Tin Việt Nam – 10/09/201
Thêm người chết
trong nhà tạm giam công an Phan Rang-Tháp Chàm
Thêm một người tử vong trong nhà tạm giam của công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, và nguyên nhân được cho là “một vụ đánh nhau”.
Đây là nạn nhân thứ hai chết trong nhà tạm giam này trong hơn 2 tháng qua. Báo Tuổi Trẻ hôm Chủ Nhật 10 tháng 9 cho hay, nạn nhân mới nhất là anh Võ Tấn Minh, 25 tuổi. Vào cuối tháng 4, Minh đang đi trên đường thì bị công an bắt giữ chưa rõ vì lý do gì. Sau đó, gia đình được thông báo rằng công an tìm thấy trong người Minh có heroin, nên tạm giam để điều tra. Vào chiều ngày 8 tháng 9, công an tỉnh Ninh Thuận đến nhà báo tin Minh đã chết, đang nằm ở bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Gia đình vội đến bệnh viện thì thấy trên lưng và chân tay Minh có nhiều vết bầm. Sau gáy có một vết bầm dài khoảng 6cm.
Công an cho hay chiều ngày 8 tháng 9 đã xảy ra một vụ đánh nhau ở nhà tạm giam công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Họ thấy Minh nằm ngất xỉu, nên đưa vào bệnh viện và qua đời lúc 5 giờ chiều cùng ngày.
Hôm Chủ Nhật 10 tháng 9, viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm có cung cấp trích xuất từ máy quay phim an ninh, cho thấy có một vụ đánh nhau xảy ra vào chiều ngày 8 tháng 9, nhưng hiện chưa rõ những ai tham gia vụ đánh nhau.
Lần trước xảy ra vụ người dân chết trong nhà tạm giam này là vào ngày 6 tháng 7. Nạn nhân là anh Nguyễn Hồng Đê, 26 tuổi, được cho là dùng áo dài tay “tự thắt cổ” chết. Do vụ này có nhiều tình tiết mờ ám, người nhà nạn nhân đã đẩy xác anh đi diễu phố để phản đối công an thành phố và đòi điều tra.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/them-nguoi-chet-trong-nha-tam-giam-cong-an-phan-rang-thap-cham/
Việt Nam : Cuộc sống nhọc nhằn trên chợ nổi Cái Răng
Trái với những tấm ảnh ấn tượng về chợ nổi Cái Răng ở thành phố Cần Thơ với những con tầu chất đầy rau củ quả, tiểu thương ở đây đang khó nhọc kiếm sống qua ngày.
Chợ nổi Cái Răng được hình thành trong giai đoạn thuộc địa Pháp, khi những con kênh rạch vẫn chằng chịt vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có rất nhiều kênh rạch nhân tạo. Mạng lưới vận chuyển hàng hóa này đang bị hệ thống đường bộ và siêu thị cạnh tranh gay gắt.
Theo AFP, hiện chỉ còn khoảng 300 tầu đang hoạt động tại chợ, so với 550 tầu vào năm 2005. Những người có tiền thì chuyển sang sống trên đất liền. Quá trình di dân này cũng gắn liền với ngành công nghiệp phát triển mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây. Từ năm 2006, số lao động trong các ngành xây dựng và công nghiệp đã tăng gấp đôi, thu hút 570.000 lao động.
Những người nghèo hơn thì vẫn ở lại trên sông. Chuyển lên đất liền sinh sống là « giấc mơ »của ông Nguyễn Văn Út, thợ sửa cân trên sông từ 30 năm nay. Ông cũng đang tính bán cà phê hay vé số giữa những con tầu trên chợ nổi.
Chính quyền địa phương cũng đang tìm cách thu hút thêm du khách, cũng như người bán sỉ để duy trì hoạt động ở chợ nổi Cái Răng, được coi là « di sản quốc gia » từ năm 2016, như giải thích với AFP của bà Nguyễn Thị Huỳnh Phương, đại học Cần Thơ.
Còn với ông Lý Hùng, một người bán rau và hoa quả ở chợ nổi từ 30 năm nay, « nếu không có du lịch, chợ nổi này có nguy cơ biến mất, vì kinh doanh không phát đạt lắm ». Con tầu của ông vừa được một trong số những người con thừa kế, trong khi đó hai người con cả lại ra thành phố làm việc trong các nhà máy. Bà Phương giải thích : « Con cái không muốn tiếp tục công việc cha mẹ và bán hàng ở chợ nổi, vì nghề này rất bấp bênh và rất khó để sống được trên một con tầu ».
