Tin Việt Nam – 12/02/2018
Cá tra đại gia mua ăn Tết có nguy cơ tuyệt chủng
Truyền thông Việt Nam mới đây đưa tin con cá tra dầu nặng 120 kg được ‘một đại gia mua’ với giá hơn 100 triệu đồng để phục vụ Tết.
Con cá này được vận chuyển bằng đường hàng không từ Campuchia về Việt Nam.
Ông Đặng Đình Mạnh, chủ cửa hàng Cá lăng Việt Trì, được báo Vietnamnet trích lời, cho hay con cá này là do khách đặt mua.
‘VN cần trình giấy phép mua vây cá mập Chile’
Nhân viên thương vụ VN ‘mua vây cá mập cho gia đình’
Ecuador bắt tàu đánh bắt vi cá mập của TQ
Vì sao cá chết không là ‘sự kiện’?
“Bên Campuchia bắt được con cá này, tôi liên hệ để mang về Việt Nam. Nó được cấp đông thật kỹ, vận chuyển bằng máy bay. Khi về Việt Nam, phần ngoài có vẻ mềm nhưng phần trong con cá vẫn rất cứng. Đặc biệt, loại này thuộc dòng rất lâu năm nên thớ thịt chắc, da dày hơn 1cm, chúng tôi phải dùng cưa máy chuyên dụng để xẻ thịt”, ông Mạnh nói.
Ông Mạnh xác nhận thông tin nói trên với BBC qua điện thoại ngày 12/2.
“Loài cá tra dầu to như vậy có giá khoảng hơn 1 triệu đồng/kg,” ông Mạnh nói với BBC.
Khi được hỏi có giấy tờ mua bán và vận chuyển con cá này hay không, ông Mạnh cho biết ‘không tiết lộ được’ do ông không phụ trách khâu này.
Ông Mạnh cũng nói đây là lần đầu tiên chuỗi nhà hàng của ông mua được con cá tra dầu lớn như vậy và không nghĩ nó quý hiếm vì vẫn thấy bán ở thị trường Việt Nam ‘dù nhỏ hơn’.
“Cá tra dầu này cũng nhiều, chẳng qua [đây] chỉ là cá to thôi. Dòng cá da trơn, cá nước ngọt, sông Mekong [có] nhiều. Chủ yếu những con to thì quý thôi chứ không phải dòng cá cấm đâu mà.’
“Mình thấy mọi người bán cũng nhiều nhưng chỉ bán cá bé thôi.”
Đây không phải là lần đầu tiên loài cá khổng lồ này lên báo Việt Nam.
Hồi đầu tháng 1/2018, báo Dân trí đưa tin một nhà hàng ở Hà Nội mua con ‘cá tra dầu quý hiếm’ 160kg từ Cambodia, vận chuyển bằng máy bay về Việt Nam.
Trong bài báo, chủ nhà hàng cho biết “ở Việt Nam cá tra dầu trên 100kg rất hiếm, hầu hết phải nhập ở nước ngoài” và “phải thương lượng rất lâu mới có thể mua được”.
Trước đó, nhiều loại cá ‘lạ’, ‘độc’ khác như ‘cá anh vũ đầu vàng’, ‘cá hô đỏ’, ‘cá dầm xanh’, v.v… cũng được truyền thông Việt Nam đăng tin và hình ảnh kèm những mô tả như ‘rước cá khủng về Hà Nội’, ‘cá được giới nhà giàu ưa chuộng’, ‘cá hiếm’…
‘Có nguy cơ tuyệt chủng’
Trao đổi với BBC ngày 12/2, bà Hoàng Thị Minh Hồng, nhà hoạt động môi trường đồng thời là Sáng lập viên, Giám đốc tổ chức phi chính phủ CHANGE, cho biết:
“Nếu đúng như thông tin trong bài báo thì đây chính là cá tra dầu sông Mekong, còn có tên gọi Mekong giant catfish.”
“Loài này nằm trong sách đỏ của Việt Nam và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng.”
“Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), trong thập kỷ qua, loài này đã mất 90% quần thể, chủ yếu là do tình trạng xây quá nhiều các đập thủy điện dọc sông Mekong.”
“Điều này khiến loài cá này không thể di chuyển đến các khu vực sinh sản được.”
“Ngoài ra còn do tình trạng khai thác, đánh bắt quá mức.”
Bình luận về vụ việc, bà Hồng nói: “Cần phải xem xét lại việc đăng các tin bài trên báo chí như một kiểu cố súy tiêu thụ các loài động vật quý hiếm, một văn hóa tiêu dùng ‘độc’, ‘lạ’, ‘sang’.”
“Các nỗ lực của Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm sẽ còn gian nan hơn nữa nếu truyền thông tiếp tục đưa những thông tin kiểu như vậy.”
“Văn hóa ẩm thực của người Việt Nam cũng là điều đáng bàn khi nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để săn lùng cá quý hiếm, sừng tê tê, thịt tê tê, chân tay gấu, hổ… để ăn Tết hay làm quà biếu Tết.”
Còn theo ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Việt Nam được báo Vietnamnet trích lời, cá tra có rất nhiều loại, trong đó loại trọng lượng nhỏ, chỉ hơn 1kg/con đang được nuôi thương phẩm ở Việt Nam.
“Còn loại cá này [cá tra dầu khổng lồ] thường sống ở khu vực biển hồ, sông. [Đây là] loại cá tra trọng lượng khủng, có nhiều con nặng tới hơn 100kg.”
“Chúng là loại cá nằm trong Sách Đỏ Việt Nam, được xếp vào hạng cực kỳ nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.”
‘Cấm buôn bán’
Cũng theo bà Minh Hồng, loài cá tra dầu khổng lồ bị cấm buôn bán và tiêu thụ, vận chuyển, theo Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
“CITES đã đưa tên loài cá này vào Phụ Lục I từ năm 1975. Nghĩa là việc khai thác, buôn bán, đánh bắt và giết thịt loài này là bất hợp pháp.”
Các nước có loài cá tra khổng lồ Mekong sinh sống bao gồm Việt Nam, Lào, Cambodia, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan.
Những loài có tên trong Phụ lục I là những loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. CITES cấm buôn bán các sản phẩm của các loài này trừ khi mục đích nhập khẩu không phải là thương mại, ví dụ như để nghiên cứu khoa học. Trong các trường hợp ngoại lệ, cần có giấy phép xuất nhập khẩu (hoặc giấy chứng nhận tái xuất), theo quy định của CITES.
“Việt Nam đã tham gia công ước CITES từ năm 1994. Điều này cũng có nghĩa việc vận chuyển con cá này qua đường hàng không từ Campuchia về Việt Nam là ‘buôn bán xuyên biên giới bất hợp pháp'”.
“Việc cửa khẩu và hãng hàng không nào để con cá này được vận chuyển trót lọt mà không qua kiểm tra giấy phép cũng là vi phạm pháp luật.”
“Thực tế các vụ việc thời gian qua được báo chí phản ánh cho thấy nhiều loài động vật quý hiếm có tên trong công ước CITES vẫn được vận chuyển trót lọt về Việt Nam hoặc được người Việt Nam tiêu thụ.”
“Gần đây nhất là vụ người Việt mua hàng trăm vây cá mập phơi khô trên mái Đại Sứ Quán Việt Nam ở Chile.”
“Vụ việc mua bán con cá tra dầu quý hiếm này một cách công khai khiến cộng đồng bảo tồn thực sự lo ngại về hiệu quả của việc thực thi pháp luật tại Việt Nam.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43029341
Vietnamnet bị chỉ trích
vì đưa tin xẻ thịt cá thuộc loài vô cùng quí hiếm
Báo mạng VietNamNet trong nước vừa bị chỉ trích vì đưa tin về một chủ tiệm bán cá ở Hà Nội bỏ hàng ngàn Mỹ kim mua môt con cá thuộc loài vô cùng quí hiếm, chở bằng máy bay từ Cambodia về Việt Nam để “xẻ thịt đãi khách ngày Tết”.
VietNamNet hôm Chủ Nhật dẫn lời ông Đặng Đình Mạnh, chủ cửa hàng Cá Lăng Việt Trì, khoe mua được con cá tra dầu nặng 120kg, có giá thị trường khoảng 900,000 đồng một kg. Ông Mạnh cho biết con cá có “thớ thịt chắc, da dày hơn 1cm” nên ông phải dùng cưa máy chuyên dụng để xẻ thịt. Tờ báo mạng còn dẫn lời “đại gia” Hà Nội ước lượng con cá chắc phải chế biến được vài chục mâm cỗ với đủ các món như nướng, om măng, vân vân.
