Tin Việt Nam – 10/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 10/03/2018

Thanh niên nghi bị đánh đến chấn động não,

công an nói do ‘tự gục mặt trên bàn’

Mặc dù người nhà của một thanh niên ở Gia Lai cáo buộc công an huyện đánh đập anh đến “chấn động não”, phía công an nói họ không đánh mà thương tích của thanh niên là do anh “gục đầu trên bàn”!

Tin cho hay vào chiều Thứ Sáu, trung tá Dương Đức Việt, phó công an huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai, cho biết vừa nhận được đơn tố giác của ông Nguyễn Định, 44 tuổi, cư dân xã Ia Le, đề nghị điều tra một số công an viên đã đánh đập tàn nhẫn làm con trai ông Định bị chấn động não. Ông Việt cho biết công an huyện Chư Pứh đã cho thành lập ban điều tra, mời người nhà ông Định đến làm việc nhưng chưa có kết luận cuối cùng.

Theo báo Dân Việt, nhóm công an viên trực vào đêm xảy ra sự việc giải trình, và nhóm này chối bỏ là “không hề có việc đánh người trong quá trình làm việc”. Trung tá Việt cho biết huyện đã báo cáo vụ này lên công an tỉnh. Sự việc xảy ra vào tối ngày 28 tháng 2 vừa qua, khi nhóm dân phòng của thị trấn Nhơn Hòa bắt giữ anh Nguyễn Công Chí, 21 tuổi, đi xe máy chở cô Trần Thị Thu Nhi, cả hai không đội mũ bảo hiểm. Họ đưa Chí và Nhi về đồn công an. Tại đây, Chí làm việc với công an viên Phạm Văn Hải. Đến khoảng 9 giờ 30 tối, Chí lâm vào tình trạng “không còn tỉnh táo để làm việc”. Đến 12 giờ đêm, công an huyện cho xe chở Chí đến trung tâm y tế huyện Chư Pứh. Chí được chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai sau đó và được các bác sĩ tại đây chẩn đoán bị “chấn động não”.

Huy Lam / SBTN

 

Đắk Lắk: 500 giáo viên ‘tuyển dư’ bị buộc thôi việc

Hơn 500 giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, ở Tây Nguyên của Việt Nam, vừa nhận thông báo bị thôi việc vì bị “tuyển thừa”.

Uỷ ban Nhân dân Huyện Krông Pắk thông báo hôm 9/3, khoảng hơn 500 giáo viên hợp đồng và hiệu trưởng trên tất cả các trường từ mầm non đến cấp Trung học Cơ sở trên địa bàn huyện phải nghỉ việc vì vượt quá chỉ tiêu.

Sự việc này liên quan tới việc huyện Krông Pắk tuyển dư hơn 500 giáo viên đã được truyền thông trong nước phản ánh từ năm 2017.

‘Nhiều người không phục về cách phong GS ở VN’

GS Dũng vẫn chờ hồi âm vụ Bộ trưởng Nhạ

Bình luận về vụ giáo viên phải đi ‘tiếp rượu’

Rất nhiều giáo viên đã tỏ ra rất bức xúc vì cho rằng vào thời điểm tuyển dụng, phía lãnh đạo huyện đã cố tình tuyển dư dù biết không đủ biên chế.

Thi tuyển 83, buộc thôi việc hơn 500 người

“Đã biết đang dư giáo viên mà vẫn nhận vào là không có trách nhiệm với giáo viên,” ông Nguyễn Trí Thọ, một trong những giáo viên hợp đồng nói với BBC hôm 10/3.

“Phía chúng tôi sau khi nghe lãnh đạo huyện thông báo đã sang UBND huyện gặp chủ tịch huyện nhưng được báo là chủ tịch đang đi vắng.”

Theo báo Tuổi Trẻ, phó chủ tịch huyện Ngô Thị Minh Trinh nói rằng biên chế 2017 tổ chức thi tuyển dụng 83 giáo viên trên hơn 600 giáo viên hợp đồng trên toàn huyện.

Hơn 500 người “không đủ điều kiện” dự thi thì sẽ bị đuổi việc, tuy nhiên bà Trinh không nói rõ các điều kiện ở đây là gì.

