Tin Việt Nam – 10/06/2020
Thành phố Hồ Chí Minh dừng hai dự án BOT chuyển sang dùng vốn ngân sách
Thành phố Hồ Chí Minh quyết định dừng 2 dự án làm theo hình thức BOT để chuyển qua dùng vốn ngân sách là dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn hai ở quận Bình Thạnh và cầu Tân Kỳ Tân Quý tại quận Bình Tân.
Báo trong nước loan tin trích phát biểu của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm nói tại buổi giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố với các sở ngành vào sáng ngày 10/6.
Việc chuyển đổi hình thức 2 dự án vừa nêu được thành phố đưa ra sau khi kết luận của Kiểm toán Nhà nước cho rằng các dự án này không phù hợp theo Nghị quyết 437 của Quốc hội là không được thực hiện dự án BOT trên đường hiện hữu.
Vẫn theo lời ông Trần Quang Lâm, đây là lần đầu tiên thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận chủ trương chuyển đổi hình thức dự án BOT sang vốn ngân sách nhà nước.
Đồng thời cho biết thêm Sở Kế hoạch – Đầu tư đang nghiên cứu hướng giải quyết để làm việc với chủ đầu tư trong tháng 6.
Dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn hai được TP HCM ký kết với Tổng công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) năm 2018 với tổng vốn gần 2.300 tỷ đồng, trong đó đền bù giải tỏa hơn 1.300 tỷ đồng.
Đến nay, CII đã hoàn thành thi công một nhánh cầu Ông Dầu trên quốc lộ 13 và chi một phần tiền đền bù giải tỏa đường Ung Văn Khiêm.
Phía thành phố sẽ dùng ngân sách hoàn trả nhà đầu tư các khoản đã chi trong dự án khi đàm phán kết thúc hợp đồng BOT. Do đó, CII sẽ không tổ chức trạm thu phí ở chân cầu Bình Triệu.
Trong khi đó, dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý dài 83 m, rộng 16 m và đoạn đường dẫn dài 225 m đã được Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng – IDICO triển khai từ năm 2017 với tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến giữa nằm 2018, do vướng giải tỏa nên dự án đã dừng thi công khi công trình đạt 70% khối lượng xây lắp.
Báo trong nước cho hay việc dừng thực hiện dự án trên đồng nghĩa với việc IDICO sẽ không kéo dài thêm thời gian thu phí giao thông ở trạm thu phí An Sương – An Lạc trên quốc lộ 1, quận Bình Tân.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hcmc-terminates-2-bot-projects-06102020092016.html
Thêm một người chết
trong lúc bị tạm giam ở Nam Định
Ông Đăng Mạnh Hà (50 tuổi, thường trú tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) bị tử vong trong thời gian đang bị tạm giam tại nhà tạm giữ Công an huyện Xuân Trường.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 10/6 rằng gia đình ông Đăng Mạnh Hà cho biết ông này bị bắt hôm 4/6 trong khi đang mua ma tuý để sử dụng. Đến sáng ngày 10/6, gia đình được cán bộ công an huyện mời đến trụ sở và thông báo ông Hà đã tử vong.
Theo lời kể từ 2 người trong gia đình khi vào nhìn thi thể, có một số vết bầm tím trên thi thể ông Hà.
Lãnh đạo Công an huyện Xuân Trường trả lời truyền thông trong nước cho biết vào khoảng 11 đêm ngày 9/6, ông Hà ra bể nước để rửa mặt hoặc chân tay thì có biểu hiện co giật.
Đại diện Công an huyện Xuân Trường cũng cho biết đã đề nghị cơ quan giám định pháp y trung ương vào cuộc làm rõ và sẽ đưa ra kết luận sau khi tiến hành khám nghiệm.
Em gái ông Hà khẳng định với báo Pháp luật rằng khi bị bắt anh trai mình không có tiền án bệnh sử và hoàn toàn khoẻ mạnh.
Công an huyện Xuân Trường cũng cho biết khi mới được đưa đi tạm giữ, ông Hà có chỉ số sức khoẻ cơ bản đều bình thường. Tại nhà tạm giam, ông này được nói đã ở cùng hai người khác.
Tình trạng người dân chết trong đồn công an lúc bị tạm giam thường xảy ra ở Việt Nam. Mới hôm 8/5 vừa qua, phạm nhân Nguyễn Quang Lập (36 tuổi) tử vong sau 3 ngày chấp hành án tại trại giam Công an huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Dự kiến mở phiên giám đốc thẩm
vụ án bị cáo tự sát tại Tòa án Bình Phước
Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM dự kiến sẽ mở phiên giám đốc thẩm vào ngày 12/6 để xem xét lại vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” của ông Lương Hữu Phước, người đã nhảy lầu tự sát tại Tòa án tỉnh Bình Phước hôm 29/5.
Truyền thông trong nước vào ngày 10/6 cho biết Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM trong cùng ngày đưa ra quyết định vừa nêu.
Ông Lương Hữu Phước, 55 tuổi, ở Bình Phước, vào sáng ngày 29/5 bị tuyên bản án 3 năm tù giam trong phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai. Ngay trong chiều ngày 29/5, ông Phước đã đến tòa án nhảy lầu tự sát với tâm nguyện cái chết của ông làm thức tỉnh nền tư pháp của tỉnh này.
Vào sáng ngày 30/5, Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Phước tổ chức cuộc họp báo về vụ việc ông Phước chết tại sân tòa. Tòa án tỉnh Bình Phước tuyên bố trong buổi họp báo rằng đã xét xử vụ án của ông Phước hòan toàn vô tư và công tâm.
Đến ngày 5/6, Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm, và đề nghị xét xử theo hướng hủy toàn bộ hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với bị cáo Lương Hữu Phước để điều tra và xét xử lại từ đầu bởi vì vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ.
Cũng liên quan trong lĩnh vực tư pháp, Quốc hội Việt Nam vào chiều ngày 10/6 biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp với tổng số phiếu gần 93% tán thành.
Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được bổ sung một điều; sửa đổi, bổ sung nội dung 26 điều và chỉnh lý kỹ thuật 3 điều. Và Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Con gái thiếu tướng gốc Việt
dấn thân phục vụ cộng đồng trong đại dịch COVID
Một thiếu nữ gốc Việt ở Mỹ đang theo đuổi một công việc mà không phải cô gái nào trạc tuổi cô cũng có thể làm được.
Từ hơn một năm nay, mỗi tuần ít nhất 12 tiếng, Christine Flora tình nguyện tham gia hoạt động ứng phó các tình huống khẩn cấp y tế từ các cuộc gọi cấp cứu 911. Có khi cô được giao nhiệm vụ lái xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện hay các cơ sở y tế.
Nữ sinh viên đại học 19 tuổi cho biết cô theo đuổi công việc này đã hơn một năm nay tại Đội Cứu hộ Charlottesville-Albemarle, một đội cứu hộ tình nguyện đặt tại thành phố Charlottesville của bang Virginia.
Và trong khi dịch virus corona lây lan khiến nhiều người trở nên dè dặt hơn với các hoạt động tình nguyện, Christine tiếp tục dấn thân phục vụ cộng đồng.
“Chúng tôi cảm thấy rất mãn nguyện được giúp đỡ những người đau ốm trong cộng đồng của chúng tôi và tạo nên sự khác biệt trong cuộc đời của họ khi họ thật sự cần đến sự giúp đỡ của chúng tôi,” cô chia sẻ với VOA Việt ngữ.
Christine cho biết tinh thần phụng sự công chúng của cô xuất phát từ mong muốn theo đuổi ngày ngành y trong tương lai và cô cũng được truyền cảm hứng từ chính tấm gương của bố là ông Lapthe Flora, một thiếu tướng gốc Việt trong Lục quân Hoa Kỳ được cộng đồng người Việt biết tới rộng rãi với tên gọi Châu Lập Thể.
Christine nói cha mẹ cô “hết sức ủng hộ” công việc mà cô đang theo đuổi bởi vì họ hiểu được ý nghĩa của nó với sự trưởng thành về mặt cá nhân và nghề nghiệp cho con gái.
“Họ hết sức ủng hộ kể từ khi tôi bắt đầu tới giờ, cho phép tôi linh động chạy đi chạy lại và thật sự khuyến khích tôi theo đuổi bất cứ điều gì mà tôi muốn làm, kể cả việc chạy xe cứu hộ giữa đại dịch virus corona,” cô nói.
Hiện Christine đang là một AIC (attendant-in-charge), được định nghĩa là một người được huấn luyện chuyên môn để chịu trách nhiệm chính cho việc cung cấp chăm sóc y tế khẩn cấp. Ngoài ra, cô còn đảm nhận nhiệm vụ lái xe cấp cứu cũng như giúp huấn luyện những thành viên khác.
