Tin Việt Nam – 11/04/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 11/04/2020

CSVN lại dự định xử phúc thẩm

nhà hoạt động Nguyễn Năng Tĩnh vào ngày 20/4

Tin từ Nghệ An: Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn dự kiến tổ chức phiên toà phúc thẩm để xem xét kháng cáo của giảng viên cao đẳng- nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền Nguyễn Năng Tĩnh vào ngày 20/4.

Phiên toà sẽ được tiến hành bởi Toà án cộng sản cấp cao tại Hà Nội ở trụ sở Toà án cộng sản tỉnh Nghệ An ở thành phố Vinh cho dù cả nước đang áp dụng chính sách “cách ly xã hội” để hạn chế lây nhiễm dịch Covid-19.

Ông Tĩnh, 44 tuổi, người được biết với nhiều video clip dạy học sinh hát về nhân quyền và chủ quyền biển đảo và nhiều bài viết về dân chủ-nhân quyền, bị bắt ngày 29/5/2019 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật hình sự. Ông bị Toà án cộng sản tỉnh Nghệ An kết án 11 năm tù giam và 5 năm quản chế trong phiên toà sơ thẩm ngày 15/11/2019.

Việc bắt giữ và kết tội ông Tĩnh nằm trong chiến dịch trấn áp giới bất đồng chính kiến mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tiến hành từ cuối năm 2015, với việc hàng trăm nhà hoạt động bị cầm tù bằng những phiên toà không công bằng và những tội danh nguỵ tạo trong phần An ninh quốc gia của Bộ luật hình sự.

Theo nhiều nhà quan sát, chế độ cộng sản Việt Nam, ngày càng có nhiều nhà hoạt động bị kết án tù dài hạn trong những vụ án nguỵ tạo. Do vậy, rất ít có khả năng ông Tĩnh được phóng thích hay giảm án trong phiên phúc thẩm.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/csvn-lai-du-dinh-xu-phuc-tham-nha-hoat-dong-nguyen-nang-tinh-vao-ngay-20-4/

 

Việt Nam làm gì để gắn kết thêm với ông Donald Trump?

LS Ngô Ngọc TraiGửi cho BBC từ Hà Nội

Hôm mùng 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump có chia sẻ trên hai trang mạng xã hội, nội dung cho biết lô hàng 450.000 bộ quần áo bảo hộ y tế đã được đưa tới Mỹ để chống dịch cúm.

Virus corona: Nhận đồ bảo hộ, Donald Trump ‘cảm ơn những người bạn ở Việt Nam’

Biển Đông: Tuyên bố ‘nặng ký’ của Mỹ đang khích lệ Việt Nam?

Việt Nam và người Việt các nơi đóng góp từ thiện chống Covid-19

Trong đoạn chia sẻ ngắn ông có nhắc đến vai trò hợp tác của những người bạn ở Việt Nam và lời cảm ơn kết thúc ở cuối câu.

Sự việc ngay lập tức được các báo ở Việt Nam đưa tin.

Công chúng quốc tế cũng rất quan tâm, tính tới trưa ngày 11 tháng 4 giờ Việt Nam, thông tin chia sẻ trên Facebook đã nhận được hơn 220 nghìn lượt bày tỏ cảm xúc, hơn 10.700 lượt bình luận, hơn 17.900 lượt chia sẻ.

Bài trên trang Twitter đã nhận được 98 nghìn lượt yêu thích, hơn 20,6 nghìn lượt chia sẻ và gần 9 nghìn bình luận ý kiến.

Âm vang Việt Nam

Để ý nhìn lại thì thấy, trong số mấy đời Tổng thống Mỹ gần đây như Obama, Bush, Clinton, có lẽ không ai nhiều lần nhắc đến tên Việt Nam như Tổng thống Trump.

Ví như Tổng thống Obama, có lẽ trong cả hai nhiệm kỳ Tổng thống 8 năm, ngoài những bài phát biểu chính thức trong một vài dịp ngoại giao hoặc sự kiện có liên quan, thì tên Việt Nam được nhắc đến trong văn bản.

Còn ở góc độ riêng tư cá nhân có lẽ ông Obama khi đương nhiệm không khi nào nhắc đến Việt Nam.

Nhưng đối với Tổng thống Trump, dường như Việt Nam là một địa chỉ dễ nhớ, gần gũi, đáng để quan tâm.

Hồi tháng 5/2019 Tổng thống Trump đã nhắc tới Việt Nam trong một phát biểu về vấn đề thương mại với Trung Quốc.

Ông nói: “Nhiều công ty bị áp thuế nhập khẩu cũng sẽ rời khỏi Trung Quốc để chuyển tới Việt Nam và các nước tương tự ở Châu Á”.

Lời phát biểu có giá trị như một lời quảng cáo cho các doanh nghiệp về những cơ hội kinh doanh thương mại tại Việt Nam.

Một lần khác cũng năm 2019, ông Trump có nhắc tới Việt Nam nhưng theo một nghĩa tiêu cực khi cáo buộc Việt Nam cũng là nước trục lợi về thương mại với Mỹ.

Tháng 2/2019 toàn thế giới theo dõi diễn biến cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un của Triều Tiên tại Hà Nội.

Việc ông Trump đồng thuận lựa chọn Việt Nam làm nơi gặp gỡ chắc chắn đã đem đến hình ảnh tích cực của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trước đó, hồi tháng 11 năm 2017 Tổng thống Trump cũng đến Đà Nẵng dự hội nghị APEC và tranh thủ thăm Việt Nam.

Có ý nghĩa gì?

Dường như tên Việt Nam có tác dụng đem lại lợi ích, lợi thế cho Tổng thống Trump, cho nên trong các phát ngôn xử lý công việc ông mới viện dẫn nhắc đến.

Có thể do tính cách khác biệt mạnh mẽ, ông cho rằng có thể đi ngược lại quan điểm chính sách truyền thống của các đời Tổng thống trước đó, ông muốn hóa giải bất đồng với Triều Tiên và kết thân với Việt Nam.

Hoặc do những chính sách chiến lược lớn mà theo đó Việt Nam có vai trò quan trọng, như chính sách Ấn Độ Thái Bình Dương, xoay trục hướng về Châu Á để xử lý các thách thức tại đây, khẳng định lại uy thế của Mỹ ở nơi này.

