất cả công sức đó lại đổ sông đổ bể, chỉ vì vài ba cái clip rất phản cảm như vừa nêu. Đồng ý là người công an đi làm nhiệm vụ có thể có những nóng nảy, va chạm, thậm chí sai phạm chỗ này chỗ kia. Nhưng thái độ bênh vực trắng trợn của ông trưởng công an thành phố Quy Nhơn về hành vi của cấp dưới mới là điều đáng bàn. Là người đứng đầu ngành công an địa phương, đáng lẽ ra ông Long phải có sự nhạy cảm chính trị, phải biết cảm ơn và tuyên dương người dân đã quay lại clip này. Trong khi toàn lực lượng công an đang ra sức cố gắng bảo vệ hình ảnh của ngành, ông lại đi bênh vực một hành động hết sức phản cảm, nhân dân đều thấy rõ rành rành ra đó trong video. Một chuyện nhỏ như thế ông Long còn cố sức bao biện, vậy còn bao nhiêu chuyện nữa chưa có bằng chứng, ông Long cũng đang giấu cấp uỷ và bộ máy lãnh đạo công an cấp trên?
Những chuyện oan sai liên quan đến ngành công an gần đây xảy ra rất nhiều. Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trong phiên chất vấn gần đây đã phải nói “vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp”… Đó là trên nghị trường, còn trong dân chúng, không dưng người ta có câu truyện thế này: Một chú công an đi tuần thì gặp một thằng chọi con đang ngồi nặn tượng ven đường rất say sưa. Chú công an mới nổi tính tò mò lại gần hỏi:
– Ê cu! Mày làm gì đấy?
– Dạ em nặn anh công an ạ!
– Ừ, tốt! Nhưng mày nặn bằng gì thế?
– Dạ em nặn bằng cứt ạ!
– Á, thằng này láo! Tao cấm mày nặn chú công an bằng cứt nhá! Tao đi một vòng quay lại mà mày còn tiếp tục là tao bắt mày lên đồn đấy.
Lát sau, chú công an quay lại vẫn thấy thằng chọi kia miệt mài nặn nặn.
– Ê thằng kia! Lúc nãy tao bảo thế nào? Sao mày vẫn ngồi đây nặn?
– Dạ, em có nặn anh công an nữa đâu? Em nặn chú bộ đội rồi.
– Ừ, tốt! Thế mày nặn chú bộ đội bằng gì?
– Dạ, em nặn chú bộ đội bằng đất sét ạ!
– Ừ, nhưng sao mày không nặn chú bộ đội bằng cứt?
– Dạ không được đâu anh! Nếu nặn bằng cứt thì lại ra anh công an ạ!
Một lần bất tín, vạn sự bất tin. Ông Huỳnh Dư Phi Long nên động não một chút, để có cách thức xử lý chuyện rất nhỏ này, kẻo xấu mặt ngành công an cả nước, rồi đến lúc bộ trưởng công an Tô Lâm phải có ý kiến chỉ đạo là rắc rối to ông ạ!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Video clip : https://www.youtube.com/watch?time_continue=133&v=zAoWsL_Y3EE
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/lost-trust-11112018135730.html
Tòa có bỏ sót tội tướng Vĩnh, tướng Hóa?
Sáng 12/11, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ xét xử 92 bị cáo liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Hơn 500 cảnh sát được huy động bảo vệ phiên tòa, cùng đội ngũ y tế túc trực.
Một số nhân vật được công luận đặc biệt chú ý trong phiên tòa này là tướng Phan Văn Vĩnh (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (nguyên cục trưởng C50) , Phan Sào Nam (nguyên chủ tịch VTC Online), và Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch HĐTV công ty CNC).
Ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị đưa ra xét xử tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Khung hình phạt theo quy định cho loại tội này là từ 5-10 năm tù.
Nguyễn Văn Dương, và Phan Sào Nam bị xét xử các tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền”.
Các bị cáo còn lại bị đưa ra xét xử về các tội tổ chức đánh bạc, rửa tiền, mua bán trái phép hóa đơn, sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và tội đánh bạc.
