Tin Việt Nam – 10/04/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 10/04/2017
Người tham gia diễu hành bị câu lưu

Diễu hành tưởng niệm thảm họa môi trường Formosa bị chặn

an ninhBản quyền hình ảnhGREEN TREES
Image captionHầu hết tất cả những người đạp xe đạp ngang qua Bộ Tài nguyên-Môi trường đều bị chặn và kiểm tra

Cuộc diễu hành xe đạp tưởng niệm một năm thảm họa môi trường Formosa do một nhóm hoạt động vì môi trường đã bị chính quyền cản trở, có người bị câu lưu.

Nhóm Green Trees dự định tổ chức cuộc tuần hành đạp xe từ 9 giờ sáng Chủ nhật 9/4 đi từ trụ sở Bộ Tài Nguyên và Môi trường đến Văn phòng Quốc Hội, ông Nguyễn Anh Tuấn – một thành viên của nhóm, cho biết.

“Hầu hết những gương mặt từng xuống đường tham gia các cuộc biểu tình diễu hành trước đây đều bị chặn cả. Chỉ có rất ít người xuất hiện ở điểm hẹn gặp,” ông Tuấn nói.

“Cả hai đầu phố đều có lực lượng dân phòng, cảnh sát giao thông, an ninh. Hầu hết những ai đi xe đạp đều bị mời về đồn công an,” ông nói thêm.

Tuần hành vì cá chết ‘bị chặn’ ở Hà Nội

Vụ Formosa: ‘Cần điều chỉnh quy chuẩn xả thải’

Sau khi kế hoạch tuần hành buổi sáng không thành công, nhóm vẫn dự định tập họp vào buổi chiều tại một địa điểm khác nhưng bị lộ thông tin.

“Chúng tôi chưa kịp đến địa điểm mới thì an ninh họ đã phục sẵn ở đó. Có thể là một trong nhóm không đáng tin cậy hoặc một số người bị bắt từ sáng thì thông tin trên điện thoại của họ đã không được bảo mật.”

Ông Tuấn nói ông cùng một số người khác bị đưa lên đồn công an vào tầm chiều.

“Họ lấy điện thoại, tước quyền tự do đi lại, tài sản cá nhân cho nên khi tôi cố cáo hành vi bắt bớ tù đày, họ không thể trả lời được,” ông Tuấn cho biết.

“Mục tiêu của buổi tuần hành là để thúc đẩy việc xử lý giải quyết thảm họa môi trường do Formosa gây ra, nhưng buổi tuần hành đã thất bại.”

“Tuy nhiên còn cả một lộ trình dài phía trước, có thành có bại, nên việc thất bại lần này không ảnh hưởng quá lớn đến quyết tâm chung của nhóm hay cá nhân nào,” ông Tuấn nói.

Một người khác trong nhóm cũng bị đưa lên đồn là ông Đặng Vũ Lượng thì nói cuộc tuần hành là để thảm họa môi trường do Formosa gây ra không bị quên lãng, rất nhiều vấn đề vẫn còn tồn đọng, nhất là những người dân chưa được đền bù thỏa đáng.

Ông Lã Việt Dũng cho BBC biết ông bị chặn từ 6 giờ sáng hôm 9/4 đến tận gần 4 giờ chiều.

“Nhà tôi có hai đường, từ 6-10 người đứng đông ở hai ngõ, tầm 3 giờ rưỡi tôi có việc thì họ chặn xe, họ đưa giấy mời tôi lên phường,” ông Dũng nói.

“Họ làm quyết liệt như vậy vì họ sợ người dân, họ không muốn người dân nói lên những vấn đề tiêu cực trong xã hội,” ông nói thêm.

www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39554721

Vợ luật sư Nguyễn Văn Đài ‘không được xuất cảnh’

Vợ của luật sư đang bị cầm tù Nguyễn Văn Đài trả lời BBC về việc bà bị ‘dừng xuất cảnh’ tại Nội Bài khi lên đường sang Đức nhận giải thay chồng.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, người đang bị Việt Nam khởi tố và tạm giam, được Liên đoàn Thẩm phán Đức trao giải Nhân quyền 2017.

Lễ trao giải đã diễn ra hôm 5/4 tại thành phố Weimar, Đức nhưng bà Vũ Minh Khánh, vợ luật sư Đài, không xuất hiện tại sự kiện này do đã bị chặn tại sân bay Nội Bài từ hôm 2/4.

Bà Khánh cho biết biên bản về việc dừng xuất cảnh đối với bà do Thượng tá Quách Văn Khôi, Trưởng Công an Cửa khẩu sân bay Nội Bài, ghi lý do “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội theo Quy định tại Khoản 6, Điều 21, Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.”

Luật sư Đài được giải Nhân quyền của Đức

Lời kêu gọi thả luật sư Nguyễn Văn Đài

Trả lời BBC hôm 10/4, bà Khánh nói: “Tôi thấy quyết định của công an cửa khẩu hôm 2/4 đối với tôi là vô lý, xâm phạm quyền tự do đi lại của công dân vì tôi không làm gì sai trái để bị ngăn không cho đi nước ngoài.”

“Tuy vậy, hôm ấy tôi không phản ứng như những lần khác chính quyền gây khó khăn, vì tôi nhận thấy việc họ ngăn cản tôi thì gây thiệt hại cho họ nhiều hơn là cho tôi đi.”

“Việc tôi không được sang Đức nhận giải thay chồng cũng có cái tốt là thế giới thấy được cách hành xử của chính quyền Việt Nam với thân nhân của các nhà hoạt động nhân quyền thế nào.”

“Tôi đang cân nhắc việc liệu có nên khởi kiện quyết định dừng xuất cảnh với cá nhân tôi.”

‘Bắt người trước, tìm tội sau’

Bà Khánh cho biết thêm: “Tính đến hôm 16/4 tới, chồng tôi đã bị tạm giam tròn 16 tháng, sau ba lần gia hạn lệnh tạm giam mà chưa công bố kết luận điều tra, cũng như không cho các luật sư tiếp xúc.”

“Bên cạnh đó, chồng tôi còn bị biệt giam.”

“Về phần tôi đến nay, chỉ được thăm gặp chồng hai lần, tháng 10/2016 và tháng 1/2017. Anh ấy nói với tôi rằng gặp rất nhiều áp lực trong tù”

Tôi cho rằng việc bắt giữ chồng tôi cũng cho thấy sự vi phạm nhân quyền và vi hiến khi họ cáo buộc anh ấy Điều 88 nhưng không chỉ ra được những hành vi phạm tội cụ thể là gì.

Bà Vũ Minh Khánh

“Tôi cho rằng việc bắt giữ chồng tôi cũng cho thấy sự vi phạm nhân quyền và vi hiến khi họ cáo buộc anh ấy Điều 88 nhưng không chỉ ra được những hành vi phạm tội cụ thể là gì.”

“Đấy là cách bắt người trước, tìm tội sau. Tôi kêu gọi chính quyền ngưng dùng chiêu thức này với các nhà hoạt động nhân quyền.”