Đặc biệt là Mỹ đang xử lý vấn đề thương mại với quốc gia láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc.

Tựu chung lại, vì những lý do khác nhau, ông Trump hiện là người đang dành mối quan tâm thân thiện với Việt Nam.

Mặc dù bản thân ông cũng là người dễ gây tranh cãi ở nước Mỹ và nhiều phát biểu của ông ấy cũng bị dư luận phản đối.

Nhưng đối với Việt Nam thì thấy, trước ông Trump chưa Tổng thống nào nhiều lần nhắc đến tên Việt Nam như thế.

Và sau ông ấy, liệu sẽ còn ai khác nhắc đến Việt Nam?

Việt Nam nên làm gì?

Tổng thống Trump có một chính sách lớn là muốn đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Và ở góc độ cá nhân dường như ông ấy lại gắn kết với Việt Nam.

Điều này thành ra rất đáng phải quan tâm đối với các lãnh đạo phía Việt Nam.

Vậy Việt Nam cần hành xử như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

Hiện nay nước Mỹ đang bị tấn công bởi dịch cúm, tính tới sáng ngày 11/4 nước Mỹ có tới hơn nửa triệu người mắc bệnh và gần 18.693 người tử vong.

Để thấy được mức độ nghiêm trọng, có thể so sánh với một trong những trận đánh quân sự để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nước Mỹ là trận Trân Châu Cảng, nước Mỹ bị mất khoảng 2500 người.

Như thế đến nay dịch cúm đã gây ra tổn thất về người gấp 7,4 lần số thương vong ở trận Trân Châu Cảng và con số còn chưa dừng lại.

Trong khi đó các nước đồng minh của Mỹ thì lại cũng khó giúp gì được khi mà chính họ cũng đang gặp khó.

Còn tại Việt Nam thì tình hình dịch bệnh lại khác.

Theo số liệu của Bộ y tế, tính đến sáng ngày 11/4 Việt Nam có 257 ca nhiễm, có 113 ca đang điều trị, 144 ca khỏi bệnh và chưa có trường hợp tử vong.

Theo đó dịch bệnh ở Việt Nam vẫn đang trong vòng kiểm soát và chưa có thiệt hại về người.

Đây là lúc Việt Nam cần lưu ý đến việc sử dụng nguồn lực của mình để hỗ trợ các nước nhằm xây dựng cho mình Quyền lực mềm.

Nhìn sang Trung Quốc thì thấy, họ cũng đang hành động để tạo dựng quyền lực mềm, Trung Quốc trở thành người hỗ trợ trang thiết bị y tế cho các nước. Dù xung quanh việc đó còn có nhiều tranh cãi.

Đài Loan cũng đang hành động để tạo dựng quyền lực mềm trước thế giới, họ đã chuẩn bị một ngân khoản 30 tỷ USD sẵn sàng hỗ trợ các nước cùng một câu khẩu hiệu: ‘Đài Loan có thể giúp’.

Nhìn lại lịch sử thì thấy, có rất ít dịp trong lịch sử để Việt Nam trở thành người giải cứu cho các nước.

Một lần hiếm hoi là hồi năm 1944, 1945 Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm cách cứu các Phi công Đồng Minh bị Nhật bắn rơi ở khu vực miền núi phía Bắc rồi đưa đường chỉ lối cho họ về lại đơn vị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn xa đã thấy được việc làm của mình sẽ giúp gây dựng mối quan hệ với lãnh đạo phe Đồng Minh và sẽ đưa đến những điều có lợi cho Việt Nam.

Cho đến mấy năm gần đây Việt Nam đã gửi các đội nhóm y tế của mình tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan.

Kết quả đã tạo hình ảnh tốt, Việt Nam trở thành một thành viên có trách nhiệm xây dựng đóng góp trong cộng đồng các quốc gia.

Nay dịch cúm này chính là một dịp để Việt Nam nắm bắt cơ hội trở thành người giải cứu.

Lâu nay Việt Nam đã phát triển là nhờ hai điều, người nước ngoài đến đầu tư làm ăn hoặc du lịch ở Việt Nam và người Việt Nam sang nước ngoài để lao động kiếm việc làm gửi tiền về nước.

Dịch cúm hiện nay lại đảo ngược tiến trình đó, khiến công dân nước nào trở về nước ấy, đây là điều rất bất lợi cho Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là phải làm sao để khi hết dịch cúm người nước ngoài với sự khuyến khích của chính phủ nước họ sẽ quay trở lại Việt Nam đông hơn.

Và người Việt Nam đi đến các nước sẽ thuận lợi hơn.

Để đạt được mục đích đó, Chính phủ Việt Nam có thể gợi ý với phía Mỹ và Tổng thống Trump rằng Việt Nam sẵn sàng đưa nhân viên y tế người Việt sang hỗ trợ.

Nhân lực có thể cân nhắc điều động đoàn cán bộ y tế vừa trở về từ Nam Sudan từ cuối năm 2019.

Với tính cách, quan điểm và thái độ của Tổng thống Trump đối với Việt Nam, rất có thể ông ấy sẽ nhận lời.

Nếu làm được việc đó thì Việt Nam sẽ đạt được mục đích là gắn kết thêm với nước Mỹ.

Và quan trọng hơn là Việt Nam sẽ có tên trên bản đồ nguồn nhân lực ngành chăm sóc sức khỏe thế giới.

Đây là mảng nhân lực lao động mà Việt Nam hiện nay mới đang bước đầu gây dựng nhằm cung cấp số lượng hạn chế cho đối tác bước đầu là Nhật Bản.

Trong khi đó một quốc gia khác ở Đông Nam Á là Philippines từ lâu nay đang giữ thị phần rất lớn về nguồn nhân lực nhân viên y tế.

Theo bài ‘Xuất khẩu lao động Philippin: con dao hai lưỡi’ trên báo Tuoitrethudo, thông tin cho biết nước này có tới 10 triệu lao động ở nước ngoài.

Bài báo cho biết Philippines cung cấp rất lớn nguồn lao động là các y tá, điều dưỡng và các công việc khác liên quan đến chăm sóc sức khỏe, làm việc tại các bệnh viện, phòng khám, doanh nghiệp hay tại nhà riêng ở các nước.

Nay Việt Nam muốn phát triển mảng cung ứng nhân lực trong lĩnh vực này thì dịch cúm chính là một cơ hội.

