Tin Việt Nam – 10/11/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 10/11/2019

Nhà hoạt động nhân quyền Châu Văn Khảm

bị cáo buộc tội ‘khủng bố’

Phiên tòa xét xử ông Châu Văn Khảm, bị cáo buộc khủng bố sẽ diễn ra tại Sài Gòn vào ngày 11/11 tới.

Một nhóm người Úc gốc Việt trên Change.org đang thu thập chữ ký‎ để gửi lên Thủ tướng Úc Scott Morrison với kỳ vọng sẽ can thiệp cho trường hợp ông Khảm.

Cộng đồng Người Việt tự do tiểu bang News South Wales, Úc, cũng lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 11/11 với mục đích là đưa thông tin đến chính giới, cộng đồng chính mạch và cộng đồng người Việt về trường hợp của ông Khảm.

Cộng đồng Việt tại Úc kêu gọi tự do cho ông Châu Văn Khảm

Thành viên Đảng Việt Tân nghi bị bắt ở VN

Tháng 1 năm nay, ông Khảm bị bắt khi ông đang về Viêt Nam và gặp một nhà hoạt động thuộc nhóm Anh em Dân chủ nhằm “tìm hiểu thực tế” về tình hình nhân quyền tại nước này.

Ông cũng bị phát hiện là đã dùng giấy tờ giả để từ Campuchia vào Việt Nam.

Ông Khảm ban đầu bị điều tra vì vi phạm Điều 109 Bộ luật Hình sự Việt Nam vì “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” – một tội danh mang án tử hình hoặc tù chung thân trong những vụ án nghiêm trọng nhất.

Tuy nhiên, trong bản cáo trạng của Viện Kiểm sát, ông Khảm bị truy tố tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.”

Theo điều 113 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, hành vi này có thể bị phạt tù từ 12 đến 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

Ông Paul Huy Nguyễn, Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại tiểu bang New South Wales, Úc, nói với BBC News Tiếng Việt chiều 7/11 rằng “Thông thường, khi một người dùng giấy tờ giả vào một quốc gia thì người ta có thể trục xuất. Đằng này họ lại cáo buộc với tội danh khủng bố và hoạt động chống chính quyền nhân dân.”

Còn Chủ tịch đảng Việt Tân Đỗ Hoàng Diễm trước đây trong chuyến đến Úc châu từng nói với đài ABC rằng, “khi phải đối mặt với một chế độ vô luật pháp như vậy, những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động mà tên của họ đã nằm trong danh sách đen [của chính quyền] không còn cách nào khác ngoài việc tìm một cách khác để vào Việt Nam.”

Về cáo buộc chính là các hoạt động khủng bố, luật sư của ông Khảm, ông Trịnh Vĩnh Phúc nói với Cơ quan Truyền thông Úc (ABC) rằng:

“Họ gọi ông ấy là một kẻ khủng bố. Nhưng trên thực tế, khi ông ấy đến Việt Nam, ông ấy không phải là một kẻ khủng bố . Ông ta không có ý định tiến hành một hành động khủng bố,” ông Phúc nói.

“Có tổ chức Việt Tân ở Úc – nhưng liệu đây có phải là tổ chức khủng bố hay không? Nếu không phải, thì không thể buộc tội ai đó là khủng bố bởi họ là thành viên của tổ chức đó,” ông Phúc nói, theo ABC.

Ngay trước khi phiên toàn xét xử ông Khảm diễn ra, ông Phúc nói với BBC News Tiếng Việt biết là ông không tiện phát biểu trước các quan điểm mà mình sẽ biện hộ tại tòa.

Còn con trai út của ông Châu, Dennis Chau, nói với ABC rằng, việc cha anh bị bắt đã gây tổn hại cho gia đình ông.

“Tôi lo lắng cho sức khỏe của cha tôi trong thời gian ông bị cầm tù,” anh nói.

Cộng đồng muốn tác động lên chính giới Úc

Trước đây, Cộng đồng người Việt tự do Úc châu và ở tiểu bang New South Wales đã nhiều lần kêu gọi trả tự do cho ông Khảm.

Các hoạt động như tổ chức thắp nến cầu nguyện ở Sydney từng được tổ chức.

Ông Paul Huy Nguyễn cho biết, kết quả quan trọng của các hoạt động như vậy là đã vận động các dân biểu ở các khu vực có đông cử tri gốc Việt quan tâm đến tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam nói chung cũng như trường hợp ông Khảm nói riêng.

Từ đó, họ có tiếng nói trên Quốc hội Úc liên quan đến các vấn đề này. Đồng thời, vận động các bộ, ngành của Úc nhất là Bộ Ngoại giao để từ đó có thể tác động với chính quyền Việt Nam để trả tự do cho ông Khảm và những người liên hệ.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 8 năm nay, theo đài SBS, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã không xác nhận là ông có nêu trường hợp của ông Khảm với nước chủ nhà hay không, mà chỉ nói những chuyện thế này thường không được công khai.

Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) nói với đài ABC rằng, họ đang hỗ trợ lãnh sự cho một người đàn ông Úc bị giam giữ tại Việt Nam, nhưng nói “vì lý do riêng tư, chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết.”

Ông Châu Văn Khảm là ai?

HRW kêu gọi trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh

Thầy giáo dạy trò bài hát ‘Trả lại cho dân’ bị khởi tố

Ông Châu Văn Khảm, năm nay 70 tuổi. Ông nguyên là sĩ quan hải quân Việt Nam Cộng hòa.

Ông đến Úc tị nạn bằng thuyền vào năm 1982.

Ông là thành viên của nhóm Việt Tân tại Úc.

Đây là tổ chức mà Chính phủ Việt Nam gắn mác “khủng bố.”

