Tin Việt Nam – 11/03/2020
Việt Nam công bố ca nhiễm COVID-19 thứ 39
Bộ Y tế Việt Nam ngày 11/3 thông báo số ca nhiễm COVID-19 lên 39 trường hợp. Trong số này 3 ca nhiễm mới đều có tiếp xúc với ca thứ 34, một phụ nữ ở Bình Thuận vừa từ Mỹ về.
Như vậy, đến nay Việt Nam có 39 ca nhiễm Covid-19, 16 ca đã chữa khỏi, 23 ca đang cách ly điều trị.
Bệnh nhân thứ 35 nhiễm Covid-19 là nữ, 29 tuổi, nhân viên bán hàng tại Siêu thị Điện máy Xanh ở Đà Nẵng và trường hợp thứ 39 là nam hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội. Ngày 11/3 kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang đã cho kết quả dương tính với ca nhiễm thứ 35.
Được biết, cô gái này ngày 4/3 đã tiếp xúc với hai khách hàng người Anh được xác định là bệnh nhân thứ 22 và 23.
Trở lại diễn biến tại Bình Thuận, 3 ca nhiễm mới được xác nhận là người giúp việc, con dâu và nữ nhân viên của ca nhiễm thứ 34.
Bộ Y tế trong ngày cũng cho biết, ngoài 39 ca nhiễm Covid-19, Việt Nam có 113 ca nghi nhiễm được cách ly theo dõi sức khỏe. 113 ca nghi nhiễm này đều là những người có tiền sử dịch tễ và có triệu chứng ho, số, khó thở.
Bên cạnh đó, số người cách ly, giám sát y tế tính đến thời điểm này là gần 25 ngàn, tăng gần 5 ngàn ca so với một ngày trước.
Sở Y tế Đà Nẵng trong ngày 11/3 xác nhận, bệnh nhân thứ 35 đã tiếp xúc với nhiều người khác nhau trước khi phát bệnh và nhận được kết quả dương tính Covid-19, do đó trong ngày Phó chủ tịch Đà Nẵng đã gửi công văn đến Bộ Y tế đề nghị công bố dịch bệnh Covid-19 tại thành phố. Với ca nhiễm thứ 35, hiện Đà Nẵng có 3 ca dương tính Covid-19.
Ca nhiễm thứ 39 là bệnh nhân thứ 5 mắc Covid-19 tại Hà Nội.
Cô gái Việt Nam nhiễm coronavirus từng tham dự
buổi trình diễn thời trang ở Milan và Paris
Theo bản tờ Tin Hoa Nam Buổi Sáng vào hôm Chủ nhật (8 tháng 3), cô Nga Nguyễn, 27 tuổi, con gái của một đại gia ngành thép, đã tham dự các buổi trình diễn trong tuần lễ thời trang ở Milan và Paris, trước khi cô được chẩn đoán dương tính với coronavirus.
Cô đã đến buổi trình diễn Gucci ở Milan vào ngày 19 tháng 2 và buổi trình diễn Saint Laurent ở Paris ngày 25 tháng 2.
Theo truyền thông địa phương đưa tin, vào ngày 6 tháng 3, cô cùng với người em gái là Nguyễn Hồng Nhung, 26 tuổi, được chẩn đoán nhiễm coronavirus. Bên cạnh đó, những người từng tham dự hai buổi trình diễn nói trên ở Paris và Milan đều tự cách ly sau khi trở về nhà.
Tổng cộng, có khoảng 30 giám đốc điều hành từ các tạp chí bao gồm Elle, InStyle và Harper’s Bazaar đang làm việc tại nhà.
Theo New York Post đưa tin, tính đến Chủ nhật (8/3), dịch coronavirus ở Italy đã gia tăng với hơn 7,300 ca nhiễm và 365 ca tử vong. Khoảng 16 triệu người ở miền bắc Italy, bao gồm cả vùng Lombardy nơi có thành phố Milan, đã bị cách ly hoàn toàn. (BBT)
Một giám đốc cho nhân viên
đi cách ly dịch coronavirus 19 thay mình
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 10 tháng 3 năm 2020 loan tin, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Điện gió Hướng Tân, nằm trên địa bàn huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu nhân viên đi cách ly dịch coronavirus 19 thay mình.
Trước đó, vào ngày 6 tháng 3, ông chủ tịch này đã ngồi trên chuyến bay VN1547 từ Hà Nội đến Thừa Thiên- Huế. Sau đó, ngành y tế phát hiện có một người khách dương tính với coronavirus 19. Vì vậy, các hành khách trên chuyến bay đều phải bị cách ly. Tuy nhiên, vì không muốn đi cách ly nên vị chủ tịch công ty Điện gió Hướng Tân đã cho một nhân viên công ty “thế thân” mình để đi cách ly thay.
Nhà chức trách tỉnh Quảng trị giải thích, sau khi đáp xuống phi trường Phú Bài của Huế, ông chủ tịch công ty điện gió ở tại số 8 đường Lê Lợi, Thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá đã cùng 3 hành khách khác đi về Quảng Trị và thuê khách sạn ở. Đến khoảng 11 giờ đêm ngày 8 tháng 3, nhà chức trách đến đưa 4 người trên về thành phố Đông Hà để cách ly. Tuy nhiên, vị chủ tịch công ty điện gió không lên xe chuyên dụng mà thay vào đó là một cấp dưới trong công ty của ông ta đi cách ly.
Lúc này, do tất cả mọi người đều bịt khẩu trang nên nhà chức trách không phát hiện ra sự việc. Chỉ đến khi về đến trung tâm cách ly thì họ mới phát hiện ra thiếu ông chủ tịch công ty điện gió, và người “thừa” là nhân viên trong công ty của ông ta. Đến trưa ngày 9 tháng 3, ông chủ tịch công ty điện gió mới đến trung tâm để thực hiện cách ly.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/mot-giam-doc-cho-nhan-vien-di-cach-ly-dich-coronavirus-19-thay-minh/
Du khách Việt Nam
‘được điều trị Covid-19 miễn phí khi ở Anh’
Tính đến ngày 11/3, Vương quốc Anh đã làm xét nghiệm virus Covid-19 với hơn 26.000 người, kể từ khi việc kiểm tra bắt đầu ngày 26/2.
Covid-19: Nước Anh đang đối phó thế nào?
Việt Nam học được gì từ khủng hoảng Covid-19 ở Ý?
Trong tuần vừa rồi, trung bình mỗi ngày, Anh làm xét nghiệm 1.764 ca.
Hôm thứ Hai 10/3, cơ quan y tế công NHS cho hay họ sẽ bắt đầu hỗ trợ cơ quan Public Health England (PHE), vốn là đơn vị tiến hành xét nghiệm từ đầu tới giờ.
Với hỗ trợ này, giới chức dự đoán số lượng kiểm tra mỗi ngày có thể tăng gấp đôi, từ 2.000 lên 4.000 ca.
Và có thể trong thời gian gần, số ca xét nghiệm thậm chí sẽ tăng lên tới 10.000 mỗi ngày.
Theo cơ quan NHS tại Anh, đa số các xét nghiệm sẽ có kết quả ngay sau 24 giờ.
Ai được xét nghiệm?
Tuy nhiên, chỉ một số đối tượng có thể được cho đi làm xét nghiệm.
Tiêu chí quan trọng nhất để được làm, là có các triệu chứng, ví dụ ho, thân nhiệt cao, khó thở.
Nhưng chỉ có triệu chứng thôi thì cũng chưa đủ.
Bạn cũng phải trở về từ các khu vực bị nặng nhất – tỉnh Hồ Bắc, Italy, Iran hay Hàn Quốc.
Hoặc bạn đã thường tiếp xúc với một bệnh nhân virus corona.
Ngoài ra, các bệnh nhân đã nằm viện ở các bệnh viện công của Anh có biểu hiện cúm thì cũng được cho xét nghiệm.
NHS và Public Health England là các đơn vị nhà nước duy nhất có thể làm xét nghiệm Covid-19.
Các công ty y tế tư nhân không được phép.
Làm gì nếu lo lắng?
Những ai lo ngại mình có thể dính virus, thì cần gọi cho đường dây điện thoại 111 của NHS, chứ đừng đến bệnh viện hay phòng khám ở Anh.
Sau khi gọi số 111, nếu bạn đáp ứng các điều kiện để đi xét nghiệm, bạn có thể nhận cuộc hẹn tại một trung tâm, hoặc bộ công cụ kiểm tra sẽ gửi tới nhà bạn.
Mọi công dân nước ngoài – từ cả EU và các nước ngoài EU – đang ở thăm, hay là người định cư ở Vương quốc Anh, đều đủ điều kiện để được xét nghiệm và điều trị miễn phí về virus corona.
Sở dĩ có việc miễn phí này là vì vào tháng Giêng 2020, chính phủ Anh đã bổ sung thay đổi về quy định thu tiền. Mục đích là ngừng thu phí covid-19 với các khách nước ngoài đến Anh.
Hiện nay có 12 phòng thí nghiệm dùng cho kiểm tra virus ở Anh – 8 ở Anh, 2 ở Scotland, và 1 ở Wales, 1 ở Bắc Ireland.
Vì trang web của BBC bị chặn ở một số nơi tại Việt Nam, thông tin trong bài này và các bài khác nhằm phục vụ công chúng lo ngại về Covid-19 có thể không đến được với đông đảo độc giả nên các bạn nhớ chia sẻ nội dung này qua mạng xã hội.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51836998
COVID – 19 có thể ảnh hưởng
đến phiên phúc thẩm thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh
Tù chính trị Nguyễn Năng Tĩnh dự kiến sẽ ra tòa phúc thẩm vào ngày 18 tháng 3 tới đây, tuy nhiên đến giờ phút này không rõ hoạt động này có thể diễn ra đúng kế hoạch hay không vì những lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh COVID – 19.
Bà Nguyễn Thị Tình, vợ thầy giáo dạy nhạc trở thành tù chính trị Nguyễn Năng Tĩnh, vào chiều tối ngày 11 tháng 3 cho RFA biết qua điện thoại:
“Bên này dịch COVID-19 rất trầm trọng. Thông báo của Luật sư Phúc trên facebook ‘hỏa tốc’ là dừng tất cả mọi hoạt động tố tụng. Gia đình thì chưa biết thông tin chính thức vì gia đình không bao giờ nhận được thông tin gì, tất cả chỉ qua luật sư thôi. Tòa án hay trại tạm giam không bao giờ thông báo cho gia đình.”
Tại phiên sơ thẩm vào ngày 15 tháng 11 năm ngoái, nguyên giảng viên âm nhạc trường Cao đẳng Văn hóa- Nghệ Thuật Nghệ An- thầy Nguyễn Năng Tĩnh, bị tuyên 11 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Tình cho biết cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ đối với chồng bà chủ yếu thông qua dẫn chứng luận tội là việc thày Tĩnh dạy học trò bài hát ‘Trả lại cho dân’ và chủ tài khoản Facebook Nguyễn Năng Tĩnh.
