Tin Việt Nam – 12/01/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 12/01/2017

Người dân Hà Tĩnh tiếp tục biểu tình

đòi bồi thường do thảm họa Formosa

Hơn 100 người thuộc các cở sở kinh doanh thu mua hải sản tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh hôm qua tiến hành đình công trước ủy ban nhân dân tỉnh đòi tiền bồi thường cho số cá mua theo yêu cầu Nhà nước sau thảm họa môi trường Formosa.

Tin của Phong Trào Lao động Việt từ trong nước cho biết số cá của gần 50 hộ kinh doanh nằm trong kho lạnh lên đến hằng nghìn tấn. Hằng tháng có hộ phải chi hằng chục triệu đồng để bảo quản. Những doanh nghiệp này còn phải trả nợ vay ngân hàng và nợ bên ngoài lên đến gần chục tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp.

Cả ngàn công nhân làm việc trong những ngành liên quan biển như nghề cá, làm muối, nước mắm… đang phải thất nghiệp.

Những người biểu tình cho biết các cơ quan chức năng đang đùn đẩy nhau trách nhiệm về công tác chi trả tiền bồi thường do thảm họa môi trường biển mà Formosa gây nên.

Vào đầu tháng tư vừa qua, cá và hải sản chết hằng loạt tấp vào bờ biển bốn tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Nguyên nhân được phát hiện là do nhà máy thép Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh xả hóa chất độc hại trực tiếp ra biển. Sau đó nhà máy này thừa nhận và bồi thường cho Việt Nam 500 triệu đô la Mỹ để khắc phục và bồi thường cho người dân chịu tác động bởi thảm họa.

Đến nay một số người dân trong diện được chính phủ Hà Nội qui định được bồi thường vẫn chưa nhận được số tiền đó và nhiều cuộc biểu tình đòi hỏi quyền lợi đã xảy ra.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/more-than-100-seafood-businessperson-went-strike-ask-f-compensations-01122017090606.html

 

Đại học Fulbright Việt Nam chưa có giấy phép hoạt động

Trường Đại học Fulbright Việt Nam chưa được Hà Nội cấp giấy phép hoạt động, theo tường trình của truyền thông nhà nước về cuộc gặp hôm 10/1 giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Giáo sư Thomas Vallely thuộc Đại học Harvard, Mỹ.

Tại cuộc gặp, Giáo sư Vallely nói với các lãnh đạo Việt Nam rằng phía Hoa Kỳ “đã giải quyết nhiều vấn đề” và mong muốn Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) “sớm có giấy phép, cơ chế để đi vào hoạt động”.

Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama hồi tháng 5/2016, Ngoại trưởng Mỹ Kerry và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã chính thức tuyên bố thành lập FUV.

Chưa chính thức hiện hữu, song ngôi trường sẽ ra đời trong tương lai này được mô tả là trường đại học độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam. Các chuyên gia giáo dục kỳ vọng nó sẽ là một mô hình giáo dục hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam, là môi trường cho suy nghĩ độc lập và sáng tạo.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Lam thuộc Đại học Kinh tế Tp. HCM, đồng thời là giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nói với VOA về thủ tục giấy tờ liên quan đến FUV:

“Giấy phép mà trường Đại học Fulbright đã nhận được là giấy phép đầu tư. Thế còn theo quy định của chính phủ Việt Nam còn phải có giấy phép hoạt động. Hiện nay, theo tôi được biết thì chương trình Fulbright cũng đang xây dựng các chương trình của mình để trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo để nhận giấy phép hoạt động”.

VOA đã liên lạc với một số nguồn tin liên quan trực tiếp đến việc thành lập FUV ở cả hai bên Việt-Mỹ để tìm hiểu những vướng mắc trong việc cấp giấy phép song họ cho biết “chưa thể nói gì ở thời điểm này”.

Trong buổi tiếp vị giáo sư trường Harvard hôm 10/1, Thủ tướng Phúc bày tỏ mong muốn “xây dựng trường Đại học Fulbright Việt Nam thành trường đại học kiểu mẫu, tạo ra những nhà khởi nghiệp”. Ông nói Việt Nam ủng hộ tự chủ đại học theo thông lệ quốc tế và chính phủ “sẽ nỗ lực hỗ trợ để trường đi vào hoạt động”.