Trong cùng ngày, một người sử dụng Facebook tên là Khải Đơn chỉ ra rằng, con cá tra dầu mà đại gia ở Hà Nội mua được, nằm trong Sách Đỏ của Liên Hội Quốc Tế Bảo Tồn Thiên Nhiên IUCN, thuộc hạng mục vô cùng quí hiếm, tức là chỉ dưới hai cấp sau cùng là tuyệt chủng trong thiên nhiên và tuyệt chủng.
Con cá này nổi tiếng ở hồ Tonle Sap thuộc sông Mekong nhưng bắt đầu khan hiếm dần trong thập niên 1970. Khải Đơn chỉ trích rằng, có lẽ chỉ có VietNamNet nghĩ rằng việc bắt một con cá thuộc loài sắp tuyệt chủng mang về nướng thịt là hành vi của người văn minh. Khải Đơn cũng chỉ trích việc tờ báo mạng Việt Nam gọi đây là “con thuỷ quái” thay vì là một con cá.
Sau khi bị chỉ trích, VietNamNet đã âm thầm dỡ bỏ những tấm ảnh chụp đại gia Hà Nội.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/vietnamnet-bi-chi-trich-vi-dua-tin-xe-thit-ca-thuoc-loai-vo-cung-qui-hiem/
Blogger Mẹ Nấm bị chuyển ra trại Thanh Hóa
Tù nhân chính trị blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị chuyển trại từ Khánh Hòa ra Yên Định, Thanh Hóa.
Bà Nguyễn thị Tuyết Lan, thân mẫu của blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho Đài Á Châu Tự Do biết về thông tin này:
“Hôm thứ 2 tuần trước tôi có gặp Quỳnh và được biết Quỳnh bị huyết áp cao và dùng Para bị phù. Cuộc gặp lúc đó chừng 10 phút. Sau đó có thông báo cho gửi đồ cho tù nhân ăn tết.
Sáng ngày 12 tháng 2 tôi đến gửi đồ, khi nghe gọi tên Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tôi vào chuyển đồ nhưng họ nói con tôi đã bị chuyển ra Thanh Hóa vào ngày 7 tháng 2. Tôi hỏi tại sao không cho gia đình biết, họ nói tôi về nhà chờ.”
Theo lời bà Nguyễn Thị Tuyết Lan thì việc đi thăm con gái của bà từ nay sẽ khó khăn vì đường xá xa xôi:
“Hơn 1.000 cây số mà tôi phải đi xe lửa ra ga Thanh Hóa, sau đó còn phải đi xe lên Trại Yên Định nữa.
Họ biết hoàn cảnh gia đình tôi. Tôi đã 63 tuổi phải nuôi một mẹ già bị lẫn và hai con nhỏ của Quỳnh. Họ đã tuyên án Quỳnh 10 năm, rồi bây giờ còn trút ‘đòn thù’ lên gia đình để ‘triệt tiêu’ chúng tôi.”
Trại 5 Yên Định, Thanh Hóa là nơi hiện còn tù nhân chính trị nữ Nguyễn Đặng Minh Mẫn đang bị giam. Trước đây, một số tù chính trị nữ khác như Tạ Phong Tần, Cấn Thị Thêu cũng từng bị giam tại đó.
Nhiều người tại Việt Nam lâu nay than phiền tình trạng tù nhân chính trị bị chuyển đến nơi giam giữ xa nhà khiến thân nhất hết sức vất vả khi đi thăm hằng tháng. Đây cũng bị lên án là biện pháp hà khắc đối với tù chính trị mà chính quyền Hà Nội thực hiện lâu nay.
Singapore phạt một phụ nữ Việt 18 tháng tù
vì tổ chức 6 đám cưới giả
Nhà chức trách Singapore báo động về hiện tượng ngày càng nhiều người đàn ông đảo quốc kiếm tiền bằng cách làm đám cưới giả với phụ nữ Việt Nam.
Trang mạng của nhật báo Today hôm Chủ Nhật 11 tháng 2 đưa tin về đường dây của ông Adrian Kin, 37 tuổi, người Singapore, và bà Hồ Thị Bé Ba, 31 tuổi, công dân Việt Nam. Họ đã lập đám cưới giả cho 6 cặp chồng Singapore, vợ Việt.
Những người đàn ông Singapore do ông Kin tuyển mộ đã được trả từ 3,000 đến 5,000 đô la Singapore (từ 2,260 đến 3,765 Mỹ kim). Các phụ nữ Việt Nam do bà Bé Ba môi giới đã trả tiền để được đường dây này giúp xin thị thực du lịch vào Singapore.
Tờ Today cho biết, ông Kin và bà Bé Ba đã tổ chức đám cưới giả cho cặp thân chủ đầu tiên của họ vào năm 2016. Chú rể là Wong Kean Mun, 32 tuổi, được trả 3,000 đô la Singapore để làm đám cưới với cô dâu Lê Thị Cẩm Tiên, 26 tuổi. Ông Wong sau đó tự mình môi giới cho hai đám cưới giả khác. Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Kin bị tuyên án 18 tháng tù và nộp phạt 24,000 đô la Singapore, còn bà Bé Ba bị 18 tháng tù hồi tháng 10.
Một thống kê do cơ quan di trú Singapore đưa ra hôm 8 tháng 2 cho biết, từ tháng 7 đến tháng 12 năm ngoái, có 6 cặp chồng Singapore, vợ Việt bị phát giác lập đám cưới giả. Theo luật Singapore, hình phạt cho tội làm đám cưới giả lên tới tối đa 10,000 đô la Singapore hoặc 10 năm tù, hoặc cả hai.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/singapore-phat-mot-phu-nu-viet-18-thang-tu-vi-to-chuc-6-dam-cuoi-gia/
Tết của người Việt tại Mỹ đã tới gần
Mai vàng đã hé nụ khoe những cánh hoa ngấp nghé trong các nhà vườn của người Việt ở Florida, tiểu bang có khí hậu gần gũi nhất với Việt Nam tại nước Mỹ. Bánh chưng xanh cũng đã được nhiều cửa tiệm hối hả gói ngay từ bây giờ để chuẩn bị cung cấp cho các gia đình đón một cái Tết sum vầy bên người thân. Còn tại các ngôi chùa, các hội Thánh và những cộng đồng khác nhau của người Việt hải ngoại, người ta cũng đã chuẩn bị xong các chương trình đón Tết. Năm nay, Tết Mậu Tuất rơi đúng vào dịp cuối tuần nên đây sẽ là một cái Tết đầm ấm cho hầu hết các gia đình người gốc Việt tại Mỹ.
Mai nở trên đất Mỹ
Đứng giữa vườn mai hơn 10.000 gốc tại thành phố Sarasota, tiểu bang Florida, anh Sang Bùi, chủ vườn mai được coi là lớn nhất và cũng là đầu mối cung cấp mai quan trọng nhất cho hầu hết các tiểu bang của nước Mỹ, vui mừng ra mặt. Năm nay, dù khu vực đông bắc nước Mỹ phải chịu một đợt giá lạnh kỷ lục và Florida cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, nhưng may mắn vườn mai của anh vẫn phát triển tốt. Ngay từ giữa tháng 11, anh Sang đã tỉa bớt lá để chuyển mai đi phục vụ những khu vực có khí hậu lạnh như ở Canada và một số tiểu bang phía Bắc của nước Mỹ. 9.000 gốc mai bán buôn cho tới thời điểm này đã được anh Sang chuyển tới đại lý ở các tiểu bang xa.
Hiện tại, cả khu vườn chỉ còn lại gần 1.000 gốc để bán lẻ cho khách hàng tới từ các tiểu bang lân cận như New York, thủ đô Washington DC hay Virginia và Maryland. Anh Sang cũng cho biết nhu cầu về mai cho dịp Tết năm nay cao hơn 30% so với những năm gần đây. Phần lớn các gốc mai còn lại trong vườn của anh cho tới thời điểm này đã hé nụ, những cánh mai vàng đã chuẩn bị bung nở và, theo kinh nghiệm nhiều năm trồng mai trên đất Mỹ, anh Sang dự tính những gốc mai này sẽ nở rực rỡ đúng vào dịp Tết âm lịch sắp tới đây. Mặc dù còn hơn 4 tuần nữa mới chính thức đến Tết, nhưng hiện đã có rất nhiều khách hàng tới với vườn mai của anh Sang để mua và ngắm mai.
