Tin Việt Nam – 12/10/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 12/10/2020

Bão số 13 giống bão Hải Yến năm 2013, có hướng đi khó lường

Bão số 13 với tên quốc tế là Vamco được nhận định giống bão Hải Yến năm 2013 và có diễn biến khó lường. Truyền thông Nhà nước trích nhận định của các chuyên gia dự báo khí tượng thuỷ văn và giới chức Chính phủ cho biết như vậy hôm 12/11.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai được tổ chức vào ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã phát biểu rằng: “Bão số 13 có đường đi y hệt bão Hải Yến, xuất phát điểm cũng như vậy, khi vào Biển Đông lượn lờ, hướng đi khó đoán định. Cơn bão này hoàn toàn không thể chủ quan”

Bão Hải Yến là một cơn bão mạnh đã tàn phá Philippines vào năm 2013 khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Sau Philippines, bão đã đổ vào miền Trung Việt Nam và khiến 20 người thiệt mạng, theo thống kê của truyền thông Nhà nước Việt Nam.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, vào 7 giờ sáng ngày 12/11, bão Vamco đã vào Biển Đông với cường độ cấp 12, giật cấp 13, và trở thành cơn bão số 13 trong năm nay.

Các chuyên gia dự báo khí tượng thuỷ văn Việt Nam đưa ra ba kịch bản về diễn tiến của bão số 13. Trong số này, kịch bản 1 được cho là có nhiều khả năng xảy ra nhất với xác suất từ 70 đến 80%. Theo kịch bản này, bão Vamco sẽ di chuyển theo hướng tây tây bắc, khi vào vùng biển ven bờ sẽ giảm 2 đến 3 cấp, tức khoảng cấp 9 – 10. Bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ từ ngày 14 đến ngày 16/11. Khu vực này sẽ có mưa lớn với lượng mưa từ 100 đến 150 mm, có nơi trên 200 mm.

Kịch bản khác của bão Vamco là bão sẽ men theo hướng tây và bắc tây bắc đi vào giữa Bắc Trung Bộ và nam đồng bằng Bắc Bộ, khả năng ảnh hưởng đến khu vực này là ngày 16/10 nhưng lượng mưa không nhiều.

Kịch bản thứ ba là bão sẽ hướng thẳng vào Trung Trung Bộ với trọng tâm từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng với lượng mưa dự báo trong 6 tiếng lên tới 100 – 150 mm.

Các chuyên gia thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cảnh báo các tỉnh miền Trung Việt Nam về nguy cơ xẩy ra ngập úng, lũ cao và sạt lở đất do mưa lớn từ bão gây ra.

Ngoài ra, Trung tâm cũng dự báo về khả năng sẽ có 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới khác trên Biển Đông có thể ảnh hưởng tới Việt Nam từ nửa cuối tháng 11 đến tháng 12.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vamco-storm-is-like-haiyan-in-2013-11122020063847.html

Thêm sạt lở và ngập lụt tại các tỉnh miền Trung

Công tác tìm người còn mất tích do sạt lở đất tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam phải tạm dừng do tái diễn tình trạng sạt lở tại khu vực này.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn thông báo của chính quyền huyện Bắc Trà My như vừa nêu vào chiều ngày 12/11. Cụ thể, vào sáng cùng ngày, một lực lượng gồm 60 các bộ, binh lính sử dụng 4 xe cơ giới đến tại hiện trường vụ sạt lở tại Km 66 thuộc Quốc Lộ 40B, đoạn đi qua thôn 3, xã Trà Tân để tìm kiếm nạn nhân mất tích. Tuy nhiên vào khoảng 13 giờ, vào khi lực lượng này đang hoạt động thì lại xảy ra một vụ lở đất khiến mọi người phải tháo chạy.

Hơn 24 tiếng đồng hồ trước đó, tại địa điểm vừa nêu đã xảy ra một vụ lở đất vùi một người đi qua và đến lúc này chưa tìm được xác.

Tỉnh Quảng Nam là nơi vừa qua xảy ra một số vụ sạt lở đất trong tháng 10 do mưa bão và đến nay còn gần 30 người mất tích. Giới chức tỉnh vào ngày 12 tháng 11 cho biết trên địa bàn tỉnh này có hơn 90 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Những nơi này thuộc 9 huyện miền núi.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, cơ quan chức năng tỉnh này cũng ra cảnh báo nguy cơ sạt lở đất tại các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Ba Tơ, Sơn Hà và Minh Long sau khi vào rạng sáng ngày 11/11 xảy ra vụ sạt lở núi tại huyện Sơn Tây.

Trong khi nhiều nơi tại khu vực miền núi không chỉ ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi phải lo ứng phó với nguy cơ sạt lở núi đồi, thì tại các vùng trũng vẫn còn bị ngập nước.

Tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ và Thành phố Quảng Ngãi, hằng ngàn hộ dân bị chia cắt do ngập lụt trên diện rộng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-landslide-alert-and-many-areas-flooded-11122020063101.html

Ca sĩ Phương Thanh bị mời làm việc

sau phát ngôn về làm từ thiện tại Quảng Ngãi

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi ngày 12/11 đã có buổi làm việc với nữ ca sĩ Phương Thanh liên quan phát ngôn của cô trên tài khoản Facebook. Phát ngôn đó bị cho là xúc phạm người dân Quảng Ngãi khi nữ ca sĩ này đi làm từ thiện tại các tỉnh miền Trung.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua điều tra, ca sĩ Phương Thanh chưa hề đến Quảng Ngãi làm từ thiện. Trong khi đó, nội dung phản ánh phát ngôn trên trang Facebook cá nhân được cho là đã xúc phạm và gây mất uy tín người dân Quảng Ngãi.

Theo cơ quan chức năng, hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên Facebook cá nhân của ca sĩ Phương Thanh đã vi phạm quy định của pháp luật về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội được quy định tại Nghị định 15 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Phía ca sỹ Phương Thanh cho rằng bản thân sẽ có lời xin lỗi đối với lực lượng công an các tỉnh vì trong hành trình làm từ thiện đã tự ý đến những khu vực nguy hiểm khi có bão lũ. Tuy vậy ca sĩ Phương Thanh  khẳng định vụ việc bị đẩy lên cao vì xuất hiện rất nhiều tài khoản ảo bình luận kích động.

Ca sĩ Phương Thanh không nói rõ phát ngôn trên tài khoản cá nhân Facebook là đúng hay sai mà cho rằng chỉ phản ánh thực trạng “mặt trái của từ thiện” và không có mục đích xúc phạm người dân Quảng Ngãi hay Quảng Nam.

