Tin Việt Nam – 10/09/2018
Hội đoàn VN
cứ bám chặt bầu sữa tỷ đô của ngân sách
Các hội đoàn không thuộc cơ quan nhà nước, phi sản xuất, không kinh doanh vẫn ngốn của ngân sách Việt Nam tới 68 nghìn tỷ VND một năm, theo báo Giáo Dục (06/09/2018).
Trang báo này cũng nhắc điều mà dư luận đã biết từ lâu rằng “các tổ chức chính trị – xã hội đều là những đơn vị không làm ra của cải vật chất cho đất nước”.
Quy định 102 có phân biệt đối xử Đảng viên?
‘Chán Đảng khô Đoàn’ có phải là mới?
TQ bắt nhóm sinh viên giúp lập nghiệp đoàn
Chống tham nhũng ‘vào giai đoạn khó khăn’
Tổng kinh phí hàng năm chi cho các tổ chức này được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra là khoảng 14.000 tỉ đồng.
Nhưng vẫn nghiên cứu của VEPR nói nếu tính cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác thì chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn này hàng năm dao động từ 45.600 đến 68.100 tỷ VND, tương đương 1-1,7% GDP.
Danh mục cơ quan nhà nước không nói đến các hội đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Công đoàn, Hội Nông dân.
Mặt khác trong danh mục này, tổ chức Đảng được để riêng, không ghép với ‘Cơ quan nhà nước’.
Nếu đặt Đảng Cộng sản vào một vị trí đặc biệt để nhận tiền ngân sách thì con số nhận chi ngân sách cho các hội đoàn, tổ chức chính trị – xã hội còn lại cũng vẫn còn rất lớn.
Đã bàn từ vài năm qua
Theo niên biểu Đảng Cộng sản Việt Nam khi nói về Đại hội Đảng 12 năm 2016 thì đảng này có 4,5 triệu thành viên.
Ngoài ra, Việt Nam còn có 6,4 triệu đoàn viên Thanh niên CS HCM, và 7,8 triệu đội viên Thiếu niên Tiền phong HCM, theo con số nêu ra khi đó.
Năm 2016 ngân sách Việt Nam chi ra tới 1,6 nghìn tỉ đồng chỉ cho bảy sáu tổ chức chính trị – xã hội gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên CS HCM, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Tổng liên đoàn Lao động và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Cũng trong năm 2016, Viện VEPR đã nêu con số chi phí cho các tổ chức quần chúng công bằng 1,7% GDP của cả nước năm 2014.
Cũng thời gian đó, trang TintucVietnam trích lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương ngân sách nhà nước Việt Nam nuôi 11 triệu người.
Hồi 2014, trang VOV của nhà nước Việt Nam cho biết, theo Hiến pháp mọi công dân Việt Nam đều có quyền tham gia hoặc không tham gia các tổ chức hội.
“Nhà nước hỗ trợ biên chế, kinh phí hoạt động đối với các hội đặc thù như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Công đoàn…
Những hội có tính chất nghề nghiệp như: Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Văn nghệ… hoặc các hội kinh tế như: Hội Doanh nghiệp, Doanh nhân.. có mục đích, đường hướng hoạt động phù hợp với lợi ích quốc gia và các chuẩn mực xã hội, cũng được chính quyền các cấp tạo điều kiện thành lập và duy trì hoạt động.
Vẫn trang VOV cho hay vào thời điểm đó, Việt Nam “có khoảng 460 hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp cấp quốc gia, 20 tổ chức công đoàn ngành; trên 36.000 tổ chức hội, hiệp hội, câu lạc bộ ở các địa phương”.
Sang tháng 9/2016, trong thảo luận Dự thảo Luật về Hội đã có phát biểu nhắc lại Luật Ngân sách 2015, quy định các hội sẽ tự chủ về tài chính.
Hải Phòng: Sửa 1 km đường tốn 28 triệu USD?
VN: Huy động 60 tỷ đô ‘nhàn rỗi’ có khả thi?
Vì sao giới trẻ Mỹ nay thích Chủ nghĩa Xã hội?
VN: Con thuyền ‘không bến’ hay ‘nhiều bến’?
Tuy nhiên, cho đến nay, điều này có vẻ vẫn chưa thực hiện được.
Không giúp được gì cho Đảng?
Sau khi Liên Xô tan rã, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước châu Á gặp phải vấn đề tính hiệu quả của các tổ chức xã hội gắn liền với hệ thống chính trị đang cải tổ theo kinh tế thị trường.
Hồi 2016, Trung Quốc cũng nêu ra vấn đề vai trò có hữu dụng hay không của tám tổ chức xã hội lớn (mass organisations) vẫn nhận tiền ngân sách, gồm Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…
Theo GS Zheng Changzhong (Trịnh Trường Trung) từ ĐH Phúc Đán, Thượng Hải, ví dụ của Đoàn Thanh niên Cộng sản TQ cho thấy căn bệnh chung của các tổ chức này.
Đó là không theo kịp thay đổi xã hội, khi mà các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước có mặt, và trực tiếp thực hiện nhiều nhiệm vụ không cần chính phủ.
Mặt khác, mô hình xã hội và hội đoàn do Đảng CS TQ chỉ đạo, từ 1948 đến 1978, khiến các hội đoàn “thực tế trở thành một phần của bộ máy quan liêu”.
Họ thường tổ chức các chiến dịch vang dội nhằm che lấp đi sự cách biệt với quần chúng nhưng thực tế thì tính đại diện ngày càng yếu.
Riêng Đoàn Thanh niên ở TQ trở thành “vườn ươm” lãnh đạo tương lai, tạo ra hiện tượng tổ chức đoàn bị “quý tộc hóa” (aristocratification), và thêm xa rời quần chúng, theo GS Zheng.