Ông Paul Huy Nguyễn cho biết rằng, ông Khảm là người rất tích cực trong các hoạt động cộng đồng và nhất là các hoạt động đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50328021

 

Bão số 6 suy yếu,

cảnh giác thủy điện xả lũ trong khi mưa lớn

TTO – Tối 10-11, sau khi đi vào vùng biển gần bờ các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa, bão số 6 đã suy yếu. Tại tỉnh Phú Yên, thủy điện Sông Ba Hạ tăng lượng xả lũ lên 1.000m3/s trong khi trời đang mưa to.

Phú Yên sơ tán hàng ngàn người dân đến nơi an toàn tránh bão

Bão số 6 diễn biến bất thường, không được phép chủ quan

Nấu cơm, đem chăn gối đến trụ sở thôn tránh bão số 6

Hồi 20h, tâm bão số 6 ở ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 7h sáng 11-11, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Mưa lớn: Do ảnh hưởng của bão số 6, từ nay đến ngày 12-11 ở các tỉnh, thành từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to.

Lúc 23h, bão số 6 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 23 giờ, tâm áp thấp nhiệt đới ở ngay trên bờ biển các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Phú Yên: thủy điện Sông Ba Hạ tăng lượng xả lũ lên 1.000m3/s

Lúc 21h tối 10-11, thủy điện Sông Ba Hạ thông báo tăng lượng xả lũ điều tiết qua tràn 1.000m3/s, cùng với nước chạy máy phát điện, thủy điện này xả về hạ du 1.400m3/s. Hiện nay, mực nước lũ về hồ thủy điện này là 1.800m3/s.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Huy – trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đồng Xuân – cho hay hiện ở khu vực hồ chứa thủy điện La Hiêng 2 đang có mưa to, lưu lượng nước về hồ nhanh. Mực nước hồ thủy điện này lúc 20h đã vượt hơn mực nước thiết kế và đang chảy qua tràn với lưu lượng 224m3/s.

“Hiện sông Đa Lộc nước đã ở mức trên báo động cấp 2. Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình vì dự báo mưa lớn có thể gây ngập lụt nhanh trên địa bàn huyện” – ông Huy cho hay.

* Tại huyện Tây Hòa có 1 vụ chết người do điện giật, xảy ra khoảng 10h sáng. Anh N.M.H. (36 tuổi, ở xã Sơn Thành Đông) khi ra chái nhà sau kiểm tra đường dây điện bơm nước thì bị điện giật tử vong.

Ông Trần Hữu Thế – phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên – cho biết đây là trường hợp tai nạn do nạn nhân bất cẩn, không phải do bão gây ra.

Thông tin từ UBND tỉnh Phú Yên, có hơn 59.700 hộ dùng điện trên địa bàn tỉnh đã bị mất điện do sự cố bởi bão số 6 gây ra, chiếm khoảng 21,07% tổng lượng khách hàng của điện lực toàn tỉnh.

DUY THANH

https://tuoitre.vn/bao-so-6-suy-yeu-canh-giac-thuy-dien-xa-lu-trong-khi-mua-lon-201911102115446.htm

 

30 phụ nữ Việt bị cảnh sát Malaysia bắt tại một hộp đêm

Tin Vietnam.- Những hình ảnh phụ nữ Việt Nam phải đi sang xứ người bán thân tiếp tục làm đau lòng người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.

Báo Vietnamplus ngày 9 tháng 11 năm 2019 dẫn lại tin của hãng Bernama cho biết, cơ quan Cảnh sát nhập cư bang Perak của Malaysia đã bắt giữ 30 phụ nữ Việt Nam trong một hộp đêm tại đường CM Yusuf.

Những người phụ nữ bị bắt có độ tuổi từ 22 đến 35 tuổi, họ làm việc trong các dịch vụ “nhạy cảm”. Ngoài 30 phụ nữ này thì có 2 người đàn ông 40 tuổi, và 63 tuổi là chủ của hộp đêm cũng bị cảnh sát bắt giữ. Nhà chức trách Malaysia cho biết, những người phụ nữ Việt bị bắt vì đã vi phạm luật Nhập cư, và luật Cai quản cư trú của nước sở tại.

Hãng Bernama cho biết thêm, đây là vụ lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tháng qua đối với phụ nữ Việt Nam nhập cư trái phép vào Malaysia. Vụ trước đó là do cảnh sát thành phố Puchong, thuộc bang Selangor thực hiện bắt 20 phụ nữ Việt Nam có liên quan đến hoạt động mại dâm trong một căn hộ thuộc trung tâm thành phố Puchong vào đêm 26 tháng 9 năm 2019. Trong số 20 người bị bắt này, có một bé gái dưới 17 tuổi, được cho là nạn nhân của một đường dây mại dâm chuyên nghiệp.

Trước đó, vào tháng 5 năm 2019, cảnh sát bang Penang cũng đã bắt giữ 11 phụ nữ Việt Nam trong một hộp đêm do liên quan đến hoạt động mại dâm.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/30-phu-nu-viet-bi-canh-sat-malaysia-bat-tai-mot-hop-dem/

 

Dòng người VN quyết bỏ quê hương

vẫn không dừng: Vì sao?

Bùi Văn PhúGửi đến BBC News Tiếng Việt từ California

Tin về cái chết của 39 người Việt, được tìm thấy trong một xe thùng chở hàng đông lạnh tại khu công nghiệp ở Essex, Vương quốc Anh đã gây xúc động và được dư luận thế giới quan tâm trong hai tuần qua.

Cùng lúc nhiều người đặt câu hỏi vì sao Việt Nam, nay là đất nước đã có nhiều tiến bộ về kinh tế trong một phần tư thế kỷ qua để trở thành quốc gia có thu nhập bình quân ở mức trung bình cao, mà nhiều người vẫn rời quê hương bằng mọi cách bất chấp nguy cơ bỏ mạng xứ người.

Khi phải quyết định rời bỏ quê hương dù bằng con đường hợp pháp, hay tìm đường nhập cư bất hợp pháp, một người luôn cân nhắc giữa những yếu tố thúc đẩy và yếu tố lôi cuốn, gọi là “push and pull factors”.