Trả lời BBC, ông Thọ giải thích rằng, đợt thi tuyển này chỉ áp dụng cho một số môn ở các cấp học nhất định, ví dụ như cấp mẫu giáo chỉ thi tuyển giáo viên âm nhạc, cấp tiểu học chỉ tuyển giáo viên tiếng Anh…

Hơn 500 giáo viên không giảng dạy các môn học không thuộc chỉ tiêu thì không thể tham gia thi tuyển. Cho nên chỉ có khoảng 100 giáo viên có thể thi vào 83 vị trí này.

“Ở trong quyết định tuyển dụng cho mỗi giáo viên, có ghi rõ là quyết định này phải thi tuyển, xét tuyển không đậu mới chấm dứt, đây là chưa thi tuyển đã chấm dứt hợp đồng,” ông Thọ nói.

Theo bà Trinh, các giáo viên “tuyển thừa” và các giáo viên thi trượt vòng xét tuyển sẽ bị chấm dứt hợp đồng trước 30/4.

‘Tuyển dư để ăn tiền chạy chọt’

Ông Thọ và nhiều giáo viên cho rằng UBND huyện đều nắm rõ số lượng học sinh, số lớp học những vẫn muốn tuyển dư để “ăn tiền đút lót”.

Ông thừa nhận thực trạng giáo viên chạy chọt từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng xảy ra ở Việt Nam.

Thực sự thực trạng này rất là bất cập, nhiều người trình độ rất cao rất tốt, ra trường bằng đỏ thì không có việc phải về cuốc đất. Người chạy chọt được, bằng cấp thì thấp, nhưng được vào làm.Nguyễn Trí Thọ, Giáo viên tiểu học, huyện Krông Pắk

“Thực sự giáo viên cũng như nhiều ngành nghề khác. Giờ muốn làm nhà nước thì phải chạy chọt. Những năm trước mặt bằng chung là 80-150 triệu.

“Thực sự thực trạng này rất là bất cập, nhiều người trình độ rất cao, rất tốt, ra trường bằng đỏ thì không có việc, phải về cuốc đất. Người chạy chọt được, bằng cấp thì thấp, nhưng được vào làm.”

“Rất nhiều người ở đây hoàn cảnh rất khó khăn, chỉ có ít đất canh tác phải nói cha mẹ bán đất đai để mà chạy chọt vào.

“Giáo viên hợp đồng lương tháng rất ít, có người làm được 7 năm lương chỉ hơn 600,000 đồng, trừ bảo hiểm thì chỉ hơn 500,000 đồng một chút”

“Năm ngoài, sau khi đài VTV đã đưa tin phản ánh việc thừa 600 giáo viên mà huyện vẫn tuyển thêm 100 giáo viên khác, rất nhiều giáo viên này đi vay 200 triệu đồng chạy vào.

“Nguyện vọng của giáo viên chúng tôi là các lãnh đạo UBND huyện tìm một phương án nào đó, một là để tất cả các giáo viên đi dạy lại, hai là đền bù hợp đồng thoả đáng.

“Giáo viên chúng tôi đã mất bao nhiêu tiền để chạy việc, đi học nâng cấp bằng để đảm bảo chất lượng giáo dục tốt.

Ông Thọ cho biết ông và một số giáo viên đã liên hệ với phía đoàn luật sư Daklak để xin hỗ trợ pháp lý cho vụ việc trên.

“Chúng tôi đang thu thập các quyết định tuyển dụng, nâng lương mà UBND đã đánh về cho mỗi giáo viên. Có một số còn có giấy viết tay từ những người cò, những lãnh đạo cao cấp mà đã nhận tiền chạy chọt của giáo viên.”

“Làm như thế này chúng tôi rất bức xúc, mong muốn có một giải pháp để các giáo viên quay trở lại trường,” ông Thọ nói.

Theo truyền thông trong nước, từ 2011-2015, huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng với hơn 500 giáo viên.

Ông Nguyễn Sỹ Kỷ, hiện là phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên chủ tịch giai đoạn 2011-2016 đã bị Uỷ ban kiểm tra ra quyết định cảnh cáo.

Báo Tuổi Trẻ của Việt Nam nói Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập tổ kiểm tra xác minh đơn tố cáo Chủ tịch huyện đương nhiệm Y Suôn Byă.