Bà nói thêm rằng gia đình đã mời ba luật sư Hà Huy Sơn, Nguyễn Văn Miểng và Đoàn Thái Duyên Hải tham gia biện hộ cho chồng bà khi phiên tòa diễn ra vì “dù anh Đài là luật sư nhưng khi ra tòa cũng cần có đồng nghiệp trợ giúp.”

“Việc các tổ chức nhân quyền, liên đoàn thẩm phán quốc tế vận động trả tự do hoặc trao giải cho luật sư Đài khiến tôi cảm thấy vinh dự và ấm lòng khi biết rằng vẫn có người nhớ đến anh và anh không cô đơn trên con đường đấu tranh cho nhân quyền,” bà Khánh nói với BBC.

Tháng 12/2015, Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt sau khi ông nói chuyện về Hiến pháp và các quyền con người cơ bản trước một cử tọa chừng 70 người tại nhà của một cựu tù nhân chính trị ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

www.bbc.com/vietnamese/world-39514062

Việt Nam ‘cần sự ổn định với đặc trưng tốt hơn’

 PGS. Jonathan London, nhà quan sát Việt Nam ở Đại học Leiden (Hà Lan), cảnh báo hệ quả của thực trạng làm giàu cho cá nhân và nói chưa thấy ai là người có ‎ý chí chinh trị để thay đổi cho Việt Nam.

Phản hồi về cách lập luận rằng một trong những điểm khiến Việt Nam vẫn hấp dẫn với các nhà đầu tư ở cái gọi là “sự ổn định về tình hình chính trị xã hội” ,ông London nói:

“Ai cũng biết là để phát triển kinh tế thì cần có sự ổn định xã hội, điều đó quan trọng chứ. Nhưng để phát triển với chất lượng cao, mang lại nhiều giá trị cho xã hội, nâng cao mức sống cho dân thì câu hỏi đặt ra là trật tự xã hội đó như thế nào chứ không phải có cần hay không. Việt Nam có thể rất ổn định, nhưng tăng trưởng không đạt được thì không xứng với tiềm năng.

Ông London nói ông thấy một số người mà ông gọi là có đầu óc bảo thủ hơi hiểu lầm điều này.

“Việt Nam vẫn có thể có một trật tự xã hội ổn định nhưng có những đặc trưng góp phần nâng chất lượng lên rất nhiều cho sự phát triển đất nước so với kiểu ổn định theo trật tự như hiện nay.

“Tức là phải tạo một môi trường thuận lợi nhất, phải tối đa hóa nguồn lực của kinh tế đối với tăng trưởng kinh tế hay công nghiệp hóa.

“Điều quan trọng không phải là ổn định hay mất ổn định. Phải ổn định chứ, nhưng ổn định theo những điều kiện như thế nào”.

Diễu hành vì môi trường ‘bị ngăn chặn’ 

Vụ Formosa: ‘Cần điều chỉnh quy chuẩn xả thải’

‘Hái quả ở cành thấp’

Nhà quan sát Việt Nam từ Đại học Leiden, Hà Lan nói về cải cách thể chế ở Việt Nam:

“Hiện tại thì có vẻ có một số vấn đề lớn. Chẳng hạn vai trò của nhà nước trong nền kinh tế là như thế nào. Nhà nước vẫn có thể đóng vai trò cốt yếu trong nền kinh tế nhưng nếu quan hệ giữa nhà nước và các ngành kinh tế không rõ ràng, không minh bạch hoặc có nguy cơ bị lạm dụng như chúng ta đang thấy thì điều đó không giúp ích gì cho sự phát triển của đất nước.

“Vấn đề là một số doanh nghiệp nhà nước hay công ty cổ phần ở Việt Nam đầu tư vào bất động sản chẳng hạn, tức là đầu cơ vốn ngắn hạn, và tình trạng này không đóng góp gì vào đẩy mạnh công nghiệp hóa một cách hiệu quả. Cho nên vấn đề là chất lượng tăng trưởng kinh tế thế nào chứ không phải chỉ nói đến tăng trưởng kinh tế chung chung.

“Tức là nếu chỉ muốn hái quả ở cành thấp và làm giàu cho cá nhân mà không đầu tư cho tương lai thì Việt Nam không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, tức là đầu tư bất hiệu quả.

Ông Jonathan London dẫn chiếu tới việc dùng tới hàng tỉ đô la cho du học nhưng lại bị lãng phí khi không tạo ra các cơ hội để sử dụng kỹ năng của những người học tập và nghiên cứu tại nước ngoài khi trở về nước.

“Cái mà Việt Nam cần làm trong thời gian tới chính là tạo ra một môi trường cho phép người Việt Nam có trình độ, kỹ năng có thể tham gia, đóng góp vào nền kinh tế một cách bình đẳng chứ không phải cần tới có cha hay chú mình là ai. Không tạo ra môi trường như vậy thì có học mãi cũng thế thôi.

“Có ai có ý chí chính trị trong bộ máy hiện nay để thực sự tạo ra các điều kiện đó thì chưa rõ, ” ông London nói.

‘Gốc của tham nhũng’

PGS London cũng nói về dịp tiếp xúc với một nhóm học giả và kinh tế gia Nhật Bản sang Hà Lan tham dự hội thảo gần đây.

“Họ nói rằng quỹ thời gian để cho Việt Nam làm những việc cần làm không phải là vô tận mà có giới hạn nhất định. Tức là nó chỉ là 10-20 năm nữa chứ không phải là Việt Nam còn dư thừa nhiều thời gian.

“Điều này có nghĩa là có nguy cơ mất cơ hội và không thể coi nhẹ mức độ cấp bách của các cải cách thể chế. Vấn đề là nói nhiều quá, 30 năm “đổi mới”, 40, 50, 100 năm “đổi mới” thì không bao giờ đi lên được.

Cái mà Việt Nam cần làm trong thời gian tới chính là tạo ra một môi trường cho phép người Việt Nam có trình độ, kỹ năng có thể tham gia, đóng góp vào nền kinh tế một cách bình đẳng chứ không phải cần tới có cha hay chú mình là ai.

PGS Jonathan London

Theo ông London, việc mang ra xử một số vụ tham nhũng chỉ là một việc và cái chính cần xem xét là cái gốc của tham nhũng là gì.

“Cái này cũng đã được xác định lâu rồi, đó là thiếu minh bạch… và những nỗ lực thể thay đổi còn quá chậm.

“Ở Việt Nam thì có những chính sách rất hay, người viết chính sách làm rất tốt. Nhưng trên thực tế thì thì vấn đề nằm ở cái gọi là thể chế phi chính thức (informal institution) hay là các quan hệ chính trị trong nền kinh tế. Những quan hệ đó thì vẫn rất quan trọng. Do đó chính sách có hay, nhưng để thực thi các chính sách thì luôn có vấn đề và dẫn tới những kết quả khác với những gì mong muốn.

“Nhiều khi có luật rất hay, chính sách rất tốt nhưng ý nghĩa của nó lại có hạn chế bởi đằng sau những luật hay chính sách đó có những quan hệ bị cũ.

