Tin Việt Nam – 10/12/2018
Miền Trung ngập trong lũ,
Đà Nẵng bị ngập lụt lịch sử
Tin Việt Nam – Mưa lớn kéo dài đã làm cho nhiều tỉnh miền Trung bị ngập nặng, có hai người dân tử vong vì nước lũ, nhiều tài sản của người dân bị hư hỏng nặng, giao thông bị tê liệt.
Truyền thông trong nước ngày 10 tháng 12 năm 2018 loan tin, trận mưa lớn bất thường kéo dài từ đêm 8 tháng 12 đã làm cho nhiều tỉnh, thành từ Quảng Trị trở vào Bình Định bị ngập nặng.
Tại Quảng Trị, đã có 2 người dân sống tại thành phố Đông Hà tử vong do nước cuốn vào cống, hàng ngàn ngôi nhà bị sập. Mưa lũ cũng làm 3,834 gia đình ở nhiều tỉnh Miền Trung bị ngập và 383 gia đình phải dời đi khẩn cấp, nhiều tài sản, hoa màu của người dân bị hư hại nặng.
Tuyến đường sắt Bắc- Nam qua thành phố Đà Nẵng bị sạt lở, tuyến đường giao thông quốc lộ 1A qua địa phận Quảng Nam bị tê liệt vì ngập sâu hơn 1m. Tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, nhiều người dân phải bơi dưới dòng nước sâu trên đường phố để đi tránh lũ vì nhà bị ngập nặng.
Tại Đà Nẵng, dù là thành phố biển nhưng chỉ sau một trận mưa kéo dài 24 tiếng thì thành phố này đã bị chìm ngập trong nước. Đây được đánh giá là trận ngập lụt lịch sử của thành phố.
Theo trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, mưa vẫn chưa dừng lại ở các tỉnh này, thậm chí vào chiều và đêm ngày 10 tháng 12 từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/mien-trung-ngap-trong-lu-2-nguoi-chet-da-nang-lan-dau-bi-ngap-lon/
Ba nhà hoạt động Việt được vinh danh
nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế
Ba nhà hoạt động ở Việt Nam vừa được vinh danh về “những đóng góp quan trọng” của họ cho nhân quyền tại một buổi lễ diễn ra hồi chiều ngày 9/12 ở thành phố Westminster, California.
Đứng ra tổ chức buổi lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Nhân quyền Quốc tế, cũng là Ngày Tù nhân Lương tâm Việt Nam, là Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam.
Tại buổi lễ, ban tổ chức đã trao Giải thưởng Nhân quyền 2018 cho ông Hoàng Đức Bình, bà Trần Thị Nga và bà Phạm Đoan Trang. Những người bạn bè của ba nhà hoạt động đã nhận giải thưởng thay mặt họ.
Ông Bình và bà Nga đang phải thụ án tù vì bị các tòa án của chính quyền khép vào các tội “chống người thi hành công vụ”, “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” và “tuyên truyền chống nhà nước”.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, bà Trang không thể rời Việt Nam, một mặt có thể do thương tật ở chân sau một lần bị đánh đập trong một cuộc biểu tình, và mặt khác là vì những rủi ro pháp lý có thể xảy ra nếu bà cố xuất cảnh. Tin cho hay, trong ít nhất hơn một năm tính đến nay, bà luôn trong tình trạng bị các nhân viên an ninh nhà nước theo dõi chặt chẽ.
… không ai trong chúng ta nên vui … khi chúng ta chúc mừng một người Việt Nam nhận được một giải thưởng nhân quyền nào đó, chúng ta đều nên hiểu rằng điều đó chỉ chứng tỏ đất nước này đang trải qua những năm tháng đen tối đến mức nào, và cái thực tế ấy chẳng có gì đáng mừng.
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang
Theo các trích đoạn video được chia sẻ trên Internet, trong đó có trang Facebook của Người Việt Online, các đại diện ban tổ chức long trọng tuyên bố rằng ba nhà hoạt động được vinh danh vì “sự hy sinh và đóng góp” của họ trong cuộc tranh đấu “bảo vệ công lý và quyền làm người” cũng như “bảo vệ người lao động và ngư dân” ở Việt Nam.
Việc ba nhà hoạt động được chọn để nhận giải thưởng đã được công bố trong một thông cáo báo chí của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam hôm 30/11.
Theo thông cáo, kỹ sư Hoàng Đức Bình, 35 tuổi, là một nhà hoạt động tranh đấu bảo vệ quyền lợi cho người lao động, bảo vệ môi trường, và giúp dân khiếu kiện vụ Formosa gây thảm họa môi trường biển ở miền trung Việt Nam.
Các hoạt động gây nhiều tiếng vang nhất của ông diễn ra từ tháng 11/2015 cho đến khi ông bị công an Việt Nam bắt vào giữa tháng 5/2017. Đầu tháng 2 năm nay, một tòa án đã kết án ông 14 năm tù.
Vẫn theo Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, bà Trần Thị Nga, 41 tuổi, đã giúp đỡ những người lao động gặp nạn tại Đài Loan từ năm 2008-2010. Bên cạnh đó, bà cũng tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo Việt Nam và phản đối Formosa xả thải hủy diệt môi trường.
Vì các hoạt động đó, bà Nga bị công an bắt vào tháng 1/2017 và đến tháng 7 cùng năm bị kết án 9 năm tù.
Nhà báo và blogger Phạm Đoan Trang, 40 tuổi, thực hiện nhiều hoạt động vì tiến bộ xã hội từ năm 2011, theo thông cáo của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam.
Bà đã tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, tham gia các cuộc vận động trong và ngoài nước cho nhân quyền ở Việt Nam, tổ chức các lớp đào tạo về báo chí, chính trị học, chính sách công quyền cho các nhà hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam. Bà cũng tham gia chiến dịch có tên “Cứu dân cứu biển” sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra hồi năm 2016.
Cả hai bà Nga và Trang đều “bị công an đánh đập đến tàn tật”, theo những cáo buộc của hai bà và nhiều nhà hoạt động khác.
Chia sẻ suy nghĩ của bà về việc được vinh danh với giải thưởng nhân quyền năm nay, bà Phạm Đoan Trang viết cho VOA qua email rằng trong khi bà “trân trọng cảm ơn” Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, tổ chức của những người Việt hải ngoại “luôn ủng hộ và sát cánh” bên người Việt trong nước trong cuộc chiến đấu bền bỉ vì nhân quyền, dân chủ cho Việt Nam, song bà “cũng không nén được cảm giác ngại và buồn”.
Bà giải thích rằng bà có cảm xúc như vậy vì thực tế là hai trong ba người nhận giải nhân quyền 2018 hiện đang ngồi tù, hơn nữa, ngoài ông Bình và bà Nga ra, hàng trăm người khác cũng đang ngồi tù vì các tội do nhà nước công an trị khép, và “không được nhận giải thưởng nào, thậm chí không được ai biết đến”.
