Tin Việt Nam – 12/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 12/08/2017

Đức Cha Nguyễn Thái Hợp:

“Công ty Formosa, một tổ chức ma mãnh”

Thanh Trúc

Hơn một năm sau khi thảm họa môi trường biển, do công ty gang thép Formosa gây ra tại 4 tỉnh bắc  miền Trung, cũng là địa phương có Giáo phân Vinh do Đức Giám Mục Phao Lô Nguyễn Thái Hợp phụ trách. Đại diên cho những giáo dân cũng là ngư dân bị tác động bởi thảm họa, Giám Mục Nguyễn Thái Hợp đã dẫn đầu phái đoàn đến tại Đài Loan nơi có trụ sở chính của công ty Formosa để đòi công lý cho người bị tác động.

Trở về từ Đài Loan, Đức Giám Mục đã dành cho Thanh Trúc cuộc nói chuyện về chuyến làm việc. Trước hết ông cho biết:

Đức GM Nguyễn Thái Hợp: Với tính cách là Ủy Ban Hỗ Trợ Các Nạn Nhân Của Thảm Họa Môi Trường Biển, nhóm chúng tôi có  ba bốn người, rồi cũng có một số trong nhóm hiện ở Đài Loan như Cha Hùng. Đặc biệt tại Đài Loan chúng tôi được gặp một số luật sư, giáo sư, những thành viên của xã hội dân sự cũng đang trong tiến trình khiếu kiện chống lại thảm họa môi trường mà công ty Formosa gây ra trên chính quê hương của mình trong những năm qua. Tôi  rất vui mừng về chuyến đi đó.

Tôi thấy hồ sơ đó mặc dù họ  làm rất kỹ, nhưng Formosa cũng là một tổ chức ma mãnh, không  phải vô lý mà một cơ quan của Đức đã tặng họ danh hiệu “Hành Tinh Đen”.

-Đức GM Nguyễn Thái Hợp

Tôi cũng được đi thăm một số làng, thấy những nơi đó coi như hoang tàn bỏ trống, có lúc làng này có lúc làng kia  trực tiếp hưởng khói  của công ty Formosa tùy theo chiều hướng gió. Đến đó mới thấy cái thảm trạng.

Có những người dân Đài Loan, có lẽ bị công ty Formosa tuyên truyền như thể là chính phủ Việt Nam ép buộc họ phải trả 500 triệu USD cho người dân ở Kỳ Anh, Vũng Áng. Họ biến họ thành một thứ nạn nhân thì chúng tôi cũng có giải thích là chính phủ Việt Nam đang bắt tay với Formosa để làm  giảm nhẹ thảm họa môi trường, hơn nữa rất nhiều lần đàn áp những người ủng hộ các nạn nhân của thảm họa môi trường.

Thanh Trúc: Thưa Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, nhiều người dân ở các tỉnh miền Trung nói rằng họ chưa  nhận được tiền bồi thường. Lúc qua Đài Loan chắc Đức Cha cũng có nêu điều đó ?

Đức GM Nguyễn Thái Hợp: Nói đa số chưa nhận được đồng nào thì cũng không đúng, có nhiều nạn nhân đã nhận được rồi nhưng mà có những nạn nhân vẫn chưa nhận được, con số đó thì ít hơn con số đã nhận. Vấn đề đặt ra là Nhà Nước với công ty Formosa tiên thiên xác định được nhận đền bù là 4 tỉnh  Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, nhưng Nghệ An là tỉnh thiệt hại cũng nhiều mà lại không được vào danh sách. Thành thử ra ai đưa ra  danh sách đó, dựa trên cái gì, tại sao Nhà Nước với công ty Formosa lại có thể tiên thiên xác định số tiền đền bù là bao nhiêu, ai được đền bù. Vấn đề công bằng và công lý thì chúng tôi cũng đã đặt ra với chính quyền tỉnh Nghệ An. Rất may nhà cầm quyền Nghệ An đã công nhận chuyện còn nợ của dân nhưng mà chưa có tiền để đền bù.Vấn đề  là đòi hỏi Formosa cũng như nhà cầm quyền trả lại cho dân  số tiền dựa trên phân tích cụ thể số thiệt hại của dân.

Hơn nữa tiền đền bù đó trên nguyên tắc cho đến cuối 2016  thì từ đó đến đây, từ rày về saunhư thế nào là  vấn để đặt ra.

