Tin Việt Nam – 10/05/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 10/05/2017
Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionÔng Nguyễn Thiện Nhân là Ủy viên Bộ Chính trị được hai khóa

Ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bí thư TPHCM

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản phân công thay ông Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2016-2021.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính tham dự buổi công bố quyết định của Bộ Chính trị vào sáng 10/5 tại TPHCM.

Ông Đinh La Thăng, đã không còn trong Bộ Chính trị, được điều động ra Hà Nội làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Trước đó, ngày 7-5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết trên 90%.

Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tường thuật ông Đinh La Thăng đã chúc mừng ông Nguyễn Thiện Nhân và “chân thành xin lỗi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố”.

Sau 15 tháng công tác tại TPHCM và bị kỷ luật, ông Thăng nói quyết định kỷ luật dành cho ông là “có lý, có tình, ông xin nghiêm túc chấp hành, ông cảm ơn vì đã cho ông cơ hội để sửa chữa”, VOV tường thuật.

Ông Nguyễn Thiện Nhân 64 tuổi, quê Trà Vinh, là Giáo sư kinh tế, Tiến sĩ điều khiển học.

Ông đã là Ủy viên Trung ương Đảng ba khóa và đại biểu Quốc hội bốn khóa. Ông được bầu vào Bộ Chính trị từ năm 2013.

GS Nguyễn Thiện Nhân về Sài Gòn làm Bí thư Thành ủy?

Báo Đảng: Kỷ luật ông Thăng ‘có ý nghĩa rất lớn’

Trên mạng internet vẫn có những video phỏng vấn ông Nhân nói chuyện về kinh tế Việt Nam bằng tiếng Anh – một điều hiện còn khá hiếm với các quan chức Việt Nam.

Được đào tạo tại Cộng hòa dân chủ Đức từ 1972 đến 1979, ông Nguyễn Thiện Nhân, sau khi về nước, công tác ba năm tại Viện Kỹ thuật quân sự – Bộ Quốc phòng, cấp bậc Thượng úy.

Sau đó ông sang dạy ở Đại học Bách khoa TP.HCM (1983-1985).

Ông từng học thạc sỹ, chuyên ngành quản trị công tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ, theo chương trình học bổng Fulbright hồi 1995, và là một trong số ít các ủy viên Bộ Chính trị ở Việt Nam hiện nay nói thạo tiếng Anh.

Ông có thời gian làm Phó bí thư Thành đoàn TP. HCM trước khi làm Tùy viên giáo dục sứ quán Việt Nam tại CHDC Đức.

Hết nhiệm kỳ tại sứ quán, ông lại học hai năm ở Đại học Kỹ thuật Magdeburg CHLB Đức.

Sau đó ông có thời gian dài làm trong ngành giáo dục, làm trưởng khoa rồi Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TPHCM từ 1995 đến 1997.

Người dân TP HCM nói về ông Đinh La Thăng

Ông Nguyễn Thiện Nhân từng là một phó thủ tướng trong Chính phủ của ông Nguyễn Tấn DũngBản quyền hình ảnhVIETNAMNET
Image captionÔng Nguyễn Thiện Nhân từng là một phó thủ tướng trong Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng

Từ cuối 1999 đến tháng Sáu 2006, ông là Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu lên đỉnh cao từ Đại hội Đảng lần thứ 10, với việc được bầu vào Trung ương Đảng.

Tháng 7/2006, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Một năm sau, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo từ 2007 đến 2010.

Sau Đại hội Đảng lần thứ 11 năm 2011, ông tiếp tục làm Phó thủ tướng.

Năm 2013, trong một diễn biến lớn, ông Nguyễn Thiện Nhân được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị tại hội nghị 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Sau đó ông được điều sang lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chức vụ được cho là ít quyền lực hơn cho đến nay.

Đại hội Đảng lần thứ 12 năm 2016 đánh dấu việc ông tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị.

www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39866846

Luật sư và nhà báo TPHCM nêu kỳ vọng về ông Nhân

Giới luật sư, nhà báo ở TP.Hồ Chí Minh bình luận với BBC về tân Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, người vừa được Bộ Chính trị đảng Cộng sản phân công thay ông Đinh La Thăng.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, 64 tuổi, quê Trà Vinh, là Giáo sư kinh tế, Tiến sĩ điều khiển học.

Ông đã là Ủy viên Trung ương Đảng ba khóa và đại biểu Quốc hội bốn khóa. Ông được bầu vào Bộ Chính trị từ năm 2013.