“Tôi nhớ lại cách đây mấy năm thì có một khảo sát quy mô quốc gia về cái gọi là chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (Gọi tắt trong tiếng Anh là PAPI) thì kết quả cho thấy là trong cả nước thì tỉnh Hà Tĩnh là ít tham nhũng nhất. Thế thì kết quả đó có đúng không? Có chắc là như thế không?,” ông London hỏi.

www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39558597

Đề xuất lấp 1 ha hồ Thành Công để xây chung cư

Tại Hội thảo cải tạo chung cư cũ diễn ra ở Hà Nội ngày 10/4, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (VIHAJICO) đưa ra thông cáo báo chí về đề xuất nâng tầng chung cư và lấp một hecta phần hồ Thành Công để phục vụ tái định cư tại chỗ.

Theo đại diện VIHAJICO, chủ đầu tư cải tạo khu chung cư cũ Thành Công và cũng là đơn vị đề xuất dự án này, thì phần hồ bị lấp sẽ được hoàn trả lại bằng điều chỉnh mở rộng ranh giới hồ vào trong khu dân cư mới, tức đào bổ sung 1 ha mặt nước về phía Bắc và đảm bảo tỷ lệ cây xanh mặt nước đô thị theo đúng quy hoạch phân khu.

VIHAJICO tuy nhiên khẳng định đây mới là giai đoạn đề xuất và họ đang hoàn thiện các phương án quy hoạch đề xuất cho đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu tập thể Thành Công. Được biết đây là một trong ba phương án mà VIHAJICO đã “làm việc chặt chẽ với đơn vị tư vấn uy tín Singapore”.

Trả lời BBC Tiếng Việt, Kiến trúc sư (KTS) Lê Hoàng Cương, Quản lý dự án cho Công ty cổ phần kiến trúc xây dựng AA, cho biết trên cương vị là một người Việt và một người có phần hiểu biết về quy hoạch đô thị và kiến trúc, ông không đồng ý với dự án này vì “nó thay đổi thiên nhiên và môi trường sinh thái tuy với lý do để phục vụ dân và nó không có thỏa đáng so với xu hướng của thế giới”.

Theo KTS Cương, hiện nay vẫn còn nhiều đất đai nơi khác không nhất thiết phải lấp đi một phần hồ để làm dự án xây chung cư như vậy.

Về phía công ty VIHAJICO thì thuận lợi của đề xuất này là giúp tránh việc di dời tạm cư gây xáo trộn cho cuộc sống của người dân.

“Hầu hết các dự án cải tạo xây dựng chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội các năm qua gặp khó khăn, bế tắc chủ yếu ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng, vấn đề tạm cư cho người dân… Nay, với đề xuất này của công ty thì có thể xây nhà tái định cư ngay mà chưa cần phải di dời, tạm cư cho các hộ dân đang sử dụng khu tập thể. Thay vì việc nhận tiền tự lo nơi ở tạm cư ở vị trí khác hoặc phải di chuyển cả hộ gia đình, người dân sẽ được sử dụng nhà ở ngay tại chính khu vực mình đang sinh sống”, VIHAJICO cho hay.

“Tốn kém gấp đôi” và “không theo quy hoạch”

Việc lấp đi một phần hồ hiện này rồi phải đào trả lại phần diện tích hồ đã bị lấp này theo KTS Cương là sẽ “rất tốn kém, thậm chí tốn kém gấp đôi so với lựa chọn phần mặt bằng khác đã có sẵn”.

Ngoài chuyện chi phí tốn kém thì còn phải tính đến các vấn đề sinh thái liên quan, vẫn theo KTS Lê Hoàng Cương:

“Còn chưa chắc để có thể đảm bảo vấn đề cấp thoát nước hay các vấn đề sinh thái khác vì trước khi đào hồ như vậy thì xung quanh hồ đó là một hệ sinh thái khác. Khi làm lại thì mình phải làm lại tất cả từ đầu và nó sẽ tốn kém và khó khăn hơn rất nhiều so với làm trên một mặt bằng khác,” KTS Cương nói.

Nói về đề xuất này, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc và đô thị Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm được dẫn lời nói rằng đề xuất này là không theo quy hoạch và lấp hồ là không hợp lý.

Còn chưa chắc để có thể đảm bảo vấn đề cấp thoát nước hay các vấn đề sinh thái khác vì trước khi đào hồ như vậy thì xung quanh hồ đó là một hệ sinh thái khác. Khi làm lại thì mình phải làm lại tất cả từ đầu và nó sẽ tốn kém và khó khăn hơn rất nhiều so với làm trên một mặt bằng khác

Kiến trúc sư Lê Hoàng Cương

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, được trang Việt Nam Thời Báo trích thuật nói rằng “đây là một đề xuất hoàn toàn không phù hợp, thậm chí có phần phản cảm”.

“Dưới góc độ cơ quan đất đai và môi trường và cả cá nhân, tôi cho rằng đây không phải là giải pháp hữu hiệu. Không đời nào lại có chuyện lấp một phần hồ này rồi lại đào thêm một hồ khác. Hơn nữa, cả TP Hà Nội đang nỗ lực tạo ra các hồ để tạo môi trường, cảnh quan. Hồ Thành Công là một địa danh đã đi vào lòng người, người ta đã quen với phong cảnh ở đây, giờ lại đề xuất lấp một phần thì không thể chấp nhận được”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nói.

Giải pháp tốt hơn theo KTS Cương là nên “xê dịch đất dự án vào xa hơn một chút để khỏi mất đi phần chi phí lấp và tạo dựng hồ mới vì đề xuất hiện tại là không hợp lý và không khả thi về chi phí. Đó là chưa kể người dân ở Việt Nam ngày nay nhiều người cũng thích được ở gần hồ”.

Kiến trúc sư Lê Hoàng Cương cho biết đề án hiện đang ở giai đoạn đề xuất và nó có thể được đưa ra Quốc hội để được xem xét hoặc đưa lên một diễn đàn hay tờ báo nào đó để lấy góp ý của người dân, tuy nhiên quyết định chính vẫn thuộc về phía chính quyền.

www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39553827

 

Việt Nam dọa truy tố những người biểu tình phản đối Formosa

Chính phủ Việt Nam ngày 10/04/2017 thông báo có thể truy tố những người ngăn chặn một đường cao tốc chính trong đợt biểu tình hồi tuần trước, nhằm phản đối cách xử lý thảm họa môi trường do tập đoàn Formosa gây ra cách nay đúng một năm.

Theo Reuters, khoảng 100 người đã chặn đường cao tốc 1A hồi tuần trước bằng lưới cá, gạch và đá làm tắc nghẽn giao thông. Thông báo chính phủ của Việt Nam cho biết những người được nhận diện có thể bị truy tố với tội danh “gây rối trật tự công cộng”.

Song song đó, một cuộc điều tra cũng được mở nhắm vào những người nào đã chửi rủa, lăng mạ, ném gạch đá vào lực lượng an ninh bất chấp lời kêu gọi giải tán đám đông. Thông báo của chính phủ Việt Nam cảnh cáo sẽ có các biện pháp nghiêm khắc trước bất kỳ một cuộc tụ tập nào trong tương lai.