1.000 gốc mai còn lại này thì chỉ khoảng hơn 2 tuần nữa là sẽ được bán hết…
Anh Sang Bùi, chủ vườn mai vàng tai Sarasota, Florida
Anh Sang cho biết: “Từ sáng tới giờ, tôi cũng đã phục vụ khoảng hơn 200 khách ghé thăm vườn. Chủ yếu họ tới đây để coi mai, xem có cây nào đẹp, giá cả hợp lý là họ mua. Còn không thì mọi người ngắm mai chụp ảnh. Nói chung khoảng 1.000 gốc mai còn lại này thì chỉ khoảng hơn 2 tuần nữa là sẽ được bán hết…”
Bánh chưng, bánh tét
Ngoài một cây mai vàng cho không khí gia đình thêm ấm áp thì tất nhiên bánh chưng, bánh tét cũng là những thức không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt dù là ở Việt Nam hay ở hải ngoại. Mấy tuần gần đây, các cửa tiệm bán đồ ăn của người Việt nơi thì bắt đầu nhập bánh chưng, bánh tét từ các cơ sở sản xuất, nơi thì cũng đã chuẩn bị đầy đủ gạo nếp, đỗ xanh để cho ra lò những chiếc bánh chưng, bánh tét phục vụ cộng đồng. Do không có nguồn lá dong nên hầu hết bánh trưng, bánh tét ở Mỹ được gói bằng lá chuối đông lạnh nhập khẩu từ Thái Lan nhưng vẫn đảm bảo màu xanh mướt của vỏ bánh, đúng với thói quen “bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành” trong dịp Tết.
Là một trong những cửa tiệm hiếm hoi tại tiểu bang Virginia thường xuyên sản xuất bánh chưng, bánh tét tại chỗ phục vụ các gia đình người Việt, tiệm bánh Kim Phụng những ngày này đã bắt đầu các công đoạn gói và luộc bánh để bán cho những người háo hức muốn thưởng thức mùi vị bánh mới trước dịp Tết.
Trong gian bếp rộng rãi nhưng giờ đây cũng trở thành chật chội với đầy những gạo nếp đã ngâm nước vừa tới, đậu xanh đồ chín, lá chuối và những nồi bánh sôi ùng ục, ông Trần Hán Vinh, chủ tiệm cho biết: ” Trung bình mỗi năm tiệm chúng tôi cung cấp từ 1.000 cho tới 2.000 chiếc bánh chưng, bánh tét các loại phục vụ bà con đón Tết. Thường thì trong 2 tuần cuối cùng trước Tết là khách hàng đông nhất, những ngày đó là cả tiệm bận bịu từ sáng tới tối.
Trung bình mỗi năm tiệm chúng tôi cung cấp từ 1.000 cho tới 2.000 chiếc bánh chưng, bánh tét các loại phục vụ bà con đón Tết. Thường thì trong 2 tuần cuối cùng trước Tết là khách hàng đông nhất, những ngày đó là cả tiệm bận bịu từ sáng tới tối.
Ông Trần Hán Vinh, chủ tiệm Kim Phụng, Virginia
Nhưng ngay từ bây giờ cũng đã có nhiều người tìm tới để mua bánh về thưởng thức trước Tết rồi.”
Ông Vinh cũng cho biết thêm do lượng bánh chưng, bánh tét được cung cấp ra ngoài thị trường tăng đột biến trong những ngày giáp Tết, nên cửa tiệm của ông phải tính toán rất kỹ về nhân công phục vụ việc gói và luộc bánh để có bánh mới kịp giao cho khách hàng. Nếu số lượng khách trong những ngày tới tăng cao hơn nữa thì tiệm của ông sẽ buộc phải thuê thêm nhân công, và tăng thêm giờ làm việc để đáp ứng.
Các sinh hoạt văn hóa cộng đồng
Còn tại các hội Thánh và các ngôi chùa của cộng đồng người Việt, mặc dù vào ngày trong tuần vẫn là một không khí trầm lắng, yên tĩnh nhưng những chương trình chào đón giao thừa và Tết nguyên đán cho bà con hiện đã được lên lịch và sắp xếp cẩn thận.
Thượng tọa Thích Thông Đạt, chủ trì chùa Giác Hoàng, ngôi chùa được xây dựng từ cuối những năm 1970 tại thủ đô Washington DC, cho biết trong đêm 30 tết, nhà chùa sẽ mở cửa đón khách thập phương và làm lễ chào đón năm mới và riêng ngày mùng 1 đầu năm thì sẽ có một buổi lễ cầu an cho bà con, Phật tử gần xa. Hiện tại thì các Phật tử ở xung quanh chùa và những tín hữu thường xuyên tham gia vào các hoạt động Phật sự đã chuẩn bị đầy đủ các hoạt động để chào đón hàng nghìn Phật tử từ Washington DC, Virginia và Maryland đến chùa thắp hương trong dịp Tết nguyên đán sắp tới.
Tại các hội Thánh, nhiều chương trình đón Tết vào ngày chủ Nhật 18/2, tức ngày mùng 3 tết cũng đã được chuẩn bị với nhiều hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống như múa lân hay lì xì đầu năm cho các em nhỏ để tạo ra một không khí quê hương, thân thuộc cho các gia đình gốc Việt trên đất Mỹ.
Mục sư Phan Đức Hiếu, Hội Thánh Giám lý Việt – Mỹ cho biết: “Thường thì người Việt mình xa quê hay nhớ về quê hương mỗi dịp năm hết Tết đến. Vì thế mà Hội Thánh chúng tôi cố gắng tổ chức các chương trình phục vụ cộng đồng, để có thể đem không khí Tết đến với mọi gia đình. Đây rõ ràng là dịp hiếm hoi để các gia đình ngồi lại với nhau, để con em được vui chơi, được lì xì, được biết về cái Tết truyền thống ở Việt Nam, bởi phần lớn các em đều sinh ra ở đây, không biết nhiều về các sinh hoạt văn hóa truyền thống Việt Nam.”
Đây rõ ràng là dịp hiếm hoi để các gia đình ngồi lại với nhau, để con em được vui chơi, được lì xì, được biết về cái Tết truyền thống ở Việt Nam, bởi phần lớn các em đều sinh ra ở đây, không biết nhiều về các sinh hoạt văn hóa truyền thống Việt Nam…
Mục sư Phan Đức Hiếu, Hội Thánh Giám lý Việt – Mỹ, Virginia
Trở lại với anh Sang Bùi, chủ vườn mai tại thành phố Sarasota tiểu bang Florida, câu chuyện của anh về cơ duyên anh đến với cây mai cũng là câu chuyện mà nhiều người Việt đã trải qua trong những ngày đầu đặt chân đến nước Mỹ khi Tết đến xuân về. Là con trong một gia đình nông dân đông con ở miền Nam, anh Sang qua Mỹ một mình. Trong những ngày cuối cùng của năm cũ và một cái Tết chuẩn bị đến, ngồi nhớ về những ngày Tết khi còn ở Việt Nam, anh không thể quên được hình ảnh cây mai vàng được trồng trước cửa nhà cha mẹ.
Anh Sang cho biết: “Mình sang đây có một mình, lúc đấy Tết nhớ nhà lắm. Nhớ đến cây mai vàng trước cửa nhà. Mà bên này thì thời tiết lạnh giá nên rất khó trồng mai. Phần lớn mọi gia đình nhiều năm trước chỉ ngắm mai qua tivi, tranh ảnh, sách báo, chứ không có mai vì không trồng được.”
Sau nhiều lần thử nghiệm và thất bại, cuối cùng anh Sang cũng thành công trong việc trồng, phát triển và giúp mai nở đúng dịp Tết hàng năm. Những gốc mai vàng của anh giờ đã có mặt ở hầu khắp các tiểu bang của nước Mỹ phục vụ đồng bào, đem không khí Tết và đem xuân về với mọi nhà.
Vào cuối tuần sau, các hoạt động hội chợ hoa và hàng hóa, thực phẩm ngày Tết của các cộng đồng gốc Việt cũng bắt đầu được tổ chức ở nhiều nơi để phục vụ bà con tại các tiểu bang trên đất Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/tet-cua-nguoi-viet-tai-my-da-toi-gan/4212459.html
Tác giả Mỹ: ‘Có một sự kiểm duyệt kỳ dị ở Việt Nam’
Những chỉ trích của tướng Võ Nguyên Giáp đối với dự án khai thác bauxite của Trung Quốc và tình yêu nước Mỹ của điệp viên Cộng sản Phạm Xuân Ẩn bị cắt bỏ hoàn toàn khỏi một cuốn sách của một nhà văn Mỹ, qua sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam.