Hôm 10/5, trả lời BBC, Luật sư Hà Hải, trưởng văn phòng luật sư cùng tên, nói: “Tôi tin là nhiều người dân TP.Hồ Chí Minh phấn khởi đón tin ông Nhân về làm bí thư.”

“Ông không xa lạ với người thành phố này vì đã có quá trình hơn 20 năm công tác ở đây.”

Ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bí thư TPHCM

Ông Thăng và chiếc ghế bí thư thành ủy TP HCM

Báo Đảng: Kỷ luật ông Thăng ‘có ý nghĩa rất lớn’

“Ông có hiểu biết không chỉ về hệ thống xã hội chủ nghĩa mà còn từng được đào tạo tại các nước phương Tây.”

“Do vậy mà tôi chờ đợi ông sẽ đáp ứng được những mong đợi của người dân thành phố và cả trung ương.”

Ông Nguyễn Thiện Nhân và nhà vô địch golf Cary Shuman hồi 2004 tại sân golf Thủ ĐứcBản quyền hình ảnhSTR
Image captionÔng Nguyễn Thiện Nhân khi còn làm Phó Chủ tịch TPHCM và nhà vô địch golf Cary Shuman hồi 2004 tại sân golf Thủ Đức

“Có lẽ một trong thách thức với ông ở vai trò mới là phản hồi với trung ương về việc thay thế những quy phạm pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế để TP.Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu về kinh tế và giáo dục.”

“Một vấn đề khác là ông sẽ phải xử lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại thành phố trong bối cảnh ba cơ quan quản lý lĩnh vực này đang dẫm chân lên nhau.”

“Tôi kỳ vọng ông ấy sẽ cho thí điểm một cơ quan chuyên trách về an toàn thực phẩm tại TP.Hồ Chí Minh để đạt được những kết quả cụ thể trong vấn đề này.”

“Với lợi thế từng là cựu bộ trưởng giáo dục, ông Nhân đang có cơ hội tiếp tục thực hiện mong ước của chính ông ngày trước là đổi mới phương thức giáo dục tại thành phố.”

‘Cứu vãn’

Hôm 10/5, nhà báo Mai Quốc Ấn, cựu phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, nói với BBC:

“Nhiều người mặc định ông Nhân là “ông giáo”, nếu thế thuần túy ngây thơ. Hãy nhìn ông ấy dưới góc độ chính trị. Và vì chính trị, nên ông Nhân cần nhìn nhận lại nơi mình từng “bước qua” với không chỉ tư cách Phó chủ tịch thành phố.”

“Còn nhiều thứ nữa ông Nhân phải đối diện ở nơi “quen mà lạ” này. Nếu muốn biết bất ổn về đất đai của TP.Hồ Chí Minh thì ông Nhân cứ đến quận 2, quận 9, quận Thủ Đức để nghe dân Sài Gòn nói về cán bộ địa phương và công tác giải phóng mặt bằng. Cả “công tác” lấp sông rạch trái phép nữa!”

“Thật ra thì ông Nhân về nơi tưởng là “bờ xôi, ruộng mật” của đất nước lúc này lại là áp lực. Đất công cơ bản đổi hạ tầng coi như xong. Kiểu uống nước biển giải khát ấy của “tiền nhân” để lại một đô thị lởm chởm cao ốc và thiếu công trình phụ trợ, mảng xanh.”

“May thay, ông Nhân còn có các start-ups để cứu vãn. Giới start-up Sài Gòn hoàn toàn khác các dự án mà nhiều thái tử Đảng vẽ ra để làm ăn.”

“Tôi tin là chính phủ và Đảng chọn ông Nhân về Sài Gòn thời điểm này là có lý do chính đáng: đổi mới. Không đổi mới không được!”

Trên Facebook cá nhân hôm 10/05, Luật sư Lê Công Định, một nhân sỹ có tiếng tại TPHCM viết:

“14 năm trước lúc ông Nguyễn Thiện Nhân còn là quan chức ở Sài Gòn, ông đã lắng nghe ý kiến của tôi và các luật sư đồng nghiệp về sự cần thiết mở cánh cửa cho đầu tư gián tiếp/đầu tư tài chính để thu hút vốn nước ngoài vào Việt Nam nhằm vực dậy nền kinh tế đang bị khủng hoảng thời bấy giờ.