Vào thứ Sáu 07/04, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại một số nơi dọc theo bờ biển Việt Nam đánh dấu một năm xảy ra thảm họa môi trường Formosa. Nhà máy sản xuất thép này, do Đài Loan đầu tư, đã xả thải các chất độc hại ra biển gây thiệt hại môi trường và sinh kế của người dân.

vi.rfi.fr/viet-nam/20170410-viet-nam-thong-bao-xu-nhung-nguoi-bieu-tinh-phan-doi.

 

Bị cấm đi du dịch nếu cư xử vô văn hóa

Du khách Việt Nam khi đi du lịch có những hành vi xấu, hay còn được gọi là phản cảm, như ăn cắp, chửi bậy, có thể bị cấm xuất nhập cảnh.

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Tiến Đạt, giám đốc một công ty du lịch tên là TransViet khi nói về chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt trong một năm qua.

Trong chiến dịch này nhiều địa phương tại Việt Nam đã ấn hành các bản hướng dẫn bằng nhiều thứ tiếng về những việc nên làm và không nên làm để phát đến du khách.

Nhiều người làm việc trong ngành du lịch nhận thấy rằng trong số những du khách đến Việt Nam thì khách Trung Quốc thường hay có những hành vi phản cảm nhất, nhưng các công ty lữ hành và các hướng dẫn viên du lịch cũng nói rằng du khách người Việt cũng có những hành vi xấu như thế khi đi ra nước ngoài và cả khi đi thăm viếng các danh lam thắng cảnh trong nước.

Theo các công ty lữ hành thì việc ban hành các bản hướng dẫn là không đủ, và phải biến các hướng dẫn đó thành luật, để có thể phạt nặng du khách nào vi phạm.

www.rfa.org/…/vn-bad-behavior-could-be-ban-to-travel-04102017100116.html

 

“Cho Formosa hoạt động trở lại là vô trách nhiệm!”

Đoàn công tác Bộ Tài Nguyên- Môi trường Việt Nam vào hôm 5/4 kết luận rằng nhà máy thép Formosa đã khắc phục được 52/53 lỗi, chỉ còn một hạng mục từ dập cốc ướt sang dập cốc khô mà dự tính sẽ được hoàn thành vào năm 2019.

Dập cốc ướt, dập cốc khô là gì?

Dập cốc khô và ướt về cơ bản khác nhau như thế nào và nếu Formosa vẫn tiếp tục sử dụng công nghệ dập cốc ướt đến tận năm 2019 sẽ gây những tác động gì đến môi trường?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dập cốc ướt là công nghệ cổ điển khi đó cốc nóng từ 1200-1300 độ được hạ xuống nhiệt độ 200-300 độ bằng nước lạnh. Phương pháp này sinh ra rất nhiều hóa chất độc hại, trong đó có phenol, cyanua, amoniac… vô cùng nguy hại cho con người và môi trường.

Dập cốc khô là khi cốc nóng đỏ được dập khô bằng khí trơ trong hệ kín. Dập khô có hai lợi ích lớn là thu được nhiệt để vận hành máy phát điện và  không tạo ra phenol, cyanua và các hợp chất công nghiệp khác nên khá thân thiện với môi trường.

Kỹ sư Lê Quốc Trinh, hiện đang hành nghề tại Canada, người đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về luyện kim, cho chúng tôi biết thêm:

Luyện ướt sẽ làm ô nhiễm về sông ngòi, luyện khô làm ô nhiễm vấn đề không khí. Luyện khô không cần nước, nghiền ra rất nhuyễn nhưng nó sẽ bay thành bụi trong không khí, gây ra rất nhiều vấn đề về da, hơi thở, phổi,… Còn luyện ướt thải chất thải ra sông sẽ làm ô nhiễm sông.

Giữa năm 2016, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) khẳng định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt cho Formosa thì công nghệ cốc là công nghệ dập cốc khô. Tuy nhiên trong quá trình vận hành Formosa đã tự ý chuyển sang công nghệ cốc ướt để tiết kiệm chi phí.

Cũng trong ngày 5/4,  Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sau quá trình sửa đổi các lỗi vi phạm gây ảnh hưởng môi trường, Formosa hiện tại đã đủ điều kiện để vận hành lò cao số 1 và hiện tại đang chờ phê duyệt của Chính phủ. Tuy nhiên thông tin này đã gây hoang mang trong dân chúng, họ lo ngại nếu Nhà nước cho Formosa tiếp tục hoạt động khi hệ thống dập khô chưa được thiết lập sẽ lại một lần nữa bức tử môi trường biển.

Hãng tin Reuters hôm 6/4 trích lời linh mục Nguyễn Thanh Tịnh cho biết nếu nhà nước phê duyệt cho Formosa hoạt động trở lại với phương pháp dập cốc ướt sẽ là một hành động vô trách nhiệm và những người dân như ông sẽ còn đấu tranh đến cùng để bảo vệ môi trường.

Không thể không xả thải

Những người phản đối biểu tình chống lại tập đoàn Formosa Đài Loan ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 1 tháng 5 năm 2016. AFP photo

Kỹ sư Lê Quốc Trinh nhận định nếu từ giờ đến năm 2019 Formosa tiếp tục sử dụng phương pháp dập ướt thì còn gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, đặc biệt là môi trường biển:

Luyện kim ướt sẽ còn thải ra dưới dạng ướt, dạng đó phải thải ra biển và sẽ còn tiếp tục thôi nhưng họ giấu như thế nào thì tôi không biết. Chắc chắn nó còn tiếp tục xả thải chứ làm sao mà ngưng xả thải được. Không có nhà máy nào trên thế giới ngưng xả thải hết. Chỉ là họ giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người. Còn Formosa giải quyết như thế nào với các chất độc trong nước thải tôi không nắm rõ vì tôi không có những họa đồ, tài liệu kỹ thuật. 

Chắc chắn 100% từ giờ đến năm 2019 họ vẫn tiếp tục xả thải mà chất thải của họ đâu chỉ có mỗi về luyện cốc hay luyện kim đâu. Còn 4 thứ khác nữa cơ! Những nhà máy đồ sộ, nhìn những cơ ngơi nhà xưởng họ xây chứa khoảng hơn 10.000 –  20.000 người. 

Chỉ nội 20.000 người đó ăn uống rồi tiểu tiện, đại tiện thôi cũng là một nguồn ô nhiễm mà phải xử lý. Thứ 2 là các chất thải từ các nhà máy hóa học của họ. Tôi biết chắc chắn một điều Formosa bắt nguồn từ một nhà máy hóa học chứ không phải là luyện kim. Nó có rất nhiều nhà máy hóa học ở trong đó nhưng không nói ra. Tôi phân tích những hình ảnh của họ thấy phóng sắt chảy ra rất nhiều. 

