Tin Việt Nam – 12/03/2017
Phá sản với cây chanh dây – Vì sao?
Lan Hương, phóng viên RFA
Gần đây nông dân Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi tin tưởng, hi vọng vào chuyện bán nông sản cho các thương lái Trung Quốc.
Giấc mơ đổi đời
Thời gian gần đây, bà con nông dân khu vực Tây Nguyên không còn “mặn mà” với cây cà phê, một phần là do thời tiết khắc nghiệt, giá cả lên xuống thất thường, hơn nữa cà phê không mang lại cho họ nguồn thu nhập thực sự cao để thay đổi cuộc sống vùng đất đá khô cằn này. Vì vậy, mấy năm trở lại đây, người dân ở nhiều tỉnh thành như Gia Lai, Lâm Đồng, Đắc Nông phá cây cà phê vốn gắn bó nhiều năm với họ để đua nhau trồng cây chanh dây vì có tin đồn rằng cây chanh dây mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần hơn cây cà phê truyền thống.
Thời gian đầu, cây chanh dây quả thực mang lại lợi nhuận lớn hơn hẳn so với các cây công nghiệp khác, hơn nữa chi phí đầu tư thấp và thu lợi nhanh, nhen nhóm giấc mơ đổi đời của người nông dân. Có thời điểm giá chanh dây lên đến 52.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, siêu lợi nhuân không kéo dài được lâu thì người dân phải chịu nhiều rủi ro do cây chanh dây mang lại. Anh Đức, một người dân ở Gia Lai, hiện đang trồng 10 ha chanh dây, chia sẻ với chung tôi về những khó khăn gia đình anh phải đối mặt:
Người dân muốn trồng chanh dây thì phải phá cà phê đi. Mà phá cà phê đi rồi, chanh lại không lên, thì mất trắng luôn.
– Anh Đức, Gia Lai
Năm ngoái do giá chanh lên cao quá, nông dân ai cũng thấy lợi nhuận nên đổ xô đi trồng chanh dây. Giống ở bên Đài Loan làm không kịp nên những người xấu lợi dụng thời cơ đó làm giống dởm, lấy giống từ Trung Quốc về bán. Người dân mua rất nhiều, trồng cây không lên được, có lên được cũng bị bệnh rất kinh khủng. Thiệt hại kinh tế rất nhiều.
Người dân muốn trồng chanh dây thì phải phá cà phê đi. Mà phá cà phê đi rồi, chanh lại không lên, thì mất trắng luôn.
Hiện nay phần lớn chanh leo của mình đi Trung Quốc là nhiều, hơn nữa Hoàng Anh Gia Lai trồng khoảng 1.500 ha chanh, mỗi lần chở ra Trung Quốc bán là 20 container, khoảng 400 tấn, như vậy giá chanh dây sẽ xuống.
Hiện tại huyện Mang Yang là địa bàn có diện tích chanh dây lớn nhất tỉnh Gia Lai, khoảng 500 ha. Tuy nhiên, đầu năm 2016, ông Phạm Ngọc Cơ Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang giải thích với báo giới rằng chanh dây chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc nên người nông dân phải gánh chịu những rủi ro về giá cả bấp bênh. Ngoài ra ông này cũng cảnh báo bà con rằng để đảm bảo sản lượng chanh người dân phải sử một lượng thuốc trừ sâu rất lớn, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của đất và sức khỏe của chính người dân. Anh Đức cho chúng tôi biết thêm:
Chanh dây là loại cây ngắn ngày, nên sâu bệnh bị rất nhiều. Nên cứ một ngày người dân phải bơm thuốc trừ sâu một lần.
Ngoài những khó khăn về giống chanh dởm và sức khỏe bị ảnh hưởngvì thuốc trừ sâu, người dân còn phải đối mặt với chiêu trò ép giá của thương lái Trung Quốc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ban đầu giá chanh có thời điểm lên đến 52.000/kg khiến người dân phá cà phê, cao su để chạy theo cây chanh. Nhưng sau đó giá chanh giảm xuống rất nhiều, khiến đời sống người dân cũng bấp bênh theo. Anh Đức cũng thừa nhận:
Cách đây một tuần thương lái ép giá nhà vườn lại, có biết còn bao nhiêu tiền một ký không? Có 10 ngàn/ ký thôi. Bây giờ sau một tuần người dân không còn chanh mà bán, thời tiết lạnh chanh không đậu quả thì giá lên 24.000/kg.
