Tin Việt Nam – 11/08/2019
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông có nguy cơ
không đưa vào sử dụng vì chất lượng quá kém?
Tin từ Hà Nội, ngày 10/8/2019: Theo một quan chức cao cấp của Bộ giao thông vận tải, dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông có thể sẽ không bao giờ được hoàn thành và đưa vào hoạt động, vì không có cá nhân hoặc cơ quan nào dám nghiệm thu do công trình vì sai từ thiết kế đến thi công.
Quan chức này nói rằng vật liệu sử dụng cho tuyến đường sắt trên cao dài 13 kilomet như đường ray, ốc, nẹp đều có phẩm cấp thấp, chưa qua sử dụng mà đã gỉ. Dường như chúng được làm từ phế liệu, người này nói.
Không có một khâu nào trong toàn tuyến được tự động hoá. Và khi vận hành, toàn tuyến cần đến 600 lao động điều hành, quản lý… Chi phí chi trả cho số lao động này sẽ rất cao, mà không thể có ngân sách nào bù được.
Vị quan chức này còn nói thêm rằng sau khi vận hành, nếu cần thay thế chi tiết hay phụ tùng nào đó, đều phải mua từ Trung Cộng, một quốc gia vốn từng sử dụng nhiều chiêu để bắt chẹt khách hàng. Nếu Trung Cộng giở mặt thì tuyến đường sẽ bị dừng.
Thành phố Hà Nội hiện đang ở trạng thái lưỡng nan với dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông vì nếu cứ để đống bê tông đó thì tức mắt mà đập đi thì tốn công, cộng thêm chưa biết đổ phế thải đi đâu cho hết.
Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là dự án hứa hẹn cải thiện bộ mặt giao thông thủ đô, nhưng nó cũng phải đánh đổi bằng rất nhiều hy sinh và tai tiếng.Dự án được bắt đầu năm 2008 và khởi công năm 2011. Chủ đầu tư là Bộ Giao Thông Vận Tải với tổng mức đầu tư dự toán vào thời điểm đó là hơn 552 triệu USD, trong đó vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD. Tổng thầu đến từ Trung Cộng.
Người dân được hứa sẽ thụ hưởng tuyến đường sắt trên cao hiện đại vào năm 2015. Nhà cửa bắt đầu bị giải tỏa, cây cối bị hạ, giao thông ùn tắc suốt gần một thập kỷ thi công dự án.
Sau gần 10 năm thi công, tổng mức đầu tư của dự án đội lên gấp hơn 2 lần thành 770 triệu USD.
Quốc Tuấn
Bộ GTVT phân trần lý do
đường sắt Cát Linh- Hà Đông trễ hẹn 8 lần
Bộ GTVT nêu lý do dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông liên tiếp chậm tiến độ và nói rõ trách nhiệm của Tổng thầu TQ cũng như các bên liên quan.
Trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội về một số dự án đường sắt đô thị tại địa phương này, Bộ GTVT cho biết, với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, dự án này chậm có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Nguyên nhân chủ quan là do thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài, chưa lường hết công năng nên phải điều chỉnh, bổ sung; chờ giải ngân vốn vay kéo dài; Tổng thầu EPC (Tập đoàn Cục 6 Đường sắt TQ) thiếu kinh nghiệm làm tổng thầu, kinh nghiệm thiết kế, chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ, nhưng chế tài xử lý chưa đầy đủ.
Nguyên nhân khách quan được chỉ ra là do chậm giải phóng mặt bằng; ngoài ra quy định giữa Việt Nam và TQ khác nhau; Quy định hợp đồng EPC của Việt Nam chưa đầy đủ.
Ngoài ra, sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trong thềm lục địa của Việt Nam đầu tháng 5/2014 ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện dự án.
Bộ GTVT phân trần lý do đường sắt Cát Linh- Hà Đông trễ hẹn 8 lần
Sau nhiều lần thất hứa, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa thể hoàn thành đưa vào khai thác thương mại
Về trách nhiệm, ngoài việc chỉ ra trách nhiệm của tổng thầu, Bộ GTVT cũng nhận trách nhiệm về mình; chỉ ra thêm trách nhiệm của tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, UBND Hà Nội (chậm giải phóng mặt bằng).
Đặc biệt, theo Bộ GTVT, có một số nội dung tổng thầu không thực hiện theo chỉ đạo của bộ; Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, các cơ quan liên quan hỗ trợ chỉ đạo xử lý.
Ban quản lý dự án đường sắt đã được yêu cầu rà soát hợp đồng EPC để xử lý trách nhiệm các bên, giải quyết các khiếu kiện trong trường hợp cần thiết.
Metro Yên Viên – Ngọc Hồi
tiến độ ì ạch, đội vốn 9 lần
Ngọc Tân
Được hoạch định từ cách đây hơn 15 năm, dự án đường sắt đô thị là Yên Viên – Ngọc Hồi rơi vào cảnh vỡ tiến độ, tổng mức đầu tư bị đội lên gấp 9 lần khiến người dân bức xúc.
Bộ GTVT vừa có công văn trả lời kiến nghị của cử tri TP Hà Nội về việc đẩy nhanh tiến độ dự án Tổ hợp ga Ngọc Hồi (thuộc dự án đường sắt đô thị số 1) để ổn định cuộc sống cho người dân.
