Tin Việt Nam – 11/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 11/04/2018

Thiếu nước,

sạt lở đất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Khu vực sông nước Đồng Bằng Sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Hai trong những thách thức đó là tình trạng thiếu nước và sạt lở đất.

Thiệt hại kinh tế lên đến hàng tỉ đồng

Bà An đã sống tại An Thuỷ, Ba Tri, Bến Tre dẫn chúng tôi ra khu vực bờ sông mà theo bà, trước kia toàn bộ khu vực là đất sản xuất nông nghiệp, nơi có vài chục hộ dân sinh sống, nhưng hiện nay chỉ còn là một vùng nước mênh mông. Ba chia sẻ:

“Nay tui về đây là thằng trai nay 45 tuổi, ở đây là mười lăm hộ giờ những hộ đó họ dời qua bên cồn hoặc vô trong này.”

Căn nhà trong đoạn video là nơi gia đình bà đã sống qua 2 thế hệ, giờ nay phải bỏ hoang, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Thiệt hại về kinh tế lên đến hàng tỉ đồng vì mất đất sản xuất nông nghiệp, nhà cửa trôi tuột xuống sông, bà con láng giềng lần lượt ly tán, bà tiếc nuối:

Cái nhà này bị sạt hết rồi tui mới đi, sụp mau quá tui cũng rầu mà không biết làm sao, những người dân lần lần họ đi hết.

-Người dân

“Cái nhà này bị sạt hết rồi tui mới đi, sụp mau quá tui cũng rầu mà không biết làm sao, những người dân lần lần họ đi hết. Hồi đó ở cồn đó có ruộng, rồi mình qua lại đó mần, còn mới mới thì đi vô vài nhà, họ cũng tiếp tục mần ruộng. hồi đó 12 mẫu, giờ còn 1 mẫu chứ bao nhiêu.”

Cách đó 200 km về phía nam, tại khu vực bờ biển xã Vĩnh Trạch đông, TP Bạc Liêu, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng loạt các điểm sạt lở trải dài, có nơi sóng biển phá vỡ cả một đoạn bờ kè kiên cố. Nơi trước đây người dân từng khai thác và nuôi thuỷ sản thì nay vắng lặng, các khu du lịch ven biển cũng thưa khách mặc dù là ngày cuối tuần, các bãi tắm chìm sâu dưới mực nước biển và các dòng chảy nguy hiểm do thay đổi địa chất bất thường có thể cuốn trôi bất cứ người nào.

Khó khăn vì thiếu nước

Cùng với việc mất đất sản xuất vì sạt lở, người dân còn đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch. Các hộ dân nằm sâu trong các đầm tôm, khu vực ven biển thường trữ nước sạch dùng cho vệ sinh và nấu nướng trong các bồn chứa lớn làm từ xi măng, nguồn nước thường là nước mưa, thời điểm khô hạn thì phải vào tận các làng xã khác để mua nước về. Người dân ở đây đã quá quen thuộc với chiếc xe bồn chở nước đem bán hằng ngày.

“Thiếu nước sinh hoạt thường xuyên, nước mình phải đi trong xa, mình đi xin người ta đẩy về từng thùng từng thùng vậy đó đây là vùng nước mặn nuôi tôm. Còn nước ngọt trong phía trong vòng, trong đó người ta xuống cây giếng nước ngầm đó, một tuần lấy nước một lần, chạy chứa hồ tắm giặt, còn nước uống chứa vô hồ là riêng, phải bằng mọi giá để dự trữ, ở đây nhà nước cho cái hồ bự, rồi mình kiếm tiền mua thêm.”

Dạo một vòng quanh các đường làng, chúng tôi trò truyện cùng một lão nông, ở tuổi xưa nay hiếm, để có nước dùng, hằng ngày bà phải đạp xe đi chở nước hàng cây số:

“Con tui đi làm hết rồi à, ở có một mình nên đi chở nước vậy đó. Nhiêu đây nấu cơm với uống ngày mai, rồi hết cái đi xe không cái chở lần lần vậy đó.”