Người đứng đầu chính phủ cũng khẳng định Việt Nam “luôn có nhu cầu tăng cường hợp tác giáo dục với Mỹ, quốc gia có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới”.

Tin cho hay Giáo sư Vallely nêu rõ với Thủ tướng Phúc rằng nỗ lực phát triển FUV tập trung vào 3 nội dung, bao gồm “thiết lập cơ chế quản trị, bộ máy theo mô hình hiện đại nhất cho một trường đại học hàng đầu thế giới; mô hình tài chính phù hợp để huy động đủ nguồn lực cho trường; thiết kế cơ sở vật chất cho trường với quy mô hiện đại”.

Ông được báo chí trong nước dẫn lời cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều tiến bộ trong lộ trình xây dựng trường trong cả 3 lĩnh vực trên”.

Về khả năng trường FUV căn cứ vào tự chủ và tự do học thuật để giảng dạy hoặc thảo luận những vấn đề Việt Nam không mong muốn, Tiến sĩ Lam nêu ra quan điểm:

“Bất kỳ tổ chức nào hoạt động trong một lãnh thổ đều phải tôn trọng luật pháp của nơi đó. Cái vấn đề là chúng ta quy định ra luật pháp nó có đúng hay không và nó phù hợp như thế nào cho sự phát triển của khoa học, cho sự phát triển của các đại học nhằm đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của đất nước. Đó là vấn đề đáng bàn”.

Dự án thành lập FUV dù được các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tỏ ý ủng hộ, song đã gặp một số trục trặc.

Không lâu sau khi giấy phép đầu tư được trao cho FUV hồi tháng 5/2016, báo Việt Nam khơi lại việc ông Bob Kerrey, Chủ tịch Hội đồng Tín thác của FUV, từng trực tiếp dính líu vào một vụ thảm sát thường dân trong thời Chiến tranh Việt Nam.

Thông tin này đã dấy lên tranh cãi trong nhiều giới ở Việt Nam. Nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã đăng các bài viết của chính họ cũng như các bài thể hiện ý kiến cá nhân của một số quan chức, cựu quan chức, học giả bày tỏ lập trường ủng hộ hay phản đối việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn đăng một bài viết trong đó nói Việt Nam không tán thành việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey.

Ông Tuấn cho rằng “cuộc tranh luận trong giới báo chí” về ông Kerrey “là một sự cố báo chí đáng buồn, khi vấn đề được một số báo đẩy quá xa đến mức làm lẫn lộn phải – trái trong lịch sử”.

http://www.voatiengviet.com/a/dai-hoc-fulbright-viet-nam-chua-co-giay-phep-hoat-dong/3673061.html

 

Việt Nam chắc sẽ mua tên lửa của Ấn Ðộ,

Trung Quốc không hài lòng

Truyền thông quốc tế cho biết Ấn Độ sẽ bán và chuyển giao công nghệ loại tên lửa phòng không tầm trung Akash cho Việt Nam.

Báo Times of India nói Việt Nam tỏ ý ‘rất quan tâm’ tới việc mua tên lửa Akash. Hệ thống tên lửa đất đối không này do Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ân Độ (DRDL) chế tạo. Tin này được đưa ra chỉ vài ngày trước chuyên thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể làm Trung Quốc không hài lòng. Thế nhưng có rất nhiều khả năng Việt Nam sẽ mua tên lửa Akash của Ấn Độ “để đối đầu sự đe dọa của Trung Quốc.”

