Tin Việt Nam – 12/04/2018
Việt Nam ‘đầu bảng về phạm pháp’ tại Nhật
Hãng thông tấn Kyodo News hôm 11/04 có bài dẫn chiếu số liệu cảnh sát Nhật cho hay người Việt bị nêu đứng đầu về số vụ phạm pháp trong cộng đồng người nước ngoài sống tại Nhật.
Báo Yomiuri Shimbun cũng đưa tin này.
Số liệu cho năm 2017 của cảnh sát Nhật cho thấy có 5.140 vụ phạm pháp do công dân Việt Nam gây ra, tăng từ 3.177 vụ trong năm 2016 và chiếm 30.2% tổng số.
Người Việt ở Nhật chuyện từ xưa tới nay
Vị trí đầu bảng trước đây do Trung Quốc nắm giữ, nhưng năm 2017 đã tụt xuống thứ hai, kế đến là Brazil và Nam Hàn, theo Sở cảnh sát Quốc gia Nhật Bản.
Hiện có khoảng 260.000 người Việt sống ngắn hạn tại Nhật (chưa có thẻ thường trú), tăng sáu lần kể từ 2008 và số vụ phạm pháp cũng tăng.
Số liệu nói việc ăn cắp là hành vi phổ biến nhất trong người Việt, khoảng 3.080 vụ, trong đó gồm 2.037 vụ chôm đồ tại cửa hàng và 477 vụ ăn trộm.
Trong khi số vụ trộm cắp mà tội phạm người Việt thực hiện nhiều hơn người Trung Quốc thì số tội phạm người Trung Quốc (3.159) cao hơn tội phạm Việt (2.549).
Có 10.828 tội phạm người nước ngoài tại Nhật vào năm 2017, tăng 7.1% so với năm 2016.
Nguyên nhân?
Sau khi có tin này, BBC đã phỏng vấn ông Hirota Fushihara, một nhà nghiên cứu luật, là người Nhật hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam.
BBC: Số liệu được nêu trong báo cáo này có làm ông ngạc nhiên? Ông có nhận xét gì về thực trạng trộm cắp liên quan tới người Việt tại Nhật?
Hirota Fushihara: Đúng là trước đây, đã là du học sinh nước ngoài tại Nhật Bản thì nhiều nhất là người Trung Quốc và kế tiếp là người Hàn Quốc là nhiều, nhưng bây giờ số du học sinh là người Việt Nam là thứ nhì sau người Trung Quốc, điều đó làm cho tôi ngạc nhiên trước sự phát triển giao lưu con người giữa hai nước.
Tuy nhiên, tôi nghĩ việc trộm cắp hay một số hành vi trái pháp luật của các bạn Việt Nam có nguyên nhân.
Bởi trong số người Việt Nam gây phạm tội, 41 % là du học sinh, 29% là thực tập kỹ thuật ( tức bản chất là lao động).
Trong số các bạn du học sinh, hay lao động có những người phải nợ nhiều tiền hoặc đặt cọc nhiều tiền, hay chi trả nhiều phí mang nhiều tên khác, nên không ít các bạn đã có sẵn gánh nặng về tài chính và tâm lý.
Đồng thời trước khi sang Nhật, họ có thể được nghe nhiều thông tin mầu hồng, chưa khách quan về cuộc sống tại Nhật Bản, họ chưa có điều kiện để tiếp cận nguồn thông tin đa chiều, mà có khi họ nghe những thông tin chủ quan của các tổ chức môi giới và sang Nhật Bản đã thấy thực tế lại khác hẳn.
Nguyên nhân của tình hình này có rất nhiều, nhưng tôi thấy không dễ dàng phê bình, hoặc nói rằng đó là lỗi hoàn toàn của các bạn Việt Nam.
BBC: Thực trạng trộm cắp này ảnh hưởng thế nào, nếu có, tới khả năng Nhật giới hạn việc nhận lao động/sinh viên từ Việt Nam?
Hirota Fushihara: Chính phủ Nhật Bản không thể coi nhẹ việc phạm tội bởi người Việt Nam gia tăng như vậy.
Tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa thuộc về nhiều phía. Môt mặt có một số doanh nghiệp và một số nhà trường, hay các nghiệp đoàn của Nhật cũng có những hành động chưa hẳn bảo vệ quyền và nghĩa vụ của du học sinh, hay người thực tập kỹ thuật.
Mặt khác, ở Việt Nam có những đơn vị tư vấn du học, hay các doanh nghiệp, cơ quan cử thực tập sinh kỹ thuật cung cấp thông tin chưa khách quan, chưa chính xác, thu những chi phí, thù lao không rõ ràng dẫn đến câu chuyện là các bạn phải vay nợ nhiều tiền trước khi sang Nhật Bản.