Cử tri Hà Nội phản ánh việc giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ tái định cư và giải ngân vốn của tổ hợp ga Ngọc Hồi rất chậm so với kế hoạch, đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này trên địa bàn huyện Thanh Trì để nhân dân ổn định cuộc sống.
Trả lời cử tri, Bộ GTVT cho biết dự án xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi bị ảnh hưởng và chậm triển khai do vụ việc của tư vấn Nhật Bản JTC (bị điều tra hối lộ) năm 2014. Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng và hiện nay giai đoạn I của dự án đã được điều chỉnh tiến độ (thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 đến 2024).
Dự án xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi nằm trong giai đoạn I của dự án Yên Viên – Ngọc Hồi. Với vị trí nằm ở cửa ngõ phía nam thành phố, nhà ga Ngọc Hồi được thiết kế để vừa phục vụ hệ thống metro nội thành, vừa kết nối với đường sắt Bắc – Nam.
Bộ GTVT đã hoàn thiện hồ sơ dự án và đang thực hiện các thủ tục để báo cáo Chính phủ và Quốc hội thông qua theo quy định.
Đến nay, dự án đã GPMB được 99 ha/158,7 ha. Nguồn vốn GPMB giải ngân được hơn 800 tỷ đồng. Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban quản lý dự án Đường sắt phối hợp với địa phương tiếp tục thực hiện công tác GPMB, tránh tình trạng tái lấn chiếm.
Đầu năm 2014, báo chí Nhật Bản đưa tin Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ 80 triệu Yen (782.640 USD) cho các cán bộ thuộc Tổng công ty Đường sắt VN tại dự án đường sắt đô Yên Viên – Ngọc Hồi.
Cơ quan công an Việt Nam đã khởi tố điều tra, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra.
Quá trình điều tra, các bị can đã tự nguyện nộp trả tiền hối lộ để khắc phục hậu quả.
Cùng với đường sắt Cát Linh – Hà Đông, dự án metro số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi) nằm trong quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội. Dù được đồng ý chủ trương đầu tư cách đây 15 năm nhưng các hạng mục vẫn nằm trên giấy.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, việc thực hiện dự án quá chậm đã ảnh hướng rất lớn đến hiệu quả đầu tư và làm tăng tổng mức đầu tư dự án từ 9.197 tỷ đồng lên khoảng 81.537 tỷ đồng (gấp 9 lần).
Trong bối cảnh đường sắt Yên Viên – Ngọc hồi còn đang chật vật ở khâu GPMB, các dự án đường sắt đô thị có cùng thời gian phê duyệt như Cát Linh – Hà Đông đã chuẩn bị vận hành, tuyến Bến Thành – Suối Tiên (TP.HCM) dự kiến đạt 80% tiến độ trong năm 2019.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi) có chiều dài 28,7 km, quy mô khổ lồng 1 m và 1,435 m (dùng đầu máy điện cho đường sắt đô thị và tương lai cho đường sắt quốc gia).
So với đường sắt Cát Linh – Hà Đông, dự án Yên Viên – Ngọc Hồi có thêm đoạn đi ngầm, tổng mức đầu tư lên tới 81.537 tỷ đồng. Kế hoạch khởi công ban đầu từ 2013-2020, đến nay dự án đã rơi vào tình cảnh vỡ tiến độ.
Trong giai đoạn I sẽ tập trung đầu tư xây dựng khu Tổ hợp Ngọc Hồi để hoàn trả chức năng của ga Hà Nội và ga Giáp Bát hiện tại và đầu tư một số khu chức năng cho các tuyến đường sắt tương lai. Tổng mức đầu tư dự kiến 19.032 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản và trong nước.
https://news.zing.vn/metro-yen-vien-ngoc-hoi-tien-do-i-ach-doi-von-9-lan-post977009.html
Vũ ‘Nhôm’ bị người Trung Quốc lừa trăm nghìn đô
khi làm hộ chiếu MỹHoài Thanh 00:04 10/08/2019
Vũ “Nhôm” tố cáo Hoàng Hữu Châu nhận 700.000 USD từ anh ta để làm hộ chiếu Mỹ cho Vũ và gia đình; tuy nhiên, Châu khai chỉ nhận 150.000 USD và đã giao hết cho Thái Minh Hùng.
Hoàng Hữu Châu (56 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) và Thanh Minh Hùng (56 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM), được xác định liên quan đến việc nhận tiền giúp Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Bắc Nam 79) làm hộ chiếu đi Mỹ nhưng không thành.
Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố 2 người này.
Chỉ nhận của Vũ “Nhôm” 150.000 USD?
Theo điều tra, từ năm 2000, thông qua mối quan hệ xã hội, Vũ quen thân với vợ chồng ông Hoàng Hữu Châu. Trong thời gian này, biết Châu hay đi nước ngoài nên Vũ nhờ ông tìm cách làm hộ chiếu quốc tịch Anh hoặc Mỹ cho gia đình Vũ.
Năm 2014, Châu quen biết với Thái Minh Hùng. Tháng 4-5/2017, Hùng khoe với ông Châu là có “cửa” làm hộ chiếu quốc tịch Mỹ cho vợ chồng Vũ cùng các con.