Trước đó vào ngày 29/10, ca sĩ Phương Thanh đăng tải một dòng trạng thái trên tài khoản Facebook với nội dung: “Sáng nay Chanh đi từ thiện một làng bị cô lập ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi… nhiều người dân trên bờ chỉ bị ảnh hưởng nhẹ không nằm trong vùng mưa lũ cũng canh me… đồn: “Đoàn Thủy Tiên tới cho tiền kìa 10 triệu. Toàn canh me 10 triệu… không bị lũ lụt lắm cũng canh me tiền. Vô tình tính tham của con người cũng bắt đầu trỗi dậy. Tiền đi trước có lợi trước… nhưng về hậu sẽ gây ra nhiều nhiễu loạn… vì ai cũng nhắm vào tiền và đồ nhu yếu phẩm bị vứt bỏ (tấm lòng của biết bao người mua ngày thức làm đêm cực khổ). Người đang cần thì không có, người không cần thì bị phát dư thừa xong đem vứt bỏ. Cái gì cũng có 2 mặt. Cứu được mặt phải tạm thời… thì mặt trái cũng nổi lên…”.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/popular-singer-phuong-thanh-summoned-to-work-for-the-post-about-charity-work-in-quang-ngai-11122020075855.html

Phạm Chí Dũng đối mặt án tù 10-20 năm,

khẳng định ‘không vi phạm pháp luật’

Viện Kiểm sát ở thành phố Hồ Chí Minh vừa chính thức đưa ra cáo trạng đối với nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng khiến ông có thể bị hình phạt tù từ 10 đến 20 năm, nhưng ông vẫn khẳng định rằng ông “không vi phạm pháp luật,” luật sư bào chữa cho biết.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho nhà báo Phạm Chí Dũng, nói với VOA sau khi lần đầu tiên tiếp xúc với thân chủ hôm 10/11 tại trại giam số 4 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh:

“Chiều ngày 10/11/2020, tôi có vào tiếp xúc với ông Phạm Chí Dũng. Trong lúc làm việc với ông Phạm Chí Dũng có đại diện của Viện Kiểm sát là ông Đào Công Lữ đến để giao cáo trạng. Cáo trạng dài 12 trang ra ngày 10/11.

“Ông Phạm Chí Dũng nhận cáo trạng và ghi vào giấy nhận cáo trạng rằng: “Tôi không vi phạm pháp luật Việt Nam” và ông ký tên.”

“Sau đó ông Phạm Chí Dũng có nói với tôi rằng trong tất cả các bản cung của ông hoàn toàn không có chữ ký, và nếu nơi nào có chữ ký thì ông có ghi dòng “Tôi không vi phạm pháp luật Việt Nam,”” Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho VOA biết thêm.

VOA đã liên lạc Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hôm 12/11 để tìm hiểu thêm về phản ứng của cơ quan này trước phát biểu của ông Phạm Chí Dũng về bản cáo trạng, nhưng không được phản hồi.

Kể từ khi bị bắt vào tháng 11/2019 cho đến nay, đây là lần đầu tiên ông Phạm Chí Dũng được tiếp xúc với luật sư, và gia đình ông cũng không được thăm gặp.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho VOA biết hiện tại ông chưa có kế hoạch bào chữa cụ thể cho ông Dũng. Nhưng theo luật sư, với lần tiếp xúc này cho thấy ông Dũng không nhận tội.

Luật sư nói:

“Trên tinh thần là ông Dũng không nhận tội, ông nói rằng những việc ông làm thì ông nhận – tức ông nhận hành vi, nhưng truy tố ông phạm tội theo Điều 117, khoản 2, với mức án từ 10 năm đến 20 năm tù, thì ông không đồng ý.

“Tôi nói với ông Dũng rằng ông bị truy tố theo khoản 2, ông nói lại là “Họ truy tố mình khoản mấy chẳng được.””

XEM THÊM:

Vụ Phạm Chí Dũng: LHQ chất vấn Việt Nam; Nguyễn Tường Thụy bị triệu tập

Ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAV), đồng thời là một cộng tác viên thường xuyên của VOA, bị bắt ngày 21/11/2019, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”

Cùng chung cáo trạng với ông Phạm Chí Dũng, còn có Phó Chủ tịch Hội là Nguyễn Tường Thụy, bị bắt vào tháng 5/2020, và nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn, bị bắt vào tháng 6/2020.

Trong diễn biến liên quan, hôm 6/11, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt blogger Nguyễn Văn Lâm, để điều tra về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 117 Bộ luật hình sự 2015.

Đài truyền hình tỉnh Nghệ An loan tin rằng ông Nguyễn Văn Lâm, người dùng Facebook với tên “Lâm Thời,” đã “đăng tải, chia sẻ nhiều video, hình ảnh, bài viết có nội dung vi phạm pháp luật,” cụ thể là có 35 bài “có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu Đảng, chính quyền và nhiều cơ quan nhà nước; đồng thời kích động các tầng lớp nhân dân chống Đảng, Nhà nước.”

https://www.voatiengviet.com/a/pham-chi-dung-doi-mat-an-tu-10-20-nam-khang-dinh-khong-vi-pham-phap-luat/5657943.html

Bamboo Airways được cấp phép bay thẳng đến Mỹ

Hãng hàng không Bamboo Airways tại Việt Nam vừa được Bộ Giao thông-Vận tải Mỹ cấp giấy phép cho các chuyến bay thẳng để việc vận chuyển khách hàng cùng hàng hóa, bưu phẩm giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 11/11 cho biết thông tin vừa nêu.

Cụ thể, Bamboo Airways sẽ được phép thực hiện các chuyến bay thẳng không nối chuyến bằng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, giữa các sân bay lớn của Việt Nam như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tới tất cả các Cảng hàng không quốc tế tại Mỹ.

Bamboo Airlines, đồng thời, được cơ hội hợp tác dưới hình thức liên doanh với các đối tác uy tín tại Mỹ.

Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, ông Nguyễn Ngọc Trọng cho biết tùy theo tình hình hồi phục sau dịch bệnh tại Mỹ và điều kiện thị trường, dự kiến nhanh nhất là vào cuối năm 2020, đầu năm 2021 Bamboo Airways sẽ khai thác đường bay thẳng tới Mỹ.

Trong cùng ngày 11/11, báo giới quốc nội loan tin Quốc hội Việt Nam đang xem xét quyết định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam-Vietnam Airlines, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Hồi trung tuần tháng 7/2020, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, ông Dương Trí Thành cho báo giới biết dự kiến dòng tiền năm nay của công ty bị thâm hụt 16.000 tỷ đồng, và Vietnam Airlines xin Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, diễn ra hôm 10/8, ông Dương Trí Thành thông báo Vietnam Airlines dự kiến mức lỗ hợp nhất năm 2020 dưới 15.177 tỷ đồng trong đó mức lỗ công ty mẹ dưới 14.487 tỷ đồng.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines cũng cho hay rằng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và Vietnam Airlines được Chính phủ yêu cầu hoàn tất các thủ tục để trình lên cấp cao hơn có phương án hỗ trợ tài chính cho Vietnam Airlines được vay vốn 4.000 tỷ đồng, tăng vốn chủ sở hữu 8.000 tỷ đồng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/bamboo-airways-is-licensed-for-direct-flight-to-usa-11122020072329.html

Không khí tại TPHCM được cảnh báo có chất lượng kém

Chất lượng không khí tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) được cảnh báo có chất lượng ở ngưỡng xấu đến kém trong ngày 12/11 và tia cực tím ở mức nguy hại. Truyền thông nhà nước Việt Nam dẫn thông tin từ Pam Air cho biết cùng ngày.

Theo ứng dụng cung cấp thông tin về chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index – AQI) Pam Air, người dân nên che chắn khi ra đường trong ngày.

Tại khu vực chợ Bến Thành ở quận 1, chất lượng không khí có chỉ số AQI ở mức rất xấu là 201 đơn vị, phường Trường Thọ thuộc quận Thủ Đức là 207 đơn vị và xã Vĩnh Lộc B – huyện Bình Chánh lên đến 250 đơn vị.

AirVisual, một ứng dụng khác hiện sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, cũng cho thấy chất lượng không khí ở phường Thảo Điền – quận 2 không tốt, lên đến 255 đơn vị.

