Tin Việt Nam – 10/05/2020
Giám đốc thẩm y án tử hình – Còn “lối thoát” nào cho Hồ Duy Hải? – Cao Nguyên
Chiều 8/5/2020, sau 3 ngày diễn ra phiên toà Giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân (TAND) Tối cao đã đưa ra phán quyết là giữ nguyên bản án phúc phẩm, tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Theo đó, Tất cả 17 thành viên Hội đồng thẩm phán đều thống nhất các quan điểm cho rằng Hồ Duy Hải không bị ép cung, lời khai phù hợp với chứng cứ, khớp với lời khai của các nhân chứng, với biên bản khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi… nên xác định Hải phạm tội “giết người, cướp tài sản” là đúng.
Bản án bất công
Trước hết, nhận định về kết quả toà giám đốc thẩm, Luật sư Ngô Anh Tuấn, thuộc đoàn luật sư Hà Nội nói với RFA rằng ông thấy khá bất ngờ vì tất cả 17/17 thành viên Hội đồng thẩm phán đều biểu quyết như nhau:
“Điều đó khá bất ngờ vì nếu người ta bỏ phiếu kín thì tôi nghĩ là kết quả sẽ không như thế. Nhưng ở đây tất cả thành viên hội đồng giơ tay công khai 4 vấn đề biểu quyết. Những người đó đều là những người thẩm phán dưới quyền quản lý của ông chủ toạ. Tôi nghĩ rằng nếu là ý của ông chủ toạ thì những người khác cũng không dám có ý kiến khác.
Xét về mặt pháp lý thì tôi thấy cái kết quả này là sai lầm nghiêm trọng về cả mặt tố tụng và nội dung. Còn về nhận định của một con người bình thường thì đây là một bản án bất công, không chỉ riêng đối với bị cáo Hải mà còn đối với niềm hi vọng của nhiều người khác đang hi vọng về một cấp xét xử đặc biệt nó khách quan và công minh.”
Luật sư Nguyễn Duy Bình cũng cho rằng điều đương nhiên là vụ án này nên được điều tra, xét xử lại:
“Riêng tôi cũng như nhiều luật sư khác ở Việt Nam cảm thấy hơi sốc với kết quả này. Cứ nghĩ rằng vụ án có vi phạm tố tụng rõ ràng, thì với một cách thận trọng nhất, nên xem xét điều tra lại cho nó rõ các chứng cứ, lúc đó mới có cơ sở để kết luận.”
Cơ hội sống mong manh…
Với kết quả y án tử hình, theo ý kiến các luật sư, cơ hội sống của Hồ Duy Hải trở nên mong manh hơn rất nhiều. Luật sư Ngô Anh Tuấn nói:
“Xét về mặt tố tụng thì đó (giám đốc thẩm-PV) là cấp xét xử cuối cùng rồi, là thủ tục tố tụng đặc biệt. Cơ hội đang dần càng mong manh hơn đối với Hồ Duy Hải.”
Luật sư Võ An Đôn cho rằng theo luật thì coi như Hồ Duy Hải không còn “cửa thoát”:
“Theo luật thì hết rồi, không còn cửa thoát nào. Bởi vì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là cơ quan cao nhất để xem xét bản án.”
Luật sư Nguyễn Duy Bình phân tích, đến thời điểm hiện tại, vụ án của Hồ Duy Hải không thể đi theo con đường tố tụng mà cũng không còn kháng nghị được nữa:
“Hôm nay, Hội đồng Thẩm phán của TAND Tối cao, là cơ quan tòa án cao nhất của Việt Nam, đã ban hành quyết định giám đốc thẩm, thì bây giờ giờ không còn cấp tòa nào để xem xét lại bản án, cơ hội để đi theo con đường tố tụng coi như đã hết.
Thứ hai là Cơ quan kháng nghị Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đã kháng nghị rồi và đến hôm nay đã có quyết định giám đốc thẩm. Bây giờ, theo thủ tục tố tụng thì không còn cơ quan nào có thể kháng nghị được nữa, để xem xét lại quyết định giám đốc thẩm.”
Nhưng vẫn còn “lối thoát”
Dù vô cùng khó khăn, nhưng các luật sư vẫn chỉ ra 3 “lối thoát” có thể cứu Hồ Duy Hải lúc này.
1. Thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán:
Theo luật sư Ngô Anh Tuấn thì “Phía bên Ủy ban Tư pháp Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu xem xét lại cái bản án giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử ngày hôm nay. Đó là cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu xem xét lại vấn đề.”
Điều 404, bộ luật Tố tụng hình sự, quy định “nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp Quốc hội yêu cầu, Chánh án TAND Tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.”
Về trường hợp này, luật sư Nguyễn Duy Bình cho rằng các cơ quan của Quốc hội cũng không được phép can thiệp sâu vào các hoạt động bên Tư pháp:
“Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng Thẩm phán tòa Tối cao xem xét lại là quyền của bên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, xem lại nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không được can thiệp sâu vào hoạt động Tư pháp. Cho nên, theo tôi cơ quan Tư pháp cao nhất Việt Nam đến đây đã hết rồi, đã hết cơ hội để xem xét lại rồi.”
2. Chủ tịch nước ân xá
Cả luật sư Bình và luật sư Tuấn đều cho rằng Hồ Duy Hải còn có thể chờ Chủ tịch nước ân xá. Cho dù, cơ hội này cũng không khả quan lắm:
“Một cửa cuối cùng, nhưng mà cực kỳ khó khăn là tử tù Hồ Duy Hải có thể viết đơn gửi Chủ tịch nước để xin xem xét ân xá, không thực hiện án tử mà chuyển qua án chung thân. Trường hợp này tiền lệ rất ít, rất là khó. Lý do phải cực kỳ đặc biệt thì lúc đó mới được ân xá.” – theo LS Nguyễn Vũ Bình.
Cùng quan điểm, Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng cơ hội này cũng rất nhỏ:
“Trước đây, Chủ tịch nước đã từng một lần bác đơn. Lúc đó Hồ Duy Hải không kêu oan mà chỉ xin giảm nhẹ án. Vậy thì khả năng tiếp một lần nữa cũng sẽ rất thấp, gần như là không có.