Những việc liên quan đến phía Việt Nam, tôi nghĩ cần nỗ lực của các cơ quan nhà nước của Việt Nam tăng cường giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, đơn vị liên quan.
Chính phủ Nhật Bản quan tâm về vấn đề này và sẽ có những biện pháp cần thiết trước tình hình này.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43730394
Cựu đại sứ Ted Osius
nói về ‘người Việt nhập cư bị trục xuất’
Hoa Kỳ có kế hoạch trục xuất hàng ngàn người Việt trở về Việt Nam, bất chấp việc những người này được bảo hộ theo một thỏa thuận song phương đã ký giữa hai nước, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói với Reuters.
Ông Ted Osius nói một số ít những người này đã bị gửi trả về trong thời gian qua.
Ông cựu đại sứ trong cuộc phỏng vấn đăng hôm 12/4 với Reuters nói rằng nhiều người trong số những người này ra đi trong làn sóng tị nạn sau chiến tranh, và do đó sẽ bị Hà Nội coi là các thành phần gây bất ổn cho xã hội.
Việt kiều Mỹ sống với nỗi lo bị trục xuất
Mỹ: Hàng ngàn người Việt có nguy cơ bị trục xuất?
Người Việt ở Mỹ: Nếu bị trục xuất, Việt Nam có nhận?
“Những người này không thực sự có một đất nước để trở về,” ông nói với Reuters.
Ông cựu đại sứ cũng xác nhận việc chính quyền ông Trump bắt đầu chương trình trục xuất này từ hồi tháng Tư năm ngoái.
Một phát ngôn viên Lực lượng Nhập cảnh và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) được Reuters dẫn lời cho biết tính đến cuối tháng 12 năm ngoái, đã có 8.600 người mang quốc tịch Việt Nam tại Hoa Kỳ bị xếp vào đối tượng bị trục xuất, trong đó “7.821 người có tiền án, tiền sự”.
Những người này hầu hết có quyền cư trú hợp pháp tại Hoa Kỳ, nhưng không phải là công dân Mỹ.
Ông Osius nói hầu hết những người đối diện nguy cơ bị trục xuất đã tới Mỹ trước năm 1995, là năm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau chiến tranh.
Theo Biên bản ghi nhớ được hai nước ký hồi 2008, Hà Nội chỉ chính thức đồng ý tiếp nhận các cá nhân gốc Việt đến Hoa Kỳ sau năm 1995 – là năm hai nước bình thường hóa quan hệ.
Một số người nhập cư có liên quan tới các tội hình sự nghiêm trọng, ông Osius cho biết nhưng cựu đại sứ cũng nói “theo biên bản ghi nhớ ký hồi 2008 thì các trường hợp từ 1975 đến 1995 sẽ không bị đụng đến”.
Nghị sĩ California kêu gọi thả người Việt
Mỹ: Hàng ngàn người Việt có nguy cơ bị trục xuất?
Ông cũng nói thêm rằng chính quyền ông Trump đã đe dọa sẽ rút đặc quyền của các quan chức Việt Nam khi sang Mỹ, và đặt vấn đề trục xuất người với chủ đề thương mại giữa hai quốc gia.
Ông Osius nói chính sách mới này của chính quyền Donald Trump đã góp phần khiến ông quyết định từ chức đại sứ tháng 10 năm ngoái.
Người không có tiền án tiền sự cũng có thể bị trục xuất?
Phát ngôn viên ICE, Brendan Raedy không nêu lý do vì sao những người không có tiền án tiền sự cũng trở thành mục tiêu, nhưng nói người nhập cư vào Mỹ nếu không có địa vị pháp lý hợp pháp cũng sẽ là đối tượng bị trục xuất.
Tòa Bạch Ốc từ chối bình luận.
Katina Adams, phát ngôn viên Sở Đông Á của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói chính phủ hai bên đang “tiếp tục thảo luận về quan điểm của mỗi bên đối với các công dân Việt Nam đã rời Việt Nam sang Mỹ”.
Theo số liệu của ICE, đã có 71 người Việt bị trục xuất về Việt Nam trong năm ngoái.
Con số này hồi 2016 là 35, và trong 2015 là 32 trường hợp.
Tính từ 1998 đến 2016, đã có khoảng 624 người bị đưa về Việt Nam, theo thông tin chính thức của Bộ Nội An Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, không rõ thời điểm mà những người này trước đó tới Mỹ là khi nào, trước hay sau ngày hai bên ký Biên bản ghi nhớ.
