Tin Việt Nam – 11/12/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 11/12/2017

1. Quan to ‘chống lưng’ BOT trên quốc lộ 5?

Sau Cai Lậy, trạm thu phí số 1 BOT quốc lộ 5, Hưng Yên, ngày 11/12 bị giới tài xế dùng tiền lẻ để phản đối việc trả phí qua trạm, khiến cho giao thông khu vực bị ùn tắc nhiều giờ.

Một tài xế ở Hưng Yên không muốn nêu danh tính vì vấn đề an ninh cho biết, người dân bức xúc vì phải trả khoản phí rất cao trên quốc lộ 5B cũ để “hoàn vốn” cho dịch vụ mà họ không sử dụng là quốc lộ 5B mới. Ngoài ra, tài xế này nghi ngờ rằng “phải có người rất to đứng đằng sau chống lưng” thì trạm BOT ở Hưng Yên mới tồn tại được sau nhiều năm người dân liên tục phản đối.

Giải thích thêm về nguyên nhân bất bình của người dân, anh nói với VOA tối 11/12:

“Nhà đầu tư thu [phí] QL 5B (QL5) cũ để hoàn vốn cho QL 5B mới, tức đoạn quốc lộ từ thành phố Hà Nội xuống thành phố Hải Phòng, nhưng dân tình quê hương em không chịu. Đường cũ vẫn sử dụng bình thường, nhưng bây giờ người ta lại ép dân lái xe phải đi trên QL 5B mới. Không ép được thì họ quay sang tăng phí bên kia lên để ép lái xe phải đi bên này. Nói chung, bây giờ dân ở đây đang rất bức xúc”.

Theo tài xế này, phí qua trạm trên QL5 cũ đã bị tăng lên quá cao và bất hợp lý. Cụ thể, mức phí dành cho xe trọng tải 2,4 tấn của tài xế này đã tăng vọt từ 25.000 đồng lên 55.000 đồng/lượt, trong khi mỗi năm anh đã đóng hơn 1 triệu tiền lệ phí bảo trì đường bộ.

Tin cho hay, vì biết trước “kịch bản” phản đối qua lời kêu gọi của cánh tài xế trên mạng, nên giới hữu trách địa phương đã chuẩn bị sẵn nhiều tờ tiền hiếm 100 đồng và huy động xe cẩu “khủng” để sẵn sàng đối phó với việc phản đối thu phí của tài xế. Tuy nhiên, khi tài xế bắt đầu dùng chiêu trả tiền lẻ và đòi thối tờ tiền hiếm 100 đồng, giao thông khu vực vẫn bị ách tắc nhiều giờ trong ngày 11/12.

“Biết là không hiệu quả nhưng bọn em có rất nhiều tiền lẻ. Chiêu tiền lẻ thì nhà nước không thể chống được. Ở đây, lưu lượng xe Hà Nội-Hải Phòng rất đông, có thể gấp 3 lần so với Cai Lậy. Mà mức phí đi trên cao tốc rất đắt, hơn 200.000 đồng từ Hà Nội xuống Đồ Sơn, Hải Phòng. Đấy là xe em xe nhỏ. Xe lớn còn đắt hơn”, tài xế không muốn nêu tên nói.

Cũng trong ngày 11/12, trang tin Việt Nam Mới dẫn lời Ban quản lý trạm thu phí QL5 nói đã nắm được thông tin biển số và các tài xế trả tiền lẻ qua trạm, và nói thêm rằng thông tin về ùn tắc giao thông vào buổi sáng là “không đúng”.

Xác nhận với VOA về cuộc “phản đối ôn hòa” của người dân trên QL5, tài xế trả lời VOA nói anh “không sợ” nếu bị công an mời làm việc và giới tài xế sẽ tiếp tục “đánh” BOT trên QL 5 và nhiều nơi khác để đòi quyền lợi hợp pháp của mình.

“BOT là lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm đang hoành hành. Ngoài ra, các cụ dạy một câu rằng ‘Con giun xéo mãi cũng quằn’. Nó phải chống. Bắt buộc nó phải chống thôi. Vì miếng cơm manh áo, nó phải chống thôi”, anh nói.