Cũng theo trình bày của bà Nguyễn Thị Tình, Hội đồng Xét xử cho rằng chồng bà không công nhận là chủ tài khoản Facebook Nguyễn Năng Tĩnh cũng như không nhận tội; nên qui cho ông Nguyễn Năng Tĩnh là ngoan cố. Tòa cũng nói ông Nguyễn Năng Tĩnh không hợp tác với cơ quan an ninh dẫn đến những khó khăn trong quá trình điều tra. Theo Hội đồng Xét xử thì thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh là một giảng viên nhưng có tư tưởng sai lệch đường lối của đảng và Nhà nước. Tòa thừa nhận thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh là người có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng và giới trẻ; đặc biệt giới trẻ Công giáo. Đó là lý do cần tách thầy Nguyễn Năng Tĩnh ra khỏi cộng đồng để giáo dục.
Từ sau phiên sơ thẩm đến nay gia đình vẫn chưa gặp được thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh như trình bày của bà Nguyễn Thị Tình:
“Chưa được gặp lần nào. Gia đình đi gần một chục lần rồi nhưng họ không cho gặp với lý do lúc đầu là vụ án nghiêm trọng liên quan đến an ninh quốc gia nên trong thời gian chờ phúc thẩm không được phép gặp.
Những lần sau thì họ nói là đã chuyển sang tòa án cấp cao nên tỉnh Nghệ An không có thẩm quyền cho gặp. Gia đình có ý muốn làm giấy xin tòa án cấp cao cho gặp nhưng người ta khuyên ra cũng mất công vì họ rất bận. Muốn gặp phải có lịch hẹn.”
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh bị bắt từ ngày 29 tháng 5 năm 2019. Ông bị giam 4 tháng rưỡi tại Trại Tạm giam Nghi Kim, thành phố Vinh.
Virus corona : Cư dân mạng Việt Nam
trút nỗi giận lên « bệnh nhân 17 »
Thanh Phương
Tại Việt Nam, theo thông báo của bộ Y Tế hôm nay, 11/03/2020, đã có thêm 4 ca lây nhiễm virus corona chủng mới, tổng cộng là 38 ca. Ba bệnh nhân mới nhất là người thân và nhân viên của nữ doanh nhân ở Bình Thuận từ Mỹ trở về Việt Nam ngày 02/03 và sau đó kết quả xét nghiệm cho thấy đã nhiễm virus.
Còn bệnh nhân thứ 35 là một nữ nhân viên bán hàng tại một siêu thị ở Đà Nẵng, bị nhiễm virus do đã tiếp xúc với hai bệnh nhân người Anh vào ngày 04/03. Hai người Anh này đã đi trên chuyến bay của Vietnam Airlines từ Luân Đôn đến Hà Nội ngày 02/03, tức là cùng chuyến bay « bệnh nhân thứ 17 », cô N.H.N.
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm qua, 10/03/2020, cư dân mạng ở Việt Nam đang trút nỗi giận lên cô H.N, bệnh nhân duy nhất bị nêu tên tuổi trong đợt lây nhiễm mới nhất ở Việt Nam.
Vào tháng trước người này đã đến Luân Đôn, dự trình diễn thời trang ở Milan và Paris, trước khi từ Luân Đôn trở về Hà Nội ngày 02/03 và sau đó mới được xét nghiệm có phản ứng dương tính với virus corona chủng mới. Nhiều trang Facebook đã được lập ra để bài bác bệnh nhân thứ 17 này là vô trách nhiệm, đòi bỏ tù cô và phạt tiền cô, vì trước đó đã có nhiều triệu chứng nhiễm bệnh nhưng lại không tự động xin cách ly, nên đã để lây nhiễm virus sang nhiều người khác.
Tổng cộng có 13 hành khách, đa số là người Anh và người Việt, trên cùng chuyến bay với cô H.N có phản ứng dương tính với virus corona. Trên chuyến bay này còn có đương kim bộ trưởng Kinh Tế Việt Nam Nguyễn Chí Dũng, nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy vị bộ trưởng có phản ứng âm tính với virus và hiện nay chỉ tự cách ly tại nhà.
Theo South China Morning Post, nhà chức trách Việt Nam đã xác định được 156 trên tổng số 201 hành khách trên chuyến bay nói trên, cũng như những nơi mà họ đã đi qua và hiện đang truy tìm những người còn lại.
Thông tin về bệnh nhân thứ 17 và cũng là bệnh nhân đầu tiên ở Hà Nội đã gây hoang mang dư luận tại thủ đô Việt Nam. Khu phố của cô này đã bị cách ly. Dân chúng đổ xô đi mua hàng về tích trữ, gây nhiều cảnh hỗn loạn. Chủ tịch thành phố Hà Nội đã phải quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các trường đến ngày 15/03.
TPHCM lập thêm 2 điểm cách ly tập trung
Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) vừa lập thêm 2 khu cách ly tập trung phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra. Hai khu này được cho biết ở Củ Chi và Nhà Bè.
Thông tin vừa nêu được Văn phòng Ủy ban Nhân dân (UBND) TP HCM cho báo chí biết hôm 11/3 và cho biết khu cách ly tập trung có chức năng tiếp nhận, khám, sàng lọc, theo dõi, tư vấn cho những người được cách ly tập trung.
Hai khu cách ly tập trung được lập tại trụ sở Trung đoàn 10, số 25 đường Phạm Thị Quy, ấp 1, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè và trụ sở khu C, Trường Quân sự TP, ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi.
Cũng trong ngày 11/3, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê3 cho biết, hiện tại các bệnh viện tư ở Hà Nội sẽ không được giữ bệnh nhân mắc Covid-19 lại điều trị.
Ông Khuê nói thêm, nhiệm vụ của các bệnh viện tư là phát hiện sớm, cách ly kịp thời, chuyển người bệnh đến đúng địa điểm tập trung, cách ly.
Cũng tin liên quan, hôm 11/3, tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và một số tỉnh, thành khác đã có quyết định cho học sinh tiếp tục nghỉ học. Trong đó, Đồng Nai là tỉnh duy nhất cho HS nghỉ đến ngày 4 tháng 4.
Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai quyết định cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học và Trung học Cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học đến hết thứ Bảy ngày 4/4.
Tỉnh Bình Thuận cho học sinh các cấp nghỉ học từ hôm nay 11/3 đến khi có thông báo mới. Nhiều tỉnh, thành khác như Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM, Quảng Nam… cũng đã thay đổi lịch nghỉ học do xuất hiện số ca nhiễm mới của dịch COVID-19.
Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân 8 nước Châu Âu đang có dịch COVID-19 là Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Nghị Quyết có hiệu lực từ 0:00 giờ ngày 12 tháng 3.
Trước đó hôm 9/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi đến quyết định như vừa nêu vì những lo ngại bùng phát dịch bệnh do chủng virus Corona mới gây ra.
Về tình hình dịch COVID-19 trên thế giới, số nhiễm bệnh tại Ý vượt quá 10 ngàn người nhiễm. Tính đến sáng ngày 11-3-2020, số người chết vì sự bùng phát của virus Corona chủng mới ở nước Ý đã tăng 36%, lên đến 631 người chết so với số 168 trước đó.
Theo hãng tin Reuters, quốc gia châu Âu này đang có số người nhiễm đứng đầu Châu Âu và đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trunbg Quốc.
Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý cho biết, trong số những người bị nhiễm ban đầu, có 1004 ca đã hồi phục hoàn toàn và 877 người đang phải chăm sóc đặc biệt.
Virus corona: Viễn cảnh nào cho kinh tế Việt Nam
Lê Viết ThọBBC News Tiếng Việt
Phó giáo sư – Tiến sĩ Phạm Long trao đổi với BBC News Tiếng Việt qua thư điện tử về tác động của COVID-19 lên nền kinh tế Việt Nam và những gì Việt Nam cần làm để vượt qua khó khăn do tác động đó, cũng như để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững.
Ông Phạm Long đang làm việc tại Trường Kinh doanh và Khoa học xã hội, Đại học Louisiana, Hoa Kỳ.
Tác động tiêu cực, toàn diện với kinh tế VN
Truyền thông trong nước phổ biến kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân với hơn 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh.
Khảo sát trên cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng… Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.
Đánh giá về ảnh hưởng của dịch COVID-19 với nền kinh tế Việt Nam, PGS-TS Phạm Long cho rằng, đó là điều khá rõ ràng:
“Ngoài du lịch, các ngành sản xuất như may mặc, da giầy, điện, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô… đang chịu áp lực rất lớn vì hầu hết các nguyên nhiên vật liệu, phụ trợ, phụ tùng, hay thiết bị đầu vào cho quá trình sản xuất được nhập từ Trung Quốc, nay do dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch mà Trung Quốc đang triển khai trong đó có kiểm soát biên giới và các dòng lưu chuyển hàng hóa, đang trở nên thiếu hụt”.
“Nhìn chung, các chuyên gia nhận định là các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành này cố gắng thì cũng chỉ chống đỡ được cho đến cuối tháng 3 hay nửa đầu tháng 4, sau đó nếu tình hình không tiến triển tốt lên thì sẽ không đủ các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất, lúc đó việc đóng cửa từng phần hoặc toàn bộ nhà máy chỉ là vấn đề thời gian”. Tiến sĩ Phạm Long nhận định.
“Cũng lưu ý rằng bên cạnh việc nhập khẩu đầu vào cho quá trình sản xuất từ Trung Quốc, các doanh nghiệp của chúng ta còn nhập khẩu đáng kể từ Hàn Quốc và Nhật Bản và tình hình COVID-19 ở hai quốc gia này cũng đang có những dấu hiệu xấu đi, do đó càng gây áp lực lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất của chúng ta”.
“Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản cũng bị ảnh hưởng vì phần lớn là chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc, nay Trung Quốc đang tạm thời kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu và dòng lưu chuyển hàng hóa.”
”Nói tóm lại, không trực tiếp thì gián tiếp, hầu hết các ngành, lĩnh vực, và doanh nghiệp của Việt Nam đang bị tác động tiêu cực do COVID-19 gây ra”.
GDP Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào?
Dù Việt Nam đang chuẩn bị các kịch bản theo tình hình dịch COVID-19 để chủ động ứng phó, nhưng chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay.
Câu hỏi đặt ra là GDP Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào từ dịch?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 12/2, khi công bố báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với kinh tế-xã hội Việt Nam, đã giảm mức dự báo GDP xuống chỉ còn 5,96% nếu dịch bệnh kéo dài đến quý II, so với mục tiêu đặt ra trước đó cho cả năm là 6.8%.