Trong email gửi VOA, bà Trang bày tỏ rằng “cũng không ai trong chúng ta nên vui” vì theo bà khi một người Việt Nam được chúc mừng về một giải thưởng nhân quyền nào đó, “chúng ta đều nên hiểu rằng điều đó chỉ chứng tỏ đất nước này đang trải qua những năm tháng đen tối đến mức nào”, và thực tế đó “chẳng có gì đáng mừng”.
… giải pháp chung phải là làm sao để tất cả tù nhân lương tâm đều được giải thoát và Việt Nam không còn tù nhân lương tâm nữa (cũng như không còn dân oan). Điều đó chỉ có thể có được với một thể chế mới, một chính quyền mới.
Bà Phạm Đoan Trang
Nhà hoạt động nữ nhấn mạnh là “cái thực tế ấy” cũng là lời nhắc nhở những người nhận giải và mọi người khác rằng “có rất, rất nhiều việc phải làm”.
Bà cũng đưa ra quan điểm rằng giải pháp để tất cả tù nhân lương tâm đều được trả tự do và Việt Nam không còn tù nhân lương tâm nữa, không còn nạn nhân của bất công xã hội nữa chỉ có thể đạt được “với một thể chế mới, một chính quyền mới”.
Vẫn trong email với VOA, bà Trang khẳng định “cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn” và bà cần “sự ủng hộ của tất cả những người đồng ý với tôi rằng Việt Nam phải thay đổi”.
Được thành lập từ năm 2002, Giải Nhân Quyền Việt Nam đã được trao hàng năm cho tổng cộng tính đến nay là 42 cá nhân và 3 tổ chức có những đóng góp xuất sắc và có nhiều ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh cho công lý và nhân quyền tại Việt Nam. Giải thưởng này còn là một cơ hội để người Việt hải ngoại bày tỏ tình liên đới với những nhà hoạt động tại quê nhà.
Cũng tại buổi lễ hôm 9/12 ở Westminster, California, Hội Ái hữu Tù nhân Chính Trị và Tôn giáo Việt Nam cùng với Phong trào Yểm trợ Tự do Tôn giáo và Nhân quyền Việt Nam đã trao Giải Dân quyền cho 4 người Việt tham gia “ngày tổng biểu tình” 10/6/2018, ông Phạm Trần Anh, Chủ tịch của Hội cho VOA biết.
Những người nhận Giải Dân quyền gồm ông Hứa Hoàng Anh, bị đánh tử vong tại nhà và có cáo buộc rằng vụ này do công an ra tay; 2 người bị đánh trọng thương là các ông Huỳnh Tấn Tuyên, Đinh văn Hải; và ông Đoàn Huy Chương, Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, người bị bỏ tù 2 lần tổng cộng gần 10 năm tù.
Hội Ái hữu Tù nhân Chính Trị và Tôn giáo Việt Nam cũng gửi 50 phần quà Cây Mùa xuân Dân chủ tới những người bị xử án nặng nề sau cuộc biểu tình ngày 10/6, theo ông Phạm Trần Anh.
Trong một diễn biến liên quan đến việc kỷ niệm ngày Nhân quyền Quốc tế, 10/12, và cũng là 70 năm ngày thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink đã chia sẻ trên trang Facebook chính thức mang tên ông một video trong đó 21 đại sứ và phó đại sứ của các sứ quán nước ngoài tại Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn Nhân quyền bằng tiếng mẹ đẻ của họ.
Đại sứ Mỹ cho biết đây là một cách để “tôn vinh các quyền phổ quát, vĩnh cửu và không thể tách rời” và ông kêu gọi những người sử dụng mạng xã hội “cùng chia sẻ video này”.
Vũ Nhôm khai chuyện tuyệt mật
“ảnh hưởng đến sinh mạng” trước tòa
Sáng ngày 10/12, các báo trong nước bất ngờ tiết lộ việc bị cáo Phan Văn Anh Vũ, thường gọi là Vũ Nhôm khai trước tòa hôm 7/12 về những chuyện mà trước đây ông chỉ nói riêng với Hội đồng xét xử và được cho là có ảnh hưởng đến sinh mạng, quyền lợi của chính ông.
Cụ thể mạng báo Tiền Phong trích dẫn nguyên văn lời của Vũ Nhôm như sau:
“Công ty bị cáo là tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo – Bộ Công an được lập ra, giao cho bị cáo phát triển… bị cáo có xin phép lãnh đạo Tổng cục Tình báo – Bộ Công an cho công ty được mua 60 triệu cổ phần DAB.
Lãnh đạo đã đồng ý cho bị cáo tiếp cận Ngân hàng Đông Á và có văn bản tuyệt mật”, Vũ Nhôm cho hay.
Khi bị Hội đồng xét xử hỏi “lãnh đạo” là ai thì ông Vũ tiết lộ, cụ thể là Trung tướng Phan Hữu Tuấn – Tổng cục phó Tổng cục tình báo – Bộ Công an và Đại Tá Nguyễn Hữu Bách – Cục phó Cục B61 (Tổng cục tình báo). Đây là cán bộ Công an đã bị bắt giữ vào tháng 4 năm nay với cáo buộc cố ý làm lộ bí mật nhà nước.
Đây cũng là lần đầu tiên chức vụ của ông Nguyễn Hữu Bách, người lãnh nhận mức án 6 năm tù trong vụ “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” hồi tháng 7 năm nay được tiết lộ.
Trước đây báo chí chỉ gọi ông Nguyễn Hữu Bách là “cựu cán bộ công an”.
Ngày 10/12, TAND TPHCM tiếp tục xét xử Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á và Thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ, cùng với 24 bị cáo trong vụ án gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB).
Đại diện VKSND TP.HCM trước đó đề nghị mức án đối với Phan Văn Anh Vũ, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) là15-17 năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Vũ Nhôm bị cáo buộc có hành vi ký chứng từ nộp khống 200 tỉ đồng để mua cổ phần DAB.
Hồi tháng 7 năm nay, Phan Văn Anh Vũ còn bị kết án 9 năm tù với cáo buộc tội làm lộ bí mật nhà nước.
Nguyên Phó thống đốc NHNN
gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng
được hưởng án treo vì cao tuổi
Nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình vừa được Tòa án Nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh thay đổi hình phạt tù 3 năm sang 3 năm tù treo vì cao tuổi.
Ông Đặng Thanh Bình, 64 tuổi, bị cáo buộc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi là thành viên Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước (đặt tại Ngân hàng Xây dựng – VNCB).
Theo Hội đồng xét xử, hành vi của ông Bình và các đồng phạm đặc biệt nghiêm trọng, khiến VNCB bị thiệt hại hơn 15.000 tỷ đồng. Ông Bình đã có bút phê thực hiện trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng bao gồm việc kiểm tra vốn góp.