“Không ai muốn gây lộn với ai cả. Không có anh em tài xế nào muốn ra đấy cãi nhau ì xèo. Công việc của mình rất nhiều, ra đấy chẳng được ích lợi gì, nhưng mà bắt buộc phải làm vì lợi ích của mình. Giống như em, đi một lần đã hết 110.000 đồng, cả đi và về. Số tiền đó so với thợ phu hồ vất vả thì đã chiếm hơn một nửa ngày công của họ rồi”.

Đầu tháng 4/2017, nhà đầu tư quyết định đồng loại tăng mức phí đường bộ tại tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng và QL5. Để né các trạm thu phí trên đoạn đường này, cánh tài xế đã đi đường vòng và các đường liên xã, liên huyện khiến những con đường này bị hư hỏng nặng.

Ngày 4/9, hàng trăm người dân huyện Văn Lâm và Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đã cùng với các tài xế vây quanh trạm thu phí Văn Lâm trên QL5 để phản đối việc thu phí. Nhưng phản đối của người dân vẫn không mang lại thay đổi gì sau đó. Thậm chí, một số tài xế còn bị “cảnh cáo”, theo tài xế ẩn danh.

Anh nói thêm: “Đấu tranh để tìm công bằng cho chính bản thân là rất khó vì mình cứ phải đấu tranh làm sao cho ôn hòa. Không ra mặt được. Bên này là xã hội chủ nghĩa mà, nên mình vẫn phải theo cái xã hội chủ nghĩa thôi”.

Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) xây dựng theo hình thức BOT. Việc thu phí trên QL5 đã được Chính phủ Việt Nam thông qua để công ty này có thể hoàn vốn trước thời hạn giao dự án cho Nhà nước.

Tối 11/12, VOA không thể liên lạc được ngay với đại diện của VIDIFI để hỏi phản ứng trước cáo buộc của cánh tài xế.

Hiện có khoảng 15.000 – 16.000 lượt phương tiện qua trạm QL5 mỗi ngày, phần lớn là xe tải và phải đóng mức phí từ 45.000 đồng/lượt – 200.000 đồng/lượt, theo Vietnamnet.

Trước Hưng Yên, trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang, đã “gây sốt” trên cả nước vì cuộc “biểu tình” tiền lẻ của các tài xế, khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lập tức phải hạ lệnh dừng thu phí ở trạm này từ 1 – 2 tháng, kể từ ngày 4/12. – VOA

 

2. Hơn 4 tỷ đôla kiều hối ‘đổ’ về Saigon năm 2017

Thành phố Saigon đã tiếp nhận lượng kiều hối gần 4,6 tỷ đôla trong 11 tháng đầu năm 2017, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, theo Tân Hoa Xã.

Ngân hàng nhà nước, chi nhánh thành phố Saigon hôm 11/12 cho biết rằng hơn 60% lượng kiều hối đến từ Hoa Kỳ và hơn 19% từ châu Âu.

Dư báo thành phồ Saigon sẽ nhận được kiều hối gần 5,2 tỷ đôla Mỹ trong năm 2017, tăng 4,5% so với năm ngoái.

Kiều hối của Việt Nam năm 1993 chỉ có 141 triệu đôla, nhưng đến năm 2015 tăng lên 13,2 tỷ đôla, và giảm xuống còn hơn 9 tỷ đôla vào năm 2016. Một trong những lý do chính làm giảm lượng kiều hối là do lãi suất tiền gửi đôla Mỹ ở Việt Nam giảm xuống chỉ còn 0%.

Hiện có gần 5 triệu người Việt đang sinh sống tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đầu năm nay, theo AP, ngân hàng Credit Suisse có báo cáo cho rằng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 sẽ tiếp tục giảm do tác động từ chính sách hạn chế nhập cư của Tổng thống Donald Trump.

Ngân hàng Credit Suisse cho biết kiều hối từ Mỹ chiếm khoảng 4% trong GDP của Việt Nam. – Theo VOA

 

3. Úc cáo buộc hacker Việt Nam đánh cắp dữ liệu sân bay

Một tin tặc Việt Nam đã đột nhập vào hệ thống máy chủ và đánh cắp thông tin an ninh nhạy cảm của Sân bay Perth, Australia, theo trang The West Australian.

Trang này cho biết người đàn ông Việt Nam tên Lê Đức Hoàng Hải, 31 tuổi, đã sử dụng danh tính của một nhà thầu bên thứ ba để truy cập vào hệ thống máy tính của sân bay này vào tháng 3 năm ngoái.