Việt nam đã đưa tin ông Trọng sẽ thăm Trung Quốc trong 4 ngày, kể từ ngày hôm nay 12/1, đây là chuyến chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên kể từ khi ông tái đắc cử tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Giáo sư Hoàng Việt của trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, một chuyên gia hàng đầu về an ninh khu vực và Biển Đông nói với VOA rằng Việt Nam sẽ đạt được thỏa thuận và xúc tiến việc mua vũ khí này vì về mặt giá cả, vũ khí của Ấn Độ rẻ hơn vũ khí của Hoa Kỳ hay của Nga. Hơn nữa, việc mua vũ khí này cũng nằm trong kế hoạch đa dạng hóa, đa phương hóa chính sách ngoại giao và an ninh quốc phòng của Việt Nam, ngoài các thị trường vũ khí truyền thống như Nga, Pháp, và Israel:

“Việc khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang (Trung Quốc) mà Ấn Độ chào bán hệ thống tên lửa, thì tôi cho rằng đây là một khả năng rất lớn. Một là vì Việt Nam đang muốn tìm kiếm các mối cung cấp về vũ khí khác, không chỉ phụ thuộc vào Nga. Nga cũng cung cấp những vũ khí tương tự như vậy cho Trung Quốc. Hai là Việt Nam vẫn đang lo ngại nhất về vấn đề trên Biển Đông, nơi mà nhân vật tạo ra sức ảnh hưởng và nguồn gốc của các căng thẳng vừa qua chính là Trung Quốc.”

Theo báo Times of India, hệ thống tên lửa Akash thay thế cho hệ thống tên lửa phòng không 2K12 “Kub” của Liên Xô trước đây mà quân đội sử dụng. Báo này mô tả mỗi hệ thống Akash gồm một bệ phóng, một đài chỉ huy, radar điều khiển đa dụng và một hệ thống hỗ trợ mặt đất. Hệ thống Akash điều khiển cao tần sử dụng đầu đạn 55kg có khả năng tiêu diệt các mục tiêu di động như: tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, tên lửa không-đối-đất, máy bay chiến đấu, các thiết bị bay không người lái ở cự li đến 25 km và ở độ cao 18.000 m. Đặc biệt, tên lửa Akash có trang bị động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) giúp nâng cao độ chính xác trong khi giá thành sản xuất rẻ hơn.

Đánh giá về tác động của việc mua hệ thống tên lửa Akash của Ấn Độ, giáo sư Hoàng Việt cho biết động thái này cho thấy Việt Nam luôn luôn muốn tăng cường sức mạnh quốc phòng. Còn phần Ấn Độ, một đối thủ của Trung Quốc về an ninh quốc phòng, cũng giúp nâng cao uy tín của chính họ.

“Ân Độ cũng là một quốc gia đáng kính trên thế giới đa cực hiện nay. Việc Việt Nam xúc tiến các mối quan hệ với Ấn Độ cũng là một điều chắc chắn. Thứ nữa, thái độ của Ấn Độ đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông: các ủng hộ của Ân Độ rất có lợi cho Việt Nam. Vì vậy Việt Nam sẽ cần Ấn Độ.”

Ngay sau khi Ấn Độ loan tin về việc bán tên lửa Akash cho Việt Nam, Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm thứ Tư, 11/1, đã phán ứng rằng: “Trung Quốc không bận tâm về các mối quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Ấn Độ… tuy nhiên, những quan hệ đó phải được xây dựng vì hòa bình và ổn định trong khu vực, thay vì gây rắc rối và khiến các nước khác lo ngại.”

Nhận định về phản ứng không hài lòng của Trung Quốc, giáo sư Việt nói:

“Bất cứ khi nào mua vũ khí hay tăng cường sức mạnh hay mở rộng quan hệ với các quốc gia khác đều không làm Trung Quốc hài lòng. Cá nhân tôi cho rằng, một mặt Việt Nam coi trọng các mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng việc này Việt Nam cũng phải thúc đẩy để gia tăng sức mạnh của Việt Nam.”

Trước đó vào tháng 9/2016, phía Ấn Độ tuyên bố cấp tín dụng quốc phòng cho Việt Nam ở mức 500 triệu đôla, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Việt Nam. Hai nước đã nâng mối quan hệ chiến lược lên thành quan hệ chiến lược toàn diện. Với khoảng tín dụng quốc phòng này thì việc Việt Nam mua hệ thống tên lửa Akash của Ấn Độ có khả năng rất cao

http://www.voatiengviet.com/a/vietnam-chac-se-mua-ten-lua-cua-an-do-trung-quoc-khong-hai-long/3673587.html

 

TQ khó chịu việc Ấn Độ chào bán tên lửa cho VN

Việc New Delhi muốn thúc đẩy quan hệ quân sự với Hà Nội nhằm cân bằng lại với Bắc Kinh sẽ gây “bất ổn” trong vùng và Bắc Kinh sẽ không “khoanh tay ngồi yên”, truyền thông nhà nước Trung Quốc nói hôm thứ Tư 11/1.