Hồi tháng Hai, tòa án liên bang tại Los Angeles thụ lý vụ kiện theo đó thách thức việc trục xuất các công dân Việt Nam.
Đơn kiện của một số người Mỹ gốc Việt và đại diện của các tổ chức Đấu tranh Công lý cho Người Mỹ gốc Á (AAAJ) nói ICE và Bộ Nội An vi phạm Biên bản ghi nhớ khi hồi năm ngoái ICE đã “đột ngột trục xuất người nhập cư Việt Nam tới Mỹ từ trước 1995”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43726044
Việt Nam: Nhiều nhà hoạt động bị án tù trong tháng Tư
Thêm ba nhà hoạt động bị tuyên án vào ngày 12/4, nâng tổng số nhà hoạt động bị xét xử trong hai tuần đầu tháng Tư lên 10 người, với tổng số án tù là 96 năm.
Trong khi phiên tòa xét xử ông Nguyễn Viết Dũng và Vũ Văn Hùng diễn ra công khai, phiên tòa xét xử bà Trần Thị Xuân diễn ra trong sự bất ngờ của gia đình và luật sư.
Ông Nguyễn Viết Dũng, hay còn được biết đến là Dũng Phi Hổ, bị tuyên án 7 năm tù giam, 5 năm quản chế vì tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Cũng ngày 12/4, bà Trần Thị Xuân bị tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh kết án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Tại Hà Nội, ông Vũ Văn Hùng bị tòa tuyên án một năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Cộng sự LS Đài ‘sẽ tự bào chữa’
‘Uất ức’ về mức án cho LS Đài và 5 nhà hoạt động
Ông Dũng bị bắt vào ngày 27/9/2017. Luật sư bào chữa cho ông Dũng, ông Ngô Anh Tuấn cho BBC biết ông Dũng bị kết án vì cắm cờ vàng ba sọc đỏ và các bài bất đồng chính kiến trên trang blog cá nhân.
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Khả Thành cho biết ông Dũng công nhận hành vi đã làm, nên được tình tiết giảm nhẹ vì thật thà khai báo.
Ông Vũ Văn Hùng bị bắt vào 16/1 năm nay và kết án 1 năm tù vì tội “Cố ý gây thương tích”. Ông Hùng từ chối luật sư bào chữa, ông Tuấn cho biết.
Cựu tù nhân Vũ Văn Hùng ‘đột ngột bị bắt’
Công an Việt Nam bắt ‘Dũng Phi Hổ’
Hà Tĩnh: Dân biểu tình, đòi thả bà Trần Thị Xuân
Xử không aibiết trước?
Phiên tòa xét xử bà Trần Thị Xuân hôm nay gây bất ngờ cho gia đình và luật sư bào chữa vì họ không hề được thông báo trước.
Ông Ngô Anh Tuấn cho biết ban đầu bà Xuân từ chối luật sư, nhưng sau đó gia đình quyết định thuê luật sư nhưng lại không nhận được bất cứ thông tin gì từ phía toà.
“Họ không có bất cứ văn bản nào trả lời chúng tôi. Từ chối hay không từ chối. Họ âm thầm xét xử đến cả gia đình cũng không biết.”
“Chưa nói thân chủ được quyền và nghĩa vụ như thế nào trong phiên tòa những đây là vi phạm cản trở hoạt động hành nghề của luật sư. Chúng tôi sẽ khiếu nại.” Ông Ngô Anh Tuấn nói.
Án nặng nề hơn
Chỉ trong hai tuần đầu tháng Tư, đã có 10 nhà hoạt động bị xét xử, với tổng số án tù là 96 năm.
Phiên tòa đầu tiên tháng Tư, hôm 5/4 xét xử 6 thành viên của Hội Anh em Dân chủ:
Luật sư Nguyễn Văn Đài bị án 15 năm tù giam, 5 năm quản chế
Nhà hoạt động Trương Minh Đức bị án 12 năm tù, 3 năm quản chế
Linh mục Nguyễn Trung Tôn bị 12 năm tù, 3 năm quản chế
Ông Nguyễn Bắc Truyển 11 năm tù, 3 năm quản chế
Bà Lê Thu Hà 9 năm tù, 2 năm quản chế
Ông Phạm Văn Trội 7 năm tù, 1 năm quản chế
Phiên tòa thứ hai xảy ra hôm 10/2, kết án ông Nguyễn Văn Túc 13 năm tù, 5 năm quản chế.
Giới đấu tranh VN chia sẻ kinh nghiệm bị bắt tù
13 năm tù cho nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc
Luật sư Ngô Anh Tuấn bình luận rằng về mức án, nhìn chung nặng nề hơn so với cùng tội danh được xử vài năm trước.