Cố vấn an ninh mạng Alastair MacGibbon của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, cho biết hôm 10/12 rằng người đàn ông này đã lấy cắp “một lượng dữ liệu đáng kể” liên quan đến sân bay, bao gồm sơ đồ tòa nhà và các chi tiết về an ninh của các tòa nhà trong sân bay.

Ông MacGibbon nói rằng Hải chưa tiếp cận được hệ thống radar hay các hệ thống khác liên quan đến hoạt động của máy bay và hành khách chưa vấp phải nguy hiểm gì.

Sân bay Perth đã phát hiện ra việc đột nhập này và chuyển thông tin vụ việc cho trung tâm an ninh không gian mạng của Chính phủ Liên bang Australia ở thủ đô Canberra.

Vụ tấn công này được truy ra có nguồn gốc từ Việt Nam và Cảnh sát Liên bang Australia đã cung cấp thông tin cho các đối tác ở Việt Nam. Phía Việt Nam đã điều tra và bắt giữ Hải.

Báo Quân Khu 7 cho biết vào ngày 7/12, Tòa án Quân sự Quân khu 7 xử Lê Đức Hoàng Hải 4 năm tù về tội “truy cập bất hợp pháp các mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác.”

Tổng số dữ liệu mà Lê Đức Hoàng Hải đã đánh cắp là trên 320 Gigabyte, gây thiệt hại lớn cho các công ty, tập đoàn, đơn vị.

Truyền thông Việt Nam nói sân bay Perth đã phải chi gần 8 triệu đôla (tương đương 135 tỉ đồng) để khắc phục hậu quả, khôi phục dữ liệu và lỗ hổng an ninh mạng.

Trong thời gian từ năm 2010 đến tháng 6/2016, với mục đích tò mò, muốn thể hiện khả năng làm hacker về việc đánh cắp dữ liệu mạng, Lê Đức Hoàng Hải, sinh năm 1986, hộ khẩu thường trú TP. Hồ Chí Minh, đã sử dụng máy tính cá nhân có kết nối internet để đột nhập trái phép vào máy chủ, hệ thống máy chủ quản lý sân bay Perth.

Ngoài ra, Báo Quân khu 7 còn cho biết, Hải còn tấn công cơ sở hạ tầng và các trang web ở Việt Nam, bao gồm cả các ngân hàng, viễn thông và một tờ báo quân sự trực tuyến. – VOA

 

4. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng lo ngại thanh niên xa rời đảng

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng các đoàn viên đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cần tránh nhạt đảng, khô đoàn xa rời chính trị.

Ông nói như vậy tại buổi lễ khai mạc Đại hội Đoàn toàn quốc khai mạc ngày hôm nay tại Hà Nội.

Ông Trọng nói rằng trong thời qua Đoàn thanh niên đã có nhiều tiến bộ trong cách thức hoạt động, trong công tác chính trị, tư tường, và đạo đức. Tuy nhiên ông nói thêm rằng có Đoàn thanh niên đã không làm tròn nhiệm vụ khi mà có nhiều thanh niên có lối sống thực dụng, đi ngược lại mục tiêu của Đảng Cộng sản.

Đặc biệt ông Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng Đoàn Thanh niên cần định hướng cho thanh niên phản bác các thông tin sai trái trên mạng xã hội của các thế lực thù địch.

Tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản ở Việt Nam có tên là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, là một tổ chức duy nhất của thành niên Việt Nam được cho phép.

Tổ chức này được sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hiện người đứng đầu tổ chức này là ông Lê Quốc Phong với chức danh Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Ông Phong là một Ủy viên dự khuyết của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan có khoảng 150 thành viên, là nơi có quyền lực rất lớn trong guồng máy chính trị của Việt Nam hiện nay.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng được xem là nơi chuẩn bị các đảng viên tương lai của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khá nhiều quan chức hiện nay của Đảng xuất thân từ những cán bộ của Đoàn Thanh niên, như ông Võ Văn Thưởng hiện đứng đầu cơ quan tuyên truyền của Đảng.

Ông Đinh La Thăng một cựu Ủy viên Bộ chính trị mới vừa bị bắt với cáo buộc tham nhũng, cũng từng là cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản. – RFA

 

5. Nhà đấu tranh Trung Quốc dự lễ trao giải Nhân Quyền Việt Nam 2017 tại Mỹ

Đánh dấu 20 năm hoạt động.