“Sau khi nghe chúng tôi trình bày, ông đồng ý và nhờ chúng tôi soạn thảo một dự án luật về Venture Capital, do tôi chấp bút với sự tham gia của vài luật sư tài chính đồng nghiệp. Tiếc rằng dự án luật đó không được Chính phủ và Quốc hội chấp nhận vì nhiều khái niệm quá mới vào thời điểm ấy.

Giờ đây có rất nhiều điều cần phải làm hơn vì mục đích dân sinh tại thành phố này. Hy vọng ông biết lắng nghe ý kiến của giới chuyên gia như ông đã từng, để người dân cảm thấy đô thị Sài Gòn đáng sống hơn.”

www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39869929

 

Vụ ông Thăng: ‘Sai từ triết lý quả đấm thép’?

Tiến sỹ Vũ Quang Việt, chuyên gia thống kê từ Hoa Kỳ, nhận định “Vấn đề Đinh La Thăng” là vấn đề thuộc thể chế về quyền lực.

Ủy ban kiểm tra trung ương vào đầu tháng này đề xuất kỷ luật nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN Đinh La Thăng, người chịu trách nhiệm liên quan đến nhiều vi phạm trong đấu thầu, đặc biệt là việc chỉ định nhiều gói thầu lớn trái Luật Đấu thầu.

Trong bài viết đăng ngày 08/05 trên trang tin của Giáo sư Trần Hữu Dũng, ông Việt nói đây là vấn đề chính chứ không phải sai phạm của ông Thăng trong việc “chỉ định thầu”.

Tân Bí thư Nhân cần làm gì ngay cho TPHCM?

GS Nguyễn Thiện Nhân về Sài Gòn làm Bí thư Thành ủy?

Đảng CS: 12 đại án của năm 2017

Trong phần mở đầu bài viết, tác giả dẫn chiếu tới thực trạng đẻ ra các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn và kém hiệu quả thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

“Chỉ có thể hiểu được nguyên nhân sai phạm khi xem xét nó trên cơ sở một chuỗi các quyết định rất chủ quan về điều hành kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Họ ảo tưởng rằng hình thành những tập đoàn lớn sẽ giúp kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao….Và để tạo quả đấm thép này thì yêu cầu quan trọng là giao cho một số lãnh đạo chính trị thực hiện quả đấm thép”.

Ông Vũ Quang Việt nhận định rằng trong khi ông Phan Văn Khải thận trọng xem xét vấn đề thì Nguyễn Tấn Dũng nóng vội cho ra đời ngay trước và sau khi lên nắm quyền nhiều tập đoàn lớn trong đó có Tập đoàn Than – Khoáng sản, (VINACOMIN), Tập đoàn Tầu thủy (Vinashin), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn dầu khí Petrovietnam (PVN)…

“Rõ ràng các quyết định thành lập hàng loạt tập đoàn, nhằm cho phép chúng lập công ty con làm đầy đủ mọi thứ trên đời. Tệ nhất là cho phép chúng liên kết lập ngân hàng huy động vốn một cách rất phiêu lưu khiến vốn đi vay lớn hơn vốn tự có vài chục lần.

“Không những thế, Thủ tướng [Nguyễn Tấn Dũng] còn lệnh cho các ngân hàng cấp vốn cho tập đoàn và công ty con cháu”.

Theo tác giả Vũ Quang Việt, việc chỉ định thầu chính là cách tạo ra sự sống cho công ty con cháu.

Ông Việt đặt câu hỏi về việc ông Thăng vi phạm Luật Đấu thầu từ những năm 2005 mà không ai biết.

“Theo Luật Doanh Nghiệp 2003 thì mọi quyết định kinh tế của ông Thăng nằm dưới quyền của Tổng chỉ huy Nguyễn Tấn Dũng, và trên đó là Đảng. Luật Đấu Thầu cũng viết là khi liên quan đến “trường hợp cấp bách vì lợi ích quốc gia” thì Thủ tướng có thể quyết định chỉ định thầu.

“Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nói về việc ông Thăng lấy tiền của PV góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương rồi mất vốn. Đây chính là quyền mà Thủ tướng ký quyết định cho phép tập đoàn đầu tư vào ngân hàng.

“Những lỗi này xảy ra gần chục năm trước đây do yếu kém năng lực, thế mà hệ thống Đảng vẫn tuần tự đưa ông ấy lên các chức vụ chính trị cao và quan trọng hơn.