Cả tướng Giáp và ông Ẩn đều chỉ trích Đảng Cộng Sản, theo nhà văn Thomas Bass – hiện là giáo sư Báo Chí và Văn Chương Anh tại Đại học Albany, New York; và những điều đó đều biến mất khỏi tác phẩm của ông (“The Spy Who Loved Us” – Người Điệp Viên Yêu Chúng Ta) khi nó được dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở trong nước dưới cái tên “Điệp viên Z21 – Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ.”
Đây là cuốn sách thứ 2 trong 3 cuốn về Việt Nam của nhà văn chuyên viết về văn hóa và lịch sử. “The Spy Who Loved Us” được xuất bản năm 2009 bằng tiếng Anh và 5 năm sau được ra mắt trong nước, bằng tiếng Việt, với tựa đề “Điệp viên Z21 – Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ.”
Sự méo mó của phiên bản tiếng Việt về điệp viên Phạm Xuân Ẩn so với nguyên bản tiếng Anh đã khiến tác giả tìm hiểu và viết thêm một cuốn sách khác: “Censorship in Vietnam: Brave New World” (Kiểm duyệt ở Việt Nam: Thế giới can đảm mới).
Tướng Giáp cũng biến mất
Hãy bắt đầu với “The Spy Who Loved Us”. Đầu những năm 1990, nhà văn Bass gặp người điệp viên Phạm Xuân Ẩn, nổi tiếng với vỏ bọc một phóng viên của tạp chí Time trong thời gian chiến tranh Việt Nam, nhiều lần trong suốt thập kỷ ‘90 cho đến những năm 2000.
Trong những lần nói chuyện riêng tại nhà ông Ẩn ở thành phố HCM có cảnh sát túc trực bên ngoài, ông Ẩn cho nhà văn người Mỹ biết ông được đọc 2 bức thư của tướng Giáp viết trước khi mất để phản đối vụ khai thác mỏ bauxite của Trung Quốc ở Tây Nguyên.
“Tướng Giáp gần như biến mất (khỏi cuốn sách). Ông ấy không được sủng ái vì có thể ông ấy được cho là quá thân phương Tây và có quan điểm chống lại khai thác bauxite của Trung Quốc và bởi vì ông ấy chỉ trích Đảng Cộng Sản. Nên vào thời điểm ông ấy qua đời, ông bị coi là ‘political hot potato (vấn đề chính trị gây tranh cãi) theo cách nói của người Mỹ.” Theo lời Giáo sư Bass.
Những phần ông Ẩn, người bị nằm dưới sự theo dõi của chính phủ Việt Nam trong thời gian gặp gỡ ông Bass và nhiều vị khách nước ngoài khác tới thăm, đưa ra quan điểm về Đảng Cộng sản và tham nhũng cũng bị cắt bỏ khỏi cuốn sách.
“Phạm Xuân Ẩn chỉ trích nặng nề Trung Quốc và vai trò của họ trong nền văn hóa Việt Nam. Tất cả những cái đó biến mất khỏi cuốn sách. Và tất nhiên bất cứ chỉ trích nào đối với Đảng Cộng sản đều bị kiểm duyệt trực tiếp. Và những thảo luận của ông về ý định đưa dân chủ hay bất cứ dạng quyền lực chính trị nào vào Việt Nam cũng bị trực tiếp cắt bỏ.” Vẫn theo lời tác giả Thomas Bass.
“Ẩn không được phép yêu nước Mỹ”
Mặc dù hoạt động tình báo cho chính phủ Cộng sản Bắc Việt nhưng Phạm Xuân Ẩn lại “cởi mở với văn hóa Mỹ và đề cao sự tự do của nền dân chủ Mỹ,” theo nhà văn Bass, người mất 10 năm để viết về ông Ẩn trong cuốn “Người điệp viên yêu chúng ta.”
Ông Thomas Bass là một nạn nhân tại vì ông đã bị kiểm duyệt khá nhiều với những cuốn sách của ông in ở Việt Nam. Khi người ta cắt gọn bản thảo thì ông không còn nhận ra cuốn sách của mình nữa.
Nhà báo Phạm Chí Dũng
Ông Bass phân tích: “Phạm Xuân Ẩn không được phép yêu nước Mỹ. Ông ấy không được phép ngưỡng mộ nước Mỹ hay tôn trọng nước Mỹ theo bất cứ cách nào. Tất cả những cái đó bị cắt bỏ. Cắt hết.”
Phạm Xuân Ẩn, người được coi là một trong những điệp viên giỏi nhất trong lịch sử thế giới, theo lời của giáo sư Bass, được đào tạo đầu tiên bởi điệp viên người Mỹ lừng danh, Edward Lansdale, và sau đó theo học tại một trường ở California nên ông ấy “rất yêu văn hóa Mỹ.”
Đó là lý do vì sao Thomas Bass đặt tên cho cuốn sách là “Người điệp viên yêu chúng ta,” và “chúng ta” ở đây là Mỹ.
Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, ông Ẩn đã rất hy vọng được chuyển sang Mỹ sinh sống nhưng bị Bộ Chính trị ngăn cản. Đó là phần bị kiểm duyệt trong một cuốn sách khác về Phạm Xuân Ẩn do Larry Berman, một giáo sư người Mỹ của Đại học tiểu bang Georgia, viết.
Theo những tài liệu của WikiLeaks, cuốn sách của Berman có tên “Perfect Spy” (Điệp viên hoàn hảo) cũng bị kiểm duyệt gắt gao và quyết định có nên xuất bản cuốn sách của Berman hay không đã lên đến tận Thủ tướng chính phủ. Nhưng ông Berman phủ nhận điều đó, theo giáo sư Bass.
Theo ông Bass, những nỗ lực kiểm duyệt này “nhằm làm bình thường hóa hình ảnh ông Phạm Xuân Ẩn.”
“Có những nỗ lực để loại bỏ sự hài hước dí dỏm trong ông ấy, loại bỏ tình yêu nước Mỹ của ông ấy hay công việc làm báo của ông ấy. Những nỗ lực nhằm loại bỏ tất cả những điều đó để làm cho ông ấy trở thành một đảng viên Cộng sản tốt mà thực tế ông ấy chưa bao giờ là vậy.”
Nhưng nhà văn Bảo Ninh đã nhận ra những kiểm duyệt trong cuốn sách của ông Bass xuất bản ở Việt Nam. “Bảo Ninh biết chính xác đoạn nào đã bị can thiệp,” ông Bass nói.
Kiểm duyệt ‘kỳ dị’
Kiểm duyệt đang trở nên tệ hại hơn ở Việt Nam, theo giáo sư Bass. Ông cho rằng điều này đang làm hủy hoại nền văn hóa Việt Nam bởi nó “làm thụt lùi lịch sử và thời gian.”
Sự kiểm duyệt ở Việt Nam thật là “kỳ dị” khi chính quyền kiểm duyệt tất cả mọi thứ, ông Bass nói.
Phạm Xuân Ẩn không được phép yêu nước Mỹ. Ông ấy không được phép ngưỡng mộ nước Mỹ hay tôn trọng nước Mỹ theo bất cứ cách nào. Tất cả những cái đó bị cắt bỏ. Cắt hết.
Tác giả Thomas Bass
Sau khi phiên bản tiếng Việt cuốn sách của ông ra mắt với cái tên “Điệp viên Z21 – Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ,” một cái tên mà ông nói “không biết họ lấy đâu ra và dường như Z21 là bí danh của ông Ẩn,” giáo sư Bass quyết định quay về Việt Nam để tìm gặp những người đã “kiểm duyệt” sách của ông và tìm hiểu quá trình kiểm duyệt ở Việt Nam diễn ra như thế nào và tại sao phải mất đến 5 năm để biên dịch cuốn sách của ông.
Cuốn sách của ông bị cắt đến hơn 400 đoạn và nhiều cái tên đã biến mất khỏi cuốn sách, trong đó nhà báo Bùi Tín, hiện đang sinh sống ở Paris, Pháp, đã hoàn toàn không còn trong đó nữa.
Nhã Nam và Hồng Đức là hai công ty chịu trách nhiệm xuất bản cuốn sách này.
VOA đã không nhận được phản hồi yêu cầu bình luận về việc kiểm duyệt cuốn sách của giáo sư Bass trong quá trình xuất bản.
Nhã Nam là một nhà xuất bản độc lập và trong con mắt của tác giả Bass là “tốt” nhưng vì “họ hoạt động trong nền văn hóa Việt Nam nên không có lựa chọn nào khác là phải kiểm duyệt sách.”