Chiều Chủ Nhật, 10 Tháng 12, đúng Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 69, và cũng đánh dấu 20 năm hoạt động của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, lễ trao giải Nhân Quyền Việt Nam 2017 cho ông Nguyễn Hữu Vinh (biệt danh Anh Ba Sàm), bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (biệt danh Mẹ Nấm), Mục Sư Y Yích, và Hội Anh Em Dân Chủ, đã được diễn ra tại Hội Trường Thành Phố Westminster, miền Nam California.

Buổi lễ có sự tham dự của nhiều viên chức thành phố, các hội đoàn, các tổ chức chính trị quanh vùng, và đặc biệt là có sự hiện diện của ông Ngụy Kinh Sinh, nhà đấu tranh nhân quyền nổi tiếng người Trung Quốc.

Trong phần phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Kim Bình, Trưởng Ban Phối Hợp MLNQ, đã nhấn mạnh đến sự dấn thân, hy sinh hạnh phúc riêng tư, chấp nhận đương đầu với bạo quyền, tù tội của những người được chọn trao giải Khôi Nguyên trong suốt 15 năm qua.

“Trong 15 năm qua, hơn 40 cá nhân, tổ chức đã được vinh danh trao giải này. Những người đó thật sự là những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Trong hoàn cảnh khó khăn nhất của những năm 2002-2003-2004, cho đến bây giờ, trong tất cả những đợt đàn áp tàn khốc nhất của cộng sản Việt Nam, không có năm nào, không có những người sẵn sàng đứng ra hy sinh tự do riêng tư của mình để tranh đấu bảo vệ cho giá trị, cho quyền con người, cho đồng bào mình, trong số những người đó có những người đã quá cố, có những người còn rất trẻ nhưng đã chịu tù tội 5 năm, 10 năm. Có những người là cựu chiến binh của cả hai miền, có người được sinh ra sau cuộc chiến, nhưng  tất cả đều phải trả một giá rất lớn. Khôi nguyên của mỗi năm nếu không phải là một tù nhân lương tâm thì cũng là một cựu tù, có những trường hợp đặc biệt không bị tù thì cũng trong tình trạng quản chế, phải chịu sự khủng bố tinh thần. Khôi nguyên năm nay, cả ba anh chị và những anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ cũng là những người nằm trong số đó.”

Sự tương đồng của người đấu tranh ở Việt Nam và Trung Quốc

Đến tham dự lễ trao Giải Nhân Quyền 2017 trong tư cách là người bạn lâu năm của những người khởi xướng thành lập Mạng Lưới, nhà tranh đấu Ngụy Kinh Sinh đã chia sẻ những cảm nghĩ của ông về sự tương đồng của những người đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Ngụy Kinh Sinh nói “Chúng ta có chung một kẻ thù là các chế độ đảng trị cộng sản. Chúng ta có cùng lợi ích chung là xây dựng quê hương mình thành một nước dân chủ.”

Theo ông Sinh, khi những nhà dân chủ của hai nước truyền bá tư tưởng tự do, dân chủ và nhân quyền về nước, đó là đang chuẩn bị xây dựng một xã hội dân chủ mới. Từ hải ngoại, sự truyền bá thông tin về dân chúng trong nước là những gì mà chúng ta phải làm từng bước để phá bỏ những dối trá mà cộng sản đang lừa phỉnh dân mình.

Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên, đại diện Mạng Lưới, đã giới thiệu tóm tắt về Hội Anh Em Dân Chủ Việt Nam, một tổ chức được thành lập ngày 24 Tháng Tư, 2013 trên trang mạng xã hội Facebook bởi luật sư Nguyễn Văn Đài và hơn 40 cựu tù nhân lương tâm như kỹ sư Phạm Văn Trội, mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Nguyễn Bắc Truyền, ông Trương Minh Đức…

Do hoạt động trên một địa bàn rộng, tích cực đa dạng, nên HAEDC được xem là tổ chức Xã hội Dân sự hàng đầu trong nước. Hiện nay, HAEDC có 12 thành viên đang bị khởi tố tạm giam điều tra, hay đã bị truy tố xét xử. Ngoài ra, nhiều thành viên HAEDC đã đang phải trốn tránh, đào tỵ để tránh bị truy nã, sách nhiễu.