Bắt 15 người trong xe thùng nghi đi lậu lậu vào Anh

Vụ 39 người chết: Nhiều người Việt tỏ ra ‘lạnh lùng’

Vụ 39 người chết: Dư luận tiếc thương nhưng tranh cãi

Những năm thập niên 1980 tôi làm việc trong các trại tị nạn ở Đông Nam Á, qua tiếp xúc với nhiều thuyền nhân, nguyên nhân họ ra đi gồm: sợ bị đàn áp bắt giam, tránh phải đi bộ đội để khỏi chết dưới tay Khmer Đỏ bên Campuchia, bị phân biệt đối xử vì thuộc gia đình cựu quân cán chính Việt Nam Cộng hoà, vì là người gốc Hoa, hoặc vì tôn giáo; hay ra đi để được học hành để có cuộc sống tốt đẹp hơn… Đó là những yếu tố thúc đẩy nhiều người ra đi.

Yếu tố lôi cuốn là thông tin từ thân nhân, bạn bè vượt biên vượt biển thành công. Họ được định cư, được trợ cấp tài chính để đi học, hay có việc làm, mua được xe ôtô trong một thời gian ngắn và còn có tiền

gửi về giúp gia đình. Ở các nước Mỹ, Canada, Úc, Hà Lan, Anh quốc nếu gia đình có con nhỏ mà thu nhập thấp còn được chính phủ trợ cấp mọi mặt.

Qua hình ảnh đứng bên chiếc xe ôtô, qua những thùng quà hay đôla gửi về giúp gia đình có đời sống khá hơn, xây được nhà mới cho bố mẹ, đó là những sự hấp dẫn, lôi cuốn người còn ở lại muốn rời bỏ quê hương.

Người vượt biển chắc còn nhớ câu nói trước khi từ biệt người thân: “Một là con nuôi má, hai là má nuôi con, ba là con nuôi cá”. Tuy chỉ một phần may mắn so với hai phần rủi ro, có thể tử nạn, nhưng cả triệu người đã ra đi bất chấp sóng dữ và hải tặc.

Bao nhiêu người đã vùi thây trên biển. Người viết đã nghe nhiều câu chuyện thảm thương trên biển và trực tiếp biết chục người, là con em của thân nhân và bạn bè đã ra đi mà không có tin tức cho đến nay. Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc ước tính số người chết trên biển lên đến hàng trăm nghìn.

Tại Quận Cam, California có một đài tưởng niệm thuyền nhân tử nạn với nhiều nghìn danh tính do thân nhân cung cấp được khắc trên những bia đá.

Làn sóng vượt biển nay không còn.

Việt Nam sau hơn phần tư thế kỷ đổi mới kinh tế đã có nhiều tiến bộ, mức sống của người dân được nâng cao gấp nhiều lần so với thời bao cấp, nhưng nhiều người vẫn muốn ra đi.

Ngày nay, sự kiện người dân di cư từ một quốc gia này đến một quốc gia khác sinh sống là bình thường vì mỗi năm có cả trăm triệu di dân trên thế giới.

Việt Nam chỉ chiếm phần nhỏ

Số người bỏ quê hương ra đi đông nhất là từ Ấn Độ, Mexico, Nga, Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan, Ukraine, Philippines với vài triệu mỗi năm, theo báo cáo năm 2018 của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM).

Cũng theo số liệu của IOM, số người Việt đi định cư ở nước ngoài không nhiều. Trong thời gian từ 1990 đến 2015 có 2,5 triệu người Việt di cư ra nước ngoài, trung bình một năm có 100 nghìn người.

Những quốc gia đón nhận nhiều di dân nhất là Mỹ, Đức, Nga , Ả-rập Saudi, Anh quốc.

Đông nhất chọn Hoa Kỳ vì nơi đây có chính sách di dân cởi mở, có hệ thống giáo dục đại học đứng hàng đầu thế giới, có nhiều công việc và nhiều cơ hội cho di dân tiến thân.

Di dân thành công ở Mỹ có nhiều tỉ phú, như Romesh Wadhwani (Symphony Technology Group), Douglas Leone (Sequoia Capital), Thomas Peterffy (Interactive Brokers Group), Andrew Cherng (Panda Express), Do Won Chang và Jin Sook (Forever 21), Elon Musk (Tesla), Sergey Brin (Google), Micky Arison (Carnival Cruises) là những thí dụ.

Trong hơn bốn mươi năm qua, người Việt đến Mỹ lập nên sự nghiệp trị giá cả tỉ đôla hay vài trăm triệu đôla có Hoàng Kiều, Chinh Chu, Lê Văn Chiêu, Trần Dũ, Triệu Phát, David Dương, Charlie Quy Ton.

Trong mọi ngành nghề đều có người Việt tài giỏi. Quân đội Hoa Kỳ có các tướng Lương Xuân Việt, Nguyễn Từ Huấn; truyền thông có Betty Nguyễn, Leana Nguyễn, Tini Trần; chính trường có Joseph Cao Quang Ánh, Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung), Trần Thái Văn, Janet Nguyễn, Hubert Võ, Trâm Nguyễn, Kathy Trần, Dean Trần, Bee Nguyễn; văn học có Nguyễn Thanh Việt, Ocean Vương, Andrew Lâm, Thi Bùi.

Người Việt ở Anh: Lỗ hổng thiên đàng và căn bệnh mãn tính

Đưa lậu người Việt: Điều tra băng đảng thứ hai

Hà Tĩnh khởi tố, bắt giữ hai người để điều tra đưa người sang Anh

Ông David Dương những năm đầu ở Mỹ đi thu lượm thùng giấy, trước khi thành lập công ty xử lý rác California Waste Solutions. Ông Lê Văn Chiêu từng đi bán thức ăn trưa bằng xe (lunch truck) trước khi có chuỗi cửa hàng bánh mì Lee’s Sandwich. Ông Charlie Quy Ton từng là thợ làm đẹp móng tay trước khi mở hàng trăm tiệm Regal Nails trong các trung tâm thương mại.

