Tin Việt Nam – 12/03/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 12/03/2019

Phụ nữ vườn rau Lộc Hưng bị tấn công vào tuần qua

Ít nhất hai phụ nữ có nhà bị phá hủy tại vườn Rau Lộc Hưng vào tuần qua bị công an tấn công, sách nhiễu. Mạng báo UCANews đưa tin hôm 11/3/2019.

Vào ngày 8 tháng 3 vừa qua, một số phụ nữ đã tập trung tại Vườn rau Lộc Hưng ở quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh với các biểu ngữ đòi đối thoại với chính quyền và trả lại đất cho họ. Công an và các lực lượng an ninh khác đã buộc họ rời khỏi vườn rau trong khi dân phòng hoặc công an mặc thường phục mang khẩu trang đứng quay phim. Những phụ nữ này đã yêu cầu công an rời khỏi đất của họ.

Các nhân chứng cho biết cảnh sát đã hành hung dã man hai phụ nữ là bà Bảo Quyên và bà Thúy Thanh khi hai người này đang chụp hình và quay video.

UCAnews dẫn lời bà Quyên, một bà mẹ ba con, cho biết một nhóm đàn ông đánh bà, lôi bà vào một chiếc ô tô, đập đầu vào cửa xe. Sau đó đưa bà đến trụ sở phường 1 quận tân Bình. Bà cho biết hai nữ công an đã yêu cầu bà cởi quần áo để họ khám xét đồng thời yêu cầu bà cho biết tên của những người mà họ cho là đang cầm đầu nhóm chống đối.

Phía an ninh cũng yêu cầu bà thuyết phục những người khác nhận tiền bồi thường, không tập trung chống đối gây rối trật tự công cộng. Bà bị giam giữ 9 tiếng đồng hồ.

Bà đã yêu cầu các quan chức cao cấp trong chính quyền hãy đến để chứng kiến những gì đang xảy ra trên mảnh đất này cũng như những gì đang xảy ra cho cư dân nơi đây.

Từ 1954, Vườn rau Lộc Hưng đã là nơi trú ngụ của bao nhiêu gia đình từ Bắc vào Nam khai hoang sinh sống. Sau 1975, khu vườn này là nơi cư ngụ của hàng trăm người thu nhập thấp, sinh viên nghèo, những cựu tù nhân lương tâm và các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa.

Cơ quan chức năng địa phương tiến hành hoạt động cưỡng chế phá hủy hằng trăm ngôi nhà tại khu vực Vườn Rau Lộc Hưng vào hai ngày 4 và 8 tháng 1 vừa qua.

Hôm 16/1/2019, nhiều tờ báo trong nước đăng tin công an quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, đang củng cố hồ sơ xử lý với gần 20 người bị cho là có hành vi gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ khi cơ quan chức năng cưỡng chế khu đất vườn rau Lộc Hưng thuộc phường 6, quận Tân Bình vào hai ngày 4/1 và 8/1.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/catholic-women-assaulted-in-vietnam-over-land-dispute-03112019085612.html

 

Một người Việt Nam bị bắt giữ

Một người đàn ông Việt Nam bị nhà chức trách Cam Pu Chia bắt giữ để điều tra vì hành động cho thiết bị bay (drone) bay qua nhà ông Hunsen, Thủ tướng Cam Pu Chia.

Theo báo Phnom Penh Post của Cam Pu Chia, người này tên là Le Ngoc Tu, 27 tuổi, sang Cam Pu Chia du lịch, bị bắt vào 1 giờ trưa ngày chủ nhật 10/3, và hiện đang bị cơ quan phòng chống tội phạm mạng của Phnom Penh điều tra. Cơ quan này cũng cho biết là chưa biết ông Tu bay drone trên nhà ông Hunsen để làm gì.

Giới chức Cam Pu Chia cho biết là quanh nhà ông Thủ tướng có để bảng báo cấm bay drone, nhưng ông Le Ngoc Tu nói là ông không thấy những biển báo đó.

Hồi năm ngoái cũng đã có một người Pháp bị bắt giữ vì cho bay drone để quay phim bên trên nhà ông Hunsen.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-national-drone-hunsen-03122019113908.html

 

Ân xá Quốc tế giải thích

việc gọi Hà Văn Nam là TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM

Tổ chức phi chính phủ quốc tế làm việc với mục tiêu giải phóng các Tù nhân lương tâm trên thế giới hôm 9/3/2019 ra thông cáo báo chí, khẳng định ông Hà Văn Nam là một TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM, đồng thời nói cáo buộc chống lại người tài xế phản đối các dự án “BOT bẩn” là có động cơ chính trị.

Chúng ta thường nghe nói về thuật ngữ Tù nhân lương tâm Việt Nam nhưng chưa biết rõ vì sao có tên gọi này, và căn cứ vào đâu để Ân xá Quốc tế hình thành danh sách được nhiều người biết đến này.

Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn với anh Nguyễn Trường Sơn, hiện là người làm chiến dịch cho tổ chức Ân xá Quốc tế cho 2 nước Campuchia và Việt Nam.

RFA: Vừa qua tổ chức Ân xá Quốc tế ra thông cáo báo chí, gọi người tài xế chống các dự án BOT không minh bạch – Hà Văn Nam là một Tù nhân lương tâm (TNLT), một thuật ngữ người ta thường thấy dành cho những người bất đồng chính kiến với chính quyền Việt Nam. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng ông Nam không hoạt động chính trị, vậy cơ sở nào để Ân xá Quốc tế có thông cáo này?

Nguyễn Trường Sơn: Đối với Ân xá Quốc tế (AXQT) thì chúng ta phải hiểu thuật ngữ “Tù nhân lương tâm” được tạo ra từ chính tổ chức AXQT, đây là tổ chức nhân quyền đầu tiên trên thế giới sử dụng thuật ngữ này. Trước khi thuật ngữ TNLT được sử dụng thì trước đây người ta thường sử dụng thuật ngữ “Tù nhân chính trị”.

Tuy nhiên AXQT nhận thấy có rất nhiều người, người ta không hề hoạt động chính trị, mà chỉ đơn thuần thực hiện các quyền con người cơ bản của mình, hoặc các quyền công dân của mình, vì thế mà họ phải chịu cảnh tù đày, bắt bớ, đàn áp.