Trước đó, tin tức nói Ấn Độ đang tích cực chào bán hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Akash cho Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người tới thăm Bắc Kinh vào hôm thứ Năm 12/1, nhiều khả năng sẽ bị áp lực từ phía nước chủ nhà trong việc phải ngưng ngay các đàm phán với Ấn Độ trong việc mua bán hệ thống phòng thủ này, trang tin Times of India bình luận sau khi truyền thông Trung Quốc có phản ứng mạnh.

“Nếu Chính phủ Ấn Độ thực sự coi việc tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam là một dàn xếp có tính chiến lược và thậm chí trả đũa lại chính phủ Trung Quốc, thì họ sẽ chỉ gây ra tình trạng bất ổn ở trong khu vực và Trung Quốc sẽ không khoanh tay ngồi yên,” Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết.

Báo này nói rằng Trung Quốc không bận tâm về các mối quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Ấn Độ, tuy nhiên “những quan hệ đó phải được xây dựng vì hòa bình và ổn định trong khu vực, thay vì gây rắc rối và khiến các nước khác lo ngại”.

Trong khi đưa ra những đe dọa với Ấn Độ trước quan hệ ngày càng mật thiết hơn với Việt Nam, một bài khác trên tờ Hoàn Cầu Thời báo số ra cùng ngày cũng nói Chính phủ Việt Nam phải cải thiện quan hệ với Trung Quốc bất chấp tranh chấp tại Biển Đông.

Ông Nguyễn Phú Trọng từ 12 đến 15/1 có chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi tái đắc cử vị trí tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục đích nhằm “tiếp tục đưa quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực và thế giới”.

Truyền thông Ấn Độ nói Việt Nam tỏ ý ‘rất quan tâm’ tới việc mua tên lửa Akash và bước đầu, Ấn Độ sẽ cung ứng tên lửa, trong lúc phía Việt Nam muốn về sau có thể tiến tới sản xuất chung hệ thống phòng không này.

Hồi tháng Chín năm ngoái, trong chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Việt Nam, hai nước đã nâng mối quan hệ chiến lược lên thành mối quan hệ chiến lược toàn diện.

Trong chuyến đi này, phía Ấn Độ tuyên bố cấp tín dụng quốc phòng cho Việt Nam ở mức 500 triệu đôla.

Akash là hệ thống tên lửa đất đối không di động tầm trung, do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ phát triển, có khả năng phá hủy mục tiêu cách xa tới 25 km, gồm phi cơ, trực thăng, và máy bay không người lái.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38589016

 

Tù nhân Đặng Xuân Diệu được đi Pháp ‘chữa bệnh’

Tin cho hay, tù nhân Đặng Xuân Diệu, một trong những ‘thanh niên Công giáo’, được đưa từ trại giam Xuyên Mộc đến sân bay Tân Sơn Nhất để đi Pháp ‘chữa bệnh’ hôm 12/1.

Bị bắt hôm 30/7/2011, ông là một trong 14 bị cáo bị Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An kết án tù hồi 1/2013 với tội danh Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.

Đặng Xuân Diệu, 37 tuổi, bị án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế tại địa phương.

Ông và các bị cáo bị buộc tội hoạt động cho đảng Việt Tân mà chính quyền trong nước liệt vào dạng tổ chức khủng bố.

Nguồn tin của BBC cho hay chuyến bay của ông Diệu cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 23:40 hôm 12/1.

Cùng ngày, trả lời BBC từ Nghệ An, ông Đặng Xuân Hà, anh ruột của Đặng Xuân Diệu nói: “Gia đình vui mừng vì Diệu đã ra khỏi nhà tù cộng sản.”

“Tuy vậy, có một nỗi buồn là mẹ tôi 70 tuổi, muốn gặp con trai trước khi nó đi mà không được.”