Cách căn nhà bị sập của hộ bà A không xa là một bãi khai thác cát sỏi từ lòng sông đã hoạt động lâu nay. Mà theo bà, đó là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt lở:

Thiếu nước sinh hoạt thường xuyên, nước mình phải đi trong xa, mình đi xin người ta đẩy về từng thùng từng thùng vậy đó đây là vùng nước mặn nuôi tôm.

-Người dân

“Ghe hút ở đây rồi đem qua, dân ở đây họ thấy.”

Tháng 5/2017 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng các quan chức của Chính phủ đã trực tiếp làm việc tại ĐBSCL đã lưu ý các địa phương tăng cường quản lý việc khai thác cát, ngăn chặn việc khai thác cát trái phép; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và dung túng cho các hoạt động vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ngay tại địa phương các hoạt động khai thác cát sỏi vẫn diễn ra hết sức tinh vi hằng ngày, hằng giờ gây nên nỗi bất bình cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng ngừa sạt lở.

Việc thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất có tác động tiêu cực tới đời sống người dân ở vùng chịu ảnh hưởng, năm 2016 theo thống kê chỉ riêng tại Bến Tre đã có 88.000/350.000 hộ dân trong tỉnh thiếu nước ngọt. Đất hoa màu bị chìm ngập dưới dòng sông, huỷ hoại kế sinh nhai của hàng chục vạn con người.

Sạt lở đất uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng chống thiên tai và cơ sở hạ tầng vùng ven biển. Về lâu về dài nguy cơ mất an ninh lương thực và gây bất ổn cho cuộc sống người dân nơi đây là điều khó tránh khỏi nếu không có các biện pháp khắc phục hậu quả và ngăn chặn việc sạt lở tiếp diễn.

Dọc các tỉnh thành ven biển như Bến Tre, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, các công trình kè biển kiên cố đang được khẩn trương xây dựng, diện tích rừng phòng hộ ngập mặn cũng được tăng lên đáng kể, nhưng tất cả sẽ không thể phát huy tác dụng, không thể chiến đấu lại với sự phá hoại của những kẻ vô tâm, vì tư lợi cá nhân. Điển hình là nạn khai thác cát dưới lòng sông bừa bãi, vì một nhóm lợi ích nhỏ chỉ đáng vài chục tỉ nhưng gây nên thiệt hại trăm tỉ đồng cho bà con và hàng ngàn tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/water-shortage-and-landslide-in-the-mekong-delta-04102018142825.html

 

Cập nhật tình hình hai tù nhân

sẽ lại ra tòa ngày 12/4

Theo lịch được thông báo, vào ngày mai 12 tháng 4 sẽ diễn ra hai phiên tòa xét xử hai nhà hoạt động nhân quyền đó là anh Nguyễn Viết Dũng tại Tòa án Nhân Dân Tỉnh Nghệ An và cựu tù nhân lương tâm- thầy giáo Vũ Văn Hũng tại TAND quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Khả Thành, người sẽ tham gia bào chữa cho nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng vào chiều tối ngày 11 tháng 4 nói với RFA:

Tôi với luật sư Tuấn (Ngô Anh Tuấn) sẽ bào chữa cho Nguyễn Viết Dũng tại Nghệ An.  Cách đây khoảng hai tuần tôi có vào trại giam gặp Dũng thì Dũng vẫn tỉnh táo và sức khỏe tốt, sau đó chúng tôi xem hồ sơ để chuẩn bị ngày mai ra tòa.

Theo tôi nghĩ phiên tòa ngày mai xử sẽ rất nhanh thôi nhưng mà mức án tôi nghĩ là sẽ nặng. Xu hướng thời gian gần đây với tội danh như vậy mức án rất nghiêm. Còn cách đây 4, 5 năm về trước lại xử hình phạt nhẹ hơn.