Tuy tiếp tục có chỉ số AQI thuộc nhóm cao, nhưng phường Tân Hưng và Tân Phong, quận 7 có chỉ số thấp hơn là 174 và 181 đơn vị.

Không chỉ có chất lượng không khí xấu vào ngày 12/11, vào buổi trưa ở TPHCM, chỉ số tia cực tím (UV) đạt mức độ có nguy cơ gây hại rất cao, chạm mức 9.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/alert-of-bad-air-quality-in-hcmc-11122020072001.html

Những người tìm đến với sách giáo khoa cũ tại Việt Nam

Câu chuyện sưu tầm sách giáo khoa hơn 100 năm trước

Tuổi Trẻ Online, vào ngày 10/11, đăng tải câu chuyện sưu tầm sách giáo khoa cũ của ông Nguyễn Văn Đương, ở Bình Dương.

Kể lại quá trình sưu tập của mình, ông Đương cho biết sau một thập niên ông có trong tay khoảng vài ngàn cuốn sách giáo khoa. Riêng về sách môn Văn-tiếng Việt thì có đến 500 cuốn. Và, có những quyển sách giáo khoa được xuất bản gần 130 năm trước.

Ông Nguyễn Văn Đương chia sẻ rằng việc sưu tầm sách giáo khoa cũ không dễ dàng, bởi có những cuốn sách rất hiếm. Chẳng hạn như để có được bộ sách lâu đời và tương đối đầy đủ “Giáo khoa thư”, ông Đương phải mất mấy năm và kỳ công thuyết phục chủ sở hữu quyển sách nhượng lại cho mình.

Song song với việc sưu tầm sách giáo khoa, ông Nguyễn Văn Đương còn dành thời gian để chuyển tải các quyển sách lên trang web “thuongmaitruongxua.vn” với tinh thần sưu tầm để lan tỏa. Ông Đương cùng với nhiều cộng sự khác tận tụy scan từng quyển sách cũ, biên soạn nội dung và tương tác với độc giả.

Tác dụng của sự lan tỏa

Bạn trẻ Đăng Quang, ở Sài Gòn chia sẻ với RFA về cảm nghĩ của anh khi tìm đọc được trang web “thuongmaitruongxua.vn”:

Theo góc nhìn của em thì trang web này thật sự là rất hữu ích. Thứ nhất, là em vào xem lại các cuốn sách của những thập niên trước, của những thệ hệ trước như thế nào và em cũng xem luôn các cuốn sách em đã từng học thì cũng gợi lại những kỷ niệm cho mình. Và em nghĩ phần nào cũng giúp cho những người đọc các cuốn sách qua từng năm để so sánh. Qua đó, người ta có thể đánh giá các bộ sách và giáo dục của Việt Nam được tiến bộ theo từng năm hay là bị thụt lùi. Nói chung, em thấy trang trang web như vầy rất hay và hữu ích

-Đăng Quang

“Theo góc nhìn của em thì trang web này thật sự là rất hữu ích. Em vào xem lại các cuốn sách của những thập niên trước, của những thệ hệ trước như thế nào và em cũng xem luôn các cuốn sách em đã từng học thì cũng gợi lại những kỷ niệm cho mình. Và em nghĩ phần nào cũng giúp cho những người đọc các cuốn sách qua từng năm để so sánh. Qua đó, người ta có thể đánh giá các bộ sách và giáo dục của Việt Nam được tiến bộ theo từng năm hay là bị thụt lùi. Nói chung, em thấy trang trang web như vầy rất hay và hữu ích.”

Một phụ huynh ở Đồng Tháp cho RFA biết, bà phải tim kiếm trên internet những bộ sách giáo khoa cũ, như qua trang web “thuongmaitruongxua.vn” để dạy cho đứa con trai của bà:

“Con tôi năm nay mới lên lớp 2, nhưng được dạy theo cải cách của sách giáo khoa  ‘tam giác, tròn, vuông’ mà chính phụ huynh như tôi còn không hiểu thì không thể giúp cho con tôi học được. Tôi phải tìm lại những cuốn sách giáo khoa từ hồi tôi học lớp 1 thì rất là dễ học vì vừa có tượng hình và tượng âm, như chữ ‘cờ’ thì có cách đánh vần kèm theo hình lá cờ nên học rất dễ nhớ. Con tôi nói đọc không được tốt nhưng cuối năm vẫn lên lớp vì cô giáo nói nếu có 1 học sinh ở lại thì cô không được danh hiệu giáo viên tiên tiến. Phụ huynh chúng tôi rất bức xúc và muốn năm tới đề nghị với phòng giáo dục tìm lại sách ngày xưa để dạy cho các cháu.”

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, vào tối ngày 11/11, lên tiếng với RFA rằng ông rất ấn tượng bởi nền giáo dục mà ông cùng bạn bè trang lứa được thụ hưởng ở miền Nam, Việt Nam trước đây. Ông khẳng định rằng nhân cách và sự thành công đáng ghi nhận của nhiều thế hệ người Việt trong và ngoài nước phần lớn nhờ vào những bộ sách giáo khoa xưa cũ mà ông Nguyễn Văn Đương đang bỏ công cần mẫn sưu tầm và lan tỏa.

Tham khảo sách cũ để biên soạn sách mới

Đài RFA ghi nhận trong bối cảnh những bộ sách giáo khoa mới đang là vấn đề gây tranh cãi trong xã hội, thì những sách giáo khoa cũ được không ít phụ huynh tìm kiếm để chỉ dạy cho con em của họ.

Chúng tôi nêu câu hỏi với Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng rằng xu hướng tìm kiếm và học hỏi từ những sách giáo khoa cũ như thế vẫn còn hữu dụng trong thời đại hiện nay hay không, và được ông trả lời:

Về căn bản thì sách giáo khoa dựa vào tính nhân văn của xã hội, nghĩa là xu thế tạo điều kiện cho sự phát triển của trẻ thơ được hài hòa, tự nhiên, tôn trọng lễ nghi và hiếu đạo. Đó là những điều có tính chất vĩnh cửu, không có thời nào thay đổi những gì trị này. Thời đó các bộ sách giáo khoa cũng được dựa vào xu thế chung của nhân loại tiến bộ mà được truyền lại theo nền giáo dục của Pháp, là không áp đặt cho giới trẻ những xu hướng một chiều mà dạy đa chiều. Cho nên ắt hẳn là có giá trị thôi
-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng

“Về căn bản thì sách giáo khoa dựa vào tính nhân văn của xã hội, nghĩa là xu thế tạo điều kiện cho sự phát triển của trẻ thơ được hài hòa, tự nhiên, tôn trọng lễ nghi và hiếu đạo. Đó là những điều có tính chất vĩnh cửu, không có thời nào thay đổi những gì trị này. Thời đó các bộ sách giáo khoa cũng được dựa vào xu thế chung của nhân loại tiến bộ mà được truyền lại theo nền giáo dục của Pháp, là không áp đặt cho giới trẻ những xu hướng một chiều mà dạy đa chiều. Cho nên ắt hẳn là có giá trị thôi.”

Ông Nguyễn Văn Đương cũng được Tuổi Trẻ Online dẫn lời nhận xét về sách giáo khoa lớp 1 thời xưa, rằng “Hình thức và ngôn ngữ trong sách đều rất mộc mạc và gần gũi với học sinh. Đa số các cuốn sách đều mỏng, chữ không quá nhiều, lại được in khá to. Các hình vẽ minh họa rất thân thuộc với cuộc sống thường ngày. Nhìn vào, học sinh dù chưa thạo mặt chữ vẫn có thể đoán được từ đó có ý nghĩa gì, rất dễ dàng cho việc nắm bắt bài học.”