Theo luật Tố tụng hình sự, nếu người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án chỉ được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.
Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải. Sau đó, trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong nước và quốc tế, ông Trương Tấn Sang lại ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải vào năm 2014.
3. Sự lên tiếng của cộng đồng
Theo luật sư Ngô Anh Tuấn, có một thực tế là ở vụ án này, dù toà giám đốc thẩm đã tuyên y án nhưng sẽ không thi hành án ngay được vì vẫn còn nhiều lấn cấn và dư luận đặc biệt quan tâm. Theo ông, nếu cộng đồng tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ hoặc đến một thời điểm mà những quan chức hiện giờ không còn tại vị thì cơ hội cứu Hồ Duy Hải vẫn còn:
“Cái bản án này muốn được thi hành cũng phải rất lâu bởi vì còn nhiều lấn cấn. Cho nên người ta sẽ không dễ dàng thi hành án vào lúc này đâu. Có thể, đến một thời điểm nào đó, những người xét xử, điều tra hiện nay không còn tại vị nữa, có thể người khác sẽ khách quan hơn. Họ sẽ xem xét lại đơn thư tố cáo và tìm các chứng cứ liên quan, tìm ra người bị tố cáo, liệu rằng người đó có phải là hung thủ thực sự hay không. Và nếu như tìm được hung thủ thì cái cơ hội tìm lại sự thật vụ án và và giải oan cho Hồ Duy Hải là vẫn còn.
Nhiều vụ án đã được xét xử lại vì sức mạnh của nhân dân. Tôi nghĩ rằng, nếu như luận mà vẫn mạnh mẽ như lâu nay. Thứ nhất là về mặt pháp lý thì các luật sư lên tiếng mạnh mẽ, phân tích pháp lý và gửi các cơ quan có thẩm quyền. Thứ hai là về cộng đồng mạng cũng có những bước đi, tất nhiên đó không phải là bước đi pháp lý nhưng cũng có những tiếng kêu nhất định, mạnh mẽ thì cũng có thể sẽ tác động một phần nào đó.” – LS Ngô Anh Tuấn nhận định.
Mẹ Hồ Duy Hải viết gì
trong đơn kêu cứu gửi Quốc hội?
Bình luậnNguyễn Sơn
Không đồng tình với kết luận y án đối với Hồ Duy Hải, mẹ của tử tù tiếp tục gửi đơn cầu cứu đến Ủy ban Tư pháp Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Sáng 10/5, gia đình bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải) đã có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện KSND Tối cao và Ông Lê Thanh Vân – Đại biểu Quốc Hội.
Trong lá đơn, mẹ của bị án Hồ Duy Hải khẩn thiết đề nghị chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội với hi vọng quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ được xem xét lại, theo Trithucvn.
Nội dung đơn như sau:
ĐƠN KÊU CỨU KHẨN CẤP
Kính gửi: Bà LÊ THỊ NGA, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
(Đồng kính gửi: Bà Lê Hiền Đức, Công dân Liêm Chính của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2008)
Tôi tên là NGUYỄN THỊ LOAN, sinh năm 1963, là mẹ của tử tù Hồ Duy Hải – người đã bị kết án tử hình về tội giết người, cướp của đã qua cả ba cấp sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm.
Địa chỉ: ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Thưa bà, trước hết tôi thay mặt gia đình hai bên nội ngoại xin gửi tới bà lời chào kính trọng và lời tri ân sâu sắc về tất cả những gì bà đã làm cho con trai tôi là cháu Hồ Duy Hải mà bà đã gặp ở trại giam cách đây đã 5 năm.
5 năm trước, trong chuyến công tác đặc biệt với tư cách Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về “tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” tôi đã được bà mời gặp mặt để bà tìm hiểu về quá trình trưởng thành của cháu Hồ Duy Hải từ nhỏ đến khi bị bắt tạm giam.
Năm năm đã trôi qua, tôi chưa có dịp nào được gặp lại bà, nhưng hình ảnh một người phụ nữ cương nghị và nguyên tắc trong công việc, cùng sự cảm thông chia sẻ từ trái tim người phụ nữ nhân hậu với một người mẹ khổ đau của một tử tù mãi còn ghi khắc trong trái tim tôi.
Thưa bà, Bản Báo cáo Kết quả Nghiên cứu vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội “Giết người” và tội “Cướp tài sản” tại tỉnh Long An, ký ngày 10/2/2015 gửi Quốc hội cho Kết luận: “Việc Tòa án hai cấp kết tội Hồ Duy Hải là chưa đủ cơ sở vững chắc, có đầy đủ căn cứ để giám đốc thẩm”.
Ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2020 vừa qua, phiên tòa Giám đốc thẩm diễn ra tại Tòa án Nhân dân Tối cao ở số 48, phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, Hội đồng thẩm phán đã bác quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao. Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã công bố quyết định giám đốc thẩm về việc giữ nguyên bản án đối với Hồ Duy Hải, theo đó, bản án sẽ tiếp tục được thi hành và Hồ Duy Hải buộc phải chấp hành hình phạt.
Thưa bà, sau khi nghe được kết quả này, dư luận nhân dân cả nước, đặc biệt là giới luật sư và các nhà bình luận đã phẫn nộ bức xúc; và tôi cùng gia đình thì hoàn toàn suy sụp.
Tôi làm đơn này, một lần nữa khẩn thiết kính đề nghị Bà, với cương vị công tác và quyền hạn của mình có kiến nghị đến các cấp thẩm quyền và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, và đề nghị xem xét các tình tiết quan trọng của vụ án do Luật sư Trần Hồng Phong đưa ra nhưng Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao không xem xét nghiêm túc và khách quan.
Thưa bà, tôi xin gửi tới Bà tình cảm tri ân sâu sắc và bày tỏ niềm hy vọng về những cố gắng tiếp theo của Bà vì sự Thượng tôn Pháp luật và Đức Hiếu sinh của một người phụ nữ!