Ngoài ra Việt Nam cũng cần phát huy thế mạnh xuất khẩu lâu nay là ngành may mặc.

Chính phủ cần chỉ đạo điều hướng sản xuất gấp số lượng lớn khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế để cung ứng cho các nước.

Bằng cách đó Việt Nam sẽ tăng khả năng đóng góp cho công cuộc giải cứu thế giới khỏi dịch cúm.

Và tăng mối gắn kết với vị Tổng thống của nước Mỹ, ngài Donald Trump.

Bài viết thể hiện ý kiến và lối hành văn riêng của Luật sư Ngô Ngọc Trai, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52255324

 

Virus corona: Chính phủ Việt Nam cần làm gì

để cứu nền kinh tế?

TS Đinh Trường HinhGửi bài cho BBC News Tiếng Việt từ Washington D.C

Đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới, tấn công các nước phát triển cũng như đang phát triển. Đây là lần đầu tiên cả thế giới, không phân biệt giàu hay nghèo, đen hay trắng, lớn hay nhỏ, đều bị một tai họa lớn như vậy, ảnh hưởng đến tất cả mọi tầng lớp, mọi ngành, mọi nơi.

Vũ Hán choáng váng trỗi dậy từ cuộc phong tỏa khắc nghiệt nhất

Virus corona: Thế giới nên tin hay nghi ngờ ‘thành công của Trung Quốc’?

Virus corona: ‘Khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ đại suy thoái những năm 1930’

EU ra gói cứu trợ 500 tỷ euro, VN muốn vay 1 tỷ USD

Một số các quốc gia đã và đang đưa ra các biện pháp và chính sách quyết liệt về kinh tế để giảm thiểu tác động của đại dịch này đối với nền kinh tế.

Hoa Kỳ, Anh Quốc, Đức… và gần đây nhất là Liên hiệp châu Âu đã tung ra hàng trăm tỷ USD cứu trợ kinh tế.

Thế nhưng, theo chúng tôi quan sát, dư luận đang tập trung phần lớn mọi sự chú ý cho đến nay vào các nước phát triển hơn là các nước đang phát triển như Việt Nam, nơi mà có lẽ ảnh hưởng kinh tế của nạn dịch sẽ lớn hơn vì tài lực còn nhiều hạn chế.

Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay là ngăn chặn COVID-19 đừng lây ra. So sánh với sự suy thoái thông thường của một nền kinh tế, ảnh hưởng về kinh tế của COVID-19 mạnh hơn và gây xáo trộn nhiều hơn, nhưng trong một thời gian ngắn hơn.

Do đó, mục tiêu chính của chính sách hiện nay là phải thực hiện các biện pháp y tế, đồng thời làm giảm thiểu các ảnh hưởng xã hội của đại dịch và duy trì năng lực của nền kinh tế hầu có thể phục hồi những hoạt động sản xuất như bình thường trong cơ hội sớm nhất.

Xin nhắc rằng những chính sách này khác với những chính sách truyền thống để kích thích nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái (recession).

Đại dịch virus corona khi nào mới hết?

Bài viết này chỉ bàn về một khung chính sách để đối phó với COVID-19 trong ngắn hạn và trung hạn.

Trước hết, chúng tôi xin trình bày một số biện pháp hiện đang được thực hiện bởi các nước đang phát triển khác.

Kinh nghiệm các nước đối với coronavirus cho đến nay đã cho thấy cách tốt nhất để ngăn chận dịch là hạn chế sự tiếp xúc của con người, kênh chính mà virus lây lan. Do đó, Việt Nam đang có những biện pháp đúng bằng cách đóng cửa các trường học và cửa hàng, thực hành cách ly xã hội (social distancing), đình chỉ các chuyến bay quốc tế và cách ly những người mới đến bao gồm cả người nước ngoài và cả công dân Việt Nam trở về từ nước ngoài để ngăn chặn virus lây lan.

Các biện pháp này là hợp lý bởi vì hiện tại không có phương pháp điều trị COVID-19 đã được khoa học xác định và cũng không có thuốc chủng ngừa vắc-xin nào đã được phát minh. Mục tiêu của các biện pháp cách ly xã hội là để san phẳng đường cong nhiểm bệnh –flattening the curve–hầu các bệnh viện hay các cơ sở chăm sóc sức khỏe có đủ khà năng đáp ứng, theo thời gian, tất cả các bệnh nhân cần điều trị. Một khi có nhiều xét nghiệm hơn và do đó sự phổ biến của virus được biết đến nhiều hơn, có thể các chính sách cách ly xã hội này có thể phải được tăng cường và cần phải được thực hiện để ngăn chận COVID-19.

Những tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế, đặc biệt là về du lịch, thương mại và FDI cũng như về sản xuất vì các chuổi cung ứng, rất là lớn. Ngành du lịch tại Việt Nam dự kiến ​​sẽ giảm 2,7 tỷ đô la cho mỗi tháng của cuộc khủng hoảng.

Do đó, có nguy cơ cao là chi phí kinh tế quá khủng khiếp khi tiếp tục những chính sách sách cách ly xã hội này trong một nước còn nghèo, sẽ dễ làm một quốc gia từ bỏ những nỗ lực ấy.

Tuy nhiên, kết quả này phải được ngăn chặn bằng mọi giá vì sự tồn tại của virus sẽ khiến đại dịch quay trở lại và gây ra thiệt hại lần thứ hai càng tồi tệ hơn. Trường hợp của Singapore phải ‘lockdown’ chặt hơn lần hai sau khi dịch bùng phát trở lại là một ví dụ.

Y tế đi cùng kinh tế

Covid-19 mang lại các chi phí trực tiếp và nặng nề cho một quốc gia bao gồm tử vong, các căn bệnh nặng hơn và chi phí lớn về phòng ngừa và điều trị trong ngành y tế. Việc thực hiện các biện pháp liên quan đến sức khỏe cần thiết ở trên về cách ly xã hội cũng mang lại một chi phí rất lớn cho nền kinh tế.

Chi phí này liên quan đến việc giảm tốc các hoạt động kinh tế (chứ không phải là tăng tốc như các biện pháp kinh tế thường làm trong thời kỳ suy thoái). Chi phí giảm tốc bao gồm đóng cửa các trường học và doanh nghiệp, ngừng hoạt động đi lại, vận chuyển, dịch vụ của chính phủ và quan trọng là chi phí của những người lao động thất nghiệp.