Về chuyện này, Phó giáo sư Phạm Long cho rằng, con số còn phụ thuộc vào dịch sẽ được kiểm soát hoàn toàn như thế nào ở Việt Nam, các nước cung cấp đầu vào sản xuất cho Việt Nam, và trên thế giới, mức độ chịu ảnh hưởng của GDP là khác nhau.
“Một số ngành bị thiệt hại của Việt Nam, ví dụ ngành Hàng Không từ cuối tháng 1 đến nay giảm doanh thu là khoảng 25 nghìn tỷ đồng; ngành du lịch có thể thiệt hại đến 5 tỷ USD nếu dịch kéo dài đến hết quý 2. Các kịch bản cho sự sụt giảm của GDP phụ thuộc vào khi nào COVID-19 được kiểm soát: hết quý 1, hết quý 2, hay lâu hơn”.
“Các chuyên gia cho rằng khả năng GDP của Việt Nam sẽ sụt giảm trong khoảng từ 0,5% – 1% trong năm 2020. Tuy nhiên, đó chỉ là con số dự đoán. Nếu tình hình tích cực, tức là COVID-19 được kiểm soát sớm hơn, “công suất” hoạt động của các nhà máy sản xuất và chế biến sẽ ở mức cao hơn bình thường sau khi bị “nén” trong thời gian dịch để bù đắp cho những tổn thất trước đó, thì mức giảm của GDP có thể thấp hơn 0.5%”.
Kích thích tiền tệ, nên hay không?
Giữa tình hình đó, chính phủ Việt Nam có nên đưa ra gói kích thích tài chính, tiền tệ hay không?
Tiến sĩ Đinh Tuấn Minh, trong bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng, “Dù với bất kể kịch bản nào, Chính phủ cần kiên định không lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế” .
Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng, kích thích tiền tệ là điều cần thiết, nhấn mạnh là trong bối cảnh Việt Nam hiện nay một khu vực chính phủ có thể/cần tăng chi tiêu ngay là bổ sung nguồn lực cho hệ thống y tế; tăng và mở rộng chi bảo hiểm thất nghiệp. Quan điểm này cũng viện dẫn việc gần đây, Hong Kong đã có gói kích thích tiền tệ lớn, với việc phát cho mỗi người dân (trên 18 tuổi) 1200 USD không điều kiện.
Phó Giáo sư Phạm Long cho rằng Việt Nam cần một gói kích thích tài chính.
Tuy nhiên, điều này phải đặt trong bối cảnh tổng thể của phát triển kinh tế với mục tiêu tăng trưởng, giảm thiểu tác động của xu hướng đang chững lại của nền kinh tế thế giới và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững; chứ không phải là vì những gì đang diễn ra xung quanh câu chuyện COVID-19. Bởi theo ông, COVID-19 cũng chỉ là một nhân tố trong nhiều nhân tố rủi ro và bất trắc có thể xảy ra sau này.
Ông nhận định: “Cái mà chúng ta quan tâm hiện nay là khi nào COVID-19 sẽ chấm dứt, có thể là cuối quý 1 hay cuối quý 2 năm 2020, hay cũng có thể là lâu hơn. Thuật ngữ chúng ta dùng ở đây là “Hỗ trợ” tạm thời trong ngắn hạn, với kỳ vọng dịch sẽ nhanh chóng được kiểm soát”.
“Các doanh nghiệp bị tác động bởi COVID-19 đang rất cần sự hỗ trợ của chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sụt giảm vì hoạt động cầm chừng, hay phải dừng hoạt động, hay không xuất khẩu được sẽ làm giảm doanh thu đáng kể, trong khi các chi phí vẫn phát sinh, đặc biệt là các khoản vay ngân hàng, rồi các khoản nghĩa vụ với nhà nước”.
“Các hình thức hỗ trợ có thể là gia hạn nợ, giảm lãi suất, miễn lãi suất, điều chỉnh linh hoạt thời điểm thanh toán nợ hay lãi, khoanh nợ, giãn nợ, lùi thời gian nộp các khoản nghĩa vụ với ngân sách, giảm các khoản nộp, và phí để giảm bớt một phần gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.”
“Hơn nữa, chính quyền trung ương, địa phương và các bộ, ngành có thể giúp cung cấp thông tin và thủ tục hành chính, để các doanh nghiệp có thể thương thảo với các đối tác cung ứng đầu vào ở nước ngoài điều chỉnh hợp lý các điều khoản của hợp đồng, cũng như tìm các nguồn cung ứng thay thế”.
TS Phạm Đỗ Chí: Virus corona đánh vào kinh tế Mỹ và VN
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích sự lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc
“Chính phủ cũng cần chủ động lập các kênh liên lạc thường xuyên với các nước bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và có doanh nghiệp cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, để có thể khai thông và thúc đẩy các dòng luân chuyển nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu, phụ tùng và thiết bị đầu vào ngay khi dịch vụ có thể được kiểm soát”.
“Các chiến lược và kế hoạch xây dựng hình ảnh và quảng bá trên nền tảng sự thật là Việt Nam đang kiểm soát tích cực và bước đầu có hiệu quả, sẽ giúp cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp, và du khách nước ngoài yên tâm, nhanh chóng đến Việt Nam cho các mục đích sản xuất, kinh doanh hay du lịch ngay sau khi dịch được kiểm soát”.
“Nói tóm lại thuật ngữ “gói kích thích tài chính” nên được đặt trọng một bối cảnh tổng thể hơn, vì chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng nhiều rủi ro và bất trắc. Và COVID-19 cũng chỉ là một trong những rủi ro và bất trắc đó thôi”.
“Chúng ta cần có chiến lược và các gói kích thích để giúp nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng, có tính cạnh tranh, khả năng chống đỡ đối với các rủi ro và bất trắc, vừa có tính hội nhập và vừa có tính độc lập”.
“Tuy nhiên, trong câu chuyện COVID-19, các doanh nghiệp Việt Nam đang và có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực do COVID-19 gây ra trong ngắn hạn (có thể dài hạn, phụ thuộc vào tình hình kiểm soát COVID-19), nên rất cần sự hỗ trợ của chính phủ”.
“Khi COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động sẽ trở về trạng thái bình thường thậm chí gia tăng “công suất” để giúp doanh nghiệp một phần hay toàn bộ bù đắp những thiệt hại đã xảy ra. Kết quả như thế nào còn phụ thuộc vào thời điểm mà COVID-19 được kiểm soát trong ngưỡng an toàn”, Phó giáo sư Phạm Long nhận định.
Chuẩn bị cho hậu COVID-19
Phó giáo sư Phạm Long cho rằng, đánh giá một cách tổng thể, ảnh hưởng của COVID-19 đến nền kinh tế khác một chút so với những câu chuyện khủng hoảng kinh tế đã từng xảy ra trước đây.
Hầu hết các cuộc khủng hoảng kinh tế có đặc trưng là nhiều vấn đề kinh tế nghiêm trọng tồn tại âm ỉ lâu dài và đến thời điểm bung ra và không thể “đỡ” được nữa nên tạo ra khủng hoảng. Với COVID-19, dù nền kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại một chút để lấy đà, năng lực sản xuất và chế biến của các doanh nghiệp Việt Nam đang vận hành, các nguồn cung cấp đầu vào không phải thiếu, các cơ hội và triển vọng tạo ra từ EVFTA và EVIPA.
COVID-19 xuất hiện đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn; đối với nông lâm hải sản bị ảnh hưởng bởi gián đoạn xuất khẩu; đối với cách đoanh nghiệp sản xuất khác thì vận hành có thể bị tạm dừng. Nếu COVID-19 được kiểm soát, thì các hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các ngành sẽ được “bung ra” sau khi bị “nén” lại do COVID-19.
Phó giáo sư Phạm Long nhận định: “Như vậy, sau khi COVID-19 được kiểm soát, chúng ta kỳ vọng các dòng hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu, thiết bị, các dòng khách và chuyên gia sẽ khơi thông trở lại vào Việt Nam. Do đó, chính phủ Việt Nam nên chuẩn bị các các giải pháp phối hợp và chỉ đạo các cơ quan ban ngành liên quan, các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải lên kế hoạch hoạt động để đảm bảo khơi thông hiệu quả các dòng chảy này”.
Quốc hội Việt Nam góp phần cản trở nền kinh tế?
Dịch COVID-19 cho thấy điểm yếu của TQ và VN cần làm gì?
“Bên cạnh đó, hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp nên tiếp tục cân nhắc giảm lãi suất trong ngắn hạn và linh hoạt về thời điểm hoàn trả lãi suất và gốc đối với các khoản vay cũ và mới của doanh nghiệp, bởi vì dòng tiền thu của doanh nghiệp sẽ có thể bị lệch pha với các dòng tiền ra, trong đó có dòng tiền trả nợ. Điều tương tự đó là cho phép mức độ linh hoạt nào đó về thời gian hoàn trả đối với các khoản nghĩa vụ ngân sách của doanh nghiệp”.
“Để hỗ trợ các doanh nghiệp có các hoạt động xuất khẩu, chính phủ nên rà soát để có giải pháp giảm một số loại thuế và phí, ví dụ phí cầu đường, bến bãi, lưu giữ, lưu thông….”, Phó giáo sư Phạm Long phân tích.
Cơ hội thoát Trung?
Với câu chuyện trong nguy có cơ như ông Nguyễn Xuân Phúc, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh từng cho rằng, đây là cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế nhằm “ít phụ thuộc hơn vào một thị trường duy nhất”.
Phó giáo sư Phạm Long, một lần nữa, nhấn mạnh rằng chúng ta nên xem xét trên một giác độ tổng thể, chứ không phải từ câu chuyện COVID-19 này.
“Mọi người thấy rõ rằng nền kinh tế Việt Nam có quan hệ quá chặt chẽ và phụ thuộc vào Trung Quốc. Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỉ USD các linh kiện điện tử, thì nhập từ Trung Quốc là gần 14 tỉ USD; nhập khẩu trên 23 tỉ USD bông, xơ, sợi, vải, phụ liệu da giầy, trong đó nhập từ Trung Quốc là trên 11 tỉ USD. Đó là minh chứng cho thấy chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất”.
“Về cơ bản là chúng ta phải tái cấu trúc lại nền kinh tế của chúng ta; việc tái cấu trúc này không phải vì có COVID-19, mà chẳng qua đây là một tác nhân thôi thúc chúng ta hơn nữa thôi. Ai cũng biết là phải đa phương hóa và đa dạng hóa trong các quan hệ kinh tế, sản xuất, thương mại và đầu tư với nhiều đối tác, nhiều quốc gia, hay vùng lãnh thổ khác”.