Xin gửi tới Bà lời kính chào trân trọng!
Người làm đơn
Nguyễn Thị Loan
Cơ hội xem xét lại quyết định?
Một số chuyên gia pháp lý cho rằng vẫn còn cơ hội xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao theo điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự, nếu phát hiện quyết định này có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, theo báo Tuổi trẻ.
Cụ thể, điều 404 quy định: “Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.”
Tuy nhiên, theo quy định tại điều 404, nếu xem xét lại bản án thì vẫn do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét.
Trong khi, ngày 8/5, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (chủ tọa) cùng các thành viên trong Hội đồng thẩm phán đã giơ tay biểu quyết, tuyên y án tử tù Hồ Duy Hải.
Các đại biểu Quốc hội lên tiếng
Tiến sĩ luật Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội, kiến nghị Quốc hội giám sát tối cao vụ án Hồ Duy Hải bởi cho rằng không đơn giản là xem xét tính mạng một con người, theo Vnexpress.
Ông Vân nói: “Tôi đã thực hiện quyền giám sát, đã kiến nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét đưa hoạt động giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của toà án thông qua vụ án. Tôi sẽ kiên trì bảo vệ quan điểm đấy để xúc tiến sớm hoạt động giám sát, đáp ứng sự mong mỏi của người dân hiện nay.”
Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Khi Chánh án TAND Tối cao từng là Viện trưởng Viện KSND Tối cao, là người trực tiếp không kháng nghị vụ việc, mà bây giờ lại ngồi ghế chủ tọa để xét xử thì đương nhiên xã hội, người dân, cử tri có quyền nghi ngờ tính công minh, thiên vị, vô tư của Chánh án TAND Tối cao; nghi ngờ việc mang tính định kiến tư pháp vào ghế chủ tọa”.
https://www.ntdvn.com/viet-nam/me-ho-duy-hai-don-keu-cuu-gui-quoc-hoi-36411.html
Hy vọng nào cho tử tù Hồ Duy Hải?
Hiểu Minh
Việc Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao đã bác kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải hôm 8/5. Nếu quyết định này vi phạm pháp luật nghiêm trọng có thể bị hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại.
Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao có hiệu lực ngay ngày 8/5 – tức bản án tử hình Hồ Duy Hải (35 tuổi, ngụ Long An) có hiệu lực ngay. Theo tố tụng, đây là phán quyết cuối cùng nhưng không có nghĩa là vụ án kết thúc, nếu gia đình bị án tiếp tục kêu oan.
2 cửa giải oan, 1 cửa ân xá!
1, Trở lại số phận Hồ Duy Hải, theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, có hai cơ quan của Quốc Hội có khả năng can thiệp vào quyết định “giám đốc thẩm” của TANDTC là Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội và Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội.
Việc can thiệp chỉ xảy ra “khi có căn cứ xác định quyết định của Hội Đồng Thẩm Phán TANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội Đồng Thẩm Phán không biết được khi ra quyết định đó” (Điều 404).
Nếu Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội yêu cầu thì Hội Đồng Thẩm Phán phải tiến hành thẩm định hồ sơ vụ án; xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật và trong thời hạn bốn tháng phải mở phiên họp xem xét lại quyết định “giám đốc thẩm.”
Nếu Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội kiến nghị thì Hội Đồng Thẩm Phán mở phiên họp xem xét kiến nghị đó trong thời hạn 30 ngày. Nếu Hội Đồng Thẩm Phán biểu quyết đồng ý với kiến nghị thì mở phiên họp xem xét lại quyết định “giám đốc thẩm” trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày biểu quyết.
Đến đây, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án Hồ Duy Hải vẫn còn khả năng bị hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại.
2, Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị, chánh án TANDTC đề nghị Hội Đồng Thẩm Phán xem xét lại quyết định “giám đốc thẩm.”
Hội Đồng Thẩm Phán sau đó phải mở phiên họp xem xét kiến nghị/đề nghị này trong thời hạn 30 ngày. Nếu Hội Đồng Thẩm Phán biểu quyết đồng ý xem xét lại quyết định “giám đốc thẩm” thì phiên họp xem xét lại đó sẽ phải diễn ra trong bốn tháng sau đó.
Cũng tương tự như phương án 1, đến đây, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án Hồ Duy Hải vẫn còn khả năng bị hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại.
Phương án này, nếu có thực hiện được, nhiều khả năng cũng phải chờ tới ít nhất là giữa năm 2021 khi Quốc Hội khóa mới nhóm họp và bầu các vị trí viện trưởng và chánh án mới.
3, Chủ tịch nước ân giảm hình phạt tử hình. Theo Điều 367 của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự: “Trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội Đồng Giám Đốc Thẩm, Hội Đồng Tái Thẩm TANDTC quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử
hình thì TANDTC phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình.”
Chủ tịch nước sau đó sẽ giải quyết đơn xin ân giảm của Hồ Duy Hải và ra quyết định. Nếu được ân giảm, Hải sẽ phải chịu hình phạt chung thân, theo Người Việt.
Cùng quan điểm trên, luật sư Huỳnh Thanh Thi (Đoàn luật sư TP. HCM) hy vọng vụ án này sẽ là trường hợp đặc biệt được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét và kiến nghị giải quyết để làm sáng tỏ những khúc mắc”.
Đánh giá việc HĐTP TAND Tối cao bác kháng nghị của VKSND cùng cấp, luật sư Huỳnh Thanh Thi cho biết, ông cùng nhiều đồng nghiệp khá bất ngờ và không hài lòng với phán quyết này. Bởi, quá trình giải quyết vụ án có quá nhiều sai phạm và chứng cứ chưa được làm rõ. “Trong vụ án hình sự, yếu tố quan trọng nhất là vật chứng và dấu vân tay. Nhưng hai cơ sở này đều chưa được chứng minh một cách thuyết phục thì không thể kết án tử hình. Đây là một trọng án, nếu HĐTP huỷ án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại sẽ hợp tình và hợp lý hơn”, luật sư Thi nói trên VnExpress.
