Tin Việt Nam –1/12/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam –1/12/2015

Tổng Bí thư CSVN: ‘Đổi mới chính trị không phải là thay đổi chế độ’ – Bỏ phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, ai cao phiếu nhất?

Theo Tổng Bí thư CSVN, đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng, Nhà nước mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy; chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; tăng cường quốc phòng, an ninh…

Sáng 12/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2014. Đầu giờ chiều, dưới sự điều hành của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn theo quy định. Sau đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang điều hành phiên bế mạc.

Thay mặt Bộ Chính trị phát biểu bế mạc Hội nghị, Nguyễn Phú Trọng khẳng định, sau 8 ngày làm việc liên tục, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Hôm nay 12/01/2015 Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 11 đã bế mạc sau tám ngày làm việc. Trong hội nghị, lần đầu tiên đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, kết quả đã được báo cáo hôm qua. Tuy nhiên đối với dân chúng thì kết quả này vẫn là điều bí mật.

Theo ngôn từ chính thức, thì việc lấy phiếu tín nhiệm trong Hội nghị Trung ương 10 nhằm giúp những người được đưa ra lấy phiếu tự nhìn lại mình để điều chỉnh, đồng thời Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí cán bộ.

Đây là hội nghị quan trọng nhưng đã bị dời lại nhiều lần. Bên cạnh việc đưa ra định hướng chiến lược, quan trọng nhất là việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ 12, mà theo giới quan sát, là dịp để tranh chấp quyền lực.

RFI Việt ngữ đã trao đổi với nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Saigon về vấn đề trên.

RFI: Xin chào anh Phạm Chí Dũng, rất cảm ơn anh đã nhận trả lời phỏng vấn hôm nay. Thưa anh, vừa rồi Hội nghị Ban chấp hành Trung ương có tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Anh có thông tin gì về cuộc bỏ phiếu tín nhiệm này không ?

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng: Có thể nói đây là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lịch sử trong Đảng Cộng sản Việt Nam, vì từ trước tới giờ lần đầu tiên mới lấy phiếu tín nhiệm. Tôi biết là nhiều dư luận, nhiều giới, nhiều người dân đang chờ đợi kết quả bỏ phiếu, nhưng tới giờ này vẫn không công khai. Theo quy định trong Đảng thì họ nói là không công khai, nhưng theo một nguồn tin khả tín, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam là người đạt kết quả cao nhất.

Đó là một kết quả có thể nói là khá bất ngờ, nếu tính từ thời điểm năm 2012, khi diễn ra Hội nghị Trung ương 6 – lúc ông Nguyễn Tấn Dũng trong tình trạng khá bị động, và nhiều thông tin cho biết là ông suýt bị kỷ luật, và sau đó thậm chí ông có biệt danh là “đồng chí X”.

RFI: Nếu ông Nguyễn Tấn Dũng được phiếu cao nhất, anh nghĩ khuynh hướng sắp tới sẽ như thế nào ?

PCD: Nếu quả thật thông tin ông Nguyễn Tấn Dũng đạt phiếu cao nhất trong cuộc bỏ phiếu ở Hội nghị Trung ương 10 kỳ này là đúng, thì phải nói đó là cú đột biến lịch sử đối với ông Dũng. Sau hơn hai năm kể từ Hội nghị Trung ương 6 năm 2012, ông đã có một cuộc chuyển mình ngoạn mục và phát triển. Nếu không có gì thay đổi, thì đây là một cú bứt phá, để phá tan thế giằng co về tương quan lực lượng trong Đảng, kéo dài suốt hơn hai năm qua.

Theo tôi, nếu đúng kết quả ông Nguyễn Tấn Dũng đạt phiếu cao nhất, thì con đường của ông đến Đại hội 12 của Đảng sẽ thong dong hơn khá nhiều – nếu không xảy ra những cú đột biến nào khác đối với ông. Về phần cá nhân thì tôi xin chúc mừng sớm đối với ông Nguyễn Tấn Dũng. Tôi có đôi chút hy vọng rằng những gì mà ông cam kết trong thông điệp năm 2014 về cải cách dân chủ, về tinh thần dân tộc, về giảm và xóa độc quyền, về Nhà nước kiến tạo phát triển và nắm chắc ngọn cờ dân chủ, thì ông sẽ thực hiện trong năm 2015.