Ngoài ông Bình, ông Phạm Thế Tuân (62 tuổi), nguyên Phó Giám đốc ngân hàng Vietcombank chi nhánh thành phố HCM – một bị can khác trong vụ án với ông Bình, cũng được tòa cho giảm hình phạt tù xuống thành án treo. Lý do được nêu ra là vì cả hai ông đều trên 60 tuổi, có nhân thân tốt nên được áp dụng Luật Người cao tuổi, cho hưởng án treo.
Tòa bác kháng cáo của hai bị can còn lại, y án 2 năm tù với ông Hà Tấn Phước (55 tuổi) – nguyên tổ trưởng tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước, Phó giám đố Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An; và y án 2,5 năm tù đối với ông Lê Văn Thanh (54 tuổi) – nguyên chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh Long An
Con gái Nguyễn Tấn Dũng
bán sạch cổ phiếu tại công ty Savimex
Tin Sài Gòn, Việt Nam – Bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái của cựu Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã bất ngờ bán sạch hơn 2,5 triệu cổ phiếu của công ty cổ phần hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex tương đương 19,15%.
Báo Lao Động ngày 5 tháng 12 năm 2018 loan tin, công ty chứng khoán Bản Việt do bà Nguyễn Thanh Phượng làm Chủ tịch hội đồng quản trị đã không còn là cổ đông lớn của công ty Savimex từ ngày 21 tháng 11, vì bà này đã bán sạch cổ phiếu. Công ty Savimex từng là công ty nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập cảng.
Từ năm 2002, Savimex niêm yết trên sàn giao dịch HoSE, mã chứng khoán SAV. Những ngày giao dịch gần đây, cổ phiếu SAV liên tục suy giảm, khiến vốn hoá thị trường bốc hơi gần 3 tỷ đồng. Kết quả Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt đạt hơn 200,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý 3, giảm hơn 49,7 tỷ đồng so với cùng quý năm trước, tức giảm 20%. Hiện, công ty này đang gánh khoản nợ phải trả tới 3,595 tỷ đồng, tăng khá mạnh so với 3,382 tỷ đồng hồi đầu năm.
Sự việc này đã gây chú ý trong dư luận trước bối cảnh chính trường của đảng CSVN đang đầy sóng gió sau khi Nguyễn Phú Trọng khởi động chương trình “đốt củi, nhóm lò” để trả thù cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đàn em. Hành động con gái ông Dũng bán sạch vốn tại Savimex, cũng gần với thời gian ông Trần Bắc Hà, một đàn em thân cận nhất của ông Dũng bị bắt đã dấy lên nhiều nghi vấn trong dư luận của người dân Việt Nam. Phải chăng, sau khi tiêu diệt hết đàn em thân cận của Nguyễn Tấn Dũng, “chiếc lò” của Nguyễn Phú Trọng đang nhắm trúng mục đích là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và người thân?
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/con-gai-nguyen-tan-dung-ban-sach-co-phieu-tai-cong-ty-savimex/
Vụ vỡ hồ bơi vô cực ở Nha Trang:
Yêu cầu khởi tố hình sự
Gia đình các nạn nhân trong vụ hồ bơi vô cực ở Nha Trang bị vỡ yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố vụ án hình sự; đồng thời buộc chủ đầu tư chấm dứt ngay việc vi phạm xây dựng công trình, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và các chi phí liên quan.
Truyền thông trong nước cho biết một số cư dân ở phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 10 tháng 12 làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự về hành vi vi phạm các quy định xây dựng, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng đối với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư-Phát triển Thanh Châu, chủ đầu tư dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú, là dự án xây dựng hồ bơi vô cực đã xảy ra sự cố vỡ hồ bơi vào ngày 18 tháng 11 làm 4 người thiệt mạng và 10 căn nhà bị sập và bị cuốn trôi.
Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư-Phát triển Thanh Châu lên tiếng thừa nhận rằng công ty đã múc đất xây hồ bơi, nước dồn xuống làm bức hồ, gây sạt lở khu dân cư.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Văn Dẽ cho rằng nguyên nhân vụ việc 10 căn nhà bị sập và bị cuốn trôi không phải do hồ bơi bị vỡ mà chỉ là nước tràn qua mương gây sạt lở.
Tại phiên chất vấn Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vào ngày 6 tháng 12, ông Lê Văn Dẽ khẳng định không có hồ bơi vô cực được xây dựng tại khu vực của dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú.
Vào trung tuần tháng 11 vừa qua, tại xã Phước Đồng và Vĩnh Tường, thành phố Nha Trang cũng đã xảy ra tình trạng sạt lở đất khiến 17 người bị thiệt mạng và mất tích.
Giới chức chính quyền địa phương nói rằng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới từ bão số 8 (có tên quốc tế là Toraji) gây mưa lớn dẫn đến vụ sạt lở đất vừa nêu.
Cựu tổng giám đốc Vinashin cùng thuộc cấp bị bắt
Hôm 10 tháng 12 năm 2018, ông Trương Văn Tuyến, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và ông Phạm Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc SBIC (tên mới của Vinashin) bị bắt tạm giam theo quyết định khởi tố bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C03). Truyền thông trong nước đưa tin cùng ngày.
Theo Dân Trí, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra mở rộng vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Vinashin theo Quyết định nhập vụ án hình sự ký ngày 05/6/2018. Quá trình điều tra vụ án xác định ông Trương Văn Tuyến và ông Phạm Thanh Sơn đồng phạm với ông Trần Đức Chính, kế toán trưởng tập đoàn Vinashin đã có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, ký duyệt gửi tiền có kỳ hạn của Tập đoàn Vinashin (nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam SBIC) vào Ngân hàng Đại Dương trái quy định pháp luật, chiếm đoạt hơn 105 tỷ đồng.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang mở rộng điều tra vụ án, làm rõ hành vi phạm tội và thu hồi, kê biên tài sản do phạm tội mà có.
Những vi phạm cho vay tại Ngân hàng Đại Dương đã khiến hàng chục quan chức phải ra hầu tòa và Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Dương Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên án tử hình.
Tập đoàn Vinashin ra đời dưới thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với mục đích thúc đẩy Việt Nam trở thành nước có ngành công nghiệp đóng tàu hàng đầu thế giới.
Năm 2012, ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin đã nhận một bản án 20 năm tù giam với tội danh ‘cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng’ khiến Vinashin bị phá sản với số nợ lên đến 4 tỉ đô la Mỹ.
Đến tháng 5/2018, ông Phạm Thanh Bình nhận thêm một bản án tù 3 năm nữa cũng cùng tội danh.
Vinashin là một trong các vụ án kinh tế lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam với một loạt quan chức bị đưa ra xét xử với tội danh “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hai thanh niên gốc Việt
nhận giải thưởng ở Canada và Úc
Hai thanh niên gốc Việt, một tại Cananda và một tại Australia, vừa nhận được giải thưởng cao quí vì các cống hiến cho cộng đồng, và tích cực tham gia phong trào giới trẻ vì nhân quyền.