Ông Nguyễn Viết Hùng, bố của nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng cũng chia sẻ với RFA về mong ước cho phiên tòa của con trai diễn ra vào ngày mai:

Ngày mai xử Nguyễn Viết Dũng, gia đình cũng muốn cộng đồng quan tâm nhiều hơn để phiên tòa diễn ra công bằng và đúng trình tự pháp luật.

Mặc dù mong ước là như vậy, nhưng ông Hùng cho biết ông không nghĩ phiên tòa sẽ diễn ra một cách công bằng:

Phiên tòa ngày mai chắc không có công bằng đâu, và chắc sẽ dành cho con trai tôi một bản án khá nặng. Bởi vì phía bên an ninh từ ngày hôm qua và ngày hôm nay họ đã tới nhà tôi rồi. Theo tôi dự đoán người ta đến để thăm dò động thái của gia đình và cộng đồng, phía bên ngoài người ta quan tâm đến vụ án ngày mai xét xử.

Anh Nguyễn Viết Dũng sinh năm 1986 tại Nghệ An, anh bị bắt ngày 27-9-2017 với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 BLHS năm 1999.

Vào năm 2015, anh Nguyễn Viết Dũng từng bị tuyên án 15 tháng tù sau khi tham gia vào cuộc tuần hành phản đối việc chặt 6700 cây xanh ở Hà Nội.

Vào ngày 27 tháng 3, tổ chức theo dõi Nhân Quyền Human Rights Watch ra thông cáo yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng vì theo tổ chức này thì những việc làm ủng hộ cho dân chủ- nhân quyền và có chính kiến khác biệt với nhà cầm quyền không phải là tội.

Còn cựu tù nhân lương tâm – thầy giáo Vũ Hùng bị bắt vào ngày 4 tháng giêng vừa qua với cáo buộc gây rối trật tự công cộng’ theo điều 318 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Vợ của ông là bà Lý Thị Tuyết Mai từng cho biết ông bị bắt sau khi đến dự kỷ niệm ngày Giáo chức Chu Văn An và trên đường về đã bị an ninh gây sự rồi bắt ông với tội danh đã được dựng sẵn. Ông từng là giáo viên môn Vật Lý tại trường Trung học Cơ sở Bích Hóa, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ.

Bản thân ông từng phải đi tù hai lần. Lần thứ nhất vào năm 2007 sau khi ông cho một đồng nghiệp cùng trường mượn xem một số sách về dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.

Vào trung tuần tháng 9 năm 2008, ông bị bắt giữ cùng đợt với 9 nhà đấu tranh ôn hòa khác. Việc bắt giữ diễn ra sau phiên xử blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Thầy giáo Vũ Hùng bị bắt lúc đó với lý do kẻ những khẩu hiệu treo ở cầu Thăng Long với nội dung kêu gọi đa nguyên, đa đảng.

Trước khi bị bắt ông tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc nhân dịp rước đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008.

Sau lần bị bắt vào năm 2008, thầy giáo Vũ Hùng bị tuyên án 3 năm với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Trong khi bị giam tù, thầy giáo Vũ Hùng từng nhiều lần tuyệt thực để phản đối cách đối xử của nhà tù đối với những người bị giam giữ, cũng như phản đối bản án mà ông cho là vi phạm nhân quyền.

Sau khi mãn án tù, thầy giáo Vũ Hùng tiếp tục sinh hoạt cùng các nhà bất đồng chính kiến và giới xã hội dân sự độc lập.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/update-the-situation-of-detainees-to-be-put-on-trial-by-april-12-04112018101004.html

 

Nhận diện suy thoái trong Đảng CS ‘còn chưa rõ địa chỉ’

TBT Nguyễn Phú Trọng nói uy tín của Đảng Cộng Sản Việt Nam ‘được nâng lên rõ rệt’ nhưng ‘vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh’ trong cuộc họp tổng kết công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 10/4.