Từ giữa tháng 5/2017, Châu 2 lần đến gặp Vũ và nhận số tiền 700.000 USD, việc nhận tiền không hề có giấy tờ.
Nhận tiền xong, Châu được Hùng đưa cho bộ hồ sơ gồm các tờ khai bằng tiếng Anh có các mục lăn tay, Hùng dặn Châu đem về để hoàn thiện, đồng thời thu của mỗi người trong gia đình Vũ 4 ảnh thẻ làm hộ chiếu.
Vài ngày sau, Châu trực tiếp đến lăn tay Vũ tại căn hộ anh ta thuê ở quận 1, TP.HCM và nói mỗi người trong gia đình chuẩn bị 8-10 ảnh thẻ.
Tiếp đến, ông ta đến lăn tay vợ và con trai của Vũ tại nhà ở quận 7 (TP.HCM), và cuối cùng lăn tay 4 người con của Vũ tại nhà ở Đà Nẵng. Riêng một người con gái của Vũ đang học tại Mỹ, Châu nói Vũ gửi qua trường học bên đó xin xác nhận.
Trong lúc ông Châu lăn tay có Trương Bảo Kim (cháu ruột Vũ, định cư tại Mỹ) chứng kiến.
Sau đó, Châu đưa cho Hùng toàn bộ hồ sơ của Vũ và gia đình tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. Hùng nói với Châu yêu cầu Vũ gửi giấy khai sinh các con kèm theo bản dịch thuật qua tiếng Anh.
Nhận được tất cả hồ sơ, Hùng đem về nhà cất giữ, không giao cho ai.
Tại cơ quan điều tra, Châu khai nhận phù hợp với nội dung vụ án nhưng người này khai chỉ nhận của Vũ 150.000 USD chứ không phải 700.000 USD như tố cáo của Vũ.
Về điều này, cơ quan điều tra căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, đủ cơ sở xác định Châu và Hùng đã câu kết với nhau chiếm đoạt của Vũ 150.000 USD (tương đương hơn 3,3 tỷ đồng) chứ không phải 700.000 USD.
Châu nói toàn bộ số tiền 150.000 USD đó đã giao cho Hùng thông qua Thanh Ngọc Triệu (con trai Hùng) nhưng không viết biên nhận. Tuy nhiên, Hùng khai mới chỉ được Châu đưa 5.000 USD, còn Triệu phủ nhận việc nhận tiền của Châu.
Do đó, theo cơ quan điều tra, lời khai của Châu về việc đưa 150.000 USD cho Hùng là không có cơ sở. Kết quả điều tra xác định Châu chiếm đoạt 145.000 USD (tương đương 3,2 tỷ đồng), Hùng chiếm đoạt 5.000 USD (tương đương 113,2 triệu đồng).
Trong quá trình điều tra, ông Châu đã tự nguyện nộp lại hơn 3,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Không quen tổ chức làm hộ chiếu
Thanh Minh Hùng khai khoảng tháng 2-3/2017, ông Thái Quốc Hải (63 tuổi, định cư ở Mỹ) gọi điện thoại về nói Hùng tìm ai có nhu cầu nhập quốc tịch Mỹ thì báo với ông; chi phí từ 600.000-700.000 USD/hộ gia đình.
Tháng 4/2017, Hùng đến nhà ông Châu chơi và nói có “cửa” nhập quốc tịch Mỹ cho công dân Việt Nam với giá như trên.
Tháng 5/2017, khi ông Châu đặt vấn đề làm hộ chiếu Mỹ cho gia đình Vũ thì Hùng bảo Châu nói với Vũ phải mất chi phí 600.000-700.000 USD.
Hùng nói với Châu sẽ thu tiền của Vũ càng nhiều càng tốt, thời gian làm xong hộ chiếu thì Hùng không ấn định.
Hùng lấy hồ sơ, mẫu tờ khai giao cho Châu đưa Vũ và gia đình hoàn thiện. Việc tiếp xúc với ông Vũ thì Châu thực hiện, Hùng không gặp mặt.
Sau đó, Hùng gọi điện cho ông Hải đề nghị chuyển hồ sơ về Việt Nam. Khoảng 4 đến 5 ngày sau, Hải gửi hồ sơ cho Hùng thông qua người phụ nữ tên Thắm (không xác định nhân thân, lai lịch).
Nhận hồ sơ từ Thắm, Hùng đưa cho ông Châu. Khoảng 3 ngày sau, cũng trong tháng 6/2017, Châu đưa cho Hùng hồ sơ cùng 5.000 USD.
Hùng khai giữ lại 1.000 USD để chi tiêu cá nhân, 4.000 USD còn lại Hùng nhờ Thắm đưa cho ông Hải.
Hùng nói mình và Hải không làm việc cũng như không được bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào ở nước ngoài hay của Chính phủ Mỹ giao được phép thu tiền, nhận hồ sơ để làm thủ tục nhập quốc tịch Mỹ, cũng như hộ chiếu quốc tịch Mỹ cho công dân Việt Nam.
Hùng nhận thức được rằng để nhập quốc tịch Mỹ thì công dân phải sống ở Mỹ ít nhất 5 năm, có đầu tư làm ăn ở Mỹ, có người ruột thịt ở Mỹ cùng nhiều điều kiện kèm theo khác.