Hiện chợ nổi Cái Răng vẫn là chợ đầu mối quan trọng bán dứa (trái thơm) hay dưa hấu. Nhiều tiểu thương vẫn đến đây vào sáng sớm chọn hàng mang vào đất liền bán. Để chào hàng, các chủ thuyền buôn treo sản phẩm của mình lên « cây bẹo » dựng trên mũi thuyền.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170910-viet-nam-cho-noi-cai-rang-chat-vat-chuyen-sang-du-lich
Người Việt giữa tâm bão Irma
Nhiều người Mỹ gốc Việt, nhất là ở Tampa Bay, được cho là nằm trên đường đi chuyển trực tiếp của Irma, một trong những cơn bão mạnh nhất ập vào Hoa Kỳ trong một thế kỷ qua.
Bác sĩ Đỗ Văn Hội, người gốc Việt ở Tampa Bay, dẫn thông tin từ chính quyền tiểu bang Florida cho biết rằng có khoảng 6,5 triệu người đã được lệnh phải di tản, và đây được coi là một trong những đợt sơ tán được coi là lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Quý vị nào ở những vùng thấp gọi là vùng zone A, thì phải di tản, phải đến nhà bà con vững chắc, hay các trung tâm tạm trú. Đáng lẽ phải di tản trước đây mấy ngày rồi, nhưng mà thôi, còn nước còn tát, còn hơn là rất tai ngại, huy hiểm đến tính mạng như [trong trận bão Harvey] ở Texas.
Bác sĩ Đỗ Văn Hội kêu gọi.
Chủ tịch ban chấp hành của cộng đồng người Việt quốc gia liên bang cho VOA Việt Ngữ biết thêm về sự đối phó với Irma:
“Cộng đồng người Việt chúng tôi cũng thông báo thường xuyên về lệnh di tản của chính quyền, nhất là những người sống trong các nhà di động và vùng đất thấp cùng thông tin về những nơi trú ẩn, tạm trú. Dĩ nhiên chúng tôi không có đủ người để giúp đỡ từng người, nhưng chúng tôi cũng thông báo bằng email, bằng điện thoại”.
Ông Hội cho hay rằng ông tới tiểu bang Florida từ năm 1985, và dù đã chứng kiến rất nhiều trận bão nặng nề trong hơn ba thập kỷ qua, “nhưng theo tin tức, chúng không ăn thua gì so với Irma quá to lớn”.
Theo bác sĩ Hội, hiện có khoảng hơn 100 nghìn người Việt sinh sống ở Florida, nhất là khu vực Tempa.
Ông cho biết rằng cộng đồng đang vận động cứu trợ cho nạn nhân người Việt của cơn bão Harvey đánh vào Texas mấy ngày trước, gây thiệt hại hơn 100 tỷ đôla, thì lại vấp phải cơn bão Irma.
Ông cũng muốn gửi một thông điệp tới những người Việt vẫn còn chưa đi sơ tán:
Có nhiều chỗ (shelter) tạm trú giờ không nhận người nữa. Những người đến sau này không còn chỗ nữa. Mình có thân nhân nên không thể ở nhà được. Lệnh của nhà nước là mình phải vào nơi tạm trú để họ giúp đỡ cho mình. Mình ở nhà, mình phải tự lo. Tất cả hệ thống 911 họ không đến cứu mình kịp.
Ông Trần Công Thức kể với VOA tiếng Việt.
“Quý vị nào ở những vùng thấp gọi là vùng zone A, thì phải di tản, phải đến nhà bà con vững chắc, hay các trung tâm tạm trú. Đáng lẽ phải di tản trước đây mấy ngày rồi, nhưng mà thôi, còn nước còn tát, còn hơn là rất tai ngại, huy hiểm đến tính mạng như [trong trận bão Harvey] ở Texas”.
Còn ông Trần Công Thức, một người Việt ở vùng Pinellas, được dự báo sẽ hứng chịu thiệt hại nặng nhất từ cơn bão, cho VOA Việt Ngữ biết ông đã phải chuyển vào một nơi lánh nạn do chính quyền lập nên cùng với một số người Việt khác.