Cáo trạng nói gì?
Theo cáo trạng đọc tại tòa, vụ án tổ chức đánh bạc qua mạng do Nguyễn Văn Dương cầm đầu, với sự trợ giúp của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.
Sau 28 tháng vận hành game đánh bạc, Nguyễn Văn Dương và đồng phạm đã kiếm được gần 43 triệu tài khoản đăng ký, thu lợi hơn 9.800 tỷ đồng.
Trong đó, ba nhà mạng gồm Viettel, Vinaphone và MobiFone hưởng hơn 1.200 tỷ đồng.
Sau khi bị bắt, Nguyễn Văn Dương khai đã đưa cho ông Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng, gần 2 triệu đô la cùng nhiều hiện vật đắt tiền khác.
Dương cũng khai đưa cho ông Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng.
Khám nhà tướng Phan Văn Vĩnh ‘chỉ thấy bằng khen’
Đề nghị truy tố ‘anh hùng công an’ Phan Văn Vĩnh
Vụ Phan Văn Vĩnh: Lãnh đạo VNPT Epay bị bắt
Phan Văn Vĩnh trả lời ‘nhầm’ hai lần
Ông Phan Văn Vĩnh hai lần đưa ra câu trả lời ‘nhầm’, theo tường thuật phiên tòa trên truyền thông Việt Nam.
Lần một, ông nói ông bị bắt năm 1998, sau đó đính chính là năm 2018.
Lần hai, ông nói năm sinh con lớn của ông là 1987, sau đó đính chính năm 1988.
Luật sư của ông Vĩnh cho hay ông đang mang nhiều bệnh trong người. Trước phiên tòa, ông Vĩnh được cho hay là phải điều trị ở bệnh viện và từng bị ‘ngất’, ‘ngã sưng trán’.
Luật sư Huyền Trang bào chữa cho ông Vĩnh phát biểu tại tòa rằng trước đây ông là trung tướng công an, nhưng khi vi phạm pháp luật ông là một cá nhân không đại diện diện cho cơ quan nào, do đó đề nghị tòa “yêu cầu cơ quan báo chí không đưa những phát ngôn tiêu cực”, theo tường thuật của Tuổi Trẻ.
Tòa bỏ sót tội?
Một luật sư ở Hà Nội, ông Trần Vũ Hải, nhắc lại với BBC phần bình luận trước phiên tòa mà ông viết hồi tháng 7/2018 rằng dường như cơ quan điều tra đã bỏ sót một số tội danh với tướng Vĩnh và tướng Hóa.
Theo luật sư Hải, cơ quan điều tra bỏ sót một số tội danh đối với ông Vĩnh và ông Hóa, như: tội lạm quyền trong thi hành công vụ, tội tổ chức đánh bạc, tội không truy cứu trách hiệm hình sự.
“Cần xem xét hai ông này có vai trò đồng phạm “tổ chức đánh bạc” cùng hai ông Dương và Nam hay không, ít nhất là vai trò giúp sức. Cá nhân tôi cho rằng không loại trừ xem xét vai trò “đề xướng tổ chức” đối với hai vị này.”
Luật sư Hải cho rằng đối với cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa,nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát công nghệ cao, tòa đã đổi tội danh.
“Khi bị bắt, ông Hóa bị khởi tố bị can về tội tổ chức đánh bạc (đồng phạm với Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương trong đường dây đánh bạc qua Internet). Nay ông Hóa hầu tòa với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
“Có vẻ hai viên cựu tướng này khá được “ưu ái”, tội danh và điều khoản bị truy tố khá nhẹ trong một vụ án họ là những nhân vật quyết định. Thậm chí có người chủ yếu ở bệnh viện trong thời gian tạm giam! Dự đoán kết quả sẽ “làm hài lòng” họ, và sau vài năm “an dưỡng”, sẽ trở về làm “người tử tế”,” ông Hải viết trên Facebook cá nhân trước phiên tòa ngày 12/11.
Các mốc chính trong vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ:
30/9/2011, ông Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC).