Thanh Trúc: Thưa khi Đức Cha trình bày những vấn đề này với những người Đức Cha gặp bên Đài Loan thì họ có đóng góp ý kiến gì không?

Đức GM Nguyễn Thái Hợp: Chúng tôi đã học được khá nhiều kinh nghiệm của tổ hợp luật sư bên đó, học được kinh nghiệm của các giáo sư, nhất là Đại Học Đài Loan họ đã bỏ ra hàng năm trời cùng với các sinh viên để nghiên cứu về nước biển, về khói, để đưa ra một hồ sơ mang tính khoa học.

Trong một xã hội mà quyền ngôn luận quyền con người chưa được công nhận thì vấn đề khiếu kiện một công ty được nhà nước bảo trợ là chuyện rất khó, chúng tôi đang ở trong hoàn cảnh rất là bất thuận lợi.

-Đức GM Nguyễn Thái Hợp

Tôi thấy hồ sơ đó mặc dù họ  làm rất kỹ, nhưng Formosa cũng là một tổ chức ma mãnh, không  phải vô lý mà một cơ quan của Đức đã tặng họ danh hiệu “Hành Tinh Đen”. Họ cũng mượn luật sư và những luật sư đó cũng dùng những mưu mẹo để đặt những câu hỏi, nêu nghi vấn về những bằng chứng mà các nhà khoa học Đài Loan đưa ra để tiếp tục tranh kiện. Nhìn vậy để thấy  rằng có nhiều cái chúng tôi không thể đi vào con đường khiếu kiện vì Nhà Nước ở Việt Nam không cho phép, không tạo điều  kiện để có những nghiên cứu khoa học chính thức. Ngay cả đến bây giờ Nhà Nước chỉ tuyên bố là nước sạch hay nước không sạch dựa trên lời nói, tuyên truyền, nhu cầu chính trị chứ không dựa trên một phân tích khoa học nào.

Trong một xã hội mà quyền ngôn luận quyền con người chưa được công nhận thì vấn đề khiếu kiện một công ty được nhà nước bảo trợ là chuyện rất khó, chúng tôi đang ở trong hoàn cảnh rất là bất thuận lợi.

Thanh Trúc: Thưa Đức Giám Mục, lên đường đi tìm công lý cho nạn nhân Formosa ở Việt Nam, lệnh của bề trên hay lý do nào thúc đẩy ông đứng ra gánh vác việc này?

Đức GM Nguyễn Thái Hợp: Không có lệnh nào cả, nhưng mà luôn luôn có tiếng gọi giáo huấn của  xã hội Công Giáo, nhất là của Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô. Ngài mời gọi chúng ta đồng hành với các nạn nhân, đồng hành với người nghèo.

Hơn nữa  thuộc thành phần lãnh đạo của Giáo phận Vinh thì chúng tôi không thể khoanh tay trước những thiệt thòi của người dân ở đấy. Chính vì vậy chúng tôi lên đường  nói lên tiếng nói, làm được cái gì. Hơn nữa  Formosa là một ty ma mãnh, nhiều tiền nhiều thế lực, vấn đề không  phải ta  thành công hay không mà từ đó ta thành nhân, ta nói lên tiếng nói của công lý, và ít ra các nạn nhân cũng thấy có người đang đứng về  phía họ, đang muốn làm cái gì cho họ.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn Đức Cha Phao Lô Nguyễn Thái Hợp về bài  nói chuyện này.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/bishop-went-abroad-for-formosa-08112017214122.html

 

Từ Trịnh Xuân Thanh đến Trầm Bê, Hồ Thị Kim Thoa

Bùi Văn PhúGửi cho BBC từ California

Tại Đại hội Đảng Cộng sản đầu năm 2016, sau khi loại được Nguyễn Tấn Dũng một cách ngoạn mục, Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục được giữ chức Tổng Bí thư thêm một nhiệm kì nữa, dù ông đã quá tuổi hưu theo như qui định.

Ông Trọng sau đó mở chiến dịch diệt tham nhũng với quyết tâm mạnh mẽ hơn, vì từ mấy chục năm qua tệ nạn này đã lan tràn trong mọi cơ quan, ban ngành và làm ruỗng mục hệ thống, suy đồi xã hội.