Còn báo Zing cũng từ Việt Nam cho hay, vợ ông Y Suôn Byă là Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện, trong khi em trai ông là Phó trưởng phòng Nội vụ huyện.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43355734

 

Giới trẻ đối phó việc phong GS ở VN thế nào?

Bình luận với BBC Tiếng Việt về câu chuyện chất lượng việc phong chức danh giảng dạy cao cấp Giáo sư, Phó Giáo sư ở Việt Nam gần đây, một nhà nghiên cứu chất lượng giáo dục từ Sài Gòn, nêu quan điểm cho rằng trong giới khoa học trẻ ở Việt Nam hiện nay đang có hai cách thức ứng phó:

“Tôi thấy có một trào lưu thế này, những người trẻ hơn học hành tử tế ở nước ngoài về, hoặc là họ chứng minh năng lực bằng cách tham gia các công bố quốc tế thực sự và tham gia với cộng đồng khoa học mà họ quen biết từ thời học nước ngoài,” Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh nói.

Vụ ‘bắt cô giáo quỳ’ và phong giáo sư ở Việt Nam

‘Tự đạo văn’ thực sự nghĩa là gì?

‘Nhiều người không phục về cách phong GS ở VN’

Còn khuynh hướng nữa là có nhiều người tẩy chay cái đó, những người trẻ và có năng lực thật, nhưng họ không xin phong cái gì hếtTS. Vũ Thị Phương Anh

“Đó là những người thực sự chứng minh được, đạt được và cuối cùng họ được phong này khác. Họ chấp nhận phải được phong thôi, tại vì ở Việt Nam như vậy, nhưng mà họ chứng minh năng lực để h cảm thấy không bị xấu hổ với những danh hiệu đó, đó là một khuynh hướng.

‘Không xin phong gì hết’

GS Dũng vẫn chờ hồi âm vụ Bộ trưởng Nhạ

Cần đặt tiến sĩ vào đúng chỗ là Khoa học

“Còn khuynh hướng nữa là có nhiều người tẩy chay cái đó, những người trẻ và có năng lực thật, nhưng họ không xin phong cái gì hết.

“Đó là một cách tẩy chay và tôi nghĩ là nếu như những chuyện đó xảy ra ngày một thường xuyên hơn, những người trẻ như thế, có năng lực như vậy, mà họ làm được điều ấy nhiều hơn thì nó sẽ thay đổi.

“Tức là thay đổi từ dưới lên, chứ không phải là từ trên xuống.

“Còn về mặt hệ thống, thì tôi không biết, khi nào có thể thay đổi được cái đầu của những vị lãnh đạo ngành giáo dục thì nó mới thay đổi được,”Tiến sỹ Phương Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ giáo dục thuộc Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng của Việt Nam, nêu quan điểm với BBC

http://www.bbc.com/vietnamese/media-43357348

 

Vụ án Mobifone mua AVG:

‘Lò của ông Tổng Bí Thư bùng cháy bất ngờ’

Sau Tết Nguyên Đán 2018 vài tuần lễ, câu hỏi từng râm ran trong dư luận “Lò của ông Trọng phải chăng đã nguội?” đã có câu trả lời. Đó chính là quyết định “khẩn trương xử lý vụ Mobifone mua 95% cổ phần  AVG” được đưa ra sau cuộc họp ngày 8/3/2018 của Ban Bí thư dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Vì sao sau gần 2 năm kết thúc việc thanh tra Tổng công ty Mobifone và chưa đưa ra được kết luận, vụ án được chính Tổng Bí thư khơi gợi lại và chỉ đạo phải sớm kết thúc?

Thời điểm thuận lợi

Vào tháng 8/2016, truyền thông trong nước đưa tin về quyết định bắt đầu thanh tra toàn diện dự án Mobifone mua 95% cổ phần của công ty AVG (Công ty truyền hình An Viên) theo chỉ đạo của Thường trực Ban bí thư Trung ương lúc đó là ông Đinh Thế Huynh.

Sau đó, hoàn toàn không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến kết quả thanh tra toàn diện vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, ngoại trừ quyết định thuyên chuyển ông Lê Nam Trà, Tổng giám đốc MobiFone về công tác tại văn phòng Bộ thông tin và Truyền thông. Sự im lặng của tất cả cơ quan ban ngành có trách nhiệm liên đới đến MobiFone kéo dài cho đến ngày 8/3/2018.