Dược Sĩ Nguyễn Mậu Trinh từ Washington DC về nhận giải thay cho Hội Anh Em Dân Chủ Việt Nam.

Nhà báo Huỳnh Việt Lang được mời giới thiệu về ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang blog Anh Ba Sàm.

Blog Anh Ba Sàm được thành lập từ ngày 9 Tháng Chín năm 2007. Bằng khẩu hiệu “Phá Vòng Nô Lệ,” blog Anh Ba Sàm đã đem đến cho người đọc rất nhiều kiến thức bổ ích, thú vị và làm thay đổi suy nghĩ của rất nhiều người quan tâm. Ông Vinh bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam từ Tháng Năm, 2014 và kêu án 5 năm tù giam.

Bà Đinh Ngọc Thu, người duy trì blog Anh Ba Sàm hoạt động sau khi ông Vinh bị bắt, đã nhận giải thưởng thay ông. Phát biểu tại buổi nhận giải, bà Thu nói:

“Nhiều người đã nhận ra rằng muốn vô hiệu hóa chuyên chính vô sản ở Việt Nam thì phải cung cấp thông tin trung thực cho đồng bào của mình và thông tin chính là con đường duy nhất giúp thay đổi nhận thức và nhận thức giúp thay đổi hành vi. Slogan ‘Phá Vòng Nô Lệ’ của blog Anh Ba Sàm đã bắt đầu từ đó. Năm 2007, anh Vinh đã lập blog Anh Ba Sàm, và anh Vinh không đơn độc.”

Mục sư Y Yích là cá nhân tiếp theo được trao giải với phần giới thiệu của ông Vũ Hoàng Hải, đại diện khối 8406.

Mục sư Y Yích sinh năm 1960, sống tại tỉnh Gia Lai, là người thiểu số đầu tiên được Mạng Lưới trao giải. Vào năm 2007 Mục sư Y Yích bị nhà cầm quyền tỉnh Gia Lai bắt và bị kết án tù 6 năm, chỉ vì tội cùng với người Thượng biểu tình đòi đất và đòi tự do tôn giáo.

Ra tù, ông tiếp tục hoạt động cho nhân quyền và tự do tôn giáo. Tháng Chín, 2013 ông bị nhà cầm quyền tỉnh Gia Lai bắt lần thứ hai và kết án 12 năm tù giam.

Mục sư Y Phương là người nhận giải thay cho mục sư Y Yích.

Người cuối cùng được chọn là cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có nickname Mẹ Nấm. Bà Jacky Bông, phó trưởng ban phối hợp Mạng Lưới Nhân Quyền, giới thiệu sơ lược về blogger Mẹ Nấm.

Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử, tuyên phạt Mẹ Nấm 10 năm tù giam với tội danh Tuyên truyền chống nhà nước, mặc dù cô chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.

Mẹ Nấm được Tổng Thống phu nhân Hoa Kỳ tuyên dương là “người phụ nữ can đảm”. Cô cũng được nhiều chính khách Hoa Kỳ và Đức quốc quan tâm bênh vực.

Cô Nguyên Nhung, một blogger có nick name Hồn Nhiên, đã nhận giải thưởng thay cho Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Được thành lập từ năm 2002, Giải Nhân Quyền Việt Nam đến nay đã được trao cho 39 cá nhân và 3 tổ chức đã có những đóng góp xuất sắc, có nhiều ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh cho công lý và nhân quyền tại Việt Nam. Giải Nhân Quyền Việt Nam còn là một cơ hội để người Việt ở hải ngoại bày tỏ sự quan tâm ủng hộ với những người dấn thân vào cuộc chiến đấu không ngơi nghỉ vì những quyền căn bản cho nhân dân Việt Nam. – RFA

 

6. Mỹ từ chối các dự án BOT ở Việt Nam vì tham nhũng

Các nhà đầu tư Mỹ từ chối tham gia các dự án BOT tại Việt Nam vì đòi hỏi “lại quả” của giới quan chức nhà cầm quyền Việt Nam.

Đó là tiết lộ của ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành Phòng Thương Mại Mỹ  (Amcham) tại Hà Nội, để giải thích tại sao đến nay người ta không thấy giới đầu tư Mỹ đầu tư vào các dự án BOT giao thông tại Việt Nam dù kỹ thuật xây dựng cầu đường, cao ốc của Mỹ vốn nổi tiếng trên thế giới.

