Tin Việt Nam – 11/04/2017
Nhiều vệt nước đỏ lại xuất hiện gần Formosa
Chỉ vài ngày sau khi Chính phủ Việt Nam chính thức bật đèn xanh cho Công ty thép Formosa đi vào vận hành lò cao, thì có nhiều vệt nước đỏ xuất hiện trong khu vực, một số người dân địa phương cho BBC biết.
Ông Phạm Xuân Kỷ, một ngư dân làng Đông Yên, thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nói từ hôm 10/4 khi ông ra đánh bắt trong khu vực thì thấy xuất hiện nhiều vệt nước đỏ.
Ông Kỷ cho biết trước giờ vẫn thấy các dòng nước đỏ, nhưng đều là dòng nhỏ, rải rác trong khu vực.
Luật sư Định: Chính quyền cần chấp nhận dân kiện Formosa
Formosa được ‘bật đèn xanh’ vận hành lò
Hàng ngàn người biểu tình tại Hà Tĩnh
Tuy nhiên từ ngày 10/4 thì thấy xuất hiện nhiều hơn, theo ông Kỷ.
Hôm 11/4, các vệt nước này đã tập trung dạt vào bờ biển thị xã Kỳ Anh.
Ông Nguyễn Đình Lộc, một người dân khác trong vùng cũng cho biết: “Vệt nước đó kéo dài mười mấy cây, chảy từ chảy từ cảng Sơn Dương, khu vực của Formosa đổ về.”
“Dọc theo dải nước đó, xuất hiện nhiều cá chết,” ông Lộc nói thêm.
Ông cũng cho hay đã liên hệ với Sở Tài Nguyên Môi Trường, Bộ Tài Nguyên Môi Trường và UBND Thị xã Kỳ Anh, nhưng “không thấy cơ quan chức năng nào xuống làm việc.”
“Tôi gọi thì họ bảo cảm ơn, sẽ xem xét báo cáo nhưng không thấy ai xuống điều tra. Chắc họ thấy chuỵện này quá bình thường. Họ chẳng quan tâm nữa.”
Ông Kỷ khẳng định vệt nước đỏ này là từ Formosa, vì “nước trong khu vực của Formosa đều đỏ hết.”
Những người dân sống trong xã Đông Yên nói nhà máy thép “Formosa chưa bao giờ ngừng hoạt động”. Chỉ cần nhìn vào các cột khói, họ nói có thể biết khi nào Formosa đang hoạt động và ở mức độ nhiều, ít ra sao.
“Mấy ngày trước tôi đếm thấy có ba cột khói, bây giờ đã là 4, 5 cột,” ông Kỷ cho biết.
Hôm 4/4, giới chức tuyên bố Formosa Hà Tĩnh đã “đạt các yêu cầu của Bộ Tài nguyên Môi trường để đưa lò cao đi vào vận hành”, tuy nhiên nhà máy thép vẫn cần sự cho phép từ Chính phủ trước khi đưa lò cao vào vận hành.
Một năm trước, vụ tập đoàn Hưng Nghiệp Formosa với vốn đầu tư chính của Đài Loan nhưng dùng nhiều nhân công Trung Quốc bị tố cáo xả thải gây nhiễm độc môi trường biển miền Trung Việt Nam.
BBC đã cố gắng liên hệ qua điện thoại với ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN MT Hà Tĩnh nhưng ông cáo bận vì đang họp còn ông Lê Anh Đức, Giám đốc Trung Tâm Quan Trắc và Kỹ Thuật Môi trường nhưng ông không trả lời câu hỏi của BBC.
Hôm 05/04, báo điện tử của tỉnh Hà Tĩnh có bài phê phán các cuộc biểu tình mới nhất phản đối Formosa.
“Theo số liệu thống kê, kể từ sau sự số môi trường biển đến nay, đã xảy ra hàng chục vụ tuần hành, tụ tập đông người. Hoạt động này diễn ra bài bản, có tổ chức.
“Từ việc hàng chục người kéo lên Quốc lộ 1A mang theo gậy gộc, lưới, đá để gây rối, đến việc hàng nghìn người tụ tập trước cổng công ty Formosa hay vào trong trụ sở chính quyền huyện đều được chuẩn bị một cách chu đáo, bài bản.”
“Và, khi các cuộc tuần hành diễn ra thì tất cả các hoạt động ấy đều được tung lên mạng xã hội, mang tính kích động, cổ súy, bác bỏ tất cả những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc khắc phục sự cố; bôi nhọ và hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo địa phương.”