Những người như vậy nếu xét theo tiêu chuẩn của một tù nhân chính trị thì không phải, cho nên AXQT đã nghĩ ra một khái niệm mới, đó là TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM.

Thế thì TNLT là ai? TNLT là tất cả những người chịu cảnh tù đày chỉ vì thực hành và bảo vệ những cái quyền con người và quyền công dân của mình một cách ôn hòa, thì đó là một tù nhân lương tâm.

Quay lại trường hợp của Hà Văn Nam, ông này hội đủ các yếu tố để được gọi là một TNLT, trước hết anh là một tù nhân, chúng ta không cần phải bàn cãi gì điều này. Anh đã bị bắt và hiện đang ở trong trại tạm giam, anh ấy đã mất đi sự tự do của mình.

Thứ hai, lý do anh bị bắt ở đây, mặc dù cáo trạng của công an tỉnh Bắc Ninh đưa ra là anh “gây rối trật tự công cộng”, nhưng thông qua những sự theo dõi phương tiện truyền thông đại chúng, qua Mạng xã hội, cũng như AXQT cũng đã thực hiện những cuộc điều tra riêng của mình thì chúng tôi nhận thấy Hà Văn Nam đã không phạm bất cứ một tội nào cả.

Tất cả những gì anh đó làm là thực hiện những quyền con người cơ bản của mình như là quyền tự do hội họp, quyền tự do biểu đạt và ngoài ra đối với chúng tôi việc Hà Văn Nam bị bắt bớ có động cơ chính trị ở đây.

Tức là nhà cầm quyền nhận thấy rằng Hà Văn Nam đang đe dọa lợi ích của họ nên họ bắt bớ Hà Văn Nam để dập tắt đi tiếng nói của anh.

Đối với AXQT thì rõ ràng Hà Văn Nam là một tù nhân lương tâm.

RFA: Ông có nói “nhà cầm quyền thấy ông Nam đang đe dọa lợi ích của họ”, tuy nhiên người tài xế này chỉ tham gia phản đối những dự án BOT của những công ty tư nhân. Ông giải thích thế nào về điều này?

Nguyễn Trường Sơn: Một trong những hoạt động chính của ông Nam đó là phản đối những dự án BOT mà không chỉ ông này, mà còn rất nhiều người dân nhận thấy có lợi ích nhóm trong đó.

Lợi ích nhóm ở đây là cái việc mà người dân nghi ngờ rằng cái công ty cho dù với tên gọi là công ty tư nhân, nhưng lại được trao những hợp đồng xây dựng những công trình như thế này là có gắn với lợi ích của chính quyền địa phương thậm chí là chính quyền trung ương.

Một trong những bằng chứng mà người dân cũng như các tổ chức đặt ra giả thiết này chính là việc mà chính quyền địa phương tham gia bảo vệ những cái công ty này và cử những lực lượng thường phục trấn áp, đe dọa những nhà hoạt động phản đối những dự án này.

Chính vì sự mập mờ giữa mối quan hệ của các công ty với chính quyền địa phương và trung ương là lý do để chúng tôi nghi ngờ rằng vì sao việc chính quyền bắt Hà Văn Nam là một hành động để họ chặn đứng thứ mà họ cho rằng đó là “mối đe dọa’ đến từ Hà Văn Nam và các hoạt động chống lại các dự án BOT bất hợp lý hiện nay.

RFA: Chúng tôi nhận thấy danh sách Tù nhân lương tâm của các tổ chức làm về nhân quyền Việt Nam lên đến con số 200 người và có thể hơn nữa, tuy nhiên danh sách TNLT mà Ân xá Quốc tế cung cấp mới nhất hồi năm ngoái chỉ có dưới 100 người. Quy trình của AXQT như thế nào để một người hoạt động được đưa vào danh sách TNLT?

Nguyễn Trường Sơn: Khi Ân xá Quốc tế công bố danh sách TNLT Việt Nam thì chúng tôi có nói rất rõ đây chỉ là những TNLT mà chúng tôi biết và chúng tôi tin rằng còn đó rất nhiều TNLT hay là còn đó rất nhiều những tù nhân đủ điều kiện để được gọi là một TNLT nhưng chúng tôi không biết đến.

Vì có thể là chúng tôi không có thông tin về họ, thứ h AXQT chúng tôi không có đầy đủ chứng cứ để gọi họ là 1 TNLT. Như tôi đã nói, TNLT là người bị bắt vì thực hành và bảo vệ quyền con người của mình một cách ôn hòa, đối với AXQT khi chúng tôi đưa AXQT đó vào daanh sách TNLT thì chúng tôi nghiên cứu rất kỹ.

Khi chúng tôi có đầy đủ bằng chứng, chứng minh được rằng người đó hội tụ các yếu tố để chắc chắn có thể gọi họ là 1 TNLY thì chúng tôi mới đưa họ vào danh sách.

Có rất nhiều tù nhân, về mặt cảm tính thì chúng tôi nhận thấy rằng hội tụ đủ những yếu tố để trở thành một TNLT, nhưng thông qua tìm kiếm thì chúng tôi nhận thấy rằng đầy đủ các yếu tố để trở thành một TNLT, tuy nhiên qua việc kiếm thông tin về người đó thì không tìm đủ thông tin và chứng cớ về những hoạt độmg của họ, thứ hai là lý do thực sự mà chính quyền bắt họ là gì, thứ ba là quá trình hoạt động của họ có ôn hòa hay không.

Bởi vì đối với AXQT thì một người TNLT là một người không cổ vũ bạo lực, không sử dụng bạo lực và không bao giờ được thể hiện sự phân biệt đối xử và không được lan truyền sự thù hận. Đó là cái khó khăn khi chúng tôi tìm hiểu về các tù nhân lương tâm VN để đưa họ vào danh sách Tù nhân lương tâm.

RFA: Một người trở thành TNLT thì sẽ được “quyền lợi” như thế nào? Liệu có khác gì đối với những người tranh đấu nhưng sử dụng vũ lực?

Nguyễn Trường Sơn: Đối với AXQT nói riêng và tôi tin rằng những tổ chức nhân quyền đều có một quan điểm chung đó là khi chúng ta đấu tranh cho nhân quyền thì chúng ta phải khước từ bạo lực, khước từ sự phân biệt đối xử.