Ông Lê Quốc Trinh cũng cho chúng tôi biết thêm rằng hiện tại còn rất nhiều nhà máy luyện kim trên thế giới, thậm chí ở những quốc gia hiện đại phát triển còn sử dụng phương pháp luyện ướt. Tuy nhiên quá trình sàng lọc chất thải trước khi xả ra môi trường của họ rất bài bản và được thực hiện cẩn thận. Chất thải khi ra đến sông ngòi chỉ còn phần lớn là nước, và những chất không độc hại như cát, bụi. Sau đó hàng năm người ta lại múc lượng cát, bụi, tạp chất dưới sông lên để xử lý bằng cách trộn với nhựa đường thành nguyên liệu làm đường đi.

Ông đã làm việc trực tiếp mấy chục năm nay với một nhà máy luyện kim lớn ở Quebec, Canada sử dụng phương pháp luyện ướt này và họ chưa từng gây ra điều tiếng gì, hay những nguy hại gì cho môi trường.

Chắc chắn nó còn tiếp tục xả thải chứ làm sao mà ngưng xả thải được. Không có nhà máy nào trên thế giới ngưng xả thải hết.
– Kỹ sư Lê Quốc Trinh

Như vậy theo những tài liệu chúng tôi tìm hiểu cùng những phân tích của chuyên gia Lê Quốc Trinh thì hệ thống dập cốc ướt bản thân nó cũng vẫn tiềm ẩn những hiểm họa ô nhiễm môi trường không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người nếu các nhà máy nói chung, trong đó có Formosa, không có kế hoạch xử lý cụ thể từ bước đầu.

Formosa tháng trước cho biết sẽ đầu tư khoảng 350 triệu USD trong dự án cải thiện các biện pháp an toàn môi trường với hy vọng có thể hoạt động trở lại vào quý IV năm nay.

Tháng 4 năm ngoái, nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh đã xả thải trực tiếp ra biển làm cá chết hàng loạt nổi trắng xóa dọc ven biển các tỉnh bắc Trung bộ gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, khiến hàng trăm ngàn người dân mất sinh kế. Các chuyên gia đã phân tích và cho biết việc Formosa sử dụng phương pháp dập cốc ướt là thủ phạm chính gây ra hiện tượng cá chết.

www.rfa.org/…/it-irresponsible-of-vn-gov-re-operate-formosa-lh-04102017073415.h..

 

Cai trị thiếu hiệu quả và sự thờ ơ chính trị

40 móng biệt thự cao cấp trên bán đảo Sơn Trà có phép hay không có phép? Nhà máy Formosa đã sửa 52 lỗi trong số 53 lỗi, vậy nó có được vận hành hay không?

Đó là hai câu hỏi mà blogger, mạng xã hội đặt ra cho chính quyền trong tuần lễ qua.

Ngoài ra chính quyền lại cũng vẫn phải đối phó với sự phản kháng của dân chúng vùng bắc Trung bộ, chịu ảnh hưởng tai họa môi trường Formosa Vũng Áng, một sự phản kháng kéo dài hơn 1 năm nay chưa thấy có dấu hiệu chấm dứt mà lại có vẻ căng thẳng hơn sau cuộc biểu tình chiếm trụ sở ủy ban huyện Lộc Hà của dân Hà Tĩnh vào ngày 3 tháng tư.

Và nếu những cuộc biểu tình chống Formosa Vũng Áng là của ngư dân, dân nghèo, và giáo dân thì nay lại có thêm những cuộc biểu tình của tầng lớp trung lưu tại Hà Tĩnh, dùng xe ô tô phản đối việc thu phí đường bộ.

Trên trang tin Ba Sàm, có một tác giả là Nguyễn Văn Do viết như sau:

Tôi không phê phán lý tưởng Mark – Engel, vì bất cứ một lý tưởng nào cũng bắt nguồn từ nền tảng Chân – Thiện – Mỹ. Nhưng tôi phê phán sự bế tắc của lý tưởng này và phương thức xây dựng hệ thống của nó, bởi nó chỉ cao đẹp trên giấy, ngoài thực tế nó dìm nhiều con người vào vũng lầy sa đọa, ai oán. Sự bế tắc về lý tưởng thường dẫn con người đi ngược lại mục tiêu ban đầu của chính nó.

Nhìn về thực tại, Cộng sản Hà Nội không đủ khả năng để giải quyết các vấn đề xã hội nữa. Suy nghĩ không đủ tầm, bế tắc lý tưởng, không có khả năng hoạch định chiến lược phát triển cho một khối dân tộc, không định hình rõ ràng con đường đang đi, phá nát hầu hết các nền tảng xã hội, về các nét văn hóa, về hệ thống tài nguyên và thiên nhiên có sẵn, Xã hội Cộng Sản đang trở nên rỗng tuếch về tất cả, về nền tảng kinh tế, về đường lối chính trị, về giá trị con người, về đường nét văn hóa mờ nhạt, về duy trì bản sắc dân tộc, về lối sống và gắn kết xã hội… tất cả đều tan nát.

Lý tưởng Mark-Engel mà ông Do đề cập hiện nay vẫn là tư tưởng chính trị duy nhất được đảng cộng sản cầm quyền cho phép. Từ đó nảy sinh ra một nguyên tắc là những đảng viên cộng sản Việt Nam nắm hết mọi quyền lực chính trị và kinh tế trong xã hội. Nguyên tắc đó được nhà bào Huỳnh Ngọc Chênh gọi là … “nghề đảng.”

Nghề đảng là nghề hót nhất, thăng tiến nhanh nhất, làm giàu mau nhất trong thời đại ngày nay, còn gọi là thời đại Hồ Chí Minh.

Thử hỏi đến 90 triệu lao động cùng với toàn bộ nguồn tài nguyên của đất nước đặt hết dưới quyền lãnh đạo của một nhóm chưa đến 4 triệu người hành nghề đảng thì làm sao nghề đảng không là nghề ngon nhất thời đại nay?

Dai dẳng Formosa

Sau khi dân chúng biểu tình chiếm Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà, nhanh hơn những lần trước, lần này chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi sự việc xảy ra, báo chí nhà nước tại Hà Tĩnh, rồi sau đó của trung ương lên tiếng chỉ trích những người biểu tình, gọi họ là kẻ xấu, hoặc bị những kẻ xấu lợi dụng.

Blogger Bà Đầm trẻ viết trên trang Dân luận rằng báo chí của nhà nước là dối trá:

Minh chứng mới đây nhất cho sự dối trá và bệnh hoạn của báo chí nhà nước là vụ vu khống người dân là bị kẻ xấu lợi dụng kích động, ở Lộc Hà – Hà Tĩnh, đến ủy ban nhân dân huyện để làm rõ việc công an đánh dân và đòi quyền lợi về vụ Formosa. Họ cũng làm điều tương tự với người dân ở Đông Yên – Hà Tĩnh biểu tình chặn đường quốc lộ diễn ra cùng ngày. Trong khi không đưa ra bằng chứng nào chỉ ra kẻ xấu nào đã lợi dụng, kích động.

Báo chí mà không đứng về phía nhân dân mà đi bảo vệ chế độ, mặc dù chế độ thối nát đến tột cùng thì việc xã hội hỗn loạn, đất nước thụt lùi về mọi mặt là điều vô cùng dễ hiểu.