Vụ tham nhũng đầu tiên được ông nhắm đến là Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cũng là Đại biểu Quốc hội, Trịnh Xuân Thanh. Ông Thanh bị cáo buộc làm thất thoát tài sản nhà nước lên đến hơn 3 nghìn tỉ đồng, khoảng 150 triệu đôla, trong thời gian công tác tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí.

Khi quá trình điều tra đang được tiến hành, Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài.

Sự việc ông Thanh trốn thoát đã làm Tổng Bí thư Trọng mất mặt và nhiều người nghi ngờ quyết tâm bài trừ tham nhũng của giới lãnh đạo Việt Nam.

Cũng như trước đây với vụ Dương Chí Dũng làm thất thoát tài sản của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), rồi cũng trốn ra nước ngoài, sau bị bắt, ra toà bị án tử hình và bồi hoàn nhiều tỷ đồng cho nhà nước. Cho tới nay bản án tử hình vẫn chưa được thi hành.

Liên quan đến vụ án Dương Chí Dũng, có những sĩ quan cao cấp ngành công an bị cáo buộc đã nhận tiền hối lộ, trong đó có Thượng tướng Phạm Quý Ngọ là Thứ trưởng Bộ Công an.

Dương Chí Dũng trốn qua một nước trong khối ASEAN, sau đó bị bắt đem về nước, đưa ra xét xử. Nhưng tham nhũng đã lên đến cấp lãnh đạo cao cấp nào thì cũng mới dừng lại ở cấp trung, còn Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ chết bất ngờ trước khi xử nên đường dây cũng dừng lại ở đó.

Trịnh Xuân Thanh trốn sang Đức từ tháng 8/2016. Đức nói hôm 23/7/2017 ông bị tình báo Việt Nam bắt cóc từ Thủ đô Berlin, nhưng ngày 31/7 vừa qua Bộ Công an ra thông báo nói ông Thanh tự nạp mình “đầu thú” ở Hà Nội.

Ông Trịnh Xuân Thanh ‘ra đầu thú’

Tin Trịnh Xuân Thanh đầu thú ‘lạ tai như phép màu’

Vụ Trịnh Xuân Thanh và ‘uy tín của VN’

Tin từ báo Việt ngữ thoibao.de ở Đức đưa ra và sau đó Bộ Ngoại giao Đức cũng cho biết ông Thanh đã “bị bắt cóc” đem về Việt Nam trong khi đang tiến hành thủ tục xin tị nạn.

Hai ngày sau, đài truyền hình của nhà nước Việt Nam VTV1 đưa tin, hình ảnh và tờ đơn xin tự thú của ông Thanh. Vẻ mặt ông phờ phạc và đầy lo âu hơn những hình ảnh ông chụp tươi cười ở Đức đã được người thân quen phổ biến.

Vụ bắt Trầm Bê ‘thể hiện quyết tâm Tổng Bí thư’

Việt Nam: ‘Lãnh đạo ngân hàng dễ bị khép tội’

Việc bắt cóc người như thế là vi phạm nghiêm trọng luật lệ Đức nên chính phủ nước này đã trục xuất nhân viên ngoại giao đặc trách tình báo tại Đại sứ quán Việt Nam và đòi Hà Nội trả ông Thanh về lại Đức để thủ tục xin tị nạn của ông, cũng như đòi hỏi dẫn độ Trịnh Xuân Thanh của Hà Nội được xem xét theo trình tự pháp luật Đức.

Ông Thanh trốn ra được nước ngoài đã làm mất mặt Tổng Bí thư Trọng và phía Việt Nam đã biết ông đang ở Đức nên trong chuyến đi tham dự bên lề Hội nghị G-20 tại Hamburg vào đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi gặp Thủ tướng Angela Merkel cũng đã yêu cầu Đức trao trả ông Thanh.

Vì không có hiệp ước dẫn độ tội phạm giữa Đức và Việt Nam, còn Hà Nội không chờ được lâu nữa nên đã cho an ninh bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ một công viên ở Thủ đô Berlin rồi đem về Hà Nội.

Có được Trịnh Xuân Thanh trong nhà giam, Tổng Bí thư Trọng mạnh tay hơn nữa trong chủ trương chống tham nhũng.