Luật sư Trần Quốc Thuận từ Sài Gòn, cho chúng tôi biết đây là 1 giai đoạn mới, sẽ có những tình tiết mới. Về phương diện luật pháp, ông nói rằng thanh tra mà chưa công bố là không có giá trị.

“Giá trị chỉ khi nào có 1 toà án xử bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trường hợp kể cả ra toà, mà có tình tiết mới thì đôi khi cũng bị lật lại.”

Một trong những cái mới trong vụ MobiFone, theo ông là tất cả những nhân sự trong giai đoạn trước của vụ MobiFone đã được thay đổi, từ Thường trực Ban Bí thư cho đến Tổng Thanh tra Chính phủ và Phó Tổng Thanh tra, ông Ngô Văn Khánh, là người chủ trì trong công cuộc thanh tra lúc đó nghỉ hưu ngày 1/3/2018.

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cho biết vào thời điểm 2016, vụ án MobiFone chưa “nổi đình nổi đám” và chưa được hứa hẹn là 1 đại án quốc gia. Cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng lúc đó đang toàn tâm toàn trí vào 1 vụ khác.

“Lúc đó chưa bộc phát 1 cách chính thức chiến dịch được coi là chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng. Và lúc đó toàn tâm toàn ý của ông Nguyễn Phú Trọng đặt vào ông Trịnh Xuân Thanh và chiếc xe Lexus. Từ đó tập kích vào Đinh La Thăng.

Thời điểm hiện nay ông Trọng đang ở thế thượng phong. Đồng thời ông Trần Quốc Vượng kiêm luôn 2 chức, Thường trực Ban Bí thư và Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra nên có thể nói là 1 lợi thế rất lớn để phía ông Trọng đem ra vụ này.”

Thời điểm hiện nay ông Trọng đang ở thế thượng phong. Đồng thời ông Trần Quốc Vượng kiêm luôn 2 chức, Thường trực Ban Bí thư và Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra nên có thể nói là 1 lợi thế rất lớn để phía ông Trọng đem ra vụ này. – Ông Phạm Chí Dũng

Ngay sau khi ông Tổng Bí thư chính thức bổ nhiệm ông Trần Quốc Vượng thay thế ông Đinh Thế Huynh ở vị trí Thường trực Ban Bí thư, vụ án MobiFone được “mở lại”. Không những thế, báo chí thuộc Ban Tuyên giáo của nhà nước loan tin rằng Ban Bí thư cho đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Việc mở lại vụ MobiFone một cách ‘đột ngột’ ông Nguyễn Phú Trọng được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đánh giá là ‘một bước ngoặt lớn và quyết liệt”.

Vì sao nhạy cảm?

Đầu năm 2016, dư luận cả nước bàn tán về thương vụ được gọi là ‘bí ẩn nhất’. Bí ẩn không phải vì con số thực MobiFone mua lại 95% cổ phần AVG là bao nhiêu, mà chính vì AVG từ khi bước vào thị trường truyền hình cho đến lúc “bán được” cho MobiFone bị cho rằng đang kinh doanh thua lỗ.

Cho đến tháng 11/2016, trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, Mobifone mới hé lộ mức giá của giao dịch là 8.889 tỷ đồng.

Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết trong bản báo cáo kết quả thanh tra vào tháng 4/2016, có 1 nội dung khá đặc biệt.

“Bản kết luận có 1 cái chữ mà người ta cũng hơi suy nghĩ, đó là đề nghị chính phủ phải công bố, đảm bảo đúng pháp luật, xử lý nghiêm minh để thu hồi tiền, nhưng đó là vụ án mang tính chất tế nhị. Là vụ án lại có chữ tế nhị. Tôi nghe cũng hơi lạ. Để chờ nó có liên quan đến ai mà lại có 2 chữ tế nhị?”

Câu hỏi này được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đưa ra suy luận của ông, cũng là một chi tiết từng được dư luận trong nước nhắc đến.