Bây giờ thời tiết lại đang bị sương muối nên ra cái hoa nào là hư cái hoa đó hết, nên 2 tháng nữa giá chanh sẽ lại cao.
Thời tiết quyết định ra hoa, đậu quả, cho nên tụi Trung Quốc nó biết khi nào mình có hay không có chanh.
Lâm cảnh nợ nần
Chúng tôi cũng được biết có rất nhiều hộ nông dân không những chỉ phá hết những vườn cà phê lâu năm đi, mà còn dồn hết vốn liếng, thậm chí vay mượn thêm để trồng chanh dây, mong ngày bội thu. Nhưng trước những khó khăn này, ngày bội thu không thấy tới, mà chỉ thấy người dân lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần. Chúng tôi liên lạc với ông Lê Văn Lịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai thì được cho biết:
Theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp, Chính phủ, tỉnh ủy là không phá cà phê, tiêu, cao su để trồng chanh dây. Có nhiều công văn, cuộc họp, thông báo rồi. Nhưng dân bây giờ họ thấy cái nào có lợi thì họ làm thôi.
Thị trường lớn nhất là Trung Quốc. Có lúc nó mua giá cao hơn, có lúc thấp hơn, thì cũng phải chấp nhận thị trường thôi chứ có cách nào khác đâu.
Chanh dây không phải là cây trồng duy nhất mang lại nhiều rủi ro cho người nông dân. Trước đó, bà con tỉnh Đồng Nai cũng bị một phen khốn đốn khi đầu tư vào cây chuối nhưng cây bị hư hỏng, ko ra trái hoặc nếu được thu hoạch thì cũng bị thương lái Trung Quốc ép giá và có giai đoạn ngừng mua. Ngay trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, nhiều người dân nuôi heo cũng bị phá sản, hoặc “mất Tết” vì tin tưởng vào thị trường Trung Quốc nên đổ xô vào nuôi heo. Nhưng khi Tết đến gần, giá heo bất ngờ giảm xuống còn rất thấp do Trung Quốc hạn chế mua. Người dân sau nhiều tháng vất vả chăm bẵm nuôi heo lớn, khi bán đi không đủ tiền cám, huống chi là lợi nhuận. Một người dân nuôi heo cho chúng tôi biết:
Bản thân người nông dân thiếu kiến thức thị trường, họ hay làm theo phong trào nên họ gặp rất nhiều rủi ro khi thị trường đó không bền vững.
– Chuyên gia Vũ Đình Ánh
Nhiều nhà phá sản đó, chứ không chịu nổi đâu. Tại vì mình nuôi ít, chứ nếu trại lớn nó mà nằm 1 năm nữa là phá sản.
Người nông dân Việt Nam đã vô số lần phải “chịu đòn” của thương lái Trung Quốc nhưng tình trạng này vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Chúng tôi có trao đổi với chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, người chuyên nghiên cứu thị trường và giá cả của Bộ Công thương thì được biết:
Nông nghiệp nông dân chủ yếu là tự phát. Bản thân người nông dân thiếu kiến thức thị trường, họ hay làm theo phong trào nên họ gặp rất nhiều rủi ro khi thị trường đó không bền vững.
Liên quan đến vấn đề đó thì cũng có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Thứ nhất họ để cho việc tự phát của nông dẫn diễn ra khá la dài mà hiện nay chưa có biện pháp gì cả. Thứ hai bản thân Nhà nước cũng có trách nhiệm trong việc trang bị kiến thức cho người nông dân. Bởi vì người nông dân còn hạn chế về năng lực nên không thể tự tìm hiểu về thị trường nông nghiệp, và tính bền vững của thị trường. Vì vậy theo tôi Nhà nước phải có hỗ trợ người dân trong lĩnh vực này.