“Tuy nhiên, nói thì rất dễ, nhưng bắt đầu làm từ đâu và làm như thế nào thì lại là câu chuyện không đơn giản. Đến Mỹ hay Nhật còn phụ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc nữa là Việt Nam”.
“Lấy ví dụ đơn giản, có khoảng 800 nhà cung cấp của Apple, thì có khoảng 300 nhà cung cấp đến từ Trung Quốc. Hàn Quốc cũng là một cường cuốc về ngành sản xuất, nhưng cũng phụ thuộc rất chặt chẽ vào nguồn cung của Trung Quốc”.
Dịch Covid-19: ‘Việt Nam đang chịu tổn thất về kinh tế’
Covid-19 là cơ hội cho Việt Nam cải cách ‘thoát Trung’
“Cũng phải khẳng định thẳng thắn rằng, Trung Quốc có những lợi cạnh tranh nhất định mà các nước khác không có. Để sản xuất ra các nguyên vật liệu hay phụ liệu đầu vào cho việc sản xuất ra các sản phẩm thì phải có công nghệ, mà chúng ta thì rất yếu về công nghệ. Hay giả sử nếu chúng ta có thể sản xuất được các nguyên vật liệu hay phụ liệu đầu vào, thì giá thành lại rất cao và không có khả năng cạnh tranh, hay thậm chí cả chất lượng cũng có thể có vấn đề”.
“Tuy nhiên, về dài hạn, chúng ta phải có chiến lược tổng thể để không quá phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc sản xuất ra các nguyên vật liệu hay phụ liệu đầu vào”.
“Trước hết, quy hoạch tổng thể thế đứng của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu cho toàn bộ các sản phẩm hay dịch vụ. Ví dụ, chúng ta muốn ngành may mặc của chúng ta mỗi năm xuất khẩu bao nhiêu về số lượng và giá trị? Chỉ là gia công hay tự chúng ta làm và bán? Tăng trưởng mỗi năm là bao nhiêu phần trăm.”
“Với quy hoạch này, thì chúng ta phải cần bao nhiêu nguyên nhiên vật liệu và phụ liệu đầu vào? Bao nhiêu chúng ta có thể nhập khẩu? Bao nhiêu chúng ta phải tự lực trong nước. Rồi từ đó, mới quy hoạch các khu công nghiệp hay các vùng để tạo ra mức tự lực về nguyên nhiên vật liệu và phụ liệu trong nước”.
“Các ngành, sản phẩm, hay dịch vụ khác, chúng ta cũng phải đặt ra câu hỏi tương tự và tìm ra câu trả lời trên cơ sở quy hoạch tổng thể và chi tiết”.
“Thứ hai, về giáo dục đào tạo và các viện nghiên cứu phải thay đổi triệt để, nâng cao đội ngũ giảng viên thế nào, chất lượng sinh viên như thế nào để có thể tạo ra được những công nghệ hay hiểu được các công nghệ và quá trình vận hành để sản xuất các nguyên nhiên vật liệu và phụ liệu đầu vào”.
“Đây là một vấn đề rất khó vì nếu chúng ta không có công nghệ, không tạo ra được công nghệ, không làm chủ được công nghệ, thì chúng ta vẫn bị lệ thuộc. Có thể có công nghệ thì lại dẫn đến vấn đề chi phí chúng ta làm ra các nguyên nhiên vật liệu hay phụ liệu lại rất cao và không có sức cạnh tranh bền vững”.
“Tiếp đó, với cải cách thể chế, phải làm sao để có thể minh bạch và tạo niềm tin cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo, nghĩ dài hạn, chứ không phải tư duy tiểu nông ngắn hạn”.
“Thứ tư, quan hệ trong ASEAN cần được tăng cường hơn nữa bằng cách nào để phát huy được vai trò của ASEAN và từng nước thành viên trong khối”.
“Cuối cùng, tận dụng các cơ hội tạo ra từ EVFTA và EVIPA; và các hiệp định với các đối tác khác như thế nào để có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trong đó có đầu tư sản xuất các nguyên vật liệu và phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51830549
Chống dịch Covid-19:
Việt Nam có minh bạch trách nhiệm của lãnh đạo?
Trọng Thành
Ngày 08/03/2020, Hà Nội thông báo cuộc chiến chống Covid-19 chuyển sang ”giai đoạn 2”, sau vụ chuyến bay VN0054, mang hơn 10 du khách có virus vào Việt Nam, khiến hàng nghìn người bị đặt trong tình trạng cách ly. Chính quyền một lần nữa kêu gọi toàn dân cộng tác để chống dịch. Nhiều người đặt vấn đề, người dân sẽ chỉ tích cực tham gia, khi tin ở chính quyền. Mà, sẽ chỉ có niềm tin thực sự, khi có minh bạch. Chính quyền từ đầu mùa dịch đến nay minh bạch trách nhiệm của giới lãnh đạo ra sao?
Nhiều điểm tích cực
Nhìn chung, nhiều nhà quan sát ghi nhận trong cuộc đối phó với dịch Covid-19 lần này, chính quyền Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để minh bạch hơn thông tin với công chúng. Trước hết, về truyền thông chính thức và việc xây dựng niềm tin với người dân, trả lời RFI Tiếng Việt, nhà hoạt động xã hội, giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Dũng cho biết:
”Trong việc đối phó với nạn dịch, tức bệnh truyền nhiễm mạnh, trường hợp virus Vũ Hán chưa có vắc xin, trong lúc tốc độ lây lan rất lớn, thành ra lập tức xảy ra một cuộc khủng hoảng, mà hôm 12/02 vừa rồi gọi là ‘Infodemic’, một cơn bão lũ về thông tin, tốt có xấu có. Trong điều kiện đó, việc đưa ra thông tin đúng đắn và kịp thời, tôi nhấn mạnh là kịp thời, làm định hướng cho dư luận xã hội. Và hơn nữa, đằng sau tất cả cái đó là tạo dựng niềm tin của dân chúng, đối với hành xử của chính quyền, là điều có tầm quan trọng, tôi cho là cốt tử. Chính quyền nhận thức như thế nào ?
Chính quyền Việt Nam, tôi thấy là trong lời lẽ và trong hành động, tôi thấy là họ tương đối hiểu. Tôi nói ví dụ, như hiện nay, người ta sử dụng ngay lợi thế của Việt Nam, có số lượng người rất lớn dùng Internet, 64 triệu người. Tôi nói ví dụ, vài ba ngày tôi nhận được một tin nhắn của bộ Y Tế, nội dung tuyên truyền về cách thức phòng tránh virus Vũ Hán này như thế nào. Rõ ràng là người ta đã làm việc khá tốt. Đó là nhìn chung. Còn thực ra đi vào cụ thể, còn phải rút kinh nghiệm rất nhiều. Còn những sai sót, còn phải thay đổi nữa, cần phải cải tiến nữa”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A – nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS), viện nghiên cứu chính sách tư nhân độc lập đầu tiên ở Việt Nam (2007 – 2009) – là người theo dõi sát các chính sách của chính phủ Việt Nam, từ đầu mùa dịch đến nay. Trả lời RFI, TS Nguyễn Quang A nhìn nhận những điểm tích cực của truyền thông nhà nước, đang nỗ lực theo hướng minh bạch hơn:
”Tôi nghĩ rằng, trong giai đoạn một, mà có 16 người bị nhiễm, rồi được lành bệnh, tôi nghĩ rằng về phía chính phủ, đã làm khá tốt công việc của mình, cũng như về truyền thông. Khi nhìn lại, có thể thấy rằng có một số việc họ làm hơi quá đi. Nhưng cũng có thể dễ hiểu được, trong lúc mà bất trắc, không đầy đủ thông tin. Ví dụ như việc để cho các trường học đóng cửa, những biện pháp gọi là kiên quyết khác… đã có mang lại kết quả, và việc truyền thông của chính phủ cũng tương đối là tốt. Tuy nhiên, nếu mà minh bạch hơn nữa, như những ngày vừa rồi (tức can thiệp của chính quyền thủ đô sau vụ phát hiện trường hợp nhiễm virus thứ 17), thì cái sự hiểu của dân chúng sẽ tốt hơn”.
Trách nhiệm giới thừa hành: ”Sai sót” hay khuyết tật hệ thống ?
Về vấn đề này, trả lời RFI, bác sĩ Trần Tuấn, tiến sĩ y tế cộng đồng, nhận xét: ”Trước hết, tôi phải nói minh bạch là một lĩnh vực yếu của chính phủ trong nhiều năm. Riêng trong vụ dịch gần đây, có điểm tích cực hơn. Chúng tôi nhận thấy có sự tích cực chủ động hơn trong việc chia sẻ thông tin một cách cởi mở hơn cho báo chí. Thậm chí kể cả trong việc các chính sách đưa ra có nương theo trào lưu của dư luận. Đấy là cái hướng mà theo tôi là tương đối tốt trong đợt này. Tuy nhiên, đứng về phía minh bạch thông tin để xét về tiến trình ra chính sách, thì chúng tôi nhận thấy là các thông tin hiện nay vẫn đi nhiều theo hướng đưa thông tin làm sao giúp để thực hiện các quyết định”.
Việc chính quyền đang có xu hướng nỗ lực hơn trong việc minh bạch với công chúng, trong việc phòng chống dịch Covid-19 đang diễn ra, cũng khiến cho công chúng có thể dễ nhận ra nhiều khuyết tật của hệ thống. Trong các ”sai sót” tiêu biểu của chính quyền về truyền thông, hay nói đúng hơn được thể hiện qua truyền thông, giáo sư Hoàng Dũng đã đơn cử hai ví dụ.
Một là việc trong vụ bệnh nhân số 17 ”tiếp xúc gần’’ với 18 nhân viên y tế bệnh viện Hồng Ngọc (Hà Nội), chủ tịch Hà Nội đã không hề nhắc đến vai trò giám sát của sở Y Tế trước đó. Ví dụ thứ hai là việc bộ trưởng Kế Hoạch – Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng, tiếp xúc với ”bệnh nhân số 17” (trên chuyến bay VN0054), đã cách ly tại nhà, chứ không phải đi trung tâm theo quy định chung, cũng đã không được chính quyền Hà Nội giải thích kịp thời và thỏa đáng, tạo ấn tượng rõ ràng là đương sự thuộc nhóm đặc quyền đặc lợi. Việc ông Nguyễn Chí Dũng cách ly tại nhà, không theo quy định, bị phản đối dữ dội trên các mạng xã hội. Sau đó, chính quyền Hà Nội buộc phải giải thích trước công chúng.
Nhìn chung, giáo sư Hoàng Dũng ghi nhận: việc chính quyền địa phương thiếu minh bạch hay ”chậm” giải trình trách nhiệm (ông Hoàng Dũng đặc biệt lưu ý: chậm giải trình cũng tạo nên cảm giác là thiếu minh bạch) đã là một yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến niềm tin của người dân.