Với mong muốn theo đuổi ngành y, cô gái trẻ cho biết công việc tình nguyện này cho cô những kinh nghiệm thực tiễn quý giá mà không phải ai cũng có thể có được từ những công việc ở những lĩnh vực khác, đặc biệt là trong những tình huống mà bệnh nhân đối diện giữa sự sống và cái chết.
Ngoài ra, làm việc trong một môi trường với những đồng đội cần mẫn và ham học hỏi mỗi ngày để giúp đỡ cộng đồng cũng là động lực thúc đẩy cô phấn đấu trở thành một nhân viên giỏi hơn, giúp cô củng cố quyết tâm theo đuổi ngành y để phục vụ xã hội.
“Khi chúng tôi mới nghe tin về đại dịch, rất nhiều người đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Chúng tôi hơi lo sợ, không biết kế hoạch sắp tới là gì và chạy xe đưa bệnh nhân như thế nào đây và liệu thành viên có sụt giảm không vì người ta sợ tiếp tục chạy xe cứu hộ. Chúng tôi sợ là sẽ không đủ nhân viên. Nhưng ngạc nhiên là mọi người vẫn bám trụ và chúng tôi tụ họp lại với nhau và đã thích nghi được với hoàn cảnh,” cô chia sẻ.
Christine hiện là sinh viên năm ba chương trình cử nhân tại Đại học Virginia ở Charlottesville, theo học chuyên ngành Sinh học và Tâm lí học. Cô dự định tốt nghiệp vào năm 2022.
Cô cho biết mong muốn đem những kĩ năng học được từ công tác tình nguyện vào quân đội để khởi đầu sự nghiệp của mình, đi theo tiếng gọi của việc phụng sự công chúng giống như cha cô và những người họ hàng khác.
“Tôi nghĩ đó là việc làm cao cả. Và tôi khuyến khích mọi người tham gia vì họ không những có thể giúp đỡ cộng đồng của họ, mà họ sẽ có thể học được điều gì đó về bản thân mình,” cô nói.
“Nó dạy bạn biết những điều mà bạn trân quý và giúp mở mang tầm mắt của bạn ra trước những quan điểm khác nhau trong cuộc sống.”
Đối với Christine, đó là những cuộc đời mà cô đã góp phần giúp thay đổi, trên những chuyến xe cứu thương mà cô cầm lái.
Báo cáo mới về tù nhân tôn giáo tại Việt Nam
Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế- USCIRF, vào ngày 9 tháng 6 công bố phúc trình thường niên 2020 về tù nhân tôn giáo nói riêng và tình hình tự do tôn giáo nói chung tại Việt Nam trong năm 2019.
Phúc trình nêu rõ chính phủ Hà Nội cầm tù hằng chục cá nhân chỉ vì niềm tin tôn giáo hay quan điểm cổ xúy cho tự do tôn giáo.
Phúc trình cho biết điều kiện giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam vi phạm những chuẩn mực quốc tế gồm có việc từ chối không cho các tù nhân tôn giáo được tiếp cận các nghi lễ phụng tự của tôn giáo mà họ tin theo. Biện pháp này được cho là một hình thức trả thù.
USCIRF nhận định tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam trong năm 2019 vẫn như những năm trước. Vào chuyến làm việc tại Việt Nam vào tháng 9 năm ngoái, nhiều tổ chức tôn giáo khi đăng ký với chính quyền địa phương bị đòi hỏi những thông tin mà Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo của Nhà nước không hề yêu cầu như tên của tín đồ.
Đơn đăng ký thường bị ngâm nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm mà không cho biết quyết định giải quyết.
Nhiều cộng đồng thiểu số phải đối mặt với tình trạng bắt bớ quá mức chỉ vì thực hành niềm tin tôn giáo của họ một cách ôn hòa.
Phúc trình nêu ra con số ước tính chừng 10 ngàn người H’mong và người Thượng Tây Nguyên theo Thiên Chúa Giáo trở nên vô tổ quốc vì chính quyền địa phương từ chối cấp chứng minh nhân dân cho họ. Nhiều trường hợp bị trả thù vì không chịu từ bỏ niềm tin tôn giáo.
Trong phúc trình năm nay, USCIRF tiếp tục kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt- CPC, theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế.
Kể từ năm 2002, USCIRF đã có kiến nghị vừa nêu và vào năm 2004, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Đến năm 2006, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rút tên Việt Nam khỏi danh sách CPC. Lúc bấy giờ, USCIRF cho rằng còn quá sớm để đi đến quyết định đó nếu như tiến bộ về tự do tôn giáo của Việt Nam không lâu bền.
Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế:
Mỹ chỉ trích Việt Nam tiếp tục đàn áp tôn giáo
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục chỉ trích chính quyền Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo trong năm 2019 bất chấp Hiến pháp quy định tôn trọng quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của người dân.
Trong báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế được công bố vào sáng ngày 10/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích chính quyền Việt Nam tìm cách đàn áp tự do tôn giáo, đặc biệt nhắm vào các nhóm tôn giáo không được chính quyền thừa nhận, dưới nhiều hình thức. Đó là xách nhiễu, đánh đập, bắt giữ, truy tố, theo dõi, cấm đi lại đối với những người theo các nhóm tôn giáo không được nhà nước cho đăng ký. Tài sản, đất đai của họ bị nhà nước thu hồi.
Theo báo cáo, những xách nhiễu, đàn áp tôn giáo diễn ra ở các địa phương như: Tây nguyên, vùng người theo đạo Thiên chúa của người H’mong ở vùng núi phía Bắc, và các tỉnh Nghệ An, Tuyên Quang nơi có nhiều người theo Tin lành và Công giáo.
Những truy bức của chính quyền đã khiến khoảng từ 250 đến 300 người Thượng ở Tây nguyên phải chạy lánh nạn sang Campuchia và Thái Lan kể từ năm 2017 trở lại đây, theo thống kê của Chính phủ Mỹ.
Người Công giáo ở khu vực Nghệ An nơi có giáo phận Vinh, theo báo cáo, cũng bị đàn áp mà điển hình là việc kết án từ một giáo dân là thầy giáo dạy dạng Nguyễn Năng Tĩnh 11 năm tù hồi năm ngoái với cáo buộc Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Theo báo cáo, những người theo các nhóm tôn giáo như Cao Đài, Hoà Hảo không được đăng ký và Phật Giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng bị đàn áp.
Theo thống kê trong báo cáo, hiện Việt Nam có khoảng hơn 97 triệu dân với khoảng 26,4% dân số là những người đang thực hành các hoạt động tín ngưỡng được đăng ký. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính 90% dân số Việt Nam theo một đức tin truyền thống nào đó bao gồm cả dạng được đăng ký với nhà nước và dạng không đăng ký.
Đạo phật là đạo lớn nhất tại Việt Nam với khoảng 14,9% dân số, tiếp theo là Công giáo với khoảng 7,4% dân số.
Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế là báo cáo được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra hàng năm đối với toàn thế giới. Trong báo cáo các năm qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dù nhìn nhận Việt Nam có một số tiến bộ nhất định trong việc cho phép người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, những vẫn chỉ trích tích tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.
Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ hôm 9/6 cũng có một báo cáo về tự do tôn giáo, lên án việc đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, và kêu gọi chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).
Người Trung Quốc dùng xuồng cao tốc vận chuyển
hàng hoá trái phép trên vùng biển Vạn Gia
Tỉnh Quảng Ninh phải tăng cường việc kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh của người Trung Quốc bằng xuồng cao tốc trên vùng biển Vạn Gia.
Đó là nội dung trong văn bản của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia phát đi ngày 10 tháng 6 và được truyền thông trong nước loan tải.
Theo Ban chỉ đạo, trên vùng biển Vạn Gia thuộc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh thời gian qua xuất hiện các xuồng máy được trang bị động cơ công suất 2-6 máy chạy với tốc độ cao. Đặc biệt các thuyền viên điều khiển đều mang quốc tịch Trung Quốc và một số xuồng hoạt động nhưng không có tên, số hiệu, biển kiểm soát hoặc mang biển kiểm soát giả, biển kiểm soát Trung Quốc nhằm vận chuyển hàng hóa tái xuất, xuất khẩu (trong đó có thuốc lá, rượu ngoại).
Số xuồng này thường xuyên neo đậu trên các vùng biển thuộc khu vực Vạn Gia, sau đó di chuyển vào vùng chuyển tải của cảng Vạn Gia để lấy hàng, khi có điều kiện thuận lợi sẽ vận chuyển số hàng trên quay trở lại Việt Nam để tiêu thụ.