Việc cải tổ các hội đoàn, vì thế, cũng là câu chuyện về tương lại hệ thống chính trị, nhưng nhận đị́nh của Zheng Changzhong:
“Hậu quả là các yếu tố trên khiến các tổ chức xã hội chính thống ngày càng kém đi về năng lực vận động xã hội mà quy chế của họ nêu ra, trong cả nước. Nhưng cải cách áp đặt lên họ từ Ban lãnh đạo Đảng sẽ không chỉ tác động đến các tổ chức vận động quần chúng mà còn cả chính Đảng Cộng sản và phát triển chính trị của Trung Quốc trong tương lai.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45439274
Trào lưu mua ‘quyền công dân’ của giới siêu giàu
Giới siêu giàu các nước đang có trào lưu mua hộ chiếu thứ hai, thậm chí thứ ba, hoặc thứ tư để ‘đảm bảo an toàn’, theo giới quan sát quốc tế.
Những người siêu giàu “muốn yên tâm trong trường hợp có một cuộc cách mạng hay biến động ở nước họ,” ông Christian Kalin, chủ tịch Henley & Partners nơi cung cấp tư vấn về quyền công dân và công bố các thứ hạng như Chỉ số chất lượng quốc tịch, phát biểu trên Bloomberg.
Trong khi nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, cho phép người cư trú hợp pháp đăng ký quốc tịch sau khi đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định, chỉ có 10 quốc gia chấp nhận cho công dân nước khác “mua” quốc tịch.
Hầu hết đều yêu cầu chi trả cho việc này qua đầu tư trực tiếp, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản hoặc kinh doanh ở địa phương, bài báo trên Bloomberg cho hay.
TQ chạy ‘hết công suất’ in tiền nước ngoài
Di dân TQ kết hôn giả để sang Costa Rica
Biểu tình phản đối đại biểu QH Nguyễn Văn Thân
Theo số liệu của Bloomberg, trong số 10 nước ‘bán quyền công dân’, Austria đòi vốn đầu tư cao nhất, xấp xỉ 24 triệu đôla. Theo sau là Cyprus, Malta và Turkey, Vanuatu, Grenada, St. Kitts and Nevis, Saint Lucia, Dominica, Antigua và Barbuda.
Còn theo The Guardian, hiện có 24 nước bán quyền công dân để đổi lấy đầu tư vào kinh doanh, bất động sản hoặc trái phiếu chính phủ. Trong đó, Caribbean rẻ nhất, chỉ khoảng 100 ngàn đô la để sở hữu hộ chiếu nước này.
Một số nước không ‘bán trọn gói’ quyền công dân, nhưng lại có các chương trình được gọi là ‘thị thực vàng’ – cấp quyền cư trú dài hạn cho các nhà đầu tư. Và thường sau khoảng năm năm, những người có ‘thị thực vàng’ sẽ có thể tiến tới bước tiếp theo: mua ‘quyền công dân’, bài báo trên The Guardian cho hay.
‘Tăng theo cấp số nhân’
Các chương trình này không mới, nhưng đang phát triển theo cấp số nhân do nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà đầu tư cá nhân giàu có đến từ các nền kinh tế thị trường mới nổi bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Mexico và Brazil, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ, theo The Guardian.
Nước đầu tiên bán ‘quyền công dân’ để đổi lấy các dự án đầu tư (CIP) là St Kitts and Nevis, bắt đầu từ năm 1984.
Đối với các nước nghèo như St Kitts and Nevis, các chương trình bán quyền công dân đổi lấy dự án đầu tư có thể giúp mang lại lợi nhuận, giúp họ thoát khỏi nợ nần, thậm chí trở thành ngành xuất khẩu lớn nhất.
Quỹ tiền tệ quốc tế ước tính St Kitts and Nevis kiếm được 14% GDP từ CIP năm 2014.
Các nước giàu hơn như Canada, Anh Quốc và New Zealand cũng nhìn thấy những tiềm năng trong lĩnh vực này, nhưng họ chủ yếu bán ‘quyền công dân’ để thu hút đầu tư nhằm đảm bảo một nền kinh tế ổn định và an toàn cho môi trường hơn là tự do ‘tự tung tự tác’, tác giả bài báo trên The Guardian, Jon Henley viết.
Nhưng chương trình này cũng vấp phải chỉ trích từ quốc tế. Cộng hòa Malta, ví dụ, đã bán quyền công dân cho hơn 800 cá nhân trong vòng ba năm, kể từ khi ‘mở bán’ vào năm 2014.
Sau đó, Malta vấp phải chỉ trích dữ hội từ Liên minh châu Âu. Giới chỉ trích cho rằng việc này làm suy yếu khái niệm về quyền công dân của EU, tạo ra những rủi ro an ninh tiềm ẩn, và cung cấp một lộ trình cho các cá nhân giàu có – ví dụ từ Nga – với các nguồn thu nhập mờ ám, nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt tại quốc gia của họ.
Hộ chiếu Việt ‘yếu hơn hộ chiếu Cuba’
Nhắc lại thời vào Mỹ không cần hộ chiếu
Hộ chiếu VN có vấn đề với dòng chữ ‘full name’?
Người Việt Nam cũng có mặt
Gần đây dư luận Việt nam cũng quan tâm đến tin về các doanh nhân, hoặc người làm chính trị có hộ chiếu EU hoặc cho gia đình di cư sang Phương Tây.
Nổi tiếng nhất có vụ đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân bị cho là từng có quốc tịch CH Ba Lan và có nhà ở Warsaw.
Nhưng theo quan chức Văn phòng Quốc hội VN sau đó thì ông Thân đã “thôi quốc tịch Ba Lan’.