Từ lãnh đạo cộng đồng…
Vào ngày 5/12, tại thủ đô Ottawa của Canada, Bộ trưởng Bộ Việc làm và Phát triển Xã hội, ông Jean-Yves Duclos đã trao Giải thưởng Tình nguyện viên Canada do Thủ tướng Canada Justin Trudeau ký thưởng cho anh Paul Nguyễn, biểu dương tinh thần làm việc tình nguyện trên 10 năm qua của anh, với tư cách là một nhà hoạt động cộng đồng qua những đóng góp to lớn của mình.
Anh Paul Nguyễn, nhà hoạt động cộng đồng và sáng lập viên trang Jane-Finch.com, chia sẻ với VOA:
“Tôi được vinh danh nhưng giải thưởng không phải chỉ cho bản thân tôi, mà cho cả cộng đồng vùng Jane và Finch mà trong đó tôi làm đại diện cho cộng đồng người gốc Việt. Điều này cho thấy chính phủ rất quan tâm tới các sinh hoạt cộng đồng của chúng tôi.”
Anh Paul cho biết, Giải thưởng Tình nguyện viên Canada là giải thưởng cao quý nhất dành cho những người làm công tác tình nguyện viên. Ngoài bằng khen, anh Paul Nguyễn còn được thưởng số tiền 5 ngàn đôla Canada, và anh đã quyết định tặng toàn bộ số tiền cho một tổ chức phi lợi nhuận trong cộng đồng.
Năm 2010, anh Paul cũng đã vinh dự nhận Giải thưởng Đa Văn hóa Paul Yuzyk từ chính phủ Canada với số tiền thưởng là 20.000 đôla Canada.
Vào năm 2004, anh Paul khởi tạo trang web Jane-finch.com, nhằm cho thế giới biết sự thật về khu phố có sự tranh cãi này. Anh Paul nói: “Đây là một ý tưởng táo bạo của tôi. Thoạt đầu, tôi tải lên web một số đoạn nhạc rap bằng tiếng Việt, nhưng không ngờ lại nhận được nhiều sự chú ý của cư dân mạng khắp nơi, mà tại thời điểm đó YouTube chưa phổ biến.”
Anh Paul sinh năm 1980, một năm sau khi cha mẹ của anh đến Canada tị nạn. Anh kể: “Tôi lớn lên là một đứa trẻ rất nhút nhát, hầu như sống nội tâm, tôi thường không biết làm thế nào để thể hiện bản thân.” Nhưng khi lên 10, với sự ủng hộ của gia đình, anh đã tham gia công tác tình nguyện đầu tiên trong đời, làm tuần tra an ninh cho trường học.
… tới sống vì tha nhân
Tại Sydney, Australia hôm 10/12, chị Trần Kiều Ngọc, một luật sư gốc Việt, đồng thời là Chủ tịch Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền, đã được Liên Hội Vì Hòa Bình Thế Giới (UPF) trao giải thưởng Sống Vì Tha Nhân (Living For Others).
Luật sư Teresa Trần Kiều Ngọc là một trong 5 người nhận giải “Sống Vì Tha Nhân” của UPF vào ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12, theo một thông báo của Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền.
Cũng theo thông báo này, chị Kiều Ngọc còn được đề cử giải Đại Sứ Hòa Bình – UPF (UPF Ambassador For Peace).
Chị Kiều Ngọc từng lãnh đạo nhiều cuộc biểu tình ở Australia, Châu Âu chống sự bá quyền của Trung Quốc và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Trong một clip trên trang Human Rights Youth, chị Kiều Ngọc nói: “Qua những sinh hoạt của phong trào, giới trẻ sẽ không còn thờ ơ trước những khổ đau của đồng loại, thay đổi não trạng của thanh thiếu niên về lý tưởng cần nhắm tới trong cuộc đời, và làm dấy lên những phong trào đấu tranh, sát cánh với cộng động, nhằm khôi phục quyền làm người.”
Sinh năm 1980 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chị Trần Kiều Ngọc, đến Australia định cư khi 7 tuổi, từng là Hội trưởng của Hội Sinh viên Học sinh Việt Nam tại Đại học Adelaide.
Tháng 5/ 2016, chị Kiều Ngọc kêu gọi một số các bạn trẻ thành lập Phong trào Giới trẻ Vì Nhân quyền và chị giữ giai trò chủ tịch của tổ chức này.
https://www.voatiengviet.com/a/hai-thanh-nien-goc-viet-nhan-giai-thuong-o-canada-va-uc/4694123.html
Phân Tích Kết Quả Bầu Cử Sau Cùng Tại Quận Cam
Luật Sư Nguyễn Quốc Lân
Kết quả bầu cử sau cùng đã được công nhận (certified) và các ứng cử viên thành công đã bắt đầu tiến hành tuyên thệ nhậm chức. Tỉ lệ tham gia bầu cử thật đông của tất cả mọi thành phần cử tri đã biến thành một cơn sóng xanh (blue wave) và đánh bại hầu hết các dân cử thuộc Đảng Cộng Hòa tại Quận Cam và biến một khu vực được coi là cứ địa của Đảng Cộng Hòa bỗng nhiên biết mất vì hầu hết các vị dân cử cấp liên bang và tiểu bang đều bị thất cử. Báo cáo sau cùng cho thấy có đến 71% cử tri tại Quận Cam tham gia bầu cử, một tỉ lệ cao nhất cho một cuộc bầu cử giữa mùa (midterm) vì không có tranh cử tổng thống từ trước đến nay. Thêm vào đó, các thống kê cho thấy tỉ lệ tham gia bầu cử của các cử tri gốc La Tinh đã tăng hơn 50% và cử tri cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa cũng gia tăng rất cao.
Tuy nhiên, kết quả sau cùng không có tác dụng nhiều đối với các ứng cử viên gốc Việt, ngoại trừ trường hợp TNS Janet Nguyễn. Tuy nhiên, đây là một cảnh báo nghiêm trọng đối với tất cả các ứng cử viên gốc Việt trong các kỳ bầu cử sắp tới.
Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang, Đơn Vị 34. Kết quả sau cùng cho thấy TNS Janet Nguyễn đã thua 3,089 phiếu và theo đó, ông Tom Umber đã đắc cử vào chức vụ TNS Tiểu Bang trong đơn vị này. TNS Janet đã dẫn đầu hơn 12,723 phiếu sau đêm bầu cử ngày 6 tháng 11. Tuy nhiên, sau hơn 3 tuần đếm phiếu, TNS Janet Nguyễn đã mất hết số phiếu dẫn đầu và còn thua lại đến 3,089 phiếu. Tại Quận Cam, TNS Janet Nguyễn chỉ hơn có 2 phiếu mà thôi trong số 236,248 phiếu được đếm trong khu vực tranh cử này. Các yếu tố khó khăn phần lớn là do khu vực này có đông cử tri ghi danh theo Đảng Dân Chủ, có khu vực phiá Santa Ana nơi có đông cư dân gốc La Tinh mà đa số ghi danh theo Đảng Dân Chủ cộng với một khu vực nhỏ thuộc Thành Phố Long Beach nơi có đông cử tri gốc La Tinh và ghi danh theo Đảng Dân Chủ. Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng là phương thức tranh cử của TNS Janet Nguyễn đã nhắm vào đánh phá các ứng cử viên gốc Việt khác hay hỗ trợ các ứng cử viên đối thủ của các ưcv gốc Việt trong cùng khu vực tranh cử nhưng không liên hệ đến cuộc tranh cử của bà ta.