“Cũng có những lời đồn đoán là trong vụ này có liên quan đến trách nhiệm của bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái của ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Không biết đó có phải là lý do đặc biệt hay không mà cho đến mãi gần đây vụ này tương đối êm ả. Có những lời thanh minh cho bà Phượng là không dính dáng đến vụ MobiFone mua AVG.”

Loại trừ ‘đối phương’?

Không ít những người quan tâm sự việc cũng như chính dư luận trong nước từng biết về thương vụ bí ẩn MobiFone đã đặt nghi vấn, vụ án này là một mục đích ‘loại trừ đối phương’ thay vì là một bước kế tiếp trong chiến dịch chống tham nhũng?

Trả lời vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết quan điểm của ông:

“Thật sự loại trừ đối phương là 1 việc nhỏ. Vấn đề bài trừ tham nhũng cho Việt Nam là 1 việc rất là lớn. Việc đấy là việc nhà cầm quyền Việt Nam cần phải làm tích cực hơn nữa. Những cái hiện giờ đương đưa ra theo nhận xét của tôi chỉ là 1 chỏm của tảng băng.”

Ý kiến của Giáo sư Tương Lai đưa ra cũng cho thấy ông chưa muốn đưa ra kết luận nào về vụ án MobiFone thực chất là cuộc chiến thanh trừng hay chống tham nhũng.

“Hết chuyện này đến chuyện khác thôi. Một truyền hình nhiều tập về chống tham nhũng. Sụ thực nó như thế nào thì đằng sau nó nhiều uẩn khúc lắm. Mà thông tin ở đất nước này rất mập mờ.”

Ý kiến của Luật sư Trần Quốc Thuận thì cho rằng dư luận khoan phán xét hay đưa ra kết luận gì.

“Bây giờ nó đang ồn ào trong dư luận, trên mạng đủ kiểu, người ta có quyền suy ra. Nhưng từ cái chữ ‘tế nhị’ đó người ta cũng hơi suy nghĩ 1 chút.”

Bây giờ nó đang ồn ào trong dư luận, trên mạng đủ kiểu, người ta có quyền suy ra. Nhưng từ cái chữ ‘tế nhị’ đó người ta cũng hơi suy nghĩ 1 chút. LS Trần Quốc Thuận

Một điểm đặc biệt đươc ông Phạm Chí Dũng đề cập đến, đó là vài ngày trước khi ông Ngô Văn Khánh từ chức, một bài viết có tiêu đề ‘Thanh tra Chính phủ sẽ công bố kết luận vụ Mobifone mua AVG trong tháng 3’ ký tên Công Lý đăng trên mạng xã hội cho rằng Nguyễn Thanh Phượng chính là nhân vật chủ mưu trong vụ Mobifone mua AVG.

Theo kinh nghiệm của ông Phạm Chí Dũng, ông cho rằng đây là một bài viết được đề nghị và được cung cấp thông tin.

“Theo kinh nghiệm của tôi, đó là thông tin nội bộ. Tác giả hoặc là gửi trong nội bộ hoặc có dính dáng đến nội bộ hoặc những vấn đề gọi là phe cánh chính trị thì mới có được những thông tin như vậy.”

3 ngày sau khi xuất hiện bài báo, cuộc họp của Thường trực Ban Bí thư cùng với ông Nguyễn Phú Trọng đã diễn ra.

Theo kinh nghiệm của tôi, đó là thông tin nội bộ. Tác giả hoặc là gửi trong nội bộ hoặc có dính dáng đến nội bộ hoặc những vấn đề gọi là phe cánh chính trị thì mới có được những thông tin như vậy. – Nguyễn Chí Dũng

Liên đới giữa các sự kiện với nhau, ông Phạm Chí Dũng đưa ra vấn đề:

“Giả thuyết đặt ra nếu bà Nguyễn Thanh Phượng dính dáng sâu đến vụ MobiFone và AVG thì thế nào? Liệu bà có bị khởi tố, thậm chí bị bắt giam hay không?”

Theo Giáo sư Tương Lai, nếu thật sự đây là thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, thì người cần xử lý đầu tiên là Bộ trưởng Bộ Thông tin.

“Vụ MobiFone này, người dính đầu tiên là ông Trương Minh Tuấn.”