Hồi tháng 7/2016, cũng trong Quốc hội Việt Nam có vụ việc đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường “có hai quốc tịch”, một của Việt Nam, một của Malta.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45469579
Công tố viên Slovakia và Đức gặp nhau
về vụ Trịnh Xuân Thanh
Tổng công tố viên Slovakia, Jaromir Ciznar, gặp người đồng nhiệm Đức Peter Frank ở Hague (Hà Lan) hôm 7/9/2018 về vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Bà Andrea Predajnova, phát ngôn viên của văn phòng Tổng công tố viên Slovakia, nói với TASR rằng tại cuộc họp báo ngày 13/8, ông Jaromir Ciznar và đồng nhiệm Đức Peter Frank cho biết sẽ sắp xếp gặp nhau một lần nữa, và cuộc gặp diễn ra như dự kiến tại The Hague hôm 7/9. Bà nói thêm rằng Văn phòng Công tố viên bác bỏ bất kỳ suy đoán nào rằng cuộc họp đã được giữ bí mật.
Chính phủ Đức nghi ngờ nhà chức trách Slovakia có dính líu trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin xảy ra vào cuối tháng 7 năm ngoái. Vụ việc gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị tại thủ đô Bratislava.
Bộ trưởng Nội vụ Denisa Sakova đã đình chỉ công việc của người đứng đầu cơ quan nhà nước bảo vệ an ninh cho yếu nhân. Trong khi đó, cựu bộ trưởng nội vụ Robert Kalinak cho biết Slovakia có thể đã vô tình liên quan vào vụ việc.
Hồi đầu tháng 8, cựu Bộ trưởng Nội Vụ Slovakia lên tiếng bác bỏ mọi dính líu đến việc cho phái đoàn của ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, mượn máy bay để chuyển ông Trịnh Xuân Thanh qua ngã Slovakia.
Từ khi vụ việc xảy ra vào tháng 7/2017, chính phủ Việt Nam khẳng định ông Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú và ông Thanh bị đưa ra tòa xét xử với hai án chung thân với cáo buộc tham nhũng trong khi Đức nghi ngờ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Berlin tuyên bố ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như ngưng cấp thị thực cho những giới chức Việt Nam mang hộ chiếu công vụ sang Đức làm việc.
Cán bộ cấp cao không giải trình được
về tài sản ‘khủng’
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào sáng ngày 10 tháng 9 tại phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ quốc hội lên tiếng về vấn đề tài sản “khủng” không giải trình được của một số cán bộ trong trong nước mà Nhà nước hiện chưa có cơ sở pháp lý nào để xử lý.
Truyền thông trong nước dẫn phát biểu của người đứng đầu Quốc Hội Việt Nam khi Ủy Ban Thường Vụ cho ý kiến lần thứ 3 đối với Luật Phòng Chống Tham Nhũng sửa đổi của Việt Nam.
Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp bà Lê Thị Nga cho biết có 2 phương án để xử lý vấn đề. Theo đó ngoài thu thuế thu nhập cá nhân, là phương án xem xét, giải quyết tại toà án.
Theo phương án này nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản thì cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập có quyền yêu cầu toà án tham gia vào việc giải trình.
Phương án này được ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư kỳ Quốc hội đồng tình nhưng vẫn còn băn khoăn về tính khả thi.
Phát biểu thêm tại phiên họp, bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đưa vấn đề xử lý kê khai tài sản vào luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này là cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, phù hợp với xu thế chung.
VN cấm lãnh đạo nhân quyền quốc tế nhập cảnh
Việt Nam vừa từ chối không cho lãnh đạo hàng đầu của hai tổ chức nhân quyền quốc tế nhập cảnh, theo thông tin từ đại diện hai tổ chức.
Bà Debbie Stothard, Tổng thư ký Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế, bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Nội bài hôm 9/9, theo Reuters.
Tiếp đó, Giám đốc Cao cấp Điều phối Toàn cầu của Ân xá Quốc tế, ông Minar Pimple, bị từ chối nhập cảnh hôm 10/9, theo thông cáo báo chí của tổ chức này phát đi cùng ngày.
Hai lãnh đạo về nhân quyền tới Việt Nam để Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN từ 11-13/9 tại Hà Nội. Đây được xem là một sự kiện ngoại giao lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2018.
Bà Debbie Stothard sau đó viết trên Facebook cá nhân rằng bà cán bộ xuất nhập cảnh giữ ở sân bay Nội Bài do chính phủ Việt Nam đã đưa bà vào ‘danh sách đen’, chiếu theo điều 21 Luật Xuất nhập cảnh, theo hãng ABC.
Theo điều khoản này, một người có thể bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam vì nhiều lý do, bao gồm an ninh quốc phòng.
Chính quyền và giới hoạt động trước 2/9
Bàn về tù nhân chính trị VN – Đi hay ở (Phần 1)
Bàn về tù nhân chính trị VN – Đi hay ở (Phần 2)
Bà Debbie Stothard cũng viết trên Twitter rằng rắc rối mà bà gặp phải “không là gì so với cuộc tấn công vào các nhà bảo vệ nhân quyền và truyền thông Việt Nam”.
“Tôi hy vọng rằng việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ giúp chính quyền Việt Nam nhận ra rằng đa nguyên, nhân quyền và tự do cần thiết để phát triển kinh tế,” bà Stothard viết.
Bất chấp những cải cách kinh tế sâu rộng và chính sách mở cửa, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn duy trì chế độ kiểm duyệt và không khoan nhượng đối với các ý kiến chỉ trích, Reuters bình luận.
Đại diện Diễn đàn Kinh tế Thế giới, bà Mathuros nói với Reuters rằng “vẫn giữ lời mời tham gia đối với bà Debbie Stothard và sẽ tiếp tục tạo điều kiện để bà tham gia sự kiện này.”
Ý kiến từ quốc tế
Trả lời BBC ngày 10/10, ông Phil Robertson, Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền bình luận rằng thông qua việc này, “bản chất đàn áp của chính quyền Việt Nam đã được phơi bày đầy đủ”.
“Bà Debbie Stothard được mời phát biểu công khai tại một hội thảo quan trọng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhưng tất cả những thứ mà cảnh sát thấy là bà đã phát biểu mang tính chỉ trích về hồ sơ nhân quyền khủng khiếp của Việt Nam trong các cuộc họp quốc tế khác, và vì vậy họ bắt giữ và trục xuất bà.”