Dân Biểu Tiểu Bang, Đơn vị 72. Dân Biểu Tyler Diệp sau cùng vẫn dẫn đầu được 5,141 phiếu để được đắc cử lần đầu tiên vào chức vụ Dân Biểu Tiểu Bang trong khu vực mà có đông người Việt Nam nhất. Mặc dầu khu vực Dân Biểu 72 nằm cùng trong khu vực 34 của TNS Janet Nguyễn, nhưng nhỏ hơn, ít có cử tri ghi danh theo Đảng Dân Chủ hơn và không có khối cử tri gốc La Tinh lớn như tại Thành Phố Santa Ana. DB Tyler Diệp đã dẫn đầu với 8,550 sau đêm bầu cử phiếu nhưng sau đó chỉ mất đi 3,409 phiếu theo kết quả sau cùng. Đây là một thành tích rất đặc biệt so với các ứng cử viên thuộc Đảng Cộng Hòa khác tại Quận Cam cũng như trên toàn California. Thành tích này đã chứng tỏ cho các thế lực chính trị trên toàn Cafornia về ảnh hưởng của khối cử tri gốc Việt nếu biết đoàn kết để bảo vệ quyền lợi và tiếng nói của mình. DB Tyler Diệp đã trở thành đại diện duy nhất cho cộng đồng Việt Nam trên toàn California tại Nghị Hội California.
Cảnh Sát Trưởng Quận Cam (Orange County Sheriff). ƯCV Duke Nguyễn đã thất bại, nhưng với một số phiếu về nhì là 430,353 phiếu so với 508,757 của ƯCV Don Barnes đã đắc cử. Đây là một kết quả rất đáng nễ đối với một cảnh sát viên gốc Việt, tranh cử lần đầu tiên và đối đầu với một ưcv được hậu thuẫn của của các công đoàn cảnh sát và hầu hết thế lực chính trị tại Quận Cam. Vì không có nhiều tiền nên ưcv gốc Việt đã không vận động tranh cử nhiều, ngay cả trong cộng đồng người Việt tại đây. Trên toàn Quận Cam chỉ có khoảng 100,000 cử tri gốc Việt. Tuy nhiên kết quả này không khỏi khiến các quyền lực tại Quận Cam suy nghĩ đến ảnh hưởng của khối cử tri gốc Việt tại Quận Cam.
Thành Phố Westminster. Kết quả sau cùng cho thấy Thị Trưởng Tạ Đức Trí đã đắc cử vào chức vụ thị trưởng nhiệm kỳ 4 năm lần đầu tiên tại TP Westminster với tổng số 18,344 phiếu, tức 72.73%. Tỉ lệ này đã cho thấy Thị Trưởng Tạ Đức Trí không những đã được sự hậu thuẫn rộng rãi của khối cử tri gốc Việt, mà ngay cả trong khối cử tri các sắc dân khác.
Trong số 13 ưcv tranh cử vào 2 ghế nghị viên thành phố Wesminster, cả hai người đắc cử là ưcv gốc Việt, đó là Tài Đỗ và Chí Charlie Nguyễn, và vượt xa ưcv về hạng ba, Jamison Power, đương kiêm Uỷ Viên Giáo Dục Học Khu Westminster, đến 1,011 phiếu. Trong số các ưcv gốc Việt tranh
cử vào hai chức vụ này cũng đã sắp hạng rất cao, như Amy West về 5 với 5,566 phiếu; Frances Nguyễn Thế Thủy về 6 với 3,899 phiếu, Andy Quách về 7 với 2,235 phiếu hay Samantha Bảo Anh Nguyễn về 8 với 2,093 phiếu. Mặc dầu tình trạng chia phiếu trong số các cử tri gốc Việt đã xảy ra, các cử tri gốc Việt đã chứng tỏ sự cân nhắc trong việc chọn lựa các ưcv xứng đáng nhất cho họ. Kết quả này cũng đã chứng tỏ là không ai có thể coi thường ảnh hưởng của khối cử tri gốc Việt tại Westminster.
Theo kết quả bầu cử này, Hội Đồng Thành Phố Westminster có đến 4 trong số 5 thành viên là nghị viên gốc Việt. Hiện tượng này là một thành quả tốt, những cũng tạo nên một trách nhiệm rất lớn đối với vị thị trưởng và đa số các nghị viên gốc Việt.
Thành Phố Garden Grove. Cả hai chức vụ của đương kiêm nghị viên gốc Việt đều được đắc cử. Nghị Viên Nguyễn Thu-Hà, Khu Vực 3, đã đắc cử với tổng số 4,270 phiếu (71.61%) và Nghị Viên Phát Bùi, Khu Vực 4, đã về nhất với 2,664 phiếu (40.06%). Trong khu vực tranh cử với Nghị Viên Phát Bùi, ƯCV Mark Anthony Paredes đã về nhì với số phiếu là 2,383 phiếu (34.33%) và ưcv gốc Việt khác là Joe Đỗvinh đã về 3 với 1,703 phiếu (25.61%). Kết quả này đã cho thấy sự rạn nứt trong khối cử tri gốc Việt đối với Nghị Viên Phát Bùi vì ông ta cũng là Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Miền Nam California, một trong hai tổ chức đại diện cộng đồng tại khu vực này và cùng tranh cử sát cánh với TNS Janet Nguyễn. Trước ngày bầu cử, nhiều người lo ngại về tình trạng chia phiếu tại đây vì có hai ưcv gốc Việt chia phiếu của nhau để tạo điều kiện cho một ưcv không phải gốc Việt có thể dễ thắng hơn.
Thành Phố Fountain Valley. Nghị Viên Michael Võ đã về nhất và đắc cử vào nhiệm kỳ thứ 2 với tổng số 8,857 phiếu (16.48%) trong số 8 ưcv trong đó có hai ưcv gốc Việt khác, đó là Tom Nguyễn, về 5 với 6,259 phiếu (11.65%) và Tâm Nick Lecông về chót với 4,035 phiếu (7.51%). Kết quả này cho thấy Thị Trưởng Nghị Viên Michael Võ đã được sự hậu thuẫn rộng rãi của các cử tri gốc Việt lẫn các sắc dân khác. Thành Phố Fountain Valley không có nhiều cư dân gốc Việt và cư dân tại đây không thích khuynh hướng phát triển đô thị như phương thức trong các thành phố chung quanh hay trong khu Little Saigon. Thành tích của NV Michael Võ đã chứng tỏ sự đón nhận của TP Fountain Valley trong việc tiếp đón sự phát triển của khu Little Saigon vào thành phố này.