Đưa ra giải thích cụ thể hơn, nhà báo độc lập Nguyễn Chí Dũng cho biết

“Từ năm 2016, đã có thông tin ông Nguyễn Bắc Son, nguyên cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, ông Trương Minh Tuấn lúc đó là Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đã dính dáng đến vụ MobiFone mua AVG.”

Do đó, ông Phạm Chí Dũng cho rằng nếu vụ án này trở thành vụ đại án thì ông Nguyễn Bắc Son và cả ông Trương Minh Tuấn sẽ khó thoát khỏi trách nhiệm.

Ông phân tích thêm về những diễn biến có thể xảy ra có thể được xem là điều mà dư luận quan tâm nhất trong vụ án này:

“Nếu quả thực vụ này bà Nguyễn Thanh Phượng có dính dáng và ông Nguyễn Phú Trọng có ý muốn làm rõ vụ này và điều tra đến bà Nguyễn Thanh Phượng, thì đây là lô cốt cuối cùng trong 3 người con của ông Nguyễn Tấn Dũng bị tập kích.”

Năm 2016, báo chí trong nước cho rằng có những câu hỏi lớn trong thương vụ MobiFone mua AVG. 2 năm sau, mở lại vụ án, liệu dư luận có được câu trả lời hay không? Đáp án đang được chờ đợi ở ‘cái lò của ông Nguyễn Phú Trọng’.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/MobiFone-case-and-nguyen-phu-trong-03092018141423.html

 

Quan hệ Vatican-Hà Nội được cải thiện?

Phái đoàn của Tòa thánh Vatican vừa có chuyến làm việc tại Việt Nam vào trung tuần tháng Giêng trong khuôn khổ gặp gỡ đôi bên trong những năm qua.Cho đến nay mối quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Chính phủ Việt Nam tiến triển đến đâu?

Các cuộc thăm viếng gia tăng

Truyền thông trong nước đưa tin tại buổi gặp gỡ với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, vào sáng ngày 18 tháng Giêng, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Tòa thánh Vatican, Đức ông Antonie Camilleri cảm ơn Chính phủ Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến làm việc của vị Đặc phái viên không thường trú của Vatican tại Việt Nam. Đồng thời, Đức ông Antonie Camilleri còn cho biết Tòa thánh luôn chủ trương thúc đẩy quan hệ với Việt Nam nhằm tiếp tục đồng hành trong sự phát triển của quốc gia, cũng như đóng góp trong các lãnh vực đời sống xã hội, đặc biệt về giáo dục, y tế và từ thiện.

Cũng theo truyền thông trong nước thuật lại,  đáp lời Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Tòa thánh Vatican, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ sự hài lòng về việc Vatican và Việt Nam duy trì cơ chế Nhóm Công tác hỗn hợp nhằm duy trì đối thoại, trao đổi và xử lý những vướng mắc giữa đôi bên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng Việt Nam mong muốn thúc đẩy mối quan hệ qua việc trao đổi đoàn cấp cao với Vatican.

Linh mục Trần Đức Anh, đang làm việc tại Tòa thánh Vatican đưa ra nhận định với RFA về việc phái đoàn của hai phía làm việc với nhau:

“Việc phái đoàn Tòa thánh đi qua Việt Nam hoặc phái đoàn của Chính phủ Việt Nam đi qua làm việc với Tòa thánh là công việc của tổ công tác chung, hay là Nhóm làm việc chung. Tại vì giữa hai bên đã quyết định với nhau để bàn về vấn đề có thể tiến tới quan hệ ngoại giao hay không. Việc này không dính dáng gì đến Bộ Giáo luật hết. Hai bên đồng ý với nhau làm với nhau vài năm nay rồi.”

Còn mang tính hình thức

Từ trong nước, Linh mục Đinh Hữu Thoại, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam cho biết ý kiến của ông:

Việc phái đoàn Tòa thánh đi qua Việt Nam hoặc phái đoàn của Chính phủ Việt Nam đi qua làm việc với Tòa thánh là công việc của tổ công tác chung, hay là Nhóm làm việc chung. Tại vì giữa hai bên đã quyết định với nhau để bàn về vấn đề có thể tiến tới quan hệ ngoại giao hay không…Hai bên đồng ý với nhau làm với nhau vài năm nay rồi

-Linh mục Trần Đức Anh

“Theo tôi nhận thấy thì thật ra các cuộc thăm hỏi qua lại gần đây tương đối đều đặn, có nghĩa là không gặp cản trở nào. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là chất lượng, kết quả của những buổi làm việc đó có mang lại ích lợi cho giáo hội địa phương hay không. Điều này mới là quan trọng.”