“Lúc 10:00 hôm nay công an gọi điện nói cho phép gia đình gặp Diệu tại trại giam Xuyên Mộc vào lúc 11:00 thì không có cách nào để người nhà từ Nghệ An vào kịp.”

‘Khoan hồng’

“Phía EU đã gọi điện báo trước cho gia đình từ cách đây một tháng nhưng không nói lý do.”

“Còn phía công an Nghệ An thì bảo gia đình rằng đây là sự khoan hồng.”

14 bị cáo ở Nghệ An lãnh án tù nhiều năm

Xuân này họ không về

Vụ thanh niên Công giáo: cầu cứu sứ quán

Kêu gọi thả thanh niên Công giáo

Ông Hà nói thêm: “Trong gần 5 năm rưỡi bị giam cầm mà Diệu không mắc bệnh mới là chuyện lạ.”

“Gia đình lo ngại Diệu mắc các bệnh thần kinh, dạ dày.”

Ông cũng cho hay là trong thời gian Diệu bị tù, gia đình không được gặp mặt hoặc nhận thư từ Diệu, mà chỉ có thể gửi đồ tiếp tế.

“Trước khi bị giam ở Xuyên Mộc, Diệu đã bị chuyển trại từ TP Hồ Chí Minh, đến Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa”, ông Hà nói với BBC.

Hôm 12/1, nhà hoạt động Paulus Lê Văn Sơn, cựu tù nhân cũng trong vụ ‘thanh niên Công giáo’ nói với BBC từ TP Hồ Chí Minh: “Tôi vui mừng khi thấy Đặng Xuân Diệu là người thứ 12 trong vụ 14 ‘thanh niên Công giáo’ được ra tù.” [Hai người tù còn lại là Hồ Đức Hòa đang chịu án 13 năm, Nguyễn Đặng Minh Mẫn – 8 năm]

“Cùng đồng hành với Diệu từ năm 2009, tôi nhận thấy anh ấy là người có phẩm chất, lòng yêu nước mãnh liệt.”

“Diệu từng nói với tôi trước khi cả hai vào tù rằng nếu có thể thì người đấu tranh nên ở lại Việt Nam, còn nếu điều kiện không cho phép thì ở bất cứ nơi đâu cũng có thể hoạt động được miễn là mình có lý tưởng.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38582723

 

Thủ tướng Việt Nam thừa nhận nợ công vượt trần

Linh Ðan

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận nợ công của chính phủ Việt Nam đã vượt trần và cảnh báo về nguy cơ sụp đổ nền tài khóa quốc gia nếu tình trạng này không được chấm dứt.

Tại một hội nghị tổng kết ngành tài chính được tổ chức tại Hà Nội hôm 6/1, thủ tướng được các báo trong nước trích lời cho biết tỷ lệ nợ công tăng rất nhanh, trung bình gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trong 5 năm qua.

Theo ghi nhận của truyền thông trong nước, bộ tài chính ước tính nợ công của Việt Nam chiếm 64.73% GDP vào cuối năm ngoái – gần chạm ngưỡng cho phép 65%.

Mặc dù Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, theo VietNamFinance trích lời nói tại hội nghị này rằng nợ công “được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép” nhưng Thủ tướng Phúc lại thừa nhận rằng “nợ công theo báo cáo sát trần nhưng nếu tính đầy đủ thì vượt trần cho phép.”

Việc thừa nhận này của Thủ tướng Phúc được nhiều người hoanh nghênh trong đó có chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

“Tôi nghĩ cảnh báo của thủ tướng là đúng và thủ tướng nói thẳng ngay như vậy là điều rất tốt bởi vì lâu nay khi các cơ quan báo cáo đưa ra con số một cách chính thức về nợ công thường vẫn tính chưa hết và vẫn ngần ngại khi mà thừa nhận thực tế là nợ công của Việt Nam đã đến trần Quốc hội cho phép. Thậm chí thủ tướng nói thẳng là đã vượt trần nếu tính đủ. Tôi nghĩ thông điệp của Thủ tướng càng tốt vì những người làm việc ở Việt Nam nhất là trong hệ thống nhà nước cần phải hiểu rõ là nợ công trên thực tế đã vượt trần rồi.”