Minh bạch trong việc ra chính sách: Lĩnh vực bị bỏ trống
Bên cạnh việc minh bạch về quá trình thực thi chính sách và minh bạch về giám sát thực thi chính sách, vấn đề xây dựng chính sách dường như ít được chú ý hơn nhiều. Trong một bộ phận công luận, vấn đề này dường như là lĩnh vực riêng của giới chính trị, giới chuyên gia. Tuy nhiên, đây lại chính là lĩnh vực mà sai một ly, đi một dặm. Minh bạch về việc hoạch định chính sách cũng chính là một phần quan trọng trong minh bạch về trách nhiệm của những người nắm quyền lãnh đạo cao nhất (trong một lĩnh vực, một hồ sơ như phòng – chống dịch Covid-19 này). Về vấn đề tính minh bạch trong việc xây dựng chiến lược, chính sách phòng chống dịch, bác sĩ Trần Tuấn nhận xét:
”Nói về minh bạch trong tiến trình ra chính sách, chúng ta biết chính sách cụ thể trong vụ phòng chống dịch nằm trong mảng chính sách công. Vấn đề này, chúng ta thấy rằng : tính minh bạch phải được thể hiện ngay trong giai đoạn đầu tiên, tức là sự khởi phát của tiến trình xây dựng chính sách, mà có sự tham gia của nhiều bên. Trong đó có chúng ta tạm gọi là ”bên chính phủ”, bên các tổ chức ngoài chính phủ, kể các các doanh nghiệp, các tổ chức lợi nhuận, hoặc phi lợi nhuận. Bởi vì chúng ta biết rằng chính sách công mà đưa ra phục vụ lợi ích công, chắc chắn nó sẽ có ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều bên.
Tính minh bạch ở đây thể hiện ở chỗ, ngoài tài liệu (dự thảo) chính sách được đưa ra phân tích, và các ý kiến phát biểu của các bên, thì cũng cần phải có các bài phân tích, phản biện, tập trung vào nhằm cho chúng ta thấy được hết các góc cạnh của vấn đề, trước khi chính sách được ban ra. Bên cạnh đó, khi chính sách được ban ra, có các tài liệu để giải thích được những vấn đề có những ý kiến trái chiều với chính sách. Việc này quan trọng. Vì sao ? Để khi người ta đọc chính sách, người ta biết được có những trở ngại nào, phần nào chưa đạt được đồng thuận, phần nào mà chính phủ đang muốn đẩy mạnh theo một hướng nhất định?Và qua đó, người ta thấy được rằng chính sách đó có thực sự đặt lợi ích của người dân lên trên không?
Đọc thêm : Phòng virus corona – Toàn dân đeo khẩu trang có hiệu quả?
Tôi lấy ví dụ một chính sách chẳng hạn vấn đề ”đeo khẩu trang ở nơi công cộng”. Bên y tế có ý kiến như thế nào, về phía người dân có ý kiến như thế nào? Và phải chăng có sự can thiệp của các doanh nghiệp? Và khi có những cái gọi là mâu thuẫn, thậm chí xung đột lợi ích, thì trong dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 này đâu là tiếng nói cuối cùng? Chúng tôi nhận thấy rằng, trong tiến trình ra chính sách vừa rồi, dường như tiếng nói của bên y tế, có lúc ẩn, có lúc hiện, có lúc thể hiện rất rõ ràng, nhưng có lúc không được thể hiện ra. Dường như đã có những lợi ích khác được đặt lên trên.
Làm sao cho tiến trình ra chính sách được minh bạch, được thể hiện cho người dân hiểu được các bên tham gia làm chính sách… đồng thời có hay không sự giám sát đánh giá, và phân tích, phản biện một cách độc lập của bên khoa học không vụ lợi, thực sự vì dân, tham gia vào tiến trình đó. Tiến trình vừa rồi, chúng tôi thấy rằng vẫn chưa đạt được mong đợi”.
”… Được mùa là bởi Thiên tài Đảng ta…” và sự thiếu minh bạch trong sửa sai
Trường hợp chính sách ”toàn dân mang khẩu trang nơi công cộng” là một trong các ví dụ tiêu biểu cho thấy một chính sách công, nếu không được hoạch định một cách minh bạch, và có cơ sở, có thể để lại những hệ quả tai hại như thế nào. Ngày 30/01, trong bối cảnh dịch bệnh virus corona đang trong giai đoạn khởi phát dữ dội, chính quyền Việt Nam đang tìm cách đưa ra một chính sách thích hợp, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ”yêu cầu thảo luận các biện pháp mạnh hơn nữa để chống dịch viêm phổi Vũ Hán, như toàn dân có thể phải đeo khẩu trang”.
Tuy nhiên, thảo luận chưa kịp diễn ra, thì ngay ngày hôm sau, thủ tướng đã ra Chỉ thị 06CT-TTg, ”yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng” (điều 4). Trong bối cảnh nỗi lo dịch Covid-19 phổ biến trong xã hội, cụm từ ”nơi công cộng” với phạm vi quá rộng ắt hẳn đã góp phần thổi bùng lên phong trào sử dụng khẩu trang tràn lan, lãng phí, quá mức cần thiết, góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm khẩu trang. Ngày 05/02, bộ Y Tế phải ra khuyến cáo, khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy việc sử dụng khẩu trang đại trà như vậy là một phương tiện hiệu quả bảo vệ người không bị bệnh. Tuy nhiên, tại một số nơi, việc sử dụng khẩu trang thái quá như vậy vẫn diễn ra, một phần do nỗi lo lắng của người dân, phần khác, do Chỉ thị nói trên chưa được điều chỉnh lại.
Một ví dụ khác là việc tổ chức diễn tập quân sự rầm rộ ngày 04/03 để đối phó với phương án cao nhất gọi là 30 000 người nhiễm Covid-19 (do trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng bộ Quốc Phòng điều hành). Tuy nhiên, kịch bản gây ấn tượng mạnh này đã không hề được giải trình rõ với công chúng, về phương diện y tế. Trong truyền thông nhà nước, đã có sự mập mờ gây lầm lẫn giữa phương án ”30 000 người nhiễm bệnh Covid-19” và ”30 000 giường cách ly” mà chính quyền đang chuẩn bị trong hiện tại (một số người nghi ngờ có vai trò của một số nhóm ”lợi ích” đằng sau các cuộc diễn tập quy mô quá mức cần thiết). Chính ông thủ tướng ngay ngày hôm sau, 05/04, đã phải gián tiếp điều chỉnh thông tin, nhấn mạnh là cuộc diễn tập toàn quân, chỉ liên quan đến phương án ”30.000 người cách ly” (báo Hà Nội mới, ngày 05/03/2020).
Đọc thêm: Việt Nam diễn tập đối phó kịch bản 30 000 ca nhiễm bệnh
Tính chất không minh bạch của việc ra quyết định hay tuyên truyền theo lối bóp méo nói trên, từ chính người lãnh đạo, một phần có thể bắt nguồn sâu xa từ một lối làm chính sách theo kiểu ban phát, kéo dài từ lâu nay, hiện vẫn còn để lại nhiều ảnh hưởng, bất chấp việc đất nước đã mở cửa hội nhập sâu rộng. Về vấn đề nguyên do của những kiểu sai lầm như trên của người lãnh đạo ở Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét:
”Đó là sơ suất của một số chính trị gia. Lẽ ra những chuyện như thế này, rất là phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, thì các chính trị gia tỏ ra rất sốt sắng, rất là kiên quyết, đã lỡ lời đưa ra các biện pháp hoàn toàn là quá đáng. Thí dụ như ông thủ tướng kêu gọi tất cả mọi người đều đeo khẩu trang chẳng hạn. Những chuyện như thế tôi nghĩ rằng rất là con người, mà tôi nghĩ cũng dễ xảy ra. Giá mà sau đấy ông ấy bảo là lúc ấy tôi chưa có đủ thông tin, thì hay hơn rất nhiều. Hoặc là có chuyện người ta tự hào một cách quá đáng, chúng ta rất là anh dũng, thế này thế kia, tự đề cao mình quá. Cái đó có ích để mà trấn an, để mà trấn an dư luận, trấn an giới đầu tư, thì cũng được, nhưng làm một cách quá trớn thì phản tác dụng. Có thể đấy là một kiểu truyền thông của Nhà nước mà dân chúng đã có một đúc kết hết sức là súc tích từ nhiều chục năm rồi: ”Mất mùa là tại Thiên tai, được mùa là bởi Thiên tài Đảng ta”. Tôi nghĩ kiểu tư duy như thế chắc chắn nó còn rơi rớt lại”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng lưu ý : ”Sự phân trách nhiệm không thật rạch ròi, thì có thể dẫn đến tình trạng một người phụ trách một việc muốn có một sự công khai, nhưng một ông ở cấp cao hơn có thể có ý kiến khác đi một chút, thì có thể khiến người muốn minh bạch chẳng hạn phải chùn bước một chút. Tình hình phức tạp, chứ không đơn giản như ở các nước dân chủ.”
Mở cửa cho những quan điểm khác: Trắc nghiệm tính minh bạch
Trong những ngày gần đây, dịch Covid-19 đã có mặt tại khoảng 100 quốc gia. Chính quyền Việt Nam tuyên bố ”giai đoạn 2” chống dịch. Thành công hay thất bại hiện nay phụ thuộc nhiều vào sự tham gia chủ động của người dân. Việc chính quyền minh bạch trách nhiệm của người lãnh đạo sẽ tạo thêm niềm tin về phía người dân.
Theo nhiều chuyên gia, có rất nhiều việc cần làm để nâng cao tính minh bạch. Truyền thông chính xác, kịp thời, về dịch bệnh, về việc giám sát thực thi chính sách là điều rất quan trọng. Việc minh bạch quá trình ra chính sách là cốt yếu, là vấn đề gốc. Để việc minh bạch hóa mang lại hiệu quả, nhiều người khuyến cáo chính quyền cần mở rộng tiến trình xây dựng chính sách, phản biện chính sách cho các bên liên quan, các ý kiến khác biệt, ”những ý kiến ngược trong nội bộ” (TS Nguyễn Quang A), ý kiến từ giới chuyên gia độc lập, giới ”khoa học bất vụ lợi” (TS Trần Tuấn).
Đọc thêm: Virus corona – Biện pháp toàn dân khai báo sức khỏe có khả thi và hiệu quả?
Biện pháp ”Khai báo sức khỏe toàn dân” (không mang tính bắt buộc) được chính quyền đưa ra coi như cơ sở cho việc hoạch định chính sách chống Covid-19 ”giai đoạn 2”, hiện đang nhận được nhiều khen, chê, rất có thể chính là một cơ hội để chính quyền thu hút sự đóng góp từ mọi phía. Một trắc nghiệm cho nỗ lực minh bạch trách nhiệm của những người điều hành đất nước.