Tại trụ sở Trung ương Đảng ở Hà Nội, GS Trọng cho rằng ‘mặt được’ là “vai trò, vị trí, uy tín của Đảng được nâng lên rõ rệt, thể hiện ở cả trong nước và trên trường quốc tế”.

Website chinhphu.vn nhắc đến việc các đảng viên vi phạm “đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc, qua đó có tác dụng cảnh báo, phòng ngừa sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng…”

Tuy nhiên, còn nhiều mặt chưa được, trong số đó là “Công tác tự kiểm tra còn yếu, tự phê bình và phê bình còn nể nang, né tránh; kiểm soát quyền lực chưa tốt”.

Có 10 tỉnh và năm cơ quan trung ương nằm trong đợt kiểm tra việc thực Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa qua, theo trang web chinhphu.vn.

Phan Văn Vĩnh: Từ anh hùng thành bị can

Ông Trọng ‘tả xung hữu đột’, đảng viên thờ ơ?

Ông Nguyễn Phú Trọng ‘xem xét đề án SkyViet’

Nguyễn Phú Trọng: ‘Người đốt lò vĩ đại’

Ngoài ra, nhận thức của một số đảng viên về nhiệm vụ chỉnh đốn đảng còn ‘chưa đầy đủ’. Việc tuyên truyền, đấu tranh chống âm mưu ‘diễn biến hòa bình’, nguy cơ ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ và các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa ‘chưa thật sắc bén’.

“Việc nhận diện những biểu hiện suy thoái trong cán bộ, đảng viên còn đơn giản, né tránh, chưa chỉ rõ được địa chỉ cụ thể.”

“Vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm” trong “việc thực hiện tự phê bình và phê bình”.

Việc kê khai, công khai tải sản, thu nhập của cán bộ đảng viên còn ‘chưa được quan tâm thực hiện’ và ‘còn hình thức’.

Trong số 10 tỉnh được kiểm tra, Trà Vinh được cho là ‘có cách làm sáng tạo’ trong thực hiện Nghị quyết 4.

Tỉnh này đã in 27 biểu hiện “Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ nêu trong Nghị quyết 4 thành sổ tay bỏ túi, và dán ở những nơi đông người qua lại để ‘ai cũng thấy cần thiết tự soi tự sửa.’

“Cái sâu xa là trung thành tuyệt đối với Đảng, kiên định với chế độ”, website chinhphu.vn tường thuật.

Dư luận Việt Nam chú ý nhiều đến công cuộc chống tham nhũng hay còn gọi là ‘đốt lò’ mà TBT Trọng khởi xướng.

Có ý kiến đã đăng trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt cho rằng ”làm sạch đội ngũ lãnh đạo cần thiết và rất đúng ý dân. Điều này cho thấy sự cầu tiến của ĐCSVN. Kinh nghiệm cho thấy tham nhũng, lãnh đạo yếu kém sẽ mất lòng dân và mất chính quyền”.

Ngoài ra, cũng có ý kiến nói tham nhũng ở VN đã mang tính cơ chế, và thiếu tam quyền phân lập sẽ khó làm rốt ráo .

Gần đây nhất, một hướng dẫn thi hành quy định mới nhất về kỷ luật đảng viên đã thu hút sự chú ý bất ngờ của dư luận Việt Nam vì câu nói rằng Đảng viên nghỉ hưu, đang ốm nặng hoặc thậm chí đã qua đời vẫn có thể bị kiểm tra, kỷ luật, theo kiểu hồi tố.

Vì sao phải chỉnh đốn Đảng?

Kể từ Đại hội Đảng 12, khi ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đấu tranh “chống tham nhũng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.