Trong văn bản có đoạn viết: “Hoạt động của các xuồng và thuyền viên người Trung Quốc trên vùng biển Vạn Gia, Quảng Ninh rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia trên biển, có dấu hiệu buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.
Do đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu tỉnh Quảng Ninh kiểm soát chặt chẽ không để các hoạt động trên tiếp tục xảy ra trên vùng biển Vạn Gia đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trong khi đó, trả lời trên tờ Tuổi Trẻ điện tử vào ngày 10/6, ông Nguyễn Văn Nghiên, Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh cho rằng hoạt động xuất nhập cảnh và vận chuyển hàng hoá như Ban Chỉ đạo nêu đã được kiểm soát và từ ngày 9 tháng 5 không còn tình trạng người Trung Quốc dùng xuồng cao tốc nhập cảnh vào VN chở hàng hoá.
5 đại dự án do TQ đảm nhiệm thua lỗ nặng
nhưng không dám kiện
Có 5/12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm đang có tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC. Tuy nhiên, phía tư vấn pháp lý đã khuyên chủ đầu tư không nên kiện nhà thầu vì khả năng thắng kiện thấp.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi ĐBQH liên quan đến 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương.
Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng – tổng mức đầu tư 172,385 triệu USD.
Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai – tổng mức đầu tư 5.170 tỷ đồng.
Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình – tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng.
Nhà máy Phân đạm Hà Bắc – tổng mức đầu tư 10.122 tỷ đồng.
Nhà máy đóng dầu Dung Quất – vốn điều lệ 3.758 tỷ đồng (PVN góp vốn 5.095 tỷ đồng).
Nhà máy thép Việt – Trung – tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng.
Nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ – tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng.
Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) Quảng Ngãi – tổng mức đầu tư 2.125 tỷ đồng.
Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước – tổng mức đầu tư 1.742,76 tỷ đồng.
Nhà máy bột giấy Phương Nam – tổng mức đầu tư 3.409 tỷ đồng.
Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ – tổng mức đầu tư 2.484 tỷ đồng.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên – tổng mức đầu tư 8.100 tỷ đồng.
Theo báo cáo, đến nay, chỉ có 2/12 dự án, doanh nghiệp có lãi, trong đó 1 doanh nghiệp vẫn còn lỗ lũy kế gồm Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng và Nhà máy thép Việt – Trung.
3 dự án, doanh nghiệp giảm được lỗ nhưng chưa bền vững, gồm: Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai và Nhà máy Đạm Ninh Bình.
1 dự án, doanh nghiệp dừng hoạt động nay đã vận hành trở lại là Dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ.
7 dự án, doanh nghiệp còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động.
Dư nợ của các dự án, doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn. Hiện có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án với tổng số dư nợ đến thời điểm 31/12/2019 là 20.938 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trung dài hạn là 17.169 tỷ đồng, dư nợ ngắn hạn là 3.769 tỷ đồng.
Ngoài 12 dự án, doanh nghiệp, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có liên quan 22.964 tỷ đồng.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam còn cấp tín dụng cho 06 Dự án gồm: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2- Tisco; Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình; Dự án đạm Hà Bắc; Dự án DAP số 1 Hải Phòng; Dự án DAP số 2 Lào Cai; Nhà máy đóng dầu Dung Quất với tổng dư nợ đến 31/12/2019 là 9.796 tỷ đồng.
Khả năng thắng kiện nhà thầu Trung Quốc là thấp
Báo cáo nêu rõ, trong tổng số 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương, có 5 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC với nhiều nội dung được doanh nghiệp đàm phán nhiều lần với đối tác nhưng vẫn không thành công.
Tất cả các dự án này đều do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm toàn bộ hoặc một phần, gồm:
Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai;
Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc;
Dự án nhà máy đạm Ninh Bình;
Dự án Xây dựng Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất;
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.
“Tranh chấp, vướng mắc chủ yếu tập trung vào các vấn đề: chủ đầu tư và nhà thầu chưa thống nhất trong việc xác định giá trị quyết toán do thay đổi về thông số kỹ thuật, xuất xứ, số lượng thiết bị so với Hợp đồng đã ký và khối lượng phát sinh ngoài nội dung hợp đồng đã ký”- báo cáo nêu.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư và nhà thầu chưa thống nhất trong việc xác định thuế phải nộp và tiền phạt chậm nộp thuế của Hợp đồng; Tranh chấp quyết toán chi phí chạy thử; Giá trị quyết toán thực tế không phù hợp với Hợp đồng EPC đã ký; Yêu cầu bồi thường chi phí dịch vụ kỹ thuật kéo dài, chi phí bảo dưỡng khắc phục hư hỏng thiết bị, chi phí chờ đợi hướng dẫn lắp đặt thiết bị, chi phí thay đổi thiết kế, sửa chữa công trình đã thi công,…
Trước thực trạng này, báo cáo của Chính phủ nêu ra 2 giải pháp xử lý:
Thứ nhất: Đưa ra trọng tài hoặc tòa án để phân xử.
Đối với phương án này, các doanh nghiệp đã thuê tư vấn pháp lý, sau khi nghiên cứu hồ sơ, tư vấn đã khuyến cáo việc khởi kiện để xử lý tranh chấp Hợp đồng EPC (nhất là 3 dự án thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam) sẽ không thuận lợi và khả năng thắng kiện thấp, chi phí theo đuổi vụ kiện lớn, có thể chi phí cho việc phải trả tiền cho các nhà thầu khi thua kiện cộng với chi phí theo đuổi vụ kiện sẽ cao hơn tổng số tiền đang còn tranh chấp trong các Hợp đồng EPC.
Thứ hai: Chủ đầu tư tự quyết toán theo quy định của Thông tư 64/2018/TT-BTC đối với trường hợp nhà thầu không thực hiện quyết toán hợp đồng theo quy định hoặc không thực hiện các nội dung công việc để hoàn thành quyết toán.
Với phương án này, báo cáo cho hay do còn tranh chấp nên hồ sơ thực tế cũng chưa có đầy đủ để lập hồ sơ tự quyết toán.
Do đó, Chính phủ cho rằng để xử lý được tồn tại này, Bộ Tài chính cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc chủ đầu tư tự quyết toán phù hợp hơn với tình hình thực tế của các dự án hiện nay.
Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an 4 dự án
4 dự án, doanh nghiệp yếu kém, lỗ triền miên, thậm chí là chưa hoàn thiện đã được chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, gồm:
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi;
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ;
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên;
Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
Cụ thể, Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã dừng sản xuất do không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp và thiếu vốn lưu động phục vụ sản xuất. Đến hết năm 2019, tổng nợ phải trả là 1.316,34 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.019,63 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ đang đầu tư xây dựng dở dang, đạt khoảng 78% khối lượng công việc; các bên không thống nhất với nhau về chi phí phát sinh nên đã dừng thi công từ tháng 11/2011, đến nay chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp góp phần vốn còn thiếu để tiếp tục triển khai, hoàn thành. Hết năm 2019, tổng nợ phải trả là 1.210,93 tỷ đồng, lỗ lũy kế âm 17,77 tỷ đồng.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên khởi công từ tháng 9/2007 đến nay chưa xong.
Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu là âm 3.103,32 tỷ đồng, tổng tài sản là 4.798,35 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 7.901,67 tỷ đồng, lỗ lũy kế âm 5.356,04 tỷ đồng.
Việt Nam thắng gói thầu
bán 60.000 tấn gạo cho Philippines
Hôm 8/6/2020, tại phiên mở thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo của Philippines, Việt Nam đã trúng thầu bán 60.000 tấn gạo cho nước này theo cơ chế liên Chính phủ (G2G).
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 10/6 và cho biết, giá bán gạo của Việt Nam cũng cao hơn các nước tham gia đấu thầu.
Tham gia đấu thầu ngoài Việt Nam, còn có 3 quốc gia khác gồm Ấn Độ, Thái Lan và Myanmar. 3 nước trúng thầu với số lượng 189.000/300.000 tấn. Trong đó, Ấn Độ trúng thầu số lượng nhiều nhất với 96.000 tấn với nhiều mức giá khác nhau; Myanmar trúng thầu bán 33.000 tấn, với mức giá 489,3 USD/tấn; Còn Việt Nam trúng thầu bán 60.000 tấn với giá 497,3 USD/tấn.
Tin cho biết, phía Việt Nam tham gia phiên đấu thầu là Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc – Vinafood 1.
Philippines lần này nhập khẩu theo cơ chế G2G vì hợp đồng G2G sẽ có khối lượng lớn hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn. Trong khi hiện có nhiều doanh nghiệp vẫn chưa giao hàng xong cho các hợp đồng tư nhân đã ký kết trước đó với phía Philippines.