Nhưng khi Châu đặt vấn đề làm hộ chiếu quốc tịch Mỹ cho gia đình Vũ “Nhôm”, mặc dù biết họ không đủ điều kiện nhưng Hùng vẫn hứa hẹn bừa và nhận số tiền 5.000 USD từ Châu.
Cơ quan điều tra Bộ Công an tiến hành xác minh tại các cơ quan thì xác định từ trước đến nay, cả Châu và Hùng không làm việc cho Đại sứ quán Mỹ hay các tổ chức thuộc chính phủ Mỹ tại Việt Nam.
Nhà chức trách xác định động cơ của Vũ “Nhôm” trong việc đưa tiền cho Châu để làm hộ chiếu quốc tịch Mỹ là nhằm xuất cảnh định cư, trốn tránh sự trừng trị của pháp luật.
Thực tế, ngày 21/12/2017, Vũ sử dụng hộ chiếu mang tên Lê Văn Sáu xuất cảnh từ Việt Nam sang Campuchia rồi một ngày sau đó nhập cảnh vào Singapore. Đến ngày 27/12/2017, Vũ bị cơ quan chức năng Singapore bắt giữ, sau đó bị trục xuất về Việt Nam.
Việc Châu và Hùng đưa ra thông tin giả về khả năng làm được hộ chiếu quốc tịch Mỹ cho Vũ và người thân, tạo sự tin tưởng để chiếm đoạt tài sản của Vũ là nằm ngoài ý thức chủ quan của Vũ. Toàn bộ số tiền mà Vũ đưa cho Châu để làm hộ chiếu quốc tịch Mỹ là tiền sử dụng vào mục đích bất hợp pháp.
Tây Nguyên và Nam Bộ có 10 người chết,
thiệt hại gần 1,000 tỷ đồng vì mưa lũ
Tin Vietnam.- Báo Trithucvn ngày 11 tháng 8 năm 2019 loan tin, theo thống kê của ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai , tính đến 11 giờ đêm ngày 9 tháng 8, mưa lũ tại Tây Nguyên, và các tỉnh Nam Bộ đã khiến 10 người tử vong.
Tất cả 10 người chết đều ở các tỉnh miền núi Tây Nguyên. Thiệt hại tài sản: 3,717 ngôi nhà bị ngập nước, 789 nhà phải di dời; 18,382 ha lúa, hoa màu bị ngập; hơn 4,000 ha cây trồng các loại khác bị thiệt hại; 299 con gia súc, và 120,741 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Nhiều tuyến đường giao thông bị
sạt lở, một số đập thủy điện có nguy cơ vỡ đe dọa an toàn tính mạng hàng ngàn người dân. Tổng thiệt hại ước tính lên đến 992,5 tỷ đồng.
Trước nay mưa lũ Việt Nam chỉ làm những vùng ở đồng bằng ngập lụt. Nhưng nay ngập lụt cũng đã xảy ra tại các nơi trên vùng núi. Đảo Phú Quốc cũng vừa một bị trận lụt lịch sử, khiến nhiều nơi mục nước dâng lên đến 2 mét. Nguyên nhân chính là do xây dựng bừa bãi, quy hoạch kém.
Trước đó, theo trang Zing, tính đến ngày 6 tháng 8 năm 2019, cơn bão số 3 xảy ra tại tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã khiến 10 người chết, 11 người mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng. Thiệt hại về kinh tế khoảng 276 tỷ đồng.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/tay-nguyen-va-nam-bo-co-10-nguoi-chet-thiet-hai-gan-1000-ty-dong-vi-mua-lu/
Phú Quốc cần được giải cứu khẩn cấp!
TTO – Sốc, mệt mỏi, lo lắng là tâm trạng của nhiều người dân huyện đảo du lịch Phú Quốc khi phải chống chọi với liên tiếp hai trận ngập lụt chưa từng có trong lịch sử mấy ngày qua.
Kiếm tiền từ đảo ngọc, khó cưỡng lại rồi!
Bộ đội giúp dân Bến Tràm, xã Cửa Dương, huyện đảo Phú Quốc ra khỏi vùng ngập sâu – Ảnh: H.SOI
Do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lớn trong các ngày 5, 6-8 và đêm 8 rạng sáng 9-8 đã làm cho nhiều tuyến đường, nhà dân ở thị trấn Dương Đông – trung tâm huyện đảo Phú Quốc – ngập sâu, có nơi ngập sâu gần 2m.
Giao thông bị chia cắt, ách tắc nghiêm trọng, các hoạt động sinh hoạt, buôn bán đình trệ, chính quyền phải huy động hàng ngàn người gồm cán bộ, công an, quân đội vào cuộc hỗ trợ người dân di dời nhà cửa, tài sản.
Thống kê bước đầu trong trận ngập lụt ngày 6-8, có hơn 3.800 căn nhà bị ngập, nhiều đoạn đường ở thị trấn Dương Đông và xã Cửa Dương bị ngập nặng, hư hỏng…
Huyện đảo chưa kịp hồi phục thì suốt đêm 8-8, rạng sáng 9-8, những cơn mưa lớn lại trút xuống khiến đảo Phú Quốc tiếp tục hứng chịu đợt ngập thứ hai nghiêm trọng hơn, cả thị trấn Dương Đông gần như thất thủ, toàn đảo có trên 8.400 căn nhà bị ngập, riêng thị trấn Dương Đông có trên 4.000 căn nhà bị ngập, mọi ngả đường di chuyển đi các xã Bãi Thơm, Cửa Cạn… đều bị tắc.