Ngoài ra ông Vũ Đình Ánh cũng đề cập đến vấn đề cả người nông dân và chính quyền các cấp cần xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại để ngành nông nghiệp có thể phát triển bền vững. Ông cũng nhấn mạnh tính bền vững ở đây là thị trường tiêu thụ, chi phí sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt là khắc phục tình trạng “được mùa mà mất giá” đang diễn ra không chỉ với các sản phẩm nhỏ lẻ, mà còn cả với các sản phẩm lớn mà Việt Nam đang xuất khẩu mạnh như gạo, cà phê.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/risks-of-grow-cn-passion-fruit-lh-03102017125305.html
Người dân Kỳ Anh tiếp tục biểu tình vì môi trường
Vào sáng ngày 12 tháng 3 năm 2017, hơn 1,000 bà con ngư dân xứ Đông Yên ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã tuần hành biểu tình ôn hoà trước cổng Formosa nhằm yêu cầu nhà cầm quyền đền bù thiệt hại môi trường và yêu cầu Formosa cút khỏi Việt Nam.
Người dân đã tuần hành với quãng đường hơn 2km, từ nhà thờ giáo xứ Đông Yên Cũ ở xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh đến cổng phụ nhà máy Formosa. Trên đường đi, những người tham gia tuần hành cầm các banner có biểu ngữ: “yêu cầu khởi tố Formosa ra toà án quốc tế”, “yêu cầu đóng cửa vĩnh viễn Formosa để đảm bảo môi trường sống cho người Việt”,… trên tay cầm Cờ Ngũ Sắc cờ dân tộc, hô vang các khẩu hiệu: “Formosa cút khỏi Việt Nam”, “đả đảo đảng cộng sản Việt Nam bán nước”,… mở những bài hát: “Việt Nam tôi đâu”, “trả lại cho dân”,… và lần Chuỗi Mân Côi để tham gia biểu tình.
Theo ghi nhận của phóng viên SBTN, đông đảo thành phần bà con từ cụ già cho đến trẻ em, trí thức đến ngư dân, với một tinh thần quyết tâm đuổi Formosa cút khỏi Việt Nam, và yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đền bù thoả đáng cho bà con ngư dân chịu thiệt hại nặng nề trong vụ thảm hoạ môi trường vừa qua.
Một người dân chia sẻ: “chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình, sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi nhà cầm quyền khởi tố Formosa ra pháp luật, đuổi Formosa cút khỏi Việt Nam và yêu cầu đền bù thiệt hại môi trường thì chúng tôi mới dừng lại”.
Xin được nhắc lại, kể từ tháng 04/2016, nhà máy Formosa xả chất thải ra biển làm cá biển chết ở bốn tỉnh Miền Trung gây thiệt hại nặng nề ở bốn tỉnh Miền Trung nói chung, và bà con Đông Yên nói riêng. Dù công ty Formosa nói “đã đền bù 500 triệu Mỹ Kim cho chính phủ CSVN”, nhưng đến nay nhiều hộ ngư dân vẫn chưa nhận được khoản đền bù do thiệt hại môi trường gây ra. Ngoài ra, trong thời gian qua, công ty Formosa vẫn chưa có hành động nào để cải thiện môi trường nhằm làm cho biển sạch trở lại, khiến cho bà con ngư dân càng thêm tức giận.
Nguyên Nguyễn/SBTN
http://www.sbtn.tv/nguoi-dan-ky-anh-tiep-tuc-bieu-tinh-vi-moi-truong/
Trao đổi Thư tín:
“Ông Nguyễn Phú Trọng hãy kỷ luật chính ông”
Hòa Ái, phóng viên RFA
Đấu tranh bảo vệ môi trường
Hình ảnh dây kẽm gai vây kín nhà máy thép Hưng Nghiệp-Formosa tại Hà Tĩnh với sự bảo vệ của lực lượng chức năng, ngư dân và giáo dân ở miền Trung tuần hành cùng rất nhiều gương mặt trẻ biểu tình tại Sài Gòn vào hôm mùng 5 tháng 3, phản ảnh rõ nét sự không đồng thuận giữa chính phủ và người dân trong việc giải quyết hậu quả sự cố thảm họa môi trường biển xảy ra gần tròn 1 năm.