Theo thống kê của Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam tháng Năm cao nhất từ đầu năm 2020 đến nay, đạt sản lương 750 ngàn tấn, tương đương 395 triệu USD.
Thành quả này theo cơ quan chức năng là do xuất khẩu mặt hàng gạo đã tăng mạnh sau khi Chính phủ cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại từ ngày 1/5 vừa qua.
Cũng tin liên quan đến nông nghiệp, hôm 10/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo nhận định, với nghị quyết này, nông dân tiết kiệm 7.000 tỷ đồng.
Nghị quyết kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Hậu Covid-19:
Facebook hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam
Tập đoàn Facebook vừa kết hợp cùng Bộ Kế hoạch Đầu tư và các doanh nghiệp ở Việt Nam phát động một chương trình quảng bá du lịch nhằm thúc đẩy sự phục hồi của ngành này sau dịch Covid-19.
Việt Nam được quốc tế đánh giá đã “chiến thắng” đợt dịch Covid-19 vừa qua, tuy vậy, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất.
Việt Nam nên làm gì để đón Apple đưa nhà máy tới?
Kinh tế Việt Nam liệu có đuổi kịp Thái Lan, Malaysia?
Video âm nhạc “Bao la Việt Nam”, với sự góp mặt của nhiều ngôi sao Việt Nam, vừa được phát hành hôm 9/6, do Facebook đầu tư sản xuất và quảng bá trên mạng xã hội này.
Đạo diễn người Brazil gốc Nhật Mauricio Osaki, nằm trong danh sách đề cử Oscar năm 2015, thực hiện MV này.
12 nghệ sĩ đã cùng thực hiện MV này gồm X2X, Minh Hằng, Võ Hoàng Yến, Liên Bỉnh Phát, Hương Ly, LyLy, Phan Ngân, Han Sara, Bùi Công Nam, Anna (SGO48), Vinh Trần (Anh Thám Tử).
Đây là một phần hoạt động của chương trình Tự hào Việt Nam, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phát động từ đầu năm 2020.
Quảng bá hình ảnh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam nói qua video ca nhạc này, Việt Nam mong muốn truyền tải thông điệp, sau đại dịch Covid-19, con người “cần hơn sự nhân văn, sự quan tâm sẻ chia của Chính phủ bên cạnh sự thành công của một quốc gia”.
“Người dân là trọng tâm của quá trình phát triển và mọi chính sách của Chính phủ đều phải hướng tới hạnh phúc của người dân,” thông cáo của bộ này nói.
Bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Giám đốc chính sách công Việt Nam, Facebook phát biểu với truyền thông hôm 9/6:
“Chúng tôi rất vinh dự được hợp tác cùng Bộ Kế hoạch Đầu tư và các đối tác thực hiện chương trình “Tự hào Việt Nam” giúp quảng bá hình ảnh tươi đẹp của Việt Nam đến bạn bè thế giới.
“Chương trình tiếp tục thể hiện cam kết của Facebook trong hành trình thúc đẩy nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng, dựa trên sức mạnh của truyền thông kỹ thuật số.”
Đáng chú ý, Facebook nói sự kiện “Tự hào Việt Nam” nằm trong trụ cột “Facebook thúc đẩy kinh tế số” thuộc Chiến dịch “Facebook vì Việt Nam”, một trong những chương trình trọng điểm của Facebook tại Việt Nam trong năm 2020.
Theo một số ước tính, đang có ít nhất 60 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam.
Qua tìm hiểu, BBC được biết Facebook gần đây đã thiết kế một chương trình dành riêng cho thị trường Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ.
Chiến dịch này xoay quanh năm lĩnh vực chính bao gồm: Đổi mới sáng tạo, Kinh tế số, An toàn và Kỹ năng số, Thành phố thông minh và Vì cộng đồng.
‘Facebook thúc đẩy Kinh tế số’
Theo giải thích của Facebook, chương trình này đặt ra các nội dung:
●Facebook thúc đẩy Kinh tế số (#fb4Economy): Các chương trình nhằm đóng góp cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tại Việt Nam.
●Facebook phục vụ Đổi mới sáng tạo (#fb4Innovation): Bao gồm các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ các lập trình viên và các chiến dịch thúc đẩy đổi mới sáng tạo
●Facebook với An toàn và kỹ năng số (#fb4Safety and digital literacy): Các chương trình nâng cao tư duy thời đại số và an toàn trên mạng thông qua đào tạo kỹ năng số, kiến thức về an toàn và thái độ ứng xử có trách nhiệm trên mạng.
●Facebook hỗ trợ Thành phố thông minh(#fb4Cities): Hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong nỗ lực xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số thông qua các chương trình phối hợp trên nhiều lĩnh vực.
●Facebook vì Cộng đồng (#fb4Communities): Bao gồm những sáng kiến nhằm đưa mọi người lại gần nhau hơn và sử dụng công nghệ vì lợi ích của cộng đồng
Năm 2019, tại một hội nghị ở Davos, Thụy Sĩ, đại diện Facebook đã có cuộc họp cấp cao cùng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Facebook cũng có cuộc gặp với ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Trụ sở Facebook tại Menlo Park, bang California.
Tháng 7 năm ngoái, lần đầu tiên Facebook có hợp tác chính thức với một thành phố ở Việt Nam, Đà Nẵng, với chủ đề tập trung nâng cao năng lực số của các đơn vị chính quyền và hỗ trợ năng lực ứng phó thiên tai.
https://waw.bbc.com/vietnamese/vietnam-52996664
Việt Nam muốn
Nhật Bản ủng hộ lập trường về Biển Đông
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Nhật Bản ủng hộ lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều hoạt động trên Biển Đông khiến Việt Nam và các quốc gia trong khu vực lo ngại.
Theo báo điện tử Chính phủ, trong buổi tiếp Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio vào chiều 9/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam và cho biết sẵn sàng đón các chuyên gia, nhà đầu tư Nhật Bản trên cơ sở có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Ông khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, lâu dài; mong muốn tiếp tục cùng Nhật Bản làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng.
Trao đổi với tân đại sứ Takio, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị hai bên tiếp tục hợp tác trên các diễn đàn khu vực và quốc tế; đề nghị Nhật Bản ủng hộ lập trường của Việt Nam về Biển Đông.
Hồi tháng 1, trong cuộc gặp tại Hà Nội, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và người đồng cấp Phạm Bình Minh cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và luật pháp ở Biển Đông, theo Nikkei Asian Review.
Ông Motegi nói rằng Nhật Bản đã tiếp tục “khẳng định lập trường của mình” với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, điều mà ông Phạm Bình Minh, người đồng thời giữ cương vị Phó Thủ tướng trong chính phủ Việt Nam, đồng tình.
Hai quan chức ngoại giao đồng ý tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản vì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Sau cuộc gặp, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết nước này, cùng các cường quốc khu vực khác như Hoa Kỳ và Úc, kêu gọi duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng.
Tình hình Biển Đông lại trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây, với việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động tại các khu vực mà Việt Nam và Malaysia tuyên bố là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của những nước này.
Đối phó với các bước đi leo thang của Trung Quốc tại Biển Đông, Việt Nam đã không ngừng gia tăng các nỗ lực hợp tác với các nước như Mỹ, Nhật Bản.
Nhật Bản, vốn cũng có nhiều tranh chấp biển với Trung Quốc, cũng đang tích cực hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á.
Hồi năm 2017, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông báo hỗ trợ Việt Nam 6 tàu tuần tra mới.
Trao đổi với Zing.vn lúc đó, người phát ngôn của Nhật hoàng cho biết 6 tàu tuần tra Nhật tài trợ cho là hàng thiết kế riêng cho Việt Nam, phù hợp với nhu cầu của Việt Nam và đảm bảo tiêu chuẩn Nhật.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ mạnh mẽ việc tăng cường năng lực thực thi luật hàng hải của Việt Nam”, ông Abe cho biết trong chuyến thăm nói trên.
Tàu của lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản cũng từng đến thăm và huấn luyện chung với Cảnh sát biển Việt Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52989813
Thủ tướng Phúc thúc giục hợp tác
với nước ngoài để phát triển vũ khí quân sự
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các lực lượng quốc phòng đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất và bán vũ khí quân sự cũng như hợp tác với nước ngoài trong các hoạt động này.
Yêu cầu của người đứng đầu chính phủ Việt Nam được đưa ra không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch hồi đầu tháng này lên tiếng cảnh báo về những “diễn biến phức tạp trên Biển Đông” và yêu cầu quân đội “đề cao cảnh giác” để “sẵn sàng chiến đấu” giữa lúc xung khắc giữa Hà Nội và Bắc Kinh trên vùng biển đầy tranh chấp tăng cao trong những tháng gần đây.