Như thế, theo tác giả, kết luận của Ban Kiểm tra rõ ràng là chưa đi vào thực chất vấn đề và ông cho rằng vấn đề chính nằm ở điều ông gọi là “nguyên nhân thể chế”.

“Rõ ràng là quyền lập tập đoàn, doanh nghiệp mới, bổ nhiệm người lãnh đạo thông qua dự án đầu tư đã được giao cho quan chức hành chính (từ Thủ tướng trở xuống) mà không cần đến một cơ quan dân cử nào như Quốc hội xem xét kỹ lưỡng và bỏ phiếu.

“Chủ trương coi kinh tế nhà nước là chủ đạo, và dựa vào tập đoàn nhà nước và các công ty con cháu là quả đấm thép, do Đảng chủ trương rõ ràng là nguyên nhân đưa đến đầy rẫy những trường hợp tương tự như Đinh La Thăng.

“Và chủ trương đó đang làm giàu cho một số đảng viên lãnh đạo, con cái và gia đình họ, và nhóm lợi ích bâu quanh. Còn nền kinh tế tiếp tục đi xuống và xã hội ngày càng bất ổn.

“Vấn đề Đinh La Thăng là vấn đề thể chế về quyền lực, chứ đâu phải chỉ định thầu. Quyền lực không kiểm soát là quyền lực tha hóa và bị lạm dụng. Hệ thống quyền lực hiện nay vẫn không có gì thay đổi.

“Quyền quản lý doanh nghiệp nhà nước và tài nguyên đất nước đang tập trung vào tay một số cán bộ chính quyền hiện nay chỉ tạo cơ hội làm giàu cho một số ít người có quyền. Và bằng mọi cách, họ sẽ bảo vệ quyền lợi này của chính họ,” tác giả kết luận.

www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39862541

 

Chủ tịch Việt Nam trả lời phỏng vấn báo Trung Quốc

Việt Nam và Trung Quốc cần tiếp tục phát triển các biện pháp mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong các lĩnh vực hợp tác.

Đó là nội dung được Thông tấn xã Việt Nam tóm lược về cuộc trả lời phỏng vấn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với báo chí Trung Quốc hôm thứ Tư, 10 tháng 5.

Cuộc phỏng vấn diễn ra ngay trước chuyến đi của ông Trần Đại Quang sang thăm Trung Quốc và tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế ‘Một Vành đai- Mộtcon đường’.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh thêm giữa hai nước đã có nền tảng hợp tác tốt đẹp và cả những điểm tương đồng rất cơ bản, chẳng hạn cả hai đều kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, có cùng lợi ích gìn giữ môi trường ổn định và phát triển đất nước.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, trong chuyến thăm này, chủ tịch nước sẽ cùng với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cao cấp khác trao đổi về phương hướng, biện pháp thúc đẩy các vấn đề hai bên đang cùng quan tâm.

Riêng về diễn đàn ‘Một Vành đai- Một Con đường’, chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng đây là cơ hội tốt để các nước cùng trao đổi tăng cường hội nhập quốc tế.

www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-president-want-to-boost-ties-w-cn-0510201…

 

Hội nghị Trung ương 5 bế mạc trong ‘bế tắc’

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5 đã bế mạc vào chiều ngày 10/5, nhưng nhiều vấn đề lớn vẫn còn “bế tắc.”

Báo Tuổi trẻ đưa tin “sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.”

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã “thống nhất cao” thông qua các nghị quyết, bao gồm việc “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN); tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.”

Ông Quang Hữu Minh, một nhà báo độc lập ở Sài gòn, cho rằng trong giới lãnh đạo Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ về lý luận khi đưa ra các nghị quyết này. Và ông Minh nhấn mạng rằng nếu “nếu còn vấn đề về lý luận thì lý luận sẽ không ổn.”

“Nghị quyết mới nhưng cái bình cũ thì không giải quyết được gì cả. Chúng ta hãy nhớ khi nhậm chức thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói rằng Việt Nam chỉ có kinh tế thị trường, chứ ông ấy không hề nhắc gì đến khái niệm theo định hướng XHCN. Nhưng mà nghị quyết mới vẫn là tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường theo đi định hướng XHCN. Thì rõ ràng là ngay trong nhận thức của những lãnh đạo cấp cao của Đảng đã có vấn đề về việc chọn mô hình phát triển kinh tế.”