Nếu một người nào đó nhân danh nhân quyền, nhân danh đấu tranh cho tự do nhưng lại đấu tranh bằng bạo lực, lại tất là phương pháp đấu tranh của họ lại vi phạm nhân quyền của một người khác hay một cộng đồng khác.

Vì khi chúng ta nói đến bạo lực thì chắc chắn sẽ có nạn nhân, nói đến phân biệt đối xử thì chắc chắc phải có nạn nhân, nói đến thù hận thì phải có đối tượng của sự thù hận. Khi chúng ta nói đến đấu tranh cho nhân quyền thì chúng ta không bao giờ được sử dụng những phương pháp đấu tranh đó.

Đối với những người được gọi là TNLT, chúng tôi không muốn dùng cái từ “lợi ích”. Khi AXQT lên tiếng về một TNLT, chúng tôi luôn luôn khẳng định rằng đó là những người không nên bị cầm tù. Tức là những công việc của họ, những lý tưởng của họ xung quanh việc thực hành quyền của họ cũng như bảo vệ quyền của người khác là một việc làm hết sức chính đáng.

Nhà nước đáng lẽ ra phải bảo vệ và khuyến khích thay vì cầm tù họ. Đối với những TNLT thì chúng tôi chắc chắn sẽ dốc sức để đòi hỏi cho sự tự do của họ.

AXQT là 1 tổ chức được thành lập dựa trên việc đấu tranh cho TNLT, khi luật sư Peter Benenson, một người Anh sáng lập ra tổ chức AXQT thì việc đầu tiên ông làm là đấu tranh cho TNLT.

Đó là một trong những tiêu chí hàng đầu của AXQT, không chỉ ở VN mà còn trên toàn thế giới đó là chúng tôi luôn tìm hiểu về các TNLT và cố gắng đòi hỏi sự tự do cho họ và chúng tôi vẫn làm việc cho đến khi nào còn có TNLT ở trong nhà tù.

RFA: Cảm ơn ông Nguyễn Trường Sơn đã đến với cuộc phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/amnesty-international-talks-about-havannam-03122019092302.html

 

VN tại Kiểm điểm Nhân quyền trước LHQ ở Geneva

Sang ngày thứ nhì của phiên họp 125 của Ủy ban Nhân quyền (Human Rights Committee) của Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sỹ, các câu hỏi cho thấy các quốc gia nắm rất sát tình hình thực tế về nhân quyền của Việt Nam.

Phiên họp ‘125th Session of Human Rights Committee’ diễn ra trong Palais Wilson ở Quai Wilson, Geneva và được đăng tải trên kênh truyền hình webtiv.un.orgcông khai của LHQ (Consideration of Viet Nam – 125th Session CCPR).

VN nên thả ông Trần Huỳnh Duy Thức

Mỹ thông qua hai dự luật về tự do tôn giáo

Người Việt thờ ơ dân chủ và thích quân đội?

Nhiều vấn đề cụ thể

Những vấn đề về quyền dân sự, chính trị phía Việt Nam được các đại biểu nêu ra gồm cả câu hỏi về lực lượng Cờ Đỏ bị cho là thể hiện thù hằn tôn giáo, vấn đề tù nhân lương tâm, vấn đề tra tấn, về phân biệt đối xử với người thiểu số tin theo Thiên Chúa Giáo, luật an ninh mạng, luật lao động, về bình đẳng và không phân biệt giới tính, tự do báo chí…

Ngoài ra là vấn đề sức chứa tối đa của các phòng giam trong nhà tù, phòng tạm giam, tính độc lập của Bộ Tư pháp Việt Nam, việc tiếp cận dịch vụ y tế của người bị HIV…

Các câu hỏi khác là về vấn đề người Thượng hồi hương, về việc đảm bảo làm sao để cộng đồng bản địa, người thiểu số trước khi đất đai của họ bị đưa vào các công trình phát triển thì họ có được thông báo, và có cơ quan độc lập nào giám sát việc đó hay không.

Kể cả vấn đề đa nguyên chính trị, bầu cử, với sự tham gia của nhiều nhóm dân chúng không có hạn chế, khả năng tự ứng cử của những người không phải đảng viên cộng sản, về độc đảng ở Việt Nam cũng được nêu ra.

Chẳng hạn có câu hỏi rằng nếu đa số các công chức, quan chức trong bộ máy chính quyền là Đảng viên Cộng sản thì làm sao đảm bảo tính đa nguyên?

Trong phiên họp hôm 11/03, có đại biểu nói Hiến pháp Việt Nam có một chương riêng để thúc đẩy quyền con người, nhưng khi LHQ đối thoại với các quốc gia thành viên “thì chúng tôi không chỉ đơn giản là nhìn ở trong nội dung của luật mà chúng tôi còn nhìn vượt ngoài khuôn khổ đó nữa”, theo video link công bố cùng ngày.

“Về mặt thực tế đặc biệt là việc thực hiện các quy định của công ước, những vấn đề nào mà người dân Việt Nam đang phải gặp phải trong việc thực hiện các quyền của mình, đặc biệt là quyền của những người bảo vệ nhân quyền, quyền của phụ nữ, quyền của dân tộc thiểu số và cũng như là làm sao để giúp cho họ để thực hiện các quyền được công nhận trong công ước,” đại biểu này nói.

chưa bao giờ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được như ngày nayQuan chức đoàn VN

Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Khánh Ngọc, trưởng phái đoàn Việt Nam đã trả lời, nêu ra nhiều con số khác nhau:

“Hiện nay Việt Nam thì cũng đã có 100 luật mới liên quan đến các điều luật liên quan tới công việc bảo vệ và đẩy mạnh quyền con người, quá trình làm luật đã được đẩy mạnh hơn để theo hướng ngày càng minh bạch và tiến bộ.

Ông cũng cho hay, trong những năm gần đây, “Việt Nam thì cũng đã tập trung rất nhiều vào việc thực thi pháp luật hệ thống tòa án ví dụ đã được cải cách với nhiều cơ sở và điều kiện làm việc tốt hơn”.

Trong phiên họp đang tiếp tục trong ngày 12/03, một quan chức thuộc đoàn Việt Nam tại phiên Kiểm điểm nói Việt Nam bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận rất mạnh mẽ.