Còn về ‘sự cố môi trường’, tờ báo của chính quyền Hà Tĩnh viết:
“Vẫn biết rằng, sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung đã để lại bài học đắt giá về công tác quản lý môi trường, nhưng qua đó, Đảng và Nhà nước ta đã có thêm kinh nghiệm về việc nhìn nhận, đánh giá, giải quyết, xử lý những “điểm nóng” về môi trường, không ngừng nỗ lực tìm ra các giải pháp phù hợp, khả thi để vừa đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội mà vẫn bảo đảm giữ gìn, bảo vệ được môi trường trong mọi tình huống.”
Trong tháng 3 vừa qua, tập đoàn Nhựa Formosa của Đài Loan sẽ tăng thêm đầu tư khoảng 350 triệu USD vào một dự án thép ở Việt Nam vốn bị trì hoãn sau thảm họa môi trường năm trước.
Reuters dẫn lời ông Trương Phục Ninh, Phó chủ tịch Điều hành nhà máy Thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh nói họ sẽ tăng vốn lên 346 triệu USD trong dự án trị giá 10,7 tỷ USD.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39562694
Bị khởi tố tội khủng bố do đe dọa lãnh đạo
Hai đối tượng trong vụ đe doạ chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị khởi tố tội khủng bố và tội không tố giác tội phạm. Báo Dân Việt trong nước dẫn nguồn tin riêng của báo này và loan tin vào thứ Ba, 11 tháng 4.
Cơ quan truyền thông này nêu tên hai đối tượng là Nguyễn Trọng Phương, 37 tuổi, trú ở Ba Đình, Hà Nội bị khởi tố tội khủng bố và Trần Anh Thuận, 36 tuổi, ở Bắc Ninh tội không tố giác tội phạm.
Theo báo Dân Việt, đối tượng Phương có hành vi nhắn tin đe doạ lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Ninh cho biết đối tượng này là người của một số đơn vị khai thác cát không được tỉnh chấp thuận giấy hoạt động.
Vụ việc xảy ra dẫn đến dự án khai thác cát, nạo vét luồng trên tuyến sông Cầu phải tạm thời ngừng lại vào giữa tháng Ba vừa qua. Đồng thời, UBND tỉnh Bắc Ninh có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều tra nguyên nhân vụ việc và các cá nhân từ trung ương đến địa phương.
Công văn của UBND tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng chính phủ tiếp nhận và đích thân Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an vào cuộc chỉ đạo điều tra.
Chính phủ giấu con số tử tù bị hành quyết
Việt Nam là một trong những nước tử hình nhiều người nhất thế giới trong vòng ba năm từ năm 2013 đến năm 2016, chỉ sau Trung Quốc và Iran. Báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết như vậy vào hôm 11 tháng 4.
Theo số liệu mà Ân xá Quốc tế có được dựa vào số liệu trên báo chí Việt Nam công bố hồi tháng 2 vừa qua, trong vòng từ tháng 8 năm 2013 đến tháng 6 năm 2016, Việt Nam đã tử hình 429 người, tức là ở mức trung bình 147 vụ tử hình một năm.
Tổng thư ký Ân xá Quốc tế, Salil Shetty, nói con số người Việt Nam bị tử hình là kinh khủng và điều này đặt ra câu hỏi về con số thực những người bị tử hình vào năm ngoái mà chính phủ còn giấu giếm.
Cũng giống như Trung Quốc, con số người bị tử hình ở Việt Nam được xếp vào danh sách bí mật quốc gia.
Báo cáo về án tử hình năm 2016 của Ân Xá Quốc tế cho biết trong năm 2016, đã có ít nhất 1032 người bị tử hình trên toàn thế giới, trong đó ít nhất 3.117 người bị tuyên án tử hình. Số liệu của báo chí nhà nước Trung quốc cho biết Trung Quốc tử hình khoảng 931 người trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2016, nhưng chỉ có 85 người được tìm thấy trên dữ liệu trực tuyến. Nhiều tổ chức nhân quyền khác ước tính con số người bị tử hình ở Trung Quốc có thể lên đến hàng ngàn người mỗi năm.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh qua đời, thọ 87 tuổi
Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh, cựu Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã thời Việt Nam Cộng Hòa, qua đời tối 9 tháng Tư, tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 87 tuổi, theo tin từ Nhật Báo Người Việt.