Đón nhiều di dân nhất là California. Tiểu bang với 40 triệu dân và có nền kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới nếu California là một quốc gia riêng biệt.

Người Việt cũng chuộng California, vì thế trong số 1,3 triệu người Việt ở Mỹ, 40% sinh sống ở California.

Một nghiên cứu của hai giáo sư Karl Jackson từ U.C. Berkeley và Jacqueline Desbarats từ U.C. Irvine vào đầu thập niên 1980 cho thấy nhiều người Việt đã di chuyển từ các tiểu bang khác về California trong đợt di cư thứ nhì sau năm 1975. Họ chọn California vì những lý do: có trợ cấp an sinh xã hội tốt, dễ tìm được việc làm, khí hậu tốt, có đông đồng hương, dễ tìm thức ăn Việt và California gần với quê hương Việt Nam hơn.

Người Việt đến Mỹ vào thập niên 1980, đúng lúc công nghệ điện tử bùng phát nên “chồng tách, vợ ly” (technician và assembly line) làm dây chuyền trong các hãng điện tử đã đem lại cuộc sống sung túc ổn định cho nhiều gia đình chỉ sau chừng vài năm.

Qua thập niên 1990 nhiều công ty bắt đầu chuyển ra nước ngoài thì chồng đi bỏ báo hay đi cắt cỏ, vợ làm thợ móng tay, vài năm sau cũng có thể làm chủ một cơ sở thương mại. Nghề làm “lunch truck” đi bán thức ăn trưa cũng có thu nhập khá để hai vợ chồng có thể mua được nhà sau vài năm.

Những ai muốn theo đuổi con đường học vấn cũng có nhiều cơ hội và trường để chọn theo học, từ hơn một trăm đại học cộng đồng, 23 đại học tiểu bang đến 10 trường trong hệ thống University of California đứng đầu thế giới, là nơi để nhiều người thoả mãn ước mơ có nghề chuyên môn như luật sư, kỹ sư, bác sĩ, khoa học gia, chuyên viên kinh tế, tài chính.

Muốn làm lao động trí óc “cổ trắng – white collar” hay lao động tay chân “cổ xanh – blue collar”

California có rất nhiều cơ hội.

Ngay cả những người nhập cư trái phép vẫn có thể đi học. Hai mươi lăm năm trước cử tri California bỏ phiếu chấp thuận dự luật 187 không cho người nhập cư bất hợp pháp được hưởng các dịch vụ y tế và giáo dục. Những tổ chức bảo vệ di dân đã kiện và sau đó hầu như toàn bộ luật này đã bị vô hiệu lực bởi những phán quyết của toà. Di dân không giấy tờ hợp pháp ở California nay vẫn được đi học từ lớp 1 đến lớp 12. Lên đại học có thể được trợ giúp tài chính.

California có nhiều việc ở những nông trại, thu hút di dân từ Nam Mỹ. Các dịch vụ làm nhà hàng, siêu thị, sơn móng tay, cắt cỏ, dọn dẹp cho các nhà thầu xây cất thường hấp dẫn người châu Á. Với di dân không phép, làm những công việc này tuy thu nhập không cao, cuộc sống không giàu, nhưng so với đời sống ở quê nhà vẫn khá hơn và còn có thể gửi tiền về giúp gia đình.

Sống không hợp pháp tại Mỹ, nhiều di dân tìm cách hợp thức hoá qua kết hôn để có thẻ xanh, rồi được thành công dân Mỹ. Nếu không được như thế, nhiều người hy vọng một ngày nào đó sẽ được ân xá để trở thành cư dân hợp pháp như đã có chính sách dưới thời chính quyền Reagan trong thập niên 1980 và chính quyền Clinton trong thập niên 1990.

Đó là lý do mà nhiều người Việt, là du học sinh, du khách hay công nhân xuất khẩu lao động, khi đã vào được Mỹ và nếu có cơ hội hầu hết đều tìm cách ở lại.

Chính sách mới về di dân của chính quyền Trump trong ba năm qua có làm giảm số người nhập cư vào Mỹ, nhưng môi trường giáo dục và thị trường lao động vẫn cho di dân nhiều cơ hội để thành công vì lúc này mức thất nghiệp tại Mỹ đang thấp nhất trong nửa thế kỷ qua.

Với thảm kịch 39 người Việt chết trong thùng xe hàng đông lạnh ở Anh, khi quyết định ra đi chắc chắn họ và người thân trong gia đình cũng đã phải cân nhắc giữa thành công và rủi ro trước khi quyết định bỏ ra một số tiền lớn để được dẫn đi.

Cuộc sống của người nhập cư bất hợp pháp ở Anh cũng giống như ở Hoa Kỳ. Một khi đã đến nơi họ có thể tìm được việc làm, không chỉ đủ nuôi sống bản thân mà còn giúp được gia đình.

Khi thông tin về cái chết của những nạn nhân được truyền đi qua mạng xã hội, kèm lời nhắn của một cô gái gửi cho bố mẹ ít phút trước khi chết vì ngộp thở, một số lời bình đã quy lỗi cho cô, cho những người cùng đi vượt biên và chê trách họ chọn con đường đến Anh làm những chuyện phi pháp như trồng cỏ, làm “gái” để mong chóng giàu.

Như nhiều người cùng làng xã đã qua được đến đó, đi làm và gửi tiền về cho gia đình xây những ngôi nhà đẹp gọi là làng tỉ phú giữa quê nghèo.

Nhập cư lậu hay buôn người?

Vụ việc này có phải là buôn người hay chỉ là đưa người nhập cư lậu vào nước Anh mà thôi?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch của Boat People SOS nhận định: “Đây là vụ buôn lậu người tức là đưa người đi lậu có trả tiền. Nếu sống sót, có thể một số sẽ trở thành nạn nhân buôn người.”