Ví dụ, theo ông, “báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, và phát sóng”.

“Luật tiếp cận thông tin có hiệu lực năm 2018, và yêu cầu nhu cầu giải trình của cơ quan nhà nước đối với các nhà báo và công dân.”

Vị quan chức cũng nói “chưa bao giờ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được như ngày nay”.

Ông nêu ra con số hàng nghìn nhà báo, con số hàng trăm đại diện báo chí nước ngoài ở Việt Nam nhưng không xác nhận Việt Nam có báo chí tư nhân hay không.

Về Luật An ninh mạng, ông nói Việt Nam “có công nghệ thông tin phát triển mạnh, với 2/3 người dân sử dụng internet, và làm sao bán được sản phẩm của người nông dân VN trên Amazon”.

“Tuy nhiên, có những điều ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội như vụ tin tặc ở hai sân bay lớn, các chuyến bay bị hoãn, một ví dụ đó, và các hoạt động mang tính tội phạm trên mạng thì rất nhiều nên chúng tôi phải xây dựng an ninh mạng…làm sao đảm bảo quyền biểu đạt trên mạng.”

Kết luận, ông nói, Việt Nam “rất tiếp thu các ý kiến của các bạn, để quyền tự do ngôn luận của người Việt Nam được phát huy hết”.

Sau đó, một đại diện nữ của Ban Tôn giáo, chính phủ Việt Nam, rồi đến đại diện của Ban Dân tộc lần lượt trả lời.

Về quyền của dân tộc thiểu số, đại diện VN nói rằng nước này chưa soạn luật về dân tộc thiểu số vì như thế thì lại là “phân biệt đối xử dân tộc đa số”.

Tuy thế, nữ đại biểu này nói Việt Nam đang nghiên cứu về luật hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số mà không phân biệt đối xử với người dân tộc đa số, và nghiên cứu này dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2019.

Các con số rất quan trọng

Có mặt tại phiên họp, một thành viên của tổ chức NGO Jubilee Campaign, ông Nguyễn Quốc Tuấn phê phán “đoàn Việt Nam tránh né trả lời vào câu hỏi của uỷ ban mặt khác khi tránh né không được thì họ sẵn sàng nói dối không biết ngượng”.

“Về các câu hỏi đặt ra thì chúng ta có thể thấy rõ những dữ liệu chúng ta trong vai trò xã hội dân sự, cung cấp qua các bản báo cáo đến Ủy ban Nhân quyền có giá trị quan trọng đặc biệt.”

Điều này cho thấy hiện vẫn có sự khác biệt lớn trong quan điểm về nhân quyền và các quyền liên quan giữa chính phủ Việt Nam và các nhóm vận động ở bên ngoài.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47539002

 

Ai có thể giúp giữ được nước mắm truyền thống?

Diễm Thi, RFA

Truyền thông trong nước và mạng xã hội mấy hôm nay thực sự nóng khi Dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia về ‘Quy Phạm thực hành sản xuất nước mắm’ do Cục Chế Biến & Phát Triển Thị Trường Nông Sản, Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn soạn thảo bị cho là đánh đồng nước mắm công nghiệp với nước mắm truyền thống.

Các nhà sản xuất nước mắm truyền thống lo ngại trong tương lai không xa, nước mắm truyền thống không còn chỗ đứng trên thị trường bởi dự thảo này. Kỹ sư Lê Anh, người điều hành hãng nước mắm truyền thống Lê Gia cho RFA biết lý do nhà sản xuất nước mắm truyền thống phản đối dự thảo này:

“Cái dự thảo đấy bị nhà sản xuất chúng tôi phản đối vì không tách bạch giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.

Mấu chốt của vấn đề là hai loại nước mắm này thì cách làm và chất lượng hoàn toàn khác nhau. Nước mắm truyền thống được ủ cá trong môi trường muối mặn trong thời gian không dưới một năm. Còn nước mắm công nghiệp được pha từ nước mắm truyền thống. Tức nước mắm truyền thống được pha chế với khá nhiều phụ gia thành nước chấm. Hai sản phẩm này hoàn toàn khác nhau cả về chất lượng và quy trình.”

Ông cho biết hiện tại thì thị phần nước mắm truyền thống so với nước mắm công nghiệp chỉ chiếm khoảng 15% đến 20 %, còn lại áp đảo là nước mắm công nghiệp.

Nước mắm truyền thống được ủ cá trong môi trường muối mặn trong thời gian không dưới một năm. Còn nước mắm công nghiệp được pha từ nước mắm truyền thống. Tức nước mắm truyền thống được pha chế với khá nhiều phụ gia thành nước chấm. Hai sản phẩm này hoàn toàn khác nhau cả về chất lượng và quy trình. – Kỹ sư Lê Anh

Sở dĩ có việc này xảy ra – mặc dù nước mắm công nghiệp chỉ mới xuất hiện khoảng mười mấy hai mươi năm nay, trong khi nước mắm truyền thống là ‘quốc hồn quốc túy’, gắn với văn hóa ẩm thực cả ngàn đời – bởi vì thứ nhất là các cơ quan quản lý không phân biệt rạch ròi trong các văn bản quy phạm pháp luật, thế nào là nước mắm công nghiệp và thế nào là nước mắm truyền thống. Các văn bản đều mập mờ đánh tráo khái niệm này. Đấy là một yếu tố. Yếu tố thứ hai là nước mắm công nghiệp thì giá thành rất rẻ vì nó pha từ nước mắm truyền thống. Yếu tố thứ ba là cách tạo hương, tạo vị, tạo mùi cho sản phẩm khiến cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và đã thay đổi hoàn toàn khẩu vị của người tiêu dùng Việt.

Tiến sĩ Trần Thị Dung, chuyên gia nước mắm, nguyên cán bộ vụ Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ NN&PTNN phân tích với RFA sự khác biệt rõ ràng giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp:

“Cái căn bản thì nước mắm truyền thống được làm từ cá và muối. Cá và muối trộn với nhau để lên men làm tan rã hoàn toàn protein của cá tạo thành các axit amin dạng lỏng. Người ta kéo rút chất lỏng đấy là là nước mắm cốt. Những bã chượp còn lại vẫn còn đạm thủy phân, người ta cho nước muối bão hòa vào để kéo rút chất đạm còn lại trong chượp ra gọi là nước long 1, long 2.