Các nước lớn như Mỹ và Đức đã để dành các gói chính sách lên tới 10 – 15% GDP để giúp đáp ứng chi phí đại dịch. Các nước đang phát triển không có điều kiện để làm vậy nhưng cũng phải chuẩn bị để đáp ứng chi phí 2-3% GDP. Một con số nhiều người đang dùng là từ 1-2% GDP cho mỗi tháng bị cách ly.

Đối với Việt Nam, con số này tương đương với 2,6 cho tới 5 tỷ đô la. Một phần chi phí này cho nền kinh tế phải được chính phủ gánh vác, dù là nguồn lực có hạn của một nước có thu nhập trung bình mức thấp.

Trong hoàn cảnh bình thường và do tính chất ngoại sinh của đại dịch này, các nước đang phát triển nên kiếm tài trợ từ Ngân hàng Thế giới WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ngân hàng Thế giới hiện đang hoàn thiện một quỹ 160 tỷ đô la để giúp các nước nghèo đối phó với COVID-19. IMF cũng nói tới con số 1,000 tỷ đô la.

Tuy nhiên, do tính chất toàn cầu của đại dịch này và các nguồn tài lực của các cơ quan quốc tế cũng bị hạn chế sau khi các nước phát triển chính họ phải tự lo đối phó với nạn dịch, có khả năng các cơ quan này sẽ không đủ tài lực để giúp tất cả mọi nước so với mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Do đó, các nước đang phát triển nên chuẩn bị dựa thêm vào nỗ lực của chính mình.

Những biện pháp trước mắt

Xin điểm ra các biện pháp nhiều nước đang phát triển vừa đem vào áp dụng hoặc sắp thực hiện mà Việt Nam có thể làm theo, về chính sách tiền tệ và đầu tư:

• Rà soát chương trình đầu tư công để chuyển tiền đầu tư công qua chi tiêu thường xuyên bao gồm cả bảng lương.

• Các nước nhập khẩu năng lượng dùng khoản tiết kiệm từ giá dầu quốc tế đang giảm để hạn chế khủng hoảng.

• Xin vay từ quỹ coronavirus có trị giá 160 tỷ USD từ World Bank hay quỹ mới của IMF

• Phát hành trái phiếu hoặc giấy nợ của ngân hàng trung ương để tài trợ cho nhu cầu ngân quỹ.

• Chính phủ trung ương có thể yêu cầu hạn mức tín dụng từ ngân hàng trung ương 5% doanh thu thuế năm ngoái.

• Lập quỹ đặc biệt để đối phó với khủng hoảng, với khoản tài trợ trung bình 3-4% GDP (một phần ba từ ngân sách và phần còn lại từ các công ty công và tư nhân)

• Kêu gọi cộng đồng di dân nước ngoài đóng góp vào quỹ đặc biệt, bằng cách phát hành trái phiếu diaspora, với lãi suất tượng trưng.

• Bên trong nước, đẩy nhanh hoàn trả tiền nợ cho các công ty và tạm hoãn thanh toán tiền điện, nước cho doanh nghiệp

Nhìn chung, một khi chính phủ thực hiện các biện pháp này, điều quan trọng là phải đảm bảo chương trình hỗ trợ đặc biệt này dựa trên các tiêu chí minh bạch và khách quan, tuân theo tiêu chuẩn quản trị cao nhất, không phải vì nhu cầu của “lợi ích nhóm”.

Để đạt được điều đó, phải sẽ cần có một cơ quan đặc biệt bao gồm một Kế toán viên tổng hợp đặc biệt để giám sát hoạt động và để đảm bảo không có rò rỉ.

Ngoài ra, cần phải có các báo cáo thường trực để theo dõi tiến bộ của cơ quan này trong suốt thời gian làm việc và sau đó để hỗ trợ kỹ thuật liên tục cho các công ty sản xuất các sản phẩm y tế và các sản phẩm khác.

Nhìn vào tình hình riêng của Việt Nam, chúng tôi nhận thấy với các nguồn tài lực khan hiếm,tương tự như ở các nước đang phát triển khác, câu hỏi đặt ra là làm thế nào có thể tìm được nguồn tài trợ.

Như các ví dụ nêu trên, kinh phí chỉ có thể đến từ hai nguồn: trong nước và bên ngoài.

Về phía trong nước, để tỏ ra nghiêm túc về tinh thần giải quyết khủng hoảng, chính phủ cần rà soát lại chương trình đầu tư công để tìm tiền cho công cuộc chống virus corona và cứu nền kinh tế.

Ví dụ Việt Nam cần ngay lập tức tạm đình hoãn những chi tiêu đầu tư vào những dự án chưa cần thiết như xây cất trụ sở hành chính, các công trình kỷ niệm, tượng đài, các khu giải trí, khu công nghiệp, hải cảng.

Chính phủ cũng nên huy động mọi nguồn lực từ xã hội kể cả các cơ quan từ thiện và tôn giáo và từ cộng đồng hải ngoại vốn có mặt đông đảo ở các nước phát triển cao.

Về phía bên ngoài, hỗ trợ có thể đến từ các nguồn song phương và / hoặc đa phương như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) như đề cập trên đây.

Việc này phải làm ngay trước khi các quốc gia khác đã nôp đơn xin vay hết số tiền được các cơ quan này trích ra. Tin mới nhất cho hay Việt Nam muốn vay một tỷ USD – khoản tiền hoàn toàn không lớn so với nhu cầu.

Chuẩn bị cho chính sách vĩ mô

Các gói chính sách để đối phó với COVID-19 phải lớn đủ để phù hợp với mức độ nghiêm trọng của vấn đề và để đối phó với hai giai đoạn khác nhau của tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế một cách riêng biệt và tuần tự.

Trong giai đoạn đầu tiên, cần chấp nhận rằng sản lượng trong nước sẽ giảm mạnh do cả nguồn cung và nhu cầu cắt giảm. Từ phía cung, các doanh nghiệp, trường học, văn phòng chính phủ, dịch vụ vận tải sẽ bị đóng cửa vì mọi người đang thực hành cách ly xã hội. Ngay cả trong thời chiến, cú sốc cũng không nghiêm trọng như vậy.