Tại hội nghị ban chỉ đạo Nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh hôm 3/6 với sự có mặt của ông Lịch và Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Thủ tướng Phúc cho biết Bộ Công an đã bước đầu nghiên cứu, sản xuất được một số chủng loại trang bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác chiến đấu cho lực lượng công an nhân dân, theo cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Ông Phúc được trích lời nói rằng “trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và khu vực” trong những năm tới đây, “nhiệm vụ xây dựng phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh ngày càng nặng nề, đòi hỏi phải có tinh thần đổi mới tư duy và có giải pháp, cách thức thực hiện phù hợp hiệu quả.” Thủ tướng cho rằng cần phải có “đột phá về năng lực nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghiệp quốc phòng, anh ninh.”
Người đứng đầu Chính phủ Hà Nội thúc giục các lực lượng quốc phòng “tăng cường hợp tác” với các đối tác nước ngoài để “cùng nghiên cứu phát triển và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của công nghiệp quốc phòng, anh ninh” của Việt Nam. Ông Phúc còn nêu lên sự cần thiết phải đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm của công nghiệp quốc phòng, an ninh Việt Nam, gồm vũ khí quân sự.
Hồi đầu năm nay, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam cho biết họ tiếp tục chú trọng nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt là nghiên cứu các loại vũ khí mới, trong năm 2020, theo Tiền Phong.
Việt Nam đứng thứ 22 trên 138 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới về sức mạnh quân sự, theo đánh giá của Global Firepower.
Theo báo cáo của ICD Research, khả năng sản xuất quốc phòng trong nước của Việt Nam tương đối kém phát triển, do quốc gia Đông Nam Á còn phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị gốc nước ngoài để đáp ứng các nhu cầu quân sự.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Việt Nam bị chi phối lớn bởi các nhà cung cấp thiết bị quốc phòng Nga, nhưng các nhà cung cấp của Mỹ và châu Âu gần đây đã thâm nhập thị trường quốc phòng Việt Nam thông qua việc bán thương mại trực tiếp các hệ thống phòng thủ tiên tiến, theo ICD Research. Hơn nữa, Việt Nam giành ưu tiên cho các thoả thuận giữa chính phủ với chính phủ trong việc mua sắm các hệ thống quốc phòng.
Trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam phát hành năm 2019, chính phủ Hà Nội tiết lộ chi tiêu cho quốc phòng chiếm 2,36% GDP năm 2018, tăng hơn so với mức 2,23% GDP năm 2010.
Cơ cấu tổ chức, nhân sự
không thể thay đổi dưới thể chế độc đảng!
Cơ cấu nhân sự
Tại buổi họp quốc hội chiều ngày 9/6 bàn về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, bàn về tiêu chuẩn Đại biểu quốc hội, nhiều ý kiến được đưa ra với mục tiêu nhằm giúp nâng cao chất lượng đại biểu.
Một trong những ý kiến nhắc lại biện pháp nâng cao phần trăm số đại biểu chuyên trách từ 35% lên 40%, cũng như yêu cầu đại biểu cần có kiến thức, chuyên môn, quan tâm tình hình, đặc biệt phải đảm bảo có đủ thời gian nghiên cứu, trao đổi, tiếp xúc với cử tri.
Trao đổi với RFA tối ngày 9/6, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam cho rằng những đề xuất thường xuyên được nhắc đến trong mỗi kỳ họp thực chất chỉ mang tính bề nổi. Ông lập luận:
“Thực tế trong một nhà nước dưới sự lãnh đạo của đảng và đảng lãnh đạo toàn trị, trực tiếp lãnh đạo về tổ chức, giá trị tư tưởng, quốc phòng an ninh thì chuyện làm quốc hội, chính phủ, hay công tác đảng cũng chỉ là sự phân công nên không có gì mới. Nhiều vấn đề đã đưa ra quốc hội để tham khảo nhưng khi quyết thì đảng quyết chứ không có gì làm trái ý kiến của đảng được. Quốc hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng thì cơ cấu đại biểu quốc hội nhìn vô thì 90-95% là đảng viên, đảng viên sao trái ý kiến của đảng được? Nên cải cách thực tế là người ta mong muốn đại biểu quốc hội cải cách đầu vào, cơ cấu thành phần khác để nghe tiếng nói khác thì may ra tốt hơn, chứ bây giờ quốc hội chỉ là diễn mà thôi.”
Vẫn theo Luật sư Thuận, Quốc hội phải giải quyết cốt lõi vấn đề tức là thành phần cơ cấu đại biểu, ngoài ra còn có dư địa để người ta phát biểu và tiếp thu. Quốc hội không thể tiếp tục làm theo những đề xuất mà đảng đã quyết định hết, rồi quốc hội mới vờ quyết định lại thì thật sự chưa thấy mở ra được hướng giải quyết.
“Tôi cho rằng những ý kiến đổi mới người ta đang chờ là phải đổi mới đầu vào để có những tiếng nói khác, phản biện tốt thì tự nhiên tình hình có nhiều tích cực hơn.”
Dưới góc nhìn cá nhân, nhà hoạt động Lã Việt Dũng từ Hà Nội cho rằng việc thay đổi nhân sự có thể cho thấy Quốc hội đã thể hiện muốn hình thức dân chủ phần nào, nhưng thực tế như Luật sư Trần Quốc Thuận đã nói, phần lớn do các đại biểu quốc hội là đảng viên, cơ cấu nhân sự của chính phủ quốc hội do đảng chỉ đạo nên không thay đổi được gì.
Không chỉ riêng nhân sự cho quốc hội, mà nhân sự đảng cũng đang là vấn đề được động đến trước kỳ đại hội đại biểu toàn quốc đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2021.
Trong đó, vấn đề nhân sự trong Bộ Chính trị đang là điểm nóng mà người dân quan tâm nhiều nhất hiện nay, theo lời Nhà hoạt động Lã Việt Dũng:
“Bây giờ họ đang lăn tăn việc số lượng Ủy viên Bộ Chính trị quá 65 tuổi là bao nhiêu đang là vấn đề khá đau đầu cho đảng cộng sản Việt Nam.”
Với kinh nghiệm làm việc lâu năm tại Văn phòng Quốc hội, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng để có thể giải quyết tốt vấn đề nhân sự tại quốc hội hay chính phủ thì trước hết nhân sự đảng phải được thay đổi:
“Ngay cả di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong đó có đoạn nói về đảng thì đảng phải thực hiện dân chủ thật rộng rãi trong đảng nhưng trong đảng bây giờ chưa thật sự có dân chủ, đảng chưa ứng cử, bầu cử cho nội bộ đảng mà cơ cấu do ở trên chỉ xuống thì làm sao không chạy chức chạy quyền được. Nên dân chủ trước hết phải mở trong đảng.”
Cơ cấu tổ chức
Bên cạnh cơ cấu nhân sự, cơ cấu tổ chức tại các bộ máy cũng gây ra khá nhiều ý kiến trái chiều không chỉ trong những cuộc họp thảo luận của các cấp chính quyền mà ngay cả trong dư luận.
Điển hình như vào ngày 7/6, Tỉnh ủy Quảng Ninh đưa ra đề nghị mong Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý cho chủ trương Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV được thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội.
Mới đây nhất, báo trong nước loan tin ngày 9/6 dẫn nội dung cuộc họp chính phủ về việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân thành một văn phòng chung theo Nghị quyết 580/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với tư cách công dân, Nhà hoạt động Lã Việt Dũng cho hay ông ủng hộ quyết định tinh giảm bộ máy nhà nước này. Ông giải thích quan điểm cá nhân như sau:
“Bộ máy của họ khá cồng kềnh và cũng vô tác dụng rất nhiều nên theo mình việc hợp nhất theo mình có những tích cực: giảm tiền thuế dân, tinh gọn bộ máy. Cơ chế của Việt Nam thật ra từ trước đến nay tham nhũng rất nhiều, cứ qua mỗi cửa sẽ sinh thêm một tham nhũng nên họ giảm mình nghĩ đó là điều tốt.”
Trong khi đó, ông Lê Văn Cuông, Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội chuyên trách tỉnh Thanh Hóa khóa XI lại không tán thành với việc sáp nhập 3 văn phòng theo Nghị quyết 580 do ông cho rằng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi tổ chức khác nhau:
“Qua thực tiễn cho thấy khó khăn, độ vênh của nó vì quốc hội, hội đồng thực hiện chức năng giám sát Ủy ban Nhân dân. Bây giờ nhập cả văn phòng thì lẫn lộn cả cơ quan giám sát và cơ quan chịu giám sát chung một văn phòng phục vụ, sẽ không minh bạch trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn lẫn lộn nên khó điều hành.”