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết ông sẽ liên hệ với người sưu tầm sách tên Nguyễn Văn Đương để kết nối với những người có tâm huyết trong lĩnh vực giáo dục nhằm có thể hỗ trợ tạo dựng được các bộ sách giáo khoa quý báu và hữu ích cho các thế hệ Việt Nam về sau.

Vị giáo sư dành trọn thời gian nghỉ hưu để cống hiến cho giáo dục của Việt Nam-tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng cho rằng xã hội tiến triển không ngừng và đầy ắp những thông tin mới cùng với điều kiện và phương cách để kết hợp những giá trị cũ và cập nhật những kiến thức của thế giới thì các bộ sách giáo khoa tại Việt Nam sẽ được cải tiến một cách hiệu quả.

Trong một lần trao đổi với RFA hồi đầu tháng 11/2018, tiến sĩ Mạc Văn Trang khẳng định rằng ngành giáo dục của Việt Nam nên kế thừa triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa trước đây, cũng như tinh thần triết lý về văn hóa của Việt Nam là nên đưa ra triết lý dân tộc, nhân bản, khai phóng thì mới đúng bản chất của giáo dục.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-trend-of-old-school-textbooks-collection-is-developed-in-vietnam-11112020121713.html

Thực tế mạng xã hội của Việt Nam

so với tuyên bố của Bộ trưởng Thông tin- Truyền thông

Trong đợt chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) cho biết, 2 năm gần đây mạng xã hội Việt Nam có sự phát triển mà theo lời ông là ‘bứt phá’ với hơn 800 mạng xã hội. Năm 2018, các mạng xã hội Việt Nam đạt 47 triệu tài khoản, nhưng đến nay đã là 96 triệu.(!?)

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 11 tháng 11 năm 2020 từ Việt Nam, ông Diệp Quang Văn, chủ sở hữu trang mạng xã hội ‘Việt Nam Ta’, nhận định:

“Mấy mạng xã hội đó nó cũng y vậy có phát triển gì đâu, y như mình thôi, tại vì Facebook còn quá mạnh. Người ta chê mấy trang Việt Nam, chủ yếu là nick ảo là nhiều thôi, họ cho chạy máy vậy thôi. Nếu quan tâm sẽ thấy, thậm chí như Facebook cũng không có số lượng vậy. Tới mấy ngàn like một bài mới đăng có vài phút, cài đặt cho xôm tụ vậy thôi. Chứ thực tế thì không phát triển, dân trong nghề nhìn sẽ biết về số lượng tương tác. Cái đó giống như một tuồng kịch thôi.”

Theo ông Diệp Quang Văn, những mạng xã hội có chức năng hoạt động như Facebook, VietnamTa… thực tế rất ít. Có những trang xin phép làm mạng xã hội, nhưng thực chất chỉ giống trang diễn đàn, nơi nhiều người vào để  buôn bán và cũng được coi là mạng xã hội. Theo ông Diệp Quang Văn, các trang mạng có tương tác theo đúng nghĩa mạng xã hội thật sự rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Liên quan đến số người dùng mạng xã hội Việt Nam mà ông Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng công bố, ông Diệp Quang Văn cho biết ước tính của mình:

Mạng xã hội Việt Nam làm gì có 90 triệu người sử dụng, thậm chí Facebook còn có thể không có 90 triệu người dùng ở Việt Nam.

-Diệp Quang Văn

“Mạng xã hội Việt Nam làm gì có 90 triệu người sử dụng, thậm chí Facebook còn có thể không có 90 triệu người dùng ở Việt Nam. Facebook nếu có thì cũng chi là những tài khoản buôn bán, một người mấy chục cái vì chỉ cần 1 cái email là có. Đâu phải ai cũng có Facebook, chỉ có giới trẻ, người già đâu phải ai cũng có. Còn mạng xã hội của Việt Nam thì không bao giờ tới được số đó, người ta chỉ vô đăng quảng cáo, hay vô đăng ký cho biết nhưng không vô sử dụng.”

Đây không phải là lần đầu tiên, ông Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng có những tuyên bố hùng hồn về mạng xã hội ‘Made in Vietnam’. Khi còn giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT, ông Hùng đã từng bày tỏ mong muốn phát triển mạng xã hội ‘Made in Vietnam’ để ‘đàm phán và buộc Facebook, Google tuân thủ pháp luật Việt Nam nhiều hơn’.

Vào thời điểm tháng 6/2019, một mạng xã hội “Made in Vietnam” mới toanh đã được ra đời mang tên ‘Hahalolo’… với tuyên bố đặt tham vọng ‘2 tỉ người dùng trong 5 năm tới, đồng thời sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ của Mỹ’.

Liệu Hahalolo có như lời vị đại diện này nói, hay tiếp tục rơi vào vết xe đổ như các mạng xã hội Việt Nam trước đây, từng tuyên bố trong 6 tháng sẽ đánh bật Facebook ra khỏi thị trường Việt Nam, nhưng đều đã chết yểu từ lâu lắm rồi như: Zingme, Go.vn, Tamtay.vn hay BizTime của CEO 7X Vũ Văn Anh…?

Ban Tuyên giáo Trung ương hôm vào ngày 11/6/2019 cũng cho ra mắt hệ thống Mạng xã hội – VCNET, được chính quyền cho là nỗ lực gần gũi dân theo phương châm ‘tuyên giáo đi trước, đi cùng’, ‘tương tác với dân’… Tuy nhiên, dư luận khi đó lại nghi ngờ VCNET có thể là kế sách để tăng cường kiểm soát mạng xã hội?

Hôm 22/7/2019, Gapo đã trở thành trang mạng xã hội mới nhất của Việt Nam ra mắt sau hơn 4 tháng đầu tư, với kỳ vọng được cho biết là sẽ có 20 triệu người dùng vào năm 2021.

Cho đến nay, sau khi ra mắt rầm rộ, các mạng xã hội tư nhân và của nhà nước hầu như đang bị chìm vào quên lãng, không thấy xuất hiện trên báo chí như những ngày đầu.

Một người dân ở Sài Gòn, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do nói:

“Em nghĩ Facebook đã đủ rồi, không cần phải làm mạng xã hội Việt Nam… Em nghĩ tại sao mình phải tự bó hẹp mình lại… Em nghĩ mình nên kết nối với nhiều nước.”

Một người dân ở Hà Nội không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nói với Đài Á Châu Tự Do:

“Em dùng Facebook với Instagram, em có biết mạng xã hội Việt Nam là Gapo và Lotus, nhưng nó chưa phổ biến… nó theo bước Facebook, nhưng Facebook giờ đang lớn nhất rồi.”

Chính quyền Việt Nam trong mong muốn kiểm soát các đối tượng mạng nước ngoài, khống chế Facebook, Google, Netflix, Apple… đã thường xuyên đưa ra những điều luật, nghị định, buộc các nhà cung cấp này phải tuân theo nếu muốn kinh doanh tại Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, vào năm 2019 đã buộc Google ngăn chặn hơn 7.000 video clip, gỡ 19 kênh có nội dung bị cho là xấu độc trên mạng xã hội YouTube. Ngoài ra, cũng yêu cầu Facebook gỡ bỏ 208/211 tài khoản bị cho là giả mạo, 2.444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết bị cho là sai sự thật có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam…

Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, đã buộc Facebook gỡ 286 tài khoản bị cho là giả mạo trong năm 2020. Trong số này có 50 tài khoản bị nói là giả mạo các vị lãnh đạo đảng, Nhà nước Việt Nam. Số còn lại là tài khoản mà ông Hùng cho là tuyên truyền thông tin “giả mạo, xấu, độc kích động chống phá Nhà nước”.