Đặc Khu Sở Vệ Sinh Midway City. Giám Đốc Andrew Nguyễn đã về nhất trong số 5 ưcv với 13,769 phiếu (23.50%), vượt qua cả các ứcv tên tuổi trong khu vực Westminster như đương kiêm Nghị Viên Sergio Contreras, về nhì với 13,410 phiếu (22.89%) và Cựu Thị Trưởng Margie Rice, về ba với 13,240 phiếu (22.60%). Kết quả này đã bứng đương kiêm Giám Đốc Frank Cobo ra khỏi chức vụ này. Đây là một lần nữa các ưcv kỳ cựu, có tên tuổi trong khu vực này đã bị các ứcv gốc Việt tranh cử lần đầu tiên bứng ra khỏi chức vụ.
Học Khu Westminster. Tiến sĩ Xavier Nguyễn, một người trẻ 26 tuổi, đã về nhất với 1,847 phiếu (54.69%), vượt xa ưcv đối thủ, Virginia Torres, về nhì với 1,144 phiếu (33.88%). Tiến Sĩ Xavier chỉ có khoảng $6,000 ra tranh cử lần đầu tiên tại đây đã phải đương đầu với một cô giáo về hưu, được sự hỗ trợ mạnh mẽ của công đoàn giáo chức với hàng chục ngàn tiền vận động, ngay cả trên các cơ quan truyền thông Việt Nam.
Cũng trong kỳ bầu cử này, Ủy Viên Khanh Quang Nguyễn không phải tranh cử vì không có đối thủ. Với sự đắc cử của Ts Xavier Nguyễn, Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Westminster sẽ có 3 trong số 5 thành viên là ủy viên gốc Việt, đó là hai uỷ viên trên đây cộng với Uỷ Viên Frances Nguyễn Thế Thủy, tạo nên quyền đa số là gốc Việt lần đầu tiên tại học khu này.
Đặc Khu Sở Thủy Cục Quận Cam. Luật sư Dina Nguyễn đã được tái đắc cử vào nhiệm kỳ hai với tổng số 28,419 phiếu (84.19%). Luật Sư Dina Nguyễn là cựu Nghị Viên Thành Phố Garden Grove và hiện là uỷ viên giáo dục trong Học Khu Garden Grove.
Học Khu Garden Grove. Luật sư Nguyễn Quốc Lân đã được đắc cử vào nhiệm kỳ thứ 5 tại đây nhưng không phải tranh cử vì không có đối thủ. Luật sư Nguyễn Quốc Lân đã được đắc cử vào chức vụ này từ năm 2002 và hiện nay là vị dân cử gốc Việt thâm niên nhất tại California, và thứ hai tại Hoa Kỳ, sau Dân Biểu Tiểu Bang Hubert Võ tại khu vực Houston, Texas.
Kết Luận
Kết quả sau cùng cho thấy cử tri gốc Việt đã tham gia đi bầu rất đông, nhưng kết quả này đã không đông hơn so với các khối cử tri khác, như khối cử thuộc Đảng Dân Chủ hay gốc La Tinh. Lợi điểm xử dụng phiếu khiếm diện của khối cử tri gốc Việt đã không còn hiệu quả như nhiều năm trước đây vì hầu hết các cử tri khác cũng đã xử dụng phương thức bầu khiếm diện (qua bưu điện) nhiều hơn hẳn. Trong các kỳ bầu cử sắp tới, các khối cử tri Dân Chủ và gốc La Tinh sẽ tham gia bầu cử với mức đông hơn nữa vị họ đã có sẵn phương thức hiệu quả, hiểu rằng phương thức đó sẽ đem lại hiệu quả và đương nhiên các ứng cử viên gốc Việt sẽ ở thế bất lợi.
Để đối phó với hiện tượng này, khối cử tri gốc Việt sẽ thực hiện các tiến trình sau đây:
1. Vận động tham gia đi bầu đông hơn, ghi danh bầu cử nhiều hơn và tuyệt đối không bỏ sót phiếu nào vì không ghi danh, không tham gia đi bầu hay không gởi lại phiếu bầu khiếm diện sau khi nhận được phiếu bầu từ Phòng Ghi Danh Bầu Cử.
2. Tiến hành kế hoạch vận động ghi danh bầu cử liên tục với mọi thành phần trong cộng đồng chứ không đợi đến mùa bầu cử vì khi đó vấn đề chia rẻ trong cộng đồng rất dễ xảy ra.
3. Thêm vào đó, khối cử tri gốc Việt cần nên cân nhắc phiếu bầu của mình vì quyền lợi và tiếng nói của cộng đồng hơn là quyền lợi và chính sách của đảng phái.
https://vietbao.com/p122a288483/phan-tich-ket-qua-bau-cu-sau-cung-tai-quan-cam
Mối nguy từ các dự án đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam
Trong thời gian qua báo chí đã nói về bẫy nợ của Trung Quốc đối với một số quốc gia. Nay phải chăng sắp đến lượt Việt Nam cũng sẽ sập chiếc bẫy nợ này ? Hiện giờ, Việt Nam chưa đi đến tình trạng đó, nhưng trước mắt rõ ràng là Việt Nam đang đối diện với nhiều nguy cơ từ các dự án đầu tư của Trung Quốc.
Trong một báo cáo vào tháng 08/2018 gởi thủ tướng Việt Nam về Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn viện trợ phát triển ODA và vốn vay ưu đãi, bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nợ Trung Quốc. Theo báo cáo này, vốn gọi là « ưu đãi » của Trung Quốc cho Việt Nam thật ra cũng tương tự các khoản vay tín dụng xuất khẩu, tức là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc) và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam.
Cụ thể, bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết vốn vay Trung Quốc có lãi suất là 3%/năm, cao hơn vốn vay của Nhật Bản (0,4 – 1,2%), Hàn Quốc (0-2%) hoặc Ấn Độ (1,75%). Chưa kể phí cam kết 0,5% và phí quản lý 0,5%. Thời hạn vay vốn của Trung Quốc là 15 năm và thời gian ân hạn là 5 năm, cả hai đều thấp hơn so với các nhà tài trợ khác. Các khoản vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc được cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).
Báo cáo nói trên của bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt nhấn mạnh là một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc « thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư… ảnh hưởng hiệu quả đầu tư ».
Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam vay nợ nhiều từ Trung Quốc đang góp phần khiến quan hệ giữa hai nước ngày càng bất đối xứng :
« Quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc hiện đang xuất hiện sự bất bình đẳng, bất đối xứng với Trung Quốc, tức là Việt Nam vay nợ của Trung Quốc rất nhiều, vay nợ trong lĩnh vực điện, xây các nhà máy điện than với công nghệ Trung Quốc, gây ô nhiễm và gây phản ứng không hài lòng, tiêu cực trong dân chúng. Ngoài ra, nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc rất lớn. Đấy là hai yếu tố tạo nên sự bất bình đẳng và không cân bằng trong quan hệ giữa hai nước.