10/10/2011, ông Nguyễn Văn Dương và ông Nguyễn Thanh Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh giữa CNC và C50 của Bộ Công an. Theo đó, CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 20%.
Giữa năm 2015: Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam (nguyên chủ tịch HĐQT VTC Online) tung ra cổng game Rikvip/Tip.club, thu hút 43.000 người tham gia đánh bạc.
20/5/2016, ông Phan Văn Vĩnh ký công văn gửi Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cấp phép cho CNC, hợp thức hóa cổng game Rikvip và 23zdo.
11/3/2018, ông Hóa bị khởi tố, bắt tạm giam và bị tước danh hiệu Công an Nhân dân.
5/4/2018, ông Vĩnh bị khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng và tước danh hiệu Công an Nhân dân.
9/4/2018: Giám đốc điều hành Châu Nguyên Anh và Giám đốc Kinh doanh Phạm Quang Vinh của Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT Epay bị bắt và khởi tố liên quan đến cung cấp dịch vụ thanh toán và hưởng lợi từ đường dây đánh bạc.
31/8/2018: Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ hoàn thành cáo trạng truy tố ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, cùng 90 bị can khác.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46176031
Xét xử vụ đường dây đánh bạc: Cựu tướng công an
không muốn công bố bản án trên mạng
Hai cựu tướng công an là Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa cùng 90 đồng phạm khác vào ngày 12/11 đã ra tòa tại Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án đường dây đánh bạc trên mạng lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Cựu Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ Luật Hinh sự 2015. Ngoài ra hai viên tướng này còn bị trùm đường dây đánh bạc Nguyễn Văn Dương khai là đã nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng cùng nhiều đồ vật có giá trị. Hiện phía cơ quan điều tra vẫn chưa có căn cứ chứng minh hai viên tướng nhận hối lộ và tình tiết này sẽ được làm rõ trong giai đoạn hai.
Ông Phan Văn Vĩnh trước tòa hôm 12/11 đã yêu cầu không công bố bản án của mình lên mạng. Yêu cầu này của bị cáo đã được tòa đồng ý và cho biết các bị cáo có quyền được đề nghị từ chối việc công bố vì lý do cá nhân.
Tâm tư tướng, Tủi thân tướng
Đồng Phụng Việt
Thiên hạ vốn chỉ biết trên đời này có: Chuẩn tướng, Thiếu tướng, Trung tướng, Đại tướng, Thống tướng, Nguyên soái. Giờ, sau… Tâm tư tướng, Việt Nam sắp sửa có thêm… Tủi thân tướng!
Dưới lá cờ vẻ vang của đảng CSVN, Việt Nam vốn đã có nhiều thứ không giống ai nhưng không giống ai đã được khẳng định là “đặc thù” – thiên hạ không theo Việt Nam thì thôi chứ Việt Nam dứt khoát không theo thiên hạ.
Theo khuynh hướng đó, tướng của Việt Nam tất nhiên phải khác tướng của thiên hạ. Thành tướng không phải do kinh nghiệm, bản lĩnh, khả năng mà đơn giản chỉ vì cần giữ cho bầy đàn “vững mạnh” không bị “tâm tư”, “tủi thân” làm nội bộ mất đoàn kết.
Tướng Việt Nam đã, đang và sẽ còn vừa nhiều, vừa rẻ. Đó không phải là luận điệu của thế lực thù địch, nhận định của những phần tử bất mãn, hay chuyện trà dư, tửu hậu của đám thường dân nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, nhận thức kém…
Chính vì tướng Việt Nam quá nhiều, cuối năm 2014, Quốc hội khóa 13 phải dùng luật khống chế số lượng tướng: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân mới, chỉ cho quân đội có 415 ông tướng. Luật Công an nhân dân mới, cấm công an có hơn 205 ông tướng.
Vào thời điểm ấy, dựa trên số lượng tướng mà hai bộ luật vừa kể ấn định (tối đa 620 ông tướng cho cả quân đội lẫn công an) và số lượng tướng trên thực tế, người ta phát giác Việt Nam dư… 74 ông tướng thiệt, chưa kể các ông mà dân gian ví von là “tướng chìm” – mang cấp bậc đại tá nhưng hưởng lương tướng – đang chờ lên tướng.