Đáng chú ý là trong những ngày qua Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ngân hàng Sacombank, và cả chục lãnh đạo các ngân hàng khác đã bị bắt giam vì những khoản tiền cho vay bừa bãi khiến nhiều ngân hàng sụp đổ tài chánh.

Thứ trưởng Công Thương sẽ được cho nghỉ hay mất chức?

TBT Trọng muốn làm rõ tài sản của bà Thoa

Một lãnh đạo khác cũng đã vào tầm nhắm của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tổng Bí thư Trọng là Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Bà Thoa vừa xin thôi việc tại cơ quan từ ngày 1/8, trong khi đang bị Ban Kiểm tra Trung ương điều tra về những sai phạm khi bà làm lãnh đạo Công ty Bóng đèn Điện Quang từ năm 2004 đến 2010.

Nếu những vụ án trên được đưa ra xét xử, việc tham nhũng và nhận hối lộ sẽ lên đến mức nào trong giới lãnh đạo Việt Nam, hiện tại cũng như quá khứ?

Nếu ông Trọng không rốt ráo trong việc chống tham nhũng thì những ồn ào trong hai tuần qua cũng chỉ là để che đậy sự yếu kém của Đảng Cộng sản Việt Nam trước sự bành trướng của Bắc Kinh ngoài Biển Đông.

Hơn một tuần trước, vì sức ép của Trung Quốc nên Việt Nam đã phải yêu cầu công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha ngưng thăm dò và rút tàu khoan thăm dò ra khỏi Lô 136-3, trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Bắc Kinh cho là nằm trong đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc.

Sự kiện này được Bill Hayton của BBC đưa ra và các chuyên gia về Việt Nam sau đó cũng xác nhận Trung Quốc đã ép Việt Nam không được khai thác, nếu không Bắc Kinh sẽ dùng vũ lực ở Trường Sa.

Ông Hayton còn cho biết thêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch là hai ủy viên Bộ Chính trị không muốn phản đối đòi hỏi của Trung Quốc nên đã yêu cầu công ty Repsol ngừng khoan thăm dò tìm dầu trong Lô 136-3.

Hôm 2/8 ông Miguel Martinez của công ty Repsol xác nhận tàu khoan thăm dò ở đó đã ngưng hoạt động.

Lúc này chuyện chống tham nhũng với tuyên bố thể hiện quyết tâm gần đây của ông Trọng: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng cháy” được truyền thông chính thống thổi bùng lên, còn chuyện rút tàu khoan thăm dò ngoài Biển Đông hầu hết các báo đều không đưa tin.

Qua những gì đọc được trên mạng xã hội, nhiều người hồ hởi với việc Trịnh Xuân Thanh đã vào tay công an và không cho quan hệ Đức-Việt quan trọng hơn việc ông Thanh được đem về nước. Họ lạc quan tin tưởng những gì ông sẽ khai, để từ đó những kẻ tham nhũng sẽ bị trừng trị.

Đa số dân Việt đã mệt mỏi với tham nhũng và muốn giới lãnh đạo có quyết tâm bài trừ.

Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên, hôm 17/7 có viết trên Facebook về tệ nạn tham nhũng lan sâu và cao trong tầng lớp lãnh đạo và đã có gần 3.500 người thích, 650 lượt chia sẻ và 150 bình luận:

“… Nếu phát hiện ra những hành vi tham nhũng được hình thành từ những nhóm lợi ích có dây mơ, rễ má dù cho nó xuất phát từ đâu và mạnh tới cỡ nào. Dù nó có mạnh tiến như quân Nguyên cũng không thể lọt lưới của nền pháp trị mà chúng ta phải xây dựng trên nguyên tắc của một Nhà nước pháp quyền. Không ai có quyền đứng trên luật pháp. Nếu có một quyết tâm cao độ như vậy, thì chúng ta sẽ làm được tất cả. Làm được như vậy, nhân dân sẽ công nhận lòng yêu nước của những người cầm quyền hiện nay là có thật…”

Ông Khế quá lạc quan.

Đảng Cộng sản kêu gọi chống tham nhũng từ mấy chục năm qua, nhưng Đảng lại đứng trên cả Hiến pháp thì mong gì có một nhà nước pháp quyền hay pháp trị ở Việt Nam.

Bao giờ có thay đổi thể chế để tiến đến một nền dân chủ pháp trị thì mới hy vọng tham nhũng sẽ bớt đi nhiều để đất nước có cơ hội phát triển nhanh hơn.

Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả, một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-40893672

 

Vụ TXT:

một người Việt làm việc cho chính phủ Đức bị điều tra

Trong khi các công tố viên liên bang Đức điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, thì tạp chí Der Spiegel và nhật báo Taz cùng lúc đưa tin về khả năng một người Việt đang làm việc trong guồng máy chính phủ Đức có liên đới trong vụ việc này.

Der Spiedel và Taz nhắc đến một người có tên Ho Ngoc Thang, một nhân viên của Văn phòng Liên bang về Di trú và Tị nạn Đức (Bamf), đang bị điều tra.

Người đàn ông này, có tên Hồ Ngọc Thắng trên Facebook, thừa nhận ông đang bị công an Đức điều tra. Trên trang Facebook cá nhân, ông Thắng đăng tải hình chụp tờ công văn của Bamf buộc ông nghỉ việc từ ngày 9/8/2017 cho đến khi kết thúc điều tra. Ông Thắng cho biết công an Đức “kiểm tra PC (máy tính cá nhân)” của ông tại cơ quan để xem ông “có đọc hồ sơ điện tử của Trịnh Xuân Thanh (TXT) hay không.”

Với bài viết có tiêu đề “Người Cộng sản trong Văn phòng Liên bang”, nhật báo Taz cho biết ông Thắng là người nắm các hồ sơ của người xin tị nạn ở Đức, trong khi tạp chí Der Spiegel tường thuật rằng ông Thắng, trong tư cách một nhân viên của Bamf, có thể tiếp cận các hồ sơ nhạy cảm của những người đang xin tị nạn, và cả sổ đăng ký trung tâm của những người nước ngoài.

Theo Der Spiegel, ông Thắng đã đưa thông tin tỉ mỉ về sự biến mất của TXT trên trang Facebook cá nhân từ tháng 10/2016, và phỏng đoán rằng ông Thanh đang ở Đức. Tạp chí chính trị ra hàng tuần với lượng phát hành lớn nhất châu Âu đặt câu hỏi: liệu ông Thắng có những “thông tin mà người khác không biết”?

Ông Thắng từng theo học ngành luật ở Đại học Friedrich Schiller tại Jena của Đức và đã làm việc cho Văn phòng Liên bang về Di trú và Tị nạn Đức 27 năm. Trên Facebook, ông khẳng định “do yêu cầu công việc tại cơ quan” ông “được phép đọc tất cả các hồ sơ tị nạn của người nước ngoài và hồ sơ người người nước ngoài cư trú ở Đức,” nhưng phủ nhận việc “động tới hồ sơ của Trịnh Xuân Thanh.”

Hai tờ báo của Đức đều biết ông Thắng có nhiều bài viết ca ngợi chính quyền Việt Nam trong khi chỉ trích chính phủ Đức đăng trên trang Facebook cá nhân.

Trong bài viết có tựa đề “Quan hệ ngoại giao Đức-Việt sẽ ra sao sau vụ TXT?” đăng ngày 4/8, ngay sau khi Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc TXT và Bộ Ngoại giao Việt Nam nói “lấy làm tiếc” về thông cáo đó, ông Thắng lập luận: “chính phủ Đức không thể đưa ra bất kỳ một bằng chứng nào cho thấy ông TXT bị bắt cóc.” Ông Thắng còn viết “tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức chủ yếu dựa vào phát biểu của bà luật sư đại diện cho TXT trong thủ tục xét tị nạn.”

Nhật báo Taz nhận định bài viết này của ông Thắng cho thấy ông muốn “khuyên chính phủ Đức chấm dứt vụ việc này” bởi ông cho rằng “sự kiện TXT sẽ chìm trong lãng quên.”

Nhà hoạt động nhân quyền Vũ Quốc Dũng của Veto! – mạng lưới những người bảo vệ nhân quyền – được nhật báo Taz trích lời nói rằng những giấy tờ mà ông Thanh nộp trong hồ sơ xin tị nạn có thể giờ đây sẽ được dùng để chống lại ông ta ở Hà Nội trong vụ xử theo luật hình sự.

https://www.voatiengviet.com/a/vu-txt-mot-nguoi-viet-lam-viec-cho-chinh-phu-duc-bi-dieu-tra/3982288.html