Hôm 2/11/2019 ông có một bài viết trên tạp chí Mạch Sống phân tích về vấn đề này:

“Thường thì những người nhập cảnh lậu dễ trở thành nạn nhân buôn người vì tình trạng cư trú bất hợp pháp, vì không có chọn lựa về sinh kế, vì các khoản nợ lớn ở quê nhà, hay vì bị khống chế bởi băng đảng tội phạm. Tuy nhiên cũng có những người nhập cư lậu không bị rơi vào tình cảnh bị bóc lột sức lao động và do đó họ không là nạn nhân buôn người. Trường hợp của 39 nạn nhân chết trong container là buôn lậu người. Nếu sống, thì có những người có thể trở thành nạn nhân buôn người.”

Tổ chức Boat People SOS trong hơn ba thập niên qua đã giải cứu cho nhiều nghìn người lao động Việt khỏi cảnh bị bóc lột ở đảo American Samoa, ở Jordan, hay đưa ra ánh sáng những đường dây buôn lậu người từ Việt Nam sang Nga.

Tiến sĩ Thắng viết: “Mỗi đường dây buôn lậu người là lãnh địa của một nhóm xã hội đen có sự móc nối và ăn chia với các quan chức địa phương để dễ dàng đưa người lậu xuyên biên giới. Họ cũng sử dụng cò và môi giới để tìm các con mồi. Họ chắp nối cơ hội với những nhóm buôn lậu người ở từng quốc gia tạo nên một xâu chuỗi dẫn từ quốc gia khởi thuỷ đến quốc gia mục tiêu.”

Đó cũng là hành trình mà 39 nạn nhân đã đi qua và thật không may trên đoạn đường cuối cùng trước khi đến đích họ đã tử nạn.

Còn theo cô Vương Ngọc Diệp, 39 nạn nhân đã bị nhóm tổ chức vượt biên lừa để họ tưởng là nhập cư vào Anh không khó khăn lắm và có thể làm ra tiền dễ dàng, đâu ngờ gặp nạn chết người.

Cô Diệp hiện là chủ tịch của Pacific Links Foundation có trụ sở ở California với nhiều chương trình chống nạn buôn người tại Việt Nam và trên thế giới.

Khi thấy có bình luận cho rằng 8 cô gái mệnh yểu tìm đường vào nước Anh để bán thân lấy tiền, cô Diệp tỏ ra bất bình phát biểu: “Có ai bỏ cả mấy chục nghìn đôla để đi làm gái ở nước ngoài không?”

Nêu câu hỏi liệu người của chính quyền địa phương có liên quan đến việc tổ chức đưa người đi vượt biên, cô Diệp cho biết:

“Khi người đi lậu, tiền thuế sẽ không thu về được nên về chính sách mà nói, chính quyền sẽ không có lý do để ủng hộ việc đi vượt biên này. Họ chỉ quan tâm đến những người đi xuất khẩu lạo động chính thức, vì đó là nguồn tài chính về thuế.”

Còn ảnh hưởng của ô nhiễm biển do Formosa gây ra cách đây ba năm, cô Diệp nhận định:

“Tôi nghĩ việc này không ảnh hưởng nhiều đến cư dân trong vùng trong quyết định bỏ quê ra đi, trả một số tiền lớn như vậy. Từ nhiều thập kỷ qua đã có nhiều người dân đi lao động ở nước ngoài.

Nghệ An là tỉnh có nhiều người đi xuất khẩu lao động nhất Việt Nam. Đương nhiên là có một số người vì biểu tình chuyện Formosa mà không ở lại Việt Nam được. Rất đông người trong diện này đã đi sang Thái Lan và xin tị nạn ở đó.”

Khi đọc được những lời cuối của Trà My gửi về cho gia đình, với lời xin lỗi bố mẹ, cô Diệp xúc động nói: “Thử tưởng tượng nỗi nhục, xấu hổ của những người thất bại và bị trục xuất về lại Việt Nam. Điều này khiến cho họ khó có cách nào mở miệng để kể cho mọi người nghe về thực trạng của cuộc sống lao động bên Anh.”

Với cái chết của 39 người Việt trên đường vượt biên. Họ là những nạn nhân được tìm thấy. Nhưng còn bao nhiêu người Việt nữa đã mất tích hay chết bờ, chết bụi ở một nước châu Âu nào đó mà chỉ có gia đình nạn nhân biết, còn công luận thì không.

Như bao nhiêu người Việt khác đã vùi thây trong lòng biển. Trong mọi thảm kịch như thế, chính phủ Việt Nam không bao giờ nhận họ có phần trách nhiệm trong đó.

Khi có làn sóng thuyền nhân ra đi từ Việt Nam vào cuối thập niên 1970, dư luận quốc tế biết đến thảm cảnh qua phóng sự do phóng viên Ed Bradley thực hiện từ trại Bidong và được chiếu trong chương trình “60 Minutes” trên kênh truyền hình CBS.

Những nhà làm chính sách, giới chức tị nạn của Liên Hiệp Quốc lên tiếng kêu gọi thế giới giang tay đón nhận người tị nạn Việt Nam. Cùng lúc chính phủ Hà Nội cũng đã chịu nhiều áp lực để tìm cách giải quyết vấn nạn này.

Một số người tổ chức vượt biển bị Hà Nội bắt giam và kết án tù nhiều năm. Năm 1979, chính phủ Việt Nam cũng đồng ý cho mở ra chương trình ODP – ra đi có trật tự – để những ai đủ điều kiện được thân nhân bảo lãnh đi đoàn tụ ở nước ngoài được rời Việt Nam bằng máy bay, tránh phải vượt biển nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên những giải pháp đó không bền vững và hiệu quả để làm giảm số người vượt biển. Chương trình ODP bị Hà Nội ngưng tiến hành và người dân vẫn ra đi bằng cách hối lộ công an để mua bãi, để công an biên phòng làm ngơ.

Có những chuyến đi còn được chính công an địa phương tổ chức để thu đôla hay vàng.