Bà Lan, người từng là phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết “tính theo nhiều cách khác nhau, nhất là của các chuyên gia tính theo chuẩn quốc tế thì cho thấy nợ công ở Việt Nam đã lên rất cao.”

Theo Ngân hàng Thế Giới dự báo, mức nợ công của Việt Nam sẽ sát trần 65% GDP và sẽ không vượt trần trong năm 2016. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ vượt trần của nợ công ở Việt Nam và Thủ tướng Phúc đã thừa nhận về những cảnh báo này hôm 5/1 và nói “nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi.”

Kinh tế gia Phạm Chi Lan nói cảnh báo của thủ tướng có lẽ sẽ thức tỉnh mọi người.

“Thủ tướng cũng cảnh báo về tỷ lệ tốc độ tăng của nợ công quá nhanh trong thời gian vừa qua – những năm vừa qua mà tăng tới hơn 18% năm, tăng tới gấp 3 lần thu ngân sách thì điều đó thực sự là điều hết sức cần quan tâm. Mặc dù đã biết là nợ công tăng nhanh trong những năm vừa qua hoặc nó sát với trần nhưng mà người ta vẫn chưa thực sự quan tâm hoặc kiểm soát được để giảm tốc độ tăng của nợ công xuống mà vẫn để tốc độ tăng trung bình của nợ công rất cao. Điều đó thể hiện sự quan tâm hay trách nhiệm chưa đầy đủ của các cơ quan nhà nước liên quan đến chi tiêu hoặc đầu tư của ngân sách.”

Theo Ngân hàng Thế Giới, nguyên nhân chính của sự tăng nhanh chóng trong nợ công Việt Nam là thâm hụt tài khóa. Kinh tế gia trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Thế Giới, ông Sebastian Eckardt nói qua phần ghi nhận của Thời báo Tài Chính rằng để kiểm soát được nợ công cần đảm bảo thâm hụt ngân sách được kiềm chế.

Theo bà Lan, “khác với các nước khác có tỷ lệ nợ công cao thì nợ công ở Việt Nam dường như rất khó kiểm soát được và thể hiện được tốt tính hiệu quả của việc sử dụng tiền công.”

“Nhật Bản chẳng hạn cũng có nợ công cao nhưng nợ của Nhật Bản thường được coi là không đáng lo ngại ở chỗ là họ cẩn trọng trong sử dụng chi tiêu đầu tư công và các chi tiêu đầu tư công của họ đảm bảo được hiệu quả tốt, đảm bảo được tính minh bạch về khả năng giám sát của những người làm trong chính phủ, trong quốc hội cũng như người dân cho nên nó đỡ đáng lo ngại hơn nhiều. Trong khi Việt Nam thì hiệu quả đầu tư hiệu quả chi tiêu công thấp. Điều đó đã được thừa nhận rất rộng rãi ở Việt Nam từ nhiều năm nay, đặc biệt là những năm gần đây.”

Nợ công của Nhật Bản hiện vượt trần hơn 200% và nợ công của Mỹ cũng cao hơn 120% so với GDP của nước này nhưng theo bà Lan Việt Nam đang không thể để nợ công cao như vậy vì tình trạng “lợi ích nhóm, thân hữu, dùng tiền công như tiền chùa” vẫn diễn ra và làm cho tình trạng nợ công thêm bức xúc hơn.

Để kiềm chế sự tăng cao của nợ công, kinh tế gia này nói “Việt Nam cần phải cải cách mạnh khu vực công, giảm bớt vai trò của khu vực công trong đầu tư và nhà nước phải thu hẹp lại vai trò đầu tư của mình, nhường sân cho khu vực tư nhân để cho xã hội làm nhiều hơn.” Theo bà Lan, các chuyên gia đang thúc đẩy một cải cách thể chế toàn diện và bà hy vọng sẽ có một cuộc “đổi mới” thứ 2.