“Mỗi ngày trôi qua, có vẻ như sự kìm kẹp của Bộ Công an ngày càng thắt chặt hơn, biến Việt Nam thành một nhà nước độc tài công an trị, có ý định hủy hoại bất kỳ sự tự do ngôn luận nào, quyền của công dân tham gia vào các nhóm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ, và tất nhiên, quyền phản đối một cách ôn hòa.”
“Khi làm như vậy, Việt Nam đã nhạo báng cam kết tôn trọng quyền tự do cơ bản như được quy định trong Công ước Quốc tế của Liên Hiệp Quốc mà chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn.”
“Liên minh châu Âu nên nói với Việt Nam rằng sẽ không có bước tiến nào trong việc phê chuẩn sự tham gia của Việt Nam vào Hiệp định thương mại tự do EU cho đến khi Hà Nội chấm dứt làn sóng đàn áp này và cải thiện đáng kể hồ sơ nhân quyền của mình.”
BBC đã gửi email tới Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị bình luận về sự việc nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trong khi đó, Tổng thư ký của Ân xá Quốc tế, ông Kumi Naidoo phát biểu trong thông cáo báo chí phát đi hôm 10/9 rằng “đây là minh chứng của chiến dịch đàn áp tự do biểu đạt tại Việt Nam do chính phủ thực hiện”.
Tổ chức này cho hay ông Minar Pimple dự định sẽ phát biểu về sự đa dạng và đa nguyên tại diễn đàn.
Ông Kumi Naidoo tuyên bố “phản đối quyết định” của Việt Nam “bóp nghẹt nói của một người có đóng góp thường xuyên đối với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, người đã lên tiếng cho nhân quyền ở mức độ cao nhất trên toàn thế giới.”
Ông Minar Pimple cũng cho rằng hành động của Việt Nam “phá hỏng thanh danh của ASEAN”.
‘Sai lầm tách nhân quyền khỏi kinh tế’
Từ Hoa Kỳ, luật sư Nguyễn Quốc Lân nói với BBC hôm 10/9 rằng “đây không phải là điều ngạc nhiên” khi đây là cách chính quyền Việt Nam dùng để đối phó với vấn đề nhân quyền.
“Chính sách của Việt Nam tách nhân quyền hay tự do dân chủ ra khỏi các thảo luận về kinh tế là sai lầm, không đúng với quan điểm chung của quốc tế,” luật sư Lân nói.
“Bởi vì vấn đề phát triển kinh tế cần đi đôi với tự do thông tin và tự do ngôn luận. Các quyền tự do này giúp gia tăng mức độ chính xác và tin tưởng trong các trao đổi tin tức về vấn đề kinh tế cũng như giảm thiểu vấn đề hoang phí hay tham nhũng trong các sinh hoạt kinh tế.”
Xét về góc độ luật pháp quốc tế, luật sư Nguyễn Quốc Lân nói: “Các quốc gia có quyền duyệt xét các đối tượng được nhập cảnh, nhưng không không được dựa trên các yếu tố có thể vi phạm quyền tự do báo chí hay ngôn luận. Đây là vấn đề mà các quốc gia có quan hệ kinh tế với Việt Nam cần nêu ra với chính quyền Việt Nam để có thể bảo đảm các nguồn thông tin chính xác nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế hay giảm thiểu các rủi ro về đầu tư kinh tế từ các quốc gia liên quan.”
‘Chính quyền không còn e dè’
Từ Sài Gòn, nhà báo tự do Sương Quỳnh nói với BBC hôm 10/9 rằng việc này sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới hình ảnh của Việt Nam trong mắt quốc tế.
“Dù gì Việt Nam vẫn luôn tuyên truyền là một nhà nước luôn tuân thủ nhân quyền. Trong các cuộc họp với Liên Hiệp Quốc, chính quyền Việt Nam đều nói đã tiến bộ nhiều trong vấn đề nhân quyền. Do đó việc bắt giữ và trục xuất một lãnh đạo của tổ chức nhân quyền là câu trả lời thực tế nhất. Tôi cho rằng sau việc này những cuộc thương thuyết về kinh tế hay ngoại giao của Việt Nam sẽ khó khăn hơn khi quốc tế đã mất lòng tin.”
“Tuy nhiên tôi cũng thấy rằng nhà cầm quyền Việt Nam đang bất chấp quốc tế. Có lẽ sau vụ Trịnh Xuân Thanh họ không còn tỏ ra “giả vờ” này nọ nữa, mà thẳng thừng luôn.”
“Việc gia tăng đàn áp và bắt bớ giới hoạt động trong nước cũng là cách bất chấp quốc tế rồi. Việc bắt người của tổ chức nhân quyền càng chứng minh họ đã không còn e dè gì nữa.”
Trong khi đó, liên quan đến Hiến pháp, nhà báo tự do Lê Trọng Hùng nói với BBC rằng hành động này cho thấy dường như chính quyền Việt Nam đang hiểu một cách cơ học về nhân quyền, “rằng nó không liên quan gì đến kinh tế”.
“Thực ra phát triển kinh tế cũng chính là để nâng cao nhân quyền,” ông Hùng nói với BBC từ Hà Nội hôm 10/9.
“Trong Hiến pháp Việt Nam không có quy định riêng về việc này, và họ đã lách luật. Nhưng về nguyên tắc chung là Hiến pháp Việt Nam phải phù hợp với các điều ước quốc tế, nếu sai thì phải sửa hiến pháp.”
“Ở các quốc gia tư bản, việc các đoàn nhân quyền tham dự các diễn đàn kinh tế là rất bình thường. Nhưng ở các nước cộng sản như Việt Nam thì họ không muốn người khác nhòm ngó vào chuyện nhà mình. Điều này giống như một đứa trẻ đóng chặt cửa phòng và tuyên bố đây là phòng con, con thích bầy gì thì bầy.”
BBC đã gửi email tới Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị bình luận về sự việc nhưng chưa nhận được phản hồi.