Đâu phải tự nhiên mà ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó, phụng phịu, cảnh cáo Quốc hội: Không phong tướng anh em sẽ… tâm tư!
Cũng vào thời điểm ấy, bị cử tri truy vấn, ông Huỳnh Ngọc Sơn, vốn cũng là tướng đang giữ vai trò Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 13, thú thật, chỉ có khoảng 70% đại biểu Quốc hội tán thành việc cho phép quân đội, công an có 620 ông tướng.
Cứ theo lời ông Sơn thì do việc phong tướng từng hết sức tùy tiện nên “giảm xuống ‘họ’ không chịu” và cũng không thể để quân đội, công an “tâm tư” nên “chưa thật ưng” vẫn phải chấp nhận!
“Tâm tư tướng” chào đời, biến những ông thiếu cả kinh nghiệm, bản lĩnh, lẫn khả năng làm tướng thành… tướng, ngăn chặn nguy cơ, vì… “tâm tư” mà các ông bớt “trung thành với đảng” hay ngưng tụng niệm “còn đảng còn mình”.
Nếu chỉ ngừng ở “Tâm tư tướng” thì đó chưa thật đúng là… Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nơi tất cả những yếu tố quái đản đều phải liên tục đạt… đỉnh cao.
Dù Luật Công an nhân dân mới, mới được Quốc hội khóa 13 thông qua năm 2014 nhưng ngay sau đó, Bộ Công an tiếp tục đề nghị Quốc hội khóa 14… sửa nữa.
Một trong những nội dung liên quan tới Luật Công an nhân dân mới hơn Luật Công an nhân dân mới có năm 2014 và được Bộ Công an Việt Nam bảo vệ tận tình là chuyện phong tướng.
Tuy Luật Công an nhân dân mới có năm 2014 cho phép lực lượng Công an nhân dân có 205 ông tướng nhưng qui định về tương quan chức vụ – quân hàm đã chặn con đường thành tướng của nhiều sĩ quan công an và ngăn một số ông tướng khác kiếm nhiều sao hơn.
Thành ra trong Dự thảo sửa Luật Công an nhân dân, Bộ Công an đề nghị phong thiếu tướng cho Giám đốc Công an của 11 tỉnh, thành phố. Phong Đại tướng cho Bộ trưởng, Thượng tướng cho các Thứ trưởng, Trung tướng cho các Cục trưởng…
Kịch bản về tướng phát triển tới đoạn này mở ra một tình huống mới. Chẳng lẽ Giám đốc Công an 11 tỉnh, thành phố là tướng mà Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố ấy chỉ là… Đại tá?
Ông Nguyễn Văn Được, Thượng tướng Quân đội, Thứ trưởng Quốc phòng, giờ công tác tại Quốc hội khóa 14, khuyến cáo: Lực lượng vũ trang vốn là một thể thống nhất thành ra làm như thế sẽ khiến “anh em bên quân đội buồn, tủi thân”.
Nhiều người bỉ bôi, ông Được – đại biểu cho nhân dân tại Quốc hội – nói vậy nghe… không được nhưng chắc chắn “anh em bên quân đội” thấy rất… được vì rõ ràng ông Được vẫn giữ gìn… được “phẩm chất tốt đẹp của bộ đội cụ Hồ”.
Nguyện vọng, ý chí của nhân dân là thứ yếu, tâm tư, quyền lợi của “anh em bên quân đội” mới là chính yếu. Ông Được không hiểu, không nhớ điều đó thì còn lâu ông mới… được đưa vào Quốc hội.
Công an nhân dân đã sửa Luật Công an nhân dân mới sửa hồi 2014 để mở rộng đường trở thành tướng thì làm gì có chuyện quân đội sẽ ngần ngừ, không đề nghị Quốc hội khóa 14 sửa Luật Sĩ quan quân đội nhân dân để thêm tướng, bảo đảm sự… công bằng đối với toàn bộ lực lượng vũ trang?