Ông cho biết thêm: “Có nhiều chỗ (shelter) tạm trú giờ không nhận người nữa. Những người đến sau này không còn chỗ nữa. Mình có thân nhân nên không thể ở nhà được. Lệnh của nhà nước là mình phải vào nơi tạm trú để họ giúp đỡ cho mình. Mình ở nhà, mình phải tự lo. Tất cả hệ thống 911 họ không đến cứu mình kịp”.
Trên mạng xã hội, nhất là Facebook, cộng đồng người Việt ở Florida đã đăng tải nhiều thông tin về cơn bão Irma.
Trong một status (dòng trạng thái), cộng đồng người Việt Quốc gia vùng Tampa Bay đã “tha thiết kêu gọi tất cả đồng hương đi sơ tán ngay khi còn kịp”, kèm theo địa chỉ nơi trú tạm trong khi Irma đổ bộ.
Hãy cầu nguyện cho chúng tôi.
Thống đốc Florida Rick Scott kêu gọi.
Trên Twitter, thống đốc tiểu bang Florida, ông Rick Scott cũng đã kêu gọi “mọi người dân Florida và các du khách tìm nơi trú ẩn an toàn và chuẩn bị đối phó với Irma”.
Tới hơn 11 giờ sáng 10/9, khoảng hơn một triệu hộ gia đình và cơ sở kinh doanh đã mất điện, khi Irma bắt đầu tràn vào Florida với sức gió lên tới 210 km một giờ, và đe dọa gây ngập lụt nghiêm trọng ở vùng duyên hải phía tây của tiểu bang này vì triều cường có thể cao tới 4,6 mét.
Cơn bão đã làm ít nhất 22 người thiệt mạng ở Caribbe đã làm ít nhất một nạn nhân tử vong ở Florida.
“Hãy cầu nguyện cho chúng tôi”, thống đốc Rick Scott được truyền thông Mỹ dẫn lời nói.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-giua-tam-bao-irma/4022670.html
Quy định 90 nhằm xử ai?
Tháng Tám năm 2017. Một hiện tượng chính trị đặc biệt đáng chú ý và mổ xẻ là chỉ ít ngày sau bài hát tự chế “Thanh đã về, Thanh đã về!” ra đời trên mạng xã hội, sau lời ví von “xuất thần” của Nguyễn Phú Trọng “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy”, vị tổng bí thư này đã ký ban hành Quy định số 89 – QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; và đặc biệt là Quy định số 90 -QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Chỉ có đảng hiểu
Không hiểu sao, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành trung ương đã tồn tại quá nhiều năm, nhưng đây mới là lần đầu tiên đảng ban hành “tiêu chuẩn cán bộ cấp cao” như vậy.
Cũng bởi thế, tính mục đích của Quy định 90 chỉ được biết với những nội dung còn khá chung chung của nó, trong khi dư luận xã hội lại quan tâm nhiều hơn hẳn về tính thực chất của bản quy định chưa có tiền lệ này.
Tuy vậy, những cuộc tranh luận của giới chuyên gia và giới quan sát dường như vẫn chưa đi đến một kết luận rõ ràng nào về mục đích thực sự của Quy định 90. Một trong những nhà quan sát chính trị là Giáo sư Nguyễn Đình Cống ở Hà Nội thuật lại rằng nhiều người đã hỏi nhau về mục đích của Quy định 90 rồi đưa ra lời đoán; nhưng đoán thì có thể đúng hoặc sai; không có giải thích rõ ràng và trung thực, thế là đã vô minh…
Sự “vô minh” như thế cũng có thể cho thấy Quy định 90 là một văn bản của đảng mà chỉ có… đảng hiểu, còn dân chẳng hiểu gì ráo trọi. Nếu quả thế, đảng văn này đã không thể “mang hơi thở nghị quyết vào thực tiễn” như đảng vẫn ra rả lặp tới lặp lui.
Hay đảng muốn tỏ ra “minh bạch”?
Nhưng lại có những minh họa gần nhất và trái ngược về “sức khỏe lãnh đạo cấp cao”: Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang. Cả hai nhân vật này đều chưa hề được đảng cho “công khai xuất hiện” tính đến nay.
Ở một chiều kích khác của vấn đề, nếu căn cứ vào bối cảnh ra đời của Quy định 90, chúng ta có thể nhận ra một ý nghĩa, hoặc hàm ý khác hơn là những nội dung chung chung và có vẻ giáo điều của nó.