Nước mắm công nghiệp dùng long 1, long 2 đấy pha loãng ra bằng nước muối nhạt để làm loãng độ đạm. Vì nhạt muối nên nước mắm không bảo quản được, màu cũng nhạt đi, hương kém đi nên họ phải cho phẩm màu, cho hương vào, cho chất tạo sánh vào. Nước mắm mà không để được lâu thì cho chất bảo quản vào”

Dư luận mấy năm nay đã ồn ào chuyện ‘bức tử’ nước mắm truyền thông để nước mắm công nghiệp chiếm lĩnh thị trường bằng truyền thông bẩn năm 2016.

Ngày 14/10/2016, Vinastas công bố kết quả khảo sát nước mắm thông qua bài “Báo cáo kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc” trên trang web của Hội.

Ngày 17/10/2016, Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam-Vinastas tổ chức buổi họp báo báo cáo kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Theo đó, tại 10 tỉnh/ thành phố trên cả nước, 101/150 mẫu nước mắm được khảo sát không đạt quy định về hàm lượng Arsen cho phép.

Đến ngày 18/10/2016, Vinastas tiếp tục đăng tải bài “Gần 85% mẫu nước mắm của 88 doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn” trên trang web của Hội này.

Kỹ sư Lê Anh cho biết tương lai mịt mù của nước mắm truyền thống đã được đặt ra từ sau sự cố truyền thông Arsen năm 2016. Nguy cơ đó được các nhà sản xuất nước mắm truyền thống nhận biết rõ ràng. Rất nhiều các hộ dân hoặc các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống hoặc là bị giải thể, hoặc là phải bán nước mắm dạng thô cho hãng nước mắm công nghiệp bởi sự cạnh tranh khốc liệt lấn át về thị phần, về sức mạnh truyền thông của nước mắm công nghiệp. Cái nguy cơ và tương lai đó là hiện hữu. Ông nói thêm:

“Vì vậy nên các nhà sản xuất nước mắm truyền thống cố gắng tập nhau lại thành Ban vận động thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống cho cả nước.

Rất tiếc Ban vận động được thành lập từ năm 2016 và đã có quyết định của Bộ Nông Nghiệp công nhận thành lập. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa thành lập được Hiệp hội bởi những rào cản, những bước đi của nhóm lợi ích chi phối.

Điều đó có nghĩa những hoạt động nhằm cất lên tiếng nói bảo vệ nước mắm truyền thống thì đều bị cản trở.”

Ông cho rằng tương lai của nước mắm truyền thống sẽ rất khó khăn bởi chính các cơ quan quản lý, bởi sự tiếp nhận thông tin không đầy đủ của người tiêu dùng và bởi sức mạnh lấn áp, trong đó có quyền lực chi phối của nước mắm công nghiệp.

Khi mà tiêu diệt hết nước mắm truyền thống rồi thì họ soán ngôi và những nhà làm nước mắm truyền thống chỉ là những nhà cung cấp nguyên liệu để họ pha chế, và người tiêu dùng lúc bấy giờ chả còn cơ hội ăn nước mắm truyền thống nữa. – Tiến sĩ Trần Thị Dung

Tiến sĩ Trần Thị Dung thì cho rằng mọi người đều nhận thấy ‘âm mưu’ diệt nước mắm truyền thống từ vụ Arsen 2016:

“Thực sự từ vụ Arsen thì chúng ta thấy đây là truyền thông bẩn muốn diệt nước mắm truyền thống để nước mắm công nghiệp lên ngôi. Những cái người ta đánh vào nước mắm truyền thống thì nước mắm công nghiệp không có bởi nó được pha loãng rồi, cho nên nước mắm công nghiệp qua được tất cả các cửa mà họ đặt ra.

Khi mà tiêu diệt hết nước mắm truyền thống rồi thì họ soán ngôi và những nhà làm nước mắm truyền thống chỉ là những nhà cung cấp nguyên liệu để họ pha chế, và người tiêu dùng lúc bấy giờ chả còn cơ hội ăn nước mắm truyền thống nữa.”

Tuy biết thật sự khó khăn khi bà sát cánh cùng các doanh nghiệp, các nhà sản xuất nước mắm truyền thống gìn giữ một nghề, một sản phẩm truyền thống từ ông cha để lại, nhưng bà vẫn tin vào chính quyền, bởi chỉ có chính quyền mới đủ thẩm quyền giải quyết để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống không bị mai một. Bà nói:

“Thật sự ra chúng ta cũng phải đặt niềm tin vào chính quyền. Nếu chính quyền lo cho dân và lo cho nghề truyền thống bị mai một thì tôi chắc chắn rằng chính quyền sẽ chỉ đạo làm vụ này đến nơi đến nơi đến chốn để làm sao đưa ra được hai tiêu chuẩn minh bạch, rõ ràng cho hai loại nước mắm là truyền thống và công nghiệp hay nước chấm. Tôi nghĩ chắc chắn chính quyền sẽ vào cuộc để giải quyết chuyện này để sinh kế người dân ven biển vốn đã nghèo khó đừng nghèo khó thêm nữa.

Hiện nay thông tin thì mù mờ, sản phẩm thì đang bị định hướng theo một kiểu khác. Nếu thị trường không cung cấp ra sản phẩm đấy thì làm sao nhà tiêu dùng có được?”

Bà nêu lên ý kiến rằng nếu nghề làm nước mắm truyền thống không còn thì làm sao người tiêu dùng có cơ hội được sử dụng nước mắm truyền thống trên bàn ăn của mình, và nếu không còn thị trường thì nhà sản xuất sẽ bị triệt tiêu.

Kỹ sư Lê Anh nhắc lại rằng nước mắm truyền thống là ‘hộ chiếu ẩm thực’ của người Việt. Nhắc đến người Việt là nhắc đến nước mắm. Nước mắm là một gia vị tôn vinh văn hóa ẩm thực của chúng ta, không đơn thuần chỉ là nước chấm.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/who-can-help-to-keep-traditonal-fish-sauce-dt-03112019140926.html

 

Tạm dừng dự thảo tiêu chuẩn nước mắm

Theo truyền thông Việt Nam, Bộ Khoa học – Công nghệ vừa xác nhận tạm dừng thẩm định dự thảo tiêu chuẩn về quy phạm sản xuất nước mắm, nhiều ngày sau khi có nhiều tranh cãi.