Truyền thông Việt Nam không hề đưa tin về sự kiện này.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45468739
Nhóm nhân quyền quốc tế lên án vụ bắt giữ
tổng thư ký FIDH tại phi trường Nội Bài
Tổ chức Đài Quan Sát Để Bảo Vệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền hôm Chủ Nhật 9/9 phát động chiến dịch gửi thư tới các giới chức lãnh đạo chóp bu CSVN, để phản đối vụ bắt giữ và đe dọa trục xuất bà Debbie Stothard, tổng thư ký Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền FIDH.
Đài Quan Sát, một nhóm cộng tác chung giữa FIDH và Tổ Chức Thế Giới Chống Tra Tấn OMCT, kêu gọi mọi người quan tâm đến nhân quyền trên thế giới hãy gửi đơn thư phản đối tới chủ tịch nước Trần Đại Quang, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngoại trưởng Phạm Bình Minh và hàng loạt giới chức cao cấp khác của CSVN.
Vào lúc 3 giờ chiều ngày 9 tháng 9, các viên chức hải quan tại phi trường Nội Bài, Hà Nội, cấm bà Stothard nhập cảnh và câu lưu bà. Các viên chức này giải thích rằng việc bắt giữ và cấm nhập cảnh là thể theo điều 21 của luật nhập cảnh, xuất cảnh quá cảnh 2014. Đạo luật này cấm người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam vì lý do “quốc phòng, an ninh hoặt trật tự an toàn xã hội”.
Được biết bà Stothard đến Việt Nam để tham dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới về ASEAN, dự trù diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 đến 13 tháng 9. Theo Đài Quan Sát, vào ngày 6 tháng 9, Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới đã được văn phòng của một phó thủ tướng CSVN thông báo rằng, bà Stothard đã bị ghi sổ đen vì công việc của bà liên quan đến nhân quyền. Đài Quan Sát nhấn mạnh rằng, nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc về bắt giữ tùy tiện WGAD đã từng xem là “tùy tiện” việc hạn chế tự do của những người bảo vệ nhân quyền tìm cách vào một quốc gia thứ ba để thực thi một cách ôn hòa các quyền tự do ngôn luận, tự do tụ tập, và tự do lập hội. Trường hợp nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ bà Stothard rõ ràng rơi vào định nghĩa về bắt giữ “tùy tiện” vừa nêu.
Huy Lam / SBTN
Theo dõi nhân quyền quốc tế: Nhật Bản phải
nêu quan ngại nhân quyền với Việt Nam
Nhật Bản phải nêu lên quan ngại về nhân quyền đối với Việt Nam.
Đó là nội dung bức thư đề ngày 9 tháng 9 của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch gửi cho Bộ Trưởng Ngoại giao Nhật Bản, ông Taro Kono, nhân chuyến thăm Việt Nam của ông này từ ngày 11 đến 13/9/2018.
Bức thư đề cập đến những tù nhân chính trị tại Việt Nam, và yêu cầu ông Kono đề cập một cách mạnh mẽ về những người tù này trong buổi gặp ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, tại Hà Nội vào ngày 11/9.
Human Rights Watch thúc giục Bộ Trưởng Ngoại Giao Nhật Bản Taro Kono công khai nêu bật những trường hợp tù nhân chính trị và mạnh mẽ chuyển tải thông điệp rằng việc tăng tiến quan hệ Việt- Nhật đòi hỏi cải thiện thành tích nhân quyền của Việt Nam.
Theo Human Rights Watch, một số vấn đề nhân quyền đặc biệt mà ông Taro Kono có thể nêu ra nhân chuyến thăm Việt Nam lần này gồm giới hạn về quyền tự do biểu đạt và hội họp; giới hạn về thực hành quyền tín ngưỡng- tôn giáo; biện pháp bỏ tù các tù nhân chính trị; việc vi phạm quyền lao động.
Human Rights Watch cho rằng nếu thành tích nhân quyền của Việt Nam không được bắt đầu cải thiện thì Nhật Bản phải xem xét lại viện trợ tài chính cho Hà Nội cũng như rà soát lại các mối quan hệ kinh tế, quân sự và an ninh với Việt Nam.
Thống kê của Human Rights Watch cho thấy tại Việt Nam hiện có 130 tù nhân chính trị. Chính phủ Hà Nội xem những người cổ xúy cho nhân quyền và dân chủ như là những tội phạm và là mối nguy cho an ninh quốc gia.
Chỉ riêng trong 8 tháng đầu năm nay, có ít nhất 28 nhà hoạt động nhân quyền và bloggers bị đưa ra tòa, bị tuyên án tù nặng nề.
Thư của Human Rights Watch nên lên trường hợp tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức, người bị tuyên án 16 năm tù giam chỉ vì ôn hòa vận động cho dân chủ và đa đảng tại Việt Nam. Ông Trần Huỳnh Duy Thức hiện tuyệt thực trong nhà tù kể từ ngày 14 tháng 8 nhằm phản đối những vi phạm đối với bản thân ông.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/human-right-watch-vietnam-japan-09102018085253.html
Một số nhà hoạt động, dân oan sắp ra tòa
Tổ chức Dự án 88 vào ngày 10 tháng 9 năm 2018, thông báo một số phiên xử sắp diễn ra đối với giới hoạt động xã hội dân sự và nhân quyền.
Tin cho biết nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực thuộc Hội Anh Em Dân Chủ sẽ phải ra tòa vào ngày 12/9 tới đây tại Quảng Bình. Trước đó, phiên xử ông này được thông báo diễn ra hôm 17 tháng 8 nhưng đã bị hoãn bất ngờ. Ông Nguyễn Trung Trực bị bắt vào tháng tám năm 2017, với cáo buộc theo điều 79 hình luật Việt Nam là âm mưu lật đổ chính quyền.