Ông Nguyễn Ngọc Linh có thể được xem là người đặt viên gạch đầu tiên, là người tiên phong, cho khuynh hướng truyền thông mới, và đào tạo nhiều lớp phóng viên thành danh thời Việt Nam Cộng Hòa.
Theo bản tin trên Người Việt, ông Nguyễn Ngọc Linh sinh ngày 29 tháng Tám, 1930 tại Hà Nội, là một trong những du học sinh Việt Nam đầu tiên đến Mỹ vào những năm 1950. Sau khi tốt nghiệp ngành Kinh Tế – Chính Trị tại Đại Học Bowdoin College, Brunswick, Maine, ông đến làm việc cho báo The New York Times.
Năm 1956, ông Nguyễn Ngọc Linh về nước theo lời kêu gọi của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Ông vào quân đội và sau đó làm Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã, chức vụ tương đương Bộ Trưởng thời bấy giờ.
Nói về người thầy, cấp trên và ân nhân của mình, nhà báo Nguyễn Mạnh Tiến, cựu phóng viên của Đài phát thanh Sài Gòn và Đài Á Châu Tự Do, cho rằng “ông Linh là một nhà cách mạng của truyền thông Việt Nam, khi đưa ra một hệ thống truyền thông bài bản từ công việc tuyển dụng, đào tạo cho đến cách đưa tin bài”.
“Vào thời đó, phải nói là rất mới. Ngay sự phân biệt giữa phát thanh và báo chí, tức văn nói và văn viết, thời ấy cũng chưa có sự chú trọng. Đến ông Linh thì có sự phân biệt rõ ràng và đào tạo hẳn một ngành như thế. Về sau này, các tổng giám đốc [Đài phát thanh Sài Gòn] cũng theo con đường đó mà đào tạo thêm người. Ông ấy là người đặt viên gạch đầu tiên, là người tiên phong.”
Ngoài hệ thống tổ chức tiên tiến và hiệu quả, nhà báo Nguyễn Ngọc Linh còn để lại cho các cấp chỉ huy truyền thông sau này của thời Việt Nam Cộng Hòa một di sản quý khác là “vốn con người,” vẫn theo nhà báo Nguyễn Mạnh Tiến.
Các học trò của ông Nguyễn Ngọc Linh sau này có rất nhiều người thành danh và theo đuổi nghề báo đến cuối đời, một điều mà khi chia sẻ với nhà báo Đinh Quang Anh Thái của nhật báo Người Việt vào năm 2011, ông Nguyễn Ngọc Linh thừa nhận đó là “niềm hãnh diện lớn nhất trong tất cả những thành tựu đạt được”.
Nhà báo Đinh Quang Anh Thái nói: “Ông Nguyễn Ngọc Linh là người thuộc thế hệ đầu tiên của Việt Nam học báo chí ở ngoại quốc. Ông có công đào tạo ra một lớp làm báo rất đông tại Việt Nam. Những nhà báo nổi tiếng của ngành báo chí miền Nam Việt Nam trước năm 1975 thì số học trò của ông Linh rất nhiều. Có thể kể ra một số tên tuổi như Lê Thiệp, Ngô Vương Toại, Nguyễn Tuyển…”
Trong thời gian đứng đầu ngành truyền thông Sài Gòn, ông Nguyễn Ngọc Linh được biết đến là người không những giỏi nghề mà còn rất phóng khoáng. Ông là người dám đưa những tin tức mà người khác chắc chắn không dám loan, với chủ trương đưa tin trung thực và phục vụ nhu cầu của đa số thính giả và độc giả. Chính vì vậy, nhà báo Nguyễn Mạnh Tiến nói, những người làm truyền thông như ông đã được “sống cùng thời sự” khi ở trong thế giới phong phú được mở ra bởi người thầy Nguyễn Ngọc Linh.
Ngoài công việc truyền thông, ông Nguyễn Ngọc Linh còn mở trường dạy Anh Văn và làm công việc phiên dịch cho các nguyên thủ quốc gia thời Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Nguyễn Ngọc Linh là con trai cụ Nguyễn Trọng Tấn, quan tri phủ tại Phủ Kiến Xương, thuộc tỉnh Thái Bình. Ông là bào huynh của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, cựu Giám Đốc Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do, và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Phách, một học giả hiện sống tại Úc.
http://www.voatiengviet.com/a/nha-bao-nguyen-ngoc-linh-qua-doi-tho-87-tuoi/3804530.html
Ngư dân được gì sau thương thảo?