Từ phía cầu, ngoại trừ các nhu cầu cơ bản như thực phẩm, nơi ở…hầu hết nhu cầu trong nước và bên ngoài sẽ bị cắt giảm. Sau khi đại dịch giảm, giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ được đánh dấu bằng cú sốc về cung và cầu tích cực dẫn đến sự phục hồi kinh tế. Sa thải lao động ở mọi tầng lớp và mất sản xuất là kết quả không thể tránh khỏi trong giai đoạn đầu của suy thoái kinh tế, nhưng thời gian và quy mô của chúng sẽ xoay quanh phản ứng cứu trợ của chính phủ.

Chính phủ cần xác định những gì họ có thể làm để bảo vệ các công ty sản xuất trong giai đoạn một và đẩy nhanh quá trình phục hồi của họ trong giai đoạn hai của suy thoái kinh tế COVID-19.

Chính sách tài khóa: Không giống như những gì chính phủ thường làm trong thời kỳ suy thoái, đó là kích thích tổng cầu, mục tiêu của chính sách tài khóa trong đại dịch hiện tại là giảm thiểu tác động bất lợi do giảm tốc các hoạt động kinh tế.

Cho đến nay, các cơ quan tài chính ở một số quốc gia đã ban hành các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của họ, đặc biệt là giúp đỡ các ngành và công nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi vụ dịch. Phản ứng tài chính ở một số quốc gia bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý và Singapore, cho đến nay vẫn tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn này, ví dụ như thay đổi cơ cấu của các khoản vay, cắt giảm thuế hoặc đào tạo công nhân lại.

Riêng gói tài chánh CARES của Mỹ, lớn nhất trong lịch sử nước này (10% of GDP) hổ trợ toàn diện nền kinh tế, gồm cá nhân và các hộ gia đình, tăng trợ cấp thất nghiệp, cho vay các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn như các hãng hàng không, và thậm chí các thành phố và tiểu bang, trợ cấp cho bệnh viện, ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp để nhân viên ở nhà, tem thực phẩm và dinh dưỡng trẻ em, nông dân và trường học, v.v.

Việt Nam sẽ không có đủ nguồn lực để trả lương cho công nhân ở nhà trong thời gian cách ly xã hội như các nước phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam có thể mở rộng mạng lưới trợ cấp xã hội hiện có để bao gồm thêm cả những người lao động bị sa thải, ít nhất là ở khu vực thành thị – nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản như thực phẩm và một số nhu yếu phẩm.

Chính sách tiền tệ: Mục tiêu của chính sách tiền tệ trong giai đoạn này là cung cấp các dòng tín dụng đầy đủ cho các doanh nghiệp và hộ gia đình và đảm bảo chính phủ có đầy đủ các công cụ tài chính để huy động các nguồn tài lực. Đây cũng là lúc chính sách tiền tệ có thể làm dễ dàng. Tất cả các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới hiện đã hạ lãi suất xuống 0 (hoặc thấp hơn) và cả Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Âu Châu đều đẩy mạnh tốc độ mua assets của họ. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã đặc biệt tích cực trong việc sử dụng chính sách tiền tệ để chống lại tác động kinh tế của đại dịch coronavirus. Fed đã hạ lãi suất Federal Fund, công bố một đợt nới lỏng định lượng (QE) mới và khuyến khích sử dụng các cửa sổ chiết khấu nơi các ngân hàng có thể vay tiền từ Fed. Fed cũng tuyên bố sẽ cung cấp cho thị trường commercial paper –thị trường tài trợ chính được các công ty sử dụng để đáp ứng nhu cầu hàng ngày.

Ngoài ra Fed sẽ triển khai một Cơ sở tín dụng quan trọng mới để cho phép các ngân hàng truy cập tài trợ để mua và nắm giữ chứng khoán bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp.

Chính sách tỷ giá hối đoái: Nhiều quốc gia có thu nhập trung bình có thể gặp vấn đề về tỷ giá nếu chế độ tỷ giá hối đoái của họ không mềm dẻo và trong bối cảnh xuất khẩu giảm và đồng đô la tăng. Tất nhiên, áp lực lên cán cân mậu dịch có bớt đi một chút do nhập khẩu bị cắt giảm, bao gồm cả sự sụt giảm trong nhập khẩu xăng dầu do giá dầu giảm gần đây (ngược lại các nhà xuất khẩu dầu sẽ phải đối mặt với vấn đề xuất khẩu nghiêm trọng), vì vậy kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào từng quốc gia. Nhưng nhìn chung, phần lớn các quốc gia đều phải chịu áp lực gia tăng trên cán cân mậu dịch của họ.

Chính sách cấu trúc và ngành: Mặc dù đại dịch có bản chất tương đối ngắn hạn, đây là lúc Việt Nam nên cần có các chính sách cấu trúc để tận dụng cuộc khủng hoảng này.

Thứ nhất, nên tận dụng cơ hội này để rò soát lại các khâu trong chuỗi giá trị toàn cầu của mình hầu tránh quá lệ thuộc vào tay nghề cao hoặc các nguồn đầu vào của các nước khác.

Bộ Công thương và các bộ lo về công nghệ, kỹ thuật và nguồn lao động phải lập ra một chương trình để tay nghề Việt Nam có thể thay thế tay nghề ngoại quốc trong một vài năm và chuyển những khâu có giá trị gia tăng cao hoặc có liên kết ngược-backward linkages- lớn qua cho công nhân Việt Nam làm.

Thứ hai, chính phủ có thể thực hiện một vài can thiệp đơn giản trong thời gian ngắn (3-6 tháng tới) cũng như các biện pháp toàn diện hơn cho trung hạn (6 tháng một năm 2 năm).

Trọng tâm của các chính sách này nên tập trung vào công nhân trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là ở khu vực thành thị.

Các mục tiêu ưu tiên là để: i) cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công nhân hiện có trong lĩnh vực sản xuất trong cuộc khủng hoảng, không chỉ vì lý do xã hội, mà còn để đảm bảo sản lượng sản xuất hầu họ có thể quay trở lại mức làm như trước khi có cơ hội sớm nhất ; và ii) xoay các guồng máy sản xuất, lúc đầu là để thay thế nhập khẩu và sau đó là xúc tiến xuất khẩu trong các sản phẩm cụ thể cần thiết cho cuộc khủng hoảng như thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE, như áo choàng và khẩu trang N95), cũng như các sản phẩm mới được sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn theo như điểm thứ nhất đã trình bày ở trên.