Hàng ngàn người gồm cán bộ, công an, quân đội lại tiếp tục được huy động di dời tài sản, di tản trên 2.000 người dân đến nơi tránh trú an toàn.
Thiệt hại về vật chất của hai trận ngập lên đến trên 107 tỉ đồng, nhưng tổn thương tinh thần của người dân là rất lớn. Không ai có thể ngờ sống trên hòn đảo giữa trùng khơi lại bị cảnh ngập nước tồi tệ như vậy. Nguyên nhân rất cần được mổ xẻ nghiêm túc để có giải pháp khắc phục.
Theo chính quyền huyện đảo, nguyên nhân là do mưa lớn kéo dài liên tục trong nhiều ngày, sông suối và hạ tầng thoát nước trên đảo quá tải; rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi bít miệng cống, lòng cống khiến lượng nước mưa quá lớn không thoát kịp.
Thế nhưng, nhiều chuyên gia am hiểu Phú Quốc cho rằng ngoài lý do thiên tai bất ngờ, tác nhân chính gây nên thảm cảnh ngập lụt trên đảo lại chính là nhân tai.
Thực tế vài năm nay, bất chấp các khuyến cáo không đánh đổi môi trường lấy dự án đầu tư, không được phá rừng, bêtông hóa đảo ngọc, sức hút của các đợt sốt đất vẫn biến cả đảo Phú Quốc thành một đại công trường với hàng loạt dự án khu du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ.
Chính các hoạt động đầu tư kinh tế rầm rộ này đã phá vỡ cảnh quan môi trường thiên nhiên, chặn sông, lấp suối, xóa sổ nhiều khu rừng nguyên sinh, làm mất dần các “túi chứa nước” tự nhiên bao đời nay trên đảo.
Trong khi đó, công tác quy hoạch quản lý đất đai, trật tự đô thị trên đảo thời gian qua lại bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Hạ tầng hệ thống cấp thoát nước, xử lý rác thải, nước thải trên đảo quá tải, chưa được đầu tư đồng bộ.
Hàng loạt khách sạn, resort mọc lên án ngữ các bãi biển, chặn mất đường thoát nước ra biển. Các khu dân cư, đô thị vô tư xả thải bừa bãi, chiếm mất không gian của nước… nên chuyện ngập ngày càng trầm trọng là tất yếu.
Để giải quyết những vấn đề “nóng” đã được nhận diện, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc không thu hút đầu tư ở Phú Quốc một cách chụp giựt với tốc độ quá nhanh như vừa qua. Phải giữ cho được môi trường tự nhiên và xã hội an bình, thực hiện tốt quy hoạch, không được bêtông hóa Phú Quốc…
Không cách nào khác là chính quyền huyện Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang phải nhanh chóng vào cuộc “sửa sai”, khắc phục với quyết tâm cao, hành động kiên quyết, bởi càng để kéo dài những trì trệ, hạn chế, đảo ngọc càng trở nên xấu xí trong mắt người dân.
Trước mắt, ngay trong lúc này phải tiến hành khơi thông dòng chảy, mở toang các luồng thông thoáng thoát nước ra biển; phải tổng kiểm tra toàn bộ năng lực hệ thống thoát nước trên đảo để có hướng xử lý sớm, đầu tư đồng bộ; xử lý nghiêm những trường hợp xây dựng lấn chiếm đất rừng, sông, suối, buộc trả lại nguyên trạng để thông dòng chảy.
Tiếp đến là giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường (rác thải – nước thải), sửa sai việc quy hoạch cấp phép xây dựng khu du lịch, khách sạn bít không gian, các lối thoát nước ra biển.
Về lâu dài cần có các giải pháp kiểm soát chặt chẽ trật tự xây dựng, giữ cho được diện tích đất rừng, sông suối, vùng đệm và các “túi chứa nước” tự nhiên để tạo không gian giữ nước và thoát nước…
Người dân trên đảo Phú Quốc chỉ mong các bất cập, hạn chế trên nhanh chóng được giải quyết. Doanh nghiệp mong mỏi ổn định chính sách để có định hướng cụ thể trong việc phát triển làm ăn lâu dài. Chứ để tình trạng hễ mưa là ngập, ô nhiễm, tệ nạn phát sinh như hiện nay thì không ai có thể yên tâm đầu tư làm ăn.
Mong mỏi trên rất chính đáng, chỉ mong chính quyền Phú Quốc và Kiên Giang không chần chừ.
Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh, bàn luận về ngập ở Phú QuốcMạng xã hội tràn ngập hình ảnh, bàn luận về ngập ở Phú Quốc
HOÀNG TRÍ DŨNG
https://tuoitre.vn/phu-quoc-can-duoc-giai-cuu-khan-cap-20190810110145084.htm
Chất vấn 15 bộ trưởng
về việc ‘thực hiện lời hứa’ từ đầu nhiệm kỳ
Hoài Thu
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 với 15 bộ trưởng, trưởng ngành.
Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc vào sáng 12/8 và kéo dài hết ngày 16/8 để xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng.
Đặc biệt lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 và tổ chức chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không chọn bộ trưởng, trưởng ngành cụ thể nào để chất vấn mà sẽ chất vấn những vấn đề giám sát từ đầu nhiệm kỳ. Câu hỏi chất vấn liên quan đến bộ trưởng, trưởng ngành nào thì người đó sẽ trả lời.
Nội dung này sẽ diễn ra trong ngày 15/8 và được truyền hình trực tiếp.
Sau khi nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 đối với 15 bộ trưởng, trưởng ngành.
Danh sách các “tư lệnh ngành” gồm bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Công an; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài chính; Công thương; Giao thông Vận tải; Ủy ban Dân tộc; Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước.
Cuối cùng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Ngoài nội dung quan trọng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của năm dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm
toán nhà nước, Luật Chứng khoán (sửa đổi), Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Thư viện; và xem xét dự thảo nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”; cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
https://news.zing.vn/chat-van-15-bo-truong-ve-viec-thuc-hien-loi-hua-tu-dau-nhiem-ky-post977196.html
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo
“biến” bãi rác ở Sài Gòn thành khu đô thị hiện đại
Tin Saigon.- Báo Tuổi trẻ loan tin, vào sáng ngày 10 tháng 8 năm 2019, tại buổi tiếp các các công ty, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy tại Sài Gòn chỉ đạo các công ty giải quyết môi trường phải biến các bãi chôn lấp rác thải đã ngưng sử dụng thành quỹ đất sạch, để xây dựng các khu đô thị hiện đại của thành phố trong tương lai.
Trước chỉ đạo trên của ông Nhân, ông Nguyễn Công Hồng, đại diện công ty trách nhiệm hữu hạn Huy Hoàng Eco đề nghị nghiên cứu giải quyết bãi chôn lấp rác ở Gò Cát, quận Tân Bình, và bãi chôn lấp rác ở Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Ông Hồng cho rằng, nếu công ty ông được giao giải quyết bãi rác Gò Cát thì chỉ cần 2 năm để thực hiện, và thêm 3 năm để triển thanh thành khu đô thị sinh thái trên bãi rác này.
Để thực hiện “biến” bãi rác thành khu đô thị hiện đại, ông Nhân yêu cầu sở Tài nguyên và môi trường thành phố trong vòng 3 tháng phải có đầu bài về đấu giá giải quyết môi trường tại các khu chôn lấp rác thải.
An Nhiên
Trung bình mỗi tháng nhà cầm quyền CSVN
bị ngoại quốc kiện thương mại một lần
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 11 tháng 8 năm 2019 loan tin, báo cáo của cơ quan Phòng Thương Mại thuộc bộ Công Thương CSVN cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã bị ngoại quốc khởi kiện 7 sự việc về hàng hóa xuất cảng.
Trong 7 vụ trên, thì có 4 vụ là do Ấn Độ khởi xướng, 2 vụ là của Mỹ, và 1 vụ là của Malaysia khởi kiện Việt Nam. Các vụ kiện nhằm điều tra việc phía Việt Nam đã có hành vi giả mạo xuất xứ, lẩn tránh thuế. Với tuần số các vụ kiện có xu hướng gia tăng, chính quyền lo ngạirằng nếu một ngày nào đó, các quốc gia đang làm ăn với Việt Nam sẽ sử dụng tối đa biện pháp thuế đối với các mặt hàng như dệt may, da giày… khiến cho nền kinh tế xuất cảng nằm trong vòng xoáy nguy hiểm.
Theo bộ Công thương, các quốc gia nhập cảng hàng hóa Việt Nam đã tiến hành hơn 300 vụ hạn chế nhập cảng hàng hóa Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp; gần 5,000 vụ chống bán phá giá; và gần 400 vụ chống trợ cấp đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam như thép, sợi, thủy sản. Lấy thí dụ về mặt hàng tôn. Nếu Việt Nam dùng thép cán mỏng của Trung Cộng để sản xuất ra tôn, rồi xuất cảng tôn sang Mỹ, thì phía Mỹ có thể coi đây là hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá hàng Trung Cộng.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương cho biết, các quốc gia làm ăn với Việt Nam đang sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ thương mại. Họ mở rộng, điều tra chống gian lận xuất xứ, điều tra chống chuyển tải gian lận thương mại… nên nền kinh tế Việt Nam đang gặp nguy cơ lớn, thách thức cho sự phát triển.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/trung-binh-moi-thang-nha-cam-quyen-csvn-bi-ngoai-quoc-kien-thuong-mai-mot-lan/
Cảnh báo các tôn giáo đừng để bị lợi dụng
là “vỏ bọc cho sự đàn áp”
Cao Nguyên
“Nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các thế lực lợi dụng chống phá ta về dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo, cản trở Việt Nam trong hội nhập và hợp tác quốc tế” là phát biểu của ông Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, sáng ngày 9/8/2019 tại cuộc gặp mặt với chức sắc, chức việc tôn giáo diễn ra ở thành phố Đà Nẵng.
Một số người trong cuộc phản ứng ra sao đối với phát biểu mới nhất đó về tôn giáo của người đứng đầu chính phủ Hà Nội?
“Tôn giáo đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”?