“Ông Thomas Bass là một nạn nhân tại vì ông đã bị kiểm duyệt khá nhiều với những cuốn sách của ông in ở Việt Nam. Khi người ta cắt gọn bản thảo thì ông không còn nhận ra cuốn sách của mình nữa.” Đó là nhận định của Tiến sỹ và nhà báo độc độc lập Phạm Chí Dũng, một trong 5 người mà ông Bass gặp gỡ và đưa những nhận định của họ vào cuốn sách thứ 3 của ông về kiểm duyệt ở Việt Nam ra mắt năm 2017 với tên “Censorship in Vietnam: Brave New World” (Kiểm duyệt ở Việt Nam: Thế giới can đảm mới)
Sau khi tìm hiểu để viết cuốn sách “Kiểm duyệt ở Việt Nam”, giáo sư Bass nhận thấy “Việt Nam có một mạng lưới chỉ để làm những công việc kiểm duyệt” nhưng ông “không thể biết có bao nhiêu người đã tham gia kiểm duyệt cuốn sách” của mình.
Nhà văn Phạm Thị Hoài, người giúp giáo sư Bass xuất bản phiên bản tiếng Việt không bị kiểm duyệt của cuốn “Người điệp viên yêu chúng ta” bên ngoài Việt Nam qua mạng internet, cho rằng cuốn sách thứ 3 của ông là “chân dung truyền thần sinh động về bộ mặt kiểm duyệt ở Việt Nam” và nó “thật đến mức khó chịu.”
Nhà văn bị cấm xuất bản ở Việt Nam và đang sinh sống ở Berlin, Đức, cho rằng cuốn sách này “bao quát hiện tượng kiểm duyệt, phác họa cấu trúc và các hình thái của kiểm duyệt, tìm hiểu bối cảnh của kiểm duyệt và miêu tả chi tiết kiểm duyệt diễn ra như thế nào.
“Vấn đề kiểm duyệt ở Việt Nam đã tồn tại từ rất lâu và đó là một vết hằn của chế độ, đặc biệt là chế độ độc tài, chế độ một đảng. Việc này cho tới nay không những không giảm đi mà lại còn có chiều hướng gia tăng.” Nhận định của ông Phạm Chí Dũng.
Chế độ kiểm duyệt đã ăn sâu vào bản chất của chế độ này và gần đây còn có một hiện tượng đáng lo nữa là không những kiểm duyệt hệ thống báo chí quốc doanh và văn học nghệ thuật quốc doanh mà chính quyền còn lấn sang kiểm duyệt đối với các nhà mạng của nước ngoài có hoạt động ở Việt Nam, theo nhà báo Phạm Chí Dũng.
Giáo sư Bass nhận định “Việt Nam thực chất đã hủy nền văn hóa của họ và hạn chế rất lớn đến sức tưởng tượng và tiềm năng văn hóa thông qua sự kiểm duyệt. Tôi nghĩ nó ảnh hưởng tệ hại tới nền văn hóa Việt Nam.”
Có bao nhiêu người trên thế giới đang chú ý đến sự kiểm duyệt. Nó là một vấn đề đang trở nên nghiêm trọng. Nó là một vấn đề đối với bất kỳ nền văn hóa nào và khu vực nào trên thế giới.
Giáo sư Bass hy vọng cuốn sách về “Kiểm duyệt ở Việt Nam” sẽ là một chút đóng góp của ông vào việc lưu tâm đến mọi người rằng “kiểm duyệt” là một lực lượng nguy hiểm không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
https://www.voatiengviet.com/a/pham-xuan-an-kiem-duyet-tai-viet-nam/4250063.html
Bão Sanba tiến vào Việt Nam lúc giáp Tết
Bão Sanba giật cấp 11 và đang di chuyển rất nhanh hướng vào Biển Đông với tốc độ 25-30 km/giờ, và dự báo vào chiều 30 Tết (15/2) vị trí tâm bão Sanba cách đảo Trường Sa khoảng 340 km về phía Đông Đông Bắc.
Trang Rappler của Philippines đưa tin rằng bão Sanba đang hoạt động ở khu vực biển miền nam Philippines, có khả năng tiến sâu vào Biển Đông trong những ngày cận Tết Nguyên đán.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương của Việt Nam, lúc 16 giờ ngày 12/2 (tức 27 Tết), vị trí tâm bão Santa ở vào khoảng 7,0 độ Vĩ Bắc; 130,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Nam Philippines khoảng 470 km về phía Đông.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão Sanba di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, theo trang VNExpress.
Tuy nhiên, Báo Người Lao Động trích lời ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, cho biết, khoảng 60% bão Sanba sẽ suy yếu trước khi vào Biển Đông và khi vào Biển Đông chỉ còn là áp thấp nhiệt đới, nhưng ông Hải nói cũng có nhiều khả năng cơn bão có thể mạnh cấp 7-8 và trở thành cơn bão số 2 thổi vào Việt Nam trong năm 2018.
Trước diễn biến bão Sanba vào biển Đông những ngày nghỉ tết, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM yêu cầu các sở ngành “không được chủ quan,” đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó bão.
Theo Tổng Cục Thống kê, năm 2017, Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi 16 cơn bão nhiệt đới. Trong năm qua, bão và lũ lụt khiến 389 người chết hoặc mất tích và làm 668 người bị thương, chủ yếu ở miền bắc và miền Trung của Việt Nam. Thiên tai trong năm 2017 gây ra thiệt hại khoảng 60 nghìn tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm trước đó.
https://www.voatiengviet.com/a/bao-santa-tien-vao-vietnam-luc-giap-tet/4249927.html
Mất hàm giáo sư sau yêu cầu rà soát của thủ tướng?
Sau khi dư luận xôn xao về số lượng người được công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng gần gấp đôi năm 2016, thủ tướng Việt Nam mới đây yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) “xem xét, rà soát” lại quy trình. Một giáo sư lâu năm dự báo một số lượng người “đáng kể” sẽ bị tước hàm do việc rà soát lại.
Báo chí Việt Nam cho hay, Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước hồi đầu tháng này công bố số lượng các tân giáo sư, phó giáo sư được công nhận năm 2017 là 1.226 người, trong đó đại đa số là giáo sư. Con số này gần gấp đôi năm 2016 và gấp 3 lần năm 2011.
Văn phòng Chính phủ sau đó một tuần đã gửi công văn đến Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, nêu rõ giới truyền thông và các giới khác bày tỏ quan ngại về số lượng người nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư “tăng đột biến”, cũng như lo ngại về chất lượng của các vị này.
Công văn viết rằng một mặt dư luận từ nhiều phía hoài nghi về các ứng viên, chỉ ra thực tế là nhiều người trong số họ “không có đủ sách hoặc bài báo khoa học, hoặc không có đủ thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học”, và mặt khác, dư luận cũng lưu ý đến phía xét duyệt, họ nói rằng “một số thành viên hội đồng có rất ít, hay thậm chí không có công bố nghiên cứu khoa học quốc tế, so với các ứng viên”.
“Không ít thông tin cho rằng đã có những dấu hiệu không bình thường khi thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như một ‘đợt vét’ trước khi có quy định mới về tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư”, một đoạn trong công văn của Văn phòng Chính phủ phản ánh.
…tôi tin là diện không nằm trong danh sách nữa, nói cách khác là rà soát lại và sẽ chưa đủ tiêu chuẩn theo các tiêu chí hiện nay đã được đưa ra, thì chắc chắn là sẽ có và sẽ có đáng kể chứ không phải là ít.
Giáo sư Đặng Hùng Võ
Công văn nói thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Nhạ, người cũng là chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước, phải “nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định”. Công văn cũng đặt ra hạn cho ông phải báo cáo kết quả việc rà soát lên thủ tướng trước ngày 20/2 sắp tới.
Ông Đặng Hùng Võ, người được phong hàm giáo sư từ năm 1992, nhận định với VOA rằng việc rà soát sẽ dẫn đến việc rút lại chức danh giáo sư của một số người”.
Ông nói thêm:
“Trong trường hợp này, chắc chắc tôi tin là diện không nằm trong danh sách nữa, nói cách khác là rà soát lại và sẽ chưa đủ tiêu chuẩn theo các tiêu chí hiện nay đã được đưa ra, thì chắc chắn là sẽ có và sẽ có đáng kể chứ không phải là ít”.
Giáo sư Võ, cũng là một cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bình luận rằng yêu cầu của thủ tướng là cần thiết để đảm bảo chất lượng của những người được phong giáo sư, phó giáo sư “không giảm xuống” so với trước đây.