BOT là từ viết tắt tiếng Anh “Build -Operate-Transfer” nay đã quen thuộc tại Việt Nam cho các dự án công ích nhưng được giao cho nhà thầu tư nhân tự bỏ tiền xây dựng (Build) rồi vận hành và lấy lệ phí sử dụng (Operate) rồi chuyển giao lại cho nhà nước (Transfer).

Ông Adam Sitkoff được thuật lời trên báo điện tử Nhà Đầu Tư hôm Thứ Hai, 11 Tháng Mười Hai, 2017, nói rằng, “thứ nhất là tình trạng tham nhũng tại các dự án trước đó.” Và, “trước khi tham gia bất kỳ lĩnh vực nào, dự án nào, chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu thông qua các nhà đầu tư trong nước trước.”

“Hiện có rất nhiều dự án xây dựng sân bay, tàu điện ngầm tại Trung Quốc, Nhật Bản mà chính phủ Mỹ rất muốn hợp tác. Chính phủ Mỹ không hứng thú với việc đầu tư lớn vào những dự án như BOT,” ông Sitkoff nói thêm.

Ông cũng cho rằng, đối với Việt Nam, năng lượng là tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội như năng lượng điện gió và năng lượng mặt trời. “Đây là một lĩnh vực mới của Việt Nam mà Mỹ rất quan tâm,” lãnh đạo Amcham khẳng định, theo Nhà Đầu Tư.

Theo tờ Nhà Đầu Tư, hiện nay, mới có dự án BOT tuyến tránh thành phố Phủ Lý là dự án BOT giao thông đầu tiên mà doanh nghiệp nước ngoài nhận quyền khai thác. Phải mất hơn 1 năm nghiên cứu, hai công ty Nhật Bản là NEXCO và JEXWAY mới hoàn thành đàm phán mua lại 20% cổ phần của công ty cổ phần FECON Việt Nam tại dự án BOT tuyến tránh thành phố Phủ Lý.

Dù vậy, “Nhà đầu tư Nhật Bản mới dừng ở việc mua lại cổ phần của dự án BOT đã hoàn thành. Gần 10 năm trước, một trong 2 doanh nghiệp Nhật Bản này đã từng có ý định đầu tư mới dự án BOT tại Việt Nam nhưng rồi lại bỏ cuộc.”

BOT, món mồi béo bở cho tham nhũng và ‘tư bản đỏ’

Dư luận cả nước tại Việt Nam đang đặc biệt theo dõi xem nhà cầm quyền Việt Nam giải quyết thế nào về vấn đề thu phí tại quốc lộ 1A ngang qua thị trấn Cai Lậy. Một đường tránh dài khoảng 12km được làm mới, “chỉ định thầu” cho tư nhân bỏ tiền ra làm nhằm giảm áp lực xe cộ qua thị trấn này, nhưng trạm thu phí lại đặt trên QL 1A làm giới tài xế phản ứng bằng cách “trả tiền lẻ,” tức mệnh giá nhỏ nhất cho những số tiền phí hàng chục ngàn hay hơn một trăm ngàn, kéo dài thời gian thu phí cho một xe, dẫn đến kẹt đường. Đích thân ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải loan báo “xả trạm” một hai tháng để tìm cách giải quyết dứt khoát.

Từ năm ngoái đến nay, người sử dụng đường bộ tại Việt Nam phản ứng chống lại các trạm thu phí tại rất nhiều trạm dọc theo quốc lộ 1A và các trục lộ giao thông khác. Một số bài báo trên các tờ báo chính thống trong nước hé lộ những “liên minh ma quỷ” giữa các ông quan tham tại Bộ Giao Thông Vận Tải và những tay tư bản đỏ nằm tại các công ty “sân sau” trong những dự án BOT.

Thay vì cho đấu thầu công khai, tất cả các dự án đó đề được “chỉ định thầu” và được giữ bí mật.

Trong cuộc phỏng vấn trên tờ Người Lao Động hôm 17 Tháng Chín, 2017, ông Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, cho rằng nếu áp đặt mức lợi nhuận cố định cho nhà đầu tư dự án BOT là “trấn lột.”