Nhà hoạt động Trần Bang khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 11/11, nhận định:

“Rõ ràng chúng tôi là những người hay phản biện, có tiếng nói phản ánh tiếng nói của người dân, ví dụ như các tin biểu tình thì chẳng báo chí hay mạng xã hội của Việt Nam đưa. Chúng tôi phải dùng Facebook hay Youtube, vì nếu dùng mạng VN thì họ sẽ chặn. Những chuyện dân bức xúc mà ảnh hưởng nhà cầm quyền như vấn đề đất đai Lộc Hưng, Thủ Thiêm, Đồng Tâm… những nạn nhân kêu gào thảm thiết là sự thật nhưng không bao giờ các mạng xã hội do đảng, Bộ 4T hay Ban Tuyên giáo quản lý mà họ đưa lên cả, họ cho đó là chống đối, thậm chí bắt bỏ tù.”

Theo Nhà hoạt động Trần Bang, những tin đấy thì chỉ có mạng xã hội của những nước tôn trọng nhân quyền như Mỹ, châu Âu mới để tiếng nói trung thực cất lên. Ông nói tiếp:

Ví dụ như các tin biểu tình thì chẳng báo chí hay mạng xã hội của Việt Nam đưa. Chúng tôi phải dùng Facebook hay Youtube, vì nếu dùng mạng VN thì họ sẽ chặn.

-Trần Bang

“Cho nên từ cái đó, dẫn đến chuyện họ đòi cấm mạng xã hội nước ngoài, hoặc kiểm soát chặt, bắt phải tuân theo Luật An ninh mạng, tuân theo luật pháp của chính phủ. Theo tôi, nếu chặn các hình ảnh khiêu dâm, hay các hình ảnh về chủ quyền biển đảo đường lưỡi bò, thì tôi cho là đúng. Nhưng chặn các tiếng nói bất đồng chính kiến, mà cái đó rất nhiều, mà bộ TT&TT họ lấy lý do để họ chặn, thì cái đó rất thiệt thòi cho người dân Việt Nam, vì không thể tiếp cận thông tin đa dạng nhiều chiều từ bản thân người dân, cũng như sự phản hồi của quốc tế với người dân… nếu chặn các mạng từ nước ngoài hoặc kiểm soát quá gắt gao nhằm làm lợi cho độc tài cộng sản.”

Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 6/2018, và có hiệu lực vào ngày 1/1/2019. Luật này qui định nhà cung cấp dịch vụ phải công bố những thông tin cá nhân người dùng nếu được lực lượng an ninh Việt Nam yêu cầu. Đây là điều được giới chỉ trích đưa ra nói rằng, luật này là nhằm để đàn áp những tiếng nói phản biện ôn hòa.

Mới nhất, vào hôm 28 tháng 8 năm 2020, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã có văn bản yêu cầu Công ty Netflix phải ngay lập tức loại bỏ những bộ phim có nội dung vi phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam và chấm dứt hiển thị chuyển ngữ tiếng Việt trong các bộ phim, mà Netflix cung cấp đến người sử dụng tại Việt Nam.

Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trả lời RFA về vấn đề này trước đây cho rằng, việc can thiệp vào nội dung và cách phát hành của Netflix là hết sức vô lý, bởi đây là quan hệ mang tính chất riêng tư. Hơn nữa, những yêu cầu của cơ quan nhà nước như vậy cho thấy nó không bao hàm ý nghĩa gì về luật pháp hoặc bảo vệ quyền lợi gì cho người tiêu dùng. Thậm chí theo ông, nó còn đi ngược lại quyền lợi của người tiêu dùng trong trường hợp này.

Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, tư duy của những người đưa ra những ý kiến quản lý theo cách này thì hết sức là cũ kỹ. Thật sự nó không có hiệu quả, bởi thứ nhất theo ông, không phải chỉ có Netflix mới là nguồn mang lại phim ảnh cho người xem ở Việt Nam mà có rất là nhiều nguồn. Thứ hai, ý kiến của cơ quan chức năng cho thấy họ hết sức coi thường sự hiểu biết của công chúng Việt Nam. Công chúng Việt Nam đủ sức đánh giá một ấn phẩm khi xem có bảo đảm về thuần phong mỹ tục hay đường lối chính trị… Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, tự người dân sẽ có sự lựa chọn chứ không cần thiết nhà nước phải lựa chọn cho họ.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-reality-of-vn-s-current-social-network-as-stated-by-minister-hung-11112020114735.html

Đa số đại biểu tán thành chưa tăng lương cơ sở năm 2021

Gần 93% đại biểu Quốc hội Việt Nam tán thành việc chưa tăng lương mức lương cơ sở năm 2021. Lý do được đưa ra là tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 vừa được Quốc hội thông qua chiều 12/11, và được báo chí dẫn lại, thì trong năm 2021 chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo. Năm 2020 cũng không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, năm 2020 ngân sách Nhà nước hụt thu khoảng 190.000 tỷ đồng so với dự toán; dự toán thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2021 giảm trên 170.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2020. Do đó chưa thể cân đối được nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp xã hội và trợ cấp hàng tháng (đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm), trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2020 và năm 2021, cũng như điều chỉnh chuẩn nghèo cho giai đoạn tới.

Quốc hội Việt Nam thống nhất tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Tin nói rằng trong năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; cải cách, hiện đại hóa hệ thống cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/majority-of-delegates-agreed-to-drill-for-local-salary-increase-in-2021-11122020071907.html

Bồn kim loại in chữ Trung Quốc

dạt vào bờ biển Quảng Nam, Quảng Ngãi

Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi hôm 12/11 đã phát hiện 2 bồn kim loại, phao, thiết bị báo cháy in chữ Trung Quốc trôi dạt vào bờ biển một số vùng tại tỉnh này.

Cụ thể theo thông báo của Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi cho truyền thông Nhà nước Việt Nam hay, tại cảng Dung Quất, xã Bình Thuận huyện Bình Sơn và xã Phổ Khánh, Đức Phổ họ đã phát hiện bồn kim loại dài khoảng 5m in chữ Trung Quốc.

Họ cho biết bên ngoài bồn chứa có khung sắt, van niêm phong kẹp chì và dòng chữ ghi ngoài thân bồn tạm dịch là khí dầu mỏ hoá lỏng.

Ngoài 2 bồn trên, Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi còn phát hiện tại vùng biển thôn Châu Me, xã Bình Châu, H.Bình Sơn, có một phao sắt hình trụ, cao khoảng 4m, đường kính 2,5m, đỉnh phao có gắn đèn phát tín hiệu và thiết bị định vị GPS, có nhiều chữ Trung Quốc.

Hiện Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết đang cùng chính quyền giữ những vật trên để quản lý, không để trôi dạt, va chạm rất dễ xảy ra cháy nổ; đồng thời sau khi xác định nguồn gốc sẽ xử lý để không gây ảnh hưởng đến môi trường biển.

Trước đó, ngày 7/11, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cũng phát hiện một bồn chứa hoá chất tương tự trôi dạt vào bờ biển thị xã Điện Bàn.