Sau khi được bầu lại làm Tổng Bí thư tháng Giêng 2016, ông Nguyễn Phú Trọng cùng giới chức trong Đảng đã ban hành hàng loạt văn bản về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Tháng 10/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Hàng loạt đảng viên ‘cao cấp’ đã ‘sa lưới’, điển hình là việc bỏ tù Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, gần đây là các vụ bắt và truy tố tướng Nguyễn Thanh Hóa và trung tướng Phan Văn Vĩnh liên quan đến đường dây đánh bạc ngàn tỷ.

Hàng loạt cựu ủy viên trung ương cũng bị kỷ luật, cảnh cáo như ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bình Định; ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; ông Phạm Văn Vọng, đã nghỉ hưu, bị cách chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Mới đây nhất, tỉnh ủy Quảng Bình đã điều chuyển ông Hà Quốc Phong, Phó bí thư thành ủy ”có vợ con thăng tiến nhanh”, sau khi có dư luận về vụ việc.

Giới quan sát nói gì?

Ngay từ 22/02, tờ Diplomat bình luận rằng Đảng Cộng sản Việt Nam ở một mức độ nào đấy muốn đi theo con đường của Trung Quốc.

“Tất cả những động thái này chắc chắn đã khẳng định ông Trọng là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Trong một bối cảnh như vậy, Việt Nam đang dần dân từ chế độ độc đảng trở nên chế độ độc trị, giống như Trung Quốc dưới thời ông Tập”, theo tờ Diplomat.

Nhá báo tự do Phạm Chí Dũng từng bình luận trên kênh YouTube của BBC Tiếng Việt rằng so sánh ông Trọng với ông Tập là không chính xác, vì ông Tập từ 2012 đã xử lý 1 triệu quan chức tham nhũng. Còn ở Việt Nam, công cuộc chống tham nhũng chỉ có ‘5 quan chức kê khai tài sản sai’ trên cả triệu người phải khai.

Với giới quan sát nước ngoài, không ít người vẫn hoài nghi về thực chất chiến dịch chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam.

Một bài của Reuters hôm 11/12/2017, sau khi ông Đinh La Thăng bị bắt, cho rằng chiến dịch chống tham nhũng nhằm “kiềm chế tham nhũng lớn”.

“Dù các vụ bắt giữ có lên cao hơn hay không, uy thế của ông Trọng được bảo đảm trong nhiệm kỳ kéo dài tới 2021, và phe này có điều kiện tốt hơn để duy trì ưu thế cả sau đó,” bài báo nhận xét.

Từ Mỹ, chuyên gia về chính trị học Đông Nam Á Zachary Abuza từng bình luận với BBC:

“Tất cả đều là chính trị. Ông Nguyễn Phú Trọng không chỉ củng cố vị trí của mình. Ông còn triệt hạ các đối thủ chính trị trước Đại hội Đảng sắp tới. Ông Trọng giờ đây đang ở vị thế không ai tấn công được.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43721375

 

Phá bỏ hàng rào ngăn làng chài và biển Nam Ô

Nhà đầu tư chính của dự án khu du lịch sinh thái tại Đà Nẵng được lệnh phá đoạn rào ngăn cản người dân Nam Ô tiếp cận biển gây ảnh hưởng đến sinh kế của họ.

Đây là chỉ đạo của thành phố Đà Nẵng được ông Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Huỳnh Đức Thơ xác nhận với báo chí trong nước vào ngày 10 tháng tư.

Dân địa phương ở làng chài Nam Ô bị bít lối đi xuống biển từ tháng 5 năm 2017 bằng một đoạn rào cao 2 mét dài 3 kilomet với dây thép gai được dựng lên cho dự án Lancaster Nam Ô Resort.

Theo dự án này, 500 hộ dân đánh cá đã được di dời đi nơi khác theo thỏa thuận giữa chính quyền thành phố Đà Nẵng và đơn vị đầu tư trong năm 2008.

Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng từng nhận định Đà Nẵng đã thất bại trong việc ‘lắng nghe mong muốn của người dân’ và câu chuyện Nam Ô đã trở thành tiêu đề trên cả nước nhưng thành phố thì vẫn chưa có động thái gì.

Ông Nghĩa nói thêm các khu nghỉ mát đã xóa sạch các làng mạc chẳng hạn như tại Nam Ô, và giờ đây ngư dân thức dậy thì chỉ thấy hàng rào kim loại thay vì thấy biển.

Dân địa phương quanh khu vực biển Nam Ô trước đây từng nhiều lần tập trung phản đối dự án khu du lịch sinh thái này do Tập Đoàn Trung Thủy dựng lên.

Truyền thông trong nước dẫn lời cư dân địa phương là ngay cả sân đá banh mà thanh niên trong khu vực lâu nay sinh hoạt cũng bị rào lại không còn chỗ vui chơi, giải trí.

Cũng tại Đà Nẵng, một dự án bị người dân phản đối và cơ quan chức năng phải xem xét lại. Đó là vụ Thủ tướng Việt Nam vào tháng 11 năm 2016 phê duyệt dự án khu du lịch bán đảo Sơn Trà, nhưng đến năm ngoái thành phố Đà Nẵng phải hoãn lại sau khi có những lời chỉ trích mạnh mẽ của công chúng, bao gồm cả công văn yêu cầu của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.

Công văn trên cho biết tới tháng 4 năm 2017, đã có hơn 10.000 người ký tên phản đối quy hoạch Sơn Trà theo hướng ‘không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân.’

Một dự án khác đang bị nhiều tiếng nói phản đối tại Việt Nam là xây cáp treo vào hang động Sơn Đoòng ở Quảng Bình.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-resort-told-to-tear-down-fence-blocking-fishing-village-from-the-sea-04112018084026.html

 

Những dự án năng lượng xanh của Việt Nam

phát triển chậm

Tình trạng thiếu thông tin đang khiến cho những dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam bị chậm lại.

Mạng VNExpress Tiếng Anh cho biết như vừa nêu vào ngày 9 tháng tư dẫn một báo cáo được công bố vào tuần qua. Theo đó Việt Nam hiện có 245 dự án năng lượng tái tạo, trong đó có các dự án điện mặt trời và điện gió.

Về mặt lý thuyết, một khi tất cả 245 dự án đó được đưa vào sử dụng thì sản lượng điện có thể đạt hơn 23GW, chừng gấp 10 lần nhiều hơn chỉ tiêu mà Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam vào năm 2011 đề ra cho năm 2020.

Tuy nhiên trong thực tế cho đến nay mới chỉ có 8% các dự án được đưa vào hoạt động và 19% các dự án đăng ký bắt đầu giai đoạn xây dựng.

Một trong những nguyên nhân gây chậm trễ cho việc triển khai các dự án là vì thiếu thông tin toàn diện. Đây được cho là thách thức lớn nhất khiến các nhà đầu tư và phát triển các dự án năng lượng điện tái tạo.

Bên cạnh đó cần phải xem xét mô hình hợp tác giữa các công ty trong và ngoài nước nhằm tận dụng công nghệ, kinh nghiệm và khả năng tài chính của những đối tác ngoại quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnams-green-energy-projects-sprouting-up-in-slow-motion-04102018134005.html

 

Chính phủ Việt Nam

yêu cầu thanh tra quản lý đất tại Phú Quốc

Chính phủ Việt Nam yêu cầu thanh tra việc quản lý và sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Thông tin được Văn phòng Chính phủ loan đi hôm 10/4.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra tình trạng vi phạm quản lý và sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã diễn ra phức tạp trong thời gian vừa qua.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung thanh tra làm rõ trách nhiệm quản lý đất đai, việc chuyển nhượng, san lấp, phân lô, xây dựng cơ sở hạ tầng trên đất nông nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp được tách thửa, đã dẫn tới nguy cơ phá vỡ quy hoạch nhưng chưa được ngăn chặn và xử lý.