“Nếu thực hiện được sớm chừng nào cuộc đổi mới lần thứ 2 đó thì nó sẽ giảm chừng ấy nguy cơ của những khó khăn gay gắt hơn nữa và tình trạng nợ công tăng cao có thể gây ra cho Việt Nam.”

http://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-viet-nam-thua-nhan-no-cong-vuot-tran/3672195.html

 

Lãnh đạo Việt-Trung uống trà bàn ‘định hướng lớn’

Lãnh đạo hai nước trao đổi các định hướng lớn về quan hệ hợp tác và phát triển ‘lành mạnh, ổn định’ và nhất trí duy trì tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo hai đảng, hai nước, truyền thông Việt Nam loan tin về cuộc hội đàm giữa Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cuộc gặp diễn ra ngay trong ngày đầu tiên của chuyến thăm chính thức kéo dài bốn hôm, 12-15/1/2017, của ông Nguyễn Phú Trọng.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần tuân thủ nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã đạt được và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung QuốcThông tấn Xã Việt Nam

Hai vị đứng đầu đảng cộng sản hai nước “vui mừng về đà phát triển lành mạnh” giữa hai đảng, hai nước, và “sự phát triển ổn định và những thành tựu mà Việt Nam và Trung Quốc đạt được có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhân dân hai nước” trong bối cảnh thế giới xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng và bất ổn, báo Tin tức tường thuật.

Nội dung trao đổi giữa hai Tổng bí thư bao gồm việc bàn về “các định hướng lớn” trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả việc “duy trì hòa bình, ổn định trên biển”, Thông tấn xã Việt Nam nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Trung Quốc ‘sẽ làm hết sức mình’ ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2017, trong khi phía Việt Nam bày tỏ ủng hộ Trung Quốc tổ chức thành công Diễn đàn thượng đỉnh hợp tác quốc tế về “Một vành đai, một con đường” trong năm 2017.

Kiểm soát bất đồng trên biển

Các nhà phân tích trông đợi rằng chuyến đi của ông Trọng sẽ làm tốt đẹp trở lại quan hệ song phương vốn bị tác động bởi những tranh chấp ở Biển Đông vào thời điểm chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực trong thời gian tới đây chưa biết sẽ ra sao.

Căng thẳng đã leo thang tại vùng châu Á – Thái Bình Dương từ hai tháng nay, điều sẽ ảnh hưởng mạnh tới mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc với Hoa Kỳ cũng như các nước khác ở vùng Đông Nam Á, ông Trang Quốc Thổ, trưởng khoa Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn, Trung Quốc nói.

Hai Tổng bí thư cùng cho rằng chủ đề trên biển là vấn đề tồn tại chủ yếu của quan hệ Việt-Trung, không chỉ có tác động lớn tới quan hệ chính trị song phương mà còn ảnh hưởng tới cục diện và tình hình khu vực, thế giới.

“Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam kiên trì giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu cùng ASEAN sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử (COC),” VietnamNet đưa tin.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời

Cũng hôm thứ Năm, báo Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam tường trình cuộc Hội đàm và dẫn nguồn Thông tấn xã Việt Nam cho biết trong buổi gặp mặt, ông Tập Cận Bình đã nhận lời mời sang thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017.

Lễ tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Sảnh Bắc của Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, sau đó, buổi trao đổi diễn ra bên trong Đại Lễ Đường.

Kết thúc buộc trao đổi, hai nhà lãnh đạo đã cùng dự lễ ký kết một số văn bản hợp tác.

Tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng, phía Trung Quốc ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình còn có các ủy viên Bộ Chính trị Vương Hữu Ninh, Lưu Cơ Bảo, Lật Chiến Thư, Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, và Bộ trưởng Công an Quách Thanh Côn.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng kể sau khi tái đắc cử chức vụ Tổng Bí thư đảng sau Đại hội lần thứ 12.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38596810

 

Tết của nông dân nghèo

Thông tín viên Việt Nam

Còn chưa đầy tháng nữa là đến Tết Âm lịch mà theo truyền thống Việt Nam ai cũng phải sắm sửa chí ít mâm cơm để cúng ‘ông bà’ những người đã khuất; đồng thời lo cho con, cháu bộ quần áo, đôi dép mới…

Đối với người nông dân khó khăn vì mùa màng thất bát thì số chi phí cho dịp tết đến cũng là một nỗi lo toan lúc này của họ.