Trước đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng vừa công bố văn bản Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam 1260:2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.

Điều này đã khơi gợi lại bê bối “nước mắm nhiễm asen” hồi 2016, với nhiều ý kiến dư luận lên tiếng ủng hộ nước mắm truyền thống.

Trước đó, nhiều tổ chức đại diện nước mắm truyền thống kiến nghị gửi cho rằng Dự thảo Tiêu chuẩn nói trên “đang thiên về cổ súy cho sự phát triển nước mắm pha chế – nước mắm công nghiệp”.

Vinastas gỡ bài ‘nước mắm chứa asen’

VN phạt báo Thanh Niên 200 triệu vì vụ ‘thông tin nước mắm’

Tranh cãi vì ‘nước mắm chứa thạch tín’

Theo Tuổi Trẻ, sáng 12/3 Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết xác nhận tạm dừng thẩm định bản Dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm vì chưa đảm bảo ba tiêu chuẩn: các yếu tố phù hợp với trình độ phát triển của đất nước, đảm bảo sự đồng thuận và đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan.

Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn nói cũng sẽ tiếp tục lấy ý kiến các tổ chức xã hội, các hiệp hội về dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm.

Tranh cãi về nước mắm?

Phó Giáo sư Nguyễn Tử Cương nói với VTC rằng “các doanh nghiệp hãy cạnh tranh bình đẳng và dựa trên cơ sở khoa học chứ không nên luồn lách vào cơ quan Nhà nước để tạo ra những rối rắm trong quá trình sản xuất.”

Ông Cương nhắc lại vụ việc “nước mắm nhiễm asen” vào 2016.

“Đã có một lần thông tin nước mắm nhiễm asen làm rối loạn với mục tiêu cạnh tranh thương mại không bình đẳng thì lần này không hiểu sao lại lặp lại. Đáng tiếc, trước đây Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng tung tin này ra nhưng lần này lại rơi vào đúng cơ quan quản lý Nhà nước.”

Hồi tháng 10/2016, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Vinastas công bố 95,65% số mẫu khảo sát nước mắm truyền thống có độ đạm từ 40% độ trở lên được đánh giá là hàm lượng thạch tín (asen).

Điều này đã dẫn đến sự hoang mang cho người tiêu dùng, chuyển sang mua các loại nước mắm công nghiệp bày bán trên thị trường, trong đó công ty Masan chiếm 65% thị phần, theo Thạc sĩ Quản trị chất lượng, giảng viên an toàn thực phẩm Vasep Vũ Thế Thành.

Nhưng sau đó, nhiều chuyên gia phân tích thì người tiêu dùng mới biết asen trong cá và trong nước mắm hầu hết là asen hữu cơ không độc hại.

Và nước mắm công nghiệp là nước mắm pha loãng, nên lượng asen thấp hơn nhiều so với loại nước mắm truyền thống.

Diễn biến khác

Trong khi việc nước mắm truyền thống và nước mắm tư nhân đang là tâm điểm của dư luận trong nhiều ngày qua, trang Facebook “Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam” đã đăng nhiều thông tin về vấn đề này.

Tối 10/3, trang này đưa bài “Cảnh giác với chiêu bài bảo vệ nước mắm truyền thống”.

Theo VTC, trang này cũng đăng nhiều thông tin “Kêu gọi cộng đồng cảnh giác với chiêu trò ủng hộ nước mắm truyền thống để phá hoại nền sản xuất nước nhà”, khiến nhiều người lầm tưởng chính Ban Tuyên giáo ra lời “kêu gọi”.

Tuy nhiên, hôm 11/3, Ban Tuyên giáo đã ra thông báo về trang Facebook trên.

Chánh văn phòng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Huy Ngọc khẳng định Ban Tuyên giáo “không có và không sử dụng tài khoản Facebook nào như thế”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47534231

 

Nhiều dự án thăm dò, khai thác dầu khí của PVN

 phải dừng hoặc bán

Trong số 13 dự án thăm dò, khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thì có đến 11 dự án không hiệu quả, buộc phải dừng hoặc chuyển nhượng lại cho phía nước ngoài.

Truyền thông trong nước dẫn thông tin từ Báo cáo của Bộ Công Thương gởi Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước, loan tin vừa nói hôm 12/3/2019.

Các dự án không hiệu quả điển hình như: Dự án Junin 2 ở Venezuela, dự án lô 67, lô 39 ở Peru đang chuyển nhượng cho đối tác, dự án thăm dò lô Marine XI ở Conggo đang gặp khó khăn phải chuyển nhượng vốn góp, thăm dò lô Danan ở Iran góp vốn 82,07 triệu USD xin tạm dừng, lô M2 ở Myanmar dừng vì rủi ro và dự án ở Campuchia.v.v…

Các dự án này được PVN ủy quyền cho Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thực hiện. Cơ quan chức năng đang xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong việc đầu tư thua lỗ lớn, kéo dài và tiềm ẩn rủi ro tài chính tại PVEP.

Liên quan đến PVEP, ngày 8/1 vừa qua, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Vũ Thị Ngọc Lan, Phó Tổng giám đốc PVEP về tội lạm dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản trong vụ án liên quan OceanBank. Bà Lan giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc PVEP từ tháng 1 năm 2009.

Cũng tin liên quan kinh tế, trong ngày 12/3, Công ty Núi Pháo đã gởi đơn đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên ‘kêu cứu’ vì tiêu thụ tinh quặng đồng gặp khó khăn.

Cụ thể, việc không tiêu thụ được tinh quặng đồng đã khiến Công ty Núi Pháo gặp khó khăn trong thu hồi vốn để tái đầu tư sản xuất cũng như tăng chi phí bảo quản sản phẩm lưu kho.

Theo công ty Núi Pháo, kể từ khi có thay đổi về chính sách xuất khẩu cho sản phẩm tinh quặng đồng, công ty đã rất nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước, nhưng do không tìm được đối tác tin cậy và có năng lực nên việc tiêu thụ tinh quặng đồng của công ty đang gặp nhiều khó khăn.