Mãi đến đầu thập niên 1990, khi thuyền nhân phải qua thanh lọc gắt gao và những ai không hội đủ điều kiện để được hưởng qui chế tị nạn thì bị trả về. Sau hai mươi năm kể từ ngày đất nước Việt Nam thống nhất 30/4/1975 thì làn sóng thuyền nhân mới chấm dứt. Trang sử thuyền nhân không có trong bộ lịch sử cận đại Việt Nam theo quan điểm của Hà Nội.

Ngày nay người Việt vẫn bỏ nước ra đi, được gọi bằng những danh từ mới như “tị nạn giáo dục”, “tị nạn môi trường”. Họ ra đi bằng con đường kết hôn với người nước ngoài, bằng đường du học hay xuất khẩu lao động.

Việt Nam không chỉ xuất khẩu lao động sang những quốc gia tân tiến như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Úc, Mỹ mà cả những nước nghèo như Togo, châu Phi nơi tôi đã gặp mấy bạn trẻ qua đó buôn bán, mở nhà hàng và làm việc tại phòng rửa hình.

Một bạn sống ở Togo tám năm cho biết ở đây ăn uống không sợ có chất độc, không khí trong lành. Người thân cứ nghĩ đời sống bên châu Phi khó khăn, nhưng anh nói anh có một cuộc sống rất thoải mái.

Với nhiều người Việt, những yếu tố thúc đẩy họ phải rời quê hương vẫn còn mạnh lắm.

Xem thêm loạt bài về 39 người Việt tử nạn ở Anh:

Vụ 39 người Việt chết: Trách nhiệm là của chính quyền?

Anh truy nã hai anh em Hughes vì vụ 39 người chết

Vụ 39 người chết: Nỗi đau tột cùng của những gia đình Việt Nam

Vụ 39 người chết: Anh – Việt ‘đang chắp nối thông tin’

Người Việt di cư bất hợp pháp: Những giấc mơ không thành

Vụ 39 người chết: Đại sứ Anh làm việc với Bộ Công an VN

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả hiện là giảng viên đại học cộng đồng ở California. Ông đã có nhiều năm dạy học ở Châu Phi và làm việc tại các trại tị nạn ở Đông Nam Á.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50345491

 

Người nước ngoài núp bóng người Việt

thâu tóm đất đai vị trí xung yếu

Tin từ Hà Nội, ngày 10/11/2019: Theo Phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài đã núp bóng hàng trăm doanh nghiệp do người Việt đứng tên để thâu tóm đất đai ở những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, ông Minh nói các hình thức núp bóng của người nước ngoài bao gồm góp vốn vào doanh nghiệp Việt để đầu tư tại các lô đất, vị trí liên quan đến quốc phòng, an ninh có thời hạn sử dụng đất lâu dài để lách luật đầu tư và Luật đất đai, sau đó mua lại phần góp vốn của phía Việt Nam. Cũng có chuyện người nước ngoài cho người Việt Nam vay tiền để thành lập doanh nghiệp, nhưng mọi quyết định đều phải thông qua bên cho vay, hoặc núp bóng dưới hình thức kết hôn.

Trong một số trường hợp khác, người nước ngoài đến Việt Nam với mục đích du lịch, học tập đứng sau người Việt thuê mặt bằng nhà xưởng. Tuy nhiên, ông Minh không nói cụ thể các đối tượng núp bóng thuộc những quốc gia nào.

Ông Minh nói nhà chức trách Việt Nam sẽ xem xét thu hồi giấy phép, tạm dừng hoặc điều chỉnh một số dự án trên cơ sở mức độ vi phạm. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để nghiêm cấm việc người Việt đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài. Việt Nam sẽ siết chặt khâu thẩm định, cấp phép kiểm tra, và giám sát các dự án.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/nguoi-nuoc-ngoai-nup-bong-nguoi-viet-thau-tom-dat-dai-vi-tri-xung-yeu/

 

Công ty AES của Mỹ

xây dựng nhà máy điện tại Bình Thuận

Tin từ Hà Nội, Việt Nam – Vào hôm Thứ Sáu (8 tháng 11), công ty AES ký một biên bản ghi nhớ với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, để xây dựng một nhà máy điện chạy bằng khí đốt trị giá 1.7 tỷ Mỹ kim tại Việt Nam.

Thỏa thuận xây dựng Nhà máy điện khí Sơn Mỹ 2 có công suất 2.2 GW được ký kết tại Hà Nội trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross. Nhà máy điện dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2024.

Công ty AES trước đây từng nhận được sự chấp thuận của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam để xây dựng một nhà máy gas LNG trị giá 1.4 tỷ mỹ kim gần nhà máy điện ở Bình Thuận. Ông Ross dẫn đầu một phái đoàn gồm các viên chức chính phủ và giám đốc điều hành cao cấp từ 17 công ty hàng đầu của

Hoa Kỳ đến Hà Nội, với mục tiêu hướng tới việc tăng cường thúc đẩy thương mại giữa Hoa Kỳ và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với hai điểm đến khác là Thái Lan và Indonesia. Hôm thứ Sáu (8 tháng 11), Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ có mặt trong buổi ký kết hợp đồng bảo trì động cơ trị giá 1 tỷ Mỹ kim giữa Pratt & Whitney và Vietnam Airlines, và hợp đồng chia sẻ sản xuất giữa Murphy Oil, công ty Dầu khí Việt Nam, PVEP và SK Innovation cho Lô 15-2/17 ngoài khơi Việt Nam.

Theo Reuters, cộng sản Việt Nam muốn nhập cảng thêm hàng hóa của Hoa Kỳ để thu hẹp thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, vì lo lắng nguy cơ bị Hoa Kỳ coi là quốc gia thao túng tiền tệ. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ tăng lên gần 34 tỷ Mỹ kim trong 9 tháng đầu năm nay. Việt Nam nhập cảng lô dầu thô đầu tiên của West Texas Middle (WTI) từ Hoa Kỳ vào đầu năm nay, và đang xem xét nhập cảng than từ nước này để sản xuất điện. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/cong-ty-aes-cua-my-xay-dung-nha-may-dien-tai-viet-nam/

 

Tội nghiệp nước Mỹ

Mặc Lâm

Một bài báo trên Zing của tác giả Minh Đức có tựa “Gần nửa dân số Mỹ nghèo đói và sống bấp bênh?” đang là đề tài cười cợt của mạng xã hội. Không mấy ai tin vào bài báo vì người hiểu biết nhận thức sự thật qua những gì mắt thấy tai nghe nên đối với bài viết mang tính định hướng quần chúng theo nhãn quan tuyên giáo khó thuyết phục họ, nhất là vào thời đại kỹ thuật số. mọi thông tin đều hiện rõ chỉ qua một cái nhấp chuột.