Cuộc biểu tình bị giải tán chóng vánh với sự đánh đập và bắt bớ. Tuy nhiên Đài Á Châu Tự Do ghi nhận những tiếng nói vì một môi trường sống trong sạch của dân chúng tại Việt Nam không bị dập tắt mà càng hun đúc tinh thần bảo vệ môi trường mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Những tiếng nói đó lại cất lên phản biện chủ trương của chính phủ Hà Nội qua chỉ thị vừa được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, ban hành vào ngày 8 tháng 3, cần phải giám sát chặt chẽ trong cam kết về môi trường của Formosa đến khi nào bảo đảm an toàn mới cho xả thải. Một thính giả từ trong nước nói rằng thật khó hiểu với những chỉ thị như thế “Chất thải lỏng, chất thải rắn của Formosa vẫn thải ra đều đều. Biển vẫn ô nhiễm, cá vẫn còn chết đều đều…Còn nhà nước thì cũng đều đều ra chỉ thị giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải của Formosa. Sao mà khó hiểu vậy?” Thính giả Dong Le lý giải cần phải hiểu chỉ thị này có ý nghĩa là “Giám thị chặt chẽ người dân, đừng làm lớn chuyện nữa, mọi việc đã có nhà nước lo”. Trong khi đó, qua trang Facebook RFA, rất nhiều ý kiến khẳng định Chính phủ Việt Nam phải đóng cửa Formosa theo ý nguyện của đa số người dân. Thính giả Michael Tran bày tỏ “Chẳng cần phải giám sát làm gì. Tốt nhất theo ý dân là đóng cửa Formosa vì gây hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường biển. Tôm cá chết. Dân cũng sắp chết theo rồi. Yêu cầu dẹp ngay Formosa”.
Hô hào chống tham nhũng
Tôi đề nghị ông Nguyễn Phú Trọng hãy kỷ luật chính ông bằng cách bỏ Điều 4 Hiến Pháp để 90 triệu người dân bầu chọn những người lãnh đạo có tài, có đức mà họ tin cậy
-Thính giả RFA
Kể từ khi thảm họa môi trường xảy ra tại khu vực biển 4 tỉnh Bắc Trung bộ do Formosa gây nên hồi đầu tháng 4 năm ngoái, dư luận cho rằng công cuộc chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động càng có bằng chứng cho thấy đây chỉ là những lời hô hào sáo rỗng dù Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tuyên bố điều tra, kỷ luật quan chức vi phạm liên quan và chính ông Nguyễn Phú Trọng vừa phát biểu “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Sau đây, Hòa Ái trích đăng một vài ý kiến của quý khán thính giả và độc giả xoay quanh lời phát biểu vừa rồi của ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam:
“Thưa ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi chỉ nêu ra một trường hợp của cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, trong 2 năm cuối nhiệm kỳ, đã ký quyết định bổ nhiệm 97 người vào các chức vụ lãnh đạo của Bộ này. Tôi không biết rõ mỗi chức vụ cao cấp đáng giá bao nhiêu, nhưng người dân chúng tôi tin rằng ông Vũ Huy Hoàng thu về một số tiền rất lớn qua việc bổ nhiệm đó. Một con sâu tham nhũng khổng lồ như thế mà ông Tổng Bí thư cứ loay hoay mãi không xử lý một cách dứt điểm, công tâm và thỏa mãn đúng mức theo sự mong đợi của dân chúng. Hay là ông sợ bứt dây động rừng? Cuối cùng, ông chống cái gì, vậy ông?”
“Hệ thống đã mục nát thì khiển trách vài người làm gì mà cứu được muôn người, thưa ông Nguyễn Phú Trọng! Lời ông nói thiếu thực tế quá đi! Thêm 5 năm nữa, tôi cam đoan ông cũng chẳng làm được gì khá hơn bây giờ đâu.”
“Chào quý vị! Tôi nghe tin tức từ Đài Á Châu Tự Do nói quý vị đang cầm quyền trong nước cổ súy, cổ động diệt trừ tham nhũng. Nhưng quý vị kiếm những tham nhũng đó không ra đâu. Nếu có ra thì cũng chỉ là le ke, lục chốt mà thôi.
Nếu quý vị thật tình, thật tâm thì quý vị yêu cầu đồng hương hải ngoại cung cấp các tài liệu của những tay tham nhũng trong nước chuyển tiền ra quốc ngoại mua từng khu thương mại ở các nơi trên toàn thế giới.