Đại tá Hoàng Văn Mẫn cho hay, bồn hóa chất còn niêm phong, dòng chữ trên thân bồn được xác định là tiếng Trung Quốc, qua dịch chữ xác định là bồn chứa khí gas. Khả năng trong bồn vẫn còn khí gas vì kim áp suất của đồng hồ đang nằm ở số 100.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/metal-tanks-with-china-characters-drifted-into-coast-of-quang-nam-quang-ngai-11122020064611.html

Chợ biên giới Việt Nam – Campuchia

 sau một năm vẫn chưa động thổ

Hai khu chợ biên giới Việt Nam – Campuchia được quy hoạch ở hai tỉnh Svay Rieng và Kampot vẫn chưa được động thổ sau một năm, chính quyền hai tỉnh này cho Phnompenh Post biết hôm 10/11.

Trước đó, tại lễ khánh thành Chợ Đa ở tỉnh Tbong Khmum, gần biên giới Việt Nam vào ngày 24/12/2019, Thủ tướng Hun Sen đã ra lệnh cho Bộ Thương mại làm việc với các quan chức Svay Rieng và Kampot để xây dựng hai chợ biên giới bổ sung nhằm thúc đẩy thương mại biên giới và tăng cường hợp tác với nước láng giềng của Campuchia là Việt Nam.

Ông Hun Sen khi đó ca ngợi việc xây dựng chợ và nói rằng nó sẽ là hình mẫu cho các dự án trong tương lai được triển khai nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và lớn và cung cấp cho người dân của cả hai nước một thị trường công bằng giúp cải thiện sinh kế của họ.

“Thị trường được thiết kế để có lợi cho xuất khẩu sang Việt Nam. Chúng tôi muốn sử dụng ngân sách quốc gia để xây dựng khu chợ. Tôi ủng hộ sáng kiến ​​này để phát triển và chuyển đổi các cộng đồng biên giới.”- Ông Hun Sen nói và cho biết thêm rằng ông muốn thiết kế của khu chợ mang một hương vị truyền thống riêng biệt của người Khmer.

Thống đốc tỉnh Kampot, ông Cheav Tay nói với tờ The Post hôm thứ Ba rằng chính quyền tỉnh và các quan chức bộ đã chọn xây chợ tại một địa điểm gần Trạm kiểm soát biên giới quốc tế Prek Chak ở phía đông nam xã Russey Srok Khang Lech của huyện Kampong Trach, đối diện với tỉnh Kiên Giang của Việt Nam.

Tuy nhiên theo ông Cheav Tay, khu chợ này vẫn chưa bắt đầu xây dựng do Covid-19. Ông cho biết chính phủ đã không đặt ra một khung thời gian cụ thể cho việc xây dựng bắt đầu.

Ông bày tỏ tin tưởng rằng chợ biên giới sẽ tạo động lực đáng kể cho việc trao đổi hàng hóa giữa người Campuchia và người Việt Nam.

Tuy nhiên tỉnh Svay Rieng vẫn chưa quyết định vị trí xây chợ. Phát ngôn viên Tòa thị chính tỉnh Svay Rieng, Ros Pharith cho biết có hai địa điểm tiềm năng đang được xem xét. Một ở phía đông và giáp tỉnh Tây Ninh của Việt Nam, trong khi địa điểm kia ở phía nam và đối diện với tỉnh Long An.

Người phát ngôn chính phủ, Pen Sovicheat cho biết việc xây dựng hai khu chợ này có thể bắt đầu sớm nhất là vào năm sau, lưu ý rằng ngân sách năm 2021 có một khoản tiền không được tiết lộ dành cho dự án.

Thương mại song phương giữa Campuchia và Việt Nam giảm 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 2,17 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay, theo Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, Campuchia đã xuất khẩu sản phẩm trị giá 476 triệu đô la sang thị trường Việt Nam trong giai đoạn này, giảm 15% và nhập khẩu 1,7 tỷ đô la, giảm 6%.

Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh trước đó cho biết thương mại song phương giữa Campuchia và Việt Nam đạt gần 5,3 tỷ USD trong năm ngoái, tăng 11% so với năm 2018.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-border-markets-on-the-cards-for-2021-11122020105825.html

EU: Bắt bà Phạm Đoan Trang ‘gây nghi vấn

về cam kết của Việt Nam’

Phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU) mới nói với VOA Việt Ngữ rằng vụ bắt giữ ký giả tự do Phạm Đoan Trang “gây nghi vấn về cam kết bảo vệ quyền bày tỏ quan điểm và biểu đạt, cả trên mạng lẫn đời thực, của chính quyền Việt Nam”.

Bà Nabila Massrali, phát ngôn viên của Liên minh châu Âu về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, nói thêm rằng quyền tự do ngôn luận là “điều sống còn nhằm bảo đảm sự minh bạch, công bằng xã hội cũng như sự thịnh vượng và phát triển toàn diện và bền vững”.

Tác giả của nhiều sách, trong đó có cuốn “Phản kháng phi bạo lực” và “Cẩm nang nuôi tù”, bị bắt hôm 6/10 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” và “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước”.

“Quyền tự do ngôn luận ôn hòa được bảo vệ bởi Hiến pháp của Việt Nam, Tuyên bố Nhân quyền Phổ quát và các công ước quốc tế mà bản thân Việt Nam ký kết, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Chúng tôi kêu gọi chính quyền [Việt Nam] duy trì các cam kết đó”, Phát ngôn viên Massrali nói.

“Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi và làm việc với các bên liên quan để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam, vốn là điều cũng quan trọng trong bối cảnh Thỏa thuận Thương mại Tự do EU – Việt Nam đạt được gần đây”.

XEM THÊM:

Dân biểu Mỹ kêu gọi ngoại trưởng yêu cầu thả bà Phạm Đoan Trang

Mới đây, hôm 5/11, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti, cho biết trên Twitter rằng ông cùng với đại sứ các nước thành viên EU khác đã nêu vụ bắt giữ bà Trang với Bộ Công an Việt Nam.

Trước Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, một đối tác thương mại quan trọng khác của Việt Nam, đã bày tỏ “quan ngại” về vụ bắt ký giả tự do từng có thời gian học tập tại Mỹ.

Trên Twitter, ông Robert A. Destro, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, “kêu gọi chính phủ Việt Nam ngay lập tức thả bà và hủy bỏ mọi cáo buộc”.

Hôm 15/10, tờ Công an Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, đăng bài viết với tựa đề “Sự thật đằng sau những lời kêu gọi trả tự do cho Phạm Đoan Trang”, trong đó chỉ trích các tổ chức nhân quyền quốc tế, và tuyên bố rằng “hoàn toàn không có chuyện bắt, xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật lại bị coi là đàn áp người ‘bất đồng chính kiến’, ‘người hoạt động nhân quyền’”.

XEM THÊM:

Quan chức Mỹ kêu gọi Việt Nam thả bà Phạm Đoan Trang

Cùng khoảng thời gian đó, một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ gửi thư tới Ngoại trưởng Mike Pompeo, trong đó bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vụ Việt Nam bắt bà Trang, đồng thời kêu gọi nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ thúc đẩy việc phóng thích ký giả tự do này.

12 nhà lập pháp của Mỹ viết rằng “bà Phạm Đoan Trang không vi phạm pháp luật và chỉ thể hiện các quyền tự do cơ bản của mình, được bảo đảm trong hiến pháp Việt Nam” và rằng “bà ấy phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện”.