Cuộc biểu tình có tính chất đồng loạt ở Hà Tĩnh vào các ngày 2 và 3 tháng 4 năm 2017 mà đỉnh điểm là người dân của hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim bao vây trụ sở huyện Lộc Hà yêu cầu nhà cầm quyền giải trình về vụ việc công an bắn người đêm trước đó. Một công an chìm cố tình lẫn vào đoàn người biểu tình để ném đá, sách động và bị người dân bao vây, khống chế. Kết quả là các quan chức tỉnh Hà Tĩnh phải đứng ra cam kết với đoàn biểu tình nhiều vấn đề và hứa sẽ thương thảo với người dân vào sáng ngày 4 tháng 4 năm 2017.
Mọi thứ vẫn còn mơ hồ
Một người dân xã Thạch Kim, tên Hưng, chia sẻ: “Bên phía cầm quyền hứa là 15 tháng 4 sẽ giải quyết nhưng đó là lời hứa, nói vậy thôi chứ không biết họ sẽ làm thế nào. Đó chẳng qua là họ nói vậy để giải quyết tạm thời thôi chứ nếu họ có lòng thật thì đã giải quyết mấy tháng này rồi, làm sao đến nổi nhân dân phải này nọ. Đó chỉ là nói vậy để giải quyết tạm thời thôi.”
Theo ông Hưng, vấn đề thương thảo vẫn chưa đưa đến kết quả nào cụ thể. Bởi mọi lời hứa chỉ đóng vai trò làm xoa dịu bầu không khí bất bình đang nóng lên trong nhân dân và cuộc thương thảo này có vẻ như mang tính chiến thuật nhiều hơn là sự trải lòng, thông cảm của nhà nước với nỗi khốn khổ của nhân dân.
Bởi khi mà mọi thứ đều được ghi vào biên bản cùng với lời hứa “chúng tôi sẽ xem xét cụ thể, chi tiết và có quyết định” thì ai cũng nói được. Luận điệu này vốn dĩ rất quen thuộc với giới quan chức Việt Nam hiện tại. Mục đích của họ là để ngư dân trông đợi vào một lời hứa mơ hồ mà khỏi tiếp tục biểu tình, tránh đụng chạm với nhân dân.
Họ đền bù giống như đợt một được một số người, đợt hai thì chưa có gì, tiền gì cũng không có.
– Chị Hồng, xả Kỳ Lợi
Trong khi đó, mọi thứ bất công đã lộ rõ, sự gian lận của nhà cầm quyền trong vấn đề xử lý sự cố nhiễm độc, điều tra và đền bù cũng đã lộ rõ. Nhân dân đã quá mệt mỏi với nhà cầm quyền và ước nguyện giản dị là có một môi trường sạch để làm ăn, sinh sống ngày càng rời xa họ. Chính vì vậy, nhân dân có thể nổi dậy bất kì giờ nào. Và cái lỗi ở đây nằm ở chỗ chính quyền vừa lơ là thiếu trách nhiệm vừa bất hợp tác với nhân dân của họ.
Sự hợp tác, cam kết trong cuộc biểu tình ngày 3 tháng 4 tại ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh cũng như cuộc thương thảo với người dân vào ngày 4 tháng 4 dù sao đi nữa cũng cho thấy nhà cầm quyền Hà Tĩnh chọn đúng qui trình trong vấn đề quản lý và phục vụ nhân dân. Và nếu như câu chuyện chỉ dừng ở những lời hứa suông để thay đổi chiến thuật, bắt nóng, bắt nguội những người tham gia và tổ chức biểu tình hoặc kéo dài thời gian để mọi chuyện trở nên nguội lạnh và dùng những điều khoản luật hình sự để qui chụp người dân tội “quấy rối trật tự công cộng” thì chắc chắn câu chuyện lại bùng phát một lần nữa.
Ông Hưng nói rằng giả sử như nhà cầm quyền sử dụng chiến thuật kéo dài thời gian, bắt nguội, bắt nóng và hù dọa hoặc làm thật để biến các cuộc biểu tình tại Việt Nam thành những Thiên An Môn Việt Nam thì e rằng câu chuyện sẽ rất xấu. Bởi lẽ, một khi sinh kế đã mất và hơn nữa, mọi thứ quyền lợi bị mất trắng, người đứng đầu gia đình, tộc họ, giáo xứ đã lên tiếng thì câu chuyện hoàn toàn khác. Và mỗi địa phương gồm cả nhà cửa, số phận của người dân gắn nhiều đời, nhiều dòng ở đó chứ không phải là cái quảng trường đề người ta muốn làm gì thì làm.