Nếu quý vị muốn, quý vị cứ nói lên đi. Đồng hương quốc ngoại, họ sẽ cung cấp các tài liệu nhà cửa, phố xá, khu thương mại làm ăn như thế nào của những cán bộ tham nhũng ở trong nước. Rồi họ cho con, cho cháu của họ ra nước ngoài du học để về lại trong nước tiếp tục tham nhũng.
Khi muốn đả hổ thì phải đả cho đến nơi đến chốn. Thành ra, hy vọng ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng nếu thật tình các ông thương dân thương nước thì các ông hãy thực hiện điều này đi.”
“Tôi đề nghị ông Nguyễn Phú Trọng hãy kỷ luật chính ông bằng cách bỏ Điều 4 Hiến Pháp để 90 triệu người dân bầu chọn những người lãnh đạo có tài, có đức mà họ tin cậy; chứ dân tộc Việt không phải mất thời gian một cách vô bổ vào việc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cứ lẩn quẩn trong cái vòng ‘thấy sai thì sửa mà càng sửa thì lại càng sai’.”
“Giờ này tại Việt Nam, bất cứ người dân nào yêu quê mẹ cũng phải xót xa đau lòng. Người dân đói ăn vì biển chết do Formosa. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thì tham nhũng. Công an thì gia tăng bắt bớ các nhà đấu tranh dân chủ, trong đó có các bà mẹ đơn thân như Thúy Nga-Trần Thị Nga, Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.”
Những phụ nữ can trường
Giờ này tại Việt Nam, gười dân đói ăn vì biển chết do Formosa. Nhà cầm quyền Cộng sản thì tham nhũng. Công an thì gia tăng bắt bớ các nhà đấu tranh dân chủ, trong đó có các bà mẹ đơn thân như Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
-Thính giả RFA
Trong ngày kỷ niệm 8/3-Ngày Quốc tế Phụ nữ, những cái tên: Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Cấn Thị Thêu, Lê Thu Hà, Nguyễn Thị Minh Thúy được nhiều người Việt trân trọng nhắc đến. Họ bị chính quyền Hà Nội giam giữ vì những hoạt động cho dân quyền-nhân quyền và xã hội tại Việt Nam. Trong chương trình hôm nay, Hòa Ái chuyển lời tri ân của quý thính giả Đài RFA đến những người phụ nữ can trường này cũng như tất cả nhà hoạt động nữ giới vì tự do, dân chủ cho Việt Nam với thông điệp “Lòng can đảm của quý vị vì sự đổi thay cho quê hương, đất nước luôn được sự ủng hộ của những người yêu nước Việt Nam”
Hòa Ái trả lời hai tín nhắn sau:
“Tôi tên là Tân Dân. Tôi liên lạc với đài để hỏi thăm việc viết bài. Thành thật cảm ơn.”
Cảm ơn quý thính giả Tân Dân liên lạc với Ban Việt ngữ. Quý vị có thể gửi những bài viết đến “Mục Bạn Đọc Viết” qua địa chỉ email: vietweb@rfa.org. Kính.
“Chào các anh chị em trong đài. Tôi tên Sanh. Xin quý đài vui lòng cho tôi số điện thoại mới để tôi nghe đài mà không bị tính tiền. Trước đây, tôi gọi các số cũ thì bị T-Mobile tính tiền. Cảm ơn.”
Quý thính giả Sanh quý mến, số điện thoại mới để nghe các chương trình phát thanh tiếng Việt của Đài RFA dành cho quý thính giả sử dụng dịch vụ viễn liên của công ty T-Mobile tại Hoa Kỳ là số: 360-398-4204. Quý thính giả ở Hoa Kỳ sử dụng dịch vụ viễn liên do các công ty điện thoại khác cung cấp có thể nghe các chương trình phát thanh qua số 641-552-5011.
Quý thính giả Đài Á Châu Tự Do trên toàn thế giới cũng có thể nghe các chương trình phát thanh bằng điện thoại di động một cách dễ dàng và bất cứ lúc nào qua RFA Mobile Streamer App. Quý vị có thể sử dụng RFA Mobile Streamer App, miễn phí cho cả IOS và Android. Quý thính giả cũng có thể chia sẻ các chương trình phát thanh ưa thích qua email, twitter, facebook, Google + và các công cụ mạng xã hội khác.