Tương tự, luật sư Tùng cho rằng, việc giữ nguyên bản án sơ thẩm, phúc thẩm tuyên phạt Hồ Duy Hải tử hình với hàng loạt những sai phạm đã gián tiếp thừa nhận sai phạm, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự, đặc biệt là vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội.
“Quyết định của HĐTP thừa nhận có sai phạm nhưng lại cho rằng không ảnh hưởng đến sự thật vụ án, chẳng khác gì tạo ra tư duy mới cho các cơ quan tố tụng về việc có thể vi phạm các nguyên tắc của tố tụng hình sự. Đây là tiền lệ xấu trong tố tụng nói chung và tố tụng hình sư nói riêng”, ông Tùng nói.
Mọi chứng cứ có lợi cho Hải đều bị bác bỏ
Luật Sư Hồng Phong nói tất cả những chứng cứ dữ liệu mới trình ra đều được đại diện VKSNDTC quan tâm, chấp nhận, xem là có giá trị, nhưng đều bị Hội Đồng Thẩm Phán bác bỏ. Văn bản của nhân chứng Vũ Đình Thường xác nhận chỉ thấy một thanh niên không biết là ai, không được tòa sơ thẩm mời tham dự phiên tòa cho thấy rằng cáo trạng sơ thẩm viết ông Thường nhìn thấy Hải ngồi trong Bưu Điện Cầu voi là sai trái, bất lợi cho Hải. Sai tiếp theo là tòa không mời nhân chứng. Dẫn sai lời nhân chứng, không mời nhân chứng dự tòa. Chỉ riêng hai yếu tố ấy đã đủ làm lệch lạc mơ hồ về chứng cớ Hải có mặt tại hiện trường vụ án.
Tòa chỉ chăm chăm vào các lời khai nhận tội của Hải có chữ ký của ông Võ Thành Quyết, luật sư do công an chỉ định bào chữa cho Hồ Duy Hải ngay từ giai đoan điều tra, xem đó là chứng cứ khách quan và bằng chứng cho thấy Hải không bị bức cung.
Khi tham dự phiên tòa lần thứ hai, Luât Sư Phong đã trình chứng cứ mới về sự thiếu khách quan, gây bất lợi cho Hồ Duy Hải. Đó là đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Rưỡi, dì Hồ Duy Hải. Theo đơn thì khi ra tòa sơ thẩm, Hồ Duy Hải kêu oan, ông Quyết bào chữa theo hướng xin giảm án. Khi gia đình nhờ kháng cáo kêu oan thì ông Quyết không làm, ép ngược gia đình phải làm đơn xin giảm án. VKSNDTC chấp nhận tài liệu này nhưng Hội Đồng Thẩm Phán lại bác bỏ. Nếu nghiêm túc thẩm định tài liệu này biết đâu được sẽ cho ra kết quả những lời khai nhận tội của Hải không phải là bằng chứng nhận tội mà là bằng chứng dụ cung, ép cung. Điều này sẽ làm thay đổi hoàn toàn bản chất vụ án.
Dễ dàng đạt được một bản án tử hình, nhưng họ sẽ không bao giờ đong đếm đủ sự mất mát của xã hội và của ngành tư pháp là mất trọn nhân tâm
Về phán quyết của hội đồng thẩm phán. Ngày 9/5 luật sư Đặng Đình Mạnh từ TP. HCM cho hay, “Tôi cho rằng phán quyết của Hội đồng thẩm phán thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao hôm qua ngày 8/5 là hoàn toàn bất xứng và bất công.”
“Hồ sơ vụ án với những chứng cứ kết tội hết sức phi lý, đầy rẫy khuất tất mà vẫn được hội đồng này sử dụng để kết tội, thậm chí, tuyên hình phạt đến mức cao nhất là tử hình.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh: Với ngành tư pháp Việt Nam, tôi chỉ có thể nói rằng; Quyết định của hội đồng thẩm phán đã không thuyết phục được công chúng về sự chính đáng và hợp pháp.
Có vẻ như họ đã dễ dàng đạt được một bản án tử hình, nhưng họ sẽ không bao giờ đong đếm đủ sự mất mát của xã hội và của ngành tư pháp là mất trọn nhân tâm.
Khi bác kháng nghị của Viện Kiểm Sát Nhân dân tối cao và y án tử hình đối với anh Hồ Duy Hải. Hội đồng này kết luận cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án anh Hồ Duy Hải về tội cướp tài sản, giết người là có căn cứ, không oan sai. Tội giết người bị xử tử hình và tội cướp tài sản bị tuyên 5 năm tù là đúng pháp luật.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao thừa nhận dù quá trình điều tra, xét xử có một số thiếu sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.
Bà Nguyễn Thị Rưỡi, dì ruột của Hồ Duy Hải được Đài Á Châu Tự Do tối 8/5 dẫn lời bày tỏ thất vọng khi nói rằng:
Gia đình rất bức xúc, không còn tin rằng ở Việt Nam còn công bằng, công lý, nhân quyền gì hết. Con người ta oan mà cái gì cũng không quan trọng. Vụ án giết người dấu vân tay không trùng lắp cũng không quan trọng, không thấy Hồ Duy Hải cũng không quan trọng vậy cái gì đối với mấy ông mới quan trọng? Mấy người điều tra viên làm sai cũng cho là không quan trọng, sai nghiêm trọng luật tố tụng hình sự họ cũng cho là không quan trọng thì cái gì mới quan trọng?”.
Liên quan việc HĐTP TAND Tối cao cho rằng “khi quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình đối với bị cáo, đang có hiệu lực thì Viện trưởng VKSND Tối cao không có quyền kháng nghị”, ông Võ Văn Tài – giảng viên Trường bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát TP. HCM (nguyên Viện phó VKSND TP. Tây Ninh) không đồng tình, nói: “Điều này là chưa có tiền lệ và luật cũng không quy định rõ”.
“Chủ tịch nước quyết định bác hay chấp nhận đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của bị cáo chỉ là một hoạt động mang tính nhân đạo. Quyết định của Chủ tịch nước không phải là sự đảm bảo rằng Tòa án đã xét xử có đúng đắn hay không”, ông Tài nêu quan điểm.