“Tiêu chí đặc biệt” thời đại hội 12
Người ký và rất có thể chính là tác giả của “phát minh Quy định 90” là ông Nguyễn Phú Trọng. Với nhân vật này, nếu dư luận chung còn ví ông với hình ảnh “giáo làng” trước đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, thì sau đại hội này cùng chiến thắng gần như tuyệt đối dành cho ông Trọng, dư luận xã hội đã từ ngạc nhiên đến có phần kinh ngạc, thậm chí một số chính trị gia còn dành cho ông Trọng một sự thán phục lần đầu tiên về “thủ pháp chính trị” của ông đã “nâng lên một tầm cao mới”.
Bối cảnh hậu đại hội 12, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2016 đến nay lại mang màu sắc tiền đại hội 12. Nghĩa là đảng vẫn phải xử lý cuộc khủng hoảng nội bộ, nạn tham nhũng trầm kha chỉ nặng thêm chứ không nhẹ đi, cùng cơn “binh lửa” mới toanh mà giờ đảng mới nhận ra: nạn cát cứ quyền lực và sứ quân khu vực. Một trong những “tư tưởng gia” của đảng là ông Nhị Lê – Phó tổng biên tạp Tạp chí Cộng sản – mới đây đã phải thừa nhận là hiện thời có đến hàng trăm sứ quân.
Con số “hàng trăm” đó lại chiếm đến phân nửa số ủy viên trong Ban chấp hành trung ương. Tức có thể hiểu một nửa lãnh thổ quốc gia đã biến thành sứ quân, gấp gần một chục lần nạn 12 sứ quân thời tiền Đinh Bộ Lĩnh trong lịch sử Việt Nam.
Đây cũng là bối cảnh mà người đã được dư luận đánh giá là “lão luyện chính trị” như Nguyễn Phú Trọng không thể ban hành một Quy định 90 chỉ như một loại đảng văn bình thường, mà hẳn phải có thâm ý, và sâu xa.
Còn nhớ thời tiền đại hội 12. Sau Hội nghị trung ương 12 vào đầu tháng 10/2015 được coi là “bất phân thắng bại”, Hội nghị trung ương 13 lại càng mang tính gấp rút hơn khi chỉ còn một tháng nữa sẽ diễn ra đại hội 12 của đảng cầm quyền. Đến lúc này đã xuất hiện vấn đề “tiêu chí đặc biệt” – nằm trong một văn bản của đảng mà ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư đảng, và ông Tô Huy Rứa – Trưởng ban tổ chức trung ương – được coi là đồng tác giả. Một số trong những nội dung đáng chú ý của “tiêu chí đặc biệt” là nhân sự cấp cao không được để “người thân trục lợi” và không có “vấn đề lịch sử chính trị hiện nay”. Nếu “dính” phải những nội dung trên, nhiều khả năng nhân sự cấp cao sẽ không được Ban chấp hành trung ương và Bộ chính trị giới thiệu để trở thành ứng cử viên tổng bí thư tại đại hội 12.
Khi “tiêu chí đặc biệt” được nêu ra, rất nhiều dư luận đã cho rằng những điều kiện này về thực chất là nhằm loại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khỏi cuộc đua giành cái ghế tổng bí thư. Không biết luồng dư luận này “linh” đến mức nào, chỉ biết rằng đúng vào tháng 10/2015 đã xuất hiện một lá thư dài đến 9 trang A4 – được cho là của ông Nguyễn Tấn Dũng – giải trình trước Tổng bí thư và Bộ Chính trị về 12 điểm, trong đó có những nội dung liên quan đến tiêu chí “không để người thân trục lợi” và “vấn đề lịch sử chính trị hiện nay”. Nhưng rốt cuộc, ông Dũng đã “dính” tiêu chí đặc biệt và do đó phải ngậm ngùi chia tay với chức vụ ứng viên tổng bí thư đảng…
Một chiến dịch “long trời lở đất”?
Còn giờ đây, câu chuyện “người thân trục lợi” đã được hóa thân vào chiến dịch “kiểm tra tài sản 1.000 quan chức” của Tổng bí thư Trọng.
Nếu “tiêu chí đặc biệt” về “không để người thân trục lợi” và “vấn đề lịch sử chính trị hiện nay” được ban hành ngay trước đại hội 12, Quy định 90 được công bố khi Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền sẽ diễn ra vào khoảng giữa tháng 10/2017 – như một thông tin mà Tổng bí thư Trọng có vẻ rất tự tin cho cử tri Hà Nội biết. Có thể cho rằng đây là một trong số hiếm hoi lần mà giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam chủ động thông tin cho “nhân dân” về lịch diễn ra hội nghị trung ương – một động thái có thể được hiểu như đã có sự thay đổi đáng kể về cán cân quyền lực trong đảng sau sự kiện “Thanh về”.