Phiên phúc thẩm tù chính trị Nguyễn Văn Túc, người kháng cáo bản án 13 năm tù giam, sẽ diễn ra hôm vào ngày 14 tháng 9. Tù nhân chính trị Nguyễn văn Túc bị bắt vào ngày 1/9/2017 cũng với cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo điều 79 bộ luật hình sự năm 1999.
Phiên tòa đối với cựu giáo viên Đào Quang Thực dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19/9. Ông bị bắt vào tháng 10/2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo điều 79 bộ luật hình sự 1999 vì đã đăng tải các thông tin được cho là chống đối nhà nước lên mạng và tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối đất đai và chống Trung Quốc. Gia đình ông cho biết, ông bị tra tấn thường xuyên trong thời gian bị giam cầm.
Nhà hoạt động về bảo vệ đất đai, nhà báo công dân Đỗ Công Đương sẽ bị đưa ra xét xử lần đầu tiên vào ngày 17 tháng 9 tới đây với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng” theo điều 318 bộ luật hình sự 2015 và phải đối mặt với mức án lên tới 7 năm tù giam.
Chuyên gia: Mạng xã hội chỉ dùng trong biên giới
‘chẳng có nghĩa gì’
Quyền bộ trưởng thông tin và truyền thông Việt Nam mới đây đề xuất “tập trung phát triển mạng xã hội trong nước” và được thủ tướng ủng hộ, theo báo chí Việt Nam.
Trong khi đó, qua các ý kiến bày tỏ trên Facebook, nhiều người cho rằng tham vọng xây dựng mạng xã hội riêng của Việt Nam là “phi thực tế”. Một chuyên gia công nghệ thông tin nói mạng xã hội chỉ dành cho người Việt dùng trong biên giới “chẳng có nghĩa gì”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, được báo chí trong nước dẫn lời phát biểu hôm 8/9 trong một cuộc làm việc giữa bộ của ông với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng bộ đề xuất việc “phát triển mạng xã hội Việt”.
Quyền bộ trưởng, từng là chủ tịch Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và giữ hàm thiếu tướng, nói mục tiêu nhắm đến là đến năm 2022, mạng xã hội Việt “bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam, 60 triệu, và chiếm 60 đến 70% thị phần”.
Tường thuật của báo chí cho biết ông Hùng đưa ra thông tin rằng mạng xã hội có doanh thu lên đến 370 triệu đôla ở Việt Nam, nhưng nguồn doanh thu này chủ yếu rơi vào các công ty nước ngoài, trong đó, phần của Google và Facebook lần lượt là 135 triệu đôla và 235 triệu đôla.
Quyền bộ trưởng nói thêm: “Các mạng xã hội từ nước ngoài chưa tuân thủ luật pháp Việt Nam, chưa thực hiện yêu cầu an ninh của chính chúng ta”, theo các bản tin.
Bên cạnh đó, ông Hùng được trích lời phát biểu với thủ tướng rằng “đã đến lúc không thể dừng lại, kể cả phải áp dụng biện pháp kinh tế, kỹ thuật để quản lý mạng xã hội nước ngoài”.
Việc phát triển mạng xã hội Việt Nam là “trọng tâm” của một “hệ sinh thái số Việt Nam”, được Quyền Bộ trưởng Hùng đề xuất với Thủ tướng Phúc. Ông Hùng nói, theo đề xuất này, bộ của ông sẽ chủ trì xây dựng hệ sinh thái số bao gồm “mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, trình duyệt, hệ điều hành và phần mềm diệt virus, trong đó quan trọng nhất là mạng xã hội và công cụ tìm kiếm”.
Theo một bản tin của Dân Trí, đáp lại đề xuất của ông Hùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “nhấn mạnh về việc Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một hệ thống mạng xã hội của riêng mình”.
Chưa có thông tin cụ thể và chi tiết trên báo chí cho biết mạng xã hội của riêng Việt Nam mà Quyền Bộ trưởng Hùng và Thủ tướng Phúc nói đến có thiết kế, hình thức và cách vận hành như thế nào.
Tôi chỉ nghĩ là cái mạng mà các bạn IT Việt Nam định xây dựng cho riêng người Việt Nam thì đó là một thảm họa. Vì rất đơn giản là chỉ dùng trong biên giới thì nó chả có nghĩa gì. Những tư tưởng đóng cửa biên giới như lũy tre làng là không nên.
Chuyên gia CNTT, blogger Hiệu Minh
Mặc dù vậy, đã xuất hiện những phản ứng trái chiều từ khá nhiều người Việt hiện đang sử dụng mạng xã hội Facebook.
Một Facebooker có nhiều ảnh hưởng, nhà văn Trần Quốc Quân, hiện sinh sống ở Ba Lan, đưa ra nhận định hôm 10/9 rằng việc xây dựng một mạng xã hội riêng cho Việt Nam dường như “để làm đối trọng gây sức ép lên các trang mạng Facebook, Google, Youtube…”, cũng như “phục vụ Luật An ninh mạng”.
Song nhà văn vốn là một nhà kinh doanh thành công, có hơn 25.000 người theo dõi, bình luận rằng “tham vọng” đó của Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng “rất phi thực tế và quá viển vông”.
Trong quan điểm cá nhân ông Quân, đề xuất về mạng xã hội riêng của Việt Nam là “dự án điên rồ”, nhưng nhà văn này phân tích rằng Quyền Bộ trưởng Hùng muốn thực hiện dự án “vì có sự chống lưng” là Luật An ninh mạng đã được thông qua và có hiệu lực vào ngày 1/1/2019.
“Đây là cây gậy nguy hiểm mà ông Hùng sẽ dùng như vũ khí độc quyền nhằm phong tỏa các mạng Facebook, Google…và trói tay người dùng internet Việt Nam”, Facebooker Trần Quốc Quân nhận định.
Nhà báo kỳ cựu Trương Huy San, có tổng cộng hơn 225.000 người theo dõi qua Facebook, đưa ra lưu ý trên trang cá nhân cũng hôm 10/9 rằng “39% người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là cho mục tiêu kinh doanh. Họ cần chảy trong không gian 2 tỷ người của Google, Facebook… chứ không cần ao tù, nước đọng”.