Việt Nam không được hưởng chính sách lãi suất vay nợ ưu đãi về lãi xuất và các điều kiện chi trả. Các dự án mà Việt Nam nhận đầu tư của Trung Quốc chủ yếu là do tập đoàn điện lực EVN ký kết, theo phương thức « chìa khóa trao tay » và công nhân Trung Quốc thực hiện xây lắp các công nghệ Trung Quốc, hoàn thành và chuyển giao cho Việt Nam. Sự giám sát của Việt Nam đối với các dự án này cũng không được thực hiện, mà việc giám sát là do các cơ quan của Trung Quốc thực hiện.
Cho nên đã có nhiều sự lo ngại về việc các dự án đó không bảo đảm về mặt kỹ thuật, cũng như gây ô nhiễm môi trường ».
Theo báo chí trong nước, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy trong số 19 dự án nhiệt điện đầu tư theo phương thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao ), có 3 dự án có sự tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc với cổ phần chiếm đa số chi phối. Đó là dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Vũng Áng 2 và Vĩnh Tân 3. Ngoài ra, tuy không góp mặt với tư cách chủ đầu tư, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã trúng thầu các dự án nhiệt điện ở Việt Nam. Chẳng hạn như nhà thầu KAIDI đã lần lượt trúng thầu các dự án như Nhà máy điện Thăng Long, Nhà máy điện Hải Dương và Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả 3, Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê.
Trong một bài báo đăng trên mạng ngày 02/12/2018, tờ Dân Trí cho biết chính bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã nhìn nhận rằng trong thời gian qua có nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các dự án của Việt Nam, nhưng trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số tình trạng như : thi công chậm tiến độ, chất lượng của hàng hóa, công trình sau khi hoàn thành không cao, công trình xuống cấp nhanh sau khi hết hạn bảo hành… Nhiều chủ đầu tư đã buộc phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc, kể cả chấp nhận bị kiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu lên nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhà thầu Trung Quốc trúng thầu. Đó là những dự án đó sử dụng vốn vay của Trung Quốc, mà để vay vốn Trung Quốc thì Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu như một điều kiện vay.
Trước đây, vào năm 2016, Trung Quốc cũng đã đề nghị cho Việt Nam vay 300 triệu đôla để thực hiện dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Nhưng chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã từ chối. Tháng 10/2018, Sở Giao thông Vận tải tỉnh này vừa thông báo đã giao cho 3 nhà đầu tư Việt Nam thực hiện dự án, với mức vốn gần 500 triệu đôla. Theo dự kiến dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 12.
Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Trung Quốc đã tỏ ra « hào phóng » với dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái chính vì đây là một dự án có lợi cho Trung Quốc, nhất là vì Vân Đồn rất có thể sẽ là một đặc khu kinh tế dành riêng cho Trung Quốc :
« Dự án Vân Đồn – Móng Cái rõ ràng là mang lại lợi ích lớn cho Trung Quốc. Nếu có dự án này thì hàng hóa Trung Quốc, du khách Trung Quốc sẽ có thể sang Việt Nam một cách dễ dàng. Dự án luật đặc khu, mà đã bị người dân phản đối rất gay gắt và chính phủ đã phải tạm dừng trình Quốc Hội, có dự trù là công dân Trung Quốc có thể vào Việt Nam mà không cần visa để kinh doanh, đầu tư tại Vân Đồn. Tôi hy vọng là nếu dự luật được trình ra, những điều mà người dân đã có phản ứng sẽ được xem xét một cách thận trọng và thỏa đáng ».
Hy vọng là dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ không rơi vào tình trạng giống như dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội, một dự án vay vốn của Trung Quốc, vừa bị chậm trễ, vừa bị đội giá rất nhiều. Tờ Tiền Phong trong một bài báo đăng trên mạng ngày 30/10/2018 cho biết công trình này theo dự kiến lẽ ra đã hoàn thành từ tháng 6/2015, nhưng cho đến nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Còn vốn đầu tư cho dự án ban đầu được dự kiến là 552 triệu đôla, nhưng nay đã tăng lên tới gần 900 triệu đôla, tức là tăng gần 40%.
Với 552 triệu đôla tiền vay ODA Trung Quốc để thực hiện dự án Cát Linh – Hà Đông và với lãi vay thương mại ưu đãi trung bình 3%/năm, nhiều chuyên gia cho rằng, mỗi năm phía Việt Nam phải trả khoảng 240 tỷ đồng tiền lãi (tương đương 600 triệu đồng/ngày).
Còn với khoản lãi vay tăng thêm do dự án bị đội giá, Việt Nam phải trả nợ trong vòng 9 năm cho ngân hàng China EximBank của Trung Quốc từ tháng 01/2016 đến 15/11/2025. Cộng cả hai khoản vay, mặc dù dự án chưa hoàn thành, nhưng mỗi ngày phía Việt Nam đang phải trả cho Trung Quốc cả lãi lẫn gốc khoảng 2,4 tỷ đồng.
Nhưng làm thế nào để tránh cho các nhà thầu Trung Quốc liên tục thắng thầu ? Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, biện pháp cần thực hiện là Việt Nam « phải tự chủ về vốn, tránh việc vay vốn Trung Quốc quá nhiều ».
Tiến sĩ Lê Dăng Doanh thì đề nghị chính phủ phải xét lại các quy định, luật lệ về đầu tư và đấu thầu :
« Thủ thuật của Trung Quốc là lợi dụng luật đầu tư và luật đấu thầu của Việt Nam là người nào bỏ thầu giá thấp nhất thì sẽ được chấp nhận. Các nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu với giá rất thấp cho nên luôn thắng thầu. Sau khi họ thắng thầu và tiến hành xây dựng thì công trình đó đội giá lên gấp nhiều lần, như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông của Hà Nội hiện nay, đang gây sự chú ý của dư luận.
Cho nên, Việt Nam cần phải điều chỉnh quá trình xét duyệt các dự án của Trung Quốc và điều chỉnh các điều kiện của luật đất thầu, để tránh rơi vào cái bẫy của Trung Quốc, tức là chào thầu rất rẻ, nhưng cuối cùng Việt Nam phải trả một cái giá rất đắt, với một công nghệ rất kém, với nhiều yếu tố môi trường mà người dân rất quan tâm ».
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181210-moi-nguy-tu-cac-du-an-dau-tu-trung-quoc
Ông Nguyễn Thiện Nhân muốn giải quyết dứt điểm
vấn đề Thủ Thiêm trong năm 2019
Bí thư Thành ủy thành phố vào hôm 10/12 yêu cầu tập trung giải quyết vấn đề Thủ Thiêm theo hướng có lợi nhất cho người dân và khẳng định vấn đề Thủ Thiêm sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm 2019.