Thật ra tác giả Minh Đức đã rất cẩn thận khi đưa những thông tin lấy từ hai nguồn: Một từ trang tin của NPR (National Public Radio) có trụ sở tại Washington DC và hai là The Hill tờ báo của Quốc Hội Mỹ xuất bản mỗi khi có phiên họp Quốc Hội.

Hai nguồn này rõ ràng là khả tín nhưng đúng theo nguyên tắc báo chí, Minh Đức phải dẫn nguồn cụ thể cho người đọc dễ theo dõi và so sánh nếu có nghi ngờ bởi vì gốc của hai nguồn từ tiếng Anh và bài viết đăng trên Zing là tiếng Việt nên một bài viết dù trích dẫn cũng phải sát với nguyên văn nhằm tránh sự sai lệch nếu không muốn nói là thiếu sót.

Do sự nhạy cảm của đề tài nên bài viết lại càng phải dẫn nguồn. Rất tiếc, tác giả đã không làm điều này.

Sự khác biệt giữa nguyên bản và bài viết gây cho người đọc tại Việt Nam những suy nghĩ sai về sự thật của nước Mỹ mà theo tựa đề “có gần nửa dân số là nghèo đói và sống bấp bênh”. Trong khi ngay trên bài viết của mình tác giả viết: “Theo NPR, khảo sát của Cục Điều tra Dân số Mỹ cho thấy tỷ lệ người dân trong diện nghèo đói giảm từ 12,3% năm trong 2017 xuống còn 11,8% vào năm 2018. Điều đó có nghĩa là khoảng 38,1 triệu người Mỹ sống trong nghèo đói, tương đương với việc cứ 8 người Mỹ thì có một là người nghèo.” Như vậy thì làm sao gần phân nửa dân số Mỹ nghèo đói?

Tác giả đã dịch sai – vì không hiểu hết tiếng Anh hoặc văn hóa Mỹ – khi cho rằng “emergency” là “cấp cứu y tế”. Thật ra, trong ngữ cảnh này, “emergency” chỉ đơn thuần là một chi tiêu cần thực hiện ngay lập tức; và không nhất thiết có ý nghĩa y tế. (Theo FED, 43% dân số Mỹ không đủ khả năng chi trả hóa đơn 400 USD khi được cấp cứu y tế.) trong khi ngữ cảnh của đoạn văn trên được trích từ CNN: 40% of Americans can’t cover a $400 emergency expense. “Four in ten Americans can’t, according to a new report from the Federal Reserve Board. Those who don’t have the cash on hand say they’d have to cover it by borrowing or selling something” phải được dịch là “trường hợp khẩn cấp” “Theo một báo cáo mới từ Ủy ban Dự trữ Liên bang bốn trong mười người Mỹ không có tiền mặt trong tay họ phải mượn hoặc bán một thứ gì đó khi có trường hợp khẩn cấp.”

Thực tế ở Mỹ, người thu nhập thấp có những ưu tiên hơn hẳn người thu nhập trung bình và trên trung bình. Họ có thể được trợ giúp từ chính phủ trong các chương trình y tế, nhà ở cũng như thực phẩm dinh dưỡng. Thu nhập thấp được tính theo từng tiều bang nhưng sai lệch nhau rất nhỏ. Tiểu bang Washington quy định gia đình có 2 người tính chung thu nhập 26.600 đô la là thu nhập thấp. Nhìn con số này khó có người Việt Nam nào cho rằng cách tính toán kiểu Mỹ là không hiện thực vì theo Việt Nam, Chuẩn nghèo: 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Quyết định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Theo quy chuẩn chính thức được Cơ quan Thống kê Quốc gia cho biết “Thu nhập trung bình thực tế năm 2018 của các hộ gia đình châu Á tăng 4,6% so với năm 2017 lên 87.194 đô la, trong khi thu nhập trung bình thực của người da trắng không có gốc Tây Ban Nha (70.642 đô la), da màu (41.361 đô la) và các hộ gia đình gốc Tây Ban Nha (51.450 đô la)”

Như vậy tại sao tác giả Minh Đức cho rằng “Gần nửa dân số Mỹ nghèo đói và sống bấp bênh”?

Tác giả dựa vào ý kiến của hai chuyên gia kinh tế là Elise Gould và Karen Dolan đề nghị cách tính của họ khác với những gì mà Cơ quan Thống kê Quốc gia vẫn làm hằng năm. Sự khác biệt giữa cách tính dựa vào Thống kê và ý kiến phản biện của các chuyên gia kinh tế không thể làm chuẩn mực cho một sự thật về sự nghèo đói của nước Mỹ. Hơn nữa hai chuyên gia kinh tế này là người không hài lòng với chính sách kinh tế của Tổng thống Trump; càng không nên lấy đó làm chuẩn mực!

https://www.voatiengviet.com/a/toi-nghiep-nuoc-my-ngheo-doi/5158634.html

 

Chỉ trích lãnh đạo, quyền biểu đạt của người dân

Đinh Yên Thảo

Nếu ở Việt Nam, có lẽ giờ này bà Juli Briskman có thể vẫn còn trong tù về tội “xúc phạm lãnh đạo” chứ không đắc cử vào chức vụ Uỷ Viên Giám Sát Hạt Loundoun tại Virginia trong cuộc bầu cử hồi thứ Ba vừa qua. Câu chuyện của bà Juli Briskman làm người ta liên tưởng đến phát biểu của một tiến sĩ viện trưởng tại Việt Nam mới đây rằng, “Ở đâu mà dân chủ và quyền con người được đảm bảo hơn Việt Nam?”. Có phải là vậy?