Một số các linh mục ở Việt Nam mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cũng chia sẻ có đồng quan điểm với Linh mục Đinh Hữu Thoại. Các vị linh mục này nhấn mạnh rằng những cuộc gặp gỡ giữa Vatican và Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua hầu như cũng còn mang tính hình thức và những vướng mắc giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam với Chính quyền Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.

Một trong những trường hợp, mà các vị linh mục chúng tôi trao đổi, cho rằng là một cản trở lớn, như việc bổ nhiệm các giám mục tại Việt Nam, theo quy định của Giáo hội Công giáo La Mã là do Vatican chỉ định. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này vẫn phải thông qua Nhà nước Việt Nam, và chỉ được bổ nhiệm với điều kiện Chính phủ Việt Nam đồng ý.

Tồn tại nhiều khó khăn

Sinh hoạt của cộng đồng Công giáo tại Việt Nam có thể nói gặp nhiều khó khăn và thử thách, điển hình kể từ khi biến cố thảm họa môi trường biển Formosa xảy ra hồi đầu tháng Tư năm 2016 cho đến nay. Hàng trăm giáo dân ở 4 tỉnh Bắc miền Trung, không chỉ phải đối mặt với cuộc sống khốn khó do bị ảnh hưởng hậu quả của thảm họa Formosa, mà còn bị gặp nhiều trở ngại với chính quyền địa phương, như khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại bị tòa án trả đơn, đi kiện tập thể bị công an an ninh đàn áp, bị côn đồ hành hung, thậm chí các Hội Cờ Đỏ được chính quyền tiếp tay để sách nhiễu, đe dọa đời sống của giáo dân, cũng như cố tình gây ra sự chia rẻ lương giáo.

Không những vậy, các giáo dân lên tiếng liên quan thảm họa Formosa còn bị truy tố hình sự, như trường hợp của Hoàng Đức Bình bị 14 năm tù giam, Nguyễn Văn Hóa bị 7 năm tù giam, 4 phụ nữ ở giáo xứ Đông Yên bị tổng cộng 12 tháng tù giam. Các vị linh mục hỗ trợ và đồng hành với giáo dân là nạn nhân của thảm họa Formosa, như hai Linh mục Đặng Hữu Nam và Linh mục Nguyễn Đình Thục còn bị chính quyền địa phương cáo buộc kích động giáo dân gây rối.

Trong một lần chia sẻ với RFA về các vấn đề liên quan vừa nêu, Đức Giám mục Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết Hội đồng Giám mục Việt Nam chọn lựa thái độ hành xử mà không gây tổn thất lớn cho cả hai phía, là giáo giân và chính quyền.

Vào hạ tuần tháng Hai năm 2018, Linh mục Đặng Hữu Nam lên tiếng khẳng định Chính quyền tỉnh Nghệ An đã gây sức ép lên Hội đồng Giám mục Việt Nam buộc phải thuyên chuyển ông sang phụ trách giáo xứ khác. Linh mục Đặng Hữu Nam nói với RFA rằng yêu cầu này còn được gửi đến Vatican.

Theo tôi nhận thấy thì thật ra các cuộc thăm hỏi qua lại gần đây tương đối đều đặn, có nghĩa là không gặp cản trở nào. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là chất lượng, kết quả của những buổi làm việc đó có mang lại ích lợi cho giáo hội địa phương hay không. Điều này mới là quan trọng

-Linh mục Đinh Hữu Thoại

Tương tự trường hợp của Linh mục Đặng Hữu Nam, Linh mục Nguyễn Văn Đức, đảm nhiệm Bề trên Giám quản tại Đan viện Thiên An cũng bị Chính quyền Thừa Thiên-Huế gửi đơn đến Vatican yêu cầu thuyên chuyển ông đi nơi khác.