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Trần Hồng Phong, người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, cho biết, sau khi nhận được quyết định giám đốc thẩm thì ông và gia đình bị án sẽ tiếp tục có đơn kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội và Viện trưởng Viện KSND tối cao, đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm.
https://www.dkn.tv/thoi-su/hy-vong-nao-cho-tu-tu-ho-duy-hai.html
Khởi tố vụ án gây chết người tại nơi giam giữ
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã quyết định khởi tố vụ án để điều tra Lê Hoàng Quang (21 tuổi, phạm nhân tại nhà giam giữ Công an huyện Châu Đức) vì tội cố ý gây thương tích dẫn đến cái chết của anh Nguyễn Quang Lập (36 tuổi, một phạm nhân khác tại nơi giam giữ). Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh trích thông tin từ lãnh đạo cơ quan Cảnh sát Điều tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết như vậy hôm 10/5.
Anh Nguyễn Quang Lập bị tử vong sau 3 ngày chấp hành án tại nhà tạm giam Công an huyện Châu Đức. Anh Lập bị án 6 tháng tù về tội đánh bạc.
Chị Huyền Diệu, em gái anh Lập cho biết công an thông báo với gia đình rằng anh Lập bị bạn tù dùng cây ba tong đánh hai lần. Tuy nhiên hình ảnh chụp tử thi anh Lập sau đó cho thấy nhiều vết bầm tím trên cơ thể và gia đình không tin anh Lập chết vì hai phát đánh.
Người nhà anh Lập cho biết họ nhận được tin anh tử vong vào ngày 8/5. Vào cùng ngày, gia đình cho biết họ vẫn chờ kết quả khám nghiệm tử thi và sẽ làm đơn kiện để đòi lại công bằng cho anh Lập.
Theo báo Pháp Luật, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cáo đã cử cán bộ đến huyện Châu Đức để tìm hiểu. Việc điều tra diễn ra độc lập.
Điểm tin trong nước chiều 9/5: Phản ứng ngay
sau ‘bác kháng nghị’, y án tử hình Hồ Duy Hải
Phúc An-Minh Quân 09/05/2020
Kính chào quý vị khán giả đang theo dõi mục điểm tin trong nước của ĐKN ngày 9/5 với những nội dung chính sau đây:
Phản ứng ngay sau ‘bác kháng nghị’, y án tử hình Hồ Duy Hải
Vụ giết 2 nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An tại nơi làm việc xảy ra hồi ngày 13 tháng 1 năm 2008. Ngay sau đó, thanh niên Hồ Duy Hải, sinh năm 1985, ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh “giết người, cướp tài sản” tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.
Tuy nhiên bản thân anh Hồ Duy Hải nói với bà mẹ trong một lần gặp là phải kêu oan cho anh vì anh không phạm tội. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ anh cùng những người thân trong gia đình, suốt hơn chục năm qua kêu cứu khắp nơi. Luật sư cũng nêu ra những khuất tất của quá trình điều tra vụ án.
Khi bác kháng nghị của Viện Kiểm Sát Nhân dân tối cao và y án tử hình đối với anh Hồ Duy Hải, Hội Đồng Thẩm Phán ngày 8 tháng 5 cho rằng vào những thời điểm quan trọng, anh Hồ Duy Hải luôn nhận tội. Hội đồng này kết luận cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án anh Hồ Duy Hải về tội cướp tài sản, giết người là có căn cứ, không oan sai. Tội giết người bị xử tử hình và tội cướp tài sản bị tuyên 5 năm tù là đúng pháp luật.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao thừa nhận dù quá trình điều tra, xét xử có một số thiếu sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.
Bà Nguyễn Thị Rưỡi, dì ruột của Hồ Duy Hải được Đài Á Châu Tự Do tối 8/5 dẫn lời bày tỏ thất vọng khi nói rằng:
Gia đình rất bức xúc, không còn tin rằng ở Việt Nam còn công bằng, công lý, nhân quyền gì hết. Con người ta oan mà cái gì cũng không quan trọng. Vụ án giết người dấu vân tay không trùng lắp cũng không quan trọng, không thấy Hồ Duy Hải cũng không quan trọng vậy cái gì đối với mấy ông mới quan trọng? Mấy người điều tra viên làm sai cũng cho là không quan trọng, sai nghiêm trọng luật tố tụng hình sự họ cũng cho là không quan trọng thì cái gì mới quan trọng?”.
Bà Rưỡi còn nhấn mạnh: “Họ cho Hồ Duy Hải là vật tế thần cho con cháu quan chức cao cấp để họ được quyền. Ở Việt Nam dân giám sát nói một đằng làm một nẻo, cô tiếc cô là người Việt Nam.”
BBC thì dẫn ý kiến của ông Lê Thanh Vân, hiện là Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, nhận định Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam “chưa thuyết phục” được dư luận về phán quyết vụ án Hồ Duy Hải.
“Phán quyết chiều nay của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chưa thể thuyết phục trước nhiều vấn đề bất minh mà xã hội đang rất quan tâm trong vụ án này.
Bởi vậy, việc thực hiện một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động xét xử trong vụ án này là rất cần thiết.” Ông Vân viết lên facebook cá nhân.
Nhiều người quan sát cũng đã bày tỏ sự không hài lòng của họ về quyết định trong ngày 8/5, cũng có kiến cho rằng những căn cứ đưa ra để gỡ tội cho Hồ Duy Hải là yếu, không đủ sức nặng.
Trước đó, trong ngày làm việc hôm 7/5, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tối cao đưa ra hai nhận định quan trọng, theo báo Tuổi Trẻ.
Thứ nhất, Đại diện VKSND chỉ rõ các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng như khám nghiệm hiện trường không thu vật chứng vụ án; Khám nghiệm tử thi nhưng không giám định để xác định thời điểm chết của nạn nhân; Một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến, một số biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung sửa chữa nhưng không có chữ ký người xác nhận; Không đưa ra một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án; không trưng cầu giám định vết máu, thu vết máu chậm dẫn đến không rõ máu đó của ai, v.v…
Thứ hai, Viện KSND tối cao đề nghị khắc phục những vấn đề nói trên để vụ án được giải quyết khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.