Tin cho biết, ước tính đến hết năm 2018, lượng tinh quặng đồng tồn kho của công ty vào khoảng trên 35.000 tấn.

Công ty Núi Pháo đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên xem xét, sau đó có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị cho công ty được tạm xuất, gia công tinh quặng đồng ở nước ngoài sau đó tái nhập lại.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo hiện thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Masan, sau khi tập đoàn này mua lại từ Dragon Capital vào cuối năm 2013.

Dự án Núi Pháo từng bị người dân địa phương phản đối vì gây ô nhiễm môi trường. Vào tháng 6 năm 2016, nhiều người dân xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên tập trung phản đối sau quá trình khiếu kiện về nạn ô nhiễm do dự án gây nên.

Tin cho biết có chừng 3 ngàn hộ dân bị di dời để giao mặt bằng cho dự án.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/many-pvn-projects-are-not-effective-must-stop-or-sell-03122019085225.html

 

Lập Hội đồng thẩm định dự án Sân bay Long Thành

Chính phủ Hà Nội sẽ thành lập một hội đồng cấp nhà nước để thẩm định những báo cáo nghiên cứu tính khả thi của Giai đoạn 1 Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành.

Báo VNExpress loan tin ngày 12/3, cho biết thêm đây là quyết định được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký và có hiệu lực từ ngày 8/3.

Theo quyết định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng được chỉ định làm người đứng đầu Hội đồng Thẩm định, một thứ trưởng thuộc bộ này sẽ là phó chủ tịch của Hội đồng.

Các thành viên khác của hội đồng bao gồm lãnh đạo của 13 cơ quan liên quan, Ủy ban quản lý vốn nhà nước và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, nơi dự án sẽ được xây dựng.

Quyết định của Thủ tướng cho phép hội đồng thuê các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để đảm bảo tính độc lập và khách quan trong việc phát triển và thẩm định nghiên cứu tính khả thi của dự án.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hiện điều hành 21 sân bay trên toàn quốc. Hồi giữa năm ngoái, ACV cho biết công ty đã đầu tư hơn ¼ trong tổng số 5,4 tỷ đô la để xây dựng sân bay Long Thành.

Trước đó, ACV đã ký hợp đồng với JFV, một nhóm các chuyên gia tư vấn bao gồm ba công ty Nhật Bản, một công ty Pháp và hai công ty Việt Nam, để hoàn thành nghiên cứu khả thi của dự án cho giai đoạn 1 việc xây dựng sân bay Long Thành vào tháng 6 tới đây.

Theo lịch trình, Bộ Giao thông vận tải sẽ đệ trình nghiên cứu khả thi của dự án cho chính phủ vào tháng 7 này.

Sau đó, Thủ tướng sẽ đệ trình nghiên cứu tính khả thi của dự án lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9/2019 và Quốc hội dự kiến ​​sẽ phê chuẩn vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay.

Sân bay Long Thành có tổng vốn đầu tư ước tính là gần 337 nghìn tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia trước đó đã cảnh báo việc xây dựng sân bay lớn nhất của Việt Nam sẽ đội vốn lên gấp đôi cứ mỗi 5 năm một lần.

Sân bay được dự kiến xây dựng trong 3 giai đoạn kéo dài trong 30 năm. Giai đoạn đầu dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2025, khi sân bay có thể tiếp nhận 25 triệu hành khách mỗi năm. Hai giai đoạn tiếp theo sẽ bao gồm từ 2030-2035 và từ 2040-2050.

Sau khi hoàn thành, sân bay quốc tế Long Thành sẽ có công suất hàng năm là 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tháng trước tuyên bố rằng việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành nên bắt đầu vào năm tới, ưu tiên cho nguồn vốn tư nhân. Ông cũng bày tỏ mong muốn sân bay mới này sẽ trở thành trung tâm hàng không Đông Nam Á.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-state-council-to-assess-long-thanh-airport-feasibility-study-03122019083126.html

 

Cân nhắc tập đoàn TQ muốn đầu tư cao tốc Bắc-Nam

Với cả hai hình thức đầu tư cao tốc Bắc-Nam (EPC và BTO) mà tập đoàn Trung Quốc gợi ý, chuyên gia lo Việt Nam sẽ đều bị phụ thuộc.

Trong buổi làm việc với Bộ GTVT vào ngày 7/3, lãnh đạo Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc bày tỏ mong muốn được tham gia đầu tư dự án đường cao tốc Bắc – Nam tại Việt Nam theo hai hình thức: EPC và BTO.

Trước thông tin tập đoàn Trung Quốc ngỏ ý muốn đầu tư cao tốc Bắc-Nam, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn công nghệ quản lý và xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng, với cả hai hình thức EPC và BTO, Việt Nam đều dễ rơi vào thế bị động, bị phụ thuộc vào nhà đầu tư.

Phân tích cụ thể, ông cho biết, hợp đồng tổng thầu EPC là hợp đồng trọn gói, một chủ thể thực hiện tất cả các công đoạn từ thiết kế đến cung cấp thiết bị công nghệ, thi công xây dựng công trình, và chính quyền chỉ cần giám sát chủ thể đó.

“Hợp đồng EPC có cái lợi là khi nhà đầu tư cho vay vốn. Họ sẽ làm tất cả mọi thứ rồi chuyển giao cho phía Việt Nam, Việt Nam không phải lo gì cả ngoài việc vay vốn, thế nhưng khi ấy chắc chắc giá thành sẽ rất cao.

Điều quan trọng là chúng ta không làm chủ được! Chúng ta vay vốn trên giấy, trên cái mà mình không chủ động và khi ấy chúng ta rất khó được quyết định mọi thứ.

Việt Nam đã có quá nhiều bài học về hợp đồng EPC, nhất là với phía doanh nghiệp Trung Quốc, chúng ta không nắm được cái gì của họ”, PGS.TS Nguyễn Đình Thám chỉ rõ.

Đối với hợp đồng BTO, đó là hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh, trong đó phần kinh doanh chủ đầu tư sẽ tự quyết định giao cho ai kinh doanh, có thể là chính chủ đầu tư, hoặc giao cho nhà thầu hoặc một chủ thể nào khác. Nhiều ý kiến cho rằng, hình thức hợp đồng này sẽ gắn trách nhiệm của chủ thể trong xây dựng và duy tu; doanh nghiệp muốn không tốn chi phí cho duy tu sau này, có lợi nhuận tốt thì phải đảm bảo chất lượng công trình ngay từ khi thi công.

