Tin Việt Nam – 12/10/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 12/10/2014

Ban Tuyên giáo TW tung tài liệu Hội nghị Thành Đô, cuống cuồng đối phó chiến dịch Chúng Tôi Muốn Biết

Sau hơn một tháng im lặng, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vừa chính thức có động thái phản ứng trước chiến dịch Chúng Tôi Muốn Biết được phát động từ đầu tháng 9/2014 vừa qua. Một tập tài liệu về Hội nghị Thành Đô do ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn và phân phát đến các đảng viên, cán bộ trong các cơ sở đảng.

Ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên?

‘Chúng Tôi Muốn Biết’ là một chiến dịch đòi hỏi quyền được tiếp cận thông tin minh bạch của người dân. Mục tiêu ban đầu là buộc đảng CSVN phải công khai các thông tin về Mật ước Thành Đô ký kết với Trung Cộng năm 1990.

Có thể thấy, sức lan tỏa rộng khắp và áp lực mạnh mẽ của phong trào đã khiến ban Tuyên giáo Trung ương cuống cuồng tìm cách ứng phó

Bắt đầu từ tháng 10/2014, các cơ quan thuộc đảng cộng sản được lệnh đồng loạt phân phát đến mọi đảng viên một tập tài liệu có tên ‘Cuộc gặp cấp cao tại Thành Đô năm 1990’ do ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn.

Theo một số bức công văn, tài liệu tiết lộ cho Danlambao, việc gửi tài liệu tuyên truyền được giải thích nhằm phản bác lại các thông tin rò rỉ về Hội nghị Thành Đô được lan truyền trên mạng internet.

“Vừa qua, trên mạng phát tán tài liệu liên quan đến cuộc gặp cấp cao tại Thành đô năm 1990 với những lời lẽ kích động, bịa đặt, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân”, công văn này viết.

Các cấp ủy cơ sở đảng cộng sản cũng được yêu cầu phải ‘triển khai, tổ chức quán triệt, phổ biến đến cán bộ, đảng viên và người lao động ở đơn vị’ tập tài liệu về Hội nghị Thành Đô do ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn.

‘Một lòng kiên quyết’ bảo vệ đảng, ‘kiên trì hữu nghị’ với TQ

Các thông tin trong tập tài liệu của ban Tuyên giáo Trung ương không có gì mới, chủ yếu lặp lại các luận điệu cũ nhằm tuyên truyền cho chế độ cộng sản.

Trong phần 3, nói về kết quả Hội nghị Thành Đô, tài liệu ban tuyên giáo viết rằng:

“Trong hội đàm, trao đổi không hề có vấn đề phía Trung Quốc gây sức ép với ta về nhân sự, không hề có cái gọi là sự thỏa thuận rằng: “Việt Nam sẽ thành khu tự trị thuộc Trung Quốc, giống như Nội Mông, Tân Cương và Quảng Tây vào năm 2010…”, như thông tin trên một số trang mạng, blog đã đưa. Đây là một luận điệu bịa đặt với ý đồ kích động, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và trong các tầng lớp nhân dân”.

Về vấn đề Trung Cộng đưa giàn khoan HD 981 cùng tàu chiến xâm phạm vùng biển Việt Nam, ban Tuyên giáo giải thích rằng: Sau chuyến đi Bắc Kinh của ông Lê Hồng Anh, đặc phái viên tổng bí thư, hai đảng cộng sản đã ‘đạt kết quả quan trọng’ và ‘khôi phục quan hệ giữa hai nước’.

Cơ quan tuyên truyền của đảng cộng sản khẳng định mối quan hệ ‘láng giềng hữu nghị’ với Trung Cộng là ‘chủ trương đối ngoại quan trọng’ trong thời điểm hiện tại.

Sau cùng, ban Tuyên giáo TW lặp lại khẩu hiệu ‘một lòng kiên quyết’ ‘giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ đảng, nhà nước, nhân dân và chế độ; bảo vệ an ninh quốc gia’ và ‘kiên trì quan hệ hợp tác hữu nghị với nhân dân Trung Quốc’. – danlambao

Thủ tướng CSVN thăm châu Âu và Vatican

Thủ tướng CSVN đang có chuyến thăm châu Âu từ ngày 12/10 đến 18/10 nhằm đẩy mạnh hợp tác với các đối tác châu Âu, theo truyền thông trong nước.

Nguyễn Tấn Dũng cùng Ngoại trưởng Phạm Bình Minh và các quan chức cấp cao khác sẽ tới thăm tòa Thánh Vatican, Ủy ban châu Âu, Bỉ, Đức và Ý, báo Nhân Dân đưa tin hôm 12/10.

Ông Dũng sẽ gặp Đức Giáo hoàng Francis với mong muốn Giáo hoàng tiếp tục dẫn dắt con chiên của Giáo hội Công giáo Việt Nam làm người Công giáo tốt và công dân tốt, Vietnam Plus viết trong bản tin tiếng Anh.

Nguyễn Tấn Dũng là thủ tướng Việt Nam đầu tiên gặp Đức Giáo hoàng, năm 2007, với người trị vì Vatican hồi đó là Giáo hoàng Benedict 16.

Trong chuyến thăm Ý, ông Dũng sẽ phát biểu tại hội nghị Á-Âu (ASEM) 10 và tham gia đối thoại với các doanh nghiệp trong Diễn đàn Doanh nghiệp.

Là khách mời của Ủy ban châu Âu, dự kiến ông Dũng sẽ đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do châu Âu-Việt Nam (RVFTA), cũng theo Vietnam Plus.

Các quan chức cấp cao đi cùng đoàn còn có bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son; và thứ trưởng các bộ như Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Ðầu tư, Tài chính, Ngoại giao; Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng và tỉnh Bến Tre, theo báo Nhân Dân đưa tin.

Hồi tháng 01/2013, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng đã gặp Giáo hoàng Benedict 16 và nói với BBC rằng quan hệ giữa Việt Nam và Vatican đang “ngày càng tốt đẹp”.

Một thông cáo ngắn của Vatican đưa ra sau cuộc gặp cho biết đoàn Việt Nam cũng tiếp xúc các quan chức cao cấp của Vatican, “các đối thoại thân mật bàn đến các chủ đề mà Việt Nam và Tòa thánh quan tâm.”

“Đang có hy vọng giải quyết một số tình huống giữa hai bên và nếu chưa giải quyết được, thì củng cố quan hệ tốt hiện nay,” thông cáo viết.

Hãng tin Tây Ban Nha EFE lúc đó bình luận việc ông Trọng được tiếp đón ở Vatican là điều ít khi xảy ra, do Đức Giáo hoàng thông thường chỉ tiếp các nguyên thủ quốc gia, các thủ tướng hoặc các lãnh đạo chính trị tiếng tăm thế giới. – BBC