Từ thực tế vừa nêu, ông Lê Văn Cuông cho rằng đối với những thay đổi về nhân sự, cơ cấu, cơ quan chức năng cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu trước khi ban hành thành luật.
“Trong thực tế có những bất cập, được mặt này nhưng vướng mặt khác nên cần thời gian thử nghiệm, thí điểm để sau đó thấy những gì rõ, đúng rồi mới quyết. Còn những gì chưa rõ cần phải tiếp tục theo dõi, thí điểm chứ không nóng vội, không bảo thủ trì trệ khi thấy bộ máy cồng kềnh, hiệu quả kém, đầu mối nhiều, biên chế phình to mà cứ để như cũ cũng không phù hợp.”
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, phương thức làm việc của Việt Nam hiện nay đều tập trung vào sự chỉ đạo của Đảng nên nhiều khía cạnh hạn chế chưa thể giải quyết được. Do đó, ông đề ra giải pháp:
“Người ta nói Việt Nam tam quyền phân lập, làm gì có vì chỉ có một đảng không thể tam quyền phân lập. Nếu tam quyền phân lập thì đảng ngồi ở đâu và đứng ở đâu? Nên người ta đặt ra cần phải làm luật về đảng để coi quyền của đảng tới đâu, được gì và quyết gì, nếu quyết sai thì trách nhiệm thế nào. Có những câu rất chung, rất nguyên tắc như đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội và đảng chịu trách nhiệm do vấn đề mình quyết nhưng trách nhiệm thế nào thì chưa thấy.”
Còn theo ông Lê Văn Cuông, trong thời buổi Việt Nam đang hòa nhập với thế giới thì Việt Nam cần sửa đổi pháp luật, đổi mới mô hình cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế, nhưng cũng phù hợp với thực tiễn Việt Nam chứ không thể máy móc áp dụng hoặc bảo thủ không chịu thay đổi!
Ở Việt Nam không có người khuyết tật
Như Mai
Hoặc, vô cùng vô cùng ít.
Đừng vội phản đối tôi.
Quý vị nhìn đấy, trên đường phố Việt Nam lấy đâu ra người khuyết tật?
Líu ríu chỉ có một ít người già già ngồi xe lăn bán vé số. Ít hơn nữa là người khiếm thị, cũng bán vé số, một cánh tay đặt vào vai người bạn sáng mắt nào đó nhờ dẫn đi. Thường thường họ gồm hai người đàn ông trung niên trở lên, một người đeo chiếc guitar đàn hát cho thực khách tại các quán nhậu lề đường nghe, người kia len lỏi vào bán vé số và kẹo chewing gums.
Trong tòa nhà tôi làm việc, chỉ duy nhất có một người đàn ông độ 40 tuổi, có đầu bị ngoẹo sang trái và vai trái cao hơn vai phải.
Hết rồi đó. Tôi chẳng nhìn thấy họ ở đâu nữa. Việt Nam chẳng có người khuyết tật trẻ, hay người khuyết tật đàn bà, hay người khuyết tật trẻ em. Nhỉ?
Thế nhưng, kết quả Tổng điều tra dân số của Việt Nam năm 2016 (sử dụng cho đến nay) cho biết Việt Nam có 7% dân số là người khuyết tật.
6.2 triệu người, tổng cộng.
Thế mà chẳng thấy họ trên đường, chẳng thấy họ ở văn phòng, công ty, xí nghiệp.
Họ đang ở đâu?
“Sống trong bóng tối”
Tôi từng ngạc nhiên đến gần như choáng váng, khi được người bạn theo đạo Công giáo dẫn đến một tổ chức hỗ trợ người khuyết tật dưới sự bảo trợ của nhà thờ, tại Sài Gòn.
Trong một tòa nhà rất lớn nằm ngay giữa trung tâm sầm uất (nhưng có cánh cổng hết sức khiêm nhường và đơn sơ) là cả một trường học kiêm ký túc, với cả trăm người khuyết tật nhiều lứa tuổi, tuy phần lớn là trẻ nhỏ.
Tôi chưa bao giờ nhìn thấy đông người khuyết tật tập trung tại một chỗ như thế.
Những người được nhận vào đây học là một may mắn lớn, vì cơ sở vật chất tiện nghi, rộng rãi, dụng cụ và phương tiện đầy đủ, thường xuyên có nhiều tình nguyện viên người nước ngoài đến sinh hoạt chung và dạy học.Gia đình của những người này cũng không đến nỗi quá thiếu thốn, nên hàng ngày vẫn có thể đưa đón con cái hoặc người thân đến cơ sở bảo trợ này.
Nhưng tuyệt đại đa số những người khuyết tật khác đều đang sống cùng gia đình hoặc người thân, phụ thuộc nhiều hoặc ít vào sự hỗ trợ tài chính, nhà ở và chăm sóc trong đời sống hàng ngày vào những người thân này. Một ít người khác thuộc loại khuyết tật nặng, sống trong các nhà bảo trợ.
Những người này hầu hết quanh năm suốt tháng chỉ loanh quanh trong nhà hoặc di chuyển xung quanh nhà, bán kính di chuyển rất hẹp.
Gần như họ vắng bóng ở ngoài đường hay các không gian công cộng.
Luật người khuyết tật đã có từ 10 năm nay
Đó là vì tuy đã có luật về người khuyết tật đến 10 năm nay, nhưng tại không gian công cộng, Việt Nam có rất ít phương tiện để hỗ trợ người khuyết tật đi lại hay tham gia các sinh hoạt cộng đồng.
Điển hình như hệ thống đường đi bộ có gờ nổi dành cho người khiếm thị chẳng hạn, cũng chỉ mới có ở một số đường phố trung tâm vài đô thị lớn.
Nhưng nó cũng được thực hiện tột độ cẩu thả. Cẩu thả đến mức vô cảm và tàn nhẫn.
Trên hai vỉa hè đường Điện Biên Phủ-một trong những con đường huyết mạch, xuyên suốt và vắt dài qua nhiều quận trung tâm của Sài Gòn, từ vài năm nay người ta cũng lát gạch nổi làm làn đường cho người khiếm thị, nhưng con đường này hết húc vào gốc cổ thụ thì lại va vào bốt điện. Hoặc khi khổng khi không dẫn thẳng xuống lòng đường lúc nào cũng dày đặc xe cộ. Mà chẳng hề có đoạn chấm bi nổi để báo cho người khiếm thị khua gậy đi đường biết đã chấm dứt đoạn đường gạch nổi gì hết.
Ở những đoạn không đâm vào gốc cây hay trụ điện, nó lại bị quán sá, nhà cửa, cửa hàng, thậm chí trung tâm thương mại to đùng sáng rực chiếm chỗ để dựng xe máy, đặt lò than tổ ong cháy đỏ nấu nồi bún riêu, chiếc bảng hiệu, hay là chiếc ghế bành cho ông bảo vệ ngồi gác chân bấm điện thoại…
Tại các ngã ba, ngã tư, nút giao thông không hề có nút bấm in chữ nổi Braille cho người khiếm thị, hay nút bấm có giọng nói yêu cầu đèn xanh cho người khiếm thính.
Ở Sài Gòn, tôi chỉ thấy một đoạn đường ngắn dọc phố đi bộ có nút bấm yêu cầu đèn xanh có giọng nói cho người khiếm thính, thế nhưng thiết bị này tại nhiều giao lộ cũng hỏng hóc lâu rồi.
Tại các công trình công cộng, công sở, các con đường thoai thoải để lăn xe lăn cũng chỗ có chỗ không.
Theo luật, các phương tiện giao thông công cộng như taxi, xe bus, xe đò, máy bay… đều phải có thiết bị hỗ trợ lăn xe lăn, hoặc nâng cả chiếc xe lăn lên, và có hệ thống giá đỡ, tay vịn giúp cất xe lăn hoặc nạng. Nhưng tại Việt Nam, ngoài khi đi máy bay sẽ có dịch vụ hỗ trợ xe lăn (dùng cho cả người già, yếu hoặc người khuyết tật), còn thì toàn bộ hệ thống taxi, xe bus, hay xe đò đều hoàn toàn chưa thân thiện với người khuyết tật.