Đừng nghĩ ông Được đố kị với công an. Nghĩ thế phải… tội! Ông ủng hộ Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an thành Đại tướng mà. Đúng không? Do vậy, nên nhìn cảnh báo “tủi thân” như một kiểu tung hứng để bên nào cũng thắng, ngoài “Tâm tư tướng”, cả công an lẫn quân đội cùng có thêm các “Tủi thân tướng”!
Ít ngày nữa, Quốc hội khóa 14 thông qua Luật Công an nhân dân mới hơn Luật Công an nhân dân mới sửa năm 2014, mở thêm một đường nữa cho… “Tủi thân tướng” vào đời, dư luận có râm ran như đã từng râm ran cách nay bốn năm thì cũng sẽ lắng xuống sớm thôi.
Kính trọng “Tâm tư tướng”, “Tủi thân tướng” hay không thì cũng phải nuôi, phải thắt lưng, buộc bụng đãi ngộ các “Tâm tư tướng”, “Tủi thân tướng” như những ông tướng đúng nghĩa cho đến hết đời. Đó là nghĩa vụ đã được mặc định cho các công dân Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về lý thuyết, tướng quân đội đảm đương trách nhiệm vệ quốc, tướng công an lo bảo vệ – thực thi pháp luật, duy trì trật tự – trị an. Trên thực tế, tướng quân đội, tướng công an tham nhũng, lạm quyền ở đâu cũng có, nhìn đâu cũng thấy.
Bổ sung thêm “Tâm tư tướng”, “Tủi thân tướng” để bù vào số bị… khiển trách, cảnh cáo, nhằm minh họa cho nỗ lực “chỉnh đốn Đảng” rõ ràng là “sáng suốt”. Chưa kể nhờ vậy mà lực lượng vũ trang không “tâm tư”, “tủi thân”, tiếp tục phò đảng đến cùng.
Còn gì tài tình hơn?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/sulky-generals-pathetic-generals-11112018133803.html
Ký kết CPTPP: Việt Nam có lợi gì?
Đình ĐạtViết từ London
Ngày 12/11/2018, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết và thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan (Hiệp định CPTPP).
CPTPP-VN: ‘Thị trường không dễ nhưng thân thiện hơn’
VN: Nghiệp đoàn sau CPTPP ‘không làm chính trị’?
Đối với nước đang phát triển như Việt Nam tham gia hiệp định TTP cũ hay CPTPP mới mang lại lợi ích đó là mở của thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi không tham gia hiệp định này, do đó lợi ích kinh tế của Việt Nam được khi tham gia hiệp định CPTPP này là không đáng kể.
Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, với TPP trước đây dự kiến với sự tham gia của Mỹ, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 6,7%, góp thêm 15-17% tăng trưởng về xuất khẩu. Tuy nhiên, Hiệp định CPTPP mới do Mỹ rút khởi, do đó GDP của Việt Nam ước tính tăng thêm chỉ đạt 1,32%, tăng trưởng về xuất khẩu chỉ thêm 4%.
Theo ý kiến người viết, Việt Nam thu được lợi ích kinh tế không đáng kể như đề cập ở trên, tuy nhiên cái giá phải trả cho việc tham gia Hiệp định CPTPP của Việt Nam là không hề nhỏ. Rất nhiều điều khoản trong hiệp định này có lợi cho những nước công nghiệp phát triển hơn là cho nước đang phát triển như Việt Nam.
Dưới đây là một số điều khoản như vậy:
Tự do về đầu tư
Theo hiệp định này, các nước buộc phải mở cửa thị trường cho các công ty và nhà đầu tư của các nước thành viên khác. Cụ thể hơn, các công ty của các nước thành viên có thể thâu tóm và nắm quyền kiểm soát kinh doanh một số doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nội địa. Do đó, rất có thể sẽ có một làn sóng mua bán sát nhập trong thời gian tới tại Việt Nam. Doanh nghiệp nội địa của Việt Nam sẽ bị thâu tóm và điều hành bởi tập đoàn nước ngoài. Khi ấy, rất nhiều doanh nghiệp trong những lĩnh vực quan trọng tại Việt Nam bị kiểm soát bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Bảo vệ nhà đầu tư
Các nhà đầu tư nước ngoài có thể đưa chính quyền nước sở tại ra một toà án quốc tế do làm mất lợi nhuận hay giảm giá trị tài sản của họ. Nếu chính phủ nước sở tại đưa ra những chính sách kinh tế, xã hội và môi trường ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của họ hoặc chỉ là ảnh hưởng tới lợi ích kỳ vọng của họ.