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian qua khiến cuộc sống của người nông dân trồng lúa đã vất và thêm phần cơ cực vì bốn bề khó khăn vây bủa.

Hai vụ trước mất hết, đặt cược hên xui vào mùa vụ này mong kiếm được ít gạo cho gia đình chứ không còn cách nào khác. Ông Nguyễn Văn Tiến cho biết:

“Năm nay người ta mần 2 vụ nhiều lắm, …mọi năm mần 3 vụ năm nay mần hai vụ…”

“3 vụ là hên xui, cũng như vụ này là vụ thứ 3 nè, nhiều khi xạ xuống hổng biết có ăn…nước mặn vô nó cháy khô luôn nó nằm đâu có trổ nổi đâu”

“Một công ruộng là phải 1 triệu rưỡi, … một mẫu mình mất 15 triệu đó. Nếu mà không có thu hoạch thì mất …”.

Ông Sang ở ruộng cạnh bên cũng không tránh khỏi sự mất mát trong những mùa vừa rồi. Ông nói:

“Giờ tính ra tui thất 15 bao lúa. Nguyên vuông lớn này tui bán 6 triệu, tính ra 1 triệu rưỡi một công á. …Còn có tiền công, tiền máy xới, rồi tiền bồ phóng, cho nên bây giờ tính ra là…lời đôi ba trăm ngàn là cao à”.

Không làm ba vụ lúa nữa, một số nông dân chuyển sang canh tác hoa màu; và đây là hướng được giới chuyên gia khuyến khích lâu nay.

“Năm rồi thất mùa nó không có đạt, lúa phóng (một) công có mấy bao à. Năm nay mới đổi qua trồng bắp…tại mình thất mùa mới đổi qua hoa màu…chứ làm lúa có ăn đâu. Lúa xuất khẩu bán rẻ rề, lúa bán là không có lời, lỗ luôn đó, như vụ này lỗ mấy trăm ngàn đó…”

Những người mất mùa nặng, dù được chính quyền hỗ trợ nhưng số tiền đó chỉ như mưa rào đồng cạn:

“Nói chung là năm rồi nhà nước cũng có ủng hộ… một công 2 trăm ngàn. 2 trăm ngàn đó thiếu tiền giống nữa chứ giải quyết được gì…”

Gia đình nông dân chị Thơ, anh Thịnh cùng hai con nhỏ ở thị trấn Tân Hòa vất vả nuôi con nhỏ lại còn bị thất mùa.

“Như của người ta vậy nè, cái mình mướn mình làm…mình không có tiền mua ruộng á. Rồi người ta cho mướn mình làm mình kiếm lúa ăn. Năm vừa rồi là thất luôn.”

Nhiều nông dân phải bán đất đi làm công cho người khác để kiếm ăn hay có thể phải chuyển nghề như trường hợp chồng chị Thơ “Nhờ hổm nay ổng đi vác lúa có tiền á, mần xong vác lúa không có tiền chắc mai mốt ra biển người ta có cào nghêu đi cào nghêu, không thì đi làm hồ… Nói chung có con tốn tiền đủ thứ…”

Khoảng 3 tháng cày sâu cuốc bẫm, may lắm thì không lỗ tiền chi phí; còn lại không thu được gì mà phải thâm tiền vốn mua cây giống cùng các chi phí khác. Một nông dân xác định tết năm nay sẽ không được như trước:

“Tệ hơn năm rồi là cái chắc rồi. Mọi năm thì mua quà mua đồ cho con, năm nay thôi chế con ơi năm nay tệ quá, sang năm đi…nói chung Tết mình có nhiều thì ăn nhiều có ít thì ăn ít. Giờ 1 ký thịt heo cũng được rồi”.

Những người nông dân mà chúng tôi tiếp xúc cho biết trong những năm trở lại đây, Tết Âm lịch đối với họ chỉ còn ngày mồng một lo cúng ông bà, chứ sang ngày mồng hai, mồng ba có người phải ra đồng làm việc rồi. Tất cả trở lại như ngày thường.

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/tete-of-pooer-farmers-vn-01112017130838.html