Blogger Nguyễn Hữu Vinh thấy rằng phản ứng của nhà nước không có gì thay đổi theo cái cách mà họ cầm quyền từ trước đến nay, nhưng ông cảnh báo rằng thời đã khác, thế cũng đã không còn như xưa. Duy chỉ có sự tự tin đến mức ngớ ngẩn, thái quá của nhà cầm quyền vào quyền lực của mình thì vẫn như cũ.

Những đòi hỏi của dân chúng vùng Bắc Trung Bộ chưa được giải quyết xong thì có tin nói rằng Formosa đã khắc phục 52 trên 53 lỗi của họ và sẽ sớm được vận hành.

Blogger Nguyễn Anh Tuấn đặt câu hỏi là tại sao lỗi quan trọng nhất là lỗi công nghệ, thủ phạm gây ra thảm họa môi trường vừa qua lại được cho phép, và phải hai năm nữa, theo lời hứa của Formosa, mới được giải quyết?

Và trong lúc hệ lụy của thảm họa Formosa chưa giải quyết xong thì lại bùng lên việc phản đối thu phí tại cầu Bến Thủy, giữa Hà Tĩnh và Nghệ An. Lần này là những cư dân tầng lớp trung lưu có xe hơi, dùng tiền lẻ trả tiền phí cầu đường, gây ra kẹt xe dài hàng cây số.

Nhà giáo Hà Văn Thịnh bình luận:

Tiền lẻ cầu Bến Thủy mới chỉ là một đốm lửa nhưng chuyện Lộc Hà ngày hôm qua thì đã là dăm vài tia lửa có thấp thoáng ánh bập bùng của hình hài ngọn lửa.

Chỉ có kẻ ngu mới không thấy sự phi ngẫu nhiên của truyền thống Xô Viết thuở nào.

Và thế là…Nhượng bộ.

Rất mong chính quyền không những biết sợ Dân mà còn biết thêm là không phải do Dân xấu mà do những kẻ cầm quyền tệ hại nên mới ra nông nỗi ấy…

Lại còn mong hơn là họ biết vượt qua nỗi sợ để lo cho Dân, thương Dân (e là khó lắm), thực lòng…

Cuộc nổi dậy Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn là điều tự hào của những người cộng sản, khi họ chưa lên cầm quyền, cũng diễn ra trên vùng đất Bắc Trung Bộ này.

Xử phạt ai vụ Sơn Trà?

Sau khi vụ những công trình xây biệt thự trên Sơn Trà lộ ra là chưa có giấy phép, và sau đó hàng loạt bài của báo chí nhà nước cùng nhau đưa tin vụ này thì lại có chuyện là công ty Biển Tiên Sa, chủ đầu tư các công trình biệt thự cho biết là họ đang làm đúng luật. Trong khi đó thì Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng lại có vẻ cho rằng Biển Tiên Sa phạm luật.

Thế là mọi sự hiện trông chờ vào Thủ tướng giải quyết.

Blogger Nguyễn Anh Tuấn, trong bài viết Biển Tiên Sa chống Ủy ban, đặt câu hỏi là nếu thành phố Đà Nãng phải đền bù thiệt hại vì sai, thì tiền đó có phải là tiền đóng thuế của người dân Đà Nẵng hay không?

Nhà báo Nguyễn Thông viết rằng những vụ xây cất trái phép từ trước đến giờ chưa bao giờ được xử nghiêm minh cả:

Cho nên người ta mới nghi ngờ bộ máy thực thi pháp luật có vẻ chỉ nghiêm với dân. Ông Kỷ xây ròng rã dinh phủ hơn 6 năm, không ai “hỏi thăm”. Nhà 8B Lê Trực ở Hà Nội mới kinh, ngay giữa của giữa thủ đô, xây vượt mấy tầng chán chê, cơ quan chức năng mới biết. Bán đảo Sơn Trà còn kinh nữa, chỗ có thể nói là nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, cực kỳ nhạy cảm, thế mà có anh nhà giàu đưa máy móc, vật liệu xé rừng bạt núi vào khoét đất đổ xây 40 cái móng biệt thự khủng, cuối cùng nhà chức trách mới biết nhờ tin báo của ông dân thường đi đánh cá phát hiện… Còn bao nhiêu nữa những vụ vi phạm pháp luật về xây dựng, vi phạm công khai mà vẫn kín như bưng.

Dân biết nhưng trên thực tế dân không thể làm gì dù “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. Còn bộ máy hoặc không biết, hoặc có biết nhưng cứ lờ đi, không muốn làm. Để rồi cái sảy nảy cái ung.

Hỗn loạn và rác

Tìm câu trả lời cho xã hội Việt Nam đương đại, nhà văn Vương Trí Nhàn đi du lịch tới những quốc gia có tình trạng phát triển tương đồng hoặc thấp hơn Việt Nam là Cam Pu Chia và Miến Điện, ông thấy rằng họ đang tiến lên. Sau khi so sánh ông đưa ra lời giải thích cho tình trạng Việt Nam:

Người ở nông thôn dồn lên đô thị. Các chiến binh — vốn không được chuẩn bị để có hiểu biết cần thiết về việc làm ăn xây dựng — chia nhau lấp đầy bộ máy quản lý, điều hành mọi mặt kinh tế xã hội văn hóa giáo dục.

Hỗn loạn chồng lên hỗn loạn. Nhưng mặc, tất cả hoan hỉ coi như xã hội mình đã bước vào cuộc sống hiện đại, bất chấp thực tế đó là một thứ quả chín ép dễ dàng biến dạng.

Cốt nhất là sự trung thành với tương lai chứ không phải trung thành với quá khứ.

Đáng phải lo nhất là sự tử tế của con người và sự thịnh vượng của xứ sở chứ không phải cái tiếng hão

Những người chiến binh cộng sản đã thắng những cuộc chiến tranh, đã lên cầm quyền mấy mươi năm nay, và họ cũng thường hay nhắc lại quá khứ vẻ vang của họ.

Trong cái gọi là hỗn loạn chồng lên hỗn loạn của nhà văn Vương Trí Nhàn, đột nhiên người ta thấy báo chí chính thống của nhà nước ca ngợi Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc.

Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất cảnh báo:

Bắt đầu xuất hiện những bài tụng ca quá lố về Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đẩy ông lên hàng “tư tưởng khai phóng” ngang cùng chí sĩ Phan Chu Trinh

Không tỉnh táo, ông Phúc sẽ chết bởi chính đám bồi bút này, như trường hợp người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng với loạt bài “Thủ tướng xuất sắc nhất châu Á” trước đây.

Chắc nhiều người chưa quên loạt bài “Thủ tướng xuất sắc nhất châu Á” thời Nguyễn Tấn Dũng. Tôi tin, nếu quả thật muốn “làm người tử tế”, còn chút liêm sỉ, giờ đọc lại, ông Dũng sẽ xấu hổ.

Chuyện xảy ra chưa lâu. Và tôi tin ông Phúc còn nhớ.

Chính phủ, cần ở một nền báo chí phản biện, chứ không phải tụng ca.