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, hiện là Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam có mặt tại buổi gặp mặt hôm đó với tư cách là một người đưa tin. Ông thuật lại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:
“ Tôi nghĩ rằng đây là một cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng với các tôn giáo với thông điệp là chính phủ cũng trân trọng sự đóng góp của các tôn giáo trong nhiều lĩnh vực.
Như Giám mục Bùi Chu cũng nói rõ trong buổi gặp là có các lĩnh vực mà nhà nước không thể làm hết được như y tế cộng đồng, môi trường, trợ giúp cho người nghèo… thì Giáo hội Công giáo vẫn đóng góp từ xưa đến nay cũng không cần có biểu dương, nhưng ý của Chính phủ là muốn ghi nhận và lần đầu tiên chính phủ chủ biết được là các tôn giáo đang đóng góp những gì cho quê hương này.”
Còn Chánh trị sự Hứa Phi, Trưởng ban đại diện khối Cao Đài Nhơn Sanh ở Việt Nam cho rằng, tôn giáo quốc doanh thật ra chỉ đóng góp cho đảng Cộng sản là chính.
“Từ trước tới giờ, tất cả những tôn giáo độc lập hoặc tôn giáo chơn truyền thuần túy, không theo nhà nước lúc nào cũng bị chính quyền ngăn cản toàn bộ.
Ngày hôm nay, nói về tôn giáo đóng góp cho xã hội, theo tôi nghĩ cái này là tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam dựng lên, có mục đích kinh doanh tôn giáo chứ không phải là tôn giáo lo cho tinh thần nhân loại.
Về vấn đề buổi gặp mặt, tôi nghĩ là người ta đưa lên để làm màu mè với dư luận mà thôi. Nếu mà tôn giáo quốc doanh đóng góp thì chỉ đóng góp cho đảng Cộng sản chứ không phải là đóng góp cho dân tộc Việt Nam.”
Khối Nhơn Sanh đạo Cao Đài không được chính phủ Hà Nội công nhận, ông Hứa Phi vào tháng 5 năm 2018 từng bị những người bịt mặt đánh đập, cắt râu ngay tại nhà ở Lâm Đồng để ngăn cản ông gặp phái đoàn Úc nói về tự do tôn giáo. Vào tháng 11 cùng năm, sau khi gặp phái đoàn Mỹ trở về ông phát hiện nhà mình đã bị đập phá, phóng hỏa.
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ chia sẻ thêm về những đề nghị của Giáo hội Công giáo Việt Nam đưa ra trong buổi gặp mặt với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
“Mỗi tôn giáo chỉ có một vị đại diện phát biểu thôi. Đối với Giáo hội Công giáo thì Đức cha Bùi Chu trình bày những việc mà Giáo hội Công giáo đã đóng góp từ trước đến nay.
Ngoài ra, ngài có góp ý là Chính phủ nên lưu tâm đến những nhu cầu và khả năng của Giáo hội Công giáo trong vấn đề y tế và giáo dục.
Hai vấn đề này thì Giáo hội Công giáo đã nói nhiều và Nhà nước cũng công nhận đó là hai mảng đóng góp rất quan trọng của Giáo hội Công giáo, còn họ lưu tâm đến mức nào thì còn phải chờ.”
Tuy nhiên, khi được hỏi về phát biểu gây tranh cãi của ông Thủ tướng được báo chí trích lời, vị linh mục này cho biết lúc đó ông đã ra phía ngoài nên không có bình luận gì.
“Nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các thế lực lợi dụng chống phá”
Thủ tướng Phúc sau khi ca ngợi sự đóng góp của các tôn giáo ở Việt Nam là to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời lưu ý các tổ chức tôn giáo cần nêu cao tinh thần cảnh giác “không để các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo mê tín dị đoan, trục lợi, gây bức xúc trong xã hội, chia rẽ nhân dân, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.
Nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các thế lực lợi dụng chống phá ta về dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo, cản trở Việt Nam trong hội nhập và hợp tác quốc tế.
Đâu đó vẫn còn tình trạng lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây phức tạp về an ninh, trật tự xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong tiến trình hội nhập.”
Bình luận về phát biểu này của thủ tướng Phúc, một chuyên gia nghiên cứu về tôn giáo từ trong nước không muốn nêu tên nói:
“Phát biểu này thể hiện chính sách thống nhất về tôn giáo của chính quyền Việt Nam. Từ sau năm 1975 đến nay, họ vẫn thường đồng nhất tôn giáo và chính trị.
Các hoạt động tôn giáo đòi hỏi sự liên kết các cá nhân với nhau. Những người này phải chịu sự chèn ép của chính quyền trong rất nhiều năm về nhiều vấn đề như đất đai, tự do tôn giáo và kỳ thị chủng tộc… điển hình như là cộng đồng người Thượng ở Tây Nguyên.
Vì bị chèn ép nên họ thường có xu hướng liên kết lại với nhau. Từ việc người dân liên kết lại với nhau thì Chính quyền lại cho rằng những hoạt động tôn giáo sẽ dễ bị lợi dụng bởi những thế lực thù địch.
Nên tôi nghĩ phát biểu lợi dụng tôn giáo để chống phá chính quyền chỉ là một cái vỏ bọc cho những sự chèn ép của chính quyền đối với các tôn giáo và các chính sách đàn áp của họ trong suốt nhiều năm nay mà thôi.”