Mua sắm của chính phủ
Khi là thành viên của Hiệp định CPTPP, các công ty nước ngoài phải được đối xử bình đẳng trong việc mua sắm chính phủ nước sở tại. Nói cách chi tiết hơn, chính phủ các nước không được ưu đãi các công ty địa phương trong cấp dự án và mua sắm nguyên liệu và dịch vụ để thúc đẩy đối phát triển doanh nghiệp trong nước và nền kinh tế. Không còn sự hỗ trợ của phía chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam có tiền lực hạn chế càng khó khăn hơn cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp nhà nước
Đối với nhiều nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, DNNN có ảnh hưởng lớn đến điều tiết nền kinh tế và trách nhiệm xã hôi. Hiệp định CPTPP quy định cấm hoặc làm cho DNNN khó khăn hơn để có được hỗ trợ tài chính hoặc các ưu đãi từ chính phủ, và ngăn không cho DNNN ưu đãi cho các công ty địa phương. Mục đích là để cho phép các công ty nước ngoài cạnh tranh tốt hơn với các DNNN.
Tóm lại, lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam thu được là không đáng kể, do những mặt hàng thế mạnh như may mặc, da giầy, nông sản không gia tăng được nhiều xuất khẩu, do Mỹ đối tác lớn nhất không tham gia. Trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, phải bị cạnh tranh mạnh mẽ ngay tại sân nhà, khi mở của kinh tế, để hàng hoá dịch vụ từ các nước ký kết hiệp định tràn vào.
Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46097926
Việt Nam trở thành nước thứ bảy thông qua TPP-11
Quốc hội Việt Nam hôm 12/11 nhất trí thông qua thỏa thuận thương mại giữa 11 nước là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay còn được gọi là TPP-11.
Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ 7 thông qua hiệp định sẽ giúp cắt giảm đáng kể thuế quan ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo Reuters.
Thông báo của Việt Nam đăng trên cổng thông tin của chính phủ có đoạn nói rằng “đây là một quyết định chính trị quan trọng, khẳng định nước ta chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực, khả năng ứng phó với tác động của kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do khác”.
Chính quyền Hà Nội nói thêm rằng “với CPTPP, 42,9% thuế đánh lên các mặt hàng dệt may Việt Nam nhập vào Canada sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Và đến năm thứ 4 thì 100% hàng dệt may Việt Nam bán cho Canada sẽ được miễn thuế hoàn toàn”.
Dệt may là hàng xuất khẩu lớn thứ hai ở Việt Nam sau điện thoại thông minh.
Theo Reuters, xuất khẩu giày dép và hải sản của Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi vì CPTPP.
Trước Việt Nam, Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore đã chính thức thông qua CPTPP, vốn sẽ có hiệu lực vào cuối năm.
Hãng tin Reuters dẫn lời Tổ chức Lao động Quốc tế nói rằng hiệp định, vốn bao gồm các yêu cầu cụ thể về quyền và điều kiện làm việc, dự kiến sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy cải cách lao động.
Thỏa thuận ban đầu với sự tham gia của 12 nước đã đổ vỡ đầu năm ngoái sau khi Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra để ưu tiên bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ.
Brunei, Chile, Malaysia và Peru là bốn nước còn lại chưa thông qua thỏa thuận.
Đại sứ quán Australia ở Hà Nội hôm 12/11 nói rằng Úc “hoan nghênh việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP hiện là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất mà Việt Nam tham gia, có triển vọng thúc đẩy đà tăng trưởng và sự đa dạng của nền kinh tế Việt Nam”.