Nếu “tiêu chí đặc biệt” được coi là chỉ nhắm vào trường hợp Nguyễn Tấn Dũng, Quy định 90 có thể dành cho một cấp số nhân lớn hơn nhiều giới quan chức cao cấp thuộc chính phủ, bộ ngành và các địa phương.
Và nếu số lượng sứ quân lên đến hàng trăm, bài toán mà ông Trọng muốn giải có lẽ là phải thẳng tay loại trừ, hoặc “luân chuyển cán bộ”, hoặc vô hiệu hóa đến phân nửa Ban chấp hành trung ương, nếu không phải tại Hội nghị trung ương 6 thì cũng phải làm sau đó không lâu.
Không phải ngẫu nhiên mà từ quý đầu của năm 2017 đến nay đã rộ lên một số thông tin trên báo nhà nước và thông tin không chính thức trên mạng xã hội về tài sản dưới nhiều hình thức, trong đó chủ yếu là nhà đất, của “lãnh đạo cấp cao”. Những trường hợp vào “tầm ngắm” gần nhất như Ngô Văn Khánh – Phó tổng thanh tra chính phủ, Nguyễn Thị Kim Tiến – đầu ngành y tế và là bộ trưởng duy nhất không phải là “trung ủy”…
Trong một cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội vào tháng Bảy năm 2017, lần đầu tiên đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phải tán thán về nạn tham nhũng: “nguy cơ mất đảng, mất chế độ chứ không phải chuyện đùa!”.
Sự thừa nhận quá muộn màng trên của ông Trọng đã được “nâng hẳn lên một tầm cao mới”, nếu so với bối cảnh năm 2011 cũng là ông Trọng đã chỉ hàm ý mơn man về “sự tồn vong của chế độ”.
Một khả năng có thể là Quy định 90 của ông Trọng ra đời nhằm “chống tham nhũng” và “thay máu” Ban chấp hành trung ương trong tương lai gần, rất gần.
Nếu “chống tham nhũng” và “thay máu” đạt được một kết quả dù chỉ ở mức trung bình, đó là sẽ là cơ sở cực kỳ quan trọng để chiến dịch “nhất thể hóa” – được hiểu là người của đảng sẽ kiêm chức chính quyền ở nhiều địa phương – của ông Trọng sẽ có xác suất thành công cao hơn so với tình trạng ù lì chẳng “xử” được quan chức nào.
Liệu “chống tham nhũng”, “thay máu” và “nhất thể hóa” có trở thành một chiến dịch “long trời lở đất”?
https://www.voatiengviet.com/a/quy-dinh-90-dinh-the-huynh-tran-dai-quang/4021196.html
Trần Đại Quang đang đóng vai gì?
Cuộc “tái xuất” bất ngờ
Sau đúng 1 tháng 3 ngày vắng bóng trên truyền thông, ông Trần Đại Quang đã xuất hiện trong một loạt sự kiện liên tiếp: tiếp Đại sứ Cuba và Chánh án Toàn án Tối cao Hàn Quốc ngày 28/8; tham dự Hội nghị Quân uỷ Trung ương và tiếp Đại sứ Slovakia và Đại sứ Áo ngày 29/8, v.v.
Sự vắng mặt suốt hơn 1 tháng của người đứng đầu nhà nước Việt Nam đã khiến báo chí trong và ngoài nước tốn rất nhiều giấy mực, còn dân chúng thì bàn tán xôn xao và đưa ra vô số giả thuyết để lý giải cho sự kiện chưa từng có tiền lệ trên sân khấu chính trị “thời đại Hồ Chí Minh”. Cuộc “tái xuất” khiến nhiều người bất ngờ đến ngỡ ngàng của ông Trần Đại Quang đã giúp giải toả được một số “băn khoăn” mà dư luận từng nêu lên, chẳng hạn khả năng ông bị đầu độc rồi bị loại khỏi cuộc chơi, như trường hợp Nguyễn Bá Thanh mà dư luận vẫn còn nói từ năm 2015, đã không xảy ra. Tuy nhiên, sự kiện này lại làm dấy lên những câu hỏi khác, bên cạnh những câu hỏi trước kia mà đến nay vẫn còn để ngỏ.