Cùng với chương trình phát thanh một giờ đồng hồ mỗi ngày, Ban Việt Ngữ còn có chương trình truyền hình trực tiếp 30 phút mỗi tối thứ tư và thứ sáu hằng tuần vào lúc 10 giờ tối giờ Việt Nam truyền qua các công cụ mạng xã hội Facebook, Twitter và trang chủ của RFA.
Mọi bài vở, video đều được lưu trên trang nhà của Ban Việt Ngữ ở địa chỉ www.RFA.org/vietnamese, mời quí vị truy cập vào để nghe và xem lại.
Ban Việt ngữ luôn mong mỏi quý khán thính giả cùng độc giả đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm. Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.
Hai thiếu niên tấn công tin tặc các sân bay Việt Nam
Hai thiếu niên bị cơ quan công an bắt giữ vì đã tấn công các website của các sân bay Việt Nam, nhưng sau đó được trả tự do, sau khi đã nhận tội, và cho biết là đã tấn công các website để khám phá và khoe khoang với bạn bè mà thôi.
Báo chí Việt Nam cho biết là trong các ngày 8, 9, và 10 tháng ba, các sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Rạch Giá, và Tuy Hòa đã bị hai thiếu niên này tấn công các trang web, thay đổi giao diện và để lại thông báo của mình.
Tên của hai người này không được tiết lộ, trên báo chí chỉ đưa tên tắt của họ mà thôi, nhưng cả hai đều 15 tuổi, một người sống ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, còn người kia sống tại Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/teen-hackers-03122017073302.html
Việt Nam nhập khẩu một tỉ đôla rau quả hàng năm
Việt Nam nhập khẩu rau quả trị giá đến hai triệu đô la Mỹ mỗi ngày.
Đây là số liệu thống kê được cơ quan hải quan Việt Nam đưa ra, theo đó trong hai tháng đầu năm nay số tiền dùng để nhập cảng rau quả là 164 triệu đô la, và trong vòng hai năm qua, số tiền dùng để mua rau quả nước ngoài đã tăng từ 200 triệu hàng năm lên đến 1 tỉ đô la.
Trong khi đó thì số hàng rau quả xuất khẩu của Việt nam trong hai tháng đầu năm nay chỉ có 421 ngàn đô la.
Việt Nam nhập rau quả nhiều nhất từ Thái Lan, chiến đến 50% tổng lượng nhập khẩu, kế đến là Trung Quốc, Myanmar, và Hoa Kỳ.
Theo các chuyên gia về nông nghiệp thì hàng rau quả Thái Lan được ưa chuộng là vì có nhiều loại mới, đồng thời có uy tín và có chất lượng cao. Trong khi đó thì ngành nông nghiệp Việt Nam cũng bị nhiều chỉ trích, vì cùng là quốc gia nhiệt đới như Thái Lan nhưng lại phải nhập cảng rau quả về tiêu thụ.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/more-vegetable-imported-03122017073849.html
Vỡ đập chứa chất thải quặng mỏ tại Nghệ An
Một hồ chứa chất thải mỏ quặng bị vỡ ở tỉnh Nghệ An, gây ô nhiễm các con sông xung quanh làm nhiều cá bị chết.
Hồ chứa chất thải này nằm tại xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp đã bị vỡ vào ngày 8/3 nhưng đến hôm nay 12/3 báo chí Việt Nam mới loan tin. Hô chứa này dùng để chứa chất thải của một mỏ thiếc do công ty trách nhiện hữu hạn MTV khai thác.
Truyền thông Việt Nam cũng nói rằng chính quyền huyện Quỳ Hợp đã cùng với các viên chức phụ trách về môi trường đang điều tra nguyên nhân gây ra vụ vỡ đập chứa chất thải này. Những thông tin ban đầu cho biết là người ta phát hiện cá chết ở nơi cách xa hồ chứa chất thải là 15 cây số, và có 300 hec ta lúa của người dân bị hư hại.
Những vụ ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp và khai thác quặng mỏ xảy ra liên tục trong những năm gần đây, mà lớn nhất là vụ nhà máy luyện gang thép Formosa do người Đài Loan đầu tư tại Hà Tĩnh xả chất thải luyện kim ra biển làm cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh bắc Trung Bộ vào tháng tư năm 2016, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người, gây nên những cuộc biểu tình vì môi trường liên tục trong một năm qua.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/mining-waste-broke-03122017073012.html