Trong chuyến thăm được coi là “bất ngờ” tới Việt Nam cuối tháng trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã trao đổi với quan chức Việt Nam, trong đó có cuộc gặp riêng với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Hiện chưa rõ nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ có lên tiếng về vụ bà Phạm Đoan Trang hay không.

Trước khi Việt Nam và Hoa Kỳ công bố thông tin về chuyến công du của ông Pompeo tới Hà Nội, VOA Việt Ngữ hôm 27/10 liên hệ với cơ quan chuyên trách về dân chủ, nhân quyền và lao động của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để hỏi xem liệu phía Mỹ có nêu vụ bắt giữ bà Trang bên lề Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ và Việt Nam phối hợp tổ chức, nhưng tới hôm 12/11 vẫn chưa nhận được câu trả lời.

https://www.voatiengviet.com/a/eu-b%E1%BA%AFt-b%C3%A0-ph%E1%BA%A1m-%C4%91oan-trang-g%C3%A2y-nghi-v%E1%BA%A5n-v%E1%BB%81-cam-k%E1%BA%BFt-c%E1%BB%A7a-vi%E1%BB%87t-nam-/5658085.html

Điểm tin trong nước sáng 12/11:

Một làng ở Quảng Ngãi bị vùi lấp sau tiếng nổ lớn;

Hơn 8.000 nhà dân Quy Nhơn bị ngập

Mạnh Đức

Một làng ở Quảng Ngãi bị vùi lấp sau tiếng nổ lớn; Hơn 8.000 nhà dân Quy Nhơn bị ngập

Ảnh tổng hợp.

Mục lục bài viết         

Thêm 26 ca nhiễm virus cúm Vũ Hán nhập cảnh

Thủy điện xả lũ, Phú Yên cảnh báo ngập sâu vùng hạ du, sơ tán khẩn cấp người dân

Bình Định: Quy Nhơn có hơn 8.000 nhà dân bị ngập nước

Một ngôi làng ở Quảng Ngãi bị vùi lấp sau tiếng nổ lớn

Nghi vấn mẹ ôm 2 con nhảy cầu tự tử lúc nước lũ dâng cao

Mục Điểm tin trong nước sáng thứ 5 (ngày 12/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Thêm 26 ca nhiễm virus cúm Vũ Hán nhập cảnh

Chiều 11/11, Bộ Y Tế ghi nhận 26 ca mắc viêm phổi Vũ Hán mới. Là các ca nhiễm từ (1227-1252), đều là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay.Số bệnh nhân hồi phục là  1.091, 35 trường hợp tử vong. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 15.540.

Toàn thế giới ghi nhận trên 52 triệu ca nhiễm, hơn 1,2 ca tử vong. Số trường hợp hồi phục là trên 36 triệu người.

Thủy điện xả lũ, Phú Yên cảnh báo ngập sâu vùng hạ du, sơ tán khẩn cấp người dân

Nhà máy Thuỷ điện Sông Ba Hạ, không còn khả năng giữ nước phải xả lũ xuống hạ du với lưu lượng cao. Tỉnh Phú Yên đã phát đi cảnh báo ngập lụt ở vùng hạ du, yêu cầu sơ tán khẩn cấp người dân sống ở vùng trũng thấp, ven sông Ba.

Ông Trần Hữu Thế – Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên nói trên VTC, theo dự báo tối 11/11, lưu lượng nước từ thượng nguồn phía tỉnh Gia Lai đổ xuống hồ thủy điện Sông Ba Hạ mới đạt đỉnh. Hiện hồ thủy điện Sông Ba Hạ đang xả lũ xuống hạ du Phú Yên với lưu lượng 4.500 m3/giây. Đây là lưu lượng xả lũ cao nhất của hồ thủy điện này trong mùa mưa lũ năm nay.

Bình Định: Quy Nhơn có hơn 8.000 nhà dân bị ngập nước

Thanh Niên đưa tin, tối 11/11, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết trên địa bàn tỉnh này có gần 8.650 nhà bị ngập nước, trong đó riêng tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) có hơn 8.015 nhà, 77 hộ/315 nhân khẩu đã được di dời đến nơi an toàn.

Ngoài TP.Quy Nhơn, H.Phù Cát cũng đã di dời 109 hộ/501 nhân khẩu ở xã Cát Minh, Cát Nhơn, Cát Tường với sự hỗ trợ của 10 bộ đội, 45 dân quân tự vệ. H.Vân Canh đã di dời 97 hộ/379 nhân khẩu, lực lượng tham gia hỗ trợ gồm 5 bộ đội, 73 dân quân tự vệ…

 Tuyến QL 19 C qua địa bàn khu phố Tân Thuận (TT.Vân Canh) bị nước lũ tràn qua, âm sâu vào lòng đường 3m, rộng 3 m gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Cầu Suối Mây tại TT.Vân Canh cũng đã bị lũ làm đứt gãy một nhịp, chia cắt hơn 100 hộ dân với 400 nhân khẩu làng Suối Mây với TT.Vân Canh.

Tuyến đường từ xã Canh Thuận đi xã Canh Liên (H.Vân Canh) có 10 điểm sạt lở, cầu Bình Long ở xã Canh Vinh bị tụt 2 nhịp, cầu từ thôn Canh Tân thị trấn Vân Canh và xã Canh Thuận cũng bị sạt lở mái ta luy dài 20m, âm sâu 1m…

Một ngôi làng ở Quảng Ngãi bị vùi lấp sau tiếng nổ lớn

Trao đổi với báo Giao thông chiều 11/11, ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) cho biết, tối 10/11, trên địa bàn có mưa lớn, đất đá trên núi đã bắt đầu theo nước chảy tràn xuống khu vực làng Pa Rân.

Đến rạng sáng 11/11, người dân ở gần đó bắt đầu nghe những tiếng nổ lớn phát ra từ phía núi khiến họ lo lắng. Đến sáng thì nhìn thấy cảnh tượng một ngọn núi sạt xuống, bùn đất chảy tràn xuống các thửa ruộng, đất đá trôi vào nhà, đường dân sinh.

“Từ đầu mùa mưa, đất đá bắt đầu sạt lở trên địa bàn. Nhưng đây là đợt sạt lở kinh hoàng nhất với hàng chục ngàn khối đất đá trút xuống trên địa bàn rộng cả héc ta. Người dân gần đấy tỏ ra rất lo lắng bởi sạt lở kèm theo những tiếng nổ lớn lúc gần sáng. Rất may, trước đó đã di dời bà con trong làng đi nên không xảy ra thiệt hại về người”, ông Vượt nói.

Cũng theo ông Vượt, ước chừng 60.000 m3 đất đá trút xuống làng Pa Rân, phủ khắp quãng đường gần 1 cây số. Trước đó, xã đã di dời 86 hộ dân, trong đó có 56 hộ ở khu vực sạt lở nên không có thiệt hại về người. Hiện các tuyến đường vào khu sạt lở đã được chốt chặn, lập barie phong tỏa.

Nghi vấn mẹ ôm 2 con nhảy cầu tự tử lúc nước lũ dâng cao

Người lao động đưa tin, công an TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi vẫn đang điều tra nghi vấn một phụ nữ ôm hai con nhảy cầu Thạch Bích tự tử.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 19 giờ tối 11/11, trong lúc trời đang mưa dữ dội, nước lũ sông Trà Khúc dâng cao, một phụ nữ điều khiển xe máy chở theo 2 con nhỏ đến cầu Thạch Bích. Khi đến khu vực giữa cầu, người phụ nữ để lại xe máy cùng 2 đôi dép trên lan can, ôm con nhảy cầu xuống sông tự tử.