Ngoài ra, lãnh đạo thanh tra chính phủ đề nghị các cơ quan chức năng phải làm rõ các sai phạm và thiếu sót trong quản lý sử dụng đất, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường nước, xử lý các chất thải rắn tại các khu đô thị. Đồng thời xử lý các cá nhân, tổ chức sai phạm, bổ sung cơ chế và sửa đổi chính sách để bịt kín các kẻ hở trong lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu tỉnh Kiên Giang thanh tra xử lý các công trình vi phạm và báo cáo lên chính phủ trước ngày 1/7.

Vào ngày 2 tháng 4 vừa qua, Thanh Tra Chính Phủ Hà Nội về tỉnh Kiên Giang công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường tại tỉnh Kiên Giang, nơi có đảo Phú Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-government-asks-for-phu-quoc-island-land-to-be-investigated-04102018132347.html

 

Tỷ phú Mỹ ‘dỏm’ lừa tiền tại Việt Nam

Công an thành phố Cần Thơ hôm 10/4 cho biết Cục Đối ngoại Bộ Công an Việt Nam vừa nhận được văn bản thông báo của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trả lời phía Việt Nam về việc yêu cầu xác minh nhân thân “doanh nhân” Mỹ Rafael Vazquez Flores và phát hiện rằng đây là một một ‘tỉ phú đôla’ dỏm.

Báo Thanh niên trích lời công an thành phố Cần Thơ cho biết ông Flores tự xưng là Chủ tịch Công ty World Trade Commodities Inc Panama, từng sang Việt Nam, mang theo 2 hối phiếu có mệnh giá hơn 5 tỉ đôla do chính phủ Mỹ phát hành và kêu gọi đầu tư.

Báo Công an Nhân dân nói theo thông báo trả lời của FBI, không có cơ quan chức năng nào của Hoa Kỳ phát hành hối phiếu trị giá hơn 5 tỷ đôla mà Công an TP Cần Thơ đã thu giữ.

Truyền thông trong nước nói rằng ông Flores tổ chức tiệc chiêu đãi tại các nhà hàng sang trọng với sự có mặt của lãnh đạo một số địa phương, rồi cho ghi hình tung lên Facebook cá nhân nhằm tạo thanh thế. Ngoài ra, ông Flores cũng đi thẩm định các dự án và hứa hẹn sẽ đồng ý cho vay hàng tỉ đôla từ nguồn hối phiếu mình đang quản lý.

Công an Cần Thơ đã tạm giữ và tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Flores và một đối tác của ông này là ông Đỗ Hữu Lê Hùng, Việt Kiều Úc, chờ làm rõ hai hối phiếu nói trên.

Báo Dân Việt cho biết từ cuối năm 2016, Công an TP.Cần Thơ nhận được đơn của nhiều nạn nhân tố cáo Việt Kiều Úc này cấu kết với ông Flores lừa đảo nhằm chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng của người dân ở Cần Thơ và Đồng Tháp.

Theo báo Thanh Niên, kết quả xác minh của FBI, ông Flores từng bị bắt tại tiểu bang Texas và từng có tiền án. Trong hồ sơ lưu trữ của tiểu bang Texas không có thông tin về Công ty World Trade Commodities Inc Panama.

Truyền thông Việt Nam cho biết Công an thành phố Cần Thơ đang tiến hành các thủ tục qua đường ngoại giao để chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến ông Flores cho FBI theo đề nghị của FBI.

Tại cơ quan điều tra Công an thành phố Cần Thơ, ông Flores khẳng định số hối phiếu trên là hối phiếu thanh toán quốc tế thật do Cục Ngân khố Mỹ phát hành để đầu tư vào các dự án phục vụ dân sinh tại Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com/a/ty-phu-dom-me-kiwu-my-lua-tien-tai-viet-nam/4341904.html