Tóm lại, trước khủng hoảng COVID-19 có thể còn kéo dài, tất cả các quốc gia đều đang tung ra các biện pháp y tế, phòng dịch, chữa trị bệnh nhân, và kinh tế – tài chính, cả về ngắn hạn, và dài hạn.

Việt Nam không thể không làm theo những ví dụ nêu trên, tất nhiên có điều chỉnh tùy vào nhu cầu của xã hội và nền kinh tế trong nước nhằm từng bước xây dựng một chiến lược kinh tế mới, hậu dịch virus corona.

Trong phần tiếp theo của loạt bài này, được BBC News Tiếng Việt nhận đăng, chúng tôi sẽ trình bày một chương trình chi tiết về các chính sách cụ thể hơn cho công nghệ, doanh nghiệp, xuất nhập khẩu và tài chính mà chính phủ Việt Nam có thể tham khảo.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tiến sĩ Đinh Trường Hinh từ Washington D.C., Hoa Kỳ.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-52254390

 

Ngành giáo dục Việt Nam gặp khó

trong việc bù kiến thức cho học sinh nghỉ tránh dịch!

Trong thời gian học sinh các cấp nghỉ học để tránh lây lan dịch bệnh, những vấn đề thiếu vắng trong kiến thức học kỳ II năm học 2019-2020, sẽ được bù vào một hai tuần đầu năm học mới. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết thông tin vừa nêu tại cuộc họp trực tuyến hôm 10 tháng 4 năm 2020, với Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này hôm 10 tháng 4 năn 2020, Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên giảng dạy môn Địa lý tại Trường Trung học Phổ thông Thường Tín, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, nói:

“Về việc đầu năm học mới học bù kiến thức trong 2 tuần, quan điểm của tôi là việc này hơi vô lý. Nội dung kiến thức của năm học nào thì nên học ở năm học đó, năm học nào chưa xong thì ta kéo dài ra, xong lúc nào thì kết thúc năm học lúc đó. Kết thúc rồi thì thôi, không phải dây dưa đến năm học mới. Như vậy, nếu như mọi năm là ngày 31/5 kết thúc năm học, năm nay vì dịch covid-19 nghỉ học hết tháng, thì kết thúc ngày 31/7 đi, thậm chí muộn lúc nào ta kết thúc năm học lúc đó. Năm học mới có thể khai giảng muộn hơn, không bắt buộc cứ ngày 5/9 khai giảng, có thể kéo sang tháng 10, bao giờ hết dịch thì ta tiến hành năm học mới. Nên làm như thế.”

Về việc đầu năm học mới học bù kiến thức trong 2 tuần, quan điểm của tôi là việc này hơi vô lý. Nội dung kiến thức của năm học nào thì nên học ở năm học đó, năm học nào chưa xong thì ta kéo dài ra.
-Thầy Đỗ Việt Khoa

Ngoài học sinh lớp 9 cấp Trung học Cơ sở và học khối lớp 12 cấp Trung học Phổ thông có đi học lại trong một thời gian ngắn rồi nghỉ tiếp, thì hầu như tất cả học sinh các cấp đều nghỉ học để đề phòng lây lan dịch COVID-19 từ kỳ nghỉ Tết nguyên đán đến nay, tức từ ngày 18 tháng 1 năm 2020 đến nay.

Với thời gian nghỉ học lâu như vậy, liệu hai tuần học bù trong năm học mới có đủ?

Một học sinh cấp Phổ thông Cơ sở ở quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 4 năm 2020:

“Đầu năm học mới học bù kiến thức trong 2 tuần thì… kiến thức của học kỳ 2 hơi dầy… con nghĩ là không đủ… con nghĩ phải 1 tháng mới đủ.”

Cũng tại cuộc họp với Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình tinh giản, giảm nhẹ nội dung học tập học kỳ II. Theo đó giữ lại những nội dung nền tảng, cốt lõi của chương trình học kỳ II…

Liên quan vấn đề này, Cô N, giáo viên một trường Trung học Cơ sở ở tỉnh Vĩnh Long, nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 4 năm 2020:

“Bây giờ có chương trình dạy và học giảm tải, nhưng cũng không giảm nhiều. Nếu mà học bù chỉ hai tuần thôi thì tôi nghĩ cũng không đủ, vì một đơn vị bài chỉ giảm 1 tiết hay 2 tiết học. Vì dục bài đó 7 tiết, giảm 2 tiết thì cũng còn phải dạy 5 tiết.”

Cũng theo lời Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, trong thời gian học sinh nghỉ học, Bộ có quan điểm “học sinh ngừng đến trường, nhưng không dừng việc học”. Bộ đã đưa ra biện pháp cho học sinh học trực tuyến, học qua internet và học qua truyền hình…

Thầy Đỗ Việt Khoa xác nhận, việc học trực tuyến Bộ giáo dục đã triển khai, bản thân ông và giáo viên trường ông cũng đã áp dụng từ một tuần qua. Tuy nhiên theo ông, dạy và học trực tuyến còn nhiều bất cập, nhưng vì dịch bệnh phải chấp nhận:

“Nó cũng có bất cập là khó quản lý học sinh, tính tự giác học ở Việt Nam nhìn chung là chưa cao. Ngoài ra, không phải phương tiện dạy học đối với thầy cô nào cũng thuận lợi đâu, có những thầy cô ở vùng sâu vùng xa không có sóng điện thoại, không có internet, thì không thể dạy trực tuyến, các em học sinh ở đó cũng không có phương tiện để học. Còn nhiều việc khó, như có những vấn đề cần viết lách nhiều, thì độ phân giải webcam không đủ cho các em thấy thông tin trên bảng… Việc kiểm tra cũng khó, phải gởi riêng mỗi em một đề rồi các em gởi đáp án đến thầy. Nhưng các em rất đông, việc thu bài chấm cũng khó… và việc đối phó của các em nữa, các em có thể tìm kết quả trên internet rồi ghi vào… như thế cũng có thể làm các em lười học hơn, chểnh mảng hơn một chút…”

Tin cũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành phố để thống nhất xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình học trực tuyến như thế nào, học trên truyền hình như thế nào, cách kiểm tra và tổ chức thế nào… Theo Nguyễn Hữu Độ, học sinh nghỉ học, nhưng học sinh vẫn đang học và các thầy cô giáo vẫn đang giảng dạy.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tỉnh thành nào cũng có tổ chức học trực tuyến như lời ông Nguyễn Hữu Độ.