Tựu trung, câu hỏi quan trọng nhất ở đây là: vị thế chính trị của ông Trần Đại Quang hiện nay là thế nào, hay chính xác hơn là ông ta đang sắm vai gì trên sân khấu chính trị Việt Nam?
Không còn làm chủ tình hình?
Trong thời gian ông Trần Đại Quang vắng mặt, tên ông vẫn xuất hiện trên truyền thông qua những sự vụ như Chủ tịch nước gửi điện mừng Quốc khánh Cộng hoà Trung Phi hay Quốc khánh Đại Hàn Dân Quốc, v.v. Điều này không khiến người ta phải thắc mắc nhiều, bởi đó đơn thuần là những nghi thức trong bang giao quốc tế, Chủ tịch nước không phải trực tiếp nhúng tay vào.
Sự xuất hiện khiến nhiều người quan tâm và bình luận nhất là việc ngày 20/8, một loạt cơ quan truyền thông nhà nước đã đăng bài “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới”. Đây là chủ đề bàn tán khá rôm rả của cộng đồng mạng, mà chủ yếu là theo chiều hướng phê phán. Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn thậm chí còn bình luận: “Bài viết của ông Quang hoàn toàn không có lời nào của ‘ông Chủ tịch nước’. Mà chỉ thể hiện trí tuệ tầm thường của anh công an quèn.” Và vì thế mà ai cũng trù ông “chết phứt cho rồi”.
Đây là lý do khiến người ta tin rằng ngài Chủ tịch nước đã không còn làm chủ được cuộc chơi, dù chỉ là việc cho công bố một bài viết tử tế dưới tên mình ngay giữa lúc đang cần đến sự ủng hộ tinh thần của công chúng nhất.
Thêm một “ông phỗng”?
Trong bài “Vụ Trịnh Xuân Thanh: Tương lai nào cho Trần Đại Quang” ngày 8/8/2017, chúng tôi đã đưa ra 4 kịch bản cho tương lai của đương kim Chủ tịch Việt Nam là: (i) Trước áp lực của Đức cũng như dư luận quốc tế, cộng với sự phản công của đối thủ, TBT Nguyễn Phú Trọng chấp nhận lùi bước, và những lời khai của Trịnh Xuân Thanh liên quan đến ông Trần Đại Quang sẽ bị xoá bỏ. Ông sẽ “thoát hiểm”, ung dung trở lại và “lợi hại hơn xưa”; (ii) Ông Trần Đại Quang đầu hàng Trung Quốc và phe phái thân Tàu trong bộ máy để được tiếp tục an vị trên chiếc ghế Chủ tịch nước và thậm chí vẫn còn cơ hội trở thành Tổng Bí thư nếu chấp nhận làm tay sai cho Bắc Kinh; (iii) Ông Trần Đại Quang bị xử lý trong nội bộ Bộ Chính trị, chấp nhận vai trò một “ông phỗng” và “ngồi chơi xơi nước” trên chiếc ghế Chủ tịch nước để “giữ bình”; và (iv) Ông Trần Đại Quang bị xử lý công khai và phải rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch nước.
Cuộc tái xuất của ông Trần Đại Quang khiến cho cả 4 kịch bản trên đều có khả năng xảy ra, ít nhất là trên lý thuyết. Tuy nhiên, cho dù bao nhiêu giả thuyết đi nữa thì rốt cuộc cũng chỉ có một kịch bản diễn ra trên thực tế.
Bây giờ chúng ta sẽ thử phân tích xem khả năng nào là lớn nhất.
Kịch bản thứ nhất và thứ hai nêu trên chỉ xảy ra khi vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc về Việt Nam kèm theo lời khai “nóng” của anh ta về vai trò của ông Trần Đại Quang chưa được đưa ra Bộ Chính trị. Song điều đáng tiếc là các diễn biến liên quan lại chỉ khiến người ta đi đến kết luận ngược lại.