Bước đầu, công an đã xác định phụ nữ tên Võ Thị Đào (ngụ xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi). Hai con chị Đào chở theo, một cháu học lớp 1, một cháu học lớp 3. Chồng chị Võ Thị Đào cũng xác nhận chiếc xe của chị và cho biết vợ mình chở 2 con rời khỏi nhà lúc 18 giờ ngày 11/11.

Theo lời một cán bộ xã Tịnh Ấn Tây, vì buồn bực chồng thường xuyên rượu chè, chị Đào từng có ý định tự tử nhiều lần trước đó. “Hiện người dân địa phương đang rất lo lắng cho chị Đào cùng hai con nhỏ” – cán bộ này nói.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-12-11-mot-lang-o-quang-ngai-bi-vui-lap-sau-tieng-no-lon-hon-8-000-nha-dan-quy-nhon-bi-ngap.html

Điểm tin trong nước tối 12/11: Tạm giữ

một hành khách la hét có bom trên máy bay

Hiểu Minh

Mục lục bài viết         

Tạm giữ một hành khách la hét có bom trên máy bay

Hồ thủy lợi, thủy điện xả nước, nhiều nơi ở Huế ngập nặng dù trời không mưa

5 hồ thủy lợi ở Lâm Đồng mất an toàn

Dịch tả lợn châu Phi tái phát sau lũ

Mục Điểm tin trong nước tối thứ 5 (ngày 12/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Tạm giữ một hành khách la hét có bom trên máy bay

Báo Zing thông tin, một hành khách nước ngoài có biểu hiện tâm lý bất thường, la hét và nói có bom trên chuyến bay của Pacific Airlines trưa 12/11.

Theo đại diện Pacific Airlines, chuyến bay BL6011 dự định cất cánh lúc 11h25 hôm nay tại sân bay Nội Bài. Sau khi hành khách vào chỗ ngồi, tổ bay chuẩn bị đóng cửa để khởi hành thì một nam hành khách quốc tịch Philippines có biểu hiện tâm lý bất thường, liên tục la hét và nói có bom.

Tổ tiếp viên đã triển khai quy trình ứng phó, tạm ngừng chuyến bay và phối hợp với lực lượng chức năng tại sân bay để xử lý sự việc. Nam hành khách được an ninh sân bay đưa vào nhà ga để thẩm vấn.

Theo quy trình với một chuyến bay nghi có bom, lực lượng chức năng kiểm tra lại an ninh, an toàn cho toàn chuyến bay. Hành khách, hành lý được đưa vào nhà ga để soi chiếu lại, máy bay cũng được kiểm tra toàn bộ. Hiện đơn vị chức năng chưa phát hiện vấn đề gì bất thường với chuyến bay BL6011 nêu trên.

Hồ thủy lợi, thủy điện xả nước, nhiều nơi ở Huế ngập nặng dù trời không mưa

Người lao động đưa tin, báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, tổng lượng mưa từ 19 giờ ngày 9/11 đến 7 giờ ngày 12/11 ở vùng núi phổ biến 350-640mm, vùng đồng bằng phổ biến 200-250mm. Dự báo ngày hôm nay 12/11, tại Thừa Thiên – Huế có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 50mm. Trưa chiều nay mưa giảm.

Hồ thủy lợi Tả Trạch và hồ thủy điện Bình Điền nằm ở thượng nguồn sông Hương sau một thời gian cắt lũ thì từ chiều qua, 11/11, đến nay đã xả về hạ du lượng nước tương đương về hồ. Trong đó, Tả Trạch xả 662m3/s, Bình Điền là 1.062m3/s.

Tương tự, thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ cũng xả về hạ du lưu lượng 2.275m3/s, sau khi đạt mực nước dâng bình thường là +58m.

Ghi nhận trong sáng 12/11, tại nhiều khu vực hạ du ở Thừa Thiên – Huế đang ngập nặng dù trời không mưa.

5 hồ thủy lợi ở Lâm Đồng mất an toàn

Theo báo VnExpress, thông tin trên được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng cho biết ngày 12/11. 5 hồ thủy lợi xuất hiện tượng bất thường gồm: hồ Tuyền Lâm (TP. Đà Lạt), hồ P’Róh, Ma Đanh (huyện Đơn Dương), hồ Đinh Trang Thượng 2 (huyện Di Linh), hồ Tư Nghĩa (huyện Cát Tiên).

Hồ Tuyền Lâm rộng 320 ha, xây dựng hơn 30 năm, là nơi thu hút đông du khách tham quan, đang có hiện tượng thấm nước trên thân đập. Bề mặt đập bị sụt lún, rạn nứt. Cầu tràn xuống cấp, không đảm bảo cho các xe cỡ lớn chạy qua.

Ngoài các hồ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng ghi nhận bờ sông, suối tại các huyện Lâm Hà, Cát Tiên, Đạ Huoai… bị sạt lở nghiêm trọng. Ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng kiến nghị xử lý khẩn cấp với kinh phí 235 tỷ đồng.

Dịch tả lợn châu Phi tái phát sau lũ

Cũng theo báo VnExpress, 67 con lợn của gia đình ông Hoàng Kim Dũng ở huyện Cẩm Xuyên phải tiêu hủy, vì trong đàn có một con dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi sau lũ lụt.

Ổ dịch nhà ông Dũng, trú thôn 3, xã Nam Phúc Thăng được ghi nhận là mới nhất, sau ba tháng huyện Cẩm Xuyên không có ca mới. Ngày 3/11, đàn lợn 112 con của gia đình ông Dũng có một số con bị ốm, bỏ ăn, đi ngoài. Gia chủ báo cáo sự việc với cán bộ thú y, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Hơn một tuần sau, kết quả công bố có một mẫu dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Ông Lê Văn Danh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cẩm Xuyên cho biết, thời điểm này nhà chức trách đã tiêu hủy 67 con lợn của gia đình ông Dũng, còn 45 con đang nuôi riêng để theo dõi. Theo ông Danh, trước kia nếu trại lợn có một con nhiễm dịch thì phải tiêu hủy cả đàn, song hiện nay chính quyền chủ trương dập dịch ở ngưỡng an toàn, chỉ tiêu hủy những con lợn nuôi cùng ô chuồng chứ không làm theo diện rộng để giảm thiệt hại.

“Năm 2019 địa phương bùng phát dịch tả lợn châu Phi, phải tiêu hủy hàng trăm tấn lợn. Trong huyện đã có nguồn bệnh, sau lũ lụt vừa qua, bệnh có thể theo nguồn nước lây lan từ xã này sang xã khác”, ông Danh nói.

Theo ông Hoàng Kim Dũng, đợt lũ lụt từ ngày 18-21/10, trại lợn của gia đình ngập gần 1m, hàng trăm con lợn được di chuyển lên trụ sở trường THCS Nam Phúc Thăng cách nhà vài km để tránh lũ. Khi nước rút, ông đã vệ sinh khử khuẩn chuồng trại rồi mới đưa lợn về nuôi.

“Số lợn đã tiêu hủy và nằm trong diện nghi nhiễm mỗi con nặng 15-60kg, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng”, ông Dũng cho hay.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-12-11-tam-giu-mot-hanh-khach-la-het-co-bom-tren-may-bay.html