Ông cho rằng Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ thị của thủ tướng và cung cấp lời giải trình. Một giải pháp mà giáo sư Võ đề xuất thực hiện nhằm đánh tan mọi nghi ngờ là Hội đồng Chức danh Giáo sư cần công bố rộng rãi các thông tin, và ông gọi đây là một cách “quản trị tốt”.
Ông nói tiếp:
“Một việc mà chúng ta cần là quá trình công khai toàn bộ danh sách thành tích khoa học, thậm chí là công khai những bài báo, công trình khoa học được chấm. Công trình nào bao nhiêu điểm. Và tiếp nhận ý kiến giám sát của những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học. Chúng ta có thể số hóa và công khai toàn bộ trên mạng của tất cả hơn 1.000 người vừa rồi được vào danh sách”.
…nếu phát hiện trường hợp ứng viên nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư theo quy định, phải báo cáo Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước cương quyết không công nhận.
Công văn của Bộ trưởng GD-ĐT
VOA đã tìm cách liên lạc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ để ghi nhận ý kiến của ông về vấn đề này song không kết nối được.
Theo tường thuật của báo chí trong nước, ngày 9/2, một ngày sau khi có chỉ đạo của thủ tướng, Bộ trưởng Nhạ đã gửi công văn yêu cầu Thường trực Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành, liên ngành tổ chức rà soát lại hồ sơ các ứng viên.
Văn bản của ông Nhạ có đoạn: “Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện trường hợp ứng viên nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư theo quy định, phải báo cáo Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước cương quyết không công nhận”.
Vị bộ trưởng cũng yêu cầu các chủ tịch hội đồng ngành, liên ngành báo cáo với ông, người hiện nắm chức Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước, trước ngày 18/2.
Nhận định về các động thái của cả chính phủ và Bộ GD-ĐT, giáo sư Đặng Hùng Võ dự báo con số giáo sư, phó giáo sư được phong trong năm 2018 có thể không giảm mà vẫn tăng 10 đến 15% so với năm 2017, nhưng không tăng vọt như đã xảy ra trong năm vừa qua.
https://www.voatiengviet.com/a/4249844.html
Mỹ lôi kéo Việt Nam ngừng mua vũ khí của Nga?
Hoa Kỳ đang tìm cách lôi kéo Hà Nội mua vũ khí của mình, thay vì các quốc gia cung cấp truyền thống như Nga, Defense News mới nhận định.
Trang chuyên về tin tức quốc phòng này dẫn lời một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu tên nói rằng phía Washington “khuyến khích” Việt Nam “đa dạng hóa” nguồn vũ khí, thay vì tập trung vào các nước như Nga.
Từ trước đến nay, Washington tìm cách lôi kéo quốc gia cựu thù mua vũ khí của mình trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường tuyên bố chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông bằng việc xây dựng rầm rộ các hòn đảo nhân tạo.
Việt Nam phải tiến hành các quan hệ của mình dựa trên các nguyên tắc phù hợp với lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nói.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nhận xét rằng “người Việt Nam rất hoan nghênh sự hiện diện gia tăng của Mỹ ở khu vực”.
Ông nói thêm: “Việt Nam phải tiến hành các quan hệ của mình dựa trên các nguyên tắc phù hợp với lợi ích quốc gia của Việt Nam. Việt Nam ở trong vị thế khá độc đáo ở vùng Đông Nam Á này, đặc biệt là tại Biển Đông. Với vị trí chiến lược của mình, Việt Nam phải hình thành lập trường và đối sách có tính nguyên tắc và tính nguyên tắc này không thể vì sự biến động tức thời mà bị ảnh hưởng”.
Mới đây, sau khi thăm Việt Nam, Đại sứ Tina Kaidanow, Phó Trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất, phụ trách các vấn đề chính trị – quân sự, bày tỏ hy vọng rằng Việt Nam “sẽ cân nhắc các công ty Mỹ” khi mua vũ khí.
Phát biểu của quan chức ngoại giao này dường như lặp lại mong muốn trước đó của Tổng thống Donald Trump.
Trong chuyến thăm Việt Nam, đích thân ông Trump đã chào bán “máy bay, tên lửa” trong các cuộc gặp song phương với các lãnh đạo của quốc gia Đông Nam Á này.
Nguyên thủ Mỹ mong muốn Hà Nội “mua thiết bị từ Hoa Kỳ” vì “chúng tôi sản xuất máy bay và thiết bị quân sự tốt nhất”.
Năm ngoái, trước khi ông Trump công du Việt Nam, chi nhánh tại Mỹ của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel chi khoảng 40 nghìn đôla (hơn 900 triệu đồng) một tháng cho nỗ lực vận động về quốc phòng và vũ khí tại thủ đô Washington.
VTA Telecom Corporation đã thuê công ty McDermott Will & Emery vận động nhánh hành pháp và lập pháp của Hoa Kỳ về “các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia và quốc phòng của Việt Nam” cũng như “tìm cách tận dụng quyết định gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ giao thương quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”.
Dù phía Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương năm 2016, tới nay, hai nước vẫn chưa ký một thỏa thuận mua bán khí tài nào.
Nhận định về điều này, cựu trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear từng nói với VOA tiếng Việt rằng “các hợp đồng mua bán vũ khí thường rất phức tạp và mất nhiều thời gian để thương lượng”.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm, Việt Nam từng chi hơn 4 tỷ đôla để mua sắm thiết bị quân sự năm 2015.
Phần lớn các máy bay chiến đấu và toàn bộ đội tàu ngầm của Việt Nam hiện nay được sản xuất tại Nga.
https://www.voatiengviet.com/a/my-loi-keo-viet-nam-ngung-mua-vu-khi-cua-nga/4249759.html
Người Việt ‘chơi, làm, chạy, và ăn Tết’
2017, dù kinh tế khó khăn, người dân trong nước cố gắng gượng dậy để đón năm mới Mậu Tuất với nhiều kỳ vọng cho một cuộc sống sung súc, ấm no, giảm tham nhũng, và xóa bỏ độc tài. Phóng viên VOA Việt Ngữ trò chuyện cùng một số người dân từ các vùng miền trên cả nước về không khí đón Tết Nguyên Đán. Mời độc giả cùng theo dõi.
Từ đầu tháng Chạp, tại quận Tây Hồ, Hà Nội, người dân bắt đầu đến nhà vườn trồng đào để tham quan và lựa cho mình cây đào ưng ý nhất chuẩn bị đón Tết, hay chụp ảnh lưu niệm khoảnh khắc Xuân cùng người thân. Năm nay, với thời tiết lạnh vừa phải, ông Hiệp Vụ, chủ vườn đào cùng tên ở Tây Hồ kỳ vọng chất lượng hoa năm nay sẽ “tốt hơn năm ngoái và khách hàng đến vườn đào năm nay cũng sẽ đông hơn.”
Tôi cầu mong đất nước Việt Nam sẽ có nhiều người trẻ ý thức được hơn và bộc lộ tiếng nói của mình, vì tình hình chính trị ở Việt Nam không được tốt lắm.
Một thanh niên Bình Thuận đang học tại Sài Gòn
“So với mọi năm thì năm nay xu hướng người dân Thủ Đô đến tham quan vườn đào và bật gốc mua đào nhiều hơn và sớm hơn. Chất lượng hoa đào năm nay cũng tốt hơn do thời tiết đang ủng hộ.”
Ông chủ vườn đào cho biết những cây đào thế, đào lâu năm, đào tạo hình Khuyển có giá hàng chục triệu đồng phải cần đến cần cẩu để vận chuyển khi có người đến hỏi mua.
“Nhà vườn của tôi có rất nhiều đào, là vườn đào điển hình của khu làng đào truyền thống Nhật Tân, quận Tây Hồ. Sản phẩm đa dạng từ cây mini bonsai nhỏ đến cây to phải dùng đến cần cẩu để vận chuyển.”
Nhiều người mua đào để chưng trong nhà, nhưng cũng có không ít cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp mua đào biếu nhau trong dịp Tết.
Tuy nhiên, vào tháng trước, Ban Bí Thư Trung Ương ra chỉ thị nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, hay cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức, và đương nhiên trong đó có việc cấm tặng hoa đào. Nhưng có lẽ chỉ thị của lãnh đạo Hà Nội sẽ không làm cho những hộ kinh doanh Tết như nhà vườn Hiệp Vụ thất thu.
Khác với quy mô hoa Tết rộng lớn như nhà vườn Hiệp Vụ hay lượng khách hàng hạng sang ở thủ đô Hà Nội, nhà vườn ông Sáu Quí ở làng hoa cái Mơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có vài chục chậu mai vàng, và kiểng tạo hình rồng và khuyển phục vụ cho người dân địa phương.