Mặc dù cho tới giờ phút này, có thể nói là ông vẫn chưa đưa ra thông điệp nào cho năm 2015 cả. Nhưng tôi hy vọng rằng những gì ông Dũng cam kết mà chưa làm được, thì năm 2015 ít nhất ông cũng có một vài hành động nào đó, để chứng tỏ cho dư luận trong và ngoài nước biết rằng ông là người không phải chỉ có nói mà còn biết làm.

RFI: Theo anh thì có nên công khai hóa kết quả bỏ phiếu không?

PCD: Bà Phạm Chi Lan là một người trong nhóm tư vấn của Chính phủ cũng đã đề nghị cần phải công khai, minh bạch hóa kết quả bỏ phiếu tín nhiệm trong Đảng. Mặc dù có thể theo quy định nội bộ của Đảng là không công khai, nhưng tôi cho rằng tất cả những vấn đề đó, Đảng sinh ra từ lòng dân, thì người dân cần phải biết là Đảng cầm quyền và những nhân vật của Đảng cầm quyền thực hiện chỉ đạo như thế nào, đã bỏ phiếu tín nhiệm như thế nào, có phù hợp với lòng dân hay không, với sự mong mỏi của họ hay không.

Tất nhiên điều đó cần phải công khai hóa, minh bạch hóa đối với người dân càng sớm càng tốt. Không những thế còn phải công khai hóa những vụ việc gần đây đã tạo ra rất nhiều dư luận, làm xáo trộn. Chẳng hạn như liên quan tới trang blog Chân dung quyền lực, và những thông tin trang này tung ra đối với một số ủy viên Bộ Chính trị, liên quan đặc biệt tới trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh có bị đầu độc hay là không.

RFI: Thưa anh, vừa rồi báo chí Việt Nam, thí dụ như tờ Vietnamnet chẳng hạn, khi đưa tin kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, có câu “biểu quyết giữ nguyên hình thức kỷ luật Đảng như đề nghị của Bộ Chính trị”. Theo anh, điều này có thể lý giải như thế nào ?

PCD: Có thể nói đó là một thông tin khá bất ngờ. Tôi có đọc một số bản tin của VTV, của Vietnamnet, tôi nhận thấy đoạn đó họ viết khá tối nghĩa và mơ hồ, dường như họ bị kiềm chế bởi một vòng cương tỏa nào đó từ Ban Tuyên giáo Trung ương, mà không thể tiết lộ được thông tin. Nhưng đưa ra thông tin như vậy thì lại gây ra tò mò và hoài nghi nơi công luận.

Đây là một thông tin đặc biệt, vì việc giải quyết khiếu nại, giữ nguyên hình thức kỷ luật Đảng mà lại được đề nghị từ cấp Bộ Chính trị, chứ không phải cấp thấp hơn, làm cho người ta hiểu rằng nhân vật bị kỷ luật có thể là một nhân vật cao cấp, thậm chí ít nhất là cấp ủy viên trung ương Đảng trở lên.

Có lẽ chúng ta nên chờ xem trong những ngày tới, Bộ Chính trị có công khai hóa, minh bạch hóa nhân vật nào bị kỷ luật hay không, và nhân vật đó có liên quan tới một vụ việc nào đó, trầm trọng đến mức mà phải chính do Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật.

RFI: Xin rất cám ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Saigon. – Theo vnexpress, RFI

Bộ trưởng Thăng bị báo Trung Cộng chỉ trích – TC phản bác chỉ trích của Philippines về dự án xây cất ở Biển Đông

Hoàn cầu Thời báo chỉ trích Bộ trưởng Giao thông-Vận tải CSVN Đinh La Thăng vì cảnh cáo nhà thầu TC, nói ông ‘khơi gợi tư tưởng bài Trung’.