Đừng nói đến xe lăn hay người khiếm thị, mà người dùng nạng cũng vô cùng khó tiếp cận với các phương tiện giao thông công cộng kể trên. Vì các xe đò liên tỉnh phổ biến hiện nay thiết kế các bậc thang rất cao. Trẻ em, phụ nữ có bầu và người già đi lên còn khó khăn, huống gì người mang nạng. Lối đi giữa hai hàng ghế ở trên xe đò và tàu lửa thì vô cùng hẹp do thiết kế ham đặt nhiều chỗ ngồi (hoặc nằm). Trên các xe nằm liên tỉnh, gần như phải nghiêng người mới đi lọt trong lối đi này được. Trên xe lửa, nếu kéo một chiếc valy cỡ thông thường, bạn phải xoay dọc nó lại chứ cũng không đủ chỗ để nó hiên ngang đi thẳng. Thế thì chỗ đâu mà đặt nạng hay xe lăn?
Tất cả các biển số chỗ ngồi hay biển báo trên các loại xe kể trên đều cùng một loại viết bằng sơn trên các tấm bảng sắt hoặc mica bé tí tẹo tèo teo hàn vào sau lưng ghế ngồi, đi tìm chỗ ngồi phải dí sát mắt vào mới thấy (máy bay đỡ hơn tí), thậm chí khi nó cũ xỉn mờ tịt đi người ta còn chẳng thèm sơn lại.
Chẳng có bảng nào có chữ nổi cả, ngay cả trên cửa WC. Người cận thị còn hoa cả mắt mới tìm được chỗ thì người khiếm thị xoay sở cách nào?
Trên đường phố cũng vô cùng khó khăn để dùng xe lăn.
Trên lòng đường, từ xe tiền tỷ đến xe tiền một có một tí như xe đẩy tay bán hàng rong, tất cả bình đẳng: chúng đỗ và chạy nghênh ngang. Quý vị phải có cả kỹ năng, can đảm và liều lĩnh nữa, để luồn lách qua chúng. Một chiếc xe lăn di chuyển ngoài làn đường này là cả một hành trình nguy hiểm.
Trên lề đường thì sao?
Lẽ ra tất cả các lề đường đều phải được xây đồng nhất về chiều cao, chiều rộng và có làn thoai thoải ở những giao lộ hay đứt đoạn để có thể lăn xe lên. Nhưng ở đất nước thân yêu xinh đẹp điểm đến của thiên niên kỷ mới của chúng ta thì quên đi. Ngay ở trung tâm Sài Gòn, thành phố phát triển nhất nước, lề đường vẫn luôn gập ghềnh khúc khuỷu, chỗ cao chỗ thấp; dân thì quen phi xe máy lên lề đường chạy cho lẹ bất kể giờ giấc nào, nên gạch đá lở lói sứt mẻ. Cộng với đủ thứ chướng ngại vật rất “dân tộc tính” như đoạn trên tôi đã kể. Thế thì lăn xe làm sao được?
Thậm chí các ông bố bà mẹ sống ở thành thị cũng chả mấy khi dám dắt con tung tăng đi bộ trên vỉa hè. Vì rất thường khi chúng ta đang vui chân bước thì bỗng còi xe máy phía sau hét lên gắt gỏng. Ớ sao đã phi xe máy lên vỉa hè còn bóp còi đòi nhường đường vô lý thế? Ấy nhưng mà nó cứ thế đấy. Bạn thử không nhường hoặc mở miệng nhắc nhở xem. Ăn cái lườm cháy má là chuyện nhỏ. Bọn họ văng tục ra cả rổ ngay, hoặc-ai biết đâu đấy, rút “đồ chơi” ra phang mình tại chỗ! Như đã từng xảy ra.
Dạ thưa, tình hình sau 10 năm có Luật Người khuyết tật của Việt Nam là như thế.
“Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật”
Cơ mà, tháng 11 năm ngoái, Ban Bí thư Trung ương Đảng lại đẻ thêm một chỉ thị nữa, tên là Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật.
Ban đầu, đọc tên cái chỉ thị tôi phì cười. Thế nào mà người khuyết tật cần đến tận sự lãnh đạo của Đảng nữa cơ? Họ cần là cần các hệ thống luật lệ được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ, chứ người khuyết tật có phải ai cũng là đảng viên đâu mà phải chờ Đảng lãnh đạo? Mà muốn thành đảng viên cũng chẳng được, vì mấy ai được ăn học đàng hoàng, có công ăn việc làm tốt để nuôi thân, rồi thì có cơ hội thăng tiến, làm lãnh đạo, quan chức? Đã chẳng có cơ hội làm quan chức thì ai vào Đảng làm gì cho nhọc?
Ấy nhưng mà cái chỉ thị này đồ sộ lắm.
Nó vẽ ra cả một hệ thống tiếp cận và hỗ trợ người khuyết tật trên tất tần tật mọi lĩnh vực và biện pháp: từ giáo dục, chăm sóc y tế, thể dục thể thao, việc làm, giải trí, du lịch, an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, chính sách, chủ trương và pháp luật, hòa nhập, yêu thương chăm sóc nội bộ lẫn cam kết quốc tế… Đọc hoa cả mắt. Lòng run lên cảm động vì thấy người khuyết tật được chăm lo nhiệt huyết quá, tận từng cái răng. Đất nước ta thật như rồng như hổ, yêu thương, mạnh mẽ và ân cần…
Cơ mà, cứ mỗi sáng ra bước xuống đường đi làm, thì cái thực tế nó lại đập bốp vào mặt, như ở trên tôi đã kể.
Tham khảo:
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/no-disable-in-vn-06092020131405.html
Điểm tin trong nước sáng 10/6:
Trung Quốc đặt cáp ngầm
quanh Hoàng Sa vì mục tiêu quân sự;
Nam thanh niên ‘gặp xe nào đốt xe đó’
Tâm Minh – Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng ngày 10/6 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Trung Quốc đặt cáp ngầm quanh Hoàng Sa vì mục tiêu quân sự
Ảnh vệ tinh và dữ liệu định vị tàu thuyền mới đây đã phát hiện một chiếc tàu Trung Quốc có dấu hiệu như là đang đặt dây cáp dưới biển giữa các tiền đồn Trung Quốc tại vùng quần đảo Hoàng Sa. Theo hãng tin Mỹ BenarNews ngày 08/6, giới chuyên gia cho rằng các dây cáp ngầm đó có thể được dùng vào mục tiêu quân sự, giúp Trung Quốc tăng cường khả năng phát hiện tàu ngầm.
Theo hãng tin Mỹ, tàu đặt dây cáp của Trung Quốc xuất phát từ Thượng Hải và đã bắt đầu hoạt động trong khu vực Hoàng Sa từ gần 2 tuần nay. Hình ảnh vệ tinh thương mại chụp vùng Hoàng Sa đã phát hiện chiếc tàu làm công việc có liên quan đến cáp ngầm dưới biển, mặc dù ảnh chụp từ không gian không thể xác định rõ đó là việc đặt cáp mới, hay sửa chữa, nâng cấp hệ thống cáp hiện có.
Dữ liệu theo dõi tàu thuyền, tuy nhiên, đã xác nhận được đó là chiếc Tian Yi Hai Gong đã đến Hoàng Sa vào ngày 28/05, và đã hoạt động ít nhất tại ba đảo đá khác nhau là đảo Cây (Tree Island), đảo Bắc (North Island) và đảo Phú Lâm (Woody Island). Sau đó con tàu đã di chuyển lên phía tây nam ngày 05/06, ghé các đảo Duy Mộng (Drumond), đảo Ba Ba (Yagong) và bãi Xà Cừ (Observation Bank). Vào sáng 08/06, chiếc tàu vẫn hoạt động ở phía đông bắc bãi Xà Cừ.
Tất cả các địa điểm trên đều là các tiền đồn quân sự của Trung Quốc ở vùng Hoàng Sa.
Lần gần đây nhất mà Trung Quốc bị phát hiện đặt cáp ngầm ở Hoàng Sa là vào năm 2016. Theo hãng tin Anh Reuters, đó là tuyến cáp ngầm nối căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm với đảo Hải Nam. Hai chuyên gia đã cho rằng hệ thống cáp quang ngầm nối liền các thực thể ở Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng có thể nhằm mục đích quân sự.
Theo ông James Kraska, giáo sư tại trường Hải Chiến Hoa Kỳ, hệ thống cáp quang đó sẽ cho phép truyền tải các thông tin quân sự được mã hóa giữa các tiền đồn khác nhau của Trung Quốc, và sẽ kết nối với hệ thống cáp dưới biển đã được xây dựng dọc theo bờ biển phía đông Trung Quốc.
Một điều khác mà Trung Quốc có thể làm là thiết lập một mạng lưới phát hiện các âm thanh dưới nước, để phát hiện và theo dõi tàu của đối thủ, đặc biệt là tàu ngầm. Ông Bryan Clark, nghiên cứu viên cao cấp tại Học Viện Hudson, có trụ sở tại Washington, cũng nghi ngờ rằng các dây cáp có thể được dùng vào việc giám sát dưới mặt nước.