Những người ở xa, như ở miền Trung, miền Bắc thì rất tội cho họ. Những năm trước họ nghỉ Tết đến 9 ngày, nhưng năm nay nghỉ có 7 ngày, và sau đó doanh nghiệp có thể dựa vào hợp đồng, vào tình hình chung mà cho công nhân nghỉ làm.
Đoàn Huy Chương
Dù có đặc tính khác nhau, điểm chung của hoa đào phương Bắc cũng như hoa mai phương Nam là tinh hoa của Ngũ Hành, có thể xua đuổi bách quỷ, mang đến cho con người cuộc sống bình an, hạnh phúc, làm ăn thuận lợi, phát tài, gia đình vui vẻ.
“Hai vợ chồng cũng ráng làm sao để nuôi tụi nhỏ ăn học đàng hoàng, có dư chút ít” là niềm mong mỏi của ông Sáu Quí. Ông nói gia đình có 4 công đất, cũng tạm nuôi sống cho bốn người: “Năm nay làm kiểng cũng hơi ít, hy vọng kiếm được khoảng 40-50 triệu. Ngoài ra, gia đình còn bán tạp hóa, trồng cam, bưởi, kiếm mỗi thứ một mớ. Bốn công đất vừa đủ để lo hai đứa con ăn học.”
Ông Sáu Quí nói rằng tuy với thu nhập gia đình ít ỏi nhưng vợ chồng ông vẫn cố gắng nuôi cho hai người con học đại học tại thành phố Cần Thơ và Vĩnh Long, chứ nếu cả hai cùng học ở thành phố Hồ Chí Minh thì ông khó bề lo xuể.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi có chi phí sinh hoạt đắt nhất nước và cũng là nơi thu hút hàng triệu lao động đến từ các tỉnh, cuộc sống của công nhân dịp Tết cổ truyền càng thêm khó khăn do tình hình kinh tế năm qua không khởi sắc, cộng thêm áp lực cuộc sống đô thị và hơn nữa, vé xe về quê ăn Tết tăng mạnh trong khi thưởng Tết lại không cao.
Ông Đoàn Huy Chương, đại diện Phong Trào Lao Động Việt, nói với VOA rằng tiền thưởng Tết năm nay của công nhân nhiều khả năng bị bắt bớt: “Thông qua một số anh em ở công ty như Pouyuen Biên Hòa, Pouyuen Tân Tạo, khu Công nghiệp Tân Hương, hay các khu công nghiệp ở Bình Dương cho biết năm nay kinh tế khó khăn, doanh nghiệp có thể cắt bớt tiền thưởng và giảm bớt lao động vì tình hình chung là Việt Nam không còn ưu đãi nhà đầu tư như những năm về trước.”
Trong tháng 1/2018, nhiều nơi trên cả nước, hàng nghìn công nhân nhà máy sản xuất giầy da Tam Cường thuộc công ty TNHH Đỉnh Vàng ở Hải Phòng và nhà máy may mặc của Công ty TNHH Moon Chang Vina ở Quảng Nam đồng loạt ngừng việc tập thể vì không bằng lòng mức thưởng Tết, theo báo Lao Động.
Tuy nhiên, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ Tịch Công Đoàn Công Ty Pou Yuen Bình Tân thành phố HCM, nơi có 90 ngàn công nhân đang làm việc, nói với VOA hôm 22/1 rằng tiền thưởng Tết cho công nhân năm nay là “khá tốt,” nhưng ông không đưa ra chi tiết.
Là người đại diện cho tổ chức bảo vệ quyền lợi cho công nhân ở những nơi không có công đoàn độc lập, ông Chương còn cảnh báo rằng công nhân nghỉ Tết xong cũng có nguy cơ mất việc vì bị giới chủ cắt hợp đồng một cách ‘hợp pháp’ mà không báo trước.
“Những người ở xa, như ở miền Trung, miền Bắc thì rất tội cho họ. Những năm trước họ nghỉ Tết đến 9 ngày, nhưng năm nay nghỉ có 7 ngày, và sau đó doanh nghiệp có thể dựa vào hợp đồng, vào tình hình chung mà cho công nhân nghỉ làm. Công nhân không vi phạm họ cũng có thể cắt hợp đồng vì trước đây họ ký hợp đồng vô thời hạn nhưng hợp đồng hiện nay được sửa lại là không xác định thời hạn, cho nên họ có quyền sa thải công nhân bất cứ lúc nào. Đó là điểm lách luật của doanh nghiệp cũng như của nhà nước Việt Nam.”
Mức sống của sinh viên rất thấp. Tụi em chạy Grab thì mỗi ngày từ 5 đến 7 tiếng kiếm được 200 ngàn.
Nguyễn Du Hiếu, Sinh Viên
Cùng chung nỗi khó khăn với người công nhân, các sinh viên từ các tỉnh vừa học vừa làm ở thành phố lớn nhất Việt Nam, cũng sẽ đón Tết với hầu bao khiêm tốn, nếu không muốn nhận chu cấp của gia đình.
Anh Nguyễn Du Hiếu, sinh viên ngành tài chánh ngân hàng, chia sẻ: “Mức sống của sinh viên rất thấp. Tụi em chạy Grab thì mỗi ngày từ 5 đến 7 tiếng kiếm được 200 ngàn. Học một buổi, làm một buổi. Sống với mức 200 ngàn cũng tàm tạm. Tiền nhà trọ là 1 triệu một tháng, ăn uống thêm 2 triệu nữa, sống chắt bót lắm! Nhưng không phải ngày nào cũng chạy Grab được hết.”
Sinh viên chạy xe ôm Grab Bike ngoài giờ học là việc làm thêm phổ biến ở Sài Gòn. Thế nhưng thu nhập của họ từ đầu năm 2018 bị giảm đi khi mức chiết khấu bị tăng thêm 3,6%, tức là từ 20% lên 23,6%, khiến “chén cơm” ngày càng giảm bớt do Grab Việt Nam khấu trừ 4,5% nghĩa vụ thuế trên 80% doanh thu tài xế nhận được.
Grab Việt Nam bắt đầu kinh doanh từ tháng 2/2014 với vốn pháp định 20 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2017 đã lỗ lũy kế hơn 900 tỷ đồng. Vào tháng 1/2018, đại diện hãng tiết lộ với báo chí rằng việc tăng mức chiết khấu đối với tài xế là làm theo “hướng dẫn” của cơ quan thuế để đảm bảo nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.
Trong thông điệp đầu năm dương lịch 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa sẽ quyết liệt xử lý nợ xấu, bài trừ tham nhũng, chấn chỉnh lạm thu phí BOT, giảm nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia, sau khi Ngân Hàng Thế Giới cảnh báo nợ công Việt Nam tăng gấp 11,5 lần trong 14 năm.
Câu chuyện của người bán kiểng, của anh công nhân, của anh sinh viên chạy Grab, của công ty Grab Việt Nam, và của cả chính phủ đều xoay quanh chuyện tiền nong. Nhưng có lẽ những khó khăn về tài chính không làm cho người Việt Nam quên đi hương sắc và mùi vị ngày Tết, vì đó là phong tục cổ truyền, nét đẹp văn hóa từ bao đời nay.
Từ thành phố Huế, bà Phạm Thị Nhật Linh, một người kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, nói rằng nhu cầu vay tiền chi xài cho dịp Tết có tăng lên, nhưng không cao hơn những năm trước, một phần do người dân cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, theo bà Linh, gia đình nào cũng cố gắng mua những món phổ biến của vùng cố đô để cúng tổ tiên, ông bà và thiết đãi bạn bè, thân hữu trong những ngày Tết.
Bà Linh nói: “Hiện tại Tết ở đây có bánh mứt, bánh chưng, bánh tét, các món chua ngọt, củ kiệu, bò dầm chắc chắn phải có trong ngày Tết.”
Ngày Tết ở trong Nam, ngoài mâm ngũ quả, hoa mai và bánh tét, người dân còn chuộng món canh hầm khổ qua với mong muốn những điều khó khăn chóng qua mau.
Từ Long An, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang nói: “Trong Nam, món ăn của mình có ý nghĩa rất thâm sâu, ví dụ như phải có món canh khổ qua, mong làm sao cho năm tháng vất vả qua đi để hưởng phúc thái bình, năm sau được an khang, thịnh vượng, có được điều may mắn.”