Tờ báo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa của TC hôm 10/1 có bài nói hành động của Thăng đã gây bất bình ở TC.

Chiều 4/1, Bộ GTVT đã có cuộc họp với Tổng thầu TC EPC của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) về sự cố sập giàn giáo tại dự án này hôm 28/12.

Tạ̣i đó, Đinh La Thăng đã gay gắt chỉ trích Tổng thầu EPC là thực hiện dự án không tốt và khẳng định sẽ trình Chính phủ để có thể thay thế tổng thầu EPC trong dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông.

Đoạn tin truyền hình phát trên kênh VTC cho thấy Thăng chỉ mặt nhà thầu TC và nói những câu khá mạnh mẽ.

Bài trên Hoàn cầu Thời báo nói hành động của Đinh La Thăng là “tìm cách khơi gợi lại tư tưởng chống Trung Quốc ở trong nước”.

Tề Kiến Quốc, cựu đại sứ TC ở Việt Nam, người trực tiếp vận động cho sự tham gia của nhà thầu TC, được dẫn lời nói Đinh La Thăng không nên làm như vậy.

“Sự cố công trình xây dựng có thể xảy ra ở bất cứ đâu và không nên thổi phồng quá mức.”

Hoàn cầu Thời báo cũng dẫn ý kiến một số chuyên gia, nói rằng lỗi để xảy ra tai nạn là thuộc công ty TC, nhưng phía Việt Nam cũng có lỗi vì “không theo dõi sát”.

Sự chậm trễ trong dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông được giải thích một phần là do giải tỏa mặt bằng muộn.

Chỉ mặt mắng

Hình ảnh video thu được từ cuộc họp 4/1 cho thấy Đinh La Thăng chỉ vào mặt đại diện nhà thầu TC.

Ông nói: “Cứ mỗi lần xảy ra tai nạn các ông lại nhận khuyết điểm, cứ trơ ra như vậy thôi!”

“Phải thay Tổng chỉ huy công trường, đuổi tư vấn giám sát, tư vấn giám sát để chúng tôi chỉ định… Đuổi toàn bộ thầu phụ, lấy toàn bộ thầu phụ của các nhà thầu lớn tại Việt Nam.”

“Còn các ông không chấp nhận như vậy thì chúng tôi báo cáo chính phủ, thay tổng thầu EPC vì không đủ năng lực…”

Ông bộ trưởng khẳng định ngay cả khi câu chuyện liên quan tới vốn vay “thì chúng tôi báo cáo chính phủ dừng vay vốn này”.

“…không thể đánh đổi quyền lợi của người Việt Nam, không thể đánh đổi tính mạng của người dân Việt Nam.”

Hoàn cầu Thời báo nhắc lại thời điểm giữa năm 2014, khi tinh thần bài TC dâng cao trong nước Việt Nam sau sự kiện TC đưa giàn khoan 981 vào vùng biển mà Việt Nam nói là của mình.

Lúc đó, nhiều doanh nghiệp đã bị đập phá và TC phải điều tàu tới sơ tán công dân của họ vì lý do an toàn.
Tin hôm nay cũng cho biết TC phản bác việc Philippines chỉ trích dự án khai hoang lấp biển của Bắc Kinh ở Biển Đông và tuyên bố rằng hoạt động này nằm trong phạm vi chủ quyền của TC.

Mỹ đã kêu gọi TC ngưng dự án cải tạo bề mặt đất có phạm vi đủ rộng để xây một đường băng. Tuy nhiên, Bắc Kinh nói những lời kêu gọi như thế là ‘vô trách nhiệm’, tỏ dấu sẽ quyết liệt phản đối bất kỳ nước nào đề nghị TC ngưng các hoạt động có thể làm leo thang căng thẳng.

Tuần trước, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, Tướng Gregorio Catapang, cho báo giới biết công tác của Bắc Kinh khai hoang đất tại Bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa đã hoàn thành phân nửa.

Tướng Catapang nói đây là việc làm đáng báo động vì mục đích sử dụng có thể khác ngoài mục đích hòa bình.