Một nhân vật khác cũng nổi lên tại Sài Gòn là ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch quận 1, với chiến dịch tảo thanh vĩa hè gây ra nhiều tranh cãi, cả trên báo chí chính thống. Có người bảo chuyện tranh cãi xung quanh chiến dịch vỉa hè là một câu chuyện thể hiện tính cát cứ của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay. Blogger Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết trong bài Rác của một thời:

Trong bối cảnh Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn đều bị đồn đoán là có hệ thống cát cứ – và nếu có – thì ắt hẳn Sài Gòn như đang sở hữu một tính “cát cứ” rất riêng và thâm trầm của mình. Đến lúc này, người ta phải tự hỏi là không biết là báo chí ở TP đã cỗ vũ nhiệt tình cho chiến dịch chỉ tay của ông Hải, hay là vô hình trung lẳng lặng thu thập các chứng cứ bất lợi cho ông Hải, bao gồm cả những phát ngôn có thể bị khởi kiện về Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Dĩ nhiên, trong chiến dịch của ông Hải, không phải là không có người thật sự ủng hộ. Sau 42 năm, chứng kiến sự bất toàn và bất nhất trong việc lãnh đạo, người dân Việt Nam nói chung đã quá mệt mỏi và luôn bừng dậy trước một hình ảnh nào đó mang lại cho họ hy vọng rằng sự tốt đẹp nhất đã đến. Thậm chí, để được tốt đẹp, họ chấp nhận những sai lầm ban đầu của những người dám làm. Thật không có gì tàn nhẫn hơn khi lợi dụng sự khổ đau của con người Việt Nam đang vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, rồi mị dân, dẫn dắt họ đi về những lý lẽ biện luận lạc lối với nền văn minh và luật pháp.

Sự tàn nhẫn mà Tuấn Khanh đề cập, hay là sự vô lý trong chuyện Biển Tiên Sa và thành phố Đà Nẵng được blogger Nguyễn Anh Tuấn trả lời rằng do bởi sự thờ ơ về chính trị của người dân Việt Nam.

www.rfa.org/…/gov-incompetence-n-polictics-indifference-kh-04102017111740.htm..

 

Kinh tế Việt Nam lệ thuộc các công ty vốn nước ngoài

Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách của Việt Nam vừa công bố một báo cáo kinh tế Việt Nam trong quý một năm 2017, nêu rõ sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các đại công ty nước ngoài có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam (gọi tắt là FDI), ví dụ như công ty Samsung của Hàn Quốc.

Nguyên nhân của việc này là do nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam bị suy giảm, các sản phẩm của các công ty Việt Nam sản xuất không có giá trị cao khi xuất khẩu, do đó cả nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào các công ty FDI.

Báo cáo này cũng đưa ra một con số đáng ngại là các công ty trong nước hiện chỉ chiếm 28% tổng trị giá hàng xuất khẩu. Điều đó có nghĩa là các công ty Việt Nam ngày càng yếu thế trong sự cạnh tranh toàn cầu với các công ty nước ngoài.

Ngoài ra báo cáo cũng cho biết là Trung Quốc hiện là quốc gia có số vốn FDI lớn nhất ở Việt Nam trong quý 1 năm 2017 với tổng số vốn đầu tư là 820 triệu đô la Mỹ.

www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/eco-growth-depend-big-foreign-corporations-0..

 

‘Cứng rắn’ hơn với việc chặn quốc lộ biểu tình

Tại một cuộc họp của ngành công an hôm 10/4, Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm chỉ đạo cấp dưới “kiên quyết” không để xảy ra các vụ “tụ tập đông người, chặn quốc lộ” như đã xảy ra ở miền trung trong thời gian gần đây.

Theo tin được loan trên báo chí nhà nước, cuộc họp do Bộ trưởng Tô Lâm chủ trì bàn về việc công an phải “bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự từ nay đến dịp 30/4, 1/5 và thời gian tiếp theo”.

Trong các năm qua, thỉnh thoảng xảy ra những vụ người dân chặn Quốc lộ 1 để biểu tình khi họ bất bình cao độ về các vấn đề xã hội.

Nhưng các vụ biểu tình như thế này đã diễn ra thường xuyên hơn trong vòng gần 1 năm nay, sau vụ hãng Formosa Đài Loan gây thảm họa môi trường ở miền trung. Hãng này đã nhận trách nhiệm và bồi thường cho chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla, song người dân bị ảnh hưởng cho là họ chưa được đền bù thỏa đáng.

Tại cuộc họp hôm 10/4, ông Tô Lâm lưu ý rằng gần đây ở các tỉnh miền trung “liên tục” xảy ra một số vụ “giáo dân” biểu tình, chặn đường quốc lộ, hoặc “tụ tập đông người” kéo vào trụ sở chính quyền địa phương. Ông gọi việc làm của họ là “cản trở giao thông”, “chống người thi hành công vụ” hoặc “gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng”

Báo chí Việt Nam không cho biết chi tiết nhưng dường như điều Bộ trưởng Tô Lâm đề cập đến là hai vụ cùng xảy ra cách đây một tuần ở Hà Tĩnh.

Hôm 3/4, khoảng 150-200 người đã mang ngư cụ chặn quốc lộ ở Đèo Con, thị xã Kỳ Anh, từ sáng đến tối. Cùng ngày, hàng ngàn người biểu tình đã tràn vào trụ sở chính quyền huyện Lộc Hà và ở lại đó từ sáng đến chiều. Cả hai vụ đều có nguyên nhân là những bất bình của người dân về thảm họa của Formosa cũng như cách hành xử của chính quyền với dân về vấn đề này.

Thượng tướng Công an Tô Lâm chỉ đạo cấp dưới trong bộ và ở các địa phương phải “ngăn chặn, kiên quyết xử lý kịp thời” không để xảy ra việc tụ tập đông người, chặn quốc lộ, tuần hành gây rối an ninh trật tự như thời gian vừa qua.

Ông Lâm nhấn mạnh việc “kiên quyết xử lý nghiêm” sẽ nhắm đến những người biểu tình vừa qua ở miền trung có hành vi như “tuyên truyền chống nhà nước, xúc phạm quốc kỳ, gây rối trật tự công cộng, cản trở giao thông, chống người thi hành công vụ”.

Một ngày trước cuộc họp của Bộ Công an, Công an thị xã Kỳ Anh đã quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” đối với vụ dân chặn quốc lộ hôm 3/4. Phía công an thị xã nói họ đang tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ về vi phạm của “một số đối tượng” nhưng không nói cụ thể sẽ “xử lý” bao nhiêu người và danh tính của họ.

Giới hoạt động vì môi trường và tiến bộ xã hội ở Việt Nam cho rằng những diễn biến mới này cho thấy chính quyền đang có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với các hoạt động phản kháng vì môi trường.