Tờ Người Lao Động phỏng vấn ông Doanh khi có tin bị xì ra cho biết, Bộ Giao Thông Vận Tải “kiến nghị chính phủ cho phép nâng mức lợi nhuận của nhà đầu tư vào các dự án BOT hiện ở mức 11%-12%/năm lên 14%/năm.”

Ông Lê Đăng Doanh là người thứ hai lên án các dự án BOT tại Việt Nam là “trấn lột” người dân. Ngày 8 Tháng Chín, 2017, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội, cũng đã phát biểu như vậy tại buổi hội thảo “Dự án BOT – Chính sách và giải pháp” do Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Viện Nghiên Cứu Chính Sách, Pháp Luật và Phát Triển (Viện PLD) tổ chức.

Thống kê của nhà cầm quyền nhìn nhận rằng, trên cả nước có 88 trạm thu phí thì một số nơi đã có các trạm thu phí gần nhau hơn quy định phải cách nhau 70km.

Một cuộc thanh tra hồi Tháng Tám, 2017, thấy loan báo trên báo chí, nói không ít các trạm thu phí đã khai gian số tiền thu được hàng ngày. Số lượng xe đi qua và phải trả phí nhiều gấp bội so với con số được báo cáo. Nếu nhà thầu vẫn cứ thu phí theo đúng thời hạn ấn định trong hợp đồng, tiền họ thu được nhờ khai gian, không phải chỉ giúp họ lời 11-12% như quy định mà nhiều gấp bội, thành siêu lợi nhuận.

“Cách làm BOT hiện nay là theo kiểu, tôi thấy anh và giao cho anh, cứ có quan hệ là duyệt hết và nhận xét rất chung chung. Tính toán chi phí đầu vào, dù tăng gấp đôi, cũng không có con số chứng minh. Rồi để được thu nhiều hơn thì hạ lưu lượng xe xuống, tù mù về đếm xe, sau đưa ra mức thu phí cao nhất, với thời gian dài nhất.”

Đó là lời tiết lộ với báo Tuổi Trẻ của ông Thứ Trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Đặng Huy Đông bên lề buổi hội thảo “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” do Cổng Thông Tin Điện Tử Chính Phủ tổ chức sáng ngày 23 Tháng Tám, 2017.

Trên một số tờ báo, người ta thấy phanh phui ra dự án BOT “Pháp Vân-Cầu Giẽ” mới chỉ sửa chữa đoạn đường 30% nhưng lại thu phí rất cao như phí của con đường làm mới. Ai là chủ đầu tư? Báo chí tiết lộ, chủ đầu tư dính dáng tới ông anh vợ kế của cựu Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh.

Theo một facebooker tiết lộ trên mạng xã hội, có nhiều chỉ dấu cho thấy chủ nhân thật sự của dự án BOT Cai Lậy là con trai ông Ngô Văn Dụ, ủy viên Bộ Chính Trị nay đã nghỉ hưu. Địa chỉ trụ sở công ty Bắc Ái (chủ đầu tư góp vốn 65% trong dự án BOT Cai Lậy) đặt tại số nhà 215, đường Mê Linh, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, là nhà con trai ông Dụ tên Ngô Hồng Thắng. Lê Tiến An, 25 tuổi, người mới được loan báo làm ông chủ mới của Bắc Ái cũng chỉ là bình phong cho ông chủ thật hiện giấu mặt.

Ông Ngô Văn Dụ, nguyên ủy viên Bộ Chính Trị khóa XI, nguyên bí thư Trung Ương Đảng, nguyên chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, nguyên chánh Văn Phòng Trung Ương Đảng, nguyên đại biểu Quốc Hội Việt Nam khóa XII.

Người ta từng thấy có những lời tố cáo dự án BOT qua tỉnh Đồng Nai đứng tên chủ đầu tư là của người nhà một ông công an cấp cao tại địa phương.

Trong phiên họp cuối Tháng Tám của chính phủ, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh “không để lợi ích nhóm trong dự án BOT.” Những gì báo chí trong nước nêu ra đầy dẫy những dấu hiệu “lợi ích nhóm.” Chúng là một thứ liên minh ma quỷ giữa đám quan chức tại Bộ Giao Thông Vận Tải và các công ty sân sau của các ông. – nguoiviet

Link:

http://bit.ly/2kWPNo9