Cô N cho biết tình hình thực tế tại trường Cô công tác, cũng như các trường khác tại tỉnh Vĩnh Long:

“Hổm nay thì tỉnh Vĩnh Long không có dạy trực tuyến cho các khối khác, chỉ dạy cho khối 9 và khối 12 trên Đài truyền hình Vĩnh Long. Riêng học sinh lớp tôi thì nhà trường có cho lịch học trên Đài truyền hình Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, học cũng dạy trực tuyến nhưng chỉ có 3 môn chính là văn, toán, anh văn… một ngày dạy có 20 phút, thời lượng rất ít. Trường em thì hiệu trưởng cũng kêu soạn bài tập và đề cương rồi đưa kên trang web của trường để các em tải về làm, nhưng học trò cũng có em gọi tôi nói làm không được, lý do là nghỉ từ Tết đến giờ mà.”

Theo Cô N, ở tỉnh Vĩnh Long chưa có trường nào tổ chức giáo viên dạy trực tuyến qua internet. Ngay cả con của Cô, học lớp 9 trường điểm của tỉnh, mà cũng không thấy chương trình dạy trực tuyến qua internet, cùng lắm chỉ có giáo viên gởi bài tập qua Zalo, tải về và in ra làm.

Chẳng những không thống nhất về việc dạy và học trực tuyến giữa các tỉnh thành phố. Ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, việc dạy và học trực tuyến cũng theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Trường con không có học trực tuyến, chỉ có cho bài tập rồi làm nộp lại cho cô giáo. Con thấy mấy bạn con học trường Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Du, với mấy trường trên quận 3, có tải app Zoom.
-Một học sinh

Một học sinh cấp Phổ thông Cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh nói:

“Trường con không có học trực tuyến, chỉ có cho bài tập rồi làm nộp lại cho cô giáo. Con thấy mấy bạn con học trường Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Du, với mấy trường trên quận 3, còn trường khác thì con không biết, có tải app Zoom, rồi cô gọi điện cho mình, cô giáo giảng rồi mình ngồi nghe chép bài giống bình thường. Trường con không biết sao không có dùng gì hết trơn, chỉ có cô giáo gởi bài, mình làm, cô chấm điểm, ghi vô sổ điểm… hết rồi.”

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết, nếu học sinh có thể trở lại trường trước ngày 15 tháng 6 năm 2020, cùng với việc học trực tuyến trên internet, học trên truyền hình trong thời gian nhà trường tạm đóng cửa… thì lịch thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia năm nay vẫn diễn ra vào tháng 8 như đã định.

Thầy Đỗ Việt Khoa nhận định:

“Bộ giáo dục chưa có chủ trương bỏ kỳ thi quốc gia THPT, cho nên vẫn phải tổ chức kỳ thi này, nhưng chọn thời điểm nào là tương đối khó. Vì học sinh phải đủ kiến thức mới thi được, thứ hai là phải thi thì các trường đại học mới tuyển sinh được. Vấn đề này không hề dễ, vì dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên thế giới, Việt Nam thì cũng chưa nói trước được khi nào công bố hết dịch. Vì vậy các phương án chỉ là dự phòng.”

Theo thầy Khoa, vẫn phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn muốn bỏ để giảm gánh nặng thi cử thì năm sau mới quyết, vì bây giờ bàn đến là không kịp. Tuy nhiên ông cho rằng, nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các sở, các tỉnh tự tổ chức tùy theo tình hình tại địa phương mình.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/compensate-nowledge-in-the-first-2-weeks-of-the-new-school-year-is-reasonable-04102020142636.html

 

Mâu thuẫn đóng, mở cửa khẩu Việt – Trung mùa dịch!

Diễm Thi, RFA

Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa gửi công hàm thông báo sẽ tăng cường quản lý, siết chặt việc nhập cảnh tại các cửa khẩu biên giới với Việt Nam để kiểm soát dịch COVID-19. Theo đó, cửa khẩu đường sắt Bằng Tường, cửa khẩu Thủy Khẩu, cửa khẩu Ái Điểm, cửa khẩu Động Trung, lối mở Pò Chài, lối mở Lũng Vài, cầu phao tạm km3+4, lối mở Nà Ráy chỉ duy trì chức năng thông quan hàng hóa. Các cửa khẩu, lối mở khác tạm thời đóng để thực hiện phòng chống dịch.

Trước đó, hôm 3 tháng 4 năm 2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc ra Công điện gửi các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc thông tin về việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc có Công hàm thông báo phía Trung Quốc sẽ tăng cường quản lý, áp dụng các biện pháp siết chặt, hạn chế nhập cảnh tại khu vực biên giới giữa hai nước trong thời gian tới để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận xét:

“Lý do Trung Quốc hạn chế mở các cửa khẩu phụ là do khi họ tuyên bố dập xong ổ dịch ở Vũ Hán thì mấy ngày qua Trung Quốc lại xuất hiện những ca bệnh mới và họ cho đó là từ nước ngoài mang về.

Nhưng không vì điều đó mà hai bên lại không đồng bộ trong chính sách giao thương với nhau. Điều này sẽ gây khó khăn cho vấn đề biên mậu giữa hai nước.

Sau thời kỳ dịch bệnh thì Trung Quốc cũng rất cần nhập khẩu, do đó hai nước phải tính toán cách tốt nhất để duy trì thông thương nhưng vẫn phòng dịch tốt nhất trong khả năng hiện có.”

Trong khi đó, phía Việt Nam, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị Bộ Công thương phối hợp Bộ Y tế hướng dẫn địa phương mở lại các cửa khẩu phụ trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng ngày 10 tháng 4, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa hai nước tại các cửa khẩu hai nước.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới của chính phủ Việt Nam cho rằng đây là việc cần làm và ông tin hai nước sẽ làm tốt. Ông giải thích:

“Về mặt lý thuyết thì cửa khẩu chính là nơi khách quốc tế có thể qua lại, còn cửa khẩu phụ là nơi cho dân cư các huyện, các xã vùng biên giới qua lại. Đường mòn lối mở để có sự giao thương.