Khi được hỏi kỳ vọng điều gì nhất cho đất nước trong năm mới Mậu Tuất, nhiều người nói rằng ước mong dân mình thêm giàu, nước mình thêm mạnh, không bị ngoại xâm, bớt nạn tham nhũng.
Một thanh niên ở Bình Thuận đang học tập tại thành phố Hồ Chí Minh nói: “Tôi cầu mong đất nước Việt Nam sẽ có nhiều người trẻ ý thức được hơn và bộc lộ tiếng nói của mình, vì tình hình chính trị ở Việt Nam không được tốt lắm. Một chế độ độc tài thì không thể nào phát triển được. Để phát triển thì phải có cạnh tranh như các nền dân chủ khác. Tôi ước mong chính phủ Việt Nam không còn độc tài, mọi người biết sống yêu thương nhau hơn và không vô cảm.”
Theo sinh viên này, nếu Việt Nam chỉ phát triển kinh tế thôi thì vẫn chưa đủ; nếu người dân, doanh nghiệp và chính phủ chỉ lo làm giàu thôi thì chưa thể giúp Việt Nam tiến bộ, một điều mà chắc chắn giới lãnh đạo Việt Nam đã nhận biết, ít ra là khi các thiếu nhi Hà Nội ngân nga ‘một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân.’
Ông Sáu Quí tỏ vẻ vui mừng vì vườn kiểng Tết năm nay khá hơn, do không bị ngập mặn như năm ngoái. Nhưng rồi giọng ông trầm lại vì không biết sang năm, đứa con đầu của ông, sau khi tốt nghiệp ra trường có được việc làm đàng hoàng như vợ ông từng mong ước không, hay nó sẽ lại chạy Grab ôm, làm công nhân xa nhà, hay sẽ kế nghiệp nhà nông.
https://www.voatiengviet.com/a/tet-nguyen-dan-choi-lam-chay/4234629.html
Giới trẻ Việt và ‘Xuân Thịnh Vượng’ trên đất Mỹ
Khi những ngày Tết Âm Lịch đến gần, cộng đồng người Việt ở Mỹ lại lên kế hoạch cho những hoạt động đón tết tưng bừng ở khắp các tiểu bang. Và những người thuộc thế hệ trẻ đang đóng vai trò ngày càng lớn trong việc tôn vinh truyền thống văn hóa và lịch sử của chính mình.
Từ California…
Ở khu vực miền Nam California, một trong những nơi tập trung đông người Việt nhất ở Mỹ, Hội Chợ Tết của Tổng Hội Sinh Viên Nam California tiếp tục dẫn đầu trong công tác tổ chức các sự kiện đón Tết quy mô lớn với nhiều chương trình và hoạt động phong phú, thu hút sự tham dự của hàng chục ngàn người.
Đáng lưu ý, đây là nỗ lực thiện nguyện của thanh thiếu niên gốc Việt sinh trưởng ở Mỹ, những người không chỉ quan tâm tới việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống Việt Nam mà còn quảng bá nó tới các sắc dân khác trong cộng đồng.
Với chủ đề Xuân Thịnh Vượng, Hội Chợ Tết 2018 được tổ chức trong ba ngày từ 16 đến 18 tháng Hai, trùng với ba ngày đầu năm âm lịch, tại Trung tâm Hội chợ và Sự kiện Orange County, thành phố Costa Mesa, nam California.
Đối với thế hệ người Việt trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, bà Nhị nói đây là nỗ lực giúp các em hiểu về cội nguồn và lịch sử của mình.
Anh Billy Lê, cựu trưởng ban tổ chức Hội Chợ Tết Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam nam California cho biết vì năm ngoái người tham dự rất đông nên ban tổ chức dự định năm nay sẽ nới rộng quy mô của sự kiện. Số người tham dự năm rồi ít nhất là 30.000 người, anh nói, đưa ra ước tính dựa trên doanh số vé bán ra.
Những hoạt động văn hóa trong ba ngày này bao gồm cuộc thi hoa khôi liên trường vào ngày 16, quy tụ nhiều bạn trẻ trong độ tuổi từ 17 tới 26. Vào ngày 17, ngày chính thức khai mạc Hội Chợ Tết, quan khách sẽ có cơ hội đi tham quan Làng Văn Hóa Việt Nam và các bạn trẻ sẽ có một buổi trình diễn tài năng vào tối hôm đó. Nhiều hội đoàn trong cộng đồng sẽ có những chương trình biểu diễn vào buổi trưa ngày 18, khép lại với đêm đại nhạc hội với sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng trong cộng đồng và từ nơi xa đến trình diễn, anh Billy cho biết.
Làng Văn Hóa, một trong những sự kiện đặc sắc nhất của Hội Chợ Tết thu hút đông đảo người tham dự, năm nay sẽ có một số nét mới khiến không gian hội chợ sinh động hơn, theo Julie Huỳnh, một thành viên trong ban tổ chức.
Cô cho biết: “Năm nay chúng tôi hy vọng sẽ có thêm những triển lãm mới. Chúng tôi sẽ có những cảnh trí được sắp đặt và phông nền từ Viện bảo tàng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Họ có rất nhiều phông nền hình Chợ Bến Thành. Chúng tôi muốn dựng phông nền đó lên để mọi người có thể chụp hình chung và hình ảnh này giúp hội chợ mang không khí Tết hơn.”
Anh Billy Lê cho biết sự cộng tác của ban tổ chức Hội Chợ Tết với Viện bảo tàng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cũng là một nỗ lực giúp nâng cao hiểu biết của khách tham dự, đặc biệt là thế hệ người trẻ gốc Việt sinh trưởng ở Mỹ.
“Các anh chị em bên đó cũng là những người đi trước, rất trẻ, muốn gìn giữ lịch sử của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Họ cũng muốn chia sẻ việc làm của mình nên có nhã ý giúp các bạn trẻ bên Tổng Hội Sinh Viên dàn dựng lại khu quân đội hoặc là một khu nhỏ để trưng bày cũng như để cộng đồng đến và chụp hình chung.”
… đến Virginia
Còn tại khu vực thủ đô Washington phía bắc tiểu bang Virginia, nơi cũng có nhiều người gốc Việt sinh sống, Câu lạc bộ Văn Học Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn (còn được biết với tên gọi “Nhà Việt Nam”) tổ chức Hội Chợ Tết thường niên vào Chủ Nhật, 28 tháng Giêng. Dù quy mô không lớn bằng các hội chợ tết ở California, đây là sự kiện được nhiều người trông đợi và là dịp để gắn kết cộng đồng suốt bảy năm qua.
Các hoạt động bao gồm văn nghệ do học sinh sinh viên trình diễn, thức ăn ba miền, triển lãm tranh ảnh sách báo, cùng các trò chơi ngày Tết. Những hoạt động truyền thống này qua mỗi năm lại thu hút càng nhiều thanh thiếu niên gốc Việt tham gia, không chỉ trong các tiết mục trình diễn mà còn trong khâu tổ chức chương trình, theo lời bà Lê Thị Nhị, sáng lập viên Nhà Việt Nam.
Bà chia sẻ: “Mục đính chính của mình là truyền đạt cho thế hệ trẻ những cái hay, cái đẹp của văn hóa mình. Nếu các em không tham dự mà chỉ có người già mình thôi thì thế hệ này qua đi rồi thì các em không biết gì hết. Thành ra việc các em tham gia trong sự tổ chức cũng như các em đến tham dự buổi hội Tết, là điều mà chúng tôi rất vui.”
Làng Văn Hóa, một trong những sự kiện đặc sắc nhất của Hội Chợ Tết thu hút đông đảo người tham dự.
Hội chợ Tết của Nhà Việt Nam năm nay cũng sẽ trình chiếu các phim video clip do các bạn trẻ biên dựng về chủ đề “Mậu Thân 1968” vào dịp kỷ niệm 50 năm biến cố này. Đối với thế hệ người Việt trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, bà Nhị nói đây là nỗ lực giúp các em hiểu về cội nguồn và lịch sử của mình.
“Muốn cho các em biết sơ qua để mà từ đó các em hiểu lý do tại sao các em lại có mặt ở nước Mỹ, và cũng để các em biết rằng có những trang lịch sử dù buồn hay đau thương thì các em cũng phải biết để từ đó có thể học được những bài học cho tương lai sau này.” Bà Nhị chia sẻ.
Những thí sinh có phim được chọn được trao giải “Ký Giả Trẻ” và phần thưởng lên tới 1.000 đôla, theo tờ giới thiệu chương trình.
https://www.voatiengviet.com/a/tet-nguyen-dan-california-virginia/4235009.html