Về quyết định khởi tố vụ chặn quốc lộ mới đây, một ngư dân đề nghị giấu tên ở Kỳ Anh nói với VOA là bất đắc dĩ người dân mới phải chặn đường khi những cách thức khác hợp pháp và ôn hòa đã tỏ ra không có hiệu quả:

“Cảm thấy là thảm họa môi trường rồi thì người dân bị thiệt hại trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, thì người dân phải đứng ra diễu hành để đòi tiền của Formosa bồi thường cho người dân thiệt hại, để đòi nhà nước mình trả tiền bồi thường thiệt hại đó cho người dân. Nhiều khi nó chậm trễ, nhiều khi nó chưa trả hay cách nào đó, thì người dân cảm thấy không đúng, họ ra đường họ diễu hành thôi. Formosa bồi thường thì nhà nước mình chưa trả, cái trả cái không, thì người dân muốn đòi hỏi thứ nhất là trả lại môi trường trong sạch, thứ hai là tiền Formosa bồi thường thì trả lại cho người dân thôi. Người dân chỉ đòi hỏi từng đó, chẳng ai làm gì trái pháp luật cả”.

Với góc nhìn là một luật sư, ông Trần Vũ Hải ở Hà Nội bình luận rằng việc người dân phải tìm đến biện pháp gây xáo trộn trật tự có nguyên nhân là chính quyền địa phương né tránh giải quyết qua đường pháp lý:

“Đây là một sai lầm của chỗ chính quyền, ở chỗ tòa án. Lẽ ra họ phải chấp nhận các biện pháp pháp lý và hòa bình. Họ lại rất là ngại người dân sử dụng các biện pháp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị hay khởi kiện đó. Và đây là một trong nguyên căn của rất nhiều vụ việc mà tôi chứng kiến ở Việt Nam, không chỉ liên quan đến vụ Formosa. Có rất nhiều vụ việc như vậy, thì đây là lỗi của chính quyền. Mà thực tế là hàng ngàn vụ án gọi là ‘gây rối trật tự công cộng’ hay ‘chống người thi hành công vụ’ đều xuất phát từ việc chính quyền họ không giải quyết thỏa đáng, hoặc là chậm trễ và từ chối rất nhiều vụ việc mà người dân đưa đến, làm cho người dân ức chế”.

Luật sư Hải gợi ý hướng giải quyết là chính quyền cần phải tiếp nhận các đơn khiếu kiện, trả lời minh bạch về thời gian xử lý đơn, trong trường hợp từ chối hay trả lại đơn phải cho biết lý do đơn chưa đúng, chưa đủ ở những điểm nào, căn cứ vào các luật nào để bác đơn. Ông Hải nói thêm nếu các luật sư được mời tham gia các vụ khiếu kiện, họ cũng phải có cơ hội được phản biện việc chính quyền hay tòa án viện dẫn luật để bác đơn của người dân.

www.voatiengviet.com/a/3804488.html

 

Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh qua đời, thọ 87 tuổi

Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh, cựu Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã thời Việt Nam Cộng Hòa, qua đời tối 9 tháng Tư, tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 87 tuổi, theo tin từ Nhật Báo Người Việt.

Ông Nguyễn Ngọc Linh có thể được xem là người đặt viên gạch đầu tiên, là người tiên phong, cho khuynh hướng truyền thông mới, và đào tạo nhiều lớp phóng viên thành danh thời Việt Nam Cộng Hòa.

Theo bản tin trên Người Việt, ông Nguyễn Ngọc Linh sinh ngày 29 tháng Tám, 1930 tại Hà Nội, là một trong những du học sinh Việt Nam đầu tiên đến Mỹ vào những năm 1950. Sau khi tốt nghiệp ngành Kinh Tế – Chính Trị tại Đại Học Bowdoin College, Brunswick, Maine, ông đến làm việc cho báo The New York Times.

Năm 1956, ông Nguyễn Ngọc Linh về nước theo lời kêu gọi của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Ông vào quân đội và sau đó làm Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã, chức vụ tương đương Bộ Trưởng thời bấy giờ.

Nói về người thầy, cấp trên và ân nhân của mình, nhà báo Vũ Mạnh Tiến, cựu phóng viên của Đài phát thanh Sài Gòn và Đài Á Châu Tự Do, cho rằng “ông Linh là một nhà cách mạng của truyền thông Việt Nam, khi đưa ra một hệ thống truyền thông bài bản từ công việc tuyển dụng, đào tạo cho đến cách đưa tin bài”.

“Vào thời đó, phải nói là rất mới. Ngay sự phân biệt giữa phát thanh và báo chí, tức văn nói và văn viết, thời ấy cũng chưa có sự chú trọng. Đến ông Linh thì có sự phân biệt rõ ràng và đào tạo hẳn một ngành như thế. Về sau này, các tổng giám đốc [Đài phát thanh Sài Gòn] cũng theo con đường đó mà đào tạo thêm người. Ông ấy là người đặt viên gạch đầu tiên, là người tiên phong.”

Ngoài hệ thống tổ chức tiên tiến và hiệu quả, nhà báo Nguyễn Ngọc Linh còn để lại cho các cấp chỉ huy truyền thông sau này của thời Việt Nam Cộng Hòa một di sản quý khác là “vốn con người,” vẫn theo nhà báo Vũ Mạnh Tiến.

Các học trò của ông Nguyễn Ngọc Linh sau này có rất nhiều người thành danh và theo đuổi nghề báo đến cuối đời, một điều mà khi chia sẻ với nhà báo Đinh Quang Anh Thái của nhật báo Người Việt vào năm 2011, ông Nguyễn Ngọc Linh thừa nhận đó là “niềm hãnh diện lớn nhất trong tất cả những thành tựu đạt được”.

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái nói: “Ông Nguyễn Ngọc Linh là người thuộc thế hệ đầu tiên của Việt Nam học báo chí ở ngoại quốc. Ông có công đào tạo ra một lớp làm báo rất đông tại Việt Nam. Những nhà báo nổi tiếng của ngành báo chí miền Nam Việt Nam trước năm 1975 thì số học trò của ông Linh rất nhiều. Có thể kể ra một số tên tuổi như Lê Thiệp, Ngô Vương Toại, Nguyễn Tuyển…”

Trong thời gian đứng đầu ngành truyền thông Sài Gòn, ông Nguyễn Ngọc Linh được biết đến là người không những giỏi nghề mà còn rất phóng khoáng. Ông là người dám đưa những tin tức mà người khác chắc chắn không dám loan, với chủ trương đưa tin trung thực và phục vụ nhu cầu của đa số thính giả và độc giả. Chính vì vậy, nhà báo Vũ Mạnh Tiến nói, những người làm truyền thông như ông đã được “sống cùng thời sự” khi ở trong thế giới phong phú được mở ra bởi người thầy Nguyễn Ngọc Linh.

Ngoài công việc truyền thông, ông Nguyễn Ngọc Linh còn mở trường dạy Anh Văn và làm công việc phiên dịch cho các nguyên thủ quốc gia thời Việt Nam Cộng Hòa.

Ông Nguyễn Ngọc Linh là con trai cụ Nguyễn Trọng Tấn, quan tri phủ tại Phủ Kiến Xương, thuộc tỉnh Thái Bình. Ông là bào huynh của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, cựu Giám Đốc Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do, và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Phách, một học giả hiện sống tại Úc.

www.nguoi-viet.com/tin…/nha-bao-nguyen-ngoc-linh-qua-doi-huong-tho-87-tuoi/