Nam thanh niên ‘gặp xe nào đốt xe đó’
Báo Tuổi trẻ đưa tin, chiều hôm 9/6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết vừa bắt khẩn cấp Nguyễn Viết Hiếu (36 tuổi, trú TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) để điều tra về vụ án 6 chiếc xe hơi đậu ven đường bị đốt đêm hôm 8/6.
Tại đây, Hiếu khai nhận đã gây ra sự việc trên. Ngày 7/6, Hiếu đi mua xăng, sau đó chờ đến tối thì chạy xe máy dọc theo một số tuyến đường với ý định “gặp xe nào đốt xe đó”.
Từ khoảng 1h30 ngày 8/6 đến rạng sáng cùng ngày, Hiếu đã phóng hỏa liên tiếp thiêu rụi 6 xe từ 4 đến 16 chỗ đậu bên lề đường.
1 người tử vong sau va chạm với xuồng CSGT Hạ Long
Báo Zing đưa tin, hôm 9/6, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, vào chiều 8/6, Tổ công tác 3 người của Cảnh sát đường thủy thuộc Đội Cảnh sát giao thông trật tự – Công an thành phố Hạ Long, di chuyển dọc tuyến biển ven bờ từ cầu Bãi Cháy (phường Hồng Gai) đến cảng Nam Cầu Trắng (phường Hồng Hà).
Vào lúc 16h00 cùng ngày, khi xuồng đến vùng nước trước khu vực cảng công vụ Bến Đoan thuộc phường Hồng Gai thì nghe thấy tiếng va chạm, ngay sau đó phát hiện có người cởi trần nổi phần lưng phía sau xuồng.
Tổ công tác đã dừng xuồng, tổ chức cứu hộ, sơ cứu và đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, nhưng nạn nhân đã tử vong.
Danh tính nạn nhân được xác định là ông Bùi Văn Chung (sinh năm 1964; trú tại: số nhà 482, tổ 35, khu 4, phường Cao Thắng, TP. Hạ Long).
Sau khi nhận được tin báo vụ người dân tử vong do va chạm với xuồng CSGT, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường, tử thi và tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
Gần 20 trụ điện 110 kv bị gãy do lốc xoáy ở Phú Yên
Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn nguồn tin từ chủ tịch xã Hòa Phú cho biết, trận lốc xoáy xảy ra trong vòng 30 phút tại thôn Lương Phước, xã Hòa Phú.
Sự cố đã gây mất điện đối với hơn 12.000 dân cư thuộc các xã Hòa Phú, Hòa Đồng, Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây, Hòa Thịnh, Hòa Phong, thị trấn Phú Thứ.
Lốc xoáy cũng làm nhiều xây xanh bị ngã đổ, nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại, trụ sở của hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Hòa Phú 1 đang sử dụng làm kho hàng chứa đỗ gỗ bị thiệt hại nặng.
Lãnh đạo Điện lực Tây Hòa cho biết đã huy động lực lượng khẩn trương kiểm tra, khắc phục các sự cố để sớm cấp điện trở lại các khu vực bị ảnh hưởng.
Điểm tin trong nước chiều 10/6:
Học sinh lớp 4 bị bỏ quên trên ôtô đưa đón;
‘Muốn phát triển phải làm cao tốc nhanh
như Trung Quốc’
Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước chiều ngày 10/6 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Học sinh lớp 4 bị bỏ quên trên ôtô đưa đón ở Hà Nội
Theo Dân Trí, vào 7h20 ngày 9/6 Nam sinh N. M. lớp 4 trường tiểu học Nam Từ Liêm (Hà Nội) bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón học sinh mang BKS 29B… May mắn, cháu bé tỉnh dậy, đập cửa, nhờ người dân trợ giúp đưa ra ngoài.
Sau khi được người dân chụp ảnh thông báo, trong quá trình nhà trường đi tìm nơi xe đưa đón dừng đỗ, tài xế ô tô đã tự lấy xe máy chở em M. vào trường.
Tâm sự với giáo viên chủ nhiệm sau sự việc, M. kể rằng, em đã ngủ quên nhưng không thấy ai gọi dậy. Khi tỉnh dậy, M. đã tự đập cửa, nhờ người dân gần đó hỗ trợ đưa ra ngoài.
Bà Ngô Thị Thanh, Hiệu trưởng trường cho biết, chiếc xe đưa đón trên là xe ngoài trường, do phụ huynh tự thuê nên không quản lý được.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Muốn phát triển phải làm cao tốc nhanh như Trung Quốc
Vietnamnet cho biết, thảo luận tại tổ ngày 9/6, về việc điều chỉnh đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói không nên chậm trễ.
Việc triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam mang lại nhiều lợi ích lớn, 60% dân số được hưởng lợi, kết nối nhiều hạ tầng sân bay, cảng biển, khu du lịch, văn hóa… góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh.
Đây là tuyến đường quan trọng nhưng cả nước mới có 1.039km. Ông Dũng cho hay nước nào muốn phát triển đều phải làm cao tốc rất nhanh. Đơn cử như Trung Quốc trung bình 3 năm qua chỉ một tỉnh như Vân Nam hay Quảng Tây làm hơn 2.000km đường cao tốc, trong khi Việt Nam sau 35 năm đổi mới mới chỉ có hơn 400km. Hiện vẫn còn hơn 1.300km đường cao tốc chưa làm, mà lẽ ra đã làm xong cách đây hàng chục năm rồi.
Ông dũng cho hay, chỉ cần Quốc hội cho phép thì tháng 8 khởi công và cuối năm 2021 là xong 3 tuyến này, cũng như bố trí thêm vốn cho 700km còn lại.
Nhiều đại biểu phản đối cắt điện, nước để cưỡng chế hành chính
Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với quy định cắt điện nước để cưỡng chế vi phạm hành chính, bởi đây là hợp đồng dân sự giữa nhà cung cấp và người sử dụng, theo VnExpress.
Thảo luận tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính sáng 10/6, nhiều đại biểu Quốc hội nêu băn khoăn về quy định “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc bổ sung quy định cắt điện nước “là giải pháp không cần thiết và suy cho cùng chỉ về kinh tế thôi”.
“Ngừng cung cấp điện nước thì hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng. Một xí nghiệp có hàng nghìn công nhân mà dừng cung cấp nước sẽ ảnh hưởng đến cả nghìn người này, tác động ghê gớm”, Bộ trưởng Thể phân tích và cho rằng hậu quả của việc này có thể rất lớn.
Vì vậy, thay vì cắt điện nước, ông Thể đề xuất tăng khung hình phạt vi phạm hành chính gấp 10 – 50 lần hiện nay để răn đe. “Đây cũng là biện pháp tác động vào kinh tế người vi phạm, nhưng không gây ảnh hưởng đến xã hội và người vi phạm phải chấp hành. Ai không chấp hành thì xử phạt cao hơn”, ông Thể đề xuất.
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, cũng phản đối quy định cắt điện, nước. Theo ông quy định này thể hiện sự bất lực của cơ quan nhà nước.
Xúc xích và sữa cạnh thi thể bé trai 5 tuổi bị trói tay
Trưa 10/6, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với đơn vị liên quan vẫn đang khám nghiệm hiện trường và tử thi bé H.T.V.Đ. (5 tuổi, ở xóm 9, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu).
Thi thể bé được tìm thấy ở khu vực rừng keo tràm thuộc xã Lăng Thành, huyện Yên Thành. Hiện trường cách nhà nạn nhân khoảng 10 km, chỉ có một con đường dẫn vào.
Một công an khám nghiệm hiện trường, cho biết thi thể nạn nhân được phát hiện nằm ven bờ suối, cách trục chính khoảng 200 m.
“Công an đang khám nghiệm tử thi xem có vết thương nào khác trên cơ thể bé để xác định nguyên nhân cái chết, vị cán bộ nói.
Anh T. (trú xã Quỳnh Tam) – người cùng lực lượng chức năng kiểm tra thi thể bé trai chia sẻ rằng nạn nhân được phát hiện dưới bờ suối, không phải ở căn nhà hoang như thông tin ban đầu.
“Nạn nhân bị trói chặt chân, tay. Phía miệng và đầu nạn nhân bị quấn chặt bằng đoạn băng keo dài khoảng 6 m và chiếc áo len trùm lên đầu. Cạnh thi thể nạn nhân còn có xúc xích, sữa và ít bánh”, anh T. nói và nhận định có thể khi phát hiện nạn nhân tử vong, hung thủ đã đưa bé trai xuống bờ suối.
Theo người dân địa phương, gia đình nạn nhân ở gần nhà nghi phạm. Hai gia đình thường qua lại với nhau, không có mâu thuẫn.