Những người theo dõi thời sự vẫn ắt vẫn còn nhớ tấm ảnh một phụ nữ chạy xe đạp đưa ngón giữa, là một lời chửi tục khi đoàn xe tổng thống Hoa Kỳ chạy ngang hồi hai năm trước. Từng là nhân viên làm việc cho một công ty hợp đồng của chính phủ, tấm ảnh cùng bản tin về bà hầu như trở thành cơn sốt trên mạng và truyền thông khắp thế giới phổ biến vì hành động phản kháng khá thất lễ của bà được xem như sự bày tỏ thái độ giận dữ của một số người dân Mỹ với tổng thống.

Người binh kẻ chống, bà bị hãng cho nghỉ việc. Dù bị tòa bác đơn kiện nhưng bà vẫn được hãng trả đủ quyền lợi thôi việc. Câu chuyện dừng lại ở vấn đề dân sự vì như thế nào, hành động của bà được xem như quyền biểu đạt của người dân được hiến pháp bảo vệ. Cho dù hành động của bà xúc phạm đến người đứng đầu quốc gia. Đây là quyền mà thẩm phán Hugo Black của Tối Cao Pháp Viện từng tái xác nhận trong vụ án Bridges vs. California vào năm 1941 rằng, “là đặc quyền được trao cho người dân Mỹ, dù không phải lúc nào điều này cũng luôn thỏa mãn tuyệt đối với tất cả cơ quan công quyền” khi chính phủ bị người dân chỉ trích. Nên như nói trên, bà vừa đánh bại người Ủy Viên đương nhiệm để đắc cử vào một chức vụ dân cử tại Virginia, một phần cũng nhờ những người ủng hộ thái độ phản kháng của bà.

Còn ở Việt Nam, mới hồi tháng Bảy, khi đại biểu Hội Đồng Nhân Dân Phan Thị Hồng Xuân, người có “sáng kiến lu chống ngập” vừa bị người dân cười ngạo đã đòi “xử lý” những người chỉ trích bà trên mạng. Bà còn thêm rằng hy vọng Luật An Ninh Mạng sẽ “sớm triển khai để xử lý” những cá nhân như vậy. Tất nhiên chưa có ai “bị xử lý” vì cười ngạo bà nhưng điều này cho thấy suy nghĩ và thái độ những lãnh đạo xứ ta xem mình là bất khả xâm phạm như thế nào.

Trên thực tế, một bác sĩ tại Huế từng bị kỷ luật và xử phạt chỉ vì bình phẩm trên Facebook rằng, “Mụ ni nghỉ là vừa, để các giáo sư có kinh nghiệm, chuyên môn Y lên thay và dẫn dắt ngành Y sang một bước tiến mới” khi nói về Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Họ chưa làm điều gì sai trái mà chỉ bày tỏ ý kiến, suy nghĩ của mình về các “công bộc” đã bị vậy.

Mới nhất là một năm tù mà tòa án Cần Thơ đã kết án Kiến Trúc Sư Phạm Xuân Hào, một giáo sư tại ĐH Cần Thơ vì “chia sẻ những bài viết trái chiều” trên Facebook, theo sau hai án tù cho hai Facebooker với tội danh tương tự. Theo dõi thời sự trong nước thì những mẩu tin đại loại như vậy, từ những việc người dân bị xử phạt hành chánh cho đến bị kỷ luật, bị án tù giam nặng nhẹ tùy theo trường hợp xảy ra ở khắp mọi nơi tại Việt Nam.

Phúc Trình của tổ chức Human Rights Watch cho biết có ít nhất 133 người Việt Nam đã bị bắt và kết án vì những biểu đạt ôn hòa như vậy trong năm nay. Con số lẽ ra không có nếu quả thật theo như lời vị viện trưởng rằng “dân chủ và quyền con người được đảm bảo” tại Việt Nam nói trên. Hay như chính lời kêu gọi phản biện của người đứng đầu chính phủ là Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam hồi tháng Chín rằng, “Đảng và nhà nước mong muốn được nhận nhiều hơn những đề xuất, góp ý…”. Những phát biểu như vậy đã là cái cớ để người dân chỉ trích chính phủ khi không thực hiện những điều do chính mình đề ra.

Bức bối trước các vấn đề xã hội là động lực của những người dân lên tiếng. Cách này hay cách khác, chỉ khác nhau phương tiện. Đó là thái độ cần thiết của những công dân có trách nhiệm, không thờ ơ với hiện trạng quốc gia.

Mỗi quốc gia, mỗi thể chế có những hiến pháp cùng các hệ thống pháp luật khác nhau. Sẽ khó lòng so sánh hay áp dụng hệ thống một nơi này lên quốc gia khác. Câu chuyện của bà Juli Briskman nói trên đã có thể xảy ra khác đi tại các quốc gia độc tài. Nhưng những quyền căn bản của con người như sự tự do ngôn luận, tự do khỏi sự sợ hãi cần phải được tôn trọng và thực thi theo Hiến Chương Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc mà cả thế giới đang chuẩn bị chào đón Ngày Nhân Quyền Quốc Tế vào đầu tháng tới.

Trấn áp, bóp chết quyền ngôn luận của người dân là một thái độ sợ hãi của nhà cầm quyền, nó chỉ nung nấu và biến các ý tưởng ôn hòa của người dân trở thành những hành độ phẫn nộ khi có điều kiện. Bởi lịch sử đã chứng minh câu nói của Henry Patrick rằng, “Cho tôi tự do hay để tôi chết” đã xảy ra khắp mọi nơi. Há không phải cuộc cách mạng dân chủ tại Hồng Kông hiện nay đã diễn ra như vậy?

https://www.voatiengviet.com/a/pham-xuan-hao-juli-briskman-quyen-bieu-dat-cua-dan/5156880.html