Phong trào cổng chào:
lãng phí ngân sách nhưng ngày càng nhiều?
Lãng phí ngân sách
Cổng chào 6 tỷ ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình có thể bị tháo dỡ bất kỳ lúc nào. Nguyên nhân được báo trong nước loan tin ngày 10/3 cho biết do cổng chào này được xây dựng trên quốc lộ 10, tuyến đường giao thương chính của các tỉnh đồng bằng ven biển, vì vậy có thể phải cải tạo và nâng cấp thường xuyên nên công trình thiếu tính bền vững.
Tình trạng các cổng chào tiêu tốn hàng tỉ đồng được xây dựng rồi tháo dỡ, thay thế không phải lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, mà đã diễn ra từ bao lâu nay. Điển hình như tại Bình Dương, vào năm 2010, chính quyền tỉnh này đã tổ chức khánh thành cổng chào trị giá 40 tỉ. Đến năm 2012, chính quyền tỉnh Bình Dương tổ chức tháo dỡ một phần công trình trong cổng chào để thay bằng một quả cầu, trị giá một tỉ. Một năm sau đó, do quả cầu trên nóc cổng chào không còn nguyên hiện trạng, chính quyền tỉnh Bình Dương lại tiếp tục tháo dỡ.
Nếu đi ở Việt Nam thì khắp các huyện, thậm chí các xã, các tỉnh, ở tỉnh có khi cứ đường có 5 đường vào là 5 cổng chào. Đấy là sự lãng phí, vô bổ tiền ngân sách nhà nước mà thật sự là tiền của dân. – TS. Nguyễn Quang A
Hải Phòng cũng rơi vào trường hợp tương tự khi sau khi chi 24 tỉ dựng một cổng chào nghệ thuật hồi 2015 rồi tháo dỡ chỉ 2 năm sau đó vì bị hư hỏng nặng.
Vào tháng 7 năm ngoái, một xe tải tông vào trụ giữa của cổng chào tại Thành phố Mỹ Tho. Cơ quan chức năng định giá sửa chữa cổng chào sau vụ bị tông này là chừng 1 tỷ đồng.
Nhận xét về thực trạng các cổng chào ngày càng được xây dựng rộng rãi với quy mô lớn tại các tỉnh, thành hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội nhận định:
“Thực sự nếu đi ở Việt Nam thì khắp các huyện, thậm chí các xã, các tỉnh, ở tỉnh có khi cứ đường có 5 đường vào là 5 cổng chào. Đấy là sự lãng phí, vô bổ tiền ngân sách nhà nước mà thật sự là tiền của dân. Lẽ ra họ phải dẹp hết các cổng chào ấy thì có thể xây được bao nhiêu trường học cho các cháu vùng cao, vùng xa. Đấy là một việc đáng lên án mà thực sự người dân cũng đang lên án rất nhiều nhưng chính quyền tất cả các địa phương từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, hay Lào Cai đến Cà Mau đều theo một kiểu như vậy.”
Đồng quan điểm không nên xây dựng các cổng chào như trên, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ:
“Trước sau tôi vẫn phản đối về những việc lãng phí ví dụ như xây dựng cổng chào hoặc xây dựng tượng đài quá lớn nhất là vào những lúc ngân sách còn khó khăn hoặc cuộc sống chung còn chưa đầy đủ, hoặc ở những vùng khó khăn. Kể cả xây dựng trụ sở quá to không cần thiết. Tất cả những việc đó hoàn toàn không nên làm.”
Vẫn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc xây dựng cổng chào dù tốn một số tiền lớn hay nhỏ thì vẫn phải tiết kiệm vì lãng phí bắt đầu từ những khoản chi phí nhỏ trở đi chứ không riêng những khoản phí lớn.
“Vào lúc này kinh tế Việt Nam thật sự đang phải đương đầu với nhiều thách thức, nhất là với dịch cúm lần này ảnh hưởng khá nhiều đến nền kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, chính phủ đang phải lo tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp. Nên bất cứ nơi nào dùng tiền ngân sách vào những việc không mang lại lợi ích kinh tế xã hội đều là việc không nên làm.”
Xây để kiếm chác!
Trong nhiều năm trở lại đây, mỗi lần các tỉnh, thành, quận, huyện, xã, ấp xây các cổng chào với chi phí từ hàng tỉ đồng đến hàng chục tỉ đồng đều khiến dư luận phản đối mạnh mẽ.
Không chỉ trên các trang mạng xã hội, báo Tuổi Trẻ – cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2017 cũng đã có bài viết ‘Chào các… cổng chào bạc tỉ!’ để nói lên sự xa hoa khi xây dựng các công trình cổng chào.
Tuy nhiên, dù bị phản đối mạnh mẽ, nhưng việc xây dựng lại không có dấu hiệu dừng lại mà ngày càng được nhân rộng với quy mô lớn.
Giải thích nguyên nhân vì sao lại như vậy, nhà hoạt động Lã Việt Dũng tại Hà Nội bày tỏ:
“Thực ra cái này không có gì mới, thường xuyên như vậy. Tất cả các dự án chi tiêu vào tiền ngân sách thì họ đều là công cụ để họ kiếm tiền thêm, có thể thấy như các tượng đài hay các công trình cổng chào, tất cả những dự án gì thì gần như đều đội giá lên rất nhiều. Đấy chắc chắn là công cụ để các quan chức trong các tỉnh kiếm (tiền).”
Dưới góc nhìn riêng, Tiến sĩ Nguyễn Quang A bổ sung thêm những nhận định sau:
“Đây có lẽ là một chủ trương chung từ trên xuống để mỗi một nơi phải thể hiện mình ra. Có một nguyên nhân nữa đóng góp một phần là mỗi lần xây dựng như thế thì bộ phận phụ trách chủ yếu của ‘giới cảnh sát tư tưởng’ là giới tuyên huấn, tuyên giáo muốn xây dựng những cổng chào như thế để đem lại uy quyền gì đấy cho chính quyền. Họ mị dân bằng cách đây là nhân dân chào đón khách. Có một điểm nữa là người dân Việt Nam nói chung và nhất là quan chức Việt Nam càng hơn nữa là học nhau những thói hư tật xấu và tưởng đó là hay. Thấy một nơi làm một cái thì nghĩ mình phải làm theo, phải làm to hơn. Đấy là một tâm tính rất đáng trách, đáng xấu hổ trong một đất nước còn nghèo, còn phải chắt chiu từng đồng lo chuyện phát triển đất nước, lo chuyện vệ sinh, y tế, sức khỏe cho người dân, học hành cho trẻ con.”
Tăng cường phản đối
Trên Cổng thông tin điện tử Đà Nẵng có nhận xét cho rằng “Không ai phủ nhận về ý nghĩa và giá trị của những cổng chào, các câu khẩu hiệu như những công cụ tuyên truyền trực quan hiệu quả nhất… Các cổng chào, ngoài ý nghĩa tuyên truyền giáo dục cũng có thể nói là đã góp phần đem lại những tình cảm thân thiết của cộng đồng dân cư.”
Tuy nhiên, trao đổi với RFA, tất cả những người trả lời phỏng vấn đều cho rằng nhận xét này hoàn toàn không đúng thực trạng hiện nay, như lời Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, nhà nghiên cứu xã hội học hiện đang công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam:
Tôi nghĩ đấy là ý thức những lãnh đạo địa phương cần thấy rõ làm những việc như vậy lúc này là không nên và nhiều khi trở thành phản cảm đối với người dân. – Phạm Chi Lan
“Họ nghĩ ra đủ các trò từ xây dựng cổng chào, tượng đài, những khu rộng mênh mông được gọi là giao thông công cộng, tuy nhiên xây lên nhưng người dân chẳng sử dụng mấy những nơi như thế. Có rất nhiều công trình như thế chứ không phải là ít. Tôi nghĩ đấy cũng chỉ là cách người ta nghĩ ra các trò để kiếm lời ít nhiều cho bản thân.”
Do đó, dưới góc nhìn kinh tế, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng các địa phương nên tự chấn chỉnh và tránh việc lãng phí ngân sách nhà nước:
“Tôi nghĩ đấy là ý thức những lãnh đạo địa phương cần thấy rõ làm những việc như vậy lúc này là không nên và nhiều khi trở thành phản cảm đối với người dân.”
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người dân cần phải lên án rất mạnh mẽ, nếu cần thiết, nê yêu cầu ông Thủ tướng Chính phủ phải ra lệnh cấm chuyện xây dựng những cổng chào không có tính thực tiễn và gây lãng phí thuế người dân:
“Nước còn nghèo, ngân sách thâm hụt mà chi tiêu vào việc vô bổ như thế là hoàn toàn phi lý.”
Những người từng ra nước ngoài, hay người Việt sống tại nước khác cho biết tại địa phương họ sống không có những cổng chào ‘hoành tráng’ như ở Việt Nam. Đơn cử như ở Hoa Kỳ, từ bang này vào địa phận bang khác người ta chỉ thấy một bảng ghi dòng chữ chào mừng và tên của tiểu bang mà thôi.
Chủ quán phở bế tắc về kinh tế
nên xin trả lại bằng xếp hạng di tích
Tin Saigon.- Báo Thanh niên ngày 8 tháng 3 năm 2020 loan tin, ông Ngô Văn Lập, chủ quán phở Bình ở số 7 đường Lý Chính Thắng (đường Yên Đỗ cũ), quận 3, Sài Gòn đã đề nghị xin trả bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia cho nhà cầm quyền để được bán nhà lấy tiền chữa bệnh.
Trước đó, căn nhà này dùng là nơi kinh doanh bán phở, nhưng từ năm 1967, chủ nhân của căn nhà đã biến nó thành cơ sở hoạt động bí mật của Cộng sản, nơi tập kết của Việt cộng.
Ông Ngô Văn Lập kể, năm ông 12 tuổi, thì từ ngày 20 tháng chạp năm 1968, những người đến ăn phở nhà ông đọc đúng mật khẩu được quy định sẵn sẽ được ông Lập đưa lên tầng 2 cho những đảng viên cấp cao gặp.
Đến ngày 16 tháng 11 năm 1998, quán phở Bình được bộ Văn hoá Cộng sản công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia sau khi chủ nhà ký đơn đề nghị xếp hạng di tích. Từ khi ngôi nhà được xếp hạng di tích, gia đình ông Lập không được tự ý sửa sang ngôi nhà, quán phở thì càng ngày càng ế ẩm. Ba gia đình nhà ông Lập gồm 16 người phải sống chung trong căn nhà di tích chật hẹp.