Đáp lại, Bắc Kinh khẳng định có chủ quyền ‘không thể tranh cãi’ ở Trường Sa, nơi đang có tuyên bố chủ quyền chồng chéo giữa các nước kể cả Việt Nam, Philippines, và TC.

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 12/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TC, Hồng Lỗi, nhấn mạnh: ‘Các hoạt động trên các đảo và bãi đá liên quan là những vấn đề thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.’

Những hình ảnh từ quân đội Philippines và một ấn phẩm quốc phòng hàng đầu của Mỹ cho thấy TC đang phát triển một đường băng trên một trong những hòn đảo ở Trường Sa.

Công trình này làm dấy lên quan ngại rằng có thể TC đang biến lãnh thổ có tranh chấp tại đây thành các căn cứ quân sự. – Theo BBC, VOA

Việt kiều ‘sẽ gửi về 13, 14 tỷ đôla’ trong năm nay 2015 – Hé lộ kế hoạch sáp nhập các ngân hàng VN

Các khoản kiều hối do Việt kiều gửi về ước tính đạt 13-14 tỷ đôla trong năm nay, tăng so với mức 12 tỷ đôla của năm 2014, theo Ngân hàng Nhà nước CSVN.

Nguồn ngoại hối cũng được trông đợi là sẽ tăng thêm từ đầu tư nước ngoài trực tiếp và từ đầu tư chứng khoán, và do đó có thể đem tới số dư 8 tỷ đôla trong cán cân thanh toán quốc tế của cả nước, hãng tin Reuters dẫn lời một tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước.

Các khoản tiền từ các cộng đồng người Việt hải ngoại chiếm phần quan trọng trong nền kinh tế CSVN, tương đương khoảng 8% tổng sản lượng quốc nội trong năm 2014.

Con số này cũng khiến CSVN lọt vào danh sách 10 quốc gia đón nhận kiều hối cao nhất trong năm qua.

Trong những năm qua, hơn một nửa số tiền là được gửi về từ Hoa Kỳ.

Theo một cuộc khảo sát gần đây do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thực hiện, trong giai đoạn 2010-2012 có chừng 57% tổng số tiền Việt kiều gửi về từ Hoa Kỳ, tiếp đến là từ Canada 8,4%, Đức 6%, Campuchia và Pháp mỗi nước 4%.

Chừng 35% tổng số kiều hối được dùng cho chi phí hàng ngày, 16% dùng để kinh doanh và phần còn lại được chi cho các khoản mua sắm, trả nợ và chi phí y tế, báo Thanh Niên dẫn lời Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

Các khoản kiều hối được chuyển về thông qua các ngân hàng và phần lớn được gửi về Hà Nội, Saigon và các tỉnh có đông người đi lao động ở nước ngoài.

Riêng tại Saigon, số liệu của Ủy ban Nhân dân Thành phố cho thấy trong 11 tháng đầu năm 2014, nơi này đã nhận được khoảng 4,4 tỷ đôla kiều hối, trong lúc các số liệu từ Ngân hàng Trung ương nói con số này cho cả năm qua là 5,1 tỷ đôla.

Theo thống kê chính thức của nhà nước, từ 1991 tới nay nguồn tiền kiều hối Việt Nam nhận được đã đạt trên 90 tỷ đôla.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước CSVN nói với Reuters rằng VietinBank có thể sáp nhập với OceanBank, trong một loạt các vụ sáp nhập năm 2015.

Hồi tháng 10, nguyên Chủ tịch OceanBank, Hà Văn Thắm, bị công an CSVN khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng.

Trong một thông cáo gửi qua email cho Reuters, Ngân hàng Nhà nước CSVN nói trong năm nay, OceanBank có thể sáp nhập với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – VietinBank.

Thông báo này nói VietinBank cũng có thể sáp nhập với Petrolimex Bank.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank có thể sáp nhập với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương – Saigonbank.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV có thể sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh mới đây nói năm 2015, Ngân hàng Nhà nước “sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh hoạt động sáp nhập, mua lại các tổ chức tín dụng trên cơ sở tự nguyện và đúng luật”. – Theo BBC