Hàng trăm người Thượng theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên đã phải trốn chạy sang 2 nước Thái Lan và Campuchia để xin tị nạn trong những năm vừa qua để tránh việc bị chính quyền đàn áp, yêu cầu bỏ đạo. Chính phủ Việt Nam phủ nhận điều này và cho hay chỉ có những cá nhân vi phạm pháp luật bị xử lý.
Hoà thượng Thích Không Tánh, vị trụ trì chùa Liên Trì bị phá hủy và không thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, cũng trình bày về quan điểm của giới lãnh đạo đảng cộng sản và chính phủ Hà Nội đối với tôn giáo:
“Từ trước giờ những công chức lãnh đạo của nhà nước này lúc nào cũng nói rằng tôn giáo bị lợi dụng để tuyên truyền chống phá nhà nước, nhưng thực ra chính nhà nước này mới lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền chính trị cho chế độ.
Tôn giáo bị chế độ nô lệ hóa, biến thành một phương tiện chính trị trong các vấn đề ban giao quốc tế,” Hòa thượng Thích Không Tánh nói qua điện thoại từ Sài Gòn.
Chùa Liên Trì thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có từ trước năm 1975 ở Thủ Thiêm do Hòa Thượng Không Tánh trụ trì đã bị chính quyền Quận 2 cưỡng chế, giải tỏa vào tháng 9 năm 2016. Vị trụ trì đã không đồng ý với phương án đền bù của cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh.
Việt Nam vẫn mạnh tay đàn áp tôn giáo trong năm 2019
Chuyên gia nghiên cứu tôn giáo không muốn nêu tên tiết lộ rằng, ông đã tiếp xúc, phỏng vấn rất nhiều nạn nhân tôn giáo, đặc biệt là cộng đồng người Thượng ở Tây Nguyên.
Đồng thời nghiên cứu lại các báo cáo của tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch) trong những năm gần đầy thì chuyên gia này nhận thấy rằng việc đàn áp tự do tôn giáo đối với người Thượng đã mang tính hệ thống. Ông giải thích:
“Tình trạng đàn áp cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, trong những năm 1990, những năm 2000 và bây giờ đang lặp y như vậy. Các tín đồ Tin Lành bị bắt bớ vẫn kéo dài cho đến nay.
Những người vượt biên sau các cuộc biểu tình những năm 2000 và những người vượt biên mới đây ở Tây Nguyên, họ vẫn kể cùng một câu chuyện, như họ bị bắt bớ, bị giám sát, theo dõi và lục soát nhà cửa.
Về tình hình tự do tôn giáo hiện nay, nếu chính quyền cứ tiếp tục chính sách đàn áp tôn giáo như thế này thì chẳng khác nào là ‘thêm dầu vào lửa’ vì đang có nhiều tôn giáo chứa đầy phẫn nộ về các chính sách khắc nghiệt của chính quyền.”
Chánh trị sự Cao Đài Hứa Phi cho biết một thực tế là các chức sắc thuộc các tôn giáo độc lập, không chịu sự kiểm soát của chính quyền lúc nào cũng bị đàn áp, theo dõi sát sao:
“Bên đạo Cao Đài chơn truyền của chúng tôi mà tôi là trưởng ban đại diện vốn hàng ngày hàng giờ lúc nào cũng công an mật vụ đi theo sau. Ngay cả hiện tại nhà tôi cũng đang công an bám sát liên tục.
Không chỉ riêng đạo Cao Đài mà tất cả những những tôn giáo nằm trong Hội đồng Liên Tôn như Phật giáo Hòa Hảo, Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Công Giáo thì ở Vườn rau Lộc Hưng cũng bị san bằng, bên Mục sư Tin Lành Nguyễn Hoàng Hoa lúc nào cũng bị canhgác.”
Mạng báo Tuổi Trẻ online hôm 10/8 đưa tin về buổi gặp mặt, cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các tôn giáo ở Việt Nam cùng đoàn kết, hợp tác dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản và quản lý của Nhà nước. Ông Phúc khẳng định:
“Có thể nói không một quốc gia đa tôn giáo nào trên thế giới mà các tôn giáo, tín đồ tôn giáo lại sống bình đẳng như ở Việt Nam chúng ta. Một đất nước không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo.”
Hồi cuối tháng 4 năm nay, phần báo cáo về Việt Nam tại buổi công bố phúc trình thường niên của Ủy Hội Quốc Tế Mỹ Về Tự Do Tôn Giáo Thế Giới (USCIRF) tiếp tục đánh giá Việt Nam vẫn là một đất nước thiếu tự do tôn giáo.
Chi phái Cao Đài 1997, hội Cờ đỏ, tình trạng vô quốc gia của người Tin Lành Tây Nguyên và H’Mong, tù nhân lương tâm cùng với việc chính quyền đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa là những vấn đề lớn tại Việt Nam bị USCIRF nêu ra.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong một tuyên bố sau đó đã phản bác phúc trình của USCIRF và cho rằng “Báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ ghi nhận những thành tựu và tiến triển trong công tác bảo đảm và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam, nhưng đáng tiếc trong báo cáo vẫn còn một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/tt-tg-loi-dung-08112019090834.html