Cuộc sống ngày càng khó khăn, ông Lập lại bị bệnh nan y nên muốn thế chấp căn nhà vay ngân hàng cũng không được. Vì vậy, 5 năm nay, ông Lập đã làm đơn xin trả lại danh hiệu ngôi nhà cho nhà cầm quyền để có thể được bán nhà, lấy tiền chữa bệnh nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Một chuyên viên sở Văn hoá- du lịch thành phố nhận xét, chính chủ nhà xin được công nhận di tích, giờ lại xin trả bằng xếp hạng di tích để bán nhà chữa bệnh là hành động “độc nhất vô nhị”.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/chu-quan-pho-be-tac-ve-kinh-te-nen-xin-tra-lai-bang-xep-hang-di-tich/
Cựu Bộ trưởng Thông tin- Truyền thông tiếp tục
xin vắng mặt trong phiên xử cựu chánh thanh tra Bộ
Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn tiếp tục xin vắng mặt trong phiên xử ông Đặng Anh Tuấn – cựu Chánh thanh tra Bộ Thông tin- Truyền thông dự kiến diễn ra vào ngày 12/3.
Báo trong nước dẫn lời chủ tọa phiên tòa ông Đỗ Ngọc Tuấn – Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ, như vừa nêu vào hôm 11/3.
Theo lịch, ông Trương Minh Tuấn phải có mặt trong phiên tòa xét xử cựu Chánh thanh tra Bộ Thông tin- Truyền thông do có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc ông Đặng Anh Tuấn dính líu đến đường dây đánh bạc hàng chục nghìn tỷ đồng. Hiện ông Trương Minh Tuấn đang thi hành án phạt 14 năm tù trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG.
Theo chủ tọa Đỗ Ngọc Tuấn, dù Cựu Bộ trưởng Thông tin- Truyền thông Trương Minh Tuấn xin vắng mặt, phiên tòa ngày 12/3 vẫn diễn ra như kế hoạch.
Đây không phải lần đầu ông Trương Minh Tuấn xin hoãn phiên tòa xét xử cựu Chánh thanh tra Bộ Thông tin- Truyền thông. Vào ngày 25/11/2019, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng đã xin vắng mặt trong phiên sơ thẩm xử ông Đặng Anh Tuấn. Vì vậy phiên tòa được dời lại đến ngày 12/3.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ cho biết ông Đặng Anh Tuấn khi nhận được báo cáo về những sai phạm của game cờ bạc online Rik Vip, sau đổi tên thành Tip.Club, đã nhắn tin yêu cầu người lập báo cáo ghi thêm đề xuất “dừng đoàn kiểm tra”.
Khi đoàn kiểm tra vẫn tiếp tục, ông Tuấn đã chỉ đạo cấp dưới soạn văn bản đề xuất Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho dừng đoàn kiểm tra với lý do đã hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, với tư cách bộ trưởng, ông Trương Minh Tuấn đã cho dừng cuộc điều tra.
Phiên xử ông Đặng Anh Tuấn có liên quan đến đường dây đánh bạc trực tuyến hàng chục ngàn tỷ đồng được bảo kê bởi 2 cựu tướng công an là Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.
Cáo buộc đối với ông Đặng Anh Tuấn là ‘Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’. Nếu bị buộc tội, ông Tuấn có thể đối mặt với khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ tối đa 3 năm hoặc 1-5 năm tù giam.
Việt Nam bị cáo buộc cưỡng bức
những cuộc thú tội trên truyền hình
Một phúc trình có tên Coerced on Camera: Televised Confessions in Vietnam, tạm dịch Bị Cưỡng bức trước ống kính: nạn thú tội trên truyền hình tại Việt Nam, được tổ chức Safequard Defenders (Bảo vệ Những người Bảo vệ) công bố vào ngày 11 tháng 3.
Theo thông cáo báo chí của Safeguard Defenders, trụ sở tại Tây Ban Nha, tình trạng lạm dụng đối với những người bị tạm giam trước khi đưa ra xét xử được đưa ra ánh sáng trong phúc trình vừa nêu. Phúc trình là kết quả nghiên cứu đầu tiên về thực trạng buộc tự thú trên truyền hình tại nước Cộng hòa XHCN VN đối với những người bị giam giữ mà chưa đưa ra xét xử.
Theo Safeguard Defenders đây là một vi phạm rõ ràng của Việt Nam đối với những cam kết theo luật pháp quốc tế.
Phúc trình ghi nhận và phân tích hơn chục trường hợp tự thú trên truyền hình của những nhà bảo vệ nhân quyền; trong đó có những luật sư được kính trọng, những nhà báo công dân, dân làng cũng như những cá nhân trong các vụ án tham nhũng và giết người.
Theo phúc trình vừa nêu thì từ lâu Việt Nam theo gương Trung Quốc, một quốc gia toàn trị khác, sử dụng biện pháp buộc thú tội trên truyền hình để bị miệng những tiếng nói đối lập, cô lập những nhà bảo
vệ nhân quyền, cũng như gửi thông điệp đến những chính phủ và tổ chức nước ngoài nhằm chống lại việc chỉ trích.
Safeguards Defenders kêu gọi chính phủ Việt Nam phải tuân thủ trách nhiệm là một nước tham gia ký Công ước Quốc tế Về Các Quyền Dân sự và Chính trị; Công ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc. Hà Nội phải có luật tương thích cấm biện pháp cưỡng bức thú tội và chấm dứt ngay nạn thú tội trên truyền hình, cho những người bị giam giữ được qua qui trình tư pháp đúng đắn và thượng tôn pháp luật.
RSF: Việt Nam là kẻ thù của tự do báo chí trên mạng
Việt Nam vừa bị Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) xếp vào danh sách 20 nước bị coi như kẻ thù của tự do báo chí trên mạng năm 2020 trong báo cáo mới được công bố hôm 11/3.
Theo báo cáo này, Việt Nam được xếp vào những nước có tình trạng bóp méo thông tin và bị xếp vào hạng 176 trên 180 nước về tự do báo chí.
Danh sách của RSF chia 20 nước đội sổ thành 4 dạng bao gồm: sách nhiễu, có kiểm duyệt của nhà nước, bóp méo thông tin hoặc do thám, giám sát.
Trong phần nói về Việt Nam, RSF nhận định chính phủ Việt Nam đã sử dụng lực lượng 47 với khoảng 10.000 chiến binh mạng nhằm chống lại cái mà chính phủ Việt Nam gọi là lực lượng phản động trên mạng, tức những thông tin chỉ trích chính phủ.
Vụ đụng độ giữa người dân xã Đồng Tâm ở ngoại thành Hà Nội và lực lượng cảnh sát hôm 9/1 vừa qua khiến 4 người thiệt mạng và một số người khác bị thương cũng được đề cập như một ví dụ về tình trạng bóp méo thông tin của lực lượng 47. RSF cáo buộc Việt Nam đã sử dụng lực lượng 47 trên mạng với các hình ảnh người dân Đồng Tâm bị bắt giữ và ép thú nhận tội trên truyền hình.
Theo Tổ chức theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW), trong năm 2019, đã có ít nhất 25 người ở Việt Nam bị kết án tù vì bày tỏ ý kiến chỉ trích trên mạng.
Theo thống kê của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) công bố hồi cuối năm ngoái, trong năm 2019, Việt Nam đã bỏ tù ít nhất 12 nhà báo và là một trong nhóm 10 nước đứng đầu thế giới về các biện pháp đàn áp đối với báo giới chỉ trích chính phủ.
Tình trạng xâm nhập mặn
tại Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia vào ngày 11 tháng 3 thông báo cho biết, xâm nhập mặn tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất từ ngày 11/3 đến 20/3.
Cụ thể trong 10 ngày tới khu vực Nam Bộ vẫn duy trì tình trạng ít mưa, ngày nắng và các tỉnh miền Đông Nam Bộ tiếp tục nắng nóng với nhiệt độ cao nhất từ 35-37 độ C, miền Tây Nam Bộ thấp hơn khoảng 1-2 độ C. Độ ẩm dao động khoảng từ 45-55%.
Dự báo một số tỉnh khả năng có mưa cục bộ, lượng mưa ít, mực nước thượng lưu sông Mê Kông biến đổi chậm và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,1 – 0,8m.
Xâm nhập mặn tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất từ ngày 11-13/3 và từ 14/3 – 20/3. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cấp độ 2.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn đề nghị trong đợt mặn cao điểm này các địa phương hạn chế tưới nước tối thiểu nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, các diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn. Còn đối với lồng bè, ao nuôi thủy sản chưa thả giống cần kiểm tra độ mặn trước trên sông.
Ngoài ra, đại diện trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia còn cho biết, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không được cải thiện trong tháng 3 nên độ mặn ở khu vực này liên tục duy trì ở mức rất cao và ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.
Hàng không mẫu hạm thăm VN
‘để nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ’
Tàu sân bay USS Theodore và tàu USS Bunker Hill (CG 52) vừa kết thúc chuyến thăm kéo dài 5 ngày đến Đà Nẵng, Việt Nam. Đây là chuyến thăm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, diễn ra tiếp sau chuyến thăm lịch sử năm 2018 của tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70).
Chuyến thăm vừa chấm dứt, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội đã gửi thông tin và hình ảnh đến báo giới, nhấn mạnh rằng các hoạt động này chứng minh tầm quan trọng của giao lưu nhân dân giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Qua thông cáo báo chí phổ biến hôm 11/3, Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng ”chuyến thăm thể hiện cam kết mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam và một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”
Đô đốc Aquilino được thông cáo báo chí trích lời trong buổi trao đổi qua điện thoại với phóng viên ngày 6/3:
“Chuyến thăm cảng này nhấn mạnh sự tiếp tục hợp tác và hỗ trợ mạnh mẽ của chúng tôi dành cho Việt Nam… Cam kết của chúng ta dành cho nhau, kể cả chuyến thăm trong tuần này sẽ giúp bảo đảm một mối quan hệ ổn định, có thể dự báo và lâu dài dựa trên những lợi ích, giá trị và tin cậy chung”. Và Đại sứ Hoa Kỳ Kritenbrink giao lưu với các bạn học sinh Đà Nẵng nói:
“Đây là lần thứ hai Nhóm tác chiến tàu sân bay Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam. Những chuyến thăm như thế này không chỉ tăng cường quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ với Việt Nam mà còn tiếp tục đảm bảo hoà bình, ổn định và tự do thương mại trên khắp khu vực. Chuyến thăm này chỉ là một bước nữa trong việc nâng cao tình hữu nghị và đối tác của chúng tôi đối với Việt Nam và tôi vô cùng lạc quan về tương lai chung,”
Thông cáo báo chí cũng tóm lược một số sinh hoạt giữa hai bên trong chuyến thăm này:”Thủy thủ từ cả hai tàu đều tham gia các hoạt động trao đổi văn hoá và các dự án giao lưu cộng đồng bao gồm làm các mặt hàng thủ công, trao đổi ngôn ngữ, làm vườn và vẽ tranh tại Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện Đà Nẵng, Trung tâm từ thiện và Hội bảo vệ trẻ em, Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh, Trung tâm nuôi dạy trẻ em mồ côi Hoa Mai và Đại học Đông Á. Các hoạt động này chứng minh tầm quan trọng của giao lưu nhân dân giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Một hoạt động trao đổi chuyên môn diễn ra trong chuyến thăm tập trung vào việc hợp tác ngăn ngừa dịch bệnh. Đô đốc Aquilino và Đại sứ Kritenbrink cũng gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại buổi ăn trưa do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.”Việc quảng bá việc thăm Đà Nẵng của USS Theodore Roosevelt sau khi chuyến đi kết thúc dường như khác với thái độ dè dặt trước đó.