Linh mục Nguyễn Văn Đức được chỉ định giữ chức vụ Bề trên Giám quản ở Đan viện Thiên An trong 3 năm. Trong thời gian này, Đan viện Thiên An gặp nhiều biến cố, mà các đan sĩ của Đan viện khẳng định do Chính quyền Thừa Thiên-Huế gây ra, như cho côn đồ hạ thánh giá, hành hung đan sĩ…

Chúng tôi liên lạc được với Linh mục Nguyễn Văn Đức và ông cho biết vừa hết nhiệm kỳ 3 năm phụ trách Bề trên Giám quản tại Đan viện Thiên An, ông đến Vatican để báo cáo công việc. Linh mục Nguyễn Văn Đức nói với RFA:

“Trong chuyến đi đó thì Đức trình bày công việc đã làm trong 3 năm vừa qua. Cha Bề trên Tổng quyền, Ngài bảo ‘bình thường là nhiệm kỳ 3 năm làm Bề trên Giám quản hết hạn; bây giờ Cha làm thêm 2 năm nữa đi’. Sau đó, Đức bảo trước khi về Việt Nam thì Đức xin phép đi một vòng để thăm các ân nhân, các nhà dòng ở Pháp đã ủng hộ trong thời gian vừa qua. Đức đi một vòng, khi Đức quay lại Roma để về Việt Nam, thì Cha Bề trên Tổng quyền bảo rằng “Thôi, chương trình về Việt Nam của Cha dừng lại. Tại vì Chính quyền Huế viết thư gửi đến Vatican đòi trục xuất Cha, ngay cả các Bề trên ở Việt Nam cũng bảo không nên để Đức làm tiếp vì có thể gây an ninh mất trật tự’. Đức nói là nếu Bề trên ở Roma và Bề trên bên Việt Nam không muốn thì Đức ở lại để Đức nghiên cứu tiếp.”

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến của một số vị linh mục và nhiều giáo dân tại Việt Nam cho là không mấy hy vọng vào mối quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Việt Nam được cải thiện thiện tích cực một cách nhanh chóng trong thời gian tới. Họ khẳng định trái lại tình hình sinh hoạt của Giáo hội Công giáo nói riêng, các tôn giáo khác tại Việt Nam nói chung sẽ gặp rất nhiều khó khăn do Chính quyền Hà Nội ban hành Luật Tôn giáo mới, mà Hội đồng Liên tôn Việt Nam gọi đó là một bước lùi trong tự do tôn giáo tại Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vatican-and-vietnamese-government-relationship-improved-03092018133220.html

 

Dân Biểu Correa

tổ chức lễ vinh danh cựu quân nhân chiến tranh Việt Nam

Dân Biểu Hoa Kỳ Lou Correa sẽ tổ chức lễ vinh danh các cựu quân nhân chiến tranh Việt Nam vào cuối tháng 3 này, đồng thời sẽ đệ trình một văn bản lên Hạ Viện Hoa Kỳ để bày tỏ tấm lòng tri ân đến họ.

Theo một thông cáo báo chí từ văn phòng Dân Biểu Lou Correa gửi ra hôm Thứ Sáu 9 tháng 3, buổi lễ vinh danh sẽ được tổ chức tại thành phố Anaheim, miền Nam tiểu bang California. Tại đây, Dân Biểu Lou Correa sẽ trao huy hiệu cho các cựu quân nhân chiến tranh Việt Nam của quân đội Hoa Kỳ, thân nhân của các tù nhân chiến tranh và các quân nhân bị mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Đặc biệt, Dân Biểu Lou Correa cũng sẽ vinh danh các cựu quân nhân và thân nhân của các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hoà, những người đã từng sát cánh với quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Người tham dự có thể ghi danh trong những tư cách gồm: cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hoà, thân nhân của cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hoà, cựu quân nhân chiến tranh Việt Nam phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, hoặc thân nhân của cựu quân nhân chiến tranh Việt Nam phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ. Hạn chót ghi danh là ngày 16 tháng 3. Buổi lễ vinh danh sẽ diễn ra từ 4 giờ đến 6 giờ chiều ngày 29 tháng 3 tại trường Savanna High School, địa chỉ: 301 North Gilbert, Anaheim, CA 92801, góc đường Lincoln và Gilbert.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/dan-bieu-correa-to-chuc-le-vinh-danh-cuu-quan-nhan-chien-tranh-viet-nam/