Việc sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, theo ông Minh, Việt Nam đã “kêu gào” trong ba năm qua nhưng cũng không thực hiện được vì lý do như sau:

“Vì cơ bản, nếu không còn lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, không còn hệ thống tập đoàn doanh nghiệp nhà nước thì bản sắc của chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Việt Nam cũng sẽ nhạt nhòa đi, và nhiều người không muốn điều đó. Do đó, tôi không kỳ vọng nhiều vào Hội nghị 5 này.”

Nhà báo Hữu Minh kết luận rằng lãnh đạo Hà Nội vẫn còn“lúng túng” về vấn đề đinh hướng mô hình kinh tế:

“Tôi nghĩ rằng sau Hội nghị Trung ương 5, mọi thứ vẫn sẽ còn lúng túng về đường lối, về kinh tế, chứ không chỉ riêng vấn đề chính trị.”

Liên quan đến vấn đề nhân sự, nhà báo Hữu Minh nói rằng việc chọn ông Nguyễn Thiện Nhân làm tân bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/5 thay cho ông Đinh La Thăng cho thấy sự miễn cưỡng và có phần bế tắc của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dù ông Nhân nhận được 100% phiếu tán thành:

“Tôi nghĩ rằng việc chọn ông Nguyễn Thiện Nhân là một sự lựa chọn hơi miễn cưỡng. Cũng có người không muốn có sự xáo động về nhân sự ở kỳ này, nhưng cuối cùng buộc lòng phải như thế. Thành ra việc lựa chọn ông Nguyễn Thiện Nhân cho thấy cũng có phần bế tắc vì rõ ràng là ông Nguyễn Thiện Nhân ít phù hợp hơn ông Đinh La Thăng. Ông Nguyễn Thiện Nhân thì đỡ bảo thủ hơn những người khác một chút. Tôi cũng không kỳ vọng nhiều vào sự đổi mới (của ông Nhân). Nhưng tôi cũng thấy vui vì ít ra (ổng) đỡ bảo thủ hơn.”

Trước đó, vào ngày 7/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra quyết định kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và đồng ý cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết trên 90%.

Rõ ràng việc Hội nghị Trung ương 5 thu xếp cho ông Thăng tự rút lui chưa mở ra hướng chống tham nhũng hiệu quả, so với hàng ngàn tỉ đồng mà ông Thăng đã làm thất thoát trước khi làm bí thư thành phố lớn nhất nước.

Cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh ở thành phố Hồ Chí Minh viết trên Facebook rằng: “Cuối cùng thì trận chiến “đả hổ diệt ruồi” phiên bản Việt Nam cũng đã kết thúc tốt đẹp như một vở kịch có hậu.”

Ông Chênh nhận định rằng chủ trương “diệt chuột nhưng không để vỡ bình” của ông Trọng “đã bộc lộ rõ ra qua chuyện dàn xếp cho Đinh La Thăng chức phó ban kinh tế ngay sau khi bị lấy lại hai chức được cho trước đây để y vui vẻ nhận tội, để chuyện chống tham nhũng chỉ dừng ở ruồi mà không dẫn lên đến hổ, để chuột bị diệt mà không ảnh hưởng đến bình.”

Nhà báo Hữu Minh cũng có cùng nhận định với ông Chênh:

“Tôi không kỳ vọng lắm vào công cuộc chống tham nhũng của Đảng. Ngoài việc ông Thăng mất ghế bí thư thành ủy và ra khỏi Bộ Chính trị ra thì cũng không có một hướng xử lý nào để thu hồi về một phần tài sản tham nhũng về cho ngân sách quốc gia. Việc kỷ luật ông Thăng chưa giải quyết vấn đề này. Thứ hai, hệ thống pháp luật của Việt Nam có vấn đề, không thượng tôn pháp trị, chỉ xử lý sai phạm theo hướng vụ nào ồn ào mới làm, vấn đề đảng nhỏ trong đảng to…Những vấn đề đó đều núp dưới vỏ bọc chống tham nhũng.”

Ông Chênh kết luận trên Facebook về Hội nghị Trung ương 5: “Tóm lại vở kịch đả hổ diệt ruồi theo kiểu Tập Cận Bình, phiên bản Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc win-win (các bên đều thắng). Chỉ có nhân dân mãi làm khán giả và bị thất bại thảm hại.”

https://www.voatiengviet.com/a/hoi-nghi-trung…5-be-mac-trong…tac/3846134.html