Ngày 7/8, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra lệnh tạm giam Trịnh Xuân Thanh để “điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Động thái này diễn ra trong bối cảnh vụ Trịnh Xuân Thanh đang được dư luận quốc tế dõi theo sát sao, còn dư luận trong nước thì đang nóng ran nóng rẫy trước sự kiện chưa từng có đó. Theo “thông lệ” của nền “pháp quyền XHCN” ở Việt Nam, vụ việc phải được đưa ra Bộ Chính trị và quy trình tố tụng đối với Trịnh Xuân Thanh chỉ được khởi động sau khi tập thể Bộ Chính trị nhất trí. Điều này có nghĩa là ông Trần Đại Quang không còn cơ hội nào để lật ngược tình thế được nữa, ít nhất là bởi trong Bộ Chính trị không chỉ có ông ta mà còn không ít kẻ đang nhòm ngó chiếc ghế của TBT Nguyễn Phú Trọng, kể cả khi một ứng cử viên sáng giá là Đinh Thế Huynh đã bị loại khỏi cuộc đua, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chẳng hạn.
Việc ông Trần Đại Quang đột ngột biến mất suốt hơn một tháng trước khi “tái xuất” với một bộ dạng nhợt nhạt, mất hết thần sắc và phong độ là bằng chứng cho thấy TBT Nguyễn Phú Trọng cùng thuộc hạ đã ra “đòn độc” với đối thủ theo kiểu “đập phát chết luôn”. Cách duy nhất để làm điều đó là đưa ngay vụ Trịnh Xuân Thanh ra Bộ Chính trị khi anh ta vừa được áp giải về tới Việt Nam, khiến ông Trần Đại Quang không kịp trở tay và rơi vào tình thế “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”.
Như vậy, chỉ còn kịch bản thứ ba và thứ tư là có khả năng xảy ra với ông Trần Đại Quang. Tuy nhiên, kịch bản thứ tư lại chỉ xảy ra khi vụ Trịnh Xuân Thanh được đưa ra xét xử công khai và những sai phạm của ngài Chủ tịch nước được công bố trước bàn dân thiên hạ, một lựa chọn có thể dẫn đến những hệ luỵ khó lường đối với bộ mặt vốn đã nhem nhuốc của chế độ cũng như sự vận hành vốn đã chuệch choạc của hệ thống, trong khi nếu bị dồn vào đường cùng thì bất kỳ ai cũng trở nên nguy hiểm, nói gì đến một cựu Bộ trưởng Công an.
Tóm lại, kịch bản thứ ba là khả năng lớn hơn cả. Nghĩa là, số phận chính trị của ông Trần Đại Quang coi như đã an bài. Vụ Trịnh Xuân Thanh cùng lời khai liên quan đến ngài Chủ tịch nước đã được ra Bộ Chính trị; sau một thời gian chống cự trong bối cảnh bị quản thúc, ông ta đã đầu hàng để được sắm vai một “ông phỗng” trên chiếc ghế Chủ tịch nước hầu đảm bảo an toàn và “uy tín” cho mình, đồng thời “giữ bình” cho ngài TBT.
https://www.voatiengviet.com/a/tran-dai-quang-trinh-xuan-thanh/4021189.html
Lại có tin chủ tịch Quang đi Nhật chữa bệnh
Sau khi xuất hiện trước công chúng ở Việt Nam trong hơn một tuần qua sau một thời gian dài biến mất, chủ tịch nước CSVN Trần Đại Quang được cho là lại “đi Nhật chữa bệnh”.
Báo mạng Tiếng Dân hôm Chủ Nhật dẫn một nguồn tin khả tín từ Nhật Bản cho biết, vào ngày Thứ Năm 7 tháng 9 vừa qua, ông Quang đã bay qua Nhật Bản chữa bệnh. Chuyến đi này dự định kéo dài khoảng một tuần, đến ngày 14 tháng 9. Nguồn tin này còn nêu nghi vấn, không rõ lần này ông Quang “có về được không”.
Tờ báo mạng cũng dẫn một nguồn tin khác cho hay, ông Quang đã đi Nhật Bản lần này để lọc máu, có lẽ do bị suy giảm hệ miễn dịch.
Trước đây, ông Trần Đại Quang đã vắng mặt hơn một tháng, từ ngày 25 tháng 7 cho đến ngày 28 tháng 8. Giữa lúc dư luận nêu lên nhiều nghi vấn về sự vắng mặt của ông Quang, thì ông đột ngột xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông nhà nước. Sáng ngày 28 tháng 8, ông Quang tiếp Đại sứ Cuba Herminio López Díaz, rồi chiều cùng ngày, ông tiếp Chánh án Tối Cao Pháp Viện Nam Hàn Yang Sung-tae. Lần xuất hiện trước công chúng mới đây nhất là vào sáng ngày 6 tháng 9, khi ông tiếp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi.