Theo nhà báo kiêm blogger nổi tiếng, thường được biết đến qua cái tên Oshin Huy Đức, “hệ sinh thái số là sản phẩm của tự do chứ không phải là công cụ để hạn chế tự do”.
Blogger Hiệu Minh, một chuyên gia công nghệ thông tin hiện sống ở Việt Nam, nói với VOA qua ứng dụng Messenger của Facebook tối 9/9:
“Tôi chỉ nghĩ là cái mạng mà các bạn IT [công nghệ thông tin] Việt Nam định xây dựng cho riêng người Việt Nam thì đó là một thảm họa. Vì rất đơn giản là chỉ dùng trong biên giới thì nó chả có nghĩa gì. Những tư tưởng đóng cửa biên giới như lũy tre làng là không nên”.
Theo chuyên gia này, người từng công tác nhiều năm tại bản doanh của Ngân hàng Thế giới ở Mỹ, trong bối cảnh hiện nay, để một mạng xã hội thành công, lan tỏa đến nhiều người sử dụng, nó phải là ứng dụng “dùng được cả ở Việt Nam cũng như dùng được ở thế giới”.
“Không thể là đến lúc tôi ra khỏi biên giới Việt Nam thì tôi dùng Facebook, còn về đến biên giới Việt Nam thì tôi lại dùng Zalo”, blogger Hiệu Minh nói thêm.
Zalo hiện là một mạng xã hội lớn ở Việt Nam là với 40 triệu thuê bao. Nhưng quyền bộ trưởng thông tin và truyền thông nhận xét hôm 8/9 rằng “so với Facebook thì còn quá nhỏ”.
Trung Quốc như là một châu lục, có 1,4 tỉ người. Nếu người ta xây dựng riêng cho thị trường Trung Quốc là đã đủ ăn rồi. Nhưng nếu Việt Nam xây dựng cho một thị trường riêng cho 90 triệu người thì chẳng có nhẽ gì đầu tư.
Chuyên gia CNTT, blogger Hiệu Minh
Trong số hàng trăm lời bình luận vào các bài viết của các Facebooker nổi tiếng như Trương Huy San, Trần Quốc Quân hay luật sư Trần Vũ Hải, nhiều người lo ngại rằng Việt Nam sẽ rập khuôn theo Trung Quốc khi phát triển mạng xã hội và công cụ tìm kiếm riêng, tiến tới sẽ cấm các ứng dụng tương tự của nước ngoài như Facebook hay Google.
Với kinh nghiệm của một chuyên gia kỳ cựu, blogger Hiệu Minh nói với VOA rằng Việt Nam “không nên bắt chước” Trung Quốc hay Mỹ mà cần xét đến quy mô thị trường của mình. Ông nói:
“Trung Quốc như là một châu lục, có 1,4 tỉ người. Nếu người ta xây dựng riêng cho thị trường Trung Quốc là đã đủ ăn rồi. Nhưng nếu Việt Nam xây dựng cho một thị trường riêng cho 90 triệu người thì chẳng có nhẽ gì đầu tư”.
Chuyên gia này chỉ ra những yếu tố cần lưu tâm đối với giới làm công nghệ thông tin là “cần nhìn xem thị trường của nước mình là gì, ai là khách hàng”, cũng như viết ứng dụng phần mềm phải nhắm đến “cho ai, dùng ở đâu, và khả năng của nó lan tỏa đến đâu”.
Ý tưởng xây dựng mạng xã hội riêng của Việt Nam với sự chống lưng của nhà nước từng được nêu ra và thực hiện trước đây, song kết quả đến nay không khả quan.
Tháng 5/2010, trang mạng www.goonline.vn, được gọi là “mạng xã hội giáo dục – giao tiếp – giải trí đầu tiên của người Việt và do người Việt làm chủ” đã chính thức ra mắt. Bộ trưởng thông tin và truyền thông khi đó, ông Lê Doãn Hợp, tuyên bố với báo chí trong nước rằng ông “tin go.vn sẽ mạng xã hội số 1 Việt Nam”. Nhưng ở thời điểm đầu tháng 9/2018, rất ít người còn nhắc đến trang mạng này.
Trước go.vn, một trang mạng khác có tên tamtay.vn đã ra đời vào năm 2007, được xem là mạng xã hội đầu tiên do người Việt thiết kế và lập trình, không liên quan đến nhà nước.
Sau hơn 10 năm hoạt động, vào đầu tháng 3/2018, ban quản trị của mạng xã hội này đã gửi “thư từ biệt” đến các khách hàng về việc trang mạng đóng cửa, dừng hoạt động kể từ ngày 1/4/2018.
Hà Nội chi 16 triệu đôla
để tăng chiều cao trung bình cho cư dân
Hà Nội sẽ chi hơn 363 tỷ đồng (tương đương 15,8 triệu đôla) cho các chương trình dinh dưỡng và thể thao để tăng chiều cao trung bình cho cư dân lên trong giai đoạn 2018-2025.
Kế hoạch của Hà Nội về phát triển thể lực và cải thiện tầm vóc thân thể cho cư dân Hà thành đặt mục tiêu chiều cao trung bình của nam thanh niên từ 18 tuổi trở lên sẽ tăng lên 167,5 cm vào năm 2025 và 169 cm vào năm 2030, và nữ sẽ tăng lên 156,5 cm vào năm 2025 và 158 cm vào năm 2030.
Tân Hoa Xã trích thông báo của Sở Y tế thành phố Hà Nội hôm 10/9 nói rằng theo kế hoạch, đến năm 2025, ít nhất 50% phường xã của Hà Nội sẽ có cơ sở thể thao ngoài trời để mọi người tập thể dục buổi sáng và luyện tập thể thao miễn phí, còn học sinh cấp phổ thông cơ sở trong thành phố sẽ được hưởng các chương trình dinh dưỡng tốt hơn và các cơ sở thể thao và câu lạc bộ cao cấp hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi gần đây đã phê duyệt Chương trình y tế Việt Nam nhằm nâng cao hạnh phúc, tuổi thọ, tầm vóc và chất lượng cuộc sống cho người dân trong giai đoạn 2018-2030.