Điều tra viên đã cũng thừa nhận có sơ suất trong khám nghiệm hiện trường như không thu giữ được vật chứng như dao, thớt, ghế…, mà cho người ra chợ mua.
Từ các đánh giá trên, Đại diện VKSND tối cao nhận định tòa án hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá động cơ, mục đích của vụ án. Bởi lẽ khi xét xử tòa án phải đánh giá toàn diện những vấn đề khúc mắc nêu trên, và phải hủy hai bản án để xem xét lại.
Bộ GTVT đề xuất xe máy phải bật đèn suốt cả ngày
Trong suốt cả ngày, xe máy sẽ phải bật đèn nhận diện khi tham gia giao thông. Đây là một quy định mới sẽ được áp dụng nếu Luật giao thông đường bộ sửa đổi được thông qua, báo Zing loan tin hôm 9/5.
Theo đó dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi được Bộ Giao thông Vận tải công bố lấy ý kiến người dân kéo dài đến 21/6.
Ở khoản 3, Điều 27 dự luật quy định: “Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.”
Phía Bộ GTVT cho rằng các quy định trên được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước 1968). Trong đó, quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận diện các phương tiện đang lưu thông. Đặc biệt xe tải thường có những điểm mù mà người ngồi trong ô tô không phát hiện được, từ đó giảm tai nạn giao thông.
Theo quy định hiện nay của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 100/2019, người điều khiển xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện; máy kéo, xe máy chuyên dùng…) bắt buộc phải sử dụng đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn, nếu không sử dụng sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng.
Báo Pháp Luật dẫn lời ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ có quy định về bật đèn chiếu sáng cả ngày đối với phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp với các nước châu u, ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều, cần bật đèn để nhận diện.
Còn ở Việt Nam, một đất nước nhiệt đới với thời tiết vào mùa hè nhiệt độ luôn ở mức cao. Nếu bật đèn sẽ gây chói mắt với người điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều. Bên cạnh đó, sẽ tiêu tốn một lượng điện ở bình ắc quy, từ đó tăng tiêu thụ nhiên liệu, tăng chi phí, tăng lượng phát thải khí gây ô nhiễm môi trường.
“Nên tôi cho rằng, việc bật đèn xe máy vào ban ngày với nước ta là không cần thiết. Đặc biệt, việc bật đèn cũng không giảm thiểu tai nạn giao thông, mà còn tác dụng ngược, như ô nhiễm môi trường, gây chói mắt…” – ông Quyền nêu quan điểm.
Đón 343 người Việt trên chuyến bay thẳng đầu tiên từ Mỹ về Việt Nam
Khoảng 19h ngày 8/5, máy bay Boeing 787 mang số hiệu VN1 của hãng hàng không Vietnam Airlines, chở 343 hành khách Việt Nam từ Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn. Đây là lần đầu tiên hãng hàng không của Việt Nam thực hiện một chuyến bay thẳng từ Mỹ, theo báo Thanh Niên.
Hành khách trên chuyến bay chủ yếu là trẻ em dưới 18 tuổi (trong đó có trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi), du học sinh không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa, người cao tuổi và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người đi công tác, du lịch đã hết hạn lưu trú tại Mỹ.
Hành khách đã được kiểm tra y tế trước khi lên chuyến bay, đồng thời đeo khẩu trang y tế trong suốt hành trình.
Sơn La xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Ngày 8/5, thông báo của TP. Sơn La cho biết, một hộ chăn nuôi ở bản Ót Luông, xã Chiềng Cọ xuất hiện tình trạng lợn bị ốm chết hôm 29/4, theo tờ Dantocmiennui.
Trung tâm Chẩn đoan Thú y Trung ương đã xét nghiệm và kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Chính quyền xã Chiềng Cọ đã lập chốt kiểm dịch, thực hiện các biện pháp khoanh vùng dịch, tiêu độc ổ dịch vằng vôi bột và tiêu hủy 40 con lợn chết do mắc bệnh. Hiện tại, tổng số lợn nuôi trong xã Chiềng Cọ có trên 2000 con.
Trong đợt dịch tả lợn Châu Phi từ tháng 2 đến trung tuần tháng 10 năm ngoái, Việt Nam phải tiêu hủy chừng 5,6 triệu con lợn nhiễm dịch bệnh này.
Vụ lật thuyền trên sông Thu Bồn, tìm thấy thi thể 3 nạn nhân
Khoảng 10h45 ngày 9/5, thi thể của nạn nhân thứ 3 trong vụ lật ghe trên sông Thu Bồn, Quảng Nam (khiến 5 người mất tích) đã được tìm thấy.
Nạn nhân là Võ Hùng Tâm (20 tuổi, trú thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Hiện đội cứu nạn vẫn đang tích cực tìm kiếm hai nạn nhân còn lại.
Trước đó, thi thể 2 nạn nhân là anh Nguyễn Đức Tính (28 tuổi) và Nguyễn Ngọc Trường (26 tuổi) cùng trú thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam đã được tìm thấy vào tối 8/5.
Vụ tai nạn đường thủy trên xảy ra vào khoảng 15h ngày 8/5, 11 người ở thôn Hội Sơn bơi ghe nhôm qua bờ sông phía TP Hội An, Quảng Nam chơi. Trên đường về thì gặp trận lốc xoáy trên sông, ghe bị lật ở khu vực giữa sông làm 5 người mất tích, 6 người được cứu
COVID-19: Bệnh nhân 91 vẫn nguy kịch,
chi phí điều trị lên 5 tỷ đồng
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 số 91 có quốc tịch Anh vẫn trong tình trạng nguy kịch sau hơn 50 ngày điều trị và các bác sĩ Việt Nam đang cân nhắc việc ghép phổi để cứu sống bệnh nhân.