Trong những lần xuất hiện mới đây, nhiều người chỉ ra rằng ông Quang trông ốm yếu và xanh xao hơn nhiều so với hồi trước, chứng tỏ ông đan bị một chứng bệnh trầm kha nào đó.
http://www.sbtn.tv/lai-co-tin-chu-tich-quang-di-nhat-chua-benh/
Những người tị nạn Hmong đầu tiên đến Guyane
Cách đây 40 năm, những người tị nạn chính trị Hmong đầu tiên, chạy trốn khỏi chế độ cộng sản Lào, được tiếp nhận tại Guyane. Hiện cộng đồng Hmong chiếm 2% dân số Guyane và trở thành những nhà trồng trọt lớn trên lãnh thổ Pháp ở Nam Mỹ.
Người Hmong, theo quân Pháp và Mỹ trong trong các cuộc xung đột trên bán đảo Đông Dương và tiếp theo là ở Việt Nam, đã vượt biên để tránh tình trạng bạo lực mà họ là nạn nhân ngay vào năm 1975 khi chính phủ cộng sản được bầu tại Lào. Trên khoảng 20.000 người Hmong xin tị nạn, Guyane đón khoảng 1.000 người từ năm 1977-1988.
Ông D’Dzeu Ya Ma, một nông dân 57 tuổi, đến Guyane vào cuối năm 1977 cùng với khoảng 500 người tị nạn Hmong khác, kể lại với AFP : « Dù nhớ quê hương cùng với những khó khăn ban đầu, tôi biết là mình đã chọn đúng ». Bị giữ trong trại « 11.000 người tị nạn » ở Thái Lan, ông được đưa đến Cacao, khi đó là một khu đãi vàng bị bỏ hoang, cách thủ phủ Cayenne khoảng 80 km.
« Cacao lúc đó vẫn là một cánh rừng, chỉ có một khu đất trống và một đường băng. Chúng tôi phải khai hoang bằng tay », theo lời kể của ông Ya Ma nhân lễ kỷ niệm sự kiện này hôm 05/09/2017. Từ đó, những người tị nạn đã biến khu vực này thành một nông trường và khu du dịch.
Chính sách đưa dân đến Guyane của chính phủ Pháp
Từ thế kỷ XVII, chính quyền thuộc địa Pháp đã muốn biến Guyane thành một vùng đất đông dân cư, mà theo cách đánh giá của nhiều nhà trí thức và quân sự là « diệt chủng bằng cách thay thế », giống như tại quần đảo Antilles.
Chính phủ muốn phát triển vùng đất rộng lớn ở Amazonie với 76.000 người cùng với kiến thức nông nghiệp của những cư dân mới, trong đó có người tị nạn Hmong. Dù « kế hoạch xanh » bị thất bại, nhưng sự hiện diện của họ đã góp phần phát triển « ngành trồng rau, du lịch, chăn nuôi, sản xuất gỗ », theo đánh giá của ông Claude Ho-A-Chuck, cựu chủ tịch Hội đồng tỉnh.
Hiện tại « ngành trồng trọt đáp ứng khoảng 70% nhu cầu về hoa quả và rau xanh ở Guyane », trong đó có khoảng 1.100 nhà khai thác hoặc đồng khai thác có nguồn gốc Hmong sống tại 4 làng, theo nhận định của chủ tịch Phòng Nông Nghiệp Guyane với hãng tin AFP.
Tuy nhiên, « không phải hầu hết thanh niên ngày nay là nông dân, họ đã chọn rất nhiều ngành nghề khác nhau », như trường hợp của ông Jean Yan Sai Po, một lính cứu hỏa chuyên nghiệp.
Ông By Cha, chủ tịch Hội Đón tiếp và Hội nhập người Hmong, đến Guyane từ năm 1986, cho rằng nước Pháp không nên khép lại vấn đề tị nạn chính trị. Vì theo ông, « Nhà nước nói là tình hình không còn như năm 1975 nữa, nhưng vẫn còn nhiều người Hmong Việt nam, những người đầu tiên liên minh và chiến đấu với quân đội Pháp, vẫn sống trong nghèo khó và bị phân biệt và người ta không nhắc đến những con người này ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170910-tron-40-nam-nhung-nguoi-ti-nan-hmong-dau-tien-den-guyane