Lãnh đạo Tập đoàn Thái Bình Dương cũng nhận xét, BTO là mô hình được đánh giá cao và được áp dụng rất thành công tại Trung Quốc và có thể là mô hình hoàn thiện của hình thức đầu tư đối tác công – tư PPP.

Thế nhưng, PGS.TS Nguyễn Đình Thám bày tỏ băn khoăn: Với hợp đồng BTO, nhà đầu tư xây dựng, chuyển giao và tham gia khai thác, như vậy họ có thể “ăn” ở khâu thi công, chiếm lãi phần này, trong khi khâu khai thác sau này thì lỗ lãi hai bên cùng chịu.

Nhấn mạnh với hai hình thức hợp đồng này, Việt Nam sẽ đều bị phụ thuộc hoàn toàn, vị chuyên gia cho biết, xét về mặt kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được cao tốc Bắc-Nam và thực tế, chúng ta đã xây dựng nhiều tuyến cao tốc, tiêu biểu như cao tốc Hải Phòng. Đó là một kinh nghiệm và cũng là lý do mà Việt Nam cần cân nhắc trước khi hợp tác với nhà đầu tư Trung Quốc.

Xét về yếu tố vốn, bởi Việt Nam không có vốn mới phải hợp tác với nhà đầu tư dưới dạng góp vốn. Nhưng theo ông Thám, nếu vay trước thì có thể trả trước một phần lãi, phần còn lại có thể trả chậm sau, trong khi nếu nhà đầu tư xây xong Việt Nam cũng phải trả cả vốn lẫn lãi nhưng số tiền sẽ được tính cao hơn.

“Đều là vay trả sau, tại sao Việt Nam không tìm nguồn vốn ODA để vay, dù lãi suất không còn thấp như trước nhưng ít ra cũng ưu đãi hơn nếu đi vay thị trường. Đã đi vay thì nên vay sòng phẳng, còn vay mà không biết kết quả, vay “tù mù” thì khó trong mọi chuyện”, PGS.TS Nguyễn Đình Thám lưu ý.

Từ những phân tích ở trên, vị chuyên gia thẳng thắn cho rằng, Việt Nam phải hết sức cân nhắc trước ý định hợp tác làm cao tốc Bắc-Nam của tập đoàn Trung Quốc bởi về nguyên tắc, chúng ta phải làm chủ thì mới quyết định được, còn khi không nắm được gì thì sẽ bị dẫn dắt, phụ thuộc và mất quyền chủ động, điều đó đẩy Việt Nam vào thế yếu.

Trước câu hỏi Việt Nam vẫn có thể thực hiện giám sát đối với nhà đầu tư, ông Thám tỏ ra hoài nghi về năng lực giám sát của những người được giao trọng trách này.

“Trình độ giám sát thì ta có nhưng cái khó nhất chính là tìm được người có tâm, thực sự vì nước, vì dân mà làm chuyện đó. Kinh nghiệm trước nay cho thấy, trong nhiều dự án, nơi hay xảy ra tiêu cực nhất chính là ban quản lý dự án. Lựa chọn ban quản lý dự án thế nào chính là chìa khóa quyết định thành công của dự án.

Khó nhất là phải làm sao tìm được người trong ban quản lý có tâm và để tránh tiêu cực, quan trọng là vấn đề đãi ngộ thế nào”, PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói.

Khẳng định “ta làm chủ được thì ta làm được”, vị chuyên gia đề nghị, với dự án cao tốc Bắc-Nam, Việt Nam nên tổ chức đấu thầu quốc tế công khai, minh bạch, khi nhiều nhà thầu cùng tham gia Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/26791-can-nhac-tap-doan-tq-muon-dau-tu-cao-toc-bac-nam.html

 

Việt Nam trong 10 nước mua vũ khí nhiều nhất thế giới

Viễn Đông

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ở Thụy Điển hôm 11/3 ra phúc trình về các giao dịch vũ khí quốc tế, trong đó nói rằng Việt Nam nằm trong top 10 nước “tậu” nhiều thiết bị quân sự nhất trên thế giới.

Theo SIPRI, trong giai đoạn từ 2014 tới 2018, số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam chiếm 2,9% tổng số bán ra trên toàn cầu, tăng 78% so với mức 1,8% giai đoạn 2009 tới 2013.

Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 trong khoảng thời gian gần đây nhất.

Trong số 10 nước nhập khí tài nhiều nhất trên thế giới giai đoạn 2014 tới 2018, một nửa là các quốc gia châu Á và châu Đại Dương gồm Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.

Theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, Nga xuất khẩu 31% sang khu vực này. Tiếp đó là Hoa Kỳ (27%) và Trung Quốc (9%).

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết, ba quốc gia cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Việt Nam là Nga (78%), Israel (9,1%) và Belarus (4,1%).

Trên toàn cầu, Mỹ vẫn là nước đứng đầu về xuất khẩu vũ khí, chiếm 36% trong giai đoạn từ 2014 tới 2018, bỏ xa Nga ở vị trí thứ hai với 21%.

XEM THÊM:

Việt Nam ‘mua’ máy bay trinh sát và huấn luyện của Mỹ

Trung Quốc cũng góp mặt trong top 10 nước bán khí tài nhiều nhất, ở vị trí thứ 5, chiếm 5,2%.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2018 khẳng định độc quyền với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá tới 94,7 triệu đôla.

Ngoài việc mua thiết bị quân sự trên, quan chức Mỹ nói thêm rằng “Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã cung cấp cho Việt Nam 12 triệu đôla trong chương trình Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài (FMF) trong năm tài khóa 2017”.

Trong một cuộc họp báo thường kỳ sau đó, khi được hỏi về các vụ mua bán gần 100 triệu đôla, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng “chính sách quốc phòng của Việt Nam là để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới”.

Bà Hằng nói tiếp: “Việc hợp tác quốc phòng với các nước là nhằm thực hiện chính sách trên”.

https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-trong-10-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-mua-v%C5%A9-kh%C3%AD-nhi%E1%BB%81u-nh%E1%BA%A5t-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi/4825184.html