Hiện nay hai nước đều có sự căng thẳng vì dịch nên mở cửa khẩu chính hay phụ thì việc kiểm duyệt cũng rất chặt chẽ. Họ sẽ bố trí lực lượng để đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe.

Tất nhiên trong hoàn cảnh bây giờ thì mức độ lây lan của hai nước đã ở mức thấp, Việt Nam kiềm chế cũng tốt, nhưng quan hệ kinh tế hai nước cũng rất quan trọng. Phải vừa đảm bảo khống chế dịch không cho lây lan rộng nhưng cũng phải bảo đảm kinh tế. Qua kinh nghiệm vừa rồi thì chắc cả hai nước đều có thể làm tốt việc này.”

Chuyện đóng, mở cửa khẩu hay biên giới không phải là chuyện Việt Nam tự quyết định mà phải có sự đồng ý của phía Trung Quốc. Quy định này được chính ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao phát biểu tại cuộc họp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do coronavirus gây ra, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì chiều 30 tháng 1 rằng: “Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương”.

Lúc bấy giờ, ông Đinh Đức Long, Trung tá Quân đội nhận định với RFA rằng có thể Việt Nam đã đánh mất chủ quyền và là một nước chư hầu, thuần phục Trung Quốc. Ông nói:

“Trong trường hợp cụ thể này thì vẫn có thể đóng cửa biên giới nhưng thực tế họ không làm điều đó. Không biết vô tình hay cố ý, ông Phạm Bình Minh tiết lộ một điều mà xưa nay chúng ta chưa biết, hoặc họ có tình giấu, tức là Việt Nam mất độc lập chủ quyền quốc gia, mất độc lập về việc đóng cửa biên giới”.

Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng kinh tế toàn cầu. Làm sao để vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch là mục tiêu của tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay. Việt Nam không là ngoại lệ.

Sáng 12 tháng 3, tại buổi làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân nhằm huy động hiến kế sáng tạo, chủ động và đóng góp cho kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần phải có thắng lợi kép, vừa chống dịch thành công, vừa giữ vững kinh tế – xã hội, chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển.

Ông Đinh Kim Phúc cho rằng đây là chuyện nan giải mà rất khó có nhà hoạch định chính sách nào tìm được biện pháp tối ưu để giải quyết. Riêng Việt Nam, ông có ý kiến:

“Cái khó khăn nhất là hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam không thể xuất bằng đường biển vì tốn thời gian và chi phí cao so với xuất biên mậu ở các cửa khẩu biên giới Việt Trung.

Nếu không xuất khẩu được thì hàng hóa sẽ ùn ứ và nhà sản xuất sẽ phá sảnCòn nếu xuất hàng ồ ạt đông đúc ở các cửa khẩu biên giới thì sẽ tạo điều kiện lây lan dịch bệnh. Chính vì vậy mà các cơ quan chức năng yêu cầu mở các cửa khẩu phụ.”

Theo ông Đinh Kim Phúc, để tiếp tục xuất khẩu hàng hóa nông sản mà vẫn bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 thì thứ nhất là phải tuân thủ tốt các biện pháp phòng dịch ở biên giới. Thứ hai là nhà nước nên nhanh chóng lập ra đầu mối để đứng ra xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Qua đầu mối này sẽ giảm số người tập trung ở các cửa khẩu biên giới và nhanh chóng giải phóng số hàng tồn đọng.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/contradictory-measures-for-vn-china-border-gates-in-epidemic-time-dt-04102020140638.html

 

Ai được nhận tiền hỗ trợ

do ảnh hưởng của dịch Covid-19?

Bình luậnNguyễn Sơn

7 nhóm đối tượng sẽ được nhận tiền hỗ trợ do gặp khó khăn từ đại dịch COVID-19, theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính Phủ.

1. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng.

Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01/4/2020 và không quá 3 tháng.

2. Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

3. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01/4/2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

4. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

5. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

6. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

7. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, khoảng 20 triệu người sẽ được tham gia gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng này.

https://www.ntdvn.com/viet-nam/ai-duoc-nhan-tien-ho-tro-do-anh-huong-dich-covid-19-29372.html

 

Bệnh nhân 258 là mẹ của bệnh nhân 257

 nhiễm dịch corona ở Việt Nam

Bình luậnNguyễn Sơn

Tối 11/4, Việt Nam ghi nhận bệnh nhân thứ 258 nhiễm dịch corona Vũ Hán, có liên quan đến ca bệnh 243.

Bệnh nhân 258 là nữ, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú tại xóm Hội, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân là mẹ bệnh nhân 257 đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Bệnh nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm và kết luận dương tính với virus corona vào ngày 11/4.

Đến nay, thôn Hạ Lôi có 5 người mắc Covid-19. Trong đó, 3 trường hợp liên quan bệnh nhân số 243 (ca đầu tiên).

Hôm qua, trường hợp bệnh nhân 257 được ghi nhận là nữ, 15 tuổi ở xóm Hội, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Ngày 20/3, ca bệnh số 243 (bạn bố bệnh nhân 257) có đến chơi nhà và nói chuyện với bố bệnh nhân 257. Ngày 08/4, bệnh nhân 257 có sốt, chảy mũi.

Ngày 09/4 bệnh nhân được lấy mẫu. Ngày 10/4 kết quả dương tính với virus corona Vũ Hán. Bố bệnh nhân cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm, tuy nhiên kết quả âm tính với virus corona.

Như vậy trong gia đình này có 2 người nhiễm dịch corona và có liên quan đến bệnh nhân 243.

Việt Nam hiện đã có 258 bệnh nhân dịch corona, trong đó 144 trường hợp đã bình phục/xuất viện, còn lại 114 người đang điều trị.

Trong số các ca đang điều trị, hiện có 4 bệnh nhân diễn biến nặng. Ba trong số đó nằm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Hà Nội (số 20, 161, 251). Bệnh nhân thứ 91 (phi công người Anh, 43 tuổi) đang rất nặng, được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Số người cách ly

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 72.508 trường hợp, trong đó:

Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.198

Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 17.519

Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 53.791.

https://www.ntdvn.com/viet-nam/benh-nhan-258-dich-corona-29357.html