Theo truyền thông trong nước, các chuyên gia y tế đầu ngành của Việt Nam đã hội chẩn liên bệnh viện vào ngày 10/5 về tình trạng bệnh nhân 91 để cân nhắc việc ghép phổi. Tuy nhiên, việc ghép phổi chưa thể thực hiện được ngay do nhiễm trùng phổi nặng, hai phổi đông đặc, sử dụng máy thở không hiệu quả, phải can thiệp bằng hệ thống oxy hoá màng ngoài cơ thể (ECMO), lọc máu. Ngoài ra, bệnh viện cũng phải tìm được phổi tương thích từ người hiến.
Đây là ca bệnh COVID-19 nặng nhất và là 1 trong những ca được điều trị dài ngày nhất ở Việt Nam. Tổng chi phí điều trị cho bệnh nhân được nói đã lên đến khoảng 5 tỷ đồng. Việt Nam đã huy động những kỹ thuật hiện đại nhất, kể cả thuốc hiếm để điều trị cho bệnh nhân này.
Ngoài bệnh nhân 91, bệnh nhân số 19 cũng là một ca nhiễm COVID-19 là một ca nặng khác đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2. Theo thông tin từ Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, bệnh nhân 19 đang thở oxy không xâm nhập, phục hồi tốt, không sốt, phổi thông khí rõ.
Tính đến chiều ngày 10/5, Việt Nam ghi nhận 288 ca bệnh COVID-19, trong số này có 241 trường hợp đã được xuất viện.
FireEye: ‘Nhóm tin tặc Việt Nam
đã tấn công TQ’ để tìm tin Covid-19
Hãng an ninh mạng Mỹ nói họ có bằng chứng về việc APT32 tấn công hệ thống email của Bộ Tình trạng Khẩn cấp Trung Quốc và chính quyền Vũ Hán.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 22/4, FireEye khẳng định hoạt động tấn công đã được thực hiện trong thời gian ít nhất là từ tháng Giêng đến tháng Tư 2020, với mục tiêu nhằm thu thập tin tức tình báo về cuộc khủng hoảng Covid-19.
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 25/4, ông Ben Read, quan chức cao cấp bộ phận phân tích nguy cơ gián điệp của FireEye, hãng an ninh mạng đóng tại California, nói các chứng cứ về mục tiêu bị tấn công và một số dấu hiệu về mã ngôn ngữ cho thấy nhóm này làm việc nhằm ủng hộ chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên, FireEye nói họ không thể khẳng định được là nhóm này đã thu thập được tin tức gì chưa từ hoạt động tấn công nêu trên.
Bình luận về phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam theo đó bác bỏ các phân tích của FireEye, ông Ben Read nói: “Chúng tôi chỉ công bố các phân tích của mình và sẽ bảo vệ các phát hiện đó. Việc tranh cãi với chính phủ là điều chúng tôi không muốn.”
https://www.bbc.com/vietnamese/media-52606526
Đánh thuế cao người độc thân hoặc không có con:
Cổ điển đến kinh ngạc!
Hoàng Nguyễn
Nhiều năm trước, tôi hay đi vào vùng dân tộc ít người sống trong núi ở miền Trung. Trong những thôn thưa vắng ở tít vùng núi sâu Ninh Thuận hay Quảng Nam, Quảng Ngãi, chiều chiều trước những ngôi nhà ván gỗ lem luốc đất nâu, thường có rất nhiều em bé ở truồng, không dép, mặc mỗi cái áo, bụng phưỡn ra, mắt tròn xoe đứng nhìn người lạ.
Có những bé gái 13, 14 tuổi, bé tẹo, mặt mũi còn ngây ngô, cơ thể chưa phát triển đầy đủ nhưng nách đã cặp đứa con vài tháng hay một hai tuổi, vẹo cả xương sườn.
Có những gia đình được xem là giàu có nhất trong thôn, nghĩa là trong năm không có hoặc ít có ngày đói, thì trong cái đám trẻ con lốc nhốc thậm chí không phân biệt nổi đâu là con, đâu là cháu. Con gái lấy chồng rồi, cả mẹ và con cùng đẻ tít mù. Đôi bầu sữa hai đứa bé rúc vào, một đứa là con đứa kia là cháu, hoặc đứa con đứa em. Con ai thì người ấy nhớ.
Trong xã, cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình cũng có đủ cả ban bệ lớp lang, nhưng cán bộ nào đủ sức, đủ động lực, đủ trách nhiệm lội suối trèo non đi vận động?
Chất lượng lao động phải đặt trước
Dần dần rồi tình trạng này cũng giảm, nhưng theo Điều tra dân số Việt Nam 2019, trên phạm vi toàn quốc, phụ nữ chưa thành niên (từ 10-17 tuổi) sinh con trong 12 tháng trước thời điểm điều tra vẫn còn chiếm tỷ trọng 3,3‰; cao nhất ở Trung du và miền núi phía Bắc (9,7‰) và Tây Nguyên (6,8‰).
Năm ngoái, tôi có dịp đi nhiều với một đoàn múa lân thiếu nhi khá nổi tiếng ở quận 5, TP HCM và mới biết điều này: trẻ em trong các đoàn lân sư rồng hầu hết là trẻ thiếu gia đình. Rất nhiều em bị cha mẹ bỏ rơi khi chưa đến 10 tuổi, trở thành trẻ đường phố trước khi được một đoàn lân thu nhận.
Theo Unicef Việt Nam, trong 26 triệu trẻ em Việt Nam hiện có 1/5-khoảng 5,5 triệu trẻ bị thiếu thốn ít nhất trong 2 lĩnh vực: giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nơi ở, nước và vệ sinh môi trường, hoặc hòa nhập xã hội. Có 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc, để lại tổn thương não và thể chất vĩnh viễn do thiếu hụt về sức khỏe và dinh dưỡng. Có hơn 2/3 trẻ em từ 1 đến 14 tuổi bị bạo hành và hơn 170.000 trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ, nhiều em sống bần cùng hoặc bị bỏ rơi.
Khảo sát mới nhất vào cuối năm 2019 cũng cho thấy cả nước còn gần 1, 5 triệu người mù chữ.