Đàn ông Việt Nam có chiều cao trung bình 163,7 cm, thấp hơn 13,1 cm so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) , còn phụ nữ Việt Nam cao trung bình 153 cm, thấp hơn 10,7 cm so với tiêu chuẩn của WTO, theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam.
(Theo Tân Hoa Xã, Kinh tế & Đô thị)
Tàu hải quân Hàn Quốc thăm VN
Tàu khu trục Roks Moon Mu The Great (DDH – 976) của Hải quân Hàn Quốc vào ngày 11 tháng 9 sẽ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng thực hiện chuyến thăm Việt Nam kéo dài 4 ngày.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, tàu khu trục DDH – 976 sẽ chở 302 sĩ quan và thủy thủ do đại tá Doh Jin Woo làm trưởng đoàn.
Sau lễ đón tại cảng Tiên Sa, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Kim Do-hyun và các thành viên cộng đồng người Hàn Quốc tại Đà Nẵng sẽ lên tham quan tàu Roks Moon Mu The Great. Một buổi họp báo cũng sẽ được tổ chức ngay trên boong tàu.
Trong chuyến thăm lần này, đoàn sĩ quan và thủy thủ Hàn Quốc sẽ gặp gỡ các lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, tập trận chung với hải quân VN và tiến hành một số hoạt động khác.
Theo lịch vào chiều 14/9, khi tàu khu trục của Hàn Quốc rời Cảng Tiên Sa, hải quân hai nước sẽ huấn luyện chung về vận động đội hình và thông tin liên lạc. Mục đích được nói là nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương giữa hai nước, đẩy mạnh đoàn kết trong khu vực về đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải.
Đây là lần thứ hai tàu Hải quân Hàn Quốc thăm xã giao thành phố Đà Nẵng. Lần đầu tiên là hai tàu khu trục Roks Kang Gam Chan (DDH-979) và Roks Hwacheon (AOE-59) tới VN vào tháng 9/2017.
Tàu khu trục Roks Moon Mu The Great có chiều dài 150 m, rộng 17,4 m, trọng tải 4.400 tấn, và tốc độ 30 hải lý/h với tầm hoạt động 10.200 km. Tàu được trang bị hệ thống radar hàng hải hiện đại, cùng nhiều vũ khí như ngư lôi, tên lửa hành trình, pháo hạm…
Trong cuộc chiến Việt Nam, Hàn Quốc có gửi binh sĩ tham gia cuộc chiến. Nay, Hàn Quốc là một đối tác của Việt Nam và là một trong những nước có đầu tư trực tiếp lớn vào thị trường Việt Nam.
Việt Nam đã ký hợp đồng mua máy bay 18,3 tỷ USD
từ Mỹ trong năm 2018
Liên quan vấn đề mậu dịch Mỹ- Việt, trong năm 2018, các hãng hàng không của Việt Nam đã ký các hợp đồng 18,3 tỉ USD mua máy bay của Mỹ.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ – Việt Nam 2018, ông Gilbert Kaplan, Thứ trưởng đặc trách Thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Mỹ cho biết ông thực sự ấn tượng trước sự phát triển của Việt Nam.
Ông Gilbert đồng thời cho biết, Mỹ hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã có cam kết tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ tới Việt Nam. Vào cuối năm 2017, hai nước nhiều đã ký nhiều hợp đồng kinh tế lên tới hơn 20 tỉ USD, trong đó có hơn 11 tỉ USD hàng hóa của Mỹ xuất khẩu tới Việt Nam. Và sau đó Boeing có 2 hợp đồng lớn với hai hãng hàng không Bamboo và Vietjet.
Trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ tới Mỹ tháng 5 năm 2018, Hãng Boeing và Bamboo Airlines đã ký cam kết ban đầu cho việc cung cấp 20 máy bay với giá trị khoảng 5,6 tỉ USD. Sau đó, Boeing và Vietjet cũng đã ký bản ghi nhớ cho việc cung cấp bổ sung 100 máy bay có giá trị 12,7 tỉ USD.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/planes-deals-signed-09102018083423.html
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Việt Nam 2018
Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ – Việt Nam 2018 với chủ đề ‘Định hình tương lai quan hệ kinh tế song phương’ vừa diễn ra trong ngày 10 tháng 9 tại Hà Nội, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cùng tổ chức.
Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ – Việt Nam 2018 với chủ đề ‘Định hình tương lai quan hệ kinh tế song phương’ vừa diễn ra trong ngày 10 tháng 9 tại Hà Nội, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cùng tổ chức.
Truyền thông trong nước loan tin này hôm 10/9/2018.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phó Thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng nêu ra rằng Việt Nam luôn đánh giá cao các dự án đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, dầu khí, tài chính ngân hàng, giáo dục, nông nghiệp… cùng với các lĩnh vực đầu tư truyền thống khác.
Tuy nhiên ông Dũng cũng cho rằng hai nước cần cùng nhau đưa ra những đánh giá và đề xuất mới nhằm duy trì đà tăng trưởng hợp tác kinh tế.
Theo VCCI, Kim ngạch thương mại Mỹ – Việt Nam từ mức 7,8 tỷ USD năm 2005 đã tăng lên mức trên 54 tỷ USD năm 2017. Riêng năm 2018, tính đến hết quý II, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 27,4 tỷ USD.
Về đầu tư, Hoa Kỳ hiện có 877 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn 9,37 tỷ USD, đứng thứ 10 trong các nước đầu tư vào Việt Nam, tính đến tháng 6 năm 2018.
VCCI cũng cho biết các doanh nghiệp Hoa Kỳ đều đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và mong muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-vietnam-summit-2018-09102018082955.html