Kể từ phiên tòa xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh “Mẹ Nấm” và Trần Thị Nga, ông Tuấn nói hai bà trở thành “thông lệ cho những người sau này.”
“Tội 79 hay 88 và dù họ nhận hay không nhận tội cũng bị án cao hơn. Ngay cả án của Anh Ba Sàm cũng không nặng nề như bây giờ,” ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Hữu Vinh “Anh Ba Sàm” nổi tiếng trong giới bất đồng chính kiến với blog cá nhân. Ông bị tuyên án 5 năm tù giam hồi 2016. Trợ lý của ông bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị kết án 3 năm tù giam và đã ra tù hồi tháng 5/2017.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43734986
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông:
Chưa vận hành đã lạc hậu, lãng phí
Mỹ Lan RFA
Chi phí đầu tư ban đầu của dự án đường cao tốc trên cao Cát Linh – Hà Đông được cho biết là là 553 triệu đô la Mỹ và dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 6-2014; chạy thử từ tháng 10-2014 đến tháng 6-2015, từ ngày 30-6-2015 chính thức khai thác thương mại.
Tuy nhiên, đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng lên hơn 868 triệu USD, nghĩa là đội vốn lên tới hơn 315 triệu USD, tương đương khoảng 7.000 tỉ đồng. Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198 triệu USD.
Về tiền thì người ta tính toán ngoài viêc đội vốn lên thì mỗi ngày phải trả lãi suất là 1 tỷ 2, còn về ùn tắc giao thông thì nó gây thiệt hại lớn không những về mặt xã hội mà còn về mặt kinh tế. Theo tính toán của các chuyên gia thì nếu mà ùn tắc thì mỗi ngày Hà Nội mất chi phí khoảng 4 tỷ đồng Việt Nam thì một năm không biết là bao nhiêu – chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long từ Hà Nội cho rằng thời gian chậm tiến độ quá lâu cùng mức vốn đầu tư bị đẩy lên gấp rưỡi đã tác động rất tiêu cực đối với hiệu quả kinh tế xã hội, đặc biệt là đối với Hà Nội, trung tâm kinh tế, văn hoá và chính trị của Việt Nam. Điều này còn làm mất lòng tin của công chúng. Ông trình bày:
“ Nó chậm thì nó làm cho tiền tăng lên, tiền thì nó thiệt hại rồi mà nó còn làm cả ùn tắc thêm giao thông. Về tiền thì người ta tính toán ngoài viêc đội vốn lên thì mỗi ngày phải trả lãi suất là 1 tỷ 2, còn về ùn tắc giao thông thì nó gây thiệt hại lớn không những về mặt xã hội mà còn về mặt kinh tế. Theo tính toán của các chuyên gia thì nếu mà ùn tắc thì mỗi ngày Hà Nội mất chi phí khoảng 4 tỷ đồng Việt Nam thì một năm không biết là bao nhiêu?”
Còn theo nhà báo Đào Mạnh Hùng, một phóng viên kinh tế kỳ cựu trong nước thì đây là một dự án mà 99% người dân và kể cả các nhà khoa học cũng không đồng tình:
“Họ tính là mỗi ngày thu được 100 triệu. 100 triệu mà với cái giá cả mà mình mua của Trung Quốc và cái lãi suất hàng năm như vậy thì phải 10 nghìn năm mình mới thu hồi được vốn. Tôi đã đọc một bài báo trên tờ báo viết của Đài truyền hình NHK của Nhật Bản thì họ viết rằng đây là một tuyến đường tai tiếng nhất thế giới, vừa chậm, vừa xấu và sợ còn không đảm bảo an toàn. Đây là dự án mà “ném lao thì phải theo lao” mà thôi.”