Nhưng ông Hưng cũng bày tỏ ước nguyện nhà cầm quyền thực hiện đúng lời hứa của họ, trục xuất Formosa ra khỏi Việt Nam để bảo vệ biển, bảo vệ nhân dân của mình.
Bao giờ cho hết tiếng kêu?
Điều này cũng trùng với ý kiến của một người phụ nữ tên Hồng ở Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chị chia sẻ: “Họ đền bù giống như đợt một được một số người, đợt hai thì chưa có gì, tiền gì cũng không có. Như buôn bán thì cả dãy biển vắng khách, có ai đâu, bể nợ rồi. Chờ đền bù, chờ đọa luôn mà có gì đâu, đang căng thẳng lắm. Chứ biển chết gần năm nay rồi, buôn bán khó khăn lắm, khách không có, người ta vay mượn tùm lum nhưng giờ thì có gì đâu.”
Chị Hồng cho biết, hiện tại, nếu như nói về chuyện đền bù và nhận đền bù do Formosa gây ra thì người bị thiệt hại chỉ nhận được chừng 30% trên tổng số người thiệt hại. Nghĩa là 10 người thiệt hại thì có ba người được nhận đền bù. Và ba người nhận đền bù đó cũng chỉ nhận mang tính tượng trưng chứ chẳng giải quyết được bất kỳ việc gì.
Bên phía cầm quyền hứa là 15 tháng 4 sẽ giải quyết nhưng đó là lời hứa, nói vậy thôi chứ không biết họ sẽ làm thế nào.
Một người dân
– Anh Hưng, xã Thạch Kim
Điều chị Hồng nói hoàn toàn chính xác bởi qua quá trình đi tác nghiệp, làm phóng sự viề biển ở khắp các tỉnh Bắc miền Trung, hầu như đi đâu cũng nghe ngư dân nói đúng một chuyện, đó là: ‘Đền bù kiểu nhỏ giọt như vậy thì mua gạo cũng không thấm vào đâu chứ đừng nói đền chuyện chuyển đởi nghề nghiệp. Mà chuyển đổi thì chuyển đổi như thế nào?’. Cái câu hỏi chuyển đổi nghề nghiệp như thế nào cùa các ngư dân vốn quen bám biển, sống chết với biển và đùng một cái đi tìm việc khác làm, phải bỏ biển. Trong khi đó tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đang tràn lan trên cả nước cứ như một nan đề xã hội.
Và chị Hồng cũng tỏ ra lo lắng bởi trong cuộc họp dân vừa qua, vấn đề phía nhà cầm quyền nêu ra hoàn toàn có tính chất lấp liếm chứ ít tính thực tiễn. Bởi lẽ họ chỉ để một số người đại diện đứng lên hỏi. Và cậu hỏi cũng chỉ xoay quanh các thiệt hại của một vài cá nhân như là điển hình chứ không hề hứa hẹn về một chính sách đền bù có tính đồng bộ cho nhiều gia đình bị thiệt hại.
Và chị Hồng cũng tỏ ra bức xúc khi giới chức cấp xã xử sự không sòng phẵng với gia đình chị và nhiều gia đình khác. Hầu hết các gia đình bị thiệt hại muốn được nhận đền bù thì phải xuống giọng, thiếu điều năn nỉ ỉ ôi cán bộ xã trong quá trình xác nhận thiệt hại để đền bù. Và có vẻ như khi cầm gói tiền đền bù, cán bộ tự thấy họ là những người ban ân, người dân thiệt hại là những kẻ ăn xin của họ. Chính vì kiểu từ thấy như vậy nên hầu hết các gói đền bù đều bị tùng xẻo một cách tùy tiện và người dân bị thiệt như chị Hồng càng thêm bất bình.
Như để kết thúc câu chuyện, chị Hồng nói rằng bao giờ Formosa đi khỏi Việt Nam và biển Việt Nam được hồi sinh, ngư dân được đền bù thỏa đáng thì tiếng kêu than từ các làng chài mới thôi rền rĩ thảm thiết và cuồng nộ!