Ngay ở Sài Gòn, cho đến nay vẫn có những lớp học tình thương mở ra để xóa mù chữ cho những thanh niên nam nữ trên 18 tuổi.
Cách đây vài hôm, tôi có xem một chương trình Vợ chồng son, trong đó anh chồng trẻ mới hai mươi mấy tuổi đang là cầu thủ chuyên nghiệp của một đội bóng, cũng mù chữ và không thể học hành được nữa.
Còn thể lực và chiều cao thì sao? Theo Bộ Y tế, Việt Nam thuộc số các nước có chiều cao thấp nhất thế giới và chậm được cải thiện: hơn 30 năm qua, chiều cao của nam chỉ tăng 4,4 cm và nữ tăng 3,4 cm.
Có đến 33,3% nhân lực trong nền kinh tế là lao động giản đơn.
Diện tích nhà ở bình quân chỉ 23 m2/người.
Những con số trên nói lên rằng, với Việt Nam, việc bảo đảm số lượng người lao động sẽ phải xếp sau chất lượng của lực lượng lao động đó.
Mục đích kiến thiết xã hội phải là cuộc sống no đủ, phát triển mọi mặt của người dân, chứ không bao giờ là tạo nên con số áp đảo về lượng người.
Một quyết định thăm dò
Rất may, Quyết định 588 ngày 28/4/2020 của Thủ tướng không phải là một văn bản bắt buộc chi tiết đến cả việc kết hôn hay sinh con của công dân. Đó là quyết định phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Có nghĩa, nó chủ yếu mang tính thăm dò cho một kế hoạch tổng thể dài đến 10 năm. Trong 10 năm đó, tùy theo thực tế và phản ứng của đối tượng thụ hưởng, các quyết sách cụ thể sẽ được vạch ra và thay đổi tương ứng.
Cũng có nghĩa là chi tiết khiến cho bao nhiêu người phát run cầm cập mấy hôm nay: “từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn” chưa phải đã là quyết định có hiệu lực.
Bởi, như đã nói, Chương trình này mới chỉ là thể hiện ý chí của nhà nước nhằm mục đích duy trì lực lượng lao động bổ sung cho xã hội. Việc áp đặt trách nhiệm chia sẻ đối với các cá nhân không đáp ứng mong muốn sinh đẻ không thể là biện pháp chủ yếu hoặc có tính quyết định thành công của cả Chương trình. Chưa kể, với những điều kiện cụ thể hiện tại, ý chí đó rất khó có cơ sở thực hiện.
Lý do?
Đầu tiên là các lý do như đã nói trong phần trên.
Thứ hai, nguyên tắc thụ hưởng pháp luật là công bằng và bình đẳng. Do vậy, với những quyết định vô cùng cá nhân như kết hôn hay sinh đẻ, nếu không vi phạm pháp luật hay đạo đức thì pháp luật không thể buộc được người ta phải kết hôn hay phải sinh đẻ. Điều này được ghi trong Hiến pháp.
Chưa kể, một văn bản pháp luật không bao giờ tồn tại độc lập tách biệt khỏi mối tương quan chằng chịt với các luật khác.
Khi Luật Hôn nhân và gia đình không bắt buộc phải kết hôn hoặc phải kết hôn trước độ tuổi quy định cụ thể nào đó thì không thể có chế tài cho việc ấy.
Tiếp theo, xu hướng của thế giới là công nhận hôn nhân của LGTB. Luật pháp Việt Nam vài năm gần đây cũng đang thay đổi theo chiều hướng này. Do vậy, càng rõ ràng hơn là nhà nước không thể ép buộc một cặp đồng giới – hay các hình thức hôn nhân và gia đình khác với mô hình nam-nữ hợp giới truyền thống – phải sinh con đẻ cái cho xã hội được.
Có bao nhiêu người thuộc cộng đồng LGBT ở Việt Nam? Gần 2 triệu.
Một số vẫn có con, nhưng hầu hết những chàng gay sẽ không.
Đó là chưa kể các trường hợp bệnh lý khiến không thể sinh con.
Trên thế giới có một số nước hiện đánh thuế thu nhập cá nhân cao hơn với người độc thân và không có con, như Bỉ, Đức, Đan Mạch, Áo, Hungary… Nhưng, thu nhập, mức sống và phúc lợi xã hội của Việt Nam rõ ràng không thể so sánh với các nước này, do vậy sẽ không thể tham chiếu luật pháp của họ cho Việt Nam.
Các ưu đãi được đề xuất thí điểm trong Chương trình cũng đang được xây dựng trên một khái niệm hôn nhân đã lạc hậu, đó là chỉ công nhận hôn nhân và gia đình giữa nam và nữ dựa trên đặc điểm sinh lý. Có thể tóm tắt toàn bộ Chương trình như sau: trai gái lớn lên, đến tuổi lấy vợ lấy chồng, sinh đủ 2 con = được ưu đãi. Cổ điển đến kinh ngạc!
Do xuất phát từ quan niệm lạc hậu nên cuối cùng, các biện pháp đề xuất mải bám theo hướng này mà chệch khỏi mục đích ban đầu. Đó là duy trì được lực lượng lao động trẻ, chống dân số già.
Khi gạt bỏ hết các rối rắm trong suy luận làm luật kể trên thì mục đích hiện ra rất giản dị và minh bạch.
Đó là chỉ cần đáp ứng được các điều kiện về sức khỏe, thu nhập, mức sống, khả năng chăm sóc mọi mặt cho em bé… thì các cá nhân được chọn sinh đẻ bằng bất cứ cách nào họ muốn. Cộng với một số ưu đãi cho bà mẹ hoặc gia đình (hai điều kiện này cần được tách biệt để bảo đảm quyền sinh con của bất kỳ phụ nữ nào dù độc thân hay có chồng) và tập quán gia đình đông đàn dài lũ, duy trì nòi giống của người Việt, thì cái việc đảm bảo dân số trẻ, lực lượng lao động đông đúc của đất nước chẳng có gì là khó.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/high-tax-on-singles-surprise-decision-05092020091417.html