Ông Hùng cũng cho biết, ngay từ buổi họp báo đầu tiên của dự án và liên tục sau này, nhiều chuyên gia và các nhà báo tâm huyết với ngành Giao Thông- Vận Tải đã có những ý kiến can ngăn với Bộ này là không nên sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc, bởi điều đó đồng nghĩa với việc bắt buộc phải cho nhà thầu Trung Quốc thi công. Ông Hùng nói tiếp:
“Họ bỏ thầu rất thấp, nhưng khi mà trúng thầu rồi thì giá lập tức đội lên 30%. Họ lý do là phải mua thiết bị dự phòng, rồi đồng nhân dân tệ giảm sút so với đồng đô la, rồi giá vật tư tăng… Họ liên tục thay đổi về giá cả. Đầu tiên tưởng rẻ nhưng đội lên 2,3 thậm chí có công trình tăng lên 5 lần và đắt hơn rất nhiều so với các công trình của Nhật xây. Thái Lan cách đây 4 năm họ cũng làm một tuyến đường dài hơn mình một chút mà giá thành có 350 triệu đô thôi. ”
Ngoài phát sinh vốn vay và thời gian thi công quá lâu thì công nghệ của dự án này cũng là một vấn đề khiến cho dư luận quan tâm bởi trên thực tế, công nghệ được sử dụng cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là công nghệ Trung Quốc với những đoàn tàu được sản xuất theo tiêu chuẩn đường sắt Trung Quốc, đã lạc hậu và không còn được áp dụng trên thế giới. Chuyên gia Ngô Trí Long cho biết thêm:
“Công nghệ của Trung Quốc thì vốn đầu tư cao và sau này chi phí duy tu bảo hành cũng rất là cao thì liệu hiệu quả sử dụng của nó có tốt hay không? Ở các nước hiện nay người ta làm đường sắt đô thị trên cao thì người ta đã làm từ mấy chục năm trước rồi, hiện nay rất ít thậm chí là hầu như không có nước nào làm nữa mà Việt Nam lại lặp lại cái chuyện đó”
Họ tính là mỗi ngày thu được 100 triệu. 100 triệu mà với cái giá cả mà mình mua của Trung Quốc và cái lãi suất hàng năm như vậy thì phải 10 nghìn năm mình mới thu hồi được vốn. Tôi đã đọc một bài báo trên tờ báo viết của Đài truyền hình NHK của Nhật Bản thì họ viết rằng đây là một tuyến đường tai tiếng nhất thế giới, vừa chậm, vừa xấu và sợ còn không đảm bảo an toàn. Đây là dự án mà “ném lao thì phải theo lao” mà thôi – nhà báo Đào Mạnh Hùng
Nhà báo Đào Mạnh Hùng cũng cho rằng công nghệ của Trung Quốc quá lạc hậu và lấy làm tiếc vì công nghệ và các nhà thầu Nhật Bản đã không được lựa chọn cho dự án này.
“Những tàu này là những tàu đã lỗi thời rồi, làm cách đây từ 20 năm, nằm đắp chiếu ở bên Trung Quốc rồi. Nó làm xong không bán được cho ai cuối cùng Việt Nam phải mua những cái tàu đấy. Họ bán cho mình là mình buộc phải mua vì mình vay vốn của họ. Tàu này tôi nghĩ là sẽ không đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân đâu. “
Lý giải cho việc vì sao Bộ Giao Thông- Vận Tải lại vẫn chọn nhà thầu Trung Quốc mặc dù không còn lạ gì những chiêu trò của các nhà thầu Trung Quốc trong việc triển khai các dự án ở Việt Nam, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết thêm:
“Mình quá coi trọng chỉ tiêu về giá. Nó bỏ với giá thấp xong cuối cùng nó lại dùng chiêu trò để nâng giá lên thì cuối cùng cũng lại bằng vô nghĩa. Bên cạnh đó thì nó lại có điều kiện là cấp cho mình vốn vay tín dụng thì đó là ưu điểm. Một cái nữa cũng phải hết sức thông cảm là cách làm ăn của Việt Nam với anh Trung Quốc là quan hệ lâu rồi thì cái đó nó cũng tác động. Tuy nhiên, phải nói thẳng ra là những dự án mà nhà thầu Trung Quốc thi công triển khai thì đều kém hiệu quả và gây lãng phí thất thoát”
Theo thông tin mới nhất của Bộ Giao Thông- Vận Tải, thì lần này dự kiến đường cao tốc Cát Linh – Hà Đông sẽ chính thức được đưa vào khai thác vào cuối năm nay. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, với việc đầu tư trang thiết bị như vậy giá vé tối thiểu sẽ là từ 15 nghìn đồng/ vé. Tuy nhiên trong điều kiện Việt Nam với khí hậu nóng ẩm như hiện nay mà lại thiếu vắng một hệ thống kết nối hợp lý thì chắc chắn việc sử dụng sẽ rất hạn chế và không thể mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi.
Hãy giải cứu sông Nhuệ
Điểm bắt đầu của sông Nhuệ là cống Liên Mạc, lnước vào từ sông Hồng trong địa phận quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và điểm kết thúc của nó là cống Phủ Lý khi hợp lưu vào sông Đáy gần thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Sông dài khoảng 76 km. Ngoài ra, nối sông Đáy với sông Nhuệ còn có các sông nhỏ như sông La Khê (qua quận Hà Đông), sông Tô Lịch, sông Vân Đình, sông Duy Tiên, sông Ngoại Độ v.v.. Đoạn từ Cầu Bươu trở xuống Hà Nam chảy qua nhiều làng nghề truyền thống lâu đời gồm các làng chuyên làm tương, miến, bánh đa như Cự Đà, Khúc Thủy, Phú Diễn.