Trả lời BBC qua email ngày 3/3, Giáo sư Carl Thayer từ Australia cho hay:
“Hướng dẫn báo chí do Bộ Ngoại giao Việt Nam ban hành vào cuối tháng Hai cho thấy Việt Nam muốn chuyến thăm sắp tới giữ ở mức ít chú ý.”
Ông đơn cử việc hướng dẫn báo chí gửi đến các phóng viên tại Việt Nam chỉ đề cập đến chuyến thăm của tàu hải quân Hoa Kỳ chứ không nói là tàu sân bay và thông tin về chuyến thăm này không được công bố cho đến khi có thông báo mới.
USS Theodore Roosevelt thăm Đà Nẵng: Mỹ gửi tín hiệu gì cho VN và TQ?
Tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng, quan hệ Việt – Mỹ gắn bó
Tại sao VN tiếp đón hàng không mẫu hạm Mỹ?
Theodore Roosevelt là tàu sân bay thứ 4 thuộc lớp Nimitz của Hoa Kỳ với thủy thủ đoàn gồm 5.000 người tham gia hỗ trợ và thực hiện các hoạt động không quân trên biển. Nhóm tàu sân bay tác chiến bao gồm tổng cộng 6.500 thủy thủ, một tàu sân bay, một không đoàn, một tàu tuần dương và sáu tàu khu trục.
USS Theodore Roosevelt là tàu sân bay thuộc lớp Nimitz, dài 332 m, rộng 76,8 m; độ choán nước toàn tải hơn 117.000 tấn. Tàu dùng năng lượng hạt nhân và có thể mang theo 90 máy bay.
Thông cáo báo chí của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội cho biết thêm là phái đoàn Hoa Kỳ đến thăm có sự tham dự của Đô đốc John C. Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, Chỉ huy trưởng nhóm tàu sân bay tác chiến (CSG) 9 Chuẩn Đô đốc Stu Baker, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh Marie Damour và các viên chức khác đến từ CSG 9 và Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng đã chủ trì lễ đón nhóm tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ. Tham dự lễ đón còn có đại diện Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Bộ tư lệnh Quân khu 5, Biên phòng Đà Nẵng, Cục đối ngoại Bộ Quốc phòng, Cục Quân y Tổng cục Hậu cần, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng và các cơ quan khác của Chính phủ Việt Nam.
Hạm đội 7 của Hoa Kỳ thực hiện các hoạt động hải quân ở tiền phương nhằm hỗ trợ cho các lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ trong khu vực hoạt động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Là hạm đội có lực lượng đông nhất của Hải quân Hoa Kỳ, Hạm đội 7 tương tác với 35 quốc gia ven biển khác để xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường an ninh biển, thúc đẩy ổn định và ngăn ngừa xung đột.
Trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt hôm 3/3, GS Carl Thayer nhận định chuyến thăm Đà Nẵng của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cho thấy Hoa Kỳ đang thực hiện một trong ba mũi nhọn trong chiến lược quân sự của Hoa Kỳ, bao gồm: hiện diện thường xuyên của tầu tuần tra hải quân Mỹ, hiện diện thường xuyên của máy bay ném bom, và tự do hoạt động hàng hải.
Đây là chuyến viếng thăm thứ hai của một tuần dương mẫu hạm thuộc Hải quân Hoa Kỳ tới Đà Nẵng, Việt Nam.
Năm 2018, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng, trở thành mẫu hạm đầu tiên của Hải quân Hoa Kỳ ghé Việt Nam kể từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51829721
Tin tổng hợp 11/3:’Bệnh nhân 33′ dạo chơi
nhiều nơi ở Hà Nội; Tàu sân bay Mỹ rời vịnh Đà Nẵng
Tâm Tuệ
Kính chào quý vị đến với bản tin trong nước tổng hợp ngày 11/3 của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay sẽ có những nội dung sau:
‘Bệnh nhân 33’ dạo chơi nhiều nơi ở Hà Nội
Tỉnh Quảng Nam vừa có thông báo về hành trình của du khách người Anh là bệnh nhân thứ 33 ở Việt Nam. Theo đó, trong thời gian ở Hà Nội từ ngày mùng 2 đến ngày 6/3, người này đã đi chơi ở phố cổ và nhiều khu danh thắng.
Điểm đặt chân đầu tiên ở Hà Nội của bệnh nhân này là sân bay Nội Bài sau khi hạ cánh từ chuyến bay VN54 ngày 2/3. Tối đó, ông đến nhà hát. Thân nhiệt đo được lúc này là bình thường.
Ngày 3/3, ông dạo chơi tại Chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám, khu tưởng niệm Hồ Chí Minh và đến Trung tâm Múa rối nước Bông Sen; ăn tối tại khách sạn.
Ngày 4/3, ông dạo phố cổ Hà Nội và ăn tại nhà hàng trên phố Trần Hưng Đạo. Ngày 5/3, vị này đến Hạ Long thăm hang động và đi tour làng chài ở đây. Ngày 6/3, ông ra sân bay Nội Bài đi trên chuyến bay VN185, hàng ghế 23 đến sân bay Đà Nẵng lúc 19h20, tới khách sạn ở Hội An lúc 20h30 và ăn tối tại đây. Sau đó, ông không ra ngoài.
Ngày 7/3, du khách người Anh được hướng dẫn và tuân thủ cách ly tuyết đối tại phòng khách sạn. Ngày 10/3, ông có kết quả dương tính nCoV, người vợ đi cùng cho kết quả âm tính.
‘Bệnh nhân 34’ đi Mỹ cùng 18 người
Tối ngày mùng 10/3, Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận cho biết, nữ doanh nhân 51 tuổi nhiễm nCoV đã cùng 18 người tham quan, du lịch tại Mỹ. Người này khi tới Tân Sơn Nhất đã đi ôtô riêng thẳng đến nhà ở Phan Thiết.
Theo Sở Y tế Bình Thuận, bệnh nhân 34 là chủ doanh nghiệp vật liệu xây dựng ở. Ngày 22/2, bà đi Mỹ cùng 18 thành viên trong Hội nữ doanh nhân Việt Nam (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI). Tại Mỹ, bà ở New York và du lịch tại Washington D.C.
Về Việt Nam, đến ngày 5/3, bà có triệu chứng ho, sốt, khạc đờm, đau rát họng, tự mua thuốc uống nhưng không khỏi. Bốn ngày sau bà nhập viện tại Bình Thuận.
Theo tin từ VnExpress, trong đoàn đi với bệnh nhân có 3 người tại Bình Thuận, những người còn lại ở địa phương khác. Ban chỉ đạo Trung ương sẽ xác minh, kiểm soát những trường hợp này.
Hòa Bình sắp xử vụ án gian lận điểm thi
Báo Lao Động đưa tin, phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình dự kiến diễn ra vào ngày 23/3/2020 với 15 bị can. Các bị can bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ và Nhận hối lộ”.
Dự kiến phiên toà diễn ra trong 1 tuần.
Trong số 15 bị can bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” có ông Nguyễn Quang Vinh – nguyên trưởng phòng khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình; Đỗ Mạnh Tuấn; Diệp Thị Hồng Liên (nguyên phó trưởng phòng khảo thí); Nguyễn Khắc Tuấn (chuyên viên phòng khảo thí); Khương Ngọc Chất (nguyên trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình).
Vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 đã làm rúng động cả nước khi phát hiện hành vi gian lận ở nhiều tỉnh. Những tỉnh có nhiều gian lận bị điều tra là Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình.
Trong quá trình điều tra, 31 cán bộ ngành giáo dục và phụ huynh thí sinh bị bắt tạm giam và khởi tố (Hà Giang: 5, Sơn La: 11 và Hòa Bình: 15). Nhiều các bị can và nhiều người khác cũng bị cảnh cáo, khiển trách. Có tới 347 bài thi của 222 thí sinh bị can thiệp điểm. Hiện một số lượng học sinh gian lận điểm đã bị cho thôi học tại các trường đại học, cao đẳng.
Tàu sân bay Mỹ rời vịnh Đà Nẵng
Báo Zing thông tin, ngày 11/3, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Bunker Hill (CG 52) của Hải quân Mỹ đã rời cảng Tiên Sa, kết thúc chuyến thăm Việt Nam.
Đội tàu sân bay Mỹ cập vịnh Đà Nẵng trưa 5/3. Chuyến thăm diễn ra trong dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam.
Đây là lần thứ 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đến thăm Việt Nam tiếp sau chuyến thăm năm 2018 của tàu sân bay USS Carl Vinson (cũng vào tháng 3/2018).
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrin khẳng định chuyến thăm thể hiện cam kết của Mỹ với Việt Nam và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Ông Daniel Kritenbrin cho rằng chuyến thăm này không chỉ tăng cường quan hệ hợp tác giữa 2 nước, mà còn tiếp tục đảm bảo hoà bình, ổn định và tự do thương mại trên khắp khu vực.
Ngoài ra chuyến thăm còn tạo cơ hội cho một số thuỷ thủ người Mỹ gốc Việt về thăm Việt Nam.
Mưa trái mùa dịu mát Cà Mau
Chiều tối 10/3, ở TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) xuất hiện một cơn mưa trái mùa kéo dài 2 giờ đồng hồ. Mưa lớn khiến nhiều tuyến phố ở Cà Mau ngập nặng, nước đến ngang bánh xe.
Theo báo Tuổi Trẻ, lượng mưa đo được ở TP. Cà Mau khoảng 70.mm, khiến nhiều tuyến đường như Phan Ngọc Hiển, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo… bị ngập sâu. Đài khí tượng thủy văn Cà Mau cho biết, trận mưa trái mùa giữa mùa khô hạn này nếu dịch chuyển về vùng nông thôn hay khu vực rừng tràm U Minh Hạ thì quý… như vàng.
Từ đầu năm đến nay, Cà Mau và các tỉnh Tây Nam Bộ bị xâm nhập mặn nặng nề. Khô hạn và nắng nóng cũng đẩy nguy cơ cháy rừng ở khu vực nên mức rất cao.