Mạng báo VnExpress dẫn lời phát biểu như vừa nêu của ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư thành Ủy thành phố tại buổi trao quyết định cho ông Trần Văn Thuận làm bí thư quận 2 thay thế ông Nguyễn Hoài Nam vừa bị khởi tố hôm 8/12 vì những sai phạm liên quan đến đất đai ở quận 2.
Theo ông Nhân, TPHCM là trung tâm lớn nhất nước và trách nhiệm chính trị rất lớn nên vấn đề Thủ Thiêm phải tự giải quyết chứ không để trung ương giải quyết thay. Ông yêu cầu quận 2 tập trung giải quyết 2 nhiệm vụ chính là giải thích và chăm lo cho bà con Thủ Thiêm về chính sách bồi thường, phòng ngừa người dân bị lợi dụng, kích động.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thiện Nhân còn khẳng định rằng, đây là thời điểm thuận lợi nhất để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm, bởi vì đã có kết luận thanh tra của Chính phủ. Do đó, ông yêu cầu giải quyết dứt điểm vấn đề Thủ Thiêm trong năm 2019 và không để khiếu kiện kéo dài.
Cũng tại buổi làm việc, tân bí thư thành ủy quận 2 ông Trần Văn Thuận hứa sẽ tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề Thủ Thiêm và hứa sẽ gặp hết 321 hộ dân ở khu 4,3 ha từ nay đến ngày 15/1/2019 để có kế hoạch giải quyết cụ thể.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một siêu dự án với gần 15.000 hộ dân thuộc diện phải di dời. Từ khi Thủ tướng ký quyết định 367 phê duyêt quy hoạch Thủ Thiêm vào 4/6/1996 đến nay, quá trình triển khai dự án đã trải qua 4 đời chủ tịch nhưng hàng trăm hộ dân Thủ Thiêm vẫn ròng rã khiếu kiện những quyết định đền bù và di dời mà họ cho là không hợp lý suốt hơn 20 năm qua.
Báo Nga: TBT Trọng Sẽ Bắt Nguyễn Tấn Dũng?
Báo Sputnik thuộc thông tấn chính phủ Nga từ Moscow, Nga, nêu ra viễn ảnh có thể rằng Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng sẽ lấy cớ tham nhũng để bắt Cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng…
Sputnik nêu câu hỏi: Mọi con đường đều dẫn tới Kiên Giang?
Bởi vì, các quan chức mới bị bắt vừa qua — 1. Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV; 2. Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng GĐ BIDV; 3. Kiều Đình Hòa, nguyên GĐ BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh; 4. Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh — là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Bản tin Sputnik viết ra một viễn ảnh như thế.
“Nếu không có gì thay đổi đột biến về phương châm đánh tham nhũng, cứ đà như hiện nay thì 100% những nhân vật đứng sau lưng Trần Bắc Hà sẽ bị khởi tố”.
“Việc bắt giữ ông Trần Bắc Hà và các đồng phạm là hoạt động bình thường của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trong tiến trình đấu tranh chống tham nhũng được vạch ra tại Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chứ không hề có điều gì bất bình thường ở đây”.
Trên đây là một số bình luận mà những nguồn tin đáng tin cậy phát biểu với Sputnik, liên quan tới việc đại gia ngân hàng Trần Bắc Hà bị công an Việt Nam bắt hôm 29/11.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều tối 03/12, Chánh văn phòng Bộ Công an — Thiếu tướng Lương Tam Quang cho biết, liên quan tới việc cơ quan công an khởi tố bắt giam ông Trần Bắc Hà — cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV cùng 3 thuộc cấp, Cơ quan Cảnh sát điều tra hiện đang thu nhập, củng cố chứng cứ và thu hồi tài sản theo đúng quy định.
Sputnik cũng viết, hiểu rằng Đồng chí X là chỉ ông Nguyễn Tấn Dũng:
“Song song với quan điểm như của Đại tá Nguyễn Minh Tâm, thì tồn tại những ý kiến khác cho rằng “mọi đầu mối từ các ngân hàng đều dẫn đến “Bình ruồi” (Ủy viên bộ chính trị kiêm Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình) và mọi con đường đều dẫn tới Kiên Giang (quê hương của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng).”
“Cả 3 đại ca: Kiên bạc, Trầm Bê & Bắc Hà — tuy mỗi người có một kiểu sai phạm riêng nhưng tất cả đều có 3 điểm chung: thứ nhất, họ đều là đồ đệ của đồng chí x. Thứ hai, họ đều lũng đoạn thị trường tài chính nhằm mưu lợi cho nhóm sân sau của x. Thứ ba, họ đều có mối liên hệ đến sự phình ra của Bản Việt. Trần Bắc Hà là mối dây, là nút thắt cuối cùng để mở ra cánh cửa nhà tù dành cho chủ của Bản Việt (Nguyễn Thanh Phượng, con gái của Nguyễn Tấn Dũng)”, — một nguồn tin khác ở Việt Nam nói với phóng viên Sputnik.
“Nếu không có gì thay đổi đột biến về phương châm đánh tham nhũng, cứ đà như hiện nay thì 100% những nhân vật đứng sau lưng Trần Bắc Hà sẽ bị khởi tố”. Hiện nay, những vụ đặc biệt lớn, đặc biệt nghiêm trọng do Ban Chỉ đạo 110 (Ban Bí thư TW) trực tiếp chỉ đạo”, — một chuyên gia về chủ đề chống tham những ở Việt Nam phát biểu với Sputnik.”
Chưa rõ ông Trọng có vây nổi ông Dũng hay không…
https://vietbao.com/p122a288464/2/bao-nga-tbt-trong-se-bat-nguyen-tan-dung-
Việt Nam mua 3 máy bay trinh sát
không người lái hiện đại của Israel
Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Israel (IAI) vừa ký hợp đồng bán ba máy bay trinh sát không người lái hiện đại cho chính phủ Việt Nam với giá 160 triệu đôla.
Máy bay không người lái cỡ lớn Heron 1 sẽ được quân đội Việt Nam sử dụng cho các nhiệm vụ thường lệ, trong đó có việc tuần tra trên biển – theo báo Jerusalem Post.
Truyền thông châu Á nói các chiếc Heron 1 mà Việt Nam mua được IAI thiết kế có thể cất cánh, hạ cánh hoàn toàn tự động, kể cả trong điều kiện thời tiết phức tạp, để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và các hoạt động giám sát chiến lược. Heron 1 có tầm hoạt động khoảng 350 km trong khoảng thời gian lên tới 50 giờ và có thể mang tải trọng lên tới 250kg.
Công ty IAI từ chối bình luận về các tin tức này.
Tháng trước, IAI không tranh được thầu cung cấp máy bay không người lái cho quân đội Bỉ và Australia trị giá hàng trăm triệu đôla. Công ty General Atomics của Mỹ giành được các hợp đồng đó.
(Theo The Jerusalem Post, Globes)