Theo người dân tại thôn Quảng Minh, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai cho biết, ngày xưa nước sông Nhuệ trong xanh, họ có thể sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng từ hơn hai mươi năm trở lại đây, nước sông trở nên ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, màu đen kịt, bốc mùi hôi thôi.
Ông Chi – ông Từ Đền Quảng Minh cho biết:
“Ngày xưa, cách đây khoảng chừng độ ba chục năm, chúng tôi vẫn tắm, giặt, tất cả mọi thứ sinh hoạt toàn ở bên sông hết, dùng nước sông này cả. Thế nhưng mà ba chục năm trở lại đây, thì không thể nào, đến rửa chân, rửa tay còn không dám rửa, bởi vì nước ô nhiễm ở nội thành đổ về rất là bẩn. Ngay như năm 76 mà tôi về phục viên, gánh nước sông này về, để lắng độ 2 tiếng, lắng trong xuống thế là ăn, ăn uống thoải mái.”
Ông Tạ Xuân Trúc cũng nói: “Ngày xưa nước sông đây rất sạch, chúng tôi ra tắm rửa, giặt rũ đủ. Nếu bí không có nước ăn, thì gánh về đổ vào bể, cho nó trong để ăn. Nhưng bây giờ thì bẩn không chịu được rồi. Không làm gì được, cá cũng chết, người không làm gì được. Rau cỏ mọc lên không ăn được, ăn độc lắm.”
Nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm trên dòng Sông Nhuệ được người dân cho là do nước thải từ nội thành Hà Nội qua hệ thống thoát nước và sông Tô Lịch đổ vào, bên cạnh đó là những cơ sở sản xuất nhựa và giặt là xung quanh dòng sông phát thải trực tiếp ra môi trường, như ở ngay đầu làng Quảng Minh. Một người dân tên Vân trình bày:
“Khi mà xưởng giặt là người ta đến lúc xả ra, thì nước rất là đen, rất là bẩn. Mà cụ thể là cái ống xả ra nó không phải nằm ở trên khơi, mà nằm ở đáy sông này. Cho nên là rất ảnh hưởng. Những buổi chiều mà gió đưa xuống là dân làng rất là sợ mùi của nhựa, mùi của các thứ. Ngay khu đầu làng, ai lên cũng có thể thấy.”
Còn một phần khác xuất phát từ chính ý thức của người dân hai bên sông đã vứt rác thải sinh hoạt và nước thải từ sinh hoạt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ ra sông.
Ông Chi nêu rõ: “Đấy! Bác cứ xem đây này! Dân nhà mình, tất nhiên một phần cũng do dân nữa. Đấy, rá rưởi cứ đổ hết ra vệ sông. Cho nên, ý là sạch mình, nhưng bẩn người, ý thức của dân cũng là kém. Nhưng mà ngược lại, chủ yếu nhất là nước phế thả của thành phố Hà Nội đổ ra rất là bẩn.”
Tuy sông Nhuệ ô nhiễm nhiều năm nay, nhưng nguồn nước trên con sông này vẫn được bơm vào đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, bởi không có nguồn nước khác thay thế.
Ông Tạ Xuân Trúc nói về điều này: “Cấy lúa thì đành phải chấp nhận thôi! Chứ nếu mà nước sạch thì bảo đảm hơn. Nước này nó bẩn thì đành phải chấp nhận. Người nông dân đi cấy không có ủng thì ngứa hết cả chân tay. Thế nên phải có ủng chân ủng tay, người ta mới cấy bảo đảm.”
Nguồn nước sông ô nhiễm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, chất lượng nông sản, nguồn nước ngầm, môi trường không khí dẫn đến tình trạng sức khỏe của người dân chịu ảnh hưởng rất lớn. Điều này cũng được ông Chi xác nhận:
“Đến bây giờ, bệnh ung thư với làng này là rất nhiều. Hầu như là 10 người qua đời, thì 9 người mắc bệnh ung thư là chết. Thế còn các cụ già không bệnh tật gì mà già chết thì ít lắm, chủ yếu là bệnh ung thư, vì nó (nguồn nước) nhiễm asen rất là nhiều. Nếu nói nguồn nước mà đưa ra xét nghiệm, thì thực ra mà nói, (nồng) độ asen phải nói là gấp hàng bao nhiêu lần so với yêu cầu thực tế.”
Một phụ nữ địa phương tên Hòa nêu ra thực tế: “Mỗi một khi nhà cô mà mở cửa này ra – chuyên môn là đóng cửa sổ, nếu mà mở ra thì không thể nào chịu được. Suốt từ hồi cách đây chục năm, dòng sông này ô nhiễm quá. Nguyên cái làng này, không phải nói các cụ già chết đã đành, nhưng bây giờ trẻ cũng bị ung thư rất nhiều, mà cứ toàn bị họng, ho, phổi, não cũng nhiều. Cứ đi viện nào thì bị trả về.”
Cho đến nay, người dân trong lưu vực sông Nhuệ chưa bao giờ được thực hiện khảo sát tổng thể về vấn đề sức khỏe do tác động của ô nhiễm môi trường, nên không hề có bất cứ phương án phòng chống tác hại và chăm sóc y tế tại cơ sở được đưa ra. Người dân chỉ còn biết tự hạn chế sử dụng nguồn nông sản được làm ra tại địa phương và tránh tiếp xúc với nước ô nhiễm.
Phía chính quyền thành phố Hà Nội và cấp huyện có bàn đến vấn đề ô nhiễm các con sông trên địa bàn và cũng từng đưa vào nghị quyết với một số biện pháp làm sạch môi trường tại khu dân cư, như tuyên truyền giáo dục người dân không vứt rác thải xuống sông, xây dựng các tuyến bờ kè và nạo vét một số đoạn sông.
Tuy nhiên, những biện pháp đó chưa phải là cơ bản để giải cứu dòng sông chết này. Người dân sinh sống ở hai bên bờ sông vẫn mong mỏi chờ đợi một giải pháp triệt để và thực sự hiệu quả từ các cấp trung ương đến địa phương.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/save-nhue-river-04112018130509.html
Chuyên gia Liên Hiệp Quốc kêu gọi Việt Nam thay đổi
Một nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc lên tiếng kêu gọi Việt Nam ngưng tình trạng cấm đoán xã hội dân sự hay dập tắt tiếng nói đối lập sau khi cho bỏ tù gần chục nhà hoạt động với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.
Thông cáo báo chí phát đi từ Geneva vào ngày 12 tháng tư của các nhóm chuyên trách của Liên Hiệp Quốc nêu ra trường hợp của 6 nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền bị tuyên án vào ngày 5 tháng tư từ 7 đến 15 năm tù giam và khi mãn án còn phải bị quản chế nữa. Tiếp đến là các nhà hoạt động khác như Nguyễn Văn Túc bị kết án hôm 10 tháng tư 13 năm tù giam và 5 năm quản chế.
Theo lời của những chuyên gia Liên Hiệp Quốc thì họ hết sức quan ngại về cách thức mà Việt Nam hành xử đối với những nhà vận động ôn hòa; đặc biệt theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam năm 1999. Mục tiêu của Hà Nội được cho là nhằm cáo buộc và kết án những tiếng nói đối lập, những nhà bảo vệ nhân quyền mà án có thể lên đến mức chung thân hay tử hình.
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc còn quan ngại khi những nhà hoạt động vì dân chủ phải bị giam giữ trước khi bị tòa kết án vào ngày 5 tháng tư và bị giới hạn tiếp cận tư vấn pháp lý. Điều này rõ ràng vi phạm những chuẩn mực nhân quyền quốc tế.
Thông tin về việc cơ quan chức năng Hà Nội cho bắt giữ những nhà hoạt động đến ngoài phiên xử hôm 5 tháng tư đối với sáu nhà hoạt động dân chủ cũng bị các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho là khủng khiếp khi mà những người này chỉ mang theo những biểu ngữ “Dân Chủ Không Phải Tội”, “Công Lý Cho Hội Anh Em Dân Chủ” hay ‘Hãy Ngưng Đàn Áp Hội Anh Em Dân Chủ”
Theo nhận định đưa ra trong thông cáo của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc thì trong năm 2017, tình trạng bắt bớ, giam giữ những nhà bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam gia tăng đáng kể.
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết họ đã liên lạc với chính phủ Việt Nam để yêu cầu làm rõ về những vấn đề được nêu ra.
Việt Nam yêu cầu điều tra nghi án lừa đảo tiền ảo
Thủ tướng Việt Nam vừa có chỉ thị yêu cầu các bộ ngành và cơ quan chức năng tăng cường điều tra một vụ lừa đảo tiền ảo lên tới mấy trăm triệu đô la được xem lớn nhất từ trước đến nay.
Chỉ thị của Thủ tướng được ban hành hôm 10/4 và được truyền thông loan đi hôm 11/4.
Thủ tướng Việt nam ông Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công An và các cơ quan chức năng điều tra và giám sát các hoạt động giao dịch và đầu tư bằng tiền ảo, sau khi có cáo buộc của người dân về việc lừa đảo mua bán tiền ảo.
Thông báo được truyền thông loan đi sau khi các lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan điều tra làm rõ những cáo buộc nhắm vào công ty Cổ phần Modern Tech, bị buộc tội lừa đảo với số tiền lên tới hơn 650 triệu đô la tức khoản hơn 15.000 tỷ đồng Việt Nam.
Qui định Việt Nam hiện nay việc giao dịch tiền ảo là bất hợp pháp và các hợp đồng giao dịch đều không được công nhận là chính đáng. Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa có các qui định về luật rõ ràng trong việc sở hữu các loại tiền ảo như Bitcoin và Ethereum.
Hồi năm 2017, Chính phủ Việt Nam cũng cho biết sẽ xem xét và xây dựng một khuôn khổ về pháp lý để quản lý chặt chẻ các tài khoản cũng như các giao dịch bằng tiền ảo ngày càng phát triển tại Việt Nam.
Tàu chiến Hải quân Hoàng gia Úc thăm Việt Nam
Ba tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Úc là HMAS Anzac, HMAS Toowoomba và HMAS Success sẽ đến Sài Gòn thực hiện chuyến thăm Việt Nam từ ngày 19 đến 22/4, 2018.
Đại sứ quán Australia tại Hà Nội ra thông báo trên vào ngày 12 tháng 4. Cụ thể sẽ có 73 sĩ quan và 569 thuỷ thủ tham gia chuyến thăm này.
Các chỉ huy trưởng và thủy thủ đoàn sẽ gặp các sĩ quan và thuỷ thủ của Hải quân Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và tham gia vào nhiều hoạt động, bao gồm thi đấu thể thao, chia sẻ kinh nghiệm, và hoạt động thiện nguyện tại Trung Tâm Bảo Trợ Trẻ Em Tàn Tật Thị Nghè.
Đây là lần thứ hai kể từ năm 2001, Australia đưa tàu chiến đến thăm Việt Nam.
Chuyến thăm lần này của các tàu chiến Australia được cho biết cũng nhằm mục tiêu tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia nhân dịp 2 nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và một tháng ký kết Quan hệ Đối Tác Chiến Lược kể từ chuyến thăm Úc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng ba vừa qua.
Cũng tin về quan hệ Australia- Việt Nam, vào ngày 11/4/2018, hai phía kỷ niệm quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp.
Nhân dịp này, ông Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp là 1 phần quan trọng trong quan hệ của 2 quốc gia trong suốt 45 năm qua.
Hợp tác nghiên cứu nông nghiệp giữa 2 nước được điều phối bởi Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) từ năm 1993 đến nay. Trong 25 năm qua, chính phủ Úc đã đầu tư 100 triệu Úc kim, tương đương 1.700 tỉ đồng cho 170 dự án nghiên cứu ở Việt Nam.
Facebook phản hồi thư của các nhà hoạt động Việt Nam
Bà Helena Lersch, Quản lý Chính sách công khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Facebook hôm 11/4 đã trả lời thư các nhà hoạt động và các tổ chức dân sự Việt Nam, cam kết bảo vệ quyền lợi của người dùng Facebook tại Việt Nam.
Trang mạng của Việt Tân công bố thư phản hồi của bà Lersch nói rằng: “Chúng tôi cam kết bảo vệ quyền lợi của người dùng Facebook tại Việt Nam, và cung cấp một nơi để người dùng có thể biểu đạt một cách tự do và an toàn.”
Liên quan đến việc các nội dung trên Facebook bị chặn và tháo gỡ, đại diện của Facebook nói: “Cũng có lúc chúng tôi phải tháo gỡ hay chặn, không cho truy cập nội dung vì nó vi phạm luật pháp của một quốc gia nào đó, mặc dầu nội dung đó không vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng của chúng tôi. Chúng tôi có một thủ tục xử lý đã quy định rõ, không có gì khác biệt cho Việt Nam so với những nơi khác trên thế giới.”
Hôm 9/4, hơn 50 các nhà hoạt động nhân quyền, blogger, và các tổ chức xã hội dân sự -trong đó có Việt Tân, đã gửi thư ngỏ cho ông Mark Zuckerberg, Giám đốc Điều hành của Facebook, kêu gọi trang mạng xã hội hàng đầu của Mỹ không thỏa hiệp với chính quyền Hà Nội trong việc ngăn chặn thông tin trên Facebook, dập tắt những tiếng nói bất đồng.
https://www.voatiengviet.com/a/facebook-phan-hoi-thu-cua-